N Ỏ T H Ầ N
Thay đổi trang: < 12 | Trang 2 của 2 trang, bài viết từ 16 đến 25 trên tổng số 25 bài trong đề mục
Khải Nguyên HT 13.08.2009 12:29:31 (permalink)
CẢNH BA

        Một ngả ba đường trong thành Cổ Loa. Nồi hầu, Nàng Sen và Đống
        đang bàn chuyện.
 
        NỒI HẦU: -Chúng xúi giục đức vua triệu hồi con thế là kế của giặc sắp vào đoạn chót rồi đấy. (Nắm tay đấm ngực) Trời hỡi! Nước Âu Lạc nguy mất!
        ĐỐNG: -Ở nhà có chuyện gì thế, thưa cha?
        NỒI HẦU: -Còn chuyện gì nữa! Đức vua cho Cao tướng quân về dưỡng lão, trong khi tướng quân còn tráng kiện hơn đức vua nhiều.
        ĐỐNG: -Sao cha không can?
        NỒI HẦU: -Chính vì ta can mà đức vua nổi giận cho ta về trông coi vùng Chiêm Trạch quê ngoại con đó.
        ĐỐNG: -Binh quyền giờ trao cho ai, thưa cha?
        NỒI HẦU: -Cho tướng quân Đinh Toán vừa được cấp tốc triệu về.
        NÀNG SEN: -Đinh tướng quân cũng là người trí dũng. Không giao binh quyền cho Lạc hầu, đức vua cũng còn sáng suốt đó.
        NỒI HẦU: -Lão Lạc hầu bây giờ giương nỏ cũng chẳng nổi, nắm sao được binh quyền! Đinh tướng quân tuy trí dũng song cơ mưu sao bằng Cao tướng quân? Lại mới về, nắm cho được thế bố phòng cùng phương lược dùng binh của Cao tướng quân để lại đâu có dễ.
        NÀNG SEN (nói với Đống): -Anh chưa biết đức vua bãi luôn các đội dân binh. Chẳng biết vì sao?
        NỒI HẦU: -Còn vì sao nữa! Chúng xúc xiểm đức vua rằng: dân binh mải tập luyện, canh gác nên bỏ bễ cả các việc trồng trọt, chăn nuôi, chài lưới,... Chà! Chà! (giọng nhại) “A, bây giờ thiên hạ thái bình, chẳng kẻ nào dám đụng đến ta đâu, nên cho nghỉ việc quân đặng mà hưởng phúc” Hay thật! (Không kìm được cơn giận) Bớ Lạc hầu! Lữ Phong! Có ngày các người sẽ hối không kịp!
 
                           Cao Lỗ vào.
 
        CAO LỖ (lại gần Đống) –Ta vừa biết tin cháu bị triệu hồi. Viên tùy tướng được cử thay cháu có dũng lược nhưng thiếu quyền biến. Dân nơi biên cương từng được tôi luyện, nhưng chúng sẽ dùng cách li gián. Nếu không được, chúng sẽ dùng chiến thuật lấy thịt đè người. (Nói với Nồi hầu) Sự thể bây giờ có nóng giận cũng chẳng ích gì. Đức vua còn để hầu huynh trấn ở Chiêm Trạch vậy thì hầu huynh hãy trộm mệnh đức vua chiêu tập dân binh phòng khi dùng tới. Ở đấy đã có bác gái và cháu Vực, nên cử cháu Đống về Hương Canh quê nội hầu huynh. (Ngoảnh sang Nàng Sen) Khi nào hai cháu đã làm lễ cưới rồi thì Nàng Sen cũng nên về đấy giúp chiêu mộ nữ binh. Điều cần nhất là phải làm cho kín. Tôi sẽ thân dến các làng chạ trọng yếu khác nhóm họp các người nghĩa dũng. Ta phải cấp tốc cho dân binh luyện tập giáo mác, cung nỏ, và rào làng cho thêm vững chắc làm thế tựa vào nhau. Phải có cách cấp báo cho nhau khi có việc. (Ngẫm nghĩ rồi lại gần Nồi hầu) Có lẽ hầu huynh và tôi cùng đến chào từ biệt Đinh Toán.
        NỒI HẦU: -Tôi cũng đang có ý ấy. Ta phải khéo nhắc ông ta về những mưu đồ của bọn Triệu Đà.
        NÀNG SEN: -Thưa bác, bác rời Cổ Loa thì ai quản lĩnh đội “Ngự lâm thần nỏ”, điều khiển nỏ thần?
        CAO LỖ: -Bí quyết của nỏ thần là cách sử dụng và cài thế trận. Đinh Toán có thể thay ta được.
        NỒI HẦU: -Tôi chỉ sợ bọn Đặng Giảo dò ra phép chế ngự và phá uy nỏ.
        CAO LỖ: -Trước đây, nỏ thần tỏ thần uy là nhờ quân tướng và trăm họ. Rồi đây, cũng phải nhờ sức quân tướng và trăm họ để giữ uy lực của nỏ thần. Nếu đại cục mà hỏng thì uy nỏ cũng chẳng làm gì.
 
        Mấy người sắp chia tay thì cụ già dẫn một số dân, trong đó có bà
        Sành, ông Nhộn và em bé, vào.
 
        CỤ GIÀ: -Nghe nói các tướng quân sắp bỏ chúng tôi mà đi có phải không?
        CAO LỖ: -Thưa già, già nghe ai nói thế?
        CỤ GIÀ: -Thì mấy đứa khả nghi vẫn hay cặp kè bọn khách Phiên Ngung chứ ai nữa! Chúng bảo vì các tướng cứ say đánh dẹp làm khổ dân nên bị đức vua bãi chức. Dân chúng tôi không tin có chuyện vô lí như thế.
        NỒI HẦU: -Già ơi! chuyện vô lí nào cũng có nguồn cơn của nó.
        CAO LỖ: -Già ạ, bà con ạ, tôi nay già yếu, đức vua cho tạm nghỉ để di dưỡng tinh thần, bồi bổ sức lực. Còn Nồi hầu thì đi trị nhậm một miền quê. Dù thế nào thì chúng tôi cũng không bỏ dân đâu.
        ÔNG NHỘN: -Tướng quân mà già yếu! Tướng quân còn vật ngã mười thằng Triệu Đà.
        BÀ SÀNH: -Thôi đi ông! Thưa các vị tướng, tôi xin có nhời này. Dân quen có các vị rồi. Đức vua như nóc nhà, các vị như kèo cột. Nay bỗng dưng kèo cột li tán thì mái làm sao cho khỏi lung lay. Xin các vị nghĩ lại cho.
        NỒI HẦU: -Bà ạ, không phải tự chúng tôi muốn thế đâu.
        CỤ GIÀ: -Để dân chúng tôi vào kêu với dức vua.
        CAO LỖ: -Không có chúng tôi thì vẫn còn những người khác. Đức vua lúc này không được vui, xin già và bà con đừng làm kinh động. Chúng tôi tạm xa, nhưng tâm trí vẫn gắn bó với những lo toan của đức vua và thần dân. (Cầm tay cụ già) Chỉ mong già và bà con nhắc nhở mọi người rằng: hãy thêm tai, thêm mắt, thêm cánh tay cho quân tướng phòng vệ.
        EM BÉ: -Thưa tướng đô Nỏ, thế nỏ thần có bỏ đi không ạ?
        CAO LỖ (xoa đầu em bé): -Nỏ thần phải trấn ở thành này chứ. Cháu chỉ nên ngủ một mắt thôi nhé, kẻo có đứa nó trộm mất nỏ thần đấy. (Nói với mọi người) Mong bà con ta đều góp sức để cho nỏ thần linh nghiệm mãi.
        ÔNG NHỘN (đến gần Đống): -Cậu đi đâu cho tôi đi với. Tôi bắn nỏ khá lắm rồi.
        ĐỐNG: -Bác không nghe Cao tướng quân dặn vừa nãy sao? Bác ở lại đây vẫn có việc mà.
        CAO LỖ: -Thôi, xin từ biệt già và bà con. Hẹn ngày chúng ta gặp lại.
 
                                                                                  MÀN
 
 
<bài viết được chỉnh sửa lúc 13.08.2009 12:43:06 bởi Khải Nguyên HT >
#16
    Khải Nguyên HT 14.08.2009 12:28:32 (permalink)

    CẢNH BỐN

            Cổ Loa. Phòng Mị Châu. Mị Châu đang sửa chiếc áo lông ngỗng.
            Nàng Sen vào.
     
            NÀNG SEN: -Kính chào công chúa.
            MỊ CHÂU: -Ồ, Sen! Từ ngày em xuất giá, đã lâu chị mới gặp em mà sao em quá giữ ý với chị thế?
            NÀNG SEN: -Công chúa chẳng vẫn răn em lấy “lễ” làm gốc là gì?
            MỊ CHÂU: -Em không đến để trách chị đấy chứ?
            NÀNG SEN: -Thưa, không đâu. Em đến để từ biệt công chúa.
            MỊ CHÂU: -Em đi đâu?
            NÀNG SEN: -Em đã được phép vua cha cho về quê chồng em.
            MỊ CHÂU : -Em gắn bó với lang quân em thế là rất tốt. Chúng ta phận gái, lấy chồng thì phải theo chồng.
            NÀNG SEN: -Em biết cái đạo “tam tòng” của phận gái mà Triệu công tử vẫn thuyết giáo rồi. Nhưng đàn bà chúng ta và dân ta từ thời Văn Lang tới nay chỉ biết có hai “tòng” là tòng sản và tòng chinh thôi.
            MỊ CHÂU -Thì em chẳng theo chồng bỏ Cổ Loa là gì?
            NÀNG SEN: -Em đi với Đống để chẳng bao giờ phải bỏ Cổ Loa. (Ngẫm nghĩ một chút) Ờ, nói theo chồng cũng được, nhưng phải cảm hoá chồng. Công chúa còn nhớ vua cha nói thế không?
            MỊ CHÂU : -Phu quân chị có gì mà phải cảm hóa? Chàng sang đây chẳng phải đem lại thái bình cho hai nước sao?
            NÀNG SEN: -Công chúa còn nhớ chuyện con lang và con bê mà em đã tâu bày với vua cha dạo nọ tại chính phòng này không?
            MỊ CHÂU: -Trời ơi! Em có còn là em của chị nữa không?
            NÀNG SEN: -Em có được là em của công chúa nữa không? (Xúc động) Chị ơi! Em không bao giờ muốn mất chị.
     
                Trọng Thủy vào. Mị Châu đứng lên. Nàng Sen quay lại chào.
     
            NÀNG SEN: -Chào Triệu công tử.
            TRỌNG THỦY: -À, Nàng Sen! Nàng không chào ta là phò mã à?
            NÀNG SEN: -Nếu chị tôi muốn thế.
            TRỌNG THỦY: -Nói vui vậy thôi. Tôi muốn Nàng Sen coi tôi như anh.
            NÀNG SEN: -Tôi muốn công tử coi chị tôi như vợ.
            TRỌNG THỦY (trố mắt): -Nàng Sen nói gì thế?
            NÀNG SEN: -Tôi muốn công tử trân trọng mối tình thơ ngây, trọn vẹn của chị tôi.
            TRỌNG THỦY: -Tôi rất cảm kích về những gì mà công chúa đã dành cho tôi.
            NÀNG SEN: -Phải! Có là cầm thú, à, có là gỗ đá mới không cảm hóa trước một tấm lòng trong trắng, thủy chung như thế.
            MỊ CHÂU: -Sen ơi! Em đừng làm khổ chị nữa.
            NÀNG SEN: -Công tử không làm khổ chị tôi chứ?
            TRỌNG THỦY: -Thề có quỉ thần!
            NÀNG SEN: -Quỉ thần ở ngay trong lòng mỗi người. Quỉ thần công minh lắm đó. Đừng có ru ngủ quỉ thần để đến lúc quỉ thần bừng dậy phải nổi cơn thịnh nộ. Thôi, bái biệt công chúa và phò mã. (Ra).
     
                Trọng Thủy ngồi ôm đầu. Một lúc.
     
            MỊ CHÂU (lại gần lo lắng): -Sen nó ăn nói hồ đồ. Phu quân đừng để bụng.
            TRỌNG THỦY: -Không. Nàng Sen không hồ đồ đâu. Nhưng chẳng phải tôi suy nghĩ về điều đó. Tôi đang có việc khó xử.
            MỊ CHÂU (quan tâm): -Việc gì thế, phu quân?
            TRỌNG THỦY: -Phụ vương tôi ốm nặng gọi tôi về vấn an. Phụ vương đây đang đi tuần thú chưa về. Mà tôi thì không thể trì hoãn.
            MỊ CHÂU (biến sắc mặt): -Phu quân phải đi thật à? Không đi mãi mãi chứ?
            TRỌNG THỦY: - Mấy lâu nay gắn bó vợ chồng, nghĩa tình tôi đã trao trọn cho công chúa. Nhưng công sinh thành, ơn dưỡng dục ... Hẳn công chúa không muốn có người chồng là đứa con bất hiếu. Tôi đi nhưng lòng dạ để lại đây. Tôi đi không thể chờ bẩm mệnh phụ vương, thật nghìn lần đắc tội! Tôi có để lại tờ biểu tạ. Nhờ công chúa tâu giùm rằng khi nào trở lại, Trọng Thủy này sẽ xin quì trước bệ rồng chịu tội bất kính với phụ vương.
            MỊ CHÂU (nén buồn): -Phu quân nán lại một hôm, may ra phụ vương kịp về, và để cho thiếp còn đặt tiệc tiễn hành.
            TRỌNG THỦY: -Lệnh gấp lắm. Công chúa nghe đấy! (Có tiếng ngựa hí) Ngựa thiên lí đang hí giục giã ngoài kia.
            MỊ CHÂU: -Thì phu quân cũng đợi thiếp thu xếp hành trang đã.
            TRỌNG THỦY: -Tôi đã cho quân hầu sắp sẵn cả rồi. (Chuyển giọng tha thiết) Công chúa ơi! Chỉ chừng một khắc nữa vợ chồng ta li biệt. Ngày hội ngộ chưa thể định trước. Nếu chẳng may trong lúc tôi chưa về kịp cạnh công chúa mà có chuyện gì xẩy ra thì làm thế nào để tìm nhau?
            MỊ CHÂU (hốt hoảng): -Lại có thể có chuyện gì xẩy ra được?
            TRỌNG THỦY: -Biết đâu được cơ trời! Từ khi sang đây, nhất là từ khi được sánh duyên cùng công chúa, tôi lánh xa mọi mưu đồ thế tục, nên khó lường trước được những bất trắc. Phòng xa vẫn hơn.
            MỊ CHÂU: -Thiếp vẫn ở Cổ Loa này chứ đâu?
            TRỌNG THỦY: -Ngộ nhỡ công chúa phải theo phụ vương bôn ba viễn xứ thì Trọng Thủy này làm sao dò ra dấu hiền thê mà đến cứu nạn?
            MỊ CHÂU (run rẩy): -Trời ơi! Phu quân nói chi viễn cảnh hãi hùng làm vậy. Nếu thế thì thiếp đây thân gái dặm trường biết hướng nào mà vẫy gọi phu quân?
            TRỌNG THỦY: -Ta nhớ một câu chuyện kể. Hai vợ chồng tiều phu lạc nhau trong rừng sâu. Người vợ bèn cắt tóc rắc xuống mỗi bước đi nhờ đó mà người chồng tìm được vợ.
            MỊ CHÂU (như sực nghĩ ra, cầm cái áo lông ngỗng giơ lên): -Thiếp có cái áo này, thiếp sẽ mang theo rắc lông ngỗng làm dấu gọi phu quân được chăng?
            TRỌNG THỦY (một thoáng lương tâm trỗi dậy trước lòng tin yêu dại khờ nhưng thuần khiết của Mị Châu): -Trọng Thủy này sẽ ghi lòng dấu hiệu lông ngỗng như một lời nguyền, dù trong cảnh nước sôi lửa bỏng cũng quyết tìm đến với công nương.. Thôi, giờ chia tay đến rồi. Công chúa ở lại gìn vàng giữ ngọc cho yên lòng kẻ ra đi.
            MỊ CHÂU (cố nén thổn thức): -Phu quân ơi! Phu quân xông pha muôn dặm, thiếp cầu trời cho phu quân chân cứng đá mềm. Thiếp sẽ khắc khoải chờ tin phu quân.
     
            Hai người đứng nhìn nhau giây lát. Trọng Thủy quay mình đi ra. Mị
            Châu, mắt nhòe nước, theo tiễn. Mị Châu bước đi chuệnh choạng,
            chậm dần. Trọng Thủy mỗi lúc một xa. Mị Châu chợt giơ hai tay về   
            phía Trọng Thủy kêu lên thảng thốt: “Phu quân!”. Trọng Thủy dừng 
            bước,ngoảnh mặt lại. MịChâu vội xua tay, thều thào:“Thôi, phu quân
            cứ đi đi! Đi nhanh đi!”.  Nàng dựa vào cây ôm mặt. Trời tối dần.
     
                                                                                     MÀN
    <bài viết được chỉnh sửa lúc 14.08.2009 12:58:54 bởi Khải Nguyên HT >
    #17
      Khải Nguyên HT 15.08.2009 11:58:21 (permalink)
                                                                 HỒI  NĂM

      CẢNH MỘT
       
              Cổ Loa. Triều đường An Dương vương.
       
              THỤC PHÁN: -Phò mã đi đã nhiều ngày rồi ư? Gấp đến mức khôg thể đợi ta về thỉnh mệnh sao! Có đúng là Nam Việt vương ốm không?
              LỮ PHONG: -Tâu chúa thượng, nghe nói Triệu Vũ vương ốm nặng.
              THỤC PHÁN: -Sao không có quốc thư gửi ta?
              LỮ PHONG: -Chắc vì vương gia đang bối rối.
              MỘT TRIỀU THẦN: -Nhưng, tâu đức vua, cách đây mấy ngày nghe tin báo quân Triệu tập trung rất đông ở biên giới.
              LẠC HẦU: -Ông chỉ nghe huyên truyền rồi tâu bậy thôi.
              VIÊN TRIỀU THẦN: -Quân tế tác ở biên cảnh phi báo đấy chứ. Sao quan Lạc hầu không tâu lên để đức vua định liệu?
              THỤC PHÁN (bị bất ngờ): -Tên quân ấy đâu rồi?
              LẠC HẦU: -Dạ muôn tâu, thần đã hỏi kĩ. Tên quân ấy mượn cớ để về thăm nhà nên báo mò vậy thôi. Hắn cũng nhận là chưa có triệu chứng gì rõ rệt. Thần đã đuổi hắn trở lại biên cương rồi.
              THỤC PHÁN: -Tướng quân Đinh Toán đâu?
              LẠC HẦU: -Muôn tâu, từ sớm tiên sinh Đặng Giảo nài tướng quân cùng ra bến nước Hoàng Giang. Có một thuyền cống phẩm từ Phiên Ngung vừa mới tới. Tướng quân có nói là sẽ kịp về hội triều, không hiểu sao đến bây giờ vẫn chưa thấy.
       
              Một thị vệ hốt hoảng bước vào.
       
              THỊ VỆ: -Muôn tâu, có quân từ biên cảnh về cấp báo.
       
              Xôn xao trong đám triều thần. Lạc hầu ngơ ngác nhìn sang Lữ Phong.
              Lữ Phong liếc nhanh về phía Thục Phán một thoáng đanh, lạnh.
       
              THỤC PHÁN: -Cho vào!
       
              Lính báo vào, lấm láp, hốc hác.
       
              LÍNH BÁO (nói trong tiếng thở gấp): - Muôn tâu, gần sáng hôm qua, quân Triệu có dân vượt biên dạo trước dẫn đường, người ngậm tăm, ngựa khóa nhạc, lúc còn tối trời, lẻn sang đánh úp quân ta từ phía sau, rồi xua đại binh tràn sang cướp phá, đốt, giết.
              THỤC PHÁN: -Sao mãi đến bây giờ các ngươi mới về báo?
              LÍNH BÁO: -Muôn tâu, ban đầu thần định lẩn trong đám loạn dân tìm cách về đây báo. Nhưng quân giặc quây dân lại. Dạ, muôn tâu, chúng xông vào hãm hiếp, chém giết không từ người già, con nít. May mà thần vượt được ra ngoài vòng vây, vạch rừng mà đi. Sáng nay, thần bắt gặp một đám nạn dân, họ cho mượn một con ngựa để kíp về phi báo. Quân giặc giăng bủa chặt lắm, thần phải đi đường vòng nên bây giờ mới tới được đây.
              THỤC PHÁN: -Quân ta ở biên ải tan vỡ hết rồi sao?
              LÍNH BÁO: -Dạ, muôn tâu, một số rút vào rừng đi vòng đánh chặn; một số nhập vào các đội dân binh mới tập hợp lại đánh tỉa. Nhưng thế giặc hung hăng lắm ạ. Dọc đường phi về đây, thần ngoái lại nhìn đã thấy khói giặc đốt nhà bốc lên không xa lắm.
              THỤC PHÁN: -Đinh tướng quân sao mãi vẫn chưa có mặt? (Chỉ một tướng hầu cận) Đi tìm gấp tướng quân Đinh Toán về đây cho ta!
       
              Viên tùy tướng “dạ” rồi lui ra.
       
              MỘT VIÊN TƯỚNG: -Muôn tâu, thần xin lĩnh một cánh quân ra chặn giặc. Xin chúa thượng kíp sai người đôn đốc quân phòng vệ kinh đô. Một mặt xin chúa thượng cho triệu gấp các tướng Cao Lỗ, Nồi hầu về kinh.
              LỮ PHONG (cướp lời): -Nồi hầu bấy lâu ngủ yên ở Chiêm Trạch; còn Cao hầu cũng mải rong chơi tận nơi đâu, biết thế nào mà triệu?
              THỤC PHÁN (bảo viên tướng): -Được! Khanh điều quân chặn giặc đi! Lấy tên quân kia dẫn đường. (Trao lệnh tiễn. Viên tướng ra cùng người lính. Thục Phán nói với triều thần) Cao hầu, Nồi hầu nếu hay tin chắc sẽ tức tốc về cứu thành. (Thở dài) Tiếc thay!... (Bừng tỉnh. Trao lệnh tiễn cho một viên tướng) Khanh lấy một số quân cấm vệ đến ngay các ụ “hoả hồi” thượng tất cả các nỏ thần lên! Ta sẽ lên Ngự xạ đài ngay. (Viên tướng ra. Thục Phán trao lệnh tiễn cho một viên tướng khác) Còn khanh kíp lấy thêm cấm binh ra đầm Cả cùng tướng thống lĩnh thủy quân điều động chiến thuyền đến các nơi hiểm yếu! (Viên tướng ra).
              LỮ PHONG: -Tâu thánh thượng, thần xin được ra giúp tướng chỉ huy nỏ thần.
              THỤC PHÁN: -Được! Khanh đi đi! (Lữ Phong ra. Thục Phán quay lại Lạc hầu) Còn khanh, khanh khá đốc suất cấm quân ứng cứu các mặt!
              LẠC HẦU (mặt tái mét, run lập cập): -Dạ, dạ... thần xin... xin được về thu xếp gia quyến... cho các quan.
              THỤC PHÁN (nhìn Lạc hầu, giận dữ): -Sao? Khanh định...
       
              Vừa lúc, một thị vệ hớt hải chạy vào.
       
              THỊ VỆ: -Muôn tâu,quân giặc đã tràn đến chân thành Cổ Loa.
              THỤC PHÁN (đứng bật dậy): - Mau đưa gươm và áo giáp cho ta!
       
              Thục Phán cùng số triều thần còn lại ra. Trơ lại Lạc hầu luýnh
              quýnh, hoảng hốt.
       
                                                                                         MÀN
       
      <bài viết được chỉnh sửa lúc 15.08.2009 12:12:49 bởi Khải Nguyên HT >
      #18
        Khải Nguyên HT 16.08.2009 12:45:30 (permalink)
        CẢNH HAI
         
            Một ngả đường trong thành Cổ Loa. Tiếng reo hò, tiếng binh đao vọng 
         
            tới. Đặng Giảo dẫn một số tên đồng bọn chạy vào gặp Lữ Phong dẫn
            người của y cũng vừa chạy đến.
         
                LỮ PHONG: -Kìa! Đặng tiên sinh, Đinh Toán đâu?
                ĐẶNG GIẢO: -Về chầu hà bá rồi.
                LỮ PHONG: -Âu Lạc hầu như đã nằm trong tay Triệu hoàng tử, sao còn dùng vũ lực? Gây cảnh tàn hại làm gì? Tôi tưởng Triệu Vũ vương đòi hoàng tử về là định tìm cách ép Thục chúa nhường ngôi.
                ĐẶNG GIẢO: -Đại vương cũng đã trù liệu phương lược ấy. Nhưng được nhường ngôi rồi cũng còn mong manh lắm. Bọn Cao Lỗ hoặc con cháu chúng, bè đảng chúng có chịu khoanh tay không? Chắc đại vương đã cân nhắc sau khi được hoàng tử cho biết nội tình Âu Lạc, và đã quyết định phương lược thứ hai. Trời cho ta thời cơ thôn tính chắc chắn mà ta không nắm lấy là trái đạo. Còn chuyện tàn hại, ông cũng “đàn bà” thế à?
                LỮ PHONG: -Tôi e rồi khó thu phục nhân tâm.
                ĐẶNG GIẢO: -Ta cần đất đai, của cải chứ ta chẳng thiếu dân. Bọn dân nào sai khiến được thì ta dùng, rồi dần dần đồng hoá. Bọn nào ương ngạnh thì ... (phác một cử chỉ ra hiệu “làm cỏ”). Nếu cần thì chỉ giữ lại đàn bà thôi. (Đổi giọng, ra lệnh) Ông nghe đây! Bây giờ thiên quân đã đến. Ông không hành động nhanh thì không chết vì dân Nam man cũng sẽ mất mạng vì quân ta một khi họ chiếm được thành. Mơ hồ về quyết tâm của đại vương lúc này là phản quốc! Ông hãy tụ tập tất cả những người của ta cài sẵn đi ngay lấp lối vào các kho ngầm chứa mũi tên đồng và đốt miếu nỏ thần.
                LỮ PHONG: -Tôi đã cho quân nội ứng làm hỏng hầu hết các lẫy nỏ rồi, cần gì lấp kho, đốt miếu nữa?
                ĐẶNG GIẢO: -Cần triệt tận gốc. Bọn chúng thường ỷ vào nỏ thần. Đốt miếu nỏ thần làm cho quân của chúng chóng tan rã. Nhân thể thiêu hủy luôn Trống Đồng Cái, niềm tự hào của bọn chúng. Ông đi gấp đi! À, Thục Phán hiện giờ ở đâu?
                LỮ PHONG: -Hình như ở Ngự xạ đài.
                ĐẶNG GIẢO: -Ông cho tôi một tên dẫn đường tới đó. Còn ông thì thi hành lệnh tôi xong phải tìm gặp tôi ngay! Ta phải hợp sức bủa vây diệt cho sạch đồ đảng cùng thân quyến bọn Cao Lỗ.
         
                Lữ Phong dẫn một số người ra. Lạc hầu lật đật chạy vào khi Đặng
                Giảo quay mình định đi.
         
                LẠC HẦU (níu áo Đặng Giảo): -Đặng đại nhân ôi! Tôi phải làm gì đây?
                ĐẶNG GIẢO (cười giễu, kéo dài giọng khinh bạc): -Quan Lạc hầu đấy à? Quan chờ đấy rồi sang Phiên Ngung với con trai cho Triệu đại vương sai khiến một thể. (Đẩy ngã Lạc hầu, bảo một tên tùy tùng) Ngươi lấy hai người, bắt lão già này dẫn đường đến nhà lão thu lấy các quí vật mà ta tặng lão trước đây. Mau lên! Không thì bọn lính và dân phu thiên quốc chúng ập đến cướp loạn lên bây giờ!
         
                                                                                            MÀN
         
         
         

        <bài viết được chỉnh sửa lúc 16.08.2009 13:03:51 bởi Khải Nguyên HT >
        #19
          Khải Nguyên HT 18.08.2009 13:42:18 (permalink)
          CẢNH BA
           
                  Một ngả đường trong thành Cổ Loa. Một toán người, trong đó có

                  nhiều thanh niên nam nữ, cầm nỏ, giáo mác vào.
           
                  MỘT NAM: -Giặc đang đánh phá cửa Bắc, chúng ta ra đó đi!
                  TẤT CẢ (đồng thanh): -Đi!
                  MỘT NỮ (chợt reo lên): -A, tướng đô Nỏ kia rồi!
           
                  Tất cả chạy về một phía, và phía đó Cao Lỗ xuất hiện cùng một toán
                  dân binh.
           
                  CAO LỖ: -Các con còn tụ tập ở đây làm gì? Cửa Nam mỏng quân lắm. Chia người ra đấy tiếp ứng đi! Ta vừa từ đấy lọt vào đây. Hiện giờ quân giặc chưa tiến đánh mặt đó, nhưng cần bảo vệ lối tiếp viện và thoái quân.
           
                  Một số người đi ra. Ông Nhộn dẫn em bé hấp tấp chạy vào.
           
                  ÔNG NHỘN (nói với Cao Lỗ): -Cháu này nấp nghe thấy Đặng Giảo và Lữ Phong bàn nhau phá nỏ thần nên vội đi tìm tôi.
                   CAO LỖ (than): -Thả rông chúng nó, thật là một sự sơ hở tai hại!
           
                  Chợt nghe tiếng kêu: “Cháy! Miếu nỏ thần cháy!”
           
                  CAO LỖ: -Chúng ra tay rồi. (Nói to) Chớ náo động! Các con mau đi kiếm diệt bọn gian tế và cứu lấy trống đồng. Ta phải ra cửa Bắc đây.
           
                  Tất cả chạy đi, trừ Cao Lỗ và đám dân binh. Có tiếng ồn ào, rồi Thục
                  Phán xuất hiện.
           
                  THỤC PHÁN: -Cao tướng quân ơi! Cửa Bắc sắp vỡ rồi! Nỏ thần không còn linh nghiệm nữa. Đại sự có cơ hỏng mất! Ta thật có lỗi với tướng quân.
                  CAO LỖ: -Lỗi là lỗi với thần dân, xã tắc. Nhưng lúc này không phải là lúc nói chuyện đó. Xin chúa thượng mau đưa công chúa ra cửa Nam tìm gặp Nồi hầu thu thập dân binh đến cứu viện. Thần sẽ cố tìm cách cản giặc lại.
           
                  Thục Phán ra. Cao Lỗ vừa định đi thì Đặng Giảo và tùy tùng

                  chạy vào.
           
                  ĐẶNG GIẢO (vờ thi lễ): -Chào tướng Cao Lỗ. Ông có thấy Thục chúa đâu không?
                  CAO LỖ: -Ngươi tìm đức vua ta làm gì?
                  ĐẶNG GIẢO (mềm mỏng): -Để mời đi hội kiến với Triệu Vũ vương.
                  CAO LỖ (trỏ ngọn giáo vào mặt Đặng Giảo): -Đừng giở trò hề nữa, tên gian tế Đặng Giảo kia!
                  ĐẶNG GIẢO (cười nhạt): -Thành vỡ rồi. Ông nên bỏ giáo xuống, sẽ không mất chức lạc tướng.
                  CAO lỖ: -Đồ khốn! (Vừa quát, vừa phóng ngọn giáo vào mặt Đặng Giảo).
                  Đặng Giảo cúi đầu tránh. Ngọn giáo lao trúng mũ, vọt qua đầu y cắm
                  phập vào một thân cây sau lưng y, ghìm mũ y vào đấy.Cao Lỗ rút
                  gươm. Các dân binh xông vào bọn đi theo Đặng Giảo đẩy lùi chúng
                  vào hậu trường. Trên sân khấu chỉ còn Cao Lỗ kịch chiến với Đặng
                  Giảo. Cao Lỗ đánh băng gươm địch thủ, tên này khuỵu xuống, hai tay
                  ôm đầu chờ chết. Lữ Phong từ phía sau đến đâm trộm Cao Lỗ. Ông cố
                  đứng vững, quay lại trừng mắt nhìn Lữ Phong, nói nhấn từng tiếng:
                  “Thằng phản phúc!”. Lữ Phong thất kinh lùi dần. Đặng Giảo đang quì
                  gục mặt xuống, lé mắt nhìn lên, sững ra, rồi vơ vội gươm đâm vào sau
                  lưng Cao Lỗ. Ông ngã xuống, mắt còn trợn trừng nhìn xoáy vào

                  kẻ thù.
           
                  ĐẶNG GIẢO (vùng dậy, ra lệnh cho Lữ Phong): -Mau cùng ta đuổi theo Thục Phán!
           
                  Trọng Thủy mặc quần áo chẽn, cùng vài tên quân Triệu chạy vào.
           
                  ĐẶNG GIẢO: -Kìa! Hoàng tử.    
                  TRỌNG THỦY (không để ý đến bọn Đặng Giảo, Lữ Phong, bảo một tên quân): -Mau thay ngựa tốt đón ta ở cửa Nam! (Chạy vượt lên).
                  ĐẶNG GIẢO (nhíu mày trông theo rồi vẫy đồng bọn): -Mau theo ta hộ vệ hoàng tử!
           
                  Tất cả chạy ra. Sân khấu trống một lát. Em bé chạy vào.
           
                  EM BÉ (nhìn thấy Cao Lỗ): -Ông ơi! Sao tướng đô Nỏ nằm đây này?
           
                  Cụ già lập cập chạy vào cùng bà Sành, ông Nhộn và một số

                  ngưòi dân.
           
                  CỤ GIÀ: -Khổ chưa! Đứa nào hạ sát tướng quân thế này? (Quì xuống nâng đầu Cao Lỗ) Các người mau lại đây! (Mấy người đỡ Cao Lỗ).
                  CAO LỖ (hạ bớt mí mắt, nói thì thào nhưng rành rọt): -Tìm Nồi hầu, Nàng Sen ... Nỏ thần bị phá ... còn dân ... (Tắt thở).
           
                                                                                         MÀN
           

          <bài viết được chỉnh sửa lúc 18.08.2009 14:47:56 bởi Khải Nguyên HT >
          #20
            Khải Nguyên HT 19.08.2009 12:57:27 (permalink)
            CẢNH BỐN
             
                   Đường nông thôn ngoài thành Cổ Loa. Thục Phán cưỡi ngựa, Mị Châu
                   ngồi sau. Ngựa chạy được một đoạn lại có một chiếc lông ngỗng rơi

                   ra. Đằng sau có tiếng giặc đuổi phía xa. Chợt Thục Phán dừng ngựa
                   đưa tay che ngang mày nhìn phía trước, lo lắng.
             
                    THỤC PHÁN: -Đằng sau giặc đuổi, đằng trước có quân chặn đường, cha con ta tới số rồi chăng? (Đổi giọng có vẻ an tâm hơn) À, mà hình như là binh của...
             
                    Nồi hầu và một số dân binh gái và trai vào.
             
                    NỒI HẦU: -Thành Cổ Loa bị hạ rồi. Xin đức vua mau mau chạy ra mạn bể góp nhặt dân binh các bộ ngoài đó tìm kế lâu dài. Thần xin án ngữ tại đây làm chậm bước tiến của giặc.
             
                    Thục Phán đưa Mị Châu chạy đi.
             
                    NỒI HẦU (bảo các dân binh): -Các người mau chia làm hai đội dàn nấp sau luỹ tre kia để ứng cứu lẫn nhau!
             
                    Trọng Thủy cùng vài tên quân phi ngựa tới, thỉnh thoảng cúi nhìn dò
                    tìm lông ngỗng. Đến chỗ Nồi hầu.
             
                    TRỌNG THỦY: -Kìa, ông Nồi! Công chúa đi về phía này đã lâu chưa?
                    NỒI HẦU (kéo dài giọng): -À... ra công tử Trọng Thủy! (Nghiêm giọng) Các người lừa dối một công nương cao quí như thế để thi hành kế độc chưa đủ sao? Bây giờ còn muốn đuổi theo bức hại đến cùng à?
                    TRỌNG THỦY (lúng túng): -Không, tôi tìm để cứu vợ tôi.
                    NỒI HẦU (quát lên): -Ai là vợ ngươi? Muốn sống thì quay lại! Ta không thèm giết kẻ trói gà không chặt.
             
                    Đặng Giảo, Lữ Phong cùng đồng bọn chạy tới.
             
                    TRỌNG THỦY (lại gần Đặng Giảo bảo nhỏ): -Các ông nói chuyện với người kia, sao cho y không cản trở ra. (Lẩn nhanh, ra bằng một phía).
             
                   Bọn Đặng Giảo, Lữ Phong xông tới Nồi hầu. Cuộc loạn đả lùi dần vào 
                   hậu trường. Đèn mờ dần.
             
                                                                                          MÀN

            <bài viết được chỉnh sửa lúc 19.08.2009 13:18:43 bởi Khải Nguyên HT >
            #21
              Khải Nguyên HT 20.08.2009 11:29:03 (permalink)
               
              CẢNH NĂM
               
              Màn giữa (có tính tượng trưng) buông xuống, nhìn xuyên qua được cho   thấy cảnh một bờ biển mấp mô phía sau. Khán giả thấy khá rõ Thục Phán và  Mị Châu sau màn giữa. Phía ngoài sân khấu là một đường nông thôn khác. Tiếng vó ngựa ruổi gấp xa xa.
               
                      THỤC PHÁN (uất hận, tuyệt vọng): -Hỡi trời! Hỡi đất! Hỡi ma quỉ, thánh thần! Dung chi quân giặc bất lương đang theo riết ta? Nỡ để cha con ta cùng đường nghẽn lối!
                      TIẾNG VỌNG (tiếng thần linh hay chính tiếng lương tri?): -Hỡi nhà vua! Nên trách người hay tự trách mình? Quân thù không dáng sợ, nếu chính mình, chính người của mình không là giặc của chính xứ sở mình!
                      THỤC PHÁN: -Sao? Giặc là ta! Giặc là con ta! Ha, ha, ... (Cười điên dại. Quay nhìn Mị Châu đang như trong cơn mê rứt từng chiếc lông ngỗng từ áo tung ra) Hả? Giặc ở đây! (Tuốt gươm ra) .
               
                      Mị Châu giật mình sực tỉnh, nghe vẳng từ xa tiếng náo loạn, nhận
                      ra tình thế.
               
                      MỊ CHÂU (sụp xuống trước cha): -Cha ơi! Con xin chết trước mặt cha để khỏi thấy cha vàng tan ngọc nát. Con sẽ biến thành tro bụi, nếu con có bụng nào phản cha, hại nước. Còn nếu con trước sau vẫn một dạ trắng trong thì xin thần linh lưu lại một tí dấu vết để đời sau cám cảnh cho con.
               
                      Bóng gươm ánh lên. Tiếng sóng biển gầm lên.
               
                      THỤC PHÁN (thì thào): -Ít ra thì thằng súc sinh kia cũng không thể chiếm được con lần nữa. (Quay nhìn biển. Cao giọng, căm hờn, bi thiết) Hỡi nước biển Đông! Hãy đón ta vào lòng! Đừng để ta phải nhìn thấy bọn sài lang giày xéo lên non sông Âu Lạc!
               
                      Một đợt sóng biển tung tràn bờ. Thục Phán biến theo làn sóng rút.
               
                      Im lặng một lát. Trọng Thủy vào dò theo vết lông ngỗng ngang qua
                      sân khấu rồi ra khuất.
               
                       Màn giữa kéo lên. Cảnh bờ biển. Trọng Thủy vào, đứng sững nhìn
                       xác Mị Châu rồi chạy đến nâng đầu lên.
               
                      TRỌNG THỦY: -Mị Châu! Mị Châu! Nàng chết thật rồi! Nàng chết mà gương mặt tuyệt vời còn phảng phất niềm u uất. Xưa kia, gương mặt này thanh khiết, vô tư; gương mặt với cái nhìn ngây thơ, đằm thắm, gửi gắm vào ta bao yêu thương, tin cậy! Thế mà ta, ta chưa bao giờ biết trân trọng gương mặt đó, tấm lòng đó. Mới vừa đây thôi, trên đường ruổi theo nàng, ta còn định chỉ dành cho nàng ngôi thứ phi, một mai ta lên ngôi báu. Trời ơi! Ngọc nát rồi, ta mới biết là ngọc! Kìa! Mắt nàng hé mở. Không! Đôi mắt ấy đã vĩnh viễn nhắm lại rồi. Sao? Trọng Thủy! Ngươi còn mong cặp mắt sáng trong ấy nhìn ngươi nữa sao? Ngươi xảo trá và ích kỉ, ngạo mạn mà hèn nhát. Ha, ha,... Thế là ngươi hoàn thành sự nghiệp của ngươi rồi đó! Trọng Thủy ơi! Tội nghiệp cho ngươi! Ngày ngươi tưởng là chiến thắng lại là ngày ngươi chiến bại. Ai đã nói với ta về thần linh nằm trong lòng mỗi người nhỉ? Nàng Sen! Phải rồi, Nàng Sen! Nàng biết chăng đúng như nàng tiên đoán, thần linh trong ta đã nổi cơn thịnh nộ? Ô hô! Triệu phụ vương ôi! Cái ngai vàng dành cho ta đỏ lòm những máu, máu dân ngoại tộc, máu người Hoa, máu của chính trái tim ta. Ô hô! Bình thiên hạ hay chỉ là bình một người đàn bà bằng phản trắc mà rút cục thể xác này cũng thoát ra ngoài tầm tay với của những kẻ âm mưu!
               
              Một mũi tên vút tới cắm vào lưng Trọng Thủy. Y khó nhọc đứng lên, ngoái tay sờ mũi tên, lắp bắp: “Oan gia đây! Kết cục đây!” lảo đảo bước vài bước, rồi gục xuống chân Mị Châu. Đặng Giảo và Lữ Phong bước vào. Tay Đặng Giảo cầm cung.
               
                      LỮ PHONG: -Sao lại bắn?
                      ĐẶNG GIẢO: -Hắn suy sụp rồi. Hắn đâm ra thương tiếc đứa con gái Nam man này. Triệu đại vương không ưa những người như thế. Hắn sống có thể gây mầm bạo loạn. Để cho người của ta nghĩ rằng hắn chết vì dân bản xứ sẽ chặn được lòng thương hại muốn nhẹ tay với những kẻ đã bị chinh phục. 
                      LỮ PHONG –Có gì làm chứng hắn bị quân địch bắn chết?
                      ĐẶNG GIẢO (cười thâm hiểm): -Ông không thấy mũi tên kia là mũi tên đồng ta vừa nhặt ở Cổ Loa sao?
               
                      Cả hai đi lại gần xác Mị Châu, Trọng Thủy.
               
                      ĐẶNG GIẢO: -Thật là chẳng hẹn mà nên. Chúng ta khỏi phải mất công dựng lên câu chuyện thương tâm: bọn mọi rợ hung bạo đang tay bắn chết chồng rồi chém chết cả vợ. (Ngẫm nghĩ) À, ta sẽ cho quẳng xác chúng xuống giếng Ngọc ở Cổ Loa, thượng sách hơn. Rồi còn là lắm chuyện thêu dệt.
               
                      Tiếng nhiều người chạy. Có tiếng la vọng đến: “Chúng nó đang ở

                      đằng kia kìa!”
               
                      ĐẶNG GIẢO (lắng nghe, hoảng hốt): -Bọn Nam man! Ta thả cho binh lính tản vào các làng cướp phá rồi đơn dộc vượt đến đây thật là thất sách.
               
                      Đặng Giảo, Lữ Phong cùng xô đến con ngựa gần nhất.
               
                      ĐỐNG (quát từ trong hậu trường): -Giặc Đặng chớ chạy!
               
                       Đặng Giảo đạp ngã Lữ Phong cướp ngựa chạy đi. Đống, Nàng
                       Sen cùng một số dân binh xuất hiện phía sân khấu đối diện.
               
                      LỮ PHONG (lồm cồm bò dậy, ra vẻ mừng rỡ): -Trời ơi! Tướng quân đến chậm quá! Nếu không thì đã giúp tôi bắt sống tên giặc Đặng rồi. (Cuống quít chỉ tay) Hắn đang cưỡi ngựa chạy kia. Mau bắt lấy!
                      ĐỐNG (trỏ tay bảo mấy dân binh): -Đuổi theo Đặng Giảo! (Ngoảnh lại trừng mắt nhìn Lữ Phong) Câm mồm, tên phản bội!
               
                       Một số dân binh vội ra.
               
                      NÀNG SEN (chỉ mặt Lữ Phong): -Lữ Phong! Đất nước này cưu mang, đùm bọc mi cùng bộ tộc mi. Dân Âu Lạc ở với bọn mi như bát nước đầy. Vậy mà mi muối mặt phản phúc. Tội mi thật trời khôn dung, đất khôn tha!
                      LỮ PHONG (luống cuống): -Ấy chết! Sao công nương nỡ nói thế? (Chỉ xác Trọng Thủy) Tôi chẳng đã bắn chết tên tráo trở kia thôi.
                      NÀNG SEN: -Thôi đi! Từ xa, chúng ta đã biết đứa nào bắn, và đã đoán ra vì sao mà bắn. (Tuốt gươm thét) Mi vừa làm gì ở Cổ Loa, bây giờ còn hòng bịp chúng ta?
                      LỮ PHONG (vội quì xuống): -Tội tôi muôn nghìn lần đáng chết, xin tướng quân và công nương thể đức hiếu sinh của Thượng đế mà đánh chữ đại xá cho.
                      ĐỐNG: -Thôi! Không thừa lời với kẻ táng tận lương tâm.
               
                      Một  dân binh cầm gươm tiến lại. Lữ Phong vẫn quì, vừa lùi vừa vái
                      lia lịa. Cả hai ra khuất.
               
                      NÀNG SEN (nhìn thấy xác Mị Châu): -Trời! Chị ơi! Ai đẩy chị đến nông nổi này? Em đã chỉ biết chê trách chị. (Phục trên thi thể Mị Châu khóc).
               
                      Đống đến bên, lặng lẽ cúi đầu một lúc rồi quay lại đứng nhìn
                      chăm chú xuống biển, mặt biểu lộ một sự xúc động sâu sắc. Đến
                      đỡ Nàng Sen dậy.

               
                      ĐỐNG: -Lúc này không phải là lúc thương tâm thái quá. Ta phải gấp lo liệu cho công chúa và cho người lặn mò thi thể đức vua. Tôi vừa thấy mão của người rập rềnh trên sóng biển ngoài kia. Xong đây, em hãy về Chiêm Trạch tìm thân mẫu chúng ta. Nghe nói một số nữ binh đã cứu được Trống Đồng Cái ở đền nỏ thần đem về đó. Em hãy cùng mẫu thân thu thập số dân binh còn lại gấp mang trống đồng về vùng Mê Linh đất Tổ tìm phương lược lâu dài cứu nước.
                      NÀNG SEN (gạt nước mắt, ngửng lên): -Còn chàng?
                      ĐỐNG: -Thân phụ chúng ta và em Vực chưa biết sống chết thế nào. Tôi sẽ đi tìm. Sau đó, dù sự thể ra sao, tôi cũng về căn cứ Hương Canh chiêu tập dân binh quyết cùng giặc Triệu một phen sống mái. (Trgươm về hướng Đặng Giảo vừa chạy) Hỡi quân cưòng bạo! Mộng đế bá của bay đẩy thiên hạ vào cảnh điêu linh. Bay có thể chiếm được Cổ Loa, nhưng không thể chiếm được lòng dân Âu Lạc. Bay tưởng phá được nỏ thần, nhưng có thứ nỏ thần bay chẳng bao giờ phá được, cũng đừng hòng đoạt được. Ta còn trống đồng. Tiếng trống đồng sẽ thôi thúc, qui tụ những nỏ thần mà bay không thể lường biết. Còn trống đồng, bọn bay đừng hòng ăn ngon, ngủ yên trên xứ sở của con Lạc, cháu Hồng!
               
                                                                                       MÀN
               
               
              <bài viết được chỉnh sửa lúc 20.08.2009 12:13:01 bởi Khải Nguyên HT >
              #22
                Khải Nguyên HT 21.08.2009 01:29:51 (permalink)
                 
                                                MÀN  HẬU
                 
                     Cảnh như màn mở đầu. Nàng Sen và Mị Châu hiện ra ở góc sân
                     khấu ngoài cùng. Ánh sáng tập trung vào đó. Cả hai giữ tư thế
                     như lúc kết thúc màn mở đầu.
                 
                      MỊ CHÂU (từ từ mở tay che mặt, ngửng đầu lên, giọng như vừa chợt tỉnh): -Chuyện vừa mới xẩy ra. Chao ôi! Sao mà khủng khiếp?
                     NÀNG SEN: -Không, chuyện đã xẩy ra cách đây hai nghìn năm đằng đằng. Công chúa đắm mình trong tủi hận, sầu tư, không biết non sông ta đã lắm đổi thay, dân tộc ta đã trải nhiều bĩ thái.
                     MỊ CHÂU: -Ta không siêu thoát được. Thời gian của ta im lìm, chết lặng.
                     NÀNG SEN: -Thời gian chẳng của riêng ai, cũng như trần gian chẳng của riêng ai. Trần gian không theo kịp bước thời gian là trần gian khổ ải. Quá khứ đừng là tảng đá buộc cổ, cũng đừng là cái phao của hôm nay và mai sau.
                     MỊ CHÂU: -Em không mang uẩn khúc của ta nên em hằng sống. Còn ta, ta chết đã lâu rồi.
                     NÀNG SEN: -Chẳng phải thế đâu! Ngay sự lỡ lầm của công chúa, người đời sau của chúng ta cũng không để cho chìm hẳn, vì họ không muốn có thêm những Mị Châu là nạn nhân của chính lòng yêu thương của mình .
                     MỊ CHÂU (ai oán): -Trời ơi! Ai gỡ mối hận cho ta?
                     NÀNG SEN: -Chao! Mối hận có thể dài hơn cả kiếp người! Công chúa tự dằn vặt mình cũng phải. Song, cơ đồ ngày trước đắm biển sâu đâu phải chỉ vì một người con gái, chỉ vì trái tim công chúa lầm chỗ để trên đầu! Đâu phải chỉ riêng công chúa xốc nổi và giản đơn cạnh một kẻ thù thâm hiểm và giảo quyệt? Đôi vai công chúa quá mảnh...
                     MỊ CHÂU: -Em nói gì ta không hiểu.
                     NÀNG SEN (như đang đuổi theo ý tưởng): -Hẳn rằng lịch sử chẳng muốn chọn công chúa làm vật hiến tế. Sự thăng trầm của trăm họ mang dấu ấn...
                     MỊ CHÂU (thốt nhiên lùi lại, nói khẽ): -Hãy lặng yên! Phụ vương đang đến. Ta không muốn người phải tránh đi.

                     Ánh sáng phía Mị Châu và Nàng Sen hơi mờ dần. Mị Châu
                     định biến đi nhưng Nàng Sen giữ lại.
                 
                       NÀNG SEN: -Công chúa không mong chờ gì khác hơn ư ?

                     Ở góc sân khấu ngoài cùng đối diện, một vùng ánh sáng mờ soi rõ
                     bóng Thục Phán từ từ hiện ra.
                 
                     THỤC PHÁN (kêu lên đau khổ): -Mị Châu! Con ở đâu?

                     Ánh sáng phía Mị Châu không mờ dần nữa. Mị Châu đứng yên
                     chờ đợi, căng thẳng. Ánh sáng phía Thục Phán từ từ dịch đến
                     gần vùng ánh sáng có Mị châu đứng. Nàng Sen nhẹ đẩy Mị Châu
                     về phía Thục Phán rồi biến đi.
                 
                      THỤC PHÁN (bước dò dẫm, hai cánh tay mở ra đón đợi): -Mị Châu! Con của cha ở đâu?

                     Hai vùng ánh sáng bừng lên nối liền nhau.
                 
                     MỊ CHÂU (hai tay bưng mặt, nghẹn giọng): -Phụ vương ơi!
                     THỤC PHÁN (giơ hai tay về phía con): -Con của cha! Cha đã phải trải một chặng dài lịch sử mới có dịp suy ngẫm. Tạ ơn những gì đã giúp cho cha dám nhìn lại con.
                     MỊ CHÂU (quì xuống trước Thục Phán): -Cha ơi !

                                     MÀN HẠ
                                     trong tiêng nhạc mang âm hưởng trống đồng.
                 

                                                                   H Ế T
                <bài viết được chỉnh sửa lúc 21.08.2009 01:56:08 bởi Khải Nguyên HT >
                #23
                  Khải Nguyên HT 04.11.2009 12:00:20 (permalink)
                  Đã có không ít thơ chung quanh chuyện “Nỏ thần” , nhưng chắc là chưa có bài thơ nào làm theo thể thơ Haiku của Nhật. Dưới đây xin giới thiệu một bài :

                                  TƯỢNG ĐÁ MỊ CHÂU
                   
                                   Tượng đá không đầu
                                   Ngơ ngác nhìn gươm báu
                                   Trắng trời lông ngỗng chẳng thôi bay.
                   
                                                                  Trần Nguyên Thạch
                                                         (Rút từ tập "Bài ca đom đóm-Điệu Haiku đất Việt")
                  <bài viết được chỉnh sửa lúc 05.11.2009 11:15:46 bởi Khải Nguyên HT >
                  #24
                    Ct.Ly 07.11.2009 23:34:29 (permalink)
                    #25
                      Thay đổi trang: < 12 | Trang 2 của 2 trang, bài viết từ 16 đến 25 trên tổng số 25 bài trong đề mục
                      Chuyển nhanh đến:

                      Thống kê hiện tại

                      Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
                      Kiểu:
                      2000-2025 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9