Địa chí Bình Định: Ấn vàng và kiếm bạc
tieuboingoan 02.06.2005 17:24:09 (permalink)

Ấn vàng và kiếm bạc


Nguyễn Phan Vũ
Sưu tầm tại Tây Sơn, An Khê


Tục truyền ở một làng Ba Na thượng nguồn sông Côn, từ ngàn xưa có một thanh gươm lạ. Không biết đích xác thanh gươm có từ bao giờ, chỉ biết rằng từ khi các già làng thì đã thấy lưỡi gươm cắm sâu sừng sững trên một tảng đá lớn nằm ven đường dẫn đến làng. Trải bao mưa nắng, lưỡi gươm vẫn sáng chói, không hề hoan rỉ.

Dân làng truyền rằng, đây là thanh gươm quí trời ban cho người tài hiền trong thiên hạ để giúp dân dựng nước. Biết bao bàn tay tráng sĩ đã ướm vào chuôi gươm nhưng không một ai lay chuyển nổi thanh gươm. Đời này qua đời khác, chuôi gươm càng lên nước bóng loáng, và lưỡi gươm sáng lòa ánh mặt trời như tỏa hào quang. Cho đến ngày kia có một người “con Kinh” ngược dòng sông Côn vì hâm mộ thanh gươm tìm đến làng. Dân làng thấy người khách lạ tướng mạo xuất chúng, thông hiểu mõi lẽ trời đất, lại ăn nói có nghĩa, có nhân, nên đem lòng kính phục và dẫn chỉ chỗ thanh gươm báu. Đến nơi, trước sự khâm phục của dân làng, người khách lạ lễ tạ mọi người rồi bước lên tảng đá ướm đặt bàn tay vạm vỡ của mình vào chuôi gươm. Khi cánh tay của người đó vung mạnh, nâng thanh gươm lên thì hòn đá rung chuyển và cả thanh gươm quí hiện ra tỏa sáng lòa trước mặt mọi người. Người tráng sĩ có sức mạnh hơn người ấy chính là Nguyễn Huệ, vốn sinh cơ lập nghiệp ở đất Kiên Mỹ, theo anh ngược dòng sông Côn đi tìm người tài hiền trong thiên hạ để mưu nghiệp lớn. Cảm phục tài năng, dân làng mời anh họ Nguyễn ở lại rồi mở tiệc khoản đãi. Quanh làng thường xuất hiện một con gà cồ to lớn khác thường sống trên trăm năm, nhân ngày vui, dân làng bèn săn con gà nọ làm thịt đãi khách quí. Khi mổ gà ra, trong bụng gà có một cái ấn lớn bằng vàng. Dân làng cho rằng đấy là điềm trời giúp Nguyễn Huệ lập nghiệp lớn, bèn cung kính dâng lên Nguyễn Huệ. Cầm ấn và kiếm trong tay, Nguyễn Huệ nói với dân làng rằng: “Trời đất đã có ý chọn ta trao ấn vàng và kiếm bạc, ta sẽ quyết qui tụ giang sơn về một mối để không phụ sự chờ mng của trăm họ và lượng cao dầy của trời đất”. Ai nấy đều tỏ lòng quy phục, muốn được theo anh em Tây Sơn dựng cờ nghĩa gây nghiệp lớn. Nguyễn Huệ hỏi già làng, trong làng có bao nhiêu người? Già làng đáp: “Phía Bắc thượng có 200 người, phía Nam thượng có 200 người, giữa làng là con sông nước chay xiết, không ai dám qua lại viếng thăm nhau”. Nguyễn Huệ nghe vậy bèn ra sông rạch đôi dòng nước chay xiết. Lập tức dòng nước rẽ hai bên, để hiện ra một lối qua sông rộng rãi. Từ đó dân làng càng mang ơn anh em nhà Tây Sơn, hết lòng giúp đỡ anh em Tây Sơn dương cao cờ nghĩa thống nhất sơn hà.


#1
    tieuboingoan 02.06.2005 17:28:05 (permalink)


    Chúa Xà Đàng và bầy ngựa rừng


    Nguyễn Lý
    (Sưu tầm tại Kiên Mỹ, Tây Sơn)


    Xa xưa, dân tộc Xà Đàng lừng danh là một bộ tộc không hề khuất phục ai. Sống riêng một cõi, tung hoành bốn phương, họ làm náo động từ rừng sâu đến đồng nội. Người Xà Đàng chỉ tin và sợ trời.

    Một buổi sáng nọ, tin anh em Tây Sơn dấy binh, chiêu dụ anh tài chống lại triều đình lan đi khắp nơi, làm xao xuyến cả buôn làng Tây Nguyên. Vị chúa Xà Đàng gương mặt tự phụ, nói với thủ hạ rằng: “Huệ sao dám làm điều kinh thiên động địa ? Nếu Huệ có tài như con trời, thì hãy dụ được bầy thiên mã của trời nuôi trên núi. Khi đó, ta sẽ đem cả làng theo hết”.

    Nguyễn Huệ nghe tin ấy, mỉm cười. Mấy ngày sau ông cùng mấy chàng trai lực lưỡng cưỡi ngựa vào rừng. Ông chọn con ngựa cái khỏe, đẹp, lông nó mướt nhưng nhung, đuôi dài và óng ả như cánh phượng, mắt ướt long lanh, thả nó vào rừng. Hàng ngày nó hí lên những tiếng dài khêu gợi, vọng vào rừng sâu, như nhắn gọi. Nguyễn Huệ cắt cỏ thật non, bỏ cho nó ăn. Trong bầy ngựa trời, có con đực chúa đàn, nghe tiếng hí, từ trong rừng sâu lần ra. Nó thấy con ngựa cái tơ của ông Nguyễn Huệ có vẻ “dễ thương”, liền lân la đến làm quen. Dần dần ngựa cái rủ được cả bầy cùng theo đến. Ngày nào chúng cũng hí gọi, nô giỡn với nhau rất thân thiết. Ông Huệ rình ở đằng xa, thấy bầy ngựa rừng đã có vẻ say cô ngựa của mình, ông liền ra mặt. Bầy ngựa rừng lúc đầu hoảng sợ, muốn chạy, nhưng đã bị “nàng ngựa cái” giữ lại. Ông Huệ ra cho cỏ, vuốt ve con ngựa của mình, khiến bày ngựa rừng dạn người. Lần sau ông ra, chúng không lạ lùng nữa. Ngày này qua ngày khác, ngựa rừng đã quen, ông Huệ cắt nhiều cỏ non, dắt con ngựa cái về. Lũ ngựa rừng nhớ bạn, lại đã dạn người, nên đi theo. Ông Huệ kiên nhẫn theo dõi, nắm đặc tính từng con ngựa rừng để thuần phục chúng. Dụ được bầy ngựa rồi, ông Huệ chưa vội báo cho dân làng biết. Lúc chúng thuần như lũ ngựa nuôi trong tàu của mình, Nguyễn Huệ mới báo tin được cho dân làng. Không ai tin-nhất là mấy già làng. Họ vẫn nói: “Không ai khiến được ngựa trời đâu. Chỉ có trời sai được chúng thôi!” Một số người muốn đi xem, ông Huệ bằng lòng. Ông cho lũ thanh niên trèo lên núi cao, rừng rậm, ngồi im trên ngọn cây, để xem ông sai khiến ngựa trời. Đám thanh niên hồi hộp theo dõi ông Huệ gọi bầy ngựa trời ra, sai khiến chúng thật ra ngoan. Họ phục ông Huệ là “người trời”, đã sai khiến được ngựa trời, nên về khoe với các già làng. Già làng vẫn chưa tin. Có người phải thề: “Mắt tao thấy, tai tao nghe, tao nói sai trời phạt. Ông Huệ đúng là con trời xuống dạy lũ ngựa trời như lính của ông rồi”. Nhiều già làng đi xem, thấy quả đúng như vậy. Lúc ấy họ mới phục và tôn ông Huệ là thần, làm kiệu rước ông về, vật trâu vật heo, đón ông Huệ “con trời”, làm lễ huyết thề, quyết đi theo Tây Sơn, theo ông “con trời” dấy binh khởi nghĩa.




    #2
      tieuboingoan 02.06.2005 17:29:27 (permalink)


      Cuộc sống của cư dân Sa Huỳnh



      Đinh Bá Hòa


      Có thể khẳng định cư dân văn hóa thời đại kim khí ở Việt Nam là cư dân nông nghiệp, chứng tích khảo cổ học đã nói lên điều đó. Về địa bàn cư trú của người Sa Huỳnh nói chung, Bình Định nói riêng là ven biển, ven các cửa sông và các đầm nước ngọt gần biển. Với lớp văn hóa dày 2m như ở Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi và trên 1m như ở Truông Xe (Phù Mỹ) chứng tỏ họ đã tụ cư liên tục, ổn định và gắn quyện vào nhau thành một khối cộng đồng.

      Trong giai đoạn sớm, họ đã sử dụng công cụ đá như cuốc, rìu, dao… Nền nông nghiệp dùng cuốc đã chi phối toàn bộ cơ tầng kinh tế của cư dân Sa Huỳnh từ sớm đến muộn. Chỉ khác là giai đoạn phát triển hưng thịnh nhất, cuốc sắt đã ra đời và tạo nên bước ngoặt lớn trong nông nghiệp. Đồ sắt trong giai đoạn này chủ yếu là công cụ sản xuất như cuốc, thuổng, liềm, dao, rìu. Công cụ bằng đá đã mất hẳn vị trí và bóng dáng của chúng không còn in đậm trong nội dung văn hóa giai đoạn này.

      Qua khai quật các di tích văn hóa Sa Huỳnh, cho đến nay chưa tìm thấy hạt lúa nguyên dạng, nhưng trong gốm Sa Huỳnh đã có pha trấu, chứng tỏ lúa là cây lương thực chính. Mặt khác, trên hình vẽ đồ gốm Bình Châu (Bình Sơn - Quảng Ngãi) có hình vẽ cây lúa được thể hiện như một mô típ hoa văn trang trí. Hình bông lúa cũng là một biểu tượng quen thuộc của gốm Sa Huỳnh. Ngoài cây lúa còn có một số cây lương thực khác như khoai, lạc, đậu… mà đất phù sa là loại đất rất thích hợp cho việc canh tác những cây trên. Có thể các loại cây lấy sợi như bông, đay, gai đã được người Sa Huỳnh trồng để lấy sợi dệt vải. Với sự xuất hiện dọi xe chỉ tìm thấy trong hố khai quật đã nói lên sự phát triển nghề thủ công này trong văn hóa Sa Huỳnh.

      Ngoài canh tác nông nghiệp, một ngành nghề kinh tế khác được xem là phát triển đến trình độ cao của người Sa Huỳnh, đó là: nghề sản xuất gốm. Các chum gốm lớn, bình, vò có hoa văn thể hiện đẹp đã chứùng tỏ kỹ thuật và óc thẩm mỹ của người Sa Huỳnh khá cao trong việc chế tạo đồ gốm. Nghề thủ công này, không chỉ nhằm đáp ứng đồ dùng trong sinh hoạt thường ngày như: nồi, bình, bát, dĩa, đèn, chum, vại mà gốm còn được dùng làm quan tài để mai táng người thân nữa.

      Đồ gốm có dáng thanh, mềm mại, với thủ pháp trang trí chủ đạo là khắc vạch, những họa tiết đường cong kết hợp với họa tiết văn in mép vỏ sò hay dấu văn thừng và tô màu đỏ, hay màu đen ánh chì thành các băng trang trí trên miệng, vai, thân, hay chân đế gốm hoặc được phủ kín bề mặt gốm. Trong đó tiêu biểu là những chiếc bình lọ hoa duyên dáng và những chiếc bình hình con tiện góc cạnh, vững chãi. Ở giai đoạn muộn, đồ gốm vẫn mang đặc trưng truyền thống, nhưng dáng thô, cứng cáp hơn. Hoa văn bớt dần họa tiết đường cong mềm mại, mà tăng họa tiết quy chỉnh. Nhìn chung, gốm giai đoạn muộn mang tính thực dụng hơn gốm giai đoạn sớm.



      #3
        tieuboingoan 02.06.2005 17:31:51 (permalink)


        Sức khỏe và tài trí



        Lê Xuân Lít
        (Sưu tầm tại Tây Sơn)


        Bữa ấy, binh sĩ Tây Sơn đang hành quân. Đường rừng cheo leo, một bên là khe suối sâu, một bên là cây gai chằng chịt, chỉ có lờ mờ vết tích một con đường nhỏ đã bị cây rừng mọc lấn. Đã thế, lại một hòn đá rất to chắn lối. Nghĩa quân từng người leo qua tảng đá. Hàng quân đi chậm lại.

        Nguyễn Huệ đang đi ở đoạn giữa, thấy vậy liền tiến lên coi. Nhìn tảng đá lớn, ông ngấm nghía, xem xét. Rồi ông ra hiệu mấy anh em lực lưỡng ghé vào một bên, còn bên to hơn ông ghé vai vào. Huệ “hự” một tiếng, tất cả nhất loạt cùng đẩy. Tảng đá lăn kềnh xuống lòng khe. Ai nấy đều trầm trồ, con người có sức khỏe phi thường ấy.

        Lần khác, cũng trên đường hành quân. Có con trăn mộc to tướng nằm ngang chắn lối. Anh em dừng lại, lùi xa. Trăn đang cuộn mình, đầu dấu kín trong bụi. Chỉ một tiếng động là trăn nhanh chóng phát hiện được mục tiêu và nó sẽ vươn mình tới trong nháy mắt. Anh em bàn cách giết trăn, nhưng không ai biết làm cách nào giết được, vì đầu nó dấu kín. Huệ đến, thấy rõ sự thể. Ông liền lấy cây cung và rút mũi tên tẩm thuốc độc ra. Mọi người hồi hộp, không hiểu Nguyễn Huệ làm cách nào để biết được đầu trăn. Phút chờ đợi im lặng Nguyễn Huệ giương cung, đặt chân lên tảng đá. Bất thình lình, ông đạp mạnh tảng đá cho nó lăn xuống khe sâu, tạo nên tiếng động lớn.

        Con trăn giật mình, chưa biết sự thể ra sao, liền thó đầu ra khỏi bụi rậm cất lên tìm mục tiêu. Ngay lúc ấy, nhanh như tia chớp, mũi tên tẩm thuốc đọc từ tay Nguyễn Huệ cắm phập vào đầu trăn. Nó quằn quại dãy dụa hồi lầu rồi lăn xuống khe sâu bên đường nhừng lối cho quân đi.




        #4
          tieuboingoan 02.06.2005 18:34:39 (permalink)


          Tân Dã đồn



          Vở tuồng Tân Dã đồn còn gọi là Từ Thứ quy Tào hoặc Từ Thứ phân binh dựa theo truyện Tam Quốc Chí. Khi soạn vở này Đào Tấn mới 19 tuổi, đây là vở đầu tay của ông. Tuy Tân Dã đồn chưa được đánh giá cao như các cở Trầm Hương các, Hộ sanh đàn, Diễn võ đình…của ông nhưng nó lại có ý nghĩa lớn trong quá trình sáng tác, cũng như trong quá trình phát triển tư tưởng của Đào Tấn về quan niêm trung, hiếu.

          Văn bản kịch bản này trích từ cuốn Tuồng Đào Tấn do nhà xuất bản Sân khấu-Sở Văn hóa Nghĩa Bình xuất bản năm 1987, Vũ Ngọc Liễn, Phan Hiền phiên âm chú thích khảo dị, Mạc Như Tông, Tống Phước Phổ hiệu đính.


          Tóm tắt nội dung

          Tào Nhân vâng lệnh Tào Tháo ra trấn thủ Phàn Thành và mang quân đi đánh Lưu Bị ở Tân Dã Thành. Nhờ mưu kế của Từ Thứ quân lưu Bị đại thắng. Tào Nhân thoát chết về Hứa Xương chịu tội với Tào Tháo. Mưu sĩ của Tào Tháo là Trình Dục bày kế bắt mẹ Từ Thứ để buộc Từ Thứ quy hàng. Từ Thứ nhận được một bức thư của mẹ, nội dung rằng bà đã bị Tào Tháo bắt về Hứa Xương, khuyên Từ Thứ về quy Tào để cứu mẹ. Vì nặng tình hiếu tử, Từ Thứ chia tay với Lưu Bị. Từ Thứ không hay biết đó chỉ là bức thư giả mạo. Trước khi quy Tào, Từ Thứ tiến cử với Lưu Bị mưu sĩ Gia Cát Lượng.

          Nhân vật

          Tào Tháo
          Tào Nhân
          Trình Dục (Mưu sĩ của Tào Tháo)
          Hổ Bôn (Quân và tâm phúc quân của Tào Tháo)
          Bả Trạo (Quân của Tào Nhân)
          Lưu Bị
          Quan Công
          Trương Phi
          Từ Thứ (Đơn Phước)
          Triệu Tử Vân
          Ông chài
          Mụ chài
          Quân của anh em Lưu Bị


          Tào Nhân:

          Non bình gáy phụng
          Vườn mậu chơi lân1
          Tứ bề tâm ngặt lặng bâng
          Tám cõi cánh hồng im rập
          Quyền phong đô đốc
          Mỗ hiệu Tào Nhân
          Cùng Thừa tướng chí thân
          Thay công khanh đều nhượng
          Như tôi Từ vâng lời thừa tướng
          Ra trấn thủ Phàn Thành
          Trước đề phòng Lưu Bị hùng binh
          Sau thám thính Kinh Châu hư thực
          Bởi Tường, Phán một phen kém sức
          Nên Phi, Vân hai gã tung hoành
          Làm cho Bắc Ngụy hổ danh
          Vì bởi Kinh Châu đắc thế…
          Phen ni Quyết đạp bằng Tân Dã
          Thề nã tróc Lưu gia
          Chư tướng
          Truyền tam quân tề chỉnh can qua
          Y nhất lệnh độ hà khiêu chiến 2

          (Lại ra bước xuống thuyền)

          Bả Trạo khai thuyền

          Bả Trạo: Bài nhịp một

          Thừa dạ độ Nam Giang
          Trừng ngưng đầu khí hàn
          Giang vân diêu bố hộ
          Kỳ ảnh diệu ba giang 3
          Kỳ ảnh diệu ba giang

          Tào Nhân:

          Đồ giang sơn một bức
          Đêm phong nguyệt nửa trời
          Chí thệ thanh dòng nước chơi vơi 4
          Trường oanh liệt cánh buồm phơi phới
          Nam
          Phới phới duyền quyên lướt dặm 5
          Nước thanh bình gió lặng sao thưa

          Bả Trạo: Bài

          Vân đạm thủy thanh thanh
          Phàm lực trục phong khinh
          Hà biên diêu nhất vọng
          Khí thối lãng ba bình
          Khí thối lãng ba bình 6

          Tào Nhân: Nam

          Một màu thủy bích, sơn thanh
          Ngàm sâm gió lướt, hơi kình sóng xao 7

          Bả Trạo: Bài

          Huy trạo nhập thương ba
          Đào thanh tráng viễn hà
          Hoành giang đồng khoái ẩm
          Dự tấu khải hoàn ca
          Dự tấu khải hoàn ca 8

          Tào Nhân: Nam

          Khải hoàn ca tiêu ma phân tiết 9
          Tân Dã đồn bóng nguyệt xa xa

          Bả Trạo:

          Dạ Tân Dã đáo lai

          Tào Nhân:

          Mần rứa à?
          Bạt thuyền vụ giang ngạn 10

          (Đồng hạ)

          Lưu Bị:

          Trằn trọc thương thay Hiệp Hán
          Xốn xang lo nỗi người Tào
          Thời từ nay Bị chiếm Tân Dã thành, tự thử chí tư 11
          Bị cũng mừng cho
          Đơn quân sư gồm đủ lược thao
          Quan, Trương, Triệu thảy đều trí dũng
          Mã thượng dã nhiều phen hống tống 12
          Vức trung chưa một thuở thanh bình 13
          Đóai giang sơn tình thổn thức tình
          Gẫm thời thế dạ ngao ngán dạ

          Quân:

          Cúi tâu qua trướng hạ
          Tào giặc quá giang tân
          Hiệu cờ đề đại tướng Tào Nhân
          Cử thập vạn hùng binh khiêu chiến.
          Lưu Bị: Một trận đã tan bày kiến
          Hai phen (còn) dám đến hang hùm
          Xuống lời hỏi quân trung
          Hà nhân lai trận thượng 14

          Trương Phi:

          Úy a! Phủ chưởng, phủ chưởng
          Hoan tình, hoan tình 15
          Xinh a, ha ha
          Trương tam đệ nguyện dương thần võ
          Phen ni Đáo trận tiền diễn diệt Tào binh 16
          Quan Công: Tam đệ hưu dương phấn lực
          Thử hành khả nhượng cho nhị huynh đã ma
          Dạ dạ Nguyện đề nhất lữu chi bình
          Trực thủ Tào Nhân chi quách cho 17

          Từ thứ:

          Quan, Trương nhị tướng quân!
          Vật khả khinh địch, khinh địch
          Thính ngã phân binh, phân binh cho mà nghe 18
          Khách Triệu Tướng Quân nghe dặn à
          Ngũ bách tinh binh, tiên phong ấn Triệu Vân xuất trận 19

          Triệu Tử Vân:

          Thưa vâng
          Khách Ngất chi tiền đạo, ngũ bách quân nghe ta dặn
          Tân dã đồn tiểu tướng giao binh 20

          Từ Thứ:

          Nấy cho

          Triệu Tử Vân:

          Phụng mạng!

          Từ Thứ:

          Quan tướng quân nghe dặn…
          Khách
          Quan tướng đề binh, hậu lộ hướng Phàn Thành tập thủ 21

          Quang Công:

          Phụng mạng!

          Từ Thứ:

          Tương tướng quân nghe dặn:
          Khách
          Trương Phi chỉnh lữ, phục binh lai giang thượng giao phong 22

          Trương Phi:

          Phụng Mạng!

          (Hạ)

          Từ Thứ:

          Bẩm Chúa công!
          Thần dữ Chúa công
          Thổ sơn khán trận 23
          (Đồng hạ)

          Quân của Quan Công: Bài gia ban
          Chỉnh hùng binh, chỉnh hùng binh
          Giương hổ lữ, giương hổ lữ
          Tùng hậu lộ phân binh
          Hướng Phàn Thành tập thủ 24

          Quan Công:

          Khách
          Viên môn xuất mã biệt Tân Thành
          Thống lãnh tỳ hưu, đoạt đạo hành
          Tập thủ Hàn thành quy Hán thất
          Bát giao (giáo) tắc bối tự tung hoành 25

          Trương Phi: Trương Phi tính hỏa liệt
          Quân sư hảo mật sai
          Xin a hả hả…chư tướng ngghe dặn à
          Tùng kỉnh lộ sát lai
          Đáo hà biên mai phục mau mau đi
          Khách Khâm thừa tướng lệnh thiết kỳ binh
          Trực đáo hà biên chiếm tặc hình
          Chư tướng nghe dặn
          Cứ hiềm tàng quân, văn pháo hướng, tứ phương tịnh khởi
          Hoành mâu đãi địch, triệt tiền đồ, lưỡng lộ giao chinh. 26
          (Hạ)

          Quân Triệu Tử:

          Gia ban
          Thừa tướng lệnh, thừa tướng lệnh
          Thiết kỳ binh, thiết kỳ binh
          Tào Nhân lai xâm cảnh
          Vương sư xuất hữu danh 27

          Triệu Tử Vân: Khách
          Đề thương xuất trận khí lãng không
          Đáo thử nam nhi thỉ vị hùng
          Khiếu nề gian đồ tu khí giáp
          Thường sơn Triệu tướng tự thân cân 28
          (Hạ)

          Tào Nhân:

          Hiệu cờ để tỏ rõ
          Thường Sơn Triệu Tử Vân
          Triệu Tử Vân, người về thưa cùng Lưu Bị cho rõ
          Rằng Đại tướng Tào Nhân
          Nhắn Lưu Hoàng xuất trận

          Triệu Tử Vân:

          Trận trước phút đà vỡ mật
          Phen này khen cũng cả gan
          Tay mỗ động thương vàng
          đầu ngươi treo mũi bạc

          (Khấu, Tào Nhân trá bại, Triệu Tử truy, Tào Nhân lại ra)

          Dữ ngã trận môn giao chiến
          Khán tha phương pháp tối tinh
          Chừ thôi thời
          Tứ hướng phục kỳ binh
          Bát môn khai đại trận 29

          (Tào Nhân lập trận “bát môn Kim Tỏa” rồi vào cửa snh dụ Triệu Tử Vân vào trận đồ, Triệu Tử lâm trận,. Từ Thứ đang đứng trên thổ sơn gọi Triệu Tử)

          Từ Thứ:

          Ớ, Triệu Vân tướng quân, nghe đây này
          Trận danh “Kim Tỏa”
          Môn hữu sanh khái
          Tùng Tây Nam giác lộ sát lai
          Trung vô chủ, khán tha loạn xuất 30

          (Triệu Tử Vân theo lời dạy, phá trận đánh bại Tào Nhân, Triệu Tử truy theo Lưu Bị không cho)

          Lưu Bị:

          Tào tặc đã kinh tâm bại Bắc
          Quân mã đều tán thủ vọng Đông
          Hạ lệnh giữ quân trung
          Thâu can qua hồi trại 31

          (Đồng hạ)

          Ông chài: Lánh ngọn chèo đủng đỉnh sông Tương
          Gieo tay lưới nghêu ngao dòng bích (mụ hà)
          Nam
          Dòng bích mụ chèo tôi thả
          Nước vừa chừng tăm cá le the

          Mụ chài: Ớ ông chài ơi, tôi có nghe thiên hạ người ta nói rằng:
          “Tử phi ngư, yên tri ngư chi lạc” 32
          Nam
          Cái mừng đặt nước xo xe
          Vì chẳng khác như hai vợ chồng ta đó ông à
          Trăng lau mến thú, ngơ bề lợi danh

          Ông chài:

          Yêu cảnh vẻ vời văn đại khối 33
          Giang hồ lai láng đất ngư ông
          Nước lên ròng mặc thế phập phồng
          Thuyền trôi nổi dầu ta thong thả
          Nam
          Thong thả cười may cợt nước
          Một chữ nhàn nửa phước nửa duyên

          Tào Nhân: (Chạy đến bờ sông thấy ông chài gọi)

          Đại khiếu ngư thuyền, ngư thuyền
          Tốc lai cứu ngã, cứu ngã với nào 34

          Ông chài: Việc chi nên vôi vã?
          Mụ ơi, vậy thời…
          Qua rước đó làm ơn
          Âu là Day thuyền tại thủy tân
          Đưa người qua giang khẩu 35

          (Thuyền ra giữa sông, nghe có tiếng quân reo. Trương Phi đuổi theo)

          Ớ mụ, ớ mụ
          Phản trạo, phản trạo 36

          Tào Nhân: Đình thuyền, đình thuyền đã nào
          Tẩu Tương tế cấp thời chân hảo ý 37

          Ông chài:

          Không biết, không biết
          Tẩu Bất can kỷ sự mạt đương đầu 38

          (Trương Phi đến gặp Tào Nhân)

          Trương Phi; Dục Đức tại thử tại thử
          Tào tặc nan đào, nan đào

          (Khấu, Tào Nhân nhảy xuống sông)

          Nó nhảy xuống sông rồi, à có chiếc thuyền đây, âu là
          Cấp hạ khinh thuyền
          Truy tha cuồng khấu 39

          (Chèo thuyền rượt theo Tào Nhân)

          Ông bà chài:

          Tẩu
          Tiền lộ hữu duyên, nhữ phi nhữ, Nam khả, Bắc khả
          Chết đi trời hỡi trời
          Ngư ông hà dự, tri bất tri, Hán gia, Sở gia 40

          (Hạ)

          Tào Nhân:(Bơi)
          Tẩu Dượt lảng lăng ba, vô nại, vô nại 41

          Trương Phi:

          Tẩu
          Đố mày, đố mày
          Cùng sơn kiệt thủy, bất dung, bất dung. 42

          (Tào Nhân đoạt thuyền, hất vợ chồng ông chài xuống nước)

          Tào Nhân:

          Dĩ đoạt đắc ngư châu
          Bạt thuyền vu giang ngạn 43

          (Chạy về thành gọi quân mở cửa)

          Bớ môn quân!
          Đô đốc dĩ hồi quy
          Khai thàn môn tiếp ngã 44

          (Không nghe quân trả lời, thấy cờ Quan Công đã chiếm thành)

          Chao ôi ! Thời thất lợi, thời thất lợi
          Vận tao nguy, vận tao nguy
          Phàn thành kim dĩ thất, dĩ thất
          Âu là… Tòng sanh lộ đào quy, đào quy
          (Hạ lại ra)
          Dĩ bất kiến binh truy rồi nọ
          Vọng cố đô mã phản.
          (Hạ)

          Tào Tháo:

          Quyền phong Thừa tướng
          Mỗ hiệu Tào Công
          Thanh thế chốn triều trung
          Oai danh kinh viễn duệ
          Từ ngày khiến Tào Nhân lệnh đệ 45
          Ra Phàn Thành ngăn đảng hùng phong 46
          Ngày, đêm luống những đợi trông
          Hư, thực sao không tin tức

          Tào Nhân: (Trói mình vào)

          Dạ, Giai tiến đốn thủ
          Các hạ thằn thân 47
          Trấn Phàn Thành từ lãnh đại quân
          Đồn Tân Dã mong tranh thắng trạng 48
          Bởi đơn phước quân sư diệu toán
          Phá “bát môn Kim Tỏa’ trận đồ,
          Một mình tôi trận thượng trì xu
          Nó sai kẻ thành trung tập thủ 49
          Khi rứa chừ, tôi đây
          Tiến thối vô lộ
          Tiền hậu giai binh 50
          Nên chi Một mình kiếm chốn đào sinh
          Ba tấc xin nhờ miễn tử.

          Tào Tháo:

          Thắng bại thường sự
          Công quá tương đương
          Quân, giải tỏa
          Tha lệnh đệ Tào Nhân
          Hồi dinh trung giải đáp (Tào Nhân hạ) 51
          Bát môn nọ dùng đà phải pháp
          Đơn phước nào nghe cũng lạ tên
          Luận tướng tài bậc ấy dư nên
          Mưu sĩ! Hỏi mưu sĩ ai từng biết gã.

          Trình Dục:

          Dạ, dạ
          Tên kia tuy lạ,
          Gã ấy từng nghe
          Thuở thanh xuân cung ngựa riêng nghề
          Nhơn đại nạn bèo mây xa dấu
          Cùng Thủy Kỉnh tiên sinh kết nghĩa 52
          Ngụ Dĩnh Châu, Tự Thứ là danh
          Giã Đơn Phước đào sinh
          Cùng Lưu Huyền kết nghĩa
          Tân Dã tuy vầy ngư thủy
          Dĩnh Châu bận nỗi thần hôn
          Chừ thôi thời
          Dụ mẹ chàng tới chốn dinh môn
          Nhắn nhà gã bảo về tướng phủ
          Tên mẹ dầu nghe tỏ rõ
          Lòng con chi khỏi chàn ràn
          Dẫu gã chẳng thúc thủ lai hàng
          Thời chàng cũng vô tâm trù hoạch cho Lưu Bị nữa
          Thưa thưa
          Thử vị thượng sách
          Thỉnh lượng hạ tình
          Tốc sai tâm phúc mật hành
          Trực Đáo Dĩnh Châu Khiểm dụ 53

          Tào Tháo:

          Hay a
          Hảo tai Trình Dục
          Kế xuất Tử Phòng 54 giỏi a
          Tâm phúc quân, ông bảo
          Ghé tai tua khá dặn lòng
          Việc này thành công rồi ông thưởng cho
          Hết sức khuyên đừng ngại dạ nghe.

          Hổ Bôn Quân: Chẳng ra sức đá
          Sao biết tuổi vàng
          Vọng dinh môn bái biệt đại quan
          Triển thần lực sanh cầm lão mụ 55

          Tào Tháo:

          Nấy cho (Đồng hạ)

          Trình Dục:

          Khen Từ thị nên trang hiền liệt
          Gẫm lại mình cũng đấng trí mưu
          Trước dụ về kế ấy đã sâu
          Sau nghĩ lại mưu kia rất hợp
          Thời từ lúc Từ thị mắng nhiếc Thừa tướng, khi rứa người dạy chém mụ đi. Rồi tôi thưa cùng người xin lưu giam mụ lại đã. Nói cho mụ phải biết ơn tôi. Bởi rứa cho nên nhật thường thư lễ vãng lai.
          Từ thư tập tôi đà in thiếp 56
          Ngụy thư hành kế ắt thành công 57
          Kíp đà mật bẩm Tào công 58
          Chừ ta phải
          Sai kẻ đệ giao Từ Thứ
          Tâm phúc quân tốc khứ
          Tân Dã địa đáo lai 59
          Rằng nhạn thư Từ mẫu mật sai
          Tương ngư tín quân sư chiết khán 60
          Nghe dặn
          Ngôn từ cho cẩn thận
          Cử động phá quan phòng
          Lãnh tờ mây dầu đó tin lòng
          An việc nước con may ấm cật

          Tâm Phúc Quân:

          Vâng lời gang tấc
          Giữa dạ sắt đinh
          Tạ đại quan an tại bản dinh (doanh)
          Cho thần hạ trông chừng Tân Dã

          Trình Dục:

          Nấy cho (Đồng hạ)

          Từ Thứ: Tân Dã từ ngày hội ngộ
          Dĩnh Châu chạnh nỗi thần hôn
          Bướm Trang Sinh lơ lửng mộng hồn
          Chim Thục Đế não nùng oán mộ
          Mẫu thân ôi!
          Già lụm cụm tuyết sương mấy độ
          Con lãng sao xung ngựa bốn phương
          Biết sao cho mẫu tử nhất đường 61
          Vậy mới gọi hiếu trung lưỡng lập 62

          Quân:

          Dạ cúi thưa qua trướng hạ
          Xin tỏ nỗi tình trung
          Có Từ mẫu thư phong
          Trình quân sư khai khán

          Từ Thứ:

          Úy a
          Hồ trướng mang còn bàn bạc
          Ngư thơ bỗng tiếp phong vàng
          Xinh a, lai nhơn
          Ngươi khá vào tư viện nghỉ an (Quân hạ)
          Thưa thưa
          Cúi đầu lạy mẫu từ khương cát
          (Mở thư mẹ xem đọ thư)
          “Tờ mây một bức
          Nỗi nước trăm đường
          Con trẻ từ dời gót ngọc
          Mẹ già luống chịu đêm sương
          Một trẻ đã xa chơi tiên cảnh
          Từ Khương, con hỡi Từ Khương” 63
          Ối mẹ mẹ ơi!
          Rủi ro chi xiết nỗi em
          Quạnh quẽ càng đau dạ mẹ, em, em ơi!
          Đọc thư
          “Nghe rằng, con giúo họ Lưu nên tài hữu dụng
          Mỗ phút, xui cho ngươi Tháo đem dạ bất lương
          E con trẻ lập công Tân Dã
          Úy chao ôi!
          Bắt mẹ già tù cấm Hứa Xương…”
          Mẹ ơi!
          Con xiết chi nỗi bi thương
          Mẹ chịu trăm đường thê thảm mẹ, mẹ ơi!

          (Lại đọc thư)

          “Duyên là cá nước
          Tình vốn thịt xương
          Thủ tín, này thư Từ mẫu
          Hiên môn gửi lạy Thúc hoàng
          Mau từ Chúa phăng phăng đường nhạn
          Luống trông con vòi vọi đêm trường
          Cát can trường, cát can trường
          Lưu ngọc lụy, lưu ngọc lụy
          Những tưởng con vầy ngư thủy
          Nào hay mẹ chịu phong trần
          Ngưỡng quý thiên, phủ tạc nhân
          Đặc ư trung, thất ư hiếu...mẹ ơi
          Ngâm Nhân tình ta điên đảo
          Thế sự tối đa mang
          Ái a… Trung hiếu lưỡng kiên, lưu khứ thủ trung đo bất dị
          Cù lao cửu tự, vân sơn hồi thủ cánh như hà 64
          Nhất thiên phương tròng mắt xa xa
          Chúa công ơi!
          Thiên tải hội, tấc lòng quặn quặn 65
          Như tôi chừ!
          Đắc thất dễ thanh thời vận
          Khứ lưu thêm tủi sự tình
          Chi nữa Tới trướng tiền ngõ đặng bẩm minh
          Từ các hạ toan bề quy khứ
          (Hạ, lại ra)


          Từ Thứ: (Quỳ)

          Dạ!
          Lưu Bị Vậy chớ…, cớ chi mà
          Thương tâm đề sự?
          Lụy nhãn giao thùy
          Bị tâm thậm hồ nghi
          Quân sư tự giải thuyết 66 cho Bị nghe thử nào?

          Từ Thứ:

          Dạ!
          Bỡ ngỡ không lời phân thuyết
          Ngập ngừng bày nỗi trước sau
          Vì mẫu Từ mắc phải mưu sâu
          Có thơ tín xin nhờ lượng cả

          (Trương Phi tiếp thư đưa Lưu Bị xem)

          Thơ trung khán quá
          Tâm nội sinh nghi
          Có đâu việc trá khi
          Sinh ra điều thắc mắc
          Mần rứa quân sư? Thơ chăng là thơ của Từ thị gửi cho Từ Thứ, can chi quân sư phòng rơi lụy? Vả Từ Thứ cùng Bị chăng là…Chưa biết mặt
          Mà trong thơ lại có…ờ…ờ
          Lòng hỡi nghi lòng
          Chưa tỏ nỗi tình chung
          Dám xin bày ý hạ…cho Bị nghe thử nào?

          Từ Thứ:

          Dạ!
          Thủy chung xin tỏ dạ
          Sau trước dám bày lời
          Ngũ Dĩnh Châu, Từ Thứ là tôi
          Giả Đơn Phước, Tân Thành gặp Chúa

          Lưu Bị:

          Nói vậy Từ Thứ cũng là quân sư, Đơn Phước cũng là quân sư, cam khổ chưa, quân sư không nói trước cho Bị hay, chừ quân sư hà liệu?

          Từ Thứ:

          Dám bẩm Chúa công:
          Con khoan khoái lo phần thủy thổ 67
          Mẹ hắt hiu mến thú gia hương
          Ai ngờ Kế Tào man bắt tới Hứa Xương
          Nên chi Thư lão mẫu gởi sang Tân Dã
          Tình mẫu tử tấc lòng giục giã
          Nghĩa khứ lưu hai chữ chàn ràn
          Dễ muốn chi chim trời cá nước cách hai phương
          Cực vì nỗi chỉ thắt tơ vò trong chín đoạn.
          Chúa công ơi!

          Lưu Bị:

          Huống giã Vĩnh thán
          Hồ vi ký nhiên 68
          Rồng mây Bị khéo vô duyên
          Cả nước người thêm tủi phận
          Nhị đệ, tam đệ
          Tình mẫu tử người đà cẩn khẩn
          Nghĩa khứ lưu ta phải cầu quyền
          Chư khanh!
          Truyền chư khanh thiết hạ yến diên
          Minh nhật tống quân sư thượng lộ 69

          Trương Phi:

          Thưa, khoan đã. Thưa đại ca, hãy cầm quân sư ở lại
          đặng cho Phi thưa cùng quân sư một đôi điều, họa
          may có mưu kế chi cứu lão bà. Nếu để quân sư về,
          Phi thương, Pho nhớ quân sư lắm, ca ca ơi!
          Phi tuy rằng chất lỗ
          Song cũng biết hiếu trung
          Như thằng Tào man nó bắt lão bà là…
          Tào man chi kế xuất ư cùng 70
          Còn như thư của lão bà gởi cho quân sư là
          Mẫu thị chi thư nghi thị bức 71
          Phi xin tới nhung thành đối địch
          Bảo chúng đem lão mẫu tống hoan
          Nấu quân sư lưu khứ thông mang
          E sợ nữa sự cơ thố ngộ 72 chớ chẳng không

          Quan Công:

          Thủ thư túc cứ
          Con như quân sư chừ
          Tâm sư khả liên 73
          Ta muốn cho tôi chúa đoàn viên
          Người chi khỏi mẹ con ly biệt
          Mà Tam đệ cầm quân sư ở lại, thôi để cho quân sư ngài lên đường.

          Từ Thứ:

          Tiêu hồn hữu biệt
          Bất ngộ giả thiên 74
          Chúa công ơi!
          Rượu tương tư nửa chén nghiêng triền
          Lời tâm ước vài câu dan díu
          Nam Dan díu cạn lời chung thủy
          Tạ Chúa công, khanh, sĩ dời chân

          (Hạ)

          Lưu Bị:

          Chư tướng!
          Các các tùy tùng
          Trường đình tiễn biệt 75
          (Hạ lại ra)

          Lưu, Quang, Trương:

          Đồng tâm huynh đệ
          Tiễn biệt quân sư
          Quân sư ơi! Thiên nhai hải giác ký tương tư
          Bích thủy xuân hoa ngâm biệt cú 76
          (Ngâm)
          Nhất chước ly bôi tống tử hành
          Cô sầu ám ám lụy thùy linh

          Từ Thứ: Ngâm:

          Chúa công ôi!
          Kim bôi ngọc dịch hà kham thưởng

          Lưu, Quan, Trương:

          Ngâm:

          Quân sư ôi!
          Bắc nhạn, Nam hồng tối khả liên 77

          Từ Thứ:

          Non chập chùng nghĩa chúa
          Nước lai láng lòng tôi
          Phút gặp gỡ, phút chia phôi
          Hay nhân tình, hay thế sự
          Nam Thế sự nhân tình khéo khéo
          Với hỏi người toàn hiếu, toàn trung?

          Lưu, Quan, Trương:

          Lộ viễn vân thiên lý
          Hồn tiên tửu nhất chi
          Mẫu tử chi tình, quân ý nhiệt
          Giang sơn cựu ước ngã tâm vi 78
          Nam Ngậm ngùi kẻ ở người đi
          Tình ly tơ vướng, chén ly lụy dầm.

          Từ Thứ:

          Nam Bớt cơn sầu cúi đầu từu tạ
          Hòa họ… Giục vó lừa quày quả dời chân
          (Hạ)

          Lưu Bị:

          Nguyên Trực!
          Nguyên Trực khá hỉ
          Ngô tương nại hà? 79

          Trương Phi:

          Ớ chư tướng, chư tướng!
          Cấp thượng sơn a
          Diêu diêu tống bộ 80
          (Đồng thượng thổ sơn…nhìn theo Từ Thứ)

          Từ Thứ:

          iền lộ khứ ngô khứ
          Bàn nhân tri bất nhân
          Diêu vọng Hứa Đô tâm áo não
          Hồi đầu Tân Dã lụy lâm ly 81
          Nam Lụy lâm ly nửa đi, nửa ở
          Nặng chút tình vì nợ quân thân
          Mãng bận tình lưu khứ
          Đà quên sự thủy chung
          Đồ trung tưởng khi Ngọa long
          Gia Cát nên tài phụ phụng 82
          Ngưới có lòng thiện dụng
          Ta há dễ vô tình
          Ờ phải phải…
          Gấp trở lại trường đình
          Ngõ bày lời trung khúc .
          ( Hạ)

          Trương Phi:

          Bóng ngựa vừa qua thốc thốc
          Dáng người trở lại xăm xăm
          Thưa đại ca!
          Phi nghĩ lại đã nhằm
          Quân sư đi đà chẳng dứt đó đại ca

          Lưu Bị:

          Tam đệ!
          Việc chưa tường hư thực
          Xem thấy bỗng sinh nghi
          Chư tướng!
          Áng mã nghinh chi
          Vãn lai đề sự 83
          (Đồng hạ, lại ra)

          Trương Phi:

          Nhấp nhpán vừa trông bóng ngựa
          Vội vàng dáng trở đường de
          Nhộn nhàng chi xiết mừng ghê
          Thưa thưa…
          Sau trước trình bày hư thiệt?

          Lưu Bị:

          Mần răng mà quân sư trở lại?

          Từ Thứ:

          Ngã tâm chính nhiệt
          Hảo sự cơ vong
          Đồ trung tưởng khi Ngọa Long
          Đình Bắc hân nhiên phản mã 84

          Trương Phi:

          Hốt văn thuyết quá
          Bất giác hoan sinh 85
          Xinh a, tưởng là quân sư không biết ông Khổng Minh Gia
          Cát, chớ quân sư đã biết thời quân sư gửi thư cho thằng Tào
          Tháo, khiến nó rước ông Khổng Minh về làm quân sư cho nó. Còn quân sư ở lại bên này cùng ca ca ta, mần rứa là…
          Thị lưỡng đắc kỳ tình
          Chớ quân sư mà về, tôi e lắm
          Khủng nhất phiên ngộ sự 86 chớ chẳng không.

          Lưu Bị:

          Ai kia chứ như ông Khổng Minh Gia Cát
          Tằng văn thử xứ
          Nan kiến kỳ nhân lắm ma
          Hà do viễn trí ân cần
          Cảm khất phân tường áo uẩn 87 cho Bị nghe thử nào?

          Từ Thứ:

          Dạ dám bẩm Chúa công! Như Ngọa long tiên sinh này là
          Cửu hỉ tâm trung hữu Hán
          Đoạn nhiên mục hạ vô Tào
          Hung tàng tam lực lục thao
          Danh mãn cửu châu tứ hải đó mà 88
          Xin Chúa công hết lòng thiện đãi
          Thời Khổng Minh đành dạ hồi quy
          Thưa thưa
          Cậu đắc sĩ thường ghi
          Xe nghinh hiền mựa trễ

          Lưu Bị:

          Còn phần quân sư chừ tính sao?

          Từ Thứ:

          Như tôi chừ:
          Nông nả vì thương nỗi mẹ
          Lỡ làng cam lỗi đạo tôi
          Giữa lộ đồ lời đã cạn lời 89
          Từ các hạ bước xin dời bước
          (Hạ)

          Lưu Bị:

          Phiến ngôn tài lãnh lược
          Để ý thậm ân cần
          Quân sư à!
          Nam Biết sao trong đạo quân thần
          Thủy ngư tái hội, phong vân nhất đường






          Quân sư đà trực chỉ Hứa Xương
          Huynh đệ cấp phản hồi Tân dã
          Cùng Nam
          Tân Dã một đoàn quày quả
          Quân sư ôi!
          Lụy hai háng lã chã châu rơi
          Chư tướng!
          Vọng chinh trần bái biệt hiền nhân
          Trạch cát nhật lễ nghinh xao sĩ
          Cùng khách
          Vạn kim bửu kiến tàng thu thủy
          Mãn mã xuân sầu chức bố yêng
          Thế phụng tường lân nhân võ tế
          Bích vân hương thảo mộng hồn biên 90

          HẾT
          ______________________________
          1. Non bình: Tức núi Ngự Bình (Bình Sơn) ở Huế. Vườn mậu: Gốc từ chữ “Mậu lâm” (rừng xanh tốt) khu rừng dành riêng cho vua chúa ăn chơi. Hai câu này chỉ cảnh tượng thái bình.
          2. Theo một lệnh qua sông gây chiến tranh.
          3. Bả Trạo: Quân cầm cheo (thủy thủ)
          (Bài gia ban): ban đêm qua sông phía Nam. Hơi nước sông bốc lạnh, mây bủa trên sông dày đặc. Bóng cờ xao theo lượn sóng.
          4. Thệ thanh: thề quét sạch.
          5. Duyềnh quyên: Duyền: đầm, vịnh. Quyên: dòng nước trong.
          6. (Bài gia ban): Mây thưa thớt, nước xanh xanh. Cánh buồm xuôi theo gió. Xa trôngmé sông. Khí lạnh lui, sóng cũng êm dần
          7. Ngàn sâm: Chóp lông cắm ở đầu ngọn cờ thêu hình sao Sâm
          8. (Bàn gia ban): Ủa mái chèo lao vào lượn sóng. Tiếng sóng rền sông xa, giăng ngang thuyền trên sông cùng chè chén. Chuẩn bị hát khúc khải hoàn.
          9. Tiêu ma phân tiết: Tiêu sạch mọi thứ dơ bẩn.
          10. Đã đến đồn Tân Dã, đậu thuyền tại bờ sông.
          11. Tự thử chí tư: Từ ấy đến nay.
          12.Hống tống: Chiến thắng vang dội.
          13. Vức trung: Trong nước.
          14. Ai ra trận.
          15. Vỗ tay, vỗ tay, vui sướng.
          16. Diễn diệt Tào binh: Tiêu diệt quân Tào trong chớp nhoáng.
          17. Chú ba khỏi nhọc sức, trận này nhường lại cho anh hai, chỉ cần một cánh quân ra trận là lấy ngay đầu tên Tào Nhân.
          18. Chớ xem thường (kẻ thù) nghe ta chia binh đây.
          19. Triệu Tử Vân lãnh ấn tiên phong ra trận với năm trăm quân tinh nhuệ.
          20. Là cánh quân tiền đạo, tiểu tướng đánh trận Tân Dã đồn.
          21. Cánh quân của Quan Công đánh bọc ngõ sau tập kích chiếm giữu Phàn Thành (căn cứ quân của Tào Nhân).
          22. Cách quân của Trương Phi thì đậu đó sẵn sàng mai phục đánh địch trên sông.
          23. Còn tôi và chúa công (Lưu Bị) lên núi đất xem xét mặt trận.
          24. (Bài gia ban) Rập binh hùng, tung quân hổ, lên đánh bọc phía sau, tập kích chiếm Phàn Thành.
          25. Cửa tướng ra trận, tạm biệt thành Tân Dã, chỉ huy cánh quân mạnh, hành quân nhanh chóng. Tập kích chiếm Phàn Thành đem về cho nhà Hán. Không để cho giặc Tào tự ý ngang dọc.
          26. Tính Trương Phi nóng nảy, quân sư giao nhiệm vụ bí mật. Theo đường tắt nhanh đến mé sông mai phục. (Khách): Vâng lệnh nhà tướng chỉ huy cánh quân. Thẳng đến mé sông chiếm giữu địa hình đánh giặc. Giấu quân nơi hiểm yếu nghe pháo hiệu bốn mặt xông ra. Day ngang mũi giáo đợi giặc đến, cắt đường phía trước, hai mặt xáp lá cà.
          27. (Bài gia ban): Vâng lệnh tướng, chỉ huy quân, đánh bọn Tào Nhân đến xâm lấn bờ cõi, quân ta ra trận với danh nghĩa ấy.
          28. (Khách): Cầm thương ra trận, khí thế bừng bừng, làm trai có được như vậy mới gọi là bậc anh hùng. Bảo lũ gian tham tự bỏ vũ khí , có tướng họ Triều ở Thường Sơn đích thân xuất trận.
          29. Cùng ta đánh nhau ở mặt trận, thấy ngón thương của hắn rất giỏi, phải phục binh bốn phía mở thế trận tám cửa.
          30. Tên trận này là Kim Tỏa, có chừng cửa rút lui, phải đánh từ góc phía Tây nam tới, chính giữa không người, xem chúng nó tháo chạy tán loạn.
          31. Tên giặc Tào Nhân đã mất hồn chạy về phía Bắc (Bắc Ngụy, phần đất của Tào Tháo) còn bọn tàn quân thì hoảng hốt chạy loạn xạ về phía Đông. Hạ lệnh cho các cánh quân thu hết về doanh trại.
          32. “Tử phi ngư, yên tri ngư chi lạc”: ngài không phải là cá làm sao biết được niềm vui của cá. Theo cụ Tống Phước Phổ thì hình như trong một vỡ diễn cũ đoạn này có chi tiết như sau:
          Mụ chài: Ớ ông chài ơi! Ông coi coi “ngự lạc” (nghĩa là: cá đang vui)
          Ông chài: Đã lạ chưa “Nhữ pji ngư yên tri ngư chi lạc?” (nghĩa là: bà không là cá, sao lại biết được cá vui?)
          Mụ chài: Ông nói mới là lạ chớ “tử phi ngã yên tri bất ngã tri ngư chi lạc” (nghĩa là: ông không phải là tôi, sao biết tôi không biết được niềm vui của cá) kế hát Nam. Như vậy tác giả sử dụng trọn vẹn mẫu câu triết lý của Trang Tử vào đây.
          33. Yên cảnh: cảnh mây khói.
          Văn đại chương: văn chương của trời đất gốc từ câu văn của Lý Bạch “Mùa xuân mở ta xem cảnh mây khói, trời đất cho ta mượn văn chương”.
          34. Cả kêu thuyền đánh cá mau mau đến cứu ta.
          35. Thủy tân: mé sông. Giang khẩu: cửa sông.
          36. Thản trạo: chèo quay thuyền lại.
          37. Tương tế cấp thời chân hảo ý: cứu nguy lúc gấp rút mới thật là tốt bụng.
          38. Không dính líu gì đến việc ấy nên khong đưa đầu ra hứng chịu.
          39. Có Dục Đức (tức Trương Phi) ở đây, giặc Tào khó trốn thoát, mau xuống chiéc thuyền con đuổi theo tên giặc dữ.
          40. Tẩu: may thay chặng đường trước của đời ta, thắng hay bại mặc các ông muốn Nam, muốn bắc gì cũng được.
          Ông chài nào có quân hệ gì đến việc này, chả cần biết nhà Hán có nhân, hay nước Sở độc ác.
          41. Hụp sóng lặn nước ta cũng chẳng quản.
          42. Non cùng nước cạn ta cũng chẳng tha.
          43. Đã cướp đượ thuyền câu, cập thuyền vào bờ sông.
          44. Ớ quân giữu cửa thành, đô đốc đã trở về, mở cửa thành ra đón ta.
          45. Viễn duệ: vùng ở xa; lệnh đe: em ta.
          46. Hùng phong: ong dữ
          47. Cúi đầu trước bệ, trói mình dưới ngai.
          48. Thắng trạng: phần thắng.
          49. Trì xu: xông pha, lui tới. Tập thủ: tập kích chiếm giữu.
          50. không đường lui tới, quân đầy trước sau.
          51. Cho về dinh cởi giáp.
          52. Thủy Kỉnh: tức Tư Mã huy, danh sĩ cùng thời với Gia Cát lượng và Từ Thứ.
          53. Đây là mưu hay, xin xét đến kẻ dưới, mau sai người tin cậy bí mật đi đến Dĩnh Châu để phỉnh lừa dụ dỗ. Khiểm dụ: phỉnh dụ.
          54. Giỏi thay trình dục, kế như tử Phòng.
          55. Sanh cầm lão mụ: bắt sông bà già.
          56. Từ thư tập: tập viết theo chữ trong trong thư của bà Từ (mẹ Từ Thứ gửi đến cho trình Dục). In thiếp: giống như kiểu đồ “thiếp´(kiểu chữ mẫu).
          57. Ngụy thư hành: làm thư giả.
          58: Kíp: đã từng.
          59: Quân tin cậy mau đến đất Tân Dã.
          60. Ngư tín: tín cá. Chiết khán: mở xem.
          61. Mẫu tử nhất đường: mẹ con ở một nhà.
          62. Hiếu trung lưỡng lập: hiếu và trung hai mặt đều được vẹn toàn.
          63. Từ khương: em ruột của Từ Thứ.
          64. Than ôi, tình người đảo lộn, chuyện đời lắm rắc rối, hai vai gánh trung và gánh hiếu, trong việc đi ở đều không dễ, chín chữ khó nhọc (công lao mẹ sinh) như mây núi, ngẩng đầu nhìn không biết tính sao đây?
          65. Nhất thiên phương: một góc trời xa. Thiên tái hội: cuộc gặp gỡ ngàn năm.
          66. việc gì mà đau lòng, nước mắt liên tiếp rơi, lòng Bị còn nghi ngờ, quân sư tự nói cặn kẽ.
          67. Thủy thổ: đất nước.
          68. Tình cảnh này mãi than, biết làm sao bây giờ.
          69. Ngày mai tiễn quân sư lên đường.
          70. Kế của tên mọi Tào đã cùng đường.
          71. Bức thư của mẹ ngài e đã bị bức phải viết.
          72. Thố ngộ: sai lầm, tai ương
          73. Bức thư tay này đủ chứng cơ, tâm sự đáng thương
          74. Nỗi biệt ly nào cũng đều đau xót, việc không thể cùng nhau được là do trời khiến.
          75. Mọi người đều đi theo đến trường đình để tiễn đưa.
          76. Góc biển chân trời ghi sâu nỗi nhung nhớ.
          nước biếc hoa xuân cùng ngâm bài thơ tiễn biệt.
          77. Rót chen rượu chia ly tặng người lên đường, nỗi sầu cô đơn nặng nềm, nước mắt rơi lã chã. Chén vàng rượu ngọc làm sao uống được nữa. Cánh nhạn phía Bắc, chim Hồng phía Nam thật thảm thương.
          78. Ngàn dặm tấm mây xa, một chén rượu đau lòng, ngài đang nóng lòng về tình mẹ con. Lời thề núi sông của chúng ta đã có sự đổi đời.
          79. Nguyên Trực (biệt hiệu của Từ Thừu) đã đi rồi ta biết làm sao bây giờ.
          80. Lên gấp trên gò, dõi theo đưa đường.
          81. Đường trước ra ra đi. Mọi người biết cho chăng. Nhìn tới kinh đô Hứa Xương lòng não ruột. Ngoảnh đầu lại trông về Tân Dã sa nước mắt.
          82. Giữa đường nghĩ đến Ngọa long Gia Cát đáng bậc giúp nước (cho Lưu bị).
          83. Dừng ngựa để rước, hỏi lại việc này.
          84. Lòng tôi đang sốt ruột nên quên nói chuyện hay. Giưũa đường chợt nhớ tới oong Gia Cát, nên đang về bắc (Ngụy) vội vã quay ngựa trở lại.
          85. Thật là thích thú, thình lình sinh vui.
          86. Cả hai đều được việc, e một phen gặp nạn.
          87. Từng nghe ở đấy: Chưa thấy được người. Cớ sao có sự ân cần lo lắng ấy. Dám xin trình bày khúc nói nghe thử.
          88. Từ lâu trong lòng chỉ có nhà Hán. Chứ dưới mắt (ông ta) không có tên Tào Thjáo. Bụng chưa sáu ba thao lược (mưu trí thao lược cính trị). Tiếng tăm khắp chín châu bốn bể.
          89. Từ câu này đến hết vở, chùng tôi căn cứ vào bản chép tay của bà chi Tiên vì trong bản Hán Nôm của ông Phan Hiền về đoạn tuồng này ngờ rằng người sau thêm vào chứ không phải của nguyên tác. Bản ông Phan Hiền chép:
          “……………………..đạo tôi
          Xin chúa công Tân Dã phản hồi
          Cho thần hạ Hứa Xương cử bộ
          Nam Cử bộ hai hàng lụy ứa
          Cũng bởi vì nghĩa chúa tình thân.
          90. Vừa nghe qua lời nói
          ý kiến rất tha thiết, hết lòng.
          Dõi theo dấu bụi đường mà từ giã người hiền
          Chọn ngày lành để làm lễ ước kẻ sĩ cao kiến.
          Gươm báu muôn vàng chứa trong nước màu thu
          Nỗi buồn mùa xuân đầm đầy lưng ngựa, dệt nên tấm vải lót yên
          Phụng đẹp cùng lân lành bên cạnh mưa nhàn
          Mây biếc và cỏ thơm quanh bên giấc mơ.

          #5
            tieuboingoan 03.06.2005 23:32:30 (permalink)

            Chèo bả trạo


            Chèo Bả Trạo một loại hình văn nghệ dân gian, vừa có tính phục vụ lễ hội, vừa giúp vui. Loại hình này có suốt cả chiều dài miền biển Trung bộ, từ Thừa Thiên đến Bình Thuận. Có nơi gọi là hát bả trạo vì chữ trạo có nghĩa là chèo rồi. Cũng có nơi gọi là há bá trạo, có nghĩa là trăm chèo. Dù gọi gì đi nữa thì hình thức cũng na ná như nhau. Một vài lần được xem chèo bả trạo ở các nơi khác, tôi thấy nó cũng giống như ở quê tôi.

            Gò bồi vùng sông nước, trước đây vào khoảng vài trăm năm thì 95% dân làng theo nghề đánh bắt cá, trước năm 1945 gần như năm nào cũng có chèo bả trạo vào dịp lễ tế thần ngư (ông Nam Hải). Bắt đầu là lễ rước nước. Một chiếc thuyền lớn được trang hoàng đẹp đẽ bằng lá đủng đỉnh. Những vòm cửa tròn được kết hoa, cờ xí rập rình, nhạc cử rộn rã. Trên thuyền có hương án, khói nhang nghi ngút. Các bô lão mặc áo thụng xanh đi rước lễ. Dù tổ chức lớn hay nhỏ thì hai bên cũng có hai hoặc bốn nghe ngo đi hầu. Ghe ngo là loại thuyền nhỏ, toàn bằng ván, được sơn đỏ. Mũi ghe có vẽ mắt ghe hoặc mắt hoặc đầu rồng. Mỗi ghe chừng 10 đến 16 người gọi là “con trạo” có người lái và người đứng mũi. Họ đội nón chóp đỏ, áo đỏ viền nẹp vàng, ngồi thành hai dãy, tay cầm dầm (chèo ngắn) người đứng mũi được hóa trang, có khi là ông Địa hoặc Tề Thiên đôi khi là mặt xanh, có lẽ đó là thuỉy thần. Người đứng mũi cất tiếng hô “ố là hò, hò khoan” này. Tất cả đều hát theo. Những mái chèo đồng loạt đưa lên chèo. Bài rước thần Nam Hải được hát như sau:

            Canh Thìn (1) ngày tốt,
            Tháng Mão mùng năm,
            Biển lặng trời thanh
            Rước thần sắc tải.
            Thần Ngư Nam Hải
            Cứu độ ghe thuyền
            Vượt khắp mọi miền
            Sóng to gió cả
            Chỉnh tu bát nhã
            Đưa đón âm linh
            Về cõi yên bình
            Thoát vòng khổ ải.

            Tiếng hát vang rền trên sông dứt một tiếng là tiếng hô “chèo lên chèo…” thật rập ràng. Bài hát có đầy khí phách như kêu gọi như Bài cầu nguyện cô hồn sau đây:

            Những người nghĩa khí
            Yêu nước tài ba
            Quốc loạn phải ra
            Liều mình cứu nước
            Người hy sinh trước
            để sống ngàn sau
            Gian khổ cùng nhau
            Tựu tề đông đủ
            Lòng thành nghĩa cả
            Một nén tâm hương
            Các đẳng mười phương
            Chứng minh chiếu giám

            Bài hát có khi không là bài vè mà là bài thơ bài văn cầu quốc thái dân an:

            Nay bổn Vạn, thập phương tiến lễ
            Kẻ phương xa, người gần trí tế
            Hiến lễ sơ cầu nguyện dân an
            Tấm lòng thành, hoa quả đèn nhang
            Cầu những ai đao binh tai nạn.
            Cơn nước loạn thân xã liều mình
            Người hồ hải sông nước linh đinh
            Cùng những kẻ ngư kình trước thay
            Hồ linh thiêng chứng giám về đây
            Đồng bái tạ, thượng hưởng, thượng hưởng.

            Bài khá dài, trên đây là mấy đoạn mà tôi ghi chép được của cụ Bửu thủ lạch vạn Gò Bồi.

            Sau mấy câu xướng là đám con trạo lại hô “chèo chèo”. Mặc dù không phải cuộc đua nhưng thuyền vẫn lướt nhanh nên sau khi ghe ngo vượt trước thuyền lễ chừng 50m, phải rẽ dòng quay trở lại. Ghe bên phải lại vòng sang bên trái và ngược lại. Ghe trạo vòng đến phía sau thuyền lễ, rồi lại tiếp tục. Hai bên bờ sông, nào người, nào thuyền, sõng lao xao đón xem với tấm lòng ngưỡng mộ. Thuyền đến Kim Đông, dừng lại. Nơi đây là gò Miếu, ngày trước là gò chôn người chết trên sông, ngày nay vẫn còn mang tên ấy. Nhạc tế lễ vang rền, vị bô lão chánh tế khấn, rồi múc một chén nước tượng trưng cho các vị thần: Ông Nam Hải, Hà Bá, Thủy Thần. Thuyền tấu nhạc rước sắc về lăng.

            Sau khi lễ xong, chính đám con trạo ghép thành cuộc đua thuyền. Tôi còn nhớ có một vài đám tang của hào phú, di chuyuển bằng đường thủy cũng tổ chức bá trạo để đưa người thân về nơi yên nghỉ cuối cùng.

            Mấy năm nay chỉ còn lệ đua thuyền vào mồng hai tết, còn chèo bả trạo thì không còn nữa. Những bài hát bả trạo dường như mai một. Nội dung bài hát bày tỏ lòng nguyện cầu quốc thái dân an, và cầu hương hồn những người vì nước hy sinh, vì nghề nghiệp đã chết trên sông nước. Tập tục chèo bả trạo mang tính gian dân, văn nghệ tự phát phục vụ cho lễ hội, mang tính nhân đạo, bày otỏ lòng thương xót với người đã khuất.

            ----------
            (1) Tùy theo từng năm mà thay đổi .
            #6
              Chuyển nhanh đến:

              Thống kê hiện tại

              Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
              Kiểu:
              2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9