Tìm Hiểu về Những Ngày Tết Việt-Nam

Tác giả Bài
tieuboingoan
  • Số bài : 1803
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 21.02.2005
  • Nơi: Hà Nội
Tìm Hiểu về Những Ngày Tết Việt-Nam - 11.05.2005 19:02:09
Tìm Hiểu về Những Ngày Tết Việt-Nam và Nghi-Thức Thờ Cúng Tổ-Tiên


Khải-Chính Phạm Kim-Thư


I. Các Loại Ngày Tết

Là con dân đất Việt, chúng ta, nhất là những người đã phải rời bỏ nơi cố-quận chỉ vì quân xâm-lăng Cộng-Sản tàn-phá quê-hương, hãy cùng nhau nhớ lại những ngày Tết cùng ý-nghĩa của chúng. Tục-lệ thờ cúng tổ-tiên cũng là một phong-tục hết sức có nghĩa mà những con cháu có hiếu-thảo cần phải hiểu-biết và thực-hiện để sưởi cho ấm lòng nơi đất khách quê người.

Người xưa đã chọn ngày mồng một tháng giêng ta để làm ngày Tết, tức là Tết Nguyên-Đán. Trong một năm, các bậc tiền-nhân còn bầy ra nhiều dịp để ăn Tết, nhưng Tết Nguyên-Đán là Tết được tổ-chức long-trọng hơn cả.

Trong phạm-vi giới-hạn của bài này, chúng tôi chỉ đề-cập sơ-lược về 9 ngày Tết Lễ trong mỗi năm theo thứ-tự từ đầu năm đến cuối năm:

1.Tết Hàn-Thực

Tết Hàn-Thưc (Hàn-Thực nghĩa là ăn đồ lạnh) được tổ-chức vào ngày 3 tháng 3 Aâm-lịch. Trong dịp này, người ta nấu bánh trôi bánh chay để cúng gia-tiên. Ta du-nhập tục-lệ này của Tàu. Người Tàu tổ chức Tết Hàn-Thực để kỷ-niệm vị công-thần tên là Giới Tử Thôi (thường gọi tắt là Giới Tử) thuộc nhà Tấn (265-420) đời Xuân-Thu bị chết thiêu.

2. Tết Thanh-Minh

Tết Thanh-Minh được tổ-chức vào tháng ba ta. Thanh-Minh nghĩa là tiết trời mát-mẻ trong-sáng. Trong dịp này người ta đi tảo-mộ, tức là thăm mộ thân-nhân, nhổ sạch cỏ hoang, và đắp lại mộ của ông bà và tổ-tiên cho đẹp-đẽ rồi thắp nhang cùng bày hoa quả cúng mộ. Sau khi tảo-mộ, người ta về nhà làm cỗ cúng gia-tiên. Trong những tài-liệu nói về phong-tục Việt, người ta không đề-cập rõ ngày nào là ngày Thanh-Minh. Nguyễn Du cũng chỉ nói: “Thanh-Minh trong tiết tháng Ba,/ Lễ là tảo-mộ, hội là Đạp-Thanh” (Truyện Kiều, câu 43-44). Thanh-Minh vừa là ngày lễ vừa là ngày hội vui như ngày Tết. Chính vì thế mà người ta mới coi Thanh-Minh là một ngày Tết. Tuy-nhiên, trong lịch ta, nhà làm lịch đã tuỳ theo thời-tiết để ấn-định ngày nào là ngày Thanh-Minh. Mỗi năm có ngày Thanh-Minh khác nhau, có thể là ngày nào đó trong tháng ba hay tháng 2 nhuận (tức là tháng thứ 3 trong năm). Chẳng hạn, trong năm Giáp-Thân, ngày 15 thang 2 nhuận, tức là ngày 4 tháng 4, 2004, là ngày Tết Thanh-Minh.

3. Tết Đoan-Ngọ

Tết Đoan-Ngọ hay Đoan-Dương mà người ta còn gọi là Tết Giết Sâu-Bọ được tổ-chức vào ngày 5 tháng 5 ta. Trước ngày Tết này độ một hai tuần, người ta làm rượu nếp để cúng và ăn uống vào sáng ngày mùng 5. Đây là món ăn thức uống tiêu-biểu cho ngày Tết Đoan-Ngọ của Việt-Nam ta để "giết sâu-bọ." Ngoài ra, dân ta còn nấu bánh đa-kê và mua các trái cây như mận, xoài, dưa hấu, chanh, v.v. để cúng gia-tiên rồi cho trẻ con và người lớn ăn để "giết sâu-bọ." Sáng ngày mùng 5 tháng 5 ta, mọi người đi hái lá cây như lá cối xay và lá vối đem phơi khô rồi nấu nước uống để trừ bệnh-hoạn. Trong dịp này, nhiều người còn mua bùa đeo vào cổ cho trẻ con để trừ tà-ma nữa.

4. Tết Trung-Nguyên

Tết Trung-Nguyên được tổ-chức vào ngày rằm tháng 7 âm-lịch (15 tháng 7 ta). Tết này còn được gọi là Tết Rằm Tháng Bẩy, Lễ Vu-Lan, Mùa Báo-Hiếu, Ngày Nhớ Ơn Cha Mẹ, hay Ngày Xá-Tội Vong-Nhân.

Theo đạo Phật, người dưới âm-phủ được tha tội vào ngày hôm ấy. Vì thế người ta mua vàng-mã và làm cỗ cúng gia-tiên và cúng cô-hồn vào dịp này. Người ta còn đi lễ chùa đọc kinh báo-hiếu để tỏ lòng biết-ơn cha mẹ, ông bà, và tổ-tiên.

5. Tết Trung-Thu

Tết Trung-Thu được tổ chức vào rằm tháng tám âm-lịch (ngày 15 tháng 8 ta). Tết này còn được gọi là Tết Rằm Tháng Tám, Tết Nhi-Đồng, hay Tết Trẻ Em.

Vào đêm rằm tháng tám, trăng-thu rất tròn, rất đẹp, trời trong-sáng, và khí-hậu rất mát-mẻ. Trong dịp này, có nhiều thú vui cho trẻ em và người lớn ăn-chơi. Trẻ em thì rước đèn, ca-hát các bài hát Trung-Thu, và vui hưởng bánh kẹo cùng các thứ trái-cây do cha mẹ bày ở ngoài sân trong đêm Trung-Thu dưới hình-thức mâm cỗ. Theo tục-lệ, việc trẻ em thưởng-thức bánh kẹo trái cây trong đêm Trung-Thu này được gọi là "phá cỗ." Người lớn thì tổ-chức các đội múa lân, ăn bánh Trung-Thu, uống trà tàu, và thưởng trăng. Người ta còn mua bánh Trung-Thu và hoa quả để cúng gia-tiên trong dịp này. Thật là một dịp vui chơi thỏa-thích và đầy ý-nghĩa.

6. Tết Trùng-Cửu

Tết Trùng-Cửu còn gọi là Tết Trùng-Dương được tổ chức vào ngày mùng 9 tháng 9 ta (số 9 là số dương). Tết này lấy sự-tích từ câu chuyện lánh-nạn của Hoàng Cảnh, đời Hậu Hán bên Tàu (25-250). Hoàng Cảnh theo học đạo tiên với Phi Trường Phòng. Một hôm Phi Trường Phòng bảo Hoàng Cảnh là đến ngày 9 tháng 9 (năm?) gia-đình của anh ta sẽ gặp phải tai-nạn. Muốn tránh nạn thì cả nhà phải đi lên núi chơi vào ngày hôm ấy, nhớ mang theo rượu hoa-cúc để uống, phải đeo ở tay mỗi người một túi đỏ đựng hạt-tiêu, và ở chơi trên núi cao đến tối mới trở về. Quả-thực đến tối khi trở về, Hoàng Cảnh thấy gia-súc trong nhà đều bị chết hết. Chính vì sự-tích này mà vào dịp Tết Trùng-Cửu, người ta có tục bỏ nhà lên núi uống rượu cúc. Ngày nay, không mấy ai tổ-chức Tết này vì nó hoàn-toàn theo tục-lệ của Tàu, người Việt mình ít ai theo. Tuy-nhiên, các vị tao-nhân mạc-khách thường mượn dịp này lên núi uống rượu làm thơ.

7.Tết Trùng-Thập hay Tết Cơm Mới Tháng Mười

Tết Trùng-Thập hay Tết Cơm Mới Tháng Mười là Tết được tổ-chức vào ngày 10 tháng 10 ta. Tết này cũng là Tết của người Tàu, ít được người Việt ta theo. Chỉ có các nhà đồng-cốt (người lên đồng-bóng) và thầy thuốc ta còn theo tục ăn Tết này. Ở nhà-quê cũng có một số nơi người Việt ta ăn Tết Trùng-Thập hay Tết Cơm Mới Tháng Mười. Người ta thường làm bánh dầy và chè kho để cúng gia-tiên và cúng thần trong dịp Tết Trùng-Thập hay Tết Cơm Mới Tháng Mười. Có nơi ăn Tết Trùng-Thập hay Tết Cơm Mới Tháng Mười vào ngày 31 tháng 10 để nhớ đến công của Tiên-Nông (tiên của ruộng-đồng) và để ăn-mừng công-việc gặt-hái của vụ mùa đã xong. Chính vì thế nên nhiều làng đã từng làm lễ tế Tiên-Nông và làm cỗ cúng gia-tiên.

8. Lễ Táo-Quân hay Chạp Ông Công

Lễ Táo-Quân (Táo-Quân là Vua Bếp) được tổ-chức vào ngày 23 tháng 12 ta, tức là tháng Chạp. Theo tục-truyền, vào ngày ấy Vua Bếp (Ông Công hay Táo-Quân) lên chầu Ngọc-Hoàng Thượng-Đế để tâu việc thiện-ác của trần-gian. Vì thế người ta làm lễ cúng tiễn Táo-Quân vào ngày 23 tháng 12 và được gọi là Chạp Ông Công (Chạp là một lễ tế về tháng cuối năm, tháng thứ 12). Trong lễ cúng, ngoài các thứ khác, đặc-biệt phải có một con cá chép thả sống trong chậu nước bày lên cúng để làm ngựa cho Táo-Quân cưỡi (cỡi) về trời. Theo thần-thoại thì chỉ có cá chép mới hóa thành rồng và rồng bay trên mây để đưa Ông Công lên trời. Có nơi người ta vẽ tranh cò bay và ngựa chạy để cúng tiễn Táo-Quân về trời. Có câu thơ và câu phương-ngôn về Táo-Quân như sau: “Đội mũ đi hia chẳng mặc quần,” và “Thế-gian một vợ một chồng, / Không như Vua Bếp hai ông một bà.”

9. Tết Nguyên-Đán

Tết Nguyên-Đán, như trên đã nói, được mọi người Việt mình tổ-chức rất linh-đình và long-trọng, kéo dài suốt ba ngày, từ ngày mồng một tới ngày mồng ba tháng giêng ta.

Vào chiều 30 Tết, người ta làm cỗ để cúng và rước tổ-tiên về. Tới nửa đêm 30 rạng mồng một Tết, tức là Đêm Trừ-Tịch, người ta làm lễ cúng trời đất để tiễn năm cũ và đón năm mới. Việc cúng vào giữa đêm 30 này được gọi là cúng Trừ-Tịch hay cúng Giao-Thừa.

Ngày xưa người ta còn ăn Tết Nguyên-Đán suốt cả tháng giêng, tháng hai, và tháng ba ta như Ca-dao của ta đã diễn-tả như sau: “Tháng Giêng ăn tết ở nhà, /Tháng Hai cờ bạc, tháng Ba hôi hè.”

Trong ngày Tết Nguyên-Đán, người ta rất niềm-nở chào hỏi nhau, xá nhau, tay bắt mặt mừng, và còn ôm nhau nữa. Thời-thế đổi thay ta mới có nhiều cách chào nhau như vậy.

Theo phong-tục Việt, người ta không bắt tay để chào-hỏi nhau. Trong trường-hợp người dưới chào người trên hay người trẻ chào người già, người ta chỉ khoanh tay cúi đầu hay chắp tay để trước ngực rồi cúi đầu xuống để chào. Người trên cũng chắp tay lại gật đầu chào đáp lễ người dưới. Cách chắp tay lại để ở trước ngực và cúi đầu chào gọi là “xá.” Xá (to bow deeply) là cách chào thuần-túy của người Việt ta từ trước tới nay. Vì bị ảnh-hưởng văn-hóa Tây-Phương nên người Việt ta lại du-nhập lối chào bằng cách bắt tay, ôm nhau, và hôn nhau. Kiểu chào ôm nhau và hôn nhau được tên Hồ tặc của bọn Việt-Cộng áp-dụng một cách triệt-để khi hắn ta gặp đàn bà con gái người Nga.

Muốn tổ-chức Tết cho chu-đáo, người dân Việt phải sửa-soạn Tết cả mấy tháng trước ngày Tết. Trước ngày Tết, con cháu và học trò phải lo sắm đồ để biếu Tết cho cha mẹ, ông bà, và thầy cô; các gia-đình thường lo trang-hoàng nhà cửa và trồng cây nêu (New Year's Tree, Tết tree).

Trong đêm giao-thừa, đêm 30 Tết, dân Việt đều làm lễ Trừ-Tịch (New Year's Eve) rồi đua nhau đi lễ chùa và lễ đền miếu. Vào sáng ngày mùng (mồng) một Tết, các gia-đình đều pha trà làm lễ cúng gia-tiên và đốt pháo ăn mừng Tết. Sáng ngày mùng hai, gia-đình đi lễ tổ-tiên bên ngoại: “Mùng một thì ở nhà cha,/ Mùng hai nhà vợ, mùng ba nhà thầy.”

Vào ngày đầu năm, dân Việt thường đi xông-nhà xông-đất (người đầu tiên đến nhà của ai trong ngày đâu năm) cho người thân và bằng-hữu. Các con cháu họ-hàng bà con và con cháu bạn-hữu còn nhỏ tuổi mà đến chúc Tết nhà ai thì đều được chủ-nhà cho tiền mừng-tuổi. Vào ngày mùng ba Tết, các gia-đình đều làm lễ hoá-vàng (đồ bằng giấy giả làm vàng được đốt đi sau khi cúng-lễ) để tiễn gia-tiên.

Vào những ngày đầu năm mới, người ta chọn ngày tốt và hướng tốt để xuất-hành rồi đi về trong cùng một ngày để đem lại may-mắn cho gia-đình. Vào ngày đầu năm mới, những nhà văn và nhà thơ thường chọn ngày tốt cằm bút viết văn và thơ để khai-bút; những vị vua quan cũng thường chọn ngày tốt trong đầu năm để “khai-ấn” (đóng dấu trên tờ giấy).

II. Ý-Nghĩa Ngày Tết Nguyên-Đán

Tuy-rằng ta có nhiều ngày Tết nhưng ngày Tết Nguyên-Đán mới đích-thực mang đầy-đủ ý-nghĩa của ngày Tết. Chính vì thế mà mỗi khi nói đến Tết là người ta chỉ liên-tưởng đến Tết Nguyên-Đán mà thôi.

Ngày Tết là dịp để mọi người hân-hoan chúc cho nhau những điều tốt-lành nhất cho năm mới và bỏ qua hết những xích-mích đã làm mất lòng nhau trong năm cũ. Ai ai cũng đều tay bắt mặt mừng và dành nhiều thì-giờ đến thăm họ-hàng, bạn-bè, và bà con lối xóm. Ngày Tết còn là ngày khởi-đầu cho một hy-vọng mới, một cố-gắng mới, và một cuộc đời mới trong tương-lai.

Ngày Tết cũng là ngày đoàn-tụ. Người đi làm-ăn xa-xôi đến mấy cũng cố trở-về quê, tức là nơi mình được sinh-ra hay quê-quán của cha mẹ, để ăn Tết và cúng tổ-tiên cùng mừng tuổi ông bà, cha mẹ, họ-hàng, và bà con lối xóm. Mọi người đều nghỉ-ngơi và ăn-chơi cho bõ những ngày làm-lụng vất-vả.

Người Việt ta có thói-quen là quanh năm chăm-chỉ làm ăn. Suốt cả năm ở nơi thành-thị, đa-số những người buôn-bán và các công-nhân-viên ở xưởng máy không có thì-giờ nghỉ-ngơi. Ở nơi nông-thôn đồng ruộng cũng vậy, quanh năm người nông-dân cũng không có ngày nào là ngày Chủ-Nhật nên mọi người đều mệt-mỏi và không có thì giờ để đi thăm họ-hàng bà con cùng bằng-hữu ở xa được. Chính vì thế mà người Việt ta đã nhờ những ngày Tết để có dịp nghỉ xả-hơi và thăm hỏi nhau hầu xiết-chặt mối dây tình-cảm giữa gia-đình, bạn-bè, và hàng- xóm.

Ngày Tết còn có một ý-nghĩa cao đẹp nữa là việc tỏ lòng biết ơn đối với tổ-tiên cùng báo-hiếu ông bà và cha mẹ. Vì thế cho nên ta đã thấy trong bất-cứ ngày Tết nào người Việt mình cũng bày cỗ cúng gia-tiên.

Tết còn mang một ý-nghĩa đại đoàn-kết, tha-thứ, cởi-mở, biết ơn, và vui sống của mọi người dân Việt. Đây là một truyền-thống tốt-đẹp cần phải duy-trì và phát-triển!

III. Việc Cúng Gia-Tiên

1. Ý-Nghĩa Của Việc Cúng Gia-Tiên

Cúng gia-tiên là cúng tổ-tiên trong nhà, tức là ông bà cha mẹ đời trước. Đây là bổn- phận thiêng-liêng của con cháu để tỏ lòng nhớ ơn cha mẹ, ông bà, và tổ-tiên. Tục cúng gia- tiên của ta rất thành-kính. Con cháu có của ngon vật lạ thường dâng cúng gia-tiên trước rồi mới ăn. Trong dịp giỗ Tết, người ta thắp nhang đèn, bày hoa quả, rượu, trầu cau, ba ly nước trong, cỗ-bàn, và bánh mứt. Khi cúng phải mặc quần áo tề-chỉnh, thắp nhang (hương), đánh chuông, và khấn vái.

Có người cho việc thờ cúng tổ-tiên là một cái đạo, Đạo Thờ Cúng Ông Bà. Đạo ở đây không có nghĩa của tôn-giáo mà là đạo làm người trong gia-đình Việt-Nam, lấy tình-cảm và liên-hệ gia-đình làm chủ-yếu. Khi người nhà mất, thân-nhân thương-xót và nhớ ơn rồi sinh ra lòng thành-kính.

Cúng gia-tiên là phản-ảnh sự hiếu-thảo và tình thương-yêu của con cháu đối với người quá-cố. Người ta bày-tỏ sự biết ơn và thương-nhớ này bằng cách cúng gia-tiên trong ba ngày Tết Nguyên-Đán, trong các ngày Tết khác trong năm, và trong các ngày giỗ-kỵ.

Theo phong-tục Việt ta thì chỉ có con trưởng-nam mới có bổn-phận lo việc thờ cúng tổ-tiên từ ngũ-đại (năm đời) trở xuống. Thí-dụ như con thì cúng cha mẹ, ông bà, cụ, và kỵ (xin đọc bài "Cách Xưng-Hô Bằng Tiếng Việt" của Khải Chính có đăng trong tác phẩm Kiến-Văn để hiểu rõ cách xưng-hô).

Người ta còn lập từ-đường cho mỗi họ để con cháu cúng lễ. Tuy-nhiên, sự cúng tổ- tiên là để bầy-tỏ lòng nhớ ơn, hiếu-kính, và thương-tiếc nên con nào đứng ra lo tổ-chức cúng giỗ cũng được, chứ không nhất-thiết phải là con trưởng, miễn-sao có lòng thành-kính là được, không cần phải quá câu-nệ.

2. Các Đồ Thờ Cúng Gia-Tiên

Các đồ thờ cúng Gia-Tien gồm có:

a. Bài-Vị

Bài-Vị hay Thần-Chủ được làm bằng gỗ-táp (cây táp sống lâu được ngàn tuổi) có dán miếng giấy ghi tên Húy (tên khi sống kiêng không được gọi), tên Thụy (tên vua ban cho những người có chức-tước sau khi chết), tên Hàm hay Hèm (tên người nhà đặt cho người chết để dùng khi cúng-giỗ), bằng-cấp, phẩm-tước, tuổi, ngày sanh, và ngày mất.

Bài-Vị hay Thần-Chủ được đặt trong lòng cái khám có cánh cửa, khi nào cúng-tế mới mở ra. Cái khám được làm bằng gỗ quí, hình khối chữ-nhật, có cánh cửa, chạm-trổ rồng chầu mặt nguyệt, và sơn son (to be red-lacquered) thếp vàng (to gild). Cái khám được đặt phía giữa ở trong cùng của bàn thờ.

b- Ảnh Người Quá-Cố

Nếu có ảnh của người quá-cố ta nên đóng khung và bày bên cạnh bài-vị để con cháu chiêm-ngưỡng trong khi cúng.

c- Lư-Hương

Lư-hương dùng để đốt trầm (thứ cây gỗ có mùi thơm dùng để làm hương đốt) được đặt ngay trước bài-vị (ancestral tablets). Việc đốt trầm cốt để tạo không-khí thơm-tho ấm-cúng và trang-nghiêm ở nơi thờ-cúng. Vì bát nhang thường thấp và nhỏ trong khi lư-hương thường to và cao nên bát nhang thường được đăït ở phía ngoài lư-hương để tiện cho việc cắm nhang (hương), nhất là trong các buổi tế-lễ ở nơi công-cộng có đông người đến dâng hương. Tuy-nhiên, cũng có gia-đình bày bát nhang ở ngay trước bài-vị và lư-hương ở phía ngoài của bát nhang. Đây là tùy theo sự tiện-lợi mà thôi.

d- Bát Nhang

Bát nhang còn gọi là bát hương được đặt ở chính giữa bàn thờ và trước lư-hương. Bát nhang hay bát hương là một cái bát đựng tro hay cát đã được đãi và rửa sạch để cắm nhang. Nếu không có tro hay cát, người ta lấy gạo để thay thế. Để tăng thêm vẻ trang-nghiêm và trịnh-trọng, người ta phải có "ống đựng nhang" đặt trên bàn thờ.

đ- Hai Chân Đèn Cầy (Nến)

Hai chân đèn cầy để cắm nến (đèn cầy) được bày ở hai bên bát nhang.

e- Bình Bông (Hoa) và Mâm Ngũ-Quả (5 thứ trái cây)

Bình bông và mâm ngũ-quả được bày ở hai bên bàn thờ theo quy-tắc “đông bình tây quả,” tức là bình bông bày ở hướng đông và mâm ngũ-quả bày ở phiá tây của bàn thờ. Hướng của bàn thờ luôn-luôn được coi là hướng nam và hướng của người đứng lễ luôn-luôn được coi là hướng bắc. Việc bày bình bông và mâm ngũ-quả này rất phù-hợp với khoa-học vì hướng mặt trời mọc, hướng đông, có ảnh hưởng làm cho hoa nở.

g- Ba Ly Đựng Rượu

Ba ly đựng rượu hay ba ly đựng nước trong tinh-khiết được đặt phía của giữa bình bông và mâm ngũ quả.

h- Cỗ-Bàn (banquets and feasts)

Cỗ-bàn được bày trên một mâm riêng hay đặt ngay trên bàn thờ cũng được.

i. Ba Bát (Chén) Cơm

Ba bát cơm được xới (đơm) tới lưng bát mà thôi. Ba bát cơm này được bày ở phía ngoài cùng của bàn thờ.

k- Ba Đôi Đũa-Son hay Đũa-Ngà

Khi bày 3 bát cơm ta cũng phải bày 3 đôi đũa, thường là đũa-son hay đũa-ngà. Theo phong tục, ta phải có một "ống đựng đũa" để cùng với một lư-hương, hai chân đèn, và một ống đựng nhang hợp thành bộ "Ngũ-Sự."

3. Quy-Tắc và Ý-Nghĩa của Việc Trang-Hoàng và Bày Bàn Thờ Tổ-Tiên

a. Quy-Tắc Âm-Dương và Vô-Cực

Theo phong-tục Việt-Nam, việc bày bàn thờ phải tuân theo quy-tắc đã được ấn-định từ xưa như đã được trình-bày trong phần “Các Đồ Thờ-Cúng Tổ-Tiên” ở trên. Người ta trang- hoàng bàn thờ bằng hai màu chính là vàng và đỏ. Căn-cứ trong cách giải-thích vũ-trụ-quan của Lão-Giáo, Màu vàng và đỏ biểu-tượng cho khí âm-dương tiên-thiên. Vào thời nguyên-thủy, hai màu vàng đỏ trộn lẫn với nhau trong Thái-Cực (primary principle), Thái-Cực sinh ra âm-dương, âm-dương sinh ra ngũ-hành để tạo ra trời đất.

Bát nhang tượng-trưng cho “Vô-Cực,” tức là tính không cùng-cực trong nghĩa-lý vô-cực của trời đất.

Lư-hương tượng-trưng cho âm-dương. Lư-hương và hai chân đèn gọi là bộ “Tam-Sự.” Như trên đã nói, nếu có thêm "ống đựng hương" và "ống đựng đũa" thì lư-hương, hai chân đèn, ống đựng hương, và ống đựng đũa được gọi là bộ “Ngũ-Sự.”

b. Quy-Tắc Ngũ-Hành

Việc bày bàn thờ còn phải theo tiêu-chuẩn của ngũ-hành: Kim (lư-hương, chân đèn), Mộc (chân nhang, đũa, bài-vị), Thủy (nước và rượu), Hỏa (đèn, nến), và Thổ (cát trong bát nhang, hay các đồ bằng sứ).

Ngày nay người ta bày 5 thứ trái cây ở địa-phương hợp với ước-muốn của dân-chúng như mãng cầu, xoài, đu-đủ, thơm, và mận, v.v.

c. Đông Bình Tây Quả

Bình bông (hoa) và mâm ngũ quả (trái cây) được bày theo quy tắc “đông bình, tây qủa,” tức là bình bông đặt ở phía đông và mâm ngũ qủa đặt ở phía tây vì có hoa rồi mới có quả. Nhờ ánh-sáng mặt trời phát-xuất từ phương đông nên hoa mới kết thành quả. Hoa quả mang ý nghĩa dưỡng-dục sinh-thành của tổ-tiên, ông bà, và cha mẹ.

Để dễ phân-biệt hướng đông và tây, người ta dựa theo địa-lý và bản đồ. Nếu lấy hướng trước mặt là phương bắc để làm chuẩn thì bên phải là phương đông, bên trái là phương tây, và sau lưng là phương nam.

Vì bàn thờ được thiết-lập tùy theo tiện-nghi trong nhà, không nhất-thiết phải theo đúng phương-hướng thực của đất trời nên người ta phân-biệt đông và tây bằng cách căn-cứ vào hướng của bàn thờ đã được thiết-lập sẵn. Không cần biết hướng thật của bàn thờ là hương nào nhưng người ta cứ đương-nhiên coi hướng bàn thờ là hướng nam. Lý-do chính là theo phong-tục về nghi-lễ, khi xây từ-đường (ancestral hall), miếu, chùa, hay đền thờ, người ta thường xây mặt tiền quay mặt về hướng nam. Chính vì thế mà người ta có thói-quen bày bàn thờ ở trong nhà, nếu có thể được, theo hướng Nam. Nếu không thể bày theo hướng chính nam, người ta cũng cứ coi hướng bàn thờ đã bày là hướng nam. Nếu coi hướng bàn thờ là hướng nam thì bình bông phải được để ở bên trái (phía đông) và mâm ngũ quả được bày ở bên phải (phía tây) của bàn thờ tính theo hướng của bàn thờ.

d. Quy-Tắc Tam-Tài (Thiên Địa Nhân)

Lý do phải bày ba bát cơm, ba đôi đũa, ba chén rượu hay nước trên bàn thờ là tượng-trưng cho Tam-Tài tức là Thiên, Địa, và Nhân, tức là Trời, Đất, và Người. Điều này có liên-quan đến lẽ biến-dịch của vũ-trụ. Người được coi là nơi qui-tụ đức của trời và đất. Khi cúng, mỗi người thường thắp (to light) 3 nén nhang cũng nằm trong ý-nghĩa này.

Trên đây chúng tôi nói theo quy-tắc và phong-tục thờ cúng gia-tiên của người Việt. Tuy-nhiên, việc bày bàn thờ thời nay còn tùy-theo mỗi nơi và mỗi gia-đình, tùy theo phương-tiện, giàu nghèo, bầy thế nào cũng được, miễn sao thể-hiện được sự trang-nghiêm, thành-kính, và đẹp-mắt thì thôi.

Việc cúng-bái cũng phải tùy-tiện và uyển-chuyển. Người ta nói “lễ bạc lòng thành” là vậy. Câu này có ý nói là lễ tuy đơn-sơ ít-ỏi nhưng miễn sao có lòng thành-kính là được.

Việc cúng tổ-tiên còn thể-hiện trong câu “sống sao thác vậy.” Câu này có ý là tuy người thân đã mất nhưng lòng kính-mến của người trong gia-đình đối với người quá-cố vẫn giống như lúc họ còn sinh-tiền. Sống thích thứ gì thì khi chết được con cháu cúng thứ đó.

IV. Nghi-Thức Cúng Gia-Tiên

Khi cúng Gia-Tiên thì chủ gia-đình phải đốt đèn (đèn dầu, đèn cầy, hay đèn điện), thắp nhang, đánh chuông, khấn, và cúng trước rồi những người trong gia-đình theo thứ-tự trên dưới cúng sau. Nhang (hương) đèn để mời và chuông để thỉnh tổ-tiên. Khi cúng bái, mọi người phải chắp tay đưa lên ngang trán để khấn. Khấn là lời trình với tổ-tiên về ngày cúng liên-quan đến ngày tháng năm ta và Tây, tên địa-phương mình ở, tên mình và tên những người trong gia-đình, lý-do cúng, và lời cầu nguyên, v.v.. Riêng tên người quá-cố ta phải khấn rõ nhỏ. Sau khi khấn rồi, tuỳ theo địa-vị của người cúng và người quá-cố mà vái hay lạy. Nếu bố cúng con thì chỉ vái bốn vái mà thôi. Nếu con cháu cúng tổ-tiên thì phải lạy bốn lạy. Chúng ta cần hiểu cho rõ về ý nghĩa của Cúng, Khấn, Lạy, và Vái như sau:

1. Định-Nghĩa của Cúng, Khấn, Lạy, và Vái

a. Cúng

Khi có giỗ Tết, như trên đã nói trong mục cúng gia-tiên, gia-chủ bày hoa (bông) quả, nước, rượu, cỗ-bàn, chén bát, đũa, muỗng (thìa) lên bàn thờ rồi thắp nhang (hương), thắp đèn, đốt nến (đèn cầy), khấn, vái, hay lạy để tỏ lòng hiếu-kính, biết ơn, và cầu phước lành. Đây là nghĩa rộng của “cúng.” Còn trong nghĩa bình thường, cúng là thắp nhang (hương), khấn, lạy,và vái.

b. Khấn

Khấn là lời cầu-khẩn lầm-rầm trong miệng khi cúng, tức là lời nói nhỏ liên-quan đến các chi-tiết về ngày tháng năm, nơi-chốn, mục-đích buổi cúng lễ, cúng ai, tên những người trong gia-đình, lời cầu-xin, và lời hứa.

Sau khi khấn, người ta thường vái vì vái được coi là lời chào kính-cẩn. Người ta thường nói khấn-vái là vậy. Trong truyện Kiều, Nguyễn Du dùng từ khấn-vái trong câu “Lầm-rầm khấn-vái nhỏ to,/ Sụp ngồi đặt cỏ trước mồ bước ra.” (câu 95-96)

c. Lạy

Lạy là hành-động bày tỏ lòng tôn-kính chân-thành với tất-cả tâm-hồn và thể-xác đối với người trên hay người quá-cố vào bậc trên của mình. Có hai thế-lạy: thế-lạy của đàn-ông và thế-lạy của đàn-bà. Có bốn trường-hợp lạy: 2 lạy, 3 lạy, 4 lạy, và 5 lạy. Mỗi trường-hợp đều có mang ý-nghĩa khác nhau.

- Thế-Lạy Của Đàn-Ông

Thế-lạy của đàn-ông là cách đứng thẳng theo thế-nghiêm, chắp hai tay trước ngực và dơ cao lên ngang trán, cúi mình xuống, đưa hai bàn-tay đang chắp xuống gần tới mặt chiếu hay mặt đất thì xòe hai bàn-tay ra đặt nằm úp xuống, đồng-thời quì gối bên trái rồi gối bên phải xuống đất, và cúi-rạp đầu xuống gần hai bàn-tay theo thế phủ-phục. Sau đó, cất người lên bằng cách đưa hai bàn-tay chắp lại để lên đầu-gối bên trái lúc bấy giờ đã co lên và đưa về phía trước ngang với đầu-gối chân phải đang quì để lấy đà đứng dậy, chân phải đang quì cũng theo đà đứng lên để cùng với chân trái đứng ở thế-nghiêm như lúc đầu. Cứ theo thế đó mà lạy tiếp cho đủ số lạy. Khi lạy xong thì vái ba vái rồi lui ra.

Có thể bắt-đầu quì bằng chân phải hay chân trái trước cũng được, tùy-theo thuận chân nào thì quì chân ấy trước. Có điều cần nhớ là khi quì chân nào xuống trước thì khi chuẩn-bị cho thế đứng-dậy phải đưa chân đó về phía trước nửa bước và tì hai bàn-tay đã chắp lại lên đầu gối chân đó để lấy thế đứng lên. Thế-lạy theo kiểu này rất khoa-học và vững-vàng. Sở-dĩ phải quì chân trái xuống trước vì thường chân phải vững hơn nên được dùng để giữ thế thăng-bằng cho khỏi ngã. Khi chuẩn-bị đứng lên cũng vậy. Sở-dĩ chân trái co lên đưa về phía trước được vững-vàng là nhờ chân phải có thế-vững hơn để làm chuẩn.

Thế-lạy phủ-phục của mấy nhà-sư rất khó. Các thầy phất tay áo cà-sa, đưa hai tay chống xuống ngay mặt đất và đồng-thời quì hai đầu-gối xuống luôn. Khi đứng-dậy các thầy đẩy hai bàn-tay lấy thế đứng hẳn lên mà không cần phải để tay tỳ lên đầu-gối. Sở-dĩ được như thế là nhờ các thầy đã tập-luyện hằng-ngày mỗi khi cúng Phật. Nếu thỉnh-thoảng quí-cụ mới đi lễ chùa, phải cẩn-thận vì không lạy quen mà lại bắt chước thế-lạy của mấy thầy thì rất có thể mất thăng-bằng và bị ngã.

- Thế-Lạy Của Đàn-Bà

Thế-lạy của các bà là cách ngồi-trệt xuống đất để hai cẳng-chân vắt-chéo về phía trái, bàn chân phải ngửa lên để ở phía dưới đùi chân trái. Nếu mặc áo dài thì kéo tà-áo trước trải ngay-ngắn về phía trước và kéo vạt-áo sau về phía sau để che mông cho đẹp mắt. Sau đó, chắp hai bàn-tay lại để ở trước ngực rồi đưa cao lên ngang với tầm trán, giữ tay ở thế- chắp đó mà cúi đầu xuống. Khi cúi đầu gần chạm mặt đất thì đưa hai bàn-tay đang chắp đặt nằm úp xuống đất và để đầu lên hai bàn-tay. Giữ ở thế đó độ một hai giây, rồi dùng hai bàn-tay đẩy để lấy thế-ngồi thẳng lên đồng-thời chắp hai bàn-tay lại đưa lên ngang trán như lần đầu. Cứ theo thế đó mà lạy tiếp cho đủ số lạy cần-thiết (xem phần “Ý-Nghĩa của Lạy” ở phần dưới). Lạy xong thì đứng lên và vái ba vái rồi lui ra là hoàn-tất thế-lạy.

Cũng có một số bà lại áp-dụng thế lạy theo cách quì hai đầu-gối xuống chiếu, để mông lên hai gót-chân, hai tay chắp lại đưa cao lên đầu rồi giữ hai tay ở thế-chắp đó mà cúi mình xuống, khi đầu gần chạm mặt chiếu thì xòe hai bàn-tay ra úp xuống chiếu rồi để đầu lên hai bàn-tay và cứ tiếp-tục lạy theo cách đã trình-bày trên. Thế-lạy này có thể làm đau ngón-chân và đầu-gối mà còn không được trông đẹp mắt.

Thế-lạy của đàn-ông có vẻ hùng-dũng, tượng-trưng cho dương. Thế-lạy của các bà có tính cách uyển-chuyển tha-thướt, tượng-trưng cho âm. Thế-lạy của đàn-ông có điều bất-tiện là khi mặc âu-phục thì rất khó lạy. Hiện nay chỉ có mấy vị cao-niên còn áp dụng thế-lạy của đàn-ông, nhất là trong dịp lễ Quốc-Tổ. Còn phần đông, người ta có thói-quen chỉ đứng vái mà thôi.

Thế-lạy của đàn-ông và đàn-bà là truyền-thống rất có ý-nghĩa của người Việt ta. Nó vừa thành-khẩn vừa trang-nghiêm trong lúc cúng tổ-tiên.

Nếu muốn giữ phong-tục tốt-đẹp này, các bạn nam nữ thanh-niên phải có lòng tự- nguyện. Muốn áp-dụng thế-lạy, nhất là thế-lạy của đàn-ông, ta phải tập-dượt lâu mới nhuần-nhuyễn được. Nếu đã muốn thì mọi việc sẽ thành.

d. Vái

Vái thường được áp-dụng ở thế đứng, nhất là trong dịp lễ ở ngoài trời. Vái thay thế cho lạy ở trong trường-hợp này. Vái là chắp hai bàn-tay lại để trước ngực và đưa lên ngang đầu rồi hơi cúi đầu và khom lưng xuống rồi sau đó lại ngẩng lên; trong khi đo, đưa hai bàn-tay xuống và đưa lên theo nhịp lúc cúi xuống khi ngẩng lên. Tùy theo từng trường-hợp, người ta vái 2,3,4, hay 5 vái.

2 . Ý-Nghĩa Của Lạy và Vái

Số lần lạy và vái đều mang một ý-nghĩa rất đặc-biệt như sau:

a. Ý-Nghĩa Của 2 Lạy và 2 Vái

Hai lạy dùng để áp-dụng lạy cho người còn sống như trong trường hợp cô-dâu chú-rể lạy cha mẹ. Trong trường-hợp người quá-cố còn để nằm trong quan-tài tại nhà quàn thì khi đi phúng-điếu, nếu những ai là vai dưới của người quá-cố như em, con cháu, và những người vào hàng con em, v.v., thì phải lạy 2 lạy. Nếu vái sau khi đã lạy, người ta thường vái ba vái. Ý-nghĩa của ba vái này như đã nói ở trên là lời chào kính-cẩn, chứ không có ý-nghĩa nào khác; nếu các người đến phúng-điếu là vai trên của người quá-cố như các bậc cao-niên hay những người vào hàng cha, anh, chị, chú, bác, cô, dì, v. v., của người quá-cố, thì chỉ đứng để vái hai vái mà thôi. Khi quan tài đã được hạ-huyệt (to lower the coffin into the grave), tức là sau khi chôn rồi, người ta vái hay lạy người quá-cố 4 vái. Theo nguyên-lý âm-dương, khi chưa chôn, người quá-cố được coi như còn sống nên ta lạy 2 lạy hay vái 2 vái. Hai lạy hay hai vái này tượng-trưng cho âm-dương nhị-khí hòa-hợp trên dương-thế, tức là sự sống. Sau khi người quá-cố được chôn rồi, phải lạy 4 lạy hay vái 4 vái.

b. Ý-Nghĩa Của 3 Lạy và 3 Vái

Khi đi lễ Phật, ta lạy 3 lạy hay vái 3 vái. Ba lạy hay ba vái tượng-trưng cho Phật, Pháp, và Tăng. “Phật” ở đây là giác, tức là giác-ngộ, sáng-suốt, và thông-hiểu mọi lẽ. “Pháp” là chánh, tức là điều chánh-đáng, trái với tà-ngụy. “Tăng” là tịnh, tức là trong-sạch, thanh-tịnh, không bợn-nhơ. Đây là nói về nguyên-tắc phải theo. Tuy-nhiên, còn tùy mỗi chùa, mỗi nơi, và thói-quen, người ta lễ Phật có khi lạy 4 hay 5 lạy, vái 4 hay 5 vái.

Trong trường-hợp cúng Phật, khi ta mặc đồ Âu-phục, nếu cảm thấy khó-khăn trong khi lạy, ta đứng nghiêm và vái ba vái trước bàn thờ Phật cũng được.

c. Ý-Nghĩa Của 4 Lạy và 4 Vái

Bốn lạy để cúng người quá-cố như tổ-tiên, thánh-thần. Bốn lạy tượng-trưng cho tứ-thân phụ-mẫu, bốn phương (đông: thuộc dương, tây: thuộc âm, nam: thuộc dương, và bắc: thuộc âm), và tứ-tượng (bốn cái tượng do âm-dương mà sinh ra: Thái-Dương, Thiếu-Dương, Thái-Âm, Thiếu-Âm: lưỡng-nghi sinh tứ tượng). Nói chung, bốn lạy bao-gồm cả cõi âm lẫn cõi dương mà hồn ở trên trời và phách hay vía ở dưới đất nương vào đó để làm chỗ trú-ngụ. Bốn vái dùng để cúng người quá-cố như tổ-tiên và thánh-thần khi không thể áp-dụng thế lạy.

d.Ý-Nghĩa Của 5 Lạy và 5 Vái

Ngày xưa người ta lạy vua 5 lạy. Năm lạy tượng-trưng cho ngũ-hành (kim, mộc, thuỷ, hỏa, và thổ), vua tượng-trưng cho trung-cung tức là hành-thổ màu vàng đứng ở giữa. Còn có ý-kiến cho rằng 5 lạy tượng-trưng cho bốn phương (đông, tây, nam, bắc) và trung-ương, nơi nhà vua ngự. Ngày nay, trong lễ giỗ Tổ Hùng-Vương, quí-vị trong ban tế-lễ thường lạy 5 lạy vì Tổ Hùng-Vương là vị vua khai-sáng giống-nòi Việt.

Năm vái dùng để cúng Tổ khi không thể áp-dụng thế-lạy vì quá đông người và không có đủ thì-giờ để mỗi người lạy 5 lạy.

V. Kết-Luận

Phong-tục có được là do thói-quen mà mọi-người đã chấp-nhận, nhiều khi không giải-thích được lý-do tại sao lại như thế mà chỉ biết làm theo cho đúng thôi.

Trong mỗi gia-đình Việt-Nam, dù theo đạo nào cũng vậy, chúng ta, con dân nước Việt, hãy cố-gắng thiết-lập một bàn thờ gia-tiên. Có như thế, con cháu ta mới có cơ-hội học-hỏi cách thiết-lập bàn thờ gia-tiên, và hiểu được ý-nghĩa của việc thờ cúng ra sao.

Thờ cúng là cách biểu-thị lòng nhớ ơn tổ-tiên cũng như lòng thương và hiếu-thảo đối với ông bà cha mẹ. Đây là một truyền-thống văn-hóa tốt-đẹp của người Việt mà chúng ta cần phải duy-trì.

Chúng ta cũng nên duy-trì cách “xá” (to bow deeply) nhau trong khi chào-hỏi. Đây là đặc-tính văn-hóa độc-đáo trong cách chào của người Việt chúng ta. Người bản-xứ càng quí-trọng chúng ta hơn ở chỗ chúng ta có duy-trì được văn-hóa và truyền-thống của mình.

Ngoài ra, mỗi cộng-đồng người Việt ở hải-ngoại nên cố-gắng tổ-chức Tết Nguyên-Đán, lễ giỗ-Tổ Hùng-Vương, và các ngày kỷ-niệm anh-hùng liệt-sĩ để mọi người có dịp gặp-gỡ, thắt chặt thêm tình đồng-hương nghĩa bầu-bạn, và tạo sức-mạnh đoàn-kết hầu giúp vào việc giải-trừ chế-độ Cộng-Sản nơi quê nhà để toàn-dân Việt sớm được hưởng ánh-sáng tự-do, dân-chủ, và nhân-quyền.

Tieuboingoan sưu tầm