Dị Ưng
HongYen 11.05.2005 00:38:27 (permalink)
Thứ bảy, 7/5/2005, 09:09 GMT+7

Dị ứng - tai nạn thường gặp khi dùng mỹ phẩm


Một ca dị ứng do dùng mỹ phẩm lột da mặt.


Các chuyên gia về dị ứng của Pháp cho biết, cứ 1.000 phụ nữ dùng mỹ phẩm thì có đến 35 người bị dị ứng. Những năm gần đây, khoa Dị ứng - miễn dịch lâm sàng Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân dị ứng với mỹ phẩm.

Hầu hết bệnh nhân dị ứng mỹ phẩm nằm trong lứa tuổi 18-25. Một nghiên cứu của Bệnh viện Bạch Mai cho thấy, tác nhân hay gặp nhất là kem dưỡng da, chiếm 1/3 số ca dị ứng mỹ phẩm, tiếp theo (chiếm 22%) là các loại kem tổng hợp như Vaseline, Pond... Thuốc nhuộm tóc được xếp vào hàng thứ ba, với 20%, tiếp theo là phấn.

Tình trạng dị ứng do mỹ phẩm thường không nặng, bệnh nhân ngại đi khám nên dễ bị bỏ qua. Con số bệnh nhân dị ứng mỹ phẩm đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế chỉ là “phần nổi của tảng băng”, con số thực tế sẽ còn lớn hơn nhiều.

Về nguyên nhân của tình trạng dị ứng do mỹ phẩm, có giả thuyết cho rằng mỹ phẩm có những thành phần dễ gắn với các phân tử protein của cơ thể để hình thành dị nguyên; hoặc do mỹ phẩm được sử dụng là hàng giả, kém chất lượng. Phần lớn các trường hợp dị ứng đều thiếu hiểu biết về mỹ phẩm và không được tư vấn đầy đủ.

Tất cả các trường hợp dị ứng mỹ phẩm đều có biểu hiện ngoài da. Thời gian xuất hiện triệu chứng dị ứng phẩm hay gặp nhất là sau 24 giờ, một số trường hợp là 1- 6 giờ. Triệu chứng hay gặp nhất là ban đỏ và mụn nước xuất hiện tại nơi tiếp xúc với mỹ phẩm. Tiếp theo là các biểu hiện như ngứa, phù nề, đôi khi có sung huyết, “phù Quincke”. Bệnh nhân cần được theo dõi và điều trị tại bệnh viện. Thời gian điều trị trung bình là 8 ngày.

Dị ứng mỹ phẩm hoàn toàn có thể phòng tránh nếu người sử dụng có được thông tin và hiểu biết đầy đủ về sản phẩm. Nên tránh những sản phẩm không rõ nguồn gốc, tính năng tác dụng và tác dụng không mong muốn. Cần thận trọng hơn khi là người có tiền sử dị ứng. Trong trường hợp cần thiết, phải có sự tư vấn của các nhà chuyên môn.

TS Nguyễn Văn Đoàn, Sức Khỏe & Đời Sống

http://www.vnexpress.net/Vietnam/Suc-khoe/2005/05/3B9DDF7C/
#1
    LXMai 13.05.2005 07:20:37 (permalink)
    Chào Hồng Yến,

    Có phải dị ứng là phong không?

    Đôi khi có người nói ăn gà nòi, cá biển thì bị phong, hay nổi mề đay.

    Ăn rau cải có khi nào bị dị ứng không?

    Cám ơn Các Thành Viên quan tâm đến câu hỏi nầy.

    LXM
    #2
      HongYen 26.05.2005 15:20:04 (permalink)
      HI LXM,

      Hình như vậy, ta hay noí ăn caí nầy có phong, cái kia có phong. Như cá biển, gà nòi....

      Có một điều nên luư ý là rau đậu vẫn bị dị ứng. Điau62 nầy nghe lạ tai, nhưng có thật. Taị Mỹ, trong củng một gia đình nhưng có dưá con ăn đâụ phọng được còn có đuá thì bĩ dị ứng nổi mề đay, ngứa ngaý...

      Vậy rau cải cũng là nguồn dị ứng. Nhất là phấn hoa. Ngửi phải thì bị dị ứng....

      Xin mời xem baì dị ứng về thời tiết.


      Đây là kinh nghiệm thường xuyên cuả nhiều người mỗi khi muà Xuân tới với các khó chiụ gây ra do phấn hoa hoặc do nhiễu loạn khí quyển. Khi thời tiết nắng ấm , phấn hay bay nhiều trong không khí có khi suốt cả muà Xuân, nhất là vaò buổi sáng.

      Chúc chúng ta quen với dị ứng để tránh khỏi bệnh hoạn.
      #3
        HongYen 30.05.2005 14:36:42 (permalink)
        Thực phẩm gây dị ứng, Thực phẩm giết bạn

        Thursday, May 26, 2005


        Bác sĩ Nguyễn Thế Thứ, DC, PhD. (in nutrition)


        Hiệp hội dị ứng và miễn nhiễm của Hoa Kỳ tường trình rằng có khoảng 30% người lớn bị dị ứng ít nhất một vài thực phẩm và xẩy đến bất cứ ai ở lớp tuổi nào. Triệu chứng phát hiện bên ngoài như là sẩn, ngứa, xưng, nổi mề đai, lở vẩy chóc, hoặc ở trong cơ thể như trong lưỡi, phổi, cuống họng, ruột, như tiêu chảy, suyễn, áp huyết xuống thấp, đau cuồn cuộn có thể nguy hiểm đến tính mạng.

        Dị ứng thực phẩm được chia làm hai loại:

        1) -Cảm ứng bén nhậy với thực phẩm.

        2) -Cảm ứng không chấp nhận được thực phẩm.

        Cảm ứng bén nhạy:

        Các nhà chuyên môn về dinh dưỡng thường dùng chữ cảm ứng bén nhạy với thực phẩm để chỉ phản ứng dị ứng của thực phẩm do hệ thống miễn nhiễm trong cơ thể tạo ra kháng thể chống lại các kháng sinh từ bên ngoài vào tiêu diệt chúng.

        Phản ứng của cảm ứng bén nhạy với thực phẩm đầu tiên là kích thích hệ thống miễn nhiễm tạo ra kháng thể chống lại các kháng sinh từ bên ngoài vào tạo ra hàng loạt các triệu chứng của bệnh kể trên. Nếu cứ ăn những loại thực phẩm tạo ra dị ứng và các triệu chứng của bệnh vẫn cứ tiếp diễn ăn và người bệnh vẫn tiếp tục dùng các loại thuốc như antihistamine, epinephrine để chữa trị (hiện nay chưa có loại thuốc nào có thể chữa trị được thực phẩm gây dị ứng) thì những triệu chứng này trở thành kinh niên đưa tới các bệnh viêm chứng như phong thấp, nhức đầu, sổ mũi, bệnh thận.

        Các loại thực phẩm có cảm ứng bén nhạy thường là các chất đạm,

        vào khoảng 90% các thực phẩm tạo ra dị ứng thường là các loại thực phẩm sau:

        -Sữa bò, trứng, đồ biển (cua, tôm, tôm hùm) hạt nhân (đậu phọng, hạt điều, hạt óc chó) rau đậu (đậu biển, đậu lima, đậu hòa lan) bắp, lúa mì, đậu nành.

        Sữa bò thường tạo ra dị ứng bén nhạy trong trẻ em (khoảng 5%) hơn là trong người lớn (chỉ có 2%). Và khi lớn lên nhương dị ứng về sữa bò, đậu nành, trứng này dần dần biến mất.

        Nhưng các loại khác như cá, đậu phọng, các loại hạt nhân thì hầu như phải kiêng cữ suốt đời.

        Những nguyên nhân khác ngoài dị ứng thực phẩm còn là bị phải các loại phấn hoa của cỏ Ragweed là một loại cỏ dại mọc rất nhiều trên đất Mỹ ngoại trừ miền nam California. Rất nhiều người di cư sang Hoa Kỳ độ vài ba năm sau mới phát hiện triệu chứng dị ứng đầu tiên trong đời vì hít phải loại phấn hoa của cây cỏ dại này.

        Mỗi cây cỏ dại có tới hàng tỷ phấn hoa bị gió thổi bay trong không khí có thể bay xa lên tới 300, 400 dậm, rải bụi hoa dại khắp vòm trời Hoa Kỳ chứ không phải cần có cây cỏ dại sau vườn mới bị dị ứng. Còn nguyên nhân khác nữa là bụi của phân con mọt hay mối, những con mọt này sống ở nhiệt độ trên 60 độ và độ ẩm 50%, và ở tất cả mọi nơi từ thảm, sàn nhà, chăn, niệm, bàn ghế, quần áo trong nhà, khi ta hút bụi, những bụi phân của mọt bay nhiều giờ trong không khí và được hít vào trong cơ thể.

        Dị ứng phát triển ra sao?

        Có 3 yếu tố góp phần phát triển dị ứng:

        -Tế bào Mast được thấy trong vành trong của các mạch máu nhỏ trong toàn cơ thể, nhiều nhất là tại các nơi tiếp xúc với bên ngoài, như da, lỗ mũi, phổi, ruột, bộ máy sinh sản.

        Nhiệm vụ của tế bào Mast là tiết ra chất Heparin có trách nhiệm làm cho máu không đông, tiết ra chất histamin làm nở mạch máu gia tăng thấm thấu, và các loại hóa chất xúc tác tạo dị ứng.

        Có ít nhất 28 loại khoáng chất khác nhau trách nhiệm tạo ra dị ứng, và các loại dị ứng tùy thuộc vào các hóa chất xúc tác với tế bào ở nơi nào trong cơ thể tiết ra như: Nếu tế bào Mast ở mũi tiết ra thì bị nghẹt mũi, sổ mũi, nếu ở phổi thì bị suyễn, ho, ở da thì bị ngứa, nổi mề đai, lở vẩy chóc, ở ruột bị tiêu chảy, ở đầu bị nhức đầu v.v...

        -Kháng thể được đặc tên là Ig E hay reagin do hệ thống miễn nhiễm trong cơ thể sản xuất ra. Cơ thể sản xuất ra nhiều loại kháng thể, có loại như IgG tiêu diệt vi trùng streptococcus ngăn ngừa nhiễm trùng, có loại chống vi khuẩn chống ký sinh trùng hoặc tất cả nhương vật lạ xâm nhập vào cơ thể con người để tạo bệnh. Nhương kháng thể này bám vào bề mặt của tế bào Mast và nằm tại đó trong nhiều năm.

        Kháng sinh là các vật lạ xâm nhập vào cơ thể con người làm cho cơ thể tạo ra phản ứng chống lại.

        -Khi các dị ứng kháng sinh trong thực phẩm, bụi trong không khí vào trong cơ thể, gặp các kháng thể hai chất này kình chống nhau, kháng thể nằm sẵn bên cạnh các tế bào làm cho tế bào bị sưng, vỡ bể tiết ra hóa chất histamine chất này làm cho các mạch máu nở lớn ra, đưa tới áp suất của các mao quản lên cao. Huyết thanh ứ ra ngoài tế bào làm cho da bị sưng, sinh ra sẩn, ban đỏ ngứa, nổi mề đay, ở mũi làm cho mũi bị nghẹt, chảy nước mũi sinh ra cảm. Dùng thuốc antihistamin bệnh có thể thuyên giảm tạm thời.

        Nếu tế bào bị bể tiết ra một chất dị ứng kích thích cơ thể, làm co thắt các mô trong phổi sinh ra suyễn. Các huyết thanh ứ ra ngoài tế bào làm cho áp suất máu xuống thấp có thể đưa tới bất tỉnh, chết trong vài phút vì thiếu dưỡng khí. Nếu chích chất kích thích tố epinephine có thể cứu vãn được tình trạng này. Trong lần đầu dị ứng kích thích này có thể nhẹ, nhưng những lần kế tiếp có thể nguy hiểm chết người vì hệ thống miễn nhiễm trong cơ thể đã tạo lập được sức đề kháng mạnh của kháng thể chống lại dị ứng.

        3 triệu chứng chính đối với cơ thể là:

        ***Ngoài da: Sẩn, ngứa, xưng đỏ, mạch máu xưng phồng, ngứa,ngứa vẩy chóc.

        ***Ruột: Sưng môi, xưng miệng, xưng cuống họng, ói mửa, sình bụng, đầy hơi, đau cuộn, tiêu chảy.

        ***Hệ thống hô hấp: Suyễn (mạch máu trong phổi nở lớn) viêm màng mũi (nghẹt mũi, chảy nước mũi) khò khè, khó thở, ho kinh niên. Những phản ứng của dị ứng cảm ứng bén nhạy này có thể xảy ra ngay khi ăn nhưng loại thực phẩm dị ứng, hoặc sau vài giờ, có khi vài ngày sau đó. Có những người có cảm ứng quá mạnh, chỉ cần ngửi hoặc sờ mó vào thực phẩm là có thể bị ngay dị ứng.

        Cảm ứng không chấp nhận:

        Thực phẩm có cảm ứng không chấp nhận vào trong cơ thể không do hệ thống miễn nhiễm phản ứng, mà do trong cơ thể không có loại điều tố để có thể tiêu hóa được thực phẩm này. Thí dụ: Không có một loại điều tố lactase nên trong cơ thể không thể tiêu hóa được loại Lactose trong sữa sinh ra đầy hơi, sình bụng, tiêu chảy. Ngoài những loại thực phẩm còn có thể do nhiều nguyên nhân khác như: Ðộc tố: Thực phẩm có thể bị ô nhiễm do vi trùng botulin, thủy ngân, thuốc giết sâu bọ.

        Gia chất: Bị nhiễm các hóa chất như nitrites, sulfites, aspartame, bột ngọt, các chất mầu nhuộm thực phẩm.

        Dược tính: Do các phản ứng của thuốc tạo ra các loại caffein, các loại thuốc lấy ra từ thảo mộc.

        Ðiều tố: Thiếu các điều tố như lactose intolerance


        tiếp...

        #4
          HongYen 30.05.2005 14:44:46 (permalink)
          tiếp...

          Chữa trị:


          Hiện nay không có thuốc nào chữa trị các dị ứng của thực phẩm. Chích antihistamine chỉ tạm thời cho dị # ứng phấn hoa hoặc các lá cây. Tuyệt đối không ăn những thực phẩm tạo dị ứng là cách chữa trị duy nhất.

          Sau đây là phương cách tìm và tránh không ăn những loại thực phẩm tạo dị ứng.


          - Không nên ăn các loại thực phẩm tạo nhiều dị ứng liệt kê dưới đây trong 4 ngày.

          Ðến ngày thứ 5 thì bắt đầu ăn lại từng loại một để xem phản ứng. Nếu không có phản ứng, ăn kế tiếp loại khác vào ngày sau. Xin nhớ kiêng cữ những loại này sẽ làm cho cơ thể khỏe mạnh hơn chứ không gây yếu đau gì cả.

          - Trứng, các loại thực phẩm có pha trứng.

          - Ðồ uống màu đậm: như trà, càphê, coca.

          - Lúa mì, có thể ăn được gạo.

          - Cholesterol: các loại có chocola.

          - Sữa: các sản phẩm làm bằng sữa, như bơ, phoma, kem, da ua....

          - Cà chua: các sản phẩm có cà chua.

          - Trái cây chua: chanh, bưởi, cam, các loại nước làm bằng trái cây chua.

          - Ðường.

          Nếu cảm thấy có phản ứng thì đầu tiên dùng vitamin C để hòa loãng các chất đó trong bao tử.

          - Lấy 1 thìa bột vitamin C hòa chung với 1 ly nước và uống.

          Nếu không cảm thấy kết quả sau 15 phút thì lấy 1 muỗng Epsom salt hòa với nước để uống. Phần lớn các trường hợp uống chất này đều khỏi cả, hoặc có thể dùng: Alka seltzer gold. Các loại thuốc chống acid nhu Maalox cần phải hỏi các bác sĩ trước khi dùng.

          Làm sao đề phòng dị ứng

          Nếu biết mình bị dị ứng thực phẩm, mỗi khi ăn phải coi kỹ những chất trong thực phẩm có chất nào làm cho mình bị dị ứng không.

          Khi ăn ở tiệm, phải biết rõ đồ ăn có làm với những chất ming bị di ứng không, hỏi chủ tiệm cho kỹ trước khi ăn, lựa thực phẩm để ăn là một vấn đề quan trọng

          Mang trong người Epinephine và hiểu rõ cách sử dụng khi hữu sự.

          Nếu thấy bị phản ứng dị ứng phải đi bác sĩ ngay, ngay cả trường hợp thấy mình bị nhẹ hoặc sắp hết. Triệu chứng bị nhẹ có thể khởi đầu của triệu chứng bị nặng kế tiếp sau từ 10 đến 60 phút.

          Viết tất cả những thực phẩm ăn trong ngày kể cả đồ uống trong 2 tuần lễ Ghi nhận tất cả những triệu chứng mình cảm nhận khi bị dị ứng để loại bỏ những loại thực phẩm gây bệnh và phòng ngừa.

          Phải đến các bác sĩ chuyên về dị ứng để khám bệnh.


          Bác sĩ Nguyễn Thế Thứ, DC, PhD

          (Chuyên trị các bệnh đau lưng, cụp xương sống. Ðiện thoại 714-891-7775)

          http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=24432&z=14
          #5
            HongYen 02.06.2005 12:54:58 (permalink)

            Chocolate có thể gây mày đay với những người mẫn cảm.

            Thứ ba, 31/5/2005, 11:25 GMT+7

            Mề đay - chứng dị ứng khó trị

            Các thức ăn hay gây mày đay là lạc, trứng, cà chua, cá, chocolate, bơ sữa, gia vị, một số loại men rượu, bia và hoa quả tươi như cam, quýt. Nhiều khi chính gia vị và chất bảo quản chính là thủ phạm gây dị ứng chứ không phải bản thân thức ăn.

            Mày đay do thức ăn thường xuất hiện vài phút hoặc vài giờ sau khi ăn, phụ thuộc vào tốc độ và tỷ lệ hấp thu.

            Mày đay được hình thành do giãn các mạch máu nhỏ trên da, giải phóng các hóa chất trung gian của cơ thể, thường gặp nhất là histamin. Histamin được giải phóng từ tế bào Mast khi có kích thích. Tổn thương chủ yếu của bệnh là các sẩn phù hoặc ban đỏ ngứa trên da, ranh giới rõ, kích thước đa dạng từ vài mm đến vài cm. Chúng tồn tại vài giờ, sau đó nhạt màu dần và biến mất một cách ngẫu nhiên hoặc do điều trị. Mày đay có thể xuất hiện riêng rẽ hoặc đi kèm với phù Quincke (là tổn thương xuất hiện ở các tổ chức lỏng lẻo hoặc niêm mạc, bán niêm mạc, gây sưng phồng, chẳng hạn phù Quincke ở mắt có thể làm cho mi mắt sưng to không mở ra được).

            Có rất nhiều nguyên nhân gây vỡ hạt tế bào Mast để giải phóng histamin; hay gặp nhất là thuốc, thức ăn và nhiễm virus... Trong một số trường hợp, rất khó xác định nguyên nhân gây bệnh. Bất cứ thuốc nào cũng có thể gây dị ứng, tuy nhiên loại hay gặp nhất là các thuốc giảm đau chống viêm, kháng sinh, tia xạ... Một số bệnh nhân còn mắc mày đay do các yếu tố vật lý như ánh nắng mặt trời, lạnh, áp lực, thậm chí có thể do mồ hôi.

            Khi biểu hiện mày đay kéo dài trên 6 tuần thì được gọi là mày đay mạn tính. Không dễ xác định nguyên nhân ở các trường hợp này. Bởi vì mày đay mạn tính cũng có thể do các yếu tố vật lý, hoặc do thức ăn, một số khác lại do nguyên nhân nhiễm trùng. Yếu tố cảm xúc cũng có thể là một nguyên nhân ở một số ít bệnh nhân.

            Về mặt điều trị, quan trọng nhất là nhận biết nguyên nhân gây bệnh và tránh tối đa tiếp xúc với các nguyên nhân đó. Những bệnh nhân dị ứng với thức ăn nên loại bỏ các thực phẩm chứa thành phần gây dị ứng. Khi bệnh đang trong đợt cấp, nên sử dụng thuốc kháng histamin H1 để giảm ngứa cho bệnh nhân. Ưu tiên sử dụng kháng histamin thế hệ mới, trừ phi bệnh nhân mất ngủ do ngứa nhiều về đêm. Để ngăn ngừa bệnh tái phát, có bệnh nhân phải sử dụng thường xuyên thuốc kháng histamin. Một số thuốc khác cũng được sử dụng như corticosteroid, kháng histamin H2, doxepin, kháng leukotrien... Các loại kem kháng histamin sử dụng tại chỗ trên da không có hiệu quả trong các trường hợp này.

            Xét nghiệm da thường là không thu được nhiều kết quả tốt trong chứng mày đay. Một số bệnh nhân nên xét nghiệm máu và nước tiểu để loại bỏ nguyên nhân nhiễm trùng gây mày đay mạn tính. Nếu nghi ngờ bị mày đay mạn tính, tốt nhất bạn nên đến khám và tư vấn các bác sĩ chuyên khoa dị ứng để có phương pháp điều trị hiệu quả nhất.

            BS Hoàng Thị Lâm, Sức Khỏe & Đời Sống

            http://www.vnexpress.net/Vietnam/Suc-khoe/2005/05/3B9DE984/
            #6
              HongYen 01.05.2006 08:45:24 (permalink)
              Từ dị ứng tới hen suyễn

              Monday, April 24, 2006

              Sống bình thản với bệnh nan y

              (Tiểu Huyền)

              Khi bị một chứng bệnh khó chữa (tiếng Hán Việt là nan y), cuộc đời thường nhật của chúng ta và của những người thân kế cận sẽ thay đổi rất nhiều. Bệnh tật có lẽ là một loại khổ lớn hạng nhất trong các thứ khổ ở đời, một thứ tai nạn không ai muốn gặp. Nhưng khi bị nan y, nếu người bệnh biết cách sống sao cho tâm họ có được sự bình thản, thì họ đã có tới nửa phần hy vọng vượt qua được cơn bệnh dữ. Nếu tinh thần sa sút, bi quan trước cơ thể đau yếu, thì phần thoát hiểm sẽ bị giảm đi khá nhiều.

              Trong thời hiện tại, với nền y khoa tân tiến và sự phát triển của đời sống tâm linh, nhiều người bị nan y vẫn sống được cuộc đời bình thường của họ. Cũng có những người đặc biệt, biết hưởng hạnh phúc tự tâm, hơn cả thời kỳ họ còn chưa bệnh. Ðó là những con người có khả năng dạy cho chúng ta nhiều bài học quý giá, đầy minh triết. Không phải chỉ có các thánh nhân, các tu sĩ đạo hạnh mới làm được như thế, mà ngay trong cuộc đời quanh ta, có nhiều con người bình thường đã sống được như vậy, khi tâm thức họ được chuyển hóa thật sự trong cơn bạo bệnh.

              Trong mục này, chúng tôi sẽ chọn đăng một số lời giảng dạy của nhiều bác sĩ và tác giả Âu Á có thẩm quyền về những phương cách sống với các bệnh nan y, cũng như những kinh nghiệm của nhiều người đã có cuộc sống hòa bình, an vui sau khi bị bệnh nan y - thứ tai họa ngẫu nhiên, chẳng ai muốn gặp, chẳng ai mời, nhưng cứ tới kỳ là nó đến!

              (TH)


              TỪ DỊ ỨNG TỚI HEN SUYỄN

              Phong ngứa hay dị ứng (Allergy) là sự phản ứng của cơ thể chúng ta đối với sự xâm nhập của các độc tố (Allergen) vào máu, sản phẩm của các vật ngoại lai như phấn hoa, bụi, lông chó mèo, cỏ dại, một số thực phẩm (đậu phụng, đồ biển, thịt bò...) Khi bị dị ứng, chúng ta có thể bị nổi mề đay, ngứa ngáy; hắt hơi sổ mũi, ho hắng và nặng hơn thì khó thở. Dị ứng (Allergy) có thể đưa ta tới bệnh hen suyễn (Asthma), tuy hai bệnh không giống nhau và có nguyên nhân khác nhau.

              Khi bị chứng hen suyễn tấn công, bắp thịt ngực bị co lại, ta thở rất khó khăn vì lỗ mũi, cổ họng, khí quản và cuống phổi đều bị sưng, bị thu hẹp lại. Người bệnh cảm thấy nghẹt thở, thở ra tiếng (hen) và đau ngực. Khi bị lên cơn quá nặng có thể tử vong.

              Khi hít thở bình thường, không khí được dẫn qua khí quản vô cuống phổi, rồi phân tán theo các nhánh dẫn khí trong phổi, càng vô sâu càng nhỏ, tới các túi khí gọi là Alveoli. Trong túi khí alveoli đó, dưỡng khí trong hơi hít vô sẽ hòa vào dòng máu để được dẫn đi nuôi cơ thể, đồng thời, thán khí thải ra từ các cơ quan được máu đem tới phổi, sẽ cùng hơi thở ra, bị tống xuất ra ngoài.

              Khi bị suyễn, các bắp thịt ngực săn cứng, bóp lại, các chất nhờn trong mũi và cổ họng bị đặc lại, làm nghẽn các khí quản lớn nhỏ trong buồng phổi, khiến cho không khí dơ (nhiều CO2) không thoát ra được như thường lệ. Lá phổi không có chỗ nhận thêm không khí tốt qua hơi thở vào, nên người bị suyễn không thể hít cho đủ dưỡng khí, dù các bắp thịt cổ cố gắng tối đa. Cơn suyễn có thể làm cho bệnh nhân bất tỉnh hay nguy hiểm tới mạng sống nếu không được cấp cứu kịp thời...

              Những con số thống kê

              Theo tài liệu của Hội Hen Suyễn Hoa Kỳ, trong nước Mỹ có khoảng 50 triệu người bị dị ứng và khoảng 20 triệu người bị bệnh suyễn - trong đó hơn một nửa do biến chứng của các bệnh dị ứng. Nhiều loại thuốc dị ứng được bán không cần toa bác sĩ. Người bị dị ứng hiểu rằng không nên để chứng allergy trở nên quá nặng - cần phải dùng thuốc sớm, và tránh không ăn những gì làm họ bị dị ứng.

              Hàng ngày có khoảng 40 ngàn người nghỉ học hay nghỉ làm vì bị suyễn và làm tốn công quỹ Hoa Kỳ khoảng $18 tỷ mỗi năm. Suyễn là một căn bệnh kinh niên phổ thông nhất của trẻ em, có khoảng 5 triệu bệnh nhân suyễn tại Hoa Kỳ nhỏ hơn 18 tuổi. Phụ nữ bị suyễn nhiều hơn nam giới. Nói chung khoảng 3-5% người lớn và 7-10% trẻ em bị suyễn. Con số bệnh nhân và tử vong vì hen suyễn từ thập niên 1980 tới nay đã tăng lên khá nhiều. Ngày nay, số trẻ em dưới 19 tuổi bị chết vì suyễn tăng tới 80% so với con số của hai thập niên trước! Người bệnh suyễn chiếm một phần tư số bệnh nhân vô phòng cấp cứu tại các bệnh viện Mỹ và mỗi năm có khoảng 500 ngàn người phải nhập viện.

              Vì sao bị hen suyễn?

              Có nhiều nguyên nhân làm cho ta bị suyễn, như di truyền từ bố mẹ qua con cái, các chứng dị ứng nặng, các chứng cảm cúm, nhiễm trùng và tinh thần bị căng thẳng (stress). Thống kê cho biết có 20% trẻ bị suyễn vì di truyền, thường phát bệnh từ khi chưa được hai tuổi. Các biến động tâm lý cũng có thể là yếu tố gây ra bệnh suyễn nơi trẻ em.

              Không khí nhiều khói thuốc lá hay có những khí độc, phấn hoa, đều có thể làm cho người ta bị suyễn. Người ta cũng nói tới những lý do khác như sự nghèo túng, môi trường xấu và trình độ hiểu biết về sức khỏe của bệnh nhân suyễn. Các công nhân xưởng dệt, công trường xây dựng hay làm lâm sản, thủy sản... có thể bị suyễn dễ hơn người khác. Người Mỹ da đen vô bệnh viện vì suyễn đông gấp ba lần các giống dân khác. Phụ nữ da đen bị suyễn gần gấp ba lần nhiều hơn đàn bà da trắng.

              Yếu tố tâm lý trong bệnh suyễn

              Từ năm 1190, các y sĩ Maimonides đã đề cập tới liên hệ tâm lý và bệnh suyễn. Thập niên 1930 họ đề cập tới trường hợp các trẻ em phải xa mẹ sớm thường bị suyễn nhiều hơn trẻ khác. Ngày nay, y giới cho rằng tâm lý có ảnh hưởng vào sự phát sinh bệnh suyễn, cũng như các bệnh khác, tùy vào các yếu tố di truyền và môi trường sống của chúng ta.

              Bác Sĩ Tâm Lý David Mrazek tại trung tâm nhi khoa thủ đô Washington DC cho biết: xúc động tâm lý mạnh ở tuổi thiếu thời là một trong 5 yếu tố làm cho bệnh suyễn phát triển. Bốn yếu tố kia là:

              - Lượng kháng dị ứng (Antibodies Immunoglobulin E) trong máu quá cao.

              - Bị vi khuẩn tấn công ngay trong năm mới được một-hai tuổi.

              - Sống trong môi trường nhiều bụi hay gần thú vật (chó mèo).

              - Di truyền từ cha mẹ.

              Ngoài việc dùng các loại thuốc làm giãn nở khí quản, nhiều bác sĩ chữa trị bệnh suyễn bằng các phương pháp tâm lý như cho bệnh nhân tập thư giãn (relaxation), tập nhận biết tâm thức mình (cognitive therapy). Họ cũng dùng phương pháp tâm lý hành xử (behavioral therapy), chữa chung một nhóm (group therapy) hay chữa bệnh tâm lý cho cả gia đình v.v.. Kết quả của các phép này nhằm vào hai mặt: vừa giảm thiểu các yếu tố tâm lý làm bệnh nặng thêm, vừa giúp bệnh nhân biết cách sống bình thản với bệnh hen suyễn.

              http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=42812&z=14
              <bài viết được chỉnh sửa lúc 01.05.2006 08:50:13 bởi HongYen >
              #7
                Chuyển nhanh đến:

                Thống kê hiện tại

                Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
                Kiểu:
                2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9