Thành Hoàng đế và những di tích vừa phát hiện
tieuboingoan 03.06.2005 22:53:33 (permalink)


Thành Hoàng đế và những di tích vừa phát hiện


Những hiện vật vừa tìm thấy được trong đợt khai quật khảo cổ vừa qua tại thành Hoàng đế cho thấy những đóng góp to lớn của nhà Tây Sơn về mảng kiến trúc văn hóa - một lĩnh vực lâu nay ít được đề cập...

Hiện đoàn khảo cổ đã khai quật 200m2 và đã phát lộ Thủy Hồ hình vầng trăng khuyết có chiều dài 17m sâu 1m6 gồm nhiều chi tiết quan trọng:

- Một lớp móng bằng đá ong xây thành hai hàng chạy dọc theo hướng bắc nam.

- Dưới lớp đá ong là Thủy Hồ sâu 2m, bờ hồ được xây bằng đá và vôi vữa. Trên bờ đá có gắn các khối san hô và các gờ đá trang trí khác.

- Hiện vật thu được trong hồ gồm gạch Chăm, ngói, chén bát và đạn bằng đá và các trang trí hoa văn trên nền gốm, tiền, đồ men lam, đá quý...

- Dưới lòng hồ là lớp gạch nền bằng Bát Tràng cổ kích cỡ 35cm.

Sau khi khai quật các di chỉ trên, đoàn khảo sát tiếp tục khai quật mô đất (về phía tây bên hữu Thành) đã phát lộ nền móng điện Thái miếu bằng đá ong. Đây cũng là di chỉ quan trọng gắn liền với kiến trúc Thủy Hồ.

Tiến sĩ Lê Đình Phụng (Viện Khảo cổ học) nhận xét: "Vương triều Tây Sơn chỉ tồn tại trong vòng 25 năm, song với những di vật phát hiện được tại hố khai quật chừng 200km2 ở Tử Cấm Thành cho thấy nhà Tây Sơn đã có những đóng góp đáng kể về mảng kiến trúc văn hóa - một lĩnh vực lâu nay ít được đề cập và đầu tư nghiên cứu có hệ thống hoàn chỉnh. Đó cũng là ý nghĩa lớn lao của cuộc khai quật lần này.

Cụ thể, từ Thủy Hồ chúng ta có thể định vị tìm hiểu những hoạch định trong mặt bằng kiến trúc cung đình hoàng thành của Thái Đức Nguyễn Nhạc nói riêng, nhà Tây Sơn nói chung. Chẳng hạn, bên kia Thủy Hồ là một công trình đối xứng, rồi các công trình chính diện. Chúng ta đã tìm ra được dấu vết nhà thờ tổ của ba anh em Tây Sơn ngay trong hoàng thành...

Nếu điều kiện thuận lợi, còn tiếp tục khai quật khảo cổ quy mô lớn để tái hiện đầy đủ thành Hoàng đế - chắc chắn các hiện vật thu được từ đây sẽ làm sáng tỏ và bổ sung tư liệu cho các công trình nghiên cứu về vương triều Tây Sơn. Bởi so với những công trình, kiến trúc mà nhà Tây Sơn đã từng tu tạo và xây dựng như thành Phú Xuân ở Huế, Phượng Hoàng trung đô ở Nghệ An và các thành lũy khác trên đất Bình Định thì thành Hoàng đế có quy mô lớn nhất".

Theo Xưa và Nay - ND
#1
    tieuboingoan 03.06.2005 22:55:55 (permalink)


    Khai quật Tử Cấm Thành của triều đình Tây Sơn


    Sau 2 tuần khai quật, Viện Khảo cổ học Việt Nam và Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Bình Định đã phát hiện một số hiện vật có giá trị ở Tử Cấm Thành của Thành Hoàng Đế (tại huyện An Nhơn - Bình Định) thuộc Vương triều Thái Đức Nguyễn Nhạc (nhà Tây Sơn).

    Cuộc khai quật cho thấy Tử Cấm Thành được xây bằng đá ong hình chữ nhật theo hướng Bắc-Nam, chiều dài 172m và chiều rộng 126m, cách mặt đất chỉ vài cm là những khối đá ong to được xây thành 2 hàng đè lên trên lớp kiến trúc khác xây Hồ hình bán nguyệt. Có giải thuyết cho rằng lớp đá ong do nhà Nguyễn Gia Long xây đè lên sau khi diệt nhà Tây Sơn.

    Tường xây Hồ bán nguyệt dày từ 70-90cm được chia thành từng lớp. Trên tường có gắn những khối san hô nhỏ. Các hiện vật thu được gồm mảnh chén bát, ngói ống và gạch (có cả gạch Chăm và gạch thời Tây Sơn). Phía trên nền kiến trúc Hồ bán nguyệt còn có lớp gạch lát nền làm theo kiểu gạch Bát Tràng nhưng có kích thước lớn hơn.

    Theo nhận định bước đầu của đoàn khảo cổ, đây có thể là một phần của cung điện Vương triều Thái Đức Nguyễn Nhạc.

    Việc lộ diện một phần nền cung điện tại khu vực Tử Cấm Thành là một phát hiện giá trị vì đây là lần đầu tiên phát hiện thấy dấu tích một công trình kiến trúc văn hóa thời Tây Sơn còn để lại trong lòng đất. Công trình có niên đại trên 200 năm nhưng còn khá nguyên vẹn, có giá trị chân thực lịch sử rất cao.

    Cuộc khai quật Tử Cấm Thành của thành Hoàng Đế đang tiếp tục và các nhà khảo cổ hy vọng sẽ còn tìm thấy được nhiều hiện vật có giá trị lịch sử văn hóa của thời Tây Sơn.

    Tìm thấy bản sự tích-sắc phong của Thái úy Lý Thường Kiệt

    Các cán bộ nghiên cứu của Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh vừa tìm thấy bản sự tích-sắc phong nói về thân thế, sự nghiệp của Thái úy Lý Thường Kiệt ở làng Lộ Bao, huyện Tiên Du.

    Bản sự tích-sắc phong này ghi lại những nét cơ bản về thân thế và cuộc đời của Lý Thường Kiệt gắn liền với các đời vua từ Lý Thái Tông (1028-1054), Lý Thánh Tông (1054-1072) đến đời Lý Nhân Tông (1075).

    Tên tuổi của vị anh hùng Lý Thường Kiệt cùng với tài thao lược của ông còn được nhắc đến qua các cuộc chiến thắng chống quân xâm lược Tống, quân Chiêm Thành.

    Theo TTXVN


    #2
      tieuboingoan 03.06.2005 22:56:58 (permalink)

      Góp thêm một huyền thoại về Long Mạch ở dãy Hoành Sơn


      Sinh hòa THÁI TẨU


      Nhân đọc chuyện “Cao Biền trảm long Trà Khúc” của Thùy Dương Tử và “Huyền thoại Cao Biểm yểm đất ở dãy Đèo Cả” của cô Văn Uyên đăng trong tạp chí Phổ Thông số 244 và 247, tôi sực nhớ đến chuyện ông thầy địa lý Tàu nào đó (có phải con cháu của Cao Biền chăng? ) âm mưu đào đứt lòng mạch dòng sông CÔN dưới chân HOÀNH SƠN, khiến cho nhà Tây Sơn suy vong để trả thù 3 anh em Tây Sơn đã chiếm mất long huyệt của ông tìm ra hay là để ngăn ngừa mầm mống của Việt tộc phương Nam? Vậy xin chép thuộc ra sau đây để góp thêm một huyền thoại về long mạch.

      Hoành Sơn một đại địa:
      Hoành Sơn còn gọi là núi Ngang nằm trong dãy Tây Sơn thuộc địa phận xã Bình Tường quận Bình Khê tỉnh Bình Định. Hoành Sơn không cao (364m) nhưng dài và rộng, ở xa trông rất tuấn tú, khôi hùng. Theo các nhà phong thủy Tàu và địa phương cho biết thì Hoành Sơn là đại địa và hiện tại Hoành sơn là một trong “Nhị thập bác cảnh” của Bình Định. Vì chung quanh Hoành sơn có nhiều ngọn núi bao bọc, mỗi ngọn mang một dáng dấp cổ vật như Núi Bút (Trưng sơn), Núi Nghiên (Nghiên sơn), Núi Ấn (Ấn sơn), Núi Kiếm (Kiếm sơn), Núi Trống (Cổ sơn), Núi Chiếng (Chung sơn), trước mặt là ba dãy gò cao đá mọc giăng hàng rông như quân chầu, hổ phục, phía dưới là hai phụ lưu sông CÔN từ phía Tây và phía Bắc chay ra họp nhau ở địa đầu thôn Phú Phong như hai cánh tay người mẹ ôm chặt lấy Hoành sơn. Địa thế thật cũng đáng gọi là long bàn hổ cứ.

      Tam kiệt TÂY SƠN Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ sinh trưởng trong một gia đình nông thôn tại làng Phú Lạc (Bình khê) hướng vọng về dãy Hoành Sơn này. Nhưng rồi thời thế tao anh hùng, địa linh sinh nhân kiệt hay long mạch do mồ mả tổ tiên mà ba anh em Tây sơn trở thành những trang anh hùng cái thế, lật đổ Nguyễn, diệt tan Trịnh, đánh bại Mãn thanh, thống nhất nước Việt Nam vào cuối thế kỷ thứ 18? Điều đó xin nhường lại cho lịch sử phân định. Nhưng theo các vị thức giả ở Bình khê kể lại thì nhà Tây Sơn phát Đế nghiệp là nhờ cuộc đất chôn thân sinh của ba Ngài trân dãy Hoành sơn.

      Huyền thoại về Long Huyệt:
      Các cụ kể rằng:
      Trước ngày ba anh em Tây sơn khởi nghĩa, trong khoảng thời Định Vương Nguyễn Phúc Thuần (1765-1777) trị vì, có một Ông Thầy địa lý Tàu thường ngày xách địa bàn đi đi lại lại trong vùng Tây Sơn để tìm phúc địa. Nguyễn Nhạc thấy vậy theo rình. Một hôm thầy địa lý dường như đã tìm ra long mạch nhưng còn phân vân không biết huyệt khí nằm ở đâu, Thầy mới đem hai cành trúc xanh tốt và đều nhau đến cắm ở triền phía đông dãy Hoành sơn hướng Phú Lạc (nơi sinh trưởng của ba anh em Tây Sơn) phía Bắc một cây và phía Nam một rồi bỏ đi. Nguyễn Nhạc ngày ngày để ý theo dõi hai cành trúc ấy. Hai tháng sau, cành trúc phía Bắc vẫn sống xanh tốt như khi mới trồng còn cành phía Nam thì héo khô. Nguyễn Nhạc cả mừng vì biết rằng long mạch đã ứng hiện nơi cành phía Bắc, bèn nhổ cây khô phía Nam đem cắm ở phía Bắc và nhổ cây tươi ở phía Bắc đem cắm vào phía Nam.

      Đúng 100 ngày kể từ ngày trồng trúc, thầy địa lý Tàu trở lại thấy hai cành trúc đều chết cả, Thầy nhún vai, trề môi lắc đầu chê là “giả cuộc” rồi bỏ đi thẳng. Nguyễn Nhạc mừng rỡ về bàn với hai anh em rồi hốt hài cốt của Cha đem chôn nơi cành phía Bắc.

      Lại có cụ kể rằng:
      Có một thầy địa lý Tàu lúc đến tìm địa cuộc ở vùng đất Tây Sơn thường tá túc nơi nhà Nguyễn Nhạc và nhờ Nguyễn Nhạc dẫn đường cho thầy đi tìm long mạch khắp vùng Tây Sơn. Sau nhiều lần xem xét, ngắm nghía, đo đặt địa bàn, Thầy chú ý đến dãy Hoành sơn và tỏ vẻ đắc ý cuộc đất này lắm. Đoạn Thầy bỏ đi. Một thời gian sau Thầy trở lại cũng ghé nơi nhà Nguyễn Nhạc mà tá túc. Nhưng đặc biệt, lần này, ngoài chiếc địa bàn Thầy lại còn mang theo một chiếc trắp nhỏ ngoài bọc tấm khăn điều. Nguyễn Nhạc đoán biết là Thầy Tàu đã tìm ra được long huyệt và… chiếc tráp kia là hài cốt của Cha ông mang sang chôn. Nguyễn Nhạc bèn đóng một cái trắp giống hệt như cái trắp của thầy Tàu và hốt hài cốt của thân sinh mình đựng vào rồi tìm cách đánh đổi. Nhưng thật khó mà đánh đổi được vì cái trắp ấy Thầy Tàu luôn luôn mang theo bên người không lúc nào rời. Nguyễn Nhạc hội hai em lại và nghĩ ra một kế.

      Đến ngày lành đã chọn, Thầy Tàu lẻn mang trắp cùng địa bàn đi lên dãy Hoành sơn. Vừa đến chân núi thì một con cọp to bằng người trong bụi rậm gầm lên một tiếng dữ tợn rồi nhày xổ ra vồ. Thầy Tàu thất kinh hồn vía văng trắp và địa bàn mà thoát thân. Hồi lâu hoàn hồn, không thấy cọp rượt theo Thầy mon men quay lại chỗ cũ, Thầy mừng quýnh vì chiếc trắp và địa bàn vẫn còn nằm lăng lóc ở đó, Thầy vội vã trèo lên nơi long huyệt đã tìm trước mà đào bới chôn cất. Xong, Thầy hớn hở trở về với hy vọng chờ ngày “long huyệt vương phát”. Không ngờ chiếc trắp Thầy chôn là hài cốt của Hồ Phi Phúc còn con cọp kia chỉ là người giả mà thôi.

      Hai thuyết kể trên tuy có khác về tiểu thuyết nhưng vẫn giống nhau là hài cốt của Hồ Phi Phúc được chôn nơi long mạch trong dãy Hoành sơn.

      Các cụ còn kể tiếp rằng:
      Sau khi chôn mộ cha trên Hoành sơn thì ba anh em Nguyễn Nhạc vùng phát tướng. Mặt mày sáng rỡ, học hành thông thái. Thầy giáo Hiến dạy ba anh em Nhạc vốn là người có biệt nhãn lại thông thạo về khoa tướng số, xem biết anh em Nguyễn Nhạc đã vượng thời nên mới đem câu sấm “Tây khởi nghĩa, Bắc thu công” ra mà khuyên Nguyễn Nhạc. Từ đó ba anh em Nguyễn Nhạc mới rắp tâm mưu đồ đại sự, chiêu tập hào kiệt, lấy dãy Hoành son làm căn cứ.

      Mãi cho đến khi Nguyễn Huệ đại thắng 20 vạn quân Thanh tại gò Đống Đa, đuổi Tôn sĩ Nghị chạy về Tàu mình không kịp mặc giáp, nhựa chưa thắng yên cương, mà còn nuôi mộng lớn lấy lại đất Lưỡng Quảng, cầu hôn công chúa Vua Càn Long, tiếng tăm vang dội cả Trung Quốc.

      Ông Thầy địa lý năm xưa nhớ lại chuyện cũ, bèn bôn ba sang lại Hoành sơn xem thử thì quả nhiên cuộc đất tìm ra năm trước đang phát. Hỏi thăm thì đó là mộ của Hồ phi Phúc thân sinh ba vua Tây sơn.

      Thầy địa cả giận vì sự cướp đoạt long huyệt của mình đã tìm ra và để tránh hậu họa chiến tranh Việt-Trung, Thầy địa bèn lập mưu phá long mạch bằng cách bảo Nguyễn Nhạc hãy lấp mấy ngọn phụ lưu Sông Côn ở phía Nam và đào thêm mấy nhánh khác ở phía Bắc để dẫn thủy vào ruộng cho nhân dân cày cấy làm, ăn, Nguyễn Nhạc tưởng thật nghe lời.

      Những nhánh sông vừa đào sông thì đùng một cái ở Phú Xuân Nguyễn Huệ băng hà ngày 29-7-1792 (có tài liệu lại ghi 6-9-1792). Ở trong Nam thì Nguyễn Ánh chiếm hết đất miền Nam rồi kéo quân ra đánh Quy Nhơn. Nguyễn Nhạc chống không nổi phải cầu cứu cháu là Nguyễn Quang Toản, Nguyễn Quang Toản thừa thế cướp thành Quy Nhơn rồi lại sáp nhập lãnh thổ của Bác vào lãnh thổ của mình. Nguyễn Nhạc tức giận thổ huyết mà chết ngày 13-12-1793.

      Nguyễn Huệ mất lúc 40 tuổi, làm vua được 5 năm. Con, Nguyễn Quang Toản 10 tuổi lên ngôi Thái sư Bùi Khắc Tuyên chuyên quyền làm bậy, triều thần chia rẽ, tướng tá giết hại lẫn nhau. Nguyễn Nhạc làm vua được 16 năm, sau khi chết con là Nguyễn Bảo cũng bị Nguyễn Quang Toản giết. Từ đó, nhà Tây Sơn suy dần và đến năm 1802 thì bị Nguyễn Ánh dứt hẳn.

      Đối với thời đại nguyên tử, hỏa tiễn này, liệu người ta còn có thể tin những huyền thoại về long mạch là có thật không ? Tin cũng không được mà không tin cũng không được! Vì con người làm sao giải thích nổi cái lẽ huyền vi của tạo hóa cũng như ai có ngờ rằng con người hôm nay đã lên được trên Cung Quảng ?



      #3
        tieuboingoan 03.06.2005 22:58:40 (permalink)

        Văn hóa Sa Huỳnh trên đất Bình Định



        Việt Nam là một trong 20 nước trên thế giới có nền văn hóa riêng, là cái nôi của loài người, trải qua nhiều biến thiên của lịch sử, người cổ Việt Nam trưởng thành và có những bước sáng tạo trong cuộc sống, có nhiều cải biến nâng cao hiệu quả lao động. Cách đây khoảng 4000 năm lịch sử, người cổ Việt đã biết đấu tranh với thiên nhiên để tồn tại cuộc sống, thời gian đó mực nước biển Đô ng lùi dần mở rộng vùng hạ lưu tạo nên nhiều dải đồng bằng bằng xuyên suốt nước Việt, đó là yếu tố thuận lợi cho con người cư trú và phát triển.

        Trong sự tồn tại và phát triển đi lên, cư dân mỗi vùng đều có nét văn hóa riêng, nhưng đã biết kết hợp giao thương buôn bán với nhau - ở Bắc bộ có người Việt cổ với nền văn hóa Đông Sơn rực rực rỡ; ở Nam bộ có nền văn hóa Dốc Chùa; còn ở miền Trung có nền văn hóa Sa Huỳnh, nó là một nền văn hóa tiêu biểu cho đỉnh cao của quá trình phata triển văn hóa ở thời đại kim khí.

        Văn hóa Sa Huỳnh trải dài từ bắc Trung bộ đến tận Đông Nam Bộ. Người ta biết được văn hóa Sa Huỳnh qua thông báo của Vi-net khi ông pháy hiện được 200 chiếc mộ chum vào năm 1909. Sau đó có nhiều học giả nước ngoài đến nghiên cứu văn hóa Sa Huỳnh, nhưng việc đánh giá còn nhiều hạn chế. Mãi đến năm 1975, ngành Khảo cổ học Việt Nam có điều kiện đi sâu và xa hơn đã đánh giá nền văn hóa Sa Huỳnh một cách toàn diện.

        Năm 1978, Viện Khảo cổ học chi nhánh tại thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Bảo tàng Bình Định tiến hành khao sát và khai quật các điểm di tích liên quan đến văn hóa Sa Huỳnh trên đất Bình Định như di tích Truông xe, Thuận Đạo (Mỹ Thắng-Phù Mỹ), di tích Chánh Trạch (Mỹ Thọ-Phù Mỹ), di tích Hội Lộc (Nhơn Hội-Quy NHơn). Tại các địa điểm trên đã thu lượm được nhiều hiện vật về đồ đá, đồ gốm…Những hiện vật đó có nhiều loại, kích cỡ và tác dụng khác nhau. Về rìu đá có 9 chiếc dài từ 2,5-4,5cm, dày 1cm, mũi được vát mỏng thon dần về tay cầm, hạt đá to và thô có dạng vai hình răng trâu, 2 đục bằng đá dài 4cm màu nâu, mũi nhọn, hạt đá to và thô, 6 hòn kê bằng đá cuội màu xám cao 3cm, chính giữa các hòn kê có lõm, hạt đá to không nhẵn, có thể đây là phương tiện dùng để kê đập các vật khác, 2 bàn mài vòng bằng đá hạt nhỏ nhẵn mịn, chứng tỏ đậy là những di vật đã được sử dụng nhiều và một cuốc đá dài 22 cm, dày 2 cm, hạt đá nhỏ, thon dần về tay cầm, lưỡi có cạnh dạng hình thang. Với những di vật phát hiện có được từ nhỏ đến lớn nói lên phần nào trong lao động, người cổ Sa Huỳnh biết cải biến để đem lại hiệu quả cao hơn. Dần theo năm tháng, họ biết kết hợp sản xuất với việc đánh bắt hải sản qua 2 quả chì lưới dài 2 cm được làm bằng gốm, hai đầu thon nhỏ dần có hình quả ớt. Ngoài lao động để tồn tại, người Sa Huỳnh còn biết dùng các vật trang sức để làm tăng thêm vẻ đẹp cho mình qua 2 vòng đeo trang sức bằng đá đường kính 5cm với bản đeo nhỏ, hạt mịn và nhẵn. Dần về sau đòi hỏi cuộc sống ngày càng cao, ngoài việc dùng đá để làm công cụ sản xuất, người cổ Sa Huỳnh còn biết dùng đất sét để làm ra những sản phẩm như vò, bình, âu…để phục cuộc sống hoặc sử dụng hoặc sử dụng vào các mục đích khác. Với bình gốm màu cao 25 cm được nặn bằng tay, thân bàu, cổ thon, miệng loe, bên ngoài được trang trí hoa văn chấm giải, cùng nhiều mảnh nổi bằng gốm trang trí hoa văn khắc vạch…đã chứng minh nhận xét nói trên.

        Với các di chỉ văn hóa Sa Huỳnh được phát hiện tại Bình Định cùng với số hiện vật có được, phần nào cho ta biết người Sa Huỳnh trước khi tiến vào Nam và đi các nơi đã có một thời gian cư trú trên đất Bình Định qua tầng văn hóa cư trú dày trên 1,3m ở Truông Xe.

        Nền văn hóa Sa Huỳnh là nền văn hóa đại diện cho nền nông nghiệp cùng cuốc, còn nền văn hóa Bắc bộ đại diện cho nền nông nghiệp dùng cày lấy sức kéo trâu bò làm nền tảng cho sự phát triển xã hội, và ở Nam bộ có nền nông nghiệp lúa nước đại diện là những chiếc liềm cắt.

        Dải đất miền Trung có nền văn hóa Sa Huỳnh phát triển, Bình Định là một trong những nơi được thừa hưởng nền văn hóa đó, tạo tiền đề cho nền văn hóa Chămpa phát triển rực rỡ sau này
        #4
          tieuboingoan 03.06.2005 23:00:41 (permalink)


          Hòn đá thần


          Nguyễn Vạn Thuận



          Đê Chơ Gam là một làng Ba Na thuộc xã Phú An Cư, huyện An Khê, tỉnh Gia Lai-Kom Tum.

          Ngày xưa, có ông Nhạc là người Kinh lên đây nhiều lần, nên dân cả vùng, từ ông già và trẻ nhỏ đều thân thuộc.

          Sau đây người Kinh theo ông lên đây sinh sống ngày một đông. Ông mang trầu cày lên bán cho dân làng để gây giống mà cày ruộng làm ăn.

          Khi ông Nhạc dấy binh ở Tây Sơn, bị quân chúa Nguyễn đuổi bắt, phải trốn lên ở vùng này. Ông thường đi lại và lấy hòn đá to như con voi nằm bên bờ suối Chơ Ngao (dân làng gọi là Thong Chơ Ngao) làm nơi ẩn nấp. Tai mắt quân thù không tài nào phát hiện được.

          Rồi ông tập hợp tất cả người các dân tộc lại đánh giặc ở Hà Nừng và các vùng rừng núi xung quanh. Ai cũng một lòng theo ông Nhạc cả.

          Sau này, khi ông Nhạc qua đời, dân làng Ba Na rất cảm mến, tôn thờ ông một cách kính cẩn. Dân làng gọi hòn đá ngày trước ông vẫn ở là “Đá ông Nhạc”. Lâu ngày thành tục danh linh thiêng. Họ cấm không cho ai chặt cây cối xung quanh. Mà thực ra cũng không ai dám có gan chặt. Cây cối ngày một phát triển, xanh tốt um tùm, lâu năm thành rừng rậm. Hòn đá trở nên thiêng liêng, dân làng rất kiêng sợ. Ai cũng kính cẩn gọi là “Tờ mo bok Nhạc” (hòn đá ông Nhạc).

          Người Ba Na còn kể rằng:
          Trong những đêm tối trời, thỉnh thoảng lại thấy ông Nhạc giáng hạ, nhập vào hòn đá. Khi có thần xuống thì hòn đá to ra. Lúc bình thường, hòn đá nhỏ lại như cũ. Có những buổi âm u, rừng núi trở nên tĩnh mịch, thì thấy chỗ hòn đá xuất hiện những luồng ánh sáng hồng và những cây đuốc trắng đi ra bờ suối Chơ Ngao rồi biến mất. Bởi thế, người ta gọi đá ông Nhạc là Hòn đá Thần.

          Lòng tôn kính và sự sùng bái của nhân dân đối với Tây Sơn như vậy, nên từ khi có sự tích đến nay đã trên 200 trăm năm. Hòn đá ấy vẫn còn nguyên vẹn.


          (Sưu tầm tại An Khê, tỉnh Gia Lai-Công Tum)

          #5
            tieuboingoan 03.06.2005 23:03:58 (permalink)


            Ghi chép về chùa Linh Phong



            L.T.S : Đào Tấn - nhà văn hoá lớn của nước ta, không chỉ là nhà soạn tuồng kiệt xuất, nhà thơ tài ba, ông còn để lại nhiều áng văn hay. Chúng tôi xin giới thiệu bài viết của ông về chùa Linh Phong, một ngôi chùa đẹp nổi tiếng ở Bình Định trước đây. Bài dịch trích trong tập bản thảo "Mai viên cố sự " của Lộc xuyên Đặng Qui Địch.

            Cách thành Đồ Bàn hơn ba mươi dặm vê hướng đông bắc, quanh các thôn Phương Phi Phương Thái thuộc vùng biển đều là núi non cả (trong quần sơn này) nổi lên một ngọn núi cao chót vót, xinh xắn, đứng một mình, đó là ngọn núi có chùa Linh Phong. (Nơi này) rừng suối cây đá có vẻ đẹp kín đáo và thanh cao không đâu bằng. Có thể nói đây là ngọn núi đẹp nhất tỉnh ta.

            Vào năm thứ mười một đời vua Hiếu Minh (Quốc chúa, Minh Vương, Nguyễn Phúc Chu) ở triều trước nước ta, nhằm năm thứ 23 niên hiệu Chánh Hoà nhà Lê, tức năm nhâm Ngọ (1702) có Mộc Y Sơn, ông tu tại núi này. Kết vỏ cây làm áo, mùa đông mùa hè vẫn mặc như thế, ung dung sống bên sườn núi, trong hang đá, ra vào không ai định trước được. Người trong vùng chẳng biết họ tên ông (nhân thấy ông ở trong núi, gọi ông là Sơn ông (ông Núi). Khảo tự phổ riêng của chùa (Linh Phong) cùng bài vị các đời trụ trì thờ tại chùa, thấy có ghi ông họ Lê tên Ban, người ở kinh đô Trung Quốc. Gọi Sơn ông là Lê Ban chưa biết đúng không hoặc ông là người giấu tên trốn đời, sống hoà mình vào đám người chằm nón đốn củi dệt chiếu câu cá cũng chưa biết chừng! Ông ở núi này được vài năm thì chọn lưng chừng núi chỗ có con suối sâu và dài, phát cây hoang, vác đá lớn xếp chỗ nọ, lắp chỗ kia, lấy thanh tre làm một cái am nhỏ (công việc xây dựng nhanh chóng như có quỷ thần dị vật ngầm giúp). Am cất xong, đặt tên là: "Dũng tuyển tự "chùa "Dũng tuyển " gối đầu vào ngọn núi rất ca, cạnh con suối trong luôn có nước chảy, hai bên có mây già đá lạ, cây kỳ, hoa nổi tiếng, chỗ cao chỗ thấp chứa sẵn cái vẽ rất yên tĩnh và rất sạch sẽ. Cảnh trí này đều do tay ông sắp đặt lấy với tâm hồn của người thợ, lập riêng thành thế giới cỏn con giữa cõi trời và cõi người. Phía tả chùa có gian nhà đá, nóc bằng như trần nhà, hai bên thẳng như vách, giữa như giường nằm, ngoài như bậc thềm, như sân. Trên mặt sân đá về phía hữu có chỗ lõm xuống, có truyền thuyết cho rằng đây là cối giã gạo của Sơn Ông. Hoặc cho rằng : "Ông chứa nước nơi này để đổ vào nghiên khi mài mực". Thiên nhiên sắp đặt, nghiễm nhiên thành một ngôi nhà nhỏ. Lúc rảnh rỗi ông thường đến chơi trong nhà đá, một mình ngồi niệm kinh, nay do chỗ này mà tưởng tượng được cách sinh hoạt của ông. Tương truyền ban ngày ông ở trong núi đốn củi, bó thành bó lớn, phải sức của hai người khiên nổi, vậy mà chỉ một mình ông vác xuống chân núi, đặt bên đường. Người qua lại đều biết là chỉ của Sơn Ông, bèn đem rau gạo mà đổi. Ông hoặc đồng tử xuống núi lấy gạo rau rồi đi, chưa từng đối đáp một ai về việc đổi chác nhiều ít thế nào. Ngày khác cũng vậy như thế được mười mấy năm không thể biết được tung tích. Núi nhiều cọp chỉ một mình ông ở với một đồng tử, người với cọp beo như quen biết nhau, quên vật quên mình. Xưa có ông Đồng Cảnh Đạo ẩn trong núi Thương Lạc, mặc áo lá cây, gảy đàn ca hát, tự lấy thế làm vui, trùng độc và thú dữ qua lại bên cạnh. Như Sơn Ông đây là nhà sư (mà hành tung có khác gì bậc ẩn giả kia. Ôi (nếu không phải thế thì) sao dạo biển chơi mây rồi cuối cùng thì gửi dấu nơi núi này?

            Kịp đến năm thứ 8 đời vua Hiến Ninh (Ninh Vương, Nguyễn Phúc Chú) nước ta, nhằm cuối năm Vĩnh Khánh thứ 4, đầu năm Long Đức nguyên niên nhà Lê, tức cuối năm Nhâm Tý đầu năm Quí Sửu (1732) vua khen ông là bậc chân tu, sai sùng tu chùa. Chùa tranh thành chùa ngói bắt đầu từ đây. Vua ban tên chùa là: "Linh Phong thiền tự" bên tả khắc "Vĩnh Khánh Quí Sửu xuân vương chính nguyệt = tháng giêng năm Quí Sửu Vĩnh Khánh nhà Lê ", bên hữu khắc: "Quốc chúa ngự đề = chính tay Quốc chúa" và ban ngự liễn:

            "Hải ngạn khởi lương nhân, pháp vũ phổ thiên tư Phật thổ .
            Linh Phong ngưng thụy khí , tường vân biến địa ấm nhân gian !"
            (Bờ biển dấy nhân hay, mưa khắp trời nhuần Phật thổ ;
            Núi Linh ngưng khí tốt, mây lành rợp đất hộ nhân gian !)

            Bên tả khắc "Quí Sửu cốc đán = Buổi sáng tốt năm Quí Sửu". Bên hữu khắc "Quốc chúa ngự đề ". Dưới bốn chữ "quốc chúa ngự đề" ở tấm biển và ở câu liễn này đều có khắc "Thần ngự bửu tỉ = ấn báu" "Thần ngự " của nhà vua. Vua còn ban cho Sơn Ông hiệu Tịnh Giác Thiện Trì Đại Lão Thiền Sư.

            Vào năm thứ 3 đời vua Hiếu Võ (Võ Vương Khúc Khoát) nước ta, nhằm năm thứ nhì niên hiệu Cảnh Hưng nhà Lê, tức năm Tân Dậu (1741 ), vua sắc triệu Sơn Ông về kinh để hỏi về giáo lý đạo Phật. Ông chống gậy tầm xích đến chơi nơi vua đóng đô, chưa đầy tháng thì đã từ tạ xin về. Vua ban một bộ áo cà sa có vòng ngọc móc vàng làm pháp phục, ân sủng thật hiếm có. Trong loạn lạc thời Tây Sơn chùa bị đổ nát, chính là lúc ông qua đời, tăng chúng các chùa họp lại lo việc mai táng cho ông, tháp xây bên hữu chùa. Tại tháp có câu liễn :

            "Quyển Thạch tiệm thành sơn, thản thản u trinh Thường Lạc thổ .
            Chúng lưu nan vi thuỷ, mang mang không tế Động Đình Thiên!"

            (Góp đá dần thành non, u nhã phẳng phiu đất Thường Lạc ;
            Họp dòng khó nên nước, hư vô man mác trời Động Đình !)

            Bên hữu viết : "Ngụy Thái Đức bát niên = Năm thứ 8 hiệu Thái Đức (1785) nhà Tây Sơn", nay vẫn còn. Do đó biết ông viên tịch thời Tây Sơn .

            Sau khi Thế tổ Cao Hoàng Đế nhà Nguyễn ta định rồi. Triều đình vâng mệnh hỏi han đến tình trạng chùa Linh Phong. Năm Gia Long thứ 7 Mậu Thìn (1808), triều đình phụng mệnh truyền ý chỉ của Thánh Mẫu Hiếu Khương Hoàng Hậu rằng "Vật thường trụ của chùa Linh Phong (đã đổ nát) không ai được lấy càn, để đợi sùng tu". Năm Minh Mệnh thứ 7, Bính Tuất (1826) vua sắc trấn thần đệ tương pháp phục triều trước đã ban cho Sơn Ông để vua xem, rồi ra lệnh theo cách thức cũ chế một bộ cà sa mới có móc vàng và vòng (kim loại) tạc hình voi, ban cho chùa Linh Phong làm vật để thờ ông. Vua còn lệnh xuất kho trong cung một trăm hai mươi lạng bạc, sai Trấn thần trùng tu chùa, nên đài giảng kinh ấy, ghế ngồi nói Pháp ấy trang nghiêm không đâu bằng, cỏ non thông lớn đều thấm nhuần ơn mưa móc mà Sơn Ông chưa kịp thấy. Có thuyết nói rằng: "Khoản niên hiệu Minh Mệnh (một đêm) vua không được khoẻ, vừa chợp mắt thì mộng thấy được một nhà sư già mặc áo vỏ cây, đứng bên giường ngọc mà quạt hầu. Rạng sáng hôm sau mình rồng khoẻ khoắn, vua đem điều chiêm bao nói cho quan chấp chánh biết, nhân đó nhớ chuyện Mộc y Ông ở chùa Linh Phong về triều trước, vua làm lấy lạ (cho sự linh dị của Sơn Ông) bèn ra lệnh trùng tu chùa. Ôi ! Ông cũng lạ lùng thay! Mặc áo vỏ cây làm sư, cửa vàng yết chúa, nhà đá niệm kinh, giường ngọc hiển mộng, qua lại cõi trần sắc tướng không không, nay tên ông cùng tên núi đều truyền, đáng làm thắng tích ở tỉnh ta .

            Giữa niên hiệu Kiến Phúc, Hàm Nghi, Tấn tôi bỏ quan về nhà ở phía nam kinh đô, gửi thân nơi cửa thiền để tránh loạn, kiệu chàm gặp trúc thường qua lại núi này chùa này. Người xưa một năm ở núi quá nửa. Tấn tôi lúc bấy giờ cũng tương tự như thế. Lúc ở núi, nhân hứng có đề mấy câu vụng về, nay ghi lại đây vài câu liễn :

            "Thập niên hồ hải qui lai mộng
            Nhất kỉnh yên hoa tự tại thiên! "
            (Một cảnh khói hoa trời tự tại ,
            Mười năm hồ hải giấc qui lai!)
            " Giai sĩ từ bi ninh thị phật,
            Sơn ông danh tự bán nghi tiên !"
            (Đây học trò lành âu cũng Phật,
            Đó ông núi gọi nửa ngờ tiên !)

            Lại đề một câu liễn nhỏ tại nơi ở là ngôi nhà nhỏ cạnh ngôi chùa :

            " Thạch thất niên thiên huỳnh hổ ngoạ,
            Hoạ trì thập nguyệt bạch liên khai"

            (Nhà đá cọp vàng nằm ngàn thuở
            Ao hoa sen trắng nở đầu đông)

            Đó là tả cảnh thật. Ở núi rỗi việc, bèn sưu cầu di tích của Sơn ông, chẳng có văn bia làm chứng, chỉ tìm được giấy rách sách nát có đề năm ghi tháng, tham khảo sách Đại Việt Sử Ký cùng thực lục tiền biên của bản triều (đối chiếu với tàn chỉ tệ biên) để tìm chứng cứ đích xác, được điều nào ghi điều nấy. Lại được hơn 200 tấm ván khắc trọn một bộ "Pháp hoa kinh giải" cùng con dấu riêng bằng đá quí, khắc: "Bán sơn trung tự = chùa ở lưng chừng núi" khắc "Khai sơn Dũng Tuyển tự = lập nên chùa dũng tuyển". Khắc: "Nhân hiệu sơn Ông = người có tên hiệu là Sơn Ông", khắc: "Thạch trung kiến ngã = tìm ra trong đá", khắc: "Tĩnh phương = nơi yên tĩnh", khắc: "Tịnh tính = tính vắng lặng ", khắc: "Thạch thất = nhà đá". Tất cả được 7 cái, lối chữ triện rất xưa. Tấn tôi lau sạch bụi, đặt vào tráp nhỏ cùng một bản hộ "Pháp hoa kinh giải" giao cho tự tăng cất giữ cẩn thận. Cũng có đôi ba tờ giấy có dấu chữ Sơn Ông để vịnh như tự tăng chẳng biết đã lấy bồi bức mà vẽ tượng! Tấn tôi lật bề lưng bức tượng mà xem, phần lớn chữ hiện rõ nhưng không hiểu, thật đáng tiếc! Năm Ất vị niên hiệu Thành Thái (1895) Tấn tôi thư Thượng thư bộ công, đem chuyện chùa Linh phong tâu lên Tây Cung để cầu xin ấn chỉ Tây Cung lệnh xuất kho trong cung 70 lạng bạc, sai tỉnh thành quyên thêm người trong tỉnh được bao nhiêu thì gọp chung với số bạc đã ban mà đốc thúc việc trùng tu chùa. Tháng tám năm Đinh Dậu, nhằm năm thứ 9 niên hiệu Thành Thái thì lạc thành. Tấn tôi chưa thể về thăm nhưng theo lời người làng ra, ai cũng nói : "Quang cảnh chùa Linh Phong nay trở nên sáng sủa và mới mẻ!" Đáng mừng! Đáng yên tâm! Nhân rổi việc sổ sách tại bộ lược thuật những nét chính, sai các con là Thoại Thạch Nhữ Tuyên ghi lấy, vì chùa Linh Phong là phương tiện nhỏ đưa người đến giác ngộ (nên phải viết) để sự tích chùa khỏi bị vùi lấp chứ chẳng phải làm văn vậy.
            #6
              tieuboingoan 03.06.2005 23:05:37 (permalink)


              Đền tháp Champa


              Lãnh thổ của vương quốc Champa
              Trên dải đất Việt Nam hiện nay, vào thuở xa xưa đã từng tồn tại ba quốc gia. Nói một cách khác tương đối thì miền Bắc là lãnh thổ của nước Đại Việt, miền Trung là địa bàn của Vương quốc Champa và miền Nam là của Vương quốc Phù Nam. Các kết quả nghiên cứu khoa học lịch sử nói chung, của khảo cổ học và dân tộc học nói riêng đã và đang minh chứng ngày một rõ ràng hơn cội nguồn của ba quốc gia ấy.

              Theo địa vực hành chính hiện nay thì có thể coi các tỉnh Trung Bộ của Việt Nam, gồm Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Đắc Lắc, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Bình Thuận là thuộc địa vực của Vương quốc Champa xưa (1).

              Theo hai nhà Champa học người Pháp Porrée và G.Maspéro (Nouvelle étude sur la Nagi Soma) cho biết thì ở Mỹ Sơn (nay thuộc huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) có một tấm bia của vua Paksadarma Vikrantavarma I (nửa đầu thế kỷ 7) ghi lại truyền thuyết về sự hình thành vương quốc Champa. Theo đó thì đã có một người Ấn Độ tên là Kaudinay (có nghĩa là người Bàlamôn vĩ đại nhất) đến và lấy nữ chúa Sôma, con gái của vua rắn Naga và sáng lập ra một vương triều. Môtíp huyền thoại về việc lập quốc gia này đầy chất Đông Nam Á. Trong truyền thuyết lập nước Phù Nam cũng có một người nam nhân Ấn Độ, cũng có tên là Kaudinay, lấy nàng Liễu Diệp (lá liễu). Truyền thuyết của người Việt đã bị Hán hóa nhưng cũng là câu chuyện nàng công chúa bản xứ Âu Cơ sánh duyên cùng nam nhân ngoại tộc Lạc Long Quân.

              Lịch sử vương quốc Champa được biết đến không phải bằng các sử liệu gốc mà được dựng lại với các sử liệu của các quốc gia láng giềng (Trung Quốc, Đại Việt, Khơme, Java…). Theo thư tịch cổ Trung Quốc thì những năm đầu công nguyên, nhà Triệu, rồi nhà Hán đã chiếm đóng và có ảnh hưởng không chỉ với Giao Chỉ-Cửu Chân mà cả Nhật Nam. Sách Tiền Hán thư cho biết nhà Hán lập quân Nhật Nam (vùng đất từ Hoành Sơn đến Bình Định) và chia làm 5 huyện: Tây Quyển, Chu Ngô, Tỷ Cảnh, Lô Dung và Tượng Lâm. Thư tịch cổ Trung Quốc còn ghi chép về những cuộc đời nổi dậy của dân huyện Tượng Lâm (huyện cực nam vùng đất chiếm đóng của nhà Hán) vào những năm 100, năm 136, năm 137, năm 144, năm 157, năm 178. Đến năm 192, nhân lúc nhà Hậu Hán loạn, dân huyện Tượng Lâm lại nổi dậy giết Huyện lệnh, giành tự chủ. Người cầm đầu khởi nghĩa có tên là Khu Liên (có sách ghi là Khu Quý, Khu Đạt hay Khu Vương). Đây chắc không phải là tên riêng mà chỉ là sai sót trong việc chuyển âm, chuyển ngữ. Khu Liên chắc là ghi chữ Kurung của ngôn ngữ cổ Đông Nam Á, có nghĩa là tộc trưởng-vua. Sách thủy kinh chú ghi tên của quốc gia này là Linyi (âm Hán Việt là Lâm Ấp). Tán Thư (thư tịch cổ năm 280) chép: “Vương quốc này về phái nam giáp nước Phù Nam… Lợi dụng núi non hiểm trở, họ không chịu quy phục Trung Quốc”. Lương Sử (soạn không đầu thế kỷ 7) còn cung cấp một phổ lệ khỏang 10 ông vua Champa sau Khu Liên: Phạm Hùng, Phạm Dật, Phạm Văn, Phạm Tư Đạt (hay Phạm Hổ Đạt), Bạt Xuế Bạt Ma… với những nối tiếp khá rối rắm. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng chữ Phạm trong tên các vị vua là phiên âm Hán của chữ Varman, nhiều người lại cho là phiên âm của chữ Phaphòpô (có nghĩa là người đứng đầu).

              Qua sử liệu Trung Quốc, nhiều người, nhiều học giả đã hình dung vương quốc này một cách sai lệch theo mô hình chính quyền quan liêu tập quyền kiểu Tần, Hán. G.Maspé khi viết: Le Royaume de Champa (Vương quốc Champa) đã coi đây là một quốc gia thống nhất nên đã đồng nhất Khu Liên với Xri Mara (người lập bia đá Võ Cạnh vào cuối thế kỷ 2). Những kết quả nghiên cứu mới nhất C.Jacques, O.W.Wolters, K.Taylor đã chứng minh được rằng Champa, Phù Nam (thậm chí cả Văn Lang Âu Lạc) là những liên hiệp, liên minh của nhiều tiểu quốc có nhiều nét tương đồng về văn hóa.

              Trong những chuyến điền giã tại miền Trung, chúng tôi đã được cùng giáo sư Trần Quốc Vượng, kiểm nghiệm mô hình một tiểu quốc Champa dựa trên trục quy chiếu là các dòng sông lớn. Một tiểu quốc phải có 3 thiết chế - ba trung tâm, tính theo dòng chảy của sông, từ núi ra biển là: trung tâm tôn giáo, tạm gọi là thánh địa (thường về phía Tây, đầu nguồn sông) - trung tâm chính trị (thường nằm ở bờ Nam sông) và trung tâm thương mại - kinh tế, thương cảng (thường nằm ở gần sát cửa sông-cửa biển). Giáo sư Trần đã mô hình hóa cụ thể như bản dưới này.

              Các tiểu quốc vùng Quảng Ngãi, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận chưa được khảo sát kỹ lưỡng nhưng có nhiều khả năng có cùng một mô hình như trên.

              Thực tế, điều kiện tự nhiên và địa lý Trung bộ nước ta với các dãy núi chạy ngang theo hướng Tây - Đông (sát tận biển) đã làm hình thành các tiểu vùng. Mỗi tiểu vùng dần lớn mạnh thành một tiểu quốc. Các tiểu quốc Chăm luôn tranh giành ảnh hưởng và địa vị. Tiểu quốc nào, tiểu vương nào mạnh mẽ sẽ có ảnh hưởng bao trùm và trở thành vua Champa. Tiểu vùng Amaramati (Quảng Nam - Đà Nẵng ngày nay) lớn mạnh hơn cả (có lẽ nhờ thương cảng Champapura - Hội An) đã thống nhất được vương quốc. Kinh đô đầu tiên Simhapura-thành phố sư tử (Trà Kiệu) và thánh địa Srisambhubhadresvara (Mỹ Sơn) cũng có quy mô và tầm quan trọng hơn nhiều so với các kinh đô và thánh địa của các tiểu quốc khác. Cũng có những thời kỳ tiêu vương vùng Vijaya (Tra thành) và Virapura - thành phố hùng tráng. Nhưng rồi tiểu vương Amaramati lại vẫn tháng thế và chuyển vương quốc về Indrapura - thành phố sấm sét. Bấy giờ vương quốc sùng Phật giáo hơn Siva giáo nên trung tâm tôn giáo của vương quốc là Phật viện (Vihara) Đồng Dương, cách Trà Kiệu khỏang 20km về phái Nam.

              Người Chăm cổ từng có nhiều tôn giáo - tín ngưỡng. Có lẽ cũng giống người Việt cổ, họ tôn thờ nữ thần mẹ của vương quốc: Pô Inư Nagar. Đây là tín ngưỡng bản địa có truyền thống lâu đời ở các quốc gia Đông Nam Á. Tín ngưỡng này còn dấu ấn sâu đậm đến ngày nay, xã hội Chăm vẫn nặng tình mẫu hệ, con gái đi cưới chồng chứ không phải con trai đi hỏi vợ. Nữ thần mẹ của vương quốc Chăm có tên là Pô Yan Inư Nagar hiện còn rất nhiều đền thờ ở địa bàn các tỉnh Nam Trung Bộ như Ninh Thuận, Bình Thuận. Từ khi tiếp nhận ảnh hưởng văn hóa - văn minh Ấn Độ, người Chăm cổ theo Ấn Độ giáo (Hindouisme). Tất nhiên như đã nói ở trên, quốc vương là người quyết định tôn giáo chính thức, quốc giáo. Theo L.Finot thì tôn giáo chính của người Chăm là Ấn độ giáo, nghĩa là chỉ thờ một trong ba vị này hay thờ chung cả ba vị của Tam vị nhất thể (trinité); Brrahma - Visnu - Siva, nhưng họ cũng còn theo cả đạo Phật và đạo Hồi giáo (2). Nhiều nhà nghiên cứu thống nhất các tôn giáo nói trên, còn đại đa số dân Chăm theo tín ngưỡng bản địa.

              Trong ba dòng thờ ba vị thần tối thượng của Ấn Độ Giáo, có lẽ người Chăm cổ tôn thờ thần Siva hơn cả. Các văn bia cổ khắc bằng chữ Phạn (Sanskrit) trong thung lũng Mỹ Sơn đã tôn thờ Siva là “chúa tể của muôn loài”, “là cội rễ của nước Chămpa”. Thần Siva thường được thờ dưới ngẫu tượng sinh thực khí của đàn ông. Các quốc vương Champa thường tự đồng nhất với thần Siva. Thậm chí cả nữ thần mẹ Pô Nagar cũng được thờ như một Cakti (kiếp hóa thân) của thần Siva. Vì vậy, nói đến nghệ thuật Champa, chủ yếu là nói đến nghệ thuật Ấn Độ giáo.

              Tuy nhiên cũng cần phải lưu ý rằng phần lớn người Chăm hiện nay, chưa rõ vì lý do nào không còn theo Ấn độ giáo nữa. Đây là một khó khăn không nhỏ cho những người muốn tìm hiểu về vương quốc Champa xưa. Người Chăm hiện nay (kể cả nhóm Chăm Bàni) cũng rất mơ hồ về di tích đền tháp, cũng có rất ít người Chăm, kể cả trí thức đọc được chữ Chăm cổ.

              Xuôi Nam ngược Bắc, qua “khúc ruột miền Trung”, du khách lại thỉnh thoảng bắt gặp những kiến trúc bằng gạch cổ kính, ẩn hiện gần xa. Đó là những ngôi đền Ấn Độ giáo của người Chăm cổ. Dân gian thường cứ thấy cao cao, nhiều tầng thì gọi là tháp: Tháp Chàm, Tháp Hời. Trải thời gian, các đền tháp bị hư hại hoang phế nên phần lớn không còn đủ các thành phần của một chỉnh thể lúc khởi dựng. Nhiều nhóm đền tháp chỉ còn lại duy nhất một công trình đứng trơ trọi lẻ loi. Trước nay kể cả giới nghiên cứu cũng thường bị “dân gian hóa” mặc nhiên gọi là tháp này, tháp kia trong tư duy đơn lẻ. Thực ra các đền tháp Chăm cổ bao giờ cũng có một nhóm, một tổng thể hoàn chỉnh phản ánh vũ trụ quan Ấn giáo. Theo quan niệm cổ ấy thì vũ trụ có hình vuông, chung quanh có núi và đại dương bao bọc, chính giữa là một trục xuyên đến mặt trời. Các tổng thể đền thờ Ấn giáo thể hiện rõ với khuôn viên được qui định vuông vắn, tường bao quanh xây cao, vuông góc của nhau là tượng của núi (tuy nhiên, nhiều khi vì phải nương theo địa hình, địa thế đã có những công trình đã xây dựng ngoài tường bao). Các công trình trong tổng thể được bố cục theo một đường trục chạy giữa. Hướng chính của các tổng thể thường là hướng đông, hướng của các thần thánh, của sinh sôi nảy nở. Hãn hữu thường có nhóm đền tháp Chăm cổ lại quay hướng khác” nhóm Pô tằm (Phong Phú - Tuy Phong, Bình Thuận) quay về hướng Tây Nam, các nhóm A, A’, G, E, F ở thung lũng Mỹ Sơn (Duy Tân - Duy Xuyên Quảng Nam) quay hướng Tây. Một trong những nguyên nhân của việc đổi hướng là do hạn chế của địa hình. Những nhóm đền tháp ngược hướng thông thường ở Mỹ Sơn còn được giải thích rằng chúng quay chầu về ngôi đền trung tâm của cả khu thánh địa là ngôi đền đá B1.

              Trung tâm của nhóm đền tháp bao giờ cũng là một điện thờ lớn, nhiều tầng, tên là Chăm cổ là Kalan (đền thờ). Kiến trúc này có mặt bằng cơ bản hình vuông, bốn hướng có bốn cửa, nhưng chỉ có một cửa ra vào mở ra theo hướng chính của cả nhóm đền tháp, các cửa còn lại là cửa giả xây nhô ra trên các mặt tường. Mỗi Kalan thường gồm ba phần: đế, thân và mái tượng trưng cho ba thế giới: Bhurloka (trần tục), Bhuvaloka (tâm linh), và Svarloka (thần linh). Các tường và các mặt tường Kalan được trang trí bởi nhiều đề tài, mô típ trang trí ngày trên gạch xây hoặc chi tiết bằng đá sa thạch. Phần chân đế (soubassement) được trang trí bởi các đồ án hoa lá; hình voi, sư tử; những vòm cuốn nhỏ chạm hình tượng Kala - makara hoặc các hoạt cảnh với các vũ nữ (apsara), nhạc công (gandhara). Trước thế kỷ 10, các chân đế Kalan hoàn toàn bằng gạch. Những Kalan có niên đại muộn hơn thường được gắn ốp các thành phần bằng đá sa thạch.

              Bề mặt ngoài của phần thân kalan thường được trang trí bằng những trụ áp tường (pilastres). Thông thường trên mỗi mặt tường có 5 trụ áp tường, chiếc trụ chính giữa bị cửa giả che khuất. Trong cửa giả bao giờ cũng có chạm nổi hình người đứng cầu đảo với hai tay chắp lại phía trước ngực, nhiều khi cầm một bông sen. Tiếp giáp giữa phần thân và phần mái là một diềm mái (corniche). Diềm mái là những đường gờ cong (lồi hoặc lõm-congé, cavet) thường được chạm khắc bằng những hoa dây (frise à gulivandes pendantes) hoặc các trang trí áp tường (appliques). Bốn góc diềm mái gặp nhau lại được gắn những vật trang trí bằng đá (pìece d’accent) chạm hình ngọn lửa hoặc tượng makara, apsara.

              Mái kalan gồm có ba tầng và một đỉnh. Tầng mái trên là thu nhỏ của tầng dưới với đầy đủ các thành phần như cửa giả, trụ áp tường, diềm mái: trên các tầng mái có đặt nhiều tượng, phù điêu bằng đá tạo hình các con vật cưỡi (vahàna) của các vị thần Ấn giáo (ngỗng thần hamasa, chim thần Garudda, bò thần Nadin…). Các góc của tầng thứ nhất và thứ hai dựng bốn tháp góc (amoritissement d’ angle). Tầng cuối cùng không có tháp trang trí góc đỡ một chóp lá lớn (pierre de couronnement), tiếng Chăm cổ gọi là àmalaka. Đó chính là tượng trưng của đỉnh núi Kailàsa, nơi cư ngụ của thần Siva. Trước kia, các vua Champa thường dát bọc vàng, bạc lên các àmalaka này để chứng tỏ lòng thành kính và sự sang quý.

              Khác biệt với kiến trúc của các tôn giáo khác, đền thờ Ấn giáo (các sikhara ở Ấn Độ, các prasat ở Khơmer và các kalan của Champa) có nội thất nhỏ kiểu mật thất. Tường kalan cũng như các đền tháp Chăm khác nói chung rất dày, khoảng trên dưới 1m. Mặt tường trong của phần thân xây phẳng, ba phía Bắc, Tây, Nam có những khám nhỏ để đèn (niches à limienaire). Phần vòm mái được hình thành bởi các viên gạch xây so le nhô dần ra để thu lại ở đỉnh góc (vuotes à encorbellements). Kiểu mái vòm này có thể coi là một sáng tạo trong kết cấu gạch của người Chăm cổ. Nội thất kalan chỉ vừa đủ chỗ để đặt một đài thờ bằng đá ở chính giữa. Đài thờ có khi là hình tượng (idole) của một vị thần, nhưng phổ biến hơn là bộ linga-yoni. Đài thờ kiểu này gồm ba phần: đế - bệ yoni (sinh thực khí đàn bà) và linga (sinh thực khí đàn ông, một biểu tượng chính của thần Siva).

              Các kalan Chăm phần lớn được xây theo kiểu pyramydal (ảnh hưởng Nam Ấn) với các tầng trên là sự thu nhỏ của tầng dưới. Ngoại lệ, như ở nhóm Bằng An (Vĩnh Điện - Điện Bàn - Quảng Nam), nhóm Hưng Thạnh (Quy Nhơn - Bình Định), nhóm Dương Long (Bình An - Tây Sơn - Bình Định) các kalan như chịu ảnh hưởng của kiến trúc Ấn giáo vùng Bắc Ấn nên có hình vòm cong, kiểu curvilige.

              Kosa grha là một kiến trúc bao giờ cũng nằm trong vòng tường bao quanh và ở về phía trước, bên phải của kalan. Kiến trúc này có mặt bằng hình chữ nhật, nội thất rộng rãi, có tường ngăn chia thành hai phòng. Đây là kho lễ vật, nhiều khi kiêm chức năng nhà bếp nên còn có tên gọi Việt hoá là tháp Hỏa, tháp Bếp. Cửa ra vào của kiến trúc này bao giờ cũng được mở ra hướng Bắc (hướng của thần Tài Lộc Kuvera) nhưng thường lệch về một phía (thường là phái Tây) chứ không ở chính giữa của mặt tường Bắc. Mặt tường Đông và Tây trổ hai cửa sổ có chấn song con tiện bằng đá. Mặt tường Nam của các kosa grha thường được xây kín, trang trí bằng các trụ áp tường (pilastres). Kosa grha chỉ có hai tầng, nhưng phần mái cong hình thuyền úp vươn cao và thường được trang trí đẹp khiến nó trở thành một kiến trúc dễ gây chú ý trong một nhóm đền tháp.

              Nằm xen giữa bức tường phía Đông của tường bao quanh nhóm đền tháp, thẳng trục kalan, với hai cửa đi đối diện, làm thành một lối ra vào là kiến trúc có tên gọi là gopura (có thể tạm gọi là tháp Cổng). Gopura có hình thức tương tự như kalan nhưng giản lược hơn nhiều. Công năng của kiến trúc này là cổng chính dẫn vào một khu đền thờ.

              Luôn luôn đồng trục với kalan là madapa, một kiến trúc có mặt bằng hình chữ nhật, với cạnh dài thường gấp nhiều lần cạnh ngắn. Kiến trúc này là nơi tĩnh tâm, cầu nguyện của tín đồ trước khi vào hành lễ ở kalan. Nhiều người gọi đây là tháp Nhà. Với chức năng ấy, madapa có nội thất rộng thoáng, hai cửa ra vào mở ra hai hướng Đông và Tây. Trên mặt tường Bắc và Nam trổ nhiều cửa sổ. Tất cả các madapa hiện còn đều không còn giữ được mái ngói, nhưng trên tường vẫn còn thấy các dấu vết của điểm đặt cấu kiện gỗ để lợp ngói. Cũng khá hiếm những viên ngói còn nguyên vẹn. Dẫu vạy, các mảnh vỡ cho thấy ngói Chăm cổ dài khoảng 20cm, rộng phổ biến 8 - 12cm, mũi ngói vuốt nhọn như mũi tên. Phần lớn các madapa nằm ngoài tường bao nhưng nhiều khi do mặt bằng hạn chế, người ta đã xây ở giữa kalan và gopura (như trường hợp madapa H2 - Mỹ Sơn, madapa của nhóm Pô kloong Garai - Phan Rang). Ở mhóm Pô Narga - Nha Trang có một madapa khá đặc biệt với những hàng trụ gạch đỡ mái không có tường bao và được xây ở một mặt bằng khác tháp hơn mặt bằng chung của cả nhóm đền tháp.


              Ở các nhóm đền tháp lớn, quan trọng, nhiều khi còn có thêm một công trình nữa: po sah (tháp Bia). Đúng như tên gọi Việt hóa, kiến trúc này có chức năng của một nhà che bia. Mặt bằng công trình có hình vuông, mở cả bốn cửa ra vào ở cả bốn mặt tường tầng một. Po sah thường co kích hước nhỏ nhất trong số các đền tháp của một nhóm.

              Tóm lại, thông thường một nhóm đền tháp Chăm phải có ít nhất 4 công trình là madapa (tháp Nhà), gopura (tháp Cổng), kalan (điện thờ và kosa geha (tháp Hỏa). Trong nhiều nhóm đền tháp lớn có thể còn có thêm một số kalan nhỏ thờ các vị thần khác của Ấn giáo hoặc thờ các vị thần phương hướng, tiếng Chăm cổ là dikpalakas. Các kalan phụ này được xây rải rác bên trong vòng tường bao.

              Tuy nhiên có một số nhóm đền tháp có bố cục hơi khác. Đó là các nhóm Chiên Đàn ở xã Tân An huyện Tam Kỳ, nhóm Khương Mỹ ở xã Tam Xuân huyện Núi Thành thuộc tỉnh Quảng Nam; nhóm Hưng Thạnh ở thị xã Quy Nhơn, nhóm Dương Long ở xã Bình An huyện Tây Sơn thuộc tỉnh Bình Định. Mỗi nhóm có tới 3 kalan lớn gần bằng nhau, đứng song hàng theo trục Bắc Nam, mở cửa về hướng Đông. Theo chúng tôi, ở ba kalan đặt bàn thờ ba vị tối cao của Ấn giáo: Brahma - visnu và Siva: Đáng tiếc là các nhóm đền tháp này không còn một kiến trúc phụ trợ nào còn đứng vững trên mặt đất. Tuy nhiên, các phế tích và dấu vết còn lại đến hôm nay cho biết ở các nhóm đền tháp này cũng đã tồn tại các kiến trúc phụ trợ (madapa, gopura, kalan, kosa grha và cả po sah).

              Xác định niên đại cho các di vật, di tích của nghệ thuật Champa là một vấn đề nan giải. Nguyên nhân chính của tình hình này là do thiếu tư liệu lịch sử. Các nhà Champa học đã phải dựa vào sự phát triển của nghệ thuật điêu khắc Champa. Đã có nhiều cách sắp xếp, phân loại khác nhau, tuy nhiên hầu hết các ý kiến đều thống nhất một khung niên đại giới hạn của nghệ thuật Champa là từ thế kỷ thứ 7 đến thế kỷ 15. Sau đây là cách phân loại dựa trên những kết quả nghiên cứu mới nhất:

              a. Phong cách Trà Kiệu sớm (cuối thế kỷ 7)
              Là phong cách cổ nhất của nghệ thuật Champa. Số lượng hiện vật khá phong phú, hầu hết đều tìm được ở Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên- Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng (địa bàn miền Amaravati xưa).

              Tiêu biểu cho phong cách này là một đài thờ được tìm thấy ở Trà Kiệu, hiện trưng bày ở Bảo tàng Điêu khắc Chàm - Đà Nẵng. Niên đại của đài thờ này được xác định là cuối thế kỷ thứ 7.

              Đặc trưng:
              -Các hình người có khuôn mặt tươi tắn, miệng mỉm cười, mắt “hình khuy áo” không có con ngươi, mũi thon, đầu đội mũ giata, tóc búi thành búi tròn rất to sau gáy. Đeo nhiều đồ trang sức. Dải thắt lưng dài, bay phấp phới.

              -Các hình động vật (bò, voi, sư tử…) được diễn tả tự nhiên, sinh động trong nhiều dáng điệu ngộ nghĩnh và khoẻ khoắn.

              Phong cách này mang nhiều ảnh hưởng sâu đậm của phong cách Amaravati (Nam Ấn Độ).

              b. Phong cách An Mỹ (đầu thế kỷ 8)

              Sưu tập những bức chạm bán thân các vị thần Án giáo mới được phát hiện gần đây (tháng Giêng năm 1982) tại An Mỹ (Tam An - Tam Kỳ - Quảng Nam) cùng với một số tác phẩm khác đã được phát hiện từ trước ở Quảng Nam và một vài nới khác có những đặc điểm tạo hình của một phong cách riêng.

              Phong cách An Mỹ mang những yếu tố ảnh hưởng nghệ thuật Ấn Độ, nghệ thuật Môn - Dvaravati (miền Trung Thái Lan) là những yếu tố Chăm khá mạnh mẽ.

              Đặc trưng: hình người thường có mái tóc tết kiểu xoắn ốc, rủ xuống hai vai. Mắt mở to, mũi dài thẳng, hơi khoằm. Môi dày, khóe miệng cong lên. Hoa tai khá lớn, hình tròn dẹt.

              c. Phong cách Mỹ Sơn El (thế kỷ 8)

              Các hiện vật thuộc phong cách này sưu tầm được ở khắp nơi, nhưng đặc biệt tập trung ở thánh đại Mỹ Sơn. Tác phẩm tiêu biểu nhất là đài thờ và mi cửa của kalan El - Mỹ Sơn cùng pho tượng ganesa đứng (tìm dược ở E5 - Mỹ Sơn).

              Đặc trưng: hình người đầu đội mũ giata - mukata thon nhọn, tóc búi cao. Đặc điểm nhân chủng Chăm được thể hiện khá rõ nét với đôi mắt lớn, hơi xếch, mày rậm, mũi to, môi dày. Trang phục là những sampot có vạt trước dài quá gối, gấu loăn xoăn. Thắt lưng cao ngang ngực, nhọn đầu lên ở giữa. Đôi khi còn có cả khóa thắt lưng (?) hình chữ nhật. Dải thắt lưng dài, buông thành nhiều nếp, rủ lòa xòa xuống bắp chân.

              Trang trí kiến trúc cũng có những đặc điểm riêng. Trụ áp tường nhỏ, tròn đều (tương tự như trong nghệ thuật Khơme thế kỷ 7-8). Thân trụ ít trang trí, chỉ có vài ba hoa dây (kép đôi, ba) bắt chéo nhau, buông xuống những dải mềm như dải vải. Mi cửa hình cung dẹt (giống kiểu Prei Kmeng nửa đầu thế kỷ 8). Đường gơ bao quanh mi cửa cuộn vào phía trong bằng hình naga, cuộn ra phía ngoài bằng hình makara. Các hoa lá trang trí thường có bố cục một bông hoa to ở giữa, bốn guột lá dàn ra hai bên, các mô típ này cách nhau bởi một hình thoi (rất gần với kiểu bố cục trong nghệ thuật Môn - Dvaravati).

              Rõ ràng, ảnh hưởng Ấn Độ đang mờ dần, quan hệ với các nghệ thuật láng giềng (Môn, Khơme) đang tăng lên và tính bản địa ngày một được khẳng định.

              d. Phong cách Hòa Lai (nửa đầu thế kỷ 9)

              Những tác phẩm điêu khắc thu nhập được ở nhóm đền tháp Hòa Lai (Tân Hải - Ninh Hải - Ninh Thuận), ở Bích La (Quảng Trị) và thung lũng Mỹ Sơn hợp thành phong cách này.

              Đặc trưng: hình người có khuôn mặt hơi vuông, cánh mũi nở. Miệng rộng, môi dưới dày, ria mép đậm. Tóc búi ba tầng theo hình chóp nhọn. Hoa tai to, tròn. Cánh tay, cổ tay, cổ chân đeo vòng. Dải thắt lưng có sọc dọc, xòa rộng phần dưới, đầu mút cuộn thành những nếp sóng dầy.

              Trụ áp tường chuyển từ hình tròn sang hình tám cạnh. Các băng hoa lá trang trí hình xen kẽ với những băng để trơn theo chu kỳ ½. Phổ biến típ cành lá hình móc câu lượn song song. Vòm cuốn (torana) lớn, hình nậm rượu, trang trí rậm rịt.

              e. Phong cách Đồng Dương (nửa cuối thế kỷ 9)

              Phong cách này được xác định dựa trên những di vật còn ở lại ở Đồng Dương (Thăng Bình - Quảng Nam) và ở Mỹ Sơn. Tấm bia tìm thấy ở Đồng Dương, có niên đại 875 nói về việc xây dựng một Phật viện lớn có tên là Laksmindra - Lokésvara đã xác định được niên đại của phong cách nghệ thuật này.

              Đặc trưng: hình người mang đặc điểm nhân chủng Chăm nổi rõ hơn bất cứ phong cách nào. Môi dầy, có viền, ria mép dầy, rậm, nhiều khi liền vào với môi trên. Mũi tẹt, cánh mũi rộng. Lông mày nổi cao, như dính liền với nhau thành một. Trên mũ hoặc ngay trên tóc bao giờ cũng có ba bông hoa. Đồ trang sức nặng nề. Hoa tai hình tròn có một đóa hoa lớn hoặc ba đầu rắn ở giữa. Vạt sampot dài (có khi tới mắt cá) chéo hình thanh đao hoặc thẳng đứng, gấp nếp chữ chi.

              Trụ áp tường ngược với kiểu Hòa Lai, được trang trí hai bên, băng giữa để trơn. Phổ biến mô típ hoa văn xoắn xuýt như những con sâu (vercumules). Vòm cuốn nhỏ, trên đỉnh có một bông hoa nhỏ.

              Phong cách này đạt đến cực đỉnh trong sự phát triển những yếu tố bản địa. Tượng Champa giai đoạn này biểu lộ mãnh liệt nội tâm con người.

              f. Phong cách Khương Mỹ (đầu thế kỷ 10)

              Sưu tập ở Khương Mỹ (Tam Xuân - Núi Thành - Quảng Nam) và các di vật khác có cùng đặc điểm ở Mỹ Sơn, đồng Dương… làm hình thành phong cách này.

              Đặc trưng: mặt người hơi nặng nề (ở các tượng nam có thêm bộ râu quai nón). Mắt mở lớn có con ngươi. Môi dày, ria mép ngắn. Đồ đội khá phức tạp kirita - mukata ba tầng to nặng, hoặc đội giata - mukuta với búi tóc phía sau. Sampot có vạt trước hình chữ nhật buông dài xuống chân.

              Phong cách này kế thừa trực tiếp những đặc trưng phong cách trước nó và nhân thêm ảnh hưởng của nghệ thuật Koh-ker (Campuchia). Các tác phẩm thuộc phong cách này được diễn tả bằng một bút pháp chân chất, mộc mạc, mang vẻ đẹp hiện thực.

              g. Phong cách Trà Kiệu muộn (cuối thế kỷ 10)

              Gồm chủ yếu các hiện vật tìm thấy ở Trà Kiệu và một số nơi khác ở Mỹ Sơn. Đồng Dương, Hà Trung (Gio Châu - Gio Linh - Quảng Trị).

              Đặc trưng: Mắt người hình khuy áo, không con ngươi, lông mày vẫn được chạm nổi nhưng thanh hơn và tách rời nhau. Mũi thon nhỏ, miệng cười tươi. Điệu bộ duyên dáng hài hoà. Mũ đôị là một loại kirita - mukuta độc đáo có đính năm bông hoa nhỏ ở vành. Đôi khi có nhiều tầng hoa, trên cùng là một hình chóp nón cao có trang trí nhiều cung tròn đồng tâm. Đồ trang sức hạt nhỏ, thanh nhã có đính điểm xuyến vài bông hoa nhỏ. Thắt lưng buông dài phía trước.

              Nghệ thuật tạc tượng động vật cũng được phục hồi. Tự nhiên, sống động, ngộ nghĩnh và hóm hỉnh. Ngoài bò, voi, sư tử còn khá phổ biến hình hươu, nai, ngựa.

              Trụ áp tường là những trụ đôi, thanh nhỏ. Ở giữa hai trụ có một rãnh nhỏ chây suốt lên đỉnh trụ. Mặt tường giữa các trụ (entrepalastre) được chạm các vòm cuốn nhỏ đỡ bởi hai trụ tròn nhỏ, ở giữa các hình người đứng chắp tay cầu đảo. Mô típ này mang dáng dấp như một cửa nhỏ.

              Ngược hẳn vởi vẻ mãnh liệt, dữ dằn của phong cách Đồng Dương, phong cách Trà Kiệu muộn hiền hoà, trang nhã và duyên dáng. Tiêu biểu là cấc vũ nữ chạm trên một đài thờ khác cũng tìm thấy ở Trà Kiệu. Cùng với phong cách Đồng Dương, phong cách này là đỉnh cao của nghệ thuật Champa. Nếu ở phong cách Đồng Dương, mọi yếu tố ngoại lai đều được gạt bỏ một cách cực đoan thì phong cách Trà Kiệu muộn lại tiếp nhận nhiều ảnh hưởng từ nghệ thuật Java (Indonesia) và Campuchia.

              h. Phong cách Chánh Lộ (thế kỷ 11)

              Chánh Lộ là tên một khu phế tích kiến trúc, nơi đã tìm được một số lượng lớn các tác phẩm điêu khắc mang những đặc tính bảo lưu và kế thừa trực tiếp phong cách Trà Kiệu muộn. Phù điêu và mi cửa kalan E4, K - Mỹ Sơn cũng thuộc phong cách này.

              Đặc trưng: vẫn còn bảo lưu được hình tượng con người với nét mặt tươi tắn. Mắt nhỏ không có con ngươi. Mũi thấp, môi hơi dầy. Đầu đội mũ kirita - mukuta hai tầng, trang trí bởi những đóa hoa nhỏ hình mác chồng lên nhau. Đồ trang sức cũng vẫn thanh nhỏ như những chuỗi ngọc.

              Trang trí kiến trúc xuất hiện vòm cuốn hình lưỡi mác. Các mô típ hoa văn ngày càng đơn giản hơn.

              k. Phong cách Tháp Mẫm (thế kỷ 12-14)

              Các tác phẩm nghệ thuật thuộc phong cách này tìm được chủ yếu ở Quảng Ngãi và Bình Định (miền Vijaya xưa). Ở Mỹ Sơn có kalan B1, G1, H1.

              Đặc trưng: hình tượng nổi bậc là những tượng động vật. Hầu hết đều có kích thước lớn và được trang trí, chạm khắc những mô típ chi tiết rườm rà và đơn điệu. Thân hình các con vật (gajashima, makara, garuda…) không còn một chỗ nào để trống.

              Tượng người không còn là tượng tròn nữa mà bao giờ cũng tựa lưng vào một cái bệ. Thần thái các tượng đầy vẻ khô khan duy lý. Trang phục có một tấm lá tọa hình chiếc lưỡi ở dưới thắt lưng, trên nhỏ, xuống dưới mở rộng, uốn tròn. Xuất hiện một mô típ cực ký độc đáo là những bộ vú đàn bà.

              Hoa lá trang trí rất sinh động. Kết thúc hoa văn bao giờ cũng là những đường xoáy trôn ốc nổi cao.

              Trong kiến trúc thống nhất kiểu vòm uốn lưỡi mác. Trụ áp tường để trơn không trang trí nữa. Các đền tháp bao giờ cũng được chọn đặt trên đồi cao.

              Là phong cách cuối cùng có nhiều thể hiện to lớn. Phong cách này nổi bật về tính hoành tráng và những đặc trưng thống nhất rất dễ nhận biết ở các tác phẩm. Tấm bia có niên đại 1157 ở nhóm G - Mỹ Sơn đã góp phần xác định niên đại chính xác cho phong cách nghệ thuật thời kỳ này. Cũng có thể nhận ra những ảnh hưởng của nghệ thuật Đại Việt (thời Lý - Trần) ở phong cách này.

              l. Phong cách Yang Mun (cuối thế kỷ 14 đầu thế kỷ 15).

              Pho tượng Siva tìm thấy ở Yang Mun (Gia Lai - Kon Tum) được tạo tác bằng một bút pháp độc đáo, khá riêng biệt. Hợp với nhữg tác phẩm ở nhóm Pô Kloong Garai, Pô Rômê (Ninh Thuận) và một số khác tìm thấy trên vùng cao nguyên gần Camphuchia, pho tượng ở Yang Mun làm hình thành một phong cách muộn ở nghệ thuật Champa.

              Đặc trưng: đặc điểm nhân chủng khỏe khoắn của hình tượng vẫn rõ nét. Đôi lông mày cong, vắt hình con đỉa, nhíu lại trước trán. Đường mi dưới mắt nằm ngang, thẳng khiến đôi mắt như hai nửa đường tròn. Môi mím, mép bạnh, hàng ria mép rủ cụp xuống. Chân dấu sau hai vạt sampot, gấp lại trong tư thế như quỳ xổm, tạo thành một khối hình tam giác. Thân người chìm dần vào bệ đá sau lưng.

              Hoa văn ttrang trí trở nên rắm rối, tối tăm và thiếu sức sống.

              Kiến trúc tháp dồn lại thành một khối thô cứng, không còn sắc nét, bay bổng nữa. Xuất hiện các trang trí góc các tầng tháp hình bò thần nandi.

              Đây là phong cách cuối cùng của nghệ thuật Champa. Sau phong cách này, nghệ thuật Champa suy tàn nhanh chóng và dần bị mai một.

              ------
              1. Champa là ghi âm theo ký từ Latinh tên của vương quốc này theo các tấm bia Chăm cổ đã có nhiều cách viết khác nhau: Cyamba (Marco Polo), Cambe (Odrie de Pordenone), Tchampa (E.Aymonier), Campa (A.Bergaigne)… Thư tịch cổ chữ Hán của Trung Hoa và Đại Việt gọi là Lâm Ấp, Hoàn Vương và Chiêm Thành. Ở đây chúng tôi gọi theo cách mới, chính xác hơn là dân tộc Chăm, người Chăm chứ không dùng các chữ cũ là Chàm.

              2.Louis Finot: Tôn giáo Chăm dựa theo những di tích (La religion des Chams d’ après les monument – BEFEO I, 1901, pp 12- -16).

              Vương quốc Champa lẫy lừng một thuở, sử sách các nước láng giềng còn ghi những lần quân Champa đánh sang tận các kinh đô Khơmer, Java, Đại Việt. Thế giới biết đến người Champa qua tài đi biển, buôn biển (và cướp biển). Trên bản đồ hàng hải quốc tế ở các thế kỷ 13-15 đều ghi vùng biển Quảng Nam Đà Nẵng, Khánh Hòa, vùng giữa và Nam biển Đông (theo bản đồ dự báo thời tiết của VTV) là biển champa. Đô thị - thương cảng Hội An - Faifo ở các thế kỷ 14-18 của người Việt nổi tiếng là nhờ tiếp thu được thuận lợi của thương cảng của Champapura trước đó. Tuy nhiên, ngày nay vương quốc Champa được cả thế giới thán phục là nhờ các di tích đền tháp Ấn Độ giáo. Đó cũng chính là nội dung chính của bài viết này.

              #7
                tieuboingoan 03.06.2005 23:06:32 (permalink)


                Nét đẹp Thị Nại



                Đầm Thị Nại là đầm nước lợ lớn nhất tỉnh và được xếp vào loại đầm phá nước lợ lớn so với cả nước. Lúc nước triều lên, đầm Thị nại có diện tích trên 5.000 ha; chạy dài trên 15km nối Cát Chánh (Phù Cát) với các xã phía đông Tuy Phước và Quy Nhơn; nhận nước của các con sông lớn như sông Côn, Hà Thanh và một số con sông nhỏ từ Phù Cát trở vào Quy Nhơn, thông với biển Đông qua cửa biển Quy Nhơn. Nguồn lợi thủy sản trong đầm rất phong phú và đa dạng, thích hợp cho việc đánh bắt, nuôi trồng; là “bầu sữa mẹ” dồi dào, nuôi sống hàng nghìn cư dân ven đầm từ bao đời nay.

                Đầm Thị Nại có cảnh quan tự nhiên rất đẹp, chạy qua những làng quê trù phú rợp bóng cây xanh, gắn liền với những di tích được xếp hạng quốc gia như di tích lịch sử Bãi Nhạn - núi Tam Tòa; có những nơi phong cảnh hữu tình như: tháp Thầy Bói, vũng Xiêm (Nhơn Hội-Quy Nhơn). Đầm Thị Nại rất thơ mộng trong những đêm trăng, mặt nước lấp lánh dát vàng, trăng trên bầu trời vằng vặc, trăng chìm đáy nước lung linh… Khách nhàn du thích thuê thuyền chơi trăng trên đầm, xem “hội hoa đăng” với hàng trăm ngọn đèn (măng xông) rực rỡ của nghề chồ rớ, lắng nghe tiếng cá “đớp trăng” và thưởng thức món tôm đất nước trên lò than đỏ hồng bên sông nước mênh mông. Nếu có dịp đi đò khách chạy dọc theo đầm từ Quy Nhơn lên Cát Chánh, qua Cồn Chim, Huỳnh Giảng, du khách sẽ cảm nhận được nét đặc thù của vùng đầm nước phá lợ với ngang dọc những bờ tôm chạy suốt ven đầm, tạo điều kiện đổi đời cho người nông dân ở đây.

                Đầm Thị Nại luôn mang một sức sống dồi dào với rất nhiều loại nghề khai thác thủy sản suốt ngày đêm. Lúc nước xuống, một bãi triều mênh mông hiện ra, đây là những người làm nghề bắt sò, ngao, điệp, vẹm… hoạt động, tạo nên một bức tranh sinh động về công việc kiếm sống cần cù, lam lũ. Lúc nước lên, ấy là thời gian hành nghề của các loại nghề như: lưới gõ, lưới bén, lưới rùng, câu thẻo, câu kiều… Trên dòng sông đêm, tiếng hô bài chòi của ai đó nghe man mác, theo gió lan xa; thay vì nhịp song loan dìu dặt là tiếng mái chèo gõ vào mạn thuyền giữ nhịp, vừa làm cái việc xua cá vào lưới của nghề lưới gõ. Từ một nhánh sông nào đó, một chiếc thuyền mày xình xịch xuất hiện, kéo theo vài chục chiếc sõng câu nhỏ, trông giống như con gà mẹ kéo theo đàn gà lóc nhóc đi kiếm ăn. Thuyền ra đến một vị trí đã định mặt đầm thì neo lại dập dềnh trên sóng nước. Những chiếc sõng câu nhỏ tản ra nhiều hướng, mỗi chiếc mang trên mình một người câu cá, và họ lặng lẽ làm việc trong đêm, mong cho được con cá chẻm, cá hồng, cá mú… để phục vụ cho cuộc sống của họ. Tờ mờ sáng, tất cả những chiếc sõng câu tập trung về thuyền mẹ, cân cá cho đầu nậu chờ sẵn rồi lại được thuyền mẹ kéo về, chờ buổi câu sau. Có tận mắt quan sát cảnh làm ăn của những cư dân ven đầm, mới thấy công việc của họ tuy vất vả nhưng bình lặng và đáng yêu xiết bao. Buổi chiều hôm, khi nước rút xuống, cũng là lúc phụ nữ làm nghề soi cua xuất phát, mỗi người một chiếc sõng mong manh, trước đầu sõng treo ngọn đèn mămg-xông, xuôi theo con nước ra đầm, lặn lội nhiều ngóc ngách các gành đá để bắt cua. Lúc nước lên thì những người soi cua vội vã quay sõng trở về, bởi nếu trễ con nước thì phải chèo mỏi tay. Nhìn cảnh soi cua, bắt sò, điệp… chợt liên tưởng đến câu thơ của Tú Xương: “Quanh năm lặn lội ở mom sông…”.

                Nghề khai thác thủy sản thủ công trên đầm là vất vả, nhưng nó cũng đủ nuôi sống bà con ngư dân ven đầm, phù hợp với việc bảo vệ vườn ươm các giống thủy sản trong đầm Thị Nại. Tiếc thay, trong khoảng 10 năm trở lại đây, các loại nghề cấm như xiếc máy, xung điện được một số người sử dụng, đánh bắt vô tội vạ, vừa hủy diệt các giống loài thủy sản, vừa làm mất đi nét đẹp bình yên trên đầm, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của ngư dân làm nghề khai thác thủy sản bằng những phương tiện truyền thống
                #8
                  tieuboingoan 03.06.2005 23:10:00 (permalink)

                  Thành cổ Đồ Bàn



                  Thành Đồ bàn cũng thôi không nức nở
                  Trong sương mờ huyền ảo lắng tai nghe
                  Từ một làng xa xôi bao tiếng mõ
                  Tan dần trong yên lặng của đồng quê…


                  (Điêu Tàn-Chế lan Viên)

                  Còn đâu nữa những ngày vàng son của Đồ Bàn đô cũ và còn đâu nữa những cảnh rộn rịp ngựa xe? Tất cả đều trôi vào quá khứ xa vời!

                  Ngày nay, du khách đến thăm thành cổ Đồ bàn chứng kiến tạn mắt cảnh tang thương dâu bể không khỏi chạnh lòng hoài cổ, tiếc thương cho một triều đại đã lùi vào dĩ vãng xa xăm.

                  Thành Đồ Bàn không còn nữa nhưng qua các di tích và sử liệu ghi chép, du khách có thể tìm lại hình ảnh thời xa xưa.

                  Thành cổ Đồ Bàn nằm ở phía bắc huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định, tọa lạc trên đất các thôn Nam Tân, Bắc Thuận và Bá Canh của xã Nhơn Hậu và cách thành phố Quy Nhơn 27 km về hướng bắc.

                  Đồ Bàn là kinh đô của vương quốc Chămpa, vốn tên là Vijaya, được xây dựng từ năm 1000. Trong các sử liệu thường phiên âm là Đồ bàn, Xà Bàn, Trà Bàn hay Chà Bàn.

                  Thành do Chiêm vương Ngô Nhật Hoan đứng ra xây dựng, kiến trúc thật kiên cố. Bên trong có dựng tháp Bảo chướng, bên ngoài có dãy đồi Kim Sơn án ngữ mặt tây, có núi Long Cốt làm tiền án và gò Thập Tháp yểm hậu. Thành vị phế bỏ kể từ năm 1471 sau khi vua Lê Thánh Tông mang đại binh vào đánh chiếm kinh đô Đồ Bàn và cả châu Vijaya, sau khi đổi thành phủ Hoài Nhơn trực thuộc Quảng Nam thừa tuyên.

                  Theo sách “Đồ Bàn Ký” của Nguyễn Văn Hiển thì: “Thành Xà bàn hình vuông xây bằng gạch, mở bốn cửa, chu vi hơn mười dặm”. Sách “Thiên Nam Tứ chí lộ đồ” vào thời Lê thì ghi: “Xã Phú Đa xưa có thành gạch gọi là thành Đồ Bàn, hình vuông, mỗi bề dài một dặm, mở bốn cửa, trong đó, có điện, có tháp, Điện đã bị sụp đổ, tháp còn 12 tòa tục gọi là tháp Con gái…”

                  Năm 1776, Nguyễn Nhạc cho xây dựng lại và mở rộng thêm thành Đồ bàn làm sở chỉ huy của nghĩa quân. Sách “Lê Quý Dật sử” có chép: “Nhân đất cũ của Chiêm Thành, Nguyễn Nhạc cho sửa dắp lại thành Đồ Bàn, đào lấy đá ong xây thành lũy, mở cung điện”. Đến năm 1778, thành Đồ Bàn được đổi tên là thành Hoàng đế và giữ vai trò Đại bản doanh của Bộ chỉ huy quân đội Tây Sơn cho đến năm 1786.

                  Đầu năm 1785, quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy, xuất phát từ thành Hoàng Đế vượt biển vào Gia định đánh tan 5 vạn quân Xiêm, lập nên chiến công vang dội ở Rạch Gầm-Xoài Mút, giữa năm 1786, quân Tây Sơn cũng dưới quyền chỉ huy của Nguyễn Huệ, từ thành Hoàng đế tiến ra Bắc Hà lật đổ chế dộ chúa Trịnh, lập lại nền thống nhất quốc gia.

                  Từ năm 1786 đến năm 1793, thành Hoàng đế là kinh đô của chính quyền trung ương hoàng đế Nguyễn Nhạc. Đứng về phương diện lịch sử, thành Hoàng đế chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn ngủi, nhưng đó lại là một kiến trúc quân sự quan trọng gắn liền với quá trình phát triển thắng lợi của phong trào Tây Sơn trong giai đoạn đầu.

                  Căn cứ vào những di tích còn lại, thành Hoàng đế gồm ba vòng thành: thành nội, thành ngoại và tử cấm thành.

                  Thành ngoại là vòng thành ngoài cùng, hình chữ nhật nhưng các cạnh uốn lượn, không thẳng, chu vi do được 7400m. Hiện nay, quốc lộ 1A chạy qua góc đông bắc của thành ngoại và đường xe lửa thì cắt qua góc tây bắc và cạnh nam của thành. Thành mở 5 cửa, cạnh nam mở hai cửa là cửa Vệ hay cửa Nam và cửa Tân Khai. Ba cạnh đông, tây, bắc thì mở ba cửa đông, tây và bắc. Thành ngoại đắp bằng đất, phía trong và phía ngoài bó đá ong.

                  Thành nội có tên là Hoàng thành, được xây chếch về hướng tây nam của thành ngoại và hầu như đã bị san phẳng hoàn toàn. Thành nội cũng hình chữ nhật, chu vi đo được 1600m. Hai cạnh đông và tây, mỗi cạnh dài 430m, hai cạnh bắc và nam, mỗi cạnh dài 370m. Thành nội cũng đắp bằng đất, bên ngoài và bên trong bó bằng đá ong, chân thành rộng từ 7-9m. Thành nội mở ba cửa: Cửa Tiền hay cửa Nam ở chính giữa cạnh nam nhìn thẳng ra cửa Vệ của thành nội.

                  Tử Cấm Thành là vòng thành trong cùng, hình chữ nhật, chu vi đo được gần 600m. Thành chỉ mở một cửa phía nam, rộng chừng 15m, gọi là cửa Nam Lâu hay cửa Quyển Bồng.

                  Theo “Đồ Bàn Thành ký” của Nguyễn Văn Hiển thì thành Hoàng đế được xây dựng trên nền đất cũ của thành Đồ bàn và chỉ mở rộng về phía đông, kéo dài chu vi đến 15 dặm.

                  Năm 1793, Nguyễn Nhạc mất, thành Hoàng đế đổi tên là thành Quy Nhơn, lệ thuộc vào kinh đô Phú Xuân. Năm 1799, sau khi đánh bại quân Tây Sơn, Nguyễn Ánh đổi tên là thành Bình Định. Năm 1823, Gia Long phế bỏ thành Bình Định, cho chuyển ly sở về thôn Kim Châu và thôn An Ngãi, cách đó chừng 4km về phía nam (nay là thị trấn Bình Định, huyện lỵ huyện An Nhơn). Thành Bình Định hoang phế và bị hủy hoại theo thời gian.

                  Thành cổ Đồ Bàn hay thành Bình Định từ ấy đến nay chỉ còn trơ một dãy gò sỏi đá cùng ngọn tháp Chàm Cánh Tiên ngạo nghễ với nắng mưa và theo nhà khảo cổ Parmentrir, thì đó là trung tâm thành Đồ Bàn thuở xa xưa. Đó đây lác đác vài cây cổ thụ dáng dấp mệt mỏi u buồn cùng những bụi cây gai xương xẩu. Những ao nước như Ao Liệt, Bàu Vệ, Bàu Nóc… là những nét chấm phá, điểm tô cho toàn cảnh bức tranh Đồ Bàn ngày nay.

                  Ở trong khu cổ thành, những kiến trúc còn lại hầu hết đều thuộc đời nhà Nguyễn Gia Long. Đó là lăng mộ và đền Song Trung thờ Võ Tánh và Ngô Tùng Châu. Đền chỉ thu hẹp thành một tiểu đình mỗi cạnh 2m20, là di tích lầu Bát Giác nơi Võ Tánh tự thiêu mình.

                  Trong Tử Cấm Thành hiện còn giữ 5 con nghê đá và hai con voi đá, là những di vât quý báu của nghệ thuật Chămpa còn sót lại.

                  Hiện nay, thành cổ Đồ bàn, còn gọi là thành Hoàng Đế hay là thành Bình Định đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia cần được bảo tồn và trở thành nơi tham quan du lịch và nghiên cứu đầy hấp dẫn của Bình Định.
                  #9
                    tieuboingoan 03.06.2005 23:12:04 (permalink)

                    Chèo bả trạo


                    Chèo Bả Trạo một loại hình văn nghệ dân gian, vừa có tính phục vụ lễ hội, vừa giúp vui. Loại hình này có suốt cả chiều dài miền biển Trung bộ, từ Thừa Thiên đến Bình Thuận. Có nơi gọi là hát bả trạo vì chữ trạo có nghĩa là chèo rồi. Cũng có nơi gọi là há bá trạo, có nghĩa là trăm chèo. Dù gọi gì đi nữa thì hình thức cũng na ná như nhau. Một vài lần được xem chèo bả trạo ở các nơi khác, tôi thấy nó cũng giống như ở quê tôi.

                    Gò bồi vùng sông nước, trước đây vào khoảng vài trăm năm thì 95% dân làng theo nghề đánh bắt cá, trước năm 1945 gần như năm nào cũng có chèo bả trạo vào dịp lễ tế thần ngư (ông Nam Hải). Bắt đầu là lễ rước nước. Một chiếc thuyền lớn được trang hoàng đẹp đẽ bằng lá đủng đỉnh. Những vòm cửa tròn được kết hoa, cờ xí rập rình, nhạc cử rộn rã. Trên thuyền có hương án, khói nhang nghi ngút. Các bô lão mặc áo thụng xanh đi rước lễ. Dù tổ chức lớn hay nhỏ thì hai bên cũng có hai hoặc bốn nghe ngo đi hầu. Ghe ngo là loại thuyền nhỏ, toàn bằng ván, được sơn đỏ. Mũi ghe có vẽ mắt ghe hoặc mắt hoặc đầu rồng. Mỗi ghe chừng 10 đến 16 người gọi là “con trạo” có người lái và người đứng mũi. Họ đội nón chóp đỏ, áo đỏ viền nẹp vàng, ngồi thành hai dãy, tay cầm dầm (chèo ngắn) người đứng mũi được hóa trang, có khi là ông Địa hoặc Tề Thiên đôi khi là mặt xanh, có lẽ đó là thuỉy thần. Người đứng mũi cất tiếng hô “ố là hò, hò khoan” này. Tất cả đều hát theo. Những mái chèo đồng loạt đưa lên chèo. Bài rước thần Nam Hải được hát như sau:

                    Canh Thìn (1) ngày tốt,
                    Tháng Mão mùng năm,
                    Biển lặng trời thanh
                    Rước thần sắc tải.
                    Thần Ngư Nam Hải
                    Cứu độ ghe thuyền
                    Vượt khắp mọi miền
                    Sóng to gió cả
                    Chỉnh tu bát nhã
                    Đưa đón âm linh
                    Về cõi yên bình
                    Thoát vòng khổ ải.

                    Tiếng hát vang rền trên sông dứt một tiếng là tiếng hô “chèo lên chèo…” thật rập ràng. Bài hát có đầy khí phách như kêu gọi như Bài cầu nguyện cô hồn sau đây:

                    Những người nghĩa khí
                    Yêu nước tài ba
                    Quốc loạn phải ra
                    Liều mình cứu nước
                    Người hy sinh trước
                    để sống ngàn sau
                    Gian khổ cùng nhau
                    Tựu tề đông đủ
                    Lòng thành nghĩa cả
                    Một nén tâm hương
                    Các đẳng mười phương
                    Chứng minh chiếu giám

                    Bài hát có khi không là bài vè mà là bài thơ bài văn cầu quốc thái dân an:

                    Nay bổn Vạn, thập phương tiến lễ
                    Kẻ phương xa, người gần trí tế
                    Hiến lễ sơ cầu nguyện dân an
                    Tấm lòng thành, hoa quả đèn nhang
                    Cầu những ai đao binh tai nạn.
                    Cơn nước loạn thân xã liều mình
                    Người hồ hải sông nước linh đinh
                    Cùng những kẻ ngư kình trước thay
                    Hồ linh thiêng chứng giám về đây
                    Đồng bái tạ, thượng hưởng, thượng hưởng.

                    Bài khá dài, trên đây là mấy đoạn mà tôi ghi chép được của cụ Bửu thủ lạch vạn Gò Bồi.

                    Sau mấy câu xướng là đám con trạo lại hô “chèo chèo”. Mặc dù không phải cuộc đua nhưng thuyền vẫn lướt nhanh nên sau khi ghe ngo vượt trước thuyền lễ chừng 50m, phải rẽ dòng quay trở lại. Ghe bên phải lại vòng sang bên trái và ngược lại. Ghe trạo vòng đến phía sau thuyền lễ, rồi lại tiếp tục. Hai bên bờ sông, nào người, nào thuyền, sõng lao xao đón xem với tấm lòng ngưỡng mộ. Thuyền đến Kim Đông, dừng lại. Nơi đây là gò Miếu, ngày trước là gò chôn người chết trên sông, ngày nay vẫn còn mang tên ấy. Nhạc tế lễ vang rền, vị bô lão chánh tế khấn, rồi múc một chén nước tượng trưng cho các vị thần: Ông Nam Hải, Hà Bá, Thủy Thần. Thuyền tấu nhạc rước sắc về lăng.

                    Sau khi lễ xong, chính đám con trạo ghép thành cuộc đua thuyền. Tôi còn nhớ có một vài đám tang của hào phú, di chuyuển bằng đường thủy cũng tổ chức bá trạo để đưa người thân về nơi yên nghỉ cuối cùng.

                    Mấy năm nay chỉ còn lệ đua thuyền vào mồng hai tết, còn chèo bả trạo thì không còn nữa. Những bài hát bả trạo dường như mai một. Nội dung bài hát bày tỏ lòng nguyện cầu quốc thái dân an, và cầu hương hồn những người vì nước hy sinh, vì nghề nghiệp đã chết trên sông nước. Tập tục chèo bả trạo mang tính gian dân, văn nghệ tự phát phục vụ cho lễ hội, mang tính nhân đạo, bày otỏ lòng thương xót với người đã khuất.

                    ----------
                    (1) Tùy theo từng năm mà thay đổi .
                    #10
                      Chuyển nhanh đến:

                      Thống kê hiện tại

                      Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
                      Kiểu:
                      2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9