nguyenthu
-
Số bài
:
305
-
Điểm thưởng
:
0
- Từ: 13.02.2008
- Nơi: Tiền Giang
|
Truyện không đọc lúc nửa đêm
-
10.08.2009 21:05:07
UẤT KHÍ CHƯA TAN
Tuy không phải vào dịp nghỉ cuối tuần hay lễ tết gì đặc biệt, nhưng nhà hàng Trùng Dương vẫn đông nghịt khách khứa ra vào, bãi đỗ xe phía trước nhà hàng chật kín những chiếc xe hơi đời mới sang trọng và bóng lộn. Đội ngũ tiếp tân và bồi bàn bận tối mặt tối mũi, ngay cả ông chủ Lập Phát ngồi sau quầy tính tiền cũng bận rộn tíu tít với những hồi chuông điện thoại gọi đến và xấp đơn đặt hàng dày cộm để cạnh bên. Dù không có được một chút hở tay, nhưng ông Lập Phát mặt mày hớn hở ra vẻ vừa ý lắm. Không vui sao được khi mà ông đã bỏ toàn bộ vốn liếng dành dụm hơn nửa đời người cùng với số nợ kếch sù vay của ngân hàng vào việc đầu tư cho nhà hàng này. Ngày ngày nhìn những đoàn thực khách tấp nập vào ra ông Lập Phát như mở cờ trong bụng. Thời gian chưa lâu mà gần như ông đã sắp thu lại được vốn liếng rồi. Nhớ lại khoảng thời gian trước, khi nhà hàng này còn chưa được thành hình, mà nó chỉ mới là ý tưởng trong đầu ông thôi thì toàn bộ người thân, bạn bè không có lấy một người ủng hộ, ai cũng cho rằng ông liều lĩnh, không biết suy tính trước sao, dám đem toàn bộ tài sản của mình đặt vào một ván cờ không nắm chắc phần thắng. Nhưng vốn là người dám nghĩ dám làm, vả lại ông Lập Phát cũng hiểu được trong kinh doanh, đôi khi chỉ với một tỉ lệ thành công rất nhỏ nhưng nó giúp người ta phát đạt không ngờ! Không có gan thì không thể làm giàu một cách nhanh chóng được, cứ lựa chọn con đường bằng phẳng trơn tru thì thì khó mà đạt được thành tựu lớn. Đôi khi con người ta cũng phải biết phiêu lưu mạo hiểm một chút mới được. Ông Lập Phát quyết định mua lại khu biệt thự rộng lớn này với hai lý do, một là vì giá cả của nó quá hời, với cùng số tiền ấy không thể tìm mua ở đâu được một mảnh đất đắt địa và rộng lớn như thế. Hai là vì nó rất hợp với ý định mở nhà hàng của ông. Khu biệt thự này nằm ngay trên một con đường lớn của thành phố biển này, nhưng lại không quá ồn ào bụi bặm, con đường mát rượi, thơ mộng và vắng vẻ, rất phù hợp với sự lựa chọn của khách du lịch nước ngoài cũng như của người bản xứ. Cái lý do mà một khu như vậy lại đượckêu bán với một giá quá hời là vì người ta đồn đại ở đó có ma. Hai năm trước, đôi vợ chồng trẻ chủ của khu biệt thự này đã chết thảm trong đó, và hồn ma của họ không ngừng quấy nhiễu khiến những người sống trong khu vực gần đấy cũng phải hoảng sợ. Vì thế cho nên không một người nào dám bỏ tiền ra để ra mua nó để ở hoặc kinh doanh, vì những câu chuyện ma quái được kể lại, truyền mịêng nhau rất rùng rợn, thêm thắt nhiều chi tiết kinh hoàng trong đó đáng sợ nhất là lời nguyền độc địa sẽ không có bất kỳ người nào được hạnh phúc, sung sướng khi sống trong ngôi nhà đó. Với đầu óc thương mại sẵn có, ông Lập Phát nhanh chóng nhìn ra mối lợi. Ông mua được khu biệt thự này với giá rẻ mạt, sau đó đập bỏ đi và xây lên nhà hàng Trùng Dương như ngày hôm nay. Thấy sự thành công của ông Lập Phát, nhiều người suýt xoa tiếc rẻ, ở đời ai mà học được chữ ngờ, nếu biết thì có lẽ ai cũng làm giàu rồi. Tên nhà hàng Trùng Dương cũng là do ông Lập Phát nặn óc mấy ngày liền mới nghĩ ra. Bạn ông Lập Phát có người đoán xa đoán gần ông muốn mở quán nhậu, bán thịt dê, có người thì nổ dùm cho ông, nói ông là chân truyền đệ tử đời thứ ba mươi lăm của Vương Trùng Dương bên Tàu. Sự thật rất là đơn giản, ông Lập Phát chỉ muốn lấy tên Trùng Dương để trị tà. Ông là người tin có quỷ ma, có oan hồn, ma ở cõi âm, nếu muốn cho ma đừng quấy phá, lấy Dương trị Âm, Dương mà Trùng một cặp nữa thì chắc ăn như bắp. Bởi vậy nên nhà hàng ông Lập Phát càng ngày càng đông khách . Thực khách vẫn ra vào tấp nập, bàn này vừa xong thì lớp khách khác liền được xếp vào chỗ. Ông Lập Phát nghe xong một cuộc điện thoại đặt bàn vào ngày mai với số lượng lớn, mặt ông giãn nở ra một cách khoan khoái. Đặt điện thoại xuống bàn, vừa ngước mặt lên ông Lập Phát bắt gặp một gương mặt quen thuộc đang tươi cười nhìn ông: - Chào bác! Lúc này bác làm ăn thế nào? Người thanh niên đứng trước quầy cất tiếng. Ông Lập Phát trễ kính xuống, nhíu mày nhìn cho kỹ rồi reo lên: - Trời đất ơi, thằng Thiện! Cháu ra tới hồi nào sao không gọi cho bác biết trước? Lâu dữ lắm rồi mới gặp lại cháu đó nghen! Ông Lập Phát khựng lại vì nhận thấy bên cạnh Thiện còn có một cô gái đang đứng khép nép. Ông Lập Phát chưa kịp hỏi thì Thiện dã nhanh nhảu giới thiệu: - Dạ thưa bác, đây là Loan, vợ sắp cưới của cháu! Còn đây là bác Lập Phát mà lúc nãy anh đã nói với em. Chào bác đi em! - Dạ, cháu chào bác! Cô gái ngoan ngoãn cúi đầu thật thấp để chào ông Lập Phát. Nhìn đôi trai gái, ông Lập Phát thật hài lòng bởi vì trông hai đứa nó thật xứng đôi. Thiện tuy không phải cháu ruột của ông nhưng ông rất thương yêu và quý trọng. Ông Lập Phát với cha mẹ Thiện là chỗ anh em bạn chí cốt với nhau. Thuở ông Lập Phát còn hàn vi, cha mẹ Thiện chính là người đã cưu mang và giúp đỡ ông từng bước một trong con đường kinh doanh lắm bon chen này. Bây giờ, dù gia thế ông Lập Phát đã vượt xa hẳn gia đình Thịên, nhưng ông vẫn giữ một lòng cung kính, thương yêu. Trong số ba người con của bạn, ông Lập Phát đặc biệt quan tâm đến Thiện nhiều nhất, vì từ nhỏ hai bác cháu đã luôn quấn quýt bên nhau. Có đôi khi ông cảm thấy Thiện giống như một đứa con trai ruột thịt của mình chứ không phải chỉ là con của người bạn thân. Từ hồi ông Lập Phát chuyển nhà về thành phố biển này sinh sống, ông và gia đình Thiện tuy vẫn giữ mối liên hệ chặt chẽ, nhưng ít có dịp gặp nhau vì ai nấy đều bận bù đầu với công việc của mình. Thiện cũng đã tốt nghiệp Đại học, ra trường về phụ trách một chi nhánh của cha mình ở một tỉnh xa nên lại càng ít có dịp gặp mặt ông Lập Phát. Hôm nay Thiện đưa vợ sắp cưới ra tận đây giới thiệu với ông làm ông vô cùng cảm động. Tiếp tân đã kịp mang ghế và nước uống tới tiếp đãi khách của ông chủ, nhưng ông Lập Phát vẫn chưa hài lòng. Ông bảo: - Hai cháu lại bàn này ngồi, bác cháu ta vừa nói chuyện vừa gọi món ăn luôn thể! Thiện cười từ chối: - Dạ thôi khỏi , hai đứa tụi cháu chưa thấy đói. Chúng cháu ngồi đây nói chuyện với bác được rồi ạ! Ông Lập Phát gật gù: - Ừ, thôi vậy cũng được! Mà hai cháu hôm nay ra tận đây thăm bác, có mời đám cưới luôn chưa? - Dạ, chưa đâu ạ! Cháu đưa Loan ra đây ra mắt bác, đồng thời muốn nhờ bác một việc… Mà đáng lẽ ba má cháu phải ra đây thưa chuyện với bác mới là phải phép, nhưng sẵn cháu đưa vợ sắp cưới đi chào bác, cháu xin phép thưa luôn… Thiện cười. Ông Lập Phát nhanh nhẹn nói: - Có chuyện gì cháu cứ việc trình bày, bác sẵn sàng giúp cháu… Đừng có khách sáo như vậy mà làm bác buồn lòng. Mình là người trong nhà với nhau mà, bác coi cháu như con trai của bác vậy, cháu không phải ngại. Nào, chuyện đó là chuyện gì? Thiện ngó Loan rồi quay sang nói với ông Lập Phát: - Dạ… tụi cháu dự định sẽ tổ chức tiệc cưới ở thành phố biển này, nhưng các nhà hàng tiệc cưới ở đây đều đã có người đặt trước vào hôm đó hết rồi. Cháu… cháu muốn nhờ bác giúp đỡ… Nhà hàng của bác có thể tổ chức tiệc cưới không ạ? Ông Lập Phát thở phào nhẹ nhõm, tươi cười: - Cháu làm bác hồi hộp, cứ tưởng là chuyện gì to tát lắm! Nhà hàng của bác từ hồi khai trương đến nay chưa từng nhận đặt tiệc cưới, nhưng ý định này đã có trong đầu bác rồi. Nay nhân tiện đám cưới của hai cháu, bác sẽ khai trương luôn thể! Biết đâu hai cháu mở hàng lấy hên cho bác, bác còn cảm ơn không hết nữa là… Thiện nhìn Loan nháy mắt: - Em thấy chưa, anh đã bảo nhất định bác sẽ lo được cho mình mà em cứ không tin. Ở đây rộng rãi đẹp mắt, tha hồ cho khách khứa hai họ đến chung vui, tha hồ cho cô dâu chụp ảnh nhé? Loan thẹn, khẽ chạm vào tay Thiện tỏ ý không cho Thiện nói nữa. Ông Lập Phát cười thật tươi: - Bác nhất định sẽ không làm cho ba mẹ các cháu và các cháu phải thất vọng đâu. À, mà còn bao lâu nữa, cháu cho bác biết để bác còn chuẩn bị? - Dạ, là ngày mười lăm tháng mười một tới đây ạ! Có gấp lắm không bác? Định ngày rồi nhưng thịêp cưới cháu vẫn chưa cho in, vì phải còn chờ chọn được địa điểm… Thiện có vẻ lo. Ông Lập Phát nhẩm tính một chút rồi nói: - Không sao, được! Còn một tháng nữa là được rồi, bác kịp thời gian chuẩn bị mọi thứ… Thiện cảm động nắm chặt hai bàn tay ông Lập Phát lắc lắc: - Cảm ơn bác, chúng cháu cảm ơn bác thật nhiều! Bàn xong việc tiệc tùng cưới hỏi, ba bác cháu lại xoay quanh hỏi han nhau về gia đình và công việc làm ăn, chuyện trò thật say mê, vui vẻ. Liếc nhìn đồng hồ thấy đã hơn chín giờ tối, ông Lập Phát hối bồi bàn dọn thức ăn đãi khách. Chỉ trong chớp nhoáng, trên bàn đã bày la liệt các món ăn ngon lành nhất, nổi tiếng nhất của nhà hàng Trùng Dương, khiến Thiện và Loan rất cảm động. Aên uống xong, mặc dù ông Lập Phát hết lời mời mọc Thiện và Loan về nhà ông nghỉ ngơi, nhưng Thiện khéo léo từ chối bởi anh biết Loan còn ngại lắm. Hai người sẽ về một khách sạn ở gần đó để được thoải mái, tự do hơn. Đưa Thiện và Loan ra tận cổng, chờ cho hai người cháu lên tắc xi đàng hoàng rồi ông Lập Phát mới chịu quay vào. Lúc này nhà hàng đã dần thưa khách nhưng nhân viên trong nhà hàng vẫn còn bận bịu luôn tay. Ông Lập Phát không trở vào chỗ ngồi của mình bên trong quầy thu tiền mà đi thẳng xuống bếp. Tôi nay ông muốn bàn với hai người bếp trưởng của ông về vấn đề nhà hàng sẽ mở thêm dịch vụ tổ chức tiệc cưới. Và trước mắt là phải lập thực đơn cho đám cưới của Thiện vào đúng một tháng tới đây. Nhà hàng Trùng Dương có hai bếp trưởng, một người chuyên nấu các món thuần Việt, một người lo các món Tây, Tàu. Đám cưới của Thiện vừa là đám trong gia đình, vừa là đám khai trương nên ông Lập Phát muốn tổ chức thật linh đình về mặt nghi lễ, hình thức cũng như tiệc tùng. Các món ăn thì ông muốn chúng phải được kết hợp với nhau một cách thật độc đáo, gây dấu ấn đặc biệt cho tất cả thực khách ngày hôm đó. Muốn thực hiện được như vậy, nhất thiết ông phải bàn bạc thật kỹ lưỡng trước với chú Tân và chú Dũng. Ông Tân là bếp trưởng phụ trách các món Tây - Tàu, đồng thời lại có thêm tài tổ chức rất khéo léo. Dũng tuy nhỏ tuổi hơn nhưng tay nghề nấu các món ăn thuần Việt thì không chê vào đâu được. Ông Lập Phát nhờ có hai tay đầu bếp này nên nhà hàng Trùng Dương mới nổi tiếng nhanh như vậy. Ông Lập Phát đã phải trả lương cho hai người này rất cao và đối xử với họ rất tốt nên mới có thể giữ chân họ ở lại đây hơn một năm nay. Tính tình ông Tân có hơi khó chịu. Ông thường hay cáu bẳn nạt nộ mọi người mỗi khi có chuyện gì không vừa ý. Nhưng bù lại, ông luôn bênh vực họ khi ông chủ có ý phiền hà hay muốn đuổi việc một ai khi họ phạm lỗi. Tối nay, khi ông Lập Phát vừa bước chân vô tới bếp đã nghe tiếng ông Tân quát tháo om sòm trong đó. Ông Lập Phát phải gọi đến lần thứ hai ông Tân mới nghe thấy và quay lại: - Dạ, ông chủ gọi tôi có việc gì? Ông Lập Phát không trả lời mà hỏi lại: - Ai chọc gì chú mà chú gận dữ vậy? Cơn giận trong người ông lại được dịp bùng lên, ông kể lể: - Con dao chặt thịt tôi mới vừa để ra đó, quay đi một cái là biến mất tiêu, hỏi ai cũng không nhận, vậy có tức không chứ? Chẳng lẽ con dao có cánh bay lên hay mọc chân đi ra chỗ khác sao? Không có con dao đó tôi còn làm ăn gì được, giỡn đâu có kiểu giỡn kỳ lạ thế! Mà dù có ai đó ghét tôi, thù tôi thì bản thân tôi cứ đánh cứ chửi thẳng vào, mắc mớ gì lại đi giấu đồ nghề của tôi… Vừa nghe ông Tân hậm hực trút bầu tâm sự, ông Lập Phát vừa đưa mắt ngó bao quát qua căn bếp, bất ngờ ông nhìn thấy trên giá gỗ là con dao to bản mà ngày thường ông Tân vẫn thường sử dụng đang nằm lù lù trên đấy. - Phải con dao của chú đó không? Đưa tay chỉ lên giá, ông Lập Phát hỏi. Ông Tân ngó lên và bỗng trợn trừng mắt, mồ hôi rịn ra trên trán: - Ủa… trời ơi… sao nãy giờ tôi tìm không thấy? Kỳ thiệt đó nghen, tôi đã lục tung tất cả rồi, nếu nó nằm chình ình vầy mọi người cũng phải thấy chứ! Hổng lẽ thật sự có ma? Mọi người trong nhà bếp đều biết ông Tân có tính nóng nảy cục cằn, nhưng lần này bị mắng oan họ cũng ức lắm, tuy nhiên họ cũng tỏ ra thắc mắc vì đúng là lúc nãy ai ai cũng ngó quanh quất mà đâu có thấy con dao treo trên đó. - Lần sau có muốn chửi ai thì nhớ coi trước coi sau rồi hãy chửi nghen cha nội! Dũng lên tiếng. Vì anh cũng rất bực tức từ nãy đến giờ. Ông Lập Phát không muốn không khí bất hòa kéo dài nên đứng ra can thịêp: - Thôi thôi, có gì đâu, anh em với nhau mà, chỉ là hiểu lầm thôi! Xí xóa hết cho rồi… Ông Tân quay trở lại với cái chảo và bếp lửa đang cháy hừng hực, mùi dầu mỡ thơm lừng bốc lên xèo xèo, tay ông làm việc thoăn thoắt nhưng miệng vẫn lầu bầu: - Tôi mà nói sai thì cho quỷ tha ma bắt tôi đi, lúc nãy rõ ràng con dao không có ở đây, nếu không phải là người phá thì là mấy con ma phá tôi, chứ không có chuyện tôi nhìn xớn xác được… Ông Tân giật mình, hơn một năm qua, hầu như mọi người đã quên đi, không ai nhắc lại chuyện ma quái trước đây. Bây giờ biết đâu do câu nói vô tình của ông Tân mà sẽ làm mọi người hoảng hốt. Lo sợ điều đó nên ông Lập Phát vội nói át đi: - Có thể hôm nay chú Tân mệt mỏi nên bị hoa mắt cũng hổng chừng! À, tôi có chuyện có quan trọng cần bàn với chú Tân và cậu Dũng đây. Chút nữa xong việc, hai người ở lại gặp tôi, mình cùng trao đổi vài vấn đề nhé? Thấy ông Tân, Dũng và những người phụ việc trong bếp đều nhìn mình với vẻ lo ngại, ông Lập Phát nói rõ hơn để họ yên tâm: - Là chuyện làm ăn quan trọng, tôi muốn hỏi ý kiến hai người… Nói xong, ông Lập Phát trở lên quầy để chuẩn bị tổng kết sổ sách. Những người trong bếp lại tiếp tục công việc của mình. *** Đã hơn mười một giờ đêm, nhà hàng Trùng Dương trở nên vắng lặng hẳn đi, bãi đậu xe phía trước trống trơn không còn lại một chiếc nào, tất cả thực khách và đa số nhân viên đều đã ra về. Dưới ánh sáng còn lại của bóng đèn trắng duy nhất chiếu ra từ phía trong, tiếng tích tắc của cái đồng hồ treo tường và chiếc tủ lạnh loại súp bờ trong nhà bếp lâu lâu giật nẩy người lên kêu xè xè vọng ra làm không khí trở nên tĩnh mịch lạ thường. Ông Lập Phát lôi gói thuốc lá ra mời ông Tân và Dũng. Ông Tân xua tay tỏ ý cám ơn, tối nay ông cảm thấy muốn bịnh, nên tự rót cho mình một ly trà nóng uống vào cho tỉnh táo. Miệng ông Tân vẩu ra theo thói quen, tay cầm tách trà đưa lên miệng. Bên chiếc bàn tròn, ba người đàn ông ngồi chơ vơ trên ba chiếc ghế, mấy cái ghế còn lại đều được dựng ngược gác lên bàn cho dễ quét dọn. Ông Tân hỏi, giọng bồn chồn: - Có chuyện gì vậy ông chủ? Ông Lập Phát nhịp nhịp mấy ngón tay lên mặt bàn, mắt lơ đãng ngó quanh như đếm, như ước lượng số bàn ghế khoảng không gian của nhà hàng Trùng Dương vậy. - Tôi đang dự định nhận thêm tiệc cưới ở đây, chú Tân và cậu Dũng nghĩ sao? Nếu cần thì tôi sẽ mướn thêm đầu bếp về phụ giúp hai người? Dũng đưa tay vuốt vuốt mấy sợi tóc lòa xòa trên trán mình chừng như đang suy nghĩ. Anh biết thêm việc là tất nhiên tiền lương sẽ tăng lên nhưng đồng thời trách nhiệm cũng nặng nề hơn nữa. Nhưng dẫu sao mỗi tháng lại có thêm một khoản thu nhập không nhỏ để lo cho cái tổ ấm vừa xây dựng cùng cô người vợ mới cưới thì vẫn tốt hơn. Nhưng thật bất ngờ, ông Tân đang ngồi bỗng đứng bật dậy nói dõng dạc: - Không! Không được! Nhất định là không được đâu… Đến lượt ông Lập Phát ngạc nhiên trợn mắt hỏi: - Sao lại không được? Chú nói tôi nghe xem sao? Ông tân nhìn chăm chăm vào góc nhà hàng, nơi đặt dàn nhạc mà đã lâu rồi không ai sử dụng tới, rồi lại nhìn ông Tân, nói một cách chậm rãi: - Bộ ông chủ không nhớ chỗ này có người chết sao? Dũng ngạc nhiên ngó sững ông Tân. Thấy vậy ông Lập Phát thở dài nói: - Làm sao tôi quên được, chính tôi đã nhờ chú đi mời thầy địa lý, coi phong thổ địa lý dùm cho tôi, trước khi tôi quyết định mua chỗ này ma... Ông Tân ngắt lời: - Thì đó! Cũng nhờ mạng ông chủ khắc với mạng của người đã chết, vả lại lúc đó ông chủ chỉ nói sẽ mở nhà hàng phục vụ ăn uống. Tôi vẫn còn nhớ, lúc đó ông thầy địa lý có nói với tôi, mở nhà hàng ăn uống thì được nhưng đừng có nhận đặt tiệc cưới xin, vì các vong hồn ở đây rất ghen ghét với những ai hạnh phúc hơn họ… Chính vì vậy tôi khuyên ông chủ đừng có mở thêm cái khoản này, không phải tôi lười nhác gì đâu mà là tôi thật sự sợ… Ông Lập Phát chưa kịp nói gì thì Dũng đã tò mò hỏi: - Chú có biết ai chết không? Mà tại sao họ chết vậy? Mình biết rõ thì có thể rước thầy về tụng kinh cầu siêu cho họ… Nghe Dũng hỏi như được gãi trúng chỗ ngứa, ông Tân hăng máu lên nói: - Xin phép ông chủ, sẵn tối nay nói về chuyện này tôi xin kể hết cho ông chủ và cậu Dũng đây nghe về cái chết của họ. Đây là câu chuyện hoàn toàn thật chứ không phải những chuyện đã được nêm nếm gia vị mà người ta kể rần rần dạo trước. Bởi vì… tôi có quen với người đã chết. Ông Tân hỏi nhưng không chờ ông Lập Phát có đồng ý hay không đã vội kể ra một tràng liên tiếp: - Đó là hai vợ chồng còn rất trẻ. Hai đứa nó mới cưới nên thương yêu nhau lắm. Khu biệt thự này là do gia đình thằng chồng để lại cho tụi nó. Thằng chồng tuy giàu có nhưng lại rất hiền lành, chưa bao giờ lớn tiếng cãi cọ với ai, lại rất mực cưng chìu vợ. Vì con vợ quá đẹp nên nó càng cưng chìu dữ tợn lắm. Đi làm thì thôi, hễ về tới nhà nó quấn lấy vợ không rời, đưa vợ đi dạo phố, đi mua sắm trông rất là hạnh phúc. Cứ tưởng giàu có như tụi nó thì cuộc sống không có gì phải lo, vợ chồng không có gì phải cắn đắng xích mích nhau. Ai dè đâu… người giàu cũng khóc! Cưới nhau chưa đựơc tròn năm là bắt đầu có chuyện. Bởi vì con vợ quá đẹp nên không tránh khỏi những ánh mắt dòm ngó bên ngoài. Mà giống đờn bà con gái họ nhẹ dạ lắm, cả tin lắm, cứ ai nói thật ngọt ngào thật bùi tai vào là trước sau gì họ cũng đổ thôi. Mới đầu con vợ còn lén lút quan hệ với một tay Việt kiều đại gia, nhưng về sau nó ngang nhiên bỏ nhà đến sống hẳn với gã đó. Thằng chồng nài nỉ van xin hoài không được cũng đành phải buông xuôi chứ nhất quyết chưa chịu ly dị, vì nó vẫn còn mong mỏi một ngày nào đó con vợ nó quay trở lại với gia đình. Một hôm, tưởng thằng chồng đi làm nên con vợ kêu gã nhân tình chở về nhà cũ để lấy thêm một ít đồ đạc. Khi xe tới cổng, thằng nhân tình ngồi đợi ngoài xe, còn con vợ đi thẳng vô nhà. Ai dè hôm đó thằng chồng buồn bã nằm nhà uống rượu. Gã nhân tình ngồi chờ mãi vẫn không thấy con vợ trở ra, lo lắng nên hắn xông thẳng vào bên trong, thì hỡi ôi, một cảnh tượng hãi hùng đang bày ra trước mắt: Con vợ nằm giữa nhà, trên người đầy thương tích, thằng chồng gục xuống kế bên với một nhát dao đâm vào bụng và kéo dài xuống làm ruột gan đôt ra có nùi… máu me lênh láng khiến thằng Việt kiều sợ vãi cả ra quần, vừa bò vừa lết ra ngoài không kêu cứu được mà chỉ ú ớ chỉ tay vào trong nhà. Người ta phán đoán, thằng chồng trong lúc say rượu đã không làm chủ được mình nên chém chết con vợ bằng nhiều nhát rồi vì quá thương yêu vợ nên tự kết liễu luôn đời mình. Hai đứa tụi nó chết đều không nhắm mắt… Dưới bếp có tiếng chén bát rơi vỡ loảng xoảng cắt đứt câu chuyện tình đau thương mà ông Tân đang kể, cả ba người không ai bảo ai cùng giật mình nhìn nhau. Dũng đứng lên trước tiên, anh bước nhanh ra sau nhà bếp, nhìn quanh, anh chẳng thấy gì lạ ngoài mấy cái chén vỡ nát trên sàn gạch. Ông Lập Phát và chú Tân bước theo sau Dũng, hai người đều cùng một ý nghĩ nhưng không ai nói gì. Chú Tân lẳng lặng cầm cây chổi rơm quét sơ mấy mảnh chén vỡ mà mắt lại lấm lét nhìn quanh. Dũng vừa ngó quanh quất vừa nói: - Chắc mấy con mèo nhảy lên làm rơi chén… Chú Tân cãi: - Ở đây chưa khi nào có mèo vô được! Trong lòng bỗng có cảm giác bất an, để mặc cho chú Tân và Dũng dọn dẹp, ông Lập Phát chán nản bước ra khỏi bếp, chuyện làm tiệc cưới tối nay chắc khó mà nói cho xong được rồi! Ông Lập Phát đứng giữa nhà hàng, thừ người ra một lát, bỗng ông có cảm giác là lạ, quay phắt người lại, ông không thấy ai, tiếng nói của chú Tân và Dũng vẫn vang vang ở dưới bếp. Đưa tay lên xoa gáy, ông Lập Phát cảm thấy rờn rợn như có ai đang đứng sát ngay sau lưng ông, thổi một làn hơi nóng vào cổ mình. Ông Lập Phát lắc đầu, cố xua đuổi những ý nghĩ không hay, bất giác ông nhìn lại chung quanh nhà hàng, ông buột miệng la lên, những tiếng cuối cùng ông nói với giọng run run: - Chú Tân à... chú Tân... Dũng ơi... lên đây mau... Chú Tân lật đật chạy ra: - Có chuyện gì vậy ông chủ ? Ông Lập Phát đưa tay chỉ: - Ai... ai đã xếp... những cái ghế như vầy? Lúc đó Dũng cũng vừa lên tới, cả chú Tân và Dũng đều ồ lên một lượt, không ai bảo ai, ba người đàn ông tự dưng đứng đâu lưng vào nhau nhìn những cái ghế như những con quái vật biết di chuyển, trừ ba cái ghế của ba người ngồi lúc nãy, tất cả những cái ghế xếp đứng trên bàn đều được đặt xuống đất ngay ngắn! Vừa lúc đó, kim đồng hồ trên tường vừa điểm đúng số 12! *** Tuy đã dặn dò chú Tân và Dũng đừng tiết lộ chuyện đêm hôm qua, ông Lập Phát vẫn đến nhà hàng Trùng Dương sớm hơn thường lệ, ông làm như có mặt ông ở đó thì sẽ bịt được cái miệng hay la hoảng của chú Tân vậy! Cả đêm hôm qua ông Lập Phát không tài nào chợp mắt được một lát, ông cần phải uống một ly cà phê cho tỉnh táo. Lái xe vô bãi đậu xe, ông Lập Phát thoáng thấy có bóng mấy đứa con nít chạy từ nhà hàng Trùng Dương chạy ra. Ông nhấn còi, trừng mắt nhìn tụi nhỏ, hừm, bộ hết chỗ chơi rồi sao ra đây phá. Tắt máy xe, ông vội vàng ra cửa bên hông. Nhà hàng Trùng Dương có cả thảy ba lối ra vào, lối cửa chính là lối khách hàng ra vô, nằm ngay mặt tiền, mỗi ngày mười một giờ sáng ông Lập Phát mới cho mở cửa chính. Lối cửa sau thông vô nhà bếp là cửa giao thịt, cá và thực phẩm linh tinh, nhân viên nhà hàng cũng thường đi cửa sau. Đường vô cửa sau được xây rộng rãi để xe hàng ra vô cho dễ nhưng sau này chật hẹp lại vì cây ngọc lan ở góc tường càng ngày càng lớn. Ông Lập Phát cũng không ngờ mới có hơn một năm mà từ một cây nhỏ tầm thường bây giờ cây ngọc lan lớn như cây cổ thụ, rậm rạp, âm u, lá to và xoè kín trùm lên cả mái nhà hàng. Lối đi nhỏ bên hông chỉ có mình ông Lập Phát sử dụng, thật ra đó là lối ra vào dành lúc khẩn cấp cho những lúc bị hoả hoạn. Là người có tính cẩn thận, cuối ngày trước khi rời nhà hàng, lần nào ông Lập Phát cũng kiểm soát hết từng cánh cửa, ba lối ra vào. Cánh cửa bên hông có hai lớp, một lớp gỗ bên trong và cửa bằng song sắt phía bên ngoài. Hai cánh cửa sáng nay đều mở hé, ông Lập Phát sững sờ vài giây, nhà hàng có trộm viếng! Ông hấp tấp bước vào, đồ đạc trong nhà hàng đều y nguyên! Có điều lạ là những cánh cửa trong nhà hàng đều không khoá, ngay cả những cánh cửa sổ cũng được mở tung ra, hèn gì tụi con nít dám chạy vô đây như chỗ không người. Ông Lạp Phát vội vàng bốc điện thoại lên tính kêu cảnh sát nhưng ông ngừng lại ngẫm nghĩ: - Nhà hàng không bị mất gì, không lẽ mình báo là... có ma? Ông Lập Phát không phải là người nhát gan, yếu bóng vía, tuy rằng ông tin có ma, nhưng ông cũng tin có quả báo, ông tin rằng người và ma là hai thế giới khác nhau, ông không đụng “họ” thì “họ” sẽ không chạm tới ông. Nếu chỗ này có oan hồn hay ma quỷ ám chướng chi đó, tại sao lại chờ tới lúc này mới phá? Ông Lập Phát nhìn ra cửa trước nhà hàng, đối diện ngay cánh cửa, nằm sát tường, ở dưới đất là cái bàn thờ nhỏ bằng gỗ ông đã mua hồi mới xây nhà hàng. Trong bàn thờ ông đặt một cái tượng ông Địa, tượng trưng cho Thần Tài, để mong cho nhà hàng Trùng Dương làm ăn khấm khá. Hình ảnh ông Địa với cái bụng to và nụ cười rộng tới mang tai làm ông Lập Phát sực nhớ tới mấy ông thầy pháp bắt ma. Ông tự nhủ với mình, thế nào cũng phải đi tìm cho bằng được một ông thầy thật cao tay để mời về đây trấn áp lũ yêu ma nếu thật sự chúng lộng hành quấy phá. Lăn lộn trong thương trường đã lâu, cũng lắm phan đối đầu với khó khăn gian khổ nhưng chưa lần nào ông Lập Phát cảm thấy nản lòng như lần này. Chiến đấu với một cái gì cụ thể thì còn có thể lập ra kế họach được, còn giờ đây ông không biết thật sự mình đang đối đầu với điều gì nữa? - Chút nữa mình sẽ cho người đi mua đồ về cúng cho vợ chồng nó… Có lẽ cả hai đều chưa được đi đầu thai, oan hồn còn lảng vảng, uất khí còn chưa tan nên mới… như vậy! Ông Lập Phát lẩm bẩm một mình. Vừa lúc đó ông nghe thấy tiếng xe máy quen thuộc của Dũng dừng lại ở ngoài sân, ông biết hai đầu bếp cưng của mình đã đến. Lâu nay hai người vẫn luôn đi chung xe của Dũng vì trên đường từ nhà Dũng tới đây phải đi ngang qua nhà ông Tân, sẵn đó hai người đi chung cho tiện. Vừa bwosc xuống xe, trông thấy ông Lập Phát là ông Tân đã vội nói: - Ông chủ ơi, tối hôm qua tôi nằm mơ thấy con vợ tôi về báo mộng… Nói xong câu mở đầu giựt gân, ông Tân liếc nhìn ông Lập Phát để dò phản ứng, không thấy ông Lập Phát nói gì, ông Tân hơi thất vọng nhưng vẫn xổ một tràng không đầu không đuôi, khi ông nói nhanh, tiếng này vướng vào tiếng kia rất khó nghe: - Từ lúc con vợ tui nó mất tới giờ, ông chủ biết đó, tui đâu có dám nghĩ đến bà nào, cũng may cho tui , tui mà lấy vợ là tiêu đời với hai con ma này rồi! Ông chủ có nghe qua chuyện ma tìm người chết thế chưa vậy? Tui biết nói ra thế nào ông chủ cũng la tui... mà tui cũng chỉ nói cho mình ông chủ nghe, chỗ ở của vợ chồng thằng Vũ, ở ngay đây nè, chỗ bếp này là phòng ngủ của vợ chồng nó... Cho dù bình tĩnh tới đâu, ông Lập Phá cũng không khỏi giật thót người, ông đưa mắt nhìn bao quát căn bếp, tưởng tượng ra một khung cảnh đầm ấm của đôi vợ chồng trẻ, rồi sau đó là vụ thảm sát, biết đâu chỗ ông đang đứng là nơi họ nằm chết? Trong lòng đang bất an, nghe ông Tân nói vậy ông Lập Phát nạt ngang: - Vợ chú chết lâu rồi, chú nhớ bả nên nằm mơ thấy cũng là chuyện thường tình mà! Thôi, hai người mau vào chuẩn bị đi, hôm nay có nhiều đơn đặt hàng lắm đó! Ông tân cụt hứng vừa đi xăm xăm vào bếp vừa càm ràm: - Tui nói thiệt đó, ông chủ không tin thì đừng có hối hận à nghen! Linh tính của tôi nhạy lắm… Ông Lập Phát không nói gì, giả đò như không nghe thấy những lời nói lảm nhảm của Tân vừa rồi. Ông Tân đặt con dao xuống, quay sang mở tủ lạnh, lôi từng con gà đã làm sẵn ra xếp thành hàng lên khay, lát nữa đây, ông sẽ ra tay đao phủ thủ đưa đám gà lên bếp lửa hồng. Quẹt cánh tay lên trán lau mồ hôi, mới sáng sớm mà ông Tân đã đổ mồ hôi nhễ nhại. Ông than thở: - Tui có linh tính là sẽ có chuyện xảy ra... tui chỉ mong là đừng gặp, đừng thấy. Ông bà mình nói không sai mà, gặp ma xui lắm, xui ba năm, uýnh bài đâu là thua đó! Bỗng ông Tân la hoảng lên: - Ủa, đâu mất tiêu ba con gà rồi? - Gà gì mà mất? Ông Lập Phát đang bước ra mở cửa trước, nghe ông Tân la hoảng vội quay lại hỏi. Ông Tân gãi đầu gãi tai: - Rõ ràng tối hôm qua tôi đặt vào đây năm con gà, sao giờ chỉ còn lại hai? Ba con nữa đi đâu mất rồi? - Chú đếm lại coi, mà chú có nhớ lộn không đó? Ông Lập Phát nhắc nhở với giọng lo lắng. Ông Tân giở cuốn số nhỏ chìa ra trước mặt ông Lập Phát, khẳng định: - Đây nè, ông chủ nhìn đi, tôi có ghi sổ rõ ràng nè, không sao nhầm lẫn được! Đúng lúc đó có tiếng chó sủa dồn dập từ phía sau cửa bếp cắt ngang lời nói của ông Tân. Một anh phụ bếp lau hai bàn tay vào tạp dề ló đầu ra cửa ngơ ngác. Chó hàng xóm hôm nay bỗng dưng ồn ào quá. Mọi khi tụi chó đâu có cãi nhau, những tiếng chó sủa càng lúc càng lớn, lâu lâu lại gừ gừ như sợ hãi, như dọa nạt. Nghĩ là đám trẻ chọ phá lũ chó nên ông Lập Phát cùng anh phụ bếp bước hẳn ra ngõ sau để quan sát. Đường phố vắng tanh, giữa mùi thơm thoang thoảng của hoa ngọc lan, ông Lập Phát ngửi thấy có mùi thịt sống tanh tưởi, ông bước lại gần gốc cây tìm tòi. Khuất sau gốc cây, dưới đám ruồi vo ve là đống xương vịt còn dính chút thịt và da xếp thành ba đống ngay ngắn. *** Loan cầm từng tấm thịêp lên săm soi rồi lại đặt xuống. Kiểu nào cũng đẹp, thật khó mà lựa chọn. Thiện thì chỉ thỉnh thoản cầm vài tấm thiệp lên ngắm nghía rồi đưa lên mũi hít hà, còn quyền quyết định anh đã dành trọn cho Loan rồi. Ông chủ nhà in niềm nở: - Anh chị cứ từ từ mà lựa chọn cho thật vừa ý, ở chỗ chúng tôi có rất nhiều kiểu dáng mới lạ. Với lại giá cả cũng phải chăng, không sợ bị hố vì chúng tôi làm ăn uy tín… Thật lâu sau Loan mới quyết định chọn một mẫu và ký vào đơn đặt hàng của nhà in. Ông chủ tươi cười: - Xin anh chị vui lòng ghi thật rõ ràng các chi tiết… Loan hý hoái một hồi rồi thở phài, chìa tấm thịêp cho ông chủ: - Xong rồi! Ông chủ nhà in liếc sơ qua một thoáng đã phát hiện được thiếu sót vội kêu lên: - Dạ… còn thiếu ngày tháng và nơi tổ chức, anh chị vui lòng cho biết? - Ngày mười lăm tháng mười một, tổ chức tại nhà hàng Trùng Dương! Thiện nhanh nhảu lên tiếng. Ông chủ tiệm sững sờ vài giây, nhìn Thanh trân trân: - Phải anh muốn nói nhà hàng Trùng Dương của ông Lập Phát? Thiện gật đầu hãnh diện, không ngờ nhà hàng Trùng Dương và bác mình lại nổi tiếng như vậy: - Dạ đúng đó bác, nhà hàng đẹp, chỗ đậu xe rộng rãi, chủ nhà hàng lại là chỗ thân tình với gia đình cháu. Ông chủ tiệm mấp máy môi toan nói gì đó nhưng ông lại ngưng, dù sao cũng không phải chuyện của ông, ông nói lảng: - Ờ, phải rồi, tui thấy địa điểm ở đó rất tốt cho đám cưới, tuy nằm gần khu thương mại nhưng lại không ồn ào, khu đất đó mới sửa sang... hình như anh chị không phải là người sinh sống ở đây, phải không? Thiện ngạc nhiên nhìn Loan: - Bác tài thiệt, gia đình cháu ở xa. Cả bên vợ cháu cũng không phải là người ở đây, nhưng vợ chồng cháu lại thích tổ chức đứm cưới của mình ở thành phố biển này, cũng là dịp để bà con hai họ được một chuyến du lịch. Cháu tính một công đôi việc như vậy, bác thấy có tiện không? Thiện vừa nói vừa cười. Ông chỉ tiệm in cũng nhăn nhở cười theo nhưng trông không được tự nhiên mấy. Ngày mười lăm tháng mười một! Đó là ngày hạnh phúc của Thiện, ngày mà Thiện chính thức cưới được người mình thương yêu mấy năm dài đằng đẵng về làm vợ, nên lúc nhắc tới ngày đó trông Thiện hí hửng ghê lắm. Nhưng Loan thì lại khác. Giữa lúc ông chủ tiệm đang cúi xuống ghi lại câu Thiện vừa thông báo, Loan hỏi khẽ: - Anh có chắc nhà hàng Trùng Dương có tổ chức tròn vẹn không đó, vì lâu nay họ chưa tổ chức cưới bao giờ? Câu hỏi này mấy hôm nay Loan đã hỏi anh mấy lần rồi nhưng Thiện nghĩ chắc là do Loan quá lo cho đám cưới, sợ nhà hàng tổ chức không được như ý mình mong muốn, vì thế lần nào anh cũng khẳng định: - Em đừng có lo, anh biết tính bác Lập Phát lắm! Một khi bác đã nhận làm một việc gì thì bác sẽ thực hiện thật chu đáo. Mà nhất là tiệc cưới này là của đứa cháu cưng, đồng thời cũng là tiệc khai trương, nên anh càng tin chắc tiệc cưới của tụi mình không thể chê vào đâu được. Em cứ yên tâm đi nhé? - Em thấy bàn ở đó hơi ít so với số lượng khách mời của mình, em lo… Loan vẫn chưa yên bụng. Thiện bật cười: - Anh đã nói rồi, em cứ lo làm một cô dâu thật đẹp trong ngày đó cho anh. Còn mọi việc khác em không cần nghĩ tới chi cho mệt. Bác Lập Phát có nói với anh rồi, hiện nay bàn ở nhà hàng của bác ấy là loại bàn vuông, đến lúc tiệc cưới sẽ đổi sang bàn tròn, sẽ chiếm diện tích ích hơn, lại dễ sắp xếp. Bàn tròn tiết kiệm rất nhiều chỗ, nếu xếp khéo có thể để được rất nhiều bàn, tính ra mình còn có thêm sân khấu cho ban nhạc và một khoảng trống dưới sân khấu để nhảy đầm. Bác Lập Phát nói với anh là bác ấy sẽ đặt mua loại bàn tròn, vì sau này dù sao nhà hàng cũng cần tới cho các tiệc cưới khác. Tiệc cưới của mình là tiệc khai trương nên cái gì cũng mới nhé. Bàn mới, khăn trải bàn cũng mới… tha hồ thích nhé? Dù Thiện đã khẳng định như vậy rồi nhưng Loan vẫn có vẻ chưa thật an tâm. Hai người dắt tay nhau ra về, trông rất hạnh phúc. Vừa lúc đó có tiếng chuông điện thoại reo vang, Loan áp điện thoại vào tai, nét mặt cô tự dưng biến đổi, cô xoay mặt nghiêng mình nhìn ra cửa. Tuy không nghe người bên kia nói gì nhưng Thiện biết Loan đang bực mình, cô gắt gỏng: - Loan đã nói rồi, dạo này Loan bận lắm, đừng gọi tới làm phiền Loan nữa… Nói xong, cô vội vã tắt máy, vẻ mặt bồn chồn lo lắng. Thiện ngạc nhiên: - Ai gọi mà anh thấy em không thích nghe thế? Loan ấp úng: - Dạ… đó là một đứa bạn… nó cứ gọi điện rủ em đi chơi hoài… thiệt là bực mình.. Thiện chưa kịp nói gì thì lại có tiếng chuông điện thoại, Loan giật thót người nhưng đó không phải tiếng chuông điện thoại của Loan mà là của Thiện. Tiếng người nói văng vẳng bị ngắt quãng từng chập trong điện thoại làm Thiện phải bịt một bên tai lại để nghe: - Dạ, bác Lập Phát đó hả, bác nói gì cháu nghe không rõ? Dạ, cháu là Thiện đây bác... Giọng ông Lập Phát rè rè, tiếng được tiếng mất: - Bác tính vầy không biết có được không... Tiệc cưới của cháu... có lẽ... không... để bác hỏi... - Đúng một tháng nữa, dạ kịp mà bác, tụi cháu mới đặt in thiệp cưới nè bác. - ... Không... được... bác... - Bác ơi, điện thoại bị gì đó, hay là do ở đây sóng yếu cháu nghe không rõ, hay để lát nữa cháu gọi lại cho bác nhe? - À, ừ... gọi lại cho bác... nhớ nghen cháu! Loan lo lắng: - Anh đừng nói với em là bác đổi ý đó nghen, thiệp cưới thì đặt rồi, tới giờ này mà đổi ngày là... là không có nên đâu! Ba má em dặn rồi, tất cả những gì liên quan đến việc cưới hỏi nhất định không được có sự thay đổi nào hết. Thiện lắc đầu: - Anh có nghe được bác Lập Phát nói gì đâu, để lát nữa tới chỗ nào có sóng mạnh anh gọi lại, không biết sao điện thoại khó nghe quá, dù sóng ở đây cũng đâu phải là yếu lắm? Loan nhìn đồng hồ tay: - Nhà hàng Trùng Dương cách đây không xa, sẵn em đang đói bụng, hay là mình tới đó ăn trưa nha anh? Thiện đồng ý: - Ừ, ý kiến của em thật hay đó! Thiện vừa quay đầu xe hướng về phía nhà hàng Trùng Dương, anh vừa nghĩ thầm: - Tiệc ở nhà hàng chỉ là phụ, không đãi tiệc vẫn có thể làm đám cưới được như thường. Mình thì không cần thiết việc đó, chỉ cần hai vợ chồng thật lòng yêu thwong nhau là đủ rồi, nhưng… Loan và gia đình cô ấy thì lại khác… Loan thường mơ mộng nói với Thiện: - Anh có còn nhớ đám cưới của công nương Diana không anh? Linh đình và đẹp quá anh hén? Hồi nhỏ em mê tới bây giờ. Vương giả vua chúa thì làm đám cưới kiểu vương giả, người thường như mình mà làm đám cưới tuy không thể so với bậc vương giả được nhưng cũng cần phải long trọng phải không anh? Em thấy mình không nghèo đến nỗi không có khả năng tổ chức được một đám cưới như người ta. Em muốn có một ngày đám cưới khó quên cho cả hai đứa mình. Khi đãi tiệc, mình phải tìm một nhà hàng thật lớn, thật nhiều bàn, có phòng trang điểm cho cô dâu, rồi còn phải có chỗ để bày cái bánh cưới, chung quanh xếp hoa tươi... Nếu Loan trọng hình thức bao nhiêu thì Thiện lại thích giản dị bấy nhiêu. Qua lời những thằng bạn thân đã lấy vợ của Thiện kể lại, đoạn trường ai có qua cầu mới hay, ngày đám cưới là ngày của hai họ, của tất cả mọi người, không phải của riêng gì cô dâu và chú rể, phong tục người Việt Nam mình là vậy. Bao giờ cũng phải nghĩ đến cái vui của số đông hơn là vui riêng, cô dâu và chú rể thì mệt đừ người ra, có khi cả ngày không được ngồi xuống mà uống một miếng nước, miệng thì lúc nào cũng phải nhoẻn cười như là sung sướng lắm. Tính tới tính lui, rốt cuộc rồi Thiện cũng phải chọn đám cưới truyền thống, đãi tiệc tại nhà hàng Trùng Dương cho Loan và gia đình cô ấy được hài lòng. Giờ ăn trưa ở nhà hàng Trùng Dương khách khứa ra vào đông không kém gì giờ ăn tối. Thiện phải lái xe vô tận phía bên trong, dọc theo bờ tường mới kiếm được chỗ đậu. Theo thói quen, Loan kéo tấm kiếng trước mặt xuống để tô lại son môi. Nhìn vô gương, Loan thoáng thấy có bóng người đàn ông từ phía sau nhà hàng đi ra, Loan sợ hãi thụp đầu xuống khiến Thiện ngạc nhiên hỏi: - Gì đó em? Loan hồi hộp ngồi lên nhìn lại trong gương lần nữa, bóng người đàn ông biến mất sau nhà bếp. Cô ngẩn ngơ, không lẽ tình cờ như vậy sao? Loan nghiêng mặt để mái tóc rũ sang một bên, che bớt đi một nửa khuôn mặt: - Dạ không có gì! Tự dưng em thấy nhức đầu, hết muốn ăn, nắng quá anh à, hay là anh cho em về… Thanh tắt máy xe, hơi lạnh cũng theo đó tắt theo, không khí trong xe trở nên nóng và ngột ngạt hơn: - Đã tới đây rồi thì vô một tí đi em, không ăn cũng được, nhưng chờ anh nói chuyện với bác Lập Phát đã chứ! Khi hai người vào đến bên trong không nhìn thấy ông Lập Phát ngồi ở quầy thu tiền như lần trước, Loan lại có vẻ mệt nên Thiện bảo cô ngồi xuống bàn. Một người bồi bàn nhanh nhẹn đi tới, đưa tờ thực đơn cho Thiện rồi lặng lẽ đứng yên chờ đợi. Nhà hàng đang đông khách mà thái độ kiên nhẫn của người bồi bàn làm Thiện hơi lạ, Thiện nói: - Anh cho nước uống trước đi, chút nữa tôi sẽ gọi món sau… Từ lúc bước vào nhà hàng, Loan vẫn im lặng như một hình thức phản đối ngầm, cô ngồi xoay mặt ra phía ngoài đường, ánh mắt xa xôi, lạc lõng. Nhìn quanh không thấy ông Lập Phát, có lẽ ông mới đi ra ngoài. Đợi người bồi bàn trở lại với hai ly nước, Thiện hỏi: - Ông chủ Lập Phát đi đâu vắng vậy anh? Người bồi bàn, là một người thanh niên có khuôn mặt khôi ngô và nước da trắng nõn như một chàng công tử bột con nhà giàu, ú ớ lắc đầu, một tay anh chỉ vô miệng mình, một tay chỉ về góc nhà hàng. Khuất sau đám thực khách ồn ào, ông Lập Phát đang cúi đầu thì thầm nhỏ to với một người đàn ông khác với vẻ mặt nghiêm trọng. Điều làm Thiện ngạc nhiên không phải là vẻ bí mật của ông Lập Phát mà là người bồi bàn đang đứng trước mặt anh. Điệu bộ của người thanh niên đó rõ ràng là nghe và hiểu được Thiện nói gì, nhưng anh ta hình như bị câm. Nét mặt của người bồi bàn vẫn thản nhiên, khi Thiện nói, anh ta ghi ghi chép chép cẩn thận lên cuốn sổ nhỏ rồi mỉm cười xã giao trước khi quay lưng bỏ đi, anh có hàm răng thật trắng, những chiếc răng nhọn đều đặn. Thanh ngơ ngẩn nhìn theo bóng người thanh niên khuất sau cửa bếp, cố lục lọi trong trí nhớ, không biết tại sao khuôn mặt của người đàn ông này anh thấy quen quen, nhất là nụ cười của anh ta, một nụ cười... câm, không có tiếng. Ông Lập Phát ở góc bàn phía bên kia chừng như mới nhận ra sự có mặt của Thiện và Loan, đây cũng là một thói quen ông Lập Phát có được kể từ khi mở nhà hàng Trùng Dương, tuy bận mấy thì bận, ông vẫn thỉnh thoảng dõi mắt trông chừng đám thực khách. Ông Lập Phát đứng lên ngoắc Thiện, vỗ vai người đàn ông trước mặt nói mấy câu gì đó, người đàn ông xoay mặt ra nhìn Thiện và Loan, khuôn mặt hao hao giống ông Lập Phát. Không để ông Lập Phát lên tiếng gọi lần thứ hai, Thiện kéo tay Loan: - Đi em, đi lại kia nói chuyện với bác một chút! Loan miễn cưỡng đứng lên đi theo Thiện, trong lòng cô vẫn chưa thoải mái được, hình ảnh người đàn ông lúc nãy ở chỗ bãi đậu xe vẫn còn ám ảnh Loan không ngớt. Loan thầm mong đó chỉ là mình đã hoa mắt nên mới thấy ra như vậy. Đi tới chỗ bàn ông Lập Phát, Thiện và Loan cúi đầu chào thật lễ phép. Ông Lập Phát vui vẻ đứng lên giới thiệu: - Đây là anh trai của bác, hai cháu cứ gọi là bác Hai cũng được. Bác Hai đây cũng là chủ một nhà hàng ăn, nhà hàng Thùy Dương nổi tiếng ở thành phố này, chắc hai cháu đã có nghe qua? Thiện reo lên: - A, cháu biết nhà hàng đó rồi! Hôm trước cháu cũng dự định tổ chức ở đó nhưng khi đến thì phía nhà hàng không nhận được vì ngày hôm đó đã có người đặt trước mất rồi! Thật cháu không ngờ nhà hàng đó là của bác Hai, anh ruột của bác! Ông Lập Phát mỉm cười, khẽ liếc ông Hai một cái rồi nói: - Bác Hai đang bàn chuyện làm ăn với bác. Hai anh em bác dự định sẽ hùn vốn để mở thêm chi nhánh, nhưng còn kẹt ở khâu quản lý đây… Thiện kín đáo quan sát ông Hai, càng nhìn càng thấy giống bác Lập Phát, hai anh em ruột có khác, đều thích mở nhà hàng. Loan bấm tay Thiện nhắc khéo, Thiện ngập ngừng: - Dạ, hồi nãy bác Lập Phát gọi điện thoại cho cháu, không biết có chuyện gì không vậy bác, lúc đó tự nhiên cháu không nghe được bác nói gì? Tụi cháu mới vừa đặt thiệp cưới xong rồi... Ông Lập Phát hắng giọng: - À, thì bác cũng đang tính bàn với cháu, bác thấy nhà hàng của bác Hai đây lớn hơn nhà hàng Trùng Dương, đầu bếp lại nấu ăn ngon, hay là... cháu tổ chức tiệc cưới ở Thùy Dương đi, bác nói một tiếng là bác Hai sẽ sắp được liền mà, hai cháu thấy sao? Thiện lắc đầu: - Có chuyện gì vậy bác? Làm đám cưới ở đây có gì không tốt? Vả lại tối hôm qua bác có nói với cháu là nhà hàng Trùng Dương cũng đang dự định mở tiệc cưới mà? Hay bác giận cháu vì đã không nghĩ tới việc tổ chức ở Trùng Dương trước mà đến khi các nơi khác từ chối rồi mới quay sang cầu cứu bác? Ông Lập Phát vội vã lắc đầu: - Không... không! Cháu đừng nghĩ vậy! Chúng ta là người trong nhà, bác đâu có hẹp hòi gì mà giận dỗi vô cớ như vậy… Trước nay nhà hàng Trùng Dương của bác chỉ phục vụ ăn uống bình thường chứ có bao giờ tổ chức cưới hỏi gì đâu, cháu không nghĩ tới trước cũng là chuyện đương nhiên thôi mà! Bác tính như vậy là muốn thật tốt cho các cháu thôi, bác chỉ sợ lần đầu đứng ra tổ chức, có điều gì sơ sót thì sẽ có lỗi với gia đình. Trong khi đó nhà hàng Thùy Dương của bác Hai đây thì đã quen với việc này rồi, đứng ra làm thì mọi việc sẽ trôi chảy hơn nhiều! Nghe ông Lập Phát nói vậy, ông Hai không dằn được sự tò mò, ông cũng thắc mắc như Thiện, nghe Thiện hỏi ông mới dám lên tiếng. Tuy là hai anh em, nhưng ông lúc nào cũng ngấm ngầm ganh tị với sự thành công nhanh chóng của ông Lập Phát, ông không tin là ông Lập Phát có thể dễ dàng bỏ qua một dịp để khoa trương thanh thế, vả lại ông Hai cũng dư biết ông Lập Phát có ơn sâu với gia đình Thiện, không phải chỉ vì lý do đơn giản vậy mà đã nhận lời tổ chức rồi mà lại muốn giao lại cho ông. Chắc chắn nhà hàng Trùng Dương có vấn đề gì rồi! Ông làm bộ đẩy đưa: - Nếu chú giao thì anh cũng sẽ đứng ra lo liệu đàng hoàng cho cháu, nhưng anh thấy ở Trùng Dương cũng tốt lắm mà, không gian thoáng đãng, rộng rãi và yên tĩnh hơn bên Thùy Dương của anh nhiều… Thiện cũng tiếp lời, đầy lo lắng: - Dạ, cháu cũng thấy ở đây tốt lắm đó bác! Với lại… bên phía gia đình vợ cháu không đồng ý bất kỳ sự thay đổi nào trong việc cưới xin. Bây giờ thiệp cưới chúng cháu cũng đã đặt in xong, nếu thay đổi như vậy cháu e rằng… Ông Lập Phát cúi đầu ngẫm nghĩ, ông phải kín miệng, chuyện ma quỷ vớ vẩn nói ra là dẹp tiệm, xưa nay ông lại là người giữ lời hứa, bây giờ với chỗ thân tình của mình mà làm vậy cũng khó chịu lắm, thôi thì một liều ba bảy cũng liều liều... Hy vọng mọi việc rồi đâu sẽ vào đấy, không có gì nghiêm trọng như mình lo sợ! Ông ngẩng đầu lên nhìn Thiện và Loan một lần nữa rồi hỏi một câu thừa thãi: - Hai cháu đã suy nghĩ kỹ chưa? Có muốn thay đổi ý kiến không? Thiện ngơ ngác: - Ủa, sao bác lại hỏi vậy? Tụi cháu có muốn thay đổi gì đâu? Ông Lập Phát gật gù: - Thôi, vậy thì mình quyết định vậy đi nhe, không gì thay đổi! Đám cưới là chuyện quan trọng của cả một đời người, hai cháu đã nhờ tới bác, nếu bác không làm đàng hoàng sẽ có lỗi… Bác sẽ cố gắng hết sức, bác nhất định sẽ nhờ bác Hai đây tư vấn cho nhiều việc… Thôi, hai cháu đừng lo…! Thiện thở phào nhẹ nhõm, quay sang nhìn Loan, anh thấy Loan vẫn có vẻ gì đó không được bình thường. Thiện nghĩ chắc do Loan bị mệt nên anh vội vã xin phép: - Dạ thưa hai bác, cháu rất cảm ơn hai bác đã quan tâm. Bây giờ chúng cháu xin được về trước ạ! Ông Lập Phát đứng lên: - Đâu có được, hai đứa phải ở lại dùng cơm trưa với anh em bác chứ! Khẽ liễ nhanh qua Loan, Thiện thấy một nét chau mày rất nhẹ của cô và anh hiểu ý nên nói dối: - Dạ… để dịp khác ạ, hôm nay chúng cháu còn nhiều việc phải làm… Vả lại lúc nãy chúng cháu mới vừa ăn xong… Ông Lập Phát nhăn nhó: - Hai đứa thiệt là… Rồi ông lại cười xòa: - Thôi, vậy đành phải chờ hôm khác vậy! Nhất định hôm khác hai cháu phải tới đây ăn với bác đó nghen, bộ chê thức ăn nhà hàng tui dỏ hay sao mà không ăn? Thiện cũng cười theo: - Dạ đâu có… chỉ là vì… - Thôi, bác nói chơi mà, cháu không phải ngại! Ông Lập Phát cười ha ha vỗ vai Thiện. - Mà nè, không ăn gì thì cũng phải uống một chút chứ, chẳng lẽ hai cháu tới đây rồi về không như vậy sao? Ông Lập Phát nói tiếp. Thiện cười: - Dạ, lúc mới vào đây tụi cháu có gọi đồ uống rồi, anh bồi bàn câm ấy sao cháu thấy quen mặt ghê bác à! Ông Lập Phát ngạc nhiên: - Ủa, trong nhà hàng của bác làm gì có anh bồi bàn nào bị câm nhỉ? Thiện trố mắt: - Cháu… cháu không biết có phải anh ấy bị câm không nữa… chỉ tại cháu thấy anh ấy chỉ vào miệng mình mà không nói năng gì? Cái anh ốm cao, có nước da trắng nõn như công tử bột ấy! Ông Lập Phát dường như đã linh cảm thấy có chuyện không bình thường ở đây nên ông không dám hỏi thêm gì nữa, cũng không cản khi Thiện và Loan chào từ giã ra về. Tiễn chân Thịên và Loan ra tới cửa xong, ông Lập Phát vội vã đi nhanh xuống bếp đứng nhìn qua một lượt. Ở trong bếp, ngoài hai đầu bếp chính là ông Tân và Dũng là đội ngũ phụ bếp và bồi bàn rất đông đúc, nhưng chắc chắn không có một người có dung mạo giống như Thiện vừa diễn tả lúc nãy, không có một người nào có nước da trắng nõn đâu, ông Lập Phát quả quyết như thế! Bởi vì tuy nhà hàng rất đông nhân viên phục vụ, nhưng ông Lập Phát không thuê theo kiểu giờ công mà là thuê tháng, nên không có trường hợp người làm ra vô thay đổi xoành xoạch đến nỗi ông không nắm bắt được. Ông Lập Phát lại là người chu đáo, tinh tế, ông rất quan tâm đến đội ngũ phục vụ trong nhà hàng của mình, mỗi một nhân viên ông đều biết được sơ lược về hoàn cảnh và nhân thân của họ. Vậy thì cái người lúc nãy Thiện gặp là ai? Ông Lập Phát đành chịu, không thể nào biết được, ông đang cố dẹp đi cái câu trả lời đang nằm sẵn trong đầu, đó là… người phục vụ ấy không nằm trong đội ngũ của ông, không thuộc về thế giới này… Tới giờ phút này, sau rất nhiều việc kỳ quái đã liên tiếp xảy ra trong nhà mấy ngày gần đây đã làm ông Lập Phát tin một điều là ma quỷ đang bắt đầu lộng hành rồi! Ông Lập Phát hối hận vì ông đã quá coi thường các thế lực cõi âm, hơn một năm nay ông không hề cúng kiếng gì cho họ, ngoại trừ lần đầu tiên khi mới dọn về. Ông tự trách mình và quyết định sẽ làm lễ cúng cầu siêu thật đàng hoàng cho họ. Chỉ mong họ đừng quấy phá gì thêm nữa, để cho ông được yên ổn làm ăn, chứ nếu cái tin nhà hàng Trùng Dương có ma mà bị phát tán ra ngoài thì lập tức sẽ làm sống dậy những câu chuyện hoang đường đơm đặt trước đây, và cái viễn cảnh rõ ràng trước mắt là nhà hàng của ông sẽ phải đóng cửa dẹp tiệm thôi! Ông Lập Phát vừa suy nghĩ vừa đi dần về phía bàn có người anh đang ngồi đợi, trên mặt ông không giấu được vẻ lo lắng và căng thẳng. Ông Hai nhìn em chăm chú một lúc rồi hỏi: - Nè chú, bây giờ chỉ còn lại anh với chú, có chuyện gì chú nói cho anh nghe thử coi có giúp được gì không? Anh thấy sắc mặt chú không được bình thường, chắc có chuyện gì nghiêm trọng lắm hả? Ông Lập Phát buông người xuống ghế, lên tiếng hỏi: - Anh… anh có tin vào chuyện ma quỷ không? Hồi nhỏ em nhớ có lần anh kể em nghe là anh đã gặp ma, mà có thật không vậy? Nghe ông Lập Phát hỏi vậy là ông Hai đã có thể lờ mờ đoán ra việc gì rồi, hèn gì trông mặt mày ông em cứ đờ đẫn như thế. Ông Hai cười chia xẻ: - Lúc nhỏ là anh chỉ nói dóc để hù chú thôi, người và ma âm dương khác biệt, người có cấm kỵ của người thì ma cũng vậy, nếu biết rõ lằn ranh giới giữa ma và người và mình không làm điều gì trái với lương tâm, không làm ác thì ma không thể hại mình được, gặp ma coi như cũng là một duyên phận ... Ông Lập Phát nóng nảy: - Em không làm điều gì trái với lương tâm, cũng không ham gặp ma để làm gì… Cái duyên phận đó để khi khác mình bàn tới đi! Bây giờ anh nói cho em biết, ma sợ nhất điều gì, và mình làm cách nào để các vong hồn được siêu thoát không? Ý em là ...giải oan cho “nó” để cho người sống được yên tâm hơn? Ông Hai vẫn bình tĩnh: -Chú để yên anh nói, ông bà mình hồi xưa đã có những cách trị ma rất công hiệu, như là dùng cây dương liễu, cây dâu tằm để đánh ma. Ma là âm, thuộc lạnh, sợ những gì nóng, cho nên ông bà mình dùng máu tươi, mà phải là máu của con chó mực, tức là chó đen tuyền, rồi những vật được cho là ô uế như quần áo dơ của đàn bà trong những ngày hành kinh... Nói tới đây, ông Hai cười nhẹ như để trấn an ông Lập Phát, ông tiếp: -Vụ quần áo dơ đàn bà và máu tươi chó mực thì ở đây, nhất là những nơi công cộng không nên dùng tới, nhưng có một chuyện anh nghĩ chú có thể làm được... đó là nuôi một con chó. Chó là loài vật có linh tánh, nhìn được bóng ma, và có thể báo hiệu cho mình biết, có điều... có điều... nhà hàng ăn không tiện nuôi súc vật, không hợp vệ sinh, theo anh nghĩ, chú có thể xây một cái chuồng chó xa khu nhà bếp, tối đến mới thả chó ra. Nếu chú muốn, chiều nay anh có thể xin ngay cho chú một con, hàng xóm bên cạnh nhà anh có giống chó bẹc giê mới đẻ được một lứa, giống chó này dữ lắm, người còn sợ, huống hồ gì ma... Ông Lập Phát như vớ được cái phao: - Sao anh không nói sớm? Có vậy mà em không nghĩ ra, nuôi chó đâu có tốn nhiều cơm gạo, em nhờ anh, anh đi xin liền cho em đi, có nó em mới ăn ngon, ngủ yên được! Đột nhiên, ông Lập Phát vỗ trán, những sự kiện lạ liên tiếp xảy ra làm ông hồ đồ quên khuấy đi mất, ông sực nhớ ra chuyện lúc trưa: - Hèn gì... hèn gì hồi nãy mấy con chó đằng sau dãy nhà bên kia cứ sủa hoài, làm em cũng cảm thấy không ổn, em cứ nghĩ không lẽ ban ngày ban mặt mà có trộm! À này anh Hai, em hỏi câu này có hơi ngớ ngẩn, giống chó bẹc giê tuy có dữ thiệt, nhưng dù sao cũng là chó con, hù ăn trộm còn khó nữa là đuổi... ma? Ý em muốn nói... chỉ còn có một tháng là tới ngày đám cưới của thằng Thiện, em chỉ sợ... - Trời ơi, chú sợ quá hoá khờ rồi sao? Ma có ma mới ma cũ, nhưng chó thì không cần, chó con mà anh nói đã được sáu tháng tuổi rồi, có răng, biết sủa từ lâu rồi... Ngừng một chút để uống miếng trà lấy hơi, ông Hai nói tiếp: - Ma hù người bằng bóng thì chó hù ma bằng tiếng sủa. Người sợ ma vì ma trong tối, người ngoài sáng, bây giờ có con chó báo động dùm, biết đâu đám ma này đỡ lộng hành, tác yêu, tác quái. Ông Lập Phát lại giật mình, ông tính hỏi lại tại sao ông Hai kêu là “đám ma” mà không phải là "con ma", không lẽ ông Hai biết được sự tình có tới “hai con ma” bị chết oan? Tuy nghĩ vậy nhưng ông Lập Phát im lặng, từ hôm qua đến nay, ông đã gặp những chuyện bất ngờ và khó hiểu, có lẽ còn nhiều chuyện ông chưa biết mà ông Hai lại biết rõ hơn ông. Bởi vì trước đây, khi nghe ông có ý định mua khu biệt thự này, chính ông Hai đã hết lời ngăn cản. Ông Lập Phát vẫn nhớ rõ lời anh mình nói khi đó: - Chú đừng liều lĩnh như vậy, khu đất đó không yên ổn đâu, nếu chú không nghe lời mọi người cứ một mực làm theo ý mình thì sẽ có ngày chú phải hối hận đấy! Thật sự thì mãi cho tới lúc này ông Lập Phát vẫn không hề hối hận chút nào về sự quyết định liều lĩnh của mình ngày ấy. Ông chỉ cảm thấy bực mình và lo lắng mà thôi. Ngay chiều hôm đó ông Hai mang đến cho em mình một chú chó con rất đẹp. Gọi là chó con vì tuổi đời của nó còn nhỏ, chứ thoạt nhìn nó là một chú chó to lớn lắm rồi! Ông Lập Phát rất thích con chó này, thích vì nó đẹp mà cũng là vì hy vọng có nó, có tiếng sủa của nó sẽ xua đuổi được tà ma lẩn khuất quanh đây. Các nhân viên trong nhà hàng cũng thích con chó ấy lắm, đặc biệt là Dũng. Anh nhanh nhẹn đặt cho nó một cái tên mà theo lời Dũng nói, đó là tên của con chó mà anh nuôi hồi nhỏ, con chó “khôn như người” vậy! Ông Lập Phát không cần biết tên nó là gì, chỉ nghe câu “khôn như người” là ông đồng ý ngay. Thế là chú chó nhỏ đã có một cái tên ngay khi vừa tới nhà hàng Trùng Dương, Lúc – Ky, đó là tên gọi củachú chó nhỏ. *** Một đêm không trăng sao, chìm trong bóng tối tĩnh mịch, nhà hàng Trùng Dương im lìm say giấc ngủ, mọi người đã ra về từ lâu. Thỉnh thoảng mới có một ánh đèn xe hơi ngoài đường lớn chạy ngang rọi vào khung cửa kính lóe lên thành những vệt dài rồi tắt ngúm, trả lại bóng tối cho nhà hàng. Từng tiếng động nhỏ cũng làm con chó Lúc – Ky ngóc đầu lên vểnh tai nghe ngóng. Ban ngày Lúc – Ky nằm dài ngủ vùi trong chiếc lồng sắt to đùng được ông chủ đặt làm riêng cho nó, nhà hàng bao nhiêu người ra vô nó không cần để ý. Tới đêm mới là lúc Lúc – Ky làm nhiệm vụ. Một vệt trắng mờ vụt bay ra từ trong đám lá của cây ngọc lan, tiến dần về cửa bếp, cánh cửa run rẩy kẽo kẹt mở ra từ từ cho bóng trắng lách vào. Lúc – Ky nhổm dậy, chiếc mũi ướt của nó như ngửi được một điều gì không bình thường, nó rít lên từng chập rồi từ trong chiếc chuồng con, với những bước chân êm như nhung, Lúc – Ky rón rén bò ra nhìn lên tàng câ. Cặp mắt của Lúc – Ky chiếu ra những tia sáng hung dữ, lông cổ con chó dựng đứng hẳn lên, Lúc – Ky khum hai chân trước thủ thế, gừ gừ trong cổ họng, nó đã nhìn ra trên ngọn cây cao, giữa cành lá rậm rạp, thêm một bóng đen khác xuất hiện. Lúc – Ky chạy vụt ra, nó quên khuấy mất sợi dây cột cổ không đủ dài, giựt ngược cả thân mình Lúc – Ky ra phía sau làm nó loạng choạng. Lúc – Ky không nao núng, lần này nó đứng lại ngửa cổ cất tiếng sủa vang, tiếng sủa của Lúc – Ky như đánh thức lũ chó hàng xóm, cả đám bạn của nó cùng cất tiếng, những tiếng chó tru truyền đi vang cả một khu phố. Bóng đen bị tiếng chó sủa làm cho khựng lại, im lìm một hồi thấy Lúc – Ky không tiến được xa hơn ngoài chu vi mấy thước từ cái chuồng con góc sân, bóng đen thản nhiên tiến vô nhà hàng Trùng Dương bằng lối cửa bếp, cánh cửa khép lại sau lưng và tiếng sủa của Lúc – Ky vẫn vang lên xua đuổi không ngừng . Sủa một hồi cảm thấy mệt, Lúc – Ky lững thững đi qua đi lại dòm chừng vô cánh cửa bếp, miệng nó không ngớt gầm gừ dọa nạt. Hai tai con chó rung động, nó nghe được tiếng còn tiếng mất văng vẳng từ trong "căn nhà của ông chủ", những tiếng nói chuyện thầm thì rền rĩ như khóc than, thì ra hai cái bóng, một trắng, một đen đang cãi nhau: - Em van anh, anh hãy tha cho họ, anh hại em chưa đủ hay sao mà còn muốn hại thêm người khác? Cũng tại vì em mà giờ đây em trở thành cô hồn ma trơi ... Giọng khác ồm ồm, chắc là đàn ông, giận dữ cất lên: - Cô im đi, tôi đã đợi cơ hội này một năm trời rồ. Có trách là trách số mạng tụi nó xui xẻo, nhất là cái con nhỏ đó, tôi thấy nó y hệt như cô lúc còn sống... Có tiếng khóc rấm rức của người phụ nữ: - Em đã lỡ gây ra lầm lỗi, đã làm cho anh bị tổn thương nặng nề, nhưng anh đã bắt em đền bằng mạng sống của mình rồi còn gì, sao lòng thù hận trong anh vẫn chưa nguôi vậy? Họ đâu có lỗi gì với anh? Em xin anh, em xin anh đó, hãy tha cho họ đi anh… Tiếng người đàn ông hằn học: - Không đời nào! Đây là nhà của tôi, đây là nơi tôi đã phải sống những ngày đau khổ, tuyệt vọng đến cùng cực. Tôi không cho phép bất cứ ai ngang nhiên phô bày cái hạnh phúc lứa đôi của họ ở nơi này… Hừ… cô nói cô đã đền tội bằng mạng sống của cô à? Vậy còn tôi thì sao? Vì cái gì, vì ai mà tôi bây giờ cũng là một oan hồn vất vưởng? Những cánh cửa sổ phía ngoài nhà hàng tự động mở ra rồi đóng lại từng chập, có lẽ con ma đàn ông kia ngứa tay muốn đập phá cho hả cơn giận chất chứa trong lòng hắn. Gió lốc từ ngoài cửa sổ cuốn theo một lớp bụi mù hất tung tượng ông Địa ngã lăn ra mấy vòng rồi úp mặt xuống đất. Ngoài sân, con chó Lúc – Ky lại sủa lên từng hồi cảnh cáo. *** Chỉ còn đúng một tuần nữa là đám cưới mà Thiện và Loan lại cãi nhau. Vẻ mặt đau khổ, những giọt nước mắt của Loan và nhất là câu nói của cô làm đầu óc Thiện muốn nổ tung ra: - Em nói sao? Đình lại đám cưới lại à? Thiệp đã gửi, nhà hàng đã đặt, rồi bây giờ em lại như con nít, nói đổi là đổi? Em nói em có điều khó nói, khó xử, nếu em coi anh là chồng em, thì tại sao không để cho anh cùng xử cùng chia xẻ với em, hả Loan? Giọng nói tuy nóng nảy nhưng ấm áp đầy thương yêu của Thiện làm Loan càng thấy hối hận. Cô cúi đầu, kể lại sơ qua về người yêu cũ mà cô đã quen hồi mới chân ướt chân ráo vào Đại học. Sợ Thiện buồn, Loan không dám dài dòng chi tiết nhiều, cô chỉ nói vì tính tình hai người không hợp, Loan quyết định chia tay chỉ sau một thời gian ngắn quen nhau. Rồi sau đó Loan gặp Thanh, hai người yêu thương nhau thắm thiết. Từ lúc đó tới giờ, Loan không còn liên lạc với người cũ nữa. Sau này không biết tình cờ hay cố ý, hắn đã chuyển về công tác ở một công ty có quan hệ làm ăn mật thiết với công ty của Loan. Rồi một lần Loan đến gặp đối tác để bàn việc, tình cờ đã gặp lại hắn. Loan chỉ chào hỏi qua loa và cố tình tránh mặt, nhưng hắn vẫn bám lấy không thôi. Đã mấy lần Loan từ chối lời mời đi uống nước của hắn, rồi đổi số phone, nhưng hắn vẫn không buông tha, nói nếu Loan không đổi thái độ, hắn sẽ tìm cách nói chuyện với Thiện và sẽ nói những điều không có lợi cho cô. Đó là điều mà Loan sợ nhất vì hắn là người dám nói dám làm, bản chất hắn lại không lương thiện, có thể đơm đặt ra nhiều chuyện để gây hiểu lầm giữa Thiện và cô. Thiện nhìn Loan chăm chú, ánh mắt của anh làm Loan ngượng ngùng hơn, cô rụt rè hỏi: - Anh có giận em không anh Thiện? Anh còn thương em và muốn giữ ngày cưới của tụi mình không hả anh? Thiện không trả lời mà hỏi ngược lại Loan: - Anh đang tự hỏi là em có thương anh không mới đúng, chuyện chỉ có vậy mà sao em không kể cho anh nghe? Hồi đó em quen với ai cũng là chuyện quá khứ, nếu bây giờ em thay đổi, anh mới trách em. Loan lại khóc, cô bối rối quá, người tình cũ như bóng ma, lúc nào cũng lởn vởn làm cô sợ hãi, cô đi đâu hắn cũng tìm ra như để nhắc nhở cô không thể nào thoát được bàn tay của hắn. Loan nắm tay Thiện như tìm một sự che chở: - Nói ra cho anh nghe em mới đỡ sợ, quen với người này đối với em là một lỗi lầm lớn. Có lẽ anh sẽ nghĩ là em lo vớ vẩn, em có linh tính là tới ngày cưới của hai đứa mình, hắn sẽ tới phá! Thiện siết chặt tay Loan: - Em đừng lo lắng nữa, đã có anh đây rồi! Chúng mình thật lòng yêu thương nhau thì dù hắn có dùng bất kỳ âm mưu thâm độc nào cũng không thể chia cắt được chúng ta. Loan vô cùng cảm động trước tình yêu mà Thiện dành cho mình. Cô ngã đầu lên vai người chồng sắp cưới để mặc cho những giọt nước mắt hạnh phúc tuôn ra… *** Khí hậu ở thành phố biển này thật lạ, mới mấy giờ trước còn nắng chang chang, vậy mà chỉ một loáng sau trời lại mưa tầm tã. Ông Tân làu bàu, bước thấp bước cao, cố tránh mấy vũng nước mưa trước khi mở cửa sau vô nhà bếp. Hôm nay Dũng bị cảm cúm không đi làm được, ông Tân phải đi xe buýt tới nhà hàng, tuy vậy ông không vội vã, vì ông biết trời mưa, nhà hàng sẽ vắng khách, ông sẽ có dư thời giờ uống cà phê và đọc báo. Tửng, cậu phụ bếp nhỏ tuổi, trí óc hơi chậm phát triển nhưng được cái rất siêng năng là hiền lành như cục đất. Đây là cậu nhỏ mà chính ông Tân đã nài nỉ ông chủ Lập Phát nhận vào giúp việc trong bếp cho ông. Bây giờ thì Tửng đã quen việc, giúp ông Tân được rất là nhiều việc, nào là gọt khoai, tỉa ớt, ngay cả việc xào mì ông cũng để cho Tửng làm luôn. Nay mai, có lẽ ông sẽ bàn với ông chủ về việc tăng thêm tiền lương cho Tửng. Ông tân còn dự định nói cho ông chủ biết tới ngày nhà hàng làm tiệc cưới, ngoài việc phải mượn thêm người chạy bàn cho ngày đó, ông sẽ cần thêm nhiều phụ bếp nữa. Từ hai tuần nay, ông Tân đã bình tĩnh trở lại, không phải là vì có thêm con chó Lúc - Ky làm hộ giá ở sân sau, lý do là ông chủ Lập Phát đã thoả thuận cho ông Tân hưởng thêm một khoản tiền nữa mỗi tháng và nhờ ông đi tìm người cầu kinh siêu độ cho đôi vợ chồng chết oan trong khu biệt thự này. Thấy Tửng đang đứng ngó mưa, mắt nó đang ngó ra phía sân sau, ông Tân gọi: - Nè Tửng, làm biếng hả mậy? Bày đặt mơ với mộng, hỏng biết ngó gì mà ngó hoài, không chịu vô lo soạn đồ đạc... Tửng lắc đầu, đưa tay ra chỉ về phía chuồng chó góc sân, nó gọi: - Lúc - Ky? Lúc - Ky? Ông Tân tò mò ngó theo, giờ ông mới nhớ tới con chó. Làm thân chó cũng sướng, trời mưa kiếm một góc nằm ngủ. Chuồng chó tối thui, nhìn kỹ ông Tân biết là chuồng trống không, vì sợi dây cột cổ Lúc - Ky nằm trơ trọi phía ngoài chuồng... Con chó Lúc - Ky đã đi mất rồi! Con chó Lúc - Ky bị mất tích, ông Tân không quan tâm cho lắm, việc mà ông bực mình nhất là con dao bầu của ông treo trên tường lại không cánh mà bay. Ông Tân hầm hầm đi tới đi lui, kéo từng ngăn kéo, mở cả cái tủ lạnh ra coi cũng không thấy con dao đâu hết. Ông Tân ngó Tửng với vẻ ngờ vực, nó là người tới sớm nhất, nãy giờ nó đứng sững nhìn ông với vẻ sợ hãi. Dạo này ông thấy Tửng hay mắt la mày lét ngó trộm ông. Không biết đám phụ việc trong bếp có xúi biểu nó làm điều gì không nữa? Thường ngày tuy ông Tân luôn tỏ ra thân thiện với Tửng, mỗi khi vui vẻ, ông trò chuyện, chỉ bảo Tửng rất tận tình. Nhưng những lúc ông nổi nóng, mặt chú đỏ lên, mắt chú tròn vo, môi dưới của chú trề ra làm cho Tửng sợ phát khiếp lên được, nó có cảm tưởng như ông Tân sắp sửa đem nó ra làm cái thớt băm nát ra như tương để cho hả cơn giận. Từ khi hành nghề nấu bếp tới nay, ông Tân lúc nào cũng nhớ nằm lòng bài học đầu tiên sư phụ dạy cho ông: Muốn nấu ăn cho ngon, quan trọng nhất là thức ăn phải tươi, bếp lửa phải hồng, bảo kiếm phải bén. Không có con dao làm bạn, ông Tân cảm thấy bứt rứt, bàn tay của ông lại ngứa ngáy. Ông Tân linh cảm có chuyện gì ghê gớm đã xảy ra trong căn nhà bếp mà nhất thời ông đoán không ra, mỗi khi bàn tay trái của ông giựt giựt là ông biết có điềm không lành. Sau khi lục lọi như muốn lật tung cái nhà bếp, ông Tân thất vọng thở dốc, ông kéo một chiếc ghế đẩu nhỏ ra tạm ngồi xuống, đưa mắt nhìn mông lung xuống sàn bếp với hy vọng cuối cùng, tia mắt ông dừng lại ở góc cửa bếp, có một vài vết máu rơi rớt còn đỏ tươi hiện rõ trên nền gạch men trắng. Chấm ngón tay xuống vệt máu khô, ông Tân ngơ ngẩn xuất thần, ngày nào ông và Dũng cũng lau chùi sạch sẽ nhà bếp trước khi ra về thì làm sao bây giờ có vết máu vương vãi ở chỗ này được? Ông Tân ngờ ngợ là những vệt máu này mới xuất hiện đây thôi. Ngoài trời, mưa vẫn rơi như trút nước, tàn lá cây ngọc lan làm cho cảnh vật đã tối lại tối hơn, những cành lá xanh đen run rẩy từng hồi, nước mưa được thể cuốn theo chiều gió, vội vàng xối từng hàng nước dài thành một bức màn trắng đục, rửa sạch đi những bụi bậm trên mặt đất. *** Loan giật mình mở mắt, cảnh vật chung quanh làm Loan hốt hoảng chống tay ngồi dậy, tưởng mình nằm mơ, cô lấy tay đập nhẹ vô đầu, đầu cô đau quá, không, cô không nằm mơ, trước mắt cô là bóng đêm mát rượi, cái mát rượi của làn gió đêm hòa cùng với mùi thơm thoang thoảng của hoa ngọc lan làm cho Loan tỉnh táo hơn. Loạng choạng đứng dậy, Loan rùng mình nhận ra mình đang đứng trên đất với đôi chân trần, phải mất đến vài phút Loan mới vùng bỏ chạy ra khỏi con hẻm. Đêm đã khuya... *** Ngày trọng đại đã đến. Thật là kỳ lạ, Loan không cảm thấy nôn nao và háo hức chờ đợi như một cô gái sắp sửa lấy chồng. Những lúc tự mâu thuẫn với chính mình, Loan có cảm tưởng như có một tiếng nói vô hình nào đó, đang cố gắng nhắc nhở bên tai cô, phải rời xa nơi này, chạy trốn cho thật xa, xa tất cả mọi người. Đứng trước bồn rửa mặt, Loan rùng mình ớn lạnh, không khí mát mẻ buổi sáng sớm cùng với tiếng chim hót vang ngoài khung cửa sổ, báo hiệu một ngày đẹp trời nhưng Loan lại cảm thấy cô đơn lạnh lẽo, thế giới đáng yêu này, sự sống đầy hy vọng ngoài kia, hình như không còn thuộc về cô nữa. Nhìn khuôn mặt hốc hác của mình trong gương, Loan chớp mắt mấy cái, dùng đôi bàn tay lùa từng làn nước mát lên rửa mặt cho tỉnh táo, cô nhớ lại giấc mơ đêm hôm qua, cô bị té xuống một cái hố sâu cùng với Thiện. Cái hố nhỏ hẹp và khó thở, khi Loan ngước đầu lên nhìn Thiện, cô nhìn thấy một khuôn mặt rữa nát với hai hốc mắt sâu hoắm, bộ mặt kinh tởm đó cứ từ từ cúi sát xuống và nó đang định hôn cô... Loan vùng vẫy và cố gắng thoát ra khỏi cơn ác mộng. Tiếng gõ cửa phòng tắm dồn dập khiến Loan giật mình trở về hiện thực, dạo này cô hay bị bịnh lãng trí, giống như người sống trên mây. Loan nói lớn: - Xong rồi, con ra liền đây... Cả một buổi sáng quay cuồng, nào là trang điểm, chải tóc, sau đó tới thủ tục đưa dâu, rước dâu dài dòng, lời thề hứa trọn đời... cuối cùng Loan cũng được thoải mái ngồi bên Thiện trong chiếc xe hơi màu trắng. Thiện hôn lên tóc Loan, mái tóc được chải bới xịt keo một cách cẩn thận trở nên cứng ngắc, hai bên lọn tóc mai rủ xuống ôm lấy khuôn mặt Loan. Khẽ đưa tay vuốt tóc vợ, Thiện hỏi: - Mệt không em? Loan lắc đầu, cô tựa đầu vào vai Thiện, nhớ đến hình ảnh cái đầu lâu trong giấc mơ, Loan bật người ngồi dậy, Thiện ngạc nhiên: - Em sao thế? Ráng mà nghỉ ngơi một tí, lát nữa tụi mình còn phải đứng chào khác. Vừa rồi làm lễ cưới em cứ như người mất hồn! Loan ngơ ngác hỏi cho có lệ: - Vậy hả anh? Em có nói sai, làm sai gì không? Thiện mỉm cười nói giỡn: - Thôi chết rồi, anh lấy phải cô vợ khờ khạo rồi, mới đây mà em đã quên, em đâu có làm sai, lấy anh là một việc làm đúng nhất của em đó. À, anh nhớ rồi, em làm sai một việc nhỏ, lúc anh đeo nhẫn cho em, em quên... không có hôn anh! Xe hoa lăn bánh chầm chậm rẽ vô bãi đậu xe trước nhà hàng Trùng Dương. Nhà hàng hôm nay trang hoàng thật là lộng lẫy, hai cánh cửa lớn được mở rộng như chào đón, hai bên cửa là hai chậu hoa tươi rực rỡ cùng với những quả bong bóng trắng và hồng rải rác từ ngoài cửa vô tới trong nhà hàng. Màu hồng và màu trắng là hai màu nền trang trí cho tiệc cưới, theo ý của cô dâu và chú rể, khăn trải bàn màu trắng, trên mỗi bàn là những chậu hoa hồng cánh nhỏ. Nhân viên phục vụ trong nhà hàng, trừ đầu bếp và ông chủ, đều mặc đồng phục đỏ. Lần này ông Lập Phát tốn kém hơi nhiều, nhưng ông hy vọng trong một thời gian ngắn, vào những đám tiệc kế tiếp, ông sẽ mau chóng thu lại cả vốn lẫn lời. Xoa hai bàn tay vào nhau một cách hài lòng, ông Lập Phát nhìn đồng hồ trên tường, đã sáu giờ ba mươi phút chiều, coi vậy mà cô dâu và chú rể rất đúng giờ. Thiện dìu Loan bước từng bước chậm, một tay Loan vịn lấy Thiện, tay kia Loan phải túm lấy một góc chiếc áo cưới dài lê thê để bước đi khỏi vướng víu. Đôi giày cao gót nhọn hoắc càng khiến Loan khổ sở, không được thoải mái, toàn thân cô như đang đi trên sóng nước. Loan nhăn mặt hối hận, sau ngày hôm nay, cô sẽ cho đôi giày này vô thùng rác. Lúc mua giày ướm thử, cô thấy những hạt cườm lóng lánh đính chung quanh đôi giày thật xinh xắn, bây giờ chính những hạt cườm đó lại như gai nhọn đâm vào gót chân cô mỗi khi cô cất bước. Tuy đã bắt đầu vào đông nhưng khí hậu ở thành phố biển này vẫn còn nóng nực nên những chiếc máy lạnh trong nhà hàng đều được xử dụng tối đa. Thiện thở phào nhẹ nhõm khi bước hẳn vào phía trong nhà hàng, ánh sáng tự nhiên tối xầm hẳn lại, nhường chỗ cho không khí dịu mát dễ chịu. Ông Lập Phát niềm nở bắt tay Thiện hỏi một tràng: - Chúc mừng hai cháu, ba má cháu đâu rồi? Nhà hàng trang trí vầy hai cháu thấy sao? Thiện sung sướng nắm tay Loan, cảm động gật đầu: - Cám ơn bác, cháu đâu dám mong gì hơn, lát nữa bác ra chung vui cùng với gia đình cháu nha bác? Thiện đảo mắt nhìn về phía sân khấu, trên chiếc bàn nhỏ là ổ bánh cưới màu hồng bốn tầng đồ sộ xếp theo hình trôn ốc, rải rác trên mặt bánh điểm những cánh hoa màu đỏ tươi rất mỹ thuật. Thiện lo lắng nghĩ thầm, không biết từ giờ cho đến tối, bánh cưới có bị chảy ra thành nước không nữa. Ông Lập Phát kéo tay Thiện: - Ra đây mấy bác cháu mình chụp một tấm hình làm kỷ niệm, sợ lát nữa không có dịp! Ông Lập Phát và những người chạy bàn mặc đồng phục đỏ đứng tề chỉnh đằng sau cô dâu và chú rể, khuôn mặt của ai cũng cười rạng rỡ. Ông thợ chụp hình ra dấu: - Hai người trong góc tươi lên tí nhé, một, hai, ba... Ánh đèn flash loé lên, tiếng cười nói sau vài giây yên lặng lại tiếp tục ồn ào. Ông thợ chụp hình đứng ngẩn người ra, ông gãi đầu, hai người đàn ông và đàn bà có khuôn mặt trắng toát đứng bên phía bên phải cô dâu và chú rể, mới đây đã biến mất! Tiếng nhạc xập xình bên ngoài thỉnh thoảng lại vang lên vài âm thanh chát chúa lạc lõng khiến ông Tân khó chịu. Ông dằn mạnh con dao mới mua xuống tấm thớt, quay qua bên cạnh chú nói lớn với Dũng: - Ban nhạc gì đâu mà nghe cứ như nhạc đám ma! Nhà bếp chật chội một cách khác thường, hơi nóng từ những lò bếp sùng sục từ sáng đến giờ càng làm cho không khí ngột ngạt khó thở. Dũng đang quây quần với hai người phụ bếp bên cạnh, mỗi người ôm một cái chảo dầu to tướn. Đập cái xẻng vô chảo cho từng hạt cơm rơi xuống, Dũng nói như hét lên: - Nhạc sống hay vậy mà còn chê, có nhạc nghe là khá lắm rồi đó! Ông Tân quay đi lầu bầu những gì không rõ, bàn tay trái của ông lại run run. Ông tân bước từng bước nặng nhọc ra phía cửa bếp, cặp mắt mệt mỏi nhìn chăm chăm về phía cô dâu và chú rể, đúng vừa lúc Loan xoay người nhìn ông. Cô nhoẻn miệng cười như gặp lại người quen. Ông Tân luống cuống lùi lại, nép vào góc tường để tránh ánh mắt của Loan, đôi mắt có những tia lửa. Một bàn tay đột nhiên đập mạnh vào vai khiến ông Tân giật thót người suýt té, phản ứng của ông làm người kia chưng hửng: - Chú có sao không ? Thì ra là ông Lập Phát! Ông Tân mệt mỏi lắc đầu: - Dạ không, trong bếp nóng quá, tui đứng đây một lát cho mát. Ông Lập Phát nhìn ông Tân ái ngại, có lẽ vì quá lo lắng cho buổi tiệc ngày hôm nay mà gương mặt ông hốc hác hẳn, đôi mắt đen hõm sâu trên làn da tái ngắt. Ông Lập Phát an ủi: - Chú có mệt thì đừng đứng ở đây, chỗ này là lối ra vào, ra phía sân sau hít thở lát cho tỉnh táo. Có cần tôi dặn Dũng và mấy người kia lo giùm các món cho chú không? - Không sao đâu ông chủ. Tôi... được mà, bây giờ tôi đi làm ngay. *** Khi buổi tiệc cưới trở nên nhộn nhịp cũng là lúc trời chiều bắt đầu xâm xẩm tối. Con chó Lúc - Ky đi qua đi lại vẫy đuôi trước cửa lớn nhà hàng Trùng Dương, người nó lấm lem toàn bùn đất, nó buồn rầu rít lên từng tiếng nhỏ, nhưng không ai để ý đến nó. Lúc - Ky le lưỡi thở, nó đang hy vọng chờ đợi, biết đâu ông chủ Lập Phát nhìn ra sẽ trông thấy nó. Mấy ngày nay Lúc - Ky không dám về nhà, lang thang trong khu phố lân cận, Lúc - Ky bươi từng thùng rác kiếm ăn. Hôm nay nhà của ông chủ người ra, người vào tấp nập, mùi đồ ăn thơm lừng bay ra tận ngoài cổng lớn làm Lúc - Ky đói bụng cồn cào, thở hồng hộc. Mon men lại gần cánh cửa nhỏ phía bên hông nhà hàng, cánh cửa khép hờ, Lúc - Ky đưa cái mũi ướt vô ngửi, thơm quá, nào là mùi súp, mùi thịt quay, còn có mùi... ah... mùi gì đây, Lúc - Ky hít một hơi dài, mũi nó phập phồng... mùi người chết! Đưa một chân lên cào sồn sột vô cánh cửa, Lúc - Ky lại rít lên lo lắng, tiếng đàn hát cùng với tiếng cười nói ồn ào làm át hẳn âm thanh kêu cứu tuyệt vọng của nó. Quang cảnh bên trong thật là hào hứng, mọi người đang vỗ tay làm nhịp để hối thúc cô dâu và chú rể hôn nhau. Thiện từ từ cúi đầu xuống, khuôn mặt cô dâu đỏ hồng, hai hàng mi cong run rẩy, vợ tôi thật là đẹp, Thiện sung sướng nhủ thầm. Trong một thoáng ngắn ngủi hôn vợ, Thiện có cảm tưởng như hai người đang lao vào một cái hố sâu không đáy! *** Ông Tân vội vã bước ra sân, sau khi khép lại cánh cửa bếp. Trời đã tối, ông Tân hối hả bước đi như chạy trốn, đột nhiên ông kinh hãi nhận ra có vật gì đang di động từ phía cây ngọc lan lao về phía ông. Khẽ lấy tay dụi mắt, ông Tân há miệng á khẩu, trời ơi, con chó Lúc - Ky, nó đang dụi cái đầu đầy đất cát dơ bẩn vào chân ông. Bị ông Tân đá ra xua đuổi, Lúc - Ky không nản chí, nó lảng ra xa rồi chạy vòng quanh cây ngọc lan, công trình nó đào xới nãy giờ mới lôi được con dao bầu và một khúc chân... người rữa nát, Lúc - Ky vẫy đuôi nhìn ông Tân và cất tiếng sủa liên hồi. *** Giữa khung cảnh hỗn loạn, tiếng còi hụ của xe cảnh sát, tiếng la hét nhốn nháo của mọi người, ông Lập Phát phải đuổi đám khách tò mò lên phía trên nhà hàng, trong khi ông Tân đứng mửa thốc mửa tháo ở sân sau, miệng đắng nghét, toàn thân ông như lên cơn sốt rét, run lẩy bẩy. Bên cạnh ông Tân là Dũng và đám người phụ bếp, mặt ai nấy đều u ám buồn thảm. Nhà hàng Trùng Dương bao trùm một màu tang ngút trời . Tiếng nhạc đã tắt tự bao giờ, không kèn không trống, bàn tiệc ly chén lộn xộn, thức ăn không còn hấp dẫn nữa. Đám thực khách đứng ngồi không yên, một số người đứng tụm lại thành nhóm bàn tán cho đỡ sợ. Một bà khách với cái giọng the thé, có tên là bà Lý, biệt danh là bà Tám Lý, đang thao thao thêu dệt thêm thắt chung quanh cái xác người mới đào lên ở đằng sau nhà hàng Trùng Dương. Tuy chưa rõ nạn nhân là ai, nhưng dựa theo áo quần thì có thể là một người đàn ông. Không có lửa, sao có khói, người chết bị chôn ngay đằng sau nhà bếp, lẽ thường tình là đám người trong nhà hàng thể nào cũng biết, hoặc có dính dáng ít nhiều. Bà Tám Lý đoán xa đoán gần, chính chú đầu bếp có chín ngón tay là thủ phạm, vì con dao bầu, đào lên cùng với xác chết, là của chú, vừa rồi chẳng phải thằng nhỏ đần độn đã làm chứng và nhận diện con dao đó sa? Với vẻ khẳng định của một quan toà không cho tội nhân kháng cáo, bà Tám Lý đắc ý nói tiếp: - Vả lại cái bản mặt ông ấy cũng ngầu lắm! Múa dao là nghề của ổng mà. Nếu ổng không làm sao lại có tật giật mình sợ run như thế? Nhiều giả thuyết được đặt ra, có người còn nhân dịp này phao tin đồn nhảm, nói chắc như đinh đóng cột, người chết là tình địch của ông Tân! Trong lúc mọi người xôn xao, cảnh sát an ninh khu vực đứng chặn ngay cửa lớn, kêu gọi mọi người yên lặng và tuần tự khai báo tên tuổi, trả lời vài câu hỏi chi tiết quanh vụ án, sau đó có thể ra xe đi về. Những người làm việc trong nhà hàng sẽ là những người ở lại sau cùng. *** Khi đồng hồ trên tường điểm mười một giờ đêm, số người hiện diện trong nhà hàng không còn bao nhiêu, cô dâu và chú rể mệt mỏi ngồi trong một góc, chờ cảnh sát tới làm biên bản. Ông chủ Lập Phát buồn bã bước lại gần Thiện và Loan, giọng ông trầm xuống chia buồn, cũng là lời chia buồn cho bản thân ông: - Bác xin lỗi hai cháu và gia đình, thiệt tình ngoài ý muốn của bác, không ngờ ra cớ sự này. bác thiệt ngại quá, không còn mặt mũi nào gặp ba má cháu, khi nào về tới nhà, hai cháu cho bác gửi lời xin lỗi một lần nữa. Lắc đầu chán nản, ông Lập Phát nói tiếp: - Không tin cũng phải tin, có một chuyện mà bác dấu hai cháu, nhà hàng Trùng Dương thật sự có... ma! Thú tội xong, ông Lập Phát nhìn Thiện và Loan ngượng ngập, chuyện xác người chết một cách bí mật ông Lập Phát không biết nguyên nhân, nhưng ông tin là có liên quan đến mấy con ma xui xẻo kia. Cô dâu đang cúi đầu bỗng ngửng lên chậm rãi nói từng chữ , tiếng nói cô khàn đục trong cổ họng, cô phát âm một cách khó khăn: - Ngày trùng... giờ... trùng... đi về thôi! Trước thái độ kỳ lạ của Loan, ông Lập Phát và Thiện đều sửng sốt. Thiện ôm vai Loan lắc nhẹ, có lẽ Loan mệt mỏi và sợ hãi quá độ nên mới bị mê sảng. Một người cảnh sát mặc thường phục tiến lại gần ba người: - Xin lỗi, xin mọi người cho biết tên tuổi… Loan nhoẻn miệng cười, ánh mắt cô nhìn vào khoảng không, cô lập lại như mơ ngủ : - Tôi là… Nguyễn Thanh Vũ! Nói xong, Loan ngả người ra và cô ngất đi, không còn biết gì nữa. Loan giật mình mở mắt, ánh nắng lên cao ngoài khung cửa sắt khiến cô phải quay mặt đi trốn tránh, cô nhắm mắt lại suy nghĩ mông lung, đầu óc cô trống rỗng, tại sao cô không nhớ gì hết? Khi đã quen với ánh sáng, Loan ngồi dậy, cô đang ở trong một căn phòng có song sắt, một căn phòng trắng toát và không có đồ vật gì trong phòng ngoài cái giường cô đang ngồi. Loan loạng choạng đứng dậy, khi hai bàn tay cô chạm tới song sắt lạnh như đá, Loan bắt đầu la hét kêu cứu . *** Ngồi đặt hai bàn tay lên đùi, Loan ngoan ngoãn như một đứa bé, cô đang lắng nghe Thiện nói . Giọng Thiện đều đều mệt mỏi: - Anh sẽ chờ em cho tới lúc em hết bịnh, mọi người ở nhà ai cũng lo cho em. Anh vẫn không tin là em đã làm chuyện ấy, cho dù cảnh sát đã có bằng chứng, chứng minh em có tội. Họ nói hắn là người tình cũ của em, phải, chuyện đó anh biết rồi. Hắn cứ quấy rầy em, anh cũng biết, nhưng đó không phải là lý do em giết hắn, có phải không Loan? Loan gật nhẹ đầu, cô tựa người vào Thiện như tìm một sự che chở. Thiện nói tiếp: - Em còn nhớ hôm mình tới nhà hàng Trùng Dương trước đám cưới một tháng không? Hôm đó, anh đã gặp kẻ giết người, người đàn ông có nước da trắng nõn, anh không thể nào quên được nụ cười của hắn. Ông Tân có dẫn anh ra thăm mộ vợ chồng hắn, tên hắn là... Nguyễn Thanh Vũ! Ngừng lại vuốt tóc Loan, giọng Thiện nghẹn lại: - Có một sự trùng hợp là ngày chết ghi trên mộ bia của vợ chồng họ chính là ngày mười lăm tháng mười một! *** Sau chuyện ồn ào hôm đám cưới đầu tiên diễn ra ở nhà hàng Trùng Dương, ông Lập Phát đành phải tạm đóng cửa nhà hàng trong một thời gian ngắn. Trong thời gian ấy, ông Lập Phát khẩn trướng đi mời những thầy Pháp có tên tuổi, mời cả các nhà sư uy tín mà ông nghe giới thiệu để về cúng tà ma, dọn sạch những ám khí còn vướng vít ở khu đất đó. Ông tự thấy ân hận vì mình đã không tích cực làm những việc này trước khi bắt tay vào mở rộng việc kinh doanh. *** Loan cũng không bị xử tội nặng, vì theo giám định tinh thần cô có vấn đề, không làm chủ được hành động của mình. Sau một thời gian ở trại giam, Loan được giảm án tha về vì có thành tích đột xuất, đó là cô đã cứu được một bạn tù khi người này không may bị rơi xuống sông. Về nhà, tinh thần Loan vẫn chưa hoàn toàn bình phục, nhưng bằng tình yêu của mình, Thiện đã tận tình chạy chữa cho cô. Chỉ một thời gian ngắn sau Loan đã về được trạng thái cũ. Hai vợ chồng trẻ sống bên nhau ấm êm, hạnh phúc. Nhưng có một điều đặc biệt là mãi về sau này, không bao giờ Loan đặt chân đến nhà hàng Trùng Dương lần nữa, dù nhiều năm trôi qua, nhà hàng Trùng Dương lại làm ăn phát đạt hẳn lên, và những chuyện ma quái không hay ngày trước đã thật sự lùi sâu vào dĩ vãng! Thiện cũng chìu theo vợ, bởi vì dù sao, nhà hàng Trùng Dương cũng đã để lại trong ký ức hai người một kỷ niệm không vui! Hết Nguyễn Thị Mộng Thu
<bài viết được chỉnh sửa lúc 11.08.2009 16:43:33 bởi nguyenthu >
Một kẻ đời nhiều bất trắc. Nhưng sẽ vươn lên và xanh đến kiệt cùng!
|