Nhất tự vi sư, bán tự vi sư
Thời tôi còn bé, chiều nào tôi cũng sang nhà ông bà ngoại chơi. Ông tôi thường nhịp cây chổi lông gà lên quyển vở, bảo anh chị tôi đọc lại những hàng chữ vừa tập đồ. Ló đầu ra khỏi gầm giường, tôi nghe loáng thoáng mấy câu quen, đến thuộc lòng.
Tiên học lễ, hậu học văn
Không thầy đố mày làm nên
Nhất tự vi sư, bán tự vi sư
Hai câu đầu là lời răn, dán nhan nhản trong các lớp tiểu học. Đọc mấy năm trời, tôi hiểu thấu. Câu cuối có nhiều Hán từ nên tôi còn hoài nghi trí nhớ của mình. Tôi mập mờ nhớ lời ông tôi giảng: nhất là một, tự là chữ, vi là làm, sư là thầy
một chữ đủ làm thầy, ... chữ cũng làm thầy
Vì mải mê cho hai thằng lính nhựa vật nhau nên tôi nghe ... mất đi một chữ. Bây giờ ráng ráp lại
một chữ đủ làm thầy, bán chữ cũng làm thầy
Ừ, nghe ... cũng có lý.
Chữ kép nghề nghiệp người ta thường nói chung nên nhiều người lầm tưởng là một chữ. Hôm nay ngồi nghĩ lại, tôi nghiệm rằng nghề là công việc mưu sinh. Nghiệp có lẽ là cái duyên mang ta đến với công việc đó. Nghề nào cũng quý. Đó là tựa đề của bài luận văn tôi đã viết năm nào. Nghề bán lá phổi làm tôi thắc mắc. Nghe tôi hỏi, mẹ tôi đưa tay doạ cốc lên đầu tôi, rồi cười bảo:
- Vào lớp, hỏi thầy Đức.
Thầy Đức dạy thêm cho tôi ở trường tư thục Tích Đức gần mé sông Thị Nghè. Trường của thầy vỏn vẹn có hai lớp chia bởi tấm mành bánh ú ny-lông. Mấy cái bánh ú nho nhỏ đan từ ống hút sinh tố, nối dài thành mành che, đủ thưa, để bọn học trò ném hột me qua lại. Thầy Đức giảng bài rất lớn, át cả tiếng của cô Diễm lớp bên cạnh. Tướng thầy to. Mặt thầy đỏ gắt như ông thánh Quan Công trên bàn thờ ở mấy nhà hàng xóm tôi. Sau lưng bàn của thầy, tòn teng cây củi to hơn bắp chân, loang lổ vài vết đỏ. Mấy đứa trong lớp kháo với nhau rằng đó là máu của mấy đứa bị thầy “oánh” tét đít. Ngỗ nghịch bên ngoài, vào lớp thầy, tôi mềm hơn sợi bún. Tôi ít dám nhìn thẳng mặt thầy. Tôi cũng chẳng dám nhìn lâu xuống chân của thầy, có ngón cái thập thò, lòi khỏi giầy bên phải. Khi giảng trên bảng, thầy Đức có thói quen đóng khung công thức toán và gạch dưới các động từ. Tôi ngồi nghe, mà nghẹt thở. Miếng giẻ miết sát, làm tấm bảng oằn kêu ọt ẹt. Bụi phấn bay mù cả góc lớp. Vài tia nắng lọt qua lỗ dột trên mái, soi lên thầy ... một tay chặn ngực, ho sù sụ. Năm lớp ba, thầy dạy chúng tôi viết luận văn. Đề văn của thầy đi trước trường công lập một năm, không tả chân, mà bình luận. Thầy kể đủ chuyện Lưu Bình-Dương Lễ, Phạm Công Cúc Hoa, Nhị Thập Tứ Hiếu … Thầy kể những truyện tích này nhiều lần, đến khi chúng tôi hiểu và thấm, thầy mới bảo đặt bút xuống. Thầy nhắc nhở chúng tôi nên viết câu ngắn, gọn, dễ hiểu. Câu ngắn tạo tiếng vang to. Bài luận của tôi bao giờ cũng bị thầy sửa đỏ chói. Ngồi viết những dòng này, tôi nhớ đến những vòng khoanh, những đường gạch ngang và hai chữ “tối nghĩa”. Thỉnh thoảng thầy không cho điểm, chỉ để lại lời phê “Có cố gắng”. Khi miền Trung biến động, thầy bị gọi động viên. Cửa trường bị khoá trái. Thỉnh thoảng tôi đạp xe đến đấy, ghé mắt nhìn qua khe cửa sổ đã mục. Bàn ghế còn, lổng chổng dựa vào nhau. Cây củi lấm sơn đỏ còn, tòn teng. Dòng chữ của thầy trên vách “Tiên học lễ, hậu học văn” chưa mờ theo năm tháng. Cơn gió thổi qua, đẩy đưa tấm bảng hiệu Tích Đức … lét két bám vào chiếc đinh … cố chống chỏi với mưa nắng.
Tôi thích học cô, vì cô giáo bao giờ cũng nhẹ nhàng. Mấy đứa bạn thường bảo cô giáo thương con trai, thầy giáo thương con gái. Thấy tính tôi hiếu động, các cô giáo thường chỉ định tôi gọi điểm danh lớp hàng ngày. Lâu lâu thầy hiệu trưởng gọi lên văn phòng, hỏi trong lớp có trò nào phá. Vài lời khen không tiết kiệm, hữu hiệu hơn những câu la rầy, làm lì thêm đứa trẻ. Tôi may mắn có những cô thầy nhiều kiên nhẫn, đã trải trên con đường tuổi thơ của tôi những bông hoa điểm sáng cuộc đời. Sáng thứ Hai, trường bắt đầu với lễ thượng kỳ. Đến tuần lớp tôi phụ trách việc kéo cờ, hát quốc ca, tôi ưỡn ngực kéo sợi dây theo từng nốt nhạc
Này công-dân ơi! Đứng lên đáp lời sông-núi!
Đồng lòng cùng đi, hy-sinh tiếc gì thân sống.
Vì tương-lai quốc-dân, cùng xông-pha khói tên,
Làm sao cho núi sông từ nay luôn vững bền.
Dù cho thây phơi trên gươm-giáo,
Thù nước lấy máu đào đem báo!
Nòi-giống lúc biến phải cần giải nguy,
Người công-dân luôn vững-bền tâm-trí,
Hùng-tráng quyết chiến-đấu làm cho khắp nơi,
Vang tiếng người Nước-Nam cho đến muôn đời.
Công-dân ơi! Mau hiến-thân dưới cờ!
Công-dân ơi! Mau làm cho cõi-bờ,
Thoát cơn tàn-phá, vẻ-vang nòi-giống,
Xứng danh nghìn năm dòng-giống Lạc-Hồng.
Từng trang sử trong lớp mở ra, bắt đầu từ đời Lý, Lê, Trần. Nhìn ngọn cờ vàng điểm tô bởi ba giòng máu anh hùng, tôi thấy ấm hẳn lòng. Những câu truyện lịch sử được thầy Nhơn minh hoạ trên bảng rất sống động. Về nhà tôi ít phải học bài. Trí nhớ của tôi kém. Tôi không thích học thuộc lòng. Những sáng kiến tưởng như nho nhỏ của thầy cô làm lớp học sinh động hơn. Về sau có dịp, tôi thử lại, mới nhận thấy đó là sự tận tụy của nhà giáo. Tôi không có nhiều thứ lớn lao để nhớ đến. Những sự việc thật nhỏ, động tác thật đơn giản của một số thầy cô, bao nhiêu năm, tôi còn giữ bên mình.
Viết cho tờ báo bích tường năm lớp chín, tôi thảo một đoản văn so sánh nhà giáo với người thợ hồ. Lời văn tôi viết lúc đó không vòng vo như bây giờ. Câu truyện vẫn vậy. Từ mờ sáng, người thợ hồ khệ nệ mang đống đồ nghề và hì hục khuân cả đống gạch. Ông thận trọng lượt từng viên sỏi khỏi cát, bắt tay trộn một vũng hồ nho nhỏ. Ông trải lớp hồ mỏng, thận trọng đặt lên từng viên gạch. Một cái gõ thật nhẹ để viên gạch bám vào hồ. Thêm một viên gạch cạnh bên. Xong một hàng, bắt đầu hàng gạch kế tiếp. Thỉnh thoảng người thợ thả sợi dây, đo độ thẳng của bức tường, vét bớt lớp hồ dư, tránh làm xấu mặt gạch. Thêm một vũng hồ. Thêm một tấc gạch. Đến cuối ngày, hàng gạch rực đỏ cho vạt nắng vàng đến tựa. Hoàng hôn thu bóng trên bức tường kiên cố. Còn người thợ hồ? Thoáng có tiếng lục đục thu đồ. Một ngày vừa hết. Tôi ví mình như viên gạch giữa ngàn viên gạch. Thầy cô là người thợ hồ thận trọng đặt từng viên gạch đúng vị trí. Cánh tay vươn dài để đưa viên gạch quá đầu mình. Thầy cô nào cũng mong ước học trò mình thành đạt, vượt cao hơn họ. Nhiều người nhìn bức tường gạch đẹp, tấm tắc ngợi khen. Viên gạch đỏ chói khoe nụ cười. Có mấy ai thấy và còn nhớ đến người thợ hồ khuất hẳn sau bức tường cao. Tiếng lục đục có gợi chút gì trong lòng?
Tôi viết, mà không đưa cho cô Lan chủ nhiệm lớp tôi duyệt xét. Có lẽ tôi chưa tin tưởng lắm về câu truyện hơi khác với bạn bè. Có lẽ … trong ngàn … có lẽ, làm tôi ngao ngán viết văn từ sau đó. Ca ngợi bác Hồ là chủ đề, thời đó, viết, sẽ được khen. Tôi chán nản, bỏ trống cả bài thi văn vào cấp ba.
Đêm nay, tôi ngồi đây, bức tường xưa hiện sừng sửng trước mắt. Tôi cầm bút nghuệch ngoạc lên đó mấy chữ
Nhất tự vi sư, bán tự vi sư.
20/11 ngày nhớ ơn nhà giáo Khù Khờ