THĂNG LONG - HÀ NỘI: những địa điểm văn hoá
venus4t.vns_hnu 08.08.2009 22:29:10 (permalink)
Kính chào các bạn!
ND mở topic này nhằm sưu tầm những địa điểm văn hoá - lịch sử nổi tiếng ở Hà Nội nhằm phục vụ cho mọi người ở nơi xa khi có điều kiện thăm thủ đô của chúng ta. Hi vọng rằng, những bài ND sưu tầm và post ở đây sẽ giúp cho các bạn chút ý niệm nào đó về các giá trị văn hoá lịch sử mà dân tộc chúng ta đã tạo dựng nên mà Hà Nội là địa phương vinh dự được sở hữu và gìn giữ cho các thế hệ người Việt chúng ta hiện nay và mai sau!
*****************

RƯNG RƯNG LOA THÀNH



Mỗi người Việt Nam, từ thuở thiếu thời, mấy ai không một lần vanh vách đọc: “Thành Cổ Loa xưa, vua An Dương Vương có người con gái tên là Mị Châu…”. Bài học thơ ấu đó, không dừng lại ở chuyện trả bài trên lớp, còn theo ta suốt cuộc đời, để mỗi lần ngẫm ngợi, ta dễ cảm thấy một nỗi tự hào thầm kín về đất nước linh thiêng và hào hoa hay đôi lúc lại ngậm ngùi xót xa, tiếc nuối cho nàng công chúa có “trái tim lầm chỗ để trên đầu”… nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu”… Để rồi, dù không phải lần đầu đặt chân tới miền đất đầy huyền tích ấy, ta vẫn thấy lòng mình trào lên nỗi niềm rưng rưng xúc cảm…
Thành Cổ Loa không phải là cổ tích! Trải qua hàng nghìn năm với bao biến thiên lịch sử, cố đô của nước Âu Lạc vẫn trầm mặc, uy nghi trên nền xưa, lối cũ và câu chuyện “thực như mơ, mơ như thực” về thần Kim Quy, về nỏ thần, về mối tình Mị Châu – Trọng Thủy… vẫn là bài học đầy đau xót về kinh nghiệm dựng nước và giữ nước của dân tộc. Từ nửa sau thế kỷ thứ III trước Công nguyên, Thành Cổ Loa được An Dương Vương – Thục Phán dựng lên bên tả ngạn sông Hoàng Giang để làm kinh đô nước Âu Lạc (nay thuộc địa phận huyện Đông Anh, Hà Nội). Câu chuyện dựng thành được gắn với huyền thoại thần Kim Quy giúp vua diệt tinh Bạch Kê và ban tặng móng thần dùng làm lẫy nỏ chống giặc ngoại xâm.
Triệu Đà – chúa đất Nam Hải, mấy lần mưu tính đánh Âu Lạc không thành, đã giả kết mối bang giao thuận hòa, lập mưu cho con trai mình là Trọng Thủy làm rể vua Thục rồi lừa lấy mất nỏ thần. Khi Triệu Đà kéo quân sang đánh, An Dương Vương vì thất thế, phải dắt Mỵ Châu chạy về phía Nam. Nhưng càng chạy, quân địch càng đuổi theo ráo riết, bởi Mị Châu đã ngây thơ vặt lông ngỗng từ áo khoác, rắc suốt dọc đường đi với tâm nguyện giúp chồng tìm được mình mà không biết đã vô tình chỉ đường cho giặc đuổi tới. Chạy đến cửa biển vùng Diễn Châu, đúng lúc cùng đường, vua được thần Kim Quy hiện lên, báo cho biết rằng: “Kẻ thù ngồi sau lưng đó!”. Tỉnh ngộ, An Dương Vương rút kiếm chém đầu con gái rồi trẫm mình xuống biển. Đau xót và ân hận trước cái chết của vợ, Trọng Thủy đã gieo mình xuống giếng trong Loa thành tự vẫn.

Một góc Thành Cổ Loa xưa
Sau sự kiện An Dương Vương mất nước, Thành Cổ Loa trở thành miền đất u tịch cho mãi đến thời đại của Ngô Quyền (939 – 944). Sau khi đánh tan giặc Nam Hán, Ngô Quyền chính thức xưng vương, chọn cố đô Âu Lạc làm nơi định đô và cho xây dựng nơi thiết triều của mình ngay trên nền thiết triều cũ. Một số kiến trúc xưa của thời kỳ Âu Lạc vì thế cũng có ít nhiều thay đổi, song hầu hết vẫn mang đậm dấu ấn của quá khứ xa xưa. Để tưởng nhớ vua An Dương Vương của nước Âu Lạc, trong khu vực nội thành, nhân dân đã xây dựng nhiều công trình tưởng niệm như: Đền Thượng (nơi thờ vua), đình Ngự triều di quy… Những di tích này, được xác định xuất hiện từ thế kỷ XVII và thế kỷ XVIII, đến nay vẫn còn tồn tại gần như nguyện vẹn với rất nhiều di vật quý giá như: Tượng An Dương Vương bằng đồng phiến đá mô phỏng hình Mị Châu bị chặt đầu; bức hoành phi khắc 4 chữ hán “Ngự triều di quy”; đôi rồng đá đời Trần; hai con ngựa hồng, ngựa bạch…
Không chỉ gắn với nhiều huyền tích, Thành Cổ Loa đặc biệt nổi tiếng, là di sản văn hóa quan trọng và đặc sắc của đất nước, bởi đây là di tích kiến trúc quân sự cổ bậc nhất còn tồn tại ở nước ta, là di tích kinh đô cổ thứ hai của đất nước (chỉ đứng sau Phong Châu của nước Văn Lang) với nhiều thành lũy lớn chứng tỏ sự phát triển vượt bậc về tổ chức quân sự và trình độ xây dựng thành lũy. Thành Cổ Loa xưa không chỉ có chức năng là quân thành mà còn là thị thành và kinh thành của người Việt cổ. Chính vì vậy, bên cạnh yêu cầu đảm bảo yếu tố quân sự, Thành còn phải phù hợp, tạo thuận lợi cho người dân sinh sống và buôn bán, trao đổi.
Theo sử cũ, Thành Cổ Loa được xây dựng theo hình xoắn ốc với 9 vòng xoáy. Tuy nhiên, không kể những ụ công sự và những đoạn lũy thành riêng lẻ, thì Thành Cổ Loa ngày nay chỉ có 3 vòng thành được đắp bằng đất, chân kè đá, với tổng chu kỳ các vòng thành là 16 km. Trên cả ba vòng thành có tổng cộng 72 ụ công sự (hay còn gọi là ụ hỏa hồi – nơi trữ rơm rạ để khi cần thì đốt lửa báo hiệu). Cửa của ba vòng Thành đều được bố trí lệch chéo nhau tạo nên một đường quanh co ở những vị trí tiếp nối giữa hai cửa Thành, gây nhiều khó khăn cho quân địch khi tìm cách tiến đánh. Phía ngoài mỗi lũy Thành lại có hào sâu, rộng, hệ thống hào nối tiếp nhau tạo thành mạng lưới giao thông giúp thuyền bè đi lại dễ dàng, có bến neo đậu rộng lớn chứa được cả trăm thuyền, bè… Được đánh giá là cố đô có hệ thống vòng thành hoàn chỉnh và cổ nhất ở Việt Nam, lũy Thành dạng xoắn ốc của di tích Cổ Loa còn là kiểu kiến trúc hiếm có trên thế giới. Bởi các giá trị đó, từ năm 1962, di tích Thành Cổ Loa đã được Nhà nước xếp hạng Di tích cấp quốc gia, được bảo vệ và đầu tư tôn tạo.
Cổ Loa bây giờ còn là khu di tích khảo cổ lớn, nơi có nhiều di chỉ khảo cổ được phát hiện, là minh chứng cho sự tồn tại của các giai đoạn lịch sử: Đồ đồng, đồ đá, đồ sắt với hàng vạn dị vật có giá trị như: Mũi tên đồng (gắn với truyền thuyết nỏ thần), trống đồng, rìu, bộ sưu tập lưỡi cày đồng… Từ năm 1995 cho đến nay, nhiều công trình, hạng mục thuộc di tích Thành Cổ Loa đã được Nhà nước quan tâm đầu tư tu bổ, tôn tạo như: Trùng tu hệ thống cửa, sàn thiết yếu ở đình Ngự triều di quy, cột gỗ ở Đền thượng; đại tu am Mị Châu, cổng Ngọ Môn… Đặc biệt, hướng tới Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, Trung tâm Bảo tồn, tôn tạo di tích Cổ Loa – Thành cổ Hà nội và huyện Đông Anh đang gấp rút hoàn thành Dự án Quy hoạch tổng thể khu di tích Cổ Loa để trình lên Thủ tướng Chính phủ và UBND thành phố. Từ nay cho đến thời điểm đó, các công trình, các hạng mục ở trong khu vực di tích Cổ Loa có dấu hiệu xuống cấp như: Đình Cậu Cả, điểm xóm Vang… sẽ được lập kế hoạch đầu tư tu bổ, tôn tạo. Trong đó, riêng trong năm 2009, Trung tâm Bảo tồn, tôn tạo di tích Cổ Loa – Thành cổ Hà Nội và huyện Đông Anh sẽ tập trung sửa sang, cải tạo trụ sở UBND xã Cổ Loa (cũ) để làm nhà trưng bày hiện vật, di vật khảo cổ được ở quanh khu vực di tích, thay thế cho việc trưng bày hiện vật tạm bợ hiện nay tại sàn đình Ngự Triều Di Quy, tập trung cải tạo sàn đình – nơi thiết triều của hai triều vua trước: An Dương Vương và Ngô Quyền…
Những việc làm khẩn trương nhưng đầy cẩn trọng này của Trung tâm Bảo tồn khu di tích Cổ Loa – thành cổ Hà Nội và huyện Đông Anh đều không nằm ngoài mục đích bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích Thành Cổ Loa, gìn giữ một cách nguyên vẹn nhất những giá trị lịch sử, văn hóa vật thể và phi vật thể quý giá của di tích./.
Theo Hà Nội ngàn năm

Venus sưu tầm từ:
http://vovnews.vn/Home/Rung-rung-Loa-Thanh/20097/117884.vov

<bài viết được chỉnh sửa lúc 09.08.2009 12:36:17 bởi venus4t.vns_hnu >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9