Truyện Ngắn - by Mimosa
dathaotrang 08.09.2009 10:17:37 (permalink)
 
Ông Ngoại Của Thùy
by Mimosa

Thùy mới về được có hai ngày, Mẹ Thùy đã muốn Thùy xuống thăm ông ngoại rồi. Thùy định là tuần sau mới đi vì Thùy vẫn chưa "ready" để gặp lại ông.
Từ ngày rời Việt Nam, Thùy ít liên lạc với bên gia đình ông. Thỉnh thoảng chỉ hỏi thăm Mẹ về các dì. Qua những năm sống ở nước ngoài tiếp cận với văn hóa Âu Mỹ, Thùy laị càng tin là chính cái lối suy nghĩ cổ hủ, phong kiến của ông ngoại mà các dì của Thùy phải chịu một cuộc đời hẩm hiu, thiệt thòi như thế. Thùy càng giận ông ngoại!

Trước đây khi còn ở Việt Nam, Thùy cũng không gần gũi ông ngoại lắm vì ông ngoại rất khó khăn, gia trưởng, phong kiến, cổ hủ..., cái gì cũng mở đâu bằng sáu chữ "con gái mà như thế thì...". Trong gia đình, tất cả các thành viên đều phải răm rắp làm theo ý của ông, không ai có quyền hỏi tại sao? Ông ngoại nói là thánh nói, luôn luôn đúng... Làm sai ý của ông ngoại là... bôi nhọ gia phong.... Hồi bà ngoại còn sống thì các dì còn được bà chiều, che chở nên đỡ nghẹt thở hơn. Từ khi bà mất đi, các dì phải sống với "luật lệ thép" của ông ngoại. Thùy thường hay nghe các dì than là ông ngoại khó đến mức không bao giờ các dì dám dẫn bạn bè về nhà dù là bạn gái.

Thùy cũng có lần bị ông ngoại "chiếu tướng" nên từ đó Thùy luôn tránh gặp ông trừ những ngày giỗ, tết phải xuống thắp nhang cho bà. Trong gia đình ông ngoại, Thùy thân nhất với dì Năm vì dì chỉ hơn Thùy vài tuổi lại có cùng gu ăn mặc, nghe nhạc như Thùy.

- Thùy nghĩ gì đó con? Chuẩn bị rồi đi xuống ông nha.

Thùy giật mình khi Mẹ hỏi.
- Đâu có nghĩ gì Mẹ. Mẹ ơi dì Năm đã có ai chưa?

- Chưa, tất cả mấy dì đều chưa có chồng ngoại trừ dì Tư. Hồi đó ông khó quá đâu có ai dám quen mà có chuyện cưới hỏi. Anh nào đến nhà đều bị ông chửi te tua nên họ chạy hết. Bây giờ thì già rồi còn ai cưới nữa. Tội nghiệp các dì!

Mẹ thở dài đứng lên đi vào bếp chuẩn bị vài thứ đi xuống nhà ông.

Nghe Mẹ nói, một ý nghĩ thoáng nhen nhúm trong đầu... Thùy sẽ rủ dì Năm đi nghe nhạc tối nay xem ông ngoại lần này nói sao. Ngay từ bé Thùy đã có cái tính thích làm những gì mình muốn hơn là được cho phép. Thùy vẫn nhớ như in cái ngày dì Năm bị ông ngoại đánh còn Thùy thì bị ông "cấm cửa" vì cái tội Thùy nói dối ông rủ dì đi nghe nhạc. Thùy bịa chuyện là dì Năm đến nhà Thùy học nấu món cà bung mà ông ngoại thích rồi nấu cho ông ngoại ăn nhưng thật ra là Thùy rủ dì Năm đi vũ trường với mấy đứa làm chung sở với Thùy. Dì Năm đâu có biết nhảy nhưng thích ngồi nghe nhạc, nói chuyện với bạn bè của Thùy, hơn nữa dì cũng muốn có cơ hội để diện cái áo đầm trắng mới may. Dì rất thích ăn mặc theo mốt nhưng ông khó quá nên mỗi lần đi đâu dì mang quần áo xuống nhà Thùy thay rồi hai dì cháu cùng đi. Dì có nhiều tiền nên Thùy có cái gì mới là dì cũng "tậu" giống như thế. Hồi đó sau khi ra trường, Thuỳ đi làm cho một công ty làm ăn với tụi Tây nên có dịp tiếp xúc với những mốt thời trang mới. Thùy được các dì bầu làm "quân sư quạt mo" về thời trang cho các dì.
Lần ấy hai dì cháu vừa "tậu" đầm mới nên rủ nhau diện đi chơi nhưng xui xẻo bị ông ngoại bắt quả tang..

Thùy nhớ tối hôm đó vừa nhìn thấy Thùy Mẹ đã hỏi:
- Thùy, con đi đâu với dì Năm chiều nay mà để ông ngoại kiếm vậy? Mẹ Thùy hỏi với nét mặt lo lo.
- Ủa ông ngọai kiếm dì Năm chi vậy Mẹ? Thùy hỏi Mẹ.
- Mẹ đâu có biết nhưng thấy ông có vẻ giận dữ lắm. Ông nói khi con về thì biểu con xuống nhà gặp ông ngay. Dì Năm đâu?
- Dì về rồi. Bữa nay dì đòi về sớm vì hồi sáng ông nói ông sẽ ngủ ở nhà tối nay không qua nhà bà kia.
- Con rủ dì Năm đi chơi không xin phép ông hả? Mẹ Thùy gạn hỏi.
Thùy lắc đầu:
- Dạ không!
Như chợt nhớ ra điều gì Thùy nói tiếp:
- Chết rồi dì Năm thế nào cũng bị ông ngoại đánh và nhốt trong nhà vài tuần. Để con chạy xuống "đỡ đòn" cho dì Năm nha Mẹ?
- Ừa con đi đi nhưng nhớ đừng ở khuya quá nha.


Nhà ông vẫn mở cửa bán hàng. Vừa thấy Thùy dì Ba đã chỉ chỉ ngón tay nói:

- Kỳ này mày tới số rồi Thùy ơi. Mày dám rủ rê dì Năm đi chơi, còn nói dối ông là đi học nấu món cà bung của chị Hai.

Dì Sáu ngồi ở bàn gần đó gật gù:
- Ừa mày lên lầu gặp ông đi Thùy. Mày gan quá mạng.

Thùy không thể nào hiểu nổi mấy bà dì của Thuỳ nữa. Từng này tuổi đầu mà sợ cha như sợ cọp. Từ ngày bà ngoại Thùy mất, mấy dì bị nhốt lỏng trong nhà để trông coi cửa tiệm và đám người làm. Người nào việc nấy, suốt ngày chẳng ai nói với ai câu nào. Các dì chẳng ai có bạn bè gì cả. Dì Ba đã gần bốn mươi tuổi mà đi đâu cũng phải xin phép ông, chưa bao giờ có bạn trai, chưa bao giờ biết vị ngọt ngào của nụ hôn, sự thổn thức của tình yêu là như thế nào, sống như cái máy…sáng sớm dậy lên lầu thắp nhang cho bàn thờ bà ngoại, sau đó xuống nhà cùng người làm mở cửa tiệm. Dì Ba đứng thu tiền cho đến tối. Mấy dì kia thì thay nhau trông coi trong bếp hoặc ngoài cửa hàng khi dì Ba đi nghỉ trưa. Buôn bán được đồng nào cuối ngày đưa hết cho ông ngoại để ông đi nuôi mẹ con bà bán vé số mà ông vừa cặp kè mấy tháng nay. Nghe nói ông nuôi mấy đứa con riêng của bà bán vé số đi học trong khi các dì thì học đến lớp mười hai là nghỉ hết ở nhà bán hàng. Có lần nghe dì Ba kể mà Thùy tức lộn ruột. Ông ngoại Thùy mang bà bán vé số trẻ hơn tuổi con mình về nhà, bà ta diện ngất trời xanh nhìn chẳng còn ai biết là cách đây mấy tháng còn là con bán vé số dạo đen đúa. Nay bà lại rất ra dáng bà chủ... vàng vòng, hột xoàn đeo đầy tay. Nhờ có chút nhan sắc nên được ông ngoại Thùy cưng chiều, bà ấy càng được thể, chẳng coi mấy dì ra gì, sai bảo mấy dì như sai con ở... Rất tiếc là không có Thùy lúc đó chứ không thì chắc vợ bé hờ của ông ngoại Thùy sẽ hết dám vênh váo.

Trong gia đình, Thùy nổi tiếng là đứa cứng đầu, bộc trực và rất ghét những chuyện phi lý bởi thế những khi dì Năm bị ông ngoại la mắng, dì lại khóc lóc kể lể cho Thùy nghe. Mỗi lần như vậy Thùy lại đóng vai một người bạn tốt của dì để an ủi dì hơn là một đứa cháu. Thùy còn dám hứa với dì Năm là khi có điều kiện sẽ nói cho ông ngoại nghe những suy nghĩ thật của mình về ông. Ông ngoại khó với mấy dì nhưng với Thùy thì ông đâu làm gì được vì Thùy đâu có ở với ông hơn nữa ông cũng biết tánh Thùy ngang ngạnh chứ không hiền như mấy dì.

- Dì Năm đâu rồi dì Ba? Thuỳ lo lắng hỏi.

Dì Ba nói rất khẽ, chỉ ngón tay lên lầu:
- Nó đang bị ông đánh ở trển đó.

- Trời, sao ông kỳ vậy? Lớn rồi còn đánh...

- Thôi mày đừng hỏi lôi thôi nữa cũng tại mày rủ rê di Năm đi chơi. Lên đi, ông chờ đó.

- Dì làm gì mà sợ ông thế? Con thấy mấy dì mà con rầu. Mấy dì cứ thế bảo sao ông không thành...phát xít. Mấy dì phải biết cái gì nghe ông cái gì không chứ. Đâu phải cái gì ông cũng đúng. Bộ mấy dì cứ mười tuổi suốt đời sao? Nếu mấy dì không có những suy nghĩ độc lập, cái gì cũng làm theo ông thì mai này khi ông mất đi ai sẽ “thở” hộ cho mấy dì vậy?

- Mày ở đây đi rồi mày biết. Ông nói con gái mà cho đi học như mày là về nhà hay lý sự cũng đúng ghê đi. Dì Ba cười cười nói.

- Con mà như mấy dì con dọn ra ngoài ở từ lâu rồi. Lúc đó ông mới hiểu thế nào là nỗi cô đơn không có con cái ở bên cạnh thì ông mới thay đổi cách nhìn, cách giáo dục con cái và cũng sẽ thương mấy dì hơn.

- Sao mày không nói lớn thêm cho ông nghe luôn đi con?
Dì Ba thòng một câu huề tiền. Hình như dì Ba đã quen sống cam chịu.

Thùy không trả lời, bỏ đi lên lầu lòng nặng trĩu thương các dì và thấy mình may mắn có cha mẹ luôn luôn để ý đến tâm tư, tình cảm vui buồn của Thùy, tôn trọng ý thích và tin tưởng Thùy. Thùy thầm cám ơn cha mẹ! Có lẽ ngày xưa Mẹ của Thùy đã phải chịu nhiều sự hà khắc của ông ngoại nên hiểu tâm trạng của con cái nghĩ gì.

Đang suy nghĩ miên man Thùy nghe tiếng ông ngoại la dì Năm vọng ra từ căn phòng sát thang, phía sau cánh cửa khép hờ. Thùy cảm thấy hơi run, chưa biết xử sự ra sao khi "chạm mặt" ông ngoại lần này nhưng Thùy sẽ cố gắng để ông ngoại hiểu Thùy nghĩ gì về cách đối xử với con cái của ông rồi tới đâu thì tới.

- Mày là con gái, lại là vai dì của con Thùy mà mày nghe nó rủ rê nói dối cha trốn đi vũ trường. Tao xấu hổ quá. Mày bây giờ đâu còn coi tao là ba nữa phải không Năm? Tao ra ngoài tiếp xúc nhiều nên hiểu bọn đàn ông không thể tin được. Lo cho mày thì mày không nghe...

Ngay sau đó Thùy nghe tiếng vùn vụt của những làn roi...

- Ba ơi con biết lỗi rồi. Dì Năm khóc van lơn.

Thùy không muốn ông ngoại tiếp tục đánh dì Năm nên mạnh dạn đẩy cửa bước vào. Cố giữ vẻ mặt bình thản.

- Thùy chào ông.

Ông ngoại mặt hầm hầm quay qua nói với Thùy câu cụt ngủn:

- Mày ngồi xuống đó.

- Dạ.

Thùy ngồi xuống chiếc giường đối diện với dì Năm. Dì ngồi dưới nền gạch cúi đầu không nhìn Thùy, khóc sướt mướt. Lòng Thùy tan nát vì tại Thùy rủ rê dì đi chơi mà bi giờ dì bị đòn. Thùy phải làm cái gì đó hôm nay. Thùy hứa với lòng mình như thế.

Ông bất chợt quay qua quát Thùy:

- Mày ăn mặc kiểu gì vậy Thùy? Ba mẹ mày quá dễ dãi với con cái. Con gái con lứa gì mà mặc váy cũn cỡn thế kia!

Ông ngoại bắt đầu cái "bài" cũ mèm. Thùy nghe câu này hoài nên cũng không bất ngờ lắm.

- Dạ cái áo đầm này Mẹ con may cho con đó ông ơi. Thùy cười tinh quái nhìn dì Năm... chia lửa.

- Mẹ mày sẽ làm hư con cái hết. Tao sẽ nói chuyện với mẹ mày sau.

Ông nhìn Thùy từ đầu đến chân rồi nhíu mày quát tiếp:

- Tại sao mày dám xui dì Năm nói dối ông đi chơi hả Thùy?

- Dạ... tại nói thật ông đâu có cho đi. Thùy nói bằng giọng rất điềm tĩnh.

Ông đưa tay lên...rồi lại bỏ xuống.
- A con này giỏi thật. Bố Mẹ mày dạy mày ăn nói với ông như thế hả?

- Đâu có ông... Với Ba Mẹ, con đâu cần phải nói dối vì Ba Mẹ con lúc nào cũng tin con nên khi con cần gì, làm gì, đi đâu là con cứ nóí thật với Ba Mẹ. Thế thì ông ngoại đâu thể buộc tội Ba Mẹ con dạy con nói dối được. Chính ông mới khiến con và dì phải nói dối đó. Con lớn rồi chứ đâu phải đứa trẻ lên năm, vả lại con đâu có đi chơi bậy bạ. Dì và con đi nghe nhạc có làm gì xấu đâu sao ông lại đánh dì?

Chỉ tay vào mặt Thùy, giọng ông đầy tức giận:
- Mày lý sự với ông hả? Ai tin tụi bay được. Đi ra ngoài là cặp kè với tụi con trai rồi có ngày cái bụng trương lên thì xấu hổ cả dòng họ. Tao cấm mày nha Thùy mày không được xuống đây rủ rê dì Năm đi chơi nữa. Mày mà còn rủ rê dì Năm là tao không có ông cháu gì với mày và cả Mẹ mày nữa.

Thùy tức bởi cái lối suy nghĩ cổ hủ, áp đặt, coi thường phụ nữ của ông ngoại nên trả lời:

- Ông nói thế là hễ cứ ra ngoài đi chơi với bạn bè là ai cũng hư hỏng hết hả? Tùy người chứ ông. Cả bạn trai cũng thế đâu phải ai cũng xấu. Tất cả ăn thua mình. Dì Năm đi với con thì ông đừng lo nha. Con đâu có ngu đâu.

- Tao nói rồi đó. Ba Mẹ mày mà không biết dạy mày thì có ngày ba mẹ mày cũng có cháu ngoại bất đắc dĩ đó. Tao nhìn mày là tao biết mày sắp sửa hư rồi. Con gái mà hay đi chơi lêu lổng... Cái nhà này hỏng hết rồi.

Thùy cảm thấy bị ông xúc phạm nên bắt đầu ương ngạnh. Thùy biết ông sẽ không đánh mình như đánh dì Năm. Bất quá là đuổi Thùy ra khỏi nhà ông thôi. Mà ông đuổi thì đi về chứ có chết ai đâu nên Thùy chẳng việc gì mà phải sợ. Đã đến lúc Thùy phải nói hết những gì mình nghĩ. Thùy chậm rãi cố giữ giọng trầm đều để ông không có cớ nói Thùy "lên giọng" với ông.

- Bữa nay con phải nói những gì bấy lâu nay con suy nghĩ về ông. Ông chẳng những không tin con cháu mà còn độc đoán nữa. Từ hồi bà mất đến giờ ông có bao nhiêu bà bồ rồi? Ông đi suốt ngày với những bà đó nhưng lại cấm đoán các dì có bạn trai và không được ra ngoài đi chơi với ai kể cả cháu ruột của mình. Con nghĩ là ông không công bằng. Không phải ông lo cho mấy dì đâu mà tại ông sợ mấy dì đi chơi có bạn trai rồi thì không ai ở nhà buôn bán kiếm tiền cho ông đi nuôi mấy bà bồ của ông nữa.

Thùy vừa dứt câu, ông trợn mắt, giọng run run lắp bắp vài câu rồi bỏ ra ngoài, đóng sầm cửa.

- Tao không muốn nhìn thấy mặt mày ở nhà tao nữa nha Thùy. Tao sẽ xuống nói chuyện với con Mẹ của mày. Mẹ mày vô phúc mới đẻ ra mày!

Trong phòng bi giờ chỉ còn có dì Năm và Thùy. Thùy đến ngồi cạnh bên dì Năm.

- Con xin lỗi dì tại con mà dì bị ông đánh.

- Con đâu có lỗi gì tại dì cũng ham vui.

- Tuổi của dì ham vui thì có gì là sai chứ? Đó là điều tự nhiên mà. Cứ ở trong nhà thì khi nào mới khôn?

Thùy tuy là vai cháu nhưng lại là người mang "ánh sáng" của thế giới bên ngoài vào "cái nhà tù giam lỏng" của các dì nên các dì "mê" Thùy lắm coi Thùy như "trung tâm tư vấn" cho mọi chuyện... từ kiểu tóc, kiểu giày, kiểu quần áo, mỹ phẩm, phim, nhạc... nói chung là mọi chuyện trên đời này liên quan đến đàn bà, con gái là các dì đều phải nhờ Thùy "tư vấn". Thùy cũng hay kể chuyện bạn trai của mình với các dì. Mỗi lần như thế bà nào cũng ngồi lắng nghe thích thú, cảm phục Thùy biết nhiều thứ ngoài đời, may mắn hơn các dì.

- Thùy sao con nói với ông như vậy? Mày không sợ ông sẽ méc Ba Mẹ mày hả? Dì Năm bất ngờ hỏi Thùy.

- Ba Me con không giống ông đâu dì đừng lo. Tại mấy dì hiền quá nên ông mới thế chứ. Các dì cũng đã lớn hết rồi nên tập có những suy nghĩ độc lập đi chứ, cái gì cũng phải hỏi ông. Ngay cả dì Ba đã gần bốn mươi tuổi mà đi đâu cũng phải xin phép ông như con nít mười lăm. Con là không chịu thế đâu. Chắc ông không muốn con cái tự có trách nhiệm với bản thân. Ông muốn kiểm soát moị thứ. Người ta có câu "con hơn cha là nhà có phúc" mà với ông thì con cái phải "thua" ông mười cái đầu. Lúc nào ông cũng ca bài ca con cá "áo mặc không qua khỏi đầu" Bi giờ mấy cái áo có mũ sau lưng mặc qua khỏi đầu đó.

Dì Năm bật cười với cáì kiểu ví von của Thùy khiến Thùy cũng phải cười theo.

- Con nói nghiêm túc đó. Dì mà không nghe con dì sẽ khổ một đời, ở giá cho coi!

- Tại Ba Mẹ con nghĩ thoáng chứ ông cổ xưa lắm chắc mấy dì ế chồng thiệt đó Thùy ơi. Dì chưa bao giờ dám quen với ai sau cái vụ anh Toàn.

- Thì chuyện đó con biết mà nên con rủ rê dì đi chơi để kiếm chồng cho dì đó, hi hi hi.

Dì đỏ mặt cười, ánh mắt khao khát tình yêu của người phụ nữ đã hơn hai mươi lăm tuổi nhìn Thùy đầy biết ơn.

- Thôi chắc ông đi ngủ rồi Thùy về đây không Mẹ mong.
...

Trên đường về nhà Thùy vẫn ấm ức câu nói của ông "con gái hay đi chơi, thì sẽ hư hỏng". Ông nói như thể đó là một quy luật bất biến. Thùy sẽ chứng minh cho ông thấy là ông sai.

Sài gòn về đêm gió nhẹ, mát dịu. Thùy định bụng sẽ kể cho Ba Mẹ nghe chuyện Thùy "cãi" với ông tối nay trước khi Thùy đi làm vào sáng mai để nếu ông có xuống mắng vốn thì Ba Mẹ khỏi bị bất ngờ. Thùy thấy lòng nhẹ nhõm hơn... Nhớ đến hồi chiều đi chơi với dì Năm vui quá. Thùy mỉm cười. Ánh trăng lấp lánh sau hàng cây như chia sẻ niềm vui đó với Thùy.
...


Sau lần đó Thùy ít gặp ông ngoại chỉ có ngày giỗ, tết Thùy mới xuống thắp nhang cho bà. Hơn một năm sau Thùy ra đi. Những năm sống xa quê hương Thùy chỉ biết tin tức gia đình ông và các dì qua những lần nói chuyện phone với Mẹ. Nhờ thế mà Thùy biết dì Tư đã có gia đình do một lần ông ngoại bị tù hai năm vì tội vượt biên. Dì Tư ở nhà "phá luật" quen dượng Tú rồi đám cưới. Khi ông về thì mọi chuyện đã xong nên ông phải chấp nhận. Các dì kia không dám "phá luật" nên bây giờ vẫn chưa ai có gia đình.

Có tiếng Mẹ vọng lên từ sau bếp cắt ngang dòng hồi tưởng của Thùy:

- Thùy sửa soạn đi con rồi mình đi xuống thăm ông. Mẹ nghe các dì nói ông biết con về ông mừng lắm sai các dì nấu nướng những món con thích đó. Dì Năm mong gặp con lắm.

Nghe Mẹ nhắc đến dì Năm, Thùy cũng muốn xuống ngay xem dì sống ra sao nên trả lời:

- OK con sẽ đi với Mẹ.

Sài gòn tháng tám nóng nực. Thuỳ mặc chiếc áo đầm ngắn hai dây màu xanh. Nắng Sài gòn làm cho làn da con gái xứ lạnh trắng hồng rất gợi cảm. Nhìn Thùy là biết ngay Việt Kiều về nước qua “dấu tích" của làn da. Thùy tự tin vì Thùy biết những điểm mạnh và điểm yếu của mình. Cách ăn mặc của Thùy xoay quanh những kiểu dáng có thể làm tôn những điểm mạnh và che đậy những điểm yếu bởi thế khi Thùy diện lên trông Thùy đẹp lộng lẫy.

- Con gái mẹ đẹp quá. Cái áo đầm này trông thật hợp với con. Mẹ Thùy khen.

- Cám ơn Mẹ. Con mua lâu rồi nhưng ít có dịp mặc vì bên kia chỉ mặc được những loại áo này vào mùa hè.

- Ông mà nhìn thấy chắc lại bảo con ăn mặc cũn cỡn. Con đừng để ý nhá. Tính ông như thế nhưng Mẹ cũng nghe các dì nói ông dạo này thay đổi lắm. Chắc không sao đâu.

Thùy hiểu ý Mẹ là ông ngoại sẽ có thể không hài lòng về cách ăn mặc hở hang của Thùy. Để trấn an Mẹ, Thùy nói chắc như bắp:

- Mẹ à, ngày xưa khi con còn ở VN, ông cũng hay ca bài này lắm mà con có sao đâu huống chi bây giờ con đã ăn cơm Tây bao nhiêu năm và đã quen với văn hóa Tây Phương. Mẹ đừng lo nha. Ông sẽ không cằn nhằn nữa đâu.
...

Ngồi trên taxi, qua khung cửa nhỏ Thùy nhìn phố xá Sài gòn buổi sáng. Taxi mở máy lạnh hết cỡ mà Thùy vẫn cảm thấy nóng, cái nóng ẩm ướt rất khó chịu. Thùy lấy làm lạ là nóng như thế mà đa số các bà, các cô chạy xe ngoài đường đều mặc áo khoác dài tay, che mặt kín mít. Hỏi anh tài xế taxi mới biết là các bà, các cô sợ nắng đen da.

Taxi đi qua những con đường mà Thùy không thể nhận ra nữa mặc dù ngày xưa những con đường này từ nhà Mẹ Thùy tới nhà ông ngoại đâu có xa lạ gì. Nhà cửa bây giờ xây mới nhiều, đường xá cũng rộng rãi hơn, nhiều hàng quán, khách sạn mini mọc lên. Người Sài gòn ăn mặc đẹp, đa dạng hơn hồi Thùy còn ở nhà, đặc biệt các cô tuổi teen thì mô-đen chẳng thua gì các teens bên Mỹ, Canada... chỉ có màu sắc là còn hơi sặc sỡ thôi. Xe hai bánh thì vô số kể. Rất nhiều những loại xe mới chứ không phải chỉ là Honda hay Cup như những năm 1980. Xe hơi cũng khá nhiều trong thành phố, xe tư nhân nhan nhản. Con Thanh gởi emails nói người Sài gòn bây giờ đua nhau đi học lái xe hơi để cũng có bằng lái cho bằng chị bằng em chứ không hẳn là vì có xe hơi.

Xe cộ nhiều quá nên nghẽn đường là chuyện thường ngày ở huyện. Hôm Thùy ở sân bay về quận Nhất mà mất gần hai tiếng taxi vì bị kẹt xe hơn một tiếng ở đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa.


Xe taxi đậu lại. Mẹ bảo Thuỳ đã đến nơi rồi. Thùy nhìn dáo dác tìm nhà ông ngoại. Thùy không nhận ra cái nhà nhưng nhận ra cái tên của quán cơm nổi tiếng Sài gòn trước đây. Ông ngoại đã sửa lại nhà một bên để bán hàng một bên để ở. Thùy thấy một bà khá lớn tuổi đứng thu tiền chưa kịp hỏi Mẹ là ai thì..

- Trời con Thùy nè Năm ơi...

Với nụ cười đó thì đúng là dì Ba rồi.. Dì vẫn làm công việc này bao nhiêu năm nay. Nhưng sao bây giờ dì khác thế? Trong Thùy, hình ảnh của một dì Ba xinh đẹp, mảnh mai đã tan biến. Trước mặt Thùy là một phụ nữ có tuổi, không còn tha thiết chăm sóc hình thức bên ngoài của mình nữa. Trông dì có vẻ như người tu hành.

- Dì Ba dì khỏe không? Lâu quá mới gặp lại dì.

Thùy ôm dì Ba hai dì cháu đều xúc động rưng rưng nước mắt.

- Con đi đường có mệt không? Dì Năm, dì Tư và dì Sáu ở trong kia kìa con. Vô đi rồi dì cho người pha nước cho ba mẹ con uống nha.

Cùng lúc ấy các dì cũng chạy ra.

- Con chào các dì... các dì có khỏe không. Giọng Thùy bị nghẹn nghẹn.

- Trời ơi coi con Thuỳ kìa... Bây giờ nó còn đẹp hơn hồi xưa ha chị Hai. Về có một mình hả con? Dì Năm tươi cười hỏi.

- Lần này cháu nó về có một mình thôi dì. Mẹ Thùy trả lời hộ Thùy.

Thùy chào từng dì. Dì Năm vẫn đẹp và vẫn chưng diện hơn các dì khác. Dì mặc bộ áo xẩm bó, ngắn tay màu tím để lộ cánh tay tròn lẳn trắng mịn được trang điểm bằng những chiếc vòng bạch kim rất sành điệu. Móng tay dì sơn kiểu cọ làm nổi bật bàn tay búp măng trắng nõn.

- Các dì khỏe không? Dì Năm điệu y như hồi xưa heng. Thùy cười hí hí ghẹo dì Năm.

- Dượng Tư đâu dì Tư? Thùy quay sang dì Tư đang đứng bên cạnh dì Năm hỏi.

- Dượng chạy ra ngoài có việc.

Dì xoay qua một cô bé khoảng mười lăm, mười sáu tuổi đứng bên cạnh giới thiệu với Thùy.

- Đây là bé Ni con gái dì nè. Chào chị Thùy đi con.

- Dạ chào chị Thùy.

- Chu cha bé Ni đẹp gái quá xá! Chắc dượng Tư đẹp trai lắm ha?

Dì Tư sẵn dịp khoe luôn:
- Ni giống dượng Tư y chang hà Thùy.

Mọi người cùng cười vang. Qua ánh mắt, Thùy cảm nhận được dì Tư rất bằng lòng với cuộc sống hiện tại của mình. Nghe Mẹ kể gia đình dì Tư rất hạnh phúc, dượng Tư là người chồng và người cha tốt. Những năm đầu khi hai người mới lấy nhau, ông ngoại không ưa dượng Tư chứ bây giờ hở chút là "thằng Tư đâu lên đây uống bia vơi ba". Bởi thế mới nói nếu ngày xưa dì Tư không "vùng lên" đi tìm hạnh phúc cho mình thì bây giờ chắc cũng ở giá như các dì kia thôi.

Thùy choàng tay qua eo dì Tư "nịnh" dì:
- Di Tư hay thiệt ha chọn được chồng đẹp trai, tốt. Thùy phục dì Tư lắm đó.

Dì Sáu nãy giờ đứng im bây giờ mới xen vào.
- Trong nhà này có dì Tư là may mắn nhất thôi hà Thuỳ ơi. Dì, dì Năm và dì Ba vẫn cu ki một mình hà.

Thùy hiểu được tâm trạng của dì Sáu. Dì đang trách móc số phận hay trách móc ai đó. Thùy im lặng nhìn dì đầy thương cảm rồi nói lảng qua chuyện khác:

- Ủa Mẹ Thùy đâu rồi?

- Mẹ qua nhà bên gặp ông rồi. Em gái của Thùy trả lời.

- Ừa qua bên kia đi ông đang chờ Thùy đó. Dì Ba vừa chỉ tay qua nhà bên cạnh vừa nói.

Tất cả mọi người kéo nhau qua nhà bên trừ dì Ba phải đứng coi cửa hàng.
...

Trước mặt Thùy là một ông cụ gầy gò, ốm yếu, trắng nhợt, mặc bộ pyjamas nâu đang ngồi trên sofa ở giữa phòng khách, bên cạnh là Mẹ của Thùy. Vừa trông thấy Thùy, Mẹ đã nhanh nhảu.

- Thùy đến chào ông đi con.

Ông cụ đó là ông ngoại của Thùy sao? Thùy nhớ ngày xưa ông đẹp trai lắm, phong độ, "vào trong nho nhã, ra ngoài hào hoa", lúc nào cũng lên đồ láng cón. Thời đó mà ông đi toàn giày thể thao hiệu Adidas, là dân chơi tennis nổi tiếng trong thành phố. Bây giờ ngồi đó là một người hoàn toàn khác với những gì Thùy hình dung về ông ngoại cách đây vài phút trước khi gặp ông. Mặc dù Mẹ Thùy có nói sơ là ông bị bịnh tiểu đường mấy năm nay nên gầy hơn trước nhưng Thùy cũng vẫn không thể ngờ là ông ngoại lại sa sút sức khỏe như đến thế. Thùy thoáng nghĩ không biết có phải vì lúc còn trẻ ông ăn chơi, nhiều bồ bịch quá không?

Đôi mắt ông nhìn Thùy thật hiền lành, mỉm cười. Hình như Thùy chưa bao giờ thấy đôi mắt ông hiền như thế này.

- Thùy hả con? Vào đây cho ông xem Việt Kiều có khác gì không nào.

Nghe ông nói thế bao nhiêu những giận hờn, khoảng cách giữa ông và Thùy trước đây đều tan biến thay vào đó là một tình cảm dạt dào mà lần đầu tiên Thùy dành cho ông ngoại. Dì Năm kéo cái ghế để Thùy được ngồi sát ông.

- Ngồi đây nè Thùy..

- Thùy chào ông. Thùy nói trong cảm động.


Thùy vừa ngồi xuống ông ngoại đã vuốt tóc Thùy chuyện mà trước đây ông chưa bao giờ làm với con cháu. Hồi xưa ông ngoại hay giữ khoảng cách với con cháu trong nhà bởi ông nghĩ gần gũi quá chúng lờn mặt.

- Cháu tôi đẹp gái qúa! ăn mặc cũng hợp thời trang. Mấy đứa ở đây mặc không đẹp như con đâu. Chắc dì Năm mày lại bắt chước đi may một cái giồng như thế này thôi. Hồi xưa hai dì cháu hay may quần áo giống nhau lắm đúng không?

Ông nói xong cười vang khiến mọi người cũng cười theo. Chỉ có Thùy là chưa kịp phản ứng với sự thay đổi lớn của ông ngoại nên e dè nói.

- Ông khác xưa quá. Con nhớ Ông lắm!

- Cô mà nhớ gì tôi. Bao nhiêu năm nay chẳng bao giờ thấy cô điện thoại về thăm ông cả. Giọng ông đầy ý trách móc làm Thùy khá bối rối.

- Con hỏi Mẹ về ông hoài mà. Thuỳ cười chữa thẹn rồi hôn lên trán ông.

- Ông nghe Mẹ con khoe là con sang đó theo học ngành luật sư và bây giờ có văn phòng riêng hả Thùy? Các dì thấy không con Thùy tuy là cháu nhưng nó nhanh nhẹn, khôn ngoan, đi tới đâu cũng thành công. Bố Mẹ nó nở mày nở mặt. Ông cũng vui vì có cháu gái giỏi. Bố mày mất rồi chứ còn sống thì chắc là vui lắm. Hồi xưa lúc nó lý sự với ông là ông biết nó có tư chất làm luật sư mà... rồi ông quay sang Thùy hỏi.

- Chồng con của con vẫn khỏe hả Thùy?

- Dạ cám ơn ông gia đình con bên kia vẫn khoẻ.

Thùy không thể tin vào những gì mình vừa nghe từ miệng ông ngoại. Hồi xưa ông bảo Thùy chắc chắn sẽ hư hỏng vì không nghe lời ông. Bây giờ có lẽ ông đã nhận ra rằng cách giáo dục con cái theo kiểu "cha mẹ nói sao con làm thế" không còn hợp với thời đại mới nữa. Ông cũng ngộ ra rằng chính cái lễ giáo phong kiến hủ lậu trọng nam khinh nữ mà ông tin là sẽ giúp những cô con gái ông trở thành những phụ nữ đức hạnh "tam tòng tứ đức" sau này đã cướp đi một cách tàn nhẫn cái tuổi xuân sắc đẹp nhất của ba người con gái của ông.

- Sức khòe của ông dạo này ra sao ạ? Thùy muốn xóa tan cái ánh mắt buồn bã nhìn xa xăm của ông ngoại nên hỏi thăm ông.

Ông ngồi dựa vào sofa, một tay để lên thành ghế nói.

- Ông bị bịnh mấy năm nay và cũng gìà yếu rồi nên mọi chuyện trong ngoài đều do dì Ba con quản lý. Dì Ba con bây giờ như tu tại gia vậy. Mẹ mày thỉnh thoảng xuống thăm ông, dì Tư có gia đình riêng nhưng hàng ngày xuống đây phụ dì Ba trông coi tiệm, dì Năm, dì Sáu thì vẫn ở đây với ông lo việc buôn bán.

Bỗng giọng ông vui hẳn lên.
- Con có ai giới thiệu cho dì Năm con đi.

- Ông cứ nói đùa hoài. Thùy giả vờ dò ý ông.

Ông cười khanh khách.
- Ông nói thật đấy. Mày qua bên kia xem có ông Tây nào góa vợ thi giới thiệu cho dì mày nhá con. Dì năm còn đẹp chắc có người chịu lấy mà.

Thùy thấy được một chút chua xót trong câu nói của ông. Ngày xưa, con gái ông là không cần ai cả, ông chỉ gả cho người xứng đáng môn đăng hô đối do ông chọn. Bây giờ thì ..."chắc là vẫn có người chịu lấy mà". Thùy nhìn nhanh về phía dì Năm đôi mắt dì ươn ướt, nhìn mông lung...

Thùy không dám nói ra nhưng trộm nghĩ giá ngày xưa ông cũng nghĩ thoáng như thế thì các dì bây giờ đâu có lỡ thời hết như vậy. Thùy nhớ có lần giới thiệu dì Năm cho Toàn bạn của Thùy hồi còn đi học. Năm Thùy học lớp mười hai thì Toàn học năm ba ở đại hoc Nông Lâm Súc. Nhóm của Toàn chơi với nhóm của Thùy. Sau này ra đi làm gặp lại nhau biết Toàn chưa có bồ nên Thùy giới thiệu dì Năm cho Toàn. Dì Năm đẹp nên Toàn cũng thích. Toàn ghé nhà dì Năm vài lần, lần nào cũng bị ông ngoại đuổi, chửi bới cho là Toàn theo dì Năm vì tiền. Toàn tự ái chia tay với dì Năm. Lần ấy, Thùy cũng bị ông la cái vụ làm mai làm mối. Bây giờ chính ông lại nhờ Thùy "tìm chồng" cho dì Năm.

Dì Năm nóí giọng như hờn trách.
- Ba ơi con già rồi ai mà lấy. May ra có ông nào chết vợ thì mới chịu con.
...

Mọi người đang nói chuyện rôm rả thì bé Ni con dì Tư dẫn bạn trai lên giới thiệu với ông.

- Ông ơi, đây là Minh bạn của con.

- Tụi nó là bạn học đó Ba. Dì Tư vội giải thích hộ bé Ni.

Ông ngoại nhìn Minh rồi nhìn dì Tư nói:
- Chà tuổi trẻ bây giờ có bạn trai, bạn gái sớm quá ha.

- Đâu có ông chỉ là bạn bè thôi hà. Ni e thẹn đính chính

- Chào Minh. Tôi là Thùy chị họ của Ni.

- Cháu chào ông, chào bác Tư, chào các dì và chào chị Thùy. Minh khoanh tay chào một vòng.

Sau màn giới thiệu, hai đứa nhỏ dẫn nhau xuống nhà dưới. Nhân dịp này dì Tư nói thêm với ông ngoại.

- Ba ơi tụi nhỏ bi giờ đi học phải có bạn bè. Nếu mình cấm đoán, tụi nó dẫn nhau đi chỗ khác rồi về nhà nói dối cha mẹ còn khổ nữa, chi bằng cứ cho tụi nó đưa nhau về nhà giới thiệu ít ra mình còn biết con mình chơi với ai, gia đình nó ra sao. Con nghĩ vậy Ba thấy có đúng không?

- Ừ các anh các chị bây giờ nghĩ khác chúng tôi hồi xưa. Ông ngoại vừa uống miếng trà vừa trả lời rất khẽ.

- Dì Tư nói đúng đó. Mẹ của Thùy thêm vào.

Thùy mừng thầm là dì Tư qua những mất mát của cuộc đời mình đã cố gắng hiểu và gần gũi con cái hơn trong cách dạy dỗ chúng. Dì Tư và Mẹ Thuỳ rất giống nhau về điểm này.

Chợt có tiếng dì Ba gọi vọng lên từ dưới nhà.
- Mọi người xuống ăn cơm.

Mẹ Thùy một bên, Thùy một bên đỡ ông ngoại đứng dạy đi xuống nhà dùng cơm trưa.

Mẹ Thùy nói đúng. Bữa nay ông ngoại cho nấu toàn những món ngon mà Thùy thích từ hồi bà ngoại còn sống. Tôm hấp dừa, cua rang muối...chả giò nhân cua...được bày trên bàn cùng với những món gỏi trang tri rất hấp dẫn. Thuỳ ngồi giữa ông ngoại và dì Năm. Ông ngoại cứ gắp thức ăn bỏ vào bát của Thùy. Thùy ăn không kịp. Đang ăn bỗng dì Năm thúc cùi chỏ hỏi:

- Thùy, cái áo đầm này Thùy may ở đây hay ở bên kia?

Thùy vừa bóc tôm vừa trả lời dì:

- Thùy mua ở bên kia dì ơi. Bên kia không có may quần áo toàn mặc đồ may sẵn thôi.
- Cho dì mượn kiểu dì đi may nha. Dì cười hề hề.

Ông ngồi bên cạnh nghe được dì nói cười ha hả:

- Con Thùy thấy chưa? Từ lúc con xuất hiện là dì Năm đã ngắm nghía cái áo đầm của con rồi.

Thùy nhe hàm răng trắng muốt cười toe toét chọc ông ngoại.

- Ông ngoại bây giờ chịu chơi ghê ta ơi. Hồi xưa con nhớ ông mà thấy con mặc áo đầm là ông nói con mặc đồ cũn cỡn.

Ông ngoại Thùy nhấp miếng bia chậm rãi nói như giải thích.

- Xã hội thay đổi ông cũng phải thay đổi chứ con. Lạc hậu hoài thua người ta... Tối nay con Thùy dẫn dì Năm con đi nghe nhạc đi. Dì Năm con cứ nói đợi cháu Thùy về dẫn đi vũ trường đó.

Thùy hiểu ý ông ngoại.

- OK vậy tối nay dì xuống nhà con, con còn một bộ đầm như thế này con tặng dì rồi hai dì cháu mình đi nghe nhạc ha.

Dì Sáu nãy giờ không nói gì bây giờ thấy thế mới thêm vào.
- Cho dì Sáu đi với nha Thùy..

Thùy không muốn bỏ sót dì Ba nên hỏi.
- Dì Ba đi không?

Ông ngoại với giọng buồn thiu xen vào.
- Dì Ba con bây giờ tu rồi, con không rủ dì đi đâu được nữa đâu! Ông kêu dì Ba nên đi chơi cho khuây khỏa nhưng dì đâu có chịu đi...

Còn dì Ba thì vẫn cứ im lặng như bấy lâu nay... im lặng.

Thùy nửa vui nửa buồn... Vui vì ông ngoại đã thay đổi và tình cảm giữa ông ngọai và Thùy đã được hàn gắn. Buồn vì dù có đi nghe nhạc...có làm gì đi nữa, Thùy cũng đâu có thể giúp gì nhiều cho các dì... Thời gian có đi ngược lại bao giờ...như dòng sông trôi đi sẽ chẳng bao giờ quay về bến cũ. Tuổi xuân của các dì đã không còn nữa để làm lại từ đầu. Dì Ba bây giờ là suốt đời không chồng, không con...

Cơm nước xong Mẹ nhắc Thùy lên lầu thắp nhang cho bà ngoại trước khi ra về.

Trên đường về nhà Thuỳ cám ơn Mẹ đã dẫn Thùy xuống gặp ông ngoaị. Trời Sài gòn bỗng dưng dịu mát. Thùy bảo anh tài xế taxi quay cửa xe xuống để Thùy được tận hưởng những làn gió nhẹ từ sông Sài gòn thổi vào..
<bài viết được chỉnh sửa lúc 27.09.2009 01:16:03 bởi dathaotrang >
#1
    Thanh Vân 10.09.2009 01:12:16 (permalink)
    http://vnthuquan.net/truyen/truyen.aspx?tid=2qtqv3m3237nvnvn4n3n3n31n343tq83a3q3m3237nvn

    Đã mang vào thư viện

    Chúc Mimosa luôn vui
    <bài viết được chỉnh sửa lúc 10.09.2009 01:51:51 bởi Thanh Vân >
    Attached Image(s)
    #2
      dathaotrang 10.09.2009 09:35:46 (permalink)
      Chào Thanh Vân,
       
      Mimosa cám ơn TV rất nhiều đã đưa bài của Mi vào TV. Mimosa vừa edit lại một một vài chỗ, Nếu TV không phiền TV có thể dùng bài đã được edit này.
      Chúc TV luôn vui.

       
      Mimosa
      #3
        dathaotrang 27.09.2009 00:51:49 (permalink)
        Con Vẫn Nhớ Thầy
        by Mimosa
         
         
        Hôm mà tụi bạn ở Việt Nam gởi emails lên diễn đàn của Hội cho biết thầy Xê bị ung thư phổi giai đọan cuối, tôi thật sư bàng hoàng, rất lo lắng cho thầy bởi trong các thầy mà tôi gần gũi thương mến thì thầy Xê có hoàn cảnh rất đặc biệt. Thầy không có gia đình và ít bà con thân thuộc. Nghe mấy đứa bạn nói thầy ở với gia đình người em gái bên quận Tám nhưng họ cũng không được khá giả cho lắm. Càng nghĩ càng thương thầy hơn!

        Hồi còn đi học ở trường, thầy dạy tôi môn Việt Văn và làm chủ nhiệm lớp tôi nhiều năm. Tôi có một kỷ niệm với thầy chẳng bao giờ quên được.
        Lần đó tôi bỏ học đi Vũng Tàu chơi với nhỏ Thu và mấy đứa nữa. Chúng tôi có chụp hình ở biển. Khi về trường tôi đem khoe với mấy đứa bạn cùng lớp. Chẳng bíết sao mà tấm hình chúng tôi chụp ở Vũng Tàu lại lọt vào tay cô Hoan, giáo sư cố vấn khối trật tự (tôi đang làm trưởng khối trật tự kiêm phó khối học tập)... Thầy Xê được gọi lên văn phòng thông báo "vi phạm" của tôi. (nhỏ Thu học khác lớp nên tôi không biết nó có bị giáo sư chủ nhiệm "phạt" như tôi không vì chưa bao giờ tôi nghe nó nhắc hay than về chuyện này). Tôi bị gọi lên văn phòng và được cô Hoan cho xem tấm hình như một tang chứng rành rành cho một "phiên tòa" sắp xảy ra mà "quan toà" sẽ là cô. Tôi không thể nào hiểu nổi tại sao tấm hình lại lọt vào tay nhà trường như thế vì tôi đã ép trong cuốn vở cất kỹ lắm rồi mà. Có lúc tôi nghĩ chắc các thầy cô đều có mắt ở sau gáy và biết hết mọi việc làm của học trò. Mãi sau này qua nguồn tin "mật" tôi mới biết là con nhỏ Trinh đã lấy cắp tấm hình đưa cho cô Hoan để "trả đũa" tôi vì đã cặp bồ với Minh là người mà nó thích.
        Khi thầy Xê được cô Hoan thông báo "tội" của tôi, thầy đã gọi tôi lên văn phòng.
        - Em giải thích sao đây hả Thùy?
        - Da tụi em đi đông lắm thầy. Tôi rụt rè đáp.
        - Nhưng trốn học đi chơi xa như thế này thi thật là không coi ai ra gì cả.
        - Dạ...em biết lỗi rồi thầy. Tôi lí nhí trong miệng.
        - Lần này tôi phạt em bằng cách cho em hai con zero môn Văn của tôi. Tôi thất vọng về em quá. Em là trưởng khối trật tự mà thế thì nói ai thèm nghe.
        - Dạ em xin lỗi thầy.

        Hai con zero của thầy Xê làm tôi tụt hạng tháng đó không đứng nhất nhì nữa. Mẹ tôi được gọi vào trường vì sai phạm của tôi. Sau đó tôi bị cha mẹ "cấm vận" hơn một tháng không được ra ngoài đi chơi sau giờ học.

        Lúc còn đi học chúng tôi hay gọi đùa thầy Xê là "Bố Già" vì thầy bám sát mọi "hoạt động" của chúng tôi. Phá thầy trong lớp chưa đủ, chúng tôi còn kéo nhau đến nhà thầy ở trong một con hẻm sâu mà tôi không còn nhớ là ở đâu, phá tiếp. Thầy ở một mình, rất đạm bạc. Lần chúng tôi ghé thăm thầy vào cuối tuần, thầy mặc bộ pajama sọc trắng ngồi tiếp chúng tôi. Trông thầy thật hiền, hiền hơn nhiều so với lúc thầy đứng lớp. Hình ảnh đó mãi đến bây giớ vẫn sống trong tôi mỗi khi tôi nghĩ về thầy.

        Đất nước thay đổi, mỗi người đều có một cuộc sống riêng để thích nghi với hoàn cảnh mới lúc bấy giờ. Không ai liên hệ với ai...Một thời gian sau tôi ra đi và nhiều năm sau đó không biết tin tức gì về thầy.

        Năm ngoái tôi về thăm Việt Nam, được gặp thầy Xê ở nhà của Nga. Nga nói với tôi là thầy nghèo lắm vẫn sống một mình. Nga đã thuê thầy làm việc cho công ty tư của nó. Tôi nghĩ thầy lớn tuổi rồi thì còn làm gì được nữa chắc nhỏ Nga chỉ muốn giúp thầy có công ăn việc làm cho tinh thần khuây khỏa thôi. Gặp lại thầy tôi nhận ra ngay, vẫn khuôn mặt và vóc dáng năm xưa. Khuôn mặt xương xương và đôi mắt một mí nhỏ, xụp xuống mỗi khi thầy cười. Đôi mắt này ngày xưa khi giảng bài toàn nhìn lên... trần nhà.

        "Ao thu lạnh lẽo nước trong veo
        Một chiếc thuyền con bé tẻo teo"

        ...

        Mỗi lần như thế chúng tôi lại khúc khích cười chọc thầy là không dám nhìn học trò nữ xinh đẹp vì sợ mất tập trung. Thầy đỏ mặt quay đi..và lần nào thì thầy cũng "chĩa" vào tôi (by default).

        - Các em cười gì? lại Thùy phá cái gì phải không?
        - Lần này không phải em thầy ơi. Tôi vội vã đính chánh.
        - Thế đứa nào?
        Cả lớp im lặng không ai trả lời.
        ...

        Tôi trao cho thầy số tiền mà nhỏ Thu nhờ tôi đem về tặng thầy cô, bạn bè Việt Nam còn khó khăn. Thầy vui lắm. Thầy trò hàn huyên tâm sự chuyện xưa rồi chuyên nay, chụp với nhau những tấm hình kỷ niệm. Bất chợt thầy ghé tai tôi hỏi nhỏ:

        - Thùy còn nhớ caí vụ đi Vũng Tàu không?
        - Vụ gì thầy? Thầy còn nhớ hả? Tôi cười bẽn lẽn trong sự ngạc nhiên vì đã hơn 30 năm rồi. Tôi tưởng thầy đã quên...
        - Thầy nhớ chứ. Lần đó thầy cho Thùy hai zero đó.
        - Thầy ơi, Thùy quên rồi...Thầy có biết là chinh nhỏ Thu người đi Vũng Tàu với Thùy lần đó gởi quà tặng thầy không? Tôi nói trong niềm tự hào về đứa bạn cũ. "Bây giờ nó đang ở Úc đó thầy".
        - Vậy hả, thầy biết Thu chứ... nhưng Thùy thấy đấy lúc ấy thầy đâu làm gì khác được vì nếu không phạt Thùy thì tụi nó sẽ phân bì là thầy thiên vị. Nhưng Thùy thấy đó, thầy đâu có trừ điểm hạnh kiểm Thùy đâu. Thầy Xê nói như đang cố giải thích với tôi là thầy không muốn làm như thế đâu chỉ vì thầy không còn cách nào khác.
        - Thầy ơi Thùy quên rồi, thầy đừng nhắc chuyện đó nữa nha. Gặp thầy đây là Thùy vui lắm. Chuyện xưa bây giờ đều là những kỷ niêm đẹp của tuổi học trò. Thùy mời thầy tối chủ nhật đến dư buổi tiệc gặp gỡ các thầy cô, bạn bè thờì trung học ở nhà hàng Tàu Biển. Thầy nhớ đến nha.

        Tối hôm ở nhà hàng Tàu Biển, đứng giữa đám đông thầy Xê ghé tai tôi nói nhỏ lần nữa

        - Thùy còn giận thầy cái vụ trốn học không?

        Tôi hơi bất ngờ nhìn thầy trách nhẹ:

        - Thầy vẵn chưa an lòng hả thầy? Thùy nói thật đó Thùy không còn nhớ gì chuyện đó cả. Vả lại Thùy cũng có lỗi nên mới bị thầy phạt.

        Thầy cười hiền hòa vỗ vai tôi
        - Vậy là thầy vui rồi.

        Tối hôm đó có mặt đông đủ các thầy cô và bạn bè thời trung học. Có cả thầy Thanh Mai dạy chúng tôi môn hóa, Có cả cô Xuân dạy Vạn Vật... Thầy Xê ngồi ở cuối bàn gần nhỏ Hà. Ăn xong, tôi được các bạn đưa đi vòng quanh bàn chụp hình với từng người. Khi đến chỗ thầy Xê, tôi ngồi xuống cạnh thầy vì trong suốt buổi tiệc tôi thấy thầy rất ít nói nên sợ thầy buồn.

        - Đồ ăn ở đây có khá không thầy?
        - Rất ngon và rất vui. Thầy vừa cười vừa trả lời rất cởi mở.
        - Mấy lần trước Thùy về không được gặp thầy.
        - Mấy lần trước có đứa nào báo với thầy đâu. Thầy nghiêm mặt nói.
        - Vậy hả thầy? Từ nay nếu Thùy về sẽ nhờ bạn bè báo với thầy đầu tiên. Tôi giỡn cho thầy vui.


        Thế mà đã gần hai năm kề từ lần cuối cùng tôi gặp thầy ở Việ Nam. Mới đây nghe bạn bè báo thầy nằm bịnh viện Phạm Ngọc Thạch vì bị ung thư phổi, tôi cố không tin đó là sự thật. Đời người sao mong manh đến thế.

        Tôi bây giờ ngoài việc gia đình chồng con, việc làm, còn "vác" thêm cáí "ngà voi hội trưởng" của Hội Aí Hữu HV.

        Khi tin thầy Xê bịnh nặng được đưa lên diễn đàn của Hội, các thầy cô và bạn bè đều như tôi, bi sốc mạnh. Hiểu hoàn cảnh của thầy Xê, tôi mở lời kêu gọi các hội viên đóng góp giúp đỡ thầy. Lời kêu gọi của tôi được đa số các thầy cô và hoc sinh HV hải ngoại cũng như trong nước hưởng ứng rầt sôi nổi..Các thầy cô và học sinh ở Mỷ, Canada, Úc, Đức, Pháp, Việt Nam đều tham gia đóng góp. Tôi thật sư cảm động vì lần đâù tiên tôi được thấy những tấm lòng cuả các thầy cô đối với đồng nghiệp, bạn bè cũ cùa mình. Dù có nhiều thầy cô đã nghỉ hưu không được dư giả cho lắm nhưng vẫn nhín chút ít giúp đỡ đồng nghiệp không may mắn. Thầy Thành ở Canada, thầy Hổ ở Đức , thầy Miên, thầy Khải, thầy Sum, thầy Quế, thầy Phong ở Mỹ tham gia đóng góp sôi nổi. Cô Liên ở Mỹ dù hiên giờ vẫn còn phải đi làm nhưng cũng tham gia rất nhiệt tình. Các cô Phương Châm, cô Bắc Hà, cô Tiếp, cô Mây ở Cali cũng tình nguyện đóng góp rất sốt sắng. Thầy Chánh, Thầy Lai ở Việt Nam...Đặc biệt là thầy Tiếu xung phong đóng góp đầu tiên mở đàng. Cảm động nhất là thầy Hổ đã kể chuyên vơí các ni sư bạn của thầy về trường hợp của thầy Xê. Các ni sư dù không phải là "dân HV" vẫn tình nguyện đóng góp giúp đỡ. Tôi muốn khóc khi nhìn các thầy cô của mình tham gia công việc của Hội sôi nổi làm gương như thế. Nhiều lúc dù phải đương đầu với những khó khăn, thử thách trong việc điều hành Hôị, tôi nghĩ đến các thầy cô là tôi lại cố vui để tiếp tục công việc của mình.

        Các học trò cũng chẳng chiụ kém thầy cô. Học trò HV từ khắp nơi trên thế giới tùy theo khả năng của mình mà dự phần giúp đỡ thầy giáo cũ đau ốm. Cái danh sách đóng góp dài thoòng trong Thư Viên HV đã làm tôi càng tin rằng sự có mặt của cái Hội Aí Hữu này là không vô nghĩa

        Nhờ tiền đóng góp, thầy Xê đã đưọc vào hóa trị và các bạn Việt Nam đã thay nhau chăm sóc thầy để những ngày còn lại thầy không đơn chiếc. Tôi ở xa quá nên đâu có trực tiếp thăm hỏi thầy được. Thỉnh thoảng tôi gọi phone nói chuyện với thầy hoặc hỏi thăm thầy qua nhỏ Hà, hoặc qua những emails của các bạn Việt Nam gởi lên diễn đàn báo tình hình sức khỏe của Thầy.

        Từ ngày thầy Xê bi ốm tôi muốn tìm hiểu thêm về căn bịnh ung thư.
        Ung thư là bịnh mà khi tế bào của cơ thể phát triển không có trật tự với tốc độ nhanh. Chúng lan khắp nơi và lấn áp những tế bào bình thường rồi gây ra những biến chứng cho cơ thể, làm giảm thiểu sức đề kháng của cơ thể. Một người khi mắc bịnh ung thư chẳng khác nào vừa bị số phận "tuyên án tử hình". Điều này làm tôi càng thương thầy Xê vì một mình phải vượt qua những ngày đau đớn còn lại.
        Hóa trị bên Canada gọi là chemotherapy là một phương pháp đưa vào cơ thể người bệnh chất cytotoxic (cell killing) để tiêu diệt những tế bào ung thư hoặc làm cho chúng mất tác dụng phát triển ở bất cứ bộ phận nào trong cơ thể con người. Bệnh nhân nếu hợp thuốc có thể kéo dài sư sống khi khoa học vẫn chưa tìm ra cách chinh phục ung thư. Chemo cũng làm teo đi các khối u ung thư và làm người bệnh bớt đau đớn do những khối u này gây ra. Người tiếp nhận chemo cần có sức khỏe vì ngoài việc tiêu diệt tế bào ung thư, chemo cũng gây ra một số tác hại. Thấy Xê thể chất yếu nên việc vào hoá trị cũng phải cẩn thận hơn nhưng dù sao còn nước còn tát...

        Mùa hè năm nay trời mưa thường xuyên lại ít nắng nên tôi không làm vườn được nhiều. Hôm qua ra vườn thấy có một số cỏ dại mọc lấn át cả đám "grass" xanh non. Trong đám cỏ dại có môt loài lan rất nhanh, rễ của nó ăn sâu vào lòng đất rất khó nhổ bỏ. Loại cỏ dại này mọc đến đâu là "grass" chết đến đấy. Tôi bất chợt nghĩ chúng thật sự là "tế bào ung thư" của cỏ, cần phải bứng sạch không thôi "backyard" của nhà tôi sẽ tiêu.Tôi đi lấy "đồ nghề" làm vườn và cả buổi chiều ngồi hì hục nhổ cỏ dại...vừa nhổ vừa nghĩ đến thầy Xê và Hội HV.

        Hoàng hôn dần buông. Một ngày nữa lại sắp đi qua....

        mimosa
        (07/2009)
        <bài viết được chỉnh sửa lúc 28.09.2009 00:56:53 bởi dathaotrang >
        #4
          Chuyển nhanh đến:

          Thống kê hiện tại

          Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
          Kiểu:
          2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9