TẢN BÚT ĐƯỜNG DÀI
Khải Nguyên HT 30.10.2009 16:24:27 (permalink)
TẢN BÚT* ĐƯỜNG DÀI

RÔNG RÀI ĐƯỜNG LIÊN KHU BỐN XƯA

       Thế kỉ trước, -chà! nói “thế kỉ trước” nghe mới xa vời làm sao!- hơn một lần tôi làm chuyến du đường dài trên đất nước mình. Vào thế kỉ mới rồi, lại nhớ những dặm dài, dẫu chân cũng đã muốn chồn. Ờ, thì lại làm chuyến nữa và gắng ghi lại một số ấn tượng, e rằng “mai sau dù có bao giờ”...
       Những chặng đường từng đi qua, những chốn từng đặt chân tới luôn luôn có những cái khác trước, và cảm nghĩ của khách du đâu có y nguyên! Mới chỉ cách đây dăm ba năm, quốc lộ Tám xuyên qua bắc Hà Tĩnh sang Lào được coi là con đường (dài) đẹp nhất nước. Nay nhìn thấy “nhỏ” đi, cũ đi về vóc dáng, màu sắc, cả hàm nghĩa xuống cấp ; đã có những chỗ vá ; nhiều chỗ rơm rạ phơi đầy, mặc biển cấm. Lượng xe không thật nhiều, song những xe tải nghễu nghện những súc gỗ Lào chất ngất hành hạ con đường mỗi ngày. Từng có lúc có người “phong” cho là đường cao tốc(!). Với “môi trường” đi lại, cung cách đi lại, ý thức đi lại ở nước ta như hiện nay thì “cao tốc” chỉ là một từ xài sang!   Quốc lộ Một, mà một vài phương tiện thông tin đại chúng từng biểu dương ầm ĩ chuyện nâng cấp, nhiều đoạn còn dang dở. Nhiều chỗ thấy trưng biển hạn chế tốc độ; tuy nhiên các lái xe chỉ ớn đoạn qua Diễn Châu thôi. “Công an ở đây làm gắt lắm”. Cậu lái xe cho xe chạy chậm lại dưới 50km/h bảo vậy.
       -Các chú vẫn “mua” họ mà? -Một khách du có tuổi hỏi.
       -Bọn này khó mua. –Lái xe đáp. (Nếu thật có vậy thì đáng khen quá!).
       Thường người ta cho rằng đường ở Bắc bộ hay đi dọc những con sông, còn đường ở miền Trung lại hay cắt ngang sông. Nói vậy, thật ra sông với đường có thể “duyên nợ” với nhau qua sự song hành hoặc qua những cầu, phà. Sông hay đường dễ đổi thay hơn? Thường nghĩ là đường. Song, kí ức tuổi thơ tôi chảy hoài một con sông nhỏ hầu như quanh năm trong xanh, dẫu chảy hơi xiết vẫn là êm đềm len lỏi giữa những hẻm núi đồi hoặc những vùng vườn cây, nương dâu, ruộng lạc,... Con sông Phố nhỏ nhoi, khiêm nhường ấy tưởng chừng bất biến mà đâu còn như xưa! Nói chi chuyện lở bồi. Chỉ riêng chuyện những cây cầu bắc ngang sông “xoá sổ” bao bến đò ngang cũng đã góp phần làm đổi thay cảnh sắc sông quê và làm đậm thêm nỗi nhớ những chuyến qua sông nào đó thời sống nghèo khó mà ấm tình người. Chợt nghĩ: chính sông ngòi cũng là một trong những cái cớ tạo nên tính cách “ru rú xóm làng” tự ngàn đời của người dân Việt.  Cái “bản sắc” này, cách mạng, chiến tranh, “cải cách” đã làm nhạt đi (cùng nhạt đi cái tình làng nghĩa xóm!) song còn “bền gốc” lắm biểu hiện rõ nhất ở “đầu óc cát cứ , cục bộ” và  “đầu óc xôi thịt” biến tướng. Hẳn là phải khá lâu sau khi cung cách làm ăn mới, tiền tiến, hiện đại đã vững chắc, những “truyền thống” xấu mới mất đi cùng với việc bảo tồn và phát huy những truyền thống tốt. Cái ngày ấy có vẻ còn khá xa. Trước mắt hãy còn “ngổn ngang” lắm.
        Đi trên quốc lộ Một từ Bắc vào Nam vào mùa này như đi giữa thảm lúa. Nhiều nơi bát ngát màu lúa vàng, màu của no ấm, -chưa phải là màu của giàu mạnh! Sự giàu lên thấy được ở những thị tứ cũ và mới, qua những con đường mới mở hoặc mới nâng cấp, qua những toà nhà mới mọc lên ở ngoại vi các đô thị làm vui mắt du khách (mà cũng làm “ngớ” du khách bởi hầu như rặt một kiểu nhà “hình ống”). Tuy nhiên, người ta cảm thấy sự xô bồ, chen lấn, thiếu tầm cao, tầm rộng, tầm xa. Dàn ra, như là đua nhau, những cửa hàng loại nhỏ, nhiều nhất là những quán ăn và quán giải khát, trong đó có những quán “thổ phỉ” khét tiếng thô bạo với khách và thức ăn, uống chất lượng kém mà giá thì “cắt cổ” thế nhưng lái xe vẫn “tạo điều kiện” để khách đi xe phải vào vì sự “ăn cánh” y như thầy thuốc với cửa hàng thuốc. Sự phồn vinh của một đất nước, nếp sống và mức sống, nhiều khi hiện rõ ra hai bên đường những nơi có dân cư, trước hết là nơi phố xá. Ở ta, cung cách làm ăn, cách sống và mặt bằng sinh hoạt chưa tương xứng với những công cụ tối tân nhập nội bắt gặp khắp nơi như xe đời mới, điện thoại di động, máy ảnh số, máy tính xách tay,... Đổi thay xác và hồn nếu chỉ là chạy theo và đua đòi thì sẽ trầm luân trong cạnh tranh hoang dã, lạc nẻo văn minh thật.
       Đường qua xứ Thanh mưa dầm dề, buồn như một sự chia li. Tuồng như đất trời xứ này cũng sụt sùi vì một người con giữ ngôi cao vừa buộc phải xuống bệ. Xe lướt nhẹ qua cầu Hoàng Long xây xong chưa lâu. Sông Mã chẳng có vẻ gì là hung hiểm với những hàm rồng đá đầy bất trắc được đồn thổi từ thời người Pháp xây chiếc cầu sắt qua sông. Ngày ấy, người Pháp trù tính mãi không làm được trụ cầu giữa sông, nghe nói phải nhờ kĩ sư Đức dùng kĩ thuật vòm treo, trầy trật mãi làm chết bao người thợ lên bắt vít đinh ốc đấu hai nửa vòm vào nhau. Núi Ngọc qua cuộc chiến ác liệt với máy bay Mĩ giờ nom có vẻ teo lại giữa đám nhà cửa mới mọc lên quanh chân núi và hai bên bờ sông.  Thành phố Thanh Hoá đã lan tới bờ nam sông Mã ở phía bắc và Cầu Bố ở phía nam. Cầu Bố, thời chống Pháp là nơi buôn bán sầm uất nhất vùng tự do bắc Liên khu Bốn xưa gồm ba tỉnh Thanh, Nghệ, Tĩnh, là chốn mơ ước được dừng chân của lính, học sinh, cán bộ đi công tác; dù họ chỉ “để xem ra sao” là chính, không như dân buôn.Chỉ hai dãy nhà tranh dài tạm bợ dọc hai bên một đoạn quốc lộ Một vốn đã bị phá hoại để “tiêu thổ kháng chiến”, Cầu Bố là nơi tập kết và phân phối hàng hóa, nhiều thứ do buôn lậu, từ vùng “tạm bị (Pháp) chiếm” ra vùng tự do, trong đó có những thứ bị xếp vào loại hàng “xa xỉ phẩm”. Có một giai thoại. Một người đàn ông trung niên mặc quần áo ta màu gụ, đội mũ lá, đi dép lốp, xách một cái bị cói nhỏ đi qua một trạm gác vành ngoài Cầu Bố. Hai người công an gọi vào khám cái bị lôi ra hai gói thuốc lá Cotab, loại thuốc lá ngoại thơm nổi tiếng hồi đó, bèn tuyên bố tịch thu. Người kia cố xin lại gói đã dùng dở. Một công an viên nghiêm mặt: “Không được! Tha phạt đã là may cho anh lắm rồi. Thứ này phải tiêu hủy. Không thể tiếp tay cho địch âm mưu phá hoại kinh tế của ta!”. Nài chẳng được, người kia bỏ đi. Đi khuất được một quãng, gió đưa mùi thơm đặc trưng của thuốc lá Cotab thoảng đến, ông bèn quay trở lại. Hai chàng gác đang ngồi khoái rít và nhả khói. “Chà! Thơm quá nhỉ! Cho hút ghé một hơi nào”-Người đàn ông xách bị cói vừa cười nói vừa bước vào trạm. “Ai cho anh tự tiện vào đây?”-Một công an đứng dậy quát, tay sờ vào vũ khí làm một cử chỉ uy hiếp. Nhưng người nọ đã nhanh tay rút khẩu súng lục giấu rất khéo sau tà áo ra: “Các chú tiêu hủy như thế này đó hả?”. Hai vị thất kinh, đành xuống nước van xin, không thể lấn lướt như với ai khác được. Các chú không ngờ đụng tướng Nguyễn Sơn, bấy giờ đang là chỉ huy trưởng quân sự liên khu Bốn. Cuối năm 1950, máy bay Pháp đã đến ném bom và bắn phá Cầu Bố tan hoang, sau khi một ổ gián điệp ấn náu tại đó bị xoá sổ.
       Huyện Tĩnh Gia xứ Thanh có một “phố chim” dọc đường số Một. Lũ chim, phần lớn là khướu, bị nhốt tập thể hoặc riêng lẻ trong lồng to hoặc nhỏ chờ khách mua, nom ủ rũ, chắc chẳng phải buồn ngày mưa như cô tiểu thư nhỡ hẹn hoặc nhớ ngàn cây xanh như thi sĩ mò tứ thơ. Một ngày nào đó lúc rừng đã quá kiệt, e phải nhờ đến các lồng nuôi chim để cứu các giống chim này khỏi tuyệt chủng chăng?!
       Thanh Hóa, cũng như mọi địa phương khác, có nhiều chốn để du, song hầu như người ta chỉ quan tâm đến khu nghỉ mát Sầm Sơn bởi cách quốc lộ Một không xa và bởi thuận tiện nghỉ ngơi, vui chơi và cả ăn chơi. Người ta ít biết đến Lam kinh và thành nhà Hồ. (Không nói những trưởng, phó đoàn nhân danh tổ chức này, cơ quan nọ gom người đi tham quam-du lịch để làm tiền trá hình!). Thành nhà Hồ là một công trình kiến trúc đồ sộ toàn bằng đá tảng lớn nhất nước ta. Hồi làm nhà thờ đá Phát Diệm cuối thế kỉ 19, ông cố đạo tên là Sáu có lấy đá ở đây. Thời gian, thiên tai, nhân họa -cả địch họa, đụng đến không ít, may mà di tích này chưa thành phế tích! Trùng tu và tôn tạo Lam kinh, người ta dường như không nghĩ đến Tây đô. Cả hai cùng liên quan đến một thời kì lịch sử bi hùng của dân tộc; một đằng gắn với mối hận mất nước, một đằng gắn với sự nghiệp giành lại nước, như là một sự đối chứng lịch sử. Cấu trúc thành nhà Hồ đáng được chiêm ngưỡng, khảo sát. Nếu tôn tạo thành quách và khôi phục được những đền đài, cung điện, đường sá, hào luỹ, dẫu chỉ mới trên đại thể, nó xứng đáng được liệt vào hàng di sản thế giới của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO).
       Nghệ An và Hà Tĩnh, nhiều tài nguyên du lịch đang ngủ hay đang mai một dần. Khách phương xa đến Nghệ An hầu như chỉ biết khu nghỉ mát Cửa Lò và “Quê Bác”. Hà Tĩnh thì không là điểm đến; có chăng là ghé Ngã ba Đồng Lộc và quê tác giả Truyện Kiều. Phải là địa phương hoặc xứ sở có nhiệt tâm với ngành du lịch, có “tay nghề” và có đầu óc làm ăn lón thì với cảnh quan: những bãi biển Cửa Nhượng, Cửa Sót, những núi sông Hồng Lĩnh-Lam Giang, những hồ Kẻ Gỗ, sông Rác,... đó ; với di tích lịch sử: cổng ải Hoành Sơn, Rú Đụn và đền thờ Mai Hắc đế, thành Lục Niên và Rú Thành,... đó ; với di tích văn hóa: những đền Cờn, đền Cuông, chùa Hương trên núi Hồng vốn là gốc tích của chùa Hương ở Hà Tây, làng quê của Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Phan Bội Châu,... đó , hãy khơi dậy, qui hoạch, tôn tạo và thổi “sinh khí du lịch” vào đi! Chưa kể những là khu bảo tồn thiên nhiên Vụ Quang, suối nước nóng Nác Sốt, lèn Kim Nhan,... Lèn Kim Nhan, thuở tôi còn bé có lần sao băng vạch một vệt ngang trời trên làng quê tôi rồi mất hút về phía tây-bắc, tiếp đó là một tiếng ầm vang vọng đến. Cha tôi, một người học nho, bảo: “Lại có danh nhân nào vừa lìa đời. Lèn Kim Nhan vừa mở cửa động cho tướng tinh ông ta nhập”. Ngày trước người ta tin rằng sao băng là vệt linh hồn của một ngưòi vừa lìa khỏi xác, và lèn Kim Nhan chỉ dành cho hồn những người có tiếng tăm. Lèn ấy nằm trong dãy Trường Sơn, tục gọi là dãy Giăng Màn. Hẳn đó là vùng núi đá hiểm trở nhưng kì thú, có nhiều hang động, chưa được khám phá, khảo sát. Lại nữa, vùng ấy chắc là từng có thiên thạch rơi vậy mà tới nay vẫn chưa thấy có sự phát hiện nào!
       Đèo Ngang –“Hoành Sơn nhất đái” trong sấm ngữ Trạng Trình, du khách nên dành thì giờ leo lên Hoành Sơn quan, cửa ải thời cũ. Và nên đi vào sáng sớm hoặc chiều tà để có thể ngắm cảnh “Lảnh chảnh đầu ghềnh chim vững tổ / Lênh đênh cuối bãi cá ngong triều” theo con mắt thơ Lê Thánh Tông, và nghiệm lại tâm sự Bà Huyện Thanh Quan “Dừng chân đứng lại, trời, non, nước / Một mảnh tình riêng ta với ta”. Đèo Ngang xưa toàn rừng rậm, hổ báo lại qua sang tận bên Lào. Hai bên đèo trước đây nghèo xơ xác, nay nhờ thủy lợi đã có vẻ khá lên. Phía Kì Anh, Hà Tĩnh, đã biết trồng đại trà cao su, dứa,... Đang khởi công nhà máy hoa quả hộp Hà Tĩnh. Một khu kinh tế mới có cơ hình thành. Có thành công hay không lại là chuyện khác, bởi, ở nước ta, nhiều dự án như là một kiểu đánh bạc, có khi lại là chuyện “đi đêm” của những ai đó. Xa hơn một chút là Vũng Áng, cảng nước sâu và khu công nghiệp cũng đang hình thành. Cảng này cũng là một cửa ngõ cho nước Lào. Có những điểm du lịch có thể khai thác như Mũi Đao,... Phía Quảng Bình nom kì thú hơn với những  vườn đồi bạch đàn, mít, xoài; những nhà ngói thấp thoáng sau những cụm cây xanh. Trên đỉnh núi phía sau, một bãi đá trắng trông như một nghĩa địa trong tranh ấn tượng. Gần đó, một điểm nghỉ mát biển xinh xắn.
       Những chặng đường Liên khu Bốn thời kháng chiến chống Pháp, chống Mĩ vang bóng nay chỉ còn trong kí ức của những người đương thời còn sót lại. Có khi những chuyện “vớ vẩn” lại dễ nhớ lâu và hay được nhắc tới. Ngoại thành Vinh, ông đại tá không tài nào nhận ra địa điểm quán nước “Tuột xích” thời đánh Mĩ. Tên quán do lính tráng các ông đặt cho. Bọn ông đi công tác qua thế nào xe đạp cũng dở chứng, tuột xích sao đó, vì vía cô chủ quán đẹp nổi tiếng. Nói đúng “tim đen”, túi tiền cho phép thì vào quán ngồi nhâm nhi, túi xẹp thì tạo cớ để ngắm hay liếc trộm ngưòi đẹp. Ông giáo sư thì khi qua địa bàn Hà Tĩnh nhớ lại mấy câu thơ truyền tụng thời kháng Pháp về một cô gái “đẹp tựa nàng tiên” đến nỗi “chiến sĩ ai người qua Phủ Đức / cố tìm cho thấy bóng Mộng Viên” bởi “Mộng Viên khiến thẹn cảTây Thi / Náo nức chàng trai tuổi dậy thì”... Sự thật, nàng tiên Mộng Viên chỉ là một cô gái vô gia cư dở người, sẵn sàng làm bất cứ việc nặng nào mà người ta thuê song lắm khi tinh quái một cách đáng ngờ. (Mãi sau này, nghe nói đó là một gián điệp lợi hại của Pháp rồi của Mĩ từng chỉ đạo cuộc oanh tạc nhà máy dệt Nam Định thời chiến tranh phá hoại của Mĩ (!) ). Chẳng sao! Để góp phần thư giãn trên hành trình cuốc bộ, chuyện lòe nhau chơi hoặc chuyện gây cười.
      Cuốc bộ! Ngày nay, hiếm người Việt cuốc bộ đi du lịch. Người nước ngoài thì lại có thể gặp trên mọi miền đất nước ta. Ghé Kì Anh, tôi được nghe hai mẩu chuyện. Mẩu thứ nhất, một ông “Tây ba lô” gõ cửa một nhà ven đường số Một xin nghỉ nhờ qua đêm bị từ chối. Mẩu thứ hai, một ông khác đi cà nhắc trên đường trong nắng gắt và gió Lào; một chiếc xe tải chạy qua cùng chiều, người lái xe có lẽ cám cảnh bèn dừng xe cho đi nhờ, anh ta nói cảm ơn và... lắc đầu, tiếp tục lê bước. Ở chuyện thứ nhất, lòng trắc ẩn và lòng hiếu khách của người Việt đâu rồi? Ngày trước, ngay trong thời chiến, người lỡ độ đường có thể ghé bất kì nhà nào tiện gặp xin nghỉ nhờ, rất ít khi bị thoái thác. Bây giờ, thay cho lòng trắc ẩn là sự cảnh giác chăng! Ở chuyện thứ hai, người nước ngoài kia quyết tâm vượt khó hay ngại sự “săn đón” bởi đã có kinh nghiệm của bao người đi trước mua hàng và thuê dịch vụ ở xứ sở “mến khách” này? Xem ra, nhiều khi chuyện vặt lượm lặt dọc đường chẳng phải là chẳng đáng bận tâm!

*Tản bút -"tản" không mang nghĩa trong "tản văn", mà có vai trò như "tùy" trong "tuỳ bút".
<bài viết được chỉnh sửa lúc 30.10.2009 16:40:40 bởi Khải Nguyên HT >
#1
    Khải Nguyên HT 04.11.2009 10:25:51 (permalink)
    KHƠI GỢI PHONG NHA
     

            Đường số Một, ngã ba Hoàn Lão, có đưòng rẽ vào động Phong Nha. Cái tên “Hoàn Lão” gợi nhớ một chuyện thời kháng chiến chống Pháp. Có hai người trai huyện Bố Trạch, một ở Hoàn Lão, một ở Lộc Thôn, cùng học với nhau, cùng tham gia Việt Minh, cùng tham gia cướp chính quyền huyện hồi Cách mạng tháng Tám. Pháp trở lại chiếm đóng Quảng Bình, một người đi kháng chiến, người kia hàng giặc. Một ngày kia, chàng trai Hoàn Lão sa cơ bị giặc bắt và bị chính bạn cũ sát hại. “Trai Quảng Bình trong quán phở chiến khu / Đập bàn / Tắt đèn / Thằng Ái Lộc Thôn giết thằng Kì Hoàn Lão”, mấy câu trong bài thơ của Hữu Loan, tác giả bài “Màu tím hoa sim” nổi tiếng, viết về chuyện này. Hoàn Lão bây giờ là một thị trấn có nhiều nhà tầng, mái ngói đỏ lô nhô trên nền cây xanh. Chẳng hiểu sao ở miền Trung, xứ sở của cát khô và gió Lào, người ta lại chuộng màu đỏ gắt như vậy!
            Đường vào động Phong Nha qua một cánh đồng rộng lúa vàng mơ; rồi đến một cánh đồng ngô hẹp trải dài một bên, bên kia là những vườn cây ăn quả.
            Con sông nhỏ mang tên Son mà nước trong xanh sẫm màu cây núi, hai bên bờ mươn mướt nương ngô. Đường 15, con đường nối vào Nam mới mở thời chống Mĩ, vắt qua chỗ phà Xuân Sơn. Nay đường Hồ Chí Minh nương theo một phần con đường này. Dự án con đường chiến lược xuyên Việt kia xâm phạm khu vực Phong Nha bị phản đối gắt gao liệu có điều chỉnh không? Bến phà Xuân Sơn ngày ấy, đại tá H. khoe nhờ năm bao thuốc lá Điện Biên mà thoát chết tại đây. Xe ùn lại, phà chở không xuể. Xe chở H. đến sau. H bèn rứt ruột đem 5 bao thuốc biếu trưởng phà,- thuốc lá loại này hồi đó là thứ quí hiếm. Xe H được vượt lên sang sông trước, đi được chừng một ki-lô-mét thì máy bay Mĩ đến ném bom đúng chỗ bến phà. Định hỏi vui H xem ông ta khi qua đây có muốn gặp lại vong hồn những người thế mạng mình ngày ấy không, song nghĩ thấy không tiện –ông ta có thể cho là hỏi xỏ. (Tay H. này nhiều khoé “lanh trí” lắm. Một lần, tại sân Hàng Đẫy có trận đá bóng tranh giải vô địch quốc gia, vào cái thời mà thiên hạ còn nô nức mua vé vào xem. Sân đã kín chỗ, trước các cửa đóng chặt vẫn đông người cố bươn hòng lọt vào xem đứng cũng được. H. và một tay bạn nữa bèn “xoay” một giấy phép “được vào sân để theo rõi một đối tượng nghi vấn đang ngồi xem trong đó”, -cố nhiên là bịa! Lúc này mà mở cửa thì những người gác khó mà ngăn thiên hạ ùa vào. Người ta phải điều một đại đội cảnh vệ đến dàn ra canh chừng để cho hai anh chàng ung dung vào sân để ... xem đá bóng!).
            Bến đò đi Phong Nha nằm phía trên phà Xuân Sơn một chút. Từ bến đến cửa động chừng 5km, đi thuyền máy khoảng nửa giờ. Sông Son quãng này có chỗ sâu đến 10 mét. Bên hữu ngạn, sau bãi ngô non ven sông là rặng tre dài đứt quãng, ngồi thuyền thấy thâp thoáng đằng sau là xóm thôn thanh bình và yên phận, như tách biệt với cái không khí “thời buổi kinh tế thị trường”, và thật xa vời cái không khí cách nay gần ba mươi năm khi hơi thở chiến tranh ngày đêm rình rập từ trên trời và từ ngoài biển. Bên tả ngạn, một rẻo làng quê nép theo chân núi dọc mấy kilômet, một làng theo đạo Gia tô La mã sống bằng chài lưới dưới sông và trồng ngô, lạc trên ruộng rẫy. Nghèo của nả mà “giàu” con cái, mỗi cặp vợ chồng có mươi con là chuyện thường. Trẻ con ít được học. Trường làng chỉ có đến lớp Hai; muốn học lên phải qua sông.
            Nếu đã từng đi thuyền trên suối Yến đến chùa Hương vào những ngày hội, bạn sẽ có cảm tưởng khác hẳn khi đi trên sông Son đến Phong Nha. Cũng trời, nước, núi, sông nhưng ở đây có vẻ êm ả hơn, có tiếng máy nổ của thuyền chở song chỉ vang như một thứ tiếng dội. Không có cảnh thuyền xô bồ, chen chúc, ganh nhau; không có mối lái, chèo kéo. Nước sông không bị khuấy đục.  Những người chở thuyền còn giữ được nét chất phác của người nông dân “làm dịch vụ”. Thuyền tôi đi do hai cha con chủ thuyền lèo lái. Cháu bé đã mười tuổi mà chỉ bằng trẻ lên bảy, là anh cả của một gia đình bốn con, và đang học lớp Bốn. Cháu năng nổ làm mọi sự cần thiết. Thuyền vào dến trước động phải tắt máy, cháu tự mình chèo vào sâu tới 600mét. Thuyền cập bến, cháu đứng đầu mũi thuyền, nhỏ nhoi và gầy yếu, giơ bàn tay non đỡ khách, những người có thể xách cháu lên chỉ bằng một tay. Có người né tránh sự giúp đỡ đó (Chẳng phải ai cũng nhớ nói lời cảm ơn khi khước từ!). Cũng có người để yên cho cháu dắt. Cảnh này thiệt ngộ, phải không? Song, trong hoàn cảnh kia cũng là tự nhiên thôi; đôi khi người ta cảm thấy an tâm nhờ một động thái hết sức nhỏ nhặt, vặt vãnh nữa. Cháu bé đã trải mấy mùa du lịch, không còn nhút nhát song cũng chưa dạn dĩ, thậm chí lọc lõi, ranh ma, như có thể gặp ở suối Yến chùa Hương. Cháu phải giúp cha để kiếm thêm tiền ăn học.
            Đã vào mùa du lịch mà đường đến Phong Nha không thấy nườm nượp khách. Không gặp người ngoại quốc. Cũng như với các điểm du lịch khác, Hạ Long chẳng hạn, họ thường đến vào ba tháng cuối năm. Trước đây, họ phải chịu lệ phí gấp bốn lần khách nội địa. Họ thắc mắc cũng dai dẳng, mãi đến giữa năm ngoái sự phân biệt kia được bãi bỏ. Vậy là may; ở xứ ta, có biết bao ý kiến của khách du, trong nước và nước ngoài, rốt cục chỉ là mưa bay, gió thoảng. Ngẫm ra, không chỉ riêng lĩnh vực du lịch.
            Nghe nói năm trước trong một cuộc họp long trọng, một quan chức cấp cao của tỉnh Quảng Bình đã nói toẹt ra rằng: Phong Nha được là Di-sản-thiên-nhiên-thế-giới phỏng có lợi chi cho tỉnh chúng tôi? Trên thế giới hẳn là rất hiếm câu hỏi loại này. Người ta bỏ công sức ra, cả công của nữa, để được Tổ chức Giáo dục-Khoa học-Văn hóa của Liên hiệp quốc công nhận là một di sản của nhân loại chẳng phải chỉ vì cái danh. Thiên hạ chẳng giản đơn vậy đâu.
            Từ lâu, tiếng tăm của Phong Nha đã mang tầm thế giới. Trước năm 1945, người Pháp đã biết đến. Năm 1992, tạp chí tiếng Anh có uy tín bậc nhất về thám hiểm hang động công bố các bài viết của các nhà khoa học Anh về các kết quả khảo sát của họ, động Phong Nha thực sự thu hút sự chú ý quốc tế.  Thế nhưng hàng mấy năm dài, Phong Nha cứ như bị bỏ quên. Những ai “có lòng” thì tự lo cách tìm đến. Năm 1990, “Năm du lịch Việt Nam” được trưng ra với thế giới (cũng chỉ “làm le” thôi, chứ chẳng có căn cứ gì và hầu như chẳng có sự chuẩn bị!), Phong Nha vẫn còn “ngái ngủ”. Nói cho ngay, chẳng phải người lãnh đao Quảng Bình nào cũng thờ ơ với Phong Nha. Thời chống chiến tranh phá hoại của Mĩ, quân đội cho đánh mìn mở rộng cửa hang để đưa hai tàu quân sự vào ẩn, Quảng Bình đã kiện lên trên. Cũng quí Phong Nha đấy chứ. Việc đầu tư và khai thác Phong Nha xem chừng ì ạch. Dù sao thì cũng đã có ban “quản lí di tích danh thắng” mà mới đây đã đổi thành “du lịch thương mại”(!). Nơi bến thuyền đi Phong Nha nay đã có nhà đón tiếp xây tử tế, có các hàng quán,-bán đồ giải khát và đồ lưu niệm là chính. Đồ giải khát, chỉ thấy các chai bia, nước ngọt, nước khoáng; vắng hoa quả và nước quả, ngay cả những thứ sẵn có của địa phương. Đồ lưu niệm nghèo nàn, nhiều nhất là ảnh phong cảnh tại chỗ, thứ mà du khách thích tự chụp lấy hoặc nhờ chụp để có hình mình trong đó. Nói chung, chẳng thấy tận dụng sắc thái địa phương để tự quảng bá và để thu hút du khách. Quanh quất một sự làm ăn tủn mủn, chừng như nhặt đồng nào hay đồng nấy, đầu tư công của, trông xa, làm lớn mà chi!
            Người dân vùng nay vốn chân chát. Khu du lịch “phất lên” tất sẽ ảnh hưởng nhiều đến đời sống và dân trí. Cầu cho họ đừng “văn minh” lên theo kiểu một lớp người ở vùng chùa Hương, vùng đền bà Chúa Kho,... Hiện tại, xã có một đội thuyền gỗ 120 chiếc chở du khách đến hang. Mỗi thuyền là của riêng một nhà nông dân, hai người phụ trách, cha con, anh em làm với nhau. Phải chờ lượt “được phục vụ” theo lịch phân phối của ban quản lí. Cả mùa du lịch, mỗi thuyền kiếm được vài triệu đồng (chẳng đủ cho một bữa “xả hơi” của ai đó trong giới quan chức hoặc doanh nhân!). Người dân quê nơi đây mới đươc “hưởng” có vậy. Những người điều hành, những người bán hàng hầu hết từ nơi khác đến. Phải kể một nguồn lợi dưới sông nhờ khách du mà lên ngôi đặc sản: cá chình. Loại cá nước ngọt này ngon thật nhưng trước đây chỉ dân trong vùng biết với nhau, nay tiếng tăm lan xa ra cả nước ngoài theo miệng Việt kiều. Giá một kilô cá này là 150.000đ tại chỗ, ra tới Hà Nội đã lên tới 400.000đ ! Vào hàng ăn gọi món cá chình, phải từ 100.000đ trở lên mới động dao thớt được. Nguồn cá trên sông có cơ cạn kiệt, dù có cấm đánh bắt trong các hang động. Tất nhiên thôi, nếu chỉ lo đánh bắt, có tiền ngay! Người dân đã vậy, các nhà “hoạch định” thì sao nhỉ? Có thể cơ quan du lịch phối hợp với cơ quan thủy sản nghĩ ra được cách gì chăng?
            Tuy chưa đạt mức đáng ra phải tới, số người đến Phong Nha ngày càng nhiều. Năm trước đã có chừng 12 vạn lượt khách, thu gần hai tỉ đồng tiền vé.  Với ta thì đã tạm coi là được, song so với một điểm du lịch nào đó dẫu chưa ngang tầm Phong Nha, ở Thái hay ở Tàu chẳng hạn, thì con số trên khá là “khôi hài”.
            Khách nước ngoài phần nhiều là “Tây balô”. Họ đến Đồng Hới rồi thuê xe đạp, xe máy “ôm”, đôi khi taxi, đến xem động rồi về ngay thị xã. Một ít người, trong đó có Việt kiều, mùa du lịch sau còn trở lại đem theo bà con, bạn bè; số đông đi là... đi luôn. Chúng ta không biết lưu khách, nói đúng hơn có lẽ là chẳng quan tâm lắm, miễn là... Chẳng phải chúng ta không biết cơ sở hạ tầng thiếu và kém, nhếch nhác, phục vụ đi lại, ăn ở và mua sắm một cách... “nản lòng khách đến, rầu lòng khách đi”. Chưa nói người bán hàng rong đeo bám, người ăn xin ám ảnh,... Người hướng dẫn và người thuyết minh thường là không được đào tạo bài bản.
            Động Phong Nha như cô gái đẹp chỉ mới hé cho người ta thấy chút xíu mặt hoa của mình. Không chỉ vì hang dài hàng chục kilômet mà khách chỉ vào sâu được 600mét. Trong hang mờ tỏ. Khi mờ, khi tỏ; chỗ mờ, chỗ tỏ là cần thiết, song phải đúng lúc và đúng nơi. Ngoài trời nắng nồng, vào hang mát lạnh, thuyền nhẹ lướt trong một không gian có màu huyền ảo. Theo rõi những hình tượng nhũ đá, nương theo lời thuyết minh, du khách cảm thấy tâm hồn mình trở lại thơ trẻ phó cho thế giới cổ tích, huyền thoại. Đáng tiếc, ánh đèn pin chỉ dẫn rọi lên vách lúc nào cũng chỉ bằng hạt đậu. Đúng là có những hình đá chỉ cần rọi qua một đốm sáng rồi để cho trí tưởng tượng bay bổng. Những hình khác lại cần được chiêm ngưỡng trong vùng ánh sáng rộng phô hết vẻ rung rinh hoặc rực rỡ trước khi lại chìm vào miền tối. Có những đoạn dùng đuốc có khi lại thú vị hơn. Các cô gái, chàng trai làm công việc thuyết minh chịu khó nhưng chưa thật lành nghề, có lẽ những gì người ta “trang bị” cho chỉ đến thế.
    Rời động Phong Nha cảm thấy không được hài lòng, không chỉ vì tham quan kiểu “cưỡi thuyền ngắm động”, không chỉ vì thói thường là náo nức quá thì dễ hẫng hụt ít nhiều. Thường ngày theo rõi các chương trình “quảng cáo không công” cho các khu du lịch nước ngoài, nhất là của Trung Quốc, trên các đài truyền hình trong nước mà tội nghiệp cho các khu du lịch của ta. Không chịu chi hoặc chi “bèo” thì “ai giới thiệu cho!” đã đành, mà việc đầu tư công sức, tiền của để tôn tạo, khai thác hòng “mời gọi thiên hạ” cũng chỉ ở tầm “bóc ngắn cắn dài”! Thường nặng về khai thác, song lại triển khai chậm và làm kiểu cò con. Ở Quế Lâm bên Tàu, có hang động đã được dồn sức sửa sang và đưa vào sử dụng chưa đầy một năm sau khi phát hiện, đạt hiệu quả tới mức một tổng thống “cọp giấy”(!) được trân trọng mời đến thăm đã hết lời ca ngợi. Chỉ riêng động Phong Nha (nước) và động Tiên Sơn ở phía trên (còn gọi là động Phong Nha khô), đưa vào khai thác năm 1999, cùng Hang Tối dài 5,5km chỉ cách động Phong Nha chừng 500m, chưa đưa khách vào, nếu biết sử dụng và tận dụng thì đã có thể thành một điểm đỏ trên bản đồ du lịch thế giới. Nói chi vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng với rừng nguyên sinh đang ẩn chứa những động thực vật quí hiếm; với Hang Vòm cạn rộng 30m dài 15km, cách động Phong Nha độ 16km, có hồ nước trong vắt và những bãi cát trắng mịn, phát hiện năm 1994, chưa đưa vào khai thác; nhất là với hang Khe Ri vừa cạn vừa có sông ngầm dài gần 19km cũng do đoàn khảo sát hoàng gia Anh mới tìm ra sau này. Cả một khu vực rộng lớn đầy tiềm năng cho du lịch cảnh quan, sinh thái, văn hóa, thể thao,... , cả cho nghiên cứu khoa học. Dĩ nhiên là đòi hỏi một sự đầu tư qui mô và dài hơi. Trước triển vọng đó, đi tham quan Phong Nha hiện tại chỉ như chấp chới bên lề. Vào xem, nghe giới thiệu qua loa rồi ra. Nhiều khách du, trước hết là khách quốc tế, có nhu cầu khám phá, thám hiểm, cả mạo hiểm; họ thích được leo trèo, chui luồn len lỏi, rồi thưởng ngoạn, thư giãn,... Tất nhiên cần đề phòng hiểm nguy; cần bảo vệ khách và cần cả bảo vệ di tích, cảnh quan khỏi bị xâm hại.
            Phong Nha lưu lại những gì cho khách tham quan, những người chăc là đã biết không ít hang động khác? Muốn làm ăn lớn và lâu dài không thể không nghĩ tới câu hỏi loại đó. Ngoài mọi chuyện thiên hạ đã và sẽ làm, chợt nảy ra một ý tưởng có thể là táo bạo mà cũng có thể là khùng, là dở hơi. Phong Nha còn một số hang nước sẽ không đưa vào khai thác bởi ít hấp dẫn so với số hang chính. Nên chăng lập những trạm nghỉ mát “dã chiến” (trên bè, trên cọc) trong một số hang đó. Khách du có thể tránh cái nắng nồng bên ngoài hang vài ngày, hay chỉ vài giờ, mà cũng có thể hàng tuần, một lối cắm trại độc đáo hoặc một lối ẩn cư tạm lánh trần ai (nếu lại dành cho “hai trái tim vàng” thì sao nhỉ?). “Lẩn thẩn! Vớ vẩn! –có thể có người phản bác- cứ cho là giải quyết được những tiện nghi sinh hoạt và sinh sống tối thiểu rồi thì còn chuyện rác thải làm sao, nhất là chuyện vệ sinh?” Vâng! Chuyện có đơn giản đâu. Song, máy bay đường dài cả ngày trời hoặc suốt đêm dài lướt trên đầu thiên hạ, người ta có để tí bẩn nào rớt xuống ai đâu!
            Sông Son không rộng nhưng sâu, nước trong. Chắc là thú vị đi tàu loại nhỏ ngắm cảnh đôi bờ. Có thể có những điểm đổ bộ để thưởng ngoạn rừng núi, hang động,... , để leo trèo vận động, để nghỉ ngơi thư dãn, -kể cả cắm trại. Bên Tàu, sông Li ở Quế Lâm, khách du chỉ ngồi trên tàu nhỏ xuôi dòng ngắm cảnh hai bên bờ, chủ yếu là núi tiếp núi, đằng đẵng gần hết ngày kể cả đi xe hơi từ bến cuối về thành phố, mà dẫn dụ được nhiều khách nước ngoài. Có lẽ nhờ cách tổ chức tuyến đường, cách quảng cáo và giới thiệu, cách dẫn khách,... Sông Son cùng với sông Troóc, một phụ lưu của sông gianh, đều cùng bắt nguồn từ dãy Trường Sơn nơi biên giới Việt-Lào, có lí do để hi vọng một lộ trình du lịch đường sông kì thú trong lòng thiên nhiên hoang sơ. Nữa, giá được đi trên con thuyền gỗ chống chèo bằng tay, lại được nghe hát đò đưa đối đáp, nhất là vào những đêm trăng, thì “đào nguyên” là đấy chứ đâu!

    <bài viết được chỉnh sửa lúc 04.11.2009 10:31:13 bởi Khải Nguyên HT >
    #2
      Ct.Ly 08.11.2009 00:01:26 (permalink)
      #3
        Chuyển nhanh đến:

        Thống kê hiện tại

        Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
        Kiểu:
        2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9