THIẾU NỮ và NAI TƠ
phuonghaphuong 09.09.2009 00:58:05 (permalink)
0
:::::::::::::

THIẾU NỮ và NAI TƠ

Trời trong nắng lạ tỏ nguồn thơ
Thiếu nữ vẩn vơ thả bướm chờ
Mơn mởn đua cành hoa thắm khóm
Xum xuê chen gốc lá xanh bờ

Đào tiên lấp ló chùm đơm kín
Suối nước nhấp nhô vách phủ mờ
Thiếu nữ nhởn nhơ miền hạnh lạc
Nai tơ ngơ ngác ngước tôn thờ


Nương Nương Phương Hà Phương
<bài viết được chỉnh sửa lúc 09.09.2009 02:37:06 bởi phuonghaphuong >
#1
    TRANGMUATHU 24.08.2010 23:47:08 (permalink)
    0
    Họa thơ lục bát, đôi điều tản mạn
     
    Từ xưa, xướng và họa thơ đã là một thú chơi thanh nhã dành cho tao nhân, mặc khách. Khi xem hoa nở, khi chờ trăng lên, khi ngao du sơn thủy, khi đối ẩm với tri âm… Gặp một bài thơ hay, cũng như một bản nhạc, sẽ đánh thức trong ta niềm vui và nỗi buồn, những cảm xúc tưởng chừng quên lãng lại đâm chồi, nảy lộc trong ta, khiến tâm hồn ta rung lên tiếng tơ lòng đồng điệu, đó là họa thơ.
    Trước kia, các bậc túc nho thường chỉ họa thơ thất ngôn bát cú và thơ tứ tuyệt. Gần đây, cùng với sự phát triển mạnh mẽ, rộng khắp của thi ca và mạng internet, thú chơi thơ, họa thơ cũng theo đó mà phát triển, là nhịp cầu nối giữa các bạn thơ. Thời bây giờ, những bài thơ Đường luật với những niêm luật chặt chẽ dường như không còn phù hợp và phổ biến nữa. Nhịp sống hiện đại với những cảm xúc mãnh liệt khi dồn nén, khi bay bổng thích hợp với các thể thơ khác hơn. Tất cả các thể thơ đều có thể họa được. Ở bài viết nhỏ này, tôi chỉ muốn nói riêng về họa thơ lục bát.
    Trước đây chỉ thể loại thơ Đường thất ngôn tứ tuyệt mới được xem là tứ tuyệt chính thống, tuy vậy theo thời gian, cho đến nay thì tất cả những bài thơ có 4 câu mà không phải là thể loại ngắt dòng tự do đều được đa phần mọi người gọi là tứ tuyệt. Riêng về thể thơ lục bát, hiện cũng có những ý kiến cho rằng: không nên xem 4 dòng lục bát là một bài tứ tuyệt, bởi một câu lục bát vốn phải là hợp thành của hai câu 6 và 8. Về điều này, tôi xin phép không được bàn tới vì nó thuộc phạm trù chuyên sâu của các nhà nghiên cứu văn chương và ngôn ngữ. Và trong bài viết này cũng vẫn xin được gọi thơ lục bát 4 dòng là tứ tuyệt theo như số đông.
    Cũng như sonnet, Haiku, thơ tứ tuyệt là thể thơ rất khó viết. Với lượng chữ hạn chế, mà phải gói ghém trong đó đủ ý, đủ tình, lại còn phải nâng lên một tầm khái khát, mang chất thơ nữa thì không phải tác giả nào cũng làm được. Trong thơ lục bát, tôi thấy có một số bài tứ tuyệt rất hay sau đây:

    SÔNG LẤP
    Sông xưa rày đã nên đồng
    Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai
    Vẳng nghe tiếng ếch bên tai
    Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò
    (Trần Tế Xương)
    HOA THÁNG BA
    Tháng ba nở trắng hoa xoan
    Sáng ra mặt đất lan tràn mùi hương
    Không em anh chẳng qua vườn
    Sợ mùi hương… sợ mùi hương… nhắc mình.
    (Chế Lan Viên)
    CHĂN TRÂU ĐỐT LỬA
    Chăn trâu đốt lửa trên đồng
    Rạ rơm thì ít, gió đông thì nhiều
    Mải mê đuổi một con diều
    Củ khoai nướng để cả chiều thành tro.
    (Đồng Đức Bốn)
    Ngày đi học, giờ Tập làm văn, có loại đề như sau: “Em hãy dùng những từ x…, y…, z…, vv… để viết thành một bài văn hoàn chỉnh”. Với cùng những từ đó, trò giỏi chỉ bằng một bài văn ngắn đã đưa được tất cả các từ đã cho vào trong một mạch văn xuyên suốt. Trò kém trí tưởng tượng thì lúng túng, cần đến một bài văn dài gấp hai, ba lần mới đưa hết được những từ đã cho vào. Đoạn văn do đó kém súc tích, dĩ nhiên sẽ nhận điểm kém hơn.
    Họa thơ cũng gần như vậy. Với những chữ cho trước của bài xướng, người họa phải viết thành một bài mới. Bài hoạ là bài theo được các chữ cuối của bài xướng, còn ý có thể theo mấy hướng: họa cùng ý, họa ngược ý, hoặc ý đi theo những chủ đề hoàn toàn khác với bài xướng.
    Nhiều khi, đọc một bài thơ hay, hoặc gặp một tứ thơ hay, đưa lại cảm hứng ta cũng có thể viết thành bài. Bài mới này gần như không liên quan đến bài trước, có thể đi theo mạch viết khác hẳn, chỉ còn lại một chút dấu vết của ý thơ. Đây thường là những bài hay, nhưng không được coi là bài họa. Và người ta có thể chua thêm: “Bài này lấy cảm hứng từ…”
    Dù họa theo cách nào, người họa cũng phải thổi được hồn thơ vào, phải đóng được dấu ấn riêng của mình vào bài họa và bám sát chủ đề đã chọn. Chữ là của người xướng đưa ra, nhưng bài họa lại là của mình, mang tâm tư, tình cảm của mình. Khi ấy, bài họa mới có thể đứng như một bài độc lập và hoàn chỉnh. Nếu chỉ chú trọng theo đúng vần mà coi nhẹ ý, bài đó chỉ dừng lại ở mức độ như một bài thơ chế, thơ nhại. Họa thơ do đó chẳng dễ chút nào.
    Một câu thơ lục bát bao gồm câu sáu và câu tám, có ba vần. Chữ đầu của câu 6 và chữ đầu của câu 8 gọi là vần “đầu”. Chữ thứ sáu của câu 8 gọi là vần “lưng”. Chữ cuối của câu 6 và chữ cuối của câu 8 gọi là vần “chân”. Khi họa thơ lục bát, mọi người thường họa theo vần “lưng” và vần “chân” của tất cả các câu trong bài. Ví dụ:
    Bài xướng
    PHẢI ĐÂU
    Phải đâu được ở bên nhau
    Là xoa dịu được nỗi đau riêng mình!
    Phải đâu thỏa một chút tình
    Băn khoăn tự hỏi: Phải mình thực không?
    (Nguyễn Thị Kim Ngân)
    Bài hoạ
    TRÒ ĐỜI
    Trăm năm người vẫn phụ nhau
    Buồn cho nhân thế nỗi đau một mình
    Nào ai biết được duyên tình
    Trò đời dâu bể bực mình như không.
    (Nguyễn Minh Quang)

    Cầu kỳ hơn, có người họa cả vần đầu, vần chân và vần lưng. Họa như vậy tương đối khó và ý cũng không thoát được.Ví dụ:
    Bài xướng
    Nghe anh tìm nửa chi chi
    Vòng quanh trái đất, em đi tìm cùng
    Dắt nhau ta lội qua sông
    Ta trèo núi, vượt mênh mông biển hồ
    Hành trang nặng một túi thơ
    Một trời kỷ niệm, một bờ yêu thương
    Ước chi ở cuối con đường
    Tóc pha sương lại tựa nương vai gầy
    Chi chi thơm ngát đường say
    Dìu nhau qua cõi đời này...Người ơi...
    (Chử Thu Hằng)
    Bài hoạ
    Nghe rồi!... Em muốn chi chi
    Vòng sang anh đón Em đi… theo cùng?
    Dắt Em lội suối băng sông
    Ta cõng nhau nhé vượt mông mênh hồ
    Hành lý chỉ một nhành thơ
    Một nụ hôn đắm bến bờ Yêu Thương
    Ước ao dài suốt chặng đường
    Tóc xanh trở lại để nương tình gầy
    Chi chi hai đứa cùng say
    Dìu tình Anh hết đời này… Em ơi!...
    (Nguyễn Vĩnh Tuyền)
    Trang lucbat.com có mục Tứ tuyệt thi họa, mỗi tuần đưa ra một bài xướng, số bài họa gửi về khoảng một vài trăm bài. Công bằng mà nói, những bài tứ tuyệt xướng mà lucbat.com đưa ra, chất lượng cũng chưa thật đồng đều. Tuy vậy, sân chơi này đã được bạn thơ trong và ngoài nước hưởng ứng sôi nổi. Cá biệt, có tác giả gửi từ dăm chục tới hơn trăm bài họa cho một bài xướng. Sự nhiệt tình đó rất đáng trân trọng, nhưng vì các bài họa quá chú trọng hoạ theo bốn chữ cuối câu của bài xướng nên nhiều khi khiên cưỡng, gò ý, gò lời. Khi đưa ra bài xướng, ban biên tập và tác giả đã cân nhắc sao cho các chữ cuối câu không khó quá, không rơi vào các chữ “chết” mà phải tạo hướng “mở” cho các bài họa có chỗ tung hoành. Ví dụ: chữ xướng là “xanh”, chữ họa có thể là: trời xanh, biển xanh, cây xanh, ước mơ xanh, lá xanh, ngày xanh, chim xanh… Chữ xướng là “thơ”, chữ họa có thể là: tiếng thơ, bài thơ, ngây thơ, tuổi thơ, con thơ, làm thơ, đề thơ, Nàng thơ… Một bài Tứ tuyệt xướng, có được ba chữ “mở” như thế cũng đã là khá thuận lợi cho người họa rồi.
    Thường khi họa thơ tứ tuyệt, mọi người luôn cố gắng để bài họa của mình theo được 4 chữ cuối câu. Chính vì vậy mà câu chữ và ý tứ trong bài họa bị bó hẹp và đuối hơn so với bài xướng. Thật ra, ta không nhất thiết phải họa theo đủ bốn chữ cuối trong bài tứ tuyệt. Thơ Đường luật, vốn từ xưa đã có niêm luật chặt chẽ về xướng họa, trong một bài bát cú cũng chỉ yêu cầu họa theo 5 chữ cuối của các câu 1, 2, 4, 6, 8 trong tổng số 8 câu của bài, 3 câu còn lại thì có thể họa theo vần. Thơ thất ngôn tứ tuyệt cũng chỉ yêu cầu hoạ theo 3 chữ cuối của các câu 1, 2, 4 còn chữ cuối của câu thứ 3 chỉ cần tuân theo luật bằng - trắc.

    Nay ta họa thơ lục bát, cũng là vừa kế thừa, vừa sáng tạo, học theo cách họa thơ Đường. Vậy, theo tôi, cũng chỉ cần họa theo 3 chữ cuối (vần chân) trong bài tứ tuyệt là đã đạt yêu cầu. Cụ thể là bài họa lucbat tứ tuyệt phải họa theo chữ cuối của các câu 1, 2, 3. Chữ cuối của câu 4 có thể tự do, vì chữ này không phụ thuộc vào vần của các câu trên. Vả lại điểm nhấn của toàn bài thường dồn vào câu cuối. Nếu ta cho chữ cuối của câu kết được tự do, sẽ tạo điều kiện cho người hoạ có thể vận dụng linh hoạt tuỳ theo cảm hứng của mình để bài hoạ có thể thoát ý. Như vậy mới có thể đem lại những bài họa hay, có hồn.
    Còn các chữ thứ 6 của câu 8 (vần lưng) chỉ cần họa vần, không cần họa "chữ"
    Đôi khi, có những bài lục bát lại kết thúc ở câu “lục” với dụng ý riêng của tác giả. Tuy là câu cuối, nhưng chữ cuối của câu kết này vẫn phải theo vần của câu 8 trên nó, vì vậy câu kết này không được tự do, vẫn phải hoạ theo đúng chữ.
    Khi một bài thơ đem lại hứng thú muốn họa. Trước tiên ta nên nhìn lướt toàn bài, xem các chữ mà mình phải họa theo thường được dùng trong hoàn cảnh nào để xác định chủ đề bài ta sẽ viết. Chọn được chủ đề rồi, ta nên cẩn trọng trong việc sàng lọc câu chữ. Ngoài những chữ mà ta bắt buộc phải theo của bài xướng, không nên dùng lại những chữ bài xướng đã dùng. Cũng không nên vì quá chú trọng đến việc theo sát chữ của bài xướng mà viết ra những câu gượng ép hay vô nghĩa. Tiếp đó, phải thấy được những rung cảm thực sự của mình để có thể đem vào bài họa những nét tươi mới, tạo dấu ấn của riêng mình cho bài hoạ.
    Đây chỉ là đôi điều tản mạn và nhận xét về họa thơ lục bát mang tính chất cá nhân của người viết bài này. Vì vậy, nó chỉ là quan điểm một chiều, hoàn toàn không có sự áp đặt hay định hướng nào cả, chỉ xin đưa lên để trao đổi cùng mọi người và rất mong sẽ nhận được những ý kiến phản hồi đa chiều, hòng mang lại cho việc họa thơ lục bát có được một sự chỉn chu và thống nhất.

     

    3065 từ viết bởi: Chử Thu Hằng
     
    P/S: Kính gửi Ban Quản trị diễn đàn VN thư quán. TRANGMUATHU đã đăng kí thành viên lâu rồi mà hồi này bận quá, ko vào thăm diễn đàn thường xuyên, quên cả cách gửi bài. TRANGMUATHU muốn chia sẻ bài này với các độc giả của VN thư quán, không biết nên đặt ở đâu. Kính xin BQT giúp TRANGMUATHU nhé. Tên thật của TRANGMUATHU là Chử Thu Hằng, hiện là BTV của trang lucbat.com.
    Kính chúc BQT diễn đàn sức khoẻ, hạnh phúc và nhiều niềm vui.
    #2
      tieudien 25.08.2010 02:14:02 (permalink)
      0

      Trích đoạn: phuonghaphuong

      :::::::::::::

      THIẾU NỮ và NAI TƠ

      Trời trong nắng lạ tỏ nguồn thơ
      Thiếu nữ vẩn vơ thả bướm chờ
      Mơn mởn đua cành hoa thắm khóm
      Xum xuê chen gốc lá xanh bờ

      Đào tiên lấp ló chùm đơm kín
      Suối nước nhấp nhô vách phủ mờ
      Thiếu nữ nhởn nhơ miền hạnh lạc
      Nai tơ ngơ ngác ngước tôn thờ


      Nương Nương Phương Hà Phương


      mây trời thu đẹp một bầu thơ
      má hồng mơn mởn mải trông chờ
      tạo hoá một toà chưa mở lối
      suối tiên riêng mạch vẫn be bờ
      dòng biếc thuyền tình đâu tỏ bóng
      trời tây bóng ác đã xa mờ
      nhởn nhơ còn ở vườn hồng ấy
      nai tơ đâu, mau đến đó thờ
      ......
      hi hi hi....kính thăm nương nương vài câu nhá, nếu cho phép thì sẽ tôn thờ
      <bài viết được chỉnh sửa lúc 25.08.2010 02:16:16 bởi tieudien >
      #3
        nhabe 25.08.2010 02:17:41 (permalink)
        0
        chào Phuonghaphuong, Trangmuathu,

        thật ra nhabe không biết nhiều vế luật thơ cũng như luất để họa thơ... thấy người ta nói họa thì cũng nói theo...đọc bài viết của TMT mới biết là họa cũng có luật...thì ra nb chỉ lấy cảm hứng để làm thơ chứ không phải họa...cám ơn TMT đã phân tích cặn kẽ về hoạ thơ...
        #4
          phuonghaphuong 27.08.2010 01:08:54 (permalink)
          0
          Xin chào TRANGMUATHU,

          Cám ơn bạn đã ghé nhà với bài giới thiệu về thơ LỤC-BÁT

          Phương Hà Phương cũng rất thích thơ lục bát.

          Đây này, xin được "khoe" với chị:


          BÊN HỒ HOÀN KIẾM

          Bờ hồ đá lợp loanh quanh
          Lơ thơ liễu rũ trơ cành lao xao
          Gợi về dáng cũ năm nao
          Cỏ rì ngọn cỏ cây rào hàng cây

          Chiều về trước gió heo may
          Vắng đàn cá lượn đọng đầy niềm mơ
          Lung lay chiếc bóng đền thờ
          Quặn lòng phố cổ thời ngơ ngác tình

          Ngày xưa dẫu nghiệt đao binh
          Tháp vẫn nguyên hình đất chẳng đổi da
          Giờ đây nhớ thuở mặn mà
          Rêu hờn dỗi mọc trăng ngầm giận qua

          Bên hồ Hoàn Kiếm ngó ra
          Yêu rằng trơ trẽn xốn xang sự đời.


          Phương Hà Phương
          ________________
          <bài viết được chỉnh sửa lúc 27.08.2010 01:14:57 bởi phuonghaphuong >
          #5
            Chuyển nhanh đến:

            Thống kê hiện tại

            Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
            Kiểu:
            2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9