Tại sao tật nói ngọng ngày một phổ biến?
Thanh Vân 06.11.2009 02:55:15 (permalink)
Vương Trí Nhàn, Saigon Times Online



Nhân chuẩn bị cho một cháu nhỏ trong gia đình thi vào trung học phổ thông, tôi có đi hỏi thăm vài người về chất lượng các trường trong phạm vi thủ đô. Tới trường X, một trường lâu năm và ở ngay trung tâm thì được kể:

- Ồ cũng như mọi nơi, xập xệ lắm. Một cô giáo đang dạy lớp 11 ở đó còn nói ngọng.

Nghe mà buồn! Nhưng cũng nhân đấy, có dịp hiểu thêm về tình trạng nói ngọng hiện nay. Là nó đã quá phổ biến. Trong khi vẫn coi việc nói đúng là một tiêu chuẩn để đánh giá một con người hay một đơn vị văn hóa, người ta cũng đã bắt đầu quen với sự bất lực.

Nói ngọng đang bành trướng. Nó xâm nhập tới những nơi xưa nay không được phép bén mảng tới. Đã không ngăn chặn nổi nó thì thôi chung sống với nó vậy, người ta tự nhủ. Ví như bảo anh chị em bên truyền hình là không được đưa người nói ngọng xuất hiện trước màn hình thì có lẽ... nhiều chương trình sẽ bị cắt bỏ.

Khi chê trách sự nói ngọng, nhiều người đã nói tới việc giảng dạy ở các nhà trường. Nhưng có lẽ cũng nên nghĩ tới những nguyên nhân sâu xa hơn. Đang có một sự dễ dãi chi phối thái độ con người hôm nay đối với ngôn ngữ và sự giao tiếp nói chung, đầu mối là ở đấy chăng.

Bình là một đồng nghiệp trẻ mà tôi quen gần hai chục năm nay. Từ nông thôn lên, đẹp trai, thông minh, hội nhập rất nhanh với đời sống đô thị. Chỉ tội một nỗi không sao sửa được bệnh nói ngọng. Nhiều lần đang nghe Bình nói rất hay chợt nghe anh pha vào chỗ lầm lẫn, tôi cứ cảm thấy câu chuyện không còn ra làm sao. Chúng ta sẽ rủ nhau mà đi xuống mồ với cái sự ngọng vĩnh viễn như thế này chăng?

Tại sao lại có hiện tượng như vậy? Tôi thử tìm về nguồn gốc xuất thân, tức là chất trai quê của anh bạn. Nhưng rồi tôi nghĩ lại. Bình lên Hà Nội theo con đường đàng hoàng là học đại học, vào làm cơ quan nhà nước, hàng ngày tiếp xúc với bộ phận tinh hoa của xã hội. Vậy không thể đổ cho nói ngọng là tại “trình độ thấp” được.

Vả chăng nay là lúc không chỉ người các tỉnh lên Hà Nội nói ngọng mà chính ở nhiều lớp người thủ đô cũ cũng có hiện tượng “lại gạo”, mắc thêm nhiều lỗi ngọng mới, tức là đánh mất sự trong sáng chuẩn mực trong ngôn ngữ của mình. Mạnh mồm khái quát lên một chút, liệu có thể nói tới một căn bệnh thời đại? Tôi muốn đi theo hướng ấy.



Từ thói quen nói ngọng người ta thường viết sai chính tả. "... Sông sâu chớ NỘI"!!!

Lần lại trong trí nhớ và nhất là soát lại các trang sách đã đọc, thấy thời trước con người trầm tĩnh kỹ lưỡng bao nhiêu, thì ngày nay cả ở Nam lẫn Bắc, cả nông thôn lẫn đô thị, người ta sống xô bồ, dễ dãi bấy nhiêu. Sự chuẩn mực bị coi thường. Mà sự tinh tế thì nhiều khi bị mang ra chế giễu.

Phải quê quê một chút, phải cục mịch một chút mới ra vẻ thức thời. Cái lối nghĩ ấy theo sát chúng tôi suốt từ những năm thủ đô giải phóng (1954) và kéo dài mấy chục năm ròng. Đến nay đã có căn bệnh mới, là bệnh khoe giàu, khoe giỏi, khoe trí thức (giả), song dấu vết của căn bệnh cũ vẫn còn dai dẳng.

Nhìn vào một ngành có liên quan nhiều tới chữ nghĩa và tiếng nói là ngành văn chương mà tôi làm việc mấy chục năm nay. Bước sang thời buổi thị trường không ai ngồi trau chuốt một câu một chữ nữa. Viết bừa viết ẩu. Sai câu. Sai chính tả. Chỉ cùng một ý mà mấy lần lặp đi lặp lại... Bấy nhiêu căn bệnh không gì khác chính là những biến dạng của sự phi chuẩn trong văn hóa giao tiếp. Mang danh chuyên nghiệp đã thế, còn nói chi tới những người dân thường.

Dạo này chúng ta hay nói tới sự phá hoại môi trường sống của cộng đồng. Ngôn ngữ cũng là một yếu tố thuộc về cái môi trường mà chúng ta đã chểnh mảng bừa bãi trong đối xử. Văn hóa giao tiếp của chúng ta đang xuống cấp. Công cụ giao tiếp vốn đã cổ lỗ lại đang mòn sờn hư hỏng. Nó kéo xã hội phát triển chậm lại và làm cho cuộc sống thêm bề mệt mỏi khó chịu. Tôi muốn đặt căn bệnh nói ngọng của chúng ta trong tình trạng suy thoái của văn hóa giao tiếp như vậy. Một lần tôi nghe Bình bảo:

- Giá kể biết thế nào là ngọng thì em sẽ sửa được ngay. Đằng này, chẳng ai bảo em thế nào là đúng thế nào là sai cả, sai đúng sao cũng được. Lại có mấy ông ngôn ngữ học “nửa mùa” bảo ngọng là phương ngữ, từ đó làm nên tính đa dạng của ngôn ngữ cộng đồng. Thế thì còn biết đằng nào mà lần!

Tôi cảm nghe trong câu than phiền của người bạn trẻ một lời oán trách thầm lặng. Xã hội đã không tạo ra cơ chế tốt để giúp các công dân của mình duy trì các chuẩn mực trong giao tiếp, cũng tức là giúp mọi nói năng viết lách ngày một hay hơn chính xác hơn, còn người có sai lầm cũng sớm biết cách mà từ bỏ cái sai.

Tôi nhớ tới một cách giải quyết ở nước ngoài. Từ 1635, nước Pháp đã lập ra một viện hàn lâm với nhiều ông hàn chuyên lo soạn từ điển và cầm cân nẩy mực về mặt ngôn ngữ. Bao giờ thì chúng ta mới có những viện hàn lâm với đúng nghĩa đích thực như vậy? Hay là, trong sự biến động hỗn loạn của tiếng Việt, rồi những ai có ý định làm ông hàn cũng chắp tay lạy để xin chuyển ngay sang ngành khác.
Nguồn: Saigon Times Online
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9