Tư tưởng Lão học - Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ
Sun Ming 15.09.2009 17:20:32 (permalink)
Nguồn: www.nhantu.net
 
TƯ TƯỞNG LÃO HỌC &
SỰ BẢN ĐỊA HOÁ TẠI VIỆT NAM
Nhân tử Nguyễn Văn Thọ


Xưa nay, có rất nhiều người thường cho rằng các đạo giáo Á Đông, các triết thuyết Á Đông hết sức là mơ hồ, huyền ảo. Khảo về các học thuyết Á Đông nhiều người cảm thấy như mình lạc vào một mê đồ trận, hay vào một khu rừng rậm giữa đêm tăm, không còn biết đầu đuôi, phương hướng ra sao. Cho nên muốn khảo sát các đạo giáo Đông phương, ta cần phải nắm vững ít nhiều tư tưởng then chốt của Tam Giáo...

1. Đầu tiên có Nhất Thể
Trước hết các đạo giáo Đông Phương đều xác tín rằng có một thực thể tuyệt đối, một Bản Thể duy nhất, uyên nguyên, vô hình vô ảnh, nhưng lại linh động, biến hóa vô cùng. Bản Thể ấy, Lão Giáo gọi là ĐẠO.
ĐẠO vì là Bản Thể của vũ trụ, tuyệt đối, vô biên tế nên không thể dùng danh hiệu để tuyên xưng, không thể dùng ngôn từ để mô tả.
Đạo có 2 thế: Thế tiềm ẩn, và thế hiển dương.
Trước khi sinh ra vũ trụ, Đạo ở thế tiềm ẩn. Sau khi sinh ra vũ trụ, Đạo ở thế hiển dương. Vũ trụ này xét về phương diện Bản Thể thì hư tĩnh, vi diệu; xét về phương diện hình tướng, thì có giới hạn, có hình danh, sắc tướng.
Muốn hiểu rõ vũ trụ, thì phải bao quát cả hai mặt:
― Bản thể (Diệu), Hằng.
― Hình tướng (Khiếu), Biến của nó.
Đạo gia gọi đó là Diệu Khiếu Tề Quan.
Các ý tưởng trên đã được Lão Tử nói lên nơi chương I, Đạo Đức Kinh:
Hóa Công hồ dễ đặt tên,
 Khuôn Thiêng hồ dễ mà đem luận bàn.
 Không tên, sáng tạo thế gian,
 Có tên, là mẹ muôn vàn thụ sinh.
 Tịch nhiên cho thấy uy linh,
 Hiển dương cho thấy công trình vân vi.
 Hai phương diện, một hóa nhi,
 Huyền linh khôn xiết, huyền vi khôn lường,
 Đó là Chúng diệu chi môn,
 Cửa thiêng phát xuất mọi nguồn huyền vi.
Đạo khi chưa sinh hóa ra vũ trụ còn được gọi là:
Hư, Hư Vô, Hồng Mông, Hỗn Độn, Hư Không, Đạo, Vô Cực v.v...Hư Vô, Hư Không không phải là Hư Ảo mà là Thực Thể Bất Khả Tư Nghị, vô biên tế của vũ trụ.
Vì thế, Lão Tử nói: Thiên Hạ vạn vật sinh ư Hữu, Hữu sinh ư Vô (ĐĐK, chương 41).
Trang Tử cũng nói: Đầu trước hết có Vô, không hiện hữu, không tên tuổi. (Trang Tử, Nam Hoa Kinh, Thiên Địa). Hai chữ Vô Cực được Lão Tử đề cập nơi chương 28, Đạo Đức Kinh.
Các danh từ Không, hay Hư Vô cũng được các Đạo Gia thường dùng. Sách Xướng Đạo Chân Ngôn viết: Vạn vật bắt đầu từ Không. Thái Cực là Không. Không sinh ra Nhất, Nhất sinh ra Vạn, Vạn trở về Không. Không là Thủy Tổ muôn loài. Học giả cần biết Chân Không, cần phân biệt Linh Không với Ngoan Không. [1]
Xướng Đạo Chân Ngôn còn gọi Hư Vô là Vô Cực, là Đơn, là Đạo, là Bản Thể của Trời Đất. Sách viết: «Đơn là Bản Thể của vạn vật. Đơn là Đạo, Đạo là Bản Thể của Hư Vô. Hư Vô không thể đặt tên, nên Thánh Nhân tạm gọi là Đạo. Hư sinh Nhất, Nhất sinh Vạn, Vạn hoàn Nhất, Nhất hoàn Hư.» [2]
Sách viết thêm: «Đạo gia gọi là Hư, Phật gia gọi là Không. Hư Không nghe biết, nhìn biết mọi sự... Cho nên khi một người suy nghĩ, người cùng nhà không hay biết, mà Hư Không vô lượng đã biết, đã hay...Vì thế Nho Gia thận độc, úy không (cẩn thận khi ở một mình, sợ cái Không).» [3]
Đạo sinh ra vũ trụ bằng sự hiển dương phóng phát, tức là bằng Đức[4] và cũng bằng sự phân liệt chia phôi.
Bản Thể ấy sinh xuất ra vũ trụ hiện tượng, hữu hình, hữu tướng này. Đó là thuyết THIÊN ĐỊA VẠN VẬT NHẤT THỂ.
 
2. Nhất Thể biến vạn thể
Bản thể duy nhất vô sinh, vô diệt, vô thủy vô chung ấy là căn nguyên sinh xuất ra vũ trụ hữu hình, hữu sinh, hữu diệt, hữu thủy, hữu chung này; nó mang muôn ngàn danh hiệu. Dưới đây chỉ đan cử ít nhiều danh hiệu để rọi sáng vào ít nhiều tính cách của Bản Thể uyên nguyên ấy.
 
3. Danh hiệu của Nhất Thể
Bản Thể ấy trước hết được gọi là NHẤT vì cũng như số Một sinh ra mọi con số khác, Bản Thể ấy cũng sinh mọi hiện tượng, mọi sinh linh.
Bản Thể ấy cũng còn được gọi là Trung, vì nó lồng trong mọi hiện tượng, mọi sinh linh, để làm Chân Tâm, làm Khu Nữu, làm Cốt Lõi, nâng đỡ giữ gìn vạn sự, vạn loài.
Trung này vừa vô định tại, vô phương sở, vì bao trùm vũ trụ, vì là bản thể vũ trụ; vừa hữu định tại, hữu phương sở, vì nằm trong lòng sâu muôn loài, muôn vật, từ tinh tú, nhật nguyệt, đến vi tử, vi trần. 
* Phật giáo gọi Bản Thể ấy là:
Tâm Địa vì sinh xuất vạn loài.
Bồ đề vì đó là sở đắc của chư Phật.
Pháp Giới vì dung nhiếp vạn tượng.
Niết Bàn vì tịch nhiên thường lạc.
Bất lậu vì không tì ố, bợn nhơ.
Chân Như vì vô vọng, bất biến.
Phật Tính vì siêu xuất thị phi
Viên giác vì phá sạch quần mê.
Như Lai vì hàm nhiếp vạn linh.
Mật nghiêm quốc vì siêu việt, huyền bí.
Bản Lai diện mục vì là bộ mặt thật của con người muôn thủa.
Kim Cương vì là Bản Thể bất diệt, trường tồn, vĩnh cửu nơi con người. 
* Lão giáo gọi Bản Thể đó là:
Đạo vì là đường đi, nước bước của nhân quần.
Tạo hóa chi nguyên vì là căn cơ sinh hóa.
Tiên thiên chủ nhân vì sẽ tạo dựng ra trời đất, vạn hữu,
Vạn tượng chủ tể vì sinh xuất mọi hiện tượng.
Huyền tẫn chi môn vì bao quát âm Dương (Huyền = Dương; Tẫn = âm).
Tổ Khiếu vì là nơi phát xuất muôn loài.
Cốc Thần vì ở sẵn ngay trong đầu não con người.
Chân Nhất Xứ vì Bản Thể ấy duy nhất.
Trung hoàng cung vì là Tâm điểm vạn hữu.
Mậu Kỷ môn vì là Tâm Điểm vạn hữu.
Chân Thoå vì là Tâm Điểm vạn hữu.
Huỳnh đình vì là Tâm Điểm vạn hữu.
Qui Trung vì là tâm điểm vạn hữu.
Ngưng kết chi sơû vì có Đắc Nhất thì luyện đơn mới thành.
Qui căn khiếu, Phục Mệnh quan vì đó là cùng đích muôn loài.
Huyền quan Khiếu vì là cửa sinh xuất muôn loài v.v...
* Khổng giáo gọi Bản Thể đó là:
Vô Cực. Thái Cực. Nhất. Trung
Và Dịch Kinh cũng chỉ triển khai mấy quan niệm đó... 
Nhất Thể đó khi thì được đạo Lão coi như là Vô Ngã và được hài danh bằng những danh từ như Đạo, Hư Vô, Hư, Vô, Vô Cực, Đơn, Tiên Thiên Nhất Khí, Thái Hòa Nguyên Khí, Hạo Thiên chi khí v. v... Lão Tử, Trang Tử theo chủ trương này.
Đó cũng chính là chủ trương của Phật, của các đại hiền triết Hy lạp cổ thời như Pythagoras, Héraclitus, Parmenides, Plato, Anaximander v. v...
Đó là quan niệm Nhất Nguyên Vô Ngã theo danh từ Triết Học ngày nay.
Cũng Nhất Thể ấy, khi thì được đạo Lão coi như là Hữu Ngã và được gọi là Thái Thượng Lão Quân, Nguyên Thủy Thiên Tôn, Ngọc Hoàng Thượng Đế.
Đó là Quan niệm Nhất Nguyên Hữu Ngã tương đương với quan niệm Đại Nhật Như Lai trong Phật Giáo, và Thượng Đế trong các đạo giáo.
Đạo Lão có khi còn dung thông 2 quan niệm trên làm một và gọi Bản Thể vũ trụ là Tiên Thiên Nhất Khí, Thái Thượng Lão Quân.
 
4. Tâm điểm và vòng tròn
Nó tượng trưng cho Nhất Thể vạn thù. Quan niệm Thiên Địa Vạn Vật Đồng Nhất Thể, Nhất thể tán vạn thù, vạn thù qui Nhất Thể còn được Dịch Kinh và các đạo gia, đạo sĩ xưa biểu hiệu tượng trưng bằng Tâm Điểm và Vòng Tròn.

Tâm điểm tượng trưng cho Bản Thể, căn nguyên, gốc gác, cùng đích muôn loài.
Vòng tròn bên ngoài tượng trưng cho hiện tượng, cho luân lưu biến hóa. Trong quyển Huỳnh Đình Nội Cảnh, do Tử Hà, Hàm Hư Tử chú, nơi tr. 4a, có một câu hết sức ý vị:
Nhất Thần chính vị nhi trung lập,
Vạn Thần triều củng nhi hoàn trần.
Huỳnh Đình chi thể dụng bị hĩ.
Nghĩa là:
  Một Thần chính vị nơi Trung Điểm,
Vạn thần chầu chực thành vòng quanh
Thể và dụng của Huỳnh Đình đầy đủ trong hai câu đó.

5. Nhất thể, vạn thù ở hai thế giới đối đỉnh
Từ hình vẽ TÂM ĐIỂM và vòng tròn chúng ta dễ dàng suy diễn ra được rằng: Vũ trụ này gồm có hai phần:
a.- Một thế giới của Bản Thể, của Thực Thể, lý tưởng siêu việt, thế giới của Chân, Thiện, Mỹ, vĩnh cửu trường tồn. Đó là thế giới khinh thanh, bao la, tiềm ẩn, đồng đẳng, vô phân biệt. Đó là Chân Như Môn theo danh từ Phật Giáo, đó là Vô Vi, là Diệu, theo danh từ Lão Giáo, là Thể theo Nho Giáo.
b.- Một thế giới của hiện tượng, của giác quan, của thiên nhiên, của những gì phù du, biến ảo, những gì trọng trọc, những gì chất chưởng, những gì hữu hạn, những gì bị chi phối bởi sự duyên. Ở nơi con người nó bao quát hết cả tâm tư, trí não giác quan, hình hài ta, tóm lại tất cả cái gì là vọng tâm, vọng ngã, cái gì là Tứ Đại Giả hợp, theo Phật giáo. Đó cũng chính là Sinh Diệt Môn theo danh từ Phật giáo, là Hữu Vi, là Khiếu theo danh từ Lão giáo, là Dụng theo Khổng giáo.
Phàm nhân thì sống phù phiếm, lênh đênh chìm nổi trên cái thế giới hiện tượng ấy, chỉ biết những gì là sắc tướng, chỉ thích những gì là phù hoa, chỉ mê những gì là hào nhoáng bên ngoài; lạc lõng trong muôn ngàn sai biệt; bị ngoại cảnh chi phối, thất tình lục dục đẩy đưa, từ ngữ tư tưởng ám nhãn, manh tâm, thu hẹp con người vô hạn của mình vào trong gông cùm của không gian thời gian, hình hài sắc tướng hữu hạn.
Thánh nhân trái lại đã xuyên qua được bức màn hiện tượng ấy để vào thế giới chân tâm, vô biên vĩnh cửu, thế giới bản thể vĩnh cửu, trường tồn: xuyên qua được tâm thức, để vào tới cõi Hư Vô, Chân thể, đồng đẳng với Thái Hư.
Chính vì thế mà sách Tham Đồng Khế có câu:
Chân nhân tiềm thâm uyên,
Phù du thủ qui trung
 Tạm dịch:
Chân nhân sống rất thâm trầm,
Phởn phơ khinh khoát, ôm cầm Khuôn thiêng.
 (Lý Lạc Cầu, Tiên Học diệu tuyển, tr. 86)
Tính Mệnh Khuê Chỉ có câu:
Ly chủng chủng biên,
Doãn chấp quyết trung
 Tạm dịch:
Lìa xa hết mọi vòng ngoài,
Trung Tâm giữ vững chẳng rời tấc gang.

6. Nhất thể vạn thù với hai chiều thuận nghịch.
Tâm điểm và vòng tròn còn giúp ta nhìn được hai chiều thuận nghịch, biến hóa của trời đất và của con người.
Ở nơi trời đất, thì chiều đi từ Bản Thể đi ra hiện tượng, đi từ Vô đến Hữu, chiều từ Tâm ra Biên, chiều từ Nhất sinh Vạn, là chiều Thuận, là chiều sinh hóa ra Vạn Hữu.
Đó là chiều Ly Tâm và đồng thời cũng là chiều đi xuống, chiều thoái hóa, từ Khinh Thanh ra dần, xuống dần đến Trọng Trọc, từ Phác Giản ra dần, xuống dần đến Tần Phiền.
Ở nơi con người, thì chiều Thuận chính là chiều Ly Tâm, là chiều Phóng Ngoại, Hướng Ngoại, từ Thần ra dần đến Tâm Tư, Ý Thức, Hình Hài, Ngoại Cảnh.
Theo Tính Mệnh Khuê Chỉ thì ở nơi con người chiều Thuận sẽ được phác họa như sau:
TÍNH TÂM Ý TÌNH VỌNG (MÊ VỌNG).
(Tính Mệnh Khuê Chỉ, q. Hanh tr. 8)
Ở nơi trời đất thì chiều biến hóa từ Biên trở về Tâm Điểm, chiều từ Vạn qui hoàn về Nhất, là Chiều Nghịch, là chiều Thăng Hoa sinh Thánh sinh Thần. Đó là chiều Đi Vào, Chiều Hướng Tâm, đồng thời cũng là Chiều Đi Lên, Chiều Tiến Hóa từ Trọng Trọc trở lại dần tới Khinh Thanh, từ Tần Phiền trở lần về tới Phác Giản.
Ở nơi con người thì Chiều Nghịch đó chính là Chiều Hướng Tâm, là Chiều Hồi Hướng, là Chiều Hướng Nội, chiều từ Hình Hài quay về với Thiên Tính, với Thần Linh, với Đạo Tâm, Chân Tâm nội tại.
Theo Tính Mệnh Khuê Chỉ, thì ở nơi con người, chiều Nghịch sẽ được phác họa như sau:
VỌNG (MÊ VỌNG) ➔ TÌNH ➔ Ý ➔ TÂM ➔ TÍNH.
(Tính Mệnh Khuê Chỉ, Thuận Nghịch Tam Quan Đồ, q. Nguyên tr. 13a).
Chiều Nghịch này mới là chiều quan trọng.
Cuối cùng, mọi sự lại trở lại Hư Vô.
Vòng tuần hoàn, biến dịch của vũ trụ, được Trang Tử toát lược bằng một câu: «Vạn vật giai xuất ư cơ, giai nhập ư cơ.» Vạn vật đều xuất ở Cơ ra, rồi lại đều trở về Cơ. (Nam Hoa Kinh, Chí Lạc).
Đạo Đức Kinh viết: Phù vật vân vân, các qui kỳ căn, qui căn viết tĩnh, tĩnh viết phục mệnh, phục mệnh viết thường. (ĐĐK, chương XVI).
Dịch:
Muôn loài sinh hóa đa đoan,
Rồi ra cũng phải lai hoàn bản nguyên.
Hoàn bản nguyên an nhiên phục mệnh,
Phục mệnh rồi trường vĩnh vô cùng.
 Ở nơi vòng DỊCH, thì chiều Thuận là chiều Quan Nguyệt Quật theo từ ngữ của Thiệu Khang Tiết, từ quẻ CẤU đến quẻ KHÔN.
Còn chiều Nghịch là chiều Kiến Thiên Căn theo Thiệu Khang Tiết, từ quẻ PHỤC đến quẻ KIỀN, rồi vào TRUNG CUNG THÁI CỰC. Thế là Quân tử HOÀNG TRUNG THÔNG LÝ, CHÍNH VỊ CƯ THỂ.
Dịch chủ trương Chiều Nghịch mới là chiều quan trọng, và Thánh Hiền xưa đã định nghĩa Dịch là Nghịch số. (Dịch Kinh, Thuyết quái, chương 3)
Liệt Tử viết trong Xung Hư Chân Kinh:
Hình thanh, vị, sắc đều do Vô Vi mà sinh ra.
Hình, thanh, vị, sắc khi còn, khi mất, khi có, khi không. Vô vi không bao giờ có cùng.
Hình, thanh, vị, sắc hình hiện ra bên ngoài, mà Vô Vi thì không bao giờ hình hiện.
Tất cả hình, thanh, sắc, tướng đều là chức năng của Vô Vi.
Vô Vi có thể Âm, có thể Dương, có thể mềm, có thể cứng, có thể vắn, có thể dài, có thể tròn, có thể vuông, có thể làm cho sống, có thể khiến cho chết, có thể nóng, có thể lạnh, có thể nổi, có thể chìm, có thể là Cung, có thể là Thương, có thể ẩn, có thể hiện, có thể đen, có thể vàng, có thể ngọt, có thể đắng, có thể tanh, có thể thơm. Tưởng không biết, không hay, mà cái gì cũng biết, cũng hay.
Liệt Tử còn viết: Xưa Thánh Nhân lấy Âm Dương bao quát trời đất, mà hữu hình thời sinh ra từ vô hình, nên trời đất dần dà mới có. Cho nên nói: Có Thái Dịch, có Thái Sơ, có Thái Thủy, có Thái Tố.
Thái Dịch là giai đoạn chưa có Khí.
Thái Sơ là giai đoạn Khí bắt đầu có.
Thái Thủy là giai đoạn Hình bắt đầu có.
Thái Tố là giai đoạn Chất bắt đầu có.
Khí, Hình, Chất có đủ, nhưng chưa chia lìa nhau. Cho nên gọi là Hồn Luân. Hồn Luân là khi vạn vật còn trà trộn, chưa phân ly... Nhìn không thấy, nghe không ra, theo không được nên gọi là Dịch. Dịch không giới hạn, không bến bờ. Dịch biến thành Nhất, Nhất biến thành Thất, Thất biến thành Cửu. Cửu là biến hóa đến cùng cực. Thế rồi lại trở về Nhất.[5]
Sách Linh Bảo Tất Pháp có một đoạn tương tự như vậy, mà tôi đã chuyển thành thơ như sau:
Tự Đạo phân chia số mới thành,
Ngũ Hành hình tượng: Đạo nha manh.
Năm phương vũ trụ: Thần phân liệt,
Chất sắc năm màu: đạo tán sinh.
Số từ Vô Số xuất sinh,
 Trở về Vô Số mới thành vãng lai.
Tượng từ Vô Tượng an bài,
Trở về Vô Tướng trong ngoài ấm êm.
Vị hoàn Vô Vị mới nên,
Chất hoàn Vô Chất, tinh tuyền trước sau.
Chớ chia Đạo Thể nhiệm màu,
Số kia bám víu vào đâu sinh thành.
Muốn trừ cho hết tượng hình,
Ngừng cơ biến hóa, mối manh tiêu liền.
Vị ngôi muốn hết dưới trên,
Thời đừng phân biệt bản nguyên làm gì.
Đạo không phát tán, chia ly,
Thời thôi vật chất biến đi từ đời.
Đạo là Vô Số, Vô Ngôi,
Vô Hình, Vô Chất, chia phôi nhẽ nào.
Đạo Trời vi diệu biết bao... [6]
7. Con đường trở về Nhất Thể phải là con đường qui tâm hướng nội
Hiểu được hai chiều tiến hóa ngược xuôi ấy, ta sẽ thấy ngay:
*Đi ra Ngoại Cảnh là đi Ra Đời... Bất kể ngoại cảnh ấy là đền đài miếu mạo, Thần Phật hay chi chi nữa.
*Đi vào nội Tâm mới là đi Vào Đạo.
 Có vậy, ta mới hiểu lời lẽ sau đây của Tính Mệnh Khuê Chỉ:
Muốn thoát Luân Hồi, phải thể hợp với Chí Đạo, muốn thể hợp với Chí Đạo, tất phải quán chiếu bản tâm, muốn quán chiếu bản tâm, tất phải nhắm mắt hồi quang, nhìn vào hư không, đem ánh sáng Tuệ Quang chiếu diệu vào nơi Thất Tình chưa nhen nhúm, nơi mà Bản Thể chưa bị Bát Thức làm ô nhiễm; ngoài thì tuyệt hết chư duyên, trong thì tuyệt hết chư Vọng, hợp Nhãn quang, ngưng Nhĩ vận, điều Tị tức, khóa Thiệt khí, tứ chi bất động, để cho Ngũ Thức của tai, mắt, mũi, lưỡi, thân quay trở về gốc gác, như vậy tinh, thần, hồn, phách, ý sẽ an vị: suất cả 12 giờ trong ngày, mắt luôn nội quan quán chiếu nhìn vào Khiếu ấy, tai trở ngược lại lắng nghe Khiếu ấy, đầu lưỡi thường phong bế Khiếu ấy, vận dụng, thi vi, niệm niệm không rời khỏi Khiếu ấy... Khiếu ấy chính là Bản Thể Thần Linh của con người.
Đó là Bản Thể tuyệt đối mà chúng ta đã đề cập tới trong suốt cả chương này.
Thái Thượng nói: Ta từ vô lượng kiếp quan tâm đắc đạo, và tới được Hư Vô. (Thái Thượng viết: Ngô tòng vô lượng kiếp, quan tâm đắc đạo nãi chí Hư Vô.) (Tính Mệnh Khuê Chỉ, Hanh, tr. 3a).
Hiểu được Bản Thể là hiểu được Căn Nguyên, Cùng Đích vũ trụ và con người.
Hiểu được hai chiều Thuận, Nghịch nói trên là hiểu được nhẽ biến dịch tuần hoàn của vũ trụ, vạn hữu và của con người.
8. Chung qui, Hiểu chữ Nhất là hiểu được tinh hoa đạo giáo Á Đông nói chung, Lão Giáo nói riêng
Dù đứng trên lập trường Vô Ngã hay Hữu Ngã mà nhìn vào Nhất Thể, dù gọi Nhất Thể đó là Khí, là Thể, là Thần, là Lão, là Thiên, thì khái niệm cơ bản vẫn là:
Nhất thể đó linh minh, huyền diệu, có khả năng sinh xuất biến hóa ra vạn sự vạn hình.
Nhất Thể đó có thể hóa thành Tam Thể, Vạn Thể.
Nhất Khí đó có thể hóa thành Tam Khí, Vạn Khí.
Nhất Thần đó có thể hóa thành Tam Thần, Vạn Thần.
Nhất Lão đó có thể hóa thành Tam Lão, Vạn Lão.
Nhất Thiên đó có thể hóa thành Tam Thiên, Vạn Thiên.
Thế tức là hiểu Lẽ Một, sẽ hiểu được Căn Cơ, Gốc Gác của muôn loài, muôn vật, và có thể đi đến một kết luận hết sức triết học và khoa học sau đây: «Thiên, Địa, Nhân, Vật Nhất Tính, Đồng Thể.» (Tính Mệnh Khuê Chỉ, Nguyên, tr. 6a)
Suy ngược lại sẽ có:
Nếu Nhất Thần hóa Chúng Thần, thì Chúng Thần sẽ qui Nhất Thần; Nhất khí hóa Vạn Khí thì Vạn Khí cũng qui Nhất Khí.
Nếu trong con người có Chúng Thần, thì cũng có Nguyên Thần, có Nhất Thần.
Nếu trong con người có Vạn Khí, Ngũ Khí, Tam Khí, thì ắøt cũng có Chân Nguyên Nhất Khí hay Nguyên Khí.
Vì hiểu lẽ Một cho nên người đạo sĩ:
Chọn cái Tinh Hoa, bỏ cái Bác Tạp.
Chọn cái Giản dị, bỏ cái Tần Phiền.
Chọn Chân Tâm mà bỏ Thất Tình, Lục dục, Tam Thi, Tứ Đại, Âm Dương đối đãi.
Vì hiểu lẽ Một cho nên người đạo sĩ biết mình là Tiên Thiên Nhất Khí hóa thân, nghĩa là có đồng bản tính với Thượng Thần trong trời đất.
Vì biết lẽ Một cho nên hiểu rằng Chân Thần trong mình và Chân Thần trời đất là Một. Mình đây chẳng qua là Hóa Thân của Chân Thần đó mà mình chẳng hay.
Họa sĩ Wyzewa đã viết từ năm 1893:
Cái mà ta gọi là Thực Tại chẳng qua chỉ là hình ảnh của Bản Thể thầm kín nơi ta, phóng phát ra hư cảnh bên ngoài mà thôi. [7]
Tính Mệnh Khuê Chỉ viết:
Vì thế nói: Thánh Nhân tẩy rửa tâm hồn, trở về náu ẩn trong nơi thầm kín. Trong đó vốn đã có Bản Thể uyên nguyên cùng với Thái Hư hỗn thành nhất khối. Vì thế nói: Thánh Nhân đồng thể với Thái Hư. [8]
Lão Giáo vì thế chủ trương Thủ Trung Bão Nhất, giữ Trung ôm Nhất.
Khổng giáo vì thế chủ trương: Ngô Đạo Nhất dĩ quán chi, Đạo ta dùng chữ Nhất bao quát tất cả.
Tính Mệnh Khuê Chỉ có chép: «Khi Hoàng Đế lên núi Nga Mi, gặp Thiên Chân Hoàng Nhân ở Ngọc Đường và hỏi về cái đạo Chân Nhân. Hoàng Nhân đáp: Đó là cái đạo quí trọng nhất của Đạo Gia. Kinh của Đạo này, Thượng đế giấu trong 5 thành núi Côn Lôn (đầu não con người), cất trong hòm ngọc ( Trong sọ người), viết vào thẻ vàng, phong bằng bùn tím (Nê Hoàn), đóng ấn bằng chữ Trung (Trung Tâm đầu não con người).
Nhất đó ở Thái Uyên Bắc Cực (đầu), trước có Minh Đường (Trán), sau có Ngọc Trẩm (ót), trên là Hoa Cái (Đỉnh Đầu), dưới là Giáng Cung...» [9]
Với những lời lẽ mập mờ đó, Ta thấy ngay rằng Hoàng Nhân đã muốn nói như sau:
Muốn tìm Trời, tìm Đạo, tìm Nhất, tìm Trung, phải tìm nơi Trung Điểm đầu não con người.
Trước đó vài dòng Tính Mệnh Khuê Chỉ đã khéo léo đề cập tới Nê Hoàn Cung và trích dẫn Kinh Huỳnh Đình:
Nê Hoàn Cửu Chân giai hữu phòng,
Phương Viên Nhất Thốn xứ thử trung.
Đồng phục tử y, phi la thường,
Đãn tư nhất bộ thọ vô cùng.
Dịch:
Nê Hoàn Cửu Chân đều có phòng,
Vuông Tròn Một Tấc tại Não Trung.
Áo tía, quần là đều rỡ ràng,
Tâm tồn Cửu Chân, thọ vô cương.
(Huỳnh Đình Kinh chương 7 và Tính Mệnh Khuê Chỉ q. Lợi tr. 9a).
 
Nhập Dược Kính viết:
Nê Hoàn nhất khiếu đạt Thiên Môn,
Trực thượng Hư Hoàng Ngọc Đế Tôn.
Thử thị Chân Nhân lai vãng lộ,
Thời thời khóa hạc, khứ triều nguyên.
(Nhập Dược Kính, tr. 10b)
Nê Hoàn một khiếu thấu cửa Trời,
Ngọc Hoàng Thượng Đế ấy tòa ngôi.
Thánh hiền lui tới, duy đường ấy,
Cưỡi hạc băng chừng thẳng tới nơi.
 
Viết đến đây, tôi liên tưởng đến lời chú của Phật Giáo Tây Tạng: Um Mani Padme Hum, ôi Ngọc Châu Viên Giác nằm tại Liên Hoa Tâm, mà Liên Hoa Tâm theo lời bình giải của các đạo sư Tây Tạng, thì chính là Trung Tâm Đầu Não con người.
 
Tôi mở đầu đoạn này bằng Bản Thể Uyên Nguyên của vũ trụ và của con người, kế đến bàn về hai chữ Trung và chữ Nhất, cuối cùng kết thúc bằng chữ Nhất và đem chữ Nhất ấy vào Trung Tâm Đầu Não con người, vào Nê hoàn Cung, nơi mà từ vô lượng kiếp Đức Thái Thượng đã dạy đạo cho chúng ta, đúng như lời kinh Huỳnh Đình: Thị tích Thái Thượng cáo ngã giaû... (Huỳnh đình Kinh chương 17), thiết tưởng cũng đã phát quang được gai góc và để lộ ra con đường Đại Đạo...
 
VŨ TRỤ THÁM VI (TÌM HIỂU HUYỀN CƠ VŨ TRỤ)
Người xưa chỉ dùng Thần (tuệ giác = illumination, intuition), Trí (raisonnement), Giác quan để quan sát, suy tư và trực giác về vũ trụ, để tìm cho ra những điều vi ẩn của vũ trụ.
Lão giáo cũng như các Đạo khác ở Đông Phương xác tín rằng có một Thượng Đế Tuyệt Đối, một Bản Thể Duy Nhất, uyên nguyên, vô hình, vô ảnh, nhưng lại linh động, biến hoá vô cùng, đã sinh xuất ra vũ trụ hiện tượng hữu hình, hữu tướng này. Đó là Thuyết Thiên Địa Vạn Vật đồng nhất thể.
Bản Thể vô sinh, vô diệt, vô thuỷ, vô chung này, đạo Lão đã hài danh bằng nhiều danh hiệu, đại khái là:
 
a. Khi chưa có Trời Đất, thì Đạo hay Bản Thể tuyệt đối còn ở trong thế tiềm ẩn, chưa hiển dương, nên được gọi bằng những danh từ như: Hư Vô, Hư Không, Hồng Mông, Hỗn Độn, Vô Cực, Vô Vi, hoặc được tượng trưng bằng con số 1, hay bằng vòng tròn không có tâm điểm. Tất cả đều nói lên sự viên dung, toàn mãn, hoàn hảo, đồng đẳng tuyệt đối, không tịch tuyệt đối, hư tĩnh tuyệt đối.
b. Khi bắt đầu hiển dương, thì gọi là Đạo, là Thái Cực, là Tổ Khiếu, là Cốc Thần, là Huyền Quan Khiếu, hay Huyền Tẫn chi môn, là 5, là 15, và được tượng trưng bằng vòng tròn có chấm ở giữa, hay bằng đồ hình Thái Cực mà ta vẫn thường thấy.
 
c. Khi đã có Trời đất, thì Bản Thể ấy tiềm ẩn dưới các lớp lang hiện tượng, và được gọi là Trung, là Đạo, là Tổ Khiếu, là Cốc Thần v.v... hay được tượng trưng bằng vòng Dịch với:
- Thái Cực ở giữa, tượng trưng cho Bản Thể duy nhất.
- Các hào quải bên ngoài tượng trưng cho vạn hữu, vạn tượng luân lưu biến hoá.
Ta vẽ lại, trình bày lại 3 quan điểm trên thành sơ đồ sau:
 
 Tiên Thiên (Chưa hiển dương): Đạo, Nhất, Hỗn Độn, Hư Vô, Hồng Mông, Thường, Hằng, Căn Nguyên, Vô vi, Tiên Thiên, Trường Sinh Bất tử.
Thuỷ Chung.  Tổ Khiếu. Đạo, Thái Cực, Huyền Tẫn, Huyền Quan, Qui Căn Khiếu, Phục Mệnh Quan.    
 Hậu Thiên (Đã hiển dương): Vạn Hữu, Vạn Tượng, Dị Biệt, Tạp Thù, Biến thiên, Ảo hoá, Lưu Mạt, Hũu Vi, Hậu Thiên, Sinh Diệt, Phù Sinh. 
 Nhờ những đồ hình và những quan niệm khái quát trên, ta hiểu được một điều rất trọng đại này là:
 Vũ Trụ hữu hình này sở dĩ có là do sự phóng phát, tán phân của một thực thể duy nhất.
 Thuyết Phóng Phát của hiền, thánh muôn phương khác với Thuyết Tạo Dựng của các Đạo Giáo Công Truyền Tây Phương (Công Giáo, Do Thái Giáo, Hồi Giáo) như sau: 
Thuyết Phóng Phát (Emanation)
1. Vũ Trụ Hữu Hình này là những phân thể của một Toàn Thể.
2. Vạn hữu đồng căn, dị dạng, nhất thể vạn thù.
3. Thượng Đế tiềm ẩn trong lòng sâu vạn hữu (Immanent)
4. Chung cuộc là Hoà Hài, Hợp Nhất, Siêu Thăng, Hoà Giải.
5. Lịch sử vũ trụ chuyển hoá 2 chiều, vãng lai, thuận nghịch, phản phục, thành một chu kỳ.   
Thuyết Sáng Tạo (Creationism).
1.  Vũ trụ Hữu Hình này là do quyền năng của Thượng Đế sáng tạo từ không.
2. Vạn hữu nhất nhất đều có bản thể riêng biệt.
3. Thượng Đế siêu việt, tách rời khỏi vạn hữu. (Transcendent).
4. Chung cuộc là Tan vỡ, kinh hoàng, là Tận Thế.
5. Lịch sử vũ trụ và con người chuyển biến một chiều, theo đường thẳng.
 Dựa vào Thuyết Thiên Địa Vạn Vật Đồng Nhất Thể của Lão Giáo, ta suy ra: 
1. Vạn Hữu đồng căn, dị mạt. Tính Mệnh Khuê Chỉ viết: Thiên Địa Vạn Vật Đồng Nhất Thể. [10](Tính Mệnh Khuê Chỉ, q. Nguyên, tr. 6a).
Người xưa cũng nói:
Thiên, Nhân nhất Lý.
Ngã Vật đồng nguyên 
2.Vạn vật hữu hình biến hoá có chu kỳ, theo 2 chiều tán tụ.
 -Chiều Tán:
Chiều phân hoá, giáng bản, qui mạt (Đi từ gốc tới ngọn).
Chiều giáng (từ Căn Nguyên Thái Cực xuống vạn vật, quần sinh, hào quái), chiều đi ra (từ nội tâm ra ngoại cảnh), chiều thuận (thuận theo dòng đời, thuận theo dục vọng), chiều ly tâm (từ hợp nhất ra phát tán chi ly.
- Chiều Tụ:
Chiều hoà hợp, qui nguyên, phản bản, thăng, lai, nghịch, hướng tâm.
Hai chiều biến hoá thuận nghịch nói trên là 2 chiều biến hoá từ vô tướng ra hữu tướng, rồi lại từ hữu tướng trở về vô tướng.
Đạo đức Kinh Kinh Dịch đều đề cao chiều Nghịch hay chiều Phục.
Dịch Kinh viết: Số vãng giả thuận, tri lai giả nghịch. Thị cố Dịch nghịch số dã. (Dịch kinh, Thuyết quái, chương 3, tiết 2)
 Dịch:
 Tìm ra quá vãng là thường,
 Tương lai tiên đoán tỏ ràng mới cao.
 Dịch kinh có số ngược chiều,
 Ngược chiều thời thế khinh phiêu về nguồn.
Đạo Đức Kinh nơi chương 16 viết: «Phù vật vân vân, các qui kỳ căn, qui căn viết tĩnh, phục mệnh viết trường.»
Dịch:
 Muôn loài sinh hoá đa đoan,
 Rồi ta cũng phải lai hoàn bản nguyên,
 Hoàn bản nguyên, an nhiên phục mệnh,
 Phục mệnh rồi, trường vĩnh vô cùng.
Chương 29 viết: «Thường đức bất thắc, phục qui ư vô cực.»
Chương 14 viết: «Phục qui ư vô cực.»
3. Vạn hữu vì là sự hiển dương của Đạo, của Bản Thể tuyệt đối, nên rất có giá trị.
4. Vạn hữu vì là phân thể của một đại thể, nên không có vật nào, người nào toàn mãn, mà phải dựa vào nhau, cái nọ bổ sung lẫn cái kia.
5. Mọi sự thay đổi trong vũ trụ đều có ảnh hưởng chẳng ít, thì nhiều, đến chung quanh.
 Liệt tử đã viết trong Xung Hư Chân Kinh, chương 3, đoạn C: «Nhất thể chi doanh hư, tiêu tức giai thông ư Thiên Địa, ứng ư vạn loại.» , .
Dịch: Mỗi một sự thay đổi, đầy vơi, tăng giảm nơi sự vật, đều thông với trời đất, ứng với muôn vật.
Người xưa còn nói:
Lạc hồng bất thị vô tình vật,
Hoá tác xuân nê, cánh bộ hoa
Dịch:
Hồng rơi chẳng phải vô tình,
Hoá thành bùn lại nuôi cành hoa xuân.
Nếu ta đồng ý dùng Tâm điểm và vòng tròn để tượng trưng cho Bản Thể và Hiện Tượng, ta sẽ thấy vũ trụ này gồm 2 phần:
a. Một Thế giới của Bản Thể, của Thực Thể, lý tưởng, siêu việt, thế giới của Chân, Thiện, Mỹ, vĩnh cửu, trường tồn (Tâm Điểm). Đó là thế giới khinh thanh, bao la và đồng đẳng, vô phân biệt. Đạo Lão gọi đó là Đạo, là Tiên Thiên, là Vô Vi, là Hư, là Diệu.
b. Một Thế giới của Hiện Tượng, của giác quan, của Biến Thiên, của những gì phù du, biến ảo, những gì trọng trọc, những gì chất chưởng, những gì hữu hạn, những gì bị chi phối bởi sự duyên. Đạo Lão gọi đó là Hậu Thiên, là Hữu Vi, là Khiếu (Vòng tròn bên ngoài).
 Người học Đạo, hiểu Đạo phải biết nhìn thấy cả hai mặt Biến, Hằng, Hữu Hạn và Vô Hạn, của một Bản Thể, một Thực Thể duy nhất. Có vậy, mới gọi được là Diệu, Khiếu Tề Quan.
 Người học Đạo cũng còn phải biết nhìn thấy Đạo Thể vô biên tế xuyên qua các lớp lang hiện tượng, các bức màn hình, thanh, niệm, dục.
 Thế mới hay: «Đắc Nhất vạn sự tất» . (Trang Tử, Nam Hoa Kinh, ch. Thiên Địa: Thông Nhất, nhi vạn sự tất.)
  Trên đây đưa ra 5 vấn đề rất quan trọng:
- Thuyết Thiên Địa Vạn Vật Đồng Nhất Thể.
- Thuyết Vạn Vật tương ứng, tương thừa, tương giao, tương tiếp.
- Thuyết Vạn Vật biến dịch, tuần hoàn.
- Thuyết Phóng Phát, Tán Phân (Emanation and division) thành vũ Trụ.
- Thuyết Thượng Đế ẩn tàng trong lòng sâu vạn hữu (God Immanent). Có như vậy,Thượng Đế mới ở khắp mọi nơi và thông biết mọi sự.
<bài viết được chỉnh sửa lúc 15.09.2009 17:22:04 bởi Sun Ming >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9