ẾCH NGỒI ĐÁY GIẾNG
lá chờ rơi 13.09.2009 10:58:36 (permalink)
ẾCH NGỒI ĐÁY GIẾNG

Trước những đỉnh núi Thái Sơn như các cụ Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, sự hiểu biết về thơ của phần lớn chúng ta như “ếch ngồi đáy giếng”, không thấy hết được phần tinh hoa của thơ họ.
Do đó nên đúng ra là không nên lạm bàn về mỗi tác giả : tâm tư, chủ ý của họ và nhất là tài năng của họ, mà do mình quy định thì thật là buồn cười.

Dù là cốt truyện phỏng theo một truyện tích của Tàu, nhưng cái tài mô tả của cụ Nguyễn Du là riêng của cụ, không ai phủ nhận được.

Bao nhiêu lần người ta đã nói lên sự khâm phục về tài tả tình, tả cảnh, tả tâm lý của cụ. Tôi chỉ nêu ra đây một chút xíu để làm bằng chứng : là sự tả nhân vật 3 chị em của Kiều :

Theo đúng nghệ thuật đi từ cái nhẹ đến cái nặng hơn, cụ bắt đầu với :

“Sanh con trai thứ rốt lòng
“Vương Quan là chữ nối dòng nho gia

để rồi tiếp theo với cái nặng hơn tí :

“Đầu lòng hai ả tố nga
“Thúy Kiều là chị em là Thúy Vân

Nhưng trên chỉ là lời kể chuyện, sự mô tả thực sự cái đẹp chung của hai chị em là :

“Mai cốt cách, tuyết tinh thần
“Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười

Nhưng sau khi tả chung, cụ lại bắt sang tả riêng :

“Vân xem trang trọng khác vời
“Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang
“Hoa cười ngọc thốt đoan trang
“Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da

Nghe tả Thúy Vân như vậy thì là quá đẹp rồi, lấy đâu lời lẽ để tả một Thúy Kiều càng đẹp hơn đây ? Nhưng với ngọn bút của cụ Nguyễn thì việc ấy không khó :

“Kiều càng sắc sảo mặn mà
“So bề tài sắc lại là phần hơn

Hai câu trên chỉ mới là lời tuyên bố, chưa phải là lời mô tả. Mô tả thực sự thì như sau :

“Làn thu thủy nét xuân sơn
“Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh
“Một, hai, nghiêng nước nghiêng thành
“Sắc đành đòi một tài đành họa hai
“Thông minh vốn sẵn tính trời
...... (thêm gần mươi câu nữa)

Tôi chỉ đưa ra một ví dụ nhỏ, các bạn tùy tiện tìm đọc lại sự mô tả từng nhân vật để thấy hết cái tài tình của cụ. Mỗi nhân vật của cụ đều mang nét đặc thù riêng : nào Mã Giám Sinh như thằng ma cô trọc phú, nào Kim Trọng nho nhã phong lưu đẹp trai, nào Hoạn Thư thâm hiểm mà rất khôn khéo, nào Từ Hải hiên ngang anh hùng...

Còn khi nói rằng lời lẽ cụ dùng là lời lẽ bình thường, còn lời lẽ của bà Hồ là lời lẽ sáng tạo mới mẻ để chê cụ, thì đó là một điều ngược ngạo. Vì cái hay trong nghệ thuật thơ, văn, là dùng những lời lẽ bình thường mà nói lên được những điều khó nói, để cho mọi người cùng hiểu được. Còn dùng những từ ngữ mới, do mình biến chế ra, chưa hẳn đã là hay.
Vả lại những từ ngữ đó nếu được mọi người hoan hô, bắt chước sử dụng theo một cách chính thức, thì đó mới thật là hay.
Hiện thì tôi chưa nghe ai nói rằng tôi nay đã già ‘tom’ rồi.

Tóm lại, dựa vào cốt chuyện mượn của cụ Nguyễn và những lời lẽ khác thường của bà Hồ để rồi đánh giá và sắp hạng hai người đó thì là một sự bạo phổi vô ý thức nên có nhiều sai lầm.

Còn nói về thơ bà Hồ mà chỉ thấy ‘Dâm’ và ‘Tục’ thì cái dụng ý là khen cũng hóa ra chê. Vì ‘Dâm’ hay ‘Tục’ đều có nghĩa xấu như nhau. Nếu nhìn thấy thơ của bà không ‘dâm thì tục’, hoặc không ‘tục thì dâm’, thì là chỉ nhìn thấy cái xấu, vì đàng nào cũng xấu cả.

Thông thường đề cập đến thơ của bà Hồ thì người ta cân nhắc hai cái khía cạnh ‘thanh’ và ‘tục’ như trong bài góp ý của bạn Hàn Phong.

Vì thơ bà Hồ luôn có nghĩa Thanh, mặc dù nó gợi ý Tục. Nghĩa thanh để bảo đảm cho câu thơ không hề dơ dáy. Ai hiểu tục thì đó là do cái ‘tâm tà’ của họ. Người đời ai cũng có cái ‘tâm tà’, che giấu sau cái mê hồn trận lễ nghĩa của giới thụ hưởng đặt ra. Bà Hồ đã một mình xông xáo trong cái mê hồn trận ấy, để cho mọi người thấy đâu là sự thật. Nhận định như vậy thì mới thấy rõ cái tài của bà Hồ. Khi bà tả cái quạt :

‘Phành ra ba góc da còn thiếu’

Thì đúng là cái quạt khi xoè ra có hình dáng ba góc, không ai phủ nhận được.
Còn phía trên có phủ giấy phía dưới lại không, giấy là vật mỏng, nên nói ví là ‘da’ thì quá đúng rồi.

‘Khép lại đôi bên thịt vẫn thừa’

Vẫn đúng là cái quạt, khi khép lại hai bên các cộng nang là giấy xếp lại nhiều lớp lòi ra, không còn là một tờ mỏng nữa, mà là một khối, nên nói ví là ‘thịt’ thì hoàn toàn là đúng.

Cái nghĩa thanh của câu thơ rõ ràng là như vậy. Nhưng lòng trần tục muốn đi xa hơn với ý nghĩ là phải có vợ mới có thể nhìn tận mắt xem ‘cái ấy’ là da hay thịt v.v. thì đó là do cái ‘tâm tà’ quá lớn, đã hoàn toàn rời bỏ cái nghĩa thanh của câu thơ.

Trong các thủ thuật làm cho thơ « hay », thi nhân thường ‘nhân cách hóa’ mọi vật vô tri hoặc những con vật nhỏ khiến chúng được nâng cấp lên gần gũi với con người :

Nắng chia nửa bãi chiều rồi – Huy Cận

Và : Sợi buồn con nhện giăng mau – Huy Cận

Nên hai câu thơ :

‘Phành ra ba góc da còn thiếu
‘Khép lại đôi bên thịt vẫn thừa

gồm 3 điểm hay :
1/ với chữ ‘da’ và ‘thịt’ thì đó là hình thức nhân cách hóa cái quạt.
2/ phành ra, khép lại, thiếu, thừa là dùng cách ‘đối nghịch’, thường được đánh giá là ‘hay’ hơn là cách đối cân xứng.
3/ vẫn mô tả rõ ràng cái quạt mà gợi được ý tục cho người có tâm tà.

Thơ của bà Hồ vẫn có những câu không tục mà vẫn hay :

‘Duyên Thiên chưa thấy nhô đầu dọc
‘Phận Liễu sao đà nẩy nét ngang

Duyên Thiên nghĩa là duyên trời, là nói về duyên phận người con gái. Chữ Thiên (chử Nho) nghĩa là ‘trời’ mà cái gạch giữa nhú lên khỏi nét ngang trên, thì hóa thành chữ Phu nghĩa là anh chồng. Cái gạch đó chưa nhô lên, ý muốn nói là cô gái chưa có chồng, chưa có được duyên trời.

chữ Liễu (chữ Nho nói ví là con gái) nếu thêm một gạch ngang thì sẽ trở thành chữ Tử là đứa con. Hai câu này nói là người con gái chưa chồng mà lại có con. Chữ nẩy nét ngang còn ngụ ý cái bụng phình ra. Chữ ‘nhô’ và chữ ‘nẩy’ cũng gợi được những hình dáng tục cho người có tâm tà.

Hai câu trên cũng gồm 3 điểm hay :
1/ chơi chữ như vừa giải thích
2/ đối nghịch dọc với ngang
3/ mô tả rõ ràng sự kiện không chồng mà chửa mà vẫn gợi được ý tục với các chữ ‘nhô’ và ‘nẩy’

Người ta xúm nhau trách thơ bà Hồ là gợi ý Tục, nhưng có những lời thơ « Tục » một cách trắng trợn hơn thơ của bà Hồ mà tôi chưa nghe ai phiền trách :

Tôi nhớ có đọc hai câu của ông Chiêu Hổ (rất tiếc hiện không còn tài liệu nêu dẫn làm chứng) :

‘Nay đã mần cha thằng xích tử
‘Rày thì đù mẹ cái hồng nhan

Xin hỏi ‘đù mẹ’ có nghĩa thanh nào chăng ? hay chỉ hoàn toàn là một chữ tục ?

Và của cụ Nguyễn Công Trứ :

Đ... m... nhân tình đã biết rồi
Nhạt như nước ốc bạc như vôi
Tiền tài hai chữ son khuyên ngược
Nhân nghĩa đôi đường nước chảy xuôi
Chân có chẹt rồi thì há miệng
Vòng chưa thoát khỏi đã cong đuôi
Dám xin các bác phen này nữa
Nếu xáo xin đừng nấu xáo voi.

(trang 581, VIỆT NAM THI VĂN GIẢNG LUẬN của Hà Như Chi)

Xin hỏi : Đ… m… có nghĩa thanh nào không ? hay chỉ là một chữ tục không cần viết đủ mà ai cũng đoán ra được ?

Thơ của bà Hồ không có chữ nào tục trắng trợn như thế cả. Ai muốn hiểu tục thì là do cái tâm tà đọc láy, còn thì bà viết xuôi với nghĩa rõ ràng :

‘Kìa cái diều ai nó lộn lèo

hoặc :

‘Thuyền từ cũng muốn về Tây Trúc
‘Trái gió cho nên phải lộn lèo.

‘Lèo’ là cái dây nhỏ có tác dụng điều khiển cánh buồm hoặc con diều. Nếu nó bị xoắn, bị lộn ngược thì hỏng việc.

Sư cụ tu hành mà còn phạm nữ giới thì sự mô tả của hai câu trên rất là khéo léo và chính xác khó gì hơn.

Những chữ mới mẻ của bà Hồ dùng thuộc loại tượng thanh, tượng hình (onomatopée), ngôn ngữ nào cũng có nên được phép viết ra sao cũng được miễn là làm cho người đọc hiểu được, đoán được cái ý tác giả muốn nói :

đỏ loét = chỉ cái màu sắc đỏ chói

tùm hum nóc = chỉ cái hình dáng cong cong, túm túm

phập phòm = nhại cái tiếng động

‘Chuông sầu chẳng đánh cớ sao ‘om’ - om = nhại tiếng ngân của chuông

Trở lại với cụ Nguyễn Du, cụ không cần chế ra chữ mới. Cụ chỉ dùng những từ ngữ thông thường mọi người đều biết, để mô tả một cách tài tình cái đẹp, cái hay, cái đặc tính, cái khéo léo của con người. Xin trích thêm :

(đoạn tả Kim Trọng)
‘Đề huề lưng túi gió trăng
‘Sau chân theo một vài thằng con con
‘Tuyết in sắc ngựa câu giòn
‘Cỏ pha màu áo nhuộm non da trời
‘Nẻo xa mới tỏ mặt người
‘Khách đà xuống ngựa tới nơi tự tình
‘Hài văn lần bước dặm xanh
‘Một vùng như thể cây quỳnh cành giao

(đoạn Hoạn Thư được tha nhờ đã khéo dùng lời lẽ phân trần)
‘Rằng tôi chút phận đàn bà
‘Ghen tuông thì cũng người ta thường tình
‘Nghĩ cho khi các viết kinh (các là cái gác)
‘Khi ra khỏi cửa dứt tình chẳng theo

Và nhất là đã nói lên được cái tâm lý xác thực của giới phụ nữ :

‘Lòng riêng riêng những kính yêu
‘Chồng chung chưa dễ ai chiều cho ai

….. Có thể nói ngay rằng tả cảnh, tả tình, cũng như kể chuyện, bao giờ tác giả cũng xử dụng một nét bút linh hoạt, sắc sảo …. (trang 342, VIỆT NAM THI VĂN GIẢNG LUẬN của Hà Như Chi)

Cái hay của cụ Nguyễn là thế đó. Và tài tình là cụ chỉ dùng những từ ngữ thông thường để mô tả mọi tình tiết khó khăn.

Tóm lại, cụ Nguyễn cũng như bà Hồ ví như ngọn núi Thái Sơn, còn chúng ta thì chỉ là những con “ếch ngồi đáy giếng”, khó thấy cho hết được cái hay của họ. Nên xin đừng lạm bàn điều nọ điều kia.

Nếu có nhu cầu cho ý kiến về tác phẩm của họ, thì nói phải thật rõ ràng đó chỉ là cái quan điểm của riêng mình, chỉ đơn thuần là một giả thuyết.
Nên tránh khẳng định, vũ đoán, gán cho tác giả nào đó là nghĩ như thế nọ thế kia, với những quan điểm rất dễ sai trật của chính mình.

Tình thật, chỉ là thấy sao nói vậy. Nếu có chút đụng chạm, xin quý bạn thứ lỗi. Và sẵn sàng nghe cao kiến.

Thân ái chào tất cả.

LCR
<bài viết được chỉnh sửa lúc 13.09.2009 11:25:35 bởi lá chờ rơi >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9