Một vài đặc điểm của phật giáo miền Trung (Trước năm 1954)
tieuboingoan 03.06.2005 18:38:25 (permalink)


Một vài đặc điểm của phật giáo miền Trung


(Trước năm 1954)



Phật giáo Việt Nam là một tôn giáo có bề dày lịch sử, luôn gắn với dân tộc gần 20 thế kỷ qua. Kể từ ngày Phật giáo được truyền vào Việt Nam, sự đóng góp to lớn của Phật giáo cho đất nước trong các lĩnh vực chính trị, tư tưởng, văn hóa là điều không thể phủ nhận. Phật giáo miền Trung, một bộ phận Phật giáo của Việt Nam, là một trong những khu vực hội tụ và là nơi phản chiếu các hoạt động của Phật giáo với sức lan tỏa rất lớn. Bên cạnh những đặc điểm chung của Phật giáo cả nước, Phật giáo miền Trung trong quá trình phát triển in đậm những nét đặc thù, có bản sắc riêng so với Phật giáo miền Bắc. Đây là một vấn đề tế nhị, phức tạp cần phải có một cách nhìn toàn diện, lịch sử cụ thể khi nghiên cứu. Sự đa dạng, phức tạp của phật giáo Việt Nam nói chung và Phật giáo miền Trung nói riêng bắt nguồn từ sự biến đổi hình thái kinh tế-xã hội, điều kiện lịch sử từng thời kỳ. Tìm hiểu đặc điểm chung và riêng của bức tranh trên chính là yêu cầu xác định một thế ứng xử đúng đắn đối với hoạt động của Phật giáo hiện nay.

Có thể nói rằng Phật giáo Việt Nam nói chung và Phật giáo miền Trung nói riêng là một thực thể không thuần nhất; ở mỗi thời đại, mỗi giai đoạn lịch sử ở khu vực, địa phương khác nhau, Phật giáo mang những nét riêng rất đặc thù và phong phú. Đặc điểm nổi bậc này của Phật giáo miền Trung đã và đang tiếp tục ảnh hưởng ít nhiều đến sinh hoạt Phật giáo hiện nay.

1. Sự đa dạng về tông phái của Phật giáo miền Trung

Nghiên cứu lịch sử Phật giáo, ta thấy rằng Phật giáo ra đời ở Ấn Độ, nhưng trong quá trình phát triển của nó, ngay từ rất sớm, đã bị phân hóa thành 2 phái Đại thừa và Tiểu thừa. Khi Phật giáo du nhập vào quốc gia nào thì tự nó hội nhập với cộng đồng, với truyền thống tập quán của dân tộc đó, hình thành trên những nét đặc thù của mình. Việt Nam nằm giữa vùng giao lưu Ấn Độ và Trung Quốc nên đã tiếp nhận Phật giáo bằng cả hai con đường Bắc và Nam: Đại thừa ở miền Bắc và Tiểu thừa ở miền Nam. “Đây là hiện tượng không có hay là ít thấy một cách rõ nét ở vùng Đông Á và Nam Á. Chỉ có Việt Nam là nước đệm mới có hai hình thức Phật giáo Bắc tông và Nam tông chung sống như vậy” (1). Điều này được thể hiện rõ nét ở miền Trung và miền Nam (ngoài Phật giáo Bắc tông, còn có Phật giáo Nam tông-Nam tông của người Việt và Nam tông của người Khmer, Phật giáo Hòa Hảo, Phật giáo Khất sĩ).

Nhìn tổng thể mà xét thì Phật giáo truyền vào nước ta chủ yếu là Phật giáo Đại thừa với 3 tông phái: Thiền tông, Tịnh độ tông và Mật tông. Trong đó đáng chú ý là việc các phái Thiền Trung Quốc du nhập vào Việt Nam là Thiền Tì Ni Đa Lưu Chi, Thiền Vô Ngôn Thông; Thiền Thảo Đường. Sau này những người có công lớn trong việc đặt cơ sở cho việc hợp nhất ba thiền phái nói trên thành thiền mới nhập thế của Việt Nam là Thiền Trúc Lâm Yên Tử là nhà sư Thường Chiếu, Tuệ Trung Thượng sĩ và vua Trần Nhân Tông. Sự ra đời của Thiền trúc Lâm Yên Tử như là một sự lựa chọn các yếu tố Phật giáo phù hợp với tinh thần dân tộc. Đó là sự kết hợp giữa tính chất huyền thoại và tính triết lý, tư duy trừu tượng ảnh hưởng mạnh mẽ đến mọi mặt đời sống xã hội. Từ thế kỷ XVI trở đi, do cách biệt về mặt địa lý, chính trị, lịch sử (cụ thể là sự phân tranh Trịnh-Nguyễn), “sự cách biệt giữa Phật giáo miền Bắc, miền Trung và miền Nam lại càng thêm sâu sắc” (2). Phật giáo miền Trung và miền Nam đa dạng, phong phú hơn (đặc biệt là sự đa dạng về tông phái). Nghiên cứu lịch sử Phật giáo ta thấy: nguyên nhân sự phân chia thành các tông phái của Phật giáo không phải do mâu thuẫn về tổ chức hay tranh giành về quyền lợi trong tăng chúng, mà do những quan điểm klhác nhau về kinh điển, giáo thuyết. Nhưng khi du nhập vào Việt Nam do tác động bởi nhiều yếu tố, các tông phái đó lại chia ra làm nhiều chi phái khác nhau: Phật giáo Việt Nam từ khi truyền bá đến nay, về cơ bản vẫn là lịch sử của các phái Thiền. Tuy nhiên, trong quá trình du nhập và phát triển, Thiền tông Việt Nam lại có sự biến đổi phù hợp với tâm lý, tín ngưỡng của người Việt Nam. Đó cũng là quá trình biến đổi dung hợp với Nho, Đạo và các dòng phái Phật giáo khác như Tịnh Độ tông và Mật tông để tạo nên các dòng Thiền mang đậm sắc thái Việt Nam như: Thiền Trúc Lâm, Thiền Tào Động. Điều này được minh chứng rõ nét qua lịch sử Phật giáo Đàng Trong. Ngay từ khi mới vào cát cứ Đàng Trong (1558), Doãn Quốc Công Nguyễn Hoàng ngoài việc chăm lo mở rộng đất đai, củng cố lực lượng ông còn chú trọng việc xây các chùa, viện, trọng đãi thiền tăng - như việc xây chùa Thiên Mụ (năm 1601 ở Huế), chùa Bảo Châu (năm 1607 ở Trà Kiệu, Quảng Nam). nhìn chung từ thế kỷ XV phái Thiền Trúc Lâm có điều kiện để mở rộng phạm vi trên vùng đất mới này và đặc biệt giữa thế kỷ XVII (1660-1680) phái này lại được phục hưng mạnh mẽ ở vùng Quảng Trị, Thuận Hóa với sự xuất hiện của Thiền sư Viên Cảnh-Lục Hồ, Viên Khoan-Đại Thâm và quan trọng là Thiền sư người bản địa Minh Châu-Hương Hải. Được sự mến mộ của Chúa Nguyễn Phúc Tần cho lập Thiền Tĩnh viện ở núi Linh Thái (phú Lộc, Thừa Thiên) vào những năm 1667-1682, sơn môn của Thiền sư Hương Hải rất thịnh vượng (Thiền Tĩnh viện là trung tâm Phật giáo nổi tiếng ở Đang Trong lúc bấy giờ). Nhưng sau đó do bị nghi kị là có quan hệ với Phật giáo Đàng Ngoài, chúa Nguyễn Phúc Tần đã buộc Thiền sư Hương Hải vào Quảng Nam để hoằng hóa, nhưng sau đó ông đã bỏ ra Đàng Ngoài để phục hưng phái Thiền của mình. Trong thời gian ddos, vào năm 1667, vào thời chúa Nguyễn Phúc Tần, Tổ sư Nguyên Thiều-Siêu Bạch (người Quảng Đông, Trung Quốc) đã vượt biển đến BÌnh Định lập chùa Thập Tháp Di Đà (huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định) truyền bá rộng rài phái Thiền Lâm Tế. Tổ Thiền Thập Thấp rất uy nghiêm cổ kính và là một trong những trung tâm đào tạo tăng tài nổi tiếng khắp cả xứ miền Trung và miền Nam. Sau khi không tin phái Thiền Trúc Lâm, chúa Nguyễn Phúc Tần trọng dụng phái Lâm Tế và đã mời tổ sư Nguyễn Thiều ra Thuận Hóa để hoằng dương Phật pháp. Thiền sư Nguyễn Thiều đã lập chùa Hà Trung (Phú Lộc, Thừa Thiên), dựng chùa Quốc Ân và xây tháp Phổ Đồng. Cùng với Nguyên Thiều, các đệ tử và pháp tôn của dòng phái Thiền Lâm Tế đã nổ lực tuyên dương chánh pháp hằng truyền chánh đạo làm cho Phật giáo đàng Trong phát triển đa dạng và rộng khắp mọi nơi. Đó là việc Tiên sư Minh Hoàng - Tử Dung (người Trung Quốc) khai sáng chùa Ấn Tôn (nay là chùa Từ Đàm) ở Huế, Thiền sư Minh Hải – Pháp Bảo (người trung Quốc) khai sáng chùa Chúc Thành ở Hội An; Thiền sư Pháp Hóa khai sáng chùa Thiến Ấn ở Quảng Ngãi; Thiền sư Tế Viên khai sáng chùa Hội Tôn ở Phú Yên. Sau đó từ năm 1691-1695 ở Đàng Trong, dưới thời các chúa Nguyễn Phúc Trăn và Nguyễn Phúc Chu có nhiều cuộc biến loạn, Tổ sư Nguyên Thiều và các Thiền sư phái Lâm Tế bị liên lụy buộc phải rời khỏi thành Phú Xuân. Để thay thế phái Lâm Tế, chúa Nguyễn Phúc Chu đã tạo điều kiện cho phái Thiền Tào Động du nhập và phát triển. Người đặt cơ sở cho sự du nhập của phái Thiền Tào Động ở Đàng Trong là Thiền sư Hưng Liên - Quả Hoàng (người Trung Quốc) và vai trò hoằng dương đại pháp của Thiền sư Thạch Liên. Tư tưởng Thiền của Thạch Liên là Thiền - Tịnh song tu, nhưng phương thức hành thiền thì lấy Tịnh Độ tông làm chính. Tuy vậy, do ít có cơ sở xã hội, tư tưởng Thiền cuat Thạch Liên tồn tại trong giai đoạn này chỉ có vai trò là cố vấn chính trị và chủ yếu xuất phát từ yêu cầu chính trị. Do vậy, sự tồn tại của phái này chỉ nhất thời và sau đó suy yếu nhanh chóng (đặc biệt sau khi Thsiền sư Thạch Liên trở về Trung Quốc năm 1696).

Phái Thiền Lâm Tế mặc dù không còn được chúa Nguyễn tin dùng nhưng có vai trò quan trọng trong việc cố kết lòng dân, ổn định đời sống tinh thần của mọi tầng lớp nhân dân. Đó là cơ sở để cho phía Thiền Lâm Tế tồn tại, phát triển, ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống xã hội trong giai đoạn từ thế kỷ XVIII, ngay trong phái Thiền Lâm Tế ở miền Trung đã xuất hiện 3 chi phái của Thiền Lâm Tế là: Lâm Tế Nguyên Thiều ở Bình Định; Lâm Tế Minh Hải – Pháp Bảo ở Quảng Nam và Lâm Tế Liễu Quán ở Huế (Lâm Tế Liễu Quán ở Huế là dòng phái Thiền riêng của Việt Nam, đồng thời là dòng thiền riêng của Huế).

2. Sự đa dạng về tổ chức của Phật giáo miền Trung

Trải qua các cuộc chiến tranh Trịnh - Nguyễn, Tây Sơn - Nguyễn, Tây Sơn - Trịnh… Phật giáo lâm vào tình trạng suy thoái. Dưới triều đại nhà Nguyễn (1802-1945), tuy Phật giáo vẫn được duy trì và phát triển ở mức độ nhất định để ổn định xã hội và thu phục lòng dân, nhưng lúc này Nho giáo được nhà Nguyễn đưa lên địa vị độc tôn, làm chỗ dựa về tư tưởng, chính trị, xã hội. Do vậy, việc xiển dương đạo pháp của không ít vị vua nhà Nguyễn xuất phát từ ý đồ chính trị đã xen vào Phật giáo, tất cả đều phục tùng uy quyền chính trị của “thiên tử”. Đồng thời, việc sắc phong của triều đình đối với một số chùa, hòa thượng, tăng cang, kèm theo là một chuỗi các quyền lợi đã dần hình thành một hệ thống các quan tự và quốc tự. Bên cạnh yếu tố danh chính của việc làm đó, đã xảy ra hiện tượng phân biệt ngay trong nội bộ Phật giáo và một số nhà tu hành bị dục vọng ảnh hưởng, chạy theo thói phù hoa trần tục. Mặt khác, trong giai đoạn thống trị của thực dân Pháp, việc tạo điều kiện cho Kitô giáo phát triển, Phật giáo bị chèn ép và có nguy cơ bị đẩy lùi và đánh mất chổ đứng trong xã hội. Trước tình hình đó, vào những năm 30 của thế kỷ này, một số nhà tu hành cùng với một số nhân sĩ trí thức có tinh thần mến đạo đứng ra vận động chấn hưng Phật giáo. Phong trào Chấn hưng Phật giáo bắt đầu khởi phát ở miền Nam với những cuộc vận động của nhà sư Khánh Hòa và dẫn tới việc thành lập Hội Nam Kỳ nghiên cứu Phật học năm 1930 (tại chùa Linh Sơn, Sài Gòn). Ở miền Trung, dưới sự hỗ trợ và khích lệ của hòa thượng Chơn Luận - Phước Huệ (3) và một số thiền sư có uy tín ở Huế, Hội An, Nam Phật học (sau này đổi tên là hội Phật học Trung Việt) được thành lập năm 1932 và các tổ chức giáo dục thanh niên Phật học Đức dục năm 1940, Hội thanh niên Phạt tử năm 1943, các tổ chức tiền thân của gia đình Phật tử, do bác sĩ cư sĩ Lê Đình Thám và các trí thức Phật giáo khác ở Huế như Nguyễn Khoa Toàn, Nguyễn Khoa Tân, Tôn Thất Tùng, Lê Thanh Cảnh, Ưng Bình, Nguyễn Hữu Ba lãnh đạo. Tôn chỉ của phong trào Chấn hưng là loại trừ phần mê tín dị đoan, chỉnh đốn hàng ngũ tăng chúng, xây dựng nền nếp Phật giáo và văn hóa Việt Nam chân chính. Nói dến Huế, không thể không nói đến Từ Đàm, Thiên Mụ, Bảo Quốc, Từ Lâm, Quốc Ân, Hà Trung… Nói đến Quảng Nam phải kể đến chùa Chúc Thánh, Tam Thai, Bảo Châu… hoặc là những ngôi chùa nổi tiếng khác như Thiên Ấn (Quảng Ngãi), Tổ đình Thập Tháp, chùa Long Khánh (Bình Định) và Hội Tôn (Phú Yên). Mỗi chùa đó đều gắn với việc sáng lập, khai sáng và sự nỗ lực tuyên dương chánh pháp, hoằng truyền chánh đạo của các tổ sư Nguyên Thiều – Siêu Bạch, Minh Hoằng - Tử Dung, Minh Hải – Pháp Bảo, Hưng Liên - Quả Hoàng, Từ Lâm, Tế Viên và các Hòa thượng Minh Giác - Kỳ Phương, Thật Kiến - Liễu triệt, Tế Đoan - Họa Nhiên, Tế Trí - Hữu Phỉ, Chơn Luận - Phước Huệ… cùng các đệ tử khác như Trí Thủ, Trí Quang, Trí Tịnh, Thiện Minh, Thiện Siêu, Mật Hiển, Mật Nguyện, Mật Thể, sư bà Diệu Không, ni sư Diệu Huệ.

Phong trào Chấn hưng Phật giáo phát triển càng nhanh, góp phần củng cố Phật giáo và lan rộng trong cả nước, nhưng Huế giữ vai trò trung tâm.

Năm 1950, Phật giáo Việt Nam là thành viên sáng lập Hội Phật giáo thế giới. Năm 1951, Tổng Hội Phật giáo Việt Nam được thành lập ở chùa Từ Đàm (Huế) do Hòa thượng Thích Tịnh Khiết làm hội chủ. Từ đây, Huế thực sự là trung tâm Phật giáo của cả nước.

Như vậy, Phật giáo Đàng Trong (kể từ thế kỷ XVI) nói chung và Phật giáo miền Trung nói riêng có lúc thịnh lúc suy theo từng giai đoạn lịch sử. Trước thời kỳ “Phật giáo canh tân”, xét về tổ chức tuy “không thống nhất mà thống nhất”, nghĩa là sự phân chia các tông phái không phải do mâu thuẫn tổ chức hay tranh giành quyền lợi địa vị trong tăng chúng mà chủ yếu do những quan điểm khác nhau về kinh điển và giáo thuyết; không có sự chia rẽ mâu thuẫn trong tăng già, không tranh chức trọng quyền cao - nếu có tham chính thì cũng không hãm hại lẫn nhau.

Trong các giai đoạn tiếp theo, sự tác động của các yếu tố chính trị, kinh tế - xã hội, Phật giáo miền Trung có sự thay đổi, biến dạng rất phức tạp. Lúc này, ở miền Trung và miền Nam lại có thêm 22 hệ phái và 34 tổ chức với nhiều hình thức và pháp tu hành rất khác nhau. Từ sự đa dạng về tông phái, tổ chức dẫn đến sự không thống nhất về tư tưởng, cần có sự nghiên cứu và lý giải thấu đáo.

Nghiên cứu kỹ những nét đặc thù của Phật giáo miền Trung trong lịch sử, thấy được các mối liên hệ chằng chịt, đan xen giữa các tông phái, chi phái và các tổ chức; giữa các danh tăng với nhau; giữa tổ sư và các đệ tử; giữa đạo và đời mới thấy được xu hướng phát triển của Phật giáo miền Trung trong giai đoạn hiện nay.

------
1. Minh Chi. Bản sắc riêng của Phật giáo miền Nam. Tạp chí Xưa và nay, số 55 (9/1998), tr.37, 38, 39.
2. Minh Chi. Bđđ
3. Hòa thượng Chơn Luận, Phước Huệ (1870-1945) người Quảng Nam, trú quán An Nhơn, Bình Định là người trụ trì Tổ Đình Thập Tháp (Bình Định) từ năm 1905. Học trò của Hòa thượng Chơn Luận là những bậc Long - Tượng trong hàng giáo phẩm Giáo hội như Hòa thượng trí Thủ, Trí Quang, Trí Tịnh, Thiện Siêu, Trí Thành, Mật Thể, Mật Nguyện, Mật Hiển, Thiện Hoa và các cư sĩ Lê Đình Thám, Tôn Thất Tùng, Lê Văn Định, Nguyễn Khoa Toàn.

#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9