ĐÔI LỜI BIỆN HỘ, MẠN PHÉP HƯƠNG HỒN HOÀI THANH
Khải Nguyên HT 07.11.2009 15:24:08 (permalink)
ĐÔI LỜI BIỆN HỘ,
MẠN PHÉP HƯƠNG HỒN ÔNG HOÀI THANH
 
        (Tên bài, lẽ ra phải nói đến cả Hoài Chân nữa. Thường khi nói đến Thi nhân Việt Nam, khen hay chê người ta chỉ nói đến Hoài Thanh; điều này là không phải lắm).
        Tình cờ giở diễn đàn Thơ của VNTQ tôi thấy bài “Một chút về Nguyễn Bính” trong đó tác giả trách “Hoài Thanh đã sai khi nhận định về Nguyễn Bính” vì đã “xếp vị trí của Nguyễn Bính quá ư khiêm tốn, gần cuối cuốn sách. Và lời giới thiệu quá ư sơ sài?”
        Tôi thấy quả là “oan” cho Hoài Thanh (HT). Chỉ nhìn qua mục lục của cuốn Thi nhân Việt Nam (TNVN) cũng thấy ông và Hoài Chân (HC) không hề xếp các nhà thơ nói đến trong cuốn đó theo “chiếu trên, chiếu dưới”, kiểu “xôi thịt” ở chốn đình trung. Cuốn sách có chừng bốn trăm trang  thì trong trăm trang đầu, cạnh những người nổi tiếng (hồi đó) như Thế Lữ, Huy Thông, các ông xếp cả những người ít tiếng tăm hơn,-cả những người không được các ông đánh giá cao lắm-, như Lan Sơn, Thúc Tề, Nguyễn Vĩ,... Những người rất nổi tiếng như Xuân Diệu, Huy Cận, cùng hai người được các ông đánh giá rất cao là Đoàn Văn Cừ, Quách Tấn cũng chỉ “được” dành chỗ ở quãng giữa. Còn trong trăm trang cuối thì ngoài Nguyễn Bính còn có những người cũng nổi tiếng và được các ông “ưu ái”: Lưu Trọng Lư, Nguyễn Nhược Pháp, Vũ Hoàng Chương. Vì sao có sự “lộn xộn” vậy?
        Đọc bài mở đầu cuốn sách “Một thời đại trong thi ca”, ta thấy các tác giả TNVN chia (tương đối) các “dòng thơ” (mới) Việt Nam thuở ấy ra ba dòng: dòng chịu ảnh hưởng thơ Pháp (là chính), dòng chịu ảnh hưởng thơ Đường (là chính) và dòng “có tính cách Việt Nam rõ rệt”. Những nhà thơ chịu ảnh hưởng thơ Pháp chiếm quá nửa đầu cuốn sách. Dòng thứ ba được xếp cuối sách. Nguyễn Bính thuộc dòng này cùng với Lưu Trọng Lư, người ngày ấy là bạn văn chí thân của Hoài Thanh.
        Còn lời HT và HC giới thiệu Nguyễn Bính thì sao? Về “số lượng” thì chỉ gần ba trang sách, ngang với lời giới thiệu Huy Thông. Chẳng phải ít. Những người được nói nhiều: Thế Lữ, năm trang, Xuân Diệu, bốn trang,... Còn phần lớn chỉ một, hai trang. (Ngay với Đoàn Văn Cừ, người mà hai ông cho là: “Trong các nhà thơ đồng quê, không ai có ngòi bút dồi dào mà rực rỡ như ĐVC” cũng chỉ “được” gần hai trang). Nhưng chuyện so đo kiểu đó chỉ để nói cho vui thôi. Cái chính là giới thiệu ra sao. “Thơ Nguyễn Bính đã đánh thức người nhà quê vẫn ẩn náu trong lòng ta” (Những từ “nhà quê”, “quê mùa” các tác giả TNVN dùng không có ý miệt thị mà cũng trân trọng như với từ “hồn quê”). “Cái vẻ đẹp kín đáo của những vần thơ Nguyễn Bính /.../ khó lọt vào con mắt các nhà thông thái thời nay” nhưng “Họ có ngờ đâu đã bỏ rơi một điều mà người ta không thể hiểu được bằng lí trí, một điều quí vô ngần: hồn xưa của đất nước” Thiết tưởng khó mà có được những lời đánh giá như thế, và hiếm nhà thơ được đánh giá tương tự như thế! Các ông cũng “phàn nàn”:  “cái đặc sắc của Nguyễn Bính, chỗ Nguyễn Bính hơn các nhà thơ khác, ít được người ta nhìn thấy”.
        Đó là trong bài giới thiệu từng tác giả, còn trong bài tổng luận đầu cuốn TNVN có câu: “Chưa bao giờ người ta thấy xuất hiện cùng một lần một hồn thơ rộng mở như Thế Lữ, mơ màng như Lưu Trọng Lư, hùng tráng như Huy Thông, trong sáng như Nguyễn Nhược Pháp, ảo não như Huy Cận, quê mùa như Nguyễn Bính,... và thiết tha, rạo rực, băn khoăn như Xuân Diệu” (K.N. nhấn riêng). Đặt Nguyễn Bính vào chiếu thơ gồm các vị có phẩm chất thơ riêng nổi bật là đánh giá thấp ư? hay là “đã sai khi nhận định”?
        Trong bài “Một chút...” có chỗ nên bàn thêm, chẳng hạn không hiểu tại sao nói “thơ Nguyễn Bính thấm đẫm chất ca dao” thì như là một sự phỉ báng, như là coi thơ ông không phải “thơ đích thực”?! (Tựa như bảo “bản nhạc thấm đẫm chất dân ca” thì như là coi bản nhạc đó không là “nhạc đích thực”!). Nhưng bài viết này không có ý dịnh ấy.
 
Hải Phòng, 07-11-2009

<bài viết được chỉnh sửa lúc 07.11.2009 15:37:23 bởi Khải Nguyên HT >
#1
    nguyễn thế duyên 07.11.2009 15:43:00 (permalink)
    Cám ơn Khải nguyên nhé. Lời bàn chí lý lắm
    #2
      Khải Nguyên HT 12.12.2009 11:08:27 (permalink)
      Thực ra thì Hoài Thanh (và Hoài Chân) có chê Nguyễn Bính, chê khéo, thơ NB có "pha", "lai". Nàng Thơ của NB dẫu tắm trong hương hoa bưởi, hương dầu sả, nhiều khi vẫn xịt chút hương eau de Cologne, rêve d'or. Nhưng như vậy cũng tốt chứ, mới cho ra được những câu như "Duyên làm lành chị duyên tìm về môi" chứ!
       
      Hồ Lưỡng Huy
      #3
        Chuyển nhanh đến:

        Thống kê hiện tại

        Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
        Kiểu:
        2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9