CHƯƠNG 4: TỪ BỊ TRỊ TỚI ĐỘC LẬP Tây Ban Nha rồi Mỹ tại Phi-líp-pin, Hòa Lan tại Indonesia, Anh tại Mã Lai và Miến Điện, Pháp tại Việt Nam, Kam-pu-chia và Lào, năm đại diện thực dân Tây phương đã thống trị và tạo nên một khoảng thời gian vô cùng đen tối trong lịch sử toàn vùng Đông Nam Á. Thái tuy ngoài vòng lệ thuộc trực tiếp nhưng cũng không khỏi chịu đựng nhiều sự chèn ép của Tây phương và vì vậy có thể coi như một khu vực bán thuộc địa của hai đế quốc Anh và Pháp.
Mô tả sơ lược diễn biến lịch sử từ đụng chạm với Tây-phương chuyển qua giai đoạn bị trị tới khi thâu hồi độc lập của các quốc gia trong vùng, chúng tôi chỉ nhằm nối mau chóng quá khứ xa xưa với khoảng thời gian trước mặt để sau đó tạo dịp đề cập thẳng tới những chuyện đang xảy ra hôm nay
[1]. Vì vậy chúng tôi cũng bỏ qua không trình bày phương thức tiến hành chủ nghĩa thực dân của Tây phương và việc phân tích những chuyển biến lớn lao trên bình diện xã hội mặc dầu đó là những điều rất quan trọng trong những va chạm Đông Tây đầu tiên.
Trở ngược lại thời gian, chúng tôi xin khởi đi từ thế-kỷ 16 với khu vực quần đảo Nam Hải qua câu chuyện Tây Ban Nha và thuộc địa Phi-líp-pin.
Hải Đảo Thuộc Tây Ban Nha và Mỹ: Phi-líp-pin Những người Âu chép thế giới sử có cái nhìn các phần đất khác ngoài Châu Âu một cách rất chủ quan đến gần như bất công. Phần đất nào chưa có vết chân người Âu đặt tới thì họ mặc nhiên coi như đất còn trinh nguyên chưa có loài người sinh sống. Vì vậy cái việc đặt chân lên những phần đất ấy của người Âu đầu tiên được khoác cho một động từ rất kêu là
khám phá ra (découvrir).
Với cung cách ấy, sử Phi Luật Tân do người Âu Mỹ viết đã bắt đầu bằng câu “Fernando Magélan đã khám phá ra quần đảo này ngày 16 tháng 3 năm 1521”. Công bằng và hợp lý hơn, chúng ta phải nói nhóm người Âu đầu tiên đến tiếp xúc với dân ở quần đảo Nam Hải này do Magélan cầm đầu. Magélan nguyên là một nhà hàng hải Bồ Đào Nha, nhưng hồi đó phục vụ cho chính phủ Tây Ban Nha.
Hai mươi mốt năm sau, triều đình Madrid cho người trở lại và đặt tên cho quần đảo là Phi-líp-pin (Philippines) theo tên hoàng-tử Philip (sau này là quốc vương Philip đệ nhị của Tây Ban Nha) và đặt nền đô hộ xứ này suốt 350 năm. Cho đến năm 1899, Tây Ban Nha nhượng lại quần đảo cho Mỹ sau trận chiến tranh giữa hai nước. Việc nhượng lại đã được thi hành theo thỏa ước Paris với giá 20 triệu Mỹ-kim mà Mỹ phải trả cho Tây.
Cuối thời Tây Ban Nha đô hộ, có một nhóm trí thức du học Châu Âu về đã lãnh đạo một cuộc nổi dậy đòi bỏ chế độ thuộc địa biến Phi-líp-pin thành một tỉnh của Tây Ban Nha để dân Phi được hưởng quyền công dân như dân Tây Ban Nha. José Rizal, y sĩ kiêm điêu khắc gia, thi sĩ và tiểu thuyết gia, là người nổi bật nhất trong nhóm lãnh đạo. Ông bị bắt, bị khép vào tội phiến loạn và bị bắn chết năm 1896. Cuộc nổi dậy không vì thế mà bị dập tắt, trái lại còn lan rộng ra nhiều tỉnh trở thành một phong trào cách mạng chủ trương lật đổ quyền thống trị của Tây.
Sau mấy tháng chống cự mặt đối mặt với quân đội thống trị, quân cách mạng túng thế phải rút vào vùng rừng núi tiếp tục chiến đấu với chiến thuật du kích. Tới tháng 8 năm 1897 đôi bên điều đình ngưng chiến. Nhưng sau chiến thắng của Hải Quân Mỹ ở vịnh Manila ngày 16 tháng 5 năm 1898, chưa đầy một tháng kể từ khi khởi chiến giữa Tây Ban Nha và Mỹ, thì quân cách mạng lại chỉnh bị lại hàng ngũ và tuyên bố quốc gia Phi độc lập.
Emilio Aguinaldo, người lãnh đạo quân cách mạng thời ấy, vốn thừa kế sự nghiệp của nhóm trí thức khởi xướng, nhưng lại chủ trương thực hiện độc lập hoàn toàn và cải tạo xã hội mạnh mẽ chứ không chấp nhận những đòi hỏi vá víu như trước, nên đã được nhân dân Phi ủng hộ nhiệt liệt. Tháng 1 năm 1899, ngay sau khi trở nên tổng thống của nền Cộng hoà Phi, ông bị lực lượng thống trị kế tiếp là quân đội Mỹ săn đuổi vào vùng rừng núi và tới năm 1901 thì bị bắt. Năm 1902 là năm Mỹ tuyên bố bình định xong toàn quần đảo.
Thực dân Tây Ban Nha trong thời kỳ còn ngự trị trên quần đảo Phi vẫn mượn tay bọn đội lốt giáo quyền Gia Tô để cai quản và bóc lột nhân dân xứ này. Chuyển sang Mỹ, chủ nhân ông mới lại có lũ tay sai mới, đó là những ca xích
[2] và sau này là giới luật gia, thương mại và kỹ nghệ Mỹ học. Chính quyền Mỹ đã cố gắng thu xếp để cho lớp người này kế vị lãnh đạo Phi theo kiểu Mỹ. Năm 1916, Mỹ ban hành một đạo luật (The Jones Act) cho phép dân Phi bầu dân biểu và sau đó Mỹ cũng đã hẹn trao trả độc lập cho Phi vào năm 1946 (Tydings-McDuffie Act năm 1934). Theo hiến pháp do quốc hội Phi soạn ngày 14 tháng 5 năm 1935, nước Phi tự trị dưới quyền bảo hộ của Mỹ thành hình ngày 15 tháng 12 cùng năm do Manuel Quezon làm tổng thống. Ông này được tái đắc cử năm 1941.
Ngày 8 tháng 12 năm 1941, quân Nhật đổ bộ lên Phi. Sau khi thất thủ Bataan và Corregidor, Quezon và chính phủ của ông chạy sang Mỹ. Trong thời gian cầm quyền, Quezon vừa là tổng thống bù nhìn trong tay tướng Mỹ Douglas McArthur, vừa là lãnh tụ đảng duy nhất mang danh là đảng Quốc Gia (Nacionalita), quy tụ những phần tử ca xích chủ điền, sét ty (chetty), v.v… Khi quân Nhật chiếm đảo này thì cũng chính những phần tử trên của đảng quốc gia đứng ra bắt tay với Nhật và do Jose P. Laurel, nhân viên tối cao pháp viện trong chế độ cũ, cầm đầu. Thành phần cộng tác với Nhật trong đảng quốc gia nhiều đến nỗi sau khi McArthur mang quân tái chiếm Phi, chính phủ Phi lưu vong ở Mỹ trở về cũng không biết xử trí làm sao và chính McArthur cũng lọt vào thế kẹt không thể thực hiện ý định sửa trị “bọn phản động” của ông.
Đầu năm 1946, trong cuộc vận động bầu cử tổng thống đầu tiên của nước Phi “độc lập”, đảng quốc gia đã tự phân hoá làm hai với thành phần đa số lấy tên đảng mới là đảng Tự Do (Liberal Party) do Manuel Roxas cầm đầu, và phần thiểu số còn lại vẫn mang danh nghĩa đảng Quốc Gia dưới sự lãnh đạo của Sergio Osmena. Roxas nguyên là bộ trưởng không bộ và giám đốc cơ quan trưng mua ngũ cốc (để tiếp tế cho quân Nhật) trong chính phủ Laurel, đã đắc cử trong cuộc bầu cử này.
Nước Phi độc lập coi như đã thành hình, mặc dù là một thứ độc lập rất giới hạn trong bàn tay khuynh loát của kẻ thống trị cũ là đế quốc Mỹ.
Hải Đảo Thuộc Hoà Lan: In- đô-nê-sia Vào đầu thế kỷ 16, tại quần đảo Nam Dương, giữa lúc đế quốc Majapahit đang tự sụp đổ và sự phân ly đang làm suy yếu toàn thể khu vực thì người Âu lũ lượt kéo sang và đã tạo được ảnh hưởng một cách dễ dàng. Bồ Đào Nha đã xây dựng được cơ sở thương mại trên quần đảo hương liệu Moluccas trước tiên. Tiếp theo là Hoà Lan với những tàu buôn xuất hiện vào năm 1596 ở vùng đảo Bantan tây Java.
Trong cuộc ganh đua kiếm thị trường, Hoà cũng bắt chước Anh thành lập công ty Đông Ấn tung vào Indonesia hoạt động, Suốt thế kỷ 17, Hoà đã lần lượt thắng các công ty Âu Châu khác và dần dần hiện diện khắp vùng biển này. Hoạt động thương mại được kèm theo hoạt động quân sự rồi chính trị. Công ty Hoà không những chỉ củng cố các đảo Moluccas với những pháo thành kiên cố rải trên các điểm trọng yếu của thương lộ trong vùng, mà đồng thời cũng còn kiểm soát luôn cả các eo biển Moluccas và Sunda, và làm cho các tiểu quốc Indonesia suy yếu dần vì sự khống chế về kinh tế và chính trị.
Sang thế kỷ 18, công ty Đông Ấn của Hòa đã đạt được nền tảng hoạt động sâu rộng trên các đảo lớn nhỏ. Lợi tức ngày càng nhiều tràn lan trên những diện tích đất đai ngày càng lớn làm cho Hòa phải lo bảo vệ những quyền lợi bất chính đã thâu đoạt được. Cuộc xâm lược của Hòa được ghi dấu bằng những nét đậm nhất trong 20 năm đánh chiếm Java, một hải đảo quan trọng bậc nhất trong quần đảo. Trước hết là tây Java lọt vào tay công ty Hòa năm 1752, trung Java năm 1755 sau khi các toán kháng chiến cuối cùng của tiểu quốc Mataram bị dẹp tan, và đông Java vào năm 1772. Các công ty Hòa đã triệt để khai thác tài nguyên thiên nhiên nhiên và nhân lực Indonesia, còn quyền chính trị địa phương vẫn được duy trì bằng cách đặt các tiểu vương bù nhìn để trấn an dân chúng.
Sang đầu thế kỷ 19, vì ảnh hưởng trận Âu chiến do Napoléon gây nên, Hòa đã bị Anh thế quyền thống trị ở Java từ 1811 đến 1816. Khi Anh trao trả lại cựu thuộc địa cho Hòa theo hiệp ước hậu chiến giữa hai nước, thì công ty Đông Ấn mất hẳn quyền hành, việc cai trị được chuyển qua chính phủ Hoàng gia.
Cũng ngay thời đó, Java đã trải qua 5 năm (1825-1830) đấu tranh mưu đồ lật đổ chế độ thuộc địa do Diponegoro, hoàng thân đất Jogjakarta cầm đầu. Dân chúng đã nổi dậy vì bị bóc lột quá sức, nên khi chiếm được vùng nào quân khởi nghĩa bèn tàn sát tức khắc những kẻ thâu thuế tàn bạo gồm người Âu và người Tàu
[3] tại địa phương. Về sau, người Hòa mưu bắt Diponegoro trong một cuộc điều đình và đem đày ông ta ở nam Sulawesi.
Indonesia tiếp tục sống im lìm trong nô lệ, mãi tới đầu thế kỷ 20 ảnh hưởng bởi các phong trào quốc gia Á Châu, nhất là cuộc nổi dậy chống Tây Ban Nha của dân Phi do Aguinaldo lãnh đạo, những phần tử trí thức trong nước mới bắt đầu tụ tập lại thành đoàn thể để hoạt động cứu quốc. Tuy nhiên những phong trào đầu tiên mới chỉ thâu hẹp trong phạm vi văn hóa và kẻ tiền phong phải được kể đến trước hết là công chúa Raden Adjeng Kartini xứ Jepara. Bà đã hô hào cải tổ nền giáo dục bản xứ theo Tây phương, và nhất là đã đẩy mạnh công việc giáo dục phụ nữ. Theo chân bà, bác sĩ Wahidin Soedirohoesodo cũng đứng ra thành lập hội Budi Utomo năm 1908 nhằm chấn hưng tinh thần quốc gia qua tổ chức học đường.
Bốn năm sau, một chính đảng đầu tiên đã được thành lập: đảng Hồi-giáo Sarekat Islam. Đảng chủ trương tranh đấu ôn hòa và công khai để đòi hỏi cho Indonesia được tự trị trong đế quốc Hòa Lan. Trên đường phát triển, đảng đã tuyên truyền chủ trương chống người Hòa, người Tàu và cả giới phong kiến Indonesia, nên đã thu hút được khá nhiều đảng viên. Năm 1919 số đảng viên đã lên tới hai triệu rưỡi. 1919 cũng ghi dấu cao điểm bành trướng tột cùng của đảng này, vì ngay sau đó đảng dần dần bị tan rã do sự bất hòa của các khuynh hướng tôn giáo, quốc gia và cộng sản trong nội bộ.
Năm 1920, nhóm Mác xít trong đảng Hồi Giáo tách ra thành lập đảng Cộng Sản, cộng đảng đầu tiên ở Á châu. Cộng Sản hoạt động khá sôi nổi trong các cuộc sách động biểu tình, đình công. Nhưng tới năm 1926, trong một cuộc nổi dậy vội vã với hai trăm chiến sĩ tại Batavia, đảng này đã bị chính quyền thống trị dẹp tan, rồi ruồng bố khắp nơi và đem đi đầy ở tây Irian 1.300 đảng viên.
Năm 1927, Sukarno, một kỹ sư trẻ tuổi, đã đứng ra thành lập đảng Quốc Gia. Chủ trương của đảng là tranh thủ độc lập bằng cách bất hợp tác với người Hòa trong tinh thần tự tín, không bạo động. Hoạt động vỏn vẹn được hai năm, khi số đảng viên mới lên tới 10 ngàn thì đảng Quốc Gia cũng bị giải tán. Chính quyền Hòa Lan đã bắt Sukarno và nhiều lãnh tụ khác rồi cũng đem đầy sang tây Irian.
Trong thế chiến 2, quân Nhật đã tấn công Indonesia vào tháng 3 năm 1942 và đã chiến thắng mau chóng khắp các đảo. Tùy theo các cuộc điều động đơn vị hành quân, bộ tư lệnh Nhật đã giao cho lục quân quản trị đảo Java, hải quân đảo Kalimantan, Sulawesi và các đảo nhỏ, còn Sumatra thì được ghép chung với Mã Lai trong vai điều hành cai trị. Người Nhật đã đưa Sukarno về Java và đặt ông ta vào chức Chủ Tịch Hội Đồng Cố Vấn Trung ương thiết lập hồi tháng 9 năm 1943. Ngày 17 tháng 7 năm 1945 Hội Đồng Tối Cao Chỉ Đạo Chiến Tranh của Nhật quyết định trao trả độc lập cho Indonesia và một Uỷ Ban Dự Bị Độc Lập cũng được tổ chức. Tuy nhiên chưa đầy một tháng sau thì Nhật đầu hàng (ngày 15 tháng 8 năm 1945). Uỷ Ban Dự Bị Độc Lập bèn vội vã tuyên cáo nền độc lập của Tân Cộng Hoà Indonesia trước quốc dân và thế giới (ngày 17 tháng 8 năm 1945).
Sau khi công bố độc lập, Uỷ Ban Dự Bị Độc Lập đã bầu Sukarno làm tổng thống và Hatta phó tổng thống; đồng thời một hiến pháp cũng đã được ban hành. Sukarno đã thành lập nội các và Hội Đồng Quốc Gia Trung Ương với 135 hội viên. Nền Cộng Hòa Indonesia được tô điểm thêm bằng Ngũ Niệm Pantja Sila, nền tảng ý thức chính trị của Sukarno: Thượng Đế, Tổ Quốc, Nhân Bản, Tự Do và Công Lý.
Lợi dụng thời gian sáu tuần lễ từ khi Indonesia tuyên bố độc lập tới lúc quân Anh nhân danh Đồng Minh đến chấp nhận sự đầu hàng và tước khí giới quân đội Nhật, chính phủ Sukarno đã cố gắng vô bờ bến trong việc tổ chức cơ quan hành chánh từ trung ương xuống thôn ấp. Chính phủ cũng thành lập một đạo quân trang bị nhẹ bằng chính vũ khí của Nhật lén chuyển giao. Tuy nhiên, để tránh tiếng về việc Đồng Minh cho là những nhân vật cầm quyền đều là những phần tử cộng tác với Nhật, Sukarno cũng tức thời mở cửa cho giới thanh niên chống Nhật thuộc khuynh hướng xã hội tham dự vào guồng máy chính trị. Hội Đồng Quốc Gia Trung Ương nguyên chỉ đóng vai trò tư vấn đã được mở rộng và đổi thành cơ quan lập pháp. Chính phủ tổng thống chế do chính Sukano cầm đầu bị giải tán và Sjahrir thuộc đảng Xã Hội được đề cử đứng ra thành lập nội các trách nhiệm trước lập pháp. Bốn chính đảng đã được tái lập và hoạt động hợp pháp trong thời kỳ này là đảng Hồi Giáo Masjumi, đảng Quốc Gia, đảng Xã Hội, đảng Cộng Sản.
Cũng tương tự như tình trạng miền Nam Việt Nam sau thế chiến, quân Anh đã mang theo quân Hòa Lan tới Indonesia ngay ít lâu sau những đợt đổ bộ đầu tiên. Anh đã trở lại Miến và Mã, nên cũng muốn giúp Pháp và Hòa trở lại cựu thuộc địa để cùng nương tựa nhau mà tạo lại thời vàng son của thực dân ở Đông Nam Á. Đứng trước sự trở lại của người Hòa, dù có nhiều áp lực nội bộ (nhất là của quân đội) đòi giải quyết bằng quân sự, nhưng chính phủ Sjahrir và các chính phủ kế tiếp vẫn thương thuyết để tìm một lối thoát đỡ đổ vỡ hơn. Về vùng kiểm soát, lúc ấy Hòa đã chiếm được một số thành phố trên hai đảo Java và Sumatra, nhưng chính phủ Cộng Hòa vẫn nắm trọn được hầu hết dân chúng trên hai đảo chính này. Tại các nơi khác, Hòa đã chiếm cứ dễ dàng hơn và chiếm đến đâu Hòa lập tiểu bang và vùng tự trị đến đó.
Tới tháng 3 năm 1947 sau nhiều lần gặp gỡ, các nhà lãnh đạo Indonesia và đại diện Hòa đã ký thỏa ước Lingadjati với nhau. Theo đó, Hòa công nhận Cộng Hòa Indonesia gồm đảo Java và Sumatra, nhưng ngược lại, chính phủ Cộng Hòa phải công nhận sự khai sinh của một Liên Hiệp Indonesia gồm thành phần Cộng Hoà Indonesia, Kalimantan và Đại Đông (từ Sulawesi tới tây Irian). Và sau hết, Liên Hiệp Indonesia phải nằm trong Khối Thịnh Vượng Hòa Lan cùng với Tây Ấn thuộc Hòa. Bên cạnh hệ thống chính trị ba tầng “Công Hòa – Liên Hiệp – Khối Thịnh Vượng”, thỏa ước còn có điều khoản “nỗ lực quân sự của cả hai bên đều phải giảm để duy trì hòa bình”.
Thỏa ước được ký kết nhưng không có ai thi hành; bốn tháng sau mặc nhiên coi như bị xé bỏ. Lực lượng Hòa thay vì được sút giảm thì lại tăng viện liên tục. Tới tháng 7 năm 1947, lực lượng này đã lên tới 150.000 người. Thấy đã đủ mạnh, Hòa liền ra quân tấn công. Tuy nhiên Ấn và Úc đã tức khắc kêu gọi Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc can thiệp, nên cuộc chiến đã bị chận lại. Dù sao, sau một thời gian hành quân ngắn ngủi, Hòa cũng đã chiếm được nhiều vùng đồn điền và hầm mỏ giàu có ở Java và Sumatra. Phái đoàn Liên Hiệp Quốc đã mặc nhiên cho Hòa giữ lại những vùng đất ấy. Tháng giêng 1948, hai bên ký một thỏa ước mới, thỏa ước tự nó biểu lộ rõ rệt sự yếu thế về quân sự của Indonesia. Nhưng chưa đầy một năm sau (tháng 12 năm 1948), Hòa lại tung quân tấn công lần thứ nhì. Với chiến thuật chớp nhoáng, sử dụng vũ khí nặng và không yểm, Hòa đã chiếm được thủ đô Indonesia, bắt giữ hầu hết các lãnh tụ trong đó có cả tổng thống Sukarno và thủ tướng Hatta, và đem đầy họ ra đảo Bangka ngoài khơi Sumatra.
Hành động của Hòa đã bị cả thế giới lên án. Chính quốc Hòa bị rung động vì áp lực ngoại giao ở khắp nơi. Hơn nữa, quân đội Indonesia đã phân tán và áp dụng chiến thuật du kích làm cho quân Hòa không thể tổ chức guồng máy hành chánh ở những nơi mới chiếm được. Hòa tự thấy mình bi sa lầy, sa lầy giữa công luận quốc tế và ngay cả giữa đất thuộc địa cũ, nay là đất thù nghịch. Nên, sau cùng, Hòa lại phải đưa các lãnh tụ Indonesia về Java và điều đình. Một hội nghị bàn tròn đã được tổ chức tại Hòa Lan giữa chính phủ Hòa, đại diện Cộng Hòa Indonesia và các tiểu bang do Hòa thành lập để giải quyết cho xong vấn đề.
Kết quả của hội nghị bàn tròn là việc thành lập Cộng Hòa Liên Hiệp Indonesia gồm 15 tiểu bang do Hòa đỡ đầu kết hợp với Cộng Hòa Indonesia cũ. Như vậy, ngoài trừ phần đất tây Irian Hòa vẫn ngoan cố giữ lại
[4] còn tất cả lãnh thổ Indonesia đã được qui về một mối, dù dưới hình thức liên hợp lỏng lẻo. Căn cứ vào kết quả trên, Cộng Hòa Liên Hiệp Indonesia đã được công bố thành lập ngày 27 tháng 12 năm 1949, vẫn với Sukarno, tổng thống, và Hatta, thủ tướng. Bảy tháng sau, nội bộ Liên Hiệp nảy sinh ra nhu cầu thống nhất thực sự, do đó các tiểu bang đã họp lại, cùng đồng ý hủy bỏ hình thức liên hiệp và đổi lại danh hiệu là Cộng Hòa Indonesia như xưa.
Khu vực Mã-Lai Đất Mã Lai và các hải đảo Indonesia trước đây đã cùng chia sẻ những lớp phế hưng của toàn thể khu vực, nhất là trong hai thời đại Srivijaya và Majapahit. Vào thế kỷ 13, bán đảo Mã Lai bị tân vương quốc Thái lấn xuống và tạo ảnh hưởng được tại Bắc phần. Tới thế kỷ 15, một tiểu quốc độc lập đã thành lập chung quanh khu vực Malacca, Nam bán đảo. Giới cai trị thành phố giàu có này đã tiếp nhận Hồi giáo. Về sau, Malacca đã gửi cống vật sang triều Minh bên Trung hoa và rải được Hồi giáo về miền Đông trên đường giao thương.
Sang thế kỷ 16, người Âu bắt đầu dòm ngó Malacca. Bồ-đào-nha đã chiếm được trước tiên (1511), sau tới Hòa Lan (1641). Khi người Hòa thay thế người Bồ thì thủ phủ toàn khu thuộc địa được dời từ Malacca về Batavia đảo Java. Ngay từ thời đó, ngưới Âu đã nhận thấy vùng Nam bán đảo Mã Lai là một cứ quan trọng. Kẻ nào kiểm soát được bán đảo cũng đồng thời kiểm soát được eo biển Malacca – thủy lộ chính giữa Nam và Đông bộ Á châu. Vì vậy theo chân người Bồ và Hòa, người Anh cũng bắt đầu tìm cách tiến tới khu vực này.
Năm 1786, những phần tử đánh mướn của công ty Đông Ấn Anh do Francis Light cầm đầu đã xâm nhập được vào vùng Penang nhờ trao đổi vũ khí cho Kedah (tiểu quốc Bắc Mã) trong cuộc chiến tranh với Xiêm. Kế đó, sau khi chiếm được đảo Java (1811) và tạo ảnh hưởng được trên khắp vùng đảo nhỏ nam Mã Lai, Stanford Raffles đã xây dựng nên thương cảng Singapore
[5] năm 1819. Tới năm 1826, Singapore, Penang và Malacca được kết hợp lại dưới tên Thuộc Địa Eo Biển (Straits Settlements) của công ty Đông-Ấn và đến năm 1867 khu này mới trở thành thuộc địa chính thức của chính phủ Anh.
Vào giữa thế kỷ 19, người Tàu đã lũ lượt kéo sang Mã Lai để buôn bán và làm phu mỏ. Số người Tàu đông đảo được tổ chức thành các bang hội dưới sự điều khiển của giới thương gia đã gây hỗn loạn trên nhiều tiểu bang Mã Lai, tạo cơ hội cho người Anh can thiệp. Từ 1874 đến 1888, bốn tiểu bang trung Mã Perak, Selangor, Negri Sembilan và Pahang lần lượt lọt vào tay người Anh dưới hình thức đất bảo hộ. Hội đồng cố vấn tiểu bang do người Anh lập ra gồm có thống đốc Anh, tiểu vương, đại diện dân địa phương và, thật kỳ lạ, còn có cả đại diện giới thương mại Trung hoa. Mầm mống sự bành trướng quyền chính trị của người Tàu trên đất mã khởi đầu từ bàn tay thực dân Anh và làm xáo trộn tập thể Mã Lai ngày nay. Ít năm sau (1895), bốn tiểu bang này được đặt chung dưới quyền một viên toàn quyền ở Kuala Lumpur và tạo thành hình thức liên bang đầu tiên.
Tới năm 1914 các vùng đất miền đông và bắc gồm các tiểu bang Terengganu, Kelantan, Kedah và Perlis cũng được đặt dưới sự bảo hộ của Anh, nhưng các tiểu bang này vẫn được đứng biệt lập không liên kết vào liên bang. Tóm lại lúc ấy, vùng Mã Lai thuộc Anh được chia ra làm ba khu vực với hình thức chính trị khác nhau: khu Thuộc Địa Eo Biển, khu các Tiểu Bang Liên Kết (The Federated States) và khu các Tiểu Bang Không Liên Kết (The Unfederated States).
Sang vùng đảo Kalimantan, trước kia vương quốc Brunei cổ kính đã một thời bành trướng khá mạnh, nhưng đến thế kỷ 16 thì chỉ còn lại phần duyên hải nhỏ bé ở Bắc đảo. Công ty Đông Ấn của Anh đã bành trướng được tới vùng này vào đầu thế kỷ 18 và đã đặt được cơ sở trên đảo Lubuan. Đến năm 1847 đảo này trở nên thuộc địa chính thức của Anh. Và tới năm 1888 thì phần đất còn lại của Brunei cũng rơi nốt vào vòng bảo hộ, đồng thời với Sarawak và Sabah kế cận.
Trong thời Anh thuộc, toàn vùng bán đảo Mã Lai và bắc phần đảo Kalimantan, không có phong trào giải phóng nào đáng kể. Ý thức quốc gia rất yếu ớt và tình trạng phân hóa địa phương (các tiểu bang với cơ cấu chính quyền riêng) và tranh chấp chủng tộc (Mã, Hoa, Ấn). Nhà cầm quyền Anh đã cố tình duy trì những tình trạng bất lợi cho dân thuộc địa này để dễ bề cai trị.
Trong thế chiến II, tháng 12 năm 1941, quân Nhật đã bất thần tấn công và đã đạt được thắng lợi mau chóng khắp vùng biển Malacca. Đuổi được Anh ra khỏi Mã Lai, Nhật bèn tạm sáp nhập Mã Lai và Sumatra làm một cho dễ bề kiểm soát. Nhật không đặt riêng một cơ chế hành chánh nào cho toàn vùng: tiểu bang nào vẫn lo việc của tiểu bang nấy, còn trên hết là bộ tư lệnh Nhật tại địa phương. Sau khi Nhật đầu hàng, người Anh bèn tức khắc trở lại Mã (tháng 9 năm 1945) để giải giới Nhật. Tại đây, trước hết Anh thành lập một cơ cấu quân chánh nói là tạm điều hành việc bảo đảm an ninh và phân phối thực phẩm cho dân chúng trong vòng sáu tháng. Nhưng vào cuối năm 1945, Anh đã uy hiếp các tiểu vương bằng cách dọa xét lại tội trạng cộng tác với Nhật của họ để buộc ký vào minh ước liên hiệp, một hình thức tái chấp nhận quyền đô hộ của Anh. Cả 9 tiểu bang Mã Lai cùng Penang và Malacca hợp lại thành Liên Hiệp Mã Lai (Malay Union) đặt dưới sự bảo hộ của Anh, còn Singapore vẫn giữ tình trạng một xứ thuộc địa riêng.
Nhận thấy rõ sự tráo trở của Anh, những người quốc gia Mã đã tập hợp lại với nhau trong Tổ Chức Quốc Gia Mã Lai Thống Nhất (United Malay National Organization) để đấu tranh cho quyền lợi nhân dân Mã. Hai năm sau, Anh nhượng bộ một phần bằng cách cải đổi Liên Hiệp Mã Lai thành Liên Bang Mã Lai (Federation of Malay), ngày 1 tháng 2 năm 1948, và hứa hẹn sẽ nới quyền dần để tiến tới tự trị. Tân Liên Bang vừa thành lập được ít lâu thì cuộc nổi dậy của Cộng-sản do Hoa kiều chủ động bùng nổ, tháng 6 năm 1948. Chính quyền các tiểu bang Mã một mặt vẫn cộng tác chặt chẽ với các lực lượng Liên Bang của Anh để chống lại du kích quân Cộng Sản, mặt khác vẫn xúc tiến việc tranh thủ độc lập một cách ôn hòa.
Sau cùng, tháng 1 năm 1956 hội đàm Luân Đôn giữa chính phủ Anh và nhóm đại diện Mã do Tengku (Hoàng thân) Abdul Rahman cầm đầu đã đưa đến kết quả Anh chấp nhận trao trả độc lập cho Liên Bang Mã Lai. Ngày 31 tháng 8 năm 1957, Liên Bang Mã Lai chính thức được độc lập. Ngày 1 tháng 9, vị quốc vương Mã Lai (được gọi là Yang di Pertuan Agong) đầu tiên được bầu ra đảm trách vai trò tượng trưng uy quyền quốc gia. Chính quyền thực sự trong tay thủ tướng do Tengku Abdul Rahman đảm nhiệm.
Hiến pháp liên bang quy định lập pháp gồm hai viện. Thượng viện có nhiệm kỳ sáu năm với 38 nghị sĩ, mỗi tiểu bang hai nghị sĩ (11 tiểu bang) còn 16 nghị sĩ do quốc vương chỉ định. Hạ viện có nhiệm kỳ năm năm và gồm 100 dân biểu (riêng năm 1959 bầu 104 dân biểu). Về hành pháp, cơ chế Mã Lai có điểm đặc biệt là quốc vương chọn một dân biểu có uy tín nhất làm thủ tướng. Thủ tướng đề cử thành phần nội các trong số các nghị sĩ và dân biểu.
Cuộc bầu cử đầu tiên theo hiến pháp mới của liên-bang được tổ chức ngày 19 tháng 8 năm 1959. Liên minh của Tengku Abdul Rahman chiếm 73 trong số 104 ghế ở Hạ viện. Các phần tử đối lập chia nhau 31 ghế gồm Mặt Trận Xã Hội (Socialist Front) 8 ghế, đảng Hồi Giáo Liên Mã (Pan Malayan Islamic Party) 13 ghế, đảng Nhân Dân Cấp Tiến (People Progressive Party) 5 ghế, đảng Mã Lai (Malayan Party) 1 ghế và 4 ghế độc lập.
Miến-Điện Với Thực Dân Anh Sang đầu thế kỷ 19, trong sự bành trướng thế lực trên đất Arakan ở Tây bộ Hạ Miến, Miến đã va chạm với quân đô hộ Anh ở Ấn độ và kết quả dẫn tới cuộc chiến tranh Anh Miến thứ nhất kéo dài trong hai năm. Vì thế yếu, người Miến phải ký hòa ước Yandabo ngày 24 tháng 2 năm 1826, theo đó Miến chịu mất đất Arakan, Tenasserim và phải bồi thường chiến phí cho Anh.
Kế hoạch mà người Anh áp dụng trong việc chiếm đánh Miến Điện cũng giống như kế hoạch của Pháp trong công cuộc xâm lăng Đông dương:
- Chiếm cứ từng khu vực.
- Củng cố nơi đã chiếm được.
- Rồi gây hấn để lấy cớ đánh chiếm khu vực khác.
Mục tiêu gần nhất của Anh là Pegu, vì Pegu chen vào giữa hai hạt Arakan và Tenasserim mà Anh đã đoạt được. Dầu sao Anh cũng đã phải mất 25 năm vừa để củng cố các hạt trên, vừa để tạo cơ hội thuận tiện. Cuối cùng, cơ hội thuận tiện đã đến do một biến cố nhỏ xảy ra ở Hạ Miến: hai viên thuyền trưởng Anh đã vi phạm luật lệ Miến và bị trưởng hạt Pegu bắt giữ. Để làm yên vụ này, triều đình Miến đã cất chức viên trưởng hạt (!), nhưng nhà cầm quyền Anh ở Ấn độ vẫn gây khó dễ đủ điều và sau hết đã đem quân tấn công Pegu, Pegu lọt vào tay Anh ngày 20 tháng 12 năm 1852, và như thế là cũng ngày này toàn thể Hạ Miến bị đặt dưới sự cai trị của Anh.
Miến điện lúc đó chỉ còn miền Thượng xương xẩu. Tuy thế, tham vọng của Anh nào đã thỏa mãn: dưới con mắt con buôn, Anh đã nhìn thấy ngay cần phải nắm trong tay toàn thể dòng sông Irrawaddy để tới nam Trung Hoa trong cuộc chạy đua kiếm thị trường với Pháp và Mỹ. Anh đã ép triều đình Miến ký thương ước 1862 để thuyền bè Anh có thể sử dụng tự do sông Irrawaddy. Năm năm sau, nhân Thượng Miến có loạn, Anh lại tiến thêm bước nữa là đòi vua Miến bỏ các sắc thuế hàng hóa giao hoán giữa hai miền Thượng Hạ để thâu lợi nhiều hơn trong việc buôn bán với Trung Hoa. Miến tự biết thế yếu của mình nên đã nhẫn nhịn nhiều điều, song trước những hành động quá đáng của Anh như việc trợ giúp người Karen đỏ ở Karenni nổi loạn đòi phân ly và việc lấn đất biên giới ở vùng Manipur, Miến đã phản ứng bằng cách giao thiệp với Pháp để tìm sự giúp đỡ hầu gây thế lực; do đó bang giao Anh Miến trở nên căng thẳng và đi dần đến chỗ bế tắc.
Khi ấy Pháp đang hành quân mạnh ở Bắc Việt và Anh thấy rõ nếu Pháp chiếm xong Đông Dương thì tất sẽ nhảy vào Thượng Miến qua ngã biên giới Miến Lào ở kinh độ 101 Đông. Đồng thời, nhân đường thủy Irrawaddy gặp trở ngại, bọn thương gia Anh và Tàu ở Rangoon (thủ đô Hạ Miến) bị thiệt thòi cũng ráo riết thúc đẩy Anh can thiệp mở đường. Hai vấn đề phải cấp bách giải quyết ấy đã đưa Anh đến quyết định đánh chiếm nốt Thượng Miến. Ngày 14 tháng 11 năm 1885 Anh xuất quân, ngày 28 tháng 11 cùng năm, kinh thành Mandalay thất thủ, vua Miến xin hàng. Sở dĩ Anh đã thắng nhanh chóng như vậy là nhờ tấn công bất thần. Thượng Miến không hề tiên liệu sự việc xảy ra nên không có một chuẩn bị tối thiểu nào để phòng ngự. Thế là kể từ ngày 1 tháng 1 năm 1886, Anh chính thức cai trị toàn thể đất Miến.
Trước cuộc chiến tranh cuối cùng của Anh và Miến, trong vùng Hạ Miến do người Anh cai trị, người Anh thường chỉ mong sao giữ yên mà không quan tâm đến sự thay đổi nền hành chánh cổ truyền. Nhưng kể từ khi toàn thể Thượng Miến rơi vào tay Anh, người Anh phải thường trực đương đầu với các vụ nổi dậy ở khắp nơi, dù nhỏ nhưng không phải là không làm rầy kẻ thống trị
[6] . Do đó Anh bèn quyết định cải tổ nền chính trị cho dễ kiểm soát bằng cách tổ chức lại hệ thống và cơ quan công quyền rập khuôn theo mẫu thuộc địa Ấn độ và đồng thời biến luôn đất Miến thành một tỉnh của Ấn. Tuy nhiên, năm 1917, Anh hứa cho Ấn hưởng qui chế tự trị, nhưng “tỉnh Miến” của Ấn lại bị gạt ra ngoài sự cải tố quan trọng này. Vụ 1917 đã gây sóng gió cho nhà cầm quyền Anh ở địa phương với những sự chống đối mạnh mẽ của dân Miến; và từ đó, mầm mống nổi dậy đấu tranh chính trị cũng bắt đầu. Sự chống đối của kẻ bị trị cũng đã có ảnh hưởng lớn nên đến năm 1923 Anh đành hứa sẽ áp dụng qui chế tự trị đối với Miến như đã làm đối với Ấn.
Trước thời kỳ 1917-1918, các hoạt động chống đối chính quyền thống trị được nhuộm màu sắc Phật giáo và thực sự cũng chưa thoát ra khỏi cái vỏ Phật giáo
[7] . Đoàn thể đấu tranh đòi hỏi sự “tôn trọng giáo quyền, bảo vệ giáo sản và duy trì giáo chế” được mệnh danh là Hội Thanh Niên Phật Tử. Nhưng từ 1917, trong sự phẫn nộ chung của quần chúng Miến trước chính sách bất công của Anh giữa Miến và Ấn, Hội Thanh Niên Phật Tử đã biến đổi mau chóng từ hình thức tranh đấu tôn giáo sang tranh đấu chính trị và cải tên là Tổng Hội Các Tập Đoàn Miến Điện. Cũng trong thời kỳ này, năm 1920, sinh viên đã tổ chức thành công một cuộc bãi khóa toàn quốc từ tiểu học đến đại học để chống đối những chương trình giáo dục có liên quan đến một trường đại học mới. Cuộc bãi khóa vĩ đại này đã đánh dấu bước đầu chặng đường tranh đấu của sinh viên, mà chính giới họ đã sản sinh ra những nhà lãnh đạo lớn cho Miến sau này.
Song hành với sự đối kháng của giáo hội Phật giáo và của sinh viên học sinh, nông dân Miến cũng đã nổi dậy vào cuối năm 1930 để đòi lại ruộng đất. Nguyên từ khi chiếm được Hạ Miến, Anh đã thấy ngay vùng này là nơi sản xuất lúa gạo lý tưởng để cung cấp cho Ấn Độ và Âu châu. Người Anh khuyến khích người Thượng Miến di cư xuống và đồng thời còn mở rộng cửa đón cả người Tàu, người Ấn qua. Vào đầu thế kỷ 20, có những thời kỳ người Ấn sang làm ăn ở Miến đã đạt tới con số khủng khiếp là nửa triệu mỗi năm. Người Tàu và người Ấn, với những kinh nghiệm thương mại sẵn có, đã đua nhau bỏ tiền cho vay để thu lúa của nông gia sau mỗi vụ mùa. Dần dần, họ trở nên những tay độc quyền phân phối và sản xuất lúa gạo. Sau thế chiến thứ nhất, phân nửa số đất trồng trọt ở Hạ Miến lọt vào tay địa chủ không trực tiếp cày cấy mà hầu hết là ngoại nhân. Trong sự khốn đốn cùng cực, dân Miến đã nghe theo tiếng gọi khởi nghĩa của Saya San một cách cuồng nhiệt và từ trung tâm điểm xuất phát ở Tharrawaddy, phong trào này đã lan rộng mau chóng ra khắp vùng trung châu. Tuy nhiên,vì ô hợp kém tổ chức, nên dù phong trào bộc khởi mạnh mẽ cũng vẫn bị tan rã trước sức phản công của lực lượng thống trị.
Sang thời Thế chiến II, quân Nhật đã tiến vào Hạ Miến đầu năm 1942 và đã hạ thành Rangoon một cách dễ dàng. Người Anh rút lên Thượng Miến rồi sang Ấn.Tuy chiếm đóng Miến suốt bốn năm, nhưng Nhật chưa bao giờ kiểm soát hoàn toàn được đất nước này, phần vì phải chống đỡ những cuộc tấn công liên tiếp của Đồng Minh, phần vì phải nhượng bộ một ít quyền hành đối nội cho chính người Miến để thu phục nhân tâm.
Thế chiến II đã tạo cơ hội cho Miến đạt được những tiến bộ rất đáng kể trên đường tự điều khiển. Về quân sự, một đạo quân Miến đã được Nhật thành lập và võ trang nhưng chính người Miến chỉ huy. Tổ chức quân đội trẻ trung này (lúc đầu còn gọi là Quân Đội Độc Lập, đến cuối 1942 đổi là Quân Đội Phòng Vệ) do Aung San, một trong số 30 chiến sĩ cách mạng được Nhật đào tạo ở hải ngoại về, lãnh đạo. Ngày 1 tháng 8 năm 1943 Nhật cho phép những người quốc gia Miến công bố Miến độc lập. Bác sĩ Ba Maw được ủy thác đứng ra lập chính phủ dưới sự giám hộ của Bộ Tư Lệnh Nhật. Aung San đảm nhiệm chức vụ bộ trưởng quốc phòng, còn quyền Tổng Tư Lệnh Quân Đội (khi đó đã được cải danh là Quân Đội Quốc Gia) được trao cho Ne Win.
Tuy tham gia chính phủ thân Nhật, nhưng hầu hết các nhà lãnh đạo Miến cũng đã nhìn thấy rõ mưu đồ thống trị Đông Á của Nhật. Hơn nữa, trên khía cạnh diễn tiến chiến tranh, độc quyền hoành hành của Nhật ở Thái Bình Dương cũng đã chấm dứt. Các đảo chiến lược lần lượt rơi vào tay Mỹ và càng ngày người ta càng thấy viễn ảnh đen tối bao trùm lên phía Nhật. Ý thức được điều đó, Aung San và các đồng chí của ông liền tìm cách thành lập các tổ chức chống Nhật bí mật ở khắp nơi với sự trợ giúp của Đồng Minh từ ngoài vào, đồng thời ông cũng cố giữ cho Quân Đội Quốc Gia Miến không bị Bộ Tư Lệnh Nhật ở Miến trực tiếp chỉ huy. Sau này, các lực lượng chống Nhật trong quần chúng và cả trong số những nhân viên cao cấp của chính phủ Ba Maw đã được qui tụ lại dưới danh nghĩa Liên Minh Nhân Dân Tự Do Chống Phát Xít (LMNDTDCPX). Trong liên minh cũng có cả các phần tử Cộng sản ở những chức vụ lãnh đạo.
Đầu năm 1945 đồng minh lần lượt chiếm lại gần hết đất Miến. Bác sĩ Ba Maw theo Nhật chạy sang Thái Lan để lại Aung San với tổ chức quân đội của ông làm lá bài mặc cả. Tuy nhiên, sau khi Nhật đầu hàng, người Anh bèn tức khắc phủ nhận nền độc lập phôi thai của Miến điện. Anh tuyên bố tái cai trị Miến ít nhất là ba năm rồi mới cho hưởng chế độ tự trị.
Chính sách mập mờ của Anh làm cho các nhà lãnh đạo của Miến thất vọng. LMNDTDCPX không chịu cộng tác với thống đốc Anh là Dorman Smith trong việc tổ chức guồng máy cai trị theo hiến pháp 1935. Aung San lên tiếng đòi hỏi phải có bầu cử tức khắc để lập tân hiến pháp và tiến tới chính phủ tự trị ngay. Smith đã cố gắng tìm một vài lãnh tụ Miến chịu cộng tác để đẩy ra làm bình phong, nhưng tất cả những nhân vật được quần chúng ủng hộ đã cùng đứng về một phía và cùng quyết tâm chống lại sự trì hoãn trao trả độc lập của Anh. Đã có lần Smith định bắt giam Aung San, nhưng tướng tư lệnh quân đội Anh ở Miến là Briggs đã can thiệp kịp thời, vì ông sợ dân chúng Miến sẽ nổi dậy.
Suốt năm 1946, mít tinh biểu tình, đình công bãi thị được tổ chức liên miên, làm cho tân thống đốc Hubert Rance phải thỏa hiệp với Aung San bằng cách nhường sáu trong số chín ghế của ủy ban hành pháp cho LMNDTDCPX, trong đó chính Aung San làm chủ tịch ủy ban.
Tuy đạt được một thắng lợi lớn lao trước người Anh nhưng liên minh lại vấp phải sự lủng củng nội bộ. Đó là vấn đề tranh chấp quyền hành của nhóm thiểu số Cộng Sản. Nguyên từ trước, khi tổ chức liên minh, Aung San đã cố gắng làm tan loãng cá tính của các đoàn thể hội viên trong tập hợp mới để nhằm hoàn thành các mục tiêu chung của quốc gia. Nhưng nhóm Cộng sản thì lại tính chuyện khác: họ luôn luôn lợi dụng tổ chức chung để mưu đạt những súy đồ riêng. Một mặt họ lãnh phần chính huấn cho quân đội nhằm giữ thế chỉ đạo cho quân đội, mặt khác họ nỗ lực tham gia tổ chức thợ thuyền để cầm đầu các nghiệp đoàn. Khi Aung San lên làm chủ tịch ủy ban hành pháp, lãnh tụ Cộng Sản là Than Tun thấy không được giao phó chức vụ gì quan trọng trong chính phủ, liền ra lệnh cho các nghiệp đoàn tổng đình công để phản đối. Lúc ấy Aung San đang được quần chúng Miến tôn sùng như một vị anh hùng số một của quốc gia. Hành động chống đối dại dột của đảng Cộng sản đã là một sai lầm lịch sử quan trọng, vì đã gặp phản ứng quyết liệt của Aung San. Phe Aung San đã khai trừ tất cả các phần tử cộng sản ra khỏi LMNDTDCPX và gạt bỏ ảnh hưởng cộng sản khỏi quân đội và các nghiệp đoàn; do đó sau này đảng Cộng Sản đã bị loại ra khỏi sinh hoạt chính trị hợp pháp của Liên Hiệp Miến.
Kể từ khi nắm được ủy ban Hành pháp, Aung San và các đồng chí của ông đã tiến rất mau trong công cuộc đấu tranh ôn hòa đòi độc lập hoàn toàn cho xứ sở. Hiệp ước được ký kết giữa thủ tướng Anh Attlee và Aung San ở Luân Đôn ngày 27 tháng 1 năm 1947 là thành quả cuối cùng của cuộc vận động liên tục của LMNDTDCPX. Do hiệp ước này, một cuộc bầu cử quốc hội lập hiến đã được thực hiện vào tháng tư, trong đó ứng viên của Liên Minh chiếm gần hết tổng số ghế.
Mọi chuyện đang tiến triển tốt đẹp thì bỗng nhiên ngày 19 tháng 7 năm 1947 Aung San và một số ủy viên khác trong Uỷ Ban Hành Pháp bị ám sát
[8] . U Nu, phó chủ tịch Liên Minh, được chỉ định lên thay, và ngay ngày hôm sau thành lập một Uỷ Ban Hành Pháp mới, vẫn với thành phần không cộng sản.
U Nu
[9] đã cố gắng tiếp tục sự nghiệp Aung San trong chương trình thâu hồi toàn vẹn độc lập và thống nhất quốc gia. Tân Hiến Pháp đã ra đời ngày 24 tháng 9 năm 1947 theo đúng tiêu chuẩn mà trước đó Aung San đã vạch ra trong diễn văn đọc trước quốc hội nhân dịp khai mạc khóa đầu tiên.
Ngày 4 tháng 1 năm 1948 Anh chính thức trao trả độc lập hoàn toàn cho Miến, đánh dấu kết quả những nỗ lực không ngừng của những người quốc gia Miến trong công cuộc đấu tranh: một mặt kiên trì và khôn khéo để thoát khỏi những thủ đoạn chính trị xảo quyệt của Anh, một mặt bình tĩnh và sáng suốt tránh sự thôi thúc bạo động của phe quá khích.
Kam-pu-chia Và Pháp Năm 1859, Ang Duong mất, con trưởng là Norodom lên nối ngôi. Khi ấy Pháp đang tấn công miền nam Việt Nam, và dù chưa nuốt hẳn được đất này, Pháp cũng đã bắt đầu để mắt tới vùng Biển Hồ màu mỡ.
Norodom mới lên ngôi được hơn một năm thì trong triều có nội phản, ông phải lưu vong sang Bangkok. Do thư giới thiệu của một giám mục người Pháp ở Kam-pu-chia tên là Miche, Norodom đã được Xiêm giúp tàu đưa về Đế Đô. Từ đó Norodom bị giằng co giữa hai thế lực Pháp và Xiêm. Người Pháp nhờ bám sát cạnh Norodom nên có lợi thế hơn. Qua nhiều lần thôi thúc và đe dọa của đại diện Pháp từ Sài Gòn tới, tháng 4 năm 1864 Norodom đành ký vào bản hiệp định bán nước chấp nhận nền bảo hộ của Pháp.
Chiếm được Kam-pu-chia, Pháp liền cấp tốc xúc tiến việc điều đình với Xiêm vì cho đến khi ấy Xiêm vẫn coi Kam-pu-chia là nước chư hầu. Sau nhiều cuộc thương thuyết, năm 1867 Pháp quyết định nhượng đứt cho Xiêm hai tỉnh miền tây bắc (Battanbang và Siem Reap) để đổi lấy sự công nhận quyền thống trị của Pháp trên đất Kam-pu-chia.
Lúc đầu người Pháp còn bận rộn ở Việt Nam nên không quan tâm nhiều đến cơ chế cai trị ở Kam-pu-chia. Về sau, khi đã rảnh tay hơn, Pháp liền đòi Kam-pu-chia để cho Pháp có toàn quyền cải tổ nền hành chánh từ gốc tới ngọn, trừ những hình thức lễ nghi chung quanh ngai vàng. Sự đòi hỏi này đã gây bất mãn không nhỏ cho hoàng gia, nhưng trước họng đại pháo trên tàu chiến mà thống soái Sài Gòn Charles Thomson đem hờm sẵn ngay trước hoàng cung, Norodom lại một lần nữa phải nhượng bộ và ký tân hiệp ước (tháng 6 năm 1884).
Khi hiệp ước được thi hành thì viên khâm sứ Pháp cạnh triều đình nghiễm nhiên trở nên nhân vật số một trong nước. Dưới quyền ông ta có các công sứ Pháp ở các tỉnh trực tiếp trông coi việc cai trị trong tỉnh. Nhà vua chỉ còn ở ngôi với tính cách tượng trưng cho truyền thống quốc gia và tôn giáo.
Sau 1887, Kam-pu-chia trở thành một tiểu bang của Liên Bang Đông Dương thuộc Pháp (Đông Pháp). Toàn thể Liên Bang được đặt dưới sự điều khiển của một viên toàn quyền do chính phủ Pháp bổ nhiệm. Về cung cách cai trị, Pháp đã thành lập guồng máy then chốt là người Pháp, phụ thuộc trực tiếp là công chức và chuyên viên Việt được đem từ Việt Nam sang, còn người Khmer chỉ đóng vai trò rất khiêm tốn, phần nhiều là những chức vụ hạ tầng cạnh dân chúng. Tuy nhiên người Pháp vẫn khéo léo duy trì cái vỏ uy quyền của quốc vương bằng cách dàn bày sự tôn kính bề ngoài để thần dân vẫn có cảm tưởng là nhà vua thực sự cầm quyền: ban hành luật pháp theo truyền thống; điều khiển công việc hành chánh; chỉ đạo tối cao mọi Phật sự và trách nhiệm trước sự sống còn của dân tộc Khmer. Nhờ vậy thần dân vẫn tiếp tục trung thành với quốc vương, tức trung thành với người Pháp.
Để chắc ăn hơn, người Pháp không những đã kiểm soát chặt chẽ mọi hành vi của quốc vương mà đồng thời còn can thiệp trực tiếp vào việc phong vương nữa. Theo cổ lệ, tân vương được phong là do di chiếu của nhà vua mới băng, nếu không có di chiếu thì phải được hoàng tộc lựa chọn. Nhưng khi Norodom mất vào năm 1904, khâm sứ Pháp đã can thiệp phế bỏ việc lập thái tử để dành ngôi cho em vua là Sisowath chỉ vì Sisowath đã tỏ ra trung thành với chính phủ bảo hộ bằng cách giúp Pháp dẹp nhiều cuộc nổi dậy.
Sisowath được con là Monivong kế vị năm 1927. Năm1941 Monivong chết, Pháp thấy thái tử Monireth có ý mưu đồ tranh thủ độc lập sau thất trận của Pháp ở Âu châu và thắng thế của Nhật ở Á châu, nên đã loại ông ta mà chọn Norodom Sihanouk (cháu ngoại Monivong nhưng lại thuộc dòng nội Norodom) lên kế vị. Sihanouk lúc ấy được coi là còn quá trẻ (đang học trung học ở Sài-gòn) và dễ bảo, nhưng sau này đã chứng tỏ cho Pháp thấy là Pháp đã lầm lẫn trong sự nhận định về ông.
Tính đến cuối Thế Chiến II, Pháp đã kiểm soát chặt chẽ được đất Kam-pu-chia chừng 60 năm. Trong thời bị trị, Kam-pu-chia vẫn giữ được cá tính quốc gia riêng biệt nhưng về kinh tế thì hoàn toàn lệ thuộc vào các quyền lợi của người Pháp ở Nam Việt, còn về sự mở mang dân trí thì cũng chịu chung số phận với Lào, nghĩa là bị Pháp bỏ mặc. Ngoại trừ con cháu hoàng gia và những nhà khá giả được gửi đi Sài Gòn hay Hà Nội ăn học, thanh niên trong xứ chỉ biết đến ngôi trường cổ lỗ của giáo hội Phật Giáo lập ra ở các làng mạc từ bao nhiêu đời trước. Mãi đến năm 1935 mới có một trường học được mở và năm 1939 là năm mà ngành giáo dục Kam-pu-chia đánh dấu một bước tiến quan trọng trong sự cấp bằng tú tài bản xứ cho bốn học sinh tốt nghiệp đầu tiên.
Về hoạt động chính trị, không giống nhiều quốc gia cùng cảnh ngộ khác ở Đông Nam Á, Kam-pu-chia không có một phong trào dành độc lập nào đáng kể trước Thế Chiến II. Cuối thế chiến, một chiến sĩ cách mạng Khmer sinh trưởng tại nam Việt-Nam đã hoạt động đơn độc ở Phnom Penh để gây mầm bắt rễ tư tưởng tự lập tự cường vào quần chúng, đó là Sơn Ngọc Thành. Năm 1937, Thành xuất bản tờ báo Khmer đầu tiên
Nagara Vatta với luận điệu bài Pháp. Năm 1941, ông ta tổ chức cuộc biểu tình của tăng giới Phật Giáo chống nhà cầm quyền Pháp. Bị Pháp ruồng bắt, ông phải trốn sang Thái Lan và sau đó sang Nhật.
Ngày 9 tháng 3 năm 1945, Nhật đảo chính Pháp ở Đông Dương. Kam-pu-chia cũng như Viêt Nam và Lào được Nhật cho công bố độc lập, một nền độc lập không hề được chuẩn bi trước làm cho chính những người công bố cũng không khỏi ngỡ ngàng. Chính phủ độc lập được thành lập, quốc vương Sihanouk kiêm vai trò thủ tướng, còn Sơn Ngọc Thành, lúc ấy đã được Nhật đem về, giữ chức vụ ngoại trưởng. Trong sự chuyển quyền cai trị từ tay Pháp sang tay Nhật, giới lãnh đạo Kam-pu-chia đã phân hóa thành hai phe rõ rệt. Phe thân Pháp chiếm đa số trong chính phủ, dù làm việc với Nhật nhưng vẫn ngầm trông đợi sự trở lại của người Pháp vì mang sẵn tinh thần công chức ỷ vào chủ Pháp cũ. Phe này được quốc vương ủng hộ. Phe thân Nhật bài Pháp do Sơn Ngọc Thành cầm đầu, tuy không có nhiều vây cánh trong chính phủ nhưng lại có quần chúng, nhất là Phong Trào Khmer Issarak (Khmer Tự Do) và tổ chức Thanh Niên Áo Xanh (phong trào thanh niên Vichy) do chính người Pháp lập nên trước đây.
Ngay ngày Nhật đầu hàng Đồng Minh, phe Thành liền đảo chánh và bắt giữ tất cả Tổng Trưởng thân Pháp để nắm thế chủ động. Sihanouk rút khỏi chức vị Thủ Tướng, Thành liền thế chân và lập chính phủ mới.
Giữa lúc ấy, Pháp đã đem được quân vào lại Sài Gòn (tháng 9 năm 1945) nhờ sự giúp đỡ của tướng Anh Gracey trong mưu đồ hỗ tương tái chiếm thuộc địa của bọn thực dân đang núp dưới nhãn hiệu quân Đồng Minh. Trước tình thế thật là đen tối không lối thoát, Sihanouk ngỏ ý với hoàng tộc xin thoái vị để nhường ngôi cho hoàng thân Monireth, người đáng lẽ đã kế vị Monivong năm 1941. Ý kiến này bị đã bị hoàng thân Norodom Montana phản đối, chính Sơn Ngọc Thành cũng khuyên Sihanouk nên bình tĩnh tại vị.
Ngày 16 tháng 10 năm 1945, người Pháp núp cạnh quân Anh, Ấn đã bắt giữ Thành tại Phnom Penh và buộc tội ông ta có hoạt động đe dọa nền an ninh của lực lượng Đồng Minh và phương hại đến quyền lợi của Kam-pu-chia. Tuy bắt giữ Thành nhưng Pháp cũng tự cảm thấy rất khó xử, vì khi ấy Thành đang thực sự có uy tín lớn lao trong quần chúng. Sau cùng, Pháp đành áp dụng biện pháp mềm dẻo là đem Thành sang Pháp cho yên chuyện.
Chiếm xong Sài Gòn, đô đốc Thierry D’Argenlieu liền được cử làm Cao Uỷ Pháp ở Đông Dương. Vừa nhận chức, ông ta liền yêu cầu Kam-pu-chia gửi ngay đại diện tới để thảo luận về những mối liên hệ Pháp-Khmer mới. Về phía Kam-pu-chia, tình thế đã đổi khác rõ ràng bất lợi cho Pháp: người Khmer đã nếm mùi độc lập, dù là thứ độc lập nửa vời, nhưng cũng đủ cảm thấy một hứng khởi không nhỏ trong lòng họ. Đặc biệt lúc ấy hoàng thân Sisowath Youtévong mới ở Pháp về nước và đã kịp thời nắm vai trò lãnh đạo cuộc vận động độc lập. Đáp lại lời yêu cầu tái lập mối liên hệ của D’Argenlieu, Sihanouk đã đồng ý cử đại diện nhưng nhấn mạnh đến điều kiện tiên quyết là cuộc đàm phán sẽ không vi phạm đến chủ quyền Kam-pu-chia và phái đoàn Kam-pu-chia phải được đối xử như một phái đoàn của một quốc gia độc lập. Pháp đồng ý trên nguyên tắc và một Uỷ Ban Nghiên Cứu Pháp-Khmer (Commission D’Études Franco-Khmères) được thành lập, cùng làm việc để dung hòa quyền lợi đôi bên. Ngày 7 tháng 1 năm 1946 tạm ước Pháp-Khmer đã được ký kết. Tạm ước công nhận Kam-pu-chia là một quốc gia tự trị trong khối Liên Hiệp Pháp.
Nhưng, giấy tờ là một chuyện, trên thực tế Pháp đã thi hành tạm ước một cách “linh động” đến nỗi tình trạng liên hệ Pháp-Khmer đã trở lại gần giống như trước 1945. Quân đội hoàng gia Kam-pu-chia tuy được thành lập, nhưng thực chất chỉ là một thứ lính phụ thuộc của quân Liên Hiệp Pháp và Bộ Tư Lệnh Pháp vẫn nắm trọn quyền “duy trì trật tự” trong xứ.
Từ khi Sơn Ngọc Thành bị bắt, những phần tử theo Thành bỏ ra bưng hay trốn sang Thái Lan rất nhiều. Họ qui tụ lại với nhau làm sống lại phong trào Khmer Issarak dưới sự hỗ trợ của người Thái. Nhưng khi Thái bị buộc phải trả lại hai tỉnh Battambang và Siem Reap (1946)
[10] thì một số nhân vật lãnh đạo đã phải lưu vong sang Bangkok, một số quay về Phnom Penh nói là qui chính phủ nhưng thực sự là để đấu tranh chính trị trong vòng được coi là hợp pháp. Nhóm này cộng tác với nhũng phần tử trẻ cấp tiến của hoàng thân Sisowath Youtévong lập ra Đảng Dân Chủ. Còn một số khác tiếp tục lén lút kháng chiến trong rừng núi, như Dap Chhuon với tổ chức Giải Phóng Dân Tộc Khmer (Comité Khmer De Libération Nationale).
Trong hai cuộc bầu cử Hội đồng Tư vấn tháng 9 năm 1946 và Quốc hội tháng 12 năm 1947, Đảng Dân Chủ đều đại thắng. Sự kiện này đã góp phần không nhỏ vào diễn tiến dẫn đến hiệp ước ngày 8 tháng 11 năm 1949, trong đó Pháp hé mở cho Kampuchia chút quyền đối nội.
Tại Phnom Penh, nhiều chính phủ, do thủ tướng được quốc vương chỉ định thành lập, lần lượt thay nhau đổ vì sự gây khó của Lập Pháp
[11] . Trong khi ấy các phe võ trang chống đối cũng ngày càng bành trướng, mạnh nhất vẫn là các nhóm Khmer Issarak cũ. Về phía Cộng sản, sau khi được chuyển từ miền đông Nam Việt sang tỉnh Prey Veng, các cán bộ địa phương cũng được lệnh ráo riết tổ chức các ủy ban hành kháng trong vùng ảnh hưởng từ cấp Miên xuống đến Srok, Khum, Phum.
Trước tình trạng bế tắc, Sihanouk đã giải tán Quốc hội (tháng 9 năm 1949) với ý nghĩ như vậy chính phủ sẽ mạnh hơn và góp phần đắc lực hơn với Pháp trong việc thanh toán các phe kháng chiến. Không ngờ sau hai năm không quốc hội, tình trạng quốc gia đã sa lầy lại càng sa lầy thêm. Cuối cùng Sihanouk đành phải cho bầu cử lại. Và, trong cuộc bầu cử tháng 9 năm 1951, phe Dân Chủ lại chiếm được 54 trong số 78 ghế. Ngay sau khi có kết quả bầu cử, chính phủ Huy Kanthoul đã lấy lòng đảng Dân chủ bằng cách yêu cầu Pháp cho Sơn Ngọc Thành về nước.
Dù đã hứa với Pháp là sẽ không hoạt động chính trị nữa, nhưng khi về nước Thành liền xuất bản tờ báo tranh đấu Khmer Krok (Khmer Vùng Dậy) và trong một cuộc viếng thăm tỉnh Takeo, Thành đã tuyên bố thẳng thừng là có sự ra đi của người Pháp nền độc lập của Kam-pu-chia mới hoàn toàn được bảo đảm và sự ổn cố sinh hoạt chính trị quốc gia mới thực sự vững bền.
Tờ báo bị đóng cửa, nhưng Thành đã có tiếng nói khác, đó là một đài phát thanh bí mật đặt trong vùng Siem Reap. Chọn ngày kỷ niệm Nhật đảo chính Pháp 9 tháng 3, Thành đã công bố trên đài phát thanh chương trình mà ông gọi là sự thúc đẩy đấu tranh cho tự do của Kam-pu-chia. Thành được giới trẻ ủng hộ khá mạnh mẽ. Lực lượng Issarak của Thành lúc ấy mới qui tụ lại chừng ba ngàn quân nay đã được củng cố và tăng cường nhờ sự cộng tác của Keo Tak lãnh tụ nhóm kháng chiến ở tỉnh Battambang.
Trông đợi Sơn Ngọc Thành buông xuôi hoạt động chính trị không xong, Sihanouk lại giải tán Quốc hội lúc ấy đang do đảng dân chủ thao túng. Nhưng tình hình vẫn không vì thể mà khả quan hơn. Sau Sihanouk nhận thấy cần phải tách hẳn khỏi Pháp may ra mới gỡ lại được sự ủng hộ của quần chúng, và từ ý niệm ấy ông ta đã quyết định đi một nước cờ thật cao làm đảo lộn hẳn tình thế.
Tháng 3 năm 1953, Sihanouk dời Kampuchia bay sang Âu châu và Mỹ. Ở đâu ông cũng lên tiếng đả kích Pháp âm mưu tái thuộc địa hóa Kam-pu-chia. Tới tháng 6, ông ta tới Bangkok và tuyên bố chỉ trở về khi Kam-pu-chia được hoàn toàn độc lập. Tuy nhiên, Sihanouk đã không ở lại Bangkok. Ông ta về tỉnh biên giới Battambang và sau đó tới Siem Reap, một tiểu khu do quân đội Khmer kiểm soát, nhưng vẫn không chịu về Phnom Penh. Thủ tướng Penn Nouth, tướng Nhiek Tioulong và tổng trưởng quốc phòng Sirik Matak đã tiếp tay với ông trong những kế hoạch bí mật nhằm đối phó với Pháp trong mọi tình thế, trong đó có cả việc sử dụng quân lực để kháng cự khi cần.
Quân Pháp khi ấy đã quá mệt mỏi trước một viễn ảnh không sáng sủa gì đối với Pháp trong cuộc chiến tranh Đông dương nên đã tỏ ra không muốn gây thêm chuyện với Sihanouk. Ngày 4 tháng 7 năm 1953 Pháp tự công bố sẵn sang hoàn tất việc trao trả độc lập cho ba quốc gia Đông Dương. Đã có kinh nghiệm trước lời hứa và việc làm của Pháp, để chắc ăn hơn, Kam-pu-chia đã nắm ngay cơ hội đòi hỏi được tức khắc có chủ quyền về quốc phòng, tư pháp và tiền tệ. Pháp nhượng bộ. Thế là từ ngày 1 tháng 9 năm 1953, toàn thể lãnh thổ Kampuchia được chính thức đặt dưới quyền kiểm soát của chính phủ hoàng gia. Ít ngày sau, một Bộ Tổng Tham Mưu Quân đội Khmer được tách ra khỏi Bộ Tư Lệnh Quân Lực Pháp. Trong một thỏa ước riêng biệt ký vào tháng 10 năm 1953, quân Pháp chỉ còn ở lại miền đông sông Cửu Long để hành quân phối hợp cùng ba tiểu đoàn Khmer. Quyền chỉ huy cảnh sát và quyền Tư pháp cũng đều được giao lại cho người Khmer.
Khi về Phnom Penh, nghiễm nhiên Sihanouk đã trở nên vì anh hùng vĩ đại của dân tộc trước mắt quần chúng. Chỉ trong một thời gian ngắn ngủi, Sihanouk đã vượt trồi lên, hạ uy tín của các lãnh tụ đối lập, kể cả quốc gia lẫn cộng sản. Ngay đến Sơn Ngọc Thành trong một buổi phát thanh cũng đã phải tuyên bố “tôi đã lầm lẫn khi nghĩ rằng quốc vương của chúng ta chỉ là công cụ của người Pháp. Thực ra ngài chính là một nhà đại ái quốc”.
Và Sau Cùng Trường Hợp Xứ Lào Cuối thế kỷ 19, sau khi chiếm xong Việt Nam và Kam-pu-chia, Pháp liền tính chuyện chiếm xứ Lào để đặt nền đô hộ. Công cuộc thôn tính xứ Lào thật là dễ dàng, trước sau chỉ nhờ tài xoay sở khéo léo của một tay thực dân giang hồ khét tiếng: Auguste Pavie
[12] . Sau đó là những thu xếp, mặc cả giữa Pháp, Thái Lan, Anh (khi ấy đang đô hộ Miến) và Trung Hoa.
Điều đình ổn thỏa xong, Pháp tập trung những mẩu múng vốn nát bấy vì nội chiến và ngoại xâm, tạo thành vương quốc Lào trong Liên Bang Đông Dương. Tuy phủ thống sứ Pháp được thành lập ở Vientiane từ năm 1899, nhưng vương quốc Lào chỉ thực sự tập họp được đầy đủ các phần đất như ngày nay từ năm 1905, và gồm: tiểu vương quốc Luang Prabang với các tỉnh Luang Prabang, Sayaboury, Sầm nứa và hai quận miền nam Phong Saly (nhà vua ở Luang Prabang vẫn được giữ ngôi vị dưới sự bảo trợ của Pháp, nhưng tất cả các quan lại đều do Pháp chỉ định); tiểu vương quốc Xieng Khuang vốn đã được sát nhập vào Vientiane từ 1832; vùng Champassak ở Hạ Lào; và hai tỉnh miền Bắc là Nam Tha và Phong Saly.
Trong thời kỳ đô hộ Đông Dương, có thể nói người Pháp được yên ổn nhất ở xứ Lào. Có ba cuộc biến động trên xứ Lào làm cho chính quyền thống trị phải can thiệp vào là ba cuộc biến động do dân thiểu số gây ra: bộ lạc Khả ở vùng cao nguyên Boloven và Attopeu từ 1901 đến 1907; các châu Thái ở Phong Saly từ 1914 đến 1916; và sau cùng là cuộc nổi dậy của dân Mèo vào năm 1919. Dân Mèo nổi lên đánh phá suốt hai năm, sau người Pháp phải dùng đến biện pháp chặn tất cả các nguồn tiếp tế gạo thóc mới dẹp yên được.
Trong Thế Chiến II, tháng 7 năm 1941 quân Nhật tiến vào Đông Dương và sang tháng 8 năm 1941 thì ký với Pháp một hiệp ước về xứ Lào, theo đó vương quyền Luang Prabang được tăng cường bằng cách kiểm soát thêm các tỉnh Vientiane, Xieng Khuang, Nam Tha, và nhà vua được lập một nội các gồm thủ tướng và bốn tổng trưởng. Vị phó vương (Maha Oupahat) lúc ấy là hoàng thân Phetsarath được chỉ định làm thủ tướng.
Tháng 3 năm 1945 Nhật đảo chính Pháp ở Đông Dương và tuyên cáo chấm dứt chế độ thuộc địa của Pháp ở phần đất này. Chính phủ Phetsarath nghiễm nhiên trở thành chính phủ đầu tiên đảm trách công việc quản trị toàn xứ Lào dưới sự giám hộ của Nhật.
Ngày 14 tháng 8 năm 1945, Nhật đầu hàng đồng minh. Xứ Lào rơi vào tình trạng giao động và một vài nơi như Khammouane và Savannakhet đã xẩy ra những sự hỗn loạn. Theo sự qui định trong bản ký kết đầu hàng với Mỹ của Nhật, đáng lẽ Nhật phải tiếp tục duy trì trật tự ở nhũng vùng quân đội Nhật còn trấn đóng, nhưng hầu hết các nơi, Nhật đều bỏ mặc. Đặc biệt là ở Lào, Nhật đã không can thiệp, một phần vì quân số quá ít ỏi, một phần vì những sự dấy động địa phương lại đang có khuynh hướng bài Pháp, không ăn nhằm gì đến Nhật.
Theo quyết nghị của hội nghị Potsdam, quân Trung hoa phải tiếp thu miền bắc Đông Dương từ vĩ tuyến 16 (ngang Saravane) trở lên, nhưng quân Trung Hoa tiến quá chậm nên mãi đến tháng 9 mới tới Lào. Trong khi đó thì Pháp quân đã đoạt lại Champassak và chuẩn bị tiếp chiếm toàn xứ.
Ngày 18 tháng 8 năm 1945, hoàng thân Phetsarath ở Vientiane công bố trước quốc dân nền độc lập và thống nhất của quốc gia Lào dưới vương chế Luang Prabang. Phetsarath triệu tập một hội đồng mệnh danh là Lào Tự Do (Lao Issara) trong đó có những nhân vật trong hoàng tộc, trong giới thượng lưu và cả một số người Việt nguyên là công chức cao cấp của Lào. Xét về thành phần chính trị thì hội đồng gồm một số nhân vật có thành tích chống Nhật, một số được coi là bài Pháp và một số khác tin tưởng ở đường lối ôn hòa là có thể thâu hồi toàn vẹn độc lập nhờ thiện chí của người Pháp.
Cuối tháng 8, một lực lượng nhỏ của Pháp được thả dù xuống gần Vientiane để giải thoát những viên chức Pháp hiện còn bị Nhật giam giữ. Thái độ và hành động của các sĩ quan Pháp làm cho Lào Tự do nhận thấy Pháp có vẻ muốn lập lại “trật tự” kiểu thuộc địa thời tiền chiến. Hoàng thân Phetsarath đã cố giữ không cho quân Pháp vào thủ đô bằng cách điều đình nhưng sau cùng Pháp vẫn lọt vào được Vientiane. Cùng khi ấy họ thả dù một nhóm khác xuống Luang Prabang và vài ngày sau vua Sisavang Vong công bố sự chấp nhận của hoàng gia về việc tái tục nền đô hộ của Pháp.
Ngày 10 tháng 10, Luang Prabang cất chức thủ tướng và luôn cả chức phó vương của hoàng thân Phetsarath. Phản ứng lại, một hội đồng nhân dân được triệu tập ngay sau hai ngày sau đó tại Vientiane đã công bố một bản hiến pháp tạm để làm căn bản cho sự thành lập một chính phủ Lào tự do. Đồng thời hội đồng đã cử phái đoàn lui tới Luang Prabang nhiều lần để thuyết phục nhà vua rút lại những sắc lệnh đã được công bố do người Pháp xúi giục và chấp nhận tân hiến pháp. Sau cùng nhà vua đã chấp nhận. Ngày 23 tháng 4 năm 1946 vua Sisavang Vong chính thức trở nên quốc vương toàn xứ Lào trong chế độ quân chủ lập hiến sau lễ đăng quang theo nghi thức cổ truyền.
Nhưng trong khi đó thì quân Pháp đã từ phía nam tiến lên chiếm cứ nhiều nơi. Vientiane rơi vào tay Pháp ngày 25 tháng 3 năm 1946. Các nhóm kháng chiến Lào Tự Do lần lượt tan rã, phần vượt sông Mékong chạy sang Thái, phần rút vào rừng để tổ chức lại thành những toán du kích nhỏ. Tất cả những yếu nhân của chính phủ Lào Tự Do cũng đào thoát sang Thái và tiếp tục hoạt động với danh nghĩa chính phủ lưu vong tại Bangkok dưới sự điều khiển của hoàng thân Phetsarath.
Sau khi chiếm được Vientiane và Luang Prabang, Pháp xúc tiến ngay việc tổ chức ủy ban Pháp Lào để tạo một thỏa ước về mối liên hệ trong tương lai giữa hai nước và thành lập một chính phủ hoàng gia Lào thân Pháp. Uỷ ban liên hợp trên đã công bố văn kiện đầu tiên ngày 27 tháng 8 năm 1946, theo đó Pháp công nhận quốc gia Lào thống nhất dưới quyền trị vì của quốc vương ở Luang Prabang trong một chế độ quân chủ lập hiến. Cũng thi hành theo văn kiện này, Pháp đã tổ chức một cuộc tuyển cử là vì ở mấy thị trấn (tháng 12 năm 1946) cho đủ lệ bộ cái áo khoác ngoài của một chế độ thuộc địa trá hình mới.
Trong khi ấy nhóm lưu vong ở Thái gồm những phần tử ưu tú nhất xứ Lào bắt đầu lục đục với những chủ trương đường lối khác biệt của ba ông hoàng lãnh đạo. Hoàng thân Phetsaratah là người bài Pháp, có tinh thần quốc gia cực đoan và bảo thủ. Em ông là hoàng thân Souvanna Phouma cũng chủ trương phải có độc lập hoàn toàn nhưng lại thiên về đường lối ôn hòa, nghĩa là, theo ông, có thể bắt tay cộng tác với Pháp để thâu hồi độc lập dần dần. Một người em khác, hoàng thân Souphanouvong, đảng viên đảng Cộng Sản Đông Dương, không có chủ trương riêng biệt nào khác ngoài chủ trương của đảng, nghĩa là tiếp tục trường kỳ kháng chiến trong chiến lược chung toàn vùng.
Hiệp ước mới 1949 được ký kết, Pháp công nhận quốc gia Lào tự trị trong khối liên hiệp Pháp và nới rộng quyền ngoại giao cho Lào trong đó có cả quyền xin làm hội viên Liên Hiệp Quốc. Sự kiện này đã lôi cuốn một số khá đông nhân vật lưu vong trở về hợp tác, trừ hai hoàng thân Phetsarath và Souphanouvong.
Chiến tranh Đông dương ngày càng khốc liệt hơn. Tháng 8 năm 1950, hoàng thân Souphanouvong, biến hẳn thành phần Lào Tự Do do ông cầm đầu sang tổ chức võ trang thiên Cộng (Pathet Lào).
Cũng trong năm ấy, với một cố gắng mong bình định xứ Lào cho yên bề nào hay bề nấy, Pháp tiến thêm bước nữa về mặt chính trị bằng cách hứa với những nhà lãnh đạo Lào là sẽ sớm trao trả độc lập hoàn toàn cho Lào.
Tháng 10 năm 1953, lời hứa ấy đã được đoan lại trên giấy tờ sau khi có cuộc tấn công ồ ạt vào xứ Lào của lực lượng Cộng Sản Việt và Lào. Dĩ nhiên đó chỉ là nền độc lập trên lý thuyết, còn thực tế, Pháp chỉ nhả hẳn miếng mồi Lào sau khi bị thất trận nhục nhã ở Điện Biên để phải ký kết hiệp định đình chiến Genève 1954. Nhưng ngay cả sau 1954, khổ nạn của xứ Lào vẫn chưa hết, vì thoát được Pháp thì Lào lại rơi vào vòng tranh chấp ảnh hưởng của hai khối đế quốc Cộng sản và Tư bản; và cũng như Việt Nam, Lào đã phải gánh chịu một cuộc chiến tranh tàn khốc dài dặc sau này.
[
còn tiếp]
Ghi Chú: [1] Hai chương 3 và 4 chỉ nhằm giới thiệu lướt qua những diễn biến lịch sử từ khi khi lập quốc tới ngày nay của từng nước. Riêng về Việt Nam, độc giả có thể tìm đọc ở bất cứ sách sử nào, hoặc ngay trong các sách giáo khoa bậc trung học, do đó chúng tôi xin mạn phép được bỏ qua.
[2] Ca-xích (casique) : Những lãnh chúa hay tù trưởng các sắc dân Phi trước kia. Ngày nay được hiểu một cách đặc biệt như là những thành phần phú hào có nhiều ruộng nương và uy quyền, nhất là uy quyền về chính trị trong một vùng.
[3] Hòa Lan đã mở đất Java cho người Tàu tràn vào. Ngay từ thế kỷ 18 đã có hàng trăm ngàn người Tàu di cư sang.
[4] Hòa đã viện cớ rằng tây Irian là đất của 800.000 người Papua da đen, hoàn toàn khác giống với dân Indonesia. Về sau, qua nhiều cuộc điều đình bất thành, Indonesia sử dụng quân đội đoạt lại năm 1962. Liên hiệp quốc đã can thiệp và “giữ thể diện” cho Tây phương bằng cách đề nghị dân chúng Papua tự do lựa chọn trong một cuộc đầu phiếu vào năm 1969. Sau cuộc đầu phiếu Irian đã chính thức được coi là thuộc lãnh thổ Indonesia.
[5] Singapua (Sigapura) có nghĩa là Sư thị. Singa: sư tử; Pura: thành thị. Người Tàu phiên âm là Tân gia ba.
[6] Sau khi vua Miến là Thibaw đầu hàng, phần lớn quân đội Miến không chịu buông khí giới và đã phân tán vào rừng núi đánh du kích. Ngoài ra còn năm hoàng thân Miến, mỗi người chiêu binh tập mã chiếm giữ một vùng gây thành tình trạng loạn lạc khắp Thượng Miến và về sau lan tràn cả xuống Hạ Miến.
[7] Vì áp dụng tổ chức cai trị kiểu Ấn nên mặc nhiên người Anh đã phủ nhận giáo quyền ở Miến. Thực ra Phật giáo đã được coi như quốc giáo từ triều đại Pagan thế kỷ 11 và tập đoàn lãnh đạo tăng già trong các thời vua Miến vẫn còn nhiều phạm vi trong việc đời. Sau này, khi đã độc lập thủ tướng U Nu lại tái xác nhận Phật giáo là quốc giáo trong một tu chính án hiến pháp năm 1961.
[8] Khi bị ám sát, Aung San mới vừa 32 tuổi. Ngày nay cái tên Aung San đối với người Miến vẫn còn mang một uy lực làm cho người nói đến phải cúi đầu, cái chết của Aung San vẫn còn làm cho người nhắc lại phải rướm lệ. Năm 1967, để tạo phong trào chống lại vụ gây loạn của học sinh Hoa kiều ở Miến (trước ảnh hưởng cách mạng văn hóa tại chính quốc), sinh viên Miến đã không cần phải viện dẫn lý thuyết cao sâu gì mà chỉ tung ra một đòn hiểm ác là hô hoán lên rằng bọn “Tàu đỏ” đã phóng uế lên chân dung Aung San (không biết có thật không hay bịa đặt), thế là cả Rangoon ào ào đứng dậy nhào vào chiến dịch chống Tàu một cách cuồng nhiệt. Nếu chính quyền không ngăn chặn kịp thời thì hậu quả không biết đến đâu mà lường.
[9] Trong các tài liệu lịch sử U Nu còn có thể được gọi là Thakin Nu. Danh hiệu Thakin có nghĩa là
chủ nhân được một nhóm cách mạng gia trẻ tuổi trước Thế chiến II tự đặt để biểu trưng quyết tâm làm chủ đất nước và cũng để nhạo báng kẻ thống trị. Chữ Thakin được dịch từ tiếng Ấn Sakib ra, một danh từ người Ấn dùng để gọi người Âu một cách tôn kính. Còn chữ U trong ngôn ngữ Miến có nghĩa là chú, bác, được ghép luôn với tên chính để tỏ lòng ngưỡng mộ các bậc trưởng thượng.
[10] Hai tỉnh này là đất mà Pháp đã nhượng cho Thái năm 1867. Sang đầu thế kỷ 20 Pháp đã tìm cách lấy lại (qua các cuộc thương nghị 1902, 1904 và 1907), nhưng đến năm 1941, do sự can thiệp của Nhật, Pháp lại phải tái nhượng cho Thái. Thoát khỏi tay Pháp, dân chúng trong vùng đã tự cho là được giải phóng và nhờ sự khuyến khích của chính phủ Thái họ đã tổ chức Phong trào Khmer Issarak với chủ trương giải phóng một lãnh thổ Khmer còn lại trong tay người Pháp.
[11] Phe dân chủ luôn luôn chủ trương bài Pháp và chống cả Sihanouk nên đã được sự ủng hộ khá mạnh của dân chúng. Trong cuộc bầu Hội đồng Tư vấn năm 1946, Dân chủ chiếm 50 ghế, Tự do của hoàng thân Norodom Norindeth (thân Sihanouk) chiếm 16 ghế và các phần tử độc lập chiếm 5 ghế. Trong cuộc bầu cử Quốc hội 1947, Dân chủ chiếm 55 còn Tự do chiếm 20. Từ khi Youtévong mất vì bịnh lao năm 1947, đảng Dân chủ hoàn toàn nằm trong tay nhóm Sơn Ngọc Thành.
[12] Nhật ký và tự thuật của Auguste Pavie được in trong cuốn Mission Pavie en Indochine, Paris 1898-1904.