Đun bằng năng lượng mặt trời
HongYen 19.05.2005 04:31:12 (permalink)
0
.

Các nhân viên của Tổ chức Phục vụ Năng lượng mặt trời đang triển khai các loại bếp hình pharabol và hình hộp để cấp phát cho người dân.


Thứ tư, 18/5/2005, 07:00 GMT+7

Đun nấu bằng năng lượng mặt trời


Ngày quốc tế môi trường 5/6 tới, một buổi biểu diễn nấu ăn bằng năng lượng mặt trời sẽ diễn ra tại tỉnh Ninh Thuận. Đó là một phần trong dự án Bếp Năng lượng mặt trời đang được tiến hành ở Việt Nam.

Dự án kéo dài từ năm 2000 đến 2005, do Trung Tâm Nghiên Cứu Thiết Bị Áp Lực Và Năng Lượng Mới, thuộc Đại Học Đà Nẵng, phối hợp với Tổ Chức Phục vụ Năng lượng mặt trời (Solar Serve) xây dựng. Tổ chức này tại Việt Nam do ông Johannes Van Beek - Đại diện các tổ chức từ thiện Hà Lan - sáng lập. Kinh phí của dự án do ông cấp 100%.

Ông Hoàng Dương Hùng, giám sát dự án, cho biết hiện phần lớn người dân Việt Nam vẫn sử dụng nhiều nhiên liệu truyền thống để đun nấu như than, rơm rạ, củi. Điều đó gây ô nhiễm môi trường nặng nề và ảnh hưởng tới sức khoẻ. Trong khi đó Việt Nam là nước giàu nguồn năng lượng mặt trời, nhưng rất ít người biết tận dụng nguồn năng lượng sẵn có đó vào việc đun nấu. Bếp năng lượng mặt trời - hiện rất phổ biến trên thế giới - có thể giúp bảo vệ sức khoẻ, tiết kiệm chi phí nhiên liệu, và bảo vệ môi trường sinh thái. Dự án ra đời nhằm nâng cao nhận thức của người dân và từng bước đưa các thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời vào cuộc sống hằng ngày. Bước đầu, dự án sẽ cấp phát bếp miễn phí cho các hộ dân nghèo và tổ chức các hội thảo giới thiệu và hướng dẫn sử dụng thiết bị năng lượng mặt trời ở những vùng sâu vùng xa.


Người dân tìm hiểu loại bếp hình hộp.
Hiện có 2 dạng bếp được sử dụng. Bếp hình hộp dùng để đun nước và nấu cơm, có giá 200.000-300.000 đồng/cái. Hướng các tia nắng mặt trời vào trung tâm của một cái chậu nhôm. Đặt nồi đựng thực phẩm vào trong chậu nhôm. Đậy một tấm kính lên miệng chậu có gắn tấm phản chiếu ở phía sau. Nhiệt độ sẽ tăng dần lên đến 120-140 độ C. Sau 1-2 giờ đun nấu, thực phẩm bên trong sẽ chín.

Loại thứ 2 mới được sản xuất năm nay là bếp hình parabol, gồm một chảo parabol nhằm tập trung tia nắng mặt trời tại một điểm để đun nấu. Bếp nấu rất nhanh và đạt nhiệt độ cao như đun nấu bằng nhiên liệu bình thường. Nó còn có thể được dùng để xào, rán, nướng... Tuy vậy, bếp parabol có giá thành hơi cao - 950.000 đồng/cái.

Theo ông Hùng, đến nay, hơn 770 hộ gia đình tại tỉnh Quảng Nam đã được cấp bếp và khoảng 79% sử dụng bếp thường xuyên. Tại Ninh Thuận, 150 bếp hình hộp và 20 bếp parabol cũng đã được cấp phát. Dự án đang tiếp tục được triển khai ở Quảng Trị, Sóc Trăng, An Giang...

Bên cạnh đó, Tổ chức Phục vụ Năng lượng mặt trời cũng đang nghiên cứu để ứng dụng kỹ thuật thiết bị năng lượng mặt trời trong việc chưng cất nước lợ nhiễm mặn và nước biển thành nước uống tinh khiết. Một bộ chưng cất nước bằng năng lượng mặt trời gồm một hộp đựng nước không thấm đơn giản được làm bằng gỗ hay xi măng, với một tấm kính trắng đậy lên. Một thiết bị kích cỡ 1-2 m có thể lọc được 5-10 lít nước tinh khiết mỗi ngày.

Ông Hùng cho biết, tuỳ theo quá trình và hiệu quả của dự án mà có thể mở rộng địa bàn và kéo dài thời gian thực hiện.

Liên hệ: Ông Hoàng Dương Hùng - Trung Tâm Nghiên Cứu Thiết Bị Áp Lực Và Năng Lượng Mới - Đại Học Đà Nẵng. Điện thoại: 0511 841238 - Di động: 0903 503583 - E-mail: hdhung@ud.edu.vn.

Độc giả có thể gửi ý kiến tại đây (VNexpress)

Anh Thi

http://www.vnexpress.net/Vietnam/Khoa-hoc/2005/05/3B9DE449/
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9