Liêu Trai Huế - Nhã Ca
Trương Củng 06.06.2005 15:47:36 (permalink)
Liêu Trai Huế
Nhã Ca

Thiên, con nhà nghèo ở xứ Quảng được cái là con một nên cha mẹ có tâm nguyện cho cậu quý tử học hành thành tài. Thiên học xong bậc tiểu học ở trường làng, muốn thi lên Trung học phải ra Huế. Ông bà già bán mẫu ruộng, bán con trâu, tài sản đời trước truyền lại để cho cậu quý tử tới trường thi.
Thiên tuy sinh chốn quê mùa, nhưng thông minh, hiếu học. Bốn năm dùi mài đèn sách, cậu Thiên đỗ Trung Học, chuẩn bị lên Tú Tài được thành học trò ngôi trường mang tên vua chúa: Trường Khải Định. Năm đó cậu Thiên đúng 20 tuổi. Gạo trắng nước trong, không phải làm lụng khổ cực như bao thanh thiếu niên khác ở quê nhà. Thiên trắng trẻo, cao ráo. Con trai mà có cái miệng chúm chím, môi đỏ hồng như môi con gái thoa son. Chỗ Thiên ở xa trường học. Mãi tận Kim Long. Tuy xa nhưng được cái yên tĩnh để học hành. Chỗ trọ chỉ có một căn nhà nhỏ cất sau vườn, kế là một dọc các hàng cau, cũng lẫn thêm vài thứ cây ăn trái như cây ổi, cây mãng cầu, phía góc vườn có một cây vú sữa lâu năm, đến mùa trái chi chít, cây lão, trái nhỏ nhưng ăn ngọt như đường. Chỉ có điều, cành cây cao quá nên rất khó hái.
Thiện rất tằn tiện, không đua đòi, tự mua lấy gạo nấu lấy ăn. Thức ăn thì trong vườn rau sam, rau dền mọc chi chít. Trên hàng rào thì lá cây bát ngát đeo tòn ten, đọt xanh non mập vươn tứ tán. Còn có cả bụi chuối sau vườn, buổi nào rổi rãnh, xuống mé sông cầm cái vợt. Tép lội từng đàn trong rong xanh hoặc cỏ lúp xúp bên bờ sông. Vớt mấy vợt là có bữa ăn ngon lành. Tép nấu với củ chuối non, ăn thay cơm cũng được, nhờ vậy mà sắm được chiếc xe đạp cũ để sáng sáng chiều chiều, căm cúi đạp đi đạp về.
Chủ nhà là một đôi vợ chồng già, sống bằng lợi tức từ cây trái trong vườn. Ông cụ tuy tuổi đã cao mà còn rất khoẻ, ông có một chiếc ghe nhỏ, sáng sớm ra sông bủa một mẻ cá cho bà cụ kèm cùng rau quả đem ra chợ bán. Con cái lớn lập gia đình ở riêng hết rồi, lâu lâu bồng bế con cái về thăm, lại mang về nải chuối, buồng cau, mớ rau tập tàng của bà mẹ già lo sẵn. Về thăm rồi đi nên nhà có một bữa ồn ào sau đó càng thêm vắng lặng.
Người đời trước có câu:
"Học trò trong Quảng ra thi
Thấy cô gái Huế chân đi không đành"
Thì đúng quá đi chớ. Cách nhà Thiên trọ học khoảng năm căn, có một gia đình có tới năm cô gái. Hèn chi nhà giàu quá chừng luôn. Nhà có ngũ long công chúa mà. Chỉ có điều năm chị em mà năm tính nết khác nhau. Cô chị nhu mì, hiền hậu, còn mấy cô em thì nghịch ngợm phá tán. Có bữa cậu Thiên đạp xe đạp ngang qua, liếc vô mé vườn, thấy mấy cô trèo cây đu đưa, còn la hét như khỉ cái.
Lạ, nhà thì đông vui như vậy mà sát bên có cái vườn bỏ hoang. Căn nhà xưa lắm đã sập xuống cũng đâu từ lâu rồi, hầu như chỉ còn đống vôi vữa trên cái nền nham nhở cỏ mọc. Xung quanh thôi thì cỏ lùng mọc luông tuồng, cây cối phía sau vườn không có ai sửa sang, rậm rạp hoang dã. Mỗi lần ngang qua, liếc vô nhà mấy cô con gái, cậu Thiên cũng không thể không ngó căn nhà hoang dã này. Về nhà có hỏi thăm ông bà cụ, thì ông bà cụ cho biết: Cái nhà nớ... Ui cha, xưa giàu dễ sợ. Quan gia cha truyền con nối chớ không phải dân dã chi mô. Rồi, khi tàn thì cũng tàn rụi rứa đó. Như ri thì mới biết không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời!".
"Vậy tại sao người ta không mua đất xây cái nhà khác. Miếng đất rộng mà vuông vức."
"Cậu muốn mua không?"
Thiên cười:
"Cháu không dám mơ ước đâu, hai bác. Nhà cháu nghèo lắm. Ba mạ cháu từ ngày bán miếng đất, con trâu để lo cho cháu ăn học, đã phải đi làm thuê làm mướn để sống."
"Tội..."
Bà cụ thở ra. Ông cụ nói tiếp:
"Miếng vườn đó không ai dám mua."
"Răng rứa bác?"
"Nghe nói..."
Chỉ là chuyện nghe nói. Phía sau khu vườn có một khu mộ xưa lắm. Mỗi cụ nhớ một cách, chuyện kể không chuyện nào giống chuyện nào. Ngôi mộ đằng sau vườn là vợ bé của ông quan, bị chết trong lúc sanh đẻ. Lại có người nói ngôi mộ xưa rồi, trước đây nhà quan này có một nàng hầu, vì tội tư tình buộc phải thắt cổ chết. Người khác kể, đó là ngôi mộ một cô gái nghèo, cha mẹ bán cô vô nhà quan. Sau bị nghi ăn cắp đồ vật, cô thắt cổ để minh oan cho sự trong sạch của mình. Còn ông già thì cương quyết:
"Toàn là chuyện ba láp, tào lao cả. Ngôi mộ đó, lâu rồi con gái của vị quan đương trào, bị chết không biết lý do nào. Nên ngôi mộ trước xây bằng vôi, có bia, tấm bia lâu ngày xiêu đổ, rồi mất. Đời sau nhà nghèo quá nên chỉ lấp thêm đất thôi. Mưa nắng xối xả thấy lồi đá vôi phía đưới đó tề."
Còn bà già thì cứ một chuyện kể mãi:
"Lâu vậy mà người nằm dưới mồ chưa đầu thai. Vườn đó ma dữ lắm. Nghe nói cô bán hột vịt lộn bán tối đi ngang qua, gặp một cô gái kêu một lúc tới chục hột vịt lộn, nói đi theo cô lấy tiền. Đến ngõ khu vườn nớ cô gái biến mất. Mấy ngày sau, mấy đứa con nít lòn rào vô vườn hái trái cây, còn thấy đủ chục hột vịt lộn nằm trên ngôi mộ. Chuyện rứa mà cũng chưa ớn xương sống lắm mô. Có chú xích lô còn trẻ, đẹp trai, đạp xe qua cầu Bạch Hổ buổi tối, thấy có một cô gái tóc dài vẫy, biểu đưa về Kim Long. Chú ấy đạp xe theo lời chỉ dẫn của cô gái. Tới ngõ khu vườn, cô bảo dừng xe. Chú xích lô chờ lấy tiền thì cô day mặt lại. Một khuôn mặt màu xanh, hai con mắt đỏ và cô cười, có hai cái răng nanh. Chú xích lô hét lên một tiếng, muốn xỉu luôn, rồi đạp xe thí mạng tới mấy nhà lân cận, xin tá túc một lát cho lại hồn. Hỏi chuyện, mới biết là đã gặp con ma trong xóm thường đồn đãi."
"Hai bác có chộ lần mô không?"
"Chộ" tiếng Huế, có nghĩa là "nhìn thấy". Cả ông bà già đều lắc đầu. Ông già: "Tui nghe kể thì nhiều lắm, nhưng chộ thì chưa chộ lần mô hết. Mấy người trong xóm nói, chọc phá chơi vậy thôi chứ con ma này hiền, họ hay cầu xin lắm. Nhứt là cái nhà có năm cô gái, tháng cúng hai lần, rằm trăng tròn và mùng một trăng trốn. Nghe nói lúc đầu con ma cũng phá dữ lắm, nhưng sau cúng kiến, chắc hạp nên yên."
Anh chàng học trò cười thầm trong bụng. Thì ra, ma hay hơn người, chớ con gái với nhau, có khi nào ưa nhau chớ. Cũng có thể là con ma này đẹp lắm, ăn bứt năm cô gái kia, nên mới không ganh tị.
Mùa hè năm đó, Thiên lân la làm quen được với cô chị đầu của gia đình kia. Cũng tình cờ thôi, bữa đó, khi chiều trời nổi giông gió, rồi mưa, hơi đất xông lên dầy khịt, bốc một cái mùi làm nhức đầu lắm. Cô Trâm, đi học về gần tới nhà thì một ống quần bị quấn vô dây sên. Nếu cô không nhanh nhẹn phanh xe lại kịp nhảy xuống thì cả người lẫn xe đã té lăn quay rồi. Cô vừa lò cò vừa đẩy xe vô lề thì đúng lúc Thiên trờ tới. Dựng xe vào sát lề, Thiên mau mắn:
"Tôi có thể giúp cô được không?"
Thiệt tình trong bụng cô Trâm đã để ý tới anh học trò trong Quảng ra thi này lâu rồi. Anh ta coi có vẻ đứng đắn, hiếu học. Đã đến đây lâu rồi mà nghiêm chỉnh, không mắt liếc mày đưa, lanh chanh, lấc cấc như mấy anh chàng gà trống trong tuốt xóm. Người chi mà có đôi môi đỏ hồng, cười chúm chím làm con gái mê hồn. Người chi mà cứ cặm cụi chúi đầu vô quyển sách, người chi mà, coi nụ cười tề... Quần áo đơn giản thôi, đầu tóc bồng bềnh nghệ sĩ chứ không như mấy anh chàng kia, lúc nào cũng bôi bờ-ri-dăng-tin láng bóng. Mấy đứa em gái của Trâm thường rúc rích cười, trêu chọc ngày nào cũng có mấy con ruồi chết, vì té từ trên lớp dầu kia xuống bể đầu, toé máu. Trâm làm dáng, gật đầu mà hất mái tóc cho che bớt mái tóc nhìn trộm của mình.
"Dạ..."
Con gái Huế vậy đó. Không bằng lòng cũng dạ. Tiếng "dạ" hiểu nghĩa nào thì ra nghĩa đó.
Thiên tháo dây sên để gỡ lai quần người đẹp ra, bất đắt dĩ đã có lúc cầm bàn chân giữ cho người đẹp thăng bằng lúc gỡ gấu quần bị vướng dây sên. Thiên sững sờ, đang giữa trời mưa ướt át mà trong lòng ấm nóng hẳn lên, khi nhìn thấy một vệt dầu đen dính trên mu bàn chân trắng nõn với gót sen hồng thắm.
"Xin lỗi..."
Trâm đã gượng thẳng người, xỏ chân vào chiếc guốc hồi nãy đã văng xuống đất. Đôi má của Trâm còn đỏ hơn gót son hồng dầm dưới mưa ở chân nữa.
Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén. Chỉ dăm tháng sau, cô cậu đã phải lòng nhau. Thôi thì hẹn hò đủ cách, hôm Lăng Tự Đức, bữa đổi Vọng Cảnh, quán bánh bèo chân núi Ngự Bình. Trâm bắt đầu dối cha dối mẹ. Kín đáo lắm, nhưng cũng không thoát khỏi cặp mắt của bốn cô em gái. Rồi tới cha mẹ Trâm cũng đem lòng nghi ngờ. Ráo riết quá, cảm hai phải dùng kế hoãn binh, nghĩ là bấm bụng không gặp gỡ nhau một thời gian cho qua tình huống đã.
Phía gia đình Trâm, đã cho người đi dò xét cậu học trò trong Quảng ra thi này. Người cha lắc đầu:
"Con hư tại mẹ. Bà có biết không, thằng đó nhà nghèo rớt mồng tơi. Bà chìu nó quá nên chừ dạy hết nổi. Kêu nó ra đây."
Cô Trâm khúm rúm đứng trước mặt cha mẹ.
"Dạ thưa, con lỡ..."
"Lỡ răng. Lỡ răng noái nghe coi."
"Dạ con lỡ thương người ta..."
"Mất dạy. Dám cả gan trả lời ba mạ mi rứa há. Áo mặc không qua khỏi đầu được. Mi mới thương người ta thôi, có chi mà lỡ... Lỡ chi rồi, nói ra hết đi... Con gái như mi, gọt đầu bôi vôi, đem câu cá sấu biết chưa."
Cô Trâm khóc oan khóc uổng:
"Dạ thưa ba mạ, con chỉ lỡ thương, chớ đạo giáo lễ nghĩa con không dám vượt..."
"Mi thề đi. Đứng trước bàn thờ ông bà thắp hương mà thề. Mạ nó thắp nhang cho nó."
Trâm còn biết sao hơn. Mà quả thiệt, thể xác, tâm hồn Trâm vẫn còn trong sáng. Có dối cha dối mẹ hẹn hò, lén lút. Nhưng thật chưa tới mức cởi áo cho nhau, về nhà mẹ hỏi qua cầu gió bay. Mối tình đầu chỉ là mộng mơ, Trâm vẫn gìn giữ và Thiên cũng chưa một lần sàm sỡ dám xúc phạm tới người yêu. Trâm cầm nén nhang mẹ đưa, lòng xót xa như muối xát, lạy trước bàn thờ tổ tiên.
"Nói bỏ là bỏ. Lậm vô rồi chình ình cái bụng ra chừ. Thề đi. Chưa có lỡ, thề bỏ. Thề trước ông bà, thề trước ba mạ mi đây nì. Hay chưa bưa, muốn đi trai gái nữa."
Trâm khóc. Lập lại lời cha. Trâm biết cảm giác bị đâm một nhát dao vô tim đau đớn ra sao, mà không chết được.
"Mi biết nhà nó nghèo xơ nghèo xác không hè. Ba mạ nó đi làm thuê làm mướn chớ con nhà gia giáo chi mô."
"Dạ con biết. Nhưng anh học giỏi lắm."
"Học giỏi làm chi. Thân cô thế cô, có cái bằng cạp mà ăn há. Thôi đừng noái nữa. Từ bữa ni trở đi, không được gặp. Nói thôi là thôi."
Cô Trâm thút thít khóc. Người cha dịu giọng xuống một chút:
"Vô trong đi, còn đứng đó cho tao nổi ma lên. Tao nói rồi, tao bắt gặp một lần nữa tao đánh chết không thương. Tao trói gô đầu lại, không học hành chi hết, tao gả cho bất cứ thằng mô, cụ trâu cũng gả."
Trâm biết tính ông già. Đã nói một lời là như cái đinh đóng vô cái cột. Hết tháo ra, tháo ra là sụp đổ hết. Trâm cũng không cầu cứu mẹ. Mẹ như cái bóng lẽo đẽo sau lưng cha, như lời nói lập lại lời cha.
Tội nghiệp Trâm, nhà có năm chị em, chỉ có hai phòng dồn chung. Trâm không có phòng riêng để khóc. Cô phải ra vườn, úp mặt vào cây nhãn, cây bưởi, khóc một trận như mưa lụt mà vẫn không vơi sầu khổ.
Đáng lẽ mùa Hè, Thiên phải trở về quê. Nhưng hè này, vì lậm với mối tình, nên nhứt quyết ở lại. Cha mẹ không có khoản tiền chu cấp ba tháng hè. Vậy là Thiên rơi vào cơn túng quẫn, túng thiếu. Nhờ hai ông bà già cảm thương thư sinh nghèo, hiếu học, giới thiệu Thiên cho một chủ cồn bắp, sáng sớm phải ra cồn bẻ bắp, chiều tối mịt mới về. Nhờ vậy, bữa đói, bữa no, Thiên sống qua ngày được.
Khó khăn lắm Trâm mới báo tin được cho Thiên biết, cuộc tình đã bị bại lộ, cha mẹ không bằng lòng. Lúc này Trâm bị canh giữ gắt lắm nên huỷ hết các buổi hẹn hò. Không ngày nào Thiên không tìm cách đi qua nhà Trâm, không thấy bóng dáng Trâm đâu hết, mà chỉ thấy bốn cô em leo trèo nghịch ngợm như khỉ leo cây. Có cô nhìn ra thấy Thiên, còn đưa hai bàn tay lên mũi, làm dấu chòng ghẹo. Thiên muốn gặp một cô nhờ vả cũng khó, vì họ như tránh hắn, không muốn xớ rớ tới gần.
Một buổi chiều đi bẻ bắp về, bà già đưa ra một miếng giấy xếp nhỏ:
"Có cô chi đó noái đưa cho cậu để đòi mấy quyển sách chi đó..."
"Cô Trâm phải không bác?"
"Ừa, như rứa. Nhà có tới năm cô, đủ thứ tên, tui hổng nhớ."
"À, tui có mượn mấy quyển sách, quên mất. Bậy..."
Thiên không muốn bà già nghi ngờ, nói trống lấp. Rồi đi ra nhà sau, mở tờ giấy ra đọc.
Đúng là thư của Trâm. Hẹn mười giờ đêm, chờ ở dưới bến sông trước nhà cô, cô có chuyện muốn nói. Thiên mừng rơn. Chiều đó quên luôn cả ăn cơm, không thấy đói bụng. Cứ hết ngồi lại đứng, chờ cho tới giờ hẹn để ra đi. Thiên cẩn thận ra khỏi vườn bằng cái lổ rào thưa để không ai hay biết.
Đêm cuối tháng, trời tối đen như đêm ba mươi. Nhưng đã quen đường lối, Thiên đi tới bờ sông trước nhà Trâm sớm hơn giờ hẹn. Thiên cẩn thận xuống tận bờ, nhà nào thì cũng có một bến sông, có kê bốn hòn đá lớn để có thể trải quần áo lên mà sát bà bông, xung quanh có nhiều bờ bụi kín đáo. Là nơi lý tưởng của các cặp tình nhân hò hẹn.
Chờ chừng mười lăm phút thì Trâm đến. Nhận ra nhau theo hình dáng quen thuộc trong bóng tối thôi. Cái bóng của Trâm thon thả làm sao, mớ tóc đen màu mun trôi lẫn trong đêm, vẫn thấy được nét tha thiết.
"Em."
"Hức...hức..."
Thiên nghe tiếng Trâm nức nở. Hắn cầm lấy tay nàng. Bàn tay lạnh ngắt. Tại sao vậy, từ nhà ra đây đâu có bao xa. Chưa hết ngạc nhiên thì Trâm đã rút tay lại:
"Đừng đụng em. Đừng đụng em..."
Tưởng Trâm hờn giỗi chi đây, Thiên càng sấn tới. Thình lình Trâm đưa tay đẩy mạnh, chút xíu thì Thiên đã trượt chân, rơi tòm xuống sông. Cố gượng đứng dậy, nhảy sâu vô một bụi cỏ, Thiên hỏi:
"Em giận anh? Anh mần chi mà em giận anh rứa. Nói cho anh biết để anh sửa..."
Trâm vẫn lặng thinh. Hai người đứng yên trong bóng tối. Linh tính báo cho Thiên biết là cuộc tình của hai người có trục trặc chi rồi, chớ răng khi không Trâm đổi tính nết như vậy. Hồi lâu, Trâm bật khóc ra tiếng.
"Từ nay anh đừng gặp em nữa. Em..."
"Răng không gặp nhau. Chúng mình thương nhau không có tội... Trâm nì, có chuyện chi thì em nói cho anh nghe..."
"Không. Không có chi hết. Nhưng em, bữa nay nói rõ cho anh biết. Em không hề yêu anh, chưa hề yêu anh. Em yêu anh là giả đò đó."
Thiên cười khan, cay đắng:
"Em nói chi lạ rứa. Yêu mà cũng có yêu giả đò..."
"Chớ răng. Người ta yêu giả đò chán chi. Từ bữa nay trở đi đừng gặp tui."
"Em đoạn tuyệt anh? Răng tự nhiên em thay lòng đổi dạ..."
"Ừ, tui rứa đó. Tui giả đò, chừ không muốn giả đò nữa. Nói cho anh biết tôi còn tốt bụng, không để anh lầm tui..."
Trâm nói mau, như sợ để lâu rồi không nói được:
"Chừ anh biết rồi hí. Tui là đứa con gái xấu rứa đó. Giả đò yêu anh cho vui... Nhưng bữa ni, tui muốn dứt khoát luôn cho nên mới hẹn anh ra đây noái cho anh biết. Tui... tui sắp đi lấy chồng."
....
"Đi rồi. Đi rồi. Hay. Hay."
"Ê, một hai ba. Dô ta. Dô..."
Từ mấy bụi rậm tối thui phun ra mấy vòi nước xối vô mặt Thiên, vô quần áo, vô tóc tai làm Thiên một lần nữa tối tăm mặt mũi.
"Dê dê... xấu chưa tề. Nghèo rớt mồng tơi mà cũng trèo cao..."
"Té cái chổng đít, bể đầu, phọt máu"
"Dê dê, xấu hổ..."
Tiếng cười khúc khích của bọn giặc con gái như vây chung quanh Thiên. Thiên nhận ra từ áo quần bốc lên một mùi hôi thối nồng nặc, mùi nước mắm, nước cống rảnh xú uế từ mấy cái vòi vừa xịt đầy mặt mũi, tóc tai quần áo chàng.
Thiên hiểu ra rồi. Mấy giọng cười khúc khích kia là của đứa em gái của Trâm. Không hiểu sao buổi hẹn hò chia tay tàn nhẫn này lại để cho bầy quỷ cái kia biết được mà phá.
Thiên ôm đầu chạy một mạch chui qua lổ rào, vô vườn. Cũng may, tuy ở căn nhà sau nhưng cái lu sát gốc cau lúc nào cũng lưng nước với cái gáo dừa để sẵn. Tắm gội khổ sở xong, Thiên ngồi suốt đêm với ngọn đèn dầu.
Chiều hôm sau, đi qua nhà nàng, ngó vô, thấy mấy cô em gái leo trèo mấy cây ở sát đường cái. Thấy Thiên, họ cười rộ lên, ngưng đu đưa như khỉ và hát:
"Học trò trong Quảng ra thi
Thấy cô gái Huế dê chi cho khổ đời...!"
Thiên cúi đầu, đạp xe một mạch về nhà. Thêm một ngày bỏ cơm nữa.
Còn Trâm, tối hôm đó nói những lời như sát muối vào vết thương với người yêu, nàng trở về phòng nằm như chết rồi. Một lúc lâu, thấy bốn đứa em gái túm tụm trong phòng cạnh, xì xào to nhỏ và cười rúc rích. Lúc cô em kế trở về phòng, thấy chị nằm êm rơ cũng nhẹ nhàng nằm xuống bên cạnh.
"Chị Trâm nì..."
"Chi rứa?"
"Hồi nãy tụi em nghe nói hết rồi. Hay lắm, chị cự tuyệt thằng nớ thiệt tài. Tụi em phục sát đất."
Trâm làm thinh. Cô em vặn tắt ngọn đèn dầu. Căn phòng chìm trong một vũng tối. Cô em tiếp:
"Thằng nớ chắc tởn tới già. Hi hi..."
"Hi, hi, tụi em xịt nước cống vào người hắn, xịt nhiều lắm. Hắn ôm đầu bỏ chạy rồi. Từ nay chị không cần sợ chi hết nghe. Chọc tụi em là chọc đúng ổ ong vè vẻ... Hi hi..."
Trâm quay mặt, nước mắt chảy âm thầm. Nàng đã dứt khoát với chàng, đã nói lời tàn nhẫn trái lòng. Nói rồi lòng nàng cũng đã chết.
Tin cô Trâm sang Xuân sẽ về nhà chồng làm vết thương trong lòng của Thiên như không ngừng chảy máu. Suốt mùa Đông tàn tạ, rét mướt, Thiên ném bỏ sách vở, loay hoay với một khúc gỗ quý. Thêm một đêm giao thừa thức trắngg, một đầu khúc gỗ biến thành cái trâm cài tóc. Một đầu gỗ khác, khắc lộng hai trái tim lồng vào nhau và một cái lược thưa, dang dở. Đó là món quà cưới Thiên muốn tự tay hoàn tất để tặng nàng.
Liên tiếp mấy ngày đầu năm, Thiên rình mò chờ cơ hội nhưng không còn dịp may nào được gặp gỡ Trâm. Có nhiều hôm đón đường, chờ chực, Trâm đều bị đi kèm với mấy cô em gái dữ như chằng, cả hai không dám nhìn nhau nữa. Thấy mấy cô em gái của Trâm, Thiên nhớ lại hôm bị xịt nước mắm đầy mình, sượng trân, chỉ còn biết cúi gầm mặt xuống mà đạp xe đi. Lá thư tình bao đêm nắn nót và xếp gọn nằm trong túi.
Mùa Xuân đối với Trâm năm ấy cũng quá kinh khủng. Nhìn cây mai vàng trước sân nở vàng rực bên bể cạn với xác pháo giao thừa còn rơi vãi đầy trên mặt đất, Trâm cảm thấy trái tim mình cũng vỡ vụn, chảy máu như pháo hồng. Chẳng còn bao lâu nữa, Trâm phải về nhà chồng. Lễ giáo mà. Cha mẹ đặt đâu con ngồi đó. Cha mẹ, vì muốn tống khứ nàng đi, đã gả vội gả vàng cho một người đàn ông mới goá vợ có đứa con nhỏ một tuổi. Cha nàng nói:
"Rứa như răng mi mới ưng. Người ta nhà gia thế, có tới ba bốn căn nhà ở Nguyệt Biều, mi tưởng..."
Nguyệt Biều Trâm hình dung ra được, ngôi nhà cổ rộng mênh mông, âm u, nàng sẽ sống suốt đời với một người đàn ông mình không thể thương yêu, với bàn thờ, linh vị của một người vợ trước lúc nào cũng nghi ngút hương.
Cả ngày đầu năm, người cha nhìn đứa con gái lớn nghiêm khắc:
"Nì, đầu năm mi đừng có thụng cái mặt xuống như rứa chớ. Xui cả năm nghe chừ."
Cái mặt Trâm ra làm sao. Trâm không soi gương, không biết. Nhưng vui mừng hớn hở thì Trâm làm không được rồi. Thôi thì cứ tránh mặt cha cho xong. Cũng may, ngày mùng một, mấy đứa em về chơi bên bà ngoại làng Hương Thuý, hơi xa xôi nên phải ở lại đêm. Cha mẹ rủ hàng xóm qua chơi, để xâm hương. Trâm lo nước nôi mức bánh xong, kêu mệt xin phép cha đi ngủ sớm.
Nằm thao thức hoài. Cô nhớ lại buổi sáng lúc đưa mấy đứa em đi khuất rồi, Trâm còn ngơ ngẩn đứng ở ngoài ngõ một lát. Cô ngó xuống bến sông và nhớ lại bao nhiêu chuyện. Cô nhác thấy bóng Thiên dưới bến sông. Anh ta ngồi trên hòn đá dùng để giặt quần áo, quay lưng lại. Anh ta ngồi bao lâu như vậy rồi? Đã thành tượng đá chưa?
Tính đốt ngón tay, không còn bao lăm ngày nữa, sân nhà cũng đầy xác pháo như vậy, và Trâm từ giã nơi đây để về nhà chồng. Không được đâu, mình đã có thề với trời đất, lấy chàng mà. Chỉ lấy anh. Lấy anh thôi. Răng chừ lại lấy người ta? Trâm khóc vùi. Tự nhiên muốn làm một chuyện gì thật liều lĩnh, như tìm cái chết chẳng hạn.
Trâm khoác cái áo choàng trắng, có giải thắt lưng rất dài. Không biết sao lại chọn cái áo đó. Nàng trèo cửa sổ ra sau vườn. Đêm lặng lẽ quá, đêm mênh mông giúp nàng trãi nỗi buồn rộng lớn thêm. Đây rồi, cành cây này đã lớn, vững chắc quá. Không được, tội mẹ, tội mấy đứa em. Làm sao mẹ còn có thể ở trong căn nhà này, đi ra ngoài khu vườn này. Sẽ là một ám ảnh suốt đời đối với mẹ
"Qua khu vườn hoang kia tề."
Như có ai nói thầm bên tai Trâm. Trâm thẫn thờ bước tới bên hàng rào. Ở phía rào này có nhiều lổ hổng để chui qua bên kia. Trâm chui qua được một cách thong thả. Tuy vườn mọc đầy cỏ lùng, cây cối rậm rạp nhưng vẫn có những lối mòn do lũ trẻ con hàng ngày trốn vào chơi, hái trái cây, hái rau tập tàng, nhờ vậy mà Trâm đi loanh quanh được một lúc. Không biết có ai đưa đường không mà Trâm đã tới cạnh ngôi mộ hoang, người trong xóm đồn đãi ở dưới mồ có một người con gái chết oan rất thiêng.
Bình thường Trâm sợ ma lắm, nhưng bữa nay tâm trạng bần thần, lại quá đau khổ về tình duyên, còn có ý định tìm cái chết nữa nên Trâm không biết sợ hãi nữa. Mà có lẽ, chỉ có người nằm yên dưới mồ mới hiểu Trâm, mới chịu nghe Trâm tâm sự.
Gió như động hơn trên trời, lay động cành lá ào ào. Tiếng cành khô kêu răng rắc như lời nói của đêm muốn cùng san sẻ với tâm sự của Trâm.
"Chị à, dù sao chị cũng tới trần gian trước tui. Chị lớn tuổi hơn tui, tui kêu chị bằng chị. Xin lỗi tôi không đem nhang để thắp cho chị. Nhưng bữa nay tôi sẽ về dưới bầu bạn với chị. Tôi không muốn sống nữa."
Tiếng cành cây khô lại kêu rắc rắc. Và có một vài tiếng động đâu đây. Trâm nghe như có tiếng chân. Nhìn quanh quất, không thấy bóng ai hết.
"Chị về phải không? Chị đừng đi trước chờ tui với. Tui yêu người ta mà không lấy được, thà tui chết để trọn vẹn với tình... Chị nghe tui nói không?"
Trâm cảm thấy sau ót mình lành lạnh như có bàn tay ai vừa đụng khẽ lên đó. Cô cố lấy hết can đảm, nhìn lên. Trong đêm Xuân một cành cây lớn vươn ra. Thật là lãng mạn. Như một thiên tình sử trong tiểu thuyết, còn hơn nữa là đằng khác. Trâm vừa lẩm bẩm những lời tha thiết đoạn tuyệt với người tình và chuẩn bị cho cái thòng lọng vào cổ rồi thả người xuống. Chỉ tích tắc thôi, không còn thấy đau khổ nữa...
"Bước tới. Leo lên. Leo lên đi..."
Trong đầu Trâm, như có tiếng reo hò thúc giục. Bước lên một bước nữa thôi. Bước nữa, bước nữa...
Rõ ràng Trâm bước tới, nhưng có ai đã kéo Trâm thụt lùi. Thật ra không có ai hết, chính sự sợ hãi đó thôi. Cũng có thể, ai đó, vô hình đang trì kéo bước chân Trâm ngược lại. Không. Không được đâu. Không có can đảm đâu.
"Thiếu tui ba cây nhang đó."
Lùi tới góc vườn, Trâm nghe tiếng nói lùng bùng trong tai. Chắc đó là tiếng hồn ma từ đáy mộ vừa bị Trâm đánh thức. May quá, tới góc vườn nhà rồi. Nhanh như con sóc, Trâm chui qua lổ hổng sang vườn nhà, rồi đu lên cửa sổ. Vào tới phòng rồi, chăn trùm đầu kín mít rồi, Trâm tiếp tục run nữa.
Bên vườn hoang, có tiếng mèo gào lên, như giận dữ cùng với gió thổi cành run lá cuồng loạn.
Gió rung cuồng loạn tới cả căn nhà chòi nhỏ sau vườn của chàng thư sinh trọ học. Trong nhà Thiên có sẵn một chai rượu chàng đã mua về từ mấy hôm trước để nhâm nhi ba ngày tết. Nhưng làm gì có Tết, có Xuân nữa. Thôi thì mượn nó quên sầu đời đêm nay.
Một mình độc ẩm. Bụng đói cồn cào, rượu vô lãng đãng. Chàng học trò trong Quảng ra thi trong cơn say, loạng choạng hát một bài tiếng Quảng, múa may cùng hình ma bóng quỷ. Gió bên ngoài đã hú thành tiếng, rên rĩ, bứt lá, bẻ cành. Giữa cơn gió hú, như có tiếng đập cửa, tiếng gọi. Chẳng biết bằng cách nào, cửa mở... giữa cơn mơ hồ, Thiên mở mắt, thấy một cô gái mặt ngọc, tóc dài đã ở bên mình.
"Trâm. Em..."
Đúng là khuôn mặt của Trâm, sao có đôi mắt lạ lùng đang nhìn chàng. Nửa mê, nửa tỉnh, Thiên quỳ xuống ôm ngang qua thân mình nàng. Sao nàng mỏng quá, nhẹ quá, ôm nàng trong tay mà y như có lúc chỉ ôm không khí, ôm hư vô...
"Trâm. Em đã đến, anh mong gặp em biết bao nhiêu."
Cô gái quỳ xuống, mặt đối mặt. Giọng nàng như tiếng thở:
"Anh. Em yêu anh. Em đã đến rồi nì. Đến rồi nì..."
"Anh nhớ em. Anh đau khổ tưởng chết. Có phải thật là em đến không?"
"Chi mô mà khổ. Em tới rồi nì."
Cô gái vò mái tóc của chàng trai trong tay, nâng mặt chàng lên:
"Có phải thật là em đó không?"
"Không thật mô. Em không phải người ta. Anh sợ không?"
"Không sợ. Không sợ."
Chàng học trò bỗng thấy mình như một đại lực sĩ. Chỉ cần một cánh tay, chàng nhẹ nhàng nhấc bổng cô gái lên, mang nàng tới chiếc giường tre. Y trang trút bỏ, cả một khối bạch ngọc lồ lộ chập chờn cùng ánh đèn dầu. Khối ngọc trong vòng tay học trò, khi thì Trâm thẹn thùng, sợ hãi, khi thì là một con bé nghịch ngợm, hung hăng, liều lĩnh. Đêm xuân nồng cháy, chiếc giường tre không ngừng kêu rêm át cả tiếng gió ngoài vườn.
Gần sáng, nàng xô chàng ra:
"Em phải về. Về liền kẻo không kịp."
"Em còn đến nữa không. Em đừng bỏ anh... anh chết mất."
Nàng lùa năm ngón tay mềm mại vào tóc chàng:
"Hồi tối em thấy anh múa hát. Đêm mai, anh còn rượu, uống một ly, cất tiếng hát là em tới."
Nàng mặc quần áo, vội vã đến cả không kịp hôn chàng, biến nhanh ra ngoài như luồng gió. Thiên bàng hoàng không biết là mộng hay thực, rồi mệt mỏi thiếp đi. Chàng nằm rẹp hai ngày không dậy nổi. Bà chủ trọ bưng cho bát cháo, Thiên húp vài muỗng rồi bỏ. Vậy mà đêm đó, vừa nghe tiếng gió hú ngoài vườn, anh chàng đã bật dậy.
Chẳng biết sức lực từ đâu tới, sau khi nốc được mấy ly rượu,, chàng học trò xứ Quảng lại một mình múa hát tưng bừng. Quả nhiên chỉ lát sau, cô gái đã trở lại. Trâm đã biến thành gái liêu trai từ bao giờ, tóc thả buông lơi không cài không kẹp, hai chân như lướt trên mặt đất. Nàng đẹp hơn nhan sắc mà trước đây chàng đã gặp gỡ, hẹn hò. Mắt nàng như lúc nào cũng pha chất lân tinh, óng ánh gợn sóng tình. Vừa đến, không cần tâm sự nữa, chàng ôm chầm lấy nàng như sợ nàng biến mất.
Vuốt ve, ôm ấp đắm say. Có lúc dưới ánh đèn dầu, nàng nằm nhắm mắt như nàng công chúa ngủ trong rừng, chàng vẫn không thể rời tấm thân nõn nà mà nóng bỏng.
Suốt cả tháng trời, cứ hôm nào chàng uống đủ đô rượu thì nàng đến và hai người quấn quýt lấy nhau tiếp tục truy hoan. Chiếc giường tre cơ hồ chịu không nổi đã xiêu vẹo, van xin, nài nỉ hàng đêm và muốn sụm.
Một hôm, sau cơn hoan lạc, nàng mới nhìn thấy ở góc bàn cái trâm cài tóc và cái lược làm còn dang dở. Nàng cầm lên coi, chàng nói:
"Đã sắp tới ngày em về nhà chồng chưa?"
"Em..."
Cắn môi tới rớm máu. Chàng ôm nàng vào lòng xót xa:
"Đây là vật anh làm để tặng em ngày đi lấy chồng. Và đây là lá thư tình mãi hoài anh không dám gửi."
Nàng cầm lấy, khóc:
"Cũng đã tới ngày em phải xa anh rồi."
Chàng thẫn thờ:
"Em đi lấy chồng anh sống không nổi. Thật đó, anh sống không nổi mô."
Nàng càng khóc lớn hơn:
"Em không còn cách nào khác. Hôm nay là ngày chót em gặp anh. Ngày mai em không tới được nữa..."
"Không em không thể xa anh, không thể bỏ anh. Hay mình trốn đi?"
Nàng gật đầu:
"Anh thề đi. Anh trốn đi với em. Anh thề độc, thề độc địa đi. Anh không bỏ em..."
Thiên sung sướng đưa tay thề liền. Thề độc thề địa nữa. Phải, chàng sẽ sắp xếp một chuyến đi. Cả hai đều trốn khỏi xứ Huế. Vì tình, Thiên có thể phụ lòng mẹ cha, bỏ khoa thi, bỏ tương lai tú tài sắp đoạt trong tay.
"Tối mai em tới, anh sẽ đưa em đi. Mình sống với nhau, em không sợ ai nữa. Em..."
Nàng cười. Nụ cười sao mà xa xôi, bí hiểm quá.
"Tối mai... Không đâu. Tôi mai em hẹn anh ở bến sông. Rồi mình đi."
Thiên mừng rỡ ôm chặt lấy nàng. Cả hai tiếp tục truy hoan cho tới gần sáng.
Tiếng gà gáy canh tư đã thúc giục lắm rồi, nàng mới vội vã bỏ đi. Lúc đó, khu vườn bên ngoài đã lờ mờ hiện trong màn sương.
Sáng hôm sau, Thiên nằm thiêm thiếp, đầu nóng như lửa. Chàng lên cơn sốt nặng. Trùm mền, đắp chăn. Ông bà chủ nhà lo lắm, có giúp Thiên một nồi thuốc xông buổi tối. Xông xong, Thiên có khoẻ hơn, nhưng đầu óc còn choáng váng, mắt hoa. Dù vậy, nhớ lời hẹn với người yêu, Thiên thu xếp mấy bộ quần áo, chút tiền bạc dành dụm rồi chờ cho tới hai ba giờ sáng, một mình ra bến sông trước nhà Trâm. Sông nước lấp lánh, nôn nao.
Thiên chưa kịp cảm thấy hơi sương đêm lạnh, nàng đã tới. Vẫn nhẹ như gió, lướt trên mặt đất.
"Anh sợ em không tới. Đi, mình đi."
"Khỏi đi đâu hết ôm em đã. Em lạnh."
Nàng áp cả tấm thân vào người chàng, tự tay cởi áo chàng, áo nàng. Áo quần nào ấm bằng hơi nóng thể xác. Nàng vỗ vập, ôm ấp, đòi hỏi. Và đôi lứa quấn chặt, rơi mình xuống bờ cát bên sông.
Ai bảo sông Hương khúc Kim Long không từng, biết sôi sục?
Vẫn còn mùa xuân để cô gái đi lấy chồng. Đám cưới nhà giàu sẽ làm lớn lắm. Bây giờ không còn ai canh giữ Trâm nữa. Một bữa, cả xóm xôn xao bàn tán có xác chết dưới sông vớt lên chính là xác anh học trò trọ học.
Vậy là câu chuyện liêu trai giữa chàng học trò và ma nữ tiểu thư con quan nằm dưới nấm mồ trong ngôi nhà hoang lập tức được truyền tụng. Tình tiết câu chuyện bàn tán càng lúc cang ly kỳ. Đêm đêm, ma nữ từ dưới mồ lên vào phòng chàng học trò, lôi chàng ta ra bờ sông ân ái. Sau đây là đoạn đối đáp lâm ly giữa ma và người. Giọng ma nữ hẳn nhiên phải nhẹ nhàng như gió thoảng:
"Anh nói là chết vì em, không hối hận?"
"Không hối hận."
"Nếu em là ma, anh có yêu em không?"
"Anh cũng thành ma để yêu em."
"Vậy mình đi nghe."
"Anh yêu em?"
"Anh nhìn em coi, em là ai?"
Chàng học trò mở bừng mắt. Khuôn mặt cúi xuống trên người chàng là một cô gái, mái tóc xoã che khuôn mặt. Lúc đó trời sắp sáng hay có một ánh sáng nào mờ nhạt soi gương mặt người con gái màu xanh. Nàng mỉm cười, đẹp như hằng nga trên cung. Mà sao nụ cười bỗng dại đi, rồi khuôn mặt cũng biến đổi, méo mó, rồi giữa nụ cười nhô ra hai răng nanh...
"Eo ôi." Anh chàng kinh hoảng quá, hét lên và vùng vẫy. Nhưng hai cánh tay ma nữ đã như hai gọng kìm, ôm chặt lấy anh học trò, và cả hai lăn xuống dòng tối đen. Câu chuyện Liêu Trai Huế thường được kết luận vậy.
Hình như phải mấy ngày đêm xác anh học trò mới nổi lên. Người cha của năm cô gái không khỏi bùi ngùi xúc động, ngầm trách mình cứng rắn nhưng cũng thở ra một hơi dài nhẹ nhỏm.
Đúng là anh chàng Thiên chứ ai. Tội chàng quá, Trâm khóc không biết bao nhiêu đêm, nhưng rồi đành chịu cam phậm về nhà chồng. Mong chồng, mong cuộc đời mới sẽ giúp nàng nguôi ngoai mối tình tan vỡ, chia ly kẻ âm người dương.
Trước ngày lên xe hoa, Trâm nhớ lại mình còn thiếu nợ hồn ma dưới mồ trong khu vườn hoang kia một nắm nhang. Muốn trả cho xong trước khi về nhà chồng. Trâm mua một bó nhang, chờ cơm chiều xong, trời chạng vạng, một mình lẻn vô sau căn nhà hoang.
Bữa đó trời không một cơn gió. Khu vườn càng lặng lẽ hoang vắng. Ngôi mộ đất lở xơ xác nằm trơ vơ. Trâm bỗng nhìn thấy trên mộ, ai để một phong bì thư cũ mèm và một cây trâm bằng gỗ, phía cán khắc lộng hai trái tim lồng nhau, cắm chặt lá thư xuống đất.
Trâm mở ra xem, mới hay thư của Thiên gửi cho mình lâu rồi. Còn chiếc trâm cài chắc là một quà tặng cho nàng. Trâm đọc xong lá thư, đốt cho mất tang mất tích. Còn cây trâm giữ lại để cài tóc coi như một kỷ niệm.
Đêm đó, Trâm nằm mơ, thấy Thiên cầm tay một người con gái rất đẹp, mớ tóc còn dày và dài hơn tóc thề của Trâm nữa. Thiên không nói gì, nét mặt vui vẻ. Cô gái nói với Trâm:
"Cám ơn em đã cho chị một nắm nhang."
Nói xong cả hai đều biến mất.
Cô gái nào chả có những giấc mơ đêm trước ngày tân hôn. Ngày mai pháo sẽ nổ trước sân. Trâm sẽ có một cuộc đời khác.
Chuyện bốn chục năm sau. Tối đầu năm trong một gia đình Việt Nam. Ở một thành phố khác, cũng có thể ở một đất nước khác. Một ông tóc hoa râm, chén chú chén anh với các bạn già cùng lưu lạc gặp lại. Chủ nhà đã ngà ngà say, nhắc lại chuyện xưa, ông cười.
"Thì rứa, học trò trong Quảng ra thi mà. Hồi trẻ anh nào chẳng có lúc tầm bậy tầm bạ. Thì cũng tính đánh hoa cả cụm, không được thì đánh lẻ. Mà mình cũng mần chi mô. Bảo hát là hát, bảo ôm là ôm, bảo đi là đi. Bà tui bây chừ đó tề... Nì, mạ nó mô hè, lấy chai Remi trong tủ ra nhậu luôn, bữa ni vui..."
"Uống vừa vừa thôi ông ơi: Từ ngày tui lấy ông tới bữa ni, chỉ thấy ông mê rượu."
"Bà đừng noái nữa mà tui kể ra bà hổ ngươi. Chớ không phải nhờ rượu, nhờ hát hay mà hồi đó có con ma nữ liều mạng..."
"Còn nói nữa, không biết dị. Mấy anh biết không, có một chuyện mà kể hoài, làm như oai lắm."
"Để chú ấy kể chuyện Liêu Trai Huế đi, cô Ba". Một ông nói.
Bà chủ nhà ngoe nguẩy, đặt chai rượu xuống trước mặt ông chồng rồi cười cười bỏ vào nhà trong.
Thì ra đầu năm, các ông hoa râm lai rai kể chuyện xưa tích cũ. Chủ nhân có mái tóc hoa râm từng là chàng học trò xứ Quảng ra Huế học thi. Bà chủ được gọi là cô Ba, nghe đâu chính là cô em thứ ba trong đám "ngũ long công chúa" nghịch như quỷ sứ ở Kim Long thuở nào.


Nguồn: Đặc Trưng
#1
    Trương Củng 06.06.2005 16:28:22 (permalink)
    Rắn Hồng
    Nhã Ca


    Tháng Bẩy năm Quí Mùi (1883), đời vua Hiệp Hòa, hải quân Pháp do tướng Courbet và Toàn quyền Harmand chỉ huy tiến đánh cửa Thuận An. Trong ba ngày, từ 15 tới 18 tháng 7, thành Trấn Hải vỡ. Quan trấn thành là Lê Sỹ cùng Lê Chuẩn tử trận. Hai ông Lâm Hoành và Trần Thúc Nhẫn thì nhẩy sông tự tử.
    Trận chiến thất thủ Trấn Hải Đài đưa tới việc triều đình Huế phải ký hòa ước Quí Mùi 23 tháng 7, dâng trọn nước Nam cho người Pháp, chỉ được sử sách ghi sơ lược như trên. Riêng ngư dân Cửa Thuận, hơn nửa thế kỷ sau, còn bảo nhau: đêm đêm, nhìn lên Trấn Hải Đài, vẫn thấy quan trấn thành Lê Sỹ cưỡi một con "hồng xà" đôn đốc ba quân xáp chiến với giặc trên bờ thành.
    Sao ông Lê Sỹ không cưỡi ngựa hồng mà lại cưỡi rắn hồng?
    Cô bé Mi Ki, từng sống thời thơ ấu ngay trong khu Trấn Hải Đài, nói:
    "Đâu thấy con ngựa nào. Chỉ toàn rắn là rắn. Chính mệ Ủy cũng gọi rắn là ngựa hồng của mệ."
    Mệ Ủy từng là "bạn già" của cô bé. Thời ông Lê Sỹ đã có mệ. Thời Pháp, thời Nhật, thời Việt Minh lên rồi lính Tây trở lại, đều có mệ cả. Có hồi cô bé còn nghe người ta nói mệ Uỷ chính là rắn, con rắn biết lột vỏ sống đời, vì mệ sống lâu cả trăm tuổi.
    ...
    Nhà mệ Ủy nằm sát phía bờ ngoài của thành lũy bao quanh Trấn Hải Đài. Ngay cạnh nhà, có cây bồ đề mọc chòi lên bờ thành. Cây cũng cổ thụ lắm, rễ đâm từ trên thân xuống từng chùm, quấn quít, quằn quại, nhìn xa như một ổ rắn khổng lồ.
    Căn nhà tuy cũ kỹ, thấp, tối, nhưng có những cột gỗ lim chạm trổ hình rồng phượng. Cột to bằng cả vòng tay người lớn ôm. Bên này câu liễn, bên kia câu đối sơn son thiếp vàng. Bàn thờ lớn, chiếm hết căn giữa, bày chi chít bài vị, trùm một loạt khăn đỏ khăn vàng, lâu đời rồi, cái sờn cái rách. Nhà cửa tối tăm nhưng loại này khi xưa, cũng là hạng giàu có, quan gia chi đây.
    Mệ Ủy sống với một người con trai cũng đã già, tóc râu điểm muối tiêu, nhưng dáng người vạm vỡ, mặt vuông, hồng hào, có nét uy nghiêm mà cũng có nét phúc hậu. Có năm, đoàn hát bội về diễn tích Quan Công, dân làng đi coi, chê: Để cho anh Ủy đóng Quan Công mới là hợp. Người con trai tên Ủy, không thấy có vợ con, người trong làng lớn nhỏ gì cũng gọi là anh Ủy, còn bà già, gọi là mệ Ủy. Có phải là dân các Mệ trong nội ra không? Liên hệ gì giòng dõi hoàng tộc mà kêu bằng mệ. Đâu ai biết!
    Làng Thuận An là một dải đất bao quanh phá, sông, biển. Cả vùng đất ẩm, chỉ duy nhất một ngọn đồi Trấn Hải Đài cao ráo. Chim chóc cũng nhiều, làm tổ trên các cành cao cành thấp, trứng chim cun cút, thứ chim lủi trong bụi như gà, không bay cao. Các loài chim, trứng chim là thức ăn bỗ dưỡng cho rắn. Thôi thì đủ loại rắn, cắc kè, thằn lằn, làm như hàng trăm ngàn loài bò sát đều dồn lên khu đồi Trấn Hải.
    Suốt cả con đường rộng dẫn tới làng, hai bên đều đất đồi hoang soai soải, chỉ duy nhứt có căn nhà của mệ Ủy, không hiểu sao lại lọt vào đây.
    Dân làng đồn rằng, ông Lê Sĩ chết vào giờ thiêng nên linh lắm. Dân chài ra biển từ nửa khuya, nhìn lên, thấy trên cửa thành ông Lê Sĩ cưỡi con hồng xà đốc quân xáp chiến, hai bên quân lính đánh nhau, còn nghe cả tiếng binh khí va chạm chát chát. Đó là những đoàn quân đã thành ma, đến giờ thiêng thì sống lại. Có thể vì ông Lê Sĩ cưỡi con Hồng Xà, nên dân làng không dám giết rắn, nhất là rắn trong cổ thành. Nhưng mệ Ủy thì khác. Dân làng kháo nhau là bà ta ăn thịt rắn mà sống!
    Mệ Ủy là khắc tinh của loài rắn. Không biết từ bao lâu và bằng cách nào, mệ Ủy bắt rất nhiều rắn, nhốt vào những lồng kín, giao hàng cho một số ghe chài từ các nơi ghé nhận.
    Người ta đồn, mệ Ủy đã bắt được một con hồng xà, mình thon, nhỏ mà dài hơn thước, trên lưng, chạy từ cổ tới đuôi một lằn dài đỏ hồng như lửa than cháy sáng. Đúng là loại rắn quí ông Lê Sỹ cưỡi thay chiến mã. Vậy mà mệ Uỷ vẫn lột da, bằm thịt, nấu nướng bằng được. Dọn lên, hai mẹ con cùng ăn. Mệ Uỷ ăn thì không sao, nhưng anh Ủy ăn xong, trợn trắng mắt, ngã vật xuống. Lúc cứu tỉnh thì anh méo miệng, đơ lưỡi, ú ớ mà không phát ra tiếng người được nữa. Càng ngày người anh càng rút nhỏ lại, và nằm liệt một chỗ.
    Từ đó, vào những đêm trăng sáng, có bóng người cao lêu khêu, trắng toát, xõa tóc cầm chiếc thanh la đi quanh bờ thành mà gõ. Đó là mệ Ủy, bà gõ thanh la cho con hồng xà đực có vồng lửa than hồng trên lưng phải ngóc đầu lên, bò ra cho bà bắt. Mệ Ủy quả quyết hồng xà có cặp. Máu thịt con mái trong người anh Uỷ đang... động đực. Chỉ cần lấy máu con hồng xà đực là Mệ sẽ cứu được anh Ủy. Rắn thì vẫn vô số đó. Nhưng không thấy con hồng xà đực. Phải làm cho nó bà trở nên điên loạn, giữa đêm trăng bà thường kêu la:
    "Ngựa hồng ta đâu. Bớ ngựa hồng..."
    Vậy là con rắn hồng đã biến thành ngựa hồng. Chiếc thanh la cùng gào lên với mệ Uỷ. Nhưng đêm thì vẫn đui vẫn điếc.
    . . .
    Trấn Hải Đài nằm trên ngọn đồi cao, phía trước nhìn xuống cái vịnh nhỏ, phía sau, đồi trườn soai soải dẫn tới một khúc sông cụt. Tiếp nữa là bãi cát và rừng đương xanh rì, nối liền hai làng Thái Dương Thượng, Thái Dương Hạ, xuống tận làng Eo, làng Hà, làng Trài, chạy dọc song song với con đê cao ngăn sóng mùa bão lụt. Qua con đê, là bãi cát trắng phau, soải dài đón những đợt sóng liếm láp ngày đêm.
    Pháp đi, Nhật tới. Trấn Hải Đài không còn là đồn binh mà thành Sở Công Chánh. Có hồi chiến tranh lộn xộn, sở công chánh rút về thành phố Huế. Cả một Trấn Hải Đài mênh mông, chỉ còn để lại gia đình một nhân viên ở lại trông coi. Ông chồng được gọi là thầy Thông, vì ông ta làm thông ngôn thời Pháp, cả thời Nhật, và là một trắc họa viên của Sở Công Chánh. Ông bà Thông có hai con, một trai, một gái. Mi Ki chính là đứa con gái, hồi đó mới chừng năm sáu tuổi. Cả nhà, chỉ có bốn mạng kể trên, hàng ngày sống trong khu thành Trấn Hải đầy rắn.
    Cả làng không có lấy một trường tiểu học, đa số người già, có chút đỉnh chữ Nôm cũng không dùng làm gì giữa lúc giao thời này. Cho nên đơn trương, khai sanh, khai tử, các thứ giấy cho thủ tục hành chánh, dân làng Thuận An thời đó đều nhờ thầy Thông giúp. Dứt liên lạc với Sở một thời gian lâu, gia đình thầy Thông vẫn sống khá sung túc. Giúp dân làng nay giấy mai tờ, tuy thầy Thông không chịu nhận thù lao, nhưng dân làng biết ơn lắm. Đi chài về có con cá ngon, đem "kỉnh" thầy Thông, lưới được mớ tôm cá còn nhảy nhảy, cũng nhớ tới ơn nghĩa.
    Đất đai trong Trấn Hải Đài mênh mông, có khu dùng trồng bắp, có khu trồng khoai lang, khoai mì, rau cải. Quanh bờ thành, ngoài những cổ thụ rậm ri, còn chen vào những cây ăn trái, nhãn, thanh trà, ổi, cây hồng quân nên hoa lợi quanh năm.
    Vậy là trong bờ thành, chỉ có gia đình thầy Thông. Ngoài thành, chỉ có nhà Mệ Ủy. Năm con bé Mi Ki lên sáu thì mệ Ủy đã ngót chín mươi.
    Sống trong Trấn Hải Đài, con bé gần như cách biệt với thế giới bên ngoài. Bước ra khỏi nhà, là con bé thấy rắn. Có rắn hổ, rắn mai, rắn đeo kính, rắn học trò, rắn lồng, rắn màu xanh, màu vàng, màu lục. Leo lên lầu, mở cửa ra phía sau có một rừng thông, xuống bực cấp, đôi khi trợt chân vì đạp phải một con rắn đang khoanh tròn, ngóc đầu nhìn. Leo lên một ngáng cây muốn coi trộm tổ chim, đã thấy tổ chim còn toàn vỏ và lúc nhúc trong ổ không biết bao nhiêu rắn con.
    Có bữa, rắn khoanh tròn chắn trước cửa, không ai dám đi ra, người nhìn rắn, rắn nhìn người, có khi rắn bò đi, có khi nằm ỳ tỉnh queo. Riết rồi người với rắn như đã quen hơi nhau, con bé Mi Ki bắt cả rắn con chơi, cho đeo qua vòng tay, nựng nịu, trìu mến. Những con rắn con màu hồng, non nẻo, miệng nhỏ chút xíu chưa biết mổ, cũng quấn quít hơi người. Lần nào con bé đùa giỡn với rắn con chán cũng thả xuống bậc thang cho rắn con nằm. Quay đi một lát, trở lại không thấy, rắn mẹ đã tha con về ổ. Người không hại rắn, rắn không thù người. Con bé đạp nhằm rắn hoài nhưng chưa bao giờ bị rắn cắn.
    Ngược lại, có một vài người dân làng bạo gan, men theo đường hào dưới thành, bám rễ cây leo lên trộm cắt tranh, hái trái, đào củ, có người đã bị rắn cắn mà bỏ mạng.
    Con đường dẫn ra cửa thành hai bên trồng toàn cây bạc hà cao vút, lúp xúp phía dưới là hai hàng cây sả. Sả vừa bán có tiền, mọc như cỏ dại, không phải chăm sóc mà còn kỵ rắn, coi như là một ranh giới đường đi giữa người với rắn không bên nào phạm bên nào. Thiệt vậy, đi trên con đường dẫn ra cửa Đài, con bé Mi Ki chưa bao giờ thấy một con rắn nào nằm chặn đường như ở các nơi khác.
    Con bé thường một mình cố chạy cho hết con đường, tới hai cánh cửa sắt. Đu lên cửa, có thể nhìn thấy con đường dài dẫn tới làng. Dưới đó, có người ta, có nhà cửa, có chợ, có đình làng, và trẻ con, nhiều trẻ con lắm. Con bé cứ đu trên cánh cửa, nhìn ra mà thòm thèm, mơ ước. Đồ chơi của con bé là cái bong bóng lợn không bao giờ dám thổi căng vì sợ nứt bể và da rắn lột lượm ở bờ bụi, khi rắn lột da để lại, con bé hay quấn vài vòng nơi cổ và thả lòng thòng trước ngực.
    Thình lình một vật gì trơn ướt, lành lạnh quấn sau cổ con bé. Rắn. Con bé la lên, vùng vẫy. Vòng da rắn lột bị bứt ra, rơi nằm ụ dưới đất. Con bé ngoái cổ lại. Không phải rắn mà là một bà già. Chính là mệ Ủy.
    Chưa bao giờ con bé mặt đối mặt với bà già này. Ba má thường dặn khi gặp mệ Ủy thì phải tránh đi. Con bé hỏi tại sao, người lớn nói tại vì bà điên, nguy hiểm lắm.
    Bà có dễ sợ như người lớn nói không? Có, coi mặt mũi bà nhăn nhúm, tóc tai rũ rượi mà cặp mắt dài, nhỏ, nhìn hiêng hiếng, coi giống như mắt một loài rắn nào mà con bé đã gặp qua. Móng tay mệ để dài, cong quắp lại như móng con diều hâu mà anh trai của con bé đang tập vẽ, hay vẽ trên giấy.
    Có nên bỏ chạy không? Chạy cũng không kịp nữa. Bà già điên đã đứng sát bên cạnh, đôi mắt nhìn con bé như loài rắn biết thôi miên người. Con bé đơ người lại, muốn kêu, muốn la, làm như cái lưỡi bị trụt rồi, không kêu ra tiếng.
    "Đừng sợ. Mệ không mần chi con mô."
    Chết cha. Bàn tay có những ngón nhọn hoắt đưa ra, có móc vô cổ con bé không? Con bé nhảy xuống khỏi bậc cửa đang đu. Mấy cái móng tay lùa nhẹ lên mái tóc tơ mịn, đỏ hoe vì dang nắng của con bé.
    "Con dễ thương chi lạ. Có phải con Mi Ki không?"
    Con bé mặt tái xanh như tàu lá chuối, cố gắng gật đầu. Bà già lấy trong túi áo ra mấy cái kẹo đập gói trong miếng giấy súc đen điu.
    "Mệ cho con nì."
    Ba dặn, không được lấy gì của ai cho nếu không được ba má cho phép. Con bé thích thứ kẹo đập này lắm, nó làm bằng đường với bột, trộn gừng. Ngậm trong miệng lâu tan lắm, vừa ngọt vừa thơm mùi gừng quyện với mùi đường vừa cháy tới, ngon rít cả răng. Bà già điên vẫn nhét vô tay con bé.
    "Cầm đi, mệ thương."
    Lưỡi con bé đã trở lại bình thường, nó nói:
    "Con sợ ba má con đập chết. Ba má con chưa gật đầu, con không dám mô."
    Mấy cái móng tay nhọn lại lùa vô mái tóc con bé.
    "Con giỏi. Mệ cho thì lấy, mệ cho ba má con không la mô. Ba má con nể mệ lắm, con hỏi coi thì biết."
    Mi Ki có biết rồi. Ba bị bịnh suyển, người ta nói ăn cháo nấu hột đủ đủ tía một vài lần thì hết. Ba nói mệ Ủy nói không dứt hết được, nếu mệ Ủy không cho thêm một thứ lá gì đó. Ba nghe theo, bệnh suyển dứt hẳn.
    Không biết học nghề thuốc hồi nào mà mệ Ủy có tài chữa bệnh. Con nít sài đẹn, ghẻ lở, người lớn bị đinh râu hay mụt nhọt, hoặc bịnh thúi tai, thúi mũi, mệ Ủy chỉ có một thứ thuốc là thứ bột màu xám tro. Ghẻ lở thì xức, đau bụng thì hòa với nước uống, thúi tai thì bỏ thuốc vô tờ giấy bản quấn như loa kèn, một đầu nhọn nhét vô lỗ tai, một đầu miệng loa thì đốt, khói theo ống loa chui vô trong lỗ tai. Anh con bé bị đau má chàm bàm, mệ Ủy cũng thoa thứ bột đó lên giấy, quấn lại và đốt xông lỗ tai, bịnh lành lẹ lắm. Người ta nói thứ thuốc của mệ Ủy chỉ là mấy cái vỏ rắn lột xác bỏ lại, đem sao chín, tán thành bột cùng với những lọai lá gì không ai biết. Mệ cũng có một thứ thuốc gia truyền gì đó, bằng lá, giã nhỏ xoa vào người, nên mới bắt rắn dễ dàng.
    Có người nói mệ Ủy có tà trong người, biết thôi miên rắn. Nhưng từ ngày anh Ủy bị nằm liệt giường, mệ Ủy không thèm chữa bịnh cho ai nữa. Hồi trước chưa bị bịnh nằm một chỗ, anh Ủy cũng hay vô Đài giúp ba má đốn cái cây, sửa khoảng tường vôi bị vỡ... Hồi đó, mệ Ủy cũng chưa thấy dễ sợ như bây giờ.
    Nhưng cửa khóa, móc cài phía trong, làm sao người đàn bà này vào bên trong được. Con bé thắc mắc mà không dám hỏi.
    Tối hôm đó con bé đem hai cái kẹo đập đưa cho má coi. Hỏi ai cho, con bé nói là của mệ Ủy. Má nói, hai kẹo này ăn được, còn nếu mệ cho thứ khác thì phải hỏi người lớn, chớ không tự tiện ăn.
    Nhưng mấy lần sau, cũng chỉ là kẹo đập. Con bé thấy không cần hỏi má nữa, coi như đã được phép. Nó ăn ngon lành. Đôi khi bà già điên còn lấy lá dừa thắt cho con bé những con vật như con châu chấu, con bọ dừa, con chim, và thắt được cả con rắn dài chừng hai gang tay rất đẹp. Mấy thứ này chỉ chơi, không ăn, con bé cũng không phải hỏi má.
    Một già một trẻ, dần dà thân thiết. Người ngoài cửa thành, người trong cửa thành, chơi với nhau như đôi bạn.
    "Bữa nay mình chơi chi."
    "Đánh thẻ. Nẻ ô làng".
    Bữa nào, mệ Ủy vô được trong cửa Đài bằng ngả nào không biết thì kéo nhau lên trên cửa thành. Chỗ này có bàn thờ ông Tướng giữ thành, có khoảng đất lát gạch bằng phẳng, đẹp đẽ thì chơi "căn cù u chịu, thượng hạ cấm câu, bể đầu ráng chịu." Mệ Ủy cũng chưa bể đầu, con bé Miki cũng không. Nhưng căn rớt xuống hào thì mất nhiều lắm. Lâu lâu, con bé thấy mệ Ủy, cũng không biết xuống dưới bằng cách nào, lượm đem lên trả lại một đống để chơi tiếp.
    Nhưng rồi, không chỉ một già một trẻ bày trò chơi để qua thì giờ, mà dần dà, mụ Ủy rủ con bé đi lòng vòng quanh thành. Thường ngày, khi chơi đùa với con bé, mệ Uỷ hiền lành, có khi cười đùa tung tăng giống con bé. Nhưng có một lần mệ làm nó kinh hoảng.
    Lần đó đang đi, mệ Uỷ dưa con bé tới cửa cái hầm dê. Đây là nơi con bé sợ nhất. Ba có lần kể khi quân Pháp chiếm thành, quân Nam và trai tráng trong làng bị lùa hết vào cái hầm dê đó để giết. Máu từ trong hầm chẩy ra đọng vũng ở cửa, lụt tới mắt cá chân. Chỉ nghe vậy thôi là con bé hết hồn, chưa bao giờ dám bén mảng tới đó.
    Lôi con bé lại hầm dê, chẳng thèm chơi đùa gì, mệ Uỷ ngồi xụp xuống ngay khoảnh đất bên cửa hầm. Mệ ngồi lâu lắm, bất động. Rồi bỗng mệ quì lết trên nền đất, hướng vào trong hầm lạy lấy lạy để. Vừa lạy vừa la:
    "Tui lạy ôn. Tui lạy ôn. Nó thật là con của ôn mà. Ôn sống khôn thác thiêng phù hộ tui cứu nó, chỉ đường cho tui đi bắt con hồng xà. Tui lạy ôn trăm lạy, ngàn lạy...
    Mệ Uỷ lạy mãi, lạy mãi. Bỗng thình lình mệ bật dậy, túm lấy cổ tay con bé lôi nó chạy như bay. Khi con bé được mệ Uỷ buông ra, cả hai đã trở về cây bồ đề gần nhà mệ Uỷ. Nhìn gốc cổ thụ rễ cây lòng thòng, quấn quít như ổ rắn, mệ Uỷ lầm bầm:
    "Ở đây. Nhứt định nó ở đây."
    Con bé sợ hãi lùi ra xa mà ngó. Còn mệ Ủy, mệ lao tới gốc cây, rút trong người ra một cây sắt nhọn, mệ đâm loạn xạ vào mớ rễ cây quấn chùm chằng chịt. Mệ già rồi mà sao mạnh quá vậy, mệ đâm hoài, đâm không biết mệt.
    "Rắn hồng. Rắn hồng. Rắn hồng..."
    Rắn hồng ở đâu? Con bé chỉ thấy những rễ cây màu xám đất buông xuống từ thân cây, từ các cành nhánh lơ lửng trên cao. Không biết ở bên trong những chùm rễ kia, có ổ rắn nào không? Con bé sợ quá, chỉ muốn quay đầu chạy.
    Sau này, nghe con bé kể lại chuyện hôm ấy, ba trầm ngâm giây lát rồi bảo:
    "Mụ lạy "ông dôn" đó. Dôn mụ là Cai binh của quan trấn thành, bị Tây lùa giết trong hầm dê. Nghe kể hồi nớ mụ còn tuổi đôi hai, đang mang thai anh Uỷ."
    "Ông dôn" tiếng địa phương có nghĩa là ông chồng.

    Từ mùa thu năm đó, con bé không còn ở gần mệ Ủy nữa. Tháng Tám 45, Việt Minh về làng. Uỷ Ban Cách Mạng tiếp thu Trấn Hải Đài làm trụ sở. Gia đình thầy Thông bị đuổi ra ngoài, đi ở thuê một căn nhà nhỏ gần cầu Thương Cuộc, cây cầu gẫy bỏ không nằm ở khúc sông sâu nhất. Nhe nói nhiều cô gái thất tình hay chửa hoang đã nhảy sông tự tử ở đây, biến thành ma ra, mỗi đêm trăng thường hiện lên xõa tóc ngồi khóc.
    Cầu nằm gần con đường làng, có cây đa rất lớn, xung quanh chất đầy bình vôi cũ. Các bà già ăn trầu cau, khi chết, con cháu thường đem bình vôi của người quá cố đặt dưới cây đa dâng tặng thần cây.
    Nhờ cách mạng Mùa Thu, con bé Mi Ki không còn bị quản thúc chặt chẽ với cái thế giới đầy rắn rít bên trong Trấn Hải Đài. Nhà ra ngoài ở, con bé phải vào đội thiếu nhi, phải đi học hát, học múa, cả ngày, cả đêm, vui lắm.
    Bọn con nít như Mi Ki được tập họp thành đội thiếu nhi cứu quốc. Thanh niên phụ nữ được hội họp suốt đêm, nhảy sôn-đố-mì. Tối nào dân làng cũng tụ tập ở bãi đất trống của khu chợ gần Phá Tam Giang để coi Hội Phụ Nữ diễn kịch, kịch nào cũng riễu mấy thằng Tây thực dân khát máu.
    Mệ có nghề mới là bán bánh rán thịt. Mệ có một cái xe bằng gỗ, thấp, có bốn bánh. Chiếc xe kéo này do anh Ủy khi còn khỏe mạnh làm cho mệ. Giờ đây, mệ sắp bánh rán chiên dòn vô trong cái thúng, trên những miếng lá chuối rồi ủ bằng bao bố. Khi thanh niên, phụ nữ họp nhảy sôn-đố-mì, hay sau khi màn kịch ông Tây thực dân bị các anh du kích Việt Minh bắt trói, quỳ lạy, thì dân làng cười thôi là cười, vì vai đóng ông tây vào phút cuối lúc nào cũng rớt mũ giấy, rơi râu bắp, lòi ra mặt một chị bán cá hay vợ ông chủ tịch mới được bầu. Cười xong là đói bụng phải ăn. Những chiếc bánh rán thịt rắn của mệ Ủy vừa dòn vừa thơm phức, hạp khẩu lắm.
    Trò nam nữ sôn đố mì đêm đêm quả là cách mạng thật. Độc lập tự do có khác, mấy cô tha hồ cho cái bụng phồng lên mà không còn sợ cảnh bị gọt đầu bôi vôi dẫn đi rêu rao khắp làng như thời phong kiến trước. Đêm đêm tha hồ tạp vô nhau.
    Nhưng cũng trong đêm, nhiều nhà có tí máu mặt ở Cửa Thuận bị đập cửa, những kẻ tình nghi Việt Gian bị bịt mắt đưa đi. Sau những đêm sôn đố mì, sáng ra trên đường làng thường có cảnh thây người bị cưa ba khúc, đầu bị chặt rời bỏ vô một cái nón rách kèm theo tờ giấy ghi bản án tràng giang đại hải. Chẳng hiểu chữ nghĩa đâu ra mà lắm vậy. Dân Cửa Thuận thời này, cả những kẻ vừa bị chặt đầu, vốn ít người biết đọc.
    Trấn Hải Đài nay đã là cơ sở cách mạng. Cũng giống thời Tây mới chiếm thành, cái hầm dê trong thành nghe đâu lại là nơi tập trung bọn Việt gian để hành hình tập thể.
    Chẳng hiểu Việt Minh làm gì trong Trấn Hải Đài. Trụ sở Uỷ Ban Cách Mạng, đặt ở cái Lầu nghỉ mát của Vua hồi xưa ở sau rừng dương. Chính từ đây, phong trào đòi nợ địa chủ được phát động.
    Giàu nhứt trong làng, có trâu, có ruộng, có chục ghe chài cho mướn là ông Hội Thượng. Kế đó, địa chủ thứ hai phải kể là Ông Trùm Trít, có lưới bán, lưới cho thuê, buồm, giây cột, chèo gỗ để phục vụ ngành chài lưới.
    Chẳng hiểu vì sao mệ Uỷ bỗng trở thành người dẫn đầu đám bần cố nông đi hỏi tội địa chủ. Con nít trong làng không thiếu mặt, bu coi, sắp một dãy dài phía sau như đi hội làng.
    Nhà ông Hội Thượng có sân lớn để phơi lúa. Đoàn người phá cổng rào, tràn vào trong sân. Một người la:
    "Địa chủ hút máu nhân dân."
    "Hút máu nhân dân"
    Một chục người la, một trăm người la. Con nít chen chúc nhau, vừa la vừa chọi đá vô hai cánh cửa đóng im ỉm.
    "Kéo đầu thằng địa chủ ra đây."
    Anh du kích vác súng, nhưng không lấy xuống, vẫn trên vai, mỉm cười:
    "Cách mạng sẽ không tha cho bọn hút máu nhân dân, ăn trên đầu trên cổ nhân dân."
    Một ông hô:
    "Phá cửa. Bắn nát đầu địa chủ bóc lột hãm hiếp..."
    Không đợi dứt câu, nhiều người đồng thanh la:
    "Hãm hiếp."
    Bà thợ Rèn là người la lớn nhất. Trước đây, dân làng còn nhớ, chính bà ta đi đêm, chắc cũng đi nhảy sôn-đố-mì, bị hiếp nằm bất tỉnh sau đồng. Nhờ ông Hội Thượng đã kịp thời cho thuốc thang mà qua cơn. Còn anh Còm, làm nghề lưới, có con giữ trâu cho ông Hội Thượng, đã nghịch đu sừng trâu, bị té xóc chút xíu lòi ruột, ông Hội Đồng cũng thuê ghe cho đem lên nhà thương Huế cứu sống.
    "Giết nó. Bà con ơi, giết nó."
    "Xông vô."
    Hô xông, hô giết ầm ĩ cả buổi vẫn không bắt được ai. Cả nhà ông Hội đã im như thóc, cửa chính đóng kín mít. Anh du lích làm ra vẻ hiền hòa:
    "Cách mạng sẽ có cách để tên địa chủ này phải tự kể tội mình ra với nhân dân. Xin đồng bào trở về, chỉ cần để một vài người ở đây canh chừng, đừng để nó trốn đi..."
    Mệ Ủy xung phong:
    "Để tui. Tui nằm vạ ở cửa coi nó đi đằng trời. Nó sẽ không dám mở cửa..."
    Nói là làm. Mệ Uỷ từ từ nằm dài ra sân, cởi cái quần đắp ngang người và phần dưới thì tênh hênh, chỉ thấy toàn da là da bọc xương, nhăn nhúm!
    Người lớn cười, vỗ tay, con nít xúm trong xúm ngoài, coi, háo hức, hăm hở. Có đứa con nít nghịch, con tới gần, cúi xuống, sờ một cái:
    "Có chi mô nà. Trụi lủi, nhớp quá."
    Thằng nữa:
    "Thúi hoắc. Mụ ni ba năm chưa tắm bây hè."
    Người lớn kéo bọn con nít ranh ra. Nhưng đám đông vẫn đứng hoài, con nít thì vỗ tay la ó rầm trời.
    Mệ Ủy không chỉ cởi quần hóng gió cho mát đâu. Mệ bắt đầu chửi, đào xới từ tông tích họ hàng nhà ông Hội. Sao mà mệ nhớ tên từ ông cố, ông sơ, tam họ tứ đại nhà ông Hội, kêu, chửi từng tên vanh vách, đào từ mồ cụ sơ, cụ Cố cho tới đứa cháu nội vừa chết non. Anh em, họ hàng ai ra sao, thằng nào léng phéng với con mụ nào trong làng, có con rơi con rớt, thằng nào nghèo mà nhờ làm việc thất đức mà xây nhà xây cửa, xây mồ xây mả cha ông. Ông Hội là nhiều tội nhứt, kể cả tội trời đánh không tha là đã làm cho một cô gái trong làng chửa hoang, không nhìn, cô gái ăn tim trái mạt sát mà chết.
    Ngoài độn cát, chỉ mọc có mỗi thứ cây là cây mạt sát, trái hình thoi, tròn như trái cau, ở giữa có một đường tim màu vàng nhạt. Ăn trái không sao, nhưng đụng vào giải tim thì chỉ mươi phút sau là tắt thở.
    Còn bà Hội, theo bài chửi của mệ Ủy, là một co gái đi mót lúa, bị tên địa chủ ác ôn đè cho năm lần bảy lượt ngoài ruộng mà phình bụng, bỏ làng trốn đi. Ba năm sau, cô ta bồng thằng con trai về, vô thẳng sân nhà ông Hội mà chửi, thề độc thề địa nếu không nhận, bà vặn cổ thằng con rồi tự tử chết cho cả nhà ông tuyệt tử tuyệt tôn. Bà làm ma ở ngay cái cây trước nhà để canh cho trong nhà không có một con đàn bà một đứa con nít nào vô lọt. Lấy vợ vì kẹt, ông Hội cũng có thêm hai ba nàng hầu.
    Mệ Uỷ càng chửi càng hăng, toàn chuyện lạ tai chưa hề nghe nhưng khi nghe rồi thì cũng nhập vô người. Một bà:
    "Mệ Ủy chửi đúng quá. Chuyện ni tui cũng có nghe."
    Một bà già:
    "Tui có chộ bữa nớ, chuyện xẩy ra trong sân nhà ni chớ mô."
    "Thằng địa chủ ni nhứt dịnh phải trả nợ máu."
    "Nợ máu."
    "Bắn cái đùng."
    "Đâm mù làm thằng chột."
    "Lắt dái luôn cho rồi."
    Bọn con nít được dịp nói tục cho sướng miệng.
    Đám đông thay nhau, về rồi tới, tới rồi về, lúc nào cũng có người chạy rần rật ngược xuôi, bu coi mệ Ủy nằm vạ.
    Ba ngày, mệ bất kể thằng con trai sống chết. Có người tới kể cho anh Ủy nghe. Tuy không nói được, nhưng anh ứa nước mắt. Anh vẫn thương mẹ anh vô cùng.
    Sang ngày thứ tư thì đám đông kéo qua nhà ông Trùm Trít. Mệ cũng nằm vạ kiểu lột quần hóng mát. Người lớn con nít vẫn còn nô nức chờ. Nhưng chỉ tới chiều tối hôm đó là trời mưa. Vậy là hết chuyện!
    Mùa mưa, rồi lụt lội, kéo dài mấy tháng trời. Cách mạng đụng mưa cũng xìu. Dân nghèo phải đem sắn khoai, mắm trữ trong lu ra ăn. Của nhà giàu, nhờ công lao mệ Ủy nằm vạ mà thu được thì lọt đi đâu mất, dân chỉ vỗ tay là sướng rồi. Nhiều người trong làng tự nhiên mất tích. Lâu lâu mưa xối, bỗng thấy một cái đầu, một cái chân, bàn tay người lòi ra khỏi cát. Ngoài sông, lâu lâu lại có vài ba xác nổi lên, tấp vào bờ.

    Ngoài mệ Uỷ, ngay từ hồi còn trong Trấn Hải Đài, con bé còn có hai người bạn già, đó là ông Trùm Gà, ông Trùm Vịt ở tận Doi, chỗ miếng đất cụt doi ra sông. Hai anh em ruột chỉ làm nghề chài trên sông, không đi biển.
    Chính ỏ doi đất lấn ra sông này, con bé đã nhìn thấy mệ Ủy giao những cái lồng bịt vải kín mít xuống ghe cho các lái buôn. Ông Trùm Gà cười, miệng móm xọm, chỉ còn một chiếc răng đung đưa, nói: "Rắn đó."
    Thời đầu cách mạng mùa thu, có bữa con bé Mi Ki theo hai ông Trùm đi coi mấy xác người vừa bị Việt Minh về xử tử đêm trước, khi thấy cái đầu người bị cắt treo trên cây, con bé bỗng sợ quá khóc ré lên. Ông Trùm Gà vội bịt mắt con bé, bồng nó lên, đem ra sau Sáo, chỗ doi đất mà người ta rào sáo là tre, từng hàng dưới nước để lùa cá.
    "Đừng sợ. Đừng sợ có Ôn nì. Có ôn."
    Con bé nép đầu vào ngực ông già. Ông có cái mùi hoai hoai, của làn da đồi mồi dơ, của thuốc rê, quần áo cũ rách, hòa với cái mùi già nua, mùn mục, nhưng với con bé đã thành cái mùi thân thuộc.
    Thấy con bé thút thít lâu quá, ông Trùm Vịt bỏ con bé vô cái thúng lớn trét chai, bơi ra giữa sông bằng hai cái chèo ngắn. Còn ông Trùm Gà cũng ngồi trên cái thúng trét chai dân Thuận An thường dùng thay xuồng nhỏ, tay cầm hai cái dùi gỗ, gõ gõ: lóc cóc, lóc cóc. Cá nhảy vô, cá lùa vô... Ông Trùm Gà hát bài đám tang cá voi của dân làng mỗi khi có đám cá Ông....
    "Hai con cá phướn dẫn đường
    Ông tấp vô sau
    Ới ông ơi, trời sầu đất thảm
    Gió mưa sụt sùi
    Ới Ông ơi, Ông đi mô mà bụng tui đau ruột tui thắt
    Ông ui là ông ui, hu hu hu hu....
    Ê!
    Bà nớ ơi,
    răng bà nằm chảng hảng chàng hang
    Tui giận tui xâu mũi mô mũi nấy
    bằng cái đùi chống cựa (chống cửa)....

    Bài hát bằng cái giọng ngọng líu ngọng lo của ông Trùm Gà, vừa thảm thương vừa tục tĩu. Con bé hồi đó làm sao hiểu hết, nhe răng cười. Biển mặn gió muối nhuộm da con bé đen ròn, nắng phơi tóc con bé vàng hoe. Lóc cóc, lóc cóc. Cá lớn cá nhỏ...lóc cóc, lóc cóc...Một con rắn nước lội lăng quăng, ông trùm Gà đưa cái vợt vớt lên. Con rắn nước nhỏ, dài, mình xám, cổ hồng nhạt vùng vẫy muốn thoát. Ông trùm Gà cầm đầu con rắn, cái nọc thè ra. Ông nhứ nhứ để cho cái nọc con rắn mổ mổ tới trước và ông chơi với nó một hồi xong thả xuống nước. Con rắn lại bơi loăng quăng. Ông tiếp tục hát.
    "Vè vè vè ve, nghe tui kể cái vè nói ngược
    Con chim làm tổ dưới nước
    Con cá làm tổ trên cây
    Người thác đi cày, người sống nằm dưới lỗ
    Thuyền thì chạy bộ, ngựa chạy dưới sông
    Một bầy chim cưỡng vẫy vùng dưới nước
    Ba mươi đời nói ngược ai đã dễ nghe
    Con voi ấp trứng sau hè
    Con gà cao vành đễ cượi (cưỡi)
    Con heo ăn cỏ Đồng Hới
    Con chim ăn cám trong chuồng
    Tháng ba múc nước lên nguồn
    Tháng tư đem bè chở lụt
    Thợ Rèn nấu xôi cúng Bụt
    Thầy tu đập sắt cả ngày
    Thợ mộc múa hát vỗ tay
    Vợ ông Ba lục đục vác gươm đi hầu
    Ông Ba ở nhà têm trầu đãi khách
    Ngoài đồng che phên che phách
    Trong nhà cắt cấy ùa ùa
    Con tôm ăn cả con cua
    Một bầy cá nhám nhảy ùa lên ăn
    Ăn rồi đạp trốt mèo săn
    Con chuột ngoẳng ngoảng muốn ăn con mèo
    Bao giờ cám lại ăn heo
    Chuột lại ăn mèo cỏ lại ăn trâu
    Gà con tha quạ diều hâu
    Gà con tha cả ghe câu lên trời...
    Bài vè vẻ vè ve cứ thế, ông Trùm Vịt hát mãi, hát mãi, trở đi trở lại cho tới khi con bé nghẹo đầu, trong cơn mơ giữa giòng sông, nghe tiếng nước vỗ róc rách, róc rách, nghe tiếng gõ lóc cóc, lóc cóc và cá nhảy, cá nhảy... Con bé cũng mơ thấy giữa đàn cá có một con rắn nước, nhiều con rắn nước, bơi và nhảy theo. Rồi hồ cá mặt trăng, đàn cá trắng bóc, nhỏ li ti, nổi lên từng về đớp đớp ánh trăng vàng rực lóng lánh trên mặt nước... Mặt nước vỡ, ánh trăng vỡ, vì một con rắn nước đang lăng quăng bơi lội.
    Con rắn nước màu hồng. Có phải là nó không, con ngựa hồng mệ Ủy đang tìm kiếm?
    . . .
    Rồi cách mạng mùa Thu tàn nhanh. Việt Minh rút ra bưng. Quân Pháp trở lại. Suốt mấy năm Trấn Hải Đài hoang tàn. Ngày bị Tây hành, lo trốn tránh không làm ăn gì được, đêm, mấy ông Việt Minh về giết chóc, thu thuế nên dân làng đói nhăn răng.
    Trong Trấn Hải Đài có rắn, có cây củ, không phải nuôi, không phải trồng. Nhiều lối đi dưới hào thành, nhiều chỗ tường thành bị đục đẽo, lấy đá, hoặc làm đường bí mật cho trộm đạo. Duy nhứt cây bồ đề cổ thụ vẫn trơ trơ, không ai dám đụng.
    Dân làng đồn, kẻ trộm giỏi nhứt, bạo gan nhứt làng là chú Nốt, đã dám cầm búa chặt rễ cây. Búa quặt lại chém một nhát chính ngay giữa trán, vết thương không phạm sâu, nhưng cứ làm mủ hoài, rịt đủ thứ thuốc cũng không lành mà còn biến dạng như cái đầu rắn ngóc lên mới ghê. Về sau nghe lời bà đồng, đem nhang đèn, bánh trái đặt dưới gốc cây mà khấn, dập đầu chịu tội. Lúc cúng có một con rắn từ trên cây bò xuống, bò ngang qua mâm lễ vật, rồi biến vào trong bụi cỏ tranh. Mấy ngày sau, vết thương chú Nốt khép miệng. Từ đó, không còn ai dám đụng tới cây bồ đề cổ thụ nữa.
    Anh Ủy bệnh đã đến hồi hết thuốc chữa. Mỗi ngày anh lên cơn cỡ chục lần, lần nào cũng như con rắn, trợn mang phùng mắt, phun phì phì, cả thân hình lúc thường thì cứng đơ, lúc lên cơn thì quằn quại như muốn bò muốn trườn. Da thịt anh nổi vảy như da rắn.
    Mỗi khi nhìn con trai lên cơn, mệ Ủy nghiến răng, gầm lên. Mệ nhất quyết phải tìm cho ra con hồng xà có lằn than đỏ cháy trên lưng. Trong làng có người trêu ngươi mệ, nói, con rắn bữa bò qua mân lễ vật anh Nốt cúng, đúng y như con rắn mệ kiếm tìm.
    "Có vồng than hồng cháy trên lưng?"
    "Có."
    "Nhỏ và dài?"
    "Y rứa."
    "Mình vàng bụng trắng."
    "Thì chộ rứa."
    Vậy là mệ Uỷ lại lấy cây roi bằng đuôi cá đuối quất túi bụi vào đám rễ cây bồ đề, vừa quất vừa nguyền rủa.
    Trời đã qua đông, xuân tới. Cây cỏ trong Trấn Hải Đài tuy bị phá tán cũng vẫn đâm chồi, nẩy nở tươi tốt. Nhưng bịnh tình anh Ủy thì đã tới phút cuối rồi. Mệ Ủy nấu cháo rắn cho anh. Cháo đút vô miệng thì trào ra. Anh phun phì phì một cái, tắt thở.
    "Con bỏ mạ mà đi răng đành con ơi..."
    Người ta phải trói mệ lại mới bỏ được anh Ủy vô hòm. Trong căn nhà cột gỗ lim, thấp, tăm tối, đã từ lâu rồi có hai cỗ quan tài gỗ, mệ Ủy sắm lúc còn tiền bạc dư giả, có lúc sa cơ lỡ vận, cũng không chịu bán mà ăn.
    "Mệ nớ điên chi mà điên, mới tàng tàng thôi chơ khôn tổ cha".
    Người làng cười cười khi nói về Mệ. Nhưng khi anh Ủy chết rồi thì mệ Ủy điên thật. Mệ thường quấn con rắn chết lòng thòng nơi cổ, vừa đi vừa ca hát dù giọng khào khào không ra hơi.
    Một ngày nọ, dân làng nhìn thấy mệ cầm cái mác đứng trên thành, chặt tán loạn vào đám rễ cây bồ đề. Mệ ôm mớ rễ nhỏ chặt được đem về nhà. Người làng rình coi, thấy mệ chất đống rễ lên chiếc giường trước đây anh Ủy nằm bệnh, rồi mệ đi quanh, la lối:
    "Hồng xà, trả con cho ta. Trả con cho ta... Úm ba la xi ma ta la, úm ba la...rắn hồng biến ngựa hồng chở con ta...Úm ba la xi ma ta bà cô la..."
    Đêm đó, căn nhà bốc cháy. Mệ Ủy chạy ra ngoài, xõa tóc, tay cầm thanh la, tay cầm dùi gõ. Mệ không la tiếp cứu chữa lửa, mà chăm chăm nhìn ngọn lửa hừng hực chờ đợi.
    "Bắt nó lại. Rắn hồng. Ngựa hồng..."
    Bất chợt, mệ Uỷ la. Một con rắn từ đám lửa quăng mình lên tường thành, biến mất. Mệ Ủy chạy theo. Người ta giữ mệ lại. Có thể đó chính là con hồng xà đực cháy đỏ một vồng lửa trên lưng mà mệ vẫn lùng xục. Căn nhà không cứu chữa được, cột kèo gỗ lim, chiếc hòm còn lại, tất cả cháy ra tro. Mệ Ủy quả quyết bầy rắn hồng không cháy, thoát được. Mệ phải đi tìm chúng.
    Chỗ ở sau cùng của mệ Ủy là ngay dưới hai cánh cửa thành khép kín với một ổ khóa câm lặng, không có mắt nhìn, không có tiếng nói. Một chiếc chiếu trải nằm, một cái chăn đắp và bị lát rách đựng mớ quần áo cũ người ta cho. Ban ngày, mệ đi từng nhà, đứng ngoài sân chìa tay xin, không hé miệng, cứ đứng hoài khi nào có cho đồ ăn mới đi. Ai cho chi ăn nấy, con nít nghịch bỏ lá, bỏ đất cát vào, cũng nhai, cũng nuốt.
    Anh Uỷ mồ yên mả đẹp. Mệ Uỷ không còn sức phá phách. Cây bồ đề vẫn không ai dám đụng tới, những chùm rễ ngày càng chằng chịt hơn, bò đến cả mấy bậc cấp gần cột cờ, nơi có bệ thờ ông Lê Sỹ.
    Con bé Mi Ki không còn lần nào được trở vô thăm lại Trấn Hải Đài. Năm đó, gia đình ông Thông rời Thuận An về Huế. Con bé chỉ được phép đi từ giã ông Trùm Gà, Trùm Vịt. Hai ông già khọm và một đứa bé nhỏ nhít ôm nhau.
    "Con nhớ mấy Ôn."
    "Hôn hóc. Hóc chi dị rứa. Bữa mô hai Ôn lên Huế thăm Miki."
    Khóc dị lắm. Nhưng mắt hai ông trùm đỏ hoe. Hai ông cho con bé mấy cái vỏ ốc, dặn:
    "Khi mô dớ biển thì kê lỗ tai vô sát mà nghe, có tiếng sóng biển nơi tề, sóng biển cũng có mà tiếng nước rào cũng có cho coi. Hí, dớ hí."
    Hai ông trùm Gà trùm Vịt thiệt thà không biết nói dối.
    Khi đã lớn, qua tuổi mười ba, mấy con ốc vẫn nằm trên bàn học. Nhớ Thuận An, nhớ hai ông Trùm, cô bé ghé sát tai vào vỏ ốc, nghe được tiếng sóng biển, tiếng sông nước rì rào.
    Con bé nhớ khoảng sân rộng lát xi măng với hai cây sầu đông rất già, cành lá rậm rạp che bóng rợp không cho nắng chiếu xuống. Nhớ cái hầm dê ngập máu dân làng Thuận An, nhớ Vọng Hải Đài trên lầu ba, leo lên đó thì có thể nhìn thấy thuyền bè cả chục dặm xa ngoài mặt biển. Nhớ những ổ rắn con lúc nhúc, mềm, trơn, mầu hồng non xinh xắn, nhớ những con rắn không biết tên gì nằm khoanh tròn ở bậc cấp lim dim phơi nắng mà con bé chỉ cần tránh qua một bên là bước đi, không sợ bị cắn mổ.
    Mười tám tuổi, những ngày lễ nghỉ học, đèo nhau bằng xe đạp về Thuận An tắm bể, Miki có vô làng thăm. Lính đã đóng trong Trấn Hải Đài, không cho vô. Ra sáo thăm hai ông Trùm, chỉ thăm hai cái mộ cát lúp xúp. Hai cô bạn ấu thơ là Kệ với Thụy đã lớn, vẫn nghèo. Có ra biển tìm, gói theo mấy củ khoai luộc, con khô mực nướng. Có vô làng ngủ đêm với hai cô bạn.
    Đêm hè, trải chiếu nằm ở sân quay về phía bờ. Nước sông rì rào, rì rào nhắc. Nhớ ngoài Doi, Sáo, hai cái miệng cười méo mó của hai ông Trùm. Rồi ở sông, phía cầu Thương Cuộc có tiếng động, lắng nghe. Bên tai, Kệ cười khúc khích:
    "Ma ra đó."
    "Ừ, con ma ra nó nhảy lên cầu, ngồi khóc đó tề. Mở mắt là chộ liền."
    Thụy gắt gỏng:
    "Tầm bậy nữa đi. Lớn rồi mà còn sợ ma, tin chuyện ma nữa"
    Mi Ki, chỉ chờ có dịp đó ôm chặt lấy hai đứa bạn nhà quê. Cô biết rất rõ, tiếng động đó chỉ là tiếng cá quẫy giỡn trăng trong đêm.
    Quên, có hỏi mệ Ủy đâu không thấy. Kệ nói:
    "Chết lâu rồi, cũng trên trăm tuổi lận."
    Thụy:
    "Rứa mà bữa đưa đám mệ Ủy đông quá sức. Nghe nói lúc đậy nắp áo quan có con rắn học trò bò vô nằm khoanh tròn dưới quan tài. Bởi nghe đồn rứa nên người ta ùn ùn đi coi."
    "Ủa, mệ ủy có nhà."
    "Về sau có. Cháu mệ đâu ở xa tìm tới, dựng lại cho mệ cái nhà tranh nhỏ ở trên miếng đất nớ."
    "Mệ có đi bắt rắn nữa không?"
    "Không biết."
    "Có đi tìm mấy con ngựa hồng...à rắn hồng không?"
    "Cũng không nghe noái đến mi nờ. Thằng cháu đó ở luôn với mệ, nghe noái cháu xa lắc mà thảo lắm. Thằng nớ mê con Lệt ở dưới làng Eo, năm ngoái mới cưới nhau, chừ ở cái túp nhà tranh nớ chớ mô."
    Kệ:
    "Rứa mà cái mụ Xoài đã tra rụi rồi mà còn tòe loe toét loét nói mệ Ủy bị rắn cắn chết. Rắn mô? Trong Đài lính ở, có con rắn mô còn sống sót cũng trốn chui trốn nhủi bây nờ."
    Thiệt kỳ. Vậy ra chuyện hồi thơ ấu của ba đứa là chuyện cổ tích?
    ....................
    Đó là chuyện con bé Mi Ki thời ở làng Thuận An. Lớn lên, tôi lại rất sợ rắn. Trường tổ chức đi trại ở Đồi Thiên An, tôi đã không dám bước vô những lùm cỏ vì sợ đạp nhằm rắn. Con bé Mi Ki đứng đâu đó, trước mặt, sau lưng, trong đầu, cười nhạo. Hình như chỉ có những con rắn của con bé ở Trấn Hải Đài Thuận An, mới là rắn hiền, rắn thân, rắn bạn. Còn những con rắn nơi khác, những con người nơi khác, như chính tôi, thật khó tin cậy nhau.
    Đã xa quá xa, có thể không bao giờ còn nhìn thấy Trấn Hải Đài nữa. Ở Hoa Kỳ, sau mấy trận lụt vừa qua, tôi đọc báo thấy biển đã nuốt chửng mất khu rừng dương làng Hòa Duân. Lầu nghỉ mát nhà vua nay đã không còn . Con đê đã vỡ. Một phần Thuận An đã không còn. Một cửa biển mới đã mở ra, dài cả cây số. Chẳng biết Trấn Hải Đài bây giờ ra sao. Những con rắn hồng của mệ Ủy xa xưa có còn không?
    Mệ Ủy chết, hai ông Trùm chết, ông Cửu Thượng, ông Trùm Trít chết. Nhiều người chết lắm, tôi biết. Nhưng rắn lột xác sống đời mà. Chúng đâu cả rồi? Sao từ lâu, ngay trong những giấc mơ, tôi cũng không thấy chúng?

    Việt Báo Xuân Tân Tỵ 2001
    Nguồn: Đặc Trưng
    #2
      Trương Củng 06.06.2005 17:16:33 (permalink)
      Con Bần
      Nhã Ca

      Trời mùa đông ở Huế, lạnh cắt da thịt mà con Mận phải dậy từ ba giờ sáng. Bà chủ là cái đồng hồ tốt nhất. Nếu có bữa nào Mận ngủ quên thì cứ đúng giờ bà chủ tỉnh dậy, gọi:
      "Con Bần dậy chưa, dậy, xắt chuối cho heo ăn."
      Bần là tên cúng cơm của cha mẹ đặt cho. Nhưng Mận không hề biết cha mẹ mình là ai. Ông chủ nghe cái tên Bần, kỵ, sợ có cái nghèo trong nhà, nên mới sửa lại tên Mận. Bà chủ quen miệng, cứ gọi là con Bần. Tên Mận ngọt ngào thanh lịch đâu có hợp cho một con ở đợ.
      Đâu chỉ có xắt chuối không thôi. Nấu cơm bằng củi ướt, thổi, khói xông hai con mắt đỏ lòm, sưng húp, nước mắt chảy ràn rụạ Hồi còn nhỏ, hai con mắt Mận luôn luôn có hai cục ghèn. Cậu chủ sợ lắm, hễ con Bần bưng cơn vô phòng học cho cậu là cậu gớm, không chịu ăn. Bà chủ lại chửi:
      "Con quỉ, mi bưng cơm vô cho cậu thì phải rửa tay, rửa mặt sạch sẽ, nghe. Xòe bàn tay coi."
      Con Bần xòe tay, lúc nào cũng bị gõ mấy cây thước đau điếng.
      "Đồ nhớp nhúa."
      Nấu cơm hay cháo bữa sáng, xong rồi, tay nách một cái thau, đầu đội một cái thau nữa đựng quần áo dơ đi xuống sông giặt. Mùa đông khổ hết biết, nước lạnh như băng, xà phòng không có, giặt bằng trái mù u. Xát bọt mù u với cục đá lên quần áo, chà mòn nhám cả tay. Chưa kể mỗi ngày phải cầm cái búa bửa củi, rồi chẻ củi thành từng thanh nhỏ. Và để tiết kiệm, con Bần còn phải cầm cái cào đi cào lá khô đem về nấu nướng, bởi vậy, hai bàn tay của con Bần sần sùi, lúc nào cũng có vết đứt, trầy trụa, có khi mưng mủ, cả đêm đau nhức không ngủ được. Hai con mắt nó gần như bị bét nhèm, vì thổi ống khói cho củi cháy lên, nhất là mùa đông, lá cây, củi mục gì cũng ẩm ướt, hai con mắt nó bị um khói chín nhừ.
      Mặt con bé buồn lắm, duy nhứt có đôi mắt tròn xoe, đen nhánh và cái mũi cao, kín đáo. Có lần, một ông thầy tướng tới coi cho cậu chủ, con Bần pha nước hầu, ông thầy ngó nó:
      "Con ni thiếu niên tân khổ nhưng qua tuổi ba mươi, nó đổi vận hạn, giàu có lắm chơ không phải chơi mô"
      Bà chủ cười nhạt, không tin. Cái thứ dân bần tiện này, nếu bà không nuôi, có đi ăn mày, ăn cắp mà sống, đôi khi cũng chết tấp trong bờ bụi, kiến bu rồi.
      Con Bần thuộc lòng câu nói của ông thầy tướng để an ủi mỗi khi làm lụng cực quá hay bị mắng chửi, ăn đòn. Từ nhỏ tới lớn, con bé ăn đòn đếm không hết số. Và mỗi lần bà chủ giận là người mẹ của Bần bị đem ra biêu riếu. Theo lời bà chủ thì Bần là con hoang, mẹ gính nước thuê, không biết nhẹ dạ với ai mà có mang. Đẻ con ra nhưng nuôi không nổi, gặp năm đói đã bỏ con nhỏ đầu làng, trốn đi. Con nhỏ bị kiến bu, người tím bầm. Ông chủ thương tình đem về nuôi, và bà chủ huấn luyện thành con ở.
      "Cái thứ đó rồi cũng y như con mạ nó, đoảng hậu rứa thê!"
      Ăn toàn canh thừa cá cặn, lại ăn không đủ, mặc không ấm, năm mười sáu tuổi con Bần cũng lớn lên được, nhưng gầy nhom, nhìn thấy cả bộ xương. Có điều, không biết ai gây giống mà con Bần có cặp mắt đẹp quá, đen láy, hễ giương mắt nhìn ai là người đó không thể ngoảnh mặt làm ngơ, trừ bà chủ lòng sắt dạ đá. Bạn bè của cậu chủ tới chơi, thấy con Bần ngộ quá, cũng tấm tắc:
      Coi con ở nhà mi ưa mắt lắm nghe. Con mắt nó đẹp quá."
      Cậu chủ làm nghiêm:
      "Nó là con ở, tụi bây đừng bắt thang cho nó leo."
      "Làm ra vẻ ông cụ há. Thôi mi ơi, đã nói trong nhà gì đẹp bằng sen..."
      Con Bần ra đằng sau nhà, có cái lu nước mưa, cúi xuống soi mặt. Trong lu nước, cặp mắt nó nhìn lại nó và nó cười. Có cả áng mây từ trên trời in trong đáy lu nước nữa. Nó đưa tay vọc, mắt nó tan, mây tan. Nó đứng sửng, muốn soi mặt mình lại lần nữa cũng không được. Nó thương đôi mắt nó lắm, ai đã cho nó hai con mắt đó vậy?
      Nghe nói lúc xưa, Bần có người mạ, bỏ con mà đi. Bần đã một lần trốn nhà, muốn tìm mạ. Đi suốt mấy ngày qua làng bên, đói quá phải bò về, để lãnh đòn thí chết. Sau lần đó, gia đình chủ dọn lên thành phố, vì cậu chủ phải ăn học. Bần không còn hy vọng tìm ra mạ mình nữa.
      Gia đình chủ chỉ có một cậu con trai. Năm đó cậu thi đỗ tú tài, nhà rấp rem muốn cưới vợ cho cậu. Ông bà chủ có một người bạn quen biết đâu hồi mới lên thành phố làm ăn mua bán, thường tới lui thăm viếng, coi bộ hạp ý hạp tình lắm. Nhà này có tới bốn chị em gái, nghe nói cô nào cũng giỏi giang. Vậy là hai nhà đi lại, sắp làm thông gia với nhaụ Con Bần nghe chuyện, tò mò lắm, muốn biết mặt đứa con gái may mắn đó là ai. Khi gặp, nó thất vọng, vì cô gái đó không nhan sắc mặn mà, chỉ vì con nhà giàu có.
      Lên thành phố ở, ông chủ bà chủ mãi mê chuyện làm ăn. Họ có một cửa hàng ở trên phố mà nhà thì ở Vỹ Dạ. Cậu chủ đi học bằng xe đạp, và mỗi lần trời mưa, dẫn xe về, cậu chủ đều bảo con Bần:
      "Bần, xe tao nhớp quá, mày rửa sạch dùm tao."
      Con Bần chùi rửa chiếc xe láng cóng. Cậu chủ thích lắm, tập cho con Bần biết đi xe đạp. Đạp chiếc xe đạp con Bần sướng rơn, coi sang trọng quá, đâu phải giống như con ở nữa. Nhưng biết đi xe đạp rồi, cậu Thanh sai suốt ngày, đi mua thuốc lá, đi bỏ thư, đi trả sách nhà bạn cậu. Lúc này nhà vắng người, cậu chủ muốn nói chuyện cũng chỉ nói chuyện với con Bần. Riết, có chuyện gì khẩn cấp cậu cũng nhờ Bần lọ Bữa nọ, cậu Thanh biểu:
      "Bần, mi đưa cái thư tới nhà cô Trâm dùm tao chút được không?"
      Con Bần được ra khỏi nhà là mừng rồi. Nó hăng hái:
      "Dạ được, cậu."
      "Mi đừng vô nhà, nhà đó chó dữ lắm. Mi đứng đầu đường, chờ lúc cô nớ đi học, mi đưa thư là được."
      "Tui nói mần răng?"
      "Nói của cậu Thanh là không có chuyện chi hết."
      Vậy ra, cậu Thanh vợ đã đi hỏi mà còn trai gái. Mấy lần như vậy rồi, họ hẹn hò gặp nhau. Con Bần cũng lấy làm vui vì chứng kiến hai người, người nào cũng đẹp, xứng đôi vừa lứa lắm. Cậu chủ, bớt coi rẻ rúng con ở, vì lúc này, Bần cũng trổ mã, đẹp ra, mặc dù thân hình gầy nhom, nhưng cặp mắt đẹp lạ lùng. Cô Trâm còn phải khen:
      "Con ở nhà anh có cặp mắt đẹp quá. Coi chừng anh..."
      Cô cười rúc rích. Thanh nghiêm mặt:
      "Đẹp cũng là con ở. Em nói chi lạ rứa!"
      Lại "trong nhà gì đẹp bằng sen", cô Trâm nhắc và cười khúc khích.
      Bữa đó con Bần tủi thân lắm. Nó khóc một đêm sưng cả mắt. Sáng ra, cậu chủ nhăn mặt:
      "Coi tề. Mi cứ ở nhớp nhúa, coi, hai cục ghèn dính nơi mắt tề..."
      Con Bần đưa vạt áo lau. Nước mắt nó lại muốn trào ra. Nó buồn cả tháng không hết.
      Chuyện của cậu chủ, dù kín đến mấy cũng có lúc hở ra. Ba má cô Trâm tới tận nhà nói chuyện với ông bà chủ. Vậy là cậu chủ thất tình, những lúc không có ai, cậu chủ say mèm. Con Bần thương cậu chủ quá mà không biết làm sao cho cậu chủ bớt buồn. Nhiều bữa, thấy cậu ngồi trong phòng, nó gõ cửa. Cậu không mở mà còn đuổi đi. Cho tới chỉ còn một tháng nữa là đám cưới, cậu nhờ con Bần đi đưa thư nhưng con Bần không gặp được cô Trâm. Bữa đó, cậu uống rượu say mềm người. Nhà lại vắng, con Bần phải pha nước chanh đem vô cho cậu chủ.
      "Cậu uống nước chanh cho giã rượu."
      "Tao không muốn giã rượu chi hết. Mi đi kiếm cô Trâm về cho tau."
      Cậu chủ lè nhè. Con Bần trố mắt nhìn. Cậu chủ cũng nhìn lại nó, rồi nó thấy mặt cậu chủ đỏ như trái lựu chín. Cậu vẫy:
      "Bần, mi lại đây tao biểu."
      Nửa muốn bỏ chạy, nửa lại muốn bước tới. Con Bần không biết trong bụng nó nghĩ ra làm sao nữa.
      "Mắt mi đẹp rứa thê, Bần."
      Cậu chủ ôm con Bần trong tay:
      "Đúng. Nói đúng, mắt mi đẹp chi lạ."
      Cậu cúi hôn thật nhẹ vào đôi mắt con Bần. Lần đầu tiên con Bần ngửi được hơi hướm đàn ông, nhất là cậu chủ, nó đã nhiều lần nhìn lén cậu tắm, cậu thay quần áo.
      "Hun một cái nữa hí."
      Cậu chủ đưa cái môi từ mắt xuống má, rồi từ má gắn qua miệng. Con Bần choáng váng, hết biết.
      Rồi tay cậu mở từng khuy nút áo của con Bần ra. Bàn tay cậu điệu nghệ quá, đã có lần, con Bần leo lên cái thành tường ngoài cửa sổ, ngó vô phòng cậu, thấy cậu làm như vầy với cô Trâm, con Bần chết trân, mấy đêm sau không ngủ được. Giờ đây, chính cậu chủ đang làm với nó điều đó. Con Bần để yên.
      Lần đó, lần tới và nhiều lần nữa, con Bần lén vô phòng cậu chủ. Còn không, cậu chủ cũng lén xuống bếp. Nó ngủ dưới bếp thì khua lắc khuya lơ, cậu chủ cũng mò xuống.
      Năm đó ông bà chủ ăn Tết lớn. Nhà cửa được quét vôi mới, các màn cửa được thay lại hết. Vừa ăn Tết vừa chuẩn bị cho đám cưới cậu Thanh qua giêng. Con Bần cực khổ không còn chỗ than van. Thôi thì mua sắm, làm bánh mứt, lại vườn sau sân trước, ngày nào cũng phải quét dọn sạch sẽ. Bà chủ để ý từng li từng tí, trong góc vườn kiểm lại còn một vài lá khô là con Bần cũng bị lôi ra chửi. Chưa hết, sáng sớm tinh mơ không giặt giụa quần áo thì cũng phải đi gính nước. Bọn con gái đi ở quanh xóm thấy con Bần cực quá cũng phải bất bình:
      "Không ở nhà ni thì ở nhà khác, sợ chi hè. Bắt con người ta làm việc hơn trâu nữa"
      Đứa khác quá quắt hơn:
      "Tụi bây đừng chọc vô tổ ong vè vẻ nghe. Trong nhà có cậu chủ đẹp trai rứa, tau, tau cũng ở không công nữa"
      Con Bần không ham tranh cãi với chúng bạn. Nó chỉ lo làm sao gính cho nhanh để đầy lu trong bể ngoài. Làm việc quá đến nổi tối nằm vật xuống là nó ngủ như chết. Với lại bà chủ thức khuya làm bánh mứt, cậu chủ cũng không dám luông tuồng, sợ bể.
      Mùng một Tết năm đó lần đầu tiên trong đời con Bần có được bộ quần áo mớị Ông chủ đã phải nói khó lắm bà chủ mới bằng lòng.
      "Chó khôn đẹp mặt chủ nhà. Nó lớn rồi, năm nay khách khứa đông, bà cũng nên may cho nó một bộ đồ để coi cho được. Quần áo của nó rách rưới quá."
      Bộ đồ bằng vải bông đối với con Bần là một vật vô cùng quí báu. Tuy vậy ba ngày Tết nó cũng không có thì giờ để ngắm nghía coi mình mặc đồ mới ra sao nữa. Con Bần đâu, pha trà. Con Bần đâu, tét bánh, con Bần đâu, lấy khay trầu ra têm. Chưa xong việc này con Bần đã bắt tay qua việc khác. Rồi rửa dọn, bữa nào con Bần làm xong thì trời cũng vừa hửng sáng.
      Cho tới trưa mùng bốn, ông bà chủ đi chùa. Trong nhà cũng đi vắng hết. Con Bần dọn dẹp xong, mới đi ra vườn cầm cây chổi định quét mớ lá đem vào để dành nhúm lửa. Nó thấy lu nước nên dựng cây chổi ở một gốc cây rồi tới lu nước soi cái mặt mình coị Lu nước trong veo, lợn lợn mấy con loăng quang nhào lên nhào xuống nhưng không làm rung động mặt nước. Con Bần còn nhìn thấy một mảnh trời và mấy cành lá in trong đáy lu nữa. Rồi nó nhìn thấy cái mặt của nó, nhìn thấy bộ đồ vải bông. Bộ áo quần đẹp quá, mua ở chợ mà mặc vừa khít. Nhưng coi mặt mũi nó tiều tụy quá chừng. Nó bèn lén lấy trong túi áo ra một miếng giấy màu đỏ xé từ một bao nhang để dành. Nó dấp nước, thoa nhẹ lên hai gò má, rồi xếp đôi một phần còn nguyên khác, cắn lên môi. Có vậy thôi mà khi soi lại trong lu, khuôn mặt con Bần đã thay đổi hẳn. Làm như hai con mắt nó đen hơn, long lanh, tình tứ hơn.
      Nó giật mình khi thấy có hai cánh tay ôm qua người nó. Định thần lại thì ra cậu chủ. Nhìn vô lu nước, khuôn mặt cậu chủ bên cạnh khuôn mặt nó, cả hai cùng đẹp quá. Rồi chính cậu chủ làm tan cái hình ảnh quá đẹp đó đi. Cậu day cái mặt nó lại và siết chặt con Bần vào người cậu.
      "Cậu ơi, đừng... đừng, cậu thả tui ra."
      "Không thả. Bữa nay mày đẹp thiệt nghẹ Đẹp ghê hè."
      Một tay giữ vòng ôm, một tay cậu tốc cái áo con Bần lên.
      "Cậu..đừng. Lỡ ai thấỵ.."
      "Không ai thấy mô. Tau nhớ mi quá. Thiệt, tau nhớ bất chết."
      Cái quần của con Bần bị kéo trụt xuống. Nó cố vùng vẫy, dùng cả hai tay giữ lại.
      "Cậu...đừng mà. Ai thấy là chết con, cậu..."
      Nó sửa lại quần áo cầm cán chổi lên.
      "Để tui mầm việc, cậu.."
      "Mận. Từ nay mày là Mận chớ không phải con Bần nghe. Con Bần nhà quê lắm, còn con Mận khác..."
      "Khác ra răng, cậu?"
      "Khác ri nì..."
      Cậu chủ giựt cái chổi vất xuống đất, ôm chặt con Bần, cái áo của con Bần lại bị tốc lên.
      "Như ri mới là Mận. Mận nì. Nói thiệt, tau thương mị..Tao thương Mận nì..."
      Lúc bị đè nằm xuống đống lá, cái đầu con Bần còn đè lên cái chổi quét sân. Tay nó nắm chặt một mớ lá khô và nó thấy cái mặt cậu chủ đỏ rừ. Trong miệng cậu, mùi rượu xông rạ Thì ra, cậu đã uống rượu.
      "Cậu đừng nói láo với tui mà tôi."
      "Không, tau nói thiệt. Mi đẹp, mi mới đẹp nhứt."
      Cậu chủ bỗng trở lại nhẹ nhàng. Cậu hôn lên đôi mắt của con Bần:
      "Mận, em có đôi mắt đẹp nhứt, biết không?"
      Con Bần bị cành khô, đá sỏi châm vào mông vào lưng đau rát, nhưng trong lòng lại vô cùng thích thú, nó quên cả thân phận con ở của mình. Lần đầu tiên nó nghe tiếng "em" từ miệng cậu chủ gọi nó.
      "Cậu à. Cậu đừng bỏ tui nghe. Tui.."
      Đang trìu mến, mơn trớn, cậu chủ bỗng thở dài:
      "Tiếc mi là con ở, nếu không... Bần à...Mận, mày đừng cho ai biết chuyện này nghẹ Tao..tao phải lấy vợ."
      "Sao cậu không thương cô nớ mà cậu lấy."
      "Tao không biết."
      "Cậu ngồi đây một chút nữa được không?"
      "Được."
      "Mai mốt ông bà biết được chắc giết chết tui. Tui sợ lắm cậu ơi."
      "Mày không nói, tao không nói, ai biết. Đừng sợ."
      "Dạ."
      Con Bần ngoan ngoãn. Cậu chủ đỡ nó lên.
      "Tao vô nhà trước. Mày coi sửa lại tóc tai mới vo. Họ sắp về tới rồi."
      "Cậu Thanh."
      Con Bần kêu lên, vừa sung sướng vừa sợ hãi. Rồi nó đút cả bàn tay vô miệng để đừng bật ra tiếng kêu nữa. Cậu chủ không quay lại, đi một mạch.
      Còn lại một mình, con Bần đứng lặng người một lúc rồi tới bên lu nước. Nó lại soi mặt mình. Nhưng không có khuôn mặt cậu chủ kề cận một bên nữa. Nếu không còn những cảm giác đau đớn trên thân thể thì nó nghĩ chuyện vừa rồi là nằm mơ thôi. Nó nhìn một lúc lâu khuôn mặt lẻ loi của nó, rồi nó giận giữ vọc tay vào lu nước. Cái mặt của nó tan ra theo từng lằn nước chưa kịp tụ lại thì nó đã đập tiếp. Đập cho nát mày ra, đập cho nát. Nó khóc một mình rồi ngồi xuống trên cái chổi.
      "Bần. Bần. Cái con quỷ sứ đâu rồi, há, con tinh le le đi đâu rồi!"
      Nghe tiếng bà chủ, con Bần lật đật chạy vô.
      "Mi làm cái chi mà áo quần tóc tai...Mi chui ở bụi mô ra rứa há con yêu bánh nậm..."
      Con Bần cúi đầu.
      "Mi đã cơm nước cho cậu chưa, cái mặt rượng cả ngày, thấy cái mặt là muốn đạp cho một cái rồị Cậu mô?"
      "Dạ cậu ngủ."
      "Ngủ thì cũng thức cậu dậy biểu cậu ăn. Con ni vô hậu tế đợi rứa."
      Cánh cửa phòng mở. Cậu chủ đi ra, không hề ngó tới con Bần:
      "Chi mà ồn rứa mạ. Con ngủ, có dặn không được đánh thức...Ăn chi mà ăn cả ngày, mạ lo chi mà lo dữ..."
      Hai bàn tay cậu chủ bẻ lắc cắc. Tội nghiệp con Bần, nó đứng run rẩy trước mặt bà chủ. Hai bàn tay cậu chủ bẻ lắc cắc mà như đang luồng trong người nó.
      "Cút xuống bếp mần việc đi, còn đứng trơ đó, con hà bá."
      Con Bần chờ dợi làm sao một ánh mắt nhìn của cậu chủ mà không có.
      Cho tới ngày cưới thì con Bần không còn một lần nào được cậu chủ đoái hoài... Mợ chủ, con nhà giàu, hách dịch lắm, hở mở miệng là mắng nhiếc:
      "Cái con ở nhà anh mất dạy chi lạ, thấy nó là em nổi ma rồi..."
      "Đứa ở mà em chấp mần chi. Kệ nó."
      "Thấy cái mặt ngó không sửa. Vừa nhớp vừa ngu như bò."
      "Rứa nó mới làm con ở."
      Câu chửi độc của mợ chủ không làm con Bần buồn, mà câu trả lời của cậu chủ làm con Bần đau điếng. Vậy mà mới đây thôi, trước ngày cưới, cậu chủ đã gọi nó là Mận. Em Mận. Con Mận khác với con Bần mà, chính miệng cậu chủ đã nói, từ nay, đối với cậu chủ nó là con Mận. Không Bần nữa đâu được. Nó vẫn chỉ là đứa ở. Một bữa, lên nhà trên chỉ mình cậu chủ, nó làm gan tới gần, gọi:
      "Cậu chủ."
      "Mi...thôi xuống dưới đi. Mau lên..Mi..."
      Đôi mắt cậu chủ ngó dớn dác. Con Bần lầm lũi quay lưng. Đêm nào nước mắt của nó cũng chảy ướt cả gối. Nó thề là sẽ quên cậu chủ, con người lòng lang dạ sói, có mới nới cũ. Từ ngày cưới vợ về, cậu chưa hề một lần ngó ngàng hay táy máy tới con Bần. Nhiều bữa nhà vắng, mợ chủ về nhà mẹ, con Bần trốn việc ra sau vườn, đứng bên lu nước, hy vọng cậu chủ ngang qua. Nhưng không có thêm một lần nào nữa. Nó lại tự hứa trong lòng, sẽ cố quên.
      Con Bần cũng sẽ quên được thôi, nếu tháng sau, nó không cảm thấy khó chịu trong người. Một buổi sáng, đang giặt áo ở bến sông, nó nôn thốc nôn tháo. Không phải ăn trúng độc gì, mà tiếp theo những ngày sau đó, cứ thấy mùi cá kho là bụng nó cồn cào, nôn nao và ụa mữa. Con Bần biết là đã có mang với cậu chủ.
      Nó sợ lắm. Mỗi ngày ra gính nước giếng, nó gặp nhiều con ở khác, kể nhiều chuyện. Con Cau, cũng bị ông chủ làm có mang, bà chủ đánh đập quá, chịu không thấu đã thắt cổ tự tử trong nhà bếp. Con Mực không biết chửa hoang với ai, bị chủ nhà đuổi ra đường, vác cái bụng đi ăn mày, mùa đông, chết cóng trước cửa nhà người ta...Nó lo sợ và chờ những giờ giếng nước vắng hoặc ít người, nó mới ra thả gàu kéo nước. Múc nước lên mà nước mắt của nó rơi tong tong xuống giếng.
      Chuyện con Bần có mang không dấu được lâu. Một buổi sáng, đang làm việc, con Bần phải chạy ra góc vườn để ụa mửa thì mợ chủ thấy. Không phải tình cờ gì đâu, mà mợ chủ đã nghi ngờ, để ý. Tối đó, cả nhà ngồi lại, kêu con Bần ra. Bà chủ lên tiếng.
      "Bần. Mày có mang phải không?"
      "Con..."
      Con Bần run rẩy, hai đầu gối như muốn quỵ xuống.
      "Khun hồn thì đừng có chối. Mi có mang với aỉ"
      Con Bần cắn răng lại. Nói là của cậu chủ, ai tin. Nó nghĩ tới những trận đòn thừa sống thiếu chết, nghĩ tới hình ảnh con Cau thắt cổ trên xà nhà...
      "Có phải mi lẹo tẹo với thằng Mương bên nhà hàng xóm khôn, hí?"
      Thằng Mương cũng ở đợ. Nhà hàng xóm làm bún, phải mướn một thằng trai trẻ có sức để xay bột bằng cối đá. Con Bần rất sợ thằng này vì thằng này hoang lắm. Có lần, thấy con Bần, nó đứng bên hàng rào tuột quần ra, con Bần chạy bán sống bán chết. Mấy con ở trong xóm đều sợ thằng Mương này, có mấy con ba đá ngựa thượng tứ mới lẹo tẹo với nó.
      "Dạ không phải cô chủ nờ. Con..."
      "Hừ, chỉ có cái thằng đó bạ mô xâu đó, mi mới thích xâu, mới chình ình cái bụng rạ.."
      "Oan cho con, cô ơi."
      "Vậy đứa mô. Đứa mô. Không noái tau đập cho chết."
      Con Bần bị đến mấy trận đòn. Nó vẫn cắn răng. Sau, bà chủ đem cột nó ngoài vườn, lột áo cho dầm sương đêm. Cả người nó roi lằn ngang lằn dọc, đau đớn như bị lóc thịt xẻ da. Chỗ nó bị trói là góc vườn bên này, đối diện bên kia là lu nước mưa. Nó nhớ như in khuôn mặt của nó, của cậu chủ soi trong đó. Lu nước trong vắt với những con lăng quăng vùng vẫy mà không hề gợn được một lằn sóng nhỏ. Nó cũng vậy, còn yếu hơn con lăng quăng nữa.
      Đã vậy mà đâu có yên, mợ chủ đa nghi, nửa đêm, ra vườn cầm đầu tóc con Bần xoáy trong tay, giựt mạnh.
      "Mi phải khai ra, không tao giết chết. Mi ngủ với aỉ"
      "Dạ không biết."
      "Con ngựa thương tứ. Mi ngủ với ai lại không biết. Không biết tao đập cho mi biết."
      Mợ chủ, nhìn khuôn mặt đã thấy ác rồi. Khi cơn giận lên tới đầu, mợ chủ dữ như cọp. Giật tóc, tát vào mặt, lột quần con Bần ra rồi bôi đường bôi mỡ lên người con Bần.
      "Cho muỗi nó cắn, cho kiến nó bu, đồ nặc nô."
      Ông chủ, lòng nhơn từ hơn, sáng, ông dậy sớm, lén đem nắm cơm nguội cho con Bần ăn, dỗ dành:
      "Con noái đại đi. Đứa mô mần con có mang con cứ khai ra, sợ chi. Chơ con giữ trong bụng, bà chủ với mợ Thanh đánh chết con."
      Con Bần khóc:
      "Con noái thì mợ với bà chủ cũng đánh chết con."
      "Răng đánh. Nói đứa mô rồi ông tính cho, bắt nó lấy mi."
      Thấy con Bần cắn răng làm thinh, ông dỗ:
      "Nói đi con. Nói đi, ông biết đứa mô là ông bắt nó cưới, ông cho tiền để nó cưới, chớ con mần thinh rứa là con sẽ khổ cho coi. Nói đi con."
      "Con không nói được ông ơi. Con...thà con cắn lưỡi con chết."
      Ông chủ thở dài bỏ đi. Con Bần bị cột ngoài vườn, trần truồng cho muỗi đốt và kiến cắn tới ngày thứ ba thì kiệt sức. Nửa đêm mắt nó nhìn lên trời, cả ngàn sao nhấp nháy mà nó chỉ thấy những lằn chớp xẹt qua sẹt lai. Lúc nó sắp ngất đi, gục mặt xuống thì có một bàn tay nâng mặt nó dậy, có người cho nó uống nước. Trong lúc mơ mơ màng màng, thần quách tá hỏa, nó cũng nhận ra khuôn mặt cậu chủ. Đầu nó lóe lên mấy tia sáng, nhưng rồi tắt ngúm liền. Nó rên:
      "Cậu chủ ơi, tui chắc chết, không chịu thấu quá."
      "Đừng noái nghe. Bần, mi đừng noái."
      Con Bần đưa tay lên, muốn níu nhưng không đụng ai. Giọng cậu chủ.
      "Họ đang sắc thuốc trục thai, bữa mơi bắt mi uống. Mi uống không?"
      "Không, cậu ơi. Không, cậu. Con của cậu mà. Cậu Thanh."
      Bàn tay của nó đã được cậu chủ nắm.
      "Suỵt, mi đừng noái lớn rứạ Tau trốn ra đây một chút thôi chớ không mợ mi nghi là mệt lắm. Mi không muốn trục đứa con."
      Đang muốn ngất đi vì kiệt lực, con Bần cảm thấy hơi ấm từ tay cậu chủ đang dồn qua người nó, nó tỉnh dần.
      "Không, cậu. Tui thương cậu. Tui thương cậu lắm."
      Nước mắt nó chảy ràn rụa trên mặt như mưa ướt. Không thấy cậu chủ nói gì thêm. Con Bần nhìn lên trời, nó đã nhìn thấy rõ những chòm sao rồị Nó còn ngửi thấy mùi thơm của hoa nhài, hoa bưởi trong vườn nựa.
      "Nếu cậu không muốn tui giữ con, cậu giết tui đi. Nì, cậu giết tui đi."
      "Bần, lỡ rồi, thiệt tao mô muốn rứa, mi đừng trách tao...
      "Tui mô có trách chi cậu. Cậu ơi, nhưng thà cậu giết tui đi. Thà cậu giết chớ đừng để người ta giết tui, tui hận lắm."
      Nó nhắm mắt lại, chờ coi người đàn ông này làm sao để giết mình. Nó chỉ nghe một tiếng thở dài và giọng cậu chủ run run.
      "Bần. Mi đừng tên Bần nữa. Mi đổi tên là Mận cho đỡ khổ nghe. Tao... tao có thương mi cách mấy cũng chịu vậy..."
      Cậu chủ ngừng lại nuốt nước miếng mới nói tiếp:
      "Vậy mi đi trốn đi rồi đẻ con. Tau có cặp xuyến cho mi..."
      "Thôi cậu ơi, ở mô mà cậu có đôi xuyến. Cậu ăn cắp của mợ phải không? Thôi, cậu ơi..."
      Con Bần khóc. Đây mới là giọt nước mắt thực tình thương cho cậu chủ và thương cho nó.
      "Của ai mi không cần biết. Mi cầm và nhớ trốn đi càng xa càng tốt. Mi..."
      Con Bần nức nở:
      "Con cậu thiệt cậu ơi."
      "Tau biết. Nhưng tau chịu rồi. Tau thua gia đình rồi. Mai, họ bắt mi uống thuốc trục thai.."
      Con Bần ngước mắt nhìn cậu chủ. Đôi mắt nó vẫn còn đen láy, còn đẹp. Cậu chủ thấy nhói trong lòng khi cúi sát xuống nhìn đôi mắt của con Bần vẫn chưa hiểu gì cuộc đời.
      "Cậu nói thiệt cho tui biết, cậu có thương tui không?"
      Có? Không? Lẫn lộn trong lòng cậu thanh niên Huế. Cậu cắn môi, gỡ trói cho con ở và bảo:
      "Đi đi. Bần."
      "Cậu chủ..."
      "Đi đi mà. Đi."
      "Cậu ơi."
      "Dặn nì. Đừng nói ra. Chết cũng không nói nghe chưa?"
      "Dạ".
      Đôi mắt con Bần nhìn thấy tội làm sao. Cậu chủ không dám nhìn thẳng nữa.
      "Cậu, cậu cho tui miếng nước. Miếng nước trong lu đằng nớ đó cậu. Bữa đó... cậu.."
      Cậu chủ hiểu con Bần định nói gì. Cậu đi lại cái lu nước, có cái gáo dừa móc trên một gốc câỵ Cậu lấy xuống vục vô lu lấy đầy một gáo rồi đem tới cho con Bần.
      "Cám ơn cậu."
      Nó uống một hơi cạn queo rồi vất cái gáo xuống đất. Giọng cậu chủ run run:
      "Mận, mi đi đi. Khôn khéo trong nhà họ biết, Mận..."
      "Cậu..."
      Cậu chủ xoay lưng đi vào. Con Bần đứng nhìn theo. Bóng cậu chủ khuất. Con Bần cắn môi rồi bật khóc. Nó vừa khóc vừa chui qua cái lỗ hàng rào mà mới đây thôi, cậu chủ hay chui qua để đi hẹn với người yêu của cậu.
      Tờ mờ sáng, chính mợ chủ là người xuống bếp sớm nhứt. Mợ chủ chăm chỉ sắc thuốc cho con ở uống. Linh tính người đàn bà cho biết là điều mình nghi ngờ chắc chắn không sai. Trong nhà, ai cũng tra khảo, đánh đập con ở, duy chỉ có Thanh là hoàn toàn im lặng. Mợ đã hỏi dò:
      "Anh có nghi nó với ai không?"
      "Anh mần răng biết được."
      "Em.. hừ, trong nhà này có hai người đàn ông..."
      Mợ chủ định nói hai người là chồng, là bố chồng nhưng kịp dừng lại. Cậu chủ hiểu, nhíu mày:
      "Em ăn noái chi lạ rứa!"
      "Em..."
      "Hừ".
      Cậu chủ quay lưng.
      Thang thuốc sắc cũng phải mấy tiếng đồng hồ. Mợ chủ cẩn thận, chi li như vậy vì sợ thuốc sắc không đúng phân lượng uống vô không hiệu quả. Thôi thì ai nói chi thì nói, sư tử hà đông cũng được, ác nhơn ác đức cũng được. Không bịt cái mối họa này thì mối họa khác còn lớn hơn, tiếng tăm còn nhục nhã hơn. Mợ chủ nhẫn nhục để lửa liu riu chờ.
      Đến sáng, khi chén thuốc sắc xong, ra vườn thì không thấy con Bần đâu nữa. Ông chủ thở phào nhẹ nhõm cả người. Mợ chủ cầm chén thuốc chạy quanh nhà.
      "Mần răng chừ. Nó bỏ trốn rồi."
      Mợ chủ gọi cha chồng, mạ chồng, bù lu bù loa:
      "Chắc có người mở trói cho nó chớ thắt nút kỹ lắm.
      Mần răng chừ đây?"
      Bà chủ:
      "Đừng để cho nó thoát."
      Phải làm một cái gì để chặn lại. Mợ chủ quay quắt:
      "Phải đuổi theo, tìm cho được nó."
      Ông chủ chắp tay sau lưng, ngó đứa con trai đang thập thò ở cửa buồng, lắc đầu.
      "Nó đi xa rôi. Biết mô mà tìm."
      "Rồi mần răng. Bộ dứng trợn mắt mà ngó?"
      "Rứa không ngó, bà đi kiếm bắt đi."
      Ông chủ chắp tay sau lưng, ngó mông lung ra cửa.
      Mợ chủ đi vô buồng lục tung tủ tìm mớ nữ trang. Thấy không mất gì, mợ chủ nhìn chồng:
      "Răng anh đứng chết trân rưa."
      Thanh mở lớn mắt ngó vợ:
      "Rứa chừ anh biết mần chi chừ."
      Đôi mắt người thanh niên ngây thơ... vô số tội. Đôi mắt đã quá hiểu về cuộc đời. Người vợ dí tay vào trán chồng.
      "Anh hí, gớm lắm. Không phải tui nghi tầm bậy tầm bạ chi..."
      "Rứa em nghi ai? Tui hay bọ?"
      Người vợ cứng họng. Rồi không biết làm gì cho hả cơn giận, mợ chủ đi ra vườn cầm cái dao phay, phạt gãy phăng mấy cây chuối non. Mợ chủ biết, ít nhất, mợ cũng phải thay thế con ở dăm bữa nửa tháng xắt chuối cho heo ăn, chờ tìm nuôi một con ở mới.
      Chiều hôm đó, bà chủ nói với ông chủ.
      "Tui mất một đôi xuyến. Chắc..."
      Ông chủ trầm ngâm:
      "Thôi được rôi. Để tui mua lại cho bà."
      "Ông nghi ai?"
      "Vô lẽ bà nghi tui?"
      Họ ngồi vào bàn cơm. Cô con dâu mặt chằm vằm một đống, còn đứa con trai thì cúi đầu ăn, và lấy và để, không thấy nhai mà chỉ thấy nuốt.
      "Mạ có mất chi không mạ?"
      Cô con dâu hỏi. Bà chủ bắt gặp cặp mắt của chồng nhìn, bà nói:
      "Không. Không mất chi cả."
      Cậu chủ ngừng ăn, lấy muỗng chan canh đầy bát, lúc đó, cậu mới ăn thong thả trở lại.

      Ba mươi năm tám năm sau họ gặp nhau tại Mỹ.
      Mùa Xuân năm đó, ông Thanh từ tiểu bang Minesotta bay về San José. Một phần ông muốn gặp lại bạn bè cũ, một phần muốn trốn băng giá. Ông đi một mình, người vợ tưởng ở với ông suốt đời, ông cũng đã chôn hai năm về trước. Hai vợ chồng không có con cái, họ sẽ không bỏ Huế nếu không có cộng sản xâm chiếm.
      Đến San José, ông Thanh tìm gặp một gia đình bạn cũ, cũng người Huế. Siết bao vui mừng, chuyện mới, chuyện cũ gợi hoài không hết.
      "Rồi anh có tính bước thêm một bước nữa không?"
      Người bạn hỏi ông Thanh.
      "Ngót nghét sáu mươi rồi còn ngọ nguậy chi nữa, cụ."
      Tiếng "cụ" không phải để chỉ tuổi tác. Tiếng "cụ" từ thủa còn học sinh, họ đã gọi nhau nghịch ngợm như vậy.
      "Ở Mỹ khác rồi. Tám mươi người ta còn lấy vợ kìa.
      Tụi này mới đi dự đám cưới chú rể bảy mươi tư, cô dâu bảy mốt. Đám cưới vui quá đáo để. Cô dâu thay ba bốn lượt áo mới, có nhảy đầm. Chú rể cô dâu dìu nhau lã lướt tango đàng hoàng nghe..."
      Chị vợ cười:
      "Tối nay có buổi họp tất niên của một số bạn cũ, anh đi dự với bọn ni nghe. Chừ tự do rồi phải không? Nghe đồn hồi còn sống, chị bắt nạt anh lắm phải không?"
      Giọng Huế đậm đà, không pha trộn của vợ bạn làm Thanh nghĩ tới vợ. Trong cuộc sống, chị có khắt khe, ép buộc anh đủ điều, nhưng nghĩ cho cùng, chị vẫn không có gì lầm lỗi. Thương chồng, giữ chồng, lo cho chồng nên sợ mất chồng. Suốt mấy chục năm, Thanh chưa bao giờ đi đâu một mình mà không có vợ bên cạnh.
      Tối hôm đó, Thanh ngồi cùng bàn với một cặp vợ chồng trẻ. So với ông Thanh là trẻ nhưng cũng ngót nghét trên ba mươi và dưới bốn chục. Người chồng còn dẫn theo một bà mẹ khó đoán được chính xác tuổi tác. Lúc mới gặp, ông Thanh ngờ ngợ, đôi mắt đen láy, tuy hai mí đã sụp và có nếp nhăn, nhưng hình như ông đã gặp đâu trong đời rồi. Không nhớ nỗi với mớ ký ức chằng chịt. Vì, mặc dù vợ canh rất kỹ, thỉnh thoảng ông vẫn có những mối tình vụng trộm, qua đường và không đi đến kết quả nào.
      Sau khi bắt tay, ngồi xuống, người bạn giới thiệu:
      "Đây là kiến trúc sư Thanh Mận, đây là chị Thanh Mận..."
      Người đàn ông trẻ tươi cườị Kìa nụ cười, sao làm ông Thanh chăm chú.
      "Và đây là mẹ tôi."
      Ông Thanh gật đầu chào người đàn bà đứng tuổi. Vợ người bạn nói:
      "Anh Thanh Mận có hiếu lắm, lấy vợ rồi mà không rời mẹ một bước."
      Người đàn ông trẻ hớn hở:
      "Vâng. Tôi có một mẹ một con. Có được ngày hôm nay cũng là nhờ mẹ tôi..."
      Không hề có sự sắp đặt mà ngẫu nhiên thôi, Thanh ngồi cạnh người đàn bà rồi mới đến cặp vợ chồng bạn. Người đàn bà không thấy nói cười mà khuôn mặt nghiêm trang. Người bạn nói:
      "Chị Thanh Bần đây thiệt là giỏị Lớn tuổi rồi, qua Mỹ chị thành công hơn nhiều người trẻ. Hệ thống Bakery lớn nhất ở đây là do chị thành lập, nổi tiếng lắm."
      Người con:
      Thiệt đều do một tay mẹ tôi. Lớn tuổi rồi mà mẹ tôi hoạt động hăng lắm. Vợ tôi chỉ là thợ vịn...mẹ. Phải không em?"
      Người vợ có vẻ ít tuổi hơn chồng, cười tít mắt ngó mẹ chồng. Người mẹ cũng nhìn lại con dâu, nheo mắt. Ông Thanh giật mình ngớ người. Cặp mắt đen láy, tinh ánh với cái nháy nháy đó, ở đâu trong đầu ông, bật ra. Ông lại vừa nhìn thấy trên cổ tay gầy của bà Thanh Bần đeo một đôi xuyến méo mó, cũ kỹ.
      Thanh Mận. Hai chữ không ăn khớp với nhau ghép thành một tên. Rồi Thanh Bần... Mận và Bần, hai cái tên của một con người năm xưa... Đôi xuyến mà bà đeo trong cổ tay, có phải là đôi xuyến năm xưa của người đàn ông trả tội.
      Bàn tay của ông Thanh rung lên, không phải vì già yếu mà vì xúc động.
      "Bà chị... Chị là..."
      Khuôn mặt ngó thẳng, nghiêm nghị, lạnh lùng:
      "Thưa ông, ông nói chi?"
      Giọng Huế, người xưa. Rõ ràng. Không lầm được... Ông Thanh nói khó ra lời:
      "Thấy...thấy chị...quen quá."
      Người đàn bà vẫn giữ thái độ lịch sự mà xa cách:
      "Thưa ông, có thể ông nhầm vì người giống người..."
      "Tôi là Huỳnh văn Thanh, chị..., chị là..."
      Nụ cười trên môi người đàn bà nhạt như nước ốc.
      "Chắc là ông đã lầm, thưa ông. Từ nhỏ tới già, tôi chưa hề quen biết một người nào có tên đó."
      Thanh ngượng ngùng. Cũng may, lúc đó có vài người bạn cũ nhận ra anh, réo gọi. Anh bị kéo tới bàn khác hàn huyên. Nhân cơ hội Thanh hỏi bạn hữu về người đàn bà tên Thanh Bần, họ nói:
      "Chỉ biết bà Thanh Bần gốc Huế, vô Sài Gòn. Có thời bà giàu lắm, có cả chục căn phố cho thuê. Lúc di tản, nghe nói cũng đem theo được ít của cải nên lập nghiệp lại, thành công sớm. Kỳ thiệt, giàu có vậy mà tên Thanh Bần."
      "Bà Bần có nhiều con cái không?"
      "Có chỉ một đứa. Một mà nên. Thằng cha có hiếu khiếp. Mẹ Thanh Bần, con trai lại Thanh Mận."
      Lúc trở lại bàn, ba mẹ con vẫn còn ngồi đó. Nếu người đàn bà này là con Bần xưa thì đúng như truyện con bé Da Lừa đã đổi lốt. Người đàn bà này trông dáng dấp quí phái, ăn nói linh hoạt, cái áo da lừa là con Bần ngây dại, sợ sệt, ngu muội xưa đã bị ai đem đốt đi rồi. Ông Thanh bụng dạ thấp thỏm.
      Người đàn ông trẻ đẩy cái dĩa thức ăn đã lấy phần sẳn về phía ông Thanh và mỉm cười. Ông Thanh lại giật mình. Ông nhớ lại, ông còn một tấm ảnh chụp năm ba mươi tám tuổi, tấm hình và người này y chang một khuôn mặt. Thanh nhìn người đàn bà. Ông dần dần nhận ra nhiều nét quen thuộc của con Bần, người ở nhà ông. Mấy chục năm qua, không phải là ông đã quên hẳn lầm lỗi thời còn trẻ. Ông vẫn thắc mắc không biết con Bần trôi dạt nơi đâu, sống chết như thế nàọ Giọt máu đầu đời của ông, đứa con hoang của tội lỗi có lớn lên được thành ngườỉ.
      Trước mặt ông là một người đàn bà trọng tuổi, nghiêm trang, quí phái, vậy cũng không thể nào lầm lẫn. Ông Thanh nhớ lại hồi nhỏ, khi ông thầy tử vi coi số cho, cho ông nhìn thấy con Bần đã buột miệng:
      "Con này về sau ba mươi tuổi sẽ giàu có."
      Nếu đúng như vậy thì Thanh Mận có thể là đứa con năm xưa của ông. Và con Bần đã lột xác thành một bà chủ. Người đàn bà này còn hận ông bầm gan tím ruột, không muốn nhìn nhận ông nữa. Cũng phải thôi, khi xưa, Ông Thanh đâu dám nhìn nhận con Bần. Mặc dầu ông đã cứu Bần, cứu đứa con, nhưng ông đã xua đuổi họ ra khỏi cuộc đời của ông, không màng đến sống chết của họ. Bây giờ, bà Bần nói chuyện với ông Thanh còn hơn những người xa lạ.
      "Năm Mậu Thân chị có ở Huế không?"
      "Dạ không. Có thì bị chôn sống rồi. Đời tôi bị chôn sống một lần mà không chết."
      Giọng cay đắng quá. Ông Thanh tự rủa thầm mình, rồi nhát gan không dám hỏi tiếp nữa. Người đàn bà lặng thinh một hồi lâu, nói:
      "Chắc anh không ở vùng nỉ"
      "Dạ thưa chị, tui ở tận Minesotta, xa lắm."
      "Chị và các cháu cũng ở trên đó?"
      "Dạ không. Bà ấy chết cách đây hai năm rồị Tụi này cũng không có con."
      Đôi môi người đàn bà dãn ra mà không phải cười. Các nếp nhăn trên mặt cũng dãn ra một cách thoải mái. Người đàn bà này, nếu tuổi trên năm mươi, đúng là con Bần ở đợ năm xưa. Ông tính nhẫm, năm đó con Bần mười bảy tuổi, cộng ba tám năm thì đúng 55 tuổi.
      "Xin lỗi, hồi ở Huế, chị ở mổ"
      "Dạ cám ơn ông. Bị tui có hứa với mình là có chết cũng không được nói."
      Ông Thanh cảm thấy như mình đang bị điện giật. Lời đó được nhắc trong đầu ông: "Có chết cũng đừng noái nghe Bần".
      "Cậu..Cậu ơi.."
      Ông đã quay lưng đi vội vã, lúc đó suýt vấp phải lu nước mưa. Ở lu nước mưa đó, lần cuối cùng... Ông nhớ, ông đã tốc cái áo của con Bần lên và... Chuyện đó, đã qua ba mươi tám năm...
      "Chị...Nếu tôi đoán không lầm thì năm nay chị khoảng trên năm mươi, nhưng trông chị còn trẻ lắm."
      Bà Thanh Bần, đúng là con Bần ở đợ năm xưa, đã tính gật đầu thì mối hận trong lòng sống dậỵ Cũng may, nhờ lời đoán của ông thầy tử vi mà con Bần lãnh chịu bao nhiêu khổ đau, cũng cứ tin vào vận số và vươn lên. Kể cả đôi xuyến cậu chủ đưa, con Bần ngày xưa cũng không hề bán đi để xài trong lúc sanh đẻ. Đôi xuyến đeo trong cổ tay như đeo đôi vòng nhục nhã để nhắc nhở. Bởi vậy khi thành công, có cơ nghiệp, con Bần mời thầy về dạy học chữ, học sinh ngữ. Bà có thể thay đổi thành một người khác, nhưng mối hận tình xưa vẫn mang nặng trong lòng, và cái tên Thanh Bần không rời cuộc đời của bà nữa.
      Người thanh niên tuấn tú, đẹp trai, con ông chủ không phải đã nói với con Bần xưa: "Đừng có noái. Có chết cũng không được noái ra nghe.". Đến chết cũng không được nói, huống chi bà còn sống. Bà đứng dậy:
      "Xin lỗi, tôi phải về."
      Người con:
      "Mẹ mệt rồi hả mẹ. Chúng con đưa mẹ về."
      Bà cười, mắt không ngó ông Thanh nhưng cốt ý nói cho ông nghe:
      "Tuổi già, ngồi lâu nhức mỏi cái lưng."
      "Bác, Tết cháu mời bác tới nhà chơi. Mẹ cháu năm nào cũng nấu nướng. Bánh tét với dưa món của mẹ cháu ăn bứt hết dưa món ở đâỵ"
      "Năm nay mẹ làm biếng lắm, đâu có làm gì mà con dám mời khách."
      Giọng nói nhạt nhẽo, thiệt vô tình, Một lối cấm cửa khách rất khéo.
      Người đàn ông trẻ tuổi đưa tay cho Thanh bắt. Thanh nắm chặt bàn tay ấm áp, chắc nịch, thấy rất thân thuộc. Ông có cảm giác những mạch máu nhỏ li ti của người đàn ông trẻ đang đập cùng một nhịp với mạch máu trong lòng bàn tay ông. Mắt ông mờ đi như có một màng lệ mỏng che phủ. Rồi ông cũng buông tay ra và người đàn ông trẻ trung đi bên vợ, ôm vai mẹ dần ra khỏi cửa. Ông Thanh cảm thấy chân tay thừa thãi và chỉ còn biết nhìn theo cho tới lúc họ khuất dạng.
      Trên xe trở về nhà, bà Thanh Bần ngồi băng ghế sau một mình. Qua chiếc kiếng chiếu hậu, bà nhìn thấy mớ tóc của bà cũng đã lẫn màu muối tiêu. Thời gian hình như cũng làm bạc màu hết kỷ niệm. Vậy mà gặp lại người xưa, giữa xứ lạ quê người, tim bà vẫn còn thổn thức.
      Cậu chủ, người thanh niên đẹp trai năm xưa, nay cũng đã đứng tuổi. Bà đã cố gắng phấn đấu để dấu đi những lúc oán hận cũng như những lúc mềm lòng. Đôi mắt của ông Thanh, đã khác xưa nhiều quá, khi nhìn bà, bà thấy được sức chứa của ăn năn, hối hận.
      Bà không biết nữa, giữ được hôm nay mà có giữ được ngày mai không? Mấy chục năm, người ta còn nhớ, vậy sao kỷ niệm mối tình hận của bà lại phai màu được!
      Lúc xuống xe, đứng trong sân vườn bên hồ nước nhỏ chờ đứa con dâu mở cửa, bà lại nhớ tới khu vườn sau căn nhà cổ ở Huế. Lu nước mưa với cái gáo nước móc trên gốc cây bên cạnh. Gáo nước cậu chủ múc cho con Bần uống ngày nào, giờ đây nghĩ lại còn mát cả ruột gan. Và lu nước mưa, chẳng phải con Bần ngày xưa đã mơ ước được một lần nữa, soi hai khuôn mặt, mặt mình và mặt cậu chủ trong đó!
      Trên đầu bà, một vừng trăng, một cơn gió. Phải, gió vừa lướt trên mặt bà, trên tóc bà, thổi tới một hơi xuân mát dịu.
      Không có hạt bụi nào mà mắt bà bà xốn quá, rồi lệ ứa ra hai khóe mắt. Bà kín đáo đưa ngón tay lên quẹt, y như con Bần ngày xưa, khóc thầm và quẹt nước mắt bằng ngón tay trong góc bếp, bên lu nước hay khi trốn sau chuồng heo.

      Nguồn: Đặc Trưng
      #3
        Trương Củng 06.06.2005 17:40:13 (permalink)
        Thương Chùm Hoa Khế
        NHÃ CA

        Ông cụ Hồi mở cửa tiễn khách. Cũng là bạn hàng xóm thôi, nhưng gần nhà mà xa cửa ngõ. Hai khu vườn đâu lưng, cửa ngõ thì nằm ở hai con đường khác, đi bộ cũng mất mười lăm phút.
        "Bác về nghe. Rảnh sang chơi."
        "Lóng rày hai cái chưn yếu lắm rồi bác. Muốn nhờ con cháu nó đưa đi thì sợ phiền bác ơi. Mình qua đây nó khác bển nhiều lắm."
        "Biết."
        Ông cụ Hồi cười buồn. Điều này thì ông hiểu sâu đậm lắm rồi. Mà đâu phải bây giờ, cách đây mười năm trước, khi còn bà, cả hai đều khoẻ, họ cùng đi tập thể dục ở một câu lạc bộ của người Mỹ nhưng có rất đông người Việt Nam. Hồi đó ông còn lái xe được, chớ bây giờ, hai chưn của ông có khá gì hơn ông bạn. Hồi đó, ở chỗ tập, bạn già hay tâm sự với nhau:
        "Tui hồi mới qua, làm việc như trâu để mua cái nhà cho lớn, nhiều phòng cho các con ở. Vậy mà thoáng cái, chúng nó đi hết trơn, hai vợ chồng tui thu dọn chết luôn."
        "Sao không bán đi, kiếm cái nho nhỏ mà ở."
        "Nhiều lúc cũng nghĩ vậy. Nhưng hổng có chỗ thì tụi nó không về. Lâu lâu tụi nó về thăm, dẫn thêm cháu vui nhà vui cửa lắm. Tụi nó đi đâu, đem sấp nhỏ về gửi, mình được coi cháu."
        Lại khoe con, khoe cháu:
        "Mấy đứa nhỏ qua Mỹ mà không nhiễm Mỹ chút nào hết trơn. Ôi thôi, đi lấy chồng lấy vợ, tuần nào cũng về, mua sắm đổ đi hổng hết. Tôi cứ phải ngăn, chửi tụi nó hoài."
        Chắc không? Chưa nhiễm chớ đâu phải là không nhiễm. Ông cụ Hồ nghĩ trong lòng vậy.
        "Con cháu ngoại của tui mới hết xẩy. Nói tiếng Mỹ như gió. Dễ thương lắm kìa, nói chuyện với ông ngoại thì nói tiếng Việt, quay sang ba nó thì nói tiếng Mỹ ào ào. Giỏi quá."
        Bà muốn khoe bà có rể ngoại quốc.
        Cũng ông bà già đó, chừng ba năm sau gặp lại thấy khác hẳn. Hôm xưa ông mập mạp, mặt đỏ như quan công, râu dài và mướt như Lưu Bị, bây giờ choắt lại, xanh xao. Còn bà, già nhanh không tưởng được. Nhớ tuổi thì chưa tới bảy mươi mà tiều tuỵ, còm cõi như bà cụ trên chín mươi sắp xuống lổ. Nụ cười tươi tắn hãnh diện về con cháu đâu mất rồi.
        Hỏi thăm. Nhà sang tên cho thằng con để nó trả phụ tiền nhà. Con vợ lộng quá, em út văng ra hết. Rồi đứa dọn ra, tách rời. Ông bà nhớ con nhớ cháu, lặn lội đi thăm. Lũ cháu lớn lên không dễ thương như khi còn nhỏ. Bà sụt sùi:
        "Mình nói gì nó cũng hổng hiểu. Nó nói gì mình cũng hổng hiểu. Miết rồi còn hơn người dưng xa lạ."
        "Bác ơi, tụi nó bận chết bỏ. Mình tới, nó đón về rồi mạnh chồng chồng đi, mạnh vợ vợ đi, trẻ con thì đi học. Bác biết hôn, tụi nhỏ hễ về tới chẳng chào hỏi ai, rút vô phòng, mở nhạc, điếc tai nhức óc..."
        Ông cụ nuốt nước miếng. Già, miệng mau khô lắm, làm như phải nuốt nuốt liên tục:
        "Vậy là chóc ngóc hai ông bà già ở nhà, riết rồi lo cơm nước cho chúng mà..."
        Bà cụ nói hớt:
        "Mà cũng hổng yên với chúng bác ơi. Mấy đứa cháu chê nấu nướng kiểu Việt Nam hôi nhà hôi cửa, nhăn nhăn nhó nhó làm mình tủi lắm kìa."
        "Vậy chúng có ăn hôn?"
        "Ăn chớ sao không ăn, nhưng cằn nhằn chê thì cứ chê. Buồn trong bụng lắm, bác."
        Ông cụ thở ra một hơi dài mà làm như nỗi ấm ức còn nhiều lắm, nặng lắm, hổng ra hết.
        "Hai vợ chồng tui giờ thuê một phòng gần phố Bolsa ở, ngay góc chợ, bà già đi bộ ra mua đồ ăn về, hai ông bà già hẩm hiu với nhau, còn đỡ. Bà chủ nhà goá chồng, còn trẻ, nhưng thông cảm lắm, cho mượn bếp nấu nướng. Mai mốt tui đi trước hay bả đi trước, còn lại một đứa già mới là khổ hết biết, bác."
        Bà cụ lau nước mắt. Đàn bà dễ khóc mà.
        "Bởi, mình bỏ quê, bỏ nhà bỏ cửa qua đây là hy sinh nhiều lắm, cũng vì nghĩ tới sấp nhỏ mà thôi..."
        Ông cụ gạt phăng:
        "Bà nữa. Mình xong bổn phận làm cha làm mẹ rồi, nước mắt chảy xuống có bao giờ chảy trở ngược chưa? Thấy con đứa nào cũng nên thân là mình yên tâm nhắm mắt mắt được. Bà à nhe, bà muốn gì nữa, lúc nào bà cũng có tui một bên..."
        Lâu rồi, cụ Hồi không còn gặp ông bà già này nữa. Họ còn không? Chết? Có lẻ đôi? Ra sao rồi. Ông vẫn hay thắc mắc.
        Ông già hàng xóm đã đi được một chặng đường. Ông già cũng lẻ bạn, như ông cụ Hồi, lẻ bạn. Tội nghiệp, đi thui thủi một mình. Kìa, sao lại băng ngang đường. Muốn tới cái công viên ngồi nữa sao? Dư thì giờ vậy, không ở lại chơi thêm, thiếu gì chuyện để nói. Hồi nãy cũng có cầm chưn:
        "Còn sớm mà bác, ở chơi một lúc."
        "Bữa khác bác. Bữa nay..."
        À, thì ra bữa nay tới công viên nữa. Ở đó, có vài ông già ngồi, có vài đứa con nít chơi. Ông bạn già này thèm nhìn con nít. Ổng đâu có thiếu cháu nội cháu ngoại chớ, nhưng ông lại ở với thằng con trai có vợ không sanh con, hai vợ chồng nuôi đến bốn con chó đủ giống trong nhà. Ông cụ nói:
        "Ôi thôi, hai đứa nó cưng bốn con chó, chắc con đẻ cũng cưng tới vậy thôi bác ơi. Tui nhớ lũ cháu mà chịu, tụi ở xa quá. Gọi điện thoại có khi nào được nói chuyện với tụi cháu đâu, làm như tụi nó hổng biết mình là ai."
        "Thì tại bác hổng đi thăm tụi nó. Thời này, mua một cái vé máy bay, chỗ nào hổng tới được."
        "Tui, hổng tới được thiệt đó bác. Tiền già lãnh, tháng nào cũng chia cho hai đứa con còn ở Việt Nam. Tụi nó khổ lắm. Nè bác, bển tui cũng có cháu nội, cháu ngoại. Tụi nó năm nào cũng gửi hình qua, coi ngộ lắm."
        Ông cụ mở cái ví luôn luôn sau túi quần, lôi ra mấy tấm ảnh con nít.
        "Bác thấy hôn. Tụi nó có tình nghĩa lắm kìa. Đứa nào cũng đề sau ảnh, chắc con mẹ hay thằng cha nó cầm tay cho viết, nè, bác coi..."
        Sau mấy tấm ảnh, tấm thì đề cháu nhớ ông ngoại lắm, tấm thì ông nội ơi, cháu thương ông nội nhất đời. Trong khi ông cụ Hồi lấy kính, lau cho sạch để đọc thì ông bạn già rơm rớm nước mắt.
        "Nhớ sao hổng mua vé về. Lóng rày người ta về hà rầm, sợ thằng tây đen nào chớ."
        "Tui cũng hổng về được. Bác nghĩ coi, có mấy trăm bạc, nhớ con nhớ cháu cứ gọi về Việt Nam, phải chia cái biu điện thoại để khỏi nghe con dâu cằn nhằn, nựng chó mà chửi mình. Còn lại, gửi cho hai đứa, nuôi mấy đứa cháu ở bển ăn học."
        Ông cụ Hồi lắc đầu, nghĩ trong lòng mà không nói ra miệng. Hèn chi. Ông bạn già đời rồi mà vẫn còn ngây thơ, bị phỉnh như thường. Cũng còn đỡ, con cháu nó phỉnh chớ ai vô đó.
        Ông cụ Hồi trở vô. Căn nhà vắng như chùa bà Đanh. Chùa bà Đanh vắng như thế nào, ông cụ chỉ nghe câu nói trong nhân gian đó thôi, chớ cái nhà của cụ đang ở vắng thì buồn khủng khiếp lắm. Có bà bạn già, ở goá hồi còn trẻ kìa, có bữa gặp trong đám ma một người trong họ, mừng lắm:
        "Mèn ơi, lâu ơi là lâu, hổng thấy bác đâu..."
        Sao thấy được. May đám bà con trong họ, thằng con mới lấy ngày nghỉ, đưa đi. Mà cũng bỏ ông ở đây rồi dọt lẹ, hẹn giờ tới đón. Chuyện qua chuyện về, người sống sắp hết đời rồi thì còn chi vui nữa. Bà bạn:
        "Tui nghĩ cho cùng mình cũng hổng nên trách ai mà trách mình là một gánh nặng cho con cái. Cũng may mình biết phòng thân bác ơi. Giờ còn chút tiền gửi nhà băng, lấy ra xài dần. Tui vô chùa ở với mấy bà bạn già, làm công quả, sớm tối kinh kệ, ngày qua mau lắm."
        "Thấy chị thong thả, phẻ phắn quá, tui ham."
        "Ý cha, già rồi mà ăn nói vô ý vô tứ quá vậy. Còn ham kí gì nữa mà ham chớ. Ông cười gượng gạo.
        "Xin lỗi, già rồi, lẩm cẩm phải hôn. Tui muốn nói thấy chị... tiếng Phật nói là gì đó, à từ bi tự tại, thấy chị hổng lý chuyện đời nên mặt ít nhăn, còn tui, giống trái cau khô không chị."
        Bà già cười. Ông bạn chồng này, thủa xa xưa cũng một thời, nghe đâu có nhiều hồng nhan tri kỷ, cũng làm khổ đờn bà không ít.
        "Bác cũng nên đi chùa mà rửa nghiệp rồi mới đi thong thả."
        "Được như chị thì phúc rồi. Tui hoàn cảnh khác, chị ơi."
        "Biết. Lúc đầu tui cũng đeo con đeo cháu mà không nghĩ ra là đến một lúc nào đó, con cháu nó hết cần mình nên khổ hoài. Mèn ơi, cả ngày ở trong căn nhà rộng, đi ra đi vô, tủi thân khóc ơi là khóc. Cũng may tui "ngộ" sớm... Bữa nào rảnh, bác tới chùa chơi, hổng phải chỉ có người già không đâu, mà mấy cô tre trẻ cũng tới tu, thương nhau và giúp đỡ nhau, như một gia đình."
        Ông có hứa. Nhưng không đến thăm bà bạn già được. Bữa đó, bà bạn già, cũng còn giữ được tính nghịch ngợm thời trẻ, nhắc tới một hai hồng nhan tri kỷ trước đây của ông. Còn đẹp còn xấu gì nữa, tất cả đã già. Ông cũng không hề nghĩ là tìm dịp gặp lại, kể cả nếu nghe tin đám ma, chắc cũng hổng nên tới thắp nhang. Đến tro cốt của bà vợ để trên chùa, thằng con nghĩ tới đưa đi thăm thì ông tới thắp nhang, còn không thì thôi, đâu dám nhắc, sợ làm phiền.
        Nếu căn nhà trống vắng này mà có chút tro cốt của bà, hay cái bàn thờ để ông hương khói cũng còn ấm áp chút đỉnh.
        "Sấp nhỏ chúng nó không chịu được mùi nhang, với lại nhà có cái phòng khách nhỏ xíu, bày bàn thờ trông kỳ cục lắm. Thôi đem má lên chùa, con sẽ chở ba đi thăm, má ở chùa nghe kinh mới sớm siêu thoát. Để ở nhà, ba nhớ, sanh bệnh, khổ."
        Ứa lệ mà chùi lén. Ông có một phòng nhỏ, ngăn bớt ở garage ba xe. Chỉ kê được cái gường, cái bàn nhỏ xíu còn chừa cho lối đi. Ông để cái ảnh nhỏ của bà lên bàn. Lúc đầu ông có cái bát nhang. Nhưng thằng con lại nói:
        "Ba cứ đốt nhang khói um sùm. Phòng ba gần máy ga, máy nước nóng. Ba hay quên, dễ cháy nhà lắm. Để con mua cây nhang điện về cho ba, cháy đỏ ngày đêm như ngọn đèn, ha ba. Ba thấy hợp lý không ba?"
        Nói thì vậy, nhưng mấy năm rồi, thằng con chưa mua. Ông cũng không nhắc. Bà chết rồi, thôi ông cứ khấn nguyện trong lòng cũng được.
        Ông cụ nhà đâu vườn mà có phúc hơn mình. Còn hai ba đứa con ở quê nhà mà lo. Còn lũ cháu chưa biết mặt, phỉnh cho mà khoái. Chớ ông, đã đem hết các con qua đây, bây giờ chúng nó đã dọn mỗi đứa một nơi. Lúc còn khoẻ, ông cũng đã tới ở với từng đứa. Cũng được tiếp đón, nhưng đó là lúc ban đầu. Sau cùng, ông thấy không phải con ông tệ, mà ông không còn là một người cha nhanh nhẹn, tháo vát nuôi các con mà chỉ là một gánh nặng. Mà hai vợ chồng thằng con này thì muốn giữ ông, cũng vì lớn nhất, còn vướng chữ hiếu khó rũ bỏ.
        Ông cụ Hồi đi ra đi vô. Vườn tược ông đã chăm xong. Bởi ông ít ngủ, dậy từ sáng sớm là ra vườn. Ông còn phải chăm hay cây mà bà vợ, lúc còn sống nưng niu nhứt. Đó là một cây khế và một cây nhãn Việt Nam. Bà nói:
        "Thấy người ta trồng thì ham, tui cũng muốn trồng. Nhưng tui biết, tui hổng đợi được thấy nó lớn, có trái đâu. Lâu lắm."
        Phải. Bây giờ cây nào cũng có hoa có trái, còn bà, xương cũng không còn, chỉ còn nhúm tro.
        Cũng không phải nhà vắng rồi cứ đi ra đi vô hoài đâu. Sáng sớm, hai đứa cháu ăn sáng xong, vội vã đi học. Còn đống chén đĩa ở bếp, ông phải thu dọn dùm chúng. Gì nữa, à nhớ ra, sáng đứa con dâu dặn:
        "Ba, con giặt quần áo mà không sấy kịp. Ở nhà, ba bỏ qua máy sấy dùm con chút, được không?"
        "Ườm."
        "Chết cha. Thùng rác chưa lôi ra... Trễ giờ rồi, con phải đi... Ba đem ra giùm, được không?"
        Lúc nào cũng hỏi câu được không làm gì chớ. Bắt buộc là phải được. Việc kéo thùng rác nặng nhọc, cứ đến ngày, ông cụ còn ì à ì ạch kéo ra đường, tối lấy thùng vô. Thằng con trai có thấy, nhưng lơ đi. Ông cụ còn làm được để cho ông làm, dãn gân cốt, đỡ bệnh tật.
        Đứa con dâu, lúc vắng mặt chồng quăng thúng đụng nia:
        "Mệt ơi là mệt, đi làm cả ngày như trâu như chó, sao có những người sướng chỉ ăn không ngồi rồi."
        Nói trống lổng thôi, đâu chỉ ai. Ông cụ Hồi đắng cả họng.
        Làm xong thì tới trưa trợt. Lại thêm một chuyện tệ hại. Đã dặn sáng ra lấy cục thịt đông lạnh trong tủ đá ra ngoài để trưa kho rim mặn ăn với cháo. Đã nói già, lẩm cẩm, quên. Ông đành làm một tô mì gói. Ăn xong, ông vô phòng. Ngồi trên cái gường nhỏ, ông nhìn ảnh bà vợ. Tấm ảnh chụp lúc bà lớn tuổi rồi, mới nhìn tưởng con mắt nheo nheo ngó nhưng kỳ thực không phải, đuôi mắt bà xếp nếp nhiều quá nên tưởng vậy. Thì cũng là nét duyên của người già.
        "Bà à, cây khế mùa nào cũng có hoa. Hoa khế đẹp lắm, tui biết bà rất thích, mai mốt..."
        Phải rồi, mai mốt tới xuân, có hoa khế. Ông phải nhớ ngắt một chùm để trên cái dĩa, trước tấm ảnh của bà. Bữa nay ra vườn, thấy cây khế trơ trụi lá mà đã có những chồi non muốn nhú lên. Khi đông tàn, loại cây này nó vậy.
        Nhớ mùa xuân ở quê nhà, trong dĩ vãng xa, nụ cười của bà bên cây khế sau vườn nhà đâu có vậy, đẹp lắm kìa. Hồi đó, ông còn là một chàng trai trẻ, thường nhìn trộm qua vườn bên cạnh... Vậy mà mấy chục năm qua cái vèo. Chuyện gì cũng đã quên tuốt luốt hết, chỉ có một chuyện nhớ. Nhớ hoài, là bữa hẹn tân niên. Mùa Xuân. Buổi trưa yên ắng. Dưới gốc khế sau vườn nhà nàng. Cũng chỉ vì đôi môi chúm chím, còn ngậm chùm hoa khế làm duyên. Cầm lòng chẳng đậu. Vậy mà lỡ cho lỡ luôn. Nào dè, chưa kịp hoàn hồn, bỗng thấy tiếng chân đi nặng nề. Rồi ông già nàng cầm cái rựa xông tới. Lạ thật, lúc đó trời sập cũng hổng biết chớ đừng nói, vậy mà nàng thấy kịp, vùng đẩy ông bật dậy. Thế là tá hoả, cũng không biết lúc đó làm sao chàng thanh niên có thể nhảy bay qua hàng rào mà về vườn nhà mình. Chuyện đâu dừng ở đó, cái bụng nàng chình ình ra, rồi đám cưới. Đứa con đúc có một lần dính liền là thằng con lớn bây giờ. Bà vợ từ trẻ tới già, vẫn lãng mạn kiểu vườn, ở đâu cũng muốn trồng một cây khế.
        Đời người đàn ông kể cũng lạ. Biết bao người yêu qua đời, nhưng cuối cùng chỉ có một người đàn bà già nua, xấu xí nhứt thì vẫn mặn nồng bên cạnh. Đâu có ai hiểu lòng ông, dù bà còn nắm tro, ông vẫn thương, thương hoài thương huỷ.

        * * *
        Mấy bữa sau hai ông cụ bắt ghế nói chuyện với nhau qua bức tường ngăn vườn. Hai ông đứng ở khoảng tường thấp nhất, còn có bục xi măng chặn luống hoa, nên nhìn thấy mặt nhau.
        "Mấy ngày rồi, tụi có bụng ngóng, hổng thấy bác ra vườn."
        "Tui. Bị bận quá bác ơi, đi lo mấy thứ giấy tờ, rồi còn chích đủ thứ."
        "Phải. Mùa này cúm dữ lắm. Tui cũng chưa đi chích vì thấy tụi nó hổng rảnh, mà cũng... sợ phiền."
        Vậy đó, hồi còn nhỏ nhít, đang ăn chúng nó cũng phẹt phẹt ra, phải bỏ đũa dọn. Đang ngủ, chúng ọc sữa, đái dầm, phải thức giấc lo, khi mọc răng nóng đầu, khóc cả đêm không ai ngủ được, có làm phiền hôn chớ. Nhưng nói ra ngặt lắm, ai nuôi con mà kể công. Ông cụ hồi cũng vậy, nhắc bạn chớ ông cũng đã chích ngừa đâu. Năm ngoái có thằng cháu tới chở đi chích. Năm nay thằng cháu vô trường mới, ở xa, điện thoại hỏi thăm ông ngoại cũng thưa dần, rồi bặt. Hồi đó, ông hay khen có thằng cháu ngoại hiếu để biết thương ông, nay mới mắc cái quai sặc họng.
        "Tui mà đi trước, ông khổ lắm ông biết hôn?"
        Lúc còn sống, bà lo vậy, mà chắc lo cho tới khi nhắm mắt rồi có còn lo không đây. Bữa đám ma bà xong, cả tháng ông không ngủ, ngồi mở mắt trừng trừng. Đâu biết cái bà già ngắt, lẩm cẩm, suốt đời như cái gánh nặng đeo bên hông mà lại quan trọng đối với ông đến vậy.
        "Bác thấy hôn, lật bật mà hết năm tới nơi rồi. Tui bữa nay ra coi lại hệ thống tưới tự động cho tụi nó rồi thôi, tui đi."
        Giật mình. Lời nói như trối trăng. Ở tuổi này còn đi đâu chớ, nếu không phải về dưới? Nhưng ông bạn già nói tiếp:
        "Tui về bển, bác."
        "Bển."
        "Phải. Đứa con gái đầu của tui bịnh nặng mà tụi nó giấu tui. Nghe nói không xong rồi mới báo cho biết. Thằng cháu ngoại gọi điện thoại qua, nghe giọng ông ngoại, khóc quá là khóc."
        "Tội hôn."
        Ông cụ Hồi hơi ân hận trong lòng, thì ra lâu nay, ông hiểu lầm nhiều quá.
        Vẫn ông bạn:
        "Mua vé lâu rồi, đang lo không ai giúp thì bữa có ông bạn già gọi điện thoại tới khoe um sùm là sắp về bển ăn Tết. Tui mới hỏi thăm, dò đường í mà. Thì ra, bây giờ dễ lắm, cứ lật tờ nhật trình ra là có số điện thoại để mình gọi, người ta đem xe đến tận nơi đưa mình đi. Vậy mà tui đi chích cúm, rồi đi chích các thứ thuốc ngừa. Bữa đi họ cũng đưa mình ra phi trường..."
        Ông cụ Hồi buồn tênh. Sáng nào cũng có tờ báo Mỹ liệng trước sân, chính tay ông nhặt tờ báo vô nhà, nhưng chỉ nhìn được mấy tấm hình.
        "Bữa mua vé nhờ thằng con, nhưng cứ nhờ hoài sợ phiền. Bây giờ biết rồi, phẻ quá bác ơi. Để bữa tui đi về, tui với bác biểu xe tới đón tụi mình ra Phước Lộc Thọ chơi, ở đó có mấy lão tướng, đấu với nhau suốt ngày, coi vui lắm."
        "Ừm."
        Cụ Hồi bần thần trong người, vụt miệng nói:
        "Tui mà biết, tui cũng đi với bác. Sao bác hổng nói sớm?"
        "Bác còn ai ở bển mà về chớ. Về bển, hỏi bạn cũ, muốn thăm đều phải ra nghĩa địa, họ nằm hết ở ngoải rồi. Còn đi đường thì sợ xanh mặt, xe cộ hồi đó đã ghê rồi, bi giờ còn ghê hơn, ổng hổng dám ra đường..."
        "Bác về bển cũng cẩn thận."
        Ông cụ Hồi nói cho có chuyện. Ông bạn già gật đầu:
        "Tui cũng biết. Tui đâu có ở thành phố, bác. Về đến là tụi nó rước xuống Cần Thơ, ở dưới với con cháu, cũng hổng muốn đi đâu. Chơi? Có gì mà vui, mà chơi, bác."
        Rồi kể:
        "Nghe lóng này đường phố, xe cộ chạy như mắc cưởi mà người nào người đó đeo khẩu trang, nghĩa là khăn bịt mặt nên đi ra đường là như thấy toàn quân ăn cướp, ghê rợn lắm kìa."
        "Thiệt sao?"
        Ông cụ Hồi không tưởng tượng ra được. Ông bỗng hắt xì liên tục một hơi, nước mắt nước mũi ràn rụa.
        "Thôi chết rồi, bác sắp cúm đó nha. Mặc thật ấm vào. Nhớ đi chích thuốc cúm, nhớ đó nha. Quên là nó vật mình toi củ tỏi luôn."
        Ông cụ Hồi cảm thấy một luồng ớn lạnh chạy khắp thân, rồi dồn ở ngực, bắt muốn ho. Ông ho khục khặc.
        "Vô nhà đi bác ơi. Vô đi. Tui cũng kiếu bác, bác ở lợi ăn Tết vui nhe. Tui còn lo đi một vài việc để về bển."
        "Bác cho tui gửi lời hỏi thăm... hỏi thăm... ắt xì, ắt xì..."
        Ông bạn già còn ráng đứng trên ghế chờ. Ông cụ Hồi hắt hơi xong thì mới chưng hửng. Đâu biết gửi lời thăm ai chớ. Ông lắc đầu:
        "Thôi bác, chúc bác về bển gặp con cháu... vui."
        "Chào. Ráng uống thuốc mau lành, bữa về gặp lợi."
        Ông bạn già sẽ vắng mặt một tháng. Nhưng còn gặp lại nhau không, đó là chuyện của ngày mai, ai biết!

        * * *
        Lúc đầu chỉ vài cái hắt hơi, rồi ho. Ông cụ Hồi mỗi lần ho là gập người xuống, vì vậy, cái lưng càng còng hơn, càng gần mặt đất hơn.
        "Đã nói nhắc con đưa đi chích cúm, hổng chịu nhắc. Bịnh vậy đâu có đi chích được. Chờ qua khỏi, con đưa ba đi chích. Nghe nói năm nay cúm độc lắm."
        Ông cụ Hồi ầm ừ. Bữa sau, chắc con vợ tỉ tê sao đó, thằng con trước khi đi làm dặn:
        "Ba à, ba đang cúm, đừng ở nhà trên nhiều, rồi lây hết cả nhà khổ lắm."
        "Hổng phải tụi bây chích ngừa hết rồi sao?"
        "Chích thì chích, cả trăm thứ cảm cúm, ngừa mấy thứ dữ thôi ba. Còn mấy đứa nhỏ đâu chịu chích, dễ lây lắm ba."
        Đứa con nói đâu có gì sai. Nhưng cứ ru rú ở dưới garage, nằm hoài cũng thấy nhức đầu lắm. Thằng con có mua thuốc đầy đủ, còn dặn:
        "Có cam vợ con mua để sẵn, ba vắt uống nhiều nhiều cho mau khoẻ. Ba nhớ uống thuốc."
        Đứa con dâu, sáng, trước khi đi làm cũng ráng bắc một nồi cháo trắng. Cũng có một nồi thịt kho tiêu. Có sự săn sóc chớ đâu phải không, nhưng tình cảm thì thiếu nhiều lắm, nó nhạt nhẽo làm sao!
        Qua chiều ngày thứ ba thì ông cụ Hồi sốt. Ăn cơm chiều xong, đứa con trai xuống thăm, thấy ông trùm mền kín mít thì hoảng:
        "Ba sao vậy."
        Đứa con lật chăn lên, sờ trán thấy trán cha nóng hổi.
        "Ba có uống thuốc đều không đó. Chắc lúc nhớ lúc quên mới mau nặng vậy. Để sáng mai con đưa ba đi bác sĩ."
        Con dâu và cháu không dám đến gần, sợ lây bệnh. Đứa con sợ cha buồn, bệnh nặng thêm, nên gượng gạo bảo con:
        "Ông nội đau không đứa nào hỏi thăm một tiếng sao? Xuống thăm ông nội ngay."
        Hai đứa cháu mặt mày cau có, đứng lấp ló ở cửa hỏi vọng vô, tiếng Việt bập bẹ:
        "Ông nội, ông nội có khoẻ khôn. Chào ông nội."
        Vậy là biến. Ông cụ Hồi trong cơn sốt gần như mê sảng cũng nghe giọng hai đứa cháu, mừng đến ứa nước mắt.
        Tối đó, hai vợ chồng gây gỗ nhau.
        "Anh một vừa hai phải thôi nhe. Ba bịnh nặng như vậy mà bắt tụi nhỏ xuống thăm. Mai mốt ba lành, muốn thăm nhiêu không được. Cả nhà thi nhau bịnh nằm một đống, khi đó ai thăm hỏi ai cho biết."
        Thằng con thấy vợ nói cũng phải, nhưng trong bụng đang tức. Công việc lu bu gì không đưa cha đi chích thuốc ngừa, lỡ có gì thì ân hận đến chết. Đời sống ở Mỹ này, đứng lại là thụt lùi, là thua kém, là nguy...
        "Em cũng quá lắm, anh thì bận, em chẳng để ý gì đến ba."
        "Nói vậy mà nghe được. Tui cũng đi làm như anh chứ ở nhà đi ra đi vô sao? Còn nữa, chợ búa, cơm nước, làm con sen ở nhà này là ai."
        Thương ông già thì nổi cơn vậy, nhưng vợ lớn tiếng thì cũng phải nhịn. Đến đó thôi. Vừa đủ. Làm tới, nổ lớn.
        "Nói nhỏ tiếng chút được hôn, thôi mình, bỏ qua."
        Anh sợ sấp nhỏ nghe. Hai đứa con đứng về phe mẹ.
        Chiều hôm sau, đứa con dâu đi làm về, chính tay nấu món cháu thịt bò bằm, chính tay bưng xuống cho bố chồng ăn. Chị hỏi thăm, có cười, nhưng nụ cười như mỗi lần phải xã giao, gượng gạo. Ông cụ Hồi đã có vẻ khá hơn, thấy không cần phải đưa đi bác sĩ khám. Anh tự hào với bạn bè là bố anh khoẻ mạnh, tuổi già mà ít làm phiền con cháu. Anh vui vẻ hứa:
        "Vài bữa ba khoẻ con đưa ba đi chích cúm."
        Ông cụ gật đầu, lòng vui, thấy cha con đã gần gũi quá. Nó đâu có gì chớ, có phải lâu nay ông đã hiểu lầm con?
        Tối, ông cụ Hồi uống thuốc xong thì nằm nghỉ. Ông trôi vào giấc ngủ mau lắm, rồi thì có nhiều giấc mơ.
        Giấc mơ đầu tiên, ông theo ông bạn già về Việt Nam. Thình lình thấy đứng trên đường phố có một mình, rồi ông thấy không biết bao nhiêu xe cộ ào ào nhắm ông mà phóng tới, người nào người nấy đều đeo khẩu trang màu đen. Ông la lên: "Cướp, cướp." Đám cướp nhảy xuống xe vây lấy ông, kê súng vào tai ông sẵn sàng bóp cò. Sợ quá, ông van lạy, nhưng xung quanh ông, tiếng cười man rợ cất lên. Ông hoảng hốt tỉnh dậy, mồ hôi toát ra và sự hoảng hốt kéo dài cho tới lúc ông chìm vào giấc ngủ khác...
        Nhiều giấc mơ vụn vặt, nối tiếp không đầu không đuôi, cho tới gần sáng, giấc mơ sau cùng... Giấc mơ kéo ông về thời niên thiếu, cậu học sinh vườn yêu cô gái quê. Ông được sống lại cảm giác ân ái vụng trộm với cô gái vườn bên, cả cái cảm giác hãi hùng, muốn trốn thoát lúc nhảy qua hàng rào ngăn hai nhà lúc bị lộ chuyện. Khi không lại nhớ một chi tiết kỳ cục nhứt lúc đó mà chỉ có hai ông bà già biết, về già còn nhắc nhở... Ông cười nấc lên.
        "Gì mà cười dữ vậy ông"
        Chuyện hồi trai trẻ biến mất. Bà đã đứng bên cạnh. Ông nắm tay bà, vẫn nắm được. Vậy bà đâu đã chết.
        "Tui cười vì nhớ lại cái chiện hồi đó, bữa dưới gốc cây khế."
        "Khỉ. Già mà còn khỉ. Kỳ quá hà."
        Bà vẫn còn bẽn lẽn, đỏ mặt. Khi bà đỏ mặt, những vết nhăn trên má hóp như có mờ bớt đi nên vẫn còn thấy duyên.
        "Cây khế, cây khế có bông chưa. Tui nhớ nó lắm."
        Ông cười:
        "Trùi lũi hà. Làm gì có."
        Tay bà giựt giựt trong tay ông, vẫn còn cái hơi ấm thủa nào.
        "Ông nhớ đó nha, khi nào hoa khế nở, ông hái một chùm đem về dưới cho tui."
        Bà cười. Hàm răng giả của bà đâu rồi mà cái miệng móm mém, trơ lợi, trông hết duyên nhưng hóm hỉnh, ngộ quá.
        Chớp một cái, không thấy bà đâu nữa. Ông ra khỏi giấc mơ.
        Mở mắt, trời mới mờ sáng, nhưng ông không thể ngủ tiếp được. Đầu óc cứ chờn vờn, lảng vảng bao nhiêu chuyện cũ, bao nhiêu kỷ niệm những ngày ở quê hương, từ lúc còn là cậu thiếu niên miệt vườn, cho tới lúc đưa vợ con lên tỉnh thành lập nghiệp. Một đời đủ chuyện, lúc lặng lúc sóng dồn biển dập, long đong cũng không ít. Hai vợ chồng chống chỏi qua bao nhiêu cơn tưởng sạt nghiệp, hoặc tan vỡ gia đình. Lỗi cũng ở ông nhiều, cái số đào hoa, ra đường, người ta gặp, người ta thương, biết sao. Bà ghen tuông cũng dữ, tưởng mấy lần đứt gánh. Tội nghiệp, người thua thiệt, chịu đựng, nhịn nhục vẫn là bà, bởi thương con. Biết bao đêm, ông bỏ nhà đi hoang, một mình bà lủi thủi với đàn con dại, ôm con mà nước mắt ướt mặt mũi. Gái thương chồng đang đông buổi chợ, trai thương vợ nắng quái chiều hôm. Mà nắng đã quái, đã xế đâu còn bao nhiêu, vậy mà bà lại bỏ đi trước.
        Đến giờ đi làm, người con đứng ở cửa, hỏi:
        "Ba sao rồi, thấy đỡ nhiều không?"
        "Đỡ."
        "Có gì ba gọi điện thoại sở con. Số điện thoại con ghi để sẵn bên máy."
        Người con đi sau cùng. Nhà vắng ngắt. Ông thấy đến giờ uống thuốc, nhưng phải ăn chút gì, uống thuốc mà bụng đói nó cào chịu hổng thấu. Nhưng lạ, khi ông đứng dậy thì thấy choáng váng. Ông đưa tay ôm ngực, hai lồng ngực như đang bị xiết lại, trì nặng và nhịp tim đập tới tấp, loạn xạ.
        Ông ngồi xuống giường, định thần lại. Nhưng thần trí ông bỗng lơ mơ. Điều ông muốn nghĩ thì nghĩ không ra, mà những ý nghĩ kỳ cục đâu đâu lại ào ào kéo tới. Cái đầu có vẻ chịu không thấu. Đâu chỉ đầu, cả cái ngực nữa. Có bàn tay ai đang bóp hai lá phổi của ông, kéo luôn mấy sợi gân đang co giật trong chân, trong tay. Phải chặn cái bàn tay quá đáng ấy lại. Ông muốn mà không còn sức làm.
        Một phút nào đó, ông nghĩ tới điện thoại, muốn gọi cho đứa con, nhưng rồi ông quên ngay. Có cái gì đó đang nhẹ nhàng đung đưa, ngay trước mắt ông. Ông nhận ra nó rồi. Chùm hoa khế. Chùm hoa khế, bông nhỏ li ti, điểm nhuỵ vàng. Chùm hoa ấy đang vẫy gọi ông. Có cơn gió xuân làm chùm hoa đung đưa. Có cả tiếng cười khúc khích nữa. Chùm hoa khế. Hoa khế. Đừng giỡn mặt nhe. Ở đó đi. Ông tới.
        Không hiểu sao bằng cách nào ông mở được cửa phòng, mở được cửa sau. Ông nhìn thấy vườn cây xanh mát. Ông đi qua cây nhãn, không dừng lại. Ông đi tới cây khế. Hoa khế nở rồi? Ông nhìn lên. Kìa, núp sau một tàn lá, có chùm hoa cánh tím nhuỵ vàng đang đung đưa. Nó muốn lẩn trốn ông. Cả cái hàng rào cao thế kia, ông còn thừa sức phi thân qua. Làm sao chùm hoa này trốn nổi. Ông vươn người, với tay, mỗi lúc một cao.
        "Tui hái cho bà. Tui hái cho bà."
        Chùm hoa khế đã ở trong tay ông. Lạ thay, cùng lúc đó, ông bỗng thấy mặt ông đang dụi vào mặt đất. Đất. Phải, đó là chỗ của ông. Ông nghe tiếng bà dặn: "Khi nào hoa khế nở, ông nhớ hái một chùm đem về dưới cho tui."
        Bàn tay vẫn thận trọng nắm chặt chùm hoa, ông tiếp tục thì thầm: "Tui hái cho bà. Tui hái cho bà."
        Chùm hoa tím ngát... nhoà dần trong mắt ông.

        * * *
        Buổi trưa, người con trai cụ Hồi không biết có linh tính gì, đang giờ ăn trưa, bỏ về nhà. Anh ta canh cánh trong lòng, hình như buổi sáng đi chưa tắt máy hít. Đến tối mịt cả nhà mới về, ông già bịnh, đôi khi không biết để tắt, hao điện lắm.
        Về tới, máy hít đã tắt rồi, không biết do anh hay bà vợ trước khi đi làm. Anh tính khoá cửa đi, nhưng nghĩ giờ đi ăn, tới sở sẽ trễ, anh xuống bếp. Bếp ngắt lạnh tanh, nồi cháo vẫn y nguyê, chứng tỏ ông già chưa đụng tới. Anh đi xuống garage định hỏi ông già có ăn không để cùng ăn. Đây cũng là dịp anh bày tỏ nỗi lòng để cha con gần nhau trở lại. Không biết từ bao giờ, anh nghĩ lại, thương cha, hay chính mới đây, lúc sờ lên đầu cha sốt, trong hơi bốc nóng, lẫn một cái mùi già, ngái ngái như mùi lá vàng sắp rụng.
        Anh không thấy ông già trong phòng. Anh đi tìm một vòng, cũng không thấy. Kỳ lạ chưa? Liệu có... Không đâu, ông cụ đã qua cơn sốt, có nhiều phần khoẻ lại, lẽ nào...
        Nhìn cửa ra vườn thấy mở toang hoang. Anh vội vã ra tìm. Vườn mùa đông, cây lá trơ trụi. Tới gốc khế, anh thấy cha anh nằm sóng soài, mắt mở trừng, một tay nắm cái gì thật chặt.
        Người con quỳ bên xác cha. Anh khóc. Rồi anh gọi 911. Lát sau xe cứu thương tới, có bác sĩ khám nghiệm, xác nhận ông già đã tắt thở mấy tiếng đồng hồ rồi, vì đứt mạch máu não, xuất huyết trong đầu. Khi mở bàn tay nắm chặt của ông ra coi, thì chỉ là một cành cây khô khốc, khẳng khiu, không ai hiểu tại sao!
        Sau đám tang cụ Hồi, cái garaga được sửa lại đủ cho ba xe đậu. Từ nay, chiếc xe của thằng cháu nội có mái nhà, không phải đậu ngoài lề đường để chim nó iả dơ hầy nữa.
        Tháng sau ông bạn già hàng xóm đi Việt Nam về, nhìn sang vườn bên. Không thấy ông bạn hơn hở bắt cái ghế lên để nhìn mặt nhau. Ông hỏi thăm, biết ông cụ Hồi đã chết, khi chết nằm dưới gốc cây khế.
        Ông cụ thở dài, nhớ bạn. Nhớ ông cụ Hồi có lần chỉ cây khế: "Bởi, đi đâu bả cũng trồng cây khế, bả mê hoa khế lắm kìa. Mê như mê tui." Đó là lần ông được ông cụ Hồi vui miệng, khoe thành tích chuyện tình thời trai trẻ miệt vườn.
        Năm đó, cây khế ra hoa chi chít, từng chùm bông khế tím sậm, lấn cả lá. Có điều, hoa thì nhiều mà không đậu trái nào. Ông bạn già hàng xóm còn lại cũng hẩm hiu lắm, đôi khi ông tự hỏi, lẽ nào ông cụ Hồi đã hái hết chừng đó hoa khế mang xuống dưới cho bà.

        Nguồn: Đặc Trưng


        #4
          Ct.Ly 06.06.2005 21:56:40 (permalink)
          #5
            Chuyển nhanh đến:

            Thống kê hiện tại

            Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
            Kiểu:
            2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9