CÁI BÓNG
kimle 28.07.2009 10:37:09 (permalink)
                                 
                                             CÁI BÓNG   
                                                                          
                                                                           Tùy bút      
                                              

Nóng quá không ngủ được.Hắn ra hiên gác ngồi. Đêm đã khuya,vầng trăng như một thiếu nữ ngái ngủ uể oải trên nệm trời đầy sao. Thành phố mỏi mệt chìm vào giấc ngủ sau một ngày bon chen vất vả. Hắn thấy cô đơn khủng khiếp, cô đơn toàn phần, tưởng như trái đất này chỉ còn mình hắn lẻ loi cùng nàng Trăng bơ vơ trên đầu. Hắn bồng bềnh, bồng bềnh trôi… Hắn cứ bơi hoài, bơi mãi trên mênh mông biển đời biết thế nào là đủ? Dập dềnh sóng bể dâu, tâng lên cao những kẻ đắc thời và nhấn chìm những người thất thế. Hắn ngoái nhìn về phía bờ xa, quyết định bơi ngược vào. Ràn rạt bên tai tiếng cười ngạo nghễ của đám bạn đồng hành, tiếng cười ằng ặc của những kẻ ngập chìm bia rượu trong nhà hàng thừa mứa xa xỉ và thiếu hụt phẩm cách. Hắn nằm vật trên bờ cát ẩm ướt, nhắm nghiền mắt… Làn gió mát lành lùa bàn tay lụa sà xuống mơn man, như sẻ chia, như an ủi…
 
Hắn tin bạn.Tốt thôi! Lòng tin hồn nhiên đã sát muối vào trái tim ngơ ngác của hắn. Chính vì niềm tin ấy, cái thằng vô danh tiểu tốt là hắn đã cả gan mon men đến ngôi đền văn chương và bị ông từ gác đền cho một cái tát nẩy đom đóm mắt. Quyển sách hắn viết so với bây giờ chỉ là mắt muỗi. Toàn chuyện vụn vặt đời thường. Những chuyện “đồng nát chai chè” đã bị nhà cầm quyền chụp cho cái mũ kinh khủng thời ấy gọi là “phản động”. Bản thân hắn cũng không hiểu mình phản động cái gì? Tại vì cái tính hay khoe của hắn, cái tính mà đồng loại của hắn nhiều người mắc phải. Làm ra một cái gì đấy cũng lôi ra phô với bạn bè để chờ đợi một sự đồng cảm, một sự san sẻ cho vơi bớt niềm vui của mình.
Vinh, bạn cùng phòng của hắn gật gù: Viết hay lắm! Tớ mượn về nhà xem nốt, mai trả. Hết mai rồi đến thuổng ( mà đúng là “thuổng” thật). “Thằng con” đầu lòng của hắn đã ngáo ngơ không “nhớ đường trở về quê mẹ”,  nó đã bị “lạc”lên phòng tổ chức cơ quan. Một buổi sáng, hắn bị gọi lên phòng tổ chức. Ở đó có hai người lạ mặt, sau này hắn mới biết là nhân viên an ninh. Hai người lạ mặt cười khẩy nhìn cái mặt ngây thuỗn của hắn, điệu hắn ra ô tô, giải đi.
 Vinh, kẻ phát hiện ra “thằng phản động” ngồi vào cái ghế phó phòng thay hắn. Sự bất hạnh của người này là sự may mắn của kẻ khác, thời nào mà chẳng thế. Sinh thời, mẹ hắn thường dặn (nhưng nước đổ lá khoai): Mười người bạn, con chỉ cần chọn lấy một hai. Ông ngoại lại nói: Dân gian có chuyện Lưu Bình- Dương Lễ, ngợi ca sự cao đẹp của tình bạn. Nhưng lại có Lý Thông- Thạch Sanh, cảnh tỉnh cho người đời thói lọc lừa,phản trắc.
 Hắn đã bẻ bút đến hai mươi năm không ngó ngàng tới. Nhưng không hiểu sao, “nó” vẫn quẩn vào đời hắn như một định mệnh không rũ bỏ được. Hắn co mình lại, ru rú một xó ngại tiếp xúc với đồng loại, hắn càng thấy trống vắng cô đơn hơn. Để vượt qua khoảng trống ấy, hắn tãi lòng mình trên trang giấy, gián tiếp thiết lập mối giao lưu với người khác, để chứng minh sự hiện hữu của mình. Những cái hắn viết ra, người ta gọi là tác phẩm. Trời ơi! Tác phẩm gì ba cái lăng nhăng ấy. Hắn là cái thá gì dạy bảo được ai, dẫn dắt được ai? Hắn chẳng cần thắng ai, thắng mình là quá đủ! Để giải toả cảm xúc của mình, để thắng cái ác, cái xấu trong chính mình.

Sau cái tát vêu mồm ấy, hắn đi làm cửu vạn. Mồng 2 tết. Hải, bạn thời bộ đội rủ hắn đến nhà sếp của y chúc tết. Hải dặn hắn “nếu sếp có hỏi thì cậu bảo vẫn làm ở sở văn hoá nhé”. Để làm gì? Sĩ diện! Sở văn hoá là cái đinh gì, cứ bốc lên làm ở văn phòng chính phủ cho nó oai. Đường đường một cán bộ khoa học lại đánh bạn với một thằng cửu vạn , một thằng đẳng cấp hèn kém gần đáy xã hội. Xấu hổ chứ gì nữa? Hải thường khoe đã từng (hay được) bắt tay với những quan chức gộc. Không bao giờ thấy y khoe bắt tay với những thằng  đồng ngũ vào sinh ra tử bây giờ chạy xe ôm, bán hàng nước, bán vé số…Tại sao người ta không phù suy mà cứ phải còng lưng cúi rạp xuống phù thịnh?

Có những đêm hắn thức trắng đánh vật với trang giấy trắng. Giống hệt một kẻ nhập đồng được thần Lưu Linh phò trợ. Không hiểu người khác khi viết lách thế nào, còn hắn, cứ phải là nửa lít mới chiết ra được ít chữ. Hắn cần một chất xúc tác. Đúng vậy! Khi say, hắn mới thực là hắn, mới dám thò đầu ra khỏi cái vỏ ngại ngùng , e sợ. Đến khi đọc lại bản thảo, cái bóng của “ông từ giữ đền” lại đứng lù lù bên cạnh. Ông ta lừ mắt: Hãy dờ cái thần hồn! Có nhớ cái tát năm nào không?! Hắn co rúm người lại, thụt đầu vào trong vỏ, sờ lên má,vết bầm tím hồi nào còn nguyên. Hắn vã hết mồ hôi. Lụi hụi  đẽo đẽo, lụi hụi gọt gọt, để bớt đi gai góc, để bớt đi xù xì. Cái truyện của hắn bây giờ nhẵn nhụi, bây giờ tròn vo. Hắn đọc lại, thấy nó nhạt toẹt, thấy nó luễnh loãng, thấy nó chẳng giống một cái gì cả.
Hắn gục đầu lên trang viết, hắn vò đầu bứt tai, chán không để đâu hết chán. Vợ hắn tỉnh giấc, thị ngán ngẩm lắc đầu: Rõ cái thân làm tội đời!  Hắn lặng thinh. Viết với chả lách. Trăm nghìn vạn mớ gì cho cam? Thưởng, chưa đến lượt. Phạt, è cổ ra mà lĩnh .

Vợ hắn bảo hắn là vô tích sự. Mà hắn cũng thấy mình vô tích sự thật. Có cái nhà mang tiếng hai tầng mà lè tè như tổ chim, hễ mưa to một tý là dưới nhà lại ngập lũm bũm. Cái xóm hắn ở vùng ven đô, nhìn ra xung quanh thấy nhiều người còn khổ hơn mình. Hắn nói với vợ. Vợ hắn gắt lên: Tại sao không nhìn lên mà cứ thích nhìn xuống? Không phải là thích với không thích- hắn phân bua- Nhìn lên, thấy cái gì cũng to , cũng đẹp, thậm chí  hoành tráng nữa đằng khác. Nhưng khốn nỗi, mỏi- cổ -lắm, tôi lại bị viêm dây thần kinh toạ, ươn rề rề ra đấy. Cố nhìn lên có mà gẫy cổ lúc nào không biết.
Một buổi, hắn đi phố. Thấy tay cảnh sát giao thông ách  người xe thồ lại phạt, người xe thồ năn nỉ trình bày hoàn cảnh, tay cảnh sát bảo: Ai cấm anh không được giàu? Nghèo bây giờ cũng có tội! Hắn  chau mày. Cờ bạc, ma tuý, mại dâm là tội. Trộm cắp, lừa đảo, tham nhũng, hối lộ là tội. Bây giờ còn thêm tội nghèo nữa. Sao mà lắm tội thế không biết hả giời? Hắn viết lách cũng là cái tội cái nợ. Cái tội giời đày! Giời đày hắn làm tên đầu bếp (hay hắn xin làm đầu bếp). Hắn  lọ mọ chế biến món ăn bày trên bàn tiệc văn chương hầu mọi người thưởng thức. Hắn không có tài chế biến những món đặc sản ngon ngọt béo bùi, cái tạng của hắn chỉ làm ra những món bình dân cay, chua, đắng, chát. Nó đắng, nó chát đấy! Nó chua, nó cay đấy! Thậm chí chảy cả nước mắt, nước mũi ra đấy. Nhưng bù lại, có cái khoái khẩu riêng của nó. Ít nhiều cũng bổ dưỡng cho lục phủ ngũ tạng, nhiều khi tác dụng không kém những món ngon ngọt béo bùi.
 
Nhiều người bảo hắn gàn dở, tụi bạn bảo hắn leng keng. Chuyện vặt! Hắn bỏ ngoài tai. Tìm một người đồng cảm với mình đâu phải chuyện dễ? Lắm lúc vắng vẻ, hắn cũng thèm có bạn tâm sự lắm chứ. Nhưng bạn thế nào mới gọi là bạn? Tri kỷ, tri âm hay chỉ là khi vui thì vỗ tay vào...
Sau thời gian hắn bị cái tát để đời ấy. Một hôm, hắn đang tha thẩn ở hiệu sách Tràng Tiền, linh tính thấy có người đang nhìn trộm mình, hắn ngoái lại, bắt gặp khuôn mặt của Vinh đang đứng mé gần cửa. Vinh liền cụp mặt xuống, lủi nhanh ra ngoài đường. Thế có chán không cơ chứ. Trong thâm tâm, hắn không hề muốn gặp Vinh, coi như gã không có trên đời. Mọi khinh ghét, thâm thù để làm gì? Đời người được mấy lả, sống nay chết mai, làm sao cho lúc sống ta được thanh thản, được nhẹ nhàng không phải trĩu nặng bởi những ô tục đời thường. Hắn đã quên đi từ lâu. Quyên đi, coi đó chỉ là cơn ác mộng. Suy cho cùng, Vinh và những kẻ từa tựa Vinh chỉ là sản phẩm của một thời ấu trĩ.
Đầu năm, hắn vớ được quyển tập san văn nghệ trong đám giấy lộn bọc hàng của vợ , có một bài tiểu luận hay quá. Hắn đọc đi, đọc lại :

“…Trước những nỗi đau khổ của con người, trước cái xấu, cái ác, nhà văn cần phải phản ánh, đồng thời có quyền và cần phải phẫn nộ về những gì chà đạp lên con người. Nỗi buồn và lòng căm giận chính đáng trước cái xấu, cái ác, nhiều khi có sức hấp dẫn lớn và có sức mạnh cải tạo xã hội hơn cả những niềm vui dễ dãi, giả tạo !...”*
 
Hắn vỗ đùi đến đét một cái. Khỉ gió cái nhà ông này, chỉ được cái nói đúng!  Tri âm ở đây chứ ở đâu, tri kỷ ở đây chứ ở đâu. Hắn hất tung cái vỏ của mình, đứng thẳng dậy vươn vai, ngồi vào bàn viết không cần đến cụ Lưu Linh phò trợ. Hình bóng “ông từ giữ đền” cũng biến mất không thấy lảng vảng.
 
                                                                    Kimle
 
 
.
* Học giả Đào ngọc Đệ.
<bài viết được chỉnh sửa lúc 01.08.2009 09:35:07 bởi kimle >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9