Bàn về cái dâm và cái tục trong thơ Hồ Xuân Hương
nguyễn thế duyên 08.09.2009 18:51:24 (permalink)
 
       Bàn về cái dâm và cái tục trong thơ
                   Hồ Xuân Hương
Tôi có thấy trong diễn đàn topic “ Theo gót Hồ xuân hương” của bạn Phương hà Phương. Quá vui mừng tôi đã vào đọc topíc này vì tôi là một người đặc biệt yêu thích bà. Buồn thay khi đọc xong trang ấy tôi lại thấy buồn. Hóa ra một nữ thi sĩ đứng hàng thứ hai của việt nam chỉ sau có mỗi cụ Nguyễn Du lại không phải ai cũng hiểu bà. Mà đã không hiểu bà thì làm sao có thể theo chân bà được? Thậm chí đọc topic ấy mà hiểu Hồ xuân Hương như thế thì đã làm méo mó hình ảnh của bà. Đấy chính là nguyên nhân tôi viết bài này.
  Tôi không có ý định phê phán bạn Phương Hà Phương và những bạn đã tham gia vào topic ấy. Quyền viêt như thế nào là quyền tự do của các bạn. Ở bài viết này tôi chỉ muốn nêu lên những tinh hoa của thơ bà để mọi người hiểu bà hơn và nếu có định theo phong cách của bà thì phải theo cho đúng để tên tuổi của bà mãi mãi không bị hoen ố. Còn nếu không thì đừng nên để dòng chữ “Theo gót Hồ xuân Hương”  để làm cho những người yêu mến bà phẫn nộ.
Nói đến Hồ Xuân Hương là người ta nói đến cái “ Dâm” và cái “Tục” trong thơ của bà . Đúng vậy. Những câu như
                         Chành ra ba góc da còn thiếu
                          Khép lại đôi bên thịt vẫn thừa
Hay                   
                         Một lỗ sâu sâu mấy cũng vừa
Hoặc
                         Khi dang thẳng cánh bù khi cúi
                         Chiến đứng không thôi lại chiến ngồi
Có dâm không? Có tục không?
  Rất dâm và rất tục nhưng cái dâm và cái tục ở đây bà dùng nó như một thứ vũ khí để tát vào mặt bọn quan lại thống trị, bọn vua chúa , bọn trí thức nghênh ngáo nhưng đã bị tha hóa về mặt đạo đức. Cái “ Chành ra ba góc da còn thiếu” ấy mà làm mát mặt những  “Anh hùng”  để” che đầu quân tử” Thì thật chẳng có cái tát nào đau hơn. Nhưng cái tài của bà là ở chỗ : Bị tát đau thì đau thật nhưng không nói được. Hiểu thì hiểu là “ Cái ấy” nhưng nó lại là cái quạt. Phải là người có con mắt sắc sảo, có đầu óc tinh tế mới nhận được ra những cái giống nhau của hai cái rất khác nhau ấy Tôi đoan chắc với các bạn rằng đến tận ngày nay không phải ai cũng nói chắc được cái phần “Khép lại đôi bên thịt vẫn thừa “ Trong câu thơ là phần nào của cái quạt và phần nào của “Cái ấy” đâu. Và còn điều này nữa không hiểu các bạn có nhận ra không ? Trong cái quạt chỉ có hai thứ đó là nan quạt và giấy bồi và giấy bồi lúc thì bà gọi nó là da “ Chành ra ba góc da còn thiếu” Lúc thì bà lại bảo nó là thịt “ Khép lại đôi bên thịt vẫn thừa” Chắc rằng ở “Cái ấy” Có một thứ nhìn thì tưởng là thịt nhưng “ Chành ra” Mới biết đó là da. Không biết có đúng không? Các bạn nữ hoặc các bạn nam đã có vợ kiểm tra lại hộ xem. Tôi chưa có vợ nên đoán mò như thế (Đọc đến đây các bạn đừng cho là tôi điêu nhất việt nam thư quán nhé. Nếu có điêu thì cũng chỉ điêu thứ nhì thôi vì thứ nhất đã có người nhận mất rồi). Các bạn thấy chưa muốn học theo bà đâu phải dễ cần phải sắc sảo và tinh tế lắm.
Là một người phụ nữ mà đường  tình duyên không mấy thuận lợi lại sống trong một xã hội phong kiến, không thừa nhận tự do yêu đương và người đàn bà nhiều khi bị coi  là một thứ đồ chơi bà đã đồng cảm với khát vọng được thương yêu, được hạnh phúc của những người phụ nữ. Những lúc như thế . cái dâm và cái tục của bà đổi khác. Chúng ta thử đọc bài “ Đánh đu “ của bà
                                Bốn cọc khen ai khéo khéo trồng
                                Người thì lên đánh kẻ ngồi trông
                                Trai du gối hạc khôm khom cật
                                Gái uốn lưng ong ngửa ngửa lòng
                                Bốn mảnh quần hồng bay phấp phới
                                Hai hàng chân ngọc duỗi song song
                                Chơi xuân đã biết xuân chăng tá?
                                Cọc nhổ đi rồi lỗ bỏ không
Bài thơ phảng phất, Chỉ phảng phất thôi cảnh sinh hoạt vợ chồng và bà đã ca ngợi nó bằng những hình ảnh bay bổng,     
                                Bốn mảnh quần hồng bay phấp phới
                                Đôi hàng chân ngọc duỗi song song
Không có một chút dâm, không có một chút tục nào ở đây .Bà ngợi ca nó bằng tất cả những khao khát được ái ân , được thỏa mãn mà người đàn bà mong muốn. Đọc câu “Gái uốn lưng ong ngửa ngửa lòng” của bà ta cảm nhận được sự thỏa mãn, cảm nhận được  khát vọng yêu đương toát lên trong câu thơ. Cả bài thơ như một bức tranh trong sáng và đẹp đẽ. Nếu ai đó còn muốn nói đến cái tục trong câu “Trai du gối hạc khom khom cật”  của bài thơ thì cũng đành phải nói rằng đây là bức ảnh Nude nhưng là Nude nghệ thuật. Nhưng câu kết của bài thơ lại đột nhiên lắng xuống
                                Cọc nhổ đi rồi lỗ bỏ không
Xa xót quá cho thân phận người đàn bà trong chế độ cũ. Một sự đồng cảm? Không ! hơn thế nữa. Một tiếng thở dài chắt ra từ chính cuộc đời bà. Đọc thơ HỒ xuân Hương chúng ta bắt gặp không ít những sự đồng cảm như thế
                              Nhắn nhủ ai về thương đấy với
                              Thịt da ai cũng thế mà thôi
Một cô gái yếu ớt muốn chống lại cả một xã hội hủ bại. Một người đàn bà muốn đứng lên đòi lại cho mình, cho giới của mình quyền được khao khát. Quyền được yêu đương, quyền được thỏa mãn. Người đàn bà ấy đã dùng đến một thứ thuốc nổ, đó là cái dâm và cái tục để muốn phá bỏ đi cái trật tự xã hội cũ. Cái dâm và cái tục của bà trở thành một thứ vũ khí,một phương tiện để chiến đấu cho một mục đích chứ không phải là cái dâm, cái tục thô thiển mà các bạn trong topic “Theo gót Hồ Xuân Hương” đã nghĩ
Văn hóa phương đông của chúng ta cố tránh nói đến hai từ tình dục. Chinh những vị  được goi là “Hiền nhân” “Quân tử” sau khi đã thỏa thuê với năm thê bẩy thiếp,những vua chúa với ba trăm cung nữ, sáu trăm cung tần sau khi đã no xôi chán chè thì lại mặc bố quần áo đạo đức “ Eo ơi Kinh quá. Ai lại nói đến cái ấy” và bà đã vạch mặt bọn đạo đức giả ấy
                                    Chúa dấu vua yêu một cái này
                              Hay
                                    hiền nhân quan tử ai mà chẳng
                                   Mỏi gối chồn chân vẫn muốn trèo
Muốn nói gì thì nói tình dục đóng một vai tò cực kì quan trọng ( Nếu như không muốn nói là nhất) trong hôn nhân và trong cuộc sống. Bà là người duy nhất nói thẳng điều đó và ca ngợi nó, Chúng ta đọc lại bài “ Chơi đền Khán xuân”
                                     Êm ái chiều xuân đến khán đài
                                     Lâng lâng chẳng bợn chút trần ai
                                     Ba hồi chiêu mộ xuân gầm sóng
                                     Một vũng tang thương nước lộn trời
                                     Bể ái nghìn trùng khôn tát cạn
                                     Nguồn ân muôn trượng dễ khơi vơi
                                     Nào nào cực lạc là đâu tá
                                     Cực lạc là đây chín rõ mười
“Ba hồi chiêu mộ xuân gầm sóng” Ba từ” xuân gầm sóng” đã ai diễn tả được cái đam mê, Cái mãnh liệt, Cái khát khao trào dâng được như thế chưa kể cả các nhà thơ hiện đại ngày nay? Chưa ai cả. Bà là người duy nhất dám nói đến những khát khao trần tục của con người
“Một vũng tang thương nước lộn trời” Có một thứ bé lắm chỉ là một cái vũng nhỏ thôi nhưng có thể làm đảo lộn cả đất trời. Câu thơ có tính khái quát quá sâu sắc . Nó đúng cho từng cá nhân chúng ta nhưng cũng đúng cho cả một xã hội. Đọc hai câu này tôi lại nhớ đến câu “
                   Nhất tiếu khung nhân thành
                  Tái tiếu khunh nhân quốc
Của nhà thơ Đường xưa. Kể thì đó là một câu thơ hay nhưng còn lâu lắm câu thơ ấy mới sánh được hai câu của bà.
Tôi dẫn bài thơ này ra để các bạn có thể đẽ dàng nhận thấy đặc điểm  cái “Dâm” và cái ‘Tục” trong thơ của bà. Khi bà dùng cái dâm và cái tục để làm vũ khí thì bà tả “Cái ấy”  rất rõ, rất sắc nét ai cũng nhận ra rồi mang” Cái ấy” chùm vào mặt một  kẻ nào đó
“Chành ra ba góc da còn thiếu                       Mát mặt anh hùng khi tắt gió
                                                 ----------à
Khép lại đôi bên thịt vẫn thừa                         Che đầu quân tử lúc sa mưa
 
          Hoặc
 
Cửa son đỏ loét tùm hum nóc                          Hiền nhân quân tử ai mà chẳng
                                                      à
Hòn đá xanh rì lún phún rêu                              Mỏi gối chồn chân vẫn cố trèo
 
Còn khi bà dùng cái dâm và cái tục để ca ngợi tình dục, tình yêu thì bà không bao giờ tả “Cái ấy”. Nếu có nói đến những bộ phận trên thân thể người đàn bà thì bà lại tả nó một cách ẩn dụ đầy nên thơ và lãng mạn. và bà khẳng định
                                         Nào nào cực lạc là đâu tá?
                                         Cực lạc là đây chín rõ mười
Với ý thức mà chúng ta tạm gọi là “Dùng cái dâm và cái tục “ để ca ngợi người phụ nữ, ca ngợi tình yêu và tình dục vô tình bà đã vẽ được một bức tranh khỏa thân  đẹp nhất và có thể nói là duy nhất trong văn thơ cổ điển việt nam . Chắc có bạn sẽ phản đối tôi và dẫn ra câu
                                         Rõ ràng trong ngọc trắng ngà
                                     Dầy dày đúc sẵn một tòa thiên thai
Của cụ Nguyễn Du trong truyện kiều. Nhưng theo tôi đây chưa phải là một bức tranh khỏa thân. Cụ nguyễn du vẽ Kiều  qua chiếc rèm mỏng của buồng tắm Trong bài “ Vịnh thiếu nữ ngủ ngày” thân thể người phụ nữ được bà tả bằng những hình ảnh đầy diễm lệ
                   Đôi gò bồng đảo sương còn ngậm
                   Một lạch đào nguyên suối chửa thông
Hãy  đặt “Một lạch đào nguyên suối chửa thông”  Bên cạnh “Cửa son đỏ loét tùm hum nóc” bạn sẽ nhận ra có hai Hồ xuân Hưông trong một thân hình. Một Hồ xuân Hương đấu tranh  và một Hồ xuân Hương của ái tình
Nhưng dù bất cứ là Hồ xuânHương nào thì trong thơ của bà cũng “  Tục mà không tục. Dâm mà không dâm, trong tục có thanh và trong thanh có tục”. Đấy là một nghệ thuật đã đưa bà lên vị trí nhất nhì trong các nhà thơ việt nam.
Tôi rất băn khoăn khi đặt bà dưới cụ Nguyễn du bởi vì kể ra Hồ xuân Hương đoạt nhiều cái nhất hơn cụ Nguyễn Du
Thứ nhất—Bà là người duy nhất với phong cách dùng cái dâm và tục để viết về cuộc đời thì trước bà không có ai và sau bà cũng không có ai (Tất nhiên những bạn đang học theo bà thì không kể). Bà là người duy nhất. Còn với cụ Nguyễn du thì khác, cái cơ bản để tạo nên văn phong của Nguyễn du là lời thơ đẹp đến mức mỹ lệ. Dùng cảnh tả tình, Hình ảnh chọn lọcV…v…Nhưng có một điều Nguyễn Du không phải là duy nhất. Có một truyện nôm khuyết danh, truyện Hoa tiên. Lời thơ cũng cực đẹp phảng phất như truyện kiều đến nỗi người ta còn cho rằng Nguyễn du học ở Hoa tiên và viết nên truyện kiều. Điều đó đúng hay không thì ở đây ta không bàn đến. Nhưng có một điều khẳng định : “về Phong cách viết thì Nguyễn du không phải là duy nhất”. Không phải tìm kiếm đâu xa đọc chinh phụ ngâm của Đoàn thị điểm ta thấy thơ bà cũng đẹp chẳng thua truyện kiều là mấy
Thứ hai—Về ngôn ngữ thơ: Thơ nguyễn du đẹp , mỹ lệ nhưng ông không tạo ra được một ngôn ngữ của riêng mình. Từ ông dùng vẫn là những từ thông thường mà ta vẫn dùng . Nhưng với Hồ xuân hương thì khác Phải nói rằng bà là người duy nhất sáng tạo ra những từ ngữ mà từ trước đến nay không ai dùng. Những từ này vô cùng độc đáo và thú vị
                   Đêm khuya tỏm cắc một đôi hồi
Từ tỏm cắc không phải là tuyệt bút nữa mà phải gọi là thần bút Hay  câu “Thân này đâu đã chịu già tom” Chữ “già tom” Hoặc từ “Khéo khéo phòm” trong câu “Bày đặt kìa ai khéo khéo phòm” trong bài động Hương tích” V….V..
Những từ như thế là rất mới lạ đã nâng tiếng việt lên thêm một nấc thang mới
Thứ ba—Về tính nhân văn –Đồng cảm với người đàn bà thì có rất nhiều nhà văn, nhà thơ mà không cần nói thì các bạn cũng đã biết. Nhưng xây dựng nên hình tượng  người đàn bà mà bóng của nó trùm lên trên bóng của những người đàn ông thì bà là người duy nhất.
                             Thân này ví đổi làm trai đưộc
                              Sự nghiệp anh hùng há bấy nhiêu?
           Hay
                        Cái tội trăm năm chàng chịu cả
                        Mảnh tình một khối thiếp xin mang
Hình ảnh người đàn ông, đấng mày râu, trở thành vô cùng thảm hại khi bà hạ bút viết một câu
                       Bố cu lỏm ngỏm bò trên bụng
Và điểm cuối cùng dám nói lên khát vọng luyến ái. Đề cập đến vấn đề tình dục như một nhu cầu, một khát vọng của con người thì bà cũng là người duy nhất và bà đã đi trước  thế hệ của bà hàng vài trăm năm
Ở bài này tôi chỉ hạn chế trong vấn đề cái dâm và cái tục trong thơ Hồ Xuân Hương thôi vì về bà còn nhiều điều đáng nói lắm.
Nói đến hồ xuân Hương là người ta nói ngay đến cái dâm, cái tục nhưng xin các bạn nhớ cho rằng những bài như bài cái quạt trong thơ hồ xuân Hương ít lắm chỉ có khoảng dăm bảy bài thôi nên giá trị của thơ bà không chỉ nằm trong cái dâm , cái tục đâu mà sao các bạn chỉ học theo bà  cái dâm cái tục ây?. Học theo hồ xuân Hương là học theo những tinh hoa của bà. Cái dâm, cái tục chỉ là một phần rất nhỏ ( Và cũng chỉ là cái vỏ để chở bao nhiêu Đạo bên trong các bạn ạ)
 
                                                                 Hà nội 8—9--2009
#1
    nguyễn thế duyên 30.10.2009 00:30:52 (permalink)
      

         Một chút về Nguyễn Bính
     
                   Bài viết này viết để riêng tặng một người thích thơ Nguyễn Bính
     
    Tôi không hiểu vì sao mà trong cuốn “Thi nhân Việt nam” Hoài Thanh lại xếp vị trí của Nguyễn Bính quá ư khiêm tốn, gần cuối quyển sách. Và lời giới thiệu về ông cũng quá ư  sơ sài? Có lẽ tại khi Hoài thanh viết cuốn này là lúc phong trào thơ mới đang dâng cao như những đợt sóngdữ dội của một cơn bão biển. Nó cuốn phăng đi tất cả những gì gọi là xưa cũ như thơ Đường , thể văn biền ngẫu và cả cái hồn quê chân chất. những câu ca dao mộc mạc thấm đẫm tình người chăng?
    Giữa thời buổi văn học trì trệ , im ắng, đọc ở đâu cũng chỉ thấy những bài thơ Đường cũ nát, sáo rỗng với một lớp trí thức đang hình thành nhỏ bé và cô đơn thì những câu thơ như “Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào người” hay
                                       Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối
                                       Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan
    Chẳng khác gì tiếng nổ của những trái bộc phá. Nó phá tan đi những gì xưa cũ trong tiếng reo hò của một tầng lớp tiểu tư sản thành thị mới hình thành đang muốn tự khẳng định vị trí của mình trong xã hội thì cái tiếng thầm thì đầy gợi cảm của Nguyễn Bính bị chìm lấp đi cũng chẳng có gì là khó hiểu. Chẳng thế mà Hoài Thanh đã phải viết
    “Dầu sao, những tính tình, tư tưởng ta hấp thụ ở học đường cám dỗ ta, những cái phiền phức của cuộc đời mới lôicuốn ta, nên ở mỗi chúng ta cái người nhà quê kia vốn khiêm tốn và hiền lành ít có dịp xuất đầu lộ diện. Đến nỗi có lúc ta tưởng chàng đã chết rồi”
    Nhưng rồi thời gian trôi đi, cái xưa cũ đã bị phá hết, những tiếng bộc phá vang trời không còn nữa, con người căng người ra đánh vật với sự mưu sinh, đầu óc quay cuồng với bao nhiêu tính toán, lo nghĩ. Đêm về, nằm vật xuống chiếc giường nhắm mắt lại cố giành cho mình một chút yên tĩnh để thư giãn thì từ đâu đó trong tiềm thức một tiếng thơ thì thầmnhư một dòng suối nhỏ trong mát róc rách tuôn chảy trong hồn
                              Nhà anh có một giàn trầu
                        Nhà em có một rặng cau Liên phòng
                              Thôn đoài thì nhớ thôn đông
                       Cau Liên phòng nhớ trầu không thôn nào
    Đấy mới chính là lúc thơ Nguyễn Bính lên tiếng. Hóa ra cái anh chàng nhà quê trong mỗi chúng ta mà có lúc Hoài Thanh đã tưởng rằng đã chết chưa bao giờ chết cả và chẳng bao giờ chết vì anh ta là hiện thân của tâm hồn Việt trong mỗi một người Việt chúng ta. Đừng bao giờ nghĩ  từ “Nhà quê” là bao hàm của cây đa, giếng nước, một cánh đồng lặng cánh cò bay bởi vì nếu nghĩ như thế thì rồi sẽ đến lúc tâm hồn Việt trong mỗi chúng ta sẽ chết. Sẽ đến lúc cây đa không còn nữa, giếng nước không còn nữa ,dậu mồng tơi sẽ được thay thế bằng những bức tường.. Hãy nghĩ đến hai từ “Nhà quê” với người đàn bà một nắng hai sương chung thủy chờ chồng mà hóa thành tượng đá. Hãy gắn từ nhà quê với một anh chàng hiền lành chăm chỉ  mà tâm hồn bao la, bát ngát như những cánh đồng. Cái hồn Việt lạ lắm, kì diệu lắm mà trong chúng ta, những người Việt, không phải ai cũng nhận ra. Tuy không nhận ra, nhưng thẳm sâu trong tâm thức mỗi người nó vẫn sống cho dù thực tế cuộc đời có thay đổi đến thế nào đi nữa.
    Và Nguyễn Bính là người đã nhận ra, đã chỉ cho chúng ta thấy thế nào là hồn Việt
                                    Hồn em như hoa cỏ may
                               Một chiều cả gió bám đầy áo anh
    Cả bài thơ có đúng hai câu. Nếu thoáng đọc ta chẳng thấy gì cả. Nhưng hãy lắng lại vài phút và suy nghĩ. Một cô gái được ví với một loài hoa cỏ không hương , không sắc, bình thường ta không hề để ý đến nàng. Thậm chí có thể ta không có khái niệm nàng có tồn tại ở trên đời. Nhưng rồi có một ngày ta gặp hoạn nạn, một buổi chiều cả gió, ta bỗng nhận ra rằng ta đã được sống trong tình yêu thắm thiết mà nhẹ nhàng, mãnh liệt mà kín đáo của nàng. Hồn Việt đấy! Gái Việt đấy!
    Ai cũng bảo thơ Nguyễn Bính thấm đẫm chất ca dao, tôi không cho là như vậy. Nếu có chăng thì thơ nguyễn Bính chỉ khoác một cái áo của ca dao mà thôi. Trong thơ ông hình ảnh làng quê bến nước, con đò, thôn đoài, thôn đông luôn luôn hiện lên khiến người ta lầm tưởng. Cũng có thể cái giọng thơ trong sáng, mượt mà khiến người đọc nhiều khi tưởng nhầm rằng mình đang đọc một câu ca dao. Không phải thế! Thơ Nguyễn Bính là thơ đích thực.Thơ nguyễn Bính vừa sâu lắng, vừa tinh tế. Nằm sâu bên trong những hình ảnh cây đa bến nước là những khám phá của nguyễn Bính về tâm hồn việt nam.
                                Láng giềng đã đỏ đèn đâu
                          Chờ em chừng giập miếng trầu em sang
                                Đôi ta cùng ở một làng
                          Cùng đi một ngõ vội vàng chi anh
    Cô gái trách chàng trai sao vội vàng vậy? Nhưng chính cô, cô còn vội vàng hơn. Các cụ ngày xưa thường nói “Vừa giập miếng trầu mà đã…” ý nói đến sự nhanh chóng thế mà cô gái của chúng ta “Chừng” giập miếng trầu. Phải hiểu chữ “Chừng” ấy như thế nào đây? Có thể miếng trầu chưa kịp giập mà cũng có thể miếng trầu đã giập lâu rồi. Nhà thơ không nói, cô gái không nói nhưng tất cả chúng ta đều hiểu. Với cô, thời gian để giập miếng trầu là đã quá lâu rồi. Thế mà cô vẫn bảo với chàng trai “Vội vàng chi anh”. Cái hồn Việt trong cô gái việt là thế đấy. Mãnh liệt mà tinh tế. Nó còn tinh tế hơn, kín đáo hơn khi chúng ta đọc tiếp hai câu dưới
                                Em nghe họ nói mong manh
                          Hình như họ biết chúng mình với nhau
    “Với nhau” Thật là tuyệt bút. Không phải là “Yêu nhau”, “Thương nhau” mà là “ Với nhau” nhẹ nhàng, kín đáo và tinh tế. Tôi cứ nghĩ rằng mặc dù cô gái đã nói tránh đi rồi nhưng mặt cô gái vẫn cứ đỏ hồng lên e thẹn. Cái từ “Với nhau” của thi nhân đã cho ta cái cảm giác đó
    Có nhiều người nghĩ,tình yêu mà đã kín đáo, nhẹ nhàng, sâu lắng thì làm sao tình yêu ấy có thể mãnh liệt được? Mà tình yêu đã mất đi sự mãnh liệt thì đâu còn là tình yêu. Không phải thế đâu. Tình yêu của cô gái Việt mãnh liệt lắm, nó mãnh liệt đến mức cô gái luôn luôn cảm thấy tình yêu của mình trở nên mong manh rất dễ đổ vỡ  và cô sợ, cô lo lắng cho tình yêu của mình
                             Ai làm gió cả đắt cau
                        Mấy hôm sương muối để trầu đổ non?
    Một cơn gió nổi, một đêm sương sa, những lời thì thầm bàn tán của láng giềng cũng làm cô gái sợ. Đừng nghĩ theo cái lối nghĩ của người hiện đại chúng ta hiện nay “Cô gái không có niềm tin vào tình yêu” và cũng đừng nghĩ theo lối yêu bất cần đời mà tôi cũng không rõ đấy là tình yêu hay tình dục của đám thanh niên choai choai hiện nay vẫn yêu.
    Hãy nghĩ đến nông thôn Việt nam của tám mươi năm về trước khi mà những cô gái không thể tự quyết định được số phận của chính mình thì mới thấy được ngọn lửa tình trong cô gái mãnh liệt đến nhường nào.
    Cả một bài thơ chỉ có tám câu mà nói cho ta biết được cái hồn Việt trong những cô gái việt. Không có một bài ca dao nào làm được thế mặc dù đọc lên ta vẫn thấy phảng phất một phong vị của ca dao và làng quê việt nam cũng phảng phất hiện lên với cây cau giàn trầu với vần thơ lục bát thân thuộc.
    Không phải ai cũng cảm nhận được bài thơ như tôi đã trình bày với các bạn. Nhưng dù không cảm nhận được bài thơ sâu như thế thì người đọc vẫn bị bài thơ cuốn hút và người ta thuộc nó. Đấy chính là cái tài của Nguyễn Bính. Thuộc thơ ông có đủ các lớp người từ anh lái xe ôm đến những vị giáo sư khả kính. Hoài thanh đã sai khi nhận định về Nguyễn Bính. Nếu là tôi, tôi sẽ kính cẩn đặt ông lên trang đầu của cuốn thi nhân Việt nam vì tôi đoan chắc với các bạn rằng “ Ở Việt nam chỉ có ba nhà thơ mà thơ của họ được hầu hết các tầng lớp dân chúng đều thuộc đó là Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương và Nguyễn Bính” .Bản thân tôi cũng vào loại đọc nhiều nhưng tôi cũng phải xấu hổ để thú nhận với các bạn rằng tôi không thuộc toàn bộ bài thơ nào của các tác giả thơ mới . Tôi có thể thuộc những câu thơ hay của họ nhưng cả bài thì không. Với Nguyễn bính thì khác, tôi thuộc toàn bộ rất nhiều bài thơ của ông.
    Tôi chỉ dùng hai bài thơ ít được chú ý nhất mà không dùng bất cứ một bài thơ nào nổi tiếng của ông khi viết về ông là với dụng ý rằng “ Với Nguyễn Bính, còn nhiều điều chúng ta phải suy ngẫm”
     Thơ của Nguyễn Bính cứ thầm lặng loang đi trong dân gian, nó tan vào trong lòng người và kết tinh ở đấy như một minh chứng mạnh mẽ về sự trường tồn của tâmhồn Việt
                                                            Hà nội  12-8-2009


    < Sửa đổi bởi: nguyễn thế duyên -- 12.8.2009 12:33:45 >
     
     
    #2
      Ct.Ly 30.10.2009 19:21:52 (permalink)
      #3
        nguyễn thế duyên 01.12.2009 23:21:21 (permalink)
               Một đôi điều về bài thơ Mộ (Chiều)
                             Của cụ Hồ chi Minh
        Tôi đã đọc thắc mắc của bạn Hương tình yêu và ý kiến của một vài bạn xung quanh bài thơ này. Tôi cũng đã
         đọc một vài bài bình về bài thơ này . Những bài bình ấy làm tôi không thỏa mãn. Nó có vẻ hơi khiên cưỡng
         khi người viết cố áp đặt cho nó những điều vốn nó không có ( có thể là vì một lí do tế nhị nào đó) Vì vậy tôi
         mạnh dạn viết bài này
                                            Quyện điểu qui lâm tầm thúc thụ
                                            Cô vân mạn mạn độ thiên không
                                            Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc
                                            Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng
        Điều đầu tiên phải nói rằng : Đây là một bài thơ hay, rất hay và độc đáo. Nó hay và độc đáo ở ngay trong
         hoàn cảnh sáng tác bài thơ . Những bài thơ tả cảnh như thế này các thi nhân đều làm trong những lúc trà
        dư ,tửu hậu, nhàn nhã còn cụ Hồ chí minh làm nó trong lúc bị giải đi tù. Trong hoàn cảnh đó, phải là một
         người rất lạc quan, rất tin vào lí tưởng của mình, rất tin vào sự chiến thắng của con đường mình đã lựa
         chọn thì cụ mới có thể ung dung ngắm nhìn phong cảnh, cảm hứng viết thơ như một người đang du ngoạn
         Phong thái đó chỉ có thể tìm thấy trong những vĩ nhân. Nếu không hiểu điều này bài thơ bị mất một nửa
         giá trị
        Quyện điểu phi lâm tầm thúc thụ
        Quy lâm mạn mạn độ thiên không
        Hai câu đầu đẫm chất đường thi. Hai câu tả cảnh và là hai câu thực . Chim mỏi cánh rồi đi tìm chỗ để ngủ. Trên trời,những đám mây cô độc đang chầm chậm trôi về rừng. Chỉ với hai câu một cảnh chiều bình yên ở một miền rừng núi vắng vẻ đã được nhà thơ vẽ nên một cách sinh động. năm từ “mạn mạn độ thiên không” thật là tuyệt bút. “Mạn mạn”có nghĩa là chậm chạp, từ “Độ” có nghĩa từ từ . Đọc cả câu “Mạn mạn độ thiên không”người đọc có cảm giác thời gian như ngưng đọng lại. Nhịp thơ kéo dài triền miên tạo nên được một cảm giác vắng vẻ u buồn của một miền sơn cước
           Nhưng nếu chỉ như vậy thôi thì đó chưa phải là Hồ chí Minh mà ta mong đợi . Vì tất cả các nhà thơ đường đều làm được điều này. Ta thử đọc một vài câu thực của những bài thơ đường nổi tiếng để thấy được điều đó
                                                        Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên
                                                        Giang phong ngư hỏa đối sầu miên
        Hay như
                                                     Cốc khẩu sơn tàn hoàng điểu hi
                                                     Tân di hoa tận hạnh hoa phi
        Ta sẽ thấy tất cả các nhà thơ đường đều có thể chỉ bằng hai câu thơ mà vẽ nên một bức tranh rất sinh động. Vậy đâu là sự khác biệt của một bậc vĩ nhân, của một danh nhân văn hóa thế giới?
        Điều đó nằm trong hai câu kết của bài thơ. Đối với các nhà thơ xưa,cái tôi của thi nhân bao giờ cũng là trung tâm của bài thơ. Muốn nói trời nói đất gì thì nói thì cuối cùng câu kết bao giờ cũng nhằm nói đến tâm trạng, một ước vọngcủa chính tác giả. Cái  “Tôi”của người viết trùm lên toàn bộ bài thơ. Ta thử đọc một vài câu kết của những bài thơ nổi tiếng để thấy được điều này
                              Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu (tôi say nằm lăn ở sa trường anh đừng cười)
                              Cổ lai chinh chiến thử nhân hồi      ( vì xưa nay đánh trận mấy ai trở về)
                    Hay
                            Thi liên u trúc sơn song hạ  ( Thương mấy cây trúc lặng lẽ trước song)
                            Bất cải thanh âm đãi ngã quy (Không thay màu chờ ta về)
        Nhưng trong bài mộ này thì khác. Cái “Tôi” của người viết đã biến mất mà thay vào đó là một cô thôn nữ và chính cô đã trở thành trung tâm của bài thơ
                                   Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc
                                  Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng
        Giữa cảnh chiều vắng vẻ, u buồn hình bóng một cô gái hiện lên làm không khí thay đổi hẳn. Thời gian như ngưng đọng của hai câu thực bắt đầu chuyển động. Nếu hai câu thực “Tĩnh”bao nhiêu thì hai câu kết lại “ Động” bấy nhiêu.Đặt hai câu động cạnh hai câu tĩnh, bản thân sự sắp xếp này đã chứng tỏ bút lực dồi dào của người viết. Chúng tôn nhau lên làm cả hai đều rực rỡ
        Tôi xin tự nhận tôi là người đọc không nhiều. nhất là cổ thi  nhưng những bài cổ thi nổi tiếng tôi đều đã đọc và tôi chưa đọc được một bài thơ tả cảnh nào lấy con người làm trung tâm của bài thơ cả. (Tôi xin giới hạn điều này ở thơ tả cảnh vì những bài thơ cổ tố cáo chế độ , thương sót người nghèo như bài bần nữ của Tần thao Ngọc hay bài Thạch hào lại của Đỗ Phủ thì lại khác. Nhưng kể cả những bài đó hình ảnh con người cũng không phải là trung tâm của bài thơ mà phải nói chính xác là số phận con người mới là trung tâm của bài thơ)
        Đây là bài thơ tả cảnh nếu không nói là duy nhất thì cũng là cực kì hiếm hoi đã lấy hình ảnh con người làm trung tâm của bài thơ và đấy,theo tôi,chính là sự khác biệt giữa một danh nhân văn hóa với những nhà thơ khác. Việc bao túc ma hoàn (xay ngô xong) với việc “Lô dĩ hồng” (lò than hồng) là hai việc độc lập với nhau chẳng hề có một chút quan hệ gì thế nhưng chính cô gái, chính con người, đã làm cho những thứ rời rạc ấy đã có mối liên kết với nhau. Người đọc như có cảm giác rằng chính vì cô gái xay ngô xong nên lò than mới rực hồng
          Chắc có bạn sẽ hỏi tôi rằng : Vậy anh nói thế nào về  Bà huyện thanh quan? Tôi xin thưa rằng trong thơ của bà huyện thanh quan hình bóng con người cũng luôn xuất hiện như câu
                                          Lom khom dưới núi tiều vài chú
                                          Lác đác bên sông rợ mấy nhà
                              Hay
                                          Gác mái ngư ông về viễn phố
                                          Gõ sừng mục tử lại cô thôn
        Nhưng hình ảnh con người ở đây chỉ là những nét chấm phá của một bức tranh tả cảnh chứ nó không phải là hình ảnh trung tâm của bài thơ. Trung tâm bài thơ vẫn là nỗi lòng của người viết là cái “ Ta với ta “của bà
        Tôi nhớ rằng Hồ chí Minh chưa bao giờ nói nghệ thuật vị nhân sinh. Nhưng qua bài thơ này , cụ đã thể hiện rõ quan điểm sáng tác của mình
        Chúng ta hãy đọc lại câu cuối của bài thơ
                                           Bao túc ma hoàn – lô dĩ hồng
        Câu thơ bị ngắt làm đôi. Nhịp thơ nhanh khác hẳn với nhịp thơ của hai câu thực càng làm cho người đọc có cảm giác “ động” của câu kết. Tiếng Hồng ở cuối bài thơ làm không gian bừng sáng. Giữa khung cảnh sâm sẩm tối một miền rừng núi hoang vắng, hình ảnh bếp lửa hồng rực rỡ gieo vào lòng người đọc một cảm giác tươi sáng ở phía trước. Một số nhà phê bình văn học thường ví bếp lửa hồng như một niềm tin,vào lí tưởng hay những gì khác nữa tôi cho rằng như thế quá khiên cưỡng, có vẻ chính trị hóa văn học. Nó chỉ làm cho bài thơ mất đi vẻ đẹp đích thực của nó
        Nếu hai câu thực là một bức tranh mầu xám thì hai câu kết là một bức tranh mầu hồng. Đặt hai bức tranh cạnh nhau và giữa hai bức tranh ấy là hình bóng một cô gái. Cụ đúng là một thiên tài. Có phải cụ muốn nói :Con người, Chỉ có con người mới làm nên sự thay đổi kì diệu này?
         
         
         



        Bài viết đã đăng: 8
        Gia nhập ngày: 16.11.2008
        Hiện trạng: offline Tôi rất thích bài bình trên của Nguyễn Thế Duyên.Phải nói là anh có ngòi bút bình luận rất hay,hấp dẫn và thuyết phục người đọc.Chân thành cảm ơn anh!



        Bài viết đã đăng: 3
        Gia nhập ngày: 12.7.2008
        Đến từ: Mui Hao Vong
        Hiện trạng: offline Nhờ xem bài bình của Nguyễn Thế Duyên mà mình biết đến bài thơ này của cụ Hồ, thơ đã hay, người bình càng làm tôn vinh cái đẹp của bài thơ lên. Lời bàn xác đáng, dẫn chứng thuyết phục, lập luận chắc chắn, tâm hồn nhiệt thành. Đó là những gì mình cảm nhận được qua bài bình luận của Nguyễn huynh. Một bài thơ đẹp và một cảm nhận đẹp.

        _____________________________

        Diễm diễm tuỳ ba thiên vạn lý
        Hà xứ xuân giang vô nguyệt minh ?




         

        Bài viết đã đăng: 2
        Gia nhập ngày: 28.4.2009
        Hiện trạng: offline Phải thừa nhận bài bình luận thật hay, cảm ơn tác giả.Tôi nhớ thầy tôi từng nói nếu đặt Ngục trung nhật kí cạnh những bài thơ Đường đặc sắc ngày trước sẽ có rất nhiều nét tương đồng.Quả không sai.


        showPicture("5/6/2009 3:27:32 AM",0,0,0,400470,242) Thanh Công
        titleAndStar(68,0,false,false,"","")Bạn Thân


         

        Bài viết đã đăng: 68
        Gia nhập ngày: 7.3.2008
        Hiện trạng: offline
        MỘ
                Mộ (chiều tối) là bài thơ tiêu biểu của NKTT, thuộc mảng thơ viết về những lần người tù HCM bị giải đi trên đường. Bài thơ không chỉ cho ta biết về cảnh ngộ đau khổ của HCM trong những ngày bị giam cầm mà còn cho ta hiểu rõ đời sống nội tâm phong phú cùng những phẩm chất đẹp đẽ của Người. Bài thơ có sự hoà quyện giữa vẻ đẹp cổ điển và vẻ đẹp hiện đại.
                Bài thơ mở đầu bằng những hình ảnh rất thực về cảnh núi rừng nơi sơn cước:   

                              Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ
                              Chòm Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không      
                              (Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ 
                              Cô Cô vân mạn mạn độ thiên không)   
                Bằng hình ảnh những cánh chim mỏi mệt bay tìm về tổ, câu mở đầu đã giới thiệu được rất cụ thể về khoảng thời gian mà tên bài thơ đã báo hiệu: trời sắp tối, ánh sáng ban ngày gần tắt hẳn, những hoạt động ngừng lại, cần tìm chốn nghỉ ngơi. 
                 Câu thứ hai (Thừa), tiếp tục làm nổi bật không khí đặc trưng của buổi chiều muộn nơi xóm núi bằng việc vẽ ra dáng di chuyển chậm chạp của một chòm mây lẻ loi. Bản dịch bỏ mất chữ “cô” (cô đơn) và chữ “mạn mạn” (chầm chậm) nên phần nào chưa diễn đạt hết ý câu thơ Cô vân mạn mạn độ thiên không. Chính sự tuân thủ những đòi hỏi ngặt nghèo của thể loại như trên đã cho ta thấy phần nào sự già dặn trong nghệ thuật làm thơ của Bác và màu sắc cổ điển của tác phẩm.            
                Đi vào kho tàng thơ ca truyền thống Trung Quốc và Việt Nam, ta từng bắt gặp rất nhiều bài nói tới hình ảnh cánh chim chiều và chòm mây cô độc: 
                                 Chúng điểu cao phi tận
                                 Cô vân độc khứ nhàn
                                 (Chim bầy vút bay hết
                                 Mây lẻ đi một mình)
                                       (Độc tọa Kính Đình sơn - Lý Bạch)
                                 Chim hôm thoi thót về rừng
                                                   (Truyện Kiều - Nguyễn Du)
                                 Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi
                                       (Chiều hôm nhớ nhà - Bà huyện Thanh Quan) 
                  Tuy nhiên, việc đưa ra những hình ảnh thơ trên không nhằm dẫn đến kết luận đơn giản rằng hình ảnh thơ trong bài Chiều tối của Bác chỉ mang tính ước lệ, khuôn sáo mà giúp chúng ta thấy màu sắc cổ điển đã hòa quyện với chất hiện đại trong thơ Người. Cái hay của các câu thơ này có lẽ thể hiện ở chỗ: chúng phảng phất hồn xưa mà vẫn không hoàn toàn giống xưa, vẫn thấm đẫm ý vị cuộc sống đời thường.
                 Dù hai câu đầu tả cảnh có thần tình bao nhiêu thì ý nghĩa của chúng vẫn không bị giới hạn ở đó. Đằng sau các nét tả, ta đọc thấy cả một bầu tâm trạng. Chính bầu tâm trạng này đã chi phối sự miêu tả, khiến cho cảnh vật hiện lên mang đậm màu sắc chủ quan. Vẻ uể oải của cánh chim và vẻ lữ hành đơn độc của chòm mây phản ánh rất sâu sắc cảm giác mỏi mệt và cô đơn của chính Bác sau một ngày lê bước dặm trường, là niềm mong mỏi có được chỗ dừng chân qua đêm trên vùng núi xa lạ.
                 Theo một góc nhìn khác, ta có thể thấy ở đây tình cảm nồng đượm của Bác đối với thiên nhiên. Bác đã không để cho cảnh ngộ đau khổ trói buộc cảm xúc của mình. Hồn thơ của Bác vẫn thoát ra, rung động với thiên nhiên vùng sơn cước lúc chiều buông - một thiên nhiên bình dị, đượm chút hiu hắt dễ khơi lên những cảm nhận u buồn về thân phận lưu đày nhưng không phải không chứa đựng những nét đẹp đáng nhớ. 
             
                                 Cô em xóm núi xay ngô tối
                                 Xay hết, lò than đã rực hồng  
                                (Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc 
                                Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng)                                                   
                 Hai câu cuối của bài thơ nói về một cảnh sinh hoạt rất gần gũi: một cô gái xóm núi xay ngô và nhóm lên bếp lửa hồng lúc bóng đêm lan toả. Đối với thi sĩ nào khác, hình ảnh này chưa chắc đã nên thơ nhưng đối với Bác, nó đã đưa lại những cảm xúc đậm đà. Điều này chứng tỏ hồn thơ của Bác rất gắn bó với cuộc sống, đặc biệt là cuộc sống ngưòi lao động.  
                 Với sự xuất hiện của hình ảnh cô gái trong câu 3, con người đã trở thành tâm điểm của bức tranh. Những quan sát về mặt đất đã dần thay thế cho những quan sát hướng lên bầu trời. Trình tự quan sát đó có tính chất tự nhiên vì khi chút ánh ngày nhợt nhạt còn sót lại trên bầu trời vừa tắt thì con mắt người ta phải hướng nhìn về nơi có ánh lửa. Nhưng nếu xét sâu vào cấu trúc bên trong của bài thơ, ta phải thừa nhận rằng đây chính là một sự di chuyển điểm nhìn rất đặc trưng cho phong cách thơ HCM - một thứ thơ ưu tiên trước hết cho việc thể hiện mọi buồn vui trong cuộc sống con người.  
                 Hình tượng thơ HCM nói chung ít khi đứng bất động, im lìm. Việc lặp lại cụm từ ma bao túc theo trật tự đảo ngược trong hai câu thơ liền kề nhau có tác dụng mô tả rất xác thực động tác xay ngô đều đặn, nhẫn nại, kiên trì của cô gái hay là vòng quay tuần hoàn chậm chạp của cối xay. Nhưng điều đáng nói hơn cả là đọc hai câu thơ ta không chỉ thấy đối tượng miêu tả (cô gái) mà còn thấy đôi mắt Bác đang dõi theo công việc lao động của cô với biết bao đồng cảm và trìu mến. Đặc biệt, lòng Bác như reo vui trước lò lửa đỏ rực mà cô gái nhóm lên lúc ngô đã xay xong. Nếu liên hệ, đối chiếu cảm giác hân hoan toát lên ở cuối bài với cảm giác hiu quạnh bàng bạc ở nửa đầu bài thơ, chúng ta có thể khẳng định chính cảnh sinh hoạt bình dị cùng bếp lửa chiều hôm đã đưa lại cho Bác niềm an ủi đồng thời đã thức dậy trong lòng Bác niềm mong mỏi về một không khí gia đình ấm cúng, về một nơi cư ngụ bình yên giữa cuộc đời gian khó. Ở đây, Bác tự bộc lộ mình là một con người của đời sống thực, không có gì cách biệt với đồng loại chung quanh.                     
                  Nhìn trên nét lớn, âm điệu bài thơ có sự chuyển biến từ buồn sang vui và màu sắc của bức tranh được vẽ ra cũng có sự chuyển biến từ ảm đạm sang tươi sáng. Tất cả những sự chuyển biến này trước hết cho thấy sự nhạy cảm khác thường của Bác với muôn sắc thái đa dạng của cuộc sống. Mọi niềm vui nỗi buồn của nó đều in dấu trong tim Bác và để lại niềm rung động trong thơ Bác. Mặt khác, những chuyển biến đó chứng tỏ cái nhìn lạc quan của Bác về chiều hướng phát triển của sự vật. Bài thơ đã không kết thúc bằng hình ảnh bóng tối mà bằng hình ảnh lò lửa đỏ. Chính cái ánh sáng của lò lửa nhỏ bé này từ chỗ sưởi ấm tâm hồn Bác lúc bị lưu đày đã có tác dụng nhóm lên trong lòng người đọc niềm tin bền bỉ vào cuộc sống.
                 Trong bài thơ Chiều tối, HCM đã vận dụng rất thành công nghệ thuật điểm nhãn (vẽ mắt) - một nghệ thuật khá cao siêu mà phải những người lão luyện trong nghề thơ mới làm được. Chữ hồng ở cuối bài chính là nhãn tự của tác phẩm. Sự xuất hiện của nó một mặt có ý nghĩa mô tả gián tiếp cái bóng tối đang lan nhanh đến xóm núi (dùng chữ nói về ánh sáng để diễn tả bóng tối, chữ tối trong bản dịch là của dịch giả thêm vào), mặt khác nó giữ vai trò tạo nên chút kịch tính cho tác phẩm (cả bài thơ 28 chữ thì đã có đến 27 chữ diễn tả sự mệt mỏi và những hoạt động nặng nhọc, chỉ chữ hồng như muốn “chọi” lại tất cả và sự thực đã làm được điều đó). Tuy nhiên, cũng cần phải thấy rằng trong trường hợp này, cái tài dùng chữ dù đáng khâm phục bao nhiêu cũng chưa sánh được với niềm yêu cuộc sống và bản chất lạc quan của chính con người Hồ Chí Minh. Nếu không có những điều sau, sự xuất hiện của chữ hồng chưa chắc đã gây được ấn tượng đột ngột và mạnh mẽ đến như vậy.    
             Đọc Chiều tối, chúng ta có dịp bâng khuâng sống lại với không khí của những buổi chiều từng được gợi lên trong nhiều bài thơ cổ điển. Tuy nhiên, sức lay động mạnh mẽ của bài thơ lại chính ở chỗ nó đã cho ta hiểu được những nỗi niềm chân thực, rất nhân bản của Hồ Chí Minh-một con người vĩ đại mà hết sức gần gũi với chúng ta.
                  Bài thơ thể hiện đầy đủ bản chất thi sĩ của Bác lại vừa có một dáng nét gân guốc riêng bộc lộ rõ sự vận động trong tư tưởng của một nhà cách mạng rất mực gắn bó với sinh hoạt bình dị thường ngày và luôn giữ được niềm tin vào cuộc sống.
                                                                     (Huy Dũng-Thanh Công)
         


        < Sửa đổi bởi: Thanh Công -- 6.5.2009 9:36:40 >


        _____________________________

        <bài viết được chỉnh sửa lúc 01.12.2009 23:24:56 bởi nguyễn thế duyên >
        #4
          Chuyển nhanh đến:

          Thống kê hiện tại

          Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
          Kiểu:
          2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9