Mảng Hồi Ức
Thụy Hồng 19.07.2009 05:50:34 (permalink)
Mảng Hồi Ức
 
Một .
-Tao có gặp Trăng Xanh Biếc sau hơn 30 năm .
Dòng chữ của thằng bạn đang chat với  gã như nhẩy múa trên màn hình máy tính . Gã bấm phím chữ loạn xạ , chữ nọ xọ chữ kia mãi mới thành câu hỏi :
-Trăng Xanh Biếc nào ? Chả lẽ là em anh Nhật ?
-Đúng vậy !
Gã tưởng tượng cái gương mặt của thằng bạn khi trả lời câu hỏi của gã chắc phải rất trịnh trọng bới vì bạn gã biết rằng đối với gã , cái tin này quan trọng không kém gì cái tin mà nó thông báo với bạn bè rằng nó sẽ lấy vợ và ra nước ngoài sinh sống. Gã quên bén luôn là trước khi thông báo cho gã biết , thằng bạn đã cẩn thận hỏi có vợ gã ở đó không .
-Có Email không ?
-Không !
Trong lúc gã đang ngơ ngẫn , thằng bạn gã bồi thêm :
-Hay đúng hơn tao không muốn biết . Hoặc vì yêu cầu không cho biết .
-Không thì cũng như không !
Gã thất vọng gõ bàn phím trả lời .
Thằng bạn gã vừa tham dự một cuộc Picnic của nhóm Cựu học sinh trên một đất nước tập trung nhiều người Việt sinh sống mà họ có mặt ở đó với nhiều thành phần , nhiều lý do để bỏ nước ra đi . Gã cũng đã từng muốn bỏ nước ra đi như thế nhưng có lẽ cái số của gã là phải ở lại , làm một công dân yêu nước nên đám bạn rủ rê gã tìm đường vượt biên lần lượt đi thoát cả . Gã ở lại ngậm ngùi tự trách mình có cái số con rệp .
-Trong số ảnh tao chụp có Trăng Xanh Biếc trong đó . Tìm thử xem .
-Tao chỉ mới thấy mặt là nhận ra Trăng Xanh Biếc liền .
-Nếu mày nhìn không ra thì dở ẹc .
-Nàng sẽ giận mày…Ha ha…
Gã mở lại đống hình buổi Picnic mà thằng bạn đã gửi qua mạng Internet cho gã xem , mặc những câu trêu chọc của thằng bạn . Nói nào ngay khi xem hình , gã chỉ quan tâm đến những gương mặt bạn bè quen biết , những gương mặt khác gã lướt qua nhanh vì lượng hình khá là nhiều . Và không khó khăn gì để gã nhận ra nàng .
“ Đúng vậy ! ”
Hai từ xác nhận của thằng bạn , chẳng khác nào một nhát búa dứt khoát , đập mạnh vào cánh cửa đang khép trong lòng gã làm nó mở toang ra , kèm theo là ngọn gió thổi thốc vào cái đám tro tàn dĩ vãng . Gã cảm thấy dưới cái đống tro tàn đó vẫn còn âm ỉ những đốm than hồng .
Hóa ra hơn một phần tư thế kỷ rồi mà gã vẫn còn nhớ nhiều thứ lắm .
Hai .
Trời phú cho gã cái khiếu kỹ thuật . Gã biết nhiều thứ nhưng giỏi nhất là Điện tử . Gã đam mê món này từ năm học lớp đệ lục nên gã giỏi cũng không lấy gì làm lạ . Thời gian ngoài giờ học gã vẫn nhận sửa máy móc , khi là cái Radio , khi thì cái Tivi của lối xóm . Nhờ vậy mà bố mẹ gã cũng đỡ được phần nào món tiền tiêu vặt cho con mình . Cứ thế gã theo học dần lên những lớp trên . Một số giáo sư biết gã có nghề điện tử thỉnh thoảng gọi gã đến nhà sửa chữa Tivi . Ơn trời , nhờ vậy mà gã cũng được phần ưu ái của các vị đó khi phải trả bài hay làm bài tập .
Cuộc đời học sinh cứ thế bình lặng trôi . Cuộc chiến nồi da xáo thịt trên cái đất nước khốn khổ của gã càng lúc càng ác liệt . Gã  cũng nhận thấy tương lai của gã cũng mờ mịt khi cầm trên tay cái giấy gọi nhập ngũ khóa Hạ sĩ quan trừ bị . Năm đó gã 18 tuổi , đang học lớp 11 . Cái giấy gọi nhập ngũ ghi hạn chót để gã trình diện nhập ngũ , nói một cách nôm na là đi lính , là ngày 2 tháng 5 năm 1975 . Gã thở phào nhẹ nhõm , mẹ gã cũng thở phào nhẹ nhõm khi vào ngày 30 tháng 4 , Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện . Mỗi tối khi bố mẹ gã đi họp Tổ dân phố  thì gã đi nhảy điệu Sol Đố Mì trong sinh hoạt thanh niên , nghe phổ biến đường lối Cách mạng  , lý tưởng của thanh niên đối với Đảng . Tuy nhiên không cần lâu la gì gã cũng nhận ra bộ mặt thật của cái chế độ mới , cái chế độ đã giúp gã không phải đi lính , không phải ra trận cầm súng chiến đấu , mà nếu xui rủi thì về với ông bà ông vãi .  Gã đâm ra hoang mang . Cái buổi giao thời này ắt hẵn không có ít người mang tâm trạng giống như gã .
Gã đi học tiếp sau ngày tựu trường khá lâu , đến nỗi vị thầy chủ nhiệm lớp gã tuyên bố , nếu đến cuối tháng mà không thấy gã đi học thì sẽ gạch tên gã ra khỏi danh sách học sinh lớp . Gã quay lại học vì thấy nhớ trường , nhớ lớp , nhớ cái lũ bạn đã cùng học chung với mình bao năm mà giờ chúng hầu như cũng đủ mặt để đi học tiếp năm cuối cùng của đời học sinh trung học . Mọi thứ đều thay đổi , từ cách học cho đến cách gọi . Các vị thầy cô có người vẫn ở lại trường , có người  bỏ nghề . Danh xưng  giáo sư với học trò bây giờ là giáo viên . Tất tần tật cả các cấp lớp từ mẫu giáo đến lớp 12 .
Gã đi học lại , đám em của gã cũng đi học lại . Để được gọi là “ Đang đi học “ nếu cha mẹ gã phải khai lý lịch với địa phương , để khỏi phải đi lao động công ích , để nhà gã khỏi đi Kinh tế mới , một phong trào rầm rộ của chính quyền mới  lúc bấy giờ . Gã học mà tâm trí thường để ngoài sách vở , cái mà người ta thường nói là “ Học không vô ! “ . Mãi tận bây giờ , giống như một thằng bạn của gã cũng từng phát biểu , gã chẳng hiểu  gã lê lết hết năm học bằng cách nào để thi tốt nghiệp nữa .
Một hôm trong giờ ra chơi gã đang ngồi trong lớp thì một thằng bạn gọi với vào :
-Vũ , có người kiếm mày này !
Gã ngạc nhiên bước ra xem ai tìm mình ở trước cửa lớp .
Cho đến bây giờ gã vẫn không quên lúc đó , không quên cái cảm giác khi gặp người tìm mình .
 
Nàng đứng đó , ngay trước cửa lớp gã .  Khoảng không gian nơi nàng đứng dường như cũng bừng sáng theo nàng . Chí ít thì đối với gã là như thế trong lần đầu tiên gã gặp nàng .
-Em là em anh Nhật . Anh Nhật nhắn anh chiều tối nay anh đến sửa cho anh Nhật cái Tivi .
Hóa ra nàng là em  ông thầy dạy Toán của gã mà sau 30 tháng 4 , ông đã bỏ nghề dạy học . Gã chỉ biết được đến thế thôi . Sau này gã mới biết  nàng học chung trường với gã , dưới gã một lớp . Tối đó gã cụ bị đồ nghề đến nhà anh nàng , cũng là thầy dạy học của gã . Pan của cái Tivi đối với gã chỉ là trò trẻ con , gã chỉ cần múa mỏ hàn một chút là xong . Hai thầy trò ngồi chuyện vãng khá lâu , câu chuyện tập trung vào vấn đề thời sự là chính . Gã cố gắng bắt nhịp theo , thực tình mà nói , một phần cũng vì nàng . Anh nàng còn nhờ nàng nhắn sửa một vài món nữa . Lạy Chúa tha tội ! Gã mong đồ điện của vị thầy khả kính của mình hư nhiều vào để nàng còn tìm gã mà nhắn tin dài dài . Nhưng cũng nhờ vậy mà qua anh nàng gã được biết tên nàng là Trăng Xanh Biếc .
“ Trăng Xanh Biếc “ . Gã nhẩm tên nàng , cảm thấy cái tên có gì đó hay hay . Buổi tối khi ở nhà anh nàng về , mang theo thắng lợi là biết được tên nàng , gã cảm thấy cuộc đời dường như không đến nỗi khốn nạn như  bấy lâu nay . Chân gã đạp chiếc xe đạp cà tàng cũng thấy nhẹ đi hẵn .
Với  gã , bao lời anh nàng giảng dạy trong lớp khi ông còn dạy học ở trường , những nhận định ưu thời mẫn thế sau này của ông khi ông nghỉ dạy cũng không quý giá bằng một hôm , ông báo cho gã biết cái Tivi của bố ông ,  tức cũng là bố của nàng , bị hư và ông cho địa chỉ để gã đến sửa . Cũng may gã cũng biết giấu cái hân hoan của mình vào trong , không để cho anh nàng thấy . Dù gì thì trước hết  anh nàng cũng là thầy của gã . Gã tìm đến nhà nàng theo địa chỉ mà anh nàng cho không khó khăn gì cả . Nhà bố mẹ nàng cũng gần nhà anh của nàng . Ra đón gã là nàng . Lần đầu tiên gã nhìn thấy nàng trong bộ đồ mặc ở nhà chứ không phải là trong bộ  áo dài đi học . Có điều gã vẫn thấy không gian quanh nàng dường như vẫn tỏa sáng . Và cũng là lần đầu tiên gã biết mặt bố mẹ , các em của nàng . Cái ấn tượng đầu tiên của bố nàng với  gã , đó là một mẫu người gia trưởng , phong kiến đúng nghĩa của một gia đình Bắc di cư 54 . Mẹ nàng với gương mặt nhân hậu như bao bà mẹ Việt Nam khác , phục tùng chồng và chiều chuộng con cái . Dưới nàng còn một cô em gái , kém nàng vài tuổi tên Dung và một cậu em trai hãy còn bé tên Hiền .Gã xử lý cái Tivi của bố nàng cũng nhẹ nhàng như  là nó phải như thế . Bố nàng ngồi hỏi chuyện gã , cũng rất nhiều . Gã dè dặt hầu chuyện lại , nàng ngồi gần đó thỉnh thoảng góp thêm vào .
-Anh Nhật có nói với tôi anh là người khá , có thể tin được !
Bố nàng buông một câu với gã trong lúc trò chuyện . Gã thấy cảm động với bố nàng , thầm cảm ơn ông thầy có lòng ưu ái với mình . Gã chỉ thắc mắc là không biết nàng nghĩ ra sao về gã .
Gã lui tới nhà nàng thường xuyên hơn , dù năm học sắp hết và phải thi tốt nghiệp . Gã cảm thấy bố mẹ , các em của nàng cũng quý gã . Gã cũng không quên thỉnh thoảng ghé qua nhà thầy mình , cái chính vẫn là chia xẻ những đổi thay của đất nước . Đương nhiên với bố nàng cũng thế . Tội nghiệp ! Với lứa tuổi của gã lúc bấy giờ thì kinh nghiệm sống có là bao , gã theo hầu chuyện hai vị trưởng thượng mướt mồ hôi . Rồi ngày thi tốt nghiệp cũng sắp đến , dù gã học lơ tơ mơ thì cũng phải đối mặt với nó . Gã bẵng đi một thời gian ngắn không ghé qua nhà thầy mình , cũng không ghé nhà nàng . Thi cử xong , gã mới đạp xe đến nhà anh nàng thì thấy  nguyên một tấm bảng to treo trước cửa :
Trạm Y Tế Phường  .
Tấm bảng đỏ , chữ vàng . Mẫu mực cho những bảng hiệu thời đó , cả Nhà nước  lẫn Nhân dân .
Gã thẫn thờ , dù trong nhiều lần trò chuyện với  thầy , gã cũng biết ý định vượt biên của ông . Trong thâm tâm , gã nghĩ không chừng ông cho gã đi ké theo nữa . Vậy mà chỉ bẵng một thời gian ngắn ông đã đi mất rồi . Gã đạp xe qua nhà nàng , hỏi thăm tin tức của ông thì được biết ông đã đi trót lọt . Gã cũng thấy mừng cho ông .
v   
Sách , truyện cũng như  những bài hát được mệnh danh là Nhạc vàng của chế độ cũ , được quy chụp là Văn hóa phẩm đồi trụy , bị tịch thu , tiêu hủy không thương tiếc . Một số người vẫn giữ lại những tác phẩm có giá trị , trong đó có bố của nàng . Gã cảm thấy bố nàng quý mình nhiều hơn khi cụ đưa cho gã mượn cuốn truyện  Quần đảo ngục tù của Aleksandr I. Solzhenitsyn  với  câu trịnh trọng :
-Tôi quý anh lắm mới đưa cho anh mượn cuốn này . Anh đọc xong mang trả cho tôi , chớ cho người khác mượn .
Gã thấy như mình đã là người nhà của gia đình nàng . Cũng có thể vì lúc đó con trai trong nhà chỉ còn một cậu em Hiền hãy còn bé quá . Nàng đối với gã cũng thân thiết hơn , gã thấy thế . Đêm Giáng sinh đầu tiên sau giải phóng gã rủ nàng đi chơi . Gã với nàng gởi xe ở nhà một thằng bạn rồi thả bộ ra trung tâm Sài Gòn . Đường phố vẫn đông vui như bao năm trước , chỉ khác là có thêm bộ đội khoác AK đứng canh trên nhiều con đường . Gã đi bên nàng , lòng vui sướng lẫn hồi hộp , chuyện trò với nàng chẳng đâu vào đâu .
-Nếu mấy anh của em còn ở đây thì không cho em đi chơi với anh đâu—Nàng nói với gã .
-Mấy anh khác thì anh không biết chứ anh Nhật thì bảo đảm là cho .
Gã trả lời nàng với giọng điệu chắc như đinh đóng cột . Gã không cho nàng biết có lần thầy gã hỏi :
-Năm nay em bao nhiêu tuổi rồi ?
Gã trả lời xong thì vợ thầy quay sang hỏi chồng :
-Cái Trăng Xanh Biếc nhà mình năm nay được bao nhiêu nhỉ ?
Có ngu khờ lắm thì gã cũng biết mình đã lọt vào mắt xanh của thầy mình . Ấy là chưa kể dạo đó gã cùng vài đứa bạn học hay đến nhà thầy , ông cũng hay hứng thú dắt đám học trò của mình ra hàng thịt chó gần nhà khề khà nhậu . Tửu lượng của ông khá cao , đám học trò chết lên chết xuống mà ông vẫn tỉnh rụi . Một lần , trong lúc nhậu với thầy , gã đánh bạo mượn rượu hỏi :
-Em có điều này muốn nói với thầy , có gì không phải xin thầy bỏ qua cho .
-Không sao cả , em cứ nói .
-Lúc thầy còn đi dạy , đối với em thì thầy là thầy . Nhưng bây giờ thì em xem thầy như  là người anh của em vậy .
Thầy gã vỗ đùi phán :
-Như vậy thì tốt quá chứ sao .
Đang ngà ngà , bỗng dưng gã muốn tỉnh rượu hẵn .
Hôm thi đại học gã chỉ đến phòng thi buổi sáng . Gã đi thi chỉ vì mẹ gã thúc hối . Buổi chiều gã lủi đến nhà nàng , vì gã biết chắc có thi thì vẫn không đậu . Ngồi trò chuyện với nàng , gã vẫn không ngớt tự hỏi không biết bây giờ , gã có được bao nhiêu phần tình cảm ở trong nàng . Kể cũng lạ , đối với những pan máy móc thì gã phán đoán bệnh rất nhanh nhưng với nàng thì hầu như gã mù tịt , chỉ suy đoán theo cảm tính . Gã thường hay nhìn nàng , thầm nghĩ  là không biết trong cái đầu xinh xinh đó đang nghĩ gì về gã . Có lần nàng nói với gã :
-Anh có đôi mắt làm em sợ nhưng nụ cười làm em ấm áp cả lòng .
Gã chẳng biết trả lời nàng sao nữa . Hôm đó gã về xem lại mình trong gương . Đôi mắt thì gã không biết nhưng nụ cười nửa miệng của gã , gã thấy cũng không đến nỗi nào .
Gã nghỉ học . Rồi gã đi làm công nhân cho một công ty xây dựng . Tất nhiên , lúc đó chỉ có công ty Nhà nước chứ làm gì có công ty tư nhân như bây giờ . Công nhân nhà nước là giai cấp cách mạng , được mua nhu yếu phẩm như đường , sữa , bột ngọt … lại không bị đi lao động bắt buộc . Nói tóm lại là được ưu ái nhiều mặt ở cái thời kỳ nhà nước bao cấp . Chỗ gã làm cũng khá xa , buổi tối chờ sáng để khoác cái ba lô đi nhận chỗ làm , gã mơ mộng sáng tác một bài thơ tặng nàng . Ngày đầu tiên gã đi làm cũng là ngày nàng thi tốt nghiệp . Rồi nàng thi vào Lâm nghiệp , và đậu . Gã hỏi nàng :
-Sao Trăng Xanh Biếc lại thi vào Lâm nghiệp ? Bộ rừng đẹp lắm hay sao ?
Nàng chỉ cười mà không nói . Bây giờ gã mới thấy mình hỏi một câu rất ư là vô duyên .
Ban ngày gã đi làm còn nàng đi học , hầu như gã chỉ gặp nàng vào ngày chủ nhật . Một thời gian sau công ty của gã hết việc , tổ làm việc của gã bị điều lên Long Khánh phá rừng lấy đất tăng gia sản xuất . Lần đầu tiên gã biết mặt rừng rú , gã thấy rừng cũng đẹp , có lẽ cũng vì nàng chọn nghành Lâm nghiệp để học . Hết phá rừng gã lại theo công ty ra Vũng Tàu xây cầu cảng , thằng bạn thân của gã đi nghĩa vụ quân sự ở Bà Rịa thường đón xe Long Điền-Bà Rịa-Vũng Tàu , còn gọi là Con rùa Long Điền vì tốc độ rùa bò của nó , vù ra chơi với gã , để rồi trở về đơn vị bị kỷ luật thê thảm . Cả thời gian đó gã không gặp nàng . Thằng bạn gã ra chơi , ở lại với gã , xù đơn vị . Hai đứa ra vệ đường quốc lộ ngồi . Đêm đó trăng sáng , hai thằng hết chuyện để nói quay sang ngắm trăng , thằng này đều hiểu thằng kia đang nhớ đến cái gì . Gã thì nhớ Trăng Xanh Biếc , còn thằng bạn gã cũng nhớ đến trăng , có điều là Trăng Mùa Thu .
 
Cái số của gã là phải có một lần cầm súng . Gã thoát đi quân dịch chế độ cũ thì gã bị gọi đi nghĩa vụ quân sự trong cơ quan . Huấn luyện quân sự xong , ra trường là gã được đưa thẳng qua K . Những lúc hành quân , những ca gác đêm nơi trận địa , gã thường nghĩ đến những người thân , bè bạn và đến nàng . Gian khổ thế mà gã vẫn còn làm thơ được , có bài gã tặng bạn , có bài gã đề tặng nàng nhưng chỉ mình gã biết . Gã thuộc đơn vị công binh , chả hiểu sao gã lại bị chọn vào đó , chắc tại cái lý lịch là công nhân công ty xây dựng . Đụng trận thì phải bắn , ngoài ra nhiệm vụ chính của tiểu đội gã là đào hầm chỉ huy cho Sư đoàn bộ , trên đường hành quân chiến đấu thì luôn đi đầu , để gỡ mìn . Tất nhiên , công binh không gỡ mìn thì ai gỡ . Mà mìn Khmer Đỏ cài thì nhiều vô thiên lủng . Gã cũng nhận ra là gã có số may mắn , đồng đội của gã rụng rơi như lá mùa thu , còn gã thì chưa sao cả .
Việc gì thì cũng có cái giới hạn của nó , thần may mắn của gã cũng thế . Trong lần phối hợp với đơn vị bạn mở đường vượt qua sông Tê , xuyên ngang thị trấn Kratier , đánh ngược về mạn quân khu 5 , gã ngồi trên chiếc M113 đầu tiên mở đường , bộ binh theo sau . Cứ mỗi lần tài xế xe dừng lại là gã với mấy thằng chung tiểu đội nhảy xuống , gấp rút tháo kíp mìn rồi quăng sang vệ đường . Bọn Khmer Đỏ rút chạy gấp đến nỗi không kịp ngụy trang kỹ trái mìn chống tăng . Súng râm ran nổ , chiếc M113 vẫn xông lên , nhấp nhô trên con đường đất đỏ giữa hai bìa rừng cao su cỏ hôi mọc lút đầu người . Thình lình gã thấy một tia chớp màu cam giữa trời nắng gắt lóe lên . Gã rơi vào lòng xe . Im ắng . Lúc bộ binh tràn lên làm chủ trận địa , gã mới biết chiếc M113 của gã bị một tên Khmer Đỏ , nấp trong bụi cỏ hôi ven đường , thình lình đứng lên táng vào xe một quả B-41 , trúng ngay cái bửng đại liên .
Một chiếc M113 được tách ra mở đường cho chiếc xe tải chở thương binh , tử sĩ quay về quân y viện tiền phương . Gã ăn thêm mảnh M79 của bọn Khmer Đỏ chận đánh tập hậu khi nén đau nhảy xuống khỏi xe , lăn vào vệ đường , nằm úp mặt xuống đất phó mặc cho số mệnh . Sẫm tối gã lại lên xe tải thương cùng với các thương binh khác chuyển từ quân y viện tiền phương vượt qua biên giới về bệnh viện Lộc Ninh . Tay tài xế cứng cựa phóng như bay , hai bên bìa rừng vạch đỏ những làn đạn hướng về xe tải thương  . Cái số của gã chưa chết nên chiếc xe về đến bệnh viện Lộc Ninh an toàn . Tối đó , nằm trong bệnh viện gã mới nghiệm ra rằng sống chết đều có số . Lúc xung trận , xe dằn xóc , phần thì những người trên xe cản đầu súng của gã nên gã phải đứng mà bắn . Trên xe , cạnh tài xế có để một bao gạo . Một tên thuộc cánh xe tăng ngồi ở đó , vị trí dễ quan sát cũng như để bắn , lại ít bị dằn xóc như vị trí của gã ở phía sau xe . Trước khi xe bị bắn ít phút tên này bỏ bao gạo đi xuống , gã nhỏm lên định thế vào chỗ đó thì một tên khác nhảy vào chiếm chỗ . Tên này , gã thấy bị bay mất một cánh tay , ngực trái thủng một lổ bằng miệng chén nhìn suốt qua sau được .
Gã lại được chuyển về quân y viện của Sư đoàn , hôm sau gã nghe tin Phnom-Penh được giải phóng . Gã hờ hững khi nghe tin này , nhẩm tính cũng sắp đến Tết nguyên đán . Vết thương của gã cũng đỡ khá nhiều . Có hai tên quân bưu thuộc sư đoàn của gã ghé vào quân y viện nghỉ chân , gã thấy chúng lục thư của những người yêu , bạn gái của lính ra đọc rồi thủ tiêu . Gã thấy nỗi bực tức dâng lên .
-Đồ chó đẻ !
Gã buông một câu văng tục , rồi lại đâm lo không biết trong túi thư đó có thư nàng hay không . Trong chiến trường gã cũng có gởi cho nàng mấy lá thư . Gã tiến đến , xưng tên họ và hòm thư của mình . Một tên lục trong túi thư lôi ra một lá đưa cho gã . Thư của thằng bạn gã , không phải của nàng . Thằng bạn gã kể tên mấy đứa bạn cũng đi nghĩa vụ quân sự về chơi rồi hỏi gã : Bao giờ đến lượt mày về ? Gã xếp thư lại , lầm bầm : Tao về đây ! Gã rủ thêm vài đứa thương binh cũng đang nhớ nhà , khoác ba lô lên vai . Bái bai cái quân y viện ,  luồn lách qua khỏi những trạm kiểm soát quân sự giăng đầy từ Lộc Ninh đến Sài Gòn , gã về đến nhà .
v   
-Em định rủ con Dung tìm nhà anh để hỏi hòm thư của anh mà nó ngại , không chịu đi .
Nàng nói với  gã khi gã xuất hiện ở nhà nàng . Vậy là thư gã gởi cho nàng không đến được . Cũng không sao . Gã đang ở đây , gặp lại nàng , thế là được rồi . Cái Tết trôi qua thật mau . Vài đứa bạn gã xui gã ở lại tìm đường vượt biên với chúng , gã nghe cũng xuôi tai , nhất quyết ở lại . Từ đó gã thành một tên đào ngũ , bị lệnh truy nã của địa phương . Gã theo hết đứa này tới đứa kia , chân dẫm hầu hết miền Tây , lâu nhất là Rạch Giá , chỉ mong được đi ké theo chúng , thoát được thì qua bên đó trả lại sau . Nhà gã nghèo , vàng không có lấy đến một cây thì lấy đâu mà chung với chi .
Lũ bạn rủ rê gã vượt biên âm thầm đi hết mà không có gã . Gã đâm ra bị rơi vào cái thế ở bên lề xã hội . Chính quyền thường mở những cuộc khám xét giấy tờ ở quán cà phê , nơi công cộng để tìm những tên vô công rỗi nghề đưa đi lao động cưỡng bức , hoặc tìm những tên trốn nghĩa vụ quân sự , đào ngũ như gã . Gã sống như một con thú hoang , dùng bản năng của mình để tồn tại . Gã đến nhà nàng nhiều hơn , lắm lúc nhìn nàng mà ngẫm nghĩ đến thân phận bi đát của mình .
Cái nghề của gã khi còn đi học giúp gã không ít trong thời gian này . Trốn biệt khỏi địa phương , gã tếch lên Xóm Mới , dung thân vào nhà một anh giáo viên cũng làm nghề điện tử mà tay nghề còn non . Gã ở đó sửa máy cho khách hàng , có khi cả tuần lễ không ló mặt ra khỏi nhà mỗi khi có chiến dịch truy quét của công an . Êm êm rồi gã lại đạp xe xuống thăm gia đình nàng . Có khi gã tá túc nhà một tay cảnh sát chế độ cũ vài ngày , tay này cũng sửa điện tử , trình độ sửa máy chỉ đáng làm học trò cho gã . Bố nàng có cái Radio hiệu Phillip , cụ dùng để nghe BBC , VOA hầu nắm bắt các thông tin bị bưng bít . Một hôm nó giở chứng không kêu nữa , gã mang về nhà tay này sửa xong , gởi lại đó , gã về Xóm Mới . Hôm sau trở lại , tay chủ nhà thản nhiên thông báo là cái Radio bị trộm khoắng  hồi hôm . Gã lo lắng , bụng nguyền rủa tên chủ nhà thậm tệ . Gã năn nỉ bố nàng , tìm một cái Sony khác để đền . Mang cái Sony xuống cho bố nàng , gã thấy cụ miễn cưỡng nhận , mặt không được vui . Gã lại nguyền rủa tên này tiếp .
Bố nàng bệnh nặng , gã chỉ biết được điều đó khi gã thò mặt ra khỏi nơi dung thân , sau đợt truy quét rầm rộ của công an , đạp xe xuống nhà nàng . Cụ bệnh khá nặng , cơ hồ gã không còn  nhận ra người chủ gia đình quyền uy ngày nào . Mẹ nàng bảo cụ bị ung thư giai đoạn cuối , căn phòng cụ nằm tràn ngập mùi khói thuốc phiện thơm thơm mà mẹ nàng mua cho cụ hút . Để cụ đỡ đau đớn với căn bệnh , mẹ nàng nói thế . Lúc này mà tìm được chỗ mua thuốc phiện cho cụ hút , quả là một  kỳ công . Cụ vẫn nhận ra gã khi gã ngồi xuống  cái ghế nhỏ đặt cạnh giường cụ , đưa tay ra cho gã cầm . Gã nắm bàn tay gầy guộc của cụ , lòng mơ hồ nghĩ đến Tứ Đại Giai Không của nhà Phật . Thêm một số họ hàng bên nhà  nàng đến thăm cụ , căn phòng vốn đã chật lại càng chật thêm  . Có tiếng người nào đó nói :
-Tránh rộng ra để bác sĩ xem bệnh .
Gã bối rối đính chính , thoáng thấy nàng đưa tay che miệng cười . Gã hận mình không phải là bác sĩ thực thụ trong thời khắc quan trọng này . Gã ở nhà nàng đến khuya mới trở về chốn dung thân của gã .
Hơn một tuần sau gã mới có điều kiện xuống  nhà nàng . Đập vào mắt gã là bàn thờ  vong của bố nàng , gã thấy lòng mình quặn thắt , bước đến thắp cho cụ một nén hương .
-Anh về thì tối hôm sau bố em mất , cả nhà trông anh mà không biết anh ở đâu để nhắn .
Nàng nói với gã khi hai người ngồi đối diện nhau . Gã nguyền rủa mấy cái máy khách hàng chờ sửa , cả cái chiến dịch truy quét rầm rộ của công an khiến gã không rời được ra khỏi chốn dung thân . Gã ngồi nói chuyện với nàng , nỗi buồn của nàng như cũng thấm sâu vào người gã .
 
Một người anh của nàng thình lình xuất hiện trong nhà , qua giới thiệu , gã biết tên là Hậu .
Vốn tính gã không tò mò , tọc mạch chuyện người khác nên gã không hỏi nàng nhiều về người anh này . Hậu hơn gã một tuổi , có lẽ vì thế nên gã cũng chóng thân với Hậu . Hậu cũng ít hỏi gã về cuộc đời của gã , chắc là nhà nàng cũng đã kể rồi . Lúc này các chiến dịch truy quét của công an cũng thưa nhiều , gã có điều kiện ghé thăm nàng thường hơn . Kể cũng lạ , gã gặp Hậu một thời gian không lâu mà Hậu thân với gã như một người bạn lâu năm , kể nhiều chuyện riêng tư của mình cho gã nghe . Kể chuyện gì thì gã biết chuyện đó , đã bảo là tính gã không tò mò chuyện của ai mà . Đôi khi gã ngủ lại nhà nàng , chung căn phòng với Hậu . Nhiều lần giữa đêm khuya ,trong lúc Hậu ngủ , gã ngồi ở cái bàn kê cạnh cửa sổ nhìn đối diện phòng của nàng thông qua cái giếng trời , gã làm thơ tặng nàng . Con người của gã cũng có một ít máu văn nghệ sĩ từ thuở còn đi học , cũng ti toe viết báo xuân , báo hè hoặc làm thơ cho tập thơ của lớp . Gã làm thơ tặng nàng nhưng không bao giờ gởi , giống như một tay thi sĩ khá nổi tiếng sau này đã viết :

......
 Mối tình đầu của tôi có gì?
Chỉ một cơn mưa bay ngoài cửa lớp
là áo người trắng cả giấc ngủ mê
là bài thơ cứ còn hoài trong cặp
giữa giờ chơi mang đến lại... mang về
  .......                                                                    
( Chút Tình Đầu- Thơ Đỗ Trung Quân )

Khác chăng , nhân vật của tay thi sĩ là cậu học trò còn gã không còn đi học . Những bài thơ gã làm trong cuốn sổ tay bìa cứng nhỏ thì nằm trong cái túi đựng mìn Claymore , gã thường vắt ngang thân chiếc xe đạp sườn ngang của gã , theo gã rong ruổi trong cuộc sống mà gã gọi là lông bông .
Một lần , Hậu gọi gã vào trong nhà vệ sinh , lấy từ trên nắp bồn nước dội cầu xuống một hộp bánh biscuit mở cho gã xem . Bên trong hộp bánh chứa đầy những mẩu vàng , Hậu nói có được trong một lần làm ăn . Cho đến lúc đó , gã chưa  bao giờ thấy nhiều vàng như vậy .
-Ông xem , vậy mà toàn là vàng giả .
Hậu nói với gã như thế rồi cất vào chỗ cũ . Giả hay không thì gã không biết , gã không có trình độ phân biệt vàng giả hay thật bằng mắt thường . Đến bây giờ đôi lúc nhớ lại gã tự hỏi không biết có phải Hậu thử lòng gã không nữa . Cũng may là gã không có tính tham . Hậu cho gã biết là đang tính một chuyến vượt biên , trong thời gian đó gã nhớ đến thường hơn vì ngày đi chưa xác định được , gọi lúc nào là đi lúc đó . Cơ hồ gã xem như đây là dịp may cuối cùng để gã thoát khỏi tình cảnh hiện tại . Gã tính nếu đi được thì vài năm sau sẽ quay về với vị thế khác , tìm lại nàng .
Cuộc sống vẫn là cuộc sống , dù tốt đẹp hay tồi tệ thì người ta vẫn phải chấp nhận nó , gã cũng thế . Gã lại quay về chốn dung thân để mưu sinh , để tồn tại . Vài ngày gã lại ghé nhà nàng , gặp Hậu để hỏi tin vượt biên . Cái tình cảm gã dành cho nàng vẫn như xưa , còn nàng đối với gã thì như thế nào , thật lòng gã không hiểu hết tường tận được . Công việc của gã khi nhiều khi ít . Khi gã thanh toán hết mấy cái máy , đạp xe xuống nhà nàng , thì cũng gần tuần lễ trôi qua . Gã hỏi đến Hậu thì mẹ nàng cho biết Hậu đã đi vài ngày trước , mang theo cậu em  Hiền .
-Thằng bé không chịu đi , khóc lóc níu lấy mẹ . Anh Hậu trừng mắt , nghiến răng quát một tiếng , thằng bé phải riu ríu nghe theo . Tội nghiệp thằng bé .
Mẹ nàng nói với gã rồi thở dài . Chắc trong lòng bà đang nóng như lửa đốt , nghĩ đến hai đứa con trai hiện giờ chưa biết ra sao . Gã lại thấy số mình đen đủi , không có mặt đúng lúc cần thiết . Hồi bố nàng mất cũng thế . Bất giác gã cũng thở dài .
v   
Ông Trời ưu ái khi cho nàng sinh ra trong cái ngày cả thế giới đều làm lễ kỷ niệm . Gần đến ngày sinh nhật nàng , cả nước nói chung và thành phố nói riêng , tưng bừng treo băng-rôn , biểu ngữ chào mừng . Gã thấy vui khi nghĩ  toàn thế giới đều mừng sinh nhật nàng chứ không riêng gì gã . Gã ra đường Lê Lợi mua một cây bút máy Pilot nhờ khắc lên thân vài chữ , gói ghém lại cẩn thận , mang đến nhà tặng cho nàng . Được một hai hôm , trong lúc trò chuyện , nàng mang cây bút ra trả lại gã . Gã không hiểu sao nàng vui vẻ nhận lúc gã tặng cho nàng , bây giờ lại mang trả lại . Nàng nói nhiều lắm mà gã nào có nghe được gì nữa đâu , đầu óc gã lùng bùng , mơ hồ hiểu là nàng muốn xem gã như một người anh . Nàng nói rồi nàng bật khóc . Nàng khóc , còn gã thì ngồi đó tê tái cả cõi lòng . Gã cầm cây bút mà gã gửi gắm lòng mình một cách vô thức ra về .
Gã dùng chính cây bút Pilot đó làm thơ tặng nàng tiếp , lòng không nguôi nỗi đau . Đúng ngày sinh nhật nàng , gã quay lại nhà nàng . Trên cái bàn quen thuộc mà gã và nàng hay ngồi quanh có một hộp bánh sinh nhật to đùng , nàng đang cười nói vui vẻ với một chàng trai cũng trạc tuổi nàng . Gã đoán đó là bạn học nàng trong Đại học Lâm nghiệp . Nàng giới thiệu gã là học trò của anh nàng , chỉ thế thôi , không hơn . Gã ngồi mà nghe chừng tim mình tan nát ,  vội vã kiếu từ . Trên đường về , gã tạt qua nhà bố mẹ mình , rút trong túi ra cây bút Pilot đưa cho cô em gái .
-Cho mày đó !
Rồi gã lên xe phóng thẳng , mặc cho cô em gái đang tròn mắt ngạc nhiên .
Gã thưa đến nhà nàng dù nàng đối với gã cũng bình thường như ngày xưa . Mỗi lần đến gặp nàng , trong gã dâng đầy những cảm giác buồn vui lẫn lộn . Hình ảnh nàng khóc khi trả lại cây bút , gã chưa sao quên được  . Nàng có một cái Cát-sét  hiệu Aiwa mà gã và đồng nghiệp thường gọi đùa là Ai Oán , bởi cấu tạo dàn cơ cực tồi tệ . Một hôm nó hư , nàng đưa cho gã sửa . Mọi điều khốn nạn cho gã cũng từ đây mà ra . Cái Cát-sét , như cái Radio của bố nàng khi xưa , bị biến mất . Gã không biết làm thế nào nữa . Khi xưa cái Radio của bố nàng mất , gã nhờ một thằng bạn dư cái Sony hư trong nhà đưa gã sửa lại để đền , đến cái Cát-sét của nàng thì gã chẳng đào đâu ra . Công việc của gã bấy giờ chỉ đủ nuôi sống thân gã , có dư được đồng nào đâu mà mua cái khác đền .
Gã thấy xấu hổ với nàng . Đến bây giờ gã vẫn sỉ vã mình tại sao không nói thật cho nàng biết . Tại sao ? Tại sao ? Nghìn cái tại sao cứ lởn vởn ở trong đầu  . Gã trốn biệt khỏi nhà nàng , khỏi cuộc đời nàng , thề khi nào mua được một cái Cát-sét khác tốt hơn cái cũ của nàng , gã mới quay lại . Ôi ! Cuộc sống khi đó của gã khi đó kèm theo cú sốc tinh thần làm gã quẩn trí , vụng tính đủ đường . Kể từ đó trong giấc ngủ , thỉnh thoảng gã mơ thấy mình đi tìm nàng , khi thì chỉ có mẹ và các em nàng , khi thì có nàng mà nàng không nói chuyện với gã . Có điều ngôi nhà không phải là ngôi nhà cũ mà là một ngôi nhà khác , ở một con phố khác lạ lẫm , mơ hồ .
 
Gã rẽ vào con hẻm dẫn đến nhà nàng . Ngôi nhà đã được sửa lại đôi chút . Một cái gác nhỏ thò ra khỏi bao lơn , quây kính màu trông có vẻ kệch cỡm làm xấu cả mặt tiền nhà . Chính cái thay đổi đó làm gã ngần ngừ , quyết định không gọi cửa . Gã hỏi thăm hàng xóm thì biết nhà nàng đã đi nước ngoài vài năm rồi . Cái hồi hộp đang làm tim gã đập mạnh biến đi , nhường chỗ cho cái giá lạnh dâng lên . Thêm một lần nữa gã không có mặt đúng lúc . Hàng xóm cho gã biết nàng còn một người  chị đã có gia đình , ở riêng nhưng không biết chỗ nào . Gã cũng biết thế vì gã đã từng đến nhà chị nàng một lần . Gã hơn hàng xóm cũ của nàng điểm này , giống họ ở chỗ , bây giờ gã cũng không nhớ nhà chị nàng để đến hỏi thăm tin tức . Gã rời xóm cũ của nàng mà lòng nặng trĩu .
Lác đác đã có Việt kiều về thăm nhà . Bạn bè của gã ở nước ngoài về chơi , gã đều hỏi thăm tin thầy gã , anh Nhật . Gã mong liên lạc được với anh Nhật sẽ biết được tin của nàng , đáp lại gã chỉ là những cái lắc đầu . Thời buổi Công nghệ thông tin , mọi cái đều có thể tìm trên mạng Internet , gã bò lên mạng search tên anh Nhật , tên nàng . Kết quả trả về chỉ là một nhúm thông tin chằng đâu vào với đâu , gã cực kỳ thất vọng . Niềm hy vọng biết được tin tức của nàng tắt dần theo thời gian , theo nhịp điệu cơm , áo , gạo , tiền đè lên đôi vai của gã . Thằng bạn gã cho gã cái trang web của cựu học sinh ngôi trường mà gã và nàng học khi xưa , gã lại lóe lên tia hy vọng . Gã vào trang web đó , dò hết danh sách cựu giáo sư đến danh sách thành viên cũng không thấy tên anh Nhật và tên nàng . Hy vọng của gã lại tắt ngúm .
Tính ra từ lúc gã bước ra khỏi lề xã hội cho đến khi gã có điều kiện mua đền cho nàng cái Cát-sét , gã đã đánh mất gần 10 năm hoang phí cho cuộc sống lông bông của mình .
Ba .
Thằng bạn gã bye bye , thoát khỏi chat để đi ngủ , tính ra bên bạn gã cũng gần 3 giờ sáng . Mai nó còn phải đi cày . Gã mở lại file hình có nàng ở trong đó , thấy nàng thật xa mà cũng thật gần . Ngẫu nhiên một bài hát vang lên trong đầu gã :
Nhắm mắt cho tôi
tìm một thoáng hương xưa
Cho tôi về đường cũ nên thơ
Cho tôi gặp người xưa ước mơ
Hay chỉ là giấc mơ thôi
Nghe tình đang chết trong tôi
Cho lòng tiếc nuối xót thương suốt đời
 
Nhắm mắt ôi sao nửa hồn bỗng thương đau
Ôi sao ngàn trùng mãi xa nhau
Hay ta còn hẹn nhau kiếp nào
Anh ở đâu ? Em ở đâu ?
Có chăng mưa sầu buồn đen mắt sâu
 
Nhắm mắt chỉ thấy một chân trời tím ngắt
Chỉ thấy lòng nhớ nhung chất ngất
Và tiếng hát và nước mắt
 
Đôi khi em muốn tin
Đôi khi em muốn tin
Ôi những người ôi những người
Khóc lẻ loi một mình
Khóc lẻ loi một mình
( Thơ Thanh Tâm Tuyền-Phạm Đình Chương phổ nhạc )
 
Bài Nửa Hồn Thương Đau này , vốn dĩ  gã đã thấy hay mà bây giờ gã còn thấy hay hơn nữa . Hai ông Thanh Tâm Tuyền và Phạm Đình Chương với gã , thật tuyệt vời .
Theo gã , cái gì nghe được , xem được trên mạng đều có thể lôi về ổ cứng máy mình . Nàng đã xuất hiện , không lẽ gã không có cách gì để biết được email của nàng . Gã đâm bực với thằng bạn , gã nghi nó biết email hoặc số điện thoại của nàng mà không cho gã biết vì khi gã nài nỉ xin email của nàng , phải mất một lúc bạn gã mới trả lời :
-Theo yêu cầu , tao không cho mày email .
Gã nghi bạn gã điện thoại cho nàng để hỏi ý . Dù lòng rất cảm ơn thằng bạn đã cho gã biết tin về nàng , gã cũng không nén được nỗi bực mình với nó . Dẫu rằng thật sâu trong thâm tâm , gã vẫn biết bạn gã đúng .
-Nàng nói : Ván đã đóng….hòm rồi .
Bạn gã gõ cho gã dòng chữ đó trước khi bye bye .
Gã gởi email cho tất cả những người mà gã biết trong buổi Picnic đó và chờ đợi . Một cái email quý giá phản hồi lại , cho gã cái tin gã trông đợi : Email của nàng . Gã ngồi thẫn thờ thật lâu , suy nghĩ thật nhiều rồi quyết định mở khung soạn thư , điền email của nàng , gõ vào thanh tiêu đề dòng chữ :
Nhắm mắt lại .
 Ở khung nội dung , gã gõ :
Gởi  Miu ngày xưa .
Gã đính kèm theo thư gởi cho nàng bài Nửa Hồn Thương Đau rồi bấm send .
 
Who are u ? How do u know my childhood name ? Thanks for  the song .
Dòng chữ nàng hồi đáp thư của gã vô tình như cái nick của nàng mà gã đã add vào YM , lúc nào cũng mờ xịt với dòng chữ Add request pending , với duy nhất một tin nhắn offline :
Thanks .
Gã thấy trong lòng dâng lên một nỗi buồn không tên . Gã  ho một hơi dài , dạo này sức khỏe gã sa sút quá . Gã  tắt máy tính , ngã người ra sau ghế , nhắm mắt lại . Trong đầu gã lại vang lên bài hát Nửa Hồn Thương Đau , da diết .
Ngoài sân nhà gã  trời vừa hửng sáng .
19/07/2009
Thụy Hồng .
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
      
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
<bài viết được chỉnh sửa lúc 29.07.2009 01:45:36 bởi Thụy Hồng >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9