Chuyện kể về ông Đức Minh
lyenson 21.10.2009 17:11:15 (permalink)
Đầu những năm 60, ông Đức Minh xuất hiện và bắt đầu mua tranh của các họa sĩ nhằm bổ sung vào bộ sưu tập mà trước đó ông đã có với số tranh rất có giá trị nhưng chưa nhiều, đó là những bức ông mua trong chuyến đi Pháp, như : "Chơi ô ăn quan" của Nguyễn Phan Chánh và "Thiếu nữ bên cây phù du" của Nguyễn Gia Trí và một bức của danh họa thế giới Fujita (một họa sĩ người Nhật Bản, nhưng sống, làm việc và nổi danh tại Paris) Bức "Bên hoa huệ" ông Đức Minh mua từ thời Pháp chiếm Hà Nội. Chỉ cần kể tên vài ba danh phẩm đó thôi, giới mộ điệu mỹ thuật cũng đã kính nể rồi.

Ông Đức Minh tên thật là Bùi Đình Thản (1920 –1983) ông vốn là một thương gia ở lãnh vực "vàng bạc đá qúi" và ông có tiếng là một đại gia giầu có ở đất Hà Thành thời bấy giờ. Điều kiện và hoàn cảnh cùng vị thế của một nhà tư sản đã giúp ông kiếm được bộn tiền để rồi khi ông gặp gỡ với hội họa, thì như người bị bỏ bùa mê, thuốc lú, hội họa đã lại lấy đi hầu hết số vốn liếng mà bao lâu ông mới gây dựng nên. Nhiều khi ông đã phải bán đi những cổ vật qúi giá, hay phải đi vay mượn thêm để đủ tiền mua tranh, nếu bức tranh đó đã hớp hồn ông thì giá cả bao nhiêu với ông cũng không quan trọng mấy.

Ông Đức Minh sở hữu một ngôi nhà biệt thự đẹp và rộng lớn bên hồ Thuyền Quang. Từ những năm 60 đến những năm 80, ông trưng bày toàn bộ những tác phẩm nghệ thuật mà ông sưu tập được ở đó, và có thể gọi đó là nơi triển lãm tranh nghệ thuật xuất hiện sớm nhất ở Việt Nam từ ngày tiếp quản Thủ Đô. Trong mấy thập niên đó các họa sĩ và các sinh viên trường mỹ thuật vẫn thường lui tới thưởng lãm và trao đổi thông tin nghệ thuật. Nơi đây cũng là một địa chỉ rất ấn tượng cho khách nước ngoài đến thăm quan. Thời đó nếu là khách nước ngoài thì phần nhiều phải là do cán bộ của Nhà nước giới thiệu và dẫn đến. Do đó ông Đức Minh rất an tâm và hãnh diện vì vị thế đặc biệt, chỉ có ông mới được tiếp xúc với Tây. Tôi nhớ là ông Đức Minh rất thích khoe kể lại mỗi khi ông tiếp khách mắt xanh mũi lõ. Các họa sĩ nghe Đức Minh kể những chuyện tiếp Tây thường không giấu được vẻ sốt ruột muốn biết tác phẩm của mình có gây được ấn tượng gì cho các vị "Tây" đó không ? Thường thì ông Đức Minh hay chậm rãi và nói với vẻ quan trọng: " Ờ, ờ, moi thấy luy dừng lại khá lâu trước bức tranh của toi ." Dừng lại là một chuyện, nhưng thích tác phẩm đó hay không thì chẳng bao giờ thấy ông tiết lộ.

Vào thập niên 60,70. cùng với sự kiện ra đời Bảo tàng Mỹ thuật, thì sự xuất hiện phòng tranh của sưu tập Đức Minh là có ý nghĩa đẹp và hữu ích cho đời sống văn hóa thời đó ,nó giúp cho người ta có cái nhìn về một chiều khác của nghệ thuật, đó là chiều nghệ thuật phi XHCN (nói cho dễ hiểu thì những tác phẩm ông Đức Minh chơi thường không phải là chủ đề phục vụ đường lối chính sách, không có nội dung lao động, chiến đấu). Ngay từ những ngày đó, người ta đã có sự so sánh và cho rằng nếu đã xem tranh trong bộ sưu tập Đức Minh thì không muốn trở lại Bảo tàng Mỹ thuật Quốc gia nữa. Năm 1965, ông Đức Minh đã từng đề nghị hiến tặng toàn bộ số tranh ông sưu tập được cho nhà nước, đổi lại, ông muốn toàn bộ căn biện thự của ông sẽ trở thành bảo tàng và mang tên Đức Minh. Nhưng đề nghị của nhà tư sản này vào thời đó đã không được xem xét, và giấc mộng về một bảo tàng mỹ thuật Đức Minh nằm bên hồ Thuyền Quang cũng đã theo ông xuống suối vàng.



Ghi chú ảnh : Người đứng hàng sau : Nhà sưu tập Đức Minh _Bùi Đình Thản
Hàng ngồi : Nguyễn Tư Nghiêm,Nguyễn Bá Đạm,Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên


Sau khi ông Đức Minh mất,ngôi biệt thự đã được bán, thay vào đó là một cao ốc, bộ sưu tập đồ sộ trở thành tài sản thừa kế, được chia cho các con ông. Có người giữ được nhưng cũng có người đem bán với giá dễ mua.Đặc biệt nhà sưu tập Danh Anh đã từng khoe kể là phải vận chuyển bằng nhiều chuyến xe xích lô mới hết được số lượng tác phẩm đã mua và anh ta đã trả giá đổ đồng cho số lượng chứ không phải chất lượng của từng bức tranh. Nghe thật đau xót, đó thực sự là một mất mát lớn cho nền mỹ thuật Việt Nam khi mà chỉ trong 2 ngày, bộ sưu tập mỹ thuật danh tiếng nhất ở Việt Nam đã bị phá nát và chia lẻ ra trong lặng lẽ.Vụ phát mại âm thầm vào năm đó đã gây nên cơn sóng ngầm lộn xộn trong thị trường mỹ thuật, rất nhiều tranh giả cũng thừa dịp len lỏi ,trà trộn vào đó bởi nhiều chủ nhân gallery đã coi sự kiện đó như một cơ hội cho những lần họ thề sống, thề chết với khách ngoại quốc rằng chính bức này, bức kia được mua trong bộ sưu tập nhà Đức Minh. Nhưng cũng rất may cho giấc mộng của nhà sưu tập Đức Minh, hiện nay đã được tiếp tục dệt nên do bởi người con trai là Bùi Quốc Chí, anh đã không bán số tranh mà phần của anh đã được chia và từ nhiều chục năm nay, Chí đã bền bỉ bỏ tiền ra chuộc lại từng bức tranh quí đã bị bán đi từ rất sớm do bởi quyết định sai lầm của thân quyến.
Những gì tôi biết về ông Đức Minh thì không nhiều, bởi khi ông Đức Minh thường lui tới thăm Bùi Xuân Phái thủa đó, tôi còn là cậu bé con chạy lon ton. Nhưng tìm trong trí nhớ cũng thấy khá nhiều hình ảnh ấn tượng để kể. 
Tôi vẫn nhớ cách mua tranh của ông Đức Minh mỗi lần ông lại thăm xưởng vẽ của Bùi Xuân Phái thật độc đáo, ngoài thói quen là bao giờ cũng phải mặc cả, ông còn có thói quen khi mua tranh là trong lúc rút tiền ra trả cho họa sĩ, thường ông Đức Minh sẽ đảo mắt nhìn quanh (Thực ra với các nhà sưu tập thì đây là thói quen nghề nghiệp, vị nào đến thăm xưởng vẽ của họa sĩ thì mắt cũng đảo như rang lạc) và thế nào ông cũng tìm thấy một bức tranh thích hợp để ông cầm lấy nó và yêu cầu được thêm (Những bức tranh được họa sĩ đồng ý "thêm" cho ấy ,có khi còn đẹp và giá trị hơn cả bức đã được trả tiền mua).Tôi chưa thấy lần nào ông Đức Minh không toại được ý muốn mỗi khi ông mua tranh theo phương thức đó.Và một thói quen nữa là ông thường chọn dịp đến chơi Bùi Xuân Phái vào những ngày giáp Tết, bởi những ngày này, nhu cầu tài chính để chi tiêu cho một cái Tết của gia đình họa sĩ là rất bức thiết, thế nên khi ông Đức Minh đã chọn những bức tranh ưng ý và trả giá bao nhiêu thì người họa sĩ cũng đành phải nhân nhượng thôi. 
Một tuyệt chiêu nữa mà ông Đức Minh cũng hay dùng khi mua tranh là ông tạm thời bê luôn bức tranh của họa sĩ về nhìn ngắm kỹ lưỡng đã, và trong khoản thời gian này ông thường mời các họa sĩ khác đến để hỏi ý kiến về bức họa xem có nên mua hay là không.Chính vì tính tuyển chọn kỹ lưỡng và nghiêm túc nên những tác phẩm trong bộ sưu tập của ông Đức Minh vào thời đó đều là những tác phẩm xuất sắc. 
Phải thừa nhận một điều là các họa sĩ thập niên 60 và 70 ,ít nhiều cũng đã xem ông Đức Minh là vị cứu tinh cho đời sống của mình. Tôi nhớ một lần ông Đức Minh đến thăm BXPhái trước lúc hỏi mua tranh, ông Đức Minh đã kể câu chuyện về ngày hôm trước,ông đã phải tiếp họa sĩ Thăng Long tại nhà riêng (người họa sĩ này từ lâu rồi tôi không còn nghe về ông ta nữa, ông ta đã biến đâu mất tăm mất tích cả hình hài lẫn cái tên của mình) họa sĩ Thăng Long đến gặp Đức Minh để trình bày hoàn cảnh của mình,họa sĩ này kể rằng, cách đây mấy ngày,anh ta đã phải đến bệnh viện để bán máu lấy chút tiền mua gạo.Bây giờ gạo đã hết, mệt lả vì nhịn ăn mấy ngày rồi, sức khỏe thì gầy yếu nên ngay cả đi bán máu bị bệnh viện cũng từ chối không mua. Ông Đức Minh kể "Thăng Long đem lại cho tôi cả một đống tranh và đề nghị tôi mua giúp, thương tình tôi cũng đành mua cứu trợ cho anh ta một bức" 
Sau khi nghe ông Đức Minh kể xong câu chuyện, tôi vẫn nhớ dáng vẻ của Bùi Xuân Phái khi đó, ông đã im lặng không nói lời nào và ông đã cúi gục đầu xuống, buồn bã như chính mình là người có lỗi với người bạn đồng nghiệp. 
Trong sưu tập tranh của ông Đức Minh, đều có đủ mặt các danh họa trường Mỹ thuật Đông Dương. Họa sĩ mà ông Đức Minh có nhiều tranh nhất chính là Bùi Xuân Phái. Nhiều đến nỗi mà đến thập niên 70, ông Đức Minh đã phải kêu lên với mọi người :" Trong sưu tập của tôi có nhiều tranh của Bùi Xuân Phái quá rồi,bây giờ phải là tranh thật ấn tượng và giá mềm tôi mới mua " Ông Đức Minh đã làm điều ông đã nói, thưa thớt vài năm mới lại thấy ông trở lại thăm xưởng vẽ của Bùi Xuân Phái và đến khoảng năm 74 thì việc mua tranh dừng hẳn. năm 75, đất nước thống nhất ,ông Đức Minh vào sống tại T.P Hồ Chí Minh . 



Chụp ảnh kỷ niệm trong bảo tàng Đức Minh tại Tp HCM

Năm tôi 13 tuổi (1969), bắt đầu đến thế giới hội họa, tôi cũng đã có những bức tranh đầu tiên được đăng trên tờ Văn Nghệ. Hôm ông Đức Minh đến chơi, Bùi Xuân Phái lấy tờ báo có đăng mấy bức tranh của tôi khoe ông Đức Minh, và Bùi Xuân Phái đã "Bình luận" về cậu con của mình " Moi,thấy trong tranh của nó có một cái gì đấy! Lạ lắm toi ạ ." Ông Đức Minh nghe lời "tiếp thị"đầy thuyết phục ấy bèn hỏi mua liền của tôi 3 bức tranh. Cảm giác ngất ngây đầu tiên khi nhận được tiền bằng công việc mà mình yêu thích ,thật khó quên được.Và tôi vẫn nhớ rõ là sau khi ông Đức Minh đưa tiền cho tôi xong, ông bèn quay sang Bùi Xuân Phái và đề nghị ...thêm (mua tranh của con và thêm bằng tranh của bố) Bùi Xuân Phái đành chiều nhà sưu tập, ông chọn một bức tranh ưng ý để "thêm" và coi đó như một sự đền bù vì mình đã chót "tiếp thị" tranh của con. Sau này, mỗi khi nhớ lại, tôi vẫn nghĩ rằng, cử chỉ ấy của cả hai ông, thực chất, là do các ông chỉ muốn cổ vũ động viên tôi là chính.Thế nhưng, vào năm 94, tôi nhận ra một bức trong số đó được đăng trang trọng trong một tạp chí nghệ thuật của Hồng Kông. Có ai đó đã dã man cạo chữ ký của tôi trên bức tranh đi thay vào đó là chữ ký của Phái. Người xấu đó nếu biết câu chuyện mà tôi vừa kể, hẳn sẽ nhận thấy rằng cùng một lúc anh ta đã xúc phạm tới nhiều người. 
Một kỷ niệm nữa mà tôi sẽ nhớ mãi đó là vào một ngày sau ngày cưới của tôi, tình cờ ông Đức Minh từ Sài Gòn ra chơi . Hôm đó ông Đức Minh ngạc nhiên vì thấy trong nhà tôi có thêm một thành viên mới. Bùi Xuân Phai giới thiệu " Đó là vợ Phương, chúng nó vừa mới làm đám cưới " Ông Đức Minh ngỏ lời chúc mừng và đưa ra đề nghị :" Bác không được biết nên không có quà mừng các cháu, nhưng ở nhà bác hiện đang có chai rượu Tây chờ dịp nào vui mới dùng đến, nhân dịp này, bác mời cả 3 bố con đến thăm nhà bác luôn" Đó là lần đầu tiên và cũng là duy nhất tôi được xem khoảng hơn 1000 bức tranh ở các thể loại của các họa sĩ danh tiếng nhất cùng tề tựu tại nhà ông Đức Minh.Tôi đã cảm thấy vinh dự và cảm động khi cùng với người vợ mới cưới được là khách mời, được đi ở giữa, một bên là huyền thoại Bùi Xuân Phái, một bên là huyền thoại Đức Minh. Chúng tôi được dẫn đi thăm các phòng trưng bày tranh và ông Đức Minh giới thiệu kể tên từng tác giả và đưa ra cả cảm nghĩ của ông nữa ,và người bên cạnh là Bùi Xuân Phái cũng bổ sung và trình bày ý kiến của ông về từng tác giả ,tác phẩm cho chúng tôi nghe.Sau lần gặp ông Đức Minh lần đó,tôi không bao giờ gặp lại ông nữa, ông Đức Minh mất đột ngột tại T.p HCM vào năm 1983 

Bùi Thanh Phương

theo blog btphuong
<bài viết được chỉnh sửa lúc 21.10.2009 17:15:25 bởi lyenson >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9