HỌC LÀM THƠ ĐƯỜNG như THI NHÂN ĐỜI ĐƯỜNG
lá chờ rơi 04.08.2009 14:53:26 (permalink)
HỌC LÀM THƠ ĐƯỜNG như THI NHÂN ĐỜI ĐƯỜNG

Trong bài THƠ ĐƯỜNG - THẤY SAO NÓI VẬY những kỹ thuật làm thơ của các thi hào đời Đường đã được nêu ra để so sánh với dải số Kiểm Soát 1-8 2-3 4-5 6-7.
Muốn học theo những cách chơi phong phú ấy thì cũng không khó.

Tôi xin phép đề nghị một cách học khá dễ dàng như sau.

Nhắc lại phần căn bản :
những chữ thuộc thanh Bằng là những chữ không dấu và có dấu huyền
những chữ thuộc thanh Trắc là những chữ mang các dấu sắc, hỏi, ngã, nặng

Luật Bằng Trắc của các câu thơ 7 chữ là :
nhất tam ngũ bất luận :
tức các chữ thứ 1, 3 và 5 của câu thơ ra sao cũng được, Bằng hay Trắc đều được cả.
và nhì tứ lục phân minh :
chữ thứ 2 là Bằng thì chữ thứ 4 phải là Trắc và chữ thứ 6 phải là Bằng
chữ thứ 2 là Trắc thì chữ thứ 4 phải là Bằng và chữ thứ 6 phải là Trắc

câu thơ được gọi là theo luật Bằng khi chữ thứ 2 của nó là Bằng, gọi là theo luật Trắc khi chữ thứ 2 của nó là Trắc
bài thơ được gọi là theo luật Bằng khi câu thơ đầu tiên của nó ở luật Bằng
bài thơ được gọi là theo luật Trắc khi câu thơ đầu tiên của nó ở luật Trắc

thơ tứ cú có 2 phép Niêm là :
1-4 2-3, tức câu 1 có luật Bằng Trắc giống câu 4, và câu 2 có luật Bằng Trắc giống câu 3
và 1-3 2-4, tức câu 1 có luật Bằng Trắc giống câu 3, và câu 2 có luật Bằng Trắc giống câu 4.

Vậy là xong phần căn bản, mọi vấn đề khác sẽ nói sau, khi đến lúc.

Sau đây là cách thực hành ngắn gọn nhanh chóng :

Bài thơ được làm từng cặp 2 câu kế tiếp.

trước nhất là cặp câu 1 và câu 2, điều kiện riêng cho chúng như sau :
hai câu phải khác Luật nhau, một câu theo luật Bằng một câu theo luật Trắc, câu nào trên câu nào dưới cũng đều được cả.
Chữ thứ 7 của hai câu đều phải mang vần. ví dụ :
(số là số thứ tự các câu, x là những chữ "bất luận", T là Trắc, B là Bằng, vần là vần Bằng)

1 x T x B x T vần
2 x B x T x B vần

kế đến là cặp câu 3 và 4, điều kiện riêng cho chúng như sau :
hai câu phải khác Luật nhau, một câu theo luật Bằng một câu theo luật Trắc, câu nào trên câu nào dưới cũng đều được cả.
Hai câu này phải đối nhau.
Chữ thứ 7 của câu trên là một chữ Trắc
Chữ thứ 7 của câu dưới phải mang vần. ví dụ :

3 x T x B x T T
4 x B x T x B vần

kế đến là cặp câu 5 và 6, điều kiện riêng cho chúng như sau (giống như các câu 3 và 4) :
hai câu phải khác Luật nhau, một câu theo luật Bằng một câu theo luật Trắc, câu nào trên câu nào dưới cũng đều được cả.
Hai câu này phải đối nhau.
Chữ thứ 7 của câu trên là một chữ Trắc
Chữ thứ 7 của câu dưới phải mang vần. ví dụ :


5 x T x B x T T
6 x B x T x B vần

sau hết là cặp câu 7 và 8, điều kiện riêng cho chúng như sau :
hai câu phải khác Luật nhau, một câu theo luật Bằng một câu theo luật Trắc, câu nào trên câu nào dưới cũng đều được cả.
Chữ thứ 7 của câu trên là một chữ Trắc
Chữ thứ 7 của câu dưới phải mang vần. ví dụ :


7 x T x B x T T
8 x B x T x B vần

Bài thơ theo ví dụ trên ráp lại sẽ có phần Niêm Luật như thế này :

1 x T x B x T vần
2 x B x T x B vần
3 x T x B x T T
4 x B x T x B vần
5 x T x B x T T
6 x B x T x B vần
7 x T x B x T T
8 x B x T x B vần

Và sẽ giống với bài ĐỀ ĐÔNG KHÊ CÔNG U CƯ (1-3 2-4 Trắc, 1-3 2-4 Trắc) của Lý Bạch.
Các câu từ số 5 đến số 8 của bài bát cú được coi là một bài tứ cú thứ nhì nên dùng cách ghi thông dụng của thơ tứ cú là 1-4 2-3 hoặc 1-3 2-4 để dễ nhận ra sự thay đổi.
Còn như dùng số thứ tự các câu của bài bát cú, thì nhóm Niêm Luật trên đây phải ghi là (1-3 2-4 Trắc, 5-7 6-8 Trắc)

Các biến cách khi đảo ngược phần Luật của từng cặp :

nếu đảo hai câu 1 và 2 ta sẽ có :
(phần tô màu đậm là phần bị đảo Luật)

2 x B x T x B vần
1 x T x B x T vần
3 x T x B x T T
4 x B x T x B vần
5 x T x B x T T
6 x B x T x B vần
7 x T x B x T T
8 x B x T x B vần

một bài thơ trúng vào phép Niêm trên 1-4 2-3 Bằng, dưới 1-3 2-4 Trắc đúng nguyên tắc phép chơi của thi nhân đời Đường.

Nếu không đảo hai câu 1, 2, mà đảo 3 và 4 về phần luật, (chữ vần phải giữ ở cuối câu thứ 4) thì vẫn có :

1 x T x B x T vần
2 x B x T x B vần
4 x B x T x B T
3 x T x B x T vần
5 x T x B x T T
6 x B x T x B vần
7 x T x B x T T
8 x B x T x B vần

một bài thơ trúng vào phép Niêm trên 1-4 2-3 Trắc, dưới 1-3 2-4 Trắc tương tự như bài ĐỘC TIỂU THANH KÝ của Nguyễn Du

Nếu không đảo 1, 2, 3, 4 mà đảo 5 và 6 về phần luật, (chữ vần phải giữ ở cuối câu thứ 6) thì có :

1 x T x B x T vần
2 x B x T x B vần
3 x T x B x T T
4 x B x T x B vần
6 x B x T x B T
5 x T x B x T vần
7 x T x B x T T
8 x B x T x B vần

một bài thơ trúng vào phép Niêm trên 1-3 2-4 Trắc, dưới 1-4 2-3 Bằng như bài TỐNG TIỀN VỆ HUYỆN - LÝ THẨM THIẾU PHỦ của Cao Thích.

Nếu không đảo các câu 1, 2, 3, 4, 5, 6 mà đảo 7 và 8 về phần luật, (chữ vần phải giữ ở cuối câu thứ 8) thì có :

1 x T x B x T vần
2 x B x T x B vần
3 x T x B x T T
4 x B x T x B vần
5 x T x B x T T
6 x B x T x B vần
8 x B x T x B T
7 x T x B x T vần

một bài thơ trúng vào phép Niêm trên 1-3 2-4 Trắc, dưới 1-4 2-3 Trắc như bài KHỔ THÂN THẦY ĐỒ.

Nếu chỉ đảo phần luật của hai cặp 3, 4 và 7, 8 thì có :

1 x T x B x T vần
2 x B x T x B vần
4 x B x T x B T
3 x T x B x T vần
5 x T x B x T T
6 x B x T x B vần
8 x B x T x B T
7 x T x B x T vần

một bài thơ trúng vào phép Niêm 1-4 2-3 Trắc, 1-4 2-3 Trắc, giống như bài KHÚC GIANG ÐỐI TỬU
của Đỗ Phủ và được dải số KS chấp nhận.

Tóm lại cách làm thơ Đường từng cặp với 1 câu theo luật Bằng 1 câu theo luật Trắc như chỉ dẫn trên, thì bất luận là thứ tự Bằng Trắc của các câu trong từng cặp ra sao, cũng đều không bao giờ bị sai Niêm, vì sẽ luôn trúng vào các cách chơi phóng khoáng của thi nhân đời Đường. Và cách chơi của thi nhân đời Đường thì bao gồm luôn những cách chơi của dải số KS, nên trong số những tác phẩm hình thành sẽ luôn có các bài thơ được dải số KS 1-8 2-3 4-5 6-7 chấp nhận.
Người đã quen chơi với cách làm thơ theo dải số KS, có thể sẽ thấy thoải mái hơn với cách làm thơ này, vì chỉ cần săn sóc từng hai câu một.

Chúc các bạn vui.
Thân mến.

Lá chờ rơi 04/08/09
<bài viết được chỉnh sửa lúc 20.08.2009 16:22:06 bởi lá chờ rơi >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9