Ngao du NEW-CU-CHI
lyenson 14.10.2009 12:27:03 (permalink)
Nhà báo Trương Duy Nhất


     Đó là chuyến ngao du kỳ thú 11 ngày qua New York, Cuba và Chile. Gần 59 giờ bay, qua 44.160 km (dài hơn chu vi trái đất) trên không phận 18 quốc gia, cắt qua 12 múi giờ khác biệt, 2 lần xuyên từ bắc bán cầu xuống nam bán cầu và ngược lại, từ bán cầu đông sang bán cầu tây, 2 lần cắt qua phân tuyến ngày đêm quốc tế và xích đạo, bay ngược thời gian để hạ cánh tại Alaska sớm hơn giờ cất cánh từ Hà Nội 5 giờ.           Một chuyến bay hiếm có khi được chứng kiến 2 lần bình minh trong vòng 18 tiếng khi bay ngược bóng đêm, và chứng kiến 1 ngày dài 22 giờ khi bay đuổi theo mặt trời trong chặng đường về.


NEW YORK NHỮNG NGÀY THƯỢNG ĐỈNH


          Chuyên cơ VN 6579 cất cánh rời Hà Nội lúc 6 giờ 25 phút ngày 23-9. Đây là chuyến bay ngược thời gian. Hết 10 tiếng, hạ cánh quá cảnh tại sân bay quốc tế Anchorage (Alaska, Hoa Kỳ) lúc 1 giờ 45 giờ địa phương. Vì bay ngược múi giờ, nên sau gần 10 giờ bay, vẫn sớm hơn 5 tiếng so với thời gian lúc cất cánh tại Hà Nội. Đó là điều kỳ thú thứ nhất.



Chuyên cơ VN 6579 tại sân bay JF. Kennedy


Rêm lưng sau 18 giờ bay mới đến New York.
          Đến New York Hoa Kỳ đúng những ngày thượng đỉnh. Tuần lễ Đại hội đồng Liên hiệp quốc họp phiên 64, tuần lễ diễn ra hội nghị thượng đỉnh Hội đồng Bảo an LHQ. Khí trời New York nhẹ, thoảng lạnh, ngược với thời tiết chính trị đang căng như dây đàn. Hàng loạt nguyên thủ các quốc gia đồng loạt tới Mỹ. New York trở thành một “hội trường” khổng lồ cho các cuộc gặp thượng đỉnh.
          Tôi trú ngụ tại tầng 31 khách sạn 5 sao Sheraton New York & Towers. Một trùng hợp thú vị: cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton cũng đang trú ngụ tại ngay khách sạn này, phía trên tôi vài tầng. Bill Clinton đã chọn Sheraton New York & Towers trong những ngày ở New York và tổ chức ngay tại đây cuộc họp sáng kiến toàn cầu mang tên ông.
          Trong khi ngóng chờ kết quả từ “những ngày thượng đỉnh”, tự thưởng cho mình một vòng ngao du New York. Lần trước có thời gian, đã nộp tiền thuê tour trực thăng bay trên đầu nữ thần tự do nhưng không thành vì thời tiết xấu, về Washington mà ấm ức mãi. Lần này theo đoàn lên tàu chạy quanh đảo ngắm và chụp ảnh từ xa. Không thể biết được đã có bao nhiêu lượt người chụp ảnh, bao nhiêu những bức ảnh chụp nữ thần tự do từ khi nó được dựng lên trên hòn đảo Liberty Island này. Lại nhớ về Đà Nẵng quê mình, quẩn quanh mãi không biết xây cái gì làm biểu tượng ngoài mấy bức tượng… Phật!


Tượng nữ thần tự do

New York những ngày thượng đỉnh cựa tí là tắc xe. Ngày thường vẫn vậy, những ngày này càng khốn khó, những biển xe nối đuôi nhau nhích từng centimet. Nhưng không nghe tiếng còi. Có lẽ, còi xe chỉ thấy ở Việt Nam. Mỹ, và nhiều quốc gia khác, hành vi bấm còi xe có khi còn nặng hơn câu chửi thề.           Điện thoại cho Thanh Chung, một phụ nữ Việt làm việc tại LHQ. Đúng hẹn nửa tiếng, thấy chị chui lên từ lòng đất? Mình đi làm bằng tàu điện ngầm, cứ chui trong lòng đất vậy, chưa sắm được ô tô- Chị bảo vậy. 48 tuổi, Thanh Chung sang New York được hơn 6 năm rồi. 2 con chị cũng sang theo mẹ, một đã đi làm, một đang theo học. Đứa lớn tháng tới bắt đầu thuê nhà ra ở riêng, chị khoe và bảo rằng như vậy để tập cho con tính tự lập. Đó là điều đáng học và học được đầu tiên nơi người Mỹ. Dáng người thấp bé, nhưng để trụ được có chân trong tổ chức Quĩ nhi đồng LHQ (UNICEF) giữa New York cao ngạo này chứng tỏ cái nghị lực và tri thức không thấp bé tí nào của người phụ nữ Việt ấn tượng này. Tôi thích và ấn tượng Thanh Chung từ những bài viết sắc sảo và giàu chất nhân văn của chị. Chị cũng đọc tôi thường xuyên. Và vì thế giữa New York, dù gặp lần đầu nhưng cả hai đã như thân quen từ lâu.
          Trước khi chuyển sang đây chị ở đâu làm gì? Thanh Chung cười: Mình qua hơn 6 năm rồi, là thi qua chứ LHQ không có khái niệm “chuyển”, trước đó cũng đã làm ở một tổ chức khác cũng của LHQ tại Hà Nội.
          Người Việt ở New York giờ không ít. Và người Việt như Thanh Chung làm cho LHQ cũng không ít. Người Việt mình chỉ tội cái dáng thấp bé, chứ tài trí đâu có thua “thằng” nào- Nghe Thanh Chung nói mà thấy vui lây, như được tiếp thêm… niềm tin!
          An Nam quán- một quán cơm Việt nhỏ nhưng ấm áp, sang trọng giữa những tòa nhà chọc trời. Cơm trắng, rau luộc, thịt bò và canh chua. Lại thêm một người Việt nữa có “hộ khẩu” tại tòa nhà LHQ: anh Vũ Duy Mẫn. Nhất hả, em sang bao giờ? Câu hỏi khiến New York như gần sát… Quảng Nam vậy!
          Có vẻ sợ tôi đói nên Thanh Chung gọi hơi nhiều. Cơm, thịt đều thừa. Em có lấy về không- Anh Mẫn hỏi? Ok- Thanh Chung vừa gật đầu cười vừa gói sạch mấy dĩa thức ăn còn lại trên bàn.
          Chợt liên tưởng đến chuyện bên nhà, ít thấy ai như Thanh Chung, “dám” đến mức thành thói quen không bỏ sót cơm thừa. Trước đây tôi có viết về chuyện ra nước ngoài hễ thấy ai kéo quần đái bên vệ đường và khi ăn cứ nói chuyện oang oảng, rồi xả rác đầy gầm bàn thì không cần hỏi quốc tịch, bởi đó chỉ có thể là người Việt. Nay ngộ thêm một điều: Thấy bàn nào ăn xong vẫn thừa mứa đầy cơm thịt, thì cũng không cần hỏi quốc tịch, bởi đó đích thị là người Việt, chỉ có thể là người Việt mà thôi. Nhất là những tiệc buffet, người ngoại quốc họ rất ngạc nhiên, cứ trố mắt nhìn khi thấy những đĩa thức ăn của người Việt mình ai nấy đều đầy ắp, đổ tràn ra bàn.
          Thanh Chung chào vội rồi xách 2 túi thức ăn chui xuống lòng đất.
          Anh Mẫn sắc sảo, chỉ tiếc rằng ngồi với nhau quá ít. Dẫn tôi dạo qua 2 phố, hướng dẫn cách đi bộ về hướng đại lộ 5, đại lộ 7 rồi cũng bắt tay chào và… chui vào lòng đất!
          Những ngày thượng đỉnh, cả New York tất bật. Thanh Chung và Vũ Duy Mẫn cũng vậy. Họ vội vã về với công việc UN của mình, để rồi tối nay còn kịp dự buổi gặp gỡ của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết với cán bộ phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ và nhân viên người Việt làm việc cho UN.









Với hai nhân viên người Việt tại Liên hiệp quốc Thanh Chung và Vũ Duy Mẫn


New York chật chội. Chật đến mức ngay cả sân bay quốc tế JF. Kennedy cũng không còn chỗ đậu. Chuyên cơ chở đoàn đến xong, phải bay đi đậu ở một nơi khác, đến ngày về mới bay lại đón.
          Hôm quá cảnh tại Anchorage (Alaska) đã ngạc nhiên khi thấy toàn chữ Tàu. Về New York, đi shopping thấy nhiều người mua đụng hàng Tàu cứ tủm tỉm mãi. Nhớ lần đầu đến Mỹ, lội khắp mấy tòa độ sộ ngay giữa trung tâm New York và cả Washington thấy ngập tràn hàng sale made in China, tôi đã viết rằng: "nỗi sợ hãi" của nước đại Mỹ trong hiện tại và cả tương lai không đâu khác, đó chính là cái"made in China" sờ sờ trước mặt kia. Và có lẽ, mọi... căng thẳng cũng từ đây, chứ chẳng phải câu chuyện nhân quyền hay súng ống.
          Mỗi năm, dường như hàng hóa Trung Quốc càng ngập tràn nước Mỹ hơn. Và giữa New York chọc trời cao ngạo này, quán ăn nhà hàng Tàu cũng ngày một nhiều hơn. Thậm chí, có những phố chỉ vài 3 quán Tàu cũng treo bảng là China town.











Năm 2007, lần đầu đến New York, cảm giác trong tôi là sự choáng ngợp. Lần thứ hai, New York không cho tôi cảm giác lạ lẫm, choáng ngợp nữa, không biết có phải nhờ chị Thanh Chung, anh Vũ Duy Mẫn và những nhân viên LHQ “made in Việt Nam” ?
          Đêm trước khi rời New York, mọi người mệt ngủ cả. Một mình lang thang giữa quảng trường Thời đại (Times Square). Cũng chẳng biết làm gì giữa biển người đủ màu da nhộn nhạo náo nhiệt, giữa cơ man những biển quảng cáo chói lòa kia. Kéo ghế, thưởng cho mình một cốc cà phê và tự dưng ước giá như có một tấm biển quảng cáo chữ Việt lọt giữa quảng trường Thời đại danh tiếng này. New York là thành phố không bao giờ ngủ. Và điểm náo nhiệt nhất, không bao giờ biết ngủ đúng nghĩa nhất chính là Times Square.
          Đến New York không phải để ngủ. Times Square không có khái niệm của sự dừng lại và nhắm mắt!
          TDN



Quảng trường Thời đại (Times Square)

#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9