Câu chuyện chưa đặt tên
BlackRose 26.07.2009 10:16:56 (permalink)
  Chiếc xe lao nhanh xuống con dốc ngoằn ngoèo, lao đi vun vút giữa những hàng cây. Ở phía dưới thung lũng là những đám mây giăng trắng xóa, thoạt nhìn tôi cứ tưởng phía dưới đó là biển với bờ cát trắng chạy dài đẫm hơi nước. Xe càng leo lên cao thì con đường lại càng hiện ra rõ hơn, nãy giờ chúng tôi đã đi gần lên đến đỉnh núi rồi, bỏ lại phía sau con đường nhỏ chỉ là một vệt dài sáng trắng như con rắn đang uốn mình bám vào vách núi. Nhìn đáng sợ thật! Có đôi lúc xe cua qua một đoạn đèo sát với mép vực mà tôi thấy tim mình đập thình thịch. Chắc là không có chuyện gì đâu vì tay lái của sư phụ Hạ “lụa” lắm mà. Sư phụ cua tay lái rất “ngọt”, có đôi lúc gặp những xe chạy ngược chiều, xe của chúng tôi lao sát sạt sườn xe đối diện, tưởng như đâm vào nhau đến nơi mà hóa ra còn phải cách mấy mét, quả là tài xế lâu năm có khác, căn đường rất chuẩn.
 
   
 Nếu không phải người vùng này hoặc không thông thuộc thổ địa ở đây chắc có lẽ không ai dám lái xe qua lại. Một con đường độc đạo chỉ bám theo đường núi mà đi, lúc quẹo trái, lúc quẹo phải, lúc lên xuống như “mát-xa”, thử hỏi có bác tài nào dám mạo hiểm đi ở đây không, nhất là trong khi đang chở theo hàng bao nhiêu con người như vậy? Đúng là không có con đường nào mà không in dấu chân con người, dù nó có  hoang vu hẻo lánh tới đâu người ta cũng quyết phải chinh phục bằng được. Những con đường lịch sử đã làm nên những “con người lịch sử” khi dám đi trên những con đường ấy, và chúng tôi liệu có phải là những “hành khách anh hùng” khi ngồi trên xe để đi thám hiểm những vùng đất mới, trải qua hàng trăm cây số đường đèo đường núi để khám phá cái thiên nhiên hùng vĩ này không nhỉ? Chắc hẳn là có phải không?
 
  
Sư phụ Hạ là người của một huyện nghèo vùng núi. Ông kể rằng đất vùng quê ông là đất đỏ nên rất màu mỡ, thích hợp trồng rất nhiều loại cây, mà cây gì cũng tươi tốt, lại thêm nước ngầm chảy trên núi xuống tưới tắm cho cả một vùng Mông Tự rộng lớn. Nước trên núi mát lắm, tại ở đây đa số là các dân tộc thiểu số sống lẩn khuất trên núi, họ đã quen với cái thiên nhiên đại ngàn vây quanh mình nên chẳng muốn xuống đồng bằng nữa. Người ở đây trông rất khỏe mạnh, hiền lành, có lẽ do họ ít giao du với thế giới bên ngoài nên vậy. Bản thân sư phụ cũng là người chất phác, ông có vẻ thích nói chuyện với mọi người, tính tình cởi mở đúng “chất” của một con người sinh ra ở miền núi rừng. Nhìn ông tôi cứ tưởng tượng đến những diễn viên đóng trong các bộ phim nhựa nói về cuộc sống nông thôn ở Trung Quốc trong thời kỳ đổi mới, nơi mà người ta đã vất vả lắm để gây dựng cho mình một mái nhà, một cơ nghiệp, nói là “cơ nghiệp” vậy thôi chứ thực ra cũng chỉ là mảnh vườn đào, vườn lê, là cánh đồng lúa trĩu nặng mang hơi thở nặng nhọc và tâm huyết của bao đời. 
 
   
Cuộc đời của sư phụ sao nó cũng khắc khổ y như khuôn mặt của ông và cằn cỗi như núi rừng vậy. Mới có 45 tuổi mà trông ông có vẻ đã già lắm, thoạt nhìn thì thấy thế. Vợ mất đã 5 năm vì căn bệnh ung thư, còn hai đứa con nhỏ đều do ông nuôi nấng, dường như tất cả những gánh nặng ấy đã đeo trên vai ông từ lâu lắm rồi, ông mang theo những tâm tư cuộc đời ấy theo những chuyến đi với mình, cho nó lăn bánh cùng ông qua hàng ngàn cây số đường trường. Con đường này ông đã đi đi về về bao nhiêu năm nay, từng cột mốc, từng khúc cua, từng cái biển báo, ông đều thuộc nằm lòng. Có lẽ ông sống và chết cũng chỉ gắn bó với cái nghề này thôi. Người ta nói “sinh nghề tử nghiệp” mà. Đã không ít người hỏi ông đi như thế này thì bao lâu mới về nhà một lần? Ông cũng không nhớ đã bao lâu rồi không về nhà, mặc dù rất nhớ các con nhưng công việc cứ cuốn ông đi, cái bụi đường cứ cuốn ông đi. Lâu lâu nghỉ phép ở nhà ngồi không lại thấy cuồng chân. Ông nhớ những con đường, nhớ cái vẻ hoang dã của núi, của rừng, nhớ những màn sương giăng trên đỉnh núi, nhớ cả những cơn mưa rừng ào ào trên các tán lá, mưa to không dứt phủ mờ khoảng không gian trước mặt, nhớ lắm....Cuộc sống của ông là vậy mà, nó vây chặt lấy ông rồi, không ở cạnh nó không được.
 
   
 Theo chân sư phụ Hạ chúng tôi đi qua bao vùng đất, mở ra trước mắt bao khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, với Tây Sơn Long Môn, chùa Hoa Đình cổ kính, rêu phong ẩn mình sau làn mưa mờ mờ ảo ảo. Mưa ở núi lạnh lắm, gió cứ thốc từng cơn làm chúng tôi run run đi nép mình vào bên vách đá trơn trượt. Tuy lạnh là vậy nhưng tôi vẫn thấy háo hức muốn được khám phá hết cái vẻ hoang vu của núi, với câu chuyện lịch sử của ngôi chùa đã có hàng trăm năm này. Chùa nằm cheo leo trên vách núi, muốn lên được phải qua một đoạn đường dài đi cáp. Trong cái sương mù giăng dày đặc, phía dưới là những tán cây dày phủ kín không nhìn thấy mặt đất, có cảm giác như mình đang đi trên mây vậy. Cái lạnh táp vào mặt làm tôi tỉnh cả người, đầu óc nhẹ bẫng, tôi thấy như mình đang đắm chìm vào cõi hư không nào xa vời lắm, bỏ lại cuộc sống ồn ào ngoài kia để hành hương về đất Phật. Đi viếng cảnh chùa luôn làm tôi thấy tâm hồn mình bình yên hơn, mọi thứ lo toan, buồn đau của cõi đời đã tan theo lớp sướng khói ngoài kia, để khi bước vào cửa Phật là lòng không còn vương vấn gì nữa. Phật pháp đã dạy rằng, ở đời phải phá trừ được 3 phiền não: Tham, Sân, Si; có vậy tâm mới được yên, mới đến được  với cõi Niết Bàn. Nhìn 500 bức tượng La Hán trong chùa, tôi chợt nhớ đến bài thơ “Các vị La Hán chùa Tây Phương” trong chương trình học phổ thông ngày trước. Giờ được tận mắt chứng kiến bỗng thấy ngộ ra nhiều điều lắm. Đúng là mỗi vị một vẻ, tượng trưng cho những đau khổ vật vã của cõi trần. Sao trên đời lại có nhiều nỗi khổ ải thế nhỉ? Tôi lẩm nhẩm đếm tượng La hán 1,2,3 .....đến đúng số tuổi của mình, nhìn thần thái của tượng mà suy đoán thời vận sau này. Ừ thì có tượng buồn, tượng vui, có tượng khóc, tượng cười. Chợt nghĩ cuộc đời nào có được mấy chốc mà sao phải trải qua nhiều kiếp nạn đến thế, phải chăng được làm một kiếp người mà phải trả cái giá đắt thế sao? Sống thì cứ sống thôi chứ, buồn có lúc, vui có lúc; khóc có lúc, cười có lúc kia mà. Được sống ở đời đã là một cái hạnh phúc tột bậc rồi. Tôi nghĩ cái gì cũng có cái kết “có hậu” của nó, mình gieo nhân gì thì gặt quả nấy, tuy rằng đời này nhiều đau khổ nhưng không phải là không có lúc cười to hả hê... Mọi thứ chỉ là hư không thôi mà.
 
  
Bỏ lại ngôi chùa phía sau lưng cùng với màn mưa phủ kín một góc trời, chúng tôi lại tiếp tục lên đường để khám phá những vùng đất mới. Xa xa chỉ toàn thấy cái màu trắng ởn của đá mà lúc đầu tôi cứ ngỡ nó là những cái túi nylon be bé người ta vứt đầy ở sườn núi, tựa như một bãi rác khổng lồ toàn nylon trắng vậy. Rồi đến cái màu trắng đục của những tấm nylon bọc vào những thân cây lê đang độ ra quả, cây mọc dày đặc hai bên đường, tưởng như có thể giơ tay ra là hái ngay được. Thấp thoáng sau rừng cây ấy là bóng những con người lúc ẩn lúc hiện như những bóng ma đang tỉa cây, vun cành. Ở đây hoang vu nên thấy được bóng dáng con người là rất hiếm. Nhìn những ngôi nhà bao quanh bằng tường gạch, cánh cổng sắt khép hờ tôi lại nghĩ đến cảnh nông thôn ở Việt Nam. Đường phố thì vắng vẻ, thi thoảng mới thấy có những chiếc xe máy chạy vụt qua, có một đôi vợ chồng ngồi trên xe mặt mày tươi rói, chắc hôm nay được ngày chợ cũng kiếm khá tiền. Gió thổi vi vu, rít khe khẽ qua các tán lá, hòa vào với cái nắng buổi sớm nhè nhẹ, làm dịu bớt phần nào hơi lạnh của màn sương đang tan dần trên đỉnh núi. Cảnh sắc yên bình quá, tôi thấy lòng nhẹ tênh rồi chìm vào giấc ngủ lúc nào không biết.
 
 
.....Nóng quá! Tôi mở mắt ra thì thấy mặt trời đã lên quá ngọn cây, ánh sáng chiếu thẳng vào cửa kính xe làm tôi thấy chói mắt. Tôi với tay định kéo rèm lại thì thấy mấy đứa trẻ con đứng lố nhố bên dưới đang chỉ trỏ gì đó. Bất giác tôi nhận ra xe đang đứng im, cửa xe đang mở. Hóa ra sư phụ xuống nạp nhiên liệu cho xe. Bọn trẻ con gồm 2, 3 đứa đứng dưới xe nói mấy câu gì đó. Tôi không hiểu. Chỉ thấy chúng giơ mấy bắp ngô nướng và mấy giỏ nho lên, có lẽ ý mời chúng tôi mua. Một vài người trên xe lắc đầu, bọn nó cũng thôi, đứng dưới đó bàn tán chứ không dám xông lên xe mời chào. Mấy đứa con gái hai má ửng hồng vì nẻ, tóc tết thành bím trông khô và xơ xác. Mấy thằng cu nhỏ hơn, quần áo trông cũ nhàu tay giơ rổ nho lên mắt hướng về phía xe chờ đợi. Ánh mắt tôi bắt gặp ánh mắt của một thằng bé đang nhìn tôi chằm chằm. Đôi mắt nó đen láy lộ rõ vẻ thông minh. Không chịu được ánh nhìn ấy, tôi quay đi. Một lúc sau vẫn thấy chúng luẩn quẩn dưới đó. Tôi bấm đứa bạn xuống xe cho đỡ ngột ngạt. Thấy chúng tôi chúng liền ùa đến nói những câu như lúc trước. Tôi chỉ thằng bé có đôi mắt to khi nãy, nó liền chạy lại giơ chùm nho lên, chắc nó nghĩ tôi định mua nho. Ánh mắt nó như cầu khẩn trông rất tội nghiệp, tôi gật đầu ra chiều đồng ý. Nó nói câu gì đó chắc là ra giá. Tôi lắc đầu tỏ vẻ không hiểu. Nó xòe hai bàn tay ra. Vậy là 10 tệ một giỏ. Tôi móc tiền ra trả, thấy nó cảm ơn rối rít rồi cười khoe hàm răng sún nhìn rất dễ thương. Nó giúi giỏ nho vào tay tôi rồi chạy ra khoe với đạm bạn. Cả lũ cùng ngồi bệt xuống vỉa hè gần đấy đếm tiền, chắc chúng nó đợi đợt khách sau dừng xe đổ xăng ở đấy. Tôi quay lưng bước lên xe mà tự nhiên thấy đầu óc quay cuồng, tay bám chặt vào thanh vịn. Hình ảnh thằng bé cười, hai tay cầm mấy tờ tiền vung vẩy, rồi nó nâng niu vuốt cho phẳng mấy tờ giấy cũ nát ấy làm lòng tôi dâng lên một cảm giác khó chịu. Nhưng khó chịu vì cái gì mới được chứ?
 
    
 Xe lại tiếp tục lăn bánh, tôi cầm một quả nho đưa lên miệng. Vừa bóp nhẹ thì nhân nho bên trong đã chui tọt vào miệng, còn lại mỗi cái vỏ nho xanh dính chút nước ở tay. Cái mùi thơm ngai ngái của nho làm tôi tỉnh người. Nó giống cái mùi kẹo nho mà tôi hay ăn, nó như mùi nước nho đóng hộp chứ không phải nho tươi có vị chua thường thấy. Tay tôi mân mê mấy quả nho mà đầu óc cứ nghĩ ngợi đâu đâu. Không biết giờ này mấy đứa trẻ có bán thêm được tí nho nào không? Xem chừng có vẻ rất khó vì cây xăng đó nằm trên đoạn đường ít người qua lại. Chắc nhà chúng ở quanh đấy. Lẽ ra giờ này chúng phải ở trường chứ. Lẽ ra chúng phải ở nhà học bài chứ không phải đi lang thang bán mấy bắp ngô quắt lại do phơi dưới nắng trời, không phải bê từng chùm nho rong rồi để người ta ăn thử hết quả này quả nọ, rồi họ không mua nữa. Bố mẹ chúng đâu? Sao lại để bọn nó mặc những cái áo cũ nát như vậy, khuôn mặt lấm lem vì bụi đường, bụi ôtô, cả mái tóc rối bù còn chưa kịp cắt. Bao nhiêu câu hỏi cứ xoay vần trong đầu khiến tôi cảm thấy cơn đau đầu càng dữ dội hơn, và có gì đó dâng lên trong cổ họng. Một cảm giác buồn nôn. Tôi như cảm nhận được cả hương vị của những trái nho tôi vừa ăn, nhưng giờ nó đắng nghét chứ không ngọt như lúc nãy nữa. Trong cơn quay cuồng ấy, khuôn mặt thằng bé và đám bạn nó lại hiện ra. Cái mặt ấy, à phải, sao nó giống mặt những thằng bé đánh giầy tôi hay gặp trên đường đi làm ngang qua cổng công ty mỗi sáng. Vẫn ánh mắt tội nghiệp ấy, cái áo cũ đã ngả màu, khuôn mặt lấm lem, nhưng đôi mắt ấy sáng lắm, nó nhìn thẳng vào tôi như muốn nói điều gì mà không thể cất thành lời được......
 
 
 Qua những con đường mòn ngoằn ngoèo đó, chúng tôi đi dần vào trong thành phố, nơi có những ngôi nhà cao tầng xây theo lối chung cư. Tất cả cùng một kiểu kiến trúc. Một thành phố mới đang được xây dựng. Nó sẽ là trung tâm hành chính của châu Hồng Hà sau này. Những tòa nhà của cục thuế, sở tài chính tọa lạc trong các khuôn viên rộng nhiều cây xanh nằm hơi xa so với trục lộ chính, bao quanh là các luống hoa được cắt tỉa cẩn thận. Một nơi khó có thể xâm phạm được. Con đường vành đai này chạy xa tít tắp. Từ đây có thể nhìn thấy tận cuối đường, nơi đó có các ngả rẽ đi các lộ thuộc các huyện khác. Đường phố vắng vẻ, sạch sẽ, to đẹp. Dường như những gì quê mùa, lạc hậu, những cái rơi rớt còn sót lại của một vùng nông thôn cách biệt với thế giới bên ngoài đã được gọt sạch hết. Thay vào cái lớp cắt ấy là những khối đá bê-tông chắc chắn, có hình có khối, những hàng cây mọc đều tăm tắp gắn chặt xuống nền đất còn thơm mùi nhựa đường. Cái huyện lị nghèo nàn đang trở mình sau một giấc ngủ dài.
 
   
Từ đây có thể đi đến khắp các châu huyện khác, con đường huyết mạch này sẽ nối cái huyện Mông Tự với nền văn minh của thế giới. Những nhà máy lớn được xây dựng, các làn khói công nghiệp vươn cao trên nền trời của Khai Viễn, uy nghi sừng sững như muốn khoe với du khách thập phương về cái đồ sộ của cái gọi là “khoa học tiên tiến” ấy. Một đô thị thịnh vượng với cơ sở công nghiệp sinh thái sẽ hình thành trong nay mai. Đi kèm với những khu công nghiệp ấy sẽ là vô vàn những khu nhà mới, khu vui chơi giải trí, khu nghỉ dưỡng.....mọc lên, với những văn phòng đầy đủ tiện nghi, bên trong đó là các đại gia phì phèo điếu xì gà chỉ tay năm ngón. Họ tự hào chứ, vì học đã đóng góp công sức xây dựng cho cái huyện nông thôn quanh năm chỉ biết trồng lúa, trồng ngô này được mở mang “dân trí”, được hòa nhập vào cái thế giới phồn hoa ngoài kia. Rồi đây hàng chục triệu dân sẽ không còn phải mang từng sọt đào ra ngồi phơi nắng ngoài đường quốc lộ để bán nữa. Từng thúng, từng thúng, có bán hết ngày cũng không bằng một bữa cơm của đại gia ăn lót dạ chơi. Mấy đứa bé mặt mày lấm lem đi bán ngô nướng, nho xanh sau này sẽ được một suất làm công nhân trong nhà máy, ít ra chúng không phải chân lấm tay bùn như cha mẹ, cuốc cày chỉ tổ “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” mà đói vẫn hoàn đói. Mỗi thời nhích thêm một tí thế cũng còn hơn. Ruộng đất chẳng còn thì phải bấu víu lấy cái “ống khói” mà sống thôi, chỉ trách mình sinh ra sao mang phận nghèo hèn, chui rúc ở xó xỉnh làng quê bao giờ mới khá được, phải chi làm con đại gia thì một bước lên ôtô, hai bước xuống thuyền buồm có phải vui không? Âu cũng là số phận con người, chỉ khác nhau có mỗi nóc nhà mà thành ra thế đấy, sang hèn cũng chỉ một gang tay. Cố gắng với lên thì sang, sa chân một bước thì thành hèn. Ấy thế nên đến tượng Phật La hán còn có vị buồn não nuột, vị cười to ngạo nghễ kia mà. Nhân gian là thế đấy!
 
 
Thời gian thấm thoắt trôi nhanh, một tuần du lịch cũng hết rồi. Lại theo đường mòn mà về thôi. Con đường tuy xa cũng trở nên gần hơn, thân quen hơn. Biết đến bao giờ mới được đi trên những con đường ấy, mắt thấy tai nghe những điều ấy. Có khi chỉ dăm năm nữa quay lại đây mọi thứ đã khác rồi. Núi được san bằng để làm đường, thành phố mọc lên như nấm sau mưa, thiên nhiên tươi xanh đã nhường chỗ cho những công trình hiện đại. Chẳng còn đâu con đường độc đạo này nữa. Cũng phải thôi, làm sao mà cứ đứng im mãi được, nếu không có sinh lão bệnh tử thì con người sống mãi phỏng có góp ích gì được cho đời chứ. Phải có diệt vong thì cái mới mới phát triển được. Chỉ có chúng ta là cứ thấy mình ngày càng cũ đi thôi.
 
   
 Ngày về dường như lưu luyến hơn, ai cũng cố gắng nhìn nhiều hơn, nghe nhiều hơn để ghi lại mọi điều trong tâm trí mình, sau này có nhắc lại may ra còn nhớ được ít nhiều. Sư phụ nói chuyện nhiều hơn mặc dù ông không biết tiếng Việt. Ông giới thiệu nhiều về vùng đất quê ông. Ông kể ngày xưa mình cũng từng là hướng dẫn viên, sau đó kiêm cả lái xe, một mình làm hai việc. Bây giờ thì chỉ làm nhiệm vụ đưa đoàn đi về thôi. “Cũng hết cái tuổi nói rồi”- ông nói đùa. Câu chuyện của sư phụ chúng tôi chỉ nghe qua lời dịch của hướng dẫn viên. Nghe giọng cô cứ sang sảng, thảo nào cô hát rất hay, lại còn hát được tiếng Việt nữa. Ở nơi đất khách quê người mà được nghe “Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh”, “Dáng đứng Bến Tre” của chính cô gái người Hoa hát thì còn gì bằng. Họ còn yêu ca khúc Việt, đất nước Việt là thế, thiết nghĩ sao mình là người Việt mà lại không yêu đất nước mình chứ. Quả thật nếu so với tình cảm của họ thì thật đáng hổ thẹn biết mấy!
 
  
Chúng tôi còn được sư phụ chỉ cho xem khu nhà ông ở. Đó là khu quy hoạch gồm những ngôi nhà giống hệt nhau trong một khu xây như công viên vậy. Mừng cho sư phụ! Tích cóp cả đời cũng có được một ngôi nhà khang trang đẹp đẽ như thế. Sư phụ hiền lành, nhiệt tình, nghe nói rất nhiều hướng dẫn viên thích được đi cùng sư phụ. Làm cái nghề này đúng là làm dâu trăm họ, đưa khách sang sông đến bến rồi họ quên mình ngay. Đúng là sinh nghề tử nghiệp mà. Sư phụ bảo đưa chúng tôi về Hà Khẩu là ông lại nằm chờ ở đây, mai đón đoàn mới sang lại quay về đi tiếp tour nữa.
 
  
 Ở Hà Khẩu nóng hơn, cái nắng hầm hập lúc ban trưa làm con người ta thấy ngột ngạt, khó thở. Sư phụ dừng xe bên vệ đường, đưa hành lý của mọi người xuống rồi bắt tay từng người. Có một anh cùng đoàn giúi vào tay sư  phụ bao thuốc, ông chỉ cười rồi vỗ vai anh. Trước khi nổ máy sư phụ còn không quên nói với mọi người lên xe kiểm tra lần cuối xem có quên đồ gì không. Ai cũng vẫy tay chào và nhờ cô hướng dẫn viên nói cảm ơn sư phụ nhiều lắm. Chuyến đi này may mới gặp được sư  phụ dẫn đường. Nhìn chiếc xe quẹo trái khuất sau con dốc, tôi thấy lòng mình nao nao khó tả. Không biết đến bao giờ gặp lại sư  phụ. Có lẽ là không bao giờ. Có những người mình chỉ gặp một lần mà sao nhớ mãi. Biển người mênh mông là thế, đi nhiều gặp nhiều rồi sẽ quên nhiều, âu gặp được nhau cũng là do duyên số đưa đẩy. Chúc sư phụ luôn được bình an trên từng cây số, chúc cho quê hương của sư phụ ngày càng đẹp giàu. Biết đâu đấy, một ngày nào đó lại đi qua miền đất ấy, lại ngồi trên xe của sư phụ, liệu khi đó có còn nhận ra sư phụ không? Mà sư phụ tên gì ấy nhỉ? Cũng chẳng biết. Chỉ biết người ta gọi là Hạ sư phụ thôi.....
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9