Hàn Lệ Nhân
-
Số bài
:
97
-
Điểm thưởng
:
0
- Từ: 04.11.2005
|
RE: Chữ Việt Tình Tôi
-
05.11.2009 02:22:25
Chữ Việt tình tôi [4] Hàn Lệ Nhân Phần 2.3 1. Chữ Việt la tinh trước thời Đắc Lộ : 1618-1645 (B) - Giáo sĩ Antoine / António de Barbosa (1594-1639) Tài liệu về tiểu sử của giáo sĩ António de Barbosa rất vắn tắt. Trong cuốn Tiểu sử toàn cầu: cũ và mới (hiện đại) / Bibliographie universelle: ancienne et moderne Volume 3 ghi: "António de Barbosa sinh năm 1594 tại Villa de Arrifana de Souza (Bồ Đào Nha). Gia nhập Dòng Tên năm 1624, đến miền Nam (Cochichine) năm 1629". Tôi chưa tìm ra tài liệu nói về các hoạt động của giáo sĩ de Barbosa giai đoạn 1629-1634 ở miền Nam (Đàng Trong). Chỉ biết vào những năm 1634-1635 ông ở đất Bắc. Trong cuốn "Lịch sử miền Bắc / Histoire du royaume de Tonkin”, giáo sĩ Alexandre de Rhodes viết về đồng sự António de Barbosa như sau: 1. "Sau khi đã tận lực làm việc, ông lâm chứng sốt nặng, làm cho thân thể hao mòn, song tinh thần vẫn minh mẫn sáng suốt, ông vẫn chú trọng tới công việc như trước. Bề trên liền cho ông đi đổi không khí và nghỉ ít lâu…." tức trở về trung tâm Ma Cao, sau đó ông đi Goa. Ít lâu sau ông qua đời tại đây năm 1639, "để lại cho chúng tôi nỗi nhớ thương và một tấm gương sáng lạn đời ông". (Nguyễn Khắc Xuyên, sđd Đại Học Đà lạt 1962-1964, tr 73) 2. "Cha Antôn Barbosa cũng vất vả mà không được may mắn trong vùng truyền giáo này, bởi vì sau khi đã hoạt động bốn hay năm năm một cách rất can đảm và quá sức của ngài thì ngài bị sốt cách nhật làm cho ngài kiệt lực tuy không giảm bớt tinh thần để ngài vẫn tiếp tục làm các việc như trước, những việc mà ngài chỉ rời bỏ khi rời bỏ sự sống. Các bề trên đã lấy quyền rút ngài ra khỏi vùng truyền giáo và những việc làm cho ngài đau yếu để cố gắng chăm sóc ngài trong một môi trường khác và trong sự tĩnh dưỡng. Nhưng cho dầu có thuốc thang để chữa chạy, cơn sốt vẫn phá hoại một chút sức khoẻ còn lại và trong ít năm đã chấm dứt công phúc của một đời người hao mòn vì vinh quang Thiên Chúa và vì công ích. Bây giờ Thiên Chúa cho linh hồn ngài hưởng nơi thiên quốc. (Nguyễn Khắc Xuyên dịch nguyên văn, HLN đã kiểm chứng: "Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài / Histoire du royaume de Tonkin", chương 45, trang 8. Nguồn: lichsuvn.info) Trong văn kiện Công Thức Thánh Tẩy năm 1645, dưới tên António de Barbosa có ghi: "Peritus linguae", nghĩa là (người) "thông thạo ngôn ngữ". Peritus (tiếng la tinh có nghĩa "hiền triết", "thông thạo", "uyên bác") là một danh vị mà Giáo Hội Công Giáo ban cho các nhà thần học đảm trách chức vụ cố vấn, nhân một Hội nghị giám mục vạn quốc / Peritus (terme latin signifiant «sage», «expert», «érudit») est le titre donné dans l'Église catholique aux théologiens qui font office de consultants lors d'un Concile œcuménique. Nguồn: Wikipedia. Về bản thảo cuốn Tự Điển Việt-Bồ của António de Barbosa, chúng ta sẽ nhắc lại trong phần nói về giáo sĩ A. de Rhodes. - Giáo sĩ Gaspar d’Amaral (1592-1646) Giáo sĩ dòng Tên Gaspar d'Amaral sinh năm 1592 tại Curvaceira (Viseu, Bồ Đào Nha). Từ 1608-1622, ông dạy văn, triết và thần học ở mấy tỉnh như Braga, Coimbra và Evora. Năm 1623, ông được phái qua Nhật bản. Năm 1631 ông theo thương thuyền của người Bồ vào xứ Bắc, rồi ở lại hẳn và làm trưởng giáo đoàn. Giáo sĩ A. de Rhodes ghi về giáo sĩ G. d'Amaral: 1. "Cha Gaspar d'Amaral vừa tới với chúng tôi. Ngài thạo phong tục và đặc tánh của người miền này, nên Bề trên quý ngài lắm. Ngài mong truyền giáo tại Nhật, nhưng thường xuyên bị cản trở, ngài đã thông thạo tiếng Nhật, song việc giảng tại Nhật thì vẫn chưa tới…". (Nguyễn Khắc Xuyên lược dịch, sđd ĐH Đà Lạt 1962-1964, tr 74). 2. "…cha Gaspar d’Amaral cũng vừa cùng về với chúng tôi, cha đã thành thạo về phong tục và năng khiếu của những người xứ đó, nên bề trên chỉ định ngài đi. Trước đây cha có ý hướng đi vùng truyền giáo Nhật Bản, đã rất tinh thông tiếng Nhật và đã mấy lần xuống tàu đi tới nhưng vô ích, cha luôn luôn bị ngăn cản bởi một bí ẩn nào đó của Thiên Chúa quan phòng dành một thợ rất tốt cho khu truyền giáo Đàng Ngoài." (Nguyễn Khắc Xuyên dịch nguyên văn, HLN đã kiểm chứng: "Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài", chương 37, trang 7. Nguồn: lichsuvn.info) Còn trong sách "Hành trình và Truyền giáo / Divers voyages et missions" thì ghi năm 1629 giáo sĩ Gaspar d'Amaral có theo tàu Bồ cập bến Nghệ An, song phải rút lui ngay vì tình hình không cho phép. Mãi tới ngày 18 tháng 2 năm 1631 ông mới bỏ Ma Cao đến Kẻ Chợ (Hà Nội bây giờ) nhằm đúng ngày thi Hội 15 tháng 3 năm 1631, thời chúa Trịnh Tráng (1623-1657). Ngoài việc thuyết giảng ở Đàng Ngoài, giáo sĩ Gaspar d'Amaral còn chủ trương mở đường truyền giáo sang tận xứ Lào. Năm 1634, ông phái hai thầy giảng người Việt là Thomas và André qua Lào. Hai người này mang theo một bức thư của d'Amaral kèm một bức hình đức Chúa Giêsu rất đẹp làm quà ra mắt vua Lào. Vua Lào rất hài lòng, nhận bức hình Chúa, giữ một người ở lại, và phái người kia trở về Đàng Ngoài để đưa d'Amaral sang, nhưng việc không thành. (Nguyễn Khắc Xuyên, sđd ĐH Đà Lạt 1962-1964, tr 74). Năm 1638, Gaspar d'Amaral được gọi về trung tâm Ma Cao. Mãi đến năm 1646, từ Ma Cao / Áo Môn, ông theo thương thuyền Bồ trở lại Đàng Ngoài, nhưng không may thuyền chìm ở Hải Nam, ông chết đuối ngày 23/12/1646, được an táng tại Tam Xuyên. Mộ ngài có đặt tấm bia ghi tên tuổi bằng chữ La tinh và chữ Hán (lược theo Lm Nguyễn Khắc Xuyên, sđd tr 75 ). Tác giả Đỗ Quang Chính ghi là 1645. Xem thêm nhiều chi tiết về tiểu sử của Gaspar d'Amaral trong bài của Lm Đổ Quang Chính. Trong văn kiện Công Thức Thánh Tẩy năm 1645, dưới tên Gaspar d'Amaral có ghi: "Peritissimus linguae", nghĩa là (người) "uyên bác về ngôn ngữ" hay "rất thông thạo ngôn ngữ). Nội dung Công Thức Thánh Tẩy 1645 là gì, sẽ được nói rõ hơn trong phần ôn gẫm lại đoạn Roland Jacques nghiên cứu về A. de Rhodes. Bản thảo cuốn Tự Điển Bồ-Việt của Gaspar d'Amaral cũng sẽ được nhắc tới trong phần nói về Alexandre de Rhodes. 2. Thời Alexandre de Rhodes (1591-1660) (1651 : giai đoạn hình thành) Tài liệu về tiểu sử của Alexandre de Rhodes vốn chi li, dồi dào hơn hẳn các vị giáo sĩ thừa sai cùng thời khác, chỉ việc gõ tên ông trong Google.com là có đầy đủ trong nhiều thứ tiếng. Trong tiết này, tôi chọn mấy điểm tiểu sử đáng lưu ý cho bài ôn học sử Chữ nước ta của tôi: Đặc biệt trên Net tiếng Việt mấy năm qua, A. de Rhodes là tầm ngắm của nhiều nhận định trái chiều - lắm nhận định vu vơ, thậm chí lu loa khiếm nhã (2) làm đỏ mặt một hậu sinh ôn sử như tôi; những nhận định không có lấy một "hình"-chứng-phản-biện-không-có-không-được đối với thời đại @ này, hơn nữa, bất chấp thủ đoạn; nhưng nhìn chung, chủ ý không ngoài mục đích tùy thích phán quyết hơn-thua, tùy tiện nẹng (tiếng Nghệ Tĩnh = so bì ganh tị) công nhiều, công ít trong việc hình thành (tôi nói hình thành (se former/to take shape) chứ không nói hoàn thành (achever/to finish) cái nhân của "phát minh kỳ diệu". A. de Rhodes (Đắc Lộ) sinh ngày 15 tháng 3 năm 1591 tại Avignon (Pháp), bấy giờ còn là thuộc đất của Giáo Quyền La Mã. Vào Dòng Tên năm 1612 và được qua Rôma gia nhập nhà tập ở Viện Saint André, đồi Quirinal. Ngoài các môn chính trong tu học viện, ông trau dồi thêm các cổ ngữ (La tinh, Hy lạp, Do thái). Đến Lisboa / Lisbonne tháng 10 năm 1618, học thêm tiếng Bồ Đào Nha trong lúc chờ ngày lên đường qua Nhật. Đến Goa (Ấn Độ) năm 1919, bắt đầu học thổ ngữ Canarine. "Về phương pháp truyền giáo, chúng ta cũng thấy ông tỏ ra phản đối đường lối của nhiều người Bồ: khi người nào theo đạo thì bị bắt bỏ các tập tục và có khi cả ngôn ngữ, văn hoá riêng của họ: A. de Rhodes chủ trương một công cuộc Thích nghi (Convenção) hơn là Tiêu thổ (Tabula rasa)." (Nguyễn Khắc Xuyên, sđd, tr 91. Chữ nghiêng là do tôi. HLN ghi thêm: Mãi sau này, người mình dùng 4 chữ "Hội nhập văn hoá" thay thế cho 2 chữ "Thích nghi"). Hơn hai năm sau, từ Goa ông tới Ma Cao (Trung hoa) tháng 5 năm 1623. Lần thứ nhất, tuy ở Ma Cao không lâu nhưng A. de Rhodes đã có nhận xét về phong tục, ngôn ngữ và văn tự của người Tàu trong "Hành trình và truyền giáo / Divers voyages et Missions): "Phong tục của người Tàu quá chú trọng đến chữ Lễ, thành ra như giả dối. Riêng phần chữ viết thì thật là cả một kho bí mật (cùng nhận định với C. Borri, đã nói qua): mỗi vật, mỗi ý đều có một chữ riêng, hoàn toàn khác nhau, cho nên có tới 8 vạn". "Người Tàu rất ngạc nhiên khi nhìn thấy bản đồ chúng tôi vẽ. Trung quốc vĩ đại của họ chỉ còn là chấm nhỏ trong vũ trụ, trái đất mênh mông. Trái lại, nơi bản đồ trái đất hình vuông do họ vẽ, Trung quốc nằm chính giữa, đúng như tên gọi (Trung quốc: nước ở giữa). Sau đó, họ vẽ biển nằm bên dưới Trung quốc, trong đó rải rác mấy đảo nhỏ, và họ ghi tên: Châu Âu, Châu Phi và Nhật Bản...". Hình như ông không bắt đầu học ngay chữ Hán, song chắc chắn đã học tiếng Nhật, vì ông đã được chỉ định đến đấy hoạt động. Xin nhắc lại, Nhật Bản chủ trương đóng cửa và cấm đạo Kitô từ năm 1614, thời Tokugawa Hidetada –1579-1632, do đó Dòng Tên mới nghĩ tới địa bàn mới là Việt Nam, chuyển dần các giáo sĩ thừa sai qua từ năm 1615. Từ Ma Cao, de Rhodes cập bến Thuận An (Hội An / Hải phố) cuối năm 1924, gặp Francesco de Pina, người "đã thông thạo tiếng Việt, đến nỗi có thể giảng trực tiếp cho dân chúng mà không cần phải dùng tới thông dịch viên như Francesco Buzomi và mấy vị khác." (Giáo sĩ Buzomi sẽ được nhắc lại khi tôi ôn bài của Roland Jacques). De Rhodes tỏ ra khâm phục de Pina và vào trường ông này học tiếng Việt. Ngay buổi đầu de Rhodes đã có những nhận xét khá tinh vi về Việt ngữ. Ông thấy trong tiếng Việt, có nhiều cung giọng bổng trầm, cho nên khi người ta nói, nhất là phụ nữ, ông nghe như…hát, "như thể tiếng chim líu lo". Ông cũng có cảm tưởng như không khi nào ông có thể thâu thái chu đáo được thứ tiếng độc vận và đa nghĩa này, bởi vì một chữ như chữ "Dai" (chữ ghi trong sách) có tới "hai mươi ba" nghĩa. Sau sáu tháng học với thầy Francesco de Pina, de Rhodes ghi lại trong sách đã dẫn về việc học tiếng việt của ông: "Một thanh niên trong xứ, chỉ trong ba tuần lễ đã dạy tôi đủ hết các cung giọng của tiếng Việt, và cách đọc của tất cả các tiếng. Cậu ấy không hiểu tiếng tôi, và tôi cũng chẳng hiểu tiếng cậu ấy, nhưng cậu thông minh đến nỗi tự nhiên hiểu được hết các điều tôi muốn nói, và thật sự, cũng trong ba tuần lễ ấy, cậu đã học đọc được các thư của chúng tôi, lại còn viết được tiếng Pháp, và giúp được lễ bằng tiếng La tinh." (sđd, tr 88-89). Năm 1625 (năm Francesco de Pina qua đời), chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên ra sắc lệnh cấm đạo Kitô lần đầu, nhưng nhờ sự can thiệp của trấn thủ Quảng Nam lúc bấy giờ là thế tử Nguyễn Phúc Kỳ (?-1631, con chúa Sãi), các giáo sĩ mới được tự do hoạt động. Trong khi đó, ở Đàng Ngoài đang cần những người hiểu biết tiếng Việt, Bề trên ở Ma Cao liền để ý tới de Rhodes, nhưng để tránh sự hiềm nghi (giữa hai nhà Trịnh và Nguyễn), bèn cho gọi de Rhodes về Ma Cao (tháng 7 năm 1626), để rồi từ đó theo thương thuyền quay trở lại, cập bến Cửa Bạng thuộc Thanh Hoá (Đàng Ngoài), ngày 19 tháng 3 năm 1927. De Rhodes và các thương gia Bồ ra mắt chúa Trịnh Tráng lần đầu,"ngoài những phẩm vật khác, tôi (AdR) dâng chúa một đồng hồ có bánh xe và một đồng hồ cát, nhưng chúa không ngó tới vì còn mải sửa soạn cuộc hành quân chống chúa Đàng Trong"; lần thứ hai, "khi chúa bại trận nặng nề trở về thì chúng tôi ra mắt, dâng chúa một cuốn sách về toán học, bià nạm chữ vàng, in bằng chữ Hán". Từ đó, de Rhodes và các đồng sự được chúa Trịnh dành cho nhiều ưu đãi. "Nhưng rồi cơn giông tố đã nổi lên. Vì nghe theo lời những vu cáo và xiểm nịnh, chúa đã ra sắc lệnh cấm de Rhodes không được giảng đạo và trục xuất ông nữa", đó là vào tháng 5 năm 1930. De Rhodes trở về Ma Cao, làm giáo sư dạy thần học tại học viện của Tỉnh (!) Dòng, nhưng trong thời gian dài ở đây, De Rhodes vẫn "chuyên chú soạn thảo những sách bằng tiếng Việt mà ông đã khởi công khi ở Việt Nam. Lúc này, ông có thời giờ hơn, dễ suy nghĩ và sắp xếp hơn. Hơn thế nữa, ông vẫn còn nuôi hy vọng trở lại đất Việt"(1). Sau mười năm ở Ma Cao, de Rhodes trở lại miền Nam nhằm lúc chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan (1635-1648) đã ra lệnh cấm đạo, nên chẳng còn giáo sĩ nào nữa. De Rhodes bị trục xuất khỏi nước ta lần thứ hai nhằm ngày 2 tháng 7 năm 1641. Tháng 3 năm 1644 ông lại tới Quảng Nam, nhưng lần này "lệnh trên tuyệt đối trục xuất ông và ông đã vĩnh biệt xứ này ngày 3 tháng 7 năm 1645: Ra đi song "lòng trí ông lúc nào cũng hướng về Đất Bắc cũng như miền Nam". ["Theo lời yêu cầu của Bề trên Dòng Tên ở Áo Môn, ngày 20-12-1645 Rhodes đáp tàu về Roma, để trình bày với Bề trên Cả Dòng Tên về tình hình Tỉnh Dòng Nhật Bản, với Tòa thánh về thực trạng Giáo hội Việt Nam. Đường về Roma đối với Rhodes còn nguy hiểm gian nan hơn cả những chuyến vượt biển trước đây, bởi vừa lâu dài, vừa bị người Hà Lan bắt giam, gần 3 tháng ở Jakarta vì dám dâng Thánh lễ ở đây là nơi do người Hà Lan theo đạo Tin Lành cai quản. Ngày 27-6-1649 mới “vác xác” (2) về tới “Kinh thành muôn thuở” sau một cuộc hành trình 3 năm 6 tháng!"](LINH MỤC DÒNG TÊN ĐỖ QUANG CHÍNH: "Nhà thừa sai Alexandre de Rhodes từ trần", nguồn: Dũng Lạc.org). De Rhodes trở lại Rôma vận động việc truyền giáo tại nước ta, nhưng thất bại ; ông bèn qua Pháp năm 1652, vì ở đây người ta cũng đã bắt đầu nghĩ tới thành lập Hội Truyền Giáo Ngoại Quốc Paris (Missions Etrangères de Paris - MEP). ["Nhưng, khốn thay (2), chính Đức thánh cha Innocens XI lúc đó lại không muốn cho người Pháp giữ trọng trách này, còn vua Bồ Đào Nha thì cực lực phản đối, lại còn dọa, nếu Tòa thánh cử người Pháp vào sứ vụ này, đế quốc rộng lớn Bồ Đào Nha sẽ không vâng phục Tòa thánh nữa. Sợ ! Đức thánh cha liền yêu cầu cha Bề trên Cả Dòng Tên Goswinus Nickel chuyển Rhodes đi khỏi Pháp." "Đưa cha Rhodes đi làm việc ở đâu bây giờ? Chẳng rõ cha G. Nickel có phải nát óc vì vụ này không. Chỉ biết, Bề trên Cả không trả Rhodes trở lại cho Tỉnh Dòng Tên Nhật Bản, lại cũng chẳng phái đi một nơi nào dễ dàng cho ông hơn, nhưng “tống ngay đi” (2) một vùng chẳng thuận tiện: Ba Tư! Ôi, cái vương quốc huyền bí một ngàn một đêm lẻ!!! Toàn là Hồi giáo (hiện nay nước Iran – trước đây gọi là Ba Tư – rộng 1.650.000 km2, dân số 56 triệu, nhưng chỉ có 13.000 người Công giáo, ngoài ra 93% theo Hồi giáo phái Si-it)"] (đổ quang chính sj, như trên) ! ! ! Giáo sĩ Dòng Tên Alexandre de Rhodes phụng vụ đi Perse (Ba Tư-Iran) ngày 16 tháng 11 năm 1654. Và qua đời tại miệt Ispahan của xứ này ngày 5 tháng 11 năm 1660. Về ngôn ngữ, giáo sĩ A. de Rhodes đáng được gọi là Polyglotte (nói viết được nhiều thứ tiếng), Linh mục Nguyễn Khắc Xuyên ghi: "Tính ra Đắc Lộ đã biết những thứ tiếng: - Cổ ngữ: La tinh, Hy lạp và Do Thái - Sinh ngữ: Provençal, Pháp, Ý, Bồ và Tây Ban Nha - Sinh ngữ Á đông: Canarine (Ấn), Nhật, Việt, Hoa, Ba Tư". Ở đây, tôi chia làm hai tiết: 1. Ôn lại mấy bài trên Net của đỗ quang chính (2) so sánh trình độ chữ Việt giữa giáo sĩ Gaspar d'Amaral và giáo sĩ Alexandre de Rhodes. A. Trong bài "Trình độ chữ quốc ngữ của LM Đắc Lộ năm 1625-1644", đỗ quang chính có nhắc tới bản phúc trình của giáo sĩ Gaspar Luis viết tại Nước Mặn ngày 01/01/1626 với mấy địa danh ở nước ta, trích nguyên văn: ["Dinh Cham, Cacham: Dinh Chàm, Kẻ Chàm, "Residencia Dinh Cham vulgô Cacham"(Cơ sở Dinh Chàm bình dân gọi là ca Chàm Kẻ Chàm) Nuocman, Quanghia, Quinhin: Nước Mặn, Quảng Nghĩa, Qui Nhơn. Bôdê: Bồ Đề. Unghe chieu: Ông Nghè Chiêu, “Alius hoc anno mandarinus ad Ecclesiam ascriptus est, patrio nomine Unghe chieu, christiano Ignatius” (Năm nay một viên quan tên là Ông Nghè Chiêu đã gia nhập Giáo hội có tên thánh là Y Nhã.)"] Tôi (HLN) đếm: Có đúng bảy (7) chữ. Nghĩa là đỗ quang chính không biết Gaspar Luis đã phiên âm mười (10) chữ từ năm 1621. Tôi nói là phiên âm – Transcription, chứ không nói phiên thanh – Translitération phonétique / Transtonalité, sẽ giải thích khi ôn bài của R. Jacques: 01. Unque (ông nghè) trang 122, 125, 131; 02. Cacian (Kẻ Chàm) trang 126 ; 03. Noücman (Nước Mặn) trang 126, tr 132; 04. Facfo (Faïfo) trang 127; 05. Taifo (Faïfo) trang 129; 06. Turon (Tourane, Thuận An) trang 130; 07. Focisays (Phật Sư Sãi) trang 131; 08. Ontrum (ông Trùm) trang 133; 09. Zegro (???) trang 135; 10. Barro (có lẽ là Bàn Cổ vì trong bức thư viết:"Ông ấy nói rằng: vũ trụ bắt nguồn do một vị khổng lồ cao lớn khôn lường, tên là Barro (Bàn Cổ)" trang 136. Tiếp theo đỗ quang chính đưa ra ["phúc trình bằng chữ Bồ Đào Nha linh mục Antonio de Fontes viết tại Hải Phố ngày 1.1.1626, mà người nhận thư cũng là linh mục M. Vitelleschi. Chúng ta thử trích ra mấy chữ Việt trong tài liệu này: Dĩgcham: Dinh Chàm. Onghe Chieu: Ông Nghè Chiêu Nhít la Khấu, Khấu la nhít: Nhất là không, không là nhất."] Đỗ quang chính bình, nguyên văn: ["Qua hai tài liệu trên đây, xem ra hai tác giả đã chú ý đến việc ghi tiếng Việt sang mẫu tự abc, khác với thái độ có vẻ "hững hờ" của linh mục Đắc Lộ trong thư 1625. Thực ra, bởi vì bức thư của ông vắn, hơn nữa ông mới tới Việt Nam được sáu tháng, còn hai linh mục kia đã ở đây được một năm, tính đến ngày các ông viết mấy phúc trình trên."] Tôi ôn: Như tôi đã nói qua trong phần 2.2, các giáo sĩ trên kia bắt buộc phải ghi mớ chữ này ra vần abc theo "âm vận riêng của tiếng quốc âm mình"(Phạm Quỳnh), vì hoặc toàn là địa danh, hoặc là đặc danh rất Việt: Họ không có phương pháp nào khác để cho Bề trên của họ hiểu đại khái, nhất là các đặc danh rất Việt, do đó họ phải giải thích thêm bằng tiếng Bồ, tiếng Ý… Hơn nữa, các giáo sĩ kia chỉ mới vô thức phiên Âm, chứ đã biết "chú ý" phiên Thanh đâu, bởi các nguyên âm có dấu trong các bản tường trình là do đã có sẵn trong bộ chữ Âu châu từ trước. Và điểm đáng chú ý nhất: Các vị giáo sĩ này hoàn toàn viết Dính liền các địa danh và đặc danh Việt, đáng lý phải viết Rời, vì tiếng nước ta thuộc ngôn ngữ cách thể, đọc vận. Tôi nghĩ, chỉ có Việt Nam ta, sau hơn ngàn năm cởi bỏ cái ách Bắc, hơn nửa thế kỷ đá văng cái tròng Tây, vẫn chưa dứt được cái căn lậm niêu thịt kho Tàu, mới sính dịch tả tục danh, địa danh của người ta, chứ xứ khác họ hơi đâu làm ba cái chuyện "duy ý chí" thế. Tôi xin hỏi: Vậy chứ có mấy cô, mấy cậu 7x, 8x nằm lòng, ví dụ: Mạnh Ức Tư Cưu, Lư Thoa, Lã Phụng Tiên, Ngưu Đốn…; và hiện đại hơn, ví dụ: A l'intérieur du fleuve / Inside of the river, Hameau de lune / Moon's hamlet, Ville du renard très éclairé / Very enlightened fox's city … là cái chi chi ? Xin miễn ôn về hai chữ "hững hờ" mà đỗ quang chính đã đặc biệt dành cho giáo sĩ A. de Rhodes. Tôi cũng chẳng thấy trong những bài viết đã đăng trên Net của đỗ quang chính nhắc tới bảy mươi lăm (75) chữ phiên âm của Chritoforo Borri từ năm 1622, tôi đã đưa hình ra trong phần 2.2. Cũng như tôi chẳng cần ghi ra đây làm chi 37 chữ phiên âm của A. de Rhodes do chính đỗ quang chính đưa chữ ra trong bài, vì theo tôi, Gaspar Luis, Antonio de Fontes, kể cả Christoforo Borri chưa xứng là "đối thủ" của A. de Rhodes. "Đối thủ" khả dĩ nẹng công về chữ Việt của A. de Rhode, theo tôi hiểu ý của đỗ quang chính, chỉ có duy nhất 1 Gaspar d'Amaral trong bài dưới đây của ông: B. "Linh mục Gaspar d'Amaral viết chữ quốc ngữ mới" 1. Tài liệu viết năm 1632 Đỗ quang chính viết, nguyên văn: ["Tài liệu này Gaspar d’Amaral viết bằng chữ Bồ Đào Nha tại Kẻ Chợ (Thăng Long) ngày 31-12-1632, nhan đề: Annua do reino de Annam do anno de 1632, pera o Pe André Palmeiro da Compa de Jesu, Visitador das Provincias de Japan, e China (bản tường trình hàng năm về nước Annam năm 1632, gởi cha André Palmeiro, dòng Tên, giám sát các tỉnh Nhật và Trung Hoa). Tài liệu này hiện lưu trữ tại Văn khố dòng Tên ở La mã. [Mã số ra sao, bây giờ "người lương dân" làm thế nào xin vào làm photocopy kiểm chứng?- HLN]. Tài liệu dài 48 tờ rưỡi tức 97 trang giấy, viết trong khổ 13*21cm. Từ trang 125r đến 160v viết chữ lớn và thưa, nhưng từ trang 161r đến hết tức trang 174r, chữ viết nhỏ lại và dầy đặc hơn, mặc dầu cùng trong khổ 13*21cm. Nội dung bản tường trình chia ra: 12 trang đầu viết tổng quát về địa dư, chính trị Đàng Ngoài, còn 85 trang tiếp theo viết về tình hình giáo đoàn thủ đô và các tỉnh. Bản tài liệu mà chúng tôi có trong tay không phải hoàn toàn do Gaspar d’Amaral viết, cũng không phải là chính bản gốc gởi cho linh mục Anrê Palmeiro. Nhưng đây là bản đã được Gaspar d’Amaral nhờ một người khác sao lại bản gốc, để ông gửi cho linh mục Antonio d’Amaral ở Bồ Đào Nha. Tuy nhiên, bản văn này vẫn có nhiều giá trị và coi như chính Gaspar d’Amaral viết; bởi vì chính ông đã ký tên vào bản sao chép này; hơn nữa, chính ông đã dùng bút sửa lại bên lề trang giấy, những chữ mà người sao chép không làm đúng, kể cả những chữ quốc ngữ mới, ví dụ: thíc ca, sãy, soi, bên bồ đề, chuá bàng, bút, iền, chað, cữa đáy v.v…. Hầu hết trang nào Gaspar d’Amaral cũng sửa lại mấy chữ. Như thế chứng tỏ tác giả đã đọc kỹ bản sao và muốn cho nó phải đúng ý của ông. Vậy, chúng ta phải coi bản này như chính Gaspar d’Amaral viết."] (cả 3 đoạn gồm 342 chữ trên kia, thời buổi @ này chỉ cần 1 phóng ảnh tài liệu đó là xong, là "được lòng tin tuyệt đối của đạo dân cùng lương dân" ngay). Đây là chín mươi ba (93) chữ Việt phiên âm G. d'Amaral năm 1632 trong bài của đổ quang chính:  2. Đây là mười sáu (16) chữ phiên âm G. d'Amaral năm 1637 trong bài viết của đổ quang chính: Tổng cọng gồm một trăm lẻ chín (109) chữ, viết rời rạc đó đây trong hai xấp điều trần cách nhau 5 năm. Đỗ quang chính bình, nguyên văn: ["Sau khi nhìn vào cách ghi chữ quốc ngữ mới của linh mục Gaspar d’Amaral năm 1632 và 1637, chúng ta thấy được năm 1637 ông đã ghi giỏi hơn năm 1632. Trong số 16 danh từ Việt Nam ở tài liệu 1637, thì tới một nửa đã viết khá hơn trước đó 5 năm. Nếu chúng ta so sánh cách ghi chữ quốc ngữ mới của Gaspar d’Amaral và Đắc Lộ, ta thấy ngay từ năm 1632, d’Amaral đã ghi rành hơn Đắc Lộ năm 1636 (chúng tôi đã trình bày tài liệu viết tay của Đắc Lộ năm 1636). Nếu so sánh thời gian có mặt ở Việt Nam tính đến năm 1632, thì Gaspar d’Amaral mới ở được 28 tháng rưỡi (ở Đàng Ngoài từ tháng 10-1629 đến tháng 5-1630 và từ trung tuần tháng 3-1631 đến hết tháng 12-1632), còn Đắc Lộ đã ở được 57 tháng (ở Đàng Trong từ tháng 12-1624 đến 7-1626, và ở Đàng Ngoài từ tháng 3-1627 đến 5-1630). Quả thật, Gaspar d’Amaral tuy mới ở Đàng Ngoài 28 tháng rưỡi mà đã viết khá hơn Đắc Lộ nhiều. Hơn nữa, trong bản tường trình 1632, d’Amaral đã chen vào nhiều chữ quốc ngữ mới, mặc dầu vấn đề bị giới hạn, còn bản văn Đắc Lộ viết năm 1636 (Tunchinensis Historiae libri duo) viết dài hơn và chứa đựng nhiều vấn đề xã hội Đàng Ngoài hơn, thế mà lại ít chữ quốc ngữ mới hơn. Do điểm này, có lẽ chúng ta dám đưa ra nhận xét khác là, vào năm 1636, Đắc Lộ chưa ý thức đủ tầm quan trọng chữ quốc ngữ mới bằng Gaspar d’Amaral vào năm 1632. Chúng ta cũng còn dám chắc d’Amaral giỏi hơn Đắc Lộ, nhờ bằng chứng rõ rệt là, Gaspar d’Amaral đã soạn thảo cuốn tự điển Việt-Bồ-La: Diccionário anamita-português-latim13 trước khi Đắc Lộ soạn tự điển của ông. Trong Lời tựa cuốn tự điển của Đắc Lộ xuất bản năm 1651 tại La Mã, chính tác giả đã viết, rõ là ông dùng những công khó nhọc của linh mục dòng Tên khác, nhất là dùng hai cuốn tự điển của linh mục Gaspar d’Amaral và A.Barbosa để soạn sách đó. Tự điển Bồ-Việt: Diccionário português- anamita của A.Barbosa và tự điển trên đây của d’Amaral có lẽ đã được viết vào khoảng 1635-1640. Cũng nên biết rằng linh mục Antonio Barbosa sinh năm 1594 tại Bồ Đào Nha, gia nhập dòng Tên ngày 13-3-1624. Cuối tháng 4-1636, ông đến truyền giáo ở Đàng Ngoài, nhưng vì thiếu sức khoẻ, nên phải trở về Áo Môn vào tháng 5-1642, rồi qua đời năm 1647 trên đường từ Áo Môn về Goa để dưỡng bệnh."] Tôi ôn: Với 109 chữ này, ngoài các dấu có sẵn trên nguyên âm của Âu châu, tôi thấy vài đặc điểm đã xuất hiện, chứ không dễ tánh khoán trắng cho độc giả lần dò như đỗ quang chính: 1. Phụ âm Đ 2. Nguyên âm ă, â, ô, ơ, ư 3. Dấu thanh Nặng, Sắc, Ngã, (lẻ hay chồng) tuy lẫn lộn giữa ă và â (hàng mấm thay vì hàng mắm), y và i ( nghỹa ăn xã thay vì Nghĩa An xã) v.v… Tóm lại, theo tôi hiểu và ôn lại, mục đích của tác giả đổ quang chính sj (và của nhiều đqc khác) là muốn chứng minh bằng chữ cho chúng ta thấy, nội với 109 chữ trên kia (từ 1632-1637), G. d'Amaral "vừa giỏi hơn, vừa có công hơn linh mục Đắc Lộ (năm 1644) trong việc thành lập chữ viết của Việt Nam hiện nay" (nguyên văn của đqc). Có điều, ở đoạn này đổ quang chính lại khéo vô tình quên hay cố lờ những gì A. de Rhodes đã cụ thể và thẳng thắn công bố về cái "phát minh kỳ diệu" do ông đứng tên năm 1651 tức 5 năm sau khi G.d'Amaral đã vĩnh viễn đứng lại, trong khi đó, A. de Rhodes vẫn tiếp tục đi tới, để rồi công bố cuốn "Tự Điển Việt-Bồ-La", cuốn " Việt ngữ Khái luận / Văn phạm Việt ngữ " và đặc biệt cuốn giáo lý "Phép giảng tám ngày", hoàn toàn viết bằng chữ Việt abc thuở mới hình thành. So sánh kiểu học giả như đqc làm tôi ôn nhớ lại tích này: Suốt thời đệ nhất cấp (THCS), Mít học giỏi viết đẹp hơn Xoài, nhưng bỏ ngang, ra làm ruộng giúp gia đình. Xoài học tiếp, xong đại học và có những tác phẩm nổi tiếng. Trong lời nói đầu của 1 tác phẩm, Xoài vẫn nhắc lại kỷ niệm học giỏi và nét chữ đẹp của Mít. Hai trăm năm sau, 1 người chít + 10 của Mít, tuy vẫn phục cụ Xoài, nhưng do cả tin vào lời đồn phong phanh có một mảnh giấy cháo lòng, trong đó có 1 bài phú ngăn ngắn, với nét chữ đẹp "có lẽ" là của tằng tằng tằng tổ Mít nhà mình, bèn ấm ức nói với 1 người chít + 10 của Xoài, rằng: Thời đệ nhất cấp xa xưa, ông tằng tằng tằng tổ của tao gieo vần giỏi, chữ lại đẹp hơn ông tằng tằng tằng tổ của mày ! Ở đây, tôi mạo muội đặt 1 câu hỏi tồn nghi: Đã có mấy người từng thấy và sờ qua hai tài liệu gốc hay bản sao chép d'Amaral 1632-1637, được đỗ quang chính ghi suông là nền bê-tông cốt…tre trong bài? Nếu chưa từng thấy qua, sao lại hồn nhiên vỗ tay theo? Còn nếu quả Viện Ngôn Ngữ Học và Trung tâm Quốc Gia Chỉ Đạo Biên Soạn Từ Điển Bách Khoa Việt Nam đã kiểm chứng xác đáng + thị thực bản chụp, sao chưa chịu trưng ra hầu ổn định dư luận trong đại chúng và để kẻ hậu sinh ôn sử này, một lần nữa xin cúi đầu nhận cái tội không chịu khó tin điêu ! Các nhận định, so sánh học giả của đỗ quang chính về "trình độ phiên âm chữ Việt" của giáo sĩ G. d'Amaral và giáo sĩ A. de Rhodes, tôi xin tạm ngưng ở đây, vì đứng trên phương diện "học sử", tôi vừa lan man hình dung ra một vài ẩn dụ khá độc đáo và ý nhị trong các bài viết của ông trên Net, mà theo ông, nội dung vốn không chọn "đứng trên phương diện khoa ngữ học" lại "đứng sang phương diện lịch sử để trình bày vấn đề" ( sic!).Vài hình dung lan man này sẽ được ôn lại trong một bài riêng, bấy giờ nếu gom đủ "hình chứng" sẽ ôn lan qua cuốn "Lịch sử chữ quốc ngữ" của đỗ quang chính do nxb Ra Khơi ấn hành tại SG năm 1972.  Một đoạn văn quan trọng: Phóng ảnh từ bản gốc bià trong cuốn Tự Điển Việt-Bồ-La (1651) A. de Rhodes Trong "Cùng bạn đọc / Ad lectorem" - Tự Điển Việt-Bồ-La (Dictionarium Annnamiticum, Lusitanum et Latinum), do chính Thánh bộ Truyền Giáo Rôma xuất bản năm 1651 (xem phóng ảnh ở dưới), có đoạn giáo sĩ A. de Rhodes viết rõ ràng, lương thiện, khiêm cung trên giấy trắng mực đen: 1. Cùng độc giả : [“Trong tác phẩm này, ngoài những điều tôi đã học được với những người bản xứ ròng rã mười hai năm trời, khi ở Nam, lúc ra Bắc, tiên vàn tôi phải kể tới thầy dạy tiếng Việt của tôi là cha François de Pina người Bồ Đào Nha, thuộc dòng Giêsu. Ngài là người tiên khởi trong đoàn thể chúng tôi, đã có công học hỏi (tiếng Việt) và cũng là người đầu tiên giảng đạo mà không nhờ tới thông dịch viên ; rồi tôi phải nhắc tới mấy vị khác cũng thuộc dòng Giêsu, những vị này đã soạn sách mà tôi sử dụng ngày nay, trước là cha Gaspar d’Amaral, tác giả (bản thảo) cuốn Tự Điển Việt-Bồ, rồi tới cha Antoine Barbosa, tác giả (bản thảo) cuốn Tự Điển Bồ-Việt. Nhưng cả hai đã mất sớm. Tôi đã dùng những tài liệu này và theo lệnh các vị Hồng y, tôi thêm tiếng La tinh vào…”.] (bản lược dịch trong bản thảo “Vấn đề hình thành Chữ Quốc Ngữ” của Nguyễn Khắc Xuyên, trang 71 - Đại học Đà Lạt, 1962-1964). 2. Cùng độc giả: ["Quyển từ điển tam ngữ này, gồm tiếng An Nam, Bồ-đào và La-tinh tôi đặt nó vào trong tay và để dưới mắt bạn được, là nhờ vào sự tài trợ của Thánh Bộ Truyền bá Đức Tin; thay thế cho một thứ Ngữ pháp, tôi mở đầu ít dòng liên quan tới khái niệm về tiếng An Nam hay Đông-kinh. Tiếng này không những thuộc hai vương quốc khá rộng lớn là Đông-kinh và Cô-sinh, thêm vào đó vương quốc thứ ba là Cau bàng, cũng sử dụng cùng một phương ngữ ấy; mà lại tiếng đó còn thông dụng ở những vương quốc lân cận như Chàm, Cam-bốt, Lào và Xiêm. Vậy tiếng An Nam tôi thiết tưởng tốt hơn nên đặt trước ở trong từ điển, vừa bởi phải làm như vậy thì tiếng An Nam mới được chính danh và chính yếu, vừa bởi nhờ vậy bất cứ ai cũng có thể hiểu và cắt nghĩa được các sách An Nam dễ dàng hơn; ngoài ra nó còn có ích lợi hơn nữa cho chính người An Nam, để họ có thể học cả tiếng Bồ-đào lẫn tiếng La-tinh. Tuy nhiên trong công việc này ngoài những điều tôi đã học được nhờ chính người bản xứ trong suốt gần mười hai năm thời gian mà tôi lưu trú tại hai xứ Cô-sinh và Đông-kinh, thì ngay từ đầu tôi đã học với Cha Francisco de Pina người Bồ-đào, thuộc Hội Dòng Giê-su rất nhỏ bé chúng tôi, là thày dạy tiếng, người thứ nhất trong chúng tôi rất am tường tiếng này, và cũng là người thứ nhất bắt đầu giảng thuyết bằng phương ngữ đó mà không dùng thông ngôn, tôi cũng sử dụng những công trình của nhiều Cha khác cùng một Hội Dòng, nhất là của Cha Gaspar de Amaral và Cha Antonio Barbosa, cả hai ông đều đã biên soạn mỗi ông một (bản thảo) cuốn từ điển: ông trước bắt đầu bằng tiếng An Nam, ông sau bằng tiếng Bồ-đào, nhưng cả hai ông đều đã chết sớm. Sử dụng công khó của hai ông, tôi còn thêm tiếng La-tinh theo lệnh các Hồng y rất đáng tôn, vì ngoài những tiện lợi khác, nó còn giúp ích cho chính người bản xứ học tiếng La-tinh. Đó là chủ ý của chúng tôi, điều mà tôi muốn nhắn nhủ bạn để làm Vinh quang Chúa hơn. Chúc bạn khoẻ mạnh và hãy cầu nguyện cho tôi."] ["Franciscus Piccolomineus Bề trên cả Hội Dòng Giê-su: Cuốn từ điển An Nam hay Đông-kinh, có chú giải tiếng Bồ-đào và La-tinh, được biên soạn bởi Cha Alexandre de Rhodes, Linh mục thuộc Hội Dòng chúng tôi, nay chúng tôi ban phép để xuất bản, nếu những người liên hệ đến công việc này nhận định là nên làm, thì căn cứ vào đó, chúng tôi ban hành tại Rô-ma ngày mồng 5 tháng Hai năm 1651 chứng thư này do chính tay chúng tôi viết và có ấn dấu của chúng tôi. Franciscus Piccolomineus"] (trích theo nguyên văn của Phạm Ngũ: "Từ điển Việt-Bồ-La của Alexandre de Rhodes"). Phóng ảnh từ bản gốc đoạn "Cùng bạn đọc" trong Tự Điển Việt-Bồ-La (1651) A. de Rhodes Phóng ảnh từ bản gốc, trang đầu vần A trong Tự Điển Việt-Bồ-La 1651, A. de Rhodes Vậy mà vẫn có khối học giả, sử gia rồng tiên nhân danh "lịch sử", "kiên định" vo tròn bóp méo, so sánh vừa vô duyên - thật phí tuổi đời, vừa bất cập vừa không chút đỏ mặt - thật uổng tuổi đạo hoặc dày bề đạo nhưng mỏng bề hàm dưỡng, chỉ vì hồn nhiên tin vào một bài luận án made in France, có chữ nhưng nỏ có vật chứng khả tín. Nhất định phải là "hình" chứng, nếu không, tất cả chỉ là giả thuyết được dựng đứng ra thôi, không thể chấp nhận được ! Cuốn Từ điển Việt-Bồ-La 1651 đã được dịch ra tiếng Việt hiện đại, nxb Khoa Học Xã Hội 1991 và tôi cũng có trong tay hình chụp bài "Từ điển Việt-Bồ-La của A. de Rhodes" của tác giả Phạm Ngũ, so sánh qua mấy dòng chữ giữa bản chính gốc 1651 và bản in 1991, cọng cả bài sơ lược "Từ Điển Việt-Bồ-La" của cụ Nguyễn Khắc Xuyên. Thưa chư vị tiền bối học giả, sử học gia, Chẳng lẽ toàn thể Thánh bộ truyền giáo Rôma thời ấy khi chuẩn y xuất bản cuốn Tự Điển Việt-Bồ-La 1651 (khổ A4 dày 645 trang, gồm 900 cột, từ vần A đến Xũ) đều u mê cả sao ? Đều nhỏ nhen "kỳ thị" de Barbosa và d'Amaral cả sao ? Ngoài ra, ngôn ngữ từ lọt lòng mẹ của A. de Rhodes là tiếng Pháp, ông dư sức bỏ thêm vào cuốn tự điển, sao ông ta không làm? - Tại vì lúc bấy giờ tiếng La tinh là ngôn ngữ chính thức dùng trong Giáo Hội. Đã có mấy người từng thấy qua bản gốc của cuốn Tự Điển Việt-Bồ-La 1651 ? Đã có học giả, sử học gia Việt nào thật sự nghiêm túc nghiên cứu về nó (ngoài hai bài trên kia) ? Viện Ngôn Ngữ Học, Trung Tâm Quốc Gia Chỉ Đạo Biên Soạn Từ Điển Bách Khoa Việt Nam đã và đang làm gì ? Nếu A. de Rhodes có ý bất lương không ghi rõ những dòng trên kia, hậu thế "học giả, sử học gia" có thuộc tên và biết Francesco de Pina, đặc biệt António de Barbosa và Gaspar d'Amaral là ai không ? Tôi tin chắc là không. Và tôi vững tin rằng cái lương tâm trong việc biên khảo, trước tác của A. de Rhodes cách nay 358 năm đã trong sáng cao cả hơn 10 vạn lần cái lương tâm về chữ nghĩa của cả lô cả lốc Tiến sĩ ông, Tiến sĩ bà hồng, chuyên ăn cắp ăn xổi ăn không công khó nhọc nghiên cứu của người khác, được phanh phui một phần nhỏ trong sách "Bàn phím và cây búa" của tác giả Nguyễn Hoà, tháng 10 năm 2007, tôi hiện có trong tay. Trích đoạn chữ Việt thời 1651 trong sách của A. de Rhodes: [Ai nếy đã nghe blọn mlời giảng từ đầu hết cho đến bây giờ, mà còn có đều gì hồ nghi thì nên hỏi hay là chung trước mạt người ta hay là riêng mặc người : ví bàng có hồ nghi sự một biợ hay là dều biợ hỏi riêng thì hơn mà tõan ćũ làm thể nào, sự phép rửa tội thì hãy dưậm đã cho người làm rồi sự đã tõan : vì chưng đã quen thấy mlời hứa làm vậy nếu chẳng làm khi ai chửa có chịu phép rửa tội, đến khi đã rửa tội rồi, mở đòi tói ếy bởi ma quỉ đã đáõ lại thì khó lám. Đến khi ai nếy đã hỏi sự mình hồ nghi rồi thì phải děọn mình chịu phép rửa tội mà làm việc nhin đức về sau, saõ le vì bấy nhêu việc ếy khỏi sức mình thì phải cầu ćũ Đức Chúa Blời nhin lành mà quì gối nguyện một kinh Chúa, lại nguyện một kinh Ave xin ćũ rứt thánh đòũ thân Maria là Mẹ Đức Chúa Blời cầu cho chúng tôi làm việc ếy cho nên.] (Lời khuyên cuối cùng, trích Phép giảng tám ngày – Cathechismus pro iis, qui volunt suscipere Baptismum, in Octo dies divisus. Dịch sát nghĩa : Yếu lý chia làm tám ngày cho những người muốn chịu phép Rửa tội. Còn tiếng Việt, viết bằng chữ nhỏ như phụ đề là : Phép Giảng Tám Ngày cho kẻ muấn chịu phép Rửa tội, mà bveào đạo thánh đức Chúa blời). Bià và 1 trang trong "Phép giảng tám ngày" của A. de Rhodes Chúng ta đừng giả vờ quên, cái nhân "thực dân" tập thể kia đã từng ngũ yên suốt gần hai trăm năm trong sự "hững hờ" của chính ông cha ta, thế kỷ XVII-XVIII; cho đến sau khi đất nước bị Pháp cưỡng chiếm và khéo léo áp chế văn hoá dưới chiêu bài "bảo hộ, khai hoá" qua ngả văn tự, nó mới được ông cha ta trọn thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, dùng máu, nhục nhằn và cái chết tát cho "thức tỉnh": Biến vũ khí đồng hoá tinh vi của kẻ xâm lược thành phương tiện kỳ diệu của mình, dùng lại phép xưa xa "gậy ông đập lưng ông", mượn "giáo Tàu đâm Chệt": Chữ Nôm. Cái nhân kia, sau giấc ngủ dằng dặc, đã đâm chồi kết hoa thành quả, mà cháu chắt chút chít đã và đang hái và không biết hái cho đến bao giờ mới hết, mới nẩy ra một cái nhân khác "kỳ diệu" hơn. Trong cái nhân tập thể "kỳ diệu 1651" này, giáo sĩ Alexandre de Rhodes đã góp sức ra sao, ngần nào? Có câu rằng: Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống, vậy cái nhân tập thể 1651 nằm ở vị thế nào, thưa chư vị tiền bối học giả, sử học gia. Hàn Lệ Nhân cập nhật, 06/11/2009 (còn tiếp) Kỳ tới: L'autre demi-vérité à Dr Roland Jacques dans:"Le Portugal et la romanisation de la langue vietnamienne: Faut-il réécrire l'histoire?" (Nửa sự thật khác cho TS Roland Jacques trong "Bồ Đào Nha và công trình la mã hoá tiếng việt: Có nên viết lại lịch sử không ?") (1) Lược theo hai bản dịch của cụ Nguyễn Khắc Xuyên: "Vấn đề hình thành chữ quốc ngữ" (Đà Lạt 1962-1964), và "Hành trình và truyền giáo A. de Rhodes" (Dũng Lạc.org) (2) Nghe nói từ tháng 6 năm 2006, đổ quang chính (sinh năm 1929 hay 1915) đã được / bị "tống đi ngay" hay tự "vác xác" vào nghỉ hưu tại Tu Viện Dòng Tên Thủ Đức (mượn lại chữ của đcq dành cho A. de Rhodes): Người trên ở chẳng chính ngôi, Cho nên kẻ dưới chúng tôi hỗn hào. Người trên ở chẳng được cao, Khiến cho kẻ dưới lộn nhào lên trên. (Kẻ dưới HLN mót được từ ca dao dân tộc Việt Nam 4 nghìn lẻ 1 năm văn hiến và Thăng Long-Hà Nội nghìn thiếu 1 năm vật văn)
<bài viết được chỉnh sửa lúc 07.11.2009 02:44:02 bởi Hàn Lệ Nhân >
Chủ nghĩa nào hơn chủ nghĩa tình thương, Chủ nghĩa nào hơn chủ nghĩa áo cơm.
|