Ngao du NEW-CU-CHI
lyenson 14.10.2009 12:27:03 (permalink)
Nhà báo Trương Duy Nhất


     Đó là chuyến ngao du kỳ thú 11 ngày qua New York, Cuba và Chile. Gần 59 giờ bay, qua 44.160 km (dài hơn chu vi trái đất) trên không phận 18 quốc gia, cắt qua 12 múi giờ khác biệt, 2 lần xuyên từ bắc bán cầu xuống nam bán cầu và ngược lại, từ bán cầu đông sang bán cầu tây, 2 lần cắt qua phân tuyến ngày đêm quốc tế và xích đạo, bay ngược thời gian để hạ cánh tại Alaska sớm hơn giờ cất cánh từ Hà Nội 5 giờ.           Một chuyến bay hiếm có khi được chứng kiến 2 lần bình minh trong vòng 18 tiếng khi bay ngược bóng đêm, và chứng kiến 1 ngày dài 22 giờ khi bay đuổi theo mặt trời trong chặng đường về.


NEW YORK NHỮNG NGÀY THƯỢNG ĐỈNH


          Chuyên cơ VN 6579 cất cánh rời Hà Nội lúc 6 giờ 25 phút ngày 23-9. Đây là chuyến bay ngược thời gian. Hết 10 tiếng, hạ cánh quá cảnh tại sân bay quốc tế Anchorage (Alaska, Hoa Kỳ) lúc 1 giờ 45 giờ địa phương. Vì bay ngược múi giờ, nên sau gần 10 giờ bay, vẫn sớm hơn 5 tiếng so với thời gian lúc cất cánh tại Hà Nội. Đó là điều kỳ thú thứ nhất.



Chuyên cơ VN 6579 tại sân bay JF. Kennedy


Rêm lưng sau 18 giờ bay mới đến New York.
          Đến New York Hoa Kỳ đúng những ngày thượng đỉnh. Tuần lễ Đại hội đồng Liên hiệp quốc họp phiên 64, tuần lễ diễn ra hội nghị thượng đỉnh Hội đồng Bảo an LHQ. Khí trời New York nhẹ, thoảng lạnh, ngược với thời tiết chính trị đang căng như dây đàn. Hàng loạt nguyên thủ các quốc gia đồng loạt tới Mỹ. New York trở thành một “hội trường” khổng lồ cho các cuộc gặp thượng đỉnh.
          Tôi trú ngụ tại tầng 31 khách sạn 5 sao Sheraton New York & Towers. Một trùng hợp thú vị: cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton cũng đang trú ngụ tại ngay khách sạn này, phía trên tôi vài tầng. Bill Clinton đã chọn Sheraton New York & Towers trong những ngày ở New York và tổ chức ngay tại đây cuộc họp sáng kiến toàn cầu mang tên ông.
          Trong khi ngóng chờ kết quả từ “những ngày thượng đỉnh”, tự thưởng cho mình một vòng ngao du New York. Lần trước có thời gian, đã nộp tiền thuê tour trực thăng bay trên đầu nữ thần tự do nhưng không thành vì thời tiết xấu, về Washington mà ấm ức mãi. Lần này theo đoàn lên tàu chạy quanh đảo ngắm và chụp ảnh từ xa. Không thể biết được đã có bao nhiêu lượt người chụp ảnh, bao nhiêu những bức ảnh chụp nữ thần tự do từ khi nó được dựng lên trên hòn đảo Liberty Island này. Lại nhớ về Đà Nẵng quê mình, quẩn quanh mãi không biết xây cái gì làm biểu tượng ngoài mấy bức tượng… Phật!


Tượng nữ thần tự do

New York những ngày thượng đỉnh cựa tí là tắc xe. Ngày thường vẫn vậy, những ngày này càng khốn khó, những biển xe nối đuôi nhau nhích từng centimet. Nhưng không nghe tiếng còi. Có lẽ, còi xe chỉ thấy ở Việt Nam. Mỹ, và nhiều quốc gia khác, hành vi bấm còi xe có khi còn nặng hơn câu chửi thề.           Điện thoại cho Thanh Chung, một phụ nữ Việt làm việc tại LHQ. Đúng hẹn nửa tiếng, thấy chị chui lên từ lòng đất? Mình đi làm bằng tàu điện ngầm, cứ chui trong lòng đất vậy, chưa sắm được ô tô- Chị bảo vậy. 48 tuổi, Thanh Chung sang New York được hơn 6 năm rồi. 2 con chị cũng sang theo mẹ, một đã đi làm, một đang theo học. Đứa lớn tháng tới bắt đầu thuê nhà ra ở riêng, chị khoe và bảo rằng như vậy để tập cho con tính tự lập. Đó là điều đáng học và học được đầu tiên nơi người Mỹ. Dáng người thấp bé, nhưng để trụ được có chân trong tổ chức Quĩ nhi đồng LHQ (UNICEF) giữa New York cao ngạo này chứng tỏ cái nghị lực và tri thức không thấp bé tí nào của người phụ nữ Việt ấn tượng này. Tôi thích và ấn tượng Thanh Chung từ những bài viết sắc sảo và giàu chất nhân văn của chị. Chị cũng đọc tôi thường xuyên. Và vì thế giữa New York, dù gặp lần đầu nhưng cả hai đã như thân quen từ lâu.
          Trước khi chuyển sang đây chị ở đâu làm gì? Thanh Chung cười: Mình qua hơn 6 năm rồi, là thi qua chứ LHQ không có khái niệm “chuyển”, trước đó cũng đã làm ở một tổ chức khác cũng của LHQ tại Hà Nội.
          Người Việt ở New York giờ không ít. Và người Việt như Thanh Chung làm cho LHQ cũng không ít. Người Việt mình chỉ tội cái dáng thấp bé, chứ tài trí đâu có thua “thằng” nào- Nghe Thanh Chung nói mà thấy vui lây, như được tiếp thêm… niềm tin!
          An Nam quán- một quán cơm Việt nhỏ nhưng ấm áp, sang trọng giữa những tòa nhà chọc trời. Cơm trắng, rau luộc, thịt bò và canh chua. Lại thêm một người Việt nữa có “hộ khẩu” tại tòa nhà LHQ: anh Vũ Duy Mẫn. Nhất hả, em sang bao giờ? Câu hỏi khiến New York như gần sát… Quảng Nam vậy!
          Có vẻ sợ tôi đói nên Thanh Chung gọi hơi nhiều. Cơm, thịt đều thừa. Em có lấy về không- Anh Mẫn hỏi? Ok- Thanh Chung vừa gật đầu cười vừa gói sạch mấy dĩa thức ăn còn lại trên bàn.
          Chợt liên tưởng đến chuyện bên nhà, ít thấy ai như Thanh Chung, “dám” đến mức thành thói quen không bỏ sót cơm thừa. Trước đây tôi có viết về chuyện ra nước ngoài hễ thấy ai kéo quần đái bên vệ đường và khi ăn cứ nói chuyện oang oảng, rồi xả rác đầy gầm bàn thì không cần hỏi quốc tịch, bởi đó chỉ có thể là người Việt. Nay ngộ thêm một điều: Thấy bàn nào ăn xong vẫn thừa mứa đầy cơm thịt, thì cũng không cần hỏi quốc tịch, bởi đó đích thị là người Việt, chỉ có thể là người Việt mà thôi. Nhất là những tiệc buffet, người ngoại quốc họ rất ngạc nhiên, cứ trố mắt nhìn khi thấy những đĩa thức ăn của người Việt mình ai nấy đều đầy ắp, đổ tràn ra bàn.
          Thanh Chung chào vội rồi xách 2 túi thức ăn chui xuống lòng đất.
          Anh Mẫn sắc sảo, chỉ tiếc rằng ngồi với nhau quá ít. Dẫn tôi dạo qua 2 phố, hướng dẫn cách đi bộ về hướng đại lộ 5, đại lộ 7 rồi cũng bắt tay chào và… chui vào lòng đất!
          Những ngày thượng đỉnh, cả New York tất bật. Thanh Chung và Vũ Duy Mẫn cũng vậy. Họ vội vã về với công việc UN của mình, để rồi tối nay còn kịp dự buổi gặp gỡ của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết với cán bộ phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ và nhân viên người Việt làm việc cho UN.









Với hai nhân viên người Việt tại Liên hiệp quốc Thanh Chung và Vũ Duy Mẫn


New York chật chội. Chật đến mức ngay cả sân bay quốc tế JF. Kennedy cũng không còn chỗ đậu. Chuyên cơ chở đoàn đến xong, phải bay đi đậu ở một nơi khác, đến ngày về mới bay lại đón.
          Hôm quá cảnh tại Anchorage (Alaska) đã ngạc nhiên khi thấy toàn chữ Tàu. Về New York, đi shopping thấy nhiều người mua đụng hàng Tàu cứ tủm tỉm mãi. Nhớ lần đầu đến Mỹ, lội khắp mấy tòa độ sộ ngay giữa trung tâm New York và cả Washington thấy ngập tràn hàng sale made in China, tôi đã viết rằng: "nỗi sợ hãi" của nước đại Mỹ trong hiện tại và cả tương lai không đâu khác, đó chính là cái"made in China" sờ sờ trước mặt kia. Và có lẽ, mọi... căng thẳng cũng từ đây, chứ chẳng phải câu chuyện nhân quyền hay súng ống.
          Mỗi năm, dường như hàng hóa Trung Quốc càng ngập tràn nước Mỹ hơn. Và giữa New York chọc trời cao ngạo này, quán ăn nhà hàng Tàu cũng ngày một nhiều hơn. Thậm chí, có những phố chỉ vài 3 quán Tàu cũng treo bảng là China town.











Năm 2007, lần đầu đến New York, cảm giác trong tôi là sự choáng ngợp. Lần thứ hai, New York không cho tôi cảm giác lạ lẫm, choáng ngợp nữa, không biết có phải nhờ chị Thanh Chung, anh Vũ Duy Mẫn và những nhân viên LHQ “made in Việt Nam” ?
          Đêm trước khi rời New York, mọi người mệt ngủ cả. Một mình lang thang giữa quảng trường Thời đại (Times Square). Cũng chẳng biết làm gì giữa biển người đủ màu da nhộn nhạo náo nhiệt, giữa cơ man những biển quảng cáo chói lòa kia. Kéo ghế, thưởng cho mình một cốc cà phê và tự dưng ước giá như có một tấm biển quảng cáo chữ Việt lọt giữa quảng trường Thời đại danh tiếng này. New York là thành phố không bao giờ ngủ. Và điểm náo nhiệt nhất, không bao giờ biết ngủ đúng nghĩa nhất chính là Times Square.
          Đến New York không phải để ngủ. Times Square không có khái niệm của sự dừng lại và nhắm mắt!
          TDN



Quảng trường Thời đại (Times Square)

#1
    lyenson 14.10.2009 12:36:44 (permalink)
    VARADERO, XÌ GÀ, RƯỢU RUM VÀ… CHA CHA CHA


    Một top gần chục em dáng cao vút từ biển trồi lên, nước trên hai bầu vú chảy thành dòng. Há hốc mồm, chết lặng người khi những bầu vú lóng lánh nước biển kia ngã nhoài trên bờ cát. Ơn Trời đã cho tôi, đã ném cái thân thể thô cục này được một lần nằm dài trên bờ cát Varadero, được thòm thèm ngắm những bầu vú mọng ướt nhấp nhô đùa trên sóng.           Cuba là gì, là Varadero, xì gà, rượu rum và điệu nhạc flamenco, là những bước nhảy salsa, rumba, mambo, cha cha cha bốc lửa.


    Từ New York bay đến La Habana mất 3 giờ 15 phút. Chuyên cơ cất cánh rời phi trường JF. Kennedy lúc 11 giờ trưa thì đúng 14 giờ 15 đã hạ cánh xuống sân bay quốc tế Jose’ Marti.           Cánh cửa vào thủ đô La Habana là một khu nhà ga cũ thấp, dấu ấn đầu tiên cho một đất nước Cuba khốn khó thời cấm vận. Chỉ có những hàng cọ Hoàng gia (hay còn gọi là cau Vua) xanh ngắt chĩa lên trời như biểu trưng cho sức sống mãnh liệt của quốc đảo hình con cá sấu trên biển Caribe kỳ diệu này.



    sân bay quốc tế Jose’ Marti


    Chưa về La Habana, xe chở thẳng đến khu nghỉ mát lừng danh Varadero.
              Cách Thủ đô La Ha-ba-na 140 km về phía đông, Varadero (thuộc tỉnh Matanzas) là một dải đất dài hơn 20 km nhô ra biển với những triền cát trắng mịn, nước biển trong xanh màu ngọc. Chưa bao giờ thấy màu nước biển nơi nào xanh như ở đây. Chưa thấy bãi cát nào trắng và mịn tơ như cát biển Varadero. Quang cảnh thanh bình, cát trắng, biển- trời xanh. Varadero như cõi tiên.
              Được thế giới biết đến ngay từ những năm 30, khi nhà triệu phú người Mỹ Dupon tới đây xây dựng  nên một khu biệt thự nghỉ mát đầu tiên trên vùng biển trắng xanh kỳ thú này, Varadero trở thành trung tâm du lịch sang trọng bậc nhất Cuba, hằng năm hút không dưới 500 nghìn lượt du khách nước ngoài, với mức doanh thu chiếm gần 30% tổng doanh thu của ngành du lịch cả nước. Đến giờ Varadero đã có 17 khách sạn 5 sao và 6 khách sạn trên 5 sao, chủ yếu là của nước ngoài hoặc liên doanh. Varadero có một sân bay riêng và du khách đến đây không cần thị thực nhập cảnh.
              Trong topten bãi biển bậc nhất toàn cầu thì Varadero luôn được nhắc đến đầu tiên. Từ lâu, Varadero đã được mệnh danh là khu nghỉ mát bậc nhất dành cho giới thượng lưu Tây Ban Nha và Âu châu.
              Trước khi đi đã nghe rồi, nhưng quả thật không ngờ Varadero thần tiên đến vậy. Cởi vứt áo quần lao ra biển, thả người trên bờ cát trắng mịn và giật mình thú vị khi nhận ra quanh mình toàn những kiều nữ… ngực trần. Đa phần là Tây Ban Nha, Âu châu và Bắc Mỹ, mười phụ nữ tắm biển quanh tôi thì có đến 7 cô ngực trần. Một, hai, ba, năm sáu chục, và hàng trăm đôi gò bồng đảo phơi dưới nắng. Tự nhiên, vô tư và thánh thiện như những nàng tiên nữ vậy. Chỉ nhìn và ngắm thôi, chớ giơ máy ảnh lên. Chỉ cần thoảng thấy bạn giơ cái máy ảnh lên là những kiều nữ ngực trần lại lao ra biển. Nghe đồn thổi nhiều, nhưng đây là lần đầu tiên, khoảnh khắc đầu tiên trong đời tôi được chứng kiến, thậm chí được thả mình lọt giữa cảnh tiên này.
              Mấy gã người Việt suốt chiều nằm phục trên bãi cát, thằng nào thằng nấy sướng rơn lên quên cả đói. Thằng N nằm cạnh tôi, hai bàn tay cứ cấu vào cát, cục khế trên cuống họng cứ trôi lên trôi xuống liên hồi, nước bọt chảy tràn khóe mép. Một top gần chục em dáng cao vút từ biển trồi lên, nước trên hai bầu vú chảy thành dòng. Há hốc mồm, chết lặng người khi những bầu vú lóng lánh nước biển kia ngã nhoài trên bờ cát, cách bàn tay đang cấu vào cát của thằng N có vài centimet. Bóng vú đèn tràn lên ngực N.
               Ôi chao, mấy nàng quay người lại nhoẻn miệng cười chào mấy gã người Việt, những bầu vú mọng ướt như vút lên xếp hàng nhấp nhô trên triền cát.
              Varadero kỳ thú, Varadero quyến rũ giới thượng lưu Tây Ban Nha, Âu châu và Bắc Mỹ có lẽ cũng nhờ cảnh sắc tuyệt mỹ này. Ơn Trời đã cho tôi, đã ném cái thân thể thô cục này được một lần nằm dài trên bờ cát Varadero, được thòm thèm ngắm những bầu vú mọng ướt nhấp nhô đùa trên sóng.
              Sau hơn 1 ngày 1 đêm ở Varadero, về La Habana mà cứ thầm tiếc mãi.






    Varadero, khu nghỉ mát dành cho giới thượng lưu


    Đến La Habana, tôi khoái Ambos Mundo hơn, tuy nhỏ bé khiêm nhường trong khu phố cổ, nhưng đó là nơi mà Emest Miller Hemingway, tác giả của "Ông già biển cả" lừng danh từng trú ngụ một thời gian dài. Nhưng không được, cả đoàn đã chọn trước nơi trú ngụ là Hotel Nacional, khách sạn 5 sao sang trọng nhất La Habana, được xây dựng từ thời Tây Ban Nha những năm 1930. Đây cũng là nơi thường xuyên lui tới của các ngôi sao Hollywood. Kỳ lạ, xây từ những năm 30, nhưng đến nay vẫn không một chi tiết kiến trúc nào dù nhỏ nhất tỏ ra lạc hậu.
              Một giàn nhạc công nổi vũ điệu flamenco đón khách ngay từ sảnh.



    Hotel Nacional


    Nhận phòng. Bất ngờ 5 cô váy trắng (bồi phòng) vây lấy đòi chụp ảnh. Ừ thì chụp. Chụp xong, chả cô nào chịu đi, 5 bàn tay đồng loạt chìa ra “đô la, đô la”. Thì ra các cô mời chụp ảnh để xin tiền tựa các cô bé người Mông ở Sa Pa bên mình vậy. Mỗi cô một đô, thế là nhoẻn miệng cười như… Liên Xô!
              Trưa xuống ăn, tưởng mình mình “được” chụp ảnh xin đô, hóa ra gần chục ông cùng cảnh. Nói vậy không phải để chê bêu. Ngược lại, để biết và hiểu thêm về sự khốn khó của đất nước Cuba anh em thời cấm vận, để ai đó sau này một lần qua Cuba nhớ “cõng” theo vài món quà gì đó ý nghĩa cho bạn, cho dù đó chỉ là vài hộp cao sao vàng hay chai dầu cù-là. Tối ăn ở Restaurant El Aljbe, nhà hàng mệnh danh là đệ nhất quí tộc La Habana, anh Hóa (ngồi cùng bàn) đem theo hơn trăm hộp cao sao vàng làm quà mà ai nấy nhảy cỡn lên như vớ được của quí.
              Hotel Nacional nằm ngay trên đại lộ 5 nổi tiếng chạy dọc biển, nối dài tới khu phố cổ và pháo đài El Morro. Với lịch sử phát triển gần 500 năm, cùng với Hotel Nacional, phố cổ, pháo đài El Morro, Tòa thị chính, lâu đài Capitanes Ganerales… những pháo đài và các ngôi nhà cổ xây theo kiểu Tây Ban Nha ở trung tâm La Habana được xem là di sản văn hóa nhân loại. La Habana là đô thị hiện đại nhưng bảo tồn được một quần thể kiến trúc thời thuộc địa được xếp vào loại cổ nhất châu Mỹ.



    Đại lộ 5 chạy dọc bờ biển giữa trung tâm La Habana, một trong những đại lộ đẹp nhất thủ đô La Habana, được mệnh danh là “con đường tình yêu”


    La Habana còn là thành phố của các di tích lịch sử. Đó là các quảng trường, bảo tàng, tu viện, pháo đài… Trong đó, nổi bật hơn cả là Nhà thờ Lớn và cảng la Habana được xây dựng từ năm 1763. Trong các địa điểm đáng chú ý ở thành La Habana cổ còn có ngôi nhà nhỏ, nơi người anh hùng dân tộc Cuba Jose Marti ra đời cách đây 130 năm, quán rượu Bodegita del Medio trên đường Empedrado- nơi đại văn hào Hemingway từng qua lại và yêu mến. Nằm trong thành La Habana cổ còn có nhiều công trình lịch sử, kiến trúc và nghệ thuật khác được xây dựng vào thế kỉ XX. Đó là đài tưởng niệm con tàu cách mạng Granma, Viện hàn lâm Khoa học, Quảng trường Cách mạng nằm trên đồi Catalanez- nơi đặt tượng đài Jose Marti, nhà hát quốc gia…
              Thả bộ thong dong khi chiều buông dọc đại lộ 5 mà thấy như lọt vào một đô thị kỳ bí, huyền ảo. La Habana toàn xe cũ nát. Những loại xe cũ nát đến mức ở mình cho cũng chẳng ai thèm nhận.
              Những chiếc ô tô đời cũ do Liên Xô, Pháp, Ý sản xuất gần thế kỷ trước- biểu trưng cho sự khốn khó của một đất nước Cuba còn bị bao vây cấm vận, nhưng nó lại cho ta cảm nhận lãng mạn của một đô thị cổ xưa. Ngồi đợi những giọt cà phê tí tách tại Ambos Mundo mà có cảm giác như đang ngồi chờ để được tiếp chuyện với Emest Miller Hemingway.



    Một góc phố La Habana



    Hotel Ambos Mundo tại trung tâm phố cổ La Habana, nơi Emest Miller Hemingway, tác giả của “Ông già biển cả” lừng danh từng trú ngụ một thời gian dài.

    Trước khi đi, đã có hơn chục người dặn mua xì gà. Nói đến Cuba là nói đến những điếu xì gà nổi tiếng, nâu sậm, phập phù to đùng như những khẩu thần công cắm vào miệng. Nacional cũng có bán, nhưng tôi quyết phải mua tại ngay nhà máy. Vài tiếng đồng hồ tham quan nhà máy Real Fábrica de Tabacos Partagás, nơi sản xuất ra những điếu xì gà nổi tiếng nhất thế giới. Mới đây, nhân dịp kỉ niệm 40 năm thương hiệu xì gà Cohiba nổi danh, Real Fábrica de Tabacos Partagás đã cho sản xuất 4000 điếu xì gà đắt nhất thế giới mang tên Cohiba Behike (đặt theo tên của một thủ lĩnh bộ tộc Taino tại Cuba). Giá mỗi điếu xì gà Cohiba Behike đặc biệt này là 233 bảng Anh. Chỉ có 4.000 điếu xì gà được cuốn bằng tay, đóng hộp. Các hộp xì gà loại này được làm từ gỗ mun, xương bò và các loại gỗ quý của cây tuyết tùng, cây sung dâu và xà cừ. Chúng được đánh số thứ tự và trên hộp có một miếng kim loại nhỏ khắc tên người mua.           Công nghệ sản xuất xì gà dường như vẫn được xem là bí mật quốc gia. Vì thế bất kể ai khi vào nhà máy đều không được phép đem máy quay phim chụp ảnh. Khi đoàn vừa ra khỏi cổng, mấy gã công nhân ôm bọc ni lông chạy theo níu áo xí xồ tiếng gì không hiểu. Thì ra họ bán xì gà. Xì gà họ bán là bán chui, hàng bán rẻ do đó là thuốc ăn cắp, giống như ở mình thời bao cấp- gọi là “ăn cắp tài sản xã hội chủ nghĩa”.
              Mỗi năm, Real Fábrica de Tabacos Partagás xuất khẩu không dưới 10 triệu điếu xì gà ra thế giới. Điếu xì gà vừa là “sức mạnh kinh tế” quốc gia, vừa như hình ảnh biểu trưng của đàn ông Cuba. Hình ảnh anh hùng Che Guevara, lãnh tụ Phi đen Castro và nhiều nguyên thủ khác luôn dính chặt với chiếc điếu xì gà trên môi.
              Không biết hút, nhưng ôm được mấy chục điếu xì gà trên tay khiến tôi yên lòng và… hãnh diện!



    Chân dung “biểu tượng xì gà” Cu ba, một ông lão với điếu xì gà trước cổng nhà máy sản xuất cigar Real Fábrica de Tabacos Partagás


    Nhá nhem tối, trước khi về xem Tropicana Show, vũ nhạc nổi tiếng Cuba (giá 100 USD mỗi vé), cũng kịp ghé thăm Bacardi, nơi được mệnh danh là hầm rượu rum của thế giới. Thêm vài cốc rum, khật khừ vũ điệu cha cha cha trong giàn nhạc công flamenco bốc lửa tại quầy bar hầm rượu. Men rượu rum, cùng điệu nhạc flamenco, những bước nhảy salsa, rumba, mambo, và đặc biệt là chachacha khiến tôi bồng bềnh say. Một em (hay bà chẳng biết nữa) núc ních như thùng phi, da đen bóng cứ níu áo mời nhảy. Chơi luôn, nhét vào tay em ú mười đô và… lắc. Gần chục người trong đoàn thấy vậy cũng hòa theo, nhảy lắc như lên đồng cùng những… kiều nữ màu đen. Có thêm mấy chục đô, các em nhảy càng bốc. Mấy tay nhạc công sung quá, cũng bật dậy ôm ghi ta nhảy điên cuồng.
              “Đây là mảnh đất đẹp nhất mà mắt người đời nhìn thấy"- C. Côlông lần đầu tiên đặt chân tới Cuba từ năm 1492 đã phải thốt lên như vậy. Không hiểu khi đó C. Côlông có đang say rượu, say điệu nhạc flamenco, say trong những bước nhảy salsa, rumba, mambo, cha cha cha như tôi bây giờ?



    Phút ngẫu hứng với vũ điệu la tinh tại quầy bar hầm rượu rum Bacardi


    Bầm bầm bầm! Tiếng đại bác vọng lại từ phía pháo đài cổ La Cabanha. Hàng đêm, đúng 21 giờ, lại nghe thấy tiếng đại bác bắn lên từ pháo đài này. Thời thuộc địa, tiếng đại bác là tín hiệu khép cổng thành. Bây giờ thông lệ này vẫn được giữ để hút khách du lịch và để gợi nhắc không thể quên về một giá trị La Habana cổ xưa đầy tự hào của người dân Cuba anh hùng.
              Cảm giác chia tay thật đầm ấm. Trên đường ra sân bay, dừng bên quán nước ven đường. “Ôi, Việt Nam, Việt Nam”- Họ ôm lấy chúng tôi và hát, quay cuồng, bốc lửa trong những vũ điệu la tinh khi biết gặp người Việt. Một hình ảnh Cuba khốn khó nhưng giàu chất lãng mạn. Một hình ảnh Cuba chân tình, chung thủy khi nhắc đến hai chữ “Việt Nam”. Nó khiến tôi nhớ lời Chủ tịch Nguyễn Minh Triết hôm ở La Habana “Trời đất sinh ra Việt Nam và Cuba như 2 anh em sinh đôi, người ở bờ đông, người ở bờ tây bán cầu, nhưng luôn gần gũi, sát cánh, máu thịt và thủy chung với nhau”.
              TDN








    #2
      lyenson 14.10.2009 12:43:14 (permalink)
      ĐẤT NƯỚC HÌNH QUẢ ỚT


      Trái ớt” Chi Lê ấn tượng từ cách thức chào đón nguyên thủ Việt. Đẹp từ kiến trúc rất Âu của phố phường, đô thị, đến dáng vóc, “kiến trúc con người”, đến bộ vét-tông của từng gã đàn ông bất chợt gặp trên đường. Chi Lê đẹp đến từng… centimet. Chi Lê chuốc say ngây ngất và mê hoặc lòng người không chỉ bởi men rượu vang vốn nổi tiếng toàn cầu.


      Chi Lê là đất nước hình quả ớt vùng cực nam châu Mỹ. Tiếng Tây Ban Nha República de Chile còn được phiên âm thành Chí Lợi. Chuyên cơ cất cánh rời phi trường Jose’ Marti La Habana Cuba 10 giờ sáng ngày 29-9, bay xuôi về cực nam bán cầu hết hơn 6 tiếng, đáp xuống sân bay quốc tế Arturo Merino Beni’tez đúng 17 giờ 35 phút.           Trước khi vào “quả ớt Nam Mỹ” này, tôi đã nghe câu chuyện về mấy quả ớt của người nhà nhân viên Đại sứ Việt Nam tại Chi Lê. Rằng có lần vô ý, chỉ vì lỡ đem vào Chi Lê vài quả ớt mà bị phạt 2.000 USD. Luật pháp Chi Lê đặc biệt nghiêm cấm mang thực phẩm, hoa quả, đồ tươi sống, sản phẩm bơ sữa khi nhập cảnh. Vi phạm có thể bị phạt tới 2000 USD, thậm chí có thể bị giam giữ tại cửa khẩu.
                Cứ thắc mắc mãi đến khó chịu vì sao lại khắt khe đến… kỳ quoặc?
                Vào rồi, mấy ngày ở Chi Lê, ăn uống no nê khắp nơi mới ngộ ra cái lý ngăn cấm của người ta. Có lẽ, không ở đâu trên quả đất này, thực phẩm và hoa quả lại tươi rói và… sạch đẹp như ở Chi Lê. Mấy lần suýt nhầm, dĩa chuối tươi ngay trước mặt mà cứ nhầm tưởng… trong tranh vẽ. Chúng sạch bóng, đẹp và ngon mắt như thể chuối trồng ở cõi tiên nào đó chứ không phải trồng trên mặt đất.
                Về Chi Lê, vẫn ở hotel Sheraton, là do lúc đi đoàn đặt trước trong mạng Sheraton toàn cầu. Nhận phòng xong, tôi rủ mấy thằng nữa trốn đoàn. Gã lái xe cao to, vận bộ vét sang trọng, ngực có gắn huy hiệu dường như không phải tài taxi. Vậy mà bọn tôi xì xồ taxi taxi thì hắn mở cửa ok liền và nhét cái phù hiệu trên cổ áo vào túi. Hình như là an ninh bảo vệ vòng ngoài cho đoàn Việt Nam tại Sheraton. Không biết gã đánh quả thêm kiếm tiền hay là chở để theo dõi xem mấy thằng người Việt này đi đâu làm gì?
                Một vòng quanh Santiago de Chile, thủ đô của trái ớt Nam Mỹ mà cứ ngỡ đang lọt giữa một đô thị Âu châu. Quảng trường Nhà binh, bảo tàng Mỹ thuật, dinh Tổng thống… Santiago de Chile hệt một thành phố châu Âu "bứng" sang. Hao hao nhà cửa kiến trúc, ngay cả phong thái, dáng dấp và “kiến trúc con người” cũng từa tựa dân Âu. Chẳng biết có quá không và nói thế có phật lòng, chứ nó giống đến mất hẳn gốc gác và bản sắc.
                Lúc chiều, trên đường đón đoàn từ sân bay về khách sạn, người bạn phía Chi Lê không che dấu điều này. Cô bảo: Các bạn có thấy Chi Lê giống châu Âu không? Nói điều này không biết các bạn sẽ chê hay khen, nhưng tôi vẫn nói, đất nước Chi Lê của chúng tôi giống Tây Ban Nha một tí, giống Pháp một tí, rồi thêm một tí giống Anh… Và bản sắc ư, thì cũng Tây Ban Nha một tí, Anh một tí, và một tí Pháp!
                Cô bạn cười vẻ rất tự hào về những điều “giống một tí” này.
                Mà đúng vậy, nếu không biết trước đây là Santiago de Chile, nếu bịt mắt ném bạn xuống đây, sẽ dễ nhầm ngay là đang lọt ở một đô thị Âu châu tráng lệ nào đó. Cư dân của đất nước hình quả ớt này cũng rất Âu. Cao to, lịch thiệp, thanh thoát chẳng khác gì người Âu, đàn ông ai cũng vận vét- tông, từ công chức ngoại giao, anh bồi khách sạn, đến gã lái xe taxi. Dáng cao nên ai cũng vận vét- tông đẹp. Có lẽ vì thế mà vét-tông Chi Lê nổi tiếng toàn cầu.
                Khuya, chỉ gã lái xe ghé quầy thực phẩm. Đói, nên 5 thằng ôm đủ thứ, 2 con gà quay, 5 xách thịt nguội xông khói, rồi xúc xích, mấy cân chuối, cam, bánh mì… Giật mình sướng rơn khi nhận ra quá rẻ: chưa đến 20 USD!
                Đang ở Cuba nắng nóng, thoắt cái sang Chi Lê tê lạnh. Santiago de Chile như được bọc quanh bởi những dãy núi đỉnh phủ trắng tuyết. Sáng còn cởi trần tắm biển ở Cuba thì chiều tối đã phải mặc áo khoác, choàng khăn ở Chi Lê. Chỉ hơn 6 tiếng để cảm nhận hai vùng đất, hai khí tiết khác biệt của hai cực bắc nam bán cầu.



      một góc Santiago de Chile, phía xa là những dãy núi tuyết phủ


      Vang Chi Lê là loại rượu nổi tiếng toàn cầu. 10 giờ 30 sáng, ra ngoại ô thăm vườn nho lừng danh Vina Indomita. Một vùng đồi bạt ngàn nho, những đồi nho đẹp như vườn cổ tích.
                Cây nho thấp, giàn nho chỉ cỡ ngang lưng quần, chứ không cao như vườn nho ở Ninh Thuận mình. Khu nhà máy sản xuất rượu vang của “làng nho” nằm trên một ngọn đồi cao vút. Dường như chỉ cái mái là nhô lên, còn lại chìm sâu trong lòng đồi. Từ trên cao chui xuống là các tầng khu sản xuất riêng biệt, trên cùng là những thùng i- nốc, hàng trăm thùng, to lớn như những bồn dầu của thành phố lọc hóa dầu Dung Quất vậy. Tầng sâu nhất trong lòng đồi là hầm rượu với hàng nghìn nghìn những thùng gỗ chất chồng.
                Gỗ dùng đóng thùng chứa rượu là loại gỗ sồi nhập từ Pháp. Rượu vang chỉ “ăn” loại gỗ này, gỗ khác đóng thùng coi như… đổ vứt rượu!
                Cảm giác như đang chui lọt vào giữa một thành phố rượu dưới lòng đất. Lạnh tê người. Quầy bar và khu restaurant nằm trong lòng đồi, nhưng một phía mở ra thành khung cửa rộng như nhìn bầu trời từ trong khoang tàu vũ trụ vậy. Trên bàn la liệt rượu, đỏ trắng tùy gu từng người. Gần 100 con người với bữa tiệc trưa chóng chánh say men rượu vang giữa hầm rượu kỳ bí chìm sâu trong lòng đồi này.
                Đời làm báo, đi nhiều nơi, ăn nhậu nhiều chốn, không thiếu những đại tiệc cỡ… thiên đình, nhưng quả thật bữa tiệc rượu trưa trong hầm rượu của “thành phố rượu” Vina Indomita de Chile khiến tôi ấn tượng mãi, một ấn tượng rất sâu, lạ và… choáng. Cái sự choáng đến rơn người trong men rượu vang Chi Lê đeo bám mãi đến khi lên chuyên cơ rời đất nước hình quả ớt kỳ thú này.
                Cứ tiếc mãi khi chỉ ôm về nước được 6 chai vang đỏ. Giá gần, giá với được cái cần cẩu ngang Thái Bình Dương sang tận đây, tôi sẽ khiêng lấy hẳn vài thùng rượu gỗ khổng lồ kia cho thỏa.
                Tối, ăn tại nhà hàng Danubio Azul, nơi mệnh danh là đệ nhất restaurant dân tộc Chi Lê. Một khu nhà hàng toàn gỗ, toàn kiến trúc hình thù chim thú và… quái vật. Lại những nhạc điệu flamenco, những vũ công mình đầy lông lá sặc sỡ, bốc lửa, lắc giật đến ngất ngư. Lại rượu vang, như thể cả đất nước Chi Lê này đi đâu đến đâu cũng vang và vang. Khật khưỡng. Chẳng biết say, mê hoặc, ngất ngây bởi men rượu vang, hay men của những vũ điệu huyền ảo, kỳ bí, bốc lửa và quay cuồng kia.
                “Trái ớt” Chi Lê ấn tượng từ cách thức chào đón nguyên thủ Việt. 25 kỵ binh danh dự số 1 thuộc hàng đẹp nhất, oai phong nhất từ dinh Tổng thống dành để hộ tống Chủ tịch Nguyễn Minh Triết. Đẹp từ kiến trúc rất Âu của phố phường, đô thị, đến dáng vóc, “kiến trúc con người”, đến bộ vét-tông của từng gã đàn ông bất chợt gặp trên đường. Chi Lê đẹp đến từng… centimet. Chi Lê chuốc say ngây ngất và mê hoặc lòng người không chỉ bởi men rượu vang.
                Có một điều khiến tôi áy náy và ân hận mãi. Lúc đổi tiền ở quầy lễ tân khách sạn, mấy người trong đoàn theo “thói quen Việt” đứng vây chen. Tôi cũng chen vào định đổi ít tiền để lát đi shopping. Cô nhân viên lễ tân nhoẻn miệng cười và chỉ tay về một cặp nam nữ da đen đang đứng xếp hàng chờ sau lưng.
                Tôi đỏ mặt. Cảm giác xấu hổ và nụ cười cô nhân viên quầy lễ tân nọ cứ ám ảnh mãi trong suốt chặng bay về.
                Rời phi trường Arturo Merino Beni’tez. Đồng hồ điểm 19 giờ tối ngày 1-10. Bay mất một đêm, dừng nghỉ quá cảnh tại Seattle (Hoa Kỳ) lúc 4 giờ 50 sáng để tiếp nhiên liệu. Vào phòng quá cảnh ngồi chờ 1 tiếng rồi bay tiếp cũng phải xếp hàng lăn tay.
                6 giờ 10, bay tiếp. Đây là chuyến bay đuổi theo mặt trời. Vì thế thật kỳ thú khi được chứng kiến một ngày dài tới 22 giờ.
                Một ngày một đêm, màn hình chỉ dẫn cho thấy vẫn còn bay trên vùng chóp cực đông bắc của Nga. Trời nắng trong, dưới cảnh bay là Bắc Kinh, là bạt ngàn núi rừng Trung Hoa, là Vạn Lý Trường Thành uốn cong như con rồng khổng lồ. Rồi sông Kỳ Cùng, sông Hồng… Phải đến 11 giờ 45 phút ngày 3-10, chuyên cơ mới hạ cánh xuống Nội Bài. Người rung lên trong những tràng pháo tay.
                Vậy là kết thúc chuyến ngao du kỳ thú 11 ngày qua New York, Cuba và Chile. Gần 59 giờ bay, qua 44.160 km (dài hơn chu vi trái đất) trên không phận 18 quốc gia, cắt qua 12 múi giờ khác biệt, 2 lần xuyên từ bắc bán cầu xuống nam bán cầu và ngược lại, từ bán cầu đông sang bán cầu tây, 2 lần cắt qua phân tuyến ngày đêm quốc tế và xích đạo, bay ngược thời gian để hạ cánh tại Alaska sớm hơn giờ cất cánh từ Hà Nội 5 giờ.
                Một chuyến bay hiếm có khi được chứng kiến 2 lần bình minh trong vòng 18 tiếng khi bay ngược bóng đêm, và chứng kiến 1 ngày dài 22 giờ khi bay đuổi theo mặt trời trong chặng đường về.
                TDN



      Dinh Tổng thống Chi Lê




      quảng trường Nhà binh



      trên đường phố



      một khúc sông chảy giữa phố Santiago de Chile



      nữ cảnh sát Chi Lê

      #3
        hoangau 15.10.2009 13:57:24 (permalink)
        Hic, mới đọc "Ngao du NEW_CU_CHI" cứ tưởng một địa đạo Củ Chi nữa mới được phát lộ chớ ! Bác này cũng hóm phết !
        #4
          Chuyển nhanh đến:

          Thống kê hiện tại

          Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
          Kiểu:
          2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9