Bệnh sốt xuất huyết – phần 1 Quỳnh Như, phóng viên RFA
Chuyên mục “Sức Khoẻ và Đời Sống” của Đài Á Châu Tự Do, phát thanh vào sáng Thứ Năm hàng tuần, do Quỳnh Như phụ trách. Chương trình “Sức Khoẻ và Đời Sống” mong kết nối các chuyên viên y tế trong và ngoài nước với thính giả của Đài, để đáp ứng nhu cầu mở rộng thông tin, tích lũy kiến thức y học của qúy vị, nhằm hỗ trợ qúy vị chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ.
Photo courtesy cdc.org
Loại muỗi Aedes aegypti mang siêu vi trùng bệnh sốt xuất huyết
Do thời tiết năm nay diễn biến phức tạp, nắng nóng, mưa nhiều trên diện rộng. Tất cả điều này làm cho dịch Sốt Xuất Huyết bùng phát không chỉ ở các tỉnh Miền Nam và cả ở Miền Bắc với số ca bệnh và tử vong tăng lên bất thường tại nhiều địa phương so với cùng thời gian này năm ngoái.
Chương trình Sức Khỏe và Đời Sống hôm nay đã mời Bác sĩ Nguyễn Quốc Quân đến trình bày với quý vị những thông tin cần biết cùng lời khuyên hữu ích của chuyên gia y tế về những bệnh có liên quan đến triệu chứng sốt xuất huyết nói chung, trong đó có cả bệnh Sốt Xuất Huyết do muỗi đốt gây ra thường thấy ở Việt Nam.
Bác sĩ Nguyễn Quốc Quân chuyên khoa nội, tốt nghiệp Đại Học Y Khoa Sài gòn trước năm 1975, và đã hành nghề y, trước khi tiếp tục việc học tại Hoa Kỳ. Ông hiện đang hành nghề tại tiểu bang Virginia (Hoa Kỳ). Bác sĩ Quân là chủ tịch và là thành viên của các tổ chức y tế và chính trị ở Miền Đông-Bắc Hoa Kỳ. Ngoài ra, Bác Sĩ còn tham gia nhiều chương trình y tế hỗ trợ cộng đồng.
"Sốt Xuất Huyết" và triệu chứng Quỳnh Như : Thưa, xin chào Bác Sĩ, cảm ơn Bác Sĩ đã đến tham gia với Chương Trình Sức Khoẻ và Đời Sống hôm nay. Trước hết xin Bác sĩ cho biết qua về chứng bệnh Sốt Xuất Huyết ạ.
BS Nguyễn Quốc Quân : Trước hết tôi xin chào cô Quỳnh Như và xin kính chào quý thính giả của Đài Á Châu Tự Do. Thưa cô, cụm từ "Sốt Xuất Huyết" không phải là để chỉ một bệnh mà là để chỉ những bệnh sốt gây ra bởi một số những vi khuẩn đặc biệt.
Điểm đặc biệt là các vi khuẩn này có thể gây tác hại đến ngoại phận của cơ thể, nhất là trên bộ máy tuần hoàn. Trong trường hợp bệnh nặng thì bệnh có thể gây nên xuất huyết ở da, ở dạ dày, ở ruột và đôi khi ở não. Vì thế bệnh có tên là Sốt Xuất Huyết.
Có 4 loại vi khuẩn gây ra bệnh Sốt Xuất Huyết, đó là arenavirus, filovirus, bunyavirus và flavivirus. Những vi khuẩn này sống, sinh sôi nẩy nở trong cơ thể các loài chuột, các loài côn trùng hút máu như là muỗi, dơi.
Và khi một người bị chuột cắn hay muỗi đốt, hay chỉ cần đụng chạm vào phân hay nước tiểu của các loài chuột, thì các vi khuẩn này có thể được chuyển sang người và gây bệnh.
Bệnh cũng có thể truyền từ người sang người nếu chúng ta gần gũi với người bệnh, tiếp xúc với các chất bài tiết của người bệnh như nuớc tiểu, tinh dịch, hoặc là nước dãi của người bệnh.
Điểm đặc biệt là các vi khuẩn này có thể gây tác hại đến ngoại phận của cơ thể, nhất là trên bộ máy tuần hoàn. Trong trường hợp bệnh nặng thì bệnh có thể gây nên xuất huyết ở da, ở dạ dày, ở ruột và đôi khi ở não. Vì thế bệnh có tên là Sốt Xuất Huyết. Trong những trường hợp nặng nhưng không được điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như là sốc, truỵ tim mạch, hoặc là hôn mê.
Quỳnh Như : Thưa Bác Sĩ, như vậy làm thế nào để biết là bệnh nhân mắc bệnh Sốt Xuất Huyết? Có các triệu chứng biểu hiện nào ra bên ngoài như là trên da chẳng hạn?
BS Nguyễn Quốc Quân : Tuỳ theo từng trường hợp, nhưng thường là trong hai hoặc ba ngày đầu thì bệnh nhân bị sốt cao độ đột ngột kèm theo các triêu chứng như là mệt mỏi, ăn không ngon, buồn ói, chóng mặt, đau nhức mình mẩy, yếu đuối và kiệt sức hết sức là nhanh chóng. Bệnh có thể trở nặng từ 3 đến 6 ngày sau với những triệu chứng như là xuất huyết dưới da với những đốm đỏ li ti hoặc là bầm tím, hoặc nặng hơn với những triệu chứng xuất huyết ở các bộ phận trong cơ thể như là mũi, miệng, dạ dày, hoặc là có thể ở não nữa.
Bệnh có thể trở nặng từ 3 đến 6 ngày sau với những triệu chứng như là xuất huyết dưới da với những đốm đỏ li ti hoặc là bầm tím, hoặc nặng hơn với những triệu chứng xuất huyết ở các bộ phận trong cơ thể như là mũi, miệng, dạ dày, hoặc là có thể ở não nữa.
Quỳnh Như : Bác Sĩ vừa cho biết là một trong những triệu chứng của bệnh này là sốt cao, vậy làm thế nào để phân biệt triệu chứng sốt cao ở bệnh Sốt Xuất Huyết và các loại bệnh sốt do bị cảm hoặc cúm gây ra?
BS Nguyễn Quốc Quân : Thường thường bệnh sốt xuất huyết thì nhiệt độ của nó cao hơn nhiệt độ của những người bị sốt vì cúm, thí dụ như là thường thường có thể nó đến 40-41 độ, trong khi bệnh cúm thường thường 38,5 độ đến 39,5 độ hoặc cùng lắm là 40 độ (bách phân).
Cái thứ hai nữa là có những triệu chứng khác, vì như chúng tôi đã nói bệnh sốt xuất huyết này nó làm tác hại đến tất cả các cơ quan trong người chứ không phải chỉ khu trú ở phần trên của phần hô hấp như là thường thường do các siêu vi trùng bệnh cúm gây ra, thành ra các triệu chứng nó có vẻ nặng hơn, thí dụ mệt mỏi hay đau nhức, cũng như là kiệt sức, nó nặng hơn là đối với lại những người bị bệnh cúm.
Và ngoài ra thì chúng ta cũng biết rằng, nói thì nói thế thôi, nhưng mà trong 2 tới 3 ngày đầu và trong trường hợp bệnh không nặng lắm thì rất là khó phân biệt giữa triệu chứng của bệnh cúm với lại bệnh sốt xuất huyết.
Thế những mà 3 đến 6 ngày sau khi bệnh trở nặng, khi mà nó đã có xuất hiện những vết đỏ ở dưới da, hoặc là sau khi chích cho bệnh nhân mà chúng ta thấy chung quanh đó có nổi lên những đốm đỏ, hoặc như chúng ta đè tay lâu lên cái phần cánh tay của bệnh nhân thì một lúc sau bỏ ra thì thấy những đốm đỏ dưới chỗ chung ta đè lên, hoặc là chúng ta đo áp huyết của bệnh nhân rồi sau khi lấy máy đo áp huyết ra chúng ta thấy dưới lớp da ở chỗ chúng ta để máy đo áp huyết thì chúng ta thấy có những vết đốm đỏ, thì những lúc đó rất dễ nhận biết. Nhưng mà khi vào những lúc ban đầu và nếu mà triệu chứng của bệnh không quá nặng thì cũng rất khó mà phân biệt giữa hai loại bệnh cảm cúm và bệnh sốt xuất huyết.
Về thú vật thì chúng ta có loài chuột là nhiều nhất và các loại côn trùng thì là loài dơi, muỗi. Về muỗi thì có hai loại muỗi mang siêu vi trùng bệnh sốt xuất huyết, đó là Aedes aegypti và Aedes albopictus. Ở Việt Nam thì cái loại đầu tiên, tức là Aedes aegypti, mà Việt Nam mình nôm na gọi đó là con muỗi vằn
Nguyên nhân Quỳnh Như : Thưa Bác Sĩ, như vậy những nguyên nhân gây ra chứng bệnh này gồm những nguyên nhân nào? Và như bác Sĩ có nhấn mạnh lúc ban đầu là muỗi cũng có thể làm trung gian lây truyền chứng bệnh này thì loại muỗi nào, thưa bác Sĩ?
BS Nguyễn Quốc Quân : Sự thật ra thì như tôi đã nói là có 4 loại siêu vi trùng sống và phát triển, sinh sôi nẩy nở trong một số loại thú vật cũng như côn trùng, thì thưa cô, cái nguyên nhân mà gây nên bệnh này như chúng ta đã biết là do những siêu vi trùng đó nằm trong các loại mà nó mang các siêu vi trùng đó, thành ra thường thường nó phát ở những vùng mà nếp sống của dân chúng thấp, và cái thứ hai nữa là không có những phương tiện về y tế công cộng.
Về thú vật thì chúng ta có loài chuột là nhiều nhất và các loại côn trùng thì là loài dơi, muỗi. Về muỗi thì có hai loại muỗi mang siêu vi trùng bệnh sốt xuất huyết, đó là Aedes aegypti và Aedes albopictus. Ở Việt Nam thì cái loại đầu tiên, tức là Aedes aegypti, mà Việt Nam mình nôm na gọi đó là con muỗi vằn, tức là muỗi mà hai cánh nó có những cái vằn lên.
Người ta bị muỗi đốt vì rằng không có đủ những phương tiện để diệt trừ muỗi ở những vùng đó, và thứ hai nữa là không có những phương tiện để ngừa muỗi đốt, vì vậy mà nó gây neê bệnh sốt xuất huyết.
Quỳnh Như : Thưa Bác Sĩ, như vậy bệnh này nó phát ra qua mấy giai đoạn, thí dụ nó có thời kỳ ủ bệnh, thời kỳ phát bệnh, và đến giai đoạn chót là bị xuất huyết dưới da hay không?
Khi bệnh trở nặng thường thường vào ngày thứ 3 đến ngày thứ 6 thì bệnh nhân trở nên mệt mỏi ghê gớm, đi đái ít, và lượng hồng huyết cầu bị suy giảm, lượng tiểu cầu ở trong máu bị xuống và vì vậy nó dễ đưa đến tình trạng xuất huyết hoặc là đông những máu bầm ở trong hệ thống tuần hoàn.
BS Nguyễn Quốc Quân : Vâng. Thưa cô, nó có thời gian ủ bệnh thường thường từ 2 đến 21 ngày, và sau đó thì nó phát bệnh thì thường thường 23 ngày đầu bệnh nó phát rất là bình thường và bệnh có thể tiếp tục nhẹ như vậy và sau đó thì khỏi.
Nhưng mà cũng có khi bệnh trở nặng thường thường vào ngày thứ 3 đến ngày thứ 6 thì bệnh nhân trở nên mệt mỏi ghê gớm, đi đái ít, và lượng hồng huyết cầu bị suy giảm, lượng tiểu cầu ở trong máu bị xuống và vì vậy nó dễ đưa đến tình trạng xuất huyết hoặc là đông những máu bầm ở trong hệ thống tuần hoàn.
Quỳnh Như : Bệnh Sốt Xuất Huyết có gây biến chứng gì không, thưa Bác Sĩ?
BS Nguyễn Quốc Quân : Vâng. Khi bệnh nặng thì nó có thể gây những biến chứng như là bệnh nhân bị truỵ tim mạch, bị sốc vì mất máu nhiều, hay là có thể bị những biến chứng như là hôn mê khi bị xuất huyết ở đầu, hay làm kinh phong. Đó là những biến chứng có tính nguy hiểm, cần phải được chữa trị và phải được theo dõi ở nhà thương và do các nhà chuyên môn chữa trị đó, thưa cô.
Quỳnh Như: Xin cảm ơn Bác sĩ Quân đã dành thời gian qúy báu tham gia chương trình Sức Khoẻ và Đời Sống hôm nay.
Quý thính giả vừa nghe Bác sĩ Nguyễn Quốc Quân giải thích một số vấn đề liên quan đến chứng bệnh Sốt Xuất Huyết. Trong chương trình kỳ tới, Bác sĩ Quân sẽ giới thiệu tiếp về cách điều trị chứng bệnh này, và những biện pháp đề phòng bệnh.
Mục tiêu của chuyên mục “Sức Khỏe và Đời Sống” là đáp ứng nhu cầu mở rộng thông tin, tích lũy kiến thức y học của qúy vị, nên xin quý vị đừng ngại gửi cho chúng tôi những yêu cầu cung cấp thông tin để hỗ trợ qúy vị chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ. Chúng tôi sẽ mời các chuyên viên y tế trong ngoài nước giải đáp những thắc mắc đó của quý vị.
Chương trình Sức Khoẻ và Đời Sống tuần này xin dừng ở đây. Cám ơn qúy vị đã lắng nghe và Quỳnh Như xin hẹn gặp lại quý vị vào tuần tới.