Trích đoạn: tuyen45
quote: Trích đoạn: Lá Chờ Rơi
Chào bạn Tuyen45,
Đọc bài Thể Luật Đường tôi rất vui, vì về mặt kỹ thuật nó theo đúng cách chơi của Đường Thi.
Như tôi đã trình bày trong bài GIẢI MÃ ĐƯỜNG THI, thi nhân đời Đường làm bài Thất Ngôn Bát Cú với 16 dạng Niêm Luật (cách nào cũng có âm điệu hài hòa). Còn cách chơi quy định bởi dải số 1-8 2-3 4-5 6-7 thì chỉ tương ứng với 2/16 cách chơi của Đường Thi mà thôi.
Nhưng dải số lại được hầu hết thi nhân hiện đại coi như khuôn vàng thước ngọc cho thơ Thất Ngôn Bát Cú.
Sau đây là 6 bài Đường Thi có phần kỹ thuật giống bài Thể Luật Đường, tức 4 câu trên theo luật Trắc, 4 câu dưới theo luật Bằng : ...
[
Kính chào bác Lá chờ rơi !
Cảm ơn bác đã thường xuyên ghé thăm đọc thơ hoạ thơ và hôm nay lại gửi thư riêng có đồng cảm với bài :
"THỂ LUẬT ĐƯỜNG" của Tuyen45.
Vậy Tuyen45 đăng toàn bộ mời các cùng xem.
Bài này tuyen45 gửi vào trang củ bác Hồ Văn Thiện thì được góp ý như sau:
THỂ LUẬT ĐƯỜNG
---*---
Bát cú đường thi luật chẳng thừa
Thất ngôn kế tục tự đời xưa
Ít từ gạn lọc vang âm điệu
Nhiều nghĩa đắp bồi lệnh trống khua
Lời văn nho nhã mang hồn nước
Tiếng nói hào hoa chọc cả vua
Người việt văn thơ không thể thiếu
Vịnh ngâm họa đối chẳng chia mùa
5/2/2012
Tuyen45
Bác hồ Văn thiện góp ý nhau:
Ôi bác Tuyên ! Bài của bác thất niêm nghiêm trọng rồi ! Phiền bác chỉnh lại cho
Hồ Văn thiện
Tuyen45 sửa lại về luật bằng như sau :
THỂ LUẬT ĐƯỜNG
---*---
Đường thi bát cú luật không thừa
Nối kiếp truyền đời tự thuở xưa
Gạn lọc âm từ vang tiết tấu
Đắp bồi ngôn ngữ vọng chiêng khua
Lời văn nho nhã mang hồn nước
Tiếng nói hào hoa chọc cả vua
Người việt văn thơ không thể thiếu
Vịnh ngâm họa đối chẳng chia mùa
5/2/2012
Tuyen45
Cảm ơn bác nhiều
Hồ Văn Thiện
Bác Hồ Văn Thiện Chỉnh sửa :
Cảm ơn bác Tuyên ! Tôi chỉnh vài chỗ nếu bác ưng ?
THỂ LUẬT ĐƯỜNG
---*---
Đường thi bát cú luật không thừa
Nối kiếp truyền đời tự thuở xưa
Gạn lọc âm từ ngang trống đánh
Đắp bồi ngôn ngữ tựa chiêng khua
Lời văn nho nhã mang hồn nước
Tiếng nói hào hoa tụng ân vua
Người Việt văn thơ không thể thiếu
Vịnh ngâm họa đối chẳng chia mùa
5/2/2012
Tuyen45
Tuyen45 sửa lần cuối về luật bằng nhưng chưa sửa vào bài đã đăng
Vậy xin ý kiến bác Lá
THỂ LUẬT ĐƯỜNG
---*---
Đường thi bát cú luật không thừa
Nối kiếp truyền đời tự thuở xưa
Gạn lọc âm từ vang trống phách
Đắp bồi ngôn ngữ vọng chiêng khua
Lời văn nho nhã mang hồn nước
Tiếng nói hào hoa nhạo cả vua
Người việt văn thơ không thể thiếu
Vịnh ngâm họa đối chẳng chia mùa
5/2/2012
Tuyen45
Bác Lá ạ Thơ đường thất ngôn bát cú nhiều thể loại quá nên gửi vào mạng
Người không hiểu hết thì chê Làm tác giả hoang mang như Tuyen45 chẳng hạn
Suốt ngày hôm qua cứ ngồi sửa bài mà bài thì đã gửi vào mạng rồi
Hôm nay lại được bác Lá khen
Làm Tuyen45 phổng mũi lên đây nè
Chào bác chúc bác ngày mới năm mới nhiều niêm vui
Chào bạn Tuyên45,
Có thể bác Hồ Văn Thiện cũng như đa số người chơi hiện nay đều tuân theo răng rắc phép Niêm 1-8 2-3 4-5 6-7. Phép Niêm này chỉ tương ứng với hai dạng thơ thông dụng nhất, nhiều nhất, và dường như chỉ là hai dạng thơ duy nhất được phép dùng trong thời khoa cử.
Gò bó trong phép Niêm đó là làm nghèo nàn cho thơ đường luật. Vì lắm khi tứ thơ đưa ta vào một dạng thơ khác. Lấy ví dụ từ các nhà thơ tiền bối :
1/ Nguyễn Bỉnh Khiêm với bài :
DĨ HÒA VI QUÝ
Ở thế đừng tranh tiếng trượng phu
Làm chi cho có sự đôi co
Đây cậy đây khôn đây chẳng nhịn
Đấy rằng đấy phải đấy không thua
Duật nọ hãy còn đua đến bạng
Lươn kia hầu dễ kém chi cò
Chữ rằng : Nhân dĩ hòa vi quý
Vô sự thì hơn khỏi phải lo.
Nguyễn Bỉnh Khiêm
4 câu đầu theo phép Niêm 1-3 2-4 mà cách Niêm nầy dải số không hề chấp nhận bởi các cặp số 2-3 và 6-7.
2/ Hồ Xuân Hương với bài :
CẢM CỰU TỐNG TÂN XUÂN CHI TÁC (bài 1)
Xuân này nào phải cái xuân xưa
Có sớm ư ? thời lại có trưa
Cửa động hoa còn thưa thớt bóng
Buồng thoa oanh khéo dập dìu tơ
Phong lưu trước mắt bình hương nguội
Quang cảnh trong đời chiếc gối mơ
Cân vàng nửa khắc xuân lơ lửng
Phố liễu trăm đường khách ngẩn ngơ.
Hồ Xuân Hương
4 câu chót cũng theo phép Niêm 1-3 2-4 nên cũng bị dải số không chấp nhận như trên.
3/ Nguyễn Du với bài :
ĐỘC TIỂU THANH KÝ
Tây Hồ hoa uyển tẫn thành khư
Độc điếu song tiền nhất chỉ thư
Chi phấn hữu thần liên tử hậu
Văn chương vô mệnh lụy phần dư
Cổ kim hận sự thiên nan vấn
Phong vận kỳ oan ngã tự cư
Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như.
Nguyễn Du
4 câu chót cũng theo phép Niêm 1-3 2-4 như giải thích trên.
4/ Nguyễn Minh Triết với bài :
HÀ TIỆN
Giàu thì ba bữa khó thì hai
Lần lửa cho qua tháng thiếu đầy
Nón đổi lá ngoài quần đổi ống
Dép thay da mặt túi thay quai
Dặn vợ có cà đừng gắp mắm
Bảo con bớt gạo bỏ thêm khoai
Thế gian mặc kẻ cười hà tiện
Ta chẳng phiền ai chẳng lụy ai.
Nguyễn Minh Triết (thơ xưa nên chắc là không phải ông NMT hiện nay)
4 câu đầu theo luật Bằng, 4 câu sau theo luật Trắc cũng là một tình trạng không được dải số chấp nhận vì các cặp số 1-8 và 4-5.
Bài GIẢI MÃ ĐƯỜNG THI đã được Huyền Băng đưa vào topic THƠ (nơi nói tổng quát về Thơ, trên Thơ Sáng Tác một bậc). Trong đó có các bài mẫu Đường Thi cho thấy đủ 16 thể điệu. Các thể điệu đó chỉ là sự pha trộn 4 phép Niêm vào 4 phép Luật, và đều hoàn toàn có âm điệu hài hòa.
Ngày nay không còn sự ràng buộc của thời khoa cử nên chúng ta hoàn toàn tự do để làm thơ theo mọi thể điệu hài hòa nào mà ta ưng ý nhất và tùy theo tứ thơ đến với ta.
Tuy nhiên các ông chủ lò thơ đường từ lâu dạy học trò chỉ theo phép Niêm qui định bởi dải số 1-8 2-3 4-5 6-7 nên chắc là không có ai tán thành cách chơi đa dạng nói trong GMĐT.
Bài GMĐT tôi viết ra là để chia sẻ sự tìm hiểu của tôi về Đường Thi, với dẫn chứng hẳn hoi. Để cho thấy rằng đó là 16 cách chơi đa dạng của thi nhân đời Đường. Nhưng phần lớn thơ của tôi làm ra thường tương ứng với phép Niêm theo dải số. Khi có một bài lọt vào cách chơi đa dạng vừa nói thì tôi để nguyên, chứ không sửa lại như Vancali và Đồng Lão.
Đưa lên mạng thì có một số phản ứng hoan hô vì nó giải quyết được cái thắc mắc từ lâu cả trăm năm nay, là trước đó có những bài thơ của những nhà thơ lớn bị xếp vào loại Thất Niêm. Để giải thích sự kiện đó người ta dùng chữ ‘Phá Cách’ với sự giải thích rằng sau khi đã thành danh các đại thi hào ấy làm chơi những bài thơ phá cách !
Nay sự giải mã cho thấy rõ ràng là không phải vậy, đó vẫn là những bài thơ đúng cách chơi của thi nhân đời Đường.
Bài thơ của bạn sau khi sửa lại thì 4 câu đầu trở thành kém hơn trước nhiều như sau :
Đường thi bát cú luật không thừa chữ “không” nghe yếu hơn chữ “chẳng”
Nối kiếp truyền đời tự thuở xưa thiếu tứ thơ “ thất ngôn”. Còn 2 chữ “kế tục” được thay thế với 4 chữ “nối kiếp truyền đời” nên câu thơ mất nhiều súc tích.
Gạn lọc âm từ vang trống đánh cặp THỰC thiếu 2 tứ thơ “ít từ » và « nhiều nghĩa”
Đắp bồi ngôn ngữ tựa chiêng khua tức là cũng kém súc tích hơn bài trước.
Tôi sẵn sàng nghe những cao luận về nhận xét trên, của những người lấy công tâm mà xét. Và tôi cũng không quảng bá cho cách làm thơ nào vì cách nào cũng cho được những bài thơ hay.
Thân mến chào bạn.
Võ Nhựt Ngộ/Lá chờ rơi
<bài viết được chỉnh sửa lúc 07.02.2012 18:56:44 bởi lá chờ rơi >