Cập nhật : 31/07/2009 11:29
Trong những năm qua, cá nóc đã gây ra nhiều ca tử vong thương tâm cho bà con ngư dân, vậy cá nóc có thực sự nguy hiểm như vậy không, trong khi ở một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, cá nóc là món ăn cao cấp và đắt tiền?! Chúng tôi xin giới thiệu cơ chế gây độc và việc sử dụng cá nóc tại Nhật Bản.
Không chỉ ở Việt Nam, cá nóc là loại cá cực độc đã làm tử vong nhiều người tại Nhật Bản nhưng cá nóc lại là một món ăn được nhiều người ưa thích và đắt tiền ở xứ sở hoa anh đào. Hiện nay, có rất nhiều nhà hàng trên khắp Nhật Bản, hay các thành phố Niu-ooc (Mỹ); Se-oul, Bu-san (Hàn Quốc) chuyên phục vụ loại cá nóc đặc sản này cho những thực khách có thị hiếu đặc biệt có một không hai này…
Trong thực tế, nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng cá nóc không tự sản sinh độc tố trong cơ thể. Độc tố trong cá nóc được sản sinh, tích tụ và truyền qua bởi những vi khuẩn thuộc nhóm
Pseudomonas, một loại vi khuẩn độc hại, hình dạng dài như chuỗi hạt dài. Khi được sản sinh, lượng độc tố phần lớn tích tụ trong phần nội tạng của cơ thể, nhiều nhất là trong buồng trứng, lá gan, tụy tạng, ruột …và một số trường hợp một phần nhỏ tích tụ trong máu, da và bắp thịt của cá nóc. Chất độc tố này có tên gọi là Tetrodotoxin, thuộc nhóm độc tố thần kinh cực kỳ nguy hiểm. Độ độc của nó gấp 1250 lần độ độc của Cyanide, ngoài ra còn có độc tố hepatoxin chiếm tỉ lệ thấp. Độc tố trong cá nóc rất bền vững, đun sôi ở nhiệt độ 1000C trong 6 giờ độc tố mới giảm đi 1/2, nếu ăn khoảng 10g cá nóc có độc tố thì sẽ bị ngộ độc. Khi bị trúng độc do ăn cá nóc, bắp thịt co cứng, đầu óc choáng váng, cơ thể rã rời, nhức đầu, nôn mửa, khó thở. Khoảng 60 – 80 % nạn nhân sẽ tử vong trong vòng 4 – 6 giờ. Cho đến nay khoa học chưa tìm ra thuốc chữa và giải độc tố này. Trong môi trường tự nhiên, cá nóc thường tiếp xúc với nguồn vi khuẩn gây độc hoặc ăn những thức ăn có chứa độc tố này, sau đó tích tụ trong cơ thể cá, đó là tiền đề của việc gây ngộ độc khi ăn cá nóc. Cá nóc được nuôi dưỡng và sinh sống trong các trại cá độc lập sẽ không sản xuất ra loại độc tố này.
Ở Nhật Bản, cá nóc được mọi người biết đến bởi món ăn ngon nổi tiếng đó là fugu sashimi. Thông thường cá nóc được chế biến thành ba món ăn chính: sashimi (món cá sống, thịt màu trắng trong suốt, và xếp đặt như nghệ thuật cắm hoa trên một đĩa hoa văn vân màu đậm, bạn có thể nhìn thấy những họa tiết trang trí đẹp mắt, xuyên qua lớp cá mỏng đó); món da cá nóc chiên giòn; và món súp cá nóc. Tuy nhiên không phải bất kỳ ai cũng được phép chế biến và nấu các món ăn cá nóc. Để làm được việc này, các đầu bếp phải trải qua một quá trình học tập, thực tập ít nhất từ 2 - 3 năm, phải trải qua những kỳ thi quốc gia và được cấp chứng chỉ hành nghề mới được phép chế biến các món ăn cá nóc. Kỳ thi này không chỉ bao gồm phần thi lý thuyết, thi thực hành và chế biến các món ăn về cá nóc mà còn thi về phân loại ngư học, và sau đó chính họ sẽ tự thưởng thức món cá nóc mà do họ làm ra. Thông thường chỉ có 30 % số người tham gia kỳ thi đạt yêu cầu, được cấp chứng chỉ cấp quốc gia về chế biến món ăn cá nóc và sau đó họ được hành nghề khắp nơi trên đất nước.
Tại Việt Nam, cá nóc có khoảng 67 loài thuộc 4 họ nêu trên và được phân bố trên toàn vùng biển, song các quán ăn chuyên về các món cá nóc và món cá nóc sống hiện chưa có. Ở các tỉnh ven biển, cá được chế biến chủ yếu tại các hộ gia đình, và được dùng làm nguyên liệu chế biến chả cá, nước mắm, cá khô hay cá đông lạnh... và lâu lâu lại thấy có vụ ngộ độc cá nóc chết người được thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng. Việc chế biến ở các nhà máy công nghiệp mới chỉ được thí điểm sản xuất và xuất khẩu cá nóc tại một số doanh nghiệp ở Nghệ An. Với trữ lượng cá nóc ở Việt Nam không lớn (khoảng 40.000 tấn/năm) thì việc phát triển qui mô chế biến lớn ở nhiều vùng phục vụ cho xuất khẩu là không cần thiết, mà trước hết tập trung vào việc nghiên cứu đặc điểm sinh học, sinh sản, hoàn thiện qui trình nuôi các loài cá nóc có giá trị, chế biến biến các sản phẩm giá trị gia tăng, thực phẩm cao cấp, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm phục vụ cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Xin được mượn lời nhà sỹ thi sĩ nổi tiếng người Nhật là Yosa Buson (1716 – 1783) nói về mối tình tuyệt vọng của mình để thay cho lời kết:
Nếu tôi không gặp nàng đêm nay
Tôi đành phải từ giã nàng
Nên tôi phải đi ăn cá nóc
Tôi muốn ăn cá nóc,
Nhưng tôi không muốn chết …
Hà Thanh Tùng Táo mèo chữa bệnh
Cập nhật : 29/07/2009 15:48
Nhiều người mua táo mèo để chữa bệnh nhưng không phải ai cũng biết nó chữa được bệnh gì và sử dụng ra sao…
Táo mèo mọc hoang và được trồng tại Yên Bái, Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, ở độ cao trên 1.000m.
Theo lương y Huyên Thảo (Hà Nội), táo mèo quả chín màu vàng lục, ăn có vị chua, hơi chát. Khi làm thuốc, táo mèo có tính năng giống như vị thuốc sơn tra trong Đông y. Trong những bài thuốc có sơn tra có thể dùng táo mèo thay thế, điều trị vẫn đạt kết quả tốt. Nó có tác dụng tiêu hóa thức ăn tích trệ, tán ứ huyết, sát trùng, tăng cường miễn dịch, chống oxy hóa, hạ huyết áp, giảm cholesterol, kháng khuẩn tốt, bảo vệ gan, chống ung thư. Lương y Huyên Thảo giới thiệu một số bài thuốc có sử dụng sơn tra - táo mèo.
+ Dùng 30gr táo mèo sắc nước uống thay trà trong ngày để chữa ăn uống không tiêu, bụng đầy, tức, đau.
+ Dùng 200gr táo mèo, rửa sạch, bỏ hạt ngâm với 300 ml rượu trắng (chú ý ngày lắc bình 1 lần). Sau một tuần đem ra uống. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 10-15 ml. Sau khi uống hết rượu, trái táo mèo còn lại trộn với đường kính ăn dần. Bài thuốc này chữa toàn thân đau mỏi hiệu quả và có tác dụng tăng cường khả năng tiêu hóa.
+ Mỗi ngày ăn 5-7 quả táo mèo, hoặc dùng 10-15 quả sắc nước uống để chữa gan nhiễm mỡ.
+ Táo mèo 15gr, lá sen 15gr sắc nước uống thay trà trong ngày để chữa cao huyết áp, mỡ máu cao.
+ Táo mèo để nguyên cả hạt đốt thành than, nghiền mịn, ngày dùng 3 lần. mỗi lần 6gr, hòa với nước cơm uống để chữa viêm ruột, đại tiện xuất huyết.
+ Táo mèo 10gr, râu ngô 10 gr sắc uống thay trà trong ngày để chữa béo phì.
+ Táo mèo 10gr, tam thất 2gr, gạo tẻ 100gr nấu cháo, hòa thêm mật ong, ăn nhiều bữa trong ngày để chữa ung thư đại tràng.
+ Dùng hạt táo mèo, hạt vải, hạt trám, mỗi loại 100gr, thiêu tồn tính, nghiền mịn. Trước mỗi bữa ăn uống 10gr, uống thuốc bằng nước sắc hồi hương để chữa ung thư bàng quang.
Lương y Huyên Thảo cũng cho biết thêm: Ăn nhiều táo mèo có thể làm hao khí và tổn hại răng. Những người gầy còm, chức năng tiêu hóa suy yếu nặng không nên dùng.
Theo báo TN Cháo trai - món dược thiện quý
Cập nhật : 27/07/2009 16:23
Cháo trai vừa là món ăn bổ dưỡng vừa có tác dụng chữa một số bệnh thường gặp ở người cao tuổi như tăng huyết áp, u xơ tiền liệt tuyến, đái tháo đường...
Dân gian thường dùng thịt trai sông để nấu canh, nấu cháo. Trai sông ngâm nước vo gạo 1-2 ngày cho nhả hết phân, rửa sạch vỏ, đem luộc chín; lọc lấy thịt nạc khoảng 2-3 con cho một người ăn. Để ráo nước, thái nhỏ, thêm gia vị, nước mắm ướp cho ngấm, xào chín với dầu thực vật hoặc mỡ lợn cho thơm. Dùng cháo ăn liền hay gạo vừa đủ nấu cháo. Sau khi cháo nhừ mới cho thịt trai đã xào vào. Để phối hợp tác dụng chữa bệnh, nên cho thêm 1-2 củ hành cho mỗi người. Nên ăn khi cháo còn nóng, người tạng hàn có thể cho thêm vài lát gừng thái chỉ, hoặc dùng gừng tươi giã nhỏ tẩm ướp thịt trai.
Con trai nước ngọt hay trai sông còn có tên là bạng; cả thịt và vỏ đều được dùng làm thuốc. Nó thường sống ở sông ngòi, đầm, ao, hồ, sông, suối... vùng đồng bằng, trung du hay miền núi nước ta. Theo tài liệu của Viện dinh dưỡng, thịt trai sông giàu đạm, can xxi, phốt pho, một số vitamin như B1, B2, PP, C và đặc biệt là có rất nhiều kẽm - chất đã được chứng minh có tác dụng tốt trong điều trị u xơ tiền liệt tuyến.
Theo Đông y, thịt trai sông vị ngọt mặn, tính hàn, có tác dụng thanh nhiệt, lợi thấp, tiêu khát, giáng áp. Trần Tăng Khí, một y gia đời Đường cho rằng thịt trai có tác dụng làm sáng mắt, trừ thấp, chữa đàn bà lao tổn ra máu. Đời Tống, Nhật hoa chư gia bản thảo có lời bàn rằng thịt trai có tác dụng trừ phiền, giải nhiệt độc, chữa băng huyết, khí hư, trĩ. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, thịt trai sông tính hơi lạnh, ăn nhiều dễ sinh bệnh.
Thịt trai sông phối hợp với một số vị thuốc Nam có tác dụng chữa bệnh tăng huyết áp, viêm gan vàng da, trẻ em ra mồ hôi trộm... Tài liệu nước ngoài cũng viết: trai sông vừa là món ăn, vừa là vị thuốc chữa bệnh tiểu nhiều về đêm, kinh nguyệt quá nhiều, hoa mắt chóng mặt, tăng huyết áp, đề phòng tai biến mạch máu não...
Với người mắc bệnh tăng huyết áp, việc chữa bằng các thuốc Tây y thường gây những tác dụng phụ tế nhị ảnh hưởng đến khả năng tình dục. Còn món cháo trai có tác dụng tốt trong chữa bệnh tăng huyết áp lại không gây các tác dụng phụ phiền toái. Để tăng tác dụng giáng áp, bạn có thể dùng lá dâu bánh tẻ thái nhỏ nấu cùng với món cháo trai.
Ở người đàm trệ (mỡ máu cao) gây hoa mắt chóng mặt, nhức đầu thì khi nấu cháo nên cho thêm mộc nhĩ, nấm hương - hai loại thực phẩm có tác dụng hạ mỡ máu, thông huyết mạch.
Với người bị u xơ tiền liệt tuyến có các biểu hiện đi tiểu lắt nhắt, nước tiểu không thành tia mạnh, cháo trai có tác dụng thông tiểu tiện. Món cháo trai cũng rất thích hợp với người già bị u xơ tiền liệt tuyến. Với nam giới trung niên hoặc cao tuổi bị yếu sinh lý thì đây còn là món ăn có tác dụng tốt cho việc phòng trung. Người mắc bệnh đái tháo đường dùng món cháo trai cũng rất tốt, nhưng khi nấu cháo có thể thay gạo tẻ bằng bột củ mài - một dược thảo có tác dụng tốt cho bệnh đái tháo đường.
Theo SK&ĐS Người bị cao huyết áp nên uống chè xanh
Chè là một loại nước uống có giá trị dinh dưỡng, thành phần cơ bản của chè có tanin. Nhờ tanin mà chè có vị chát đặc hiệu. Tanin có tác dụng đối với niêm mạc ống tiêu hóa, tạo điều kiện cho các vi khuẩn có ích ở ruột hoạt động. Trong chè xanh có cafein (2,5-4%), có tác dụng kích thích hưng phấn đối với hệ thần kinh trung ương, hoạt động của tim mạch, thận và ống tiêu hóa. Trong chè xanh còn chứa flavonoids, catechin, protid, vitamin PP, vitamin C.
Những chất có trong lá chè tươi hoặc đã phơi khô, dưới dạng uống có khả năng kích thích tế bào sản sinh Interferon, nên có tác dụng đề phòng các bệnh do virus và ngăn ngừa ung thư.
Cafein, ngoài tác dụng kích thích tế bào sinh interferon còn các tác dụng trực tiếp bảo vệ bộ gen tế bào chống đột biến, góp phần phòng chống ung thư.
Một số tác giả cho rằng chỉ cần uống 4 tách chè mỗi ngày đã có thể ngừa được nguy cơ tim mạch và ung thư. Trong nước chè có chất flavonoids là chất chống oxy hóa có tác dụng phòng ung thư. Hợp chất tự nhiên của thảo mộc trong chè có thể phòng ngừa tăng cholesterol máu, hạn chế máu đông nghẽn mạch. Nếu hấp thu các hợp chất này với số lượng lớn đều đặn hàng ngày sẽ làm giảm nguy cơ bệnh tim mạch.
Chè xanh có nhiều tác dụng tốt, nhất là tác dụng giảm xơ vữa động mạch, giảm cholesterol trong máu thường xảy ra ở người cao huyết áp. Vì vậy người bị cao huyết áp uống nước chè xanh là rất tốt.