ĂN MỪNG (Truyện ngắn)
Ăn mừng Truyện ngắn Cái xóm núi heo hút yên bình đến mức buồn tẻ từ bao đời nay bỗng nhộn nhịp sôi sục hẳn lên nhờ cái đám khao thượng thọ chín mươi của bà cụ Vẹo, mẹ ông giám đốc Cty Xây dựng Vùng Cao. Cái đám ăn mừng này nó to nhớn, sôi sục không phải chỉ vì hiếu đễ của ông giám đốc với bà mẹ sắp bước qua cái tuổi cửu thập, mà nó còn là cái lễ ăn mừng kép được ông tổ chức để mừng khánh thành cả ngôi “Ngô tộc Gia trang” này nữa. Tấm biển “Ngô tộc Gia trang” sơn son thiếp vàng bằng Hán tự viết theo Khải thư dạng phồn thể, dưới lại có dòng chữ in hoa dịch ra Quốc ngữ, vừa được gắn lên phía trên hai cánh cửa sắt nặng trịch bởi đôi sư tử vờn hai quả cầu được đúc bằng gang hàn liền trên cổng, trông còn “hoành tráng” hơn cả bức hoành phi cổ ngoài đình làng. Cái lễ ăn mừng kép này được tổ chức thật to nhớn và “hoành tráng” là phải, bởi ông giám đốc đã “xoá sổ” không thương tiếc toàn bộ những cái gì thuộc về dấu tích của thời phong kiến và cả của thời dân chủ nhưng “vưỡn còn bao cấp lạc hậu” nữa. Nó gồm một gian nhà thờ họ lợp ngói móng hài, bên trong có đủ hoành phi, câu đối, được làm toàn bằng gỗ tứ thiết do cụ Lý Chắt, bố chồng bà Vẹo, tức ông nội ông vậy, xây dựng từ cái thời phong kiến, đế quốc sài lang còn sót lại và cả cái cơ ngơi hai tầng lầu tường ngoài được trát bằng đá rửa - mốt thời thượng của đầu thập niên 80 thế kỷ trước - được chính ông mời thợ tận Đà Nẵng ra làm, cùng toàn bộ vườn cây ăn quả xum xuê nào cam, quýt, bưởi bòng, hồng xiêm, nào vải, nhãn, chuối, xoài, na, mít v.v…dều bị ông “phăng teo” hết. Trước hôm “hoá kiếp” cái cơ ngơi “đồ cổ” này, ông đã cho dựng rạp mời cả làng đến ăn uống thoả thê và hát Karaoke miễn phí cả ngày bằng cái “lễ Tống cựu” rồi. Hôm nay là “lễ Nghênh tân” ắt phải “hoành tráng” và “lai rai” hơn là cái chắc. Cả cái xóm núi này, mấy khi đã được ngửi khói xe hơi chạy qua, ấy vậy mà hôm nay có đến mấy chục cái ô tô du lịch sang trọng bóng lộn đỗ dọc từ sân đình vào vào tận cổng nhà ông trông như đàn bọ hung đang chờ tấn công bãi phân trâu vậy. Cái công trình “Ngô tộc gia trang” này của ông có đến vài ba hạng mục chính và dăm hạng mục phụ trợ. Nó gồm khu nhà ở một tầng, vâng toàn bộ một tầng theo lối cổ Trung Hoa - chứ nhà hộp xếp tầng chồng đống lên nhau thì còn gì gọi là sang trọng nữa? - làm thuần bằng gỗ lim Nghệ An và gạch ngói Giếng Đáy. Tiếp đến Khu vui chơi gồm phòng tập thể thao đa năng khoảng ba trăm mét vuông được thiết kế theo mẫu hình Kim Tự Tháp Ai Cập; cuối cùng là khu nghỉ ngơi xây theo lối Nga, nhà tròn, mái chóp tròn hình nấm được sơn những sọc xanh, đỏ, đen, trắng uốn lượn theo chiều dọc, trên nữa còn có chóp nhọn chọc vút lên trời. Các hạng mục phụ trợ gồm bể bơi, sân ten nít, đường rải bê tông át phan từ đình làng vào đến cổng “Ngô tộc Gia trang” và chương trình “ rừng hoá” tức là trồng các loại cây cổ thụ làm cây cảnh được dùng xe cầu chở từ trên rừng về trồng dọc hai bên đường, suốt từ đình làng vào và toàn bộ trong sân, vườn nhà ông, thay thế cho những loại cây vừa bị hoá kiếp kể trên. Nói tóm lại “Ngô tộc Gia trang” được kết hợp tinh hoa của các phong cách cổ, kim, Đông, Tây đủ cả. Cái trị giá của “công trình gia đình” vĩ khụ này có tầm cỡ ngang với “công trình trọng điểm Quốc gia”, nên đã có kẻ xấu bụng nghi ngờ ông là tham ô, tham nhũng. Nhưng thực tình thì ông không hề tơ hào một chinh một cắc nào từ ngân sách nhà nước duyệt cấp cho công ty của ông để phát triển giao thông miền núi cả. Bằng chứng là các đoàn thanh tra, kiểm toán mấy lần đến kiểm tra đã ký biên bản xác nhận bằng giấy trắng mực bút bi hẳn hoi. Lợi nhuận chính đáng mà ông được hưởng đều từ tài năng “biết làm việc” và “sáng kiến cải tiến kỹ thuật” của chính bản thân ông đem lại. Này nhé như khối lượng san lấp mặt bằng tạo nền đường những đoạn qua thung lũng, khe suối đều do bên lập dự án tính toán, rồi được cấp trên phê duyệt, công ty ông chỉ thực hiện thi công chứ ông có vẽ được ra số liệu đâu. Nhưng khi làm xong nó dư dôi ra cho ông được vài vạn mét khối, đơn gía mỗi mét khối chỉ có 150 ngàn đồng bạc là ông đã dư dôi ra được đôi ba chục tỷ đồng rồi; hay như hệ thống cọc tiêu, cọc chắn hai bên ven đường phải làm bằng bê tông cốt thép, nhưng ông đã có “sáng kiến cải tiến kỹ thuật” thay bằng bê tông cốt gỗ lim, mà gỗ lim thì kém gì thép, lại không han gỉ được, ông chỉ việc phái công nhân vào rừng cưa chặt miễn phí, lại dư dôi ra được đôi ba chục tỉ đồng nữa, và còn bao nhiêu là cái “sáng kiến” khác của ông nữa chứ! Đều đen lại các khoản dư dôi rồi ông tích cóp lại mà thôi. Lợi nhuận có được ông đều đã phân phối hài hoà cả ba lợi ích là đóng nộp vào ngân sách Nhà nước, bồi dưỡng cho người lao động theo chính sách qui định xong rồi, còn lại cá nhân ông được hưởng là lẽ đương nhiên, chính đáng lắm chứ, sao bảo ông là tham ô, tham nhũng được? Trở lại cái lễ ăn mừng hôm nay, lẽ ra phải vài tháng nữa mới được diễn ra, đợi cho hoàn công tất cả các hạng mục chính, phụ mới tổ chức thì mĩ mãn hơn nhiều. Nay các hạng mục đều chỉ hoàn thiện được từ 80 đến 90 % mà ông đã phải tổ chức gấp gáp là bởi bà cụ Vẹo, mẹ ông ốm nặng quá, đã mấy ngày nay bón cháo mà cũng không nuốt được nữa, phải cho ngậm sâm rồi. Cứ kể thì còn non hai tháng nữa cụ mới cập cái tuổi cửu trùng thượng thọ, tức là chín mươi. Nhưng với bệnh tình này chắc là cụ khó chờ đến được cái ngày đại phúc đó nữa. Mà theo nhời thầy tướng dạy thì năm nay ông đang tuổi kim lâu, cấm kỵ việc xây cất làm nhà, ông đã trót phải mượn tuổi bà cụ để làm công trình này từ hồi đầu xuân, nên cụ phải sống qua cái nấc cửu tuần thì mới để phúc lộc dồi dào cho con cháu được, cụ phải chứng kiến và “phê duyệt, công nhận” cho cái cơ ngơi “Ngô tộc gia trang” đã “đăng ký” tên tuổi cụ với Thổ địa thần linh rồi, thì sự nghiệp của con cháu họ Ngô mới tiếp tục hanh thông, thẳng tiến, chứ cụ mà đi trước cái ngưỡng ấy, khi chưa “phê duyệt, công nhận công trình” là sẽ xui xẻo lắm. Cái dòng Ngô tộc nhà ông và cả cái “Ngô tộc Gia trang” này nữa cũng sẽ “chết yểu” theo cụ mà lụn bại dần thôi. Vì cái nhẽ ấy nên ông phải tổ chức gấp gáp cái lễ ăn mừng kép này, để ngày mai còn đón đoàn các nhà sư dưới chùa Phúc Ấm lên, tổ chức tiếp cái lễ tụng kinh cầu siêu gia thọ cho cụ thì mới kịp. Ông cũng muốn nhân dịp này mà khuếch trương, quảng bá cho cái thương hiệu Công ty Xây dựng Vùng Cao của ông, để tạo uy tín, lấy đà làm ăn, nên ông đã phát đi hàng trăm giấy mời đến các vị chức sắc hàng tỉnh và cả ngành dọc cấp trên dưới Hà Nội nữa rồi. Ông còn thân chinh đến tận tư gia các vị Bí thơ, Chủ tịch, Tỉnh uỷ, uỷ ban nhân dân, Hội đồng nhân tỉnh để mời, nhưng ai cũng nói “hôm đó có tí việc bận nhưng thế nào cũng cử đại diện đến mừng”, cho nên ông dự đoán tân khách to nhất của nhà ông hôm nay chắc cũng chỉ giám đốc hoặc trưởng, phó phòng, ban các Sở của tỉnh là cùng. Chính vì vậy ông đã phải lệnh cho cô em gái có chồng làm vụ phó ở một bộ dưới Hà Nội và ông anh rể là đại tá về hưu mời cao thân quí hữu của họ đến cho thêm phần long trọng. Còn toàn bộ công nhân của công ty tại các công trường xây dựng ông đều ban lệnh “xá tội gia ân” cho nghỉ làm được hưởng lương để về nhà ông ăn cỗ. Không ngờ cái sáng kiến thế chỗ của ông cho hai ông anh và em rể lại có hiệu quả bất ngờ. Đoàn của ông đương kim vụ phó ngoài Hà Nội về ba xe có cả một vị nguyên bộ trưởng, ba vị nguyên thứ trưởng. Khách của ông anh rể đại tá có đến ba bốn tướng một đến hai sao từ cấp nguyên sư đoàn trưởng, đến nguyên tỉnh đội trưởng. Đoàn nào, vị nào cũng đem theo đồ mừng gồm những bao gói bọc giấy đỏ, chất đầy cả hai cái chiếu trải giữa nhà. Nhưng với ông những thứ vật chất ấy tầm thường quá ông chẳng khoái. Ông khoái nhất là những câu đối bằng nhiễu đỏ viền chỉ vàng đều có nội dung ca ngợi gia chủ sống lâu, nhiều tài, nhiều lộc hay là ngôi nhà sang cảnh quan đẹp sẽ có nhiều phúc, nhiều lộc… đại loại như “Thọ tỷ Nam Sơn, phúc như Đông Hải”, “Đắc thiên đắc địa đắc cảnh, tăng tuế tăng phú tăng tài”, “Niên phong nhân thọ phúc mãn, điểu ngữ hoa hương tình nồng” v.v… Ông sẽ cho treo khắp các phòng trong nhà để mọi người cùng chiêm ngưỡng dài lâu. Ông thích nhất đôi câu đối bằng Hán tự của ông đại tá nhà báo, bạn thân ông anh rể tặng. Tuy ông không hiểu ý nghĩa thế nào vì ông không thuộc dòng dõi nho học, nhưng chắc đã bằng chữ nho mà lại của đại tá nhà báo tự làm thì phải hay ho và thâm thuý phải biết. Ông mạnh dạn không dấu dốt mà chắp tay thỉnh giáo nhà báo rằng: - Thưa bác đồng chí đại tá nhà báo, hôm nay bác đã bớt chút thời gian vàng ngọc mà hạ cố đến bổn tệ xá mừng cho cụ em và nhà em thế này là quí hoá vô vàn rồi. Bác lại cho món quà tinh thần rất văn hoá và dân tộc là đôi liễn này làm em vui mừng khôn xiết và cảm kích bội phần. Dám xin nhờ bác đọc và giảng nghĩa cho em ghi lại thì quí hoá hơn nữa ạ! Được nhời như cởi tấm lòng, ông đại tá nhà báo rất hoan hỉ có phần dương dương tự đắc bảo rằng: - Cái hôm được ông bạn tôi chuyển giấy mời của chú đến, tôi mừng quá, chỉ trong mấy phút tôi đã hứng khởi nghĩ ra câu đối này để mừng thọ cụ và chúc cho chú. Tôi phải đi thuê may thêu gấp để kịp cho hôm nay đấy. Câu đối là thế này- ông hắng giọng đọc thật to như có ý muốn cho nhiều người cùng thưởng thức tài trí uyên thâm của mình: - Mẫu thọ cửu tuần, phúc mãn khoan thưởng cao lầu Bằng trình vạn lí, danh dương mạn trường đại đạo. - Nhưng diễn nôm ra thì nghĩa là gì ạ? - Chủ nhà sốt ruột hỏi và đang cầm giấy bút muốn ghi lại. - Nghĩa là – Ông đại tá nhà báo giảng giải: - Nhà cao cửa rộng, mẹ an khang tuổi thọ chín mươi xuân Phúc nhiều nhà lớn, con thành đạt đường dài vạn dặm. Vừa nghe xong, ông giám đốc sa sầm mặt, không còn hào hứng tán thưởng nữa mà kéo tay ông đại tá anh rể nói: - Bác vào đây em nhờ một tí. Ông anh rể theo vào gian trong thì ông giám đốc hầm hầm hỏi: - Quan hệ giữa anh và tay nhà báo này thân thiết đến mức nào mà để hắn làm câu đối chửi bới xỏ xiên em quá thế? - Câu đối hay đấy chứ, tôi có thấy chỗ nào là chửi bới xỏ xiên đâu nhỉ? - Thì chắc là bác phô với hắn hai thằng con mất dạy nhà em đứa thì phải đi tập trung cai nghiện, đứa thì đua xe tai nạn bán thân bất toại, nên vế trên thì hắn giả vờ ca ngơị “mẹ an khang tuổi thọ”, rồi vế dưới đối bằng câu mỉa mai đểu giả là “con thành đạt đường dài” thì chả là chửi thằng con đua xe máy đường dài nhà em còn gì? Ông anh rể cười phá lên, bảo: - Cậu hiểu nhầm ý tốt của người ta rồi, hôm nay chẳng phải mừng thọ mẹ và mừng tân gia của cậu à? “Con” ở đây là chỉ chính cậu đấy, chứ chỉ chúng nó thì phải là “cháu” chứ! Còn “thành đạt đường dài vạn dặm” là ý ông ấy muốn ca ngợi nghề làm đường của cậu xây dựng cho đất nước hàng vạn cây số đường đẹp, đường mới, chứ nào ông ấy biết đâu cậu có mấy con và chúng nó làm gì? - Ra thế hả bác? Chết thật em tối dạ quá, phải ra xin lỗi ông ấy ngay thôi! Hai anh em vừa định trở ra thì bị bà vợ ông đại tá hốt hoảng chạy đến báo: - U nguy mất rồi cậu với thầy nó ạ, chân cứng đờ rồi, tôi véo vào cũng không biết gì nữa. Mấy lại cậu cho vặn nho nhỏ mấy cái loa hát hổng đàn phách lại cho tôi nhờ, nhức đầu quá đi mất thôi! Ông giám đốc bảo: - Em biết rồi, cứ cho u ngậm sâm, mai các nhà sư sẽ đến làm lễ cầu siêu tụng kinh xin gia thọ là khoẻ lại ngay ấy mà! Mặc cho bà chị đứng đấy âu sầu lo lắng, ông giám đốc quay ra phòng khách rót đầy hai chén rượu cầm đến trước mặt ông đại tá nhà báo: - Xin lỗi, anh em nhà em có tí việc gấp phải trao đổi về sức khoẻ mẹ em. Bây giờ em xin chúc bác một chén để đa tạ bức câu đối tuyệt vời của bác ạ! Ông đại tá phấn khởi cùng cạn chén với chủ nhà. Ông giám đốc lại cầm mi-cờ-rô ý kiến: - Thưa ngài cựu bộ trưởng, thưa ba ngài cựu thứ trưởng, thưa các vị tướng lĩnh cùng các quí khách kính mến, hôm nay tôi vô cùng xúc động trước tấm thịnh tình của mọi người đã không quản ngại đường xá xa xôi mà hạ cố đến đây mừng cho mẹ tôi và gia đình tôi, tôi xin vô cùng cảm ơn và chúc quí vị an khang, hạnh phúc, kính mời quí vị cùng cạn ly! Ông đại tá hô “một, hai, ba”. Mọi người cùng hô lớn: “ dzô!” - Thưa quí vị - Ông Giám đốc nói tiếp – Trong các cuộc vui mọi người đều đã thưởng thức ca nhạc lối mới nhiều rồi, hôm nay cũng là để chào mừng cho sự kiện nước nhà vừa được UNESCO công nhận ca trù và quan họ là di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại nên tôi đã mời được cả câu lạc bộ ca trù và làng quan họ đến phục vụ. Xin mời bác đại tá nhà báo đây sáng tác ngẫu hứng cho một câu ca để các đào nương thể hiện hầu quí vị ạ! Ông vừa dứt lời thì bị cô em gái, vợ ông vụ phó sồng sộc chạy ra nắm tay khóc rống lên: - Ới anh ơi!... Ông giám đốc vội vàng lấy tay bịt mồn em gái, rồi quát: - Có việc gì vào trong bình tĩnh nói tao nghe, làm gì mà rống lên thế? - Rồi ông vội kéo em vào trong, rít hai hàm răng quát khẽ: - Mày có câm ngay cái mồm đi không nào? Mày định phá đám phỏng? - U đi rồi… anh ơi!... – Cô em sụt sùi nói. Ông giám đốc lại rít khẽ lên: - Tao biết từ sáng rồi, nhưng u chết rồi thì mày khóc liệu u có sống lại được không? Tao van mày hãy ngận cái mồm cho tao nhờ hết hôm nay, rồi mai sẽ khóc được khô…ô…ông? Rồi ông quay gót trở ra, lại vui vẻ như không có chuyện gì xảy ra, tươi cười nói với mọi người: - Xin lỗi đã làm quí vị mất hứng! Chả là thằng cháu con cô ấy nghịch nước sôi bị bỏng nhẹ một tí, nhưng không sao. Nào xin mời mọi người tiếp tục cạn ly! Loa cứ oang oang hát, bia rượu cứ thoả mái rót, chủ và khách cứ tiếp tục vô tư “trăm phần trăm”, lời hát cứ được hết người này đến người kia tranh nhau sáng tác, đào nương và liền anh liền chị cứ thay nhau trổ tài ca trù, quan họ đan xen, cuộc vui cứ vui như thế và kéo dài thêm nữa… Ông rể đại tá thấy em vợ say lảo đảo rồi thì kéo tay nói khẽ: - Cậu vào trong anh bảo – Rồi ông lôi tuột giám đốc vào trong. Gian trong có bà chị cả, vợ ông đại tá, hai vợ chồng ông vụ phó và bà vợ ông giám đốc đang nước mắt ngắn nước mắt dài sụt sùi khóc lóc. Thấy vậy ông giám đốc vung tay nói lè nhè giọng xay xỉn: - Tôi đã bảo rồi… mọi người hãy chờ ngày mai phát tang rồi khóc thoải mái… còn bây giờ… bây giờ hãy … cứ vui vẻ đã, nghe không? - Nhưng mà cậu ơi! - Vợ ông đại tá thuyết phục em - Thầy chùa bảo u đi vào giờ thìn, thì ngày hôm nay phải liệm vào chính mùi tức là 2 giờ chiều thì mới tốt, chứ để giờ khác là độc lắm em ạ! Ông giám đốc lại vung tay lè nhè: - Độc, độc cái con khỉ. Độc nhà tôi chịu, việc đếch gì đến chị là nữ nhi ngoại đạo…Thôi nhé! Tôi phải ra tiếp khách đây… mà cấm có ai được khóc đấy nhé! Ông lại lảo đảo đi ra, vừa ra đến cửa thì nấc lên và nôn thốc nôn tháo như đổ cám lợn vào máng, rồi gục xuống giữa đám quan khách đang vui vẻ ồn ào. Vợ ông vội chạy ra xốc nách dìu vào trong, vừa đi vừa nói: - Khổ chưa, nốc cho lắm vào! Ông đại tá anh rể, mặt đỏ như quan công giật phắt chiếc mi-cờ-rô của một đào nương đang rên rỉ bài ả đào “hồng hồng tuyết tuyết”. ông nói lớn: - Rất xin lỗi quí vị, vì cậu nó quá say. Tôi thay mặt gia đình làm quyền huynh thế phụ tuyên bố cuộc vui đến đây là kết thúc để chuẩn bị tang lễ cho cụ tôi. Nghe vậy mọi người đều ngơ ngác, chẳng hiểu ông đại tá nói thật hay ông cũng đang quá say mà nói nhảm. Viết tại nhà máy gang cầu Thiên Phát 6/11/2009 Đào Phong Lưu
Thống kê hiện tại
Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
Kiểu: