Đất Mũi thân yêu
QVPT 29.08.2003 05:14:49 (permalink)
Là người Việt Nam có lẽ ai cũng có cảm giác bồi hồi khi nghe nhắc đến địa danh Cà Mau. Vùng đất tận cùng ấy của Tổ quốc mang trong mình tính cách hào phóng, rộng rãi đến đáng yêu. Cuộc sống nơi đây gắn bó rất mật thiết với thiên nhiên. Ba mặt giáp biển. Cà Mau có những đảo xanh lý tưởng để phát triển du lịch biển. Bảy dòng sông lớn chảy ngang qua Đất Mũi tạo nên mạng lưới sông ngòi phong phú, khiến nếp sống của người dân nơi đây gắn liền với những con sông, dòng kênh. Ngay trong những rừng đước, rừng tràm bao la, người dân vẫn có thể len lỏi trên sông nước bằng những thuyền ghe nhỏ đặc trưng. Không chỉ có sông, biển mênh mông, Cà Mau còn có rừng vàng bao la với quần thể động thực vật phong phú. Nhiều vườn chim rộng lớn như Ngọc Hiển, Lâm Viên vẫn còn giữ nguyên thảm thực vật xanh tươi và nhiều loài chim quý hiếm. Cà Mau còn nổi tiếng nhờ địa danh rừng Sác đã đi vào lịch sử oai hùng của quân dân miền Nam và rừng U Minh hùng vĩ với giống tràm bạt ngàn.

Người ta vẫn thường nhắc đến Cà Mau với rừng nhiều muỗi và đất lắm phèn. Nhưng ngươi bản xứ coi đây điều đơn giản và sống chung với chúng từ bao thế kỷ qua. Còn du khách nước ngoài lại coi đó là một điều phi thường và lạ lẫm. Họ cũng rất khoái chí với một buổi tối ngồi chung cùng người dân Đất Mũi uống rượu đế, nhắm gỏi xoài trộn cá khô, đắm mình trong điệu ca tài tử, giữa không gian ngai ngái hương bùn lẫn mùi vị cỏ cây mới nhổ sau nhà....Con gái Cà Mau có nét duyên thầm mặn mòi miền sông nước, con trai khi trưởng thành đã biết vững tay lái trước mũi thuyền. Du lịch Cà Mau dẫu không có những hình ảnh sặc sỡ với các khu nghỉ dưỡng, khách sạn cao cấp nhưng vẫn mang một sức hút mãnh liệt với du khách. Bản thân Đất Mũi, hàng năm vẫn không ngừng vươn mình ra phía biển thêm khoảng 200m. Sau 3 tiếng đồng hồ lướt trên sông, giữa đôi bờ bất tận một màu xanh của rừng tràm, đước, tàu ca nô sẽ đưa ta vượt 100km từ thị xã Cà Mau ra tận cột mốc số không ở Mũi Cà Mau (huyện Ngọc Hiển). Ở đó có một lá cờ đỏ tươi của Tổ quốc được cắm trang trọng. Và cứ một năm lá cờ này lại được nhích ra biển thêm vài trăm mét. Anh Hữu Thấy, một hướng dẫn viên trẻ thường đưa đoàn tour đi chặng Năm Căn- Mũi Cà Mau bày tỏ: " Tôi vẫn chưa bao giờ nguôi được cảm xúc bồi hồi khó tả khi đến cột mốc cuối cùng này. Tuy đơn sơ nhưng nó ẩn chứa một tinh thần lớn lao..."

Tràm, đước là linh hồn của Đất Mũi. Thiếu hương tràm nồng ấm, cuộc sống nơi đây như mất đi hương sắc riêng. Còn giống đước với bản năng sinh tồn và bộ rễ đặc trưng cắm chặt trong lòng đất mẹ đã góp công đầu trong việc đưa vùng đất cực Nam này vươn mình ra với biển. Người Cà Mau luôn nhắc con cháu mình về điều kỳ diệu này của thiên nhiên.(TBDL)
#1
    QVPT 29.08.2003 05:18:09 (permalink)
    Lạ lùng sông nước Cà Mau

    Từ thi xã Cà Mau tới Đất Mũi (huyện Năm Căn), ca nô cao tốc rời bến Ghềnh Hào, bỏ lại phía sau cảnh nhộn nhịp của phố chợ trên sông, lướt như gió trên Kênh Sáng Huyện Kệ sau chừng 2 tiếng rưỡi thì tới bến cuối cùng trước trụ sở UBND xã. Trên đường, ca nô đỗ các bến cho khách lên xuống. Đầu tiên là bến Trà Là, rồi đến Bà Hinh, bến Cái Kẹo, bến Kinh Tắc, bến Năm Căn... Tàu lướt ngang khu du lịch Khai Long nổi tiếng, qua bao sông lớn, sông nhỏ, bao cánh rừng đước biếc xanh. Nhưng muốn tới cột mốc cuối cùng trên đất liền Tổ quốc được dựng năm 1995 mang số 0001 bạn phải đi thuyền lá chừng hai mươi phút nữa để tới ấp Bầu Nhỏ.

    Ấp Bầu Nhỏ còn có khu du lịch Đất Mũi đang hình thành với con đường như chiếc cầu gỗ hẹp, ngoằn ngoèo, len lỏi giữa rừng đước bạt ngàn và dưới trời xanh thăm thẳm. Liền với chân rừng là biển. Biển tít tắp, trùng trùng. Vào hôm trời quang đứng trên cao có thể nhìn thấy đảo Hòn Khoai nhô lên thăm thẳm như giọt mực tàu quá lớn mà ông trời bất ngờ nhỏ xuống.

    Phải qua bao năm tháng hy sinh, gian khổ, phải đổ biết bao xương máu của mấy thế hệ, hôm nay mọi công dân Việt Nam mới có quyền thênh thang đi trên sông nước Cà Mau. Cà Mau hôm nay tấp nập trên bến dưới thuyền. Phố chợ chạy dài theo hai bờ sông Ghềnh Hào trước khi nhập vào ngã ba với Kênh Sáng Huyện Kệ. Phố chợ trên bến Năm Căn, hai bên bờ sông Ông Trang. Khách muốn đi chỉ cần đứng trước nhà nhoài ra hai bên sông là ca nô sẽ rẽ vào đón. Ở một đoạn sông hẹp thuộc địa phận xã An Viên của Năm Căn, chẳng hiểu do sóng trôi nước dạt làm cho bên bồi bên lở thế nào hay do con người đào đắp gì đó, những cây đước khá to hai bên bờ ngập lụt bị cưa cụt chỉ còn lại thân dưới đổ nghiêng quay mặt ra giữa dòng như những nòng đại pháo thần công. Nhưng ca nô và xuồng máy vun vút chạy đi chạy lại chở dân lành nên đại pháo chỉ nghiêng nòng chào đón. Và thực chất chúng không thể nào khác hơn được vì chỉ là thân gỗ.

    Người dân Cà Mau đang đua nhau nuôi tôm xuất khẩu. Ngay cửa ngõ thị xã đã thấy cả những dẫy phố đề biển bán tôm giống và khách ra vào ngắm nhìn các bể giống bày mẫu. Rồi bạt ngàn những vùng nuôi tôm. Có người giàu lên vì con tôm. Cũng có người thất bại. Chuyện làm ăn thắng bại đâu phải hiếm hoi. Đoàn du khách chúng tôi được dẫn tới thăm vuông tôm ba vạn mét vuông của ông út Chân - một nhà thơ miệt vườn có tên thật và bút danh là Nguyễn Thái Thuận. Con thuyền lá mỏng mảnh chở tới bảy người mà đè sóng vun vút như tên bắn trên sông. Cô điều khiển máy lái yêu cầu khách cúi rạp xuống để thuyền luồn qua gầm cầu tre và đi vào dòng kênh Bố Tài nhỏ xíu, thẳng tắp. Vuông tôm của út Chân ở ấp Sở Tại, xã Lương Thế Trân, huyện Cái Nước và thuyền lá cập ngay trước lều. Ngồi quanh những ly rượu cực lớn và nồi cá vồ đang sôi sùng sục chúng tôi say sưa nghe út Chân nói về con tôm. Nó lớn nhanh. Nhưng chăm sóc và trông coi cũng vất vả. Giống. Nuôi. Nước vào ra. Bệnh tật. Gió bão. Phải canh chừng cả con còng cọc, con rái cá, con bâu bầu có thể bắt tôm bất cứ lúc nào. Con tôm từ nơi đây đã sang tới Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ. Người dân nuôi tôm ở Cà Mau hôm nay rất quan tâm tới việc thực thi hiệp định thương mại Việt - Mỹ.

    Đất đai ở Cà Mau đang sinh sôi nảy nở. Bãi Khai Long có hàng dương xanh ngắt, có bờ cát chạy dài tới sáu cây số và rộng hàng trăm mét, mỗi năm phù sa lại lấn biển ở chính nơi đây từ tám mươi đến một trăm mét nữa.Điều thú vị là đất mở ra tới đâu; cây mắm mọc lên tới đó như là để giữ đất đừng có trôi đi, khi thớ đất đã xe kết tầng cây đước lao tới, nhanh chóng cùng với mắm tạo thành rừng.. Trong rừng Cà Mau lạ nhất vẫn là cây đước. Khi cây cao ngang thân người là rễ phụ đâm ra. Nó thẳng, gần như cái que chứ không mềm tua tủa như rễ phụ ở cây đa hay cây si ngoài Bắc. Những nan rễ phụ ấy cắm trên đất tạo ra chàng rễ hình cái nơm làm cho cây đước vững vàng đời đời trong khi rễ chính nếu không thoái hóa thì cũng không còn giá trị gì nữa. Từ bãi Khai Long nhìn ra 12 cây số thấy đảo Hòn Khoai, nơi đã vang lên tiến súng cuối cùng của khởi nghĩa Nam Kỳ. Rừng đước Cà mau giờ đây đã bị người ta tàn phá quá nhiều. Để đốt than! Để lấy củi! Để dựng nhà! Để nuôi tôm! Con người phải mau chóng cứu lấy rừng đước. Say sưa mãi nơi đây tình cờ sẽ thấy bạt ngàn hoa đước.

    Chúng lạ! Đồng mầu với lá. Mỗi chùm hoa hai, ba, bốn, hay năm hoa và kết thành từng đôi một. Và quả đước mới thật là kỳ! Cũng đồng màu với lá, dài dài như chiếc đũa, vuông góc với cuống hoa và không hiểu sao đài hoa lật ngược lật ngược trở lại chứ không ôm lấy đuôi quả như mọi giống thực vật thường tình. Chỉ cần nắm xuống đất một phần ba quả là cây sẽ lên. Nghĩa là khi gió rung, quả rụng, sẽ bổ toé ra chung quanh, có khi quá xa và cắm xuống đất như những mũi tên hết đà. Và rừng cứ như vậy mà phát triển. Phải chăng khí phách con người Đất Mũi, cùng như cây đước có chàng rễ leo hình cái nơm vững chãi, là năng lực bẩm sinh sòng gió trời đất ban cho vùng cuối cùng của non sông Việt Nam hùng vĩ. (Theo TBDL)
    #2
      QVPT 29.08.2003 05:22:30 (permalink)
      Khai Long, biển đợi!


      Biển Khai Long (Cà Mau) còn rất hoang sơ và hoàn toàn mới mẻ đối với du khách. Biển Khai Long được bao bọc giữa bốn bề rừng cây, sông biển, với hệ sinh thái rừng ngập mặn đa dạng...

      Bãi Khai Long nằm phía đông nam mũi Cà Mau. Mảnh đất được bao bọc giữa bốn bề rừng cây, sông biển này vừa được các nhà khai thác du lịch khám phá như một điểm dừng chân mới của các tour. Ngành du lịch Cà Mau đang có nhiều dự án quan trọng để đưa Khai Long thành điểm du lịch trọng tâm của vùng Đất Mũi.

      Chạy dài từ ngã ba Đình tới lâm viên Đất Mũi, Khai Long có diện tích 150ha, được tạo hóa ban tặng cho một vị trí hết sức đặc biệt. Đứng ở cửa biển Khai Long khi bình minh ló rạng ta thấy được mặt trời tròn như vành thúng chói đỏ nhô lên từ mặt biển phía đông, và khi chiều xuống cũng ở vị trí ấy ta lại thấy vầng kim ô vàng rực từ từ lặn xuống mặt biển phía tây. Khai Long có bãi cát rộng mênh mông với chiều dài 3km, hằng năm bãi cát cứ lấn dần ra biển như muốn nối liền với đảo Hòn Khoai. Vì vậy cứ mỗi lần đến Khai Long để ngắm biển, ta thấy biển trời nơi đây như thu hẹp dần.

      Biển Khai Long còn rất hoang sơ và hoàn toàn mới mẻ với hầu hết du khách. Tuy không đẹp quyến rũ như Lăng Cô xứ Huế hay nhiều vùng biển khác nhưng Khai Long lại có hệ sinh thái đa dạng không nơi nào có được. Đó là hệ sinh thái rừng ngập mặn với nhiều loài cây như: đước, vẹt mắm, bần... đặc biệt là cây đước - biểu tượng của rừng ngập mặn, đã gắn bó lâu đời với đời sống của người dân Đất Mũi. Khai Long cũng không thiếu những hàng dương chạy dài trên cát trắng đêm ngày đón gió biển reo ca.

      Dù Khai Long mới chỉ là một điểm du lịch rất đơn sơ, nhiều hạng mục công trình đang đầu tư chưa hoàn chỉnh nhưng du khách đến tham quan mỗi ngày một đông thêm. Chỉ tính từ Tết Quý Mùi đến nay Khai Long đã đón trên 30.000 lượt khách, một số lượng rất lớn đối với một khu du lịch sinh thái mới mở cửa.

      Tỉnh Cà Mau đã đầu tư 29 tỷ đồng để xây dựng ở Khai Long khu du lịch sinh thái rừng-biển rộng 150ha. Cửa hàng loạt công trình đang được thi công, con đường nhựa dài 3km đang được xây dựng với kinh phí trên 6 tỷ đồng và rất nhiều dự án khác trong đó có khu vực dành cho công việc nghiên cứu khoa học về môi trường sinh thái.
      #3
        QVPT 29.08.2003 05:27:02 (permalink)
        Chợ nổi vùng cuối đấtThành phố Cà Mau là trung tâm đầu cuối (ngã ba sông Gành Hào, kinh xáng Phụng Hiệp, Tắc Thủ) nối liền các tuyến sông lớn: sông Đốc, sông Trẹm, sông Cái Tàu, kinh Xáng Cà Mau-Bạc Liêu, sông Gành Hào, sông Tam Giang,....có khả năng vận chuyển bằng tàu thuyền trọng tải hàng trăm tấn đi lại dễ dàng trong tỉnh đến các tỉnh ĐBSCL và TP.HCM. Đến đây, khách phương xa sẽ cảm thấy ngỡ ngàng đến thích thú khi nhìn những chiếc vỏ lãi gắn máy, những chiếc canô sang trọng phóng như bay qua khắp các nẻo kênh rạch chằng chịt từ nội thành cho đến các vùng quê xa. Vì vậy, việc giao thương ở đây không thể diễn ra trên sông nước, và chợ nổi Cà Mau đã được hình thành không biết tự bao giờ.

        Chợ nổi Cà Mau là một " thị tứ" không thua kém gì những chợ trên bờ, với hàng trăm chiếc ghe lớn nhỏ đậu ken dày bên nhau. Trước mũi mỗi ghe đều cắm một cây sào dài, bên trên treo lủng lẳng những gì mà chủ nhân bán. Những trái bí, trái bầu, dưa hấu, những rau cải xanh tươi... hòa cùng màu vàng sậm của bí rợ, khoai tây và màu đỏ của cà rốt, cà chua... đu đưa vì sóng của những chiếc vỏ lãi, canô phóng qua, như vẫy mời khách. Hình thức " bẹo hàng" này là một nét văn hóa giao thương độc đáo, không ồn ào mời chào, nhờ thế, chủ nhân cứ nhẩn nha ngồi uống trà, hút thuốc lá đợi khách hàng. Chợ nhóm trên sông từ ba giờ khuya cho đến khi trời sắp tối. Cả một khúc sông rộn rịp tiếng trả giá, tiếng cân và chuyển hàng từ ghe này sang ghe nọ. Những chiếc ghe khẳm lừ hàng hóa vừa cặp bến đã có vài ba chiếc ghe " nổi lườn" nhẹ nhàng tách bến ra đi... Chủ ghe không bán một thứ hàng " chết" nào, mà bán bất cứ thứ gì mình mua được.

        Không giống như chợ trên bờ, những ghe hàng trên chợ nổi không nhất thiết phải quy tập từng khu chuyên bán một mặt hàng, nên khách mua phải " lượn lờ" trên sông nhìn cây bẹo mà tìm.

        Giống như các chợ nổi khác của khu vực ĐBSCL, chợ nổi vùng cuối đất cũng chỉ bán toàn nông sản. Hàng được bán cho các thương lái chở về các vùng quê sâu Ngọc Hiển, Năm Căn, Đầm Dơi, Cái Nước, Thới Bình, Rạch Tàu... Điều thích thú ở đây mà các chợ nổi khác không có là thỉnh thoảng có một vài chiếc ghe bán chiếu rong. Những chiếc chiếu Tân Thành nhiều màu sắc ấy là loại chiếu đẹp, bền, nổi tiếng như bài vọng cổ làm nên " danh phận" của nó qua bài " Tình anh bán chiếu" của soạn giả Viễn Châu với giọng ca điêu luyện Út Trà Ôn. Bơi len lỏi trong chợ nổi còn thường là những chiếc ghe hàng rong, phục vụ cho mọi người từ điếu thuốc lá thơm đến những thức ăn sáng, ăn trưa... Cũng giống như ghe thương hồ, ghe hàng rong không hề cất tiếng rao như những người bán hàng rong trên các ngõ phố.

        Chợ nổi vùng cuối đất dài khoảng 500 mét trên con sông Gành Hào, nằm bên trái cách cầu Gành Hào 200 mét, thuộc địa bàn phường 8, thành phố Cà Mau. Trước đây, theo lời kể của những bậc trưởng thượng, chợ nổi Cà Mau (ở ngã ba Chùa Bà, cách địa điểm hiện tại khoảng 1 cây số) bán cả bàn ghế, giường ngủ, tủ thờ... Hiện nay, chợ chỉ bán rặt hàng bông, vừa bán sỉ và cả bán lẻ. Không giống như các chợ trên bờ, người bán ở chợ nổi là dân tứ xứ đến " cắm sào" kiếm sống. Họ đã hình thành tập quán " buôn có bạn bán có hàng" từ hàng trăm năm nay. Chiếc ghe với họ là căn nhà di động. Dù cuộc sống chật hẹp trên sông nước nhưng họ cũng trồng nhúm bẹ, chút rau xanh, cây ớt... trên mui ghe. Những thứ lặt vặt này chợ nổi bán ê hề chỉ cần bỏ vài trăm bạc đã có trong tay, nhưng cái họ cần là ngoài việc ăn thứ rau cải do chính tay mình trồng, đó còn là cách nhắc nhở họ về mảnh " đất liền" mến yêu. Để rồi những chiều tối nhàn nhã, thả khói thuốc mơ màng, ca vài ba câu vọng cổ cảm khái trong tiếng đàn ghi-ta phím lõm trầm buồn ngân vang trên sông nước, họ hít thở mùi đất ruột rà qua các chậu rau xanh... Đó là lúc " thế giới trái cây và rau quả" im ngủ trong từng khoang ghe, để rồi vào khoảng ba giờ sáng hôm sau chúng thức dậy trên những chiếc sào dài, " bẹo" khách đến mua. Chợ nổi tiếp tục một ngày sinh hoạt giao thương sông nước mới. Nhộn nhịp và lạ kỳ một cách lãng mạn với khách nước ngoài.(TTCN)
        #4
          QVPT 29.08.2003 05:31:19 (permalink)
          Ðặc sản Cà Mau



          Món ăn là biểu hiện văn hoá một xứ sở. Món ăn ở Cà Mau mang đậm dấu ấn của vùng đất hoang sơ, trù phú. Sự chế biến thường ít cầu kỳ, ít pha chế tinh vi, nhưng bản thân chất liệu quyết định không phải bất cứ nơi nào cũng có thể tìm được dễ dàng.

          Ba khía muối
          Rừng ngập mặn ở Cà Mau, nơi nào cũng có ba khía, nhưng nổi tiếng xưa nay vẫn là ba khía Rạch Quốc. Ðong đếm hoặc cân tùy theo phương thức mua bán từng lúc. Hoặc một tô, hoặc vài chục, hoặc một cân, nửa ký...giá cả chẳng gì làm đắt. Trước khi ăn, ba khía được ngâm với nước cơm rồi đổ bỏ phần nước này, sau đó xé làm hai, làm tư, rồi làm tám. Giã ít tỏi, vài khúc ớt, đổ vào nửa muỗng đường cát, cắt khoảng ba trái tranh. Chanh được nặn vào tỏi, ớt và đường, hớt bỏ hột, quậy cho tan đều, rưới lên ba khía.

          Giấc trưa, đói bụng chẳng còn món nào ngon hơn ba khía với cơm nguội. Nhưng hãy từ từ, đừng quên cách ăn tuyệt diệu sau đây: lấy vỏ ba khía (thường là chứa nhiều gạch, vàng tươi, thơm lựng) rồi dùng đũa lùa cơm vào đầy vỏ, trộn đều cho hết gạch rồi trút ra chén. Một chén cơm trộn chừng ba vỏ ba khía là vừa. Chưa hết, trong các ngoe ba khía đều chứa một bắp thịt nhỏ (như đùi ếch). Nhai dập cả ngoe cũng được, nhưng không ngon. Hãy dùng răng cắn đứt 2 đầu của " đùi thịt" này, sau đó để giữa hai hàm răng hút mạnh, như hút ốc len. Bắp thịt đùi ba khía chạy vào miệng vừa mặn mặn, cay cay, chua chua, ngọt ngọt...thịt ba khía có khác gì thịt cua! Ai đến Cà Mau nhớ ăn một lần ba khía với cơm nguội... nhớ đời!

          Cá lóc nướng trui
          Muốn ăn cá lóc nướng trui phải chọn vào tháng chạp chụp đìa (từ tháng 11 đến tháng 2 âm lịch) lúc này cá rất ngon, thân béo tròn lòng cá tràn mỡ. Lựa loại cá nặng từ 400-500 gram, chặt sậy, hoặc tre, trúc xỏ lụi, rồi cắm cá xuống đất, đuôi chỏng lên trời. Không nướng bằng lửa than mà nướng bằng bổi khô như rơm, sậy, cỏ. Cứ tha hồ cho cá cháy thành than. Khi lửa tàn, cạo sạch lớp vẩy bên ngoài rồi để cá lên tấm lá chuối đã lau sạch, lật cá nằm sấp lấy đũa rọc trên sống lưng từ đầu tới đuôi. Banh ra làm đôi, cá hãy còn bốc khói nghi ngút, với một mùi thơm đặc biệt!

          Nước mắm phải lựa loại thật ngon, pha thêm ít đường, tỏi ớt và nửa trái chanh. Dùng bánh tráng cuốn với rau sống, dấp cá, rau thơm, rau cần, kèm theo chuối chát, khế, khóm xắt mỏng. Ăn cá lóc mà quên vài chai xị đế, lại rượu Tân Lộc ngâm " Minh Mạng thang" với tắc kè thì thật thiếu điệu nghệ quá chừng! Nhất là khi được ngồi trên bờ đìa, bờ chuối, gió thổi vi vu, nhất là gió chướng còn mang hơi rạ thơm nồng.

          Lươn úm lá nhàu
          Người Trung Quốc gọi con lươn là " Sâm đất" . Thật vậy, ăn lươn um với lá nhàu, vừa bổ, vừa mát, vừa ít đau lưng. Loại lươn cỡ 2-3 con một ký, làm sạch. Lót cọng xả đập dập ở đáy xong, xấp thêm ít lớp lá nhàu (rửa sạch) rồi khoanh lươn tròn trong xoong cho gọn, bắc lên bếp. Ðổ nước cốt dừa vào, đun sôi để lửa hơi nhỏ cho lươn mềm.

          Ðậu phộng rang vàng giã nhỏ, tương tàu vắt bớt nước tán nhỏ, cho cả hai vào nửa chén nước cốt dừa (nước nhất) thêm vào một ít muối, xả, ớt (băm nhỏ), bột ngọt để làm nước chấm .Khi thấy da lươn bị nứt, lấy đũa bẻ, lươn gãy là vừa ăn, đừng để quá chín.

          Múc lươn um ra tô, để lá nhàu phía dưới, khoanh lươn gọn trong tô, chế lên vài ba muỗng nước cốt dừa (nước nhất), rải đậu phộng rang giã nhỏ lên trên. Mùi thơm và vị béo của lươn um lá nhàu, thưởng thức một lần, mãi mãi khó quên! Nhớ ăn lúc còn nóng mới ngon. Nếu để lươn um trong lẩu thì tha hồ thêm lá nhàu, hoặc rau ngổ. Cả hai thứ này đều mát gan bổ thận. Ăn lươn um lá nhàu thì chớ uống bia. Dùng rượu đế Cái Tàu mới thật hấp dẫn khẩu vị!

          Vọp nướng chấm muối tiêu
          Món ăn này vừa mang hương vị đặc biệt, vừa mang niềm vui bất tận cho khách tứ phương. Cà Mau bây giờ rất hiếm vọp, vì nó trở thành món ăn quý hiếm. Lựa loại vọp ta, rửa sạch, để ráo nước, sắp vào đĩa. Gia vị gồm muối tiêu chanh thêm bột ngọt, các loại rau cải. Lò than cháy đều, đặt lên bàn, để vỉ nướng lên trên. Ðặt vọp lên vỉ, có thể nhiều con cùng một lúc. Khi tiệc đến lúc nào hứng thì món vọp nước sẽ làm cho rôm rả hết ý! Lúc vọp há miệng là vừa chín tới, ăn rất ngọt. Ðể lâu sẽ chín quá, khô nước, thịt dai, nhạt nhẽo.

          1001 món đặc sản Cà Mau
          Cá lóc thuộc hèm, rắn bông súng nướng, tôm tái chanh, rùa rang muối, dơi quạ tiềm thuốc bắc, dơi quạ nấu cháo đậu xanh, rắn hổ xé phay... những món ăn đặc sản của người Cà Mau từ thời khẩn hoang cho đến bây giờ có thể kể bằng vài trăm trang sách. (TBDL)
          #5
            babyblue 24.09.2003 18:06:48 (permalink)
            Bạn QV làm babyblue nhớ hùi nhỏ qué đi mất! Năm 12 tuổi, mom dắt babyblue về Cà Mau chơi. Kỷ niệm của babyblue về cái miền đất mộc mạc, dung dị ấy là cánh đồng lúa xanh mướt thẳng cánh cò bay, là mùi bùn tanh tanh hoà với mùi cỏ ngòn ngọt, mùi cơm chín, mùi củi ướt, là tiếng gà vẳng trong cái bình yên thênh thang của buổi trưa, là sợi khói lam nhè nhẹ vờn mái lá, là nắng hoàng hôn e ấp trên những ngọn cây cao, là những chiều thơ thẩn chỉ có "ta với ta" trước cái bao la hùng vĩ của thiên nhiên đất trời... Mỗi lần bắt gặp những cảnh chụp thiên nhiên, dù là trên tivi hay trong báo chí, babyblue đều mất vài phút ngơ ngẩn nhớ Cà Mau của mình. Nhớ gì đâu là nhớ!!!

            Nhớ quá hà!! Nhớ dzã man!! Mà hổng biết mai mốt về thăm, Cà Mau có còn giữ được nét dân dã chất phác như ngày nào? Hay là khói nhà máy khắp nơi, đi ngoài đường người nào người nấy như ninja nữa thì
            #6
              mickey 07.10.2003 07:05:12 (permalink)
              #7
                Chuyển nhanh đến:

                Thống kê hiện tại

                Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
                Kiểu:
                2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9