MUA DANH BA VẠN
kimle 04.08.2009 12:43:24 (permalink)
                                     MUA DANH BA VẠN…
 
                                                                                  Truyện ngắn
 
Chánh văn phòng  ngồi nhâm nhi cốc café. Ông lẩn mẩn nghĩ đến buổi chiêu đãi tối qua tại nhà hàng Thiên Thai, có các em tiếp viên xinh như mộng.  Nghĩ đến mụ vợ già nhăn nheo như quả mướp đắng ở nhà, khiến ông thoáng chút thở dài. Có tiếng gõ cửa. Ông gằn giọng “cứ vào”. Cô thư ký ỏn ẻn: Thưa sếp. Có nhà thơ Trần Bồng muốn gặp ạ. Nhà thơ Trần Bồng là hội viên hội văn nghệ thành phố. Dáng người cao ngẳng, mái tóc bồng bềnh nghệ sĩ, đôi mắt lúc nào cũng mơ màng và luôn đùn rỉ. Trần Bồng sửa lại xống áo, móc khăn tay lau rỉ mắt, bước vào. Chào anh! Em vừa xuất bản tập thơ “Thiên đường tình yêu”, xin biếu anh một cuốn. Chánh văn phòng cầm tập thơ ngắm nghía, xong đặt xuống. Thơ hả? Ờ hay đấy…Tay Văn Chảnh vừa biếu mình cuốn tiểu thuyết, có thì giờ đọc đâu. Mà hắn viết gì nó dài thế không biết, cầm quyển sách như cầm cục gạch. Cứ nhẹ nhàng như tập thơ của cậu lại hoá hay. Trần Bồng chớp chớp cặp mắt ướt. Dạ vâng…Thơ thì phải nhẹ chứ ạ…
 
***
Chánh văn phòng lật lật mấy trang tập thơ “Thiên đường tình yêu”. Đọc lướt qua vài bài, xong quẳng xuống. Thơ với chả thẩn, viết như dở hơi. Toàn những mây mưa trăng gió, rồi em làm vỡ nát trái tim anh, rồi anh sẽ cõng em tới cõi thiên đường. Eỏ lả quá! Không có một khí thế tấn công cách mạng gì cả. Thế mà cũng đòi là hội viên hội văn học nghệ thuật đấy. Hôm nào phải sang bên ấy chấn chỉnh lại. Ờ…! Sao mình không làm thơ nhỉ? Khả năng của mình thừa sức làm thơ! Thơ hay nữa đằng khác. Dù sao cũng để lại cái gì cho người đời ngưỡng mộ. Người ta bia đá, tượng đồng, còn mình chẳng nhẽ không có gì? Mình sẽ “tạc” vào cõi nhân sinh bức tượng “nàng thơ”. Đúng rồi! Nàng thơ kiều diễm bước ra từ đền đài tâm linh của mình, khiến mọi người ngơ ngác, trầm trồ. Nghĩ cho cùng, tất cả của nả trên đời này chỉ là phù du. Còn lại “nàng thơ” của mình, sừng sững như một tượng đài lưu danh hậu thế. Đơn giản như thế mà mình không nghĩ ra…Chà…chà, đầu óc dạo này tiệc tùng nhiều quá đâm lú lẫn hết cả.
Từ đó, chánh văn phòng kiêm “nghề” thi sỹ. Lúc nào đầu óc cũng mơ màng thơ thẩn, “nàng thơ” lởn vởn cả trong bữa ăn, trong giấc ngủ, cả khi ông đi... toa lét. Cái gì cũng trở thành thơ được. Vĩ mô thì họp chi bộ, nghị quyết, chỉ đạo. Vi mô thì trái cam, trái bưởi, chiếc phong bì, ba cái điện thoại bàn, con chim, con cò…, tuốt tuồn tuột đều thành thơ hết. Ông đóng cửa phòng ngâm nga, ông đi đi, lại lại gật gù. Trời sinh ra cái thằng ông đáng lẽ phải làm thi sỹ mới phải. Không ngờ mình làm thơ hay đến thế. Văn bản chỉ đạo mình cũng viết thành thơ có khi lại hoá hay, mọi người càng dễ thuộc, hà…hà…, cứ gọi là thuộc làu làu.
Ngoảnh đi, ngoảnh lại, ông đã sáng tác trên ba chục bài thơ. Ông đặt cho nó cái tên “Gọi nắng”. Hay lắm! Chỗ nào tối tăm, ông sẽ gọi nắng cho nó chiếu vào!
 
Chánh văn phòng nhấc máy gọi cho chủ tịch hội văn nghệ thành phố. Khoảng mười phút sau, Văn Chảnh, chủ tịch hội văn nghệ thành phố bước vào. Ông đưa tập thơ của mình ra, bảo:
-        Tớ vừa làm được ít thơ, cậu xem xong, cho tớ biết ý kiến.
Văn Chảnh hai tay nâng tập thơ, mắt hấp háy sau cặp kính :
-        Sếp lại có thì giờ làm thơ cơ ạ. Chà…chà, quý hoá quá! “Gọi nắng” ạ, chà…chà, nghe tên đã thấy hay rồi!- Giọng gã véo von- Gọi nắng trên vai em gầy/ đường xa áo bay…
-        Ừ…ừ…!- Tiếp xúc với văn nghệ các cậu vui thật. Cái bài hát của thằng cha nào nhỉ?
-        Dạ thưa sếp, của Trịnh Công Sơn ạ.
-        Ừ…! Cái thằng Sơn Siếc gì mà hay ra phết.- Ông nghiêm giọng-  Mà thơ của tớ không có “em” “anh” gì đâu đấy. “Nắng” của tớ là nắng khác, không phải thứ nắng quái chiều hôm èo uột, cậu hiểu chưa?
-        Dạ em hiểu ạ…
-        Cậu hiểu thế nào?
-        Dạ…! Nắng của Trịnh Công Sơn là cái nắng èo uột…, còn cái nắng của sếp là cái nắng thẳng thắn, minh bạch ạ…
Chánh văn phòng đứng lên, vỗ vỗ vào vai Văn Chảnh: Được! Cậu hiểu như vậy là tốt! Rất tốt!
 
Văn Chảnh xem lướt tập thơ, ngước cặp mắt cận lòi nhìn lén sếp : Em sẽ trực tiếp viết lời tựa, xong bảo tay Chí bên xuất bản làm ngay ạ.
 
***
Hai tháng sau, tập thơ “Gọi nắng” ra mắt bạn đọc. Đích danh Phạm Chí ,giám đốc nhà xuất bản, mang đến một trăm cuốn để chánh văn phòng làm quà biếu.
Ông ngả hẳn người ra ghế, cầm tập thơ vẫn thơm mùi mực ngắm nghía. Tập thơ in thật đẹp, giấy bóng, bìa cứng được hoạ sỹ trang trí một vệt nắng vàng rực xiên xiên với dòng chữ phăng te ri “gọi nắng” rất mỹ thuật. Quan trọng nhất là tên tác giả, chữ to, đọc rõ mồn một. Đúng ! Quan trọng nhất là cái tên, không mọi người cứ tưởng của thằng cha Sơn cha căng chú kiết nào thì hỏng.

Tiếp theo là cuộc hội thảo về tập thơ. Ông được mời với danh nghĩa “ khách mời danh dự và đồng tác giả”. Những tràng vỗ tay rộ lên như mưa rào khi ông bước vào. Sau lời giới thiệu của trưởng ban ban tổ chức, chủ tịch hội văn nghệ thành phố Văn Chảnh bước lên bục micro, những lời có cánh bắt đầu vang lên:…Một thi sỹ với lối viết rất thời đại, vượt lên hẳn những cũ rích yếu ớt của những thứ tình cảm cá nhân èo uột. Tập thơ đã rọi một vệt nắng vào sâu thẳng ngóc ngách mỗi phận người, khiến chúng ta cảm nhận được trách nhiệm công dân của mình. Một tài năng xuất chúng, tác giả là người lăn lộn trong thực tế đã viết lên những áng thơ bất hủ. Chúng ta gọi ông là “đại thi hào” mà không chút ngại ngần. Ông là một vì sao toả sáng trên bầu trời thi ca Việt Nam…”
Tất cả hội trường vỗ tay rào rào. Rồi nghệ sỹ lên ngâm những bài thơ “gọi nắng”. Rồi tất cả lại vỗ tay…vỗ tay, rồi tặng hoa…tặng hoa…
Không hiểu từ khi nào, ông nghiện tiếng vỗ tay. Lâu lâu không nghe tiếng vỗ tay, ông lại thấy buồn buồn, nhớ nhớ. Nó đại diện cho cả một tập thể nhất trí cao độ. Không có cá nhân ở trong đó. Nó như một bản nhạc hùng tráng, chứng minh sức mạnh của đám đông. Tiếng vỗ tay rào rào …rào rào…Ông như phê đi, người nhẹ nâng nâng , bay bổng…bay bổng…
 
Đài truyền hình thành phố tổ chức buổi toạ đàm về tập thơ “gọi nắng”. Ông ngồi chính giữa, hai bên tả hữu là giám đốc nhà xuất bản Phạm Chí, chủ tịch hội văn nghệ thành phố Văn Chảnh. Ở đây không có tiêng vỗ tay, nhưng bù lại, có giọng nói uyển chuyển như chim hót của cô M.C mặc chiếc đầm khoét rộng cổ màu nắng rực. Lần này không phải là những lời có cánh nữa mà là những tràng pháo thăng thiên nở đầy hoa cà , hoa cải, khiến mắt ông hoa lên…hoa lên…, tai ông ù đi…ù đi…Ông thấy toàn thân như hoá đá hoa cương. Dáng ngồi của ông bệ vệ, cặp mắt nhìn xa xăm của một thi hào. Đám hậu sinh dừng lại, đọc những dòng chữ dưới chân tượng. Chúng không cần biết ông là chánh văn phòng, chúng chỉ biết ông là nhà thơ nổi tiếng của thế kỷ trước…

Ông khẽ rùng mình trở về thực tại. Nếu ông không có tập thơ, thì làm sao có những giây phút thăng hoa này. Quyết định làm thi sỹ của ông thật sáng suốt. Giời ạ...! Thế mà bây giờ mình mới nghĩ ra…
 
***
 
Quán bia Hải “béo” ồn ào như chợ vỡ. Góc trong cùng có ba người đàn ông đang chuyện trò rôm rả. Đó là Văn Chảnh, Phạm Chí và nhà thơ Trần Bồng.  Văn Chảnh mồm oang oang như chỗ không người:
-        Nói thực với các cậu, những cái được gọi là thơ trong “gọi nắng”, thực chất chỉ là ca dao, hò vè, thậm chí có những bài có thể xếp vào loại thơ con cóc…
Nhà thơ Trần Bồng mặt mũi tưng bừng, ngắt lời:
-        Thảo nào mụ vợ em , giáo viên dạy văn cấp hai hẳn hoi, cảm nhận thơ hơi bị ác đấy, mụ bảo, thơ với chả thẩn, đọc như đấm vào tai, tức anh ách…
Giám đốc nhà xuất bản Phạm Chí, nốc cạn cốc bia, thủng thẳng:
-        Tớ đang chết dở đây này. Các đại lý phát hành kêu như vạc. “Gọi nắng” ba tháng nay không bán nổi một cuốn. Khách thấy cái bìa là lạ, cầm lên xem…xong bĩu môi…
-        Họ không bĩu môi mới là lạ!- Văn Chảnh tưng tửng- Cậu bảo chết dở cái gì? Phi vụ ấy, cậu cũng ẵm "một con tinh thể lỏng" chứ còn gì nữa.
Phạm Chí đốp lại:
-        Cậu cũng kém cạnh gì đâu!
Trần Bồng, mặt xị xuống:
-        Thế mà các bác cho em mỗi hai triệu…
Văn Chảnh vỗ vai Trần Bồng, nhăn nhở:
- Chú chỉ việc biên tập lại, mà có biên tập cái con khỉ gì đâu...
Trần Bồng ngắt lời:
- Em chỉ chữa lỗi chính tả đã mất cả ngày...
Văn Chảnh cười nhăn nhở:
- Phần chú như thế là được rồi! Hoa thối… ấy chết xin lỗi..., hoa thơm… mỗi người ngửi một tý…
 
Trong khi đó, chánh văn phòng đang đi đi, lại lại để reo vần những bài thơ kế tiếp trong tập thơ mới. Tập thơ có tựa đề "Gọi gió". Phải rồi! Có nắng thì phải có gió. Luồng gió mát lành, có khi ào ạt như vũ bão sẽ chuyển tải những mong muốn của ông với tha nhân, với cuộc đời. "Gọi gió" sẽ cuốn ông lên cao, ông thấy người nâng nâng... bay bổng...bay bổng..., bên tai ông ù ù những tràng vỗ tay như mưa rào...
                                                              
                                                                   Kimle
 
<bài viết được chỉnh sửa lúc 08.08.2009 13:12:08 bởi kimle >
#1
    kimle 11.08.2009 16:08:19 (permalink)
               THÓI  QUEN TAI HẠI.
     
                                              Truyện ngắn
     
     
     Sơn “nhắng” cầm cái quạt giấy phe phẩy, khi ngang qua đám nữ sinh đang ngồi túm tụm buôn chuyện. Nó bắt chước giọng của “bóng”, ỏn ẻn:
    -        Cơn gió “đực” đây này ! Đàn bà con gái khép đùi vào nhớ…ớ…!
    Lũ con gái ôm nhau cười ngặt ngẽo. Cái Lan Anh đứng lên, tay chống nạnh, giọng vắt vẻo:
    -        Gió đực của mày gặp gió cái của chị “mất điện” luôn! Đấy…ấy.., chúng mày xem, mặt nó đỏ như đít khỉ rồi kia kìa,  nhập vai “Kim Chim Xun” rồi..! Đ…chịu được nhiệt đâu…âu…!
    Lũ con gái vỗ tay rần rần. Sơn “nhắng” đỏ lựng mặt, chắp hai tay vái Lan Anh lia lịa rồi lủi mất. Lan Anh ngồi xuống toét miệng cười.
     
    ***
     
    Ở lớp 11a2 . Lan Anh là đứa ăn nói táo tợn, bậy bạ  nhất. Nó chỉ tội cái mồm, chứ thâm tâm ruột gan không có cái gì. Lan Anh học giỏi, đối xử tốt với bạn bè, hay bênh vực những đứa hèn yếu. Chỉ có cái tội hay nói bậy. Đã có lần cô chủ nhiệm phải mời phụ huynh đến để phối hợp giáo dục. Bố nó đến, nghe cô chủ nhiệm nói xong. Ông gãi gãi đầu, xong tặc lưỡi: Chặc..! Tôi vẫn thường xuyên nhắc nhở cháu, nhưng cháu nó đ…chịu tiến bộ.
     
    Cái xóm Lan Anh ở, phần lớn là dân tứ chiếng, mọi người nói bậy thành thần . Gìa trẻ gái trai, nói bậy tuốt tuồn tuột. Nói bậy nhiều thành quen, đã quen rồi thành nghiện . Bất cứ câu chuyện gì mà không có “đệm lót” cứ thấy ngô ngố thế nào ấy.  Đầu ngõ, có bà Bê bán bánh cuốn mắc tật nói nhịu. Người cùng xóm coi là chuyện bình thường. Người lạ không biết nhiều khi đỏ mặt. Bà Bê xin lỗi, khách thông cảm ngay vì đấy là tật.
     Phải chăng, hoàn cảnh tạo nên tính cách? Trong một môi trường “ô nhiễm” như vậy, hàng ngày tiếp xúc chuyện trò, sẽ bị “đổ bệnh” và thể hiện ra ngôn ngữ lúc nào không biết.
     
    Trong lúc ra chơi, Lan Anh là trung tâm điểm của  đám nữ sinh tụ tập. Thôi thì đủ thứ chuyện “trong nhà, ngoài phố”. Bất cứ câu chuyện gì nó cũng pha thêm dấm, thêm ớt, những “gia vị” bậy bạ, rồi thì đệm lót búa xua. Tụi con gái lại thấy thích! Lâu rồi thành quen tai. Thói đời, học cái hay thì khó, học cái dở lại dễ! Chúng cũng bắt chước đệm lót, văng “phụ khoa” tứ mẹt, coi như ngôn ngữ của những hot girls hiện đại!
     
    ***
    Bạn trai của Lan Anh là Thắng. Học sinh lớp 12 cùng trường. Một buổi, hai đứa gặp nhau ở quán café. Thắng hỏi:
    -        Lan Anh không bỏ được tật nói đệm sao?
    -        Hì…hì…!Cũng phải từ từ, bỏ ngay thế đ…nào được!
    -        Đấy…! Lại đ… rồi!
    -        Đã bảo là từ từ mà lỵ. Làm đ…gì mà “soi” tớ ghê thế?
    -        Thắng thì thông cảm. Nhưng người lạ, người ta đánh giá...
    -        Trước lạ sau quen. Khi đã quen rồi thì “chuyện thường ngày ở phố”!
    -        Ngôn ngữ đường phố thì không nói làm gì. Nhưng chúng mình là học sinh…
    Lan Anh bĩu môi:
    -        Lên lớp tớ đấy à? Đây “thuộc bài” từ lâu rồi nhá. Làm đ…gì mà “vi tính” thế…ế..!
    Thắng thở dài. Trông hình thức không đến nỗi nào, cao ráo trắng trẻo, thông minh, ăn nói có duyên. Chỉ khổ nỗi mắc cái tật ấy. Từ bỏ một thói quen không phải là dễ, cần phải có thời gian…
     
    ***
     
    Bố Thắng là cán bộ của một viện khoa học. Ông chuẩn bị đi công tác dài ngày ở nước ngoài. Trước khi đi, gia đình tổ chức liên hoan để tiễn đưa. Thắng rủ Lan Anh cùng đến cho vui. Thắng dặn Lan Anh phải ăn nói cẩn thận. Tốt nhất là hạn chế tối đa phát ngôn. Lan Anh định từ chối, ngại bỏ xừ. Nhưng nghĩ đến sự nhiệt tình của Thắng, Lan Anh tặc lưỡi. Đến xem sao !?
    “Hạn chế tối đa phát ngôn”. Hừ…! Cũng là một thử thách để xem lại con người của mình. Bất cứ một thay đổi nào mà chẳng qua thử thách? Mình sẽ chứng minh cho Thắng biết. Tốt nhất là hỏi gì đáp đấy, cẩn thận đến từng dấu chấm phẩy. Đơn giản thôi! Chuyện nhỏ như con thỏ. Ok!
     
    Lần đầu tiên Lan Anh giáp mặt bố mẹ Thắng. Câu chuyện chỉ diễn ra “hỏi và đáp”, chấm hết. Thắng ngồi cạnh, luôn luôn “bật đèn đỏ” bằng cách bấm khẽ vào tay Lan Anh. Bữa cơm thân mật diễn ra xuôn xẻ, không xảy ra “sự cố” gì. Thắng lấy làm đắc ý lắm. Không ngờ Lan Anh tiến bộ trông thấy. Sống ở môi trường nào thì phải ứng xử theo môi trường ấy, đúng thôi! “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”. Phải thay đổi để hoà nhập! Cứ cái đà này, chẳng mấy chốc Lan Anh sẽ trở lại “quỹ đạo” một nữ sinh hiền thục! Thấy ánh mắt bố mẹ nhìn Lan Anh đầy thiện cảm, Thắng đã mừng cho bạn mình đã vượt qua cửa ải khó khăn nhất. Con em gái Thắng mến Lan Anh ra mặt. Nó khen mãi nước da chị trắng, mái tóc chị xuôn đẹp. Chị có giọng nói trong trẻo, hát dân ca chắc phải hay lắm. Nói tóm lại Lan Anh xứng đáng “number one!”.
     
    Cơm nước dọn dẹp xong xuôi. Lan Anh xin phép bố mẹ Thắng ra về. Ra đến ngoài cửa, đứa em gái  níu tay Lan Anh, nhí nhảnh:
    -        Bao giờ rỗi, chị lại đến nhà em chơi nhá.
    Lan Anh vuốt tóc đứa em, hấp háy mắt nhìn Thắng, mỉm cười:
    -        Chị chỉ sợ anh Thắng đ…cho chị đến…
    Tiếng “đ…” vang lên rõ mồn một, tựa như con ngựa bất kham bị gò cương quá lâu, nay vùng thoát sải vó nước đại.
    Bố mẹ Thắng ngơ ngác nhìn ra. Đứa em gái nhìn Lan Anh khó hiểu? Thắng sa sầm mặt nhăn nhó.
    Lan Anh cụp mắt xuống. Nền gạch không có một lỗ nẻ nào…
     
                                                                 
                                                         KimLe
    #2
      poisonivy 12.08.2009 03:05:32 (permalink)
      Có lẽ đây cũng là thói quen của tôi... Mà cũng đúng, không "đệm" vào câu chuyện, nghe nó không hào hứng.  Nó sao sao đấy.   Đ.... Đúng là "tai hại" thật!
      #3
        kimle 12.08.2009 22:43:05 (permalink)
        Gửi Trương văn Tú, người bạn cùng cảnh ngộ.
        Mình cũng mắc thói quen này đấy ( mắc nặng là đằng khác !) TVT ạ.
        Viết bài này cũng là tự mình sửa mình luôn. Sẩy chân còn đỡ được, sẩy miệng biết nhờ ai đỡ đây?    ( biết là khó lắm đấy, nhưng phải cố gắng vậy).
        #4
          poisonivy 15.08.2009 23:09:38 (permalink)
          Tôi bị sẩy miệng một lần nên bị mẹ tôi cho tôi vài bạt tay cũng tại mở miệng ra là Đ.... Mà tôi con cái cũng đã có rồi, chứ đâu phải trẻ đâu. Thế mà cũng bị đòn đấy
          #5
            Chuyển nhanh đến:

            Thống kê hiện tại

            Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
            Kiểu:
            2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9