Truyện ngắn của Trung Kim
Thay đổi trang: << < 4 | Trang 4 của 4 trang, bài viết từ 46 đến 52 trên tổng số 52 bài trong đề mục
NgụyXưa 08.03.2010 08:07:20 (permalink)

Anh nói TÊT về thăm VN sao không nghe thấy gì cả?
NX không được khoẻ anh TK ạ. Mồng hai Tết phải vào bệnh viện vì những cơn đau quặn, bây giờ cũng chưa khỏi hẳn, bà xã bắt về nhà để trông coi chứ không cho lêu lổng, nên định hỏi TK cách "Dối Vợ" là vì thế.
#46
    trungkim 09.03.2010 12:11:24 (permalink)
    Bút ký 1:
                     Những phút giây hoảng loạn trong đời
     
    <bài viết được chỉnh sửa lúc 09.03.2010 13:51:22 bởi trungkim >
    #47
      trungkim 09.03.2010 13:41:09 (permalink)

      Trích đoạn: NgụyXưa


      Anh nói TÊT về thăm VN sao không nghe thấy gì cả?
      NX không được khoẻ anh TK ạ. Mồng hai Tết phải vào bệnh viện vì những cơn đau quặn, bây giờ cũng chưa khỏi hẳn, bà xã bắt về nhà để trông coi chứ không cho lêu lổng, nên định hỏi TK cách "Dối Vợ" là vì thế.


      TK xin chia sẻ điều không may của anh và chúc anh mau khoẻ hẳn để sang năm về thăm VN!
      Chà..cách "dối vợ" kiểu này cũng khó à nghen! Chị "cột" anh lại là lo cho sức khoẻ của anh đó mà. Nếu "dối" để thoát đi leu lổng lỡ có bề gì thì chị ấy truy ra ai chỉ đường cho hươu chạy là mệt cho tk đó.
      #48
        trungkim 09.03.2010 13:45:38 (permalink)
        Bút ký 1:
                         Ký ức buồn


               Em gái tôi từ phố Buôn Ma Thuột về và lao vào nhà bật oà lên khóc: “Mẹ..mẹ chết rồi kìa!”. Tôi không tin vào tai mình: “Cái gì?”. “Mẹ chết rồi.. ôi!”. Tôi choáng váng mặt mày, mẹ tôi còn trẻ kia mà, mới 47 tuổi thôi, sao lại chết?! Bật dậy và chẳng biết mình phải làm gì, tôi chạy loanh quanh, hết xuống bếp rồi chạy ra vườn. Chạy ra vườn cũng chẳng biết làm gì thì lại lao vào nhà. Đúng là với cái tuổi mới vừa hai mươi của tôi thì tôi lo chưa tới thật. Thêm vào đó là điều đau đớn vừa đột ngột ập đến với tôi ngoài sức tưởng tượng của tôi. Bầy em nhỏ dại khóc oà lên khiến tôi càng hoảng loạn hơn. Chợt nhìn thấy bàn thờ ba thì tôi nghĩ từ nay sẽ có thêm ảnh mẹ nữa. Thế là tôi vội vàng dọn dẹp bàn thờ. Nhưng khi thấy tượng chúa mẹ thì tôi lại nghĩ công việc đầu tiên khi một người công giáo chết chắc là báo cha xứ biết để cha và họ đạo cầu nguyện cho linh hồn được cứu rỗi. Thế là tôi phóng chạy đến nhà thờ. Em gái tôi rượt theo: “Anh chạy đi đâu vậy, mẹ đang nằm một mình trên nhà xác!”. Tôi khựng lại rồi không biết nên tiếp tục đến báo cho cha xứ hay đón xe lên bệnh viện. Nhưng sợ báo trễ, lỡ cha xứ tự ái không làm phép xác thì mẹ buồn nên tiếp tục chạy đến nhà thờ. Cha xứ chia sẻ nỗi mất mát của tôi bằng những tiếng chuông ngân buồn rời rạc, u uẩn. Tiếng chuông đồng thời như thông báo cho cả giáo xứ biết.
         
              Tôi cùng em gái tôi đón xe lên phố. Khi đến bệnh viện thì trời đã tối. Nhìn cái nhà xác lạnh tanh và tối om thì em tôi rùng mình tái mặt khiến tôi cũng sợ theo. Cả hai anh em đến ngồi trên một ghế đá đối diện với nhà xác rồi nhìn vào nhà xác mà khóc. Em gái tôi khóc mệt rồi thì tựa đầu vào thành ghế và ngủ thiếp đi. Lúc này tôi mới biết đêm dài lê thê như thế nào. Nước mắt tôi cứ tuôn trào, lòng dạ tôi cứ ray rứt đau xót trách mình vô tâm. Hơn hai tháng trước, nằm ngủ mơ, tôi đã thấy mẹ tôi chết và tôi đã khóc quá. Trong mơ tôi đã ước ao mẹ tôi sống lại. Khi tỉnh giấc, tôi mừng quá vì đó chỉ là giấc mơ. Thế mà sau đó tôi quên mất giấc mơ. Giá mà tôi tin giấc mơ là điềm báo trước thì tôi chẳng hạn như bảo mẹ tôi ra Huế thăm bà ngoại hoặc đi vào Sài Gòn thăm cậu tôi chắc là tránh được luồn gió độc ở Tây Nguyên. Hoặc nữa là tôi luôn luôn ở bên cạnh mẹ tôi thì có thể số mạng mẹ tôi lại khác đi. Và nếu số phận mẹ tôi không thể khác được thì ít nhất lúc nhắm mắt cũng có tôi bên cạnh.


               Trời vừa rạng sáng thì anh em tôi rón rén bước vào nhà xác. Mẹ tôi nằm đó đơn côi lạnh lẽo và chúng tôi chỉ biết khóc. Người đàn bà canh giữ nhà xác đến nói với chúng tôi: “Nằm đây cả ngày đêm hôm qua chẳng có nhang đèn gì, tao tưởng chị này không có thân nhân chứ! Bọn mày là gì?” “Dạ là con ruột…”Sao không nhang đèn gì cho mẹ mình ấm lòng hả trời!”. Anh em tôi nhìn nhau ngơ ngác. Tôi nói: “Dạ..vì tụi con không biết phải nên làm gì…” “Thôi, nhìn là biết tụi mày nghèo rồi, tao bày làm đơn đưa lên bác sỹ lãnh đạo xin một cái hòm về lo cho đỡ tốn kém…”. Tôi làm theo lời người đàn bà và được bệnh viện cấp một quan tài bằng gỗ.
         
              Tôi cám ơn người đàn bà canh giữ nhà xác đã bày cho tôi xin được một quan tài nhưng tôi cũng thầm trách bà ta. Anh em tôi định bụng sẽ gỡ chiếc nhẫn vàng ta 1 chỉ mà mẹ tôi thường mang ở ngón tay ra đem bán để thuê xe chở mẹ tôi về. Nhưng khi cầm bàn tay mẹ tôi lên thì chiếc nhẫn đã biến mất. Em gái tôi chắc chắn khi đem mẹ vào nhà xác thì vẫn còn trên ngón tay mẹ nhưng vì tội nghiệp và thương mẹ quá mà không nỡ lột ra. Ở trong nhà xác này nếu không phải thân nhân người chết thì ai dám và ai được giở tấm drap trắng trùm kín xác ngoài người canh giữ nhà xác?
         
              Tôi thuê chiếc xe lam và xin tài xế trả bằng mấy bao lúa. Tài xế bằng lòng khiến chúng tôi mừng quá. Nhưng chuyện không may khác lại đến nữa, tôi định đặt mẹ tôi vào quan tài rồi khiên lên xe cho tiện và gọn, vì lòng xe cũng hẹp quá, trớ trêu thay cái quan tài lại ngắn hơn người mẹ tôi. Đến năn nỉ người cho lãnh quan tài thì được phán: “Có gì cho đó chứ bây giờ lấy đâu ra đổi!”. Anh em tôi nhìn nhau chưa biết phải làm gì thì tài xế bảo để cho mẹ tôi nằm trên quan tài rồi chở về. Tôi thấy như thế cũng được thay vì mua chiếu lót dưới sàn xe.


              Sau khi xúc mấy bao lúa trả cho tài xế thì tôi thẫn thờ chẳng biết phải làm gì tiếp theo. Hàng xóm đến xem rất đông nhưng chín người thì mười ý khiến tôi bấn loạn. Có người bảo tôi đến nhờ ông chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp giúp đỡ nhưng khi gặp ông thì ông bảo nhà ông đang lo chuyện đám cưới cho con gái vào ngày mai nên không có thời gian. Ông hàng xóm ở cạnh nhà tôi thấy tôi chạy tới chạy lui thì đến vỗ vai tôi, nói: “Anh em tụi mày còn nhỏ quá chưa biết gì lại nghèo hèn nữa nên khó tính tới đấy!” “Dạ..bây giờ con phải làm sao hả bác?” “Thì phải lo tìm người tẩm liệm xác đi đã chớ sao!” “Dạ..ai biết làm ạ?” “Nếu không có ai thì tao làm dùm cho!” “Dạ, con vô cùng đội ơn bác…” “Có hòm chưa?” “Dạ, bệnh viện có cho một cái nhưng ngắn hơn người của mẹ con” “Vậy thì làm sao, ngắn nhiều không?” “Dạ..khoảng gần một gan chân” “Bây giờ tụi mày nghèo, bà con dòng họ cũng chẳng có ai ở đây để trông cậy, tao bày cho tụi mày muốn nhanh thì chỉ có cách cưa bớt hai chân của mẹ mày đi thôi!”. Tôi nhìn sửng sốt ông ta mà chẳng biết vì sao ông lại thốt ra được những lời như thế. Ông thiếu suy nghĩ, thiếu giáo dục văn hoá hay ông khinh tôi còn con nít chưa nhận biết đúng sai, chưa biết chấp xét gì? Có một điều chắc chắn tôi nhìn thấy trong mắt ông là ông đang coi rẻ anh em tôi nghèo hèn, mồ côi và không thân thế bà con. Thấy tôi tỏ vẻ bực tức, ông lẳng lặng bỏ về. (Thế mà sau này, khi em trai tôi chết, trớ trêu thay lại cũng bị ông này tẩm liệm xác. Có dịp sẽ nói về câu chuyện này ở một bút kí khác).


              Cuối cùng thì đâu cũng vào đấy, mẹ tôi có được một quan tài khác nhờ một người hàng xóm đồng ý đổi một bộ gỗ giỗi (dầu mít) lấy mười bao lúa mà ông đã đi cưa ở trong rừng về để sẵn trong nhà chờ cha ông cũng sắp đến tuổi gần đất xa trời.
         

            Sáng sớm hôm sau, anh em tôi thẫn thờ lẽo đẽo theo một chiếc máy cày Yanma kéo thêm một cái rờ mọt nhỏ chở quan tài của mẹ tôi hướng về nghĩa địa. Xóm làng hầu như không có ai đưa tiễn, bởi họ đang chuẩn bị đi ăn đám cưới con gái ông chủ nhiệm Hợp tác xã.
        <bài viết được chỉnh sửa lúc 08.09.2010 01:43:43 bởi trungkim >
        #49
          trungkim 27.03.2010 10:52:04 (permalink)
          Truyện ngắn                            
                                                      Tiền nhàn rỗi
           
            - Tiền nhàn rỗi là tiền đ. gì! 
                Hắn chửi đổng lên như thế khi nghe trên ti vi cứ lập đi lập lại cụm từ này. Vợ hắn chưa bao giờ nghe hắn văng tục như thế, lại giữa lúc vợ chồng đang “căng cu ru” với nhau, thì cứ nghĩ chồng mình đang lấy cớ để chửi mình. “Làm ơn đừng có chửi gián tiếp như thế nha!” “Tui chửi tiền nhàn rỗi chứ chửi cô à!” “Sic..người ta thừa mứa tiền bạc đến nổi không còn biết dùng vào mục đích gì nữa thì mới có tiền nhàn rỗi, chứ như anh thưởng tết có một hai triệu thì làm gì có tiền nhàn rỗi!”. Hắn lặng thinh bực bội. Cũng vì lương thưởng tết chẳng có bao nhiêu mà vợ chồng hắn lục đục trong mấy ngày nay. Thật ra thì hắn buồn bực chuyện mình không làm ra được nhiều tiền để lo cho gia đình từ lâu. Vợ hắn mới sinh con đầu lòng mấy tháng cần chi tiêu nhiều, vật giá thì càng ngày càng tăng mà lương hướng của hắn thì dậm chân tại chỗ. Hắn đâu phải là kẻ không có năng lực. Trước đây người ta còn định đưa hắn làm phó giám đốc vì sự nhiệt tình, cách làm việc sáng tạo, có óc tổ chức lẫn cả tư cách đạo đức và trình độ văn hoá của hắn đều nổi bật hơn hẳn mọi người trong công ty đấy chứ. Nhưng hắn có một cái tội là quá bộc trực, thẳng thắn nên không hợp rơ với ông tổng giám đốc kiêm bi thư đảng của công ty. Và cũng vì thế nên hắn bị đì làm một nhân viên bình thường có mức lương còn thua một anh công nhân. Đến kì lương thưởng lại càng bực bội hơn, những thằng biết nịnh hót, biết bảo sao làm vậy thì lương gấp năm bảy lần hắn. Hắn cầm bình hoa ném một cái thật mạnh ra đường vỡ toang khiến vợ hắn hoảng hốt. “Tui hỏi tiền nhàn rỗi là tiền gì sao cô lại kiếm chuyện với tui..ui!” “Ai kiếm chuyện? Người ta lương thưởng bao nhiêu? Còn anh đem về cho vợ con bao nhiêu mà không biết nhục. Tui ẵm con dại lấy đâu ra tiền để lo đây? Nuôi không nổi vợ con thì li dị đi. Đàn ông gì mà nhục quá…”.
               Hàng xóm ngạc nhiên thấy vợ chồng hắn bỗng nhiên hục hặc nhau. Từ hồi giờ có vậy đâu. Một người đàn ông cạnh nhà vào kéo hắn qua nhà ông ta ngồi nhâm nhi vài ly rượu chát cùng chờ đón giao thừa và nhằm để xoa dịu cuộc cãi vã của vợ chồng hắn nữa. Hắn phân bua: “Tui bực bội cái cụm từ tiền nhàn rỗi trên ti vi, thế mà nó cứ kiếm chuyện với tui đấy!” “Ôi..chời, anh làm gì có tiền nhàn rỗi mà thắc mắc. Đa số dân nghèo mình làm gì có tiền nhàn rỗi!” “Tui nghe khó chịu với cái cụm từ đó chứ! người ta nói tiền tiết kiệm, tiền dành dụm, tiền kinh doanh, tiền làm ăn, tiền buôn bán, chứ có ai nói tiền nhàn rỗi đâu? Tiền tiết kiệm là tiền do mình không xài hoang phí mà có được. Tiền kinh doanh là tiền dùng để buôn bán làm ăn. Chẳng lẽ tiền nhàn rỗi là tiền mình không làm gì cả mà có à? Hay là tiền đó nó biết hưởng nhàn như con người?” “Chứ sao nữa! Người có chức vụ quyền hạn mà được người ta đem tới cho những khoản tiền khoẻ không và nhiều đến nổi không biết làm gì nữa thì không gọi là tiền nhàn rỗi chứ gọi bằng gì? Nó cũng xuất hiện trong vòng mười mấy năm trở lại đây thôi và cũng từ cửa miệng của những quan chức chứ dân làm sao biết mà nói. Bực mình làm gì cho mệt! Nghe riết rồi quen. Có những điều bất bình thường nhưng được nghe, thấy, nói và làm theo riết sẽ trở thành bình thường thôi mà!” “Khi điều bất bình thường trở thành bình thường thì loạn cả rồi anh ơi!” “Nhưng có chết thằng Tây nào đâu?” “Ta chết chứ Tây đâu có chết!”
                Chợt thấy vợ mình ẵm con, xách theo một cái va li rời khỏi nhà, hắn hốt hoảng lao ra: “Em..em ẵm con đi đâu thế?” “Tui về nhà cha mẹ tui cho đầm ấm. Tết mà ở trong cái nhà nghèo nàn lạnh lẽo này thì…” “Anh van em, anh biết lỗi rồi..Sang năm anh sẽ giết chết cái lòng tự trọng của anh. Anh sẽ khoát lên người một bản chất ngợm. Anh sẽ học đi bằng hai đầu gối, học biết cúi khom người gọi dạ bảo vâng. Anh sẽ tu luyện để diệt đi cái tật phản biện phản kháng; cái tật hay phân biệt hợp ly, bất hợp lý; đúng sai phải trái. Anh hứa với em sang năm anh sẽ có tiền nhàn rỗi để em gởi vào ngân hàng kiếm lời…
           
                Đúng là ngày làm việc đầu năm hắn đến cơ quan với cung cách khác hẳn. Đầu hắn lúc nào cũng cúi thấp xuống, lưng luc nào cũng khom, miệng lúc nào cũng dạ dạ thưa thưa. Đã thế hắn ăn mặc rất lạ khiến nhiều cán bộ nhân viên trong cơ quan cứ hỏi hắn may ở hiệu nào mà hợp thời quá. Đặt biệt nhất là cái quần có may đệm thêm hai miếng da dày cộm ở hai đầu gối và cái lai áo sau thì dài hơn cái lai áo trước rất nhiều. Người ta thắc mắc thì hắn giải thích rằng hai đầu gối để đi cho lâu mòn, còn lai sau dài hơn lai trước là để cân đối hơn khi mình khom cúi.
                Sau khi họp mặt đầu năm ở cơ quan xong, hắn mời tổng giám đốc và các giám đốc về nhà hắn gọi là để chúc Tết và tỏ lòng biết ơn lãnh đạo đã cho mình một công việc trong công ty. Trong buổi nhậu, ông tổng cứ lén nhìn vợ hắn mãi,  rồi nói: “Ê..sắp tới công ty tổ chức một cuộc du xuân ở Đà lạt cho cán bộ lãnh đạo trong công ty, chẳng biết vợ mày có nhàn rỗi không?” “Dạ..dạ.. ý tổng giám đốc là sao ạ?” “Ý tao là vợ mày có rảnh không đi theo với tụi mình cho vui đó mà!”. “Dạ..dạ...em đâu phải là lãnh đạo để đi cùng với các anh ạ!” “Không sao, sắp tới mày sẽ làm lãnh đạo. Tao nhìn là biết năm này mày đổi mới tư duy rồi!”. Hắn hớn hở sụp xuống đi thật nhanh bằng hai đầu gối đến trước mặt ông tổng rồi bụm, lạy và bật khóc mừng rỡ: “Dạ..được như thế thì còn gì bằng ạ. Vợ em cũng đang nhàn rỗi, anh muốn là được thôi ạ!”. Ông tổng liếc nhìn vợ hắn một cái khiến vợ hắn bẽn lẽn. Thấy vợ mình càng thẹn thùng càng đẹp khiến ngài tổng phải chết mê chết mệt thì hắn lấy làm hãnh diện. Nhưng hắn chợt đau nhói cõi lòng. Hắn biết nếu muốn có tiền nhàn rỗi thật nhiều thì hắn phải hy sinh vợ nhàn rỗi của hắn cho ông tổng để có được một chức quyền.
           
                Mấy năm sau hắn đã lên làm giám đốc. Bây giờ hắn là bản sao của ông tổng. Hắn cũng rêu rao đạo đức, cũng âm thầm đi gái, cũng hút thuốc cùng loại, cũng muốn nhân viên cấp dưới dâng vợ nhàn rỗi cho mình, cũng biểu hiện nét mặt cùng khổ như chia sẻ nỗi bức xúc với công nhân. Hắn cố làm cho cái miệng của hắn rộng dài ra và méo lên khi nói để giống ông tổng. Nhưng bây giờ hắn có cái tật nhậu vô là khóc. Người ta hỏi vì sao hắn khóc, hắn nói người hắn bây giờ phát tướng: Cái mặt hắn càng ngày càng dầy lên, vì hắn thường xuyên phải cố làm cho bộ mặt mình như người hiền triết, học cao hiểu rộng mỗi khi đứng rao giảng đạo đức trước người lao động. Miệng hắn cũng dài nhọn ra vì phải thường xuyên bắt chước cái miệng của ngài tổng ca ngợi suy tôn lãnh đạo.  Điều mà hắn khóc nhiều hơn nhưng hắn chẳng nói ra cho ai biết: Đó là vợ nhàn rỗi của hắn ngày càng ít nhận ra hắn là ai. Hắn đem tiền nhàn rỗi về cho vợ hắn càng ngày càng nhiều, đồng thời vợ nhàn rỗi của hắn cũng đem “vốn tự có” đi “kí gởi” cho ông tổng càng ngày càng nhiều luôn.
          #50
            trungkim 07.04.2010 23:01:34 (permalink)
            Bạo lực học đường
                Người ta cứ hỏi nhau vì sao bây giờ nhân cách đạo đức của thầy, trò trong trường học lại tồi tệ như thế? Nguyên nhân nào sinh ra bạo lực học đường? Vì sao học sinh chém giết nhau? Sao thầy lại đi mua dâm nữ sinh? Nữ sinh lại đổi chác sự trinh bạch của mình để lấy điểm thi với thấy? Vân vân và vân vân. Một số người cho rằng vì internet, vì sách báo độc hại. Nói vậy thì cũng như cho rằng: Rối loạn, tắc nghẽn giao thông là vì Kinh tế thị trường phát triển nhanh quá, dân số phát triển nhanh quá, chứ không chịu thừa nhận vì cái tầm nhìn của người có trách nhiệm hạn hẹp quá. Thế sinh ra ngành giáo dục để làm gì? Chẳng phải là làm cho con người khoẻ mạnh về Đức, Trí, Dũng để có đủ bản lĩnh và khả năng làm người hoàn thiện? Cũng như ngành y thì làm cho con người khoẻ mạnh về thể xác để phòng chống chọi với các loại dịch bệnh. Có lẽ từ trước giờ cái gì cũng đợi chống chứ chưa phòng nên bậy giờ mới như thế chăng? Cứ đổ thừa cho khách quan thì không bao giờ sửa chữa sai lầm được. Chẳng lẽ các nước có nền kinh tế thị trường và internet phát triển lâu rồi thì thầy, trò chém giết, cưỡng hiếp, dụ dỗ mua bán dâm dữ lắm?


             
            Bút ký:     

                   Dạy con bằng câu tục ngữ, ca dao
                     Mẹ tôi vốn là một học sinh của trường nữ trung học dòng sơ. Một ngôi trường của Pháp mà khi học sinh bước vào cổng trường thì tuyệt đối không được nói một lời nào bằng tiếng Việt. Mẹ tôi lại là một học sinh nội trú trong trường và chỉ được về nhà một ngày chủ nhật cuối tuần. Dĩ nhiên, trong ngày cuối tuần ở với gia đình thì mẹ tôi nói tiếng Việt. Do thời gian từ bậc tiểu học cho đến lúc đậu tú tài được nói tiếng Việt rất ít nên mẹ tôi lại rất thèm nói tiếng Việt.  Có vẻ lạ, một người dòng máu Việt, sinh ra và lớn lên trên quê hương mình mà lại thèm nói tiếng mẹ đẻ. Và cũng chính điều đó khiến mẹ tôi rất yêu quý, trân trọng tiếng Việt.
                 Vì yêu quý tiếng Việt nên mẹ tôi cũng rất yêu thích những câu ca dao, tục ngữ Việt. Thường ngày ở nhà, mẹ tôi hay nói lẫn lộn giữa tiếng Việt và tiếng Pháp. Cho đến sau này khi lấy ba tôi và có chúng tôi thì vẫn quen như thế. Chẳng hạn như: “Đói bụng thì lấy bánh mì trong gạt măng rê (armoires garde – manger) mà ăn!”, “Cái ghi đông (guidon) xe đạp của mẹ bị sét rồi!”. “Cái xúp lê (sifflet) của ông cảnh sát bị hư!”, “Hôm nay mẹ nấu súp (soupe)!”. Chính khi nói xong, mẹ tôi cũng bực bội với cách nói “hầm bà lằng” của mình. Bởi vì nghĩ rằng mình “nghèo” tiếng Việt nên không biết những vật, những điều đó tiếng Việt gọi là gì.
                 Thế là mẹ tôi nghiền ngẫm tục ngữ ca dao Việt. Mẹ tôi cho rằng muốn nói tiếng Việt hay thì hãy học tục ngữ ca dao, thơ ca và lời ru dân gian Việt. Rồi một thời gian sau nữa, mẹ tôi lại thêm rằng: “Muốn làm một người tốt thì hãy học tục ngữ ca dao Việt!”. Không biết những điều đó có thấm nhuần vào cách sống của mẹ tôi hay không, nhưng rõ ràng trước mắt là mẹ tôi dạy tôi và các em tôi bằng câu ca dao , tục ngữ. Bất kể một điều gì xảy ra dù vui hay buồn, thương hay ghét, giận hay hoà, mẹ tôi cũng đưa ra một, hai câu tục ngữ ca dao để giảng giải, răn dạy chúng tôi.
            Tôi mải miết ham chơi không lo học bài thì mẹ tôi:


            - Một kho vàng không bằng một nan chữ

            - Rừng như biển thánh khôn dò
              Nhỏ mà không học, lớn mò sao ra
             
              Không nghe lời dạy bảo thì mẹ tôi:
             
                  - Cá không ăn muối ca ươn
                  - Con cãi cha mẹ trăm đường con hư

               Mẹ thấy anh em tôi chơi với những đứa ngỗ nghịch, phá phách, hỗn láo với cha mẹ thầy cô thì mẹ bảo:

            - Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng

            - Thói thường gần mực thì đen
              Anh em bạn hữu phải nên chọn người
              Những người lêu lổng chơi bời
                 Cũng là lười biếng ta thời tránh xa

              Đôi khi anh em chúng tôi chơi với nhau một lúc rồi cãi lộn khiến mẹ tôi buồn quá, nói:


            - Em thuận, anh hoà là nhà có phúc

            - Con một mẹ như hoa một chùm
              Yêu nhau nên phải bọc đùm cùng nhau
                    
              Mẹ bảo cầm con dao cứa vào tay bên kia. Đương nhiên là tôi không dám cứa rồi. Thế là mẹ nói:


            - Tay chém tay sao nỡ, ruột cắt ruột sao đành

            - Anh em như thể tay chân
               Rách lành đùm bọc, dở hay đỡ đần

              Có khi tôi lỡ nói dối với mẹ điều gì, mẹ trách dạy bằng một câu tục ngữ:


            - Một lời nói dôi, sám hối bảy ngày

            - Ăn ngay nói thật, mọi tật mọi lành
             
               Có lần tôi đổi tính nết tự nhiên nói nhiều khiến mẹ tôi kinh ngạc. Thế là mẹ tôi cho tôi một bài học bằng những câu:


            - Ăn có nhai, nói có nghĩ

            - Nói hay hơn là hay nói

            - Ăn lắm thì hết mồi ngon
              Nói lắm thì hết lời khôn hoá rồ

            - Người mà ăn như rỗng cuốn, nói như rồng leo, thì làm như mèo mửa

             Trong phường tôi ở, có người con trai nghe lời vợ đối xử bất hiếu với cha mẹ thì mẹ lại dạy chúng tôi rằng:


            - Lúc sống thì chẳng cho ăn
              Để đến khi chết làm văn tế ruồi

            - Sanh con ai dễ sanh lòng
              Sanh con ai cũng vun trồng cho con
             
             Thỉnh thoảng trong nhà có món gì ngon, mẹ tôi thường đem chia sẻ với những người hàng xóm và dạy anh em chúng tôi rằng:


            - Họ hàng xa không bằng láng giềng gần

             Khi anh em chúng tôi thành niên, mẹ lại dạy cho chúng tôi học đối nhân xử thế, học ăn, học nói. Em gái tôi vừa cười vừa nói thì mẹ tôi:


            - Chưa đi mà chạy, chưa nói mà cười là người vô duyên

             Có nhiều chàng trai tìm cách tán tỉnh em gái tôi. Mẹ tôi sợ em tôi chợp rợp theo nên thường nói:


            - Con gái giữ lấy tiết trinh
              Siêng năng chính chắn trời dành phúc cho

            - Cái nết đánh chết cái đẹp

                 Thuở ấy, Cả phường chỉ nhà tôi là có cái truyền hình nên mỗi tối bà con kéo đến nhà tôi xem như đi xem xi nê. Trong nhà thì không có đủ chỗ chứa nên tôi khiêng cái truyền hình ra để ngoài sân. Hồi đó tôi chuyên dành làm điều này bởi tôi rất sung sướng khi thấy bà con xóm giềng được vui. Tôi thấy tôi là trung tâm của bao con mắt đang trông đợi vào mình mỗi khi cần điều chỉnh âm thanh hay hình ảnh v.v. Và cũng vì vậy mà tôi chẳng dám nhìn ai trong đám đông giữa sân. Nhưng rồi một hôm, tôi bắt gặp một đôi mắt mơ mộng trên một gương mặt đẹp như Đức Mẹ Maria đang nhìn tôi ngưỡng mộ. Lẽ dĩ nhiên sau đó, tôi và cô gái trở nên “cảm cúm” nhau kinh khủng. Nhưng tình cờ mẹ tôi nghe được những câu nói hỗn láo của cô gái đối với cha mẹ mình. Thế là mẹ tôi lại về thuyết phục tôi bằng những câu ca dao tục ngữ như:


            - Một quan mua người, mười quan mua nết

            - Tốt gỗ hơn tốt nước sơn
               Xấu người đẹp nết còn hơn đẹp người
             
            - Cái nết đánh chêt cái đẹp

                  Cách giáo dục con cái của mẹ tôi không biết có hiệu quả đến đâu. Nhưng như cây cỏ mưa lâu thấm nước trở nên tốt tươi, anh em chúng tôi mỗi lần đối diện với chuyện gì, điều gì khó khăn, vui, buồn, bất trắc, bất hạnh,, tích cực, tiêu cực…đều ứng hiện ra trong tâm trí một câu ca dao tục ngữ cho chúng tôi tĩnh tâm, suy nghĩ phải trái để sống cho tốt hơn. Nhiều khi tôi ngẫm thấy câu thành ngữ của Ballou cũng có lý nữa: “Sự giáo dục bắt đầu từ lòng mẹ. Mỗi tiếng thốt ra cho đứa trẻ nghe là đưa đến sự tạo thành tính cách của nó”. Thật ra cuộc sống của tôi chắc là chịu ảnh hưởng nhiều ở sự giáo dục của ba tôi, thầy giáo ở trường và mẹ tôi. Ba tôi thì rất nghiêm khắc. Mỗi lần tôi lỗi lầm gì thì rất sợ cây roi mây gác chéo trên tường. Ông quất vào mông tôi những roi đau điếng cho tôi biết  lỗi để lần sau không như thế nữa. Thầy giáo dạy chữ nghĩa cho tôi ở trường lúc bấy giờ cũng rất nghiêm khắc. Thậm chí tôi còn bị đòn, bị phạt còn hơn cả ở nhà. Thú thật hồi đó thấy thầy ở xa ngoài đường phố là lo lãng tránh. Sợ thầy cho rằng: “Về nhà không chịu học bài hoặc giúp đỡ cha mẹ mà đi chơi lêu lổng ngoài đường”. Có khi không thể tránh kịp thì xem lại áo quần, tóc tai, cung cách đi đứng của mình. Sợ mai vào lớp, thấy phạt rằng: “Lôi thôi, lếch thếch, nghênh ngang, vô lẽ ngoài đường phố”. Trường học lúc bấy giờ dạy cho con người nhân cách sống, sự gương mẫu đối với xã hội, lòng tự trọng, sự nhận thức phải trái, dạy yêu người và vị tha đối với đồng loại, dạy yêu quý quê hương giống nòi, dạy tự tin và sáng tạo, dạy vạn vật tự nhiên và kỹ thuật, dạy suy luận , phán đoán và tranh luận…Ở bậc tiểu học thì nói tóm lại chỉ dạy cho học sinh trong bốn chữ: ăn, nói, gói và nghe. Học ăn là học ăn xem nồi ngồi xem hướng, biết nhường cơm sẻ áo…Học nói là học đi thưa về trình, lễ nghĩa, nói hay…Học gói là học biết làm việc , biết nấu nướng, biết đóng tập sách, biết làm toán, viết thư…Học nghe là học biết nhận ra cái đúng sai, biết nghe điều hay dở…Hồi đó làm gì có hội phụ huynh học sinh. Nhưng chuyện gì liên quan đến hạnh kiểm và văn hoá của tôi là ba mẹ tôi biết ngay, có khi ba mẹ tôi phải đến trường gặp ban giám hiệu để bàn cách khắc phục những yếu kém của tôi. Ba mẹ tôi cho rằng để có một người hoàn thiện thì phải có một môi trường xã hội trong lành, một ngôi trường giáo dục tốt và một gia đình gương mẫu. Ba tôi cũng là tấm gương vì mọi người cho tôi noi theo: Không chỉ là chữa bệnh giúp xóm giềng mà mỗi lần có dịch bệnh hoặc hằng quý, ba tôi đem thuốc ở sở y tế về chích ngừa cho cả khu vực. Tôi rất tự hào vì ba tôi được mọi người trân trọng, yêu mến. Lúc bấy giờ tôi cũng ước mơ làm được một điều gì đó cho mọi người để tôi cũng được mọi người quý trọng như ba tôi. Mẹ tôi nói, môi trường bên ngoài ảnh hưởng rất nhiều đến nhân cách và cuộc sống của một con người. Chẳng hạn như một gia đình gốc miền trung chuyển vào sống ở miền nam rồi sinh con cái thì hầu như những con cái này cũng nói giọng miền nam luôn. Một đứa trẻ nòi giống Tiên Rồng, sinh ra ở Việt Nam mà bay qua sống bên Mỹ thì lớn lên là nói tiếng Mỹ rồi. Một xã hội đầy dẫy bất công, thực dụng và vô tâm; Một trường học ít chú trọng đến giáo dục nhân cách và một gia đình có cha mẹ sống không gương mẫu, không trung thực thì chắc chắn con cái khó có thể sống tốt hơn được. Bởi thế ba mẹ tôi cho tôi đi sinh hoạt Hướng đạo sinh vào ngày chủ nhật để tôi khỏi phải rong chơi vô lối. Thật ra chúng tôi tới đây cũng là chơi thôi chứ không phải vì mục đích tuyên truyền, tư lợi hay chính trị nào khác. Nhưng cái chơi của Hướng đạo sinh là học làm người mà không biết mình đang học làm người. Chúng tôi học đủ thứ, học thắt dây gút, học cứu người, học giúp đỡ mọi người bất cứ lúc nào, học ứng xử và đói phó khi gặp tình huống bất trắc…
                  Thế nhưng, khi trưởng thành ra đời làm người, tôi thấy đọng lại trong tâm khảm tôi cái đạo đức làm người rõ nhất, chính là những câu tục ngữ ca dao.
            <bài viết được chỉnh sửa lúc 07.04.2010 23:19:43 bởi trungkim >
            #51
              trungkim 08.09.2010 01:47:47 (permalink)
              Nhân Quả

              “Chà, con Ủn bây giờ trỗ mã đẹp ghê! Ngực nở, eo thon, đôi má ửng hồng, dáng dấp đầy đặn làm mấy thằng trong xóm cứ lạng qua lạng lại trước ngõ.”
              Con Ủn thẹn thùng ngồi nép xuống bên cạnh bà Tư bán trái cây khi nghe bà khen. “Con 17 tuổi rồi bà ạ!” “Ừ..nhưng biết suy nghĩ một chút kẻo khổ nghe con!” “Sao ạ?” “Sao là sao? Chứ má mày không đẹp à. Má mày không thua gì mày bây giờ đâu nghe. Ừ, mà bà ngoại mày không chừng còn đẹp hơn cả hai mẹ con mày nữa đó!” “Sao bây giờ bà biết má con khổ? Má đi biệt tích bao nhiêu năm rồi ai mà biết được sống chết ra sao”. “Tao nói thiệt nghe, không ai mà bất hạnh, bất nhân như má mày. Tự nhiên khi không bỏ chồng bỏ con đi biền biệt…”
              Ủn hai hàng nước mắt bỗng dưng tuôn trào. Ai cũng quở trách mẹ nó. Ba nó cũng thế. Nhưng nó thì không oán trách gì, trái lại còn thương mẹ nó hơn. Nghe người trong xóm chợ này kể lại nỗi bất hạnh của dì và cậu nó xưa kia thì thấy xót xa quá. Cũng ở cái chợ nhỏ này, chính xác là trên cái bục gỗ bán trái cây của bà Tư này, đêm đêm dì và cậu nó nằm co ro vừa lạnh lẽo, sợ hải vừa muỗi đốt. Người ta nói con gái nhờ đức cha mà ông ngoại nó ác quá thì mẹ nó phải chịu tội thay thôi. Chỉ tội cho mẹ nó phải gánh chịu quả báo còn nó thì phải sống thiếu thốn tình yêu thương của người mẹ và lúc nào cũng gánh lấy những ánh mắt, lời lẽ dèm pha của hàng xóm rằng mẹ nó bỏ chồng con theo trai.
              Ông ngoại nó lúc còn trẻ là một cán bộ công an. Khi về điều tra vụ án dưới Mỹ Tho thì gặp bà ngoại nó. Bà ngoại nó tuy đã có chồng hai con nhưng rất trẻ đẹp khiến những chàng trai trong vùng ai cũng phải thầm ước gì cô ấy chưa có gia đình. Ông ngoại nó cũng xúc động trước vẻ đẹp của bà như nhiều chàng trai khác nhưng ông còn muốn chiếm giữ luôn cái nhan sắc ấy cho mình. Với vẻ phong độ hơn, thị thành hơn, ông đã làm cho bà phải lụy tình ông. Thế là bà bỏ chồng con theo ông về Sài Gòn ở. Thật ra thì ông cũng yêu thương bà thật lòng nên về Sài Gòn ông mua cho bà một căn nhà cạnh bên chợ này để chung sống với bà. Chẳng biết có phải vì chuyện ông quyến rũ bà mà ông bị sa thải khỏi ngành công an không, nhưng từ đó ông về mở tiệm buốn bán đồ gia dụng điện nước với bà trong căn nhà này.

              * * *
              Người đàn ông với đôi mắt u buồn dặn dò hai đứa con chừng 8, 9 tuổi của mình rằng khi nào ông chết thì lên Sài Gòn mà tìm mẹ. Lâu nay ông mặc cảm vì chuyện mình bị vợ bỏ nên dứt khoát không cho hai con mình được liên hệ với mẹ chúng. Rồi ông buồn tình uống rượu suốt ngày đêm cho đến khi bị xơ gan luôn. Nay ông biết bệnh của ông chỉ sống vài ba ngày nữa thôi nên chỉ còn cách nói chỗ ở của mẹ chúng để may ra mẹ chúng còn chút lòng thương con mà lo cho.
              Đúng là mấy ngày sau ông chết. Thấy hai đứa con bơ vơ tôi nghiệp, một người trong làng đem hai đứa con lên Sài Gòn và tìm tới xóm chợ này giao cho mẹ chúng.
              Thương con còn nhỏ dại mà không nơi nương tựa và cũng không còn cách nào khác, chị đành phải để chúng sống chung với mình. Nhưng chỉ được vài ngày, ông Năm, chồng sau của chị, mặc sưng mày sỉa, vào mắng ra chửi khiến chị rất khổ tâm. Phải chi ông Năm còn làm công an thì đỡ. Cả ngày ông đi tối mới về thì chị chịu đựng sự dằn vặt như thế một chút cũng được đi. Đằng này phần bị nghỉ việc, phần suốt ngày nhìn thấy chị lo chăm sóc hai đứa con riêng hơn hai hai đứa con chung thì ông càng bực bội hơn.

              - Má ơi..hai đứa con có làm gì đâu mà dượng đánh rồi đuổi đi hả má!
              Chị ôm hai đứa con đầy dấu bầm tím vào lòng mà hai dòng nước mắt cứ tuôn trào. Chị dẫn hai đứa ra góc chợ rồi trải chiếu lên cái bục gỗ bán trái cây của chị Tư.
              - Tối rồi, hai con tạm ngủ ở đây để mai má tính.
              - Má có ngủ với tụi con ở đây không hả má? – bé gái nói
              - Má..má phải vào nhà không thôi dượng đánh má…
              - Không..ông! - Bé gái vùng vằng – Con vô ngủ với má chứ con không ngủ đây đâu. Đây hôi lắm, muỗi cắn nữa…
              - Dượng đuổi mình đi rồi mà còn vô trong đó nữa thì dượng đánh chết đó! – Đứa trai nói
              Chị nằm xuống chiếu để hai đứa con chị nằm theo. Một lúc sau, có lẽ bị đòn roi mệt mỏi, cả hai ngủ thiếp đi. Chị khóc rấm rứt bên hai đứa con mình một lúc rồi rón rén đi vào nhà.

              Đến khuya, cả hai đứa thức giấc. Nhìn không thấy mẹ, chúng khóc thút thít. Chúng càng sợ hơn khi thấy chung quanh vắng lặng. Cả hai cứ nhìn vào căn nhà đóng cửa im lìm cách khoảng vài chục mét mà chúng biết mẹ mình đang ngủ ở trong đó. Bé gái bỗng đứng bật dậy, chạy nhanh đến trước căn nhà rồi ngồi sụp xuống vừa mếu máo vừa gọi:
              - Má ơi..cho con vô ngủ với má đi.. ở ngoài chợ con sợ lắm…
              Thằng anh hốt hoảng chạy tới kéo tay em gái mình trở lại chợ thì bé gái không chịu. Nhưng khi nghe tiếng ông Năm quát la mẹ mình ở trong nhà thì cả hai sợ quá, lẳng lặng trở lại góc chợ.

              Hai anh em co ro ngồi ôm nhau mà cứ lấm lét nhìn quanh. Có lẽ lúc này chúng mới cảm nhận được cái cảnh vắng lặng, tẻ nhạt, lạnh lùng và chẳng an toàn chút nào của thành phố. Chúng thấy sự nguy hiểm như lúc nào cũng đang rình rập chúng. Bé gái mếu máo chỉ vào căn nhà có mẹ mình trong đó: “Dẫn em vào với má đi..Em không ở đây đâu..sợ lắm!”. Thằng anh lắc đầu: “Dượng đuổi đi rồi mà mình cứ vào trỏng là dượng đuổi má đi luôn đó. Tội nghiệp má..Thôi để má ngủ. Chờ chút trời sáng thì má ra với mình mà!” Bé gái nghe anh mình nói vậy thì thấy cũng thương mẹ nên lặng thinh nhưng đôi mắt cứ buồn buồn hướng vào cánh cửa căn nhà đóng kín.

              Cả hai cứ ngồi nhìn vào nhà mẹ mình chờ trời sáng rồi mỏi mệt quá thì nằm xuống ngủ thiếp đi cho đến khi những người buôn bán ra nhóm chợ sớm thì chúng bừng tỉnh.
              Chị Tư bán trái cây trố mắt nhìn hai đứa nhóc ở đâu đến lót chiếu nằm ngủ trên bục gỗ của mình liền nói: “Con cái nhà ai lại đến ngủ ở đây vậy trời? Cha mẹ của các con đâu?” Bé gái sợ quá chỉ vào nhà mẹ nó. Chị Tư nhìn theo: “Sao lại ra đây ngủ?” Bé gái mếu máo: “Dượng đuổi!” “À..chuyện nhà ông Năm…”. Chị Tư dường như đã hiểu cớ sự liền tỏ vẻ bất bình: “Đàn ông mà bần tiện, thằng chả chỉ thương con thằng chả. Còn con riêng của vợ thì…Đồ chó! Dụ dỗ vợ đẹp của người ta rồi đối xử như vậy đó. Thôi, hai con ngồi đó chút nữa mẹ con thức dậy ra đem hai con vào nghe!”

              Bé gái thấy cửa nhà mẹ mình vừa mở thì định chạy đến nhưng thằng anh đã kịp ngăn lại: “Coi chừng vào dượng đánh, chờ chút má ra!”.

              Đúng là mẹ chúng rón rén đi ra. Cả hai anh em ôm chầm lấy mẹ mình mà khóc thút thít như tủi như hờn. Mẹ chúng cũng vừa khóc vừa phân bua với chị Tư: “Em không còn cách nào nữa chị ạ..Lòng dạ em đau như dao cắt mà ổng thì chẳng thấu hiểu. Nếu em thương hai đứa này thì lại bỏ hai đứa kia..Em muốn chết đi cho đáng đời em…”. Chị Tư an ủi: “Thôi..cứ để hai đứa ngồi đây với tui đi đến tối ổng hết giận thì vào, chứ ai lại ích kỷ như vậy hoài!

              Nhưng đến tối thì ông cũng lại quát tháo, dằn vặt chị khi thấy hai đứa con riêng của chị ló mặt vào. Thế là chị lại đem hai đứa ra ngủ ở chỗ đêm qua.

              Một thời gian sau, hai đứa con chị trở nên an phận, ngày thì lây lất ngoài chợ, tối ngủ trên bục gỗ bán trái cây của chị Tư. Thỉnh thoảng chúng chạy tới nhìn vào trong nhà ông Năm xem mẹ mình đang làm gì hoặc chỉ để gọi một tiếng “Má!” rồi lại chạy ra chợ. Chị rảnh một chút cũng vói mắt ra chợ xem hai đứa con mình đang ở đâu. Chị cũng giấu thức ăn ra cho chúng nữa.

              Nhưng rồi ông Năm cũng không chịu được vợ ông cứ chia sẻ và phân tâm tình cảm lẫn vật chất như thế nên suốt ngày cằn nhằn, dày vò chị.

              Thế là chị phải nhờ chị Tư đem hai con chị trở về quê để nhờ làng xóm dưới quê thương tình. Chị nói: “Em thấy để tụi nó sống lây lất ở chợ cũng tội. Chi bằng nhờ chị đem chúng về dưới quê…”. Nghe thế hai đứa con chị cứ níu áo chị không muốn đi. Bé gái vừa khóc vừa van nài: “Má cho con ở đây với má nghe. Con hổng về quê đâu..Con nhớ má lắm!”. Chị nghẹn ngào nói: “Con có ở được với má đâu. Hai đứa phải nằm ngoài chợ…”. Thằng anh nói: “Nhưng ngày nào con cũng được thấy má ra đây. Còn về quê là đâu còn thấy má nữa…”

              Tuy thương con nhưng chị phải đành đoạn như thế và từ đó, hai đứa con chị phải sống xa cách chị cho đến khi chị không còn biết tin tức gì về hai đứa con mình nữa.

              Phiền muộn và day dứt hối hận về sự tình mê muội và ích kỷ của mình trong quá khứ, Chị định chắc một ngày nào đó phải đi tìm gặp lại hai đứa con của mình. Chị lén chồng dành dụm riêng một số tiền và nữ trang để sau này cho chúng làm vốn với ý nghĩ là phần nào chuộc lại lỗi lầm. Hai đứa con chung với ông Năm thì chị khỏi phải lo rồi. Chúng được ăn no mặc ấm và nay cũng đã lớn khôn. Đứa con gái đã định ngày lấy chồng.

              Nhưng ngày cưới của đứa con gái cũng là ngày thằng em nó phát bệnh tâm thần rồi đi lang thang ra công viên 23/9 bị bọn xì ke ma túy dụ hút chích. Khi sinh ra con Ủn được mấy tháng thì đứa con gái cũng lấy hết tiền và nữ trang mà chị đã dành dụm cho hai đứa con lưu lạc của chị rồi bỏ nhà đi biền biệt không một lời từ giã chồng con. Chị đau đớn khi nhận ra trời đất đã xui khiến cho con gái chị lập lại cái lỗi lầm của chị. Có lẽ lương tâm cứ ray rứt mãi khiến chị không thể chịu đựng được nữa nên mấy hôm sau, người ta vớt được xác chị nổi lên trên sông, gần chân cầu Sài Gòn.

              * * *
              “Ủn ơi, cái thằng đại gia lái xe hơi hôm qua đến kiếm kìa!” Một người ngồi bán đầu chợ gọi Ủn khi thấy một thằng con trai bóng loáng thắng xe hơi trước hẻm chợ. Bà Tư bán trái cây hỏi: “Bồ mày hả?” “Bồ gì bà ơi, thằng này thay đào như thay áo. Lợi dụng nó để nó chở đi chơi thôi!” Nói xong, Ủn phóng chạy. Mấy bà xóm chợ lắc đầu nhìn nhau như ngầm nói với nhau rằng chắc rồi đời nó cũng khổ.

              Trung Kim
              #52
                Thay đổi trang: << < 4 | Trang 4 của 4 trang, bài viết từ 46 đến 52 trên tổng số 52 bài trong đề mục
                Chuyển nhanh đến:

                Thống kê hiện tại

                Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
                Kiểu:
                2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9