Những Mảnh Vụn Học trò

Tác giả Bài
Khù Khờ
  • Số bài : 253
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 19.08.2009
Những Mảnh Vụn Học trò - 22.08.2009 04:00:08
Những Mảnh Vụn Học Trò
 
 
Cách đây mấy tháng tôi tình cờ tìm thấy trang web trường trung học cũ  trên Google. Vào xem thì thấy vài cái tên quen và một số hình ảnh khó quên. Đọc những dòng cảm nghĩ, câu chuyện ngắn và các bài thơ cuả các bạn, tôi dần sống lại những năm tháng muốn chôn vùi, vì quá đen tối. Nhưng nghĩ tới, rồi cũng phải nghĩ lui lại. Tự nhiên tôi muốn trở lại ngôi trường đã quên tên để tìm lại từng đứa bạn, từng người quen, cũng như cái cảm giác vừa thích thú, vừa ngại ngùng cuả cái tuổi mới lớn … Có lẽ cái cảm xúc thật mạnh ấy thúc đẩy tôi viết liên tiếp mấy bài thơ trong một khoảnh khắc bồi hồi nào đó. Cả đời tôi chưa dám làm thơ vì luôn nghĩ rằng mình chỉ vẽ được con cóc. Hôm nay tôi có câu chuyện muốn kể.
 
Chắc tôi phải cần nhiều thời gian hơn để góp nhặt lại từng mảnh vụn đã bị bỏ quên. Có thể câu chuyện không được mạch lạc vì một vài mảnh kỷ niệm bị vướng ở một góc kẹt nào đó. Moi hoài không tới. Xin cho tôi được đến với các bạn với cái bút hiệu Khù Khờ.
 
 
Những năm đi học tôi có rất nhiều bạn. Ai tôi cũng mến. Tôi học hỏi ở bạn bè nhiều điều hay, đôi khi dăm ba tật xấu. Nhưng nhắc đến trường trung học cũ tự nhiên tôi lại nhớ đến hai người bạn: Hai Nhỏng và Tư Điạ. Chúng tôi gọi nhau như thế, vì thời ấy nhiều người dùng bí danh hai chữ. Chữ đầu luôn là con số. Chữ cuối là cá biệt cuả con người.
 
Nói đến Tư Điạ chắc mọi người đã hình dung ra cái tướng cuả hắn. Không hẳn là hắn mập. Chiều cao cuả bạn tôi chỉ hơi khiêm nhường nên người ta nhìn thấy chiều ngang của hắn nhiều hơn. Tư Điạ tự gọi mình là Tư Đô. (Hắn sợ bạn bè thêm một chữ sau Điạ thì hết số!). Nghĩ cũng phải, vì đi đâu hắn cũng đưa cái bụng Sumo đô đi trước. Tên bạn kia bảo “Tui gọi ông như vậy đâu phải vì cái tướng ông đâu. Mà ở cặp mắt cuả ông đó. Gặp con gái là chớp lia, chớp liạ như đèn nê-ông sút bóng.” Tư Điạ tít con mắt lại cười. Vỗ bụng vài cái rồi bỏ đi. Hai đứa tôi thích hắn ở cái thật tình. Thấy sai, không cãi, rồi lập lại. Tư Điạ hồn nhiên và ồn ào.
 
Hai Nhỏng tuy cao nhưng chẳng hơn bọn đồng lứa bao nhiêu. Hắn ngược với tên kia ở vóc dáng. Cái tướng ròm nhom, gió thổi tưởng muốn bay. Tôi thường bảo Tư Điạ “Chừng nào mưa lớn nhớ kẹp hắn lại kẻo hắn gởi gió theo mây.” Thật khỏi phải dặn. Hai tên đó lúc nào cũng đi với nhau như cặp bài trùng. Nhất là trên sân banh. Ăn rơ hết chỗ nói. Hai Nhỏng có cái đầu húi cua. Đi đâu cũng cà giựt. Những lúc hắn rượt theo banh, cái đầu cà nhỏng đó lợi hại vô cùng. Hắn làm bàn nhiều bằng những cú đội đầu thật ngoạn mục. Tư Điạ khẽ bảo tôi “Tui gọi nó là vậy đâu phải vì cái đầu đen.” Nói đến đó hắn phá lên cười. Thật ra lúc đó tôi không hiểu Tư Điạ nói gì. Về sau nếu nhớ tôi sẽ kể. Nhỏng hơn tụi tôi chừng một tuổi nên hắn lấy thứ Hai. Hắn trầm ngâm và ít nói. Lâu lâu vặn trúng đài thì hắn sổ giọng chẳng ngưng.
 
Còn tôi là một người bình thường. Đến hay đi chẳng ai biết. Tôi chẳng có những cái đặc biệc như hai ông bạn kể trên. Tính tôi xuề xoà. Gặp ai cũng làm bạn được. Có lẽ vì tôi hay cười trừ khi hai tay tranh cãi nên tụi nó gọi tôi là Ba Phải.
 
Chúng tôi học cùng trường, từ lúc bước vào trung học, nhưng chẳng bao giờ cùng lớp. Ba đứa quen nhau từ những cái lon đá qua lại cuả những buổi cắp sách đến trường. Mấy lần xém đục nhau trong các trận tranh giải giữa các lớp. Rồi chúng tôi lại chung đường chung lối. Ráng đi học sớm, để trưa ghé sân Hoa Lư coi đoàn cải lương Dạ Lý Hương dợt banh với đoàn hát Thanh Minh Thanh Nga. Ra làm quen với Hùng Cường, Thành Được và Bảo Quốc. Lên trường trung học cấp 3 thì sáng nào cũng rủ nhau lên sân Gôn Phú Nhuận. Khi thì nhập chung với 11C6. Lúc thì đá ké với 11C5. Thời giờ cứ thế mà trôi qua. Chẳng mấy khi tụi tôi đề cập đến học hành. Chúng tôi bị dị ứng với sách vở vì nhiều lý do. Một phần vì đá banh về rồi đâu còn giờ để học. Phần khác là học biết chẳng đi đến đâu. Hai Nhỏng có lẽ phải bỏ học nửa chừng để giúp đỡ mẹ lèo lái một đàng em nhỏ. Ba cuả hắn ở đâu, không hề nghe đề cập. Bố cuả Tư Địa phong lưu hơn. Ổng còn còn đi nghỉ mát dài hạn ngoài Lạng Sơn. Cửa đại học đã đóng, Tư Điạ vẽ con đường đi bán chợ trời sau khi học xong phổ thông. Còn tôi thì vượt biên hụt vài lần đâm ghiền! Cái hình ảnh con thuyền không bến đã thay chỗ sách đèn. Chắc nhờ thầy cô phù hộ, đứa nào cũng qua được lớp 10. Nếu có qua được lớp 11, chẳng khác nào cá vượt vũ môn.
 
Không hiểu vì cơ thể thay đổi lúc trưởng thành hay cảm thấy bị bế tắc, chúng tôi đâm ngổ nghịch hơn, lì lợm hơn. Chiều tan học nào hai tên bạn của tôi luôn đứng ở gốc cây, gần chỗ lấy xe. Tư Điạ mở cuốn sổ bìa đen, liếc qua liếc lại rồi ghi chép. Hai Nhỏng lúc gọi 7, khi 8, thỉnh thoảng 9 như đọc số đề. Hai đứa cứ rù rì. Thỉnh thoảng vì bất đồng ý kiến nên đưa mắt nhìn tôi. Tôi đứng né sau cửa lớp cuả tôi, xa lắm. Ở gần mấy tên này có ngày mang hoạ. Tôi thường ra dấu 9 hoặc 10. Hai tên lắc đầu, rồi cộng trừ với nhau. Đạp xe về nhà, không ai đề cập đến chuyện vừa làm. Lúc nào cũng có vài tên bạn khác về chung hướng. Đôi khi tôi phải ở lại trường họp trễ.
 
Vừa đặt chén xuống mấy đứa em tôi đếm. Chưa được bao lâu thì Hai Nhỏng và Tư Địa đã lù lù trước nhà. Mặc cho hai đứa đứng đó tán dóc với mấy cô trong xóm. Tôi phải làm xong cái nhiệm vụ kiểm soát bài vở cuả mấy đứa em. Không thì khỏi phải vác mặt về nhà với mẹ tôi. Chuyện bên ngoài chắc bớt vui nên Tư Điạ cứ hắng giọng. Tôi ngó trước, ngó sau rồi xách xe đi theo chúng. Thêng thang trên con đường Thống Nhất, tụi tôi rượt đuổi nhau. Đôi khi đua xe với mấy tên xích lô đạp. Đạp chán chê các đường phố Sàigòn, chúng tôi khoá xe vào mấy gốc cây ở công viên trước Dinh Độc Lập. Vừa lăn ra bãi cỏ, Tư Điạ liền kể mấy chuyện hắn chọc phá thiên hạ trong lớp. Hai Nhỏng thỉnh thoảng chêm vài câu. Như dầu thêm lửa, Tư Điạ lại kể chuyện hành lang. “Ê, mấy ông có biết thằng X không? Trưa nay nó đang ngủ trong giờ Văn. Tui định lấy băng keo dán mồm vì thỉnh thoảng nó ngáy. Bể hết. Nó giật mình tỉnh giấc vì tiếng thầy Hồng oang oang từ trên lầu. Tự nhiên nó đứng lên để trả bài. Cả lớp nhìn về. Nó chẳng khác nào Từ Hải chết đứng vậy.” Tụi tôi phá lên cười về những chuyện thiên hạ không đâu. Hết chuyện Tư Điạ rút cái đèn pin và cuốn sổ nhỏ ra. Tụi tôi châu đầu lại. Tư Điạ đọc điểm tụi tôi chấm hồi chiều! Ờ cô này từ D1, cô nọ ở C5, C6, C7, C2,… Tư Điạ rành như stock broker ở NewYork về điểm lên xuống hàng ngày của chừng 30 cô trong sổ! Tư Điạ khoanh tròn vài tên. Nhiều mục tiêu chắc ăn hơn. Hai Nhỏng cũng gạch dưới một hay hai tên gì đó. Thấy tôi không hưởng ứng gì, hai tên bạn tôi thắc mắc. “Ai tôi cũng cho 9 hoặc 10 thì đâu có chỗ nào để chọn.” Mà cũng thật vậy. Ai tôi thấy cũng dễ, mà chẳng dám thương. Ngày mai tôi đâu còn nằm đây để tán dóc với mấy tên này đâu. Tội gì phải bận tâm nghĩ đến. Rồi đến một chiều nọ Điạ và Nhỏng cười lớn lắm. Không hiểu hai đứa chọc phá gì mà cô bạn trên lầu lúng túng lắm. Thường thì cô đi với đám bạn của cô nên hai thằng bạn tôi đâu dám hó hé gì. Nay thấy người đơn thân độc mã tụi nó làm tới. Thấy tội, tôi đến kéo hai đứa đi chỗ khác. Không nhớ tôi đã nói và làm gì. Sau đó giữa chúng tôi có một khoảng cách, cho đến vài ngày. Về học chung lối, tối đạp xe cùng đường mà chẳng ai buồn lên tiếng. Chịu lâu không được Hai Nhỏng nói trống không, có lẽ với Tư Điạ “Gà giờ nhú cựa rồi nha.” Đạp được vài bước, cả ba lại phá ra cười. Hai đứa bạn tôi thông cảm cho cái thằng Ba Phải giờ mới trúng gió!
 
Tụi tôi ở gần nhau nên thỉnh thoảng bị phường khóm kêu đi thủy lợi chung với nhau vào Chủ Nhật. Thôi thì ba cây chụm lại nên hòn núi cao. Hai ông bạn tôi mặc sức chọc phá mấy cô. Khi ném đất, lúc giả đò kêu có rắn. Mấy cô sợ xanh mặt, tụi tôi lại cười vô tư. Làm cả buổi mệt đứt hơi. Nhưng cũng vui vì mấy chuyện không đâu. Chiều trước khi về, cả đám rủ nhau ra sông Thanh Đa rửa tay chân, bơi lội. Tư Điạ hay khoe đã từng trong đội bơi tí hon ở hồ tắm Yết Kiêu trước 75. Hai Nhỏng chêm một câu “Tướng ông khỏi sợ chìm. Hình như nước lèo nhẹ hơn nước sông.” Tư Điạ nóng mặt đòi bơi đua. Rồi hắn bâng quơ “Nhỏng xuống nước… Cá lòng tong tưởng mồi mà rỉa thì … hại lắm nha” Hai Nhỏng lầm bầm “Chắc bửa nào phải cúng cơm đổi tên họ!” Chằng phải vì mấy cô còn nấn ná bên bờ, vừa xuống nước Tư Điạ đã làm vài sãi tay bướm. Hắn bơi cách mấy bụi cỏ, chừng vài tấc cho chắc ăn. Sóng nổi lên cuồn cuộn. Đập vào bờ và văng toé lên mặt đê. Để hắn đứng kiếm điểm, tôi lội một mách qua bờ sông bên kia. Đứng ở bên đó mà vẫn nghe tiếng hắn nói cười. Bơi trở lại trước lên bờ, tôi cầm chắc lưng quần sợ tuột. Vừa bước lên bờ đi chưa được ba bước thì đám con gái xì xầm rồi rú lên cười. Đang ngơ ngác thì Tư Điạ chỉ vào đùi tôi “Con điã to kìa.” Hắn phun nước bọt, kéo con đĩa ra. Rồi bắt thêm vài con ở lưng. Hai Nhỏng ném cho tôi cái mũ tai bèo đang đội trên đầu “Bây giờ đã cách mạng rồi. Ai trưng ba sọc mút mùa đó nha.” Đến lúc đó tôi thấy cái tai hại của cái quần trong mà chị tôi có sáng kiến kết từ ba mảnh vải vụn khác màu! Tôi che với cái mũ cuả Hai Nhỏng, chạy một mách. Đàng sau là trận cười nắc nẻ của mấy cô tinh nghịch và hai thằng bạn của tôi. Từ đó tôi có thêm cái tên, Ba Sọc.
 
Bữa tối nọ đang đạp xe lòng vòng, Hai Nhỏng bảo hai đứa tôi theo hắn qua con đường ngoằn tối om. Đến khi dừng lại mới thấy rợn da gà. Chúng tôi đang đứng trước một nghĩa điạ, hoang vu lắm. Bỏ xe đạp trước cổng chúng tôi lần mò vào trong. Vượt qua đám cỏ ngang bụng. Bị cỏ cứa, ngứa muốn chết. Hai Nhỏng muốn nói gì đó. Hắn im lâu lắm. Tôi nghe rõ tiếng đàn muỗi bay vo ve trên đầu. Không ai buồn đuổi. Đợi chờ một điều gì đó…. “Chiều mai hai ông qua nhà tui chơi. Nhà có kỵ. Bà già tui muốn gặp hai ông.” Chỉ vậy thôi sao? Tại sao Hai Nhỏng lại dẫn tụi tôi vô nghĩa điạ chỉ để mời một bữa ăn. Tư Điạ hàng ngày láu táu lắm. Bây giờ lại im re.
 
Hôm sau đến nhà Nhỏng, tôi mới biết nó nghèo như vậy. Căn nhà ở hút sau cái hẽm, hẹp và tối. Hỏi mấy người mới tìm được. Mái nhà lại xiêu vẹo, ọt ẹt như má nó đang chờ tụi tôi vậy. Má nó ôm tôi mà không ngừng quẹt nước mắt. Bạn tôi ngồi ở bộ phản với cái mâm, vài cái ly, và một chai xá xị. Hắn ra bắt tay, mà mắt để đâu đó. “Ê, tuần rồi tui tròn mười tám nên bà già cho phép nếm mùi đời. Nước mắt quê hương đó nhe!” Hai Nhõng phá tan bầu không khí nặng trùm bao phủ quanh đây. Tư Điạ nói lớn cho có vẻ vồn vả “Ông sao tui vậy. Ông làm bậy, tui làm theo. Ba Phải lãnh đủ giùm.” Chúng tôi lại ầm ỉ lên “Dô! Dô!” Một xị rượu bé cỏn con, chia cho ba người, uống không hết. Có lẽ rượu quá cay, hơi đưa lên mắt. Đứa nào cũng chảy ròng ròng. Ngồi một lúc hết chuyện, Hai Nhỏng bảo “Ra kia đá banh một trận cho đã. Để tụi kêu thêm mấy đứa nhỏ trong xóm.” Tụi tôi kéo ra bãi đất hoang cách đó không xa. Cởi áo làm gôn. Mấy đứa nhỏ chừng 12, 13 làm chúng tôi mệt phờ người. Bây giờ đi còn không vững, nói chi chạy. Được một lát ba đứa tôi ngồi thở dốc, như mới đạp xe qua cầu Sàigòn. Mấy đứa nhỏ bỏ đi hồi nào, không ai hay. Nhỏng nắm tay hai chúng tôi rồi bảo “Mai tôi đi. Khi nào về phép sẽ ghé hai ông chơi. Tụi mình đá một trận cho vui. Ở nhà ráng dợt. Đào cuốc nhiều chắc tui sẽ phong độ hơn. ” Rồi một chút ngập ngừng, “Nếu tôi bị gởi qua Campuchia chưa về, thì thỉnh thoảng ghé thăm má tui nghe. Bả mến hai ông lắm đó. Nghe nói hoài hôm nay mới gặp.” Hai đứa, Tư Điạ và tôi chẳng biết nói gì lúc chia tay. Chỉ thêm một cái bắt tay thân mật. Ra về hai đứa cùng một ý nghĩ như nhau, mà không dám nói!
 
Chưa được ba tháng, tôi tạt ngang thăm má Hai Nhỏng và hỏi thăm tin tức cuả bạn tôi. Trong nhà trống trơn. Gọi mãi không thấy ai ra. À, nhà Hai Nhỏng đâu có gì đáng giá để lấy mà phải có người coi chừng. Thoảng một cái mùi quen thuộc. Tôi ngó quanh. Trời đất! Hai Nhỏng đang nhìn tôi cười. Vẫn cái đầu húi cua. Vẫn cái nụ cười hơi méo như sắp thốt “ Tui hát không hay. Tui đờn nghe cũng dở…” Chỉ khác, bạn tôi đã rửa chân, ngồi trên bàn thờ! Tôi chết lặng một hồi lâu. Tìm quanh một miếng giấy. Viết vài lời phân ưu với má nó…
 
Kiềng ba chân gãy một. Hai chân còn lại đâu còn vững. Tư Điạ trở nên trầm ngâm, như lúc Hai Nhỏng lúc sanh tiền. Nụ cười trừ cuả tôi cũng biến mất, như cái tên Ba Phải, lâu lắm không có người gọi. Không lâu sau, Tư Điạ theo gia đình về vùng kinh tế mới. Có người bảo gia đình hắn bán nhà để lấy tiền đi vượt biên. Lá bài cuối. Tư Điạ đi không một lời từ giã. Phải chăng hắn sợ cảnh chia tay ngảy nào, giống như tôi. Hết bạn rủ đi đá banh, buổi sang nào tôi cũng lần mò đến cái nghiã điạ Hai Nhỏng dẫn tụi tôi đến đêm nào. Tôi tìm một mộ bia mới. Chẳng có. Mỗi ngày tôi dọn một ít. Đám cỏ cao, giờ chỉ đến đầu mắt cá. Thỉnh thoảng tôi lấy một số chân nhang từ những ngôi mộ có người thăm viếng. Phân phát đều ra cho những ngôi mộ lẻ loi, không bia. Tôi hy vọng: ai đó cũng làm như vậy, cho ngôi mộ cuả bạn tôi … ở đâu đó … nơi đất người!
 
Khù Khờ

Khù Khờ
  • Số bài : 253
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 19.08.2009
RE: Những Mảnh Vụn Học trò - 22.08.2009 04:04:05
Bốn Mắt
 
 
Ngồi ở phòng giám học nẩy giờ, tôi ra dấu nhiều, mệt lắm. Bà giáo già không tin tôi hiểu những gì bà đã nói, dù đầu tôi luôn gật và miệng thường nói “yes”. Ngồi một lát, chắc để cho tôi thở, bà nhấc máy nói. Tiếng bà oang oang, vọng lại từ cuối hành lang lớp học. Được một chốc một cô gái Á đông bước vào văn phòng. Có lẽ là người Việt. Bà giáo nói với cô ấy đôi câu rồi bỏ đi. Trơ trọi quá tôi xoa tay cười cầu tài. Cô gái chẳng nhìn tôi, dù bằng nửa con mắt. Khẽ hất mái tóc dài ra sau, cô hỏi một tràng tiếng Mỹ. Chẳng cho tôi một vài giây, để nhớ những câu hỏi đó. Lạ thật. Cũng tiếng Mỹ sao cô này nói tôi hiểu hết trơn. Tôi liền trả lời sơ qua về sức học của mình. Dĩ nhiên bằng tiếng Việt. Cô ta cứ lắc đầu nguầy nguậy. Thỉnh thoảng lại bậm môi, chăm mắt có chiều tức giận. Hai đôi mắt tròn đen sau cặp kính đen tròn lớn giống như cái đèn pha soi mói tôi. Tôi có nói gì đâu. Tôi chỉ bảo là ở Việt Nam tôi đã học xong đạo hàm và tích phân. Tôi thích môn hình học và vẽ qũy tích tương đối khá. Nói chung là những câu nói để tăng cái giá trị cuả mình một tí. Cực chẳng đã, cô ta trả lời lại bằng tiếng Việt lơ lớ “Mi đâu có hỏi là người đạo gì mà phải phân tích. Mà tại sao lại nói Mi là qủy.” Trời ơi! Thiệt là ách Thị Kính. Tôi vờ đánh trống lãng “ Cái gì Mi? Trà Mi hay Thảo Mi?” Cô ta chỉ vào người trả lời “Me là đây.” Bây giờ tôi mới thấy quê về cái tài nghe cuả mình. Tôi cười trừ “Cho tớ xin lỗi. Tớ mới qua đây chưa được một tuần.”  Tôi biết đến một nhân vật mới - Bốn Mắt.
 
Vài tuần trôi qua. Những ngày đầu mới vào học, tôi khổ sở với cái trường quá rộng lớn. Số học sinh chỉ vỏn vẹn trên dưới một ngàn. Hàng ngày tôi lầm lũi giữa đám học trò lớn trước tuổi. Ngày mới vào lớp, tôi đến trình diện cô giáo tiết đầu. Cô ta nhìn tấm cạc tôi trình một lúc, rồi gọi vài người nữa, có lẽ là học sinh. Cả bọn phá ra cười. Ít phút sau cô giáo thật mới bước vào. Tôi chưng hửng. Học trò ở đây sao dám ngồi bàn thầy cô. Mặt mũi lại tô son đánh phấn trông chẳng khác người lớn. Có hôm tôi thấy cô giáo văn lù lù sắp bước đến cưả. Tôi khẽ vỗ vào vai tên bạn kế bàn đang say sưa uống môi hồng cô bạn. Hai đứa cứ tự nhiên cho đến khi cô giáo giảng bài. Thiệt là loạn. Thiệt hết phê!
 
Bữa nọ loa trong trường loan báo gì đó. Đám thiếu sinh quân (ROTC) chạy tới chạy lui, kèn trống rền vang nơi sân cỏ xa đằng kia. Có lẽ họ đang chuẩn bị duyệt binh, hay sửa soạn đón chào ai đó. Nghe phong phanh lát nữa sẽ có ông tướng ghé trường. Rồi tiếng còi hụ inh ỏi. Lớp tôi bỏ màn cửa xuống. Tụi học trò cứ dáo mắt ngó ra qua mành cửa hé mở. Đám thiếu sinh quân chạy thục mạng ra phiá sau. Có lẽ ông tướng đã đổi hướng. Nao lòng quá tôi tung chạy ra khỏi lớp ra phiá sau trường, để xem. Tôi đang ngơ ngác đứng giữa khoảng sân trống, chẳng một ai. Đằng sau từ các lớp học là tiếng reo hò cuả bọn học sinh. Bốn Mắt từ đâu xông ra. Kéo tôi trở lại lớp. Ấn đầu tôi xuống dưới bàn, rồi phóng đến tôi một cái nhìn sắc bén. Được một lúc sau khi còi hụ đã dứt Bốn Mắt mới trách “Tại sao lúc nẫy Tớ chạy ra đó vậy. Gió xoáy (tornado) cuốn chết chứ chẳng chơi.” Tôi ngượng ngùng phân trần “Vậy mà Tớ cứ tưởng là ông tướng (commando) nào tới chứ. Chạy ra xem vậy mà.” Bốn Mắt lắc đầu trở lại lớp cuả mình. Khi đi, mặt thoáng dấu nụ cười.
 
Mấy tuần nay tôi để ý thấy tụi học sinh bản xứ thích món dồi lắm. Muốn hỏi họ mà tôi cứ ngại. Thấy Bốn Mắt đang ra khỏi phòng ăn, tôi liền chạy đến hỏi “Đó là dồi gì vậy. Thấy họ ăn có vẻ ngon lắm.” Bốn Mắt tự nhiên trả lời “Hot dog đó. Tớ thử cho biết.” Tôi liền le lưỡi “Nhà tớ đạo Phật nên không đưọc ăn thịt chó. Thôi xin miễn.” Bốn Mắt ôm bụng cười nắc nẻ. Mấy cô bạn Mỹ đi cùng, chúi đầu hỏi, rồi cùng lên phá cười. Tôi ngơ ngác. Chẳng muốn bước vào cái nhà ăn này nữa.
 
Tiếng còi lại ré vang. Thêm một tên bị kéo ra khỏi sân. Cuộc đá banh thiếu hào hứng đang diễn ra giữa lớp 11 và 12. Thời bấy gìờ môn bóng tròn chưa được thịnh hành ở Mỹ, ngay cả ở sân trường trung học. Cái sân cỏ xanh rờn, còn ngon hơn Thống Nhất ở SàiGòn, Trên sân có chục mạng, chỉ đủ để ráp đầy đội hình 11 người mỗi bên. Tên nào tướng tá cũng ngon, quần áo giầy vớ xịn, thể lực tốt, nhưng đá qúa tệ. Mấy tên này chỉ biết chạy thục mạng chứ chẳng biết chuyền banh gì cả. Lâu lâu có một tên đá banh thật cao lên. Đám nữ sing đứng ngoài lại rú lên, la hét ỏm tỏi lắm. Tôi đứng bên ngoài mà máu cứ chạy rần rần, chân tay không khỏi ngưá ngáy. Chịu không nổi nữa, tôi mới chạy đến năn nỉ với thầy huấn luận viên. Ông dạy tôi môn Vật Lý. Trong lớp, ông ta có vẻ khoái tôi, vì tôi làm bài không dùng máy tính (đâu có tiền mà mua), kể cả lấy căn số. Bài tôi nộp có chất lượng hơn, kèm theo một đống giấy nháp, chứ không phải chỉ là một tờ giấy khoanh tròn câu trả lời. Thỉnh thoảng ông hay nhìn về tôi trong giờ học. Tôi hay rút dây giầy làm ảo thuật cho mấy tên ngồi cuối lớp. Mr. Smith, ông thầy, nhìn tôi một lúc rồi khẽ gật đầu. Tôi vội vàng đá phăng đôi giầy, xắn quần jean lên, cởi áo rồi chạy vội vô sân sợ Mr. Smith đổi ý. Đồng đội tôi thì hơi ngơ ngác. Nhưng vẫn tiếp diễn cuộc đấu. Tôi chạy lên, chạy xuống cả chục bận mà không tên nào chuyền bóng về phiá tôi. Đang nản thì trái banh trong đám đông bật bung về phiá tôi. Tôi chạy thục mạng, chân bắt lấy banh, dễ dàng lừa qua cả vài tên đội bạn. Bên ngoài tiếng hò hét cuả bọn con gái vang ầm lên. Chẳng khác nào lửa được thêm dầu, tôi hăng say lừa banh trái, phải và quyết tâm phải làm bàn cho được. Khi tiếng reo hò im hẳn, tôi nghe rõ tiếng lách chách của cái quạt trần trên đầu. Lờ mờ tôi nhận thấy vẻ lo âu cuả … Bốn Mắt. Cô đang dùng khăn ướt để thấm ướt những giọt … có lẽ là mồ hôi, còn tuôn chảy bên mí mắt tôi.
 
Tôi đang thênh thang trên đường thì nghe tiếng xe thắng rít. Nhìn lại thấy Bốn Mắt đưa tay ra khỏi xe vẫy “Uả, nhà cuả Tớ ở đây hả?” Thấy vẻ thân thiện cuả cô bạn Việt Nam duy nhất trong trường tôi cũng mừng. Có lẽ từ trận đá banh đến nay, cô ta có vẻ dễ chịu với tôi hơn trước. Tôi trả lời “Nhà cuả tớ cách đây chừng bốn năm con đường.” Bốn Mắt tiếp tục hỏi “Vậy Tớ cắt cỏ cho nhà này hả?” Vừa chợt hiểu, tôi đáp “Đâu có. Tớ đi ra hồ để bơi. Không có xe hơi, tớ tập lái xe cắt cỏ cho quen!” Do dự chưa đi Bốn Mắt ngập ngừng “Hồ đàng đó nổi tiếng về cá sấu nhất vùng này.” Tôi quay đầu xe (cắt cỏ) lại “Hèn gì chiều nào thấy tớ bơi, mấy người trên bờ cứ ngoắc tay kêu lên.”
 
Mấy ngày hôm nay vào lớp mấy đứa bạn ngó tôi bằng cặp mắt lạ lắm. Cả cô thầy nữa. Chuyện trên sân banh xảy ra cả tháng rồi. Một hôm ông thầy toán đưa cho tôi một sấp giấy với những bài toán đủ hình, đủ dạng. Tương đối dễ hiểu vì câu hỏi rất ít Anh Văn. Tan trường tôi ngồi chờ Bốn Mắt để nói một chuyện. Mấy tuần rồi không gặp. Đang ngồi vẽ thì tôi bật giật mình vì cái vỗ bất ngờ trên vai. Bốn Mắt bắt chuyện “Uả, Tớ vẫn nhớ trận đá banh tháng trước sao mà ngồi đây vẽ lại vậy?” Tôi ngượng ngập đáp “Đâu có. Tớ nhớ đến mấy đứa bạn còn ở Việt Nam nên nghuệch ngoạc lại hình ảnh xưa.” Bốn Mắt chỉ vào góc trang giấy hỏi “Vậy ai đang đứng đây xem mấy người đá banh?” “Bốn Mắt chứ ai.” vừa nói tôi vừa khoanh tròn đôi mắt kính to tổ bố. “Tóc cuả Bốn Mắt đâu có ngắn chấm vai như vậy” cô bạn tôi phân bua. Hết biện chữa tôi nói nhỏ “Bốn Mắt để tóc ngắn đẹp hơn!” Bốn Mắt có vẽ hờn dỗi bỏ đi. Tôi chạy theo. “Ờ, tớ có chuyện muốn nói với Bốn Mắt.” Bốn Mắt đi chậm lại chờ đợi. Tôi đưa cuốn kỷ yếu “Tớ vừa viết vài dòng lưu niệm cho Bốn Mắt. Thấy lời lẽ cuả bạn bè trong đây, tớ hãnh diện về Bốn Mắt lắm. Tớ không viết được tiếng Anh nhiều nên viết bằng tiếng Việt. Chừng nào Bốn Mắt biết đọc tiếng Việt, hẳn sẽ hiểu. À, tớ thấy trong đây thiên hạ vẽ nhiều quả tim, nên tớ chỉ vẽ dấu hỏi.” Bốn Mắt nhìn tôi một hồi, rồi khẽ hỏi “Còn câu chuyện Tớ muốn nói?” Tôi gãi đầu, móc túi lấy ra một tờ giấy “Nói cho Bốn Mắt mừng, tớ đậu TOEFL rồi!” Nhìn vào tờ giấy, để tôi mở cờ trong bụng một hồi lâu, Bốn Mắt mới giải thích là điểm thi này chỉ dành cho học sinh “ngoại quốc” như tôi. Các đại học xét đơn dựa vào điểm thi SAT. Tôi mau mắn trả lời “Tớ cũng vừa có kết quả SAT tuần rồi. Anh văn được đến 210. Thiệt cái số cũng hên. Đánh lô tô đại mà cũng trúng 25%.” Bốn Mắt chầm chậm trả lời “Mình bỏ giấy trắng cũng được 200! Tớ phá kỷ lục ở trường này ở cả hai bộ môn trong một kỳ thi đó.” Rồi không đợi tôi hiểu Bốn Mắt nói tiếp “Mấy ngày nay thầy cô nói về Tớ không phải vì môn Anh Văn. Ai cũng dư biết khả năng đó cuả Tớ rồi... Một số thấy điểm cuả Tớ lệch lạc như vậy nên thử Tớ đó.”
 
Đến gần bãi đậu xe, Bốn Mắt ngập ngừng đưa tôi ba tờ giấy “Đây là bài nói chuyện cho buổi lễ tốt nghiệp tối thứ Sáu. Đọc đi rồi cho Bốn Mắt ý kiến.” Lướt qua bài viết, tôi thật sự hãnh diện về cô bạn cuả mình. Hèn gì báo trường và báo địa phương không ngớt đề cập đến cô học sinh thật ưu tú này trong mấy tuần nay. Tôi đưa ngón cái lên “Số một! Bốn Mắt làm tớ hãnh diện muốn lên mây luôn.” Cô bạn nhẹ nhúng vai “Nhưng Bốn Mắt thấy thiếu cái gì đó trong bài nói chuyện này. Một cái hãnh diện về người Việt. Bốn Mắt viết mấy dòng này giống như cô Mỹ con. Chẳng có gì đặc biệt cả. Chẳng có cái gì để người khác nhớ về mình trong cái ngày đáng nhớ này. Tớ có làm cái gì để thấy hãnh diện không? Tớ có một ước ao nào muốn thực hiện?” Đứng một hồi lâu, tôi mới kể sơ qua mấy việc nhỏ, nhờ làm được, tôi có được niềm vui. Còn ước ao, tôi có nhiều lắm kể không hết trên vài trang giấy. Tôi ngồi xuống bệt xuống vệ cỏ, kể cho Bốn Mắt nghe chuyến đi không may mắn cuả tôi. Ngồi đó, tôi rấm rức lại những cái đau thương tôi đã chứng kiến trên biển cũng như nhìn thấy trên khuôn mặt từ những cái tàu, đến bến chỉ vỏn vẹn còn 5 hay 3 người. Thấy những người vừa vào bờ đã vội cạo đầu, ăn chay, đủ hiểu họ phải ăn gì trong những ngày đói khát trên biển hay trên một hoang đảo bị kéo đến. Trở lại là hình ảnh chúng tôi, hàng chục người, nhảy xuống biển giữa đêm khuya để bơi qua cái đảo nhỏ đối diện trại, không xa. Ở đó có tiếng gào thét cuả phụ nữ trẻ con. Đàng sau bên phía trại là những ngọn đuốc rực sáng, tiếng khua thùng để hỗ trợ sức mạnh cho đám thanh niên quyết tử. Thời gian lúc đó như dừng lại. Tôi đâu còn cái mắc cở, khóc như đưá con nít lên ba vì tủi hận.
 
Khi chia tay với Bốn Mắt tôi cáo lỗi là sẽ không đến dự lễ ra trường cuả cô được. Mai tôi phải thu xếp để tiếp tục cuộc hành trình về phương tây. Bốn Mắt ngạc nhiên lắm “Sao Tớ mới tới lại đi?” Tôi chỉ vào chân cười “Chân tớ có cái mụn ruồi lớn lắm. Tớ không ở lâu một chỗ được. Bốn Mắt đi học xa, tớ đâu còn quen ai ở cái trường này. Có mấy người bên đảo rủ qua Cali. Nghe nói việc làm bên đó trả cao hơn tiền lượm cam bên này. Hy vọng tớ kiếm được đủ tiền để gởi về gia đình. Mấy đưá em sắp lớn. Tuy nhà nói không cần tiền, nhưng tớ thấy có bổn phận để lo cho mấy đứa em đi vượt biên. Học hành gác lại một năm cũng chả sao. Biết đâu năm sau, điểm Anh Văn cuả tớ khá hơn 210!”
 
Sáng sớm, tuy sắp hè, nhưng trời vẫn còn mù sương. Cái xứ này vậy đó. Tôi ra xe đang bịn rịn chào bà bảo trợ. Bà ta cứ ôm riết lấy tôi, như người mẹ, không muốn cho con đi xa. Chuyện tôi đã quyết, đâu có ai ngăn được. Xe cuả Bốn Mắt trờ tới. Cô lấy ra cuốn kỷ yếu trao tôi “Thầy cô và bạn bè gởi tặng Tớ.” Rồi không nói gì, Bốn Mắt quay xe, lái đi. Tôi bỏ cuốn kỷ yếu vào thùng, vẫy tay chào bà bảo trợ đi trước khi nắng lên. Chạy ra xa lộ, hình như có xe Bốn Mắt theo tôi một đoạn. Có lẽ cô bạn sợ tôi chưa quen xe hơi từ xe cắt cỏ!
 
Những năm 85 và 86, bọn trẻ chúng tôi luôn sôi sục về những tin gửi về từ các trại tỵ nạn tại Hồng Kông. Không khí lúc ấy cũng hừng hực như năm 78 lúc quân mọi rợ Pôn Pốt tràn qua mấy tỉnh ráp ranh mỗ bụng những người dân vô tội. Có khác chăng là những người mỗ bụng này tự hại lấy cơ thể họ để không bị cưỡng bức hồi hương. Cái quyết tâm mà những ai đã bỏ mình lênh đênh trên biển mới hiểu rõ được. Những chuyến đi (project Ngọc từ Berkeley) cuả những người trẻ vưà tốt nghiệp để phục vụ đồng bào tại các trại tỵ nạn được hầu hết mọi người ủng hộ. Hàng ngày trên Vietnet (lúc đó chưa có internet) giới thanh niên chuyền nhau những tin tức nóng bỏng nhất gởi về từ các trại tỵ nạn. Biết bao dòng cảm nghĩ nghe nhức nhối, những bài thơ, bài nhạc nghe vụng về mà hay. Trên diễn đàn là những cái tên quen thuộc Hiệu Ngôn, Tự Do, Bất Khuất, … Lâu lâu có vài bài phân tích thật xuất sắc và mới mẻ của Tha Hương, Bốn Mắt. Tôi thích cái suy nghĩ mở rộng của ông bạn bốn mắt từ Harvard. Dân nhà tông có khác. Sang năm 89, cuộc đấu tranh cuả tuổi trẻ hải ngoại chuyển hướng sang luật pháp. Trong một tờ fax Uỷ Ban Cứu Nguy Giúp Người Vượt Biển gởi, chúng tôi thấy rất hãnh diện về tập đoàn luật sư trẻ tham gia LAVAS để khởi tố chính quyền Hồng Kông vi phạm nhân quyền, đồng thời bênh vực cho dân tỵ nạn Việt Nam để được định cư ở quốc gia thứ ba. Trong những gương mặt cương quyết ấy, tôi thấy đôi mắt thật thân quen. Nhưng đôi mắt ấy không đóng khung sau đôi kính lớn. Và mái tóc … giờ chỉ chấm vai. Tôi không tin là như vậy…
 
Vừa về nhà tôi chạy vội ra nhà xe. Một thùng sách cũ nằm trơ vơ trong góc. Nó theo tôi cả chục năm từ tây sang đông. Vất tung những cuốn sách nằm trên, tôi tìm thấy cuốn kỷ yếu, chưa hề mở. Tôi lật vội tìm người bạn cũ. Nơi đâu cũng thấy khuôn mặt kiều diễm và đôi mắt thật linh động. Ngoài những lời khích lệ cuả thầy cô cũng như những câu chúc tốt đẹp cuả bạn bè tôi chưa quen tên trong 4 tháng ngắn ngủi. Tôi tìm không thấy cái tôi muốn tìm... Một lời chia tay cuả cô bạn đã giúp đỡ tôi thật nhiều. Hơi thất vọng tôi đóng sách lại. Một tờ giấy kẹp ở trang đầu rơi ra. Vỏn vẹn chỉ nửa trang:
 
“Xin cho con gởi lời cảm ơn đến ba mẹ đã hy sinh rất nhiều để con có ngày nay. Xin ghi ơn các thầy cô đã tận tụy dậy dỗ em suốt 4 năm trường để em đạt được thành quả hôm nay. Cám ơn các bạn với những kỷ niệm đẹp mà tôi sẽ ôm ấp suốt đời.
 
Trong cuốn kỷ yếu có bạn đã viết cho tôi như vầy ‘American dream – Harvard, Beauty Queen, Most Popular!’. Thật ra đứng trước quý vị đây tôi thấy thật trống rỗng. Tôi chưa làm được gì ngoài cái tương lai có vẽ đầy hứa hẹn. Có thể là mảnh bằng thuốc từ Harvard như ba mẹ tôi mong đợi. Tôi không ngờ chỉ trong vài giờ đồng hồ mà tôi đã học được những cái mà tôi chưa được biết đến trong suốt mấy năm qua. Bạn có biết một đô la lẻ đủ để nuôi sống một gia đình một ngày, tại những nơi thiếu may mắn như quê hương tôi, Việt Nam. Các bạn có biết, chỉ vài đồng đô la, tuy không trợ giúp được ai lâu dài, có thể mở ra niềm hy vọng. Những người bạn ở quê hương tôi chỉ có một tương lai còn nhiều đen tối. Có ai trong chúng ta hiểu rõ hai chữ tự do, chúng ta lúc nào cũng có. Tôi may mắn học được cái giá trị cuả tự do qua những cái đánh đổi quá to lớn mà những người cùng quê hương tôi phải trả.
 
Tôi có một ước mong! Tôi cố gắng sẽ làm những gì, nếu chưa đem lại hạnh phúc cho người khác, ít nhất sẽ xoa dịu được phần nào nỗi thương đau. Làm như vậy, tôi mong không phụ lòng trông mong cuả quý vị đã chịu khó ngồi đây nghe tôi hứa hẹn.”
 
Không ngồi nghe cô bạn diễn thuyết tôi vẫn hình dung ra được những tràng vỗ tay không ngừng, những dòng lệ hạnh phúc.
 
Cái đẹp cuả người bạn, theo từng hàng chữ … ngấm dần vào tim tôi. Thật là con người đẹp, thật đẹp, thật vẹn toàn như cái tên - Nguyễn Thị Từ Tâm.
 
Khù Khờ

Khù Khờ
  • Số bài : 253
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 19.08.2009
RE: Những Mảnh Vụn Học trò - 27.08.2009 12:58:28
Bố Tôi
 
Trong văn chương và âm nhạc người ta thường nói về mẹ. Dễ hiểu thôi, vì tình yêu của mẹ luôn dạt dào như biển cả, theo từng đứa con khắp bốn phương trời. Trong mắt của mẹ, dù ta ở bất cứ lứa tuổi nào vẫn là đứa trẻ lên ba, cần được chăm nom, che chở. Còn cha, ít người nhắc đến. Mấy ai có thể gợi được nhiều kỷ niệm với cha mình. Cha dường như chỉ là cái bóng mờ sau mẹ. “Công cha như núi Thái Sơn”. Ngọn núi đó vẫn đứng sừng sững, nhưng đỉnh cao luôn bị những đám mây thấp lè tè che phủ, nên có mấy ai thấy được cái hùng vĩ cuả núi. Có người chẳng muốn nhìn xa hơn cái cảnh lờ mờ để thấy núi. Tôi muốn kể cho bạn nghe về cha tôi, ba tôi, không, bố tôi.
 
Trong nhà anh em chúng tôi gọi ông là ba. Viết xuống đây, cho tôi gọi ông là bố, vì cái từ ấy khiến tôi cảm thấy gần gủi với ông hơn. Nhớ cái năm học lớp ba, tôi bắt đầu học viết luận văn. Bắt đầu bằng bài tả cây bút chì, lọ mực, rồi đến con mèo, con chó. Phần mở bài để giới thiệu sao ta có món đồ hay con vật ấy. “Nhà em có nuôi một con mèo tam thể. Tên nó là Mi” là câu mở bài rất tiêu chuẩn của bọn học sinh lứa tuổi ấy. Rồi cứ thế mà hồn nhiên đổi từ con mèo sang con chó, con gà,… Đâu có thầy cô nào thắc mắc. Hôm ấy chúng tôi bắt đầu học về tả người, đề tài - ba em. Chắc các bạn đã đoán được câu mở bài… mà đôi bạn đã viết. Có bạn khá hơn viết như thế này “Ba tôi đã già, trạc chừng bốn mươi.” (Giá tôi là thầy giáo, tôi sẽ cho trò này zero ngay tức khắc. Thật là kỳ thị tuổi tác quá mức ! Đến năm mươi cũng chưa được gọi là già. Ra đường thiếu gì cô còn gọi mình là chú, xưng em!) Còn tôi chỉ nộp tờ giấy trắng. Tôi chẳng biết  viết thế nào về bố tôi cả!
 
Bố tôi là người rất ít nói. Đối với người ngoài, ông luôn giữ nụ cười thân thiện và sẵn lòng giúp đỡ. Mẹ tôi thường bảo với một chút trách móc “Ba con là người của xã hội. Đổi không được!” Đối với con cái trong nhà ông ít biểu lộ cái tình cảm dạt dào mà chúng tôi luôn nhận ở mẹ. Không hẳn vậy, chỉ có mấy đứa em sau tôi được bố xoa đầu, khi chúng tôi đứng chờ, chào ông trước ngõ, khi ông đi làm về. Đứa em gái kế tôi lớn tiếng nhất được ông cõng sau lưng. Hai đứa em trai chập chững được ông bồng trên hai tay. Còn tôi lửng thửng dắt cái xe đạp theo sau. Hình như đó là cái vinh hạnh. Thay quần áo xong, bố tôi ngồi đọc tờ nhật báo Chính Luận. Lướt qua phần thời sự trang đầu, ông ngấu nghiến đọc tin bóng tròn viết lại trận đấu ông đã xem chiều qua và nghe Huyền Vũ tường thuật trực tiếp trên radio. Rồi ông nhẩn nha đọc phần thơ văn. Chẳng cần nhìn, ông rút ra trang báo thiếu nhi Mai Bê Bi đưa ra sau. Anh chị tôi đã đứng sẵn, đón lấy, dúi đầu đọc rồi. Chị tôi xem phần tin “xe cán chó, chó cán xe” phía sau. Anh tôi đọc tranh vẽ trang giữa. Tờ báo được chuyền dần đến chị kế tôi, rồi tôi. Mấy đứa em tôi chưa đi học, nên chúng vây quanh tôi để được nghe chuyện cổ tích ngày hôm đó. Vài truyện hình có mấy ô, được tôi thêm bớt, nghe đến giờ ăn. Có thể nói bữa ăn tối là lúc duy nhất bố tôi mở miệng. Ông kể đủ chuyện, cái làng của ông ngoài Nam Định, bờ ao, cái giếng mà ông xém chết khi té xuống năm bốn tuổi, đêm giã gạo … Bố tôi kể về những cái thân thương với ông dù thật nhỏ, những chuyện đã chục năm mà tưởng như mới xảy đến ngày hôm qua. À, còn mối quan hệ giữa chúng tôi với ông này, bà nọ, những người mà đại bác bắn ba ngày chưa đến. Ở cái làng bé nhỏ của bố tôi, ai cũng liên hệ họ hàng với nhau cả. Chúng tôi nghe những câu chuyện như vậy nhiều năm, đến thuộc lòng. Qua câu chuyện, bố tôi cố gieo vào tâm hồn nhỏ bé của chúng tôi ý niệm về gia đình và quê hương.
 
Buổi trưa bố tôi thường về nhà ăn, ngủ một giấc ngắn, rồi mới đi làm lại. Ông nằm trên cái phản ngựa, chụp lên mặt tờ báo để ngủ.  Chị tôi ê a đọc đi, đọc lại bài học thuộc lòng cả  chục bận vẫn chưa nhớ  “Hằng năm cứ vào cuối thu lá ngoài đường rụng  … đường rụng  nhiều và trên không  … không có những đám mây bàng bạc lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường.” Bố tôi gạt tờ báo sang bên, ngồi dậy rồi bảo chị tôi.  “Con đọc thế  này dễ nhớ hơn. Hằng năm … cứ vào cuối thu … lá ngoài đường rụng nhiều … và trên không  … có những đám mây bàng bạc … lòng tôi lại nao nức … những kỷ niệm … hoang mang … của buổi tựu trường.” Qủa thật, tôi ngồi bên đã nhớ trọn câu bố tôi vừa đọc. Nó nhẹ ngấm vào tâm người nghe lắm.
 
Một bữa nọ bố tôi sắm về một cái bàn mặt gương to lắm. Mẹ tôi cứ phàn nàn rằng con còn nhỏ gương dễ vỡ, nguy hiểm lắm. Mẹ lấy ra cây chổi lông gà nơi góc tủ ra đe chúng tôi. Không được ném đồ lên bàn, không được ngồi lên bàn, không được gõ lên bàn … cả mười cái không. Mấy đứa em tôi le lưỡi, sợ lắm. Còn tôi, tôi lại muốn thử lén mấy điều mẹ tôi cấm để hiểu tại sao. Bố tôi lôi ra vài cái bảng danh dự hàng tháng anh chị tôi đôi khi nhận được, để dưới mặt kính. Ông lấy ngón tay đóng những cái khung tưởng tượng ở bốn góc rồi bảo đấy là chỗ cho bốn thằng con. Phần còn lại cho hai bà chị và đứa em gái, nhỏ hơn. Tôi quan sát kỹ. Mấy ngày sau tôi lén nhét mấy ô truyện hình, vào cái góc quá lớn của tôi, cho đỡ trống trải.
 
Trưa nọ bố tôi hì hà, hì hục lấy cưa, gỗ ra. Ông đóng một cái kệ, cao lắm, tôi nhẩy lên mà không với được đến đỉnh. Vài ngày sau, ông khuân về một đống sách. Ngày qua ngày, chất hơn nửa cái kệ sách vĩ đại ấy. Cả mấy tuần anh em chúng tôi quay quần quanh cái thư viện nhỏ bé ấy. Chị tôi mê đọc mấy quyển truyện tuổi hoa xanh. Anh tôi say mê với bộ Tam Quốc Chí (giống bố tôi). Chị kế tôi và tôi ngấu nghiến các chuyện cổ tích và truyện hình vẽ Xì Trum, Lữ Hân Phi Lục, Thạch Bích Sơn … Mấy đứa em cứ theo đuôi tôi cả ngày để được nghe các truyện tôi đọc. Cặp mắt chúng mở to như những con sóc khi tôi phùng má trợn mang để diễn tả cho trọn “ý tác giả”. Tôi chỉ ngồi đó, búng ngón tay, là cả đám đệ tử đi rót nước, lấy tăm cho bố mẹ thay tôi.
 
Khi tôi bắt đầu bước vào trung học thì bữa ăn tối, vắng bố tôi dăm ba bữa. Bố tôi đi làm về trễ vì phải lo chạy ép-phe. Không có ông, bữa cơm sao nhạt nhẽ. Chẳng ai dám nói to hoặc khua đũa mạnh. Ráng ăn cho nhanh, rồi chạy đi chơi. Không khí trong nhà hơi ngột ngạt. Mẹ bao giờ cũng dành mâm cơm riêng, chờ bố về ăn chung. Đôi khi đến 10 giờ chưa thấy bố tôi về. Mẹ tôi cứ ra cửa, rồi trở vào mấy bận. Chúng tôi ngồi học trên bàn hoặc quanh phản ngựa cứ dúi đầu vào sách, mà tai cứ ngóng quanh. Bố tôi về thì mấy đứa em tôi đã ngủ. Mặt ông đỏ ngừ. Ông hỏi mẹ tôi qua loa vài việc trong ngày ở nhà. Có lẽ ông không nghe chính ông, nên giọng của ông lớn lắm. Mẹ tôi đâu có nghe. Bà cất đi  mâm cơm dọn sẵn, rồi chui vào mùng nằm với ba đứa em, với cái bụng đói! Bố tôi thở dài vài cái, rồi lảo đảo đi ngủ. Tuần sau mọi việc như vậy lại tái diễn, đôi ba bữa. Anh chị em tôi bao phen họp bàn để nói chuyện với bố. Chẳng ai dám lên tiếng cả. Ở trong gia đình, bố tôi như ông trời. Trừ tôi! Cho tới một hôm tôi không còn né bố tôi khi ông ngà ngà. Tôi ngồi học đối diện ông khi ông tìm cách lấy lòng mẹ. Bố tôi muốn nói gì với tôi, lại thôi. Một tối nọ tôi dở hé mặt gương, rút ra vài cái bảng danh dự hiếm hoi của tôi, ép vào vở, rồi ra ngõ chơi. Mặt bố tôi phừng đỏ lên, như chực trút trọn tức giận lên thằng con vô lễ. Nhưng cái gì đó kéo ông ngồi lại. Chờ tôi đi, ông mở vở, lấy mấy cái tấm giấy đó bỏ vào chỗ cũ. Các bữa tối “nhảy dù” của ông bớt dần cho đến năm 75 thì dứt hẳn.
 
Cả đời, bố tôi chưa đánh chúng tôi. Không, tôi quên. Mẹ tôi bảo khi anh tôi được ba tuổi, anh vào bếp lấy giấy mồi lửa trong bếp rồi chui xuống giường chơi. Bố tôi lôi ra đánh một roi thật mạnh để anh tôi nhớ đời. Chỉ có vậy mà ngày hôm sau bố tôi vào sở khóc cả buổi, vì thương con và hối hận. Nhờ vậy chúng tôi không bị cái roi nào từ bố. Roi của mẹ tôi thì ai cũng nếm. Tôi là người nhận lấy những cái roi đó hàng bữa, khi nhẹ, khi nặng. Tôi là đứa con cứng đầu nhất trong nhà và phá phách nhất trong xóm. Tôi thường bầy têu cho 30-40 đứa lớn nhỏ cỡ tuổi tôi làm náo loạn cái hẽm nhỏ độ hơn chục nhà. Ôi thôi đủ cả, đá banh, tạt lon, u mọi, tập trận đánh nhau… Hàng xóm cứ đến mách với mẹ tôi vì cái bình bông trên bàn thờ bị tôi đá banh rơi xuống vỡ, cái cửa bị sút bản lề vì tôi đu … tôi đủ tội cả. Một hôm có mấy đưá từ xóm chợ lôi đến để đánh đứa nào trong xóm. Tôi đứng ra giữa ngõ, với một đám con nít đủ cỡ đàng sau. Bọn kia thấy đông chúng không dám xông vào, chỉ đứng văng tục. Tụi chúng nói gì, tôi lập lại. Thế là bao nhiêu chữ không có trong tự điển văng ra, đá lại. Cả xóm ồn như ong vỡ tổ. Có mấy người lớn ra xua. Tôi không vào nên cả bọn cứ đứng đó, tiếp tục văng tục. Mẹ tôi từ đâu chạy hồng hộc về. Bà trút những ngọn roi tới tấp vào tôi. Hai cái chổi lông gà bị gẫy cán. Tôi vẫn cắn răng không hé một tiếng, phổng ra như đá. Mẹ tôi vẫn đánh. Cánh tay bà chậm dần, vì mỏi. Đến khi chị tôi mở cái cửa sổ thông xuống bếp. Mấy đứa em tôi đứng bên cửa mặt tái xanh. Một luồng ánh sáng ào vào căn buồng lờ mờ. Mẹ tôi chợt nhìn thấy dòng máu hai bên đùi tôi chảy ra. Mẹ tôi rú lên, ôm mặt lăn lộn xuống đất gào thét, như chính bà là người nhận những đòn roi oan nghiệt đó, không phải tôi! Tôi chẳng nói một câu, đúng dậy ra ngoài, trong lòng nhén lên niềm uất hận. Tôi đâu có làm điều gì sai. Tôi chỉ bảo vệ bạn tôi thôi. Không bao lâu bố tôi đi làm về. Trong bụng tôi hơi lo. Thà bố tôi đánh, tôi sẽ quen. Ánh mắt nghiêm nghị của ông, tôi sợ. Mấy đứa em nhảy phóc lên đùi bố xì xầm kể lại chuyện vừa xảy ra, đủ to để lấn tiếng khóc nẹn của mẹ tôi trong buồng, đủ nhỏ để cho tôi đứng xớ rớ góc tường xa nghe chữ đực chữ cái. Bố tôi chẳng nói một câu. Cái im lặng ấy kéo dài đến cuối bửa ăn. Khi mẹ tôi xuống bếp rửa chén, bố tôi ra đường đi bách bộ như mọi khi, tôi chạy vội vào buồng lấy vội vài thứ. Anh em tôi đang chơi đùa trong xóm. Chẳng ai để ý đến tôi cả. Tôi lẳng lặng ngó lại cái căn phòng nhỏ. Tấm hình gia đình hơi xiêu vẹo dưới cái đèn nê-ông đầy thạch sùng. Chúng tách lưỡi nghe chanh chách. Tôi chạy thật nhanh. Tôi chạy xa lắm. Tôi chạy cho đến khi chân tôi run đi không nỗi. Đàng xa một đống đen lù lù đi ngược lại. Bị đèn đường chiếu loá mắt nên tôi không rõ người đó là ai. Tôi nép vào tường tiếp tục bước. Bàn tay đưa ra và giọng nói ôn tồn “Đưa cho ba”. Tôi oà bật khóc. Bao nhiêu cái ấm ức trong nguời được trút ra. Lòng tôi nhẹ dần. Tôi đưa bố cái bọc nhỏ, gói ghém bộ quần áo và quyển sách “Tâm Hồn Cao Thượng” mà tôi chưa đọc xong. Hai bố con rảo bước về nhà, tay trong tay. Qua một đống rác lớn ở góc chợ, bố tôi rút quyển sách ra, rồi vất gói quần áo. Mọi chuyện như chưa có gì xảy ra. Từ đó, mẹ tôi không đánh tôi nữa. Mấy đứa em cũng được hưởng nhờ. Tôi cũng thay đổi, từ cái nắm tay của bố, đêm hôm ấy. Tôi đã lớn.
 
Trên bãi cát rộng thênh thang, có nhiều vết chân, nằm chồng lên nhau, đi về mọi hướng. Nếu để ý người ta thấy dấu chân thật nhỏ lửng thửng tìm hướng đi. Rồi nó bắt đầu hoà nhập vào dấu chân thật lớn, hằn sâu trên cát. Có đoạn, dấu chân nhỏ dừng lại, rồi nhảy vượt những bước sai lầm. Từng bước, từng bước đến đường đời mở rộng. Ở đó chỉ còn một dấu chân.
 
Khù Khờ

Ct.Ly

Khù Khờ
  • Số bài : 253
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 19.08.2009
RE: Những Mảnh Vụn Học trò - 24.01.2011 01:28:43
Tuổi chớm thu
 
Dòng nắng ấm rửa trôi màu lá cũ
lá không vàng để mùa bước vào thu
ào cơn mưa run lẩy bẩy trên cành
gió đan vuốt … sợi thu vàng trên ngọn.
 
Đã bao mùa tôi ngồi chờ lá chuyển vàng và bao lần phủi áo quần, ngoái nhìn lại chỗ vừa ngồi. Chỉ thấy nỗi trống vắng mà tôi bắt đầu cảm nhận được chỉ vài năm nay. Đã bao lần tôi đặt tay trên bàn phím, thả suy nghĩ miên man, muốn viết thật nhiều, chuẩn bị, rồi đóng laptop lại. Hình như có vài điều còn lờ mờ quá, tôi chưa nhận ra, nên chưa muốn viết. Nhưng không lẽ cứ chờ, cứ nghiệm, cho đến một ngày dù có viết ra, cũng chẳng có gì đáng đọc. Hôm nay tầm nhìn lại lấm tấm những đốm vàng, đỏ sau cơn mưa. Tôi ngồi đây thả dòng tư tưởng bắt đầu từ buổi chớm thu, nghĩ về tuổi chớm thu.
 
Cứ đến mùa thu, không hiểu sao quanh tôi lại hiện ra ba hình ảnh đi liền với âm thanh quen thuộc. Chúng đến với tôi tuần tự và chính xác như tiếng đồng hồ báo thức. Hình ảnh thứ nhất là hai đứa trẻ nhặt lá bàng trong đêm.  “Gió lên! Gió nữa lên!, Gió lên! Lạy trời gió lên!” Âm thanh từ đoản truyện Nhặt Lá Bàng của Nhất Linh réo bên tai tôi lạ lùng như vậy. Hình ảnh thứ hai là mấy chậu mai, cúc vàng của những chợ hoa gần tết bên nhà. Tôi cũng không hiểu sao tự dưng tôi lại nhớ quê nhà da diết. Sài Gòn đâu có mùa thu. Sài Gòn chỉ rực rỡ khoác lên chiếc áo đầy màu sắc vào những ngày cuối năm. Tiếng cười đùa nô nức của những cô cậu bước vào cái tuổi biết để ý. Tiếng là xào xạc nghe vui tai vậy sao? Hình ảnh thứ ba là cánh quạt đủ màu phe phẩy quanh xe tôi ở những khúc lượn dọc con lộ số 9. Những mùa thu đó, mỗi chiều đi làm về tôi thường lái xe trên con đường rực lá, nghe Ngọc Lan trong cassette, cho đến khi mặt trời chìm hẳn xuống dòng sông Hudson. Lên đến đỉnh đồi của trường West Point, tôi nhìn về thành phố New York. Xa quá, cả trăm triệu ngọn đèn hắt lên bầu trời một dải hồng nhạt. Mấy chiếc lá trên ngọn cây dường như trôi lững lờ giữa dòng sông đó. Tiếng Ngọc Lan ngọt ngào bài hát Thuyền Không Bến Đỗ của Lam Phương:
 
Đời buồn như chiếc lá
Lặng lẽ trên sông dài
Làm sao anh quên được niềm đau ?
Ai đã đem mong chờ
Cho thuyền không thấy bờ ?
Để riêng tôi chiều nay thẩn thờ ?

 
Tôi mới tìm lại lời nhạc trên trang web. Thời đó tôi nghe nhạc, ít chú ý đến lời. Bài nào hợp với tâm trạng lắm, tôi mới cố nhớ đôi câu “đời buồn như chiếc lá, lặng lẽ trên sông dài …”. Lạ nhỉ, những năm trước tôi có trí nhớ tương đối không quá tệ. Có lẽ vì tôi ưa động não để phân tích đúng, sai và tìm hiểu nguyên nhân của những việc, đôi khi không đáng quan tâm. Tôi bị méo mó nghề nghiệp và còn giữ thói quen giải toán trong đầu từ thời đi học. Nhiều đêm tôi thức trắng để làm cho xong công việc vì cả ngày cứ bị dính trong những buổi họp nghe tranh cãi đến nhức tai. Bao nhiêu năm cuộc sống của tôi vội vã như còn tàu trên tuyến đường sắt xuyên đêm. Bây giờ nhìn lại tôi ngạc nhiên tại sao mình lại khổ công nhiều như vậy. Có lần tôi cảm thấy có cái gì thật vô lý. Tôi hơi hụt hẫng, nhìn quanh, ước lượng con đường trước mặt.
 
Người Mỹ có câu quá bốn mươi, đời chỉ còn con dốc xuống. Tôi không nghĩ vậy. Cho đến tuổi 45 tôi thấy mình còn sung mãn như lứa tuổi 30, trừ cái bụng hơi bị trọng trường làm áp lực. Tôi vẫn còn đầy hăng say và niềm tin ở bản thân. Tôi có quá nhiều may mắn về phương diện gia đình và nghề nghiệp. Tôi ít chú ý đến cái mình đang có vì nghĩ rằng chúng sẽ luôn ở cạnh. Qua tuổi 48, tôi bắt đầu giật mình vì từng thay đổi nhỏ. Ngồi làm việc nếu không mang kính thì chỉ sau dăm phút, trước mặt tôi chỉ là một vùng tuyết trắng. Cái tên của những người đồng nghiệp trước cửa phòng, đôi khi ngồi cạnh nhau trong phòng tôi quên bẵng đi. Ghé ngang chợ trên đường đi làm về và đón con, tôi cứ phải mua dư hai ba món vì không nhớ rõ vợ tôi vừa dặn mua gì. Tôi có ghi xuống mảnh giấy, rồi bỏ lại trên bàn. Thỉnh thoảng nhìn lại mình trong gương tôi cũng ngạc nhiên, ngày xưa tôi đâu như vậy. Các con tôi xem mấy tập hình cũ cứ bảo tóc của ba ngày xưa dầy vậy sao. Nói chuyện đôi khi thấy chút bực mình vì cái lưỡi không chịu cộng tác. Nó lặp lại những từ, tôi vừa nói và đôi khi còn líu lại, đến khó nghe. Những cái vớ vẩn không đâu, tự nhiên cứ vây quanh, làm tôi hoang mang. Tôi đâm lười, không thèm bỏ những việc không quá quan trọng vào đầu. Tôi thấy vui, có ngày nghe mấy cô cậu ở lứa tuổi 25-30 gọi tôi là anh thay vì chú. Tôi tự dưng cười hóm hĩnh khi nghe mấy “anh” bạn (họ không thích khi tôi gọi họ là chú) tennis của tôi kể chuyện cấm đàn bà nơi bàn cà phê. Lúc trước, mỗi khi họ bắt đầu nhen nhúm đề tài này, tôi thường kéo ghế xa mấy bàn, vì sợ liên lụy. Nhưng …
 
Nhưng đời là con sông, có những khúc rẽ bất thường, mấy ai ngờ được. Cách đây hơn hai năm, người bạn trong hội tennis mời cả nhóm đến nhà, lấy cớ ăn mừng thắng lợi kỳ tranh giải liên tỉnh. Sáng Chủ Nhật hôm đó, anh gọi ra sân nhắc mọi người đừng đến trễ. Chiều đến, mọi người vĩnh viễn chia tay anh tại bệnh viện. Đâu ai ngờ giữa sống và chết chỉ cách nhau tiếng cúp của cú điện thoại cuối cùng. Cơn nhồi tim đã mang đi anh bạn chỉ mới ngũ tuần, trông còn tráng kiện. Vài người tôi quen, ở lứa tuổi trung niên, cũng đi đột ngột như vậy. Vào mùa thu, thời tiết dịu hẳn lại, ngày thôi hối hả. Đi được nửa cuộc đời, chậm lại, nhìn quanh, tôi chợt nhận ra tiếng buông rơi của từng chiếc lá, khác nhau. Không ít cặp vợ chồng bắt đầu chia tay khi con cái trưởng thành. Tôi mừng cho vài phụ nữ thoát nợ với ông chồng bạo hành, bủn xỉn, lăng nhăng, say sưa từ tờ mờ sáng đến đêm. Tôi mừng cho vài người đàn ông không còn phải chịu đựng sự đay nghiến kéo từ năm này sang tháng nọ, sự nghi ngờ, kiểm soát từng phút và sự hỗn láo đến bẽ mặt với mọi người. Nhưng, có những cuộc chia tay, tôi không ngờ, thoạt nghĩ chẳng có lý do chính đáng. Có lẽ tôi chỉ vói nhìn, cái nhìn khách quan, bao nhiêu năm. Mùa thu vừa chớm. Gió nhè nhẹ. Nghe đâu đây những kỷ niệm đẹp như cổ tích. Thoáng chạm vào đôi mắt chưa thoát khỏi giấc mơ dĩ vãng. Cố cảm thông chút ngập ngừng giải thích, chút đắng cay, nén nghẹn …
 
Tiếng thở dài giấu trong khói thuốc
Nấc từng hồi … cho rượu bớt cay
Gió lặng, đêm nghe … lá trở mình
Vỡ trên gối giọt sương, khuya lạnh!
……

Đổ vỡ nào cũng hằn trong tim vết sẹo. Thỉnh thoảng sờ lại vẫn nhói đau. Với thời gian những gút mắc ta tự trói mình sẽ dần nới lỏng. Nhiều người nhìn lại, mừng vì còn đủ can đảm bước tới, để được thấy một chân trời mở rộng hơn. Có thứ, nhiều người ỷ y sẽ luôn ở bên mình và chưa thấy quan trọng. Có mất mát làm mình trưởng thành hơn và thay đổi khái niệm sống, cách sống. Tôi nghe như vậy từ nhiều người. Tôi chưa đến đó nên chỉ lắng nghe, gắng nghiệm. Câu nói quen “Có con mới hiểu lòng cha mẹ”. Đôi khi tôi trăn trở, tự trách mình không làm được gì cho bố mẹ. Một, hai tuần nằm trực trong nhà thương mỗi năm, mấy lời thăm hỏi cuối tuần, hay vài dịp về thăm trong năm … Có đủ chưa? Tôi cứ hỏi mình. Tôi thấy ăn năn như làm điều sai, trong những năm nay, khi bố mẹ tôi tuổi càng chồng chất. Tự nhiên tôi khóc. Những dòng nước mắt vô tích sự. Rất bình thường, nhiều người đột nhiên tìm đến tín ngưỡng khi cha hoặc mẹ họ mất. Chắc họ cố tìm sự bình an trong lòng hay lời giải thích mù mờ nào đó. Mỗi lần gặp tôi, một anh bạn cứ sà đến nhắc về thiền và ngã. Sau vài tháng, tôi vẫn nghe, anh lặng im. Chúng tôi bắt tay nhau sau mười phút đứng cạnh, không một lời. Tôi nghĩ tôi hiểu những điều anh muốn chia sẻ. Tôi mừng cho người bạn đã tìm thấy câu trả lời. Và tôi … còn bức rức.
 
Tôi cũng quan sát thấy rằng sau khi bị mất cha, mẹ hay một người thân yêu trong gia đình, khá nhiều người trở nên từ tâm hơn. Họ bắt đầu nhìn thấy những bất hạnh chung quanh, ráng góp một bàn tay, bỏ chút “thời giờ không có”. Hai năm gần đây tôi đọc được nhiều lời hay, ý đẹp và gặp gỡ lời nhắc rằng hạnh phúc có từ cho, chứ không phải nhận. Tôi nghiệm được điều này trước khi được đọc câu đó. Có những việc nhỏ hết sức làm cho tôi vui, như ánh mắt long lanh của mấy đứa trẻ, lúc chờ lãnh quà Giáng Sinh, nơi nhà kho của hội từ thiện Salvation Army. Ngày rực rỡ hơn nhờ tiếng cười trong vắt của mấy đứa nhỏ quây quanh xe truck ở khu gia cư nghèo chờ món đồ chơi hay vài bộ quần áo cũ. Tôi theo người đồng nghiệp chở những vật dụng thừa của người quen cho vài hộ gia đình tỵ nạn từ Miến Điện. Thấy mấy đứa nhỏ bồng trên tay èo uột quá, đôi khi tôi dúi vội vài chục bạc lẻ vào đôi tay run xúc động. Dù chỉ làm được những việc nhỏ để ngày tháng có ý nghĩa, tôi vui như vậy. Tôi ngả mũ đến những người bạn làm được những việc lớn hơn. Tôi mừng vì có nhiều người bạn giàu lòng nhân ái, có tài và làm việc thiện nguyện từ nhiều năm. Với tôi, đó là những người đẹp, đáng quý trọng.
 
Ở đầu mùa thu, chiếc lá trở mình nhìn xuống cành cây và ước lượng … mùa xuân sang năm, bao nhiêu lá mới sẽ vươn lên từ đây. Làm cha mẹ, làm sao khỏi lo cho con cái. Biết thế nào là đủ. Đứa con trai của tôi đứng xấp xỉ ngang tôi, nhưng sao tôi vẫn thấy nó nhỏ quá. Đôi khi tôi muốn ôm và hôn trên má nó như khi nó còn nhỏ. Tôi phải phì cười khi nó bảo rằng chỉ có những người đồng tình luyến ái mới làm như vậy. Tôi quên rằng con tôi đang bước vào tuổi dậy thì. Đứa con gái cũng không chịu cho tôi nựng. Đôi khi ghiền quá, tôi hôn nó chụt một cái rồi bỏ chạy. Vợ tôi phải đứng ra dỗ dành dòng nước mắt đang chảy dài trên đôi má còn phính, phụng phịu vì bị phá. Nghĩ đến hai đứa con chỉ còn vài năm là xa mái nhà này, tự dưng tôi thấy hơi buồn. Buồn nữa là việc vợ tôi cứ lo xách gói đi theo lo cho hai đứa nhỏ, ở đại học nào đó. Nhiều người đặt lắm hy vọng vào con cái của mình. Họ dồn bao nhiêu thứ vào đứa nhỏ để chuẩn bị cho tương lai sáng lạn. Tôi thấy tội cho mấy đứa bé với chút triển vọng, không có thời giờ để hồn nhiên hay để thở. Có đứa nghĩ chỉ có làm bác sĩ mới là người tốt. Tôi không đồng ý với lối giáo dục hay đúng hơn là lối đi lại con đường mà vài người đã đi, chưa đến đích. Con tôi, tôi chỉ mong chúng trở thành người có lòng nhân để cuộc sống đầy ý nghĩa, có nghị lực để vượt qua những chông gai, thử thách trong đời, và luôn cố gắng làm bất cứ việc gì với tất cả khả năng sẵn có. Học làm người tốt, cố gắng làm điều tốt.
 
Vào mùa thu, vạn vật dường như chậm lại. Khả năng phân tích của tôi bắt đầu giậm chân tại chỗ. Tôi không quá bận tâm lo toan cho tương lai sắp đến. Thấy những thứ mất, còn chung quanh, tôi hướng đến quan niệm mới về cuộc sống. Ở khoảng ngắn, trống rỗng của suy nghĩ, tôi chợt nghe, chợt thấy những điều mà cuộc sống vội vã đã cuốn trôi ... từ nhiều năm. Ngồi làm việc quá nửa đêm, tôi ngủ quên trong dĩ vãng. Hiện về hình ảnh của tôi khi còn bé, hồn nhiên như hai chị em trong đoản truyện “Nhặt Lá Bàng”, gọi gió lên để đuổi theo mơ ước. Hồi còn bé, thỉnh thoảng tôi thoáng nghĩ mai mốt cuộc đời sẽ ra sao. Giờ tôi đã đến nơi đó, nhìn lại bóng hình cũ của mình. Chiều bước ra khỏi chỗ làm, tôi nán lại đôi phút nhìn những chiếc lá vừa thay màu áo. Cùng một góc nhìn, có hôm tôi thấy ngày rực rỡ hẳn. Tôi nhìn mà lòng rộn rã như đi chợ tết. Tôi ngỡ những chiếc lá vàng, đỏ trên cành là những cánh mai, cánh đào đang khoe sắc thắm. Nhớ lại những chiếc áo dài ngày tết, tôi can đảm nhìn kỹ hơn chỗ lá uốn cong, một chút bóng loáng nhô lên. Hình ảnh tết đi liền với chốn cũ. Tôi nhớ Sài Gòn, khi đi tôi không nghĩ đến ngày trở lại. Giờ đây, đâu có gì ngăn cản chuyến trở về của tôi. Chắc chỉ tại lòng! Tôi mới chợt nhận một điều thú vị: tĩnh vật có linh hồn, có lúc vui, biết buồn ... theo tôi. Chỉ mấy năm trước, tôi rất ngạc nhiên khi thấy những người nghệ sĩ nam dễ rướm nước mắt khi nhắc đến kỷ niệm tạo cảm xúc cho họ. Tôi nghĩ họ không thật, hay quá yếu đuối. Tôi từng ngồi nhìn bố tôi rơi nước mắt như vậy. Tôi từng nhìn vài người ngồi khóc ngon ơ như đứa trẻ khi nhắc về tuổi thơ của họ. Họ kể cho tôi vài lần, rồi về bên kia thế giới. Cái vỏ nam nhi cứng rắn của tôi mỏng dần. Tôi mới khám phá ra rằng dám khóc là sự can đảm, chứ không phải yếu hèn. Tôi trôi theo những suy nghĩ mông lung đó trên bàn phím, đôi khi ngay giữa buổi họp, lúc cuộc tranh cãi đến hồi quyết liệt. Ở những góc xa kia, có vài tên, mặt đăm chiêu lắm. Có lẽ họ đang đọc giá cổ phiếu lên xuống trong ngày hay bài bình luận về trận banh sắp diễn ra vào buổi tối. Có ai hỏi ý kiến, tôi ba phải, pha những câu đùa, ngơ ngác như bài thơ tôi vừa làm. Đâu phải lúc nào mình cũng cần phải nghiêm chỉnh, cứ hằn học lẫn nhau, vạch muộn phiền ngang vầng trán. Có những cái không đáng, tôi ráng vất bỏ bên ngoài. Cuộc đời có quá nhiều thay đổi, có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Có ai biết được, chắc được ngày mai của mình.
 
Đừng bịt tai vì thơ đâu biết nói
đừng lắc đầu dồn máu đỏ mặt thêm
đừng bậm môi, vai rung rõ tiếng cười
đừng nhắm mắt nhìn ra đằng sau gáy.

 
Có cho vàng, chỉ vài năm trước, tôi khó tưởng tượng được mình viết được những câu như vậy. Không phải vì đó là những câu thơ hay. Những lời đó, rất khác với lối tôi nói,  nghiêm túc lắm. Ít người quen nghĩ rằng tôi lại bông đùa như thế. Thỉnh thoảng tôi cũng ngờ vực thơ tôi làm. Có phải nó thoát từ trong tôi, hay chỉ là âm điệu tôi vô tình nghe được, rồi vội chép xuống? Khởi đầu từ bài thơ đầu tay “Cơn Gió Thoảng” đến với tôi khi đứng chờ mưa tạnh. Đọc lại, tôi vẫn thấy lâng lâng, trẻ lại với chút ngại ngùng của tuổi mới lớn. Trong bao bài thơ của tôi, tôi ưng ý nhất cảm hứng đầu tay đó. Tôi bất chợt tìm thấy nguồn cảm hứng từ hình ảnh của “tóc chấm vai” trong nhiều bài thơ học trò. Nhân vật đó có thể là thật, mà tình tiết đều hư cấu. Tôi giữ nét ngớ ngẩn trong thơ, vì thỉnh thoảng đọc lại, tôi thấy mình trẻ lại. Tôi đi lạc và đâm mê thơ, lúc nào không biết. Trước đây tôi không thích thơ tự do vì vần điệu khó theo và ý khó nắm. Bây giờ tôi tặc lưỡi thưởng thức cái đẹp mà thơ mang đến cho tôi. Thơ tự do không bị đóng khung nên âm điệu ít nhàm chán và ý hay dễ thoát hơn. Tôi dạo qua những trang thơ, thấy ý tưởng lạ, đôi khi phải trở lại một bài thơ nhiều lần mới cảm nhận được nhiệt độ và sức cuốn đẩy của nó. Đọc hết những bài thơ của một tác giả hay nghe lại những sáng tác của một nhạc sĩ, tôi thường tìm thấy vài từ và vài hình ảnh được dùng đi, dùng lại. Tôi nghĩ không phải vì họ thiếu từ ngữ hay thiếu cảm xúc. Tôi đoán rằng họ chưa hài lòng với cách bày tỏ cảm xúc qua hình tượng mới khám phá. Tôi cảm thấy như vậy, vì tôi cũng lặp lại, vài thứ đã viết.
 
Khi làm thơ, tôi ít chú trọng đến vần điệu, tự cảm xúc dẫn dòng thơ lên thấp cao. Tôi ít quan tâm đến từ dùng. Tôi không ngồi cắn bút, ráng lựa chữ hay, gieo đúng luật bằng trắc, để tạo âm vang và giúp cho bài thơ dễ nhớ. Với tôi, làm thơ không phải là xếp chữ. Đôi khi cái bóng nhoáng của từ ngữ làm lu mờ ý thơ, thậm chí còn làm bài thơ rỗng tuếch. Tôi không biết vẽ, nên tôi làm thơ. Bắt đầu từ hình ảnh lờ mờ, tôi vẩy mực quanh, điểm thêm vài chấm chấm. Tôi có thói quen bỏ vài khoảng trống để người đọc tự diễn giải. Có lẽ, thơ khác nhạc và văn xuôi ở chỗ đó. Lạ lắm, tôi chưa hiểu tại sao, khi đọc lại những bài thơ cũ của mình, tôi vẫn sống lại cùng cảm xúc ở những khoảng trống đó. Đôi khi vì vội, làm rồi không đọc lại, hay không muốn đọc lại để sửa tới, sửa lui làm mất ý thơ ... tôi phạm những lỗi chính tả quá sơ đẳng vì thói phang thơ, vì nhìn không ra dấu chữ đánh sai, viết sai những từ lâu không dùng, hay bỏ sót dấu nối. Trong bài thơ làm gần đây, tôi viết:
 
đất nứt, chồi quả nắng hồng
soi tấm áo mỏng, thẹn thùng sương tan ...
 
Có người nhắc tôi sửa lại chính tả, trồi thay vì chồi. Tôi nhận ra sơ sót:
 
đất nứt, chồi / quả nắng hồng
soi tấm áo mỏng, thẹn thùng sương tan ...
 
Hiện tượng mặt trời mọc, tôi kéo dài ra ba hình ảnh tiếp nối nhau. Người làm thơ được mặc sức tưởng tượng, nên tôi vẽ vời mặt trời từ lòng đất chui lên. Đất nứt ra chồi cây và từ đó kết trái mặt trời. Viết như vậy, tôi cố níu kéo thời gian để lớp sương mai đừng vội tan. Tôi thích thú với khám phá mới “quả nắng hồng”, như một lần đã mường tượng mặt trời chiều là quả cam, muốn ngắt về bỏ túi. Về sau, đọc thơ của Luân Hoán, tôi mới biết ông có viết một câu na ná như vậy về mặt trời chiều. Tôi đâm ngỡ ngàng, sao hai người lại cùng suy nghĩ, cách nhau hơn chục năm. Dăm bài thơ, tôi cố viết mông lung, thả những câu không kết nối. Rồi tôi dùng chỉ một chữ hay một hình ảnh làm trọng tâm, diễn tả cảm xúc của tôi trong bài thơ đó. Vậy mà có người, đôi người nhìn ra. Tôi ngạc nhiên, lịm người vì sung sướng.
 
Chỉ vài bài thơ, tôi được nghe khen. Tôi chắc, có nhiều bài thơ bị coi là lãng xẹt. Người làm thơ không muốn giải thích những bài thơ của mình. Tôi cũng thế. Tôi thoáng nghe ... dạo này, thơ tôi ... hơi trăng hoa. Tôi ngập ngừng, gõ bút. Sau khi đọc đi, đọc lại những bài thơ tôi đã viết, tôi an tâm. Vì vậy, trong những bài thơ gần đây, tôi phớt thêm nụ hôn. Thơ không phải là tự sự. Nếu chỉ là tự sự, thì đó chỉ là của riêng của người làm thơ, chứ nó không thể chở cảm xúc của độc giả. Họ đọc thơ, để được thông cảm. Trong thơ, tôi muốn hài hoà màu sắc của dĩ vãng và hiện tại. Thả bước trở về dĩ vãng để thấy mình trẻ lại, nhận rõ cảm giác muốn yêu và được yêu. Quay bước về hiện tại, xác định những gì nên làm, để còn yêu và được yêu. Nụ hôn trong thơ tôi, đơn thuần chỉ là sự ân cần, sự rung động ở bất cứ tuổi nào cũng có.
 
Buổi chớm thu, em ngồi thương chiếc lá
đủ sắc màu, ngày tàn héo bao xa?
tay chậm sương, tôi phớt nhẹ môi hồng
bảo còn đấy, nụ cười ... tôi điêu đứng.
 
Khù Khờ
Thuở kia có gã khù khờ
Nghe cơn gió thoảng suốt đời ngu ngơ

Khù Khờ
  • Số bài : 253
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 19.08.2009
RE: Những Mảnh Vụn Học trò - 26.01.2011 06:50:21
Bức Tranh Năm Cũ
 
"Ông giáo rút trong cặp ra tờ giấy trắng, đưa trước lớp hỏi:
-    Cái gì đây?
Cả lớp trả lời:
  - Thưa thầy, tờ giấy trắng ạ!
Ông giáo lấy cây bút chấm lên đó, rồi hỏi tiếp:
  - Cái gì đây?
Đám học trò nhao nhao:
  - Thưa thầy, dấu chấm ạ!
Ông giáo đưa mắt quanh, rồi khẽ hỏi lại:
  - Bao nhiêu chấm?
Cả lớp im phăng phắc. Người thầy mới ôn tồn bảo:
  - Tờ giấy trắng, anh ngồi cuối lớp kia cũng thấy. Dấu thầy vừa chấm, trò ngồi gần đây nhất cũng không thấy. Sao cả lớp chỉ nhìn vào điểm nhỏ như vậy?"
 
Câu chuyện đó tôi đã được nghe qua và mang vào kể trong một lớp Việt ngữ, kèm lời giải thích:
  - Đã là con người thì ai cũng có lỗi lầm. Bắt đầu làm học sinh, các em sẽ có lỗi lầm, như vài dấu chấm nhỏ trên trang giấy.
Tôi bảo:
  - Mỗi em hãy điểm vài chấm trên trang giấy trắng, rồi chuyền sang cho bạn ngồi bên hay ngồi sau lưng.
Chờ cả lớp làm xong, tôi tiếp:
  - Các em cố đếm trên trang giấy của bạn bao nhiêu dấu chấm. Viết con số đó ở góc phải cuối trang, rồi trả lại cho bạn đó.
Khi tờ giấy cuối cùng được hoàn trả, tôi hỏi: 
   - Con số bạn em viết xuống có đúng với số những dấu chấm của em không?
Cả lớp lắc đầu. Tôi tiếp lời:
   - Những dấu chấm đó chỉ là những lỗi lầm, có thể nhỏ nên không ai để ý đến. Đôi khi làm việc lỗi, chỉ có ta mới nhận thấy lỗi lầm của mình. Đừng nhìn những lỗi lầm đó mà quên rằng tờ giấy còn rất trắng. Bây giờ các em hãy nối những dấu chấm đó lại, cố tưởng tượng hình gì, rồi viết bài luận văn cho ngày hôm nay. Mong các em luôn nhớ bài học này.
 
Trong những đứa học trò, tôi nhớ nhất Nguyễn Thành Danh. Những năm tháng tôi dạy Việt Ngữ ở nhà Bronx, New York, Danh bám theo tôi như cái bóng; từ lớp học, đến sân bóng chuyền hay những đêm không ngủ đòi nhân quyền cho người dân tỵ nạn Việt ở các trại Hồng Kông hay xa hơn, bên nhà. Tôi thương Danh như đứa em trai và cố dẫn dắt nó khỏi lầm vào con đường du đãng như những đứa trẻ ở lứa tuổi vị thành niên trong vùng thời đó. Tôi rời New York cuối năm 1989. Chỉ vài tháng sau, tôi nghe tin Danh ngồi tù vì đi cướp với bạn bè. Cái tin đó làm tôi tê liệt đến mấy tháng và mất đi niềm hăng hái trong cuộc sống. Năm tháng trôi qua. Tôi lập gia đình. Trong cuộc sống mới, tôi bận rộn vun đấp mái ấm của mình và dần xa những hoạt động thiện nguyện. Tôi cũng quên rằng mình đã từng làm thầy, dù chưa bao giờ nhận mảnh bằng, chứng nhận việc làm không công đó. Một buổi tối nọ khi tôi đang dìu cho đứa con thứ hai tập đi thì tiếng chuông điện thoại vang lên làm tôi giật mình.
 
Đầu dây bên kia còn im lặng nhưng tôi nghe như có tiếng thở rất quen thuộc. Sau vài chục giây:
    - Em … là Danh đây.
Cả hai đầu dây lại im lặng … sau câu chào. Một lúc khá lâu sau, Danh bật khóc. Nó xin lỗi tôi đủ điều. Qua những câu đứt quãng, tôi thấy lại diễn tiến thật quá vô duyên đã đưa đứa em học trò của tôi vào tù. Danh vì ham vui đi chung xe với đám bạn làm liều, cướp tiệm vàng. Xong Danh kể những ngày trong tù và nỗi hối hận của nó trong đó. May cho cậu em trai, nó học được cái nghề xâm người trong đó. Khi trước tôi đã sẵn biết tài vẽ của Danh. Sau khi ra ngoài, Danh làm công cho người khác, rồi dần đã làm chủ nhân của hai tiệm trong khu Soho. Nó đã có gia đình và vừa có con đầu lòng.
 
Danh nhắc đến bài luận văn năm xưa đã giúp nó vượt qua nỗi bứt rứt trong tù và tạo cho nó lòng tin khi ra ngoài. Đến khi thành công Danh mới dám liên lạc với tôi, dù nó biết rất rõ những nơi tôi đã ở, rồi đi trong suốt mười mấy năm. Vẫn chưa nói một lời, tôi mỉm cười, mơ màng nhìn vào khoảng không. Một bức tranh thật đẹp ... trên trang vở trắng của cậu học trò mà ngày đó ... xa quá, tôi nhìn không tới.
 
Khù Khờ
Thuở kia có gã khù khờ
Nghe cơn gió thoảng suốt đời ngu ngơ

Khù Khờ
  • Số bài : 253
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 19.08.2009
RE: Những Mảnh Vụn Học trò - 05.10.2011 02:18:29
Đợi Chờ
 
Thời gian là cái thước, ta trải ra để đo những gì đã qua hay ta gập lại để tìm lại những gì chưa xảy đến. Bước vào mùa thu, trời bắt đầu se lạnh, cảnh vật quay lại chỗ năm xưa hay tôi đang sống lại ngày tháng cũ? Đọc lại đôi dòng tôi viết đã khá lâu, lòng tôi không khỏi bồi hồi, níu thời gian quay lại, để đợi chờ …
 
Mùa hè vừa qua. Cả thành phố thở phào! Những đám mây xám nhạt kéo về che khuất ông mặt trời gay gắt. Cái nóng bức buổi chiều dần tan đi. Vài cơn gió mát, tuy chỉ nhẹ, mang cái dễ chịu đến cho mọi người. Nắng vàng đi, nhạt và mỏng manh hơn. Cảnh vật chung quanh cũng thay đổi. Màu vàng của đám cỏ thiếu nước bên đường chầm chậm bò lên ngọn cây. Nắng và gió trêu cợt làm ửng hồng những chiếc lá. Đẹp lắm, quyến rũ lắm. Con đường đi làm về ẻo lả hơn, mời gọi hơn. Tiếng xập xình từ CD đưa xe nhanh chậm theo điệu nhạc, lả lướt qua mấy đoạn đường cong, xoay tròn những cái lá nằm chờ đợi trên đường. Xe rú lên, lao về phía trước, cuốn theo đám lá … hụt hẫng … vẫy tay chào.
 
Mùa thu đã đến. Cái náo nức lại trỗi lên. Không phải chỉ từ những mái đầu giờ bắt đầu ngả mầu theo lá. Không phải chỉ ở những tâm hồn giờ muốn được trẻ lại, muốn được sống thi vị hơn, một chút cho chính mình, sau những giờ làm việc thật dài và căng thẳng, cái bận rộn không xuể với gia đình, và những cái lo âu bất tận cho con cái và tương lai. Cái háo hức trỗi lên từ những đứa trẻ. Vâng, đúng thế. Những trái bí đỏ (pumpkin) xếp đầy trước các siêu thị nhắc nhở cho đàn trẻ nhỏ ngày Halloween sắp đến. Năm nào tôi cũng chở mấy đứa con đến nông trại vào dịp này. Ở đó có cả ngàn trái bí đỏ đủ cỡ được xếp thành núi hoặc vất cho có vẻ ngỗn ngang trên mấy vòm đất. Đến đó con tôi chỉ ham đi xe ngựa quanh nông trại, rượt đuổi theo mấy đứa trẻ khác trong mấy cái khung ma trận, rồi vuốt đầu và cho mấy con dê, con ngựa nhỏ ăn. Tôi cũng lăn ra đất quay phim, chụp hình đủ kiểu cho mấy đứa nhỏ. Mấy năm nữa khi chúng lớn đi học xa còn có đoạn phim, cái ảnh để nhớ đến! Khi trời nhá nhem, con tôi mới lựa bí đỏ để mang về. Đứa lớn bao giờ cũng chọn trái dị hình nhất, thật dễ sợ cho thật giống ma. Đứa nhỏ thích chọn trái khuyết tật. Mấy người bán ngạc nhiên lắm vì đó là những trái người ta đá lông lốc, chờ vứt sọt rác. Hai đứa con tôi lại chọn chúng. Một chốc nữa, nếu có nhớ tôi sẽ kể lý do.
 
Về đến nhà chưa kịp ăn tối, tôi mở con dao nhỏ tạc ngay hai trái bí mới mua. Những năm đầu tôi còn vụng về. Các tác phẩm của tôi chắc phải gọi là nửa người, nửa ngợm, nửa đười ươi. Sau này với một chút kinh nghiệm, tôi khoanh mắt, đẽo răng gọn hơn nên trái bí có hình thù tương đối. Thằng con trai lớn chỉ muốn tôi tạc cho nó Darth Vader, một nhân vật trong bộ phim Star Wars. Đứa em gái muốn tự vẽ những hình chi tiết hơn, rồi nhờ bố khoét hộ. Nó đứng canh tôi còn hơn đứa em gái kế khi tôi đứng cạnh mâm cỗ vào những ngày giỗ chạp. (Những lúc đó, tự dưng tôi nhớ lại những ngày gần Trung Thu năm cũ. Cứ đến gần rằm tháng Tám thì ba đứa em quây quanh xem tôi cắt đục mấy cái lon sữa, bậm môi bẻ sợi dây thép dầy làm trục xe, lấy cuộn chỉ rỗng làm bánh xe xoay tròn cái lon theo nhịp bước. Mặt lon đập vào cái nắp phéng kêu coong cóc. Hàng răng sún và cái nheo mắt cười của mấy em tôi lại hiển hiện trước mặt. Mới đó mà đứa nào cũng có chồng vợ và con cái đầy nhà. Không biết tụi nó còn nhớ mấy cái kỷ niệm nhỏ đó không?) Ngày hôm sau hai trái bí chễm trệ nằm trước cửa. Tối đến cặp mắt và mấy cái răng trông cũng dễ sợ, nhờ cái đèn điện bỏ bên trong. Tôi phải ra nhà xe lấy thằng bù nhìn đóng đầy bụi ra cho bầu bạn với hai trái bí. Bao nhiêu lá trên sân cỏ được gom lại, vất bừa bãi chung quanh. Tôi chạy vội ra tiệm bán đồ thủ công để mua thêm lọ keo xịt mạng nhện giả đầy cửa ra vào. Ừ, bây giờ cửa nhà tôi giờ chẳng khác cái rừng âm u, đầy huyền bí.
 
Gần đến ngày Halloween con tôi lại nao lên về quần áo hoá trang. Cái đống quần áo đáng vất từ lâu được tận dụng tối đa để tạo nên những hoá trang rất đặc thù. Mấy trái bí nhựa bỏ trên cao được mang xuống, rửa cho hết bụi bặm để đựng kẹo bánh. Giờ đã đến. Không cần kêu réo, mới năm giờ chiều là mấy đứa nhỏ đã đẩy xong bữa ăn tối. Tụi nó lăng xăng như gà mắc đẻ. Gọi điện thoại cho nhau ơi ới hẹn giờ khởi hành. Trời vẫn ửng hồng mà đám con nít đã lao nhao trước cửa đợi nhau. Đứa này trầm trồ khen quần áo đứa kia. Những vết mực trên mặt không che hết cái tươi rói ngày hội. Trời vừa nhá nhem, đèn trước cửa đồng loạt bật lên. Đám con nít nối đuôi nhau đi xin kẹo, cười nói như vỡ chợ. Đàng sau là cái đuôi cha mẹ vừa đi, vừa tán dóc. Từ xa nhìn lại chẳng khác nào dòng người trẩy hội chùa Hương. Mấy đứa nhỏ lanh khỏi nói. Năm trước nhà nào cho kẹo ngon và nhiều, chúng nhớ, đến thăm trước. Khu tôi ở có khá nhiều nhà nên đi hơn hai tiếng mới hết. Hai cái bị tôi vác trên vai nặng dần theo từng bước chân. Khi đứa nhỏ trên lưng than mệt thì ba cha con đã đến bậc thang trước nhà. Đi tháp tùng một đêm Halloween, tôi vận động đủ cho cả tuần.
 
Khi chúng tôi vào nhà thì đèn nhiều nhà đã tắt. Bọn trẻ con đi ngủ vì còn buổi học ngày mai. Không gian tĩnh mịch hẳn đi, đủ để nghe tiếng côn trùng rỉ rả, tiếng ếch nhái vọng ồm ộp từ mé công viên. Trăng lên cao, vượt qua mấy ngọn phong sân trước. Ánh trăng đổ tràn trên con dốc … lai láng như một dòng sông. Gió thổi rì rào. Mấy ngọn cây đong đưa, khi che, khi mở bóng trăng, tạo những cơn sóng nhấp nhô. Tôi say, thỉnh thoảng bám vào bậc thang đá để khỏi ngã vào bức tranh hữu tình. Vài con thỏ sột soạt trong bụi cây, đôi mắt tròn linh động, cái miệng nhóp nhép cười trừ, đôi tai vễnh lên cảnh giác. Cuối con dốc vọng lên tiếng lộc cộc. Nai à? Rõ, chỉ hai chân. Thì ra, đứa nhỏ phục sức làm thằng gù. Tôi chờ đợi … Thằng bé từ từ tiến đến nhà tôi. Đứa bé chừng bảy hay tám tuổi. Nó chẳng nói một lời, chìa cái bao ny lông của chợ Walmart, trống rỗng. Tôi nhìn nó, mặt nó lờ mờ khuất sau cái áo trùm qua cổ. Tôi định hỏi nó, rồi thôi. Tôi mang cái bao vào nhà. Mấy cái rỗ đầy ắp kẹo ban chiều, giờ trống trơn. Tôi định mở hai cái túi kẹo nặng chình chịch mới mang về. Con tôi ít ăn kẹo. Chúng chỉ thích kiểm kê chiến lợi phẩm để phân tranh hơn thua. Thường thì ngày hôm sau, tôi mang đống kẹo bỏ trên bàn làm việc, làm vui miệng mấy người đồng nghiệp đến tán dóc. Con tôi đang đánh răng nên tôi chưa muốn động đến chiến lợi phẩm của chúng. Nhìn quanh, ở góc nhà còn đống quà thưởng sót lại từ tết Trung Thu . Tôi dồn hết vào vài bao mang ra cho đứa bé. Nó mừng vì được nhiều quà. “Dạ, cháu cám ơn bác nhiều lắm”, nó rối rít. Thằng bé trễ vai, thả xuống cái bị. Sau cái khăn trải giường làm áo quàng là một đứa bé chừng 3 tuổi. Mặt nó kháu lắm. Đôi chân nó khẳng khiu, có lẽ cái lớn, cái bé. Tôi không muốn nhìn rõ. Thằng anh rút từng món quà trong bao khoe với em. Mắt hai đứa rực sáng, long lanh hơn các vì sao trên trời. Tôi hỏi chúng “Nhà các cháu ở đâu mà giờ này mới đi xin kẹo”. Thoáng nhìn quần áo, tôi biết chắc chúng không ở trong khu này. Thằng anh ngập ngừng một lát rồi chỉ xa qua bên kia công viên “Dạ, cháu ở bên kia, khu chung cư.” Trời đất! Hai anh em nó lội bộ qua cánh rừng cả hai cây số để đến đây. Tôi hỏi nó có nhớ số điện thoại không để tôi gọi ba mẹ nó đến đón. Nó trả lời nhà không có điện thoại, rồi chào tôi ra về. Tôi bảo hai đứa đứng chờ. Tôi chạy vào nhà, vơ thêm đống kẹo bỏ cho đầy trái bí nhựa. Tôi bảo hai đứa con tôi đi cùng, rồi chở cả đám về khu chung cư. Đến đầu khu nhà mình, thằng anh lớn lễ phép cám ơn và xin phép xuống. Tôi bảo nó cứ ngồi, tôi sẽ đưa nó về tận cửa nhà và giao cho ba mẹ. Nó ngần ngừ nhìn tôi một lúc, rồi nói nhỏ chỉ đủ cho tôi nghe “Mẹ con đi làm chưa về. Ba con đi ngủ rồi.” Thấy nó ái ngại tôi chợt hiểu. Ba của nó đã xỉn rồi và nằm lăn lốc ở một xó. Mẹ nó chắc còn phụ ở tiệm giặc nào đó. Một số thanh niên Mễ vậy đó. Họ làm việc cực nhọc cả ngày. Đêm về mượn xâu bia làm bầu bạn. Con cái phó mặc cho vợ. Tôi muốn ôm hai đứa nhỏ thật chặt mà không dám. Ở Mỹ có một số kẻ bệnh hoạn, nên việc tỏ tình thương với con nít cũng chừng mực. Tôi dặn nó sang năm trở lại nhà tôi sớm để đi xin kẹo chung với mấy đứa con tôi. Nó chỉ háy mắt ... rồi mất hút sau dãy nhà.
 
Mùa hè qua có nhiều diễn biến trong thành phố tôi ở. Một số người biểu tình chống đối di dân bất hợp pháp và đòi trục xuất họ về bản xứ. Một số đòi bình quyền và cơ hội cho những người Mễ bất hợp pháp đã sống nhiều năm trên đất nước này. Ai cũng có cái tình và cái lý. Tự dưng trước mắt tôi hiện lên những hình ảnh của hàng rào kẽm gai, cảnh người gào thét khi bị đẩy lên phi cơ, cảnh những cái bụng mỗ ra bày tỏ sự kiên cường thà chết trong tự do hơn sống trong ngục tù cộng sản. Cảnh cưỡng bức hồi hương ở những trại tỵ nạn Hồng Kông và vùng Đông Nam Á sống lại trong tôi. Đó là lý do tôi tham gia những đoàn biểu tình suốt mùa hè. Công lý là cán cân … nghiêng về những kẻ có quyền lực. Một số người Mễ bất hợp pháp đã bị ruồng bắt ở các công xưởng, tiệm ăn và chợ búa. Nghe nói mấy chục gia đình đã bị trục xuất khỏi chung cư tôi đã lái xe đến năm ngoái. Nỗi lo sợ hiện rõ trên nhiều khuôn mặt người Mễ trên đường phố.
 
Mùa thu lại về. Các con tôi lại háo hức chuẩn bị cho đêm Halloween. Tôi cũng vậy. Hai trái bí mới đã nằm sẵn trong góc nhà. Một ít quà và hai túi kẹo chưa mở nằm cạnh đó. Chỉ còn hai tuần. Từng ngày trôi qua … quá dài cho nỗi đợi chờ, ủ thật nhiều hy vọng.
 
 
Khù Khờ
Thuở kia có gã khù khờ
Nghe cơn gió thoảng suốt đời ngu ngơ

Ct.Ly

Khù Khờ
  • Số bài : 253
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 19.08.2009
RE: Những Mảnh Vụn Học trò - 23.10.2011 13:57:49
Bài toán năm xưa


Trong các cuộc gặp gỡ, giữa bàn tiệc, đôi lúc tôi thoáng nghe lời tán gẫu về sự thành công và hạnh phúc của người nào đó. Một số người chung nhau quan niệm rằng thành công có nghĩa là có bằng cấp, địa vị, danh vọng và thật dư dả tài chánh. Thành công dẫn đến hạnh phúc. Quan niệm đơn giản và cố định. Sự ra đi của Steve Jobs để lại cho tôi đôi điều suy nghĩ về hai chữ thành công. Sự chuyển đổi của những người, mà thiên hạ cho rằng rất thành công, ở phần đời còn lại giúp tôi vỡ lẽ thêm về hạnh phúc. Hạnh phúc là khái niệm nên nó đến với mỗi người khác nhau. Ai cũng có một hay nhiều lần đi tìm nó. Mỗi bài toán dù có hóc búa đến đâu, cũng có vài cách giải. Có người chỉ muốn tìm đáp số đúng. Còn tôi chỉ để ý đến cách giải. Cách giải càng lạ, càng tạo nhiều hứng thú và mở rộng suy nghĩ cho những nan giải khác.
 
Khi tôi giảng cho con tôi vài bài toán lượng giác, tay chấm trên vòng tròn để định vị trí của các góc căn bản 30 độ, 45 độ, 60 độ … tự nhiên bài toán năm xưa hiện ra trước mắt tôi. Mới đó … đã bốn mươi năm. Giờ nhìn lại, khoảng thời gian tưởng chừng xa lắm, dường như mới chỉ vừa đi qua. Bài toán không lời giải … lại làm tôi thao thức!
 
Anh em tôi chỉ cách nhau vài tuổi nên tôi lúc nào cũng bám theo anh như bóng với hình. Bạn bè của anh dĩ nhiên trở thành bạn của tôi qua cách xưng hô mày tao tự nhiên. Anh tôi từ thuở nhỏ đã trầm ngâm, có sức chịu đựng và dễ chấp nhận điều luật. Tôi ngược lại, lúc bé có tật thích nói, lúc nào cũng muốn vượt qua những rào cản mà người khác định là ranh giới. Cái tánh hiếu động của tôi đã mang đến bao nhiêu phiền toái hàng ngày cho mẹ tôi và những trận “oánh nhau” ngoài ý muốn cho anh. Thời đó, bố tôi thỉnh thoảng dẫn hai anh em chúng tôi đi xem phim kiếm hiệp Tàu vào trưa Chủ Nhật. Vừa về xóm nhỏ, tôi đã oang oang kêu đám bạn lại để kể những pha đấm đá ngoạn mục của Vương Vũ, Khương Đại Vệ, Địch Long. Tôi bỏ một cánh tay trong áo cho giống độc thủ đại hiệp, bảo vài đứa khom mình làm dãy nhà, tôi mặc sức phi thân lên đó, rồi nhảy xuống tung những đường cước xuất quỷ nhập thần. Bố mua cho tôi chiếc mũ của dân chơi gôn để che nắng khi đi học. Bạn bè trầm trồ gọi là mũ Khương Đại Vệ. Tôi giữ nó khư khư trong cặp và chỉ mang ra đội khi nhập vai Khương Đại Vệ suốt hai năm cuối tiểu học. Vào giờ chơi, khi tan học, hay lúc đàn đúm với bọn trẻ trong xóm, tôi đứng ra đạo diễn những trận đánh nhau như phim chưởng. Những cú đấm đá vào không trung, kèm theo chục cái miệng ì xèo tiếp nối, theo tôi vào giấc mộng hàng đêm. Đánh lộn giả không vui, đôi khi hăng máu quá tôi thụi vào mấy tên khó bảo để làm gương cho cả đám. Tôi trở thành thủ lãnh của xóm tôi từ dạo đó. Cái tính ngổ ngáo, thích làm anh hùng rơm dĩ nhiên mang đến cho tôi bao phen sứt đầu, mẻ trán. Những lần như vậy anh lại xông đi đần cho được những đứa gây thương tích cho tôi. Anh chỉ cao hơn tôi đôi chút, nhưng cái tính lỳ đòn của anh làm tụi xóm khác ngán. Dù có bị đấm đá túi bụi, chắn cho tôi ở sau, dường như chưa có lần nào anh lùi bước. Cái thẹo bên mắt trái của tôi là nguyên nhân cho cái thẹo nơi cằm của anh, rồi cú đá giò lái của anh đã làm lên tên tuổi ở cái xóm chợ từ dạo đó. Khi lên trung học, bố cho tôi học võ. Hàng ngày bị quật, đấm đến mềm xương, tôi tự động bỏ cái thú đau thương trên đường phố. Tôi mới biết rằng câu anh doạ bọn kia “tao có võ, bị đánh không thấy đau” có lẽ là câu trấn an cho tôi. Tôi “mang tiếng” ngoan khi thấy thấm những cú đòn mà anh đã chịu thay tôi. Cái thẹo ở đuôi mắt, lâu lâu tôi sờ lại … hình như vẫn còn chưa khô, vẫn mặn nhiều kỷ niệm.
 
Xóm tôi có mười sáu căn hộ. Mỗi nhà chừng bảy, tám đứa con, tuổi cách nhau năm một, năm hai như gia đình tôi. Nghe bố mẹ tôi nói cái xóm đó ngày xưa xây cho Tây mướn, sau năm 54 mới cho người Việt vào ở. Mới thoáng nhìn, nhà nào cũng tương tự nhau, từ mái ngói phẳng, tấm tôn thiết che hiên, hàng hiên tráng gạch bông, dãy lan can xi măng cao chừng nửa thước nối từ nhà nọ sang nhà kia. Khách ở ngoài vào phải ráng nhớ màu sơn cửa, điểm khác biệt duy nhất của mỗi nhà. Vào ban ngày lũ con nít chạy ra, chạy vào như mắc cưởi nên cửa nhà nào cũng mở toang. Góc kẹt của từng nhà trong xóm, tôi rành như đường chỉ trong lòng bàn tay, vì ngày nào tôi cũng đến núp khi chơi trốn tìm. Tôi quên một điều, nhà tôi đặc biệt nhất xóm vì có sân tráng xi măng láng, chia ra thành tám ô vuông đều nhau. Sân nhà tôi thường là chỗ tụ họp của đám con nít trong xóm. Ô vuông này là chỗ dích hình. Góc kia là chỗ chơi búng dây thun. Không cần nhìn đồng hồ, chỉ thấy trò chơi trước nhà tôi như nhảy cò cò, nhảy dây, u mọi, tạt lính, bắn bi, đánh đũa … là biết giờ nào trong ngày. Chiều về, đám mây màu mỡ gà rồng rắn ngang qua xóm, nhìn xuống sân nhà tôi sặc sỡ đủ màu phấn. Mỗi ô vuông là hình vẽ, là ước mơ của những đứa trẻ. Thỉnh thoảng có những nét vẽ cứng cáp hơn, thẳng thắn hơn, kèm theo những con số và vài ký hiệu khó hiểu. Bạn bè trong lớp của anh tôi thường đến chơi, rồi để lại cho anh nhiều suy nghĩ ở ô vuông số bảy và số tám. Anh cầm sợi dây buộc cục phấn, lấy ngón tay giữ sợi dây trên xi măng, rồi xoay cục phấn, tạo vòng cong. Anh vẽ nhiều vòng cong như vậy, chéo lên nhau, rồi lấy sợi dây nối những điểm chéo nhau, rồi chặc lưỡi, lắc đầu. Thấy anh làm như vậy vài ngày, tôi thắc mắc hỏi. Anh bảo rằng anh đang tìm cách chia một góc thành ba phần bằng nhau. Tôi le lưỡi, chạy đi rượt bắt với tụi trong xóm.
 
Lên lớp bảy, tôi bắt đầu biết thêm về hình học ngoài những hình căn bản vuông, tròn. Thầy tôi dùng sợi dây buộc cục phấn để vẽ vòng tròn trên bảng, có lẽ tròn hơn vòng quay của chiếc com-pa của tôi trên giấy. Thầy dạy cho cả lớp cách chia đôi một góc, chia đôi một cạnh, vẽ tam giác cân và tam giác đều bằng sợi dây và cục phấn đó. Khi tôi đang bậm môi, giữ đầu com-pa đừng nhảy khỏi trang giấy, thì tôi giật bắn mình vì cái thước vỗ chát sau lưng. “Lại cái thằng …”, tôi càu nhàu ngó lại bàn sau, “Gì mậy!” Hoàng Quốc Việt, bọn tôi gọi Vịt Cồ, ngửng mặt thách thức “Tao cá với mày chia được một góc thành ba phần bằng nhau”. Tôi nói  “Sao không được. Mày có tiền đâu mà cá.” Hắn moi trong túi ra hai chục bạc cắc hình bông lúa bảo tôi “Mày mà giải ra thì tao cho không mày hai chục này, mà tao còn cùi sứt móng.” Nghe thầy Thiều hắng giọng trên bục, tôi nghe rõ tín hiệu thầy sắp kêu tên học trò nào lên bảng, tôi vội cúi đầu tìm chiếc giày săng đan, tôi vừa đá nhẹ sang bên cạnh. Đến giờ chơi, tôi cố tránh Vịt Cồ, khi sắp hàng vào lớp nó đưa mười móng tay bẻ quặp dứ vào mặt tôi. Chắc như đinh đóng cột nó nói “Mẹ tao bảo bài toán này chưa có ai giải được.” Mắt tôi tròn xoe, nửa ngờ vực. Mẹ của Việt là cô giáo toán bên Trưng Vương. Tôi đang định cười trừ, nhưng nhìn cái mặt vênh lên trời của Vịt Cồ, tôi nóng máu nói bừa “Ừ, tao cá với mày.” Tôi định bụng tối nay về hỏi anh tôi cách giải. Ăn cơm chiều xong, tôi vẽ trước mắt anh tôi, trên ô số bảy, những vòng cong với sợi dây và cục phấn. Anh lắc đầu “bài toán không có cách giải”. Tôi bướng bỉnh “Sao anh biết?”. Anh tôi nói là bạn bè bảo vậy và anh đã thử vài lần, mấy năm trước! Anh bỏ vào nhà. Tôi ngồi tiếp tục nghuệc ngoạc. Đầu óc tôi rối bời như những vòng cong đan chéo vào nhau …

(phần 1)
Thuở kia có gã khù khờ
Nghe cơn gió thoảng suốt đời ngu ngơ

dang son
  • Số bài : 4767
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 06.06.2011
RE: Những Mảnh Vụn Học trò - 24.10.2011 20:07:55





...

VÀI CẢM NGHĨ RỜI.


________________________________



Anh Khù Khờ thân mến.



..


Thưa anh,tôi thấy êm đềm và được sự ấm áp khi đọc đi đọc lại các bài viết tâm tình của anh.

Nhất là ở bài : Tuổi chớm thu

Có đoạn anh viết :


" ... Vào mùa thu, vạn vật dường như chậm lại. Khả năng phân tích của tôi bắt đầu giậm chân tại chỗ. Tôi không quá bận tâm lo toan cho tương lai sắp đến. Thấy những thứ mất, còn chung quanh, tôi hướng đến quan niệm mới về cuộc sống. Ở khoảng ngắn, trống rỗng của suy nghĩ, tôi chợt nghe, chợt thấy những điều mà cuộc sống vội vã đã cuốn trôi ... từ nhiều năm. Ngồi làm việc quá nửa đêm, tôi ngủ quên trong dĩ vãng. Hiện về hình ảnh của tôi khi còn bé, hồn nhiên như hai chị em trong đoản truyện “Nhặt Lá Bàng”, gọi gió lên để đuổi theo mơ ước. Hồi còn bé, thỉnh thoảng tôi thoáng nghĩ mai mốt cuộc đời sẽ ra sao. Giờ tôi đã đến nơi đó, nhìn lại bóng hình cũ của mình. Chiều bước ra khỏi chỗ làm, tôi nán lại đôi phút nhìn những chiếc lá vừa thay màu áo. Cùng một góc nhìn, có hôm tôi thấy ngày rực rỡ hẳn. Tôi nhìn mà lòng rộn rã như đi chợ tết. Tôi ngỡ những chiếc lá vàng, đỏ trên cành là những cánh mai, cánh đào đang khoe sắc thắm. Nhớ lại những chiếc áo dài ngày tết, tôi can đảm nhìn kỹ hơn chỗ lá uốn cong, một chút bóng loáng nhô lên. Hình ảnh tết đi liền với chốn cũ. Tôi nhớ Sài Gòn, khi đi tôi không nghĩ đến ngày trở lại. Giờ đây, đâu có gì ngăn cản chuyến trở về của tôi. Chắc chỉ tại lòng! Tôi mới chợt nhận một điều thú vị: tĩnh vật có linh hồn, có lúc vui, biết buồn ... theo tôi. Chỉ mấy năm trước, tôi rất ngạc nhiên khi thấy những người nghệ sĩ nam dễ rướm nước mắt khi nhắc đến kỷ niệm tạo cảm xúc cho họ. Tôi nghĩ họ không thật, hay quá yếu đuối. Tôi từng ngồi nhìn bố tôi rơi nước mắt như vậy. Tôi từng nhìn vài người ngồi khóc ngon ơ như đứa trẻ khi nhắc về tuổi thơ của họ. Họ kể cho tôi vài lần, rồi về bên kia thế giới. Cái vỏ nam nhi cứng rắn của tôi mỏng dần. Tôi mới khám phá ra rằng dám khóc là sự can đảm, chứ không phải yếu hèn. Tôi trôi theo những suy nghĩ mông lung đó trên bàn phím, đôi khi ngay giữa buổi họp, lúc cuộc tranh cãi đến hồi quyết liệt. Ở những góc xa kia, có vài tên, mặt đăm chiêu lắm. Có lẽ họ đang đọc giá cổ phiếu lên xuống trong ngày hay bài bình luận về trận banh sắp diễn ra vào buổi tối. Có ai hỏi ý kiến, tôi ba phải, pha những câu đùa, ngơ ngác như bài thơ tôi vừa làm. Đâu phải lúc nào mình cũng cần phải nghiêm chỉnh, cứ hằn học lẫn nhau, vạch muộn phiền ngang vầng trán. Có những cái không đáng, tôi ráng vất bỏ bên ngoài. Cuộc đời có quá nhiều thay đổi, có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Có ai biết được, chắc được ngày mai của mình.

Đừng bịt tai vì thơ đâu biết nói
đừng lắc đầu dồn máu đỏ mặt thêm
đừng bậm môi, vai rung rõ tiếng cười
đừng nhắm mắt nhìn ra đằng sau gáy.

Có cho vàng, chỉ vài năm trước, tôi khó tưởng tượng được mình viết được những câu như vậy. Không phải vì đó là những câu thơ hay. Những lời đó, rất khác với lối tôi nói, nghiêm túc lắm. Ít người quen nghĩ rằng tôi lại bông đùa như thế. Thỉnh thoảng tôi cũng ngờ vực thơ tôi làm. Có phải nó thoát từ trong tôi, hay chỉ là âm điệu tôi vô tình nghe được, rồi vội chép xuống? Khởi đầu từ bài thơ đầu tay “Cơn Gió Thoảng” đến với tôi khi đứng chờ mưa tạnh. Đọc lại, tôi vẫn thấy lâng lâng, trẻ lại với chút ngại ngùng của tuổi mới lớn. Trong bao bài thơ của tôi, tôi ưng ý nhất cảm hứng đầu tay đó. Tôi bất chợt tìm thấy nguồn cảm hứng từ hình ảnh của “tóc chấm vai” trong nhiều bài thơ học trò. Nhân vật đó có thể là thật, mà tình tiết đều hư cấu. Tôi giữ nét ngớ ngẩn trong thơ, vì thỉnh thoảng đọc lại, tôi thấy mình trẻ lại. Tôi đi lạc và đâm mê thơ, lúc nào không biết. Trước đây tôi không thích thơ tự do vì vần điệu khó theo và ý khó nắm. Bây giờ tôi tặc lưỡi thưởng thức cái đẹp mà thơ mang đến cho tôi. Thơ tự do không bị đóng khung nên âm điệu ít nhàm chán và ý hay dễ thoát hơn. Tôi dạo qua những trang thơ, thấy ý tưởng lạ, đôi khi phải trở lại một bài thơ nhiều lần mới cảm nhận được nhiệt độ và sức cuốn đẩy của nó. Đọc hết những bài thơ của một tác giả hay nghe lại những sáng tác của một nhạc sĩ, tôi thường tìm thấy vài từ và vài hình ảnh được dùng đi, dùng lại. Tôi nghĩ không phải vì họ thiếu từ ngữ hay thiếu cảm xúc. Tôi đoán rằng họ chưa hài lòng với cách bày tỏ cảm xúc qua hình tượng mới khám phá. Tôi cảm thấy như vậy, vì tôi cũng lặp lại, vài thứ đã viết.

Khi làm thơ, tôi ít chú trọng đến vần điệu, tự cảm xúc dẫn dòng thơ lên thấp cao. Tôi ít quan tâm đến từ dùng. Tôi không ngồi cắn bút, ráng lựa chữ hay, gieo đúng luật bằng trắc, để tạo âm vang và giúp cho bài thơ dễ nhớ. Với tôi, làm thơ không phải là xếp chữ. Đôi khi cái bóng nhoáng của từ ngữ làm lu mờ ý thơ, thậm chí còn làm bài thơ rỗng tuếch. Tôi không biết vẽ, nên tôi làm thơ. Bắt đầu từ hình ảnh lờ mờ, tôi vẩy mực quanh, điểm thêm vài chấm chấm. Tôi có thói quen bỏ vài khoảng trống để người đọc tự diễn giải. Có lẽ, thơ khác nhạc và văn xuôi ở chỗ đó. Lạ lắm, tôi chưa hiểu tại sao, khi đọc lại những bài thơ cũ của mình, tôi vẫn sống lại cùng cảm xúc ở những khoảng trống đó. Đôi khi vì vội, làm rồi không đọc lại, hay không muốn đọc lại để sửa tới, sửa lui làm mất ý thơ ... tôi phạm những lỗi chính tả quá sơ đẳng vì thói phang thơ, vì nhìn không ra dấu chữ đánh sai, viết sai những từ lâu không dùng, hay bỏ sót dấu nối. Trong bài thơ làm gần đây, tôi viết:

đất nứt, chồi quả nắng hồng
soi tấm áo mỏng, thẹn thùng sương tan ...

Có người nhắc tôi sửa lại chính tả, trồi thay vì chồi. Tôi nhận ra sơ sót:

đất nứt, chồi / quả nắng hồng
soi tấm áo mỏng, thẹn thùng sương tan ...

Hiện tượng mặt trời mọc, tôi kéo dài ra ba hình ảnh tiếp nối nhau. Người làm thơ được mặc sức tưởng tượng, nên tôi vẽ vời mặt trời từ lòng đất chui lên. Đất nứt ra chồi cây và từ đó kết trái mặt trời. Viết như vậy, tôi cố níu kéo thời gian để lớp sương mai đừng vội tan. Tôi thích thú với khám phá mới “quả nắng hồng”, như một lần đã mường tượng mặt trời chiều là quả cam, muốn ngắt về bỏ túi. Về sau, đọc thơ của Luân Hoán, tôi mới biết ông có viết một câu na ná như vậy về mặt trời chiều. Tôi đâm ngỡ ngàng, sao hai người lại cùng suy nghĩ, cách nhau hơn chục năm. Dăm bài thơ, tôi cố viết mông lung, thả những câu không kết nối. Rồi tôi dùng chỉ một chữ hay một hình ảnh làm trọng tâm, diễn tả cảm xúc của tôi trong bài thơ đó. Vậy mà có người, đôi người nhìn ra. Tôi ngạc nhiên, lịm người vì sung sướng.

Chỉ vài bài thơ, tôi được nghe khen. Tôi chắc, có nhiều bài thơ bị coi là lãng xẹt. Người làm thơ không muốn giải thích những bài thơ của mình. Tôi cũng thế. Tôi thoáng nghe ... dạo này, thơ tôi ... hơi trăng hoa. Tôi ngập ngừng, gõ bút. Sau khi đọc đi, đọc lại những bài thơ tôi đã viết, tôi an tâm. Vì vậy, trong những bài thơ gần đây, tôi phớt thêm nụ hôn. Thơ không phải là tự sự. Nếu chỉ là tự sự, thì đó chỉ là của riêng của người làm thơ, chứ nó không thể chở cảm xúc của độc giả. Họ đọc thơ, để được thông cảm. Trong thơ, tôi muốn hài hoà màu sắc của dĩ vãng và hiện tại. Thả bước trở về dĩ vãng để thấy mình trẻ lại, nhận rõ cảm giác muốn yêu và được yêu. Quay bước về hiện tại, xác định những gì nên làm, để còn yêu và được yêu. Nụ hôn trong thơ tôi, đơn thuần chỉ là sự ân cần, sự rung động ở bất cứ tuổi nào cũng có.

Buổi chớm thu, em ngồi thương chiếc lá
đủ sắc màu, ngày tàn héo bao xa?
tay chậm sương, tôi phớt nhẹ môi hồng
bảo còn đấy, nụ cười ... tôi điêu đứng.

( Khù Khờ )




---------



Thật tình mà thú nhận : Ở anh,tôi đọc và cảm nhận được một tấm tình, một sự sâu sắc. Từ những bài viết,khi anh kể về vài kỷ niệm vơí ông anh lớn của anh.Cảm động ! Chân tình !

Đọc cách viết về những câu chuyện kỷ niệm khi anh kể về cha mẹ,gia đình,anh chị em,tôi lại bắt gặp lấy chính tôi.Một cậu bé ngổ nghịch,phá phách ,cứng đầu và hay ra vẻ " hào hiệp " vơí người thân và bạn bè...

Tôi bắt gặp,nhớ lại - từ chữ viết của anh - một ánh mắt cương nghị và nghiêm khắc của cha mình ở ngày ấy.

Đọc xong,anh cho tôi gửi lời thăm cái thằng bé phá phách nghịch ngợm trong quá khứ của anh.Cho tôi gửi lời thăm một hình ảnh người cha biết yêu thương con cái nơi anh.


Và cũng xin lợi dụng sự trao đổi và thăm hỏi này để xin phép anh tải một đoạn viết ghi đậm ở trên để đưa vào chủ đề mang tên :" Tại Sao Chúng Mình Làm Thơ " của tôi.

Vì những câu viết ấy đã làm tôi hiểu tại sao anh làm thơ và tại sao anh viết...


Xin chúc anh vui và giữ được sự ấm áp nơi tâm hồn khi tiếp tục viết.




thân ái.



đăng sơn.fr

Khù Khờ
  • Số bài : 253
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 19.08.2009
RE: Những Mảnh Vụn Học trò - 27.10.2011 20:34:37
Thưa anh Đăng Sơn,

Cám ơn anh đã viếng thăm trang văn xuôi và trang thơ của tôi. Tôi có nghe người nhạc sĩ nào đó bày tỏ niềm hạnh phúc khi nghe ca sĩ hiểu được và diễn tả trọn vẹn cảm xúc của ông ở từng nốt ngân, từng nốt rung và từng đoạn trầm bổng. Lời anh để lại mang đến cho tôi niềm vui giống như thế.

Chúc anh luôn dồi dào cảm hứng và mang đến diễn đàn VNTQ này nhiều bài viết, lời thơ dễ đi vào lòng của người đọc.

Thân chào,
Khù Khờ
Thuở kia có gã khù khờ
Nghe cơn gió thoảng suốt đời ngu ngơ

Khù Khờ
  • Số bài : 253
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 19.08.2009
RE: Những Mảnh Vụn Học trò - 29.10.2011 13:57:51
Trong các cuộc gặp gỡ, giữa bàn tiệc, đôi lúc tôi thoáng nghe lời tán gẫu về sự thành công và hạnh phúc của người nào đó. Họ chung nhau cái thước đo thành công: bằng cấp, địa vị, danh vọng và tài chánh. Thành công ắt dẫn đến hạnh phúc. Quan niệm đơn giản và cố định. Sự ra đi của Steve Jobs để lại cho tôi đôi điều suy nghĩ về hai chữ thành công. Sự chuyển đổi của những người, mà thiên hạ cho rằng rất thành công, ở phần đời còn lại giúp tôi vỡ lẽ thêm về hạnh phúc. Hạnh phúc là khái niệm nên nó đến với mỗi người khác nhau. Ai cũng có một hay nhiều lần đi tìm nó. Mỗi bài toán dù có hóc búa đến đâu, cũng có vài cách giải. Có người chỉ muốn tìm đáp số đúng. Tôi chỉ chú ý đến cách giải. Cách giải càng lạ, càng tạo nhiều hứng thú và mở rộng suy nghĩ cho những nan giải khác.

Bài toán năm xưa


Khi tôi giảng cho con tôi vài bài toán lượng giác, tay chấm trên vòng tròn để định vị trí của các góc căn bản 30 độ, 45 độ, 60 độ … tự nhiên bài toán năm xưa hiện ra trước mắt tôi. Mới đó … đã bốn mươi năm. Giờ nhìn lại, khoảng thời gian tưởng chừng xa lắm, dường như mới chỉ vừa đi qua. Bài toán không lời giải … lại làm tôi thao thức!

Anh em tôi chỉ cách nhau vài tuổi nên tôi lúc nào cũng bám theo anh như bóng với hình. Bạn bè của anh dĩ nhiên trở thành bạn của tôi qua cách xưng hô mày tao tự nhiên. Anh tôi từ thuở nhỏ đã trầm ngâm, có sức chịu đựng và dễ chấp nhận điều luật. Tôi ngược lại, lúc bé có tật thích nói, lúc nào cũng muốn vượt qua những rào cản mà người khác định là ranh giới. Cái tánh hiếu động của tôi đã mang đến bao nhiêu phiền toái hàng ngày cho mẹ tôi và những trận “oánh nhau” ngoài ý muốn cho anh. Thời đó, bố tôi thỉnh thoảng dẫn hai anh em chúng tôi đi xem phim kiếm hiệp Tàu vào trưa Chủ Nhật. Vừa về xóm nhỏ, tôi đã oang oang kêu đám bạn lại để kể những pha đấm đá ngoạn mục của Vương Vũ, Khương Đại Vệ, Địch Long. Tôi bỏ một cánh tay trong áo cho giống độc thủ đại hiệp, bảo vài đứa khom mình làm dãy nhà, tôi mặc sức phi thân lên đó, rồi nhảy xuống tung những đường cước xuất quỷ nhập thần. Bố mua cho tôi chiếc mũ của dân chơi gôn để che nắng khi đi học. Bạn bè trầm trồ gọi là mũ Khương Đại Vệ. Tôi giữ nó trong cặp và chỉ mang ra đội khi nhập vai Khương Đại Vệ suốt hai năm cuối tiểu học. Vào giờ chơi, khi tan học, hay lúc đàn đúm với bọn trẻ trong xóm, tôi đứng ra đạo diễn những trận đánh nhau như phim chưởng. Những cú đấm đá vào không trung và chục cái miệng ì xèo tiếp nối, theo tôi vào giấc mộng hàng đêm. Đánh lộn giả không vui, đôi khi hăng máu quá tôi thụi vào mấy tên khó bảo để làm gương cho cả đám. Tôi trở thành thủ lãnh của xóm tôi từ dạo đó. Cái tính ngổ ngáo, thích làm anh hùng rơm dĩ nhiên mang đến cho tôi bao phen sứt đầu, mẻ trán. Những lần như vậy anh lại xông đi đần cho được những đứa gây thương tích cho tôi. Anh chỉ cao hơn tôi đôi chút, nhưng cái tính lỳ đòn của anh làm tụi xóm khác ngán. Dù có bị đấm đá túi bụi, chắn cho tôi ở sau, dường như chưa có lần nào anh lùi bước. Cái thẹo bên mắt trái của tôi là nguyên nhân cho cái thẹo nơi cằm của anh, rồi cú đá giò lái của anh đã làm lên tên tuổi ở cái xóm chợ. Khi lên trung học, bố cho tôi học võ. Hàng ngày bị quật, đấm đến mềm xương, tôi tự động bỏ cái thú đau thương trên đường phố. Tôi mới biết rằng câu anh doạ bọn kia “tao có võ, bị đánh không thấy đau” có lẽ là câu trấn an cho tôi. Tôi “mang tiếng” ngoan khi dần thấm những cú đòn mà anh đã chịu thay tôi. Cái thẹo ở đuôi mắt, lâu lâu tôi sờ lại … hình như chưa khô, vẫn mặn nhiều kỷ niệm.

Xóm tôi có mười sáu căn hộ. Mỗi nhà chừng bảy, tám đứa con, tuổi cách nhau năm một, năm hai như gia đình tôi. Nghe bố mẹ tôi nói cái xóm đó ngày xưa xây cho Tây mướn, sau năm 54 mới cho người Việt vào ở. Mới thoáng nhìn, nhà nào cũng tương tự nhau, từ mái ngói phẳng, tấm tôn thiết che hiên, hàng hiên tráng gạch bông, dãy lan can xi măng cao chừng nửa thước nối từ nhà nọ sang nhà kia. Khách ở ngoài vào phải ráng nhớ màu sơn cửa, điểm khác biệt duy nhất của mỗi nhà. Vào ban ngày lũ con nít chạy ra, chạy vào như mắc cưởi nên cửa nhà nào cũng mở toang. Góc kẹt của từng nhà trong xóm, tôi rành như đường chỉ trong lòng bàn tay, vì ngày nào tôi cũng đến núp khi chơi trốn tìm. Tôi quên một điều, nhà tôi đặc biệt nhất xóm vì có sân tráng xi măng láng, chia ra thành tám ô vuông đều nhau. Sân nhà tôi thường là chỗ tụ họp của đám con nít trong xóm. Ô vuông này là chỗ dích hình. Góc kia là chỗ chơi búng dây thun. Không cần nhìn đồng hồ, chỉ thấy trò chơi trước nhà tôi như nhảy cò cò, nhảy dây, u mọi, tạt lính, bắn bi, đánh đũa … là biết giờ nào trong ngày. Chiều về, đám mây màu mỡ gà rồng rắn ngang qua xóm, nhìn xuống sân nhà tôi sặc sỡ đủ màu phấn. Mỗi ô vuông là hình vẽ, là ước mơ của những đứa trẻ. Thỉnh thoảng có những nét vẽ cứng cáp hơn, thẳng thắn hơn, kèm theo những con số và vài ký hiệu khó hiểu. Bạn bè trong lớp của anh tôi thường đến chơi, rồi để lại cho anh nhiều suy nghĩ ở ô vuông số bảy và số tám. Anh cầm sợi dây buộc cục phấn, lấy ngón tay giữ sợi dây trên xi măng, rồi xoay cục phấn, tạo vòng cong. Anh vẽ nhiều vòng cong như vậy, chéo lên nhau, rồi lấy sợi dây nối những điểm chéo nhau, rồi chặc lưỡi, lắc đầu. Thấy anh làm như vậy vài ngày, tôi thắc mắc hỏi. Anh bảo rằng anh đang tìm cách chia một góc thành ba phần bằng nhau. Tôi le lưỡi, chạy đi rượt bắt với tụi trong xóm.

Lên lớp bảy, tôi bắt đầu biết thêm về hình học ngoài những hình căn bản vuông, tròn. Thầy tôi dùng sợi dây buộc cục phấn để vẽ vòng tròn trên bảng, có lẽ tròn hơn vòng quay của chiếc com-pa của tôi trên giấy. Thầy dạy cho cả lớp cách chia đôi một góc, chia đôi một cạnh, vẽ tam giác cân và tam giác đều bằng sợi dây và cục phấn đó. Khi tôi đang bậm môi, giữ đầu com-pa đừng nhảy khỏi trang giấy, thì tôi giật bắn mình vì cái thước vỗ chát sau lưng. “Lại cái thằng …”, tôi càu nhàu ngó lại bàn sau, “Gì mậy!” Hoàng Quốc Việt, bọn tôi gọi Vịt Cồ, ngửng mặt thách thức “Tao cá với mày chia được một góc thành ba phần bằng nhau”. Tôi nói “Sao không được. Mày có tiền đâu mà cá.” Hắn moi trong túi ra hai chục bạc cắc hình bông lúa bảo tôi “Mày mà giải ra thì tao cho không mày hai chục này, mà tao còn cùi sứt móng.” Nghe thầy Thiều hắng giọng trên bục, tôi nghe rõ tín hiệu thầy sắp kêu tên học trò nào lên bảng, tôi vội cúi đầu tìm chiếc giày săng đan, tôi vừa đá nhẹ sang bên cạnh. Đến giờ chơi, tôi cố tránh Vịt Cồ, khi sắp hàng vào lớp nó đưa mười móng tay bẻ quặp dứ vào mặt tôi. Chắc như đinh đóng cột nó nói “Mẹ tao bảo bài toán này chưa có ai giải được.” Mắt tôi tròn xoe, nửa ngờ vực. Mẹ của Việt là cô giáo toán bên Trưng Vương. Tôi đang định cười trừ, nhưng nhìn cái mặt vênh lên trời của Vịt Cồ, tôi nóng máu nói bừa “Ừ, tao cá với mày.” Tôi định bụng tối nay về hỏi anh tôi cách giải. Ăn cơm chiều xong, tôi vẽ trước mắt anh tôi, trên ô số bảy, những vòng cong với sợi dây và cục phấn. Anh lắc đầu “bài toán không có cách giải”. Tôi bướng bỉnh “Sao anh biết?”. Anh tôi nói là bạn bè bảo vậy và anh đã thử vài lần, mấy năm trước! Anh bỏ vào nhà. Tôi ngồi tiếp tục nghuệc ngoạc. Đầu óc tôi rối bời như những vòng cong đan chéo vào nhau …

Tôi không mất hai chục vì lối cãi chày, cãi bướng với bạn tôi. Tôi chỉ cho Vịt Cồ cách chia ba góc 0 độ, chẳng mất chút công sức nào! Hắn lườm tôi “Ăn gian!” Tôi nối dài 2 cạnh của góc 270 độ, chia nó thành ba. Hắn ú ớ. Tôi vẽ một đường thẳng, xoay com-pa một vòng, lấy giao điểm của vòng tròn và đường thẳng làm 2 tâm điểm, tôi xoay tiếp 2 vòng cùng bán kính. Giao điểm của 3 vòng cung đó là đỉnh của 2 tam giác đều nằm cạnh nhau, trên cùng đường thẳng. Tôi vung những đường kiếm Khương Đại Vệ chia ba góc 180 độ. Tôi tiếp tục chia góc 90 độ thành 2 góc 60 độ và 30 độ, rồi chia đôi góc 60 độ thì bạn tôi hoàn toàn tin rằng tôi đã tìm ra cách giải cho bài toán hóc búa. Tôi múa may trám vào hớ hênh của bạn tôi khi đặt ra câu hỏi cho một góc thay vì mọi góc. Thấy bộ mặt buồn thiu của Vịt Cồ khi đưa tôi hai chục từ bàn tay chưa quặp lại, tôi cũng không vui, vỗ vai nó, bỏ đi. Tôi chỉ muốn giữ chút sĩ diện với Việt nên vò đầu cả ngày Chủ Nhật vật lộn với câu trả lời. Bài toán chưa có cách giải … tròng trành quanh cổ … theo tôi vào từng lớp toán ở những năm sau và lênh đênh cùng tôi trên biển. Cái gông đó tuột mất khi tôi rơi xuống biển vào một đêm không sao.

Năm ’76, sau nhiều biến chuyển ở miền Nam, từ sáu giờ sáng mỗi ngày máy phát thanh đầu chợ rầm rộ kêu gọi các gia đình đi kinh tế mới, đám trẻ đăng ký thanh niên xung phong. Bố mẹ tôi bị khủng hoảng. Nhà có mười miệng ăn. Bà chị cả của tôi từ Nam Định dọn vào năm ’75 là người duy nhất nằm trong danh sách lao động hợp thức. Bố tôi bị cho về vườn, ngày ro ro điếu thuốc lào tâm sự với trời đất. Mẹ tôi ngụy trang gánh chè ở đầu ngõ mỗi đêm làm nguồn lợi tức của cả gia đình. Thằng công an khu vực ăn cú đá giò lái năm nào, hàng tuần cứ đến nhìn nồi cơm tối của gia đình tôi và gợi ý anh tôi đóng góp cho việc kiến thiết đất nước. Chiều hôm đó tôi đi học về, quăng quyển vở vào hàng hiên, chuẩn bị đi đá banh thì thấy anh ngồi thừ trước cửa. Ô số bảy và ô số tám trống trơn. Tôi vẽ vào ô số bảy cái mũi hỉnh và cụm mây tựa hình trái tim đứt đoạn. Cái miệng anh méo xệch. Anh bâng quơ vài câu không đâu. Tôi giả lờ không hỏi tới. Khoảng giữa hai đôi vai ngồi kề … thật trống. Tuần sau, anh về Vĩnh Long theo học chương trình đào tạo trung cấp, bỏ ước mơ vào Bách Khoa. Tôi muốn hỏi mẹ tôi. Bà có vẻ cố tránh. Tôi chẳng hỏi bố tôi về quyết định của ông. Tôi ngồi lỳ trước mặt ông, lật qua, lật lại mấy trang sách để tìm câu giải đáp. Tiếng thuốc lào ro … ro, ro ngập ngừng. Từng cuộn khói lừng khừng xoay theo mấy vòng lẩn quẩn. Anh đi, tôi trở nên trầm ngâm. Tôi cảm thấy lạc lõng vì con đường trước mặt không còn dấu chân để tôi lò mò bước theo. Tôi nghiêm chỉnh hơn vào vị trí anh lớn trong gia đình. Tôi tập và biết chịu đựng. Bản tính muốn vượt qua rào cản … chắc đến chết … vẫn còn của tôi.

Anh học xong một học kỳ, mẹ sai tôi đi tiếp tế cho anh. Tôi đùa bảo “Ảnh đi học tập, chứ có bị cải tạo đâu mà gia đình phải tiếp tế.” Mẹ tôi không trả lời, bận rộn nhét thêm vào giỏ hộp thịt chà bông “Trời mưa, nó chỉ thích ăn cái này.” Tôi hỏi, mới biết trường của anh cách bến xe không xa. Nhìn bộ mặt khẩn khoản của người đạp xe thồ, tôi đồng ý leo lên xe của chú. Nhìn người phu xe cong lưng, xương lòi ra chiếc áo vá víu, tôi thấy thật xấu hổ. Tôi bảo chú dừng xe, vất cái giỏ tiếp tế và đôi dép lên xe, tôi chạy bộ song song xe và hồng hộc hỏi mấy chuyện ở Vĩnh Long. Mấy người bộ hành nhìn tôi lạ lẫm. Chắc trưa hôm đó trời quá nắng! Tôi gặp anh trong nhà ăn tập thể. Vẫn cái nụ cười lưng lửng và màu da hơi ruộng, anh kéo tôi ngồi xuống mâm cơm lèo tèo mấy sợi rau muống luộc, tô nước luộc rau xanh rờn và mấy cái đầu cá ọp ẹp. Ở nhà anh chẳng bao giờ thèm đụng đũa đến những con cá chiên vàng, thơm phức. Tôi nhìn xuống nồi cơm vàng ố, bảo rằng tôi đã ăn ở chợ. Tôi ghé tai anh dặn có nhiều thức ăn khô trong giỏ, đặc biệc là hộp chà bông mà mẹ tôi bỏ cả buổi chiều hôm trước làm cho anh. Anh vỗ đùi cái chét, rồi mang quà nhà ra mời mọi người. Cả đám bạn cười nói ồn ào như ăn tiệc. Tôi dè dặt từng lời nói. Hình như tôi không xưng hô với bạn bè của anh là mày tao như ở nhà. Cứ như vậy, thành thông lệ, tôi xuống thăm anh ba tháng một lần. Vài giờ gặp gỡ, tôi nhận thấy rõ sự thay đổi nơi anh. Anh hỏi tôi về gia đình và sinh hoạt hàng ngày của tôi. Môi anh rít điếu thuốc khi tôi kể chuyện thằng út đứng xếp hàng ngoài hợp tác xã để chờ đống khoai sùng. Nó học và thành thạo thói lanh xóm chợ ở lứa tuổi lên mười. Đến năm ’78, tôi không đến trường thăm anh nữa. Những chuyến “thăm” miền Tây sáng đi, tối về của tôi có mục đích khác. Tôi có hỏi bố tôi tại sao không cho anh đi vượt biên chung. Ông trả lời rằng tương lai của anh đã yên. Nhìn nồi cơm nhiều cục bột mì và khoai sắn, tôi không dám hỏi thêm. Có lần tôi về Cần Thơ, chiếc xe đò chạy ngang qua trường của anh. Tôi ngoái cổ từ biệt. Một lần đi, biết khi nào trở lại. Thế rồi tôi lại quay về Sài Gòn như những lần trước. Anh vẫn lủi thủi sau dãy nhà vàng ố, vô tư.

Năm ’87, tôi gặp lại anh. Trời đất, anh chỉ đứng đến vai thằng út. Cái giọng đặc sệt miền Tây. Anh vẫn ít nói, có lẽ vì còn lạ với vùng đất mới. Anh rụt rè khi tôi dẫn cả nhà đi mua sắm trong thương xá. Đến bữa ăn tối, tôi hết sức ngạc nhiên vì mọi người chọn cho mình vị trí quanh mâm ngày trước. Bố tôi ngồi đầu bàn. Anh ngồi bên phải bố tôi. Thêm hai đứa em trai kế, chúng tôi họp thành bốn anh em Dalton trong truyện Lucky Luke. Mười ngày phép chóng qua, tôi về lại New York. Khi đi, tôi dúi trong tay anh tờ ít tiền tiêu vặt. Về sau mấy đứa em tôi cứ trách là tôi làm vậy nên anh tôi hút thuốc trở lại. “Cái tật” mà anh đã bỏ được trên đảo. Thoạt đầu tôi chỉ nghĩ đó là thói quen vô hại. Hè năm sau tôi về phép. Từ sáng đến chiều tôi lôi mấy đứa em, mấy bà chị và ông anh đi tập lái xe. Trời Houston mùa hè hầm như phòng tắm hơi, mồ hôi tôi vã ra ướt nhẹp lưng ghế. Trên đường về nhà tôi ghé siêu thị mua két bia lạnh. Tối đó bốn anh em mới có dịp tâm sự. Hai đứa em hỏi tôi đủ chuyện về cuộc sống ở Mỹ, về New York, về các nghành ở đại học. Anh ngồi nghe, cưa từng lon bia trong im lặng. Tôi quay lại hỏi anh còn mộng ước học kỹ sư điện như thời ’76. Anh dè dặt “Ờ, cũng muốn thử.” Cả đám anh em nhà tôi dắt díu nhau vào đại học cộng đồng. Đi đâu họ cũng tụm đám năm mạng. Dân Việt Nam trong trường gọi nhà tôi là băng “ba lô xám”. Đồ chợ trời giảm giá. Sau một năm, tôi đề nghị anh em tôi chuyển qua trường đại học bốn năm để chuẩn bị vào nghành chuyên môn. Thấy tôi làm ở hãng điện tử, ai cũng muốn ghi danh vào nghành điện. Lúc đem những tờ đơn đi gởi bưu điện tôi thấy mất hai phong bì của chị và anh tôi. Tôi biết mẹ tôi không an tâm cho chị tôi đi học xa nhà. “Để chị học gần nhà, rồi lấy chồng”, mẹ tôi bảo vậy. Tôi lắc đầu về quan niệm cổ hũ của mẹ và cả bố tôi. Còn anh? Bố tôi bảo rằng dù bốn năm sau có cầm được mảnh bằng, anh tôi đã quá tuổi đi xin việc lương cao. Vả lại anh đã bỏ học hơn mười năm thì khó cạnh tranh được với đám trẻ. Tôi tốn cả hai ngày nước bọt để giải thích cho bố tôi và anh biết rằng đây là xứ cơ hội. Ở tuổi nào người ta cũng có thể làm lại cuộc đời nếu chịu khó và có chút khả năng. Anh ở lứa tuổi 30 thì tương lai còn nhiều sáng lạn. Bố tôi nói một câu. Tôi cố thuyết phục hai, ba câu. Trong nhà mọi người lần lượt bỏ ra ngoài. Từ trước đến giờ đâu có khi nào con cái trong nhà nói với bố tôi lâu như vậy. Bố tôi không nói nữa, bật ti vi xem tin tức buổi tối. Tôi biết ông chỉ dán mắt vào đó để nghĩ ngợi. Tôi thở dài, bước ra vườn sau cho muỗi cắn. Được một hồi lâu anh tôi cầm hai lon bia đến tôi bắt chuyện. Có lẽ anh muốn năn nỉ tôi điều gì mà còn ngập ngừng chưa nói. Điếu thuốc trên môi anh đỏ từng hồi, như phát ra tín hiệu. Bàn tay anh xoa cằm. Ngón tay trỏ miết trên vết thẹo năm cũ. Tôi bật cười, “anh còn nhớ cú đá giò lái hả?” Ngón tay trỏ của tôi men theo vết thẹo bên đuôi mắt trái, ươn ướt. Anh tôi bảo mấy đứa em đi học xa thì đâu còn ai bên bố mẹ. Mẹ tôi thì hoàn toàn mù tịt Anh ngữ. Bố tôi chỉ biết đủ để hỏi đường đi xe buýt. Nhà không có người lái xe để đưa bố mẹ tôi đi đây đó thì dù có chân cũng bị cùm ở nhà. Bố mẹ đã già và anh là con trai trưởng … Anh nói đến đấy, tôi mới vỡ lẽ điều bố tôi chưa nói, không nói. Anh tôi không chỉ là trưởng nam trong gia đình tôi. Anh là trưởng tộc của cả họ. Có lẽ bố và mẹ tôi có ước mong của những người ở lứa tuổi 60 (ngày đó không hiểu sao cứ thích than già). Bố tôi muốn anh yên phận. Anh yên phận chấp nhận theo con đường bố tôi vạch ra.

(phần hai)
<bài viết được chỉnh sửa lúc 05.11.2011 15:11:34 bởi Thanh Vân >
Thuở kia có gã khù khờ
Nghe cơn gió thoảng suốt đời ngu ngơ

Khù Khờ
  • Số bài : 253
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 19.08.2009
RE: Những Mảnh Vụn Học trò - 05.11.2011 09:02:31
Trong các cuộc gặp gỡ, giữa bàn tiệc, đôi lúc tôi thoáng nghe lời tán gẫu về sự thành công và hạnh phúc của người nào đó. Những người phê bình chung nhau cái thước đo thành công: bằng cấp, địa vị, danh vọng và tài chánh. Thành công ắt dẫn đến hạnh phúc. Quan niệm đơn giản và cố định. Sự ra đi của Steve Jobs để lại cho tôi đôi điều suy nghĩ về hai chữ thành công. Sự chuyển đổi của những người, mà thiên hạ cho rằng rất thành công, ở phần đời còn lại giúp tôi vỡ lẽ thêm về hạnh phúc. Hạnh phúc là khái niệm nên nó đến với mỗi người khác nhau. Ai cũng có một hay nhiều lần đi tìm nó. Mỗi bài toán dù có hóc búa đến đâu, cũng có vài cách giải. Có người chỉ muốn tìm đáp số đúng. Tôi chỉ chú ý đến cách giải. Cách giải càng lạ, càng tạo nhiều hứng thú và mở rộng suy nghĩ cho những nan giải khác.

Bài toán năm xưa

Khi tôi giảng cho con tôi vài bài toán lượng giác, tay chấm trên vòng tròn để định vị trí của các góc căn bản 30 độ, 45 độ, 60 độ … tự nhiên bài toán năm xưa hiện ra trước mắt tôi. Mới đó … đã bốn mươi năm. Giờ nhìn lại, khoảng thời gian tưởng chừng xa lắm, dường như mới chỉ vừa đi qua. Bài toán không lời giải … lại làm tôi thao thức!

Anh em tôi chỉ cách nhau vài tuổi nên tôi lúc nào cũng bám theo anh như bóng với hình. Bạn bè của anh dĩ nhiên trở thành bạn của tôi qua cách xưng hô mày tao tự nhiên. Anh tôi từ thuở nhỏ đã trầm ngâm, có sức chịu đựng và dễ chấp nhận điều luật. Tôi ngược lại, lúc bé có tật thích nói, lúc nào cũng muốn vượt qua những rào cản mà người khác định là ranh giới. Cái tánh hiếu động của tôi đã mang đến bao nhiêu phiền toái hàng ngày cho mẹ tôi và những trận “oánh nhau” ngoài ý muốn cho anh. Thời đó, bố tôi thỉnh thoảng dẫn hai anh em chúng tôi đi xem phim kiếm hiệp Tàu vào trưa Chủ Nhật. Vừa về xóm nhỏ, tôi đã oang oang kêu đám bạn lại để kể những pha đấm đá ngoạn mục của Vương Vũ, Khương Đại Vệ, Địch Long. Tôi bỏ một cánh tay trong áo cho giống độc thủ đại hiệp, bảo vài đứa khom mình làm dãy nhà, tôi mặc sức phi thân lên đó, rồi nhảy xuống tung những đường cước xuất quỷ nhập thần. Bố mua cho tôi chiếc mũ của dân chơi gôn để che nắng khi đi học. Bạn bè trầm trồ gọi là mũ Khương Đại Vệ. Tôi giữ nó trong cặp và chỉ mang ra đội khi nhập vai Khương Đại Vệ suốt hai năm cuối tiểu học. Vào giờ chơi, khi tan học, hay lúc đàn đúm với bọn trẻ trong xóm, tôi đứng ra đạo diễn những trận đánh nhau như phim chưởng. Những cú đấm đá vào không trung và chục cái miệng ì xèo tiếp nối, theo tôi vào giấc mộng hàng đêm. Đánh lộn giả không vui, đôi khi hăng máu quá tôi thụi vào mấy tên khó bảo để làm gương cho cả đám. Tôi trở thành thủ lãnh của xóm tôi từ dạo đó. Cái tính ngổ ngáo, thích làm anh hùng rơm dĩ nhiên mang đến cho tôi bao phen sứt đầu, mẻ trán. Những lần như vậy anh lại xông đi đần cho được những đứa gây thương tích cho tôi. Anh chỉ cao hơn tôi đôi chút, nhưng cái tính lỳ đòn của anh làm tụi xóm khác ngán. Dù có bị đấm đá túi bụi, chắn cho tôi ở sau, dường như chưa có lần nào anh lùi bước. Cái thẹo bên mắt trái của tôi là nguyên nhân cho cái thẹo nơi cằm của anh, rồi cú đá giò lái của anh đã làm lên tên tuổi ở cái xóm chợ. Khi lên trung học, bố cho tôi học võ. Hàng ngày bị quật, đấm đến mềm xương, tôi tự động bỏ cái thú đau thương trên đường phố. Tôi mới biết rằng câu anh doạ bọn kia “tao có võ, bị đánh không thấy đau” có lẽ là câu trấn an cho tôi. Tôi “mang tiếng” ngoan khi dần thấm những cú đòn mà anh đã chịu thay tôi. Cái thẹo ở đuôi mắt, lâu lâu tôi sờ lại … hình như chưa khô, vẫn mặn nhiều kỷ niệm.

Xóm tôi có mười sáu căn hộ. Mỗi nhà chừng bảy, tám đứa con, tuổi cách nhau năm một, năm hai như gia đình tôi. Nghe bố mẹ tôi nói cái xóm đó ngày xưa xây cho Tây mướn, sau năm 54 mới cho người Việt vào ở. Mới thoáng nhìn, nhà nào cũng tương tự nhau, từ mái ngói phẳng, tấm tôn thiết che hiên, hàng hiên tráng gạch bông, dãy lan can xi măng cao chừng nửa thước nối từ nhà nọ sang nhà kia. Khách ở ngoài vào phải ráng nhớ màu sơn cửa, điểm khác biệt duy nhất của mỗi nhà. Vào ban ngày lũ con nít chạy ra, chạy vào như mắc cưởi nên cửa nhà nào cũng mở toang. Góc kẹt của từng nhà trong xóm, tôi rành như đường chỉ trong lòng bàn tay, vì ngày nào tôi cũng đến núp khi chơi trốn tìm. Tôi quên một điều, nhà tôi đặc biệt nhất xóm vì có sân tráng xi măng láng, chia ra thành tám ô vuông đều nhau. Sân nhà tôi thường là chỗ tụ họp của đám con nít trong xóm. Ô vuông này là chỗ dích hình. Góc kia là chỗ chơi búng dây thun. Không cần nhìn đồng hồ, chỉ thấy trò chơi trước nhà tôi như nhảy cò cò, nhảy dây, u mọi, tạt lính, bắn bi, đánh đũa … là biết giờ nào trong ngày. Chiều về, đám mây màu mỡ gà rồng rắn ngang qua xóm, nhìn xuống sân nhà tôi sặc sỡ đủ màu phấn. Mỗi ô vuông là hình vẽ, là ước mơ của những đứa trẻ. Thỉnh thoảng có những nét vẽ cứng cáp hơn, thẳng thắn hơn, kèm theo những con số và vài ký hiệu khó hiểu. Bạn bè trong lớp của anh tôi thường đến chơi, rồi để lại cho anh nhiều suy nghĩ ở ô vuông số bảy và số tám. Anh cầm sợi dây buộc cục phấn, lấy ngón tay giữ sợi dây trên xi măng, rồi xoay cục phấn, tạo vòng cong. Anh vẽ nhiều vòng cong như vậy, chéo lên nhau, rồi lấy sợi dây nối những điểm chéo nhau, rồi chặc lưỡi, lắc đầu. Thấy anh làm như vậy vài ngày, tôi thắc mắc hỏi. Anh bảo rằng anh đang tìm cách chia một góc thành ba phần bằng nhau. Tôi le lưỡi, chạy đi rượt bắt với tụi trong xóm.

Lên lớp bảy, tôi bắt đầu biết thêm về hình học ngoài những hình căn bản vuông, tròn. Thầy tôi dùng sợi dây buộc cục phấn để vẽ vòng tròn trên bảng, có lẽ tròn hơn vòng quay của chiếc com-pa của tôi trên giấy. Thầy dạy cho cả lớp cách chia đôi một góc, chia đôi một cạnh, vẽ tam giác cân và tam giác đều bằng sợi dây và cục phấn đó. Khi tôi đang bậm môi, giữ đầu com-pa đừng nhảy khỏi trang giấy, thì tôi giật bắn mình vì cái thước vỗ chát sau lưng. “Lại cái thằng …”, tôi càu nhàu ngó lại bàn sau, “Gì mậy!” Hoàng Quốc Việt, bọn tôi gọi Vịt Cồ, ngửng mặt thách thức “Tao cá với mày chia được một góc thành ba phần bằng nhau”. Tôi nói “Sao không được. Mày có tiền đâu mà cá.” Hắn moi trong túi ra hai chục bạc cắc hình bông lúa bảo tôi “Mày mà giải ra thì tao cho không mày hai chục này, mà tao còn cùi sứt móng.” Nghe thầy Thiều hắng giọng trên bục, tôi nghe rõ tín hiệu thầy sắp kêu tên học trò nào lên bảng, tôi vội cúi đầu tìm chiếc giày săng đan, tôi vừa đá nhẹ sang bên cạnh. Đến giờ chơi, tôi cố tránh Vịt Cồ, khi sắp hàng vào lớp nó đưa mười móng tay bẻ quặp dứ vào mặt tôi. Chắc như đinh đóng cột nó nói “Mẹ tao bảo bài toán này chưa có ai giải được.” Mắt tôi tròn xoe, nửa ngờ vực. Mẹ của Việt là cô giáo toán bên Trưng Vương. Tôi đang định cười trừ, nhưng nhìn cái mặt vênh lên trời của Vịt Cồ, tôi nóng máu nói bừa “Ừ, tao cá với mày.” Tôi định bụng tối nay về hỏi anh tôi cách giải. Ăn cơm chiều xong, tôi vẽ trước mắt anh tôi, trên ô số bảy, những vòng cong với sợi dây và cục phấn. Anh lắc đầu “bài toán không có cách giải”. Tôi bướng bỉnh “Sao anh biết?”. Anh tôi nói là bạn bè bảo vậy và anh đã thử vài lần, mấy năm trước! Anh bỏ vào nhà. Tôi ngồi tiếp tục nghuệc ngoạc. Đầu óc tôi rối bời như những vòng cong đan chéo vào nhau …

Tôi không mất hai chục vì lối cãi chày, cãi bướng với bạn tôi. Tôi chỉ cho Vịt Cồ cách chia ba góc 0 độ, chẳng mất chút công sức nào! Hắn lườm tôi “Ăn gian!” Tôi nối dài 2 cạnh của góc 270 độ, chia nó thành ba. Hắn ú ớ. Tôi vẽ một đường thẳng, xoay com-pa một vòng, lấy giao điểm của vòng tròn và đường thẳng làm 2 tâm điểm, tôi xoay tiếp 2 vòng cùng bán kính. Giao điểm của 3 vòng cung đó là đỉnh của 2 tam giác đều nằm cạnh nhau, trên cùng đường thẳng. Tôi vung những đường kiếm Khương Đại Vệ chia ba góc 180 độ. Tôi tiếp tục chia góc 90 độ thành 2 góc 60 độ và 30 độ, rồi chia đôi góc 60 độ thì bạn tôi hoàn toàn tin rằng tôi đã tìm ra cách giải cho bài toán hóc búa. Tôi múa may trám vào hớ hênh của bạn tôi khi đặt ra câu hỏi cho một góc thay vì mọi góc. Thấy bộ mặt buồn thiu của Vịt Cồ khi đưa tôi hai chục từ bàn tay chưa quặp lại, tôi cũng không vui, vỗ vai nó, bỏ đi. Tôi chỉ muốn giữ chút sĩ diện với Việt nên vò đầu cả ngày Chủ Nhật vật lộn với câu trả lời. Bài toán chưa có cách giải … tròng trành quanh cổ … theo tôi vào từng lớp toán ở những năm sau và lênh đênh cùng tôi trên biển. Cái gông đó tuột mất khi tôi rơi xuống biển vào một đêm không sao.

Năm ’76, sau nhiều biến chuyển ở miền Nam, từ sáu giờ sáng mỗi ngày máy phát thanh đầu chợ rầm rộ kêu gọi các gia đình đi kinh tế mới, đám trẻ đăng ký thanh niên xung phong. Bố mẹ tôi bị khủng hoảng. Nhà có mười miệng ăn. Bà chị cả của tôi từ Nam Định dọn vào năm ’75 là người duy nhất nằm trong danh sách lao động hợp thức. Bố tôi bị cho về vườn, ngày ro ro điếu thuốc lào tâm sự với trời đất. Mẹ tôi ngụy trang gánh chè ở đầu ngõ mỗi đêm làm nguồn lợi tức của cả gia đình. Thằng công an khu vực ăn cú đá giò lái năm nào, hàng tuần cứ đến nhìn nồi cơm tối của gia đình tôi và gợi ý anh tôi đóng góp cho việc kiến thiết đất nước. Chiều hôm đó tôi đi học về, quăng quyển vở vào hàng hiên, chuẩn bị đi đá banh thì thấy anh ngồi thừ trước cửa. Ô số bảy và ô số tám trống trơn. Tôi vẽ vào ô số bảy cái mũi hỉnh và cụm mây tựa hình trái tim đứt đoạn. Cái miệng anh méo xệch. Anh bâng quơ vài câu không đâu. Tôi giả lờ không hỏi tới. Khoảng giữa hai đôi vai ngồi kề … thật trống. Tuần sau, anh về Vĩnh Long theo học chương trình đào tạo trung cấp, bỏ ước mơ vào Bách Khoa. Tôi muốn hỏi mẹ tôi. Bà có vẻ cố tránh. Tôi chẳng hỏi bố tôi về quyết định của ông. Tôi ngồi lỳ trước mặt ông, lật qua, lật lại mấy trang sách để tìm câu giải đáp. Tiếng thuốc lào ro … ro, ro ngập ngừng. Từng cuộn khói lừng khừng xoay theo mấy vòng lẩn quẩn. Anh đi, tôi trở nên trầm ngâm. Tôi cảm thấy lạc lõng vì con đường trước mặt không còn dấu chân để tôi lò mò bước theo. Tôi nghiêm chỉnh hơn vào vị trí anh lớn trong gia đình. Tôi tập và biết chịu đựng. Bản tính muốn vượt qua rào cản … chắc đến chết … vẫn còn của tôi.

Anh học xong một học kỳ, mẹ sai tôi đi tiếp tế cho anh. Tôi đùa bảo “Ảnh đi học tập, chứ có bị cải tạo đâu mà gia đình phải tiếp tế.” Mẹ tôi không trả lời, bận rộn nhét thêm vào giỏ hộp thịt chà bông “Trời mưa, nó chỉ thích ăn cái này.” Tôi hỏi, mới biết trường của anh cách bến xe không xa. Nhìn bộ mặt khẩn khoản của người đạp xe thồ, tôi đồng ý leo lên xe của chú. Nhìn người phu xe cong lưng, xương lòi ra chiếc áo vá víu, tôi thấy thật xấu hổ. Tôi bảo chú dừng xe, vất cái giỏ tiếp tế và đôi dép lên xe, tôi chạy bộ song song xe và hồng hộc hỏi mấy chuyện ở Vĩnh Long. Mấy người bộ hành nhìn tôi lạ lẫm. Chắc trưa hôm đó trời quá nắng! Tôi gặp anh trong nhà ăn tập thể. Vẫn cái nụ cười lưng lửng và màu da hơi ruộng, anh kéo tôi ngồi xuống mâm cơm lèo tèo mấy sợi rau muống luộc, tô nước luộc rau xanh rờn và mấy cái đầu cá ọp ẹp. Ở nhà anh chẳng bao giờ thèm đụng đũa đến những con cá chiên vàng, thơm phức. Tôi nhìn xuống nồi cơm vàng ố, bảo rằng tôi đã ăn ở chợ. Tôi ghé tai anh dặn có nhiều thức ăn khô trong giỏ, đặc biệc là hộp chà bông mà mẹ tôi bỏ cả buổi chiều hôm trước làm cho anh. Anh vỗ đùi cái chét, rồi mang quà nhà ra mời mọi người. Cả đám bạn cười nói ồn ào như ăn tiệc. Tôi dè dặt từng lời nói. Hình như tôi không xưng hô với bạn bè của anh là mày tao như ở nhà. Cứ như vậy, thành thông lệ, tôi xuống thăm anh ba tháng một lần. Vài giờ gặp gỡ, tôi nhận thấy rõ sự thay đổi nơi anh. Anh hỏi tôi về gia đình và sinh hoạt hàng ngày của tôi. Môi anh rít điếu thuốc khi tôi kể chuyện thằng út đứng xếp hàng ngoài hợp tác xã để chờ đống khoai sùng. Nó học và thành thạo thói lanh xóm chợ ở lứa tuổi lên mười. Đến năm ’78, tôi không đến trường thăm anh nữa. Những chuyến “thăm” miền Tây sáng đi, tối về của tôi có mục đích khác. Tôi có hỏi bố tôi tại sao không cho anh đi vượt biên chung. Ông trả lời rằng tương lai của anh đã yên. Nhìn nồi cơm nhiều cục bột mì và khoai sắn, tôi không dám hỏi thêm. Có lần tôi về Cần Thơ, chiếc xe đò chạy ngang qua trường của anh. Tôi ngoái cổ từ biệt. Một lần đi, biết khi nào trở lại. Thế rồi tôi lại quay về Sài Gòn như những lần trước. Anh vẫn lủi thủi sau dãy nhà vàng ố, vô tư.

Năm ’87, tôi gặp lại anh. Trời đất, anh chỉ đứng đến vai thằng út. Cái giọng đặc sệt miền Tây. Anh vẫn ít nói, có lẽ vì còn lạ với vùng đất mới. Anh rụt rè khi tôi dẫn cả nhà đi mua sắm trong thương xá. Đến bữa ăn tối, tôi hết sức ngạc nhiên vì mọi người chọn cho mình vị trí quanh mâm ngày trước. Bố tôi ngồi đầu bàn. Anh ngồi bên phải bố tôi. Thêm hai đứa em trai kế, chúng tôi họp thành bốn anh em Dalton trong truyện Lucky Luke. Mười ngày phép chóng qua, tôi về lại New York. Khi đi, tôi dúi trong tay anh tờ ít tiền tiêu vặt. Về sau mấy đứa em tôi cứ trách là tôi làm vậy nên anh tôi hút thuốc trở lại. “Cái tật” mà anh đã bỏ được trên đảo. Thoạt đầu tôi chỉ nghĩ đó là thói quen vô hại. Hè năm sau tôi về phép. Từ sáng đến chiều tôi lôi mấy đứa em, mấy bà chị và ông anh đi tập lái xe. Trời Houston mùa hè hầm như phòng tắm hơi, mồ hôi tôi vã ra ướt nhẹp lưng ghế. Trên đường về nhà tôi ghé siêu thị mua két bia lạnh. Tối đó bốn anh em mới có dịp tâm sự. Hai đứa em hỏi tôi đủ chuyện về cuộc sống ở Mỹ, về New York, về các nghành ở đại học. Anh ngồi nghe, cưa từng lon bia trong im lặng. Tôi quay lại hỏi anh còn mộng ước học kỹ sư điện như thời ’76. Anh dè dặt “Ờ, cũng muốn thử.” Cả đám anh em nhà tôi dắt díu nhau vào đại học cộng đồng. Đi đâu họ cũng tụm đám năm mạng. Dân Việt Nam trong trường gọi nhà tôi là băng “ba lô xám”. Đồ chợ trời giảm giá. Sau một năm, tôi đề nghị anh em tôi chuyển qua trường đại học bốn năm để chuẩn bị vào nghành chuyên môn. Thấy tôi làm ở hãng điện tử, ai cũng muốn ghi danh vào nghành điện. Lúc đem những tờ đơn đi gởi bưu điện tôi thấy mất hai phong bì của chị và anh tôi. Tôi biết mẹ tôi không an tâm cho chị tôi đi học xa nhà. “Để chị học gần nhà, rồi lấy chồng”, mẹ tôi bảo vậy. Tôi lắc đầu về quan niệm cổ hũ của mẹ và cả bố tôi. Còn anh? Bố tôi bảo rằng dù bốn năm sau có cầm được mảnh bằng, anh tôi đã quá tuổi đi xin việc lương cao. Vả lại anh đã bỏ học hơn mười năm thì khó cạnh tranh được với đám trẻ. Tôi tốn cả hai ngày nước bọt để giải thích cho bố tôi và anh biết rằng đây là xứ cơ hội. Ở tuổi nào người ta cũng có thể làm lại cuộc đời nếu chịu khó và có chút khả năng. Anh ở lứa tuổi 30 thì tương lai còn nhiều sáng lạn. Bố tôi nói một câu. Tôi cố thuyết phục hai, ba câu. Trong nhà mọi người lần lượt bỏ ra ngoài. Từ trước đến giờ đâu có khi nào con cái trong nhà nói với bố tôi lâu như vậy. Bố tôi không nói nữa, bật ti vi xem tin tức buổi tối. Tôi biết ông chỉ dán mắt vào đó để nghĩ ngợi. Tôi thở dài, bước ra vườn sau cho muỗi cắn. Được một hồi lâu anh tôi cầm hai lon bia đến tôi bắt chuyện. Có lẽ anh muốn năn nỉ tôi điều gì mà còn ngập ngừng chưa nói. Điếu thuốc trên môi anh đỏ từng hồi, như phát ra tín hiệu. Bàn tay anh xoa cằm. Ngón tay trỏ miết trên vết thẹo năm cũ. Tôi bật cười, “anh còn nhớ cú đá giò lái hả?” Ngón tay trỏ của tôi men theo vết thẹo bên đuôi mắt trái, ươn ướt. Anh tôi bảo mấy đứa em đi học xa thì đâu còn ai bên bố mẹ. Mẹ tôi thì hoàn toàn mù tịt Anh ngữ. Bố tôi chỉ biết đủ để hỏi đường đi xe buýt. Nhà không có người lái xe để đưa bố mẹ tôi đi đây đó thì dù có chân cũng bị cùm ở nhà. Bố mẹ đã già và anh là con trai trưởng … Anh nói đến đấy, tôi mới vỡ lẽ điều bố tôi chưa nói, không nói. Anh tôi không chỉ là trưởng nam trong gia đình tôi. Anh là trưởng tộc của cả họ. Có lẽ bố và mẹ tôi có ước mong của những người ở lứa tuổi 60 (ngày đó không hiểu sao cứ thích than già). Bố tôi muốn anh yên phận. Anh yên phận chấp nhận theo con đường bố tôi vạch ra.

Thế rồi, mọi việc xảy qua như định sẵn. Anh và chị tôi cầm mảnh bằng hai năm, an phận với công việc gần nhà. Chị tư tôi đi lấy chồng. Nhà chỉ còn bố mẹ và anh nên trống hẳn tiếng thủ thỉ với mẹ ở nhà bếp mỗi tối. Ăn uống xong, bố mẹ tôi ngồi xem đống video anh mới mướn. Anh ra vườn sau, thở với cỏ cây. Lon bia trên tay hết lạnh cũng vừa cạn ráo. Anh bước vào nhà xem video với bố mẹ độ nửa tiếng, rồi mở cửa lưới ra sau hè tiếp tục nhả khói, nốc bia. Đến cuối khoá, mấy đứa em tôi về, thì nhà nhộn nhịp hẳn lên. Chị hai của tôi sắp sanh con, bị khó khăn nên hai vợ chồng dọn về ở chung với bố mẹ tôi. Được đứa cháu đầu tiên, bố mẹ tôi vui như bắt được vàng. Mỗi lần gọi về nhà, tôi chỉ nghe chuyện thằng Tí hôm nay làm được gì. Anh cũng lăng xăng. Lần nào cũng rửa tay hai lần trước khi đến bế cháu. Anh chểnh mảng ở nhiều thứ, nhưng việc vệ sinh thì cẩn trọng quá đáng. Nghe nói anh bỏ hút thuốc, bớt uống bia từ khi có cu Tí, vì sợ ảnh hưởng đến cháu. Năm sau chị tư tôi thêm đứa cháu ngoại thứ hai cho gia đình. Cuối tuần nhà đông vui với hai đứa nhỏ. Chị hai thêm đứa thứ hai. Chị tư thêm đứa thứ hai. Mấy đứa em tốt nghiệp và kiếm được việc làm ở Dallas. Mỗi năm khi tôi về phép, tụi nó về nhà, căn nhà ba phòng giống như khách sạn không sao. “Không sao”, mẹ tôi cười tít mắt. Sáng dậy, bãi chiếc trường la liệt, như nhà thơ Cao Tần tả trong bài thơ “Ta làm gì cho hết nửa đời sau”

Sàn gác trọ những tâm hồn bão nổi
Những hào hùng uất hận gối lên nhau
Kẻ thức tỉnh ngu ngơ nhìn nắng mới:
"Ta làm gì cho hết nửa đời sau?"...


Hai câu trước để dành cho người khác. Anh tôi cảm hai câu cuối, nên sáng sớm lén ra vườn thả hồn theo lớp sương … còn lắm ngại ngùng. Chị hai thấy hai đứa con mạnh khoẻ, cần chỗ rộng rãi để phá phách, nên xin dọn ra nhà mới. Mẹ tôi ráng can ngăn … chờ hai, ba năm nữa cho tụi nhỏ cứng cáp thêm. Chị tôi dứt khoát, nhà rẻ không mua thì đến khi nào mới mua, nhà có hơi thuốc nên mấy tháng nay hai đứa nhỏ hay ho. Chị dọn ra, mẹ bắt đầu cằn nhằn tật hút thuốc của anh. Bố tôi thỉnh thoảng bảo thuốc lá không tốt cho sức khoẻ. Người nghiện thuốc lào mấy chục năm như bố, qua Mỹ bỏ cái rụp. Anh cứ lỉnh ra sau vườn chẳng nói lại. Mấy đứa em tôi lần lượt lấy vợ, lấy chồng, có con. Khi leo lên tứ tuần, anh mới lập gia đình. Chị dâu tôi trẻ hơn anh mười mấy tuổi, nhưng đứng gần vợ chồng trông không chênh lệch tuổi tác nhiều như vậy. Có lẽ vì tính anh vô tư. Chị dâu tôi ít nói, nhút nhát, dễ bị cảm khi ra nắng gió. Tôi thấy chị xưng tên với mấy đứa em và em dâu. Tụi nó cũng làm vậy. Nghe chướng tai, tôi gọi chị, xưng em. Mấy đứa “nhỏ” xưng hô theo như vậy. Lấy vợ xong, anh tôi ra ở riêng, chỉ cách nhà bố mẹ tôi hai ngã tư. Mẹ tôi cứ thắc mắc sao nhà rộng không chịu ở, mà phải tốn thêm tiền thuê nhà hàng tháng. Gọi điện thoại cho mẹ hàng tuần, tôi cứ phải giải thích là hai vợ chồng trẻ cần cuộc sống riêng. Cả hai đều đi làm nên về nhà mệt đừ, có gì ăn nấy cho thoải mái cuộc sống. Ngày nào đi làm về, anh cũng ghé ngang lấy thư quảng cáo (bỏ sọt rát), đổi video cho bố mẹ xem buổi tối. Cuối tuần hai vợ chồng chở bố tôi đi hớt tóc, mẹ tôi đi chùa, đi chợ, và ở lại nấu nướng và xem video đến đêm. Nhà có cần gì, bố hoặc mẹ tôi ới một tiếng thì chỉ chục giây sau anh tôi đã bước vào cửa. Tôi bảo mẹ dọn phòng cũ của cu Tí, dành chỗ cho anh chị khi có con đầu lòng. Mẹ tôi hút bụi phòng đó hàng tuần, sạch boong. Vài tháng về nhà chơi, chúng tôi ít vào vùng cấm địa đó.

Ngày kỷ niệm lễ thành hôn năm mươi năm của bố mẹ tôi tổ chức thật vui. Mẹ tôi cười toe toét như cô dâu. Đám con cháu đứng nghẹt ống kính. Hai vợ chồng anh đứng bên phải của bố. Ông gởi video về Hà Nội và cả về làng. Trong cuốn video quay ở làng, mấy ông em họ từ ba đời của tôi ở lứa tuổi thất thập chỉ lên ti vi “anh trưởng tộc đấy”. Trên màn hình anh cười thật tươi. Bốn năm liên tục sau đó, bố mẹ tôi thay phiên nhau vào nằm nhà thương. Anh em tôi chỉ gặp nhau ở bệnh viện. Tuần tôi trực, chiều nào đi làm về anh cũng ghé ngang dăm phút. Đôi lần, có khi bố, có khi mẹ ở tình trạng nguy kịch. Tôi nghĩ đến việc hậu sự. Mấy lần tôi toan mở miệng, thì thấy mắt anh đỏ gay, tránh nói. Tôi bậm môi. Đêm dài … như khoảng cách giữa tiếng nước biển truyền … bíp … bíp ... Đêm hoảng hốt! Tiếng máy đo tim … dồn dập, đến nghẹt thở. Sau một đêm không mộng mị, trời lại sáng. Qua quãng thời gian đó, giọng của anh khàn như Nguyên Khang. Ngày kỷ niện lễ thành hôn năm mươi lăm năm của bố mẹ tổ chức tại nhà. Bốn thằng cháu ngoại đứng so vai với cậu lớn. Mấy đứa cháu nội rượt đuổi cùng nhà. Anh vẫn đứng bên phải của bố, với nụ cười nửa mép. Những ngày gia đình xum họp, mỗi phòng trong nhà là chỗ tụ tập của từng nhóm. Phòng khách có bố tôi, hai ông chú và đám con rể, con trai. Nhà bếp là giang sơn của mẹ tôi và đám phụ nữ. Phòng ngủ của bố mẹ là chỗ mấy thằng cháu chơi video. Phòng ngủ cũ của anh có đám cháu gái hò hát. Phòng thằng cu Tí thỉnh thoảng có tiếng oe oe của đứa con đầu lòng của cô em kế tôi. Anh vẫn ngồi ở góc vườn, tiếp tục thói quen “vô hại”. Qua khung cửa lưới, tôi biết anh nghĩ gì. Tôi chạy ra, chạy vô, hỏi anh về mấy trận football, bóng rổ. Mắt anh rực sáng, như ngày nào chúng tôi tán dóc về những trận đá banh ở sân Cộng Hoà, về các cầu thủ như Tam Lang, Thà, Sơn, Trung đầu hói …

Những năm gần đây, trừ ngày Tết và rằm tháng Bảy, tôi về nhà một mình, không chung dịp với gia đình mấy đứa em. Bố mẹ tôi yếu nhiều. Tôi muốn dành trọn cuối tuần để chung với cuộc sống lẻ loi của hai vị. Tôi kỳ kèo chở bố đi hớt tóc. Mấy năm nay ông đi không vững, nên ngại ra ngoài đường, dù chỉ ngồi trên xe đảo quanh phố. Mẹ tôi bao giờ cũng hí hửng cầm cánh tay tôi bước vào chợ. Mấy người tính tiền hỏi “Sao hôm nay cụ, thưa … bà mua nhiều thế.” (Mẹ tôi kỵ chữ cụ, như tôi ngại chữ già.) Ờ, có thế chứ. Mẹ có dịp dông dài về những món ăn đặc biệt cuối tuần nay. Ít nhất mẹ tôi vẫn nghĩ rằng bà vẫn còn nấu nướng như những năm trước. Gần đến bữa ăn trưa, bố tôi gọi điện thoại cầm tay “Sắp về chưa?” Hễ mẹ giục đi ăn trưa, bố bảo chờ xem cho hết mục ti vi, rồi gọi điện thoại cầm tay, cùng câu nhắn. Điện thoại nhà dùng cho việc thông thường. Điện thoại cầm tay thường là tín hiệu đặc biệt. Anh lù lù bước vào nhà, vào chỗ ngồi cố định, bên phải của bố. Anh đưa cho tôi lon bia. Cụng cái cụp. Vài miếng đậu rán và cọng đậu đũa luộc bỗng nhiên ngon lạ.

Mấy tháng gần đây, mỗi cuối tuần nói chuyện với mẹ, tôi cứ nghe bà than phiền về thói hút thuốc và uống bia không rời tay của anh. Lần về nhà chơi hai tháng trước, bố nhờ tôi chở quanh phố, để nhìn lại những con đường, góc công viên đã mờ dấu chân ông. Bố ngập ngừng … nhờ tôi một việc … khuyên anh bỏ bớt thuốc lá. Còn bia? Thỉnh thoảng bố vẫn còn uống một chai nên lời khuyên … dè xẻn, chờ thiện chí của anh. Chín giờ sáng Chủ Nhật, đài phát thanh tiếng Việt đảo một vòng sinh hoạt địa phương, rồi đến mục thông tin, lời cáo phó. Bố tôi chăm chú nghe, rồi nhận ra những người bạn sinh hoạt chung ở hội người già mấy năm trước. Số người quen biết trước, giờ đã thưa thớt dần. Hình như đây là thói quen của bố. Trước năm ’75, cứ đến 11 giờ đêm, bố vặn nhỏ cái radio trong mùng để nghe đài Mẹ Việt Nam, mục Sinh Bắc Tử Nam. Nghe để mong lọt cái họ quen thuộc từ làng của mình. Đài radio dạo này … hình như … đưa nhiều tin cáo phó của những người ở lứa tuổi năm mươi, sáu mươi. Có lẽ vậy, nên nỗi âu lo hiện rõ nơi vầng trán và đọng lại ở cuối đuôi mắt của bố mẹ. Bao nhiêu người đã khuyên anh. Vô hiệu.

Con tôi cứ liên tục bấm máy tính để tìm giá trị của sin, cosin, và tangent rồi quên khuấy cách suy luận để tìm giá trị của các hàm số ngược. Thời buổi internet này, tụi nhỏ không rời máy tính trong lớp học. Đôi khi lệ thuộc quá nhiều vào máy móc, vài đứa không hiểu cách giải toán bằng liên hệ công thức, nối ý tưởng. Tôi buộc cây bút vào sợi dây, rồi quay một tròn. Tôi giao hai vòng cung, nối sợi dây để chia đôi một góc. Tôi bày cách cho đứa con trai nhớ sin(30o) là ½ và mẹo để nhớ cách tính lượng giác. Bài toán chia ba mọi góc lại hiển hiện trước mặt. Theo cái thói lười suy nghĩ trong vài năm gần đây, tôi google cách giải bài toán. Trong hàng trăm câu trả lời, chung kết luận. Bài toán không có cách giải. Tôi không nghĩ vậy, tiếp tìm kiếm. À, có một người chỉ cách giải của Archimedes. Ông dùng luật đơn giản, góc ngoài của tam giác bằng tổng số của hai góc trong không kề nó, để chia ba bất kỳ góc nào. Tôi chặc lưỡi. Thời của tôi chưa có google. Bài toán hóc búa có một cách giải, ngoài cái vòng lẩn quẩn.
Đôi khi ta phải vượt khỏi quỹ tích đã đi lại nhiều lần, thoát khỏi ranh giới mà một số người tự giới hạn tầm nhìn và suy nghĩ, nhìn ở góc độ mới, biết đâu … ta tìm ra cách giải đơn giản, dễ giải thích cho người khác.

Tôi vẽ một góc. Từ đỉnh góc, tôi kéo sợi dây, xoay mấy vòng cung khác bán kính. Anh bước ra hàng hiên sau nhà, đưa tôi lon bia, hỏi tôi làm gì. Tôi nghe tiếng lon bia mở, tiếng nuốc ực, và tiếng quẹt lửa sèn sẹt. “Em tìm cách giải bài toán cho thằng nhỏ.” Tôi không ngước lên. Tôi biết anh đang chăm chú vào việc tôi làm. Tôi buộc hai gút trên sợi dây ny lông, tạo một đoạn. Tôi gập hai đầu dây, rồi buộc thêm hai gút ở cùng khoảng cách. Thế là tôi đã có sợi dây với ba đoạn bằng liền nhau. Đặt hai gút ngoài cùng trên hai cạnh, cùng vòng cung, tôi nhờ anh kéo từ từ hai gút giữa. Anh kéo, tôi di chuyển hai gút ngoài, theo từng vòng cung. Khi bốn gút dây nằm cùng vòng cung, tôi đánh dấu vị trí của hai gút giữa. Anh nhìn ra vòng cung với ba chắn cung bằng nhau. Tôi dùng sợi dây nối thẳng từ đỉnh góc đến từng điểm mới đánh dấu. Anh biết tôi vừa chia bất kỳ góc nào thành ba phần đều nhau.

Tôi vẽ một khung chữ nhật với tám ô. Bài toán vừa giải nằm gọn trong ô số bảy. Tôi thêm trong ô số sáu hình cái bánh sinh nhật tròn. Tôi kẻ hai đường ngang, dọc chia tư cái bánh, rồi đường thứ ba chia đôi chiều cao. Với ba đường cắt, tôi vừa chia cái bánh thành tám phần đều nhau. Tôi thấy câu đố đó kẹp trong quyển toán hình học không gian của anh. Tờ giấy rớt ra khi tôi tìm lời giải thích của bố về quyết định cho anh thôi học năm xưa. Anh nhìn tôi sửng sờ. Tôi mở miệng, kể cho anh quan sát của tôi về bố mẹ hai năm nay. Sinh hoạt của hai vị trong căn nhà trống trơn, chỉ có tiếng từ ti vi khoả lấp khoảng trống. Tôi chỉ xuống bàn ăn nơi bếp, chỗ bên phải của bố. Ông ăn uống ngon hơn và nói chuyện nhiều hơn khi có anh ngồi ở đó. Anh là chỗ dựa mà bố mẹ tôi không thể thiếu. Nghe trên radio về sự ra đi của những người còn trẻ, bố mẹ tôi đâm suy nghĩ. Đến tuổi này, ngày ra đi của bố mẹ có thể tính bằng ngày, bằng tháng, hay nhiều lắm chừng vài năm. Tôi không dám nghĩ đến sự cô đơn của họ, nếu … không có anh bên cạnh. Tôi mân mê cái thẹo nơi cuối đuôi mắt trái. Anh bậm môi, vuốt cằm. Tôi bảo với anh khái niệm của tôi về hạnh phúc. Bằng cấp, địa vị, danh vọng và tiền tài chỉ là phương tiện trên con đường hiểu và đến với hạnh phúc. Cuộc đời dài, nên sẽ có lúc vài phương tiện đó đến, rồi đi, hay không còn nhiều quan trọng như khi ta mới có chúng. Hạnh phúc mơ hồ. Đối với tôi đó là niềm vui khi tôi mang niềm vui đến người thân hay cảm giác nhẹ nhõm khi làm được việc để lòng thôi trăn trở. Anh không con cái nên dành được nhiều thời giờ cho bố mẹ. Anh làm tròn vai trò của người trưởng nam và anh may mắn có người vợ biết sống phải với bố mẹ chồng. Cả quãng đời của anh, bố chỉ là người vạch đường. Anh là người chọn con đường đi. Tôi hỏi anh có điều gì hối tiếc. Anh chưa mở miệng, tôi biết câu trả lời. Tôi vẽ cái mũi hỉnh vào ô số tám.

Mặt trời khuất bóng đã lâu. Những chiếc lá trên cây còn giữ màu nắng nhạt. Tôi bước ra cỏ nhặt vài chiếc lá sớm lìa cành. Tôi xếp chúng thành hình trái tim trước cái mũi hỉnh. Cuối tháng mười trời trở lạnh. Vài chiếc lá bay vào hiên tránh lạnh, xoay xoay theo dòng suy nghĩ, từ ô số bảy, sang ô số tám. Tôi mở cửa bước vào nhà. Dường như điếu thuốc nằm tư lự trên miệng lon vừa rớt xuống. Bên ngoài trời tối hẳn.

Khù Khờ
<bài viết được chỉnh sửa lúc 05.11.2011 15:12:03 bởi Thanh Vân >
Thuở kia có gã khù khờ
Nghe cơn gió thoảng suốt đời ngu ngơ

Khù Khờ
  • Số bài : 253
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 19.08.2009
RE: Những Mảnh Vụn Học trò - 18.11.2011 14:33:04
Nhất tự vi sư, bán tự vi sư

Thời tôi còn bé, chiều nào tôi cũng sang nhà ông bà ngoại chơi. Ông tôi thường nhịp cây chổi lông gà lên quyển vở, bảo anh chị tôi đọc lại những hàng chữ vừa tập đồ. Ló đầu ra khỏi gầm giường, tôi nghe loáng thoáng mấy câu quen, đến thuộc lòng.

Tiên học lễ, hậu học văn
Không thầy đố mày làm nên
Nhất tự vi sư, bán tự vi sư

Hai câu đầu là lời răn, dán nhan nhản trong các lớp tiểu học. Đọc mấy năm trời, tôi hiểu thấu. Câu cuối có nhiều Hán từ nên tôi còn hoài nghi trí nhớ của mình. Tôi mập mờ nhớ lời ông tôi giảng: nhất là một, tự là chữ, vi là làm, sư là thầy

một chữ đủ làm thầy, ... chữ cũng làm thầy

Vì mải mê cho hai thằng lính nhựa vật nhau nên tôi nghe ... mất đi một chữ. Bây giờ ráng ráp lại

một chữ đủ làm thầy, bán chữ cũng làm thầy

Ừ, nghe ... cũng có lý.

Chữ kép nghề nghiệp người ta thường nói chung nên nhiều người lầm tưởng là một chữ. Hôm nay ngồi nghĩ lại, tôi nghiệm rằng nghề là công việc mưu sinh. Nghiệp có lẽ là cái duyên mang ta đến với công việc đó. Nghề nào cũng quý. Đó là tựa đề của bài luận văn tôi đã viết năm nào. Nghề bán lá phổi làm tôi thắc mắc. Nghe tôi hỏi, mẹ tôi đưa tay doạ cốc lên đầu tôi, rồi cười bảo:
- Vào lớp, hỏi thầy Đức.

Thầy Đức dạy thêm cho tôi ở trường tư thục Tích Đức gần mé sông Thị Nghè. Trường của thầy vỏn vẹn có hai lớp chia bởi tấm mành bánh ú ny-lông. Mấy cái bánh ú nho nhỏ đan từ ống hút sinh tố, nối dài thành mành che, đủ thưa, để bọn học trò ném hột me qua lại. Thầy Đức giảng bài rất lớn, át cả tiếng của cô Diễm lớp bên cạnh. Tướng thầy to. Mặt thầy đỏ gắt như ông thánh Quan Công trên bàn thờ ở mấy nhà hàng xóm tôi. Sau lưng bàn của thầy, tòn teng cây củi to hơn bắp chân, loang lổ vài vết đỏ. Mấy đứa trong lớp kháo với nhau rằng đó là máu của mấy đứa bị thầy “oánh” tét đít. Ngỗ nghịch bên ngoài, vào lớp thầy, tôi mềm hơn sợi bún. Tôi ít dám nhìn thẳng mặt thầy. Tôi cũng chẳng dám nhìn lâu xuống chân của thầy, có ngón cái thập thò, lòi khỏi giầy bên phải. Khi giảng trên bảng, thầy Đức có thói quen đóng khung công thức toán và gạch dưới các động từ. Tôi ngồi nghe, mà nghẹt thở. Miếng giẻ miết sát, làm tấm bảng oằn kêu ọt ẹt. Bụi phấn bay mù cả góc lớp. Vài tia nắng lọt qua lỗ dột trên mái, soi lên thầy ... một tay chặn ngực, ho sù sụ. Năm lớp ba, thầy dạy chúng tôi viết luận văn. Đề văn của thầy đi trước trường công lập một năm, không tả chân, mà bình luận. Thầy kể đủ chuyện Lưu Bình-Dương Lễ, Phạm Công Cúc Hoa, Nhị Thập Tứ Hiếu … Thầy kể những truyện tích này nhiều lần, đến khi chúng tôi hiểu và thấm, thầy mới bảo đặt bút xuống. Thầy nhắc nhở chúng tôi nên viết câu ngắn, gọn, dễ hiểu. Câu ngắn tạo tiếng vang to. Bài luận của tôi bao giờ cũng bị thầy sửa đỏ chói. Ngồi viết những dòng này, tôi nhớ đến những vòng khoanh, những đường gạch ngang và hai chữ “tối nghĩa”. Thỉnh thoảng thầy không cho điểm, chỉ để lại lời phê “Có cố gắng”. Khi miền Trung biến động, thầy bị gọi động viên. Cửa trường bị khoá trái. Thỉnh thoảng tôi đạp xe đến đấy, ghé mắt nhìn qua khe cửa sổ đã mục. Bàn ghế còn, lổng chổng dựa vào nhau. Cây củi lấm sơn đỏ còn, tòn teng. Dòng chữ của thầy trên vách “Tiên học lễ, hậu học văn” chưa mờ theo năm tháng. Cơn gió thổi qua, đẩy đưa tấm bảng hiệu Tích Đức … lét két bám vào chiếc đinh … cố chống chỏi với mưa nắng.

Tôi thích học cô, vì cô giáo bao giờ cũng nhẹ nhàng. Mấy đứa bạn thường bảo cô giáo thương con trai, thầy giáo thương con gái. Thấy tính tôi hiếu động, các cô giáo thường chỉ định tôi gọi điểm danh lớp hàng ngày. Lâu lâu thầy hiệu trưởng gọi lên văn phòng, hỏi trong lớp có trò nào phá. Vài lời khen không tiết kiệm, hữu hiệu hơn những câu la rầy, làm lì thêm đứa trẻ. Tôi may mắn có những cô thầy nhiều kiên nhẫn, đã trải trên con đường tuổi thơ của tôi những bông hoa điểm sáng cuộc đời. Sáng thứ Hai, trường bắt đầu với lễ thượng kỳ. Đến tuần lớp tôi phụ trách việc kéo cờ, hát quốc ca, tôi ưỡn ngực kéo sợi dây theo từng nốt nhạc

Này công-dân ơi! Đứng lên đáp lời sông-núi!
Đồng lòng cùng đi, hy-sinh tiếc gì thân sống.
Vì tương-lai quốc-dân, cùng xông-pha khói tên,
Làm sao cho núi sông từ nay luôn vững bền.
Dù cho thây phơi trên gươm-giáo,
Thù nước lấy máu đào đem báo!
Nòi-giống lúc biến phải cần giải nguy,
Người công-dân luôn vững-bền tâm-trí,
Hùng-tráng quyết chiến-đấu làm cho khắp nơi,
Vang tiếng người Nước-Nam cho đến muôn đời.
Công-dân ơi! Mau hiến-thân dưới cờ!
Công-dân ơi! Mau làm cho cõi-bờ,
Thoát cơn tàn-phá, vẻ-vang nòi-giống,
Xứng danh nghìn năm dòng-giống Lạc-Hồng.

Từng trang sử trong lớp mở ra, bắt đầu từ đời Lý, Lê, Trần. Nhìn ngọn cờ vàng điểm tô bởi ba giòng máu anh hùng, tôi thấy ấm hẳn lòng. Những câu truyện lịch sử được thầy Nhơn minh hoạ trên bảng rất sống động. Về nhà tôi ít phải học bài. Trí nhớ của tôi kém. Tôi không thích học thuộc lòng. Những sáng kiến tưởng như nho nhỏ của thầy cô làm lớp học sinh động hơn. Về sau có dịp, tôi thử lại, mới nhận thấy đó là sự tận tụy của nhà giáo. Tôi không có nhiều thứ lớn lao để nhớ đến. Những sự việc thật nhỏ, động tác thật đơn giản của một số thầy cô, bao nhiêu năm, tôi còn giữ bên mình.

Viết cho tờ báo bích tường năm lớp chín, tôi thảo một đoản văn so sánh nhà giáo với người thợ hồ. Lời văn tôi viết lúc đó không vòng vo như bây giờ. Câu truyện vẫn vậy. Từ mờ sáng, người thợ hồ khệ nệ mang đống đồ nghề và hì hục khuân cả đống gạch. Ông thận trọng lượt từng viên sỏi khỏi cát, bắt tay trộn một vũng hồ nho nhỏ. Ông trải lớp hồ mỏng, thận trọng đặt lên từng viên gạch. Một cái gõ thật nhẹ để viên gạch bám vào hồ. Thêm một viên gạch cạnh bên. Xong một hàng, bắt đầu hàng gạch kế tiếp. Thỉnh thoảng người thợ thả sợi dây, đo độ thẳng của bức tường, vét bớt lớp hồ dư, tránh làm xấu mặt gạch. Thêm một vũng hồ. Thêm một tấc gạch. Đến cuối ngày, hàng gạch rực đỏ cho vạt nắng vàng đến tựa. Hoàng hôn thu bóng trên bức tường kiên cố. Còn người thợ hồ? Thoáng có tiếng lục đục thu đồ. Một ngày vừa hết. Tôi ví mình như viên gạch giữa ngàn viên gạch. Thầy cô là người thợ hồ thận trọng đặt từng viên gạch đúng vị trí. Cánh tay vươn dài để đưa viên gạch quá đầu mình. Thầy cô nào cũng mong ước học trò mình thành đạt, vượt cao hơn họ. Nhiều người nhìn bức tường gạch đẹp, tấm tắc ngợi khen. Viên gạch đỏ chói khoe nụ cười. Có mấy ai thấy và còn nhớ đến người thợ hồ khuất hẳn sau bức tường cao. Tiếng lục đục có gợi chút gì trong lòng?

Tôi viết, mà không đưa cho cô Lan chủ nhiệm lớp tôi duyệt xét. Có lẽ tôi chưa tin tưởng lắm về câu truyện hơi khác với bạn bè. Có lẽ … trong ngàn … có lẽ, làm tôi ngao ngán viết văn từ sau đó. Ca ngợi bác Hồ là chủ đề, thời đó, viết, sẽ được khen. Tôi chán nản, bỏ trống cả bài thi văn vào cấp ba.

Đêm nay, tôi ngồi đây, bức tường xưa hiện sừng sửng trước mắt. Tôi cầm bút nghuệch ngoạc lên đó mấy chữ

Nhất tự vi sư, bán tự vi sư.
20/11 ngày nhớ ơn nhà giáo


Khù Khờ
Thuở kia có gã khù khờ
Nghe cơn gió thoảng suốt đời ngu ngơ

NgụyXưa
  • Số bài : 880
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 31.01.2007
  • Nơi: Thái Bình Dương
RE: Những Mảnh Vụn Học trò - 19.11.2011 10:03:20
"Nhất tự vi sư, bán tự vi sư" đã được mang vào thư viện.
 
Xin cám ơn tác giả K.K.

Khù Khờ
  • Số bài : 253
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 19.08.2009
RE: Những Mảnh Vụn Học trò - 21.11.2011 12:14:33
Còn vài ngày nữa là đến ngày lễ Tạ Ơn, tôi ráng tìm những điều để tạ ơn năm nay. Mở trong máy, tôi thấy bài viết với tựa đề hơi quen. Ồ, mấy dòng tôi viết cho mình năm ngoái. Đọc lại, suy nghĩ của tôi vẫn như vậy. Có khác là trong chuỗi email tôi nhận hàng ngày, thiếu đi vài người quen ... có lẽ hạnh phúc ở thế giới khác.


Chân Dung Hạnh Phúc

Hạnh phúc, hai chữ nghe đơn sơ, nhưng ý nghĩa quả thật mông lung. Có người nhắc đến hạnh phúc như mơ ước, thật cao xa. Tôi hỏi nhiều người về định nghĩa của hạnh phúc. Bao giờ tôi cũng nghe câu trả lời chung chung, mà tôi nghĩ người đối diện có thể nhầm lẫn hạnh phúc với niềm vui hay may mắn.

Cách đây vài năm, tôi làm một DVD để ghi lại 55 năm chung sống của bố mẹ tôi và để mang ra xem sau buổi tiệc tại nhà. Tôi chỉ mất vài ngày để tìm những bản nhạc thích hợp cho hình ảnh của từng giai đoạn: ngày bố mẹ tôi còn bé, với gia đình ông bà, với bạn bè, ngày cưới, hình ảnh của gia đình chúng tôi với từng anh chị em chào đời, hình đại gia đình với con cháu nội ngoại, và cả những tấm hình trong nhà thương mà bố mẹ tôi đã ra vào nhiều lần. Trước ngày kỷ niệm của bố mẹ, tôi hỏi ý kiến của các anh chị em trong nhà. Ai cũng ưng ý và cho rằng đó là món quà nhiều ý nghĩa. Riêng tôi, DVD đó vẫn thiếu cái gì ấy. À, định nghĩa của hạnh phúc. Tôi lục tìm trong internet cả tuần mà không kiếm ra giải thích đơn giản về hạnh phúc. Những bài thơ, bài nhạc lại càng mơ hồ hơn. Chẳng còn cách nào hơn, tôi hỏi thẳng với mẹ, với bố tôi. Mẹ tôi không trả lời. Bà bảo tôi là bố mẹ đã nuôi bảy đứa con nên người thì tại sao tôi lại hỏi như vậy. Tôi cắc cớ
- Vậy má có thấy hạnh phúc trong cuộc sống với ba không?

Bà vẫn không trả lời và hỏi lại
- Cậu nghĩ hạnh phúc là gì?

Tôi tìm dịp khác với riêng bố tôi để hỏi. Ông trầm ngâm, bản tính cố định, rồi bảo
- Ba không biết hạnh phúc là gì. Cuộc đời ai chẳng có lúc thăng trầm, hài lòng và bất mãn với cuộc sống. Những thứ ba mong đạt được, đôi khi nằm trong tay rồi mất, hay luôn chỉ là mơ ước, vì khả năng của mình chỉ có thế. Ba gắng sống được đến tuổi này … vì còn má con … và vì con cháu.

Sau nhiều năm tìm hiểu về hạnh phúc, tôi cho đó là quan niệm. Mỗi người có quan niệm riêng, để lèo lái cảm nhận vui, buồn của cuộc sống. Cái khái niệm về hạnh phúc của tôi thời còn trẻ, thay đổi theo thời gian và sự trưởng thành.

Ngày ấy yêu em say mê,
Tôi nào nghĩ gì đến câu từ ly
Tình ái không xanh như thơ,
Đến chung hơi thở, rồi trôi rất xa ...


Mỗi lần nghe lại bài Hạnh Phúc Lang Thang, nhất là ở đoạn này tim tôi vẫn thổn thức. Đời nên thơ, dù trong mất mát. Cái khái niệm về hạnh phúc chỉ có hai người hình như không thực tế, nên không tồn tại lâu dài.

Tôi may mắn có đủ những thứ mà mọi người gọi là hạnh phúc: cha mẹ, gia đình đầm ấm, công việc yêu thích, cuộc sống tương đối đầy đủ, sức khoẻ khả quan, và những nguời bạn tốt. Có những lúc con tim của tôi ngập tràn niềm vui vì những bất chợt đến với mình. Đang cắt cỏ dưới trời nắng, tôi thấy bóng nước lung linh trên sân. Nhìn lại thấy bố tôi chân chập chững bước trở vào nhà. Ly nước bên chậu hoa, ngọt ngào lạ. Đang ngủ giữa đêm, tôi giật mình nghe tiếng đập tay của mẹ thình thịch trên nệm và tiếng ú ớ gọi tôi về nhà ăn cơm. Nằm cùng phòng với mẹ, cả tuổi thơ của tôi được đánh thức. Tôi nằm cả đêm cố dấu tiếng nấc của ngày thơ dại. Đang ăn tối, tôi cười thầm khi vợ tôi lẩm nhẩm về bữa ăn trưa cho mấy cha con, bữa ăn tối ngày mai, về thời khoá biểu hoạt động, và nhắc tôi kiểm tra bài vở của mấy đứa nhỏ. Đúng là ở nhà chỉ có một tướng. Những hôm trong sở có nhiều việc, suy nghĩ đến nhừ người, vừa bước vào nhà, tôi quăng cái máy tính, nằm xoài giữa nhà đo ván. Đang ngủ khò, xương lưng tôi kêu răng rắc dưới bước chân của hai đứa con. Chúng quen với việc đó từ khi lên ba. Nhiều khi tôi muốn tắt thở khi thằng con 14 tuổi vừa nhún nhảy và cười hồn nhiên. Năm sau nó sẽ 15. Tôi sẽ không còn niềm vui lạ đời như vậy. Đang ăn trưa, bao nhiêu email của bạn bè ập tới. Có những người 10, 20, 30 năm chưa gặp, mà vẫn còn gần gũi như mấy người bạn uống cà phê cuối tuần. Bạn có cho đó là hạnh phúc không? Theo tôi, đó chỉ là niềm vui người khác mang đến cho mình và may mắn mình có được.

Với tôi hạnh phúc là những gì mình tự nguyện làm cho người khác để mang niềm vui đến với họ. Thấy họ vui, mình vui lây. Vì không nghĩ về mình, nên tránh được so sánh. Sự suy bì đôi khi là gánh nặng làm khổ đời mình và những người chung quanh. Hạnh phúc (có lẽ) không ở đâu xa. Nó nằm trong con tim biết cho và biết nhận. Một chút quan tâm đến người khác: nụ cười, lời động viên, lắng tai thông cảm đủ làm người thân vui trọn ngày. Bao nhiêu năm tôi đi tìm hạnh phúc để vẽ chân dung. Sờ trên trái tim còn đập, tôi biết được nơi để tìm đến nó.

Khù Khờ
Thuở kia có gã khù khờ
Nghe cơn gió thoảng suốt đời ngu ngơ