NGÔN NGỮ "A CÒNG" PHẨY
Trương Củng 16.06.2005 17:11:18 (permalink)
NGÔN NGỮ "A CÒNG" PHẨY

“Cẩn thận tao tát một phát văng như cái đĩa hát, vỡ tan tác cho mày hết khoác lác rồi đừng có trách tao ác”. “Còn nói nữa à, hôm nay tao “phiu chờ” (Future) mày “đầu lâu” quá nên đi học vội vội vàng vàng, bị “líptông”(Lipton) một phát vẫn chưa hết “chim cú” đây này”...

Thấy Hà ngơ ngác không hiểu, hai cậu bạn cười phá lên “Nhìn cái mặt như bò đội nón kìa, bây giờ ăn nói phải hiện đại như thế mới sành điệu chú em ạ”?!

Sành điệu con hàng hiệu

“Chẳng ai bảo hắn học tanh, nhan sắc... dưới mức trung bình, nhà không mặt phố, còn... bố bơm xe”, vậy mà lâu nay T.P. (khoa Cầu đường ĐH GTVT Hà Nội) danh “nổi lềnh bềnh” do khả năng sáng tạo ngôn ngữ không mệt mỏi và không giống ai.

Hễ cứ mở miệng là nói như đọc vè: “Thằng A đẹp trai nhưng hai phai (hi-fi), con B xinh nhưng tính rất... kinh” hay “Bực như con cá mực; nhục như con trùng trục... chán như một con gián”(?!)…

Có những cụm từ nói ra cực kỳ khó hiểu hoặc vô nghĩa đến tức cười, thế mà bạn bè trong lớp ai nghe thấy cũng khoái. Từ đó, không ít bạn trong lớp cũng “ngu như cái… xe lu”, “khổ như… một con hổ” (có lẽ là con hổ trong Nhớ rừng của Thế Lữ chăng?)...

Thậm chí, có những câu ngô nghê đến... nhảm nhí: “chất như Níchki-bất” (Nicky Butt - tên một cầu thủ bóng đá Anh), “xinh như con... tinh tinh” (?!). Đến thế này thì đến các nhà biên soạn từ điển chắc cũng thua luôn!

Khi được hỏi, P. cười hề hề: “Đó gọi là nói kiểu... sành điệu con hàng hiệu, hiểu chưa?!”.

Và... ăn theo thương hiệu

Sử dụng từ ngữ 3T (Tây - Tàu - Ta lẫn lộn) hiện nay đang khá phổ biến trong một số người trẻ. Đáng giật mình, các công dân @ phẩy đang “bảo vệ và xây dựng” sự trong sáng của tiếng Việt bằng những đơn vị ngôn ngữ… không thấy có trong từ điển tiếng Việt nào.

Ví dụ như: “Đi đâu mà “đầu lâu” thế?”; “Say rượu rồi lại “livơphun”(Liverpool) ra đấy rồi hả”; “Làm gì mà cãi nhau “căngguru” thế, “Sao số em cứ “đenpiơrô”(Del Piero) mãi thế nhỉ”…

Bạn bè tếu táo nhau dùng từ ngữ lạ một chút như vậy kể cũng vui. Nhưng khổ nỗi cánh sinh viên ngày càng cập nhật kiểu ăn nói lạ lùng này vào mọi hoàn cảnh cuộc sống. Lắm khi dở khóc dở cười vì bị đánh giá là ngớ ngẩn, vô duyên, thậm chí thiếu lễ độ, hỗn láo.

L. (ĐH Bách khoa Hà Nội) kể: “Có lần sau khi dẫn bạn gái đi ăn cùng bố mẹ, tôi hỏi khéo mẫu thân: “Mẹ thấy bạn con có... vệ sinh không? (ý muốn hỏi xinh không). Trông hơi bị “Nétti” (Nestea) đấy mẹ nhỉ?”.

Các cụ cứ tròn cả mắt lên hình như chả hiểu gì cả, rồi phán: “Cả mày lẫn nó ăn nói cứ như... dở người ấy, ai lại con gái con đứa gì mẹ nhờ gọi người phục vụ tính tiền nó buông ngay một câu: “Chị ơi chị tổng vệ sinh xem bàn này hết bao nhiêu tiền để bác gái còn... “củ chi””.

Nghe mà... “buồn như con chuồn chuồn”!

“Đây là dấu hiệu của một số bạn trẻ muốn thể hiện một điều gì đó khác so với cách dùng ngôn ngữ thông thường.
Vì thế đó chỉ là ngôn ngữ của một nhóm người sử dụng trong phạm vi nhỏ hẹp, chỉ phù hợp với môi trường của nhóm ấy.
Nếu phát ra ở những nơi khác thì dễ trở thành... mất văn hóa”.

PGS-TS ngôn ngữ học
TRẦN TRÍ DÕI
(chủ nhiệm khoa Ngôn ngữ học Trường ĐH KHXH & NV Hà Nội)
#1
    Trương Củng 16.06.2005 17:14:22 (permalink)
    OK VÀ MỘT PHONG CÁCH "XÌ TIN" ?!

    “Có “sure” (chắc chắn) không đó? Có gì trục trặc là tôi bị “complain” (than phiền) liền. “Boss” (người chủ) của tôi khó lắm. Bồ phải “check” (kiểm tra) lại cho rõ ràng nha”. Đó là nguyên văn được thốt ra từ miệng một bạn gái Việt Nam 100% khi trò chuyện cùng vài người bạn, cũng 100% Việt tại một quán cà phê.

    Không những thế, ngay trên giảng đường ĐH KHXH & NV, trong giờ học môn “Cơ sở văn hóa Việt Nam”, một sinh viên sau khi phát biểu được thầy giáo bổ sung một số ý thì đã gật đầu, miệng OK liên tục.

    Thế nhưng, chúng tôi đã phải bật cười khi một người trong nhóm ngày thường là “chuyên gia chêm ngoại ngữ vào câu tiếng Việt” đã im như thóc khi hai du khách người nước ngoài hỏi một câu đơn giản trong chợ đêm Bến Thành.

    Cô bạn trong nhóm sau khi trả lời giúp hai du khách nọ đã nói với anh bạn này: “Bồ vẫn thường nói tiếng Anh với Việt Nam chính gốc tụi tui mà. Sao bây giờ gặp người Anh bản xứ thì không chịu nói với họ?”. Anh bạn cười cười rồi trả lời: “Tại tui rành vocabulary hơn là sentence” (!).

    Hiện tượng chêm một vài từ nước ngoài vào ngôn ngữ mẹ đẻ đang khá rõ ràng ở một bộ phận không nhỏ thanh niên, HSSV… và trên cả những phương tiện nghe nhìn tạo thành sức... “lây nhiễm” rất đáng lo ngại.

    Giáo sư đáng kính Trần Văn Khê từng sống rất nhiều năm ở nước ngoài, thông thạo nhiều ngoại ngữ nhưng trong những bài giảng, trò chuyện, hiếm khi chúng ta nghe ông nói một từ nước ngoài nào nếu đó không phải là những từ chuyên môn.

    Theo dõi chương trình “Đường lên đỉnh Olympia” có phần giao lưu với những bạn trẻ từng đoạt giải của chương trình được đi học nước ngoài, ta có thể nhận thấy: trình độ ngoại ngữ không hề thua kém ai song họ vẫn không hề nói những câu nửa tây nửa ta.

    Và xúc động hơn là trong trại hè quốc tế vừa qua ở Việt Nam, dù khó khăn song các bạn trẻ mang trong người một phần dòng máu Việt ấy vẫn rất cố gắng đi cùng “phong ba bão táp” của ngữ pháp Việt Nam.

    ( Tin tức Việt Nam)
    #2
      Trương Củng 16.06.2005 17:18:04 (permalink)
      TẾU TÁO "RANH" NGÔN, CA "RAO" SINH VIÊN

      Thời nay, mọi cái đều thay đổi xoành xoạch như thay… điện thoại di động, ngôn ngữ sinh viên cũng là thứ luôn được làm mới cho “hay hơn, nhộn hơn và… sâu hơn”. Có lẽ cũng không đến nỗi tất cả “từ mới” của sinh viên đều là “ca dao… phay” và “tục”… ngữ như nhiều người lo quá xa.

      Các cụ xưa căn dặn con cháu phải biết lượng sức mình, đừng có mà đem “trứng chọi đá”, “châu chấu đá voi”… Nay có lẽ châu chấu rất hiếm (vì thuốc trừ sâu nhiều), trứng để ăn chứ chẳng dại đem đập vào đá, sinh viên đã biến báo thành “muỗi đốt… inốc”.

      Cha ông xưa chủ yếu dùng từ “cá” với nghĩa đen, sinh viên đã biến báo một loạt danh từ về cá thành các động từ: làm ăn, kiếm tiền là “cá kiếm”; nhận về một cái gì đó là “cá thu”; không thuộc bài kiểm tra phải nhìn bài bạn hoặc mở vở được gọi là “cá chép”; trong tình huống phải dùng đến chước thứ 36 thì gọi ngay là “cá chuồn”…

      Ngay cả câu chê bai một cô gái có thân hình gầy mà người xưa gọi là “gầy như… cá rô đực” thì một nam sinh viên buột miệng khen cô gái có thân hình “siêu mỏng như SamSung C100”!

      Người lớp trước chê những kẻ ăn chơi là “sướng quá hoá rồ”, nhưng lớp trẻ ngày nay xem ra câu đó còn hơi bị nhẹ nên đã mượn câu “chán cơm thèm phở” chế biến thành “chán cơm thèm… đất” dành cho những kẻ đó nghe ra sướng lỗ nhĩ hơn.

      Xưa ông cha ta có câu “người chết cãi người khênh” đúng nhưng mà “tang tóc” quá, nay sinh viên có những mấy câu vẫn nguyên nghĩa thế mà lại ấn tượng hơn là “gà cãi nước sôi”, “cổ gà cãi dao phay”…

      Khoảng hơn 20 năm trước, có câu “thứ bảy máu chảy về tim”. Tưởng đến khi có tuần làm việc 40 giờ, câu này sẽ “chết”, nhưng sinh viên lại “bổ sung, phát triển” ngay với “thứ sáu máu hơn thứ bảy”!

      Ngoài hệ thống ngôn ngữ cực kì sinh động được hình thành từ mạch nguồn dồi dào của kho tàng thành ngữ dân gian phải kể đến những câu “châm ngôn”, “ca dao” để đời trong giới sinh viên.

      Từ câu ca dao “con chim ở trọ cành tre”, Trịnh Công Sơn có bài hát “Ở trọ” tuyệt hay. Nhưng giới sinh viên cũng không hề kém cạnh nhạc sĩ tài hoa họ Trịnh với những câu “ca rao”: “Con chim ở trọ cành tre/ Sinh viên ở trọ kể nghe bùi ngùi”.

      Cùng với “ca rao” thì những câu châm ngôn, cách ngôn, danh ngôn qua các bộ óc luôn vận động của sinh viên đã thành “ranh ngôn”. Sinh viên bây giờ thực tế hơn, không hô hào học lấy chết như cày ruộng, mà theo họ: “Học không yêu đánh rơi tuổi trẻ/ Yêu không học bán rẻ tương lai”.

      Bám sát hơn theo ngành học của mình, chàng sinh viên khoa Triết (ĐHSP 1 Hà Nội), Bùi Tuấn Thành, “lý sinh sự”: Tình yêu là phép cộng của nỗi lo, phép chia của túi tiền, phép trừ của suất ăn, phép nhân của rắc rối.

      Nhà thơ Xuân Diệu nếu còn sống không biết sẽ buồn hay vui khi câu thơ “Yêu là chết ở trong lòng một ít” của ông đã thành “Yêu là mất ở trong nhà một tí”…

      Ngôn ngữ sinh viên nếu không đi quá đà, không “sắc lẻm” đến làm rách “phông” văn hoá thì cũng chẳng có gì đáng lo ngại. Nói như Lưu Quang Vũ: “Tôi chán bạn bè tôi/ Bao năm rồi họ chẳng nói được câu nào mới” thì thành ngữ và “ranh ngôn” của sinh viên đã làm cuộc sống tươi mới và mến thương hơn…

      (Tin tức Việt Nam)
      #3
        Tố Tâm 16.06.2005 18:07:30 (permalink)
        Eo ôi, thật là những ngôn từ đầy sáng tạo mà kinh dịTT nghe như đi lạc vào rừng hoang
        #4
          Trương Củng 24.06.2005 15:24:43 (permalink)
          Ðúng là "Kinh Dị" đó Tố Tâm.
          Trên là Ngôn Ngữ của thế hệ 8X( sinh từ thập niên 80 thế kỷ trước) còn sau đây là Văn Chương:


          Những bài văn cười ra nước mắt


          Trong khi chấm thi tốt nghiệp THPT năm nay, các giáo viên lại bắt gặp rất nhiều bài làm văn mà học sinh viết rất ngây ngô, tréo ngoe. Hiện tượng văn chương “rợn tóc gáy” này cứ tái diễn hằng năm.


          Đây là nguyên văn một bài làm của học sinh: "Mỵ và A Phủ là một đôi thanh mai trúc mã, họ thực lòng thực dạ yêu nhau quên trời quên đất, mặc dù quá xá người cản trở nhưng họ củng lấy được nhau bằng cách dắt nhau đi vô rừng. Gia đình nhà thống lý bá tra là chồng trước của Mỵ đã kéo đế, Mỵ dung cùi chỏ lên, đánh cho bọn nó tang tát hết trơn, mỵ lại giù A phủ vô nhà, miệng của Mỵ rỉ rỉ mấy giọt máu. Nhà Tô Hoài đã đề cao giá trị nhân đạo bằng cách cho cô mỵ đánh bọn cường hào ác bá kia đề dành lấy tự do và tình yêu chung thủy. ( Kính thưa thầy cô, em sắp bị khống rồi, lạy thầy cô chấm nương tay cho em nhờ cậy, để thấy cô tích đứt, em cảm ơn)


          Những bài văn như thế này không thiếu. Có em chỉ cọ quẹt đôi ba dòng, viết lại cái đề rồi bỏ luôn phần còn lại. Bài làm văn được 1 hay 1,5 điểm phần lớn đều rơi vào trường hợp này. Các em cứ viết linh tinh, “quên trời quên đất”, được chăng hay chớ, miễn là có Mỵ và A Phủ mà chẳng cần biết mình viết gì.


          Giáo viên chấm bài thi mà cứ tức anh ách. Không biết trong số mấy nghìn bài ở đây, có bài nào của học trò trong lớp mình dạy không. Điều mà mình dạy với điều mà học trò học chưa chắc đã giống nhau, bởi thế mới có mấy đoạn văn “đi mây về gió” như thế này:


          - “Tây Tiến là một địa danh nổi tiếng ở miền tây, Quang Dũng đi bộ đội vào miền Nam, sau đó ra miền bắc rồi về miền tây nam bộ rồi lại ra miền tây. Quang Dũng kêu gọi các học sinh sinh viên Hà Nội lênh đường đánh giặc và bản thân ông làm tướng công công đồn dũng sĩ giết sách bọn giặc giả mang tàn nhẫn, quét sạch luôn bọn phong kiến ác ôn”.


          - “Mỵ đi ngay ra gốc cây ở ngoài rừng, ngồi phịch xuống cái gốc cây mà khóc, A Phủ trông thấy liền gọi Mỵ dậy và tặng cho Mỵ một con dao để Mỵ cắt dây trói”.


          - “ Tại sao Mỵ phải lấy A Phủ, A phủ là một thằng nhà giàu độc ác tượng trưng cho bọn thực dân dã mang, chúng nó thực sự đàng áp nhân dân ta dìm nhân dân ta trong bể máu”.


          Khi đọc xong đoạn văn này nhiều giám khảo chấm thi cũng lắc đầu ngao ngán vì không thể hiểu nổi là thí sinh đang định diễn đạt điều gì.


          “Qua một cặp vợ chồng trong đời sống hàng ngày, họ sống giản dị, trôi theo dòng sông đưa đẩy, họ được mọi người mến mộ tác phẩm làm cho nhà thơ không phải quên, không phải văn chương nào cũng có lòng nhân đạo nói lên rất ư là nổi bật, đó sáng tác rất nổi bật”.


          Đọc những bài thi, mới nhận ra khả năng bình luận văn chương của các nhà phê bình văn học kém hẳn so với “ tài năng” của các em: “Có thể chắc chắn một điều chắc chắn rằng, trong Tây tiến đã phơi bày của mình hết sức trầm trọng làm chúng ta hiểu biết về ông rất là nhiều”.


          Còn đây là một kiểu suy diễn... chết người, ai manh nha tham vọng thành nhà thơ, đọc rồi sẽ tuyên bố bỏ nghề làm thơ:


          “Quân xanh màu lá tức là màu xanh của màu huy vọng mông rằng quân ta tòn thắng”; “ Sông Mã gầm lên là vì tuy các anh đã được dùi xâu dưới lòng đất đến thiên nhiên cảnh vật cũng phải khiếp sợ huống chi là con người nên sông mã mới gằm lên um sùm như thế chứ”; “Chiến trường đi không tiếc đời anh câu thơ thực là dí dỏm tinh nghịch quá”. Quang Dũng mà sống lại có lẽ cũng phải... bó tay!


          Còn tác giả của “Dế Mèn” yêu quý của bạn nhỏ thì không biết sẽ bình luận gì trước những nhà bình luận văn chương tài ba này:


          “Mỳ và A Sử sống gần gủi thân mặt nhau dần dần nảy sinh tình cảm, hạnh phúc xuất phát từ sự đau khổ xã hội phong kiến lại không chấp nhận mối nhân duyên ấy nên họ càng đau khổ càng mất hạnh phúc”.


          Còn giám thị ắt hẳn sẽ kinh hoàng khi đọc thấy cái mở bài này: “Hôm nay, bữa thi đầu tiên, thấy thầy giám thị phát đề văn, thầy đi đi lại lại, y chang mấy người lính tây tiến nên em có cảm hứng phân tích một đoạn bài Tây Tiến”.


          Tổ trưởng tổ chấm văn của một trường cấp 3 nói nửa đùa nửa thật: “Các thầy cô đừng có bắt lỗi chính tả làm gì, bắt lỗi chính tả thì không còn thời gian để chấm bài nữa, kệ, miễn học sinh viết được tiếng Việt thì thôi, mình đọc hiểu là được rồi, đừng có viết thành tiếng Tây tiếng Tàu là được. Một mắt nhắm, một mắt mở mà chấm, chấm mà mở hai mắt thì tối ngủ gặp ác mộng đó, tụi nó tưởng tượng khiếp quá mà”.


          Nguồn: Tuổi trẻ
          #5
            Trương Củng 24.06.2005 15:47:06 (permalink)
            Gần đây có rất nhiều ý kiến khác nhau xung quanh vấn đề văn học nhà trường, dưới đây là những tâm sự của Giáo sư Phan Trọng Luận (Tổng chủ biên Bộ sách giáo khoa Ngữ Văn phân ban) với eVăn về SGK môn Ngữ văn và cách học, cảm thụ văn học của học sinh THPT.

            'Thị hiếu thẩm mỹ ở học sinh đã thay đổi'


            Từ Nữ Triệu Vương

            SGK Văn học ngày càng có chiều hướng xa rời thực tế



            - Nói học sinh ngày nay ghét môn Văn, tôi nghĩ không hẳn thế. Vẫn có nhiều học sinh thích đọc văn chương, thích những bài văn hay, những giờ văn hấp dẫn và chúng ta đều thấy có hiện tượng học sinh rất say mê đọc truyện tranh Đôrêmon, Harry Potter hoặc tìm đọc những tác phẩm văn chương không có trong nhà trường. Nói như Xuân Diệu là "học sinh nó không thích cái văn của các anh thôi". Cho nên phải tìm hiểu tình trạng học sinh không thích học văn từ những vấn đề gốc khác nữa.


            Trước hết, phải thừa nhận một điều đã diễn ra từ lâu, nhất là trong những năm gần đây là tâm lý nhận thức, tâm lý tiếp nhận văn chương của học sinh ngày nay không giống hoàn toàn như trước nữa. Có cô giáo nói với tôi là học sinh chỉ thích học phần văn học lãng mạn hay những bài thơ tình; văn học cách mạng, văn học chiến tranh hầu như không vào với các em. Nhu cầu về cái đẹp, thị hiếu thẩm mỹ và chừng mực nào đó, lý tuởng thẩm mỹ đã có những biến động và thay đổi. Không xa lạ gì, cứ quan sát cách ăn mặc thời trang, những cuộc vui chơi ca nhạc tập thể của học sinh, sinh viên ngày ngay là thấy sự thay đổi. Quan niệm về cái đẹp trong cuộc sống đã thay đổi thì làm sao quan niệm về cái đẹp trong văn chương lại giữ nguyên được? Hoài Thanh từng nói: một cái đinh thôi cũng đã mang theo nó cả quan niệm phương Tây.


            Một cô giáo Hà Bắc trong một đợt bồi dưỡng hè có tâm sự với tôi là có học sinh bây giờ cho rằng chị Dậu "dại và ích kỷ". "Dại" là vì quá "câu nệ về thân xác" nên không dám bán mình cứu chồng, cứu con mà lại bắt đứa con nhỏ phải lâm vào kiếp đọa đày trong nhà địa chủ. Tôi còn nghe nói có học sinh cho rằng "Kiều cao thượng hơn chị Dậu nhiều". Nàng Kiều tài sắc như thế mà dám hy sinh tất cả để cứu cha khỏi cơn gia biến. Dự giờ, tôi được nghe một em học sinh Hà Nội phát biểu rằng Hoàng (trong Đôi mắt của Nam Cao) không có gì đáng chê trách. "Đó là một con người sang trọng có cuộc sống ai mà chả ước mơ". Và còn có thể kể nhiều chuyện "tiếu thoại" về cách cảm thụ văn chương ngây ngô sai lệch của học sinh ngày nay mà báo chí ít nhiều có nêu lên. Tôi muốn nói rằng tâm lý tiếp nhận, thị hiếu thẩm mỹ ở học sinh đã có những thay đổi, nhưng người làm chương trình và người giảng dạy có khi chưa nắm bắt kịp thời thì học sinh không thích học văn cũng là điều dễ hiểu như từng xảy ra.


            Một lần trao đổi về sách giáo khoa văn trong nhà trường, cố thi sĩ Chế Lan Viên nhận xét là vì sao sách của các anh lại lắm "tù" thế. "Nên xanh hoá chương trình đi", ông nói. Đây là một nhận xét rất sắc sảo và tinh tế đối với chương trình và SGK văn học trong nhà trường viết trong thời kỳ chiến tranh. Trong hoàn cảnh bấy giờ, ta phải chọn những chủ đề chiến đấu, những áng văn thơ cổ vũ tinh thần chiến đấu hy sinh của tuổi trẻ là điều dễ hiểu. Nhưng sau chiến tranh, nhiệm vụ cách mạng có khác, tâm lý xã hội và tuổi trẻ có thay đổi, nhất định phải có và đã có những điều chỉnh thích hợp.


            Nhưng phải thừa nhận là những điều chỉnh về chương trình văn học của chúng ta còn quá chậm. Chiến tranh đi qua hơn 25 năm, xã hội đã chuyển sang cơ chế mới với bao nhiêu biến đổi về nhiều mặt nhưng chương trình văn học vẫn khép lại ở năm 1975. Bao nhiêu vấn đề của cuộc sống hơn nửa thế kỷ lại đây, bao nhiêu tác phẩm viết sau 1975, nhất là sau đổi mới mang hơi thở của đời sống hàng ngày còn vắng mặt quá lâu trong nhà trường.

            Tuổi trẻ ngày nay có bao nhiêu câu hỏi về lẽ sống, về hạnh phúc, về tình yêu, về cái đẹp, về đồng tiền, về giá trị nhân phẩm đang được đặt ra trong xã hội thị trường nhưng văn chương nhà trường không đáp ứng được mong đợi của học sinh và họ có thờ ơ, lạnh nhạt e cũng là điều dễ hiểu. Như vậy là chưa thật sự có sự gặp gỡ giữa chuơng trình văn học nhà trường với nhu cầu của bản thân học sinh. Khoảng cách đó ngày càng mở rộng và tôi nghĩ đó là một nguyên nhân làm cho học sinh không thích học văn trong nhà trường. Trong một bài viết trên Tạp chí Văn học cách đây 20 năm, tôi đã nói văn học nhà trường còn xây lưng với cuộc sống và học sinh. Nhận định đó đến nay vẫn đúng.


            Một nguyên nhân làm cho học sinh không thích văn là do cách giảng dạy của giáo viên. Một tác phẩm văn chương nhất là những tác phẩm văn chương xuất sắc hấp dẫn người đọc thế hệ này sang thế hệ khác là vì nhà văn qua tác phẩm đã nói lên được một cách sâu sắc thấm thía những vấn đề vui buồn của cuộc đời, và cũng là nỗi lòng của nhà văn trước thân phận con người. Dù đó là văn chương trung đại hay hiện đại, trong nước hay ngoài nước, người giáo viên phải biết làm thức dậy được nguồn xúc cảm sâu lắng đang tiềm ẩn dưới các dòng chữ trên các trang sách. Có thế học sinh mới cảm nhận, đồng cảm và hứng thú. Giờ văn không thể là chuyện chữ nghĩa khô khan của các ký hiệu vô hồn mà phải trở thành câu chuyện cuộc đời, chuyện con người, chuyện buồn vui và khát vọng muôn thuở của mọi kiếp người. Tiếc rằng lối giảng dạy xã hội học dung tục không phải không còn phổ biến trong nhà trường. Thêm vào đó là lối học văn dạy văn thực dụng chỉ nhằm lấy điểm, chỉ để đi thi đã làm tổn thương đến sức mạnh vô song của văn chương và niềm say mê tao nhã của học sinh đối với môn học cực kỳ quan trọng này.


            Học sinh ngày nay không thích văn còn do nhiều nguyên nhân khác nữa như tâm lý thời đại khoa học kĩ thuật, khả năng lựa chọn nghề nghiệp... ở đây chúng ta chưa có thể bàn đến.


            Sự xuống cấp về chất lượng bài văn của học sinh và những biện pháp



            - Đây là điều cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói năm1972, nghĩa là cách đây hơn 30 năm. Thủ tuớng phê phán lối dạy học văn theo điệu "sáo", lối "múa chữ" sao chép. Đáng trách là chúng ta chưa làm được bao nhiêu theo lời dạy của Thủ tướng mà tình hình lại có chiều hướng xấu hơn. Đúng là có hiện tượng bài làm văn của nhiều học sinh bây giờ có nhiều cái yếu kém. Như bài làm sao chép máy móc, kiến thức cơ bản về văn học có nhiều sai sót, kĩ năng viết văn non yếu, chữ nghĩa và cách trình bày cẩu thả... Nguyên nhân một phần là do thày cô giáo ít rèn học sinh. Dạy văn là rèn người, rèn văn, rèn chữ. Giáo viên mà lỏng tay, nhẹ tay thì hậu quả về sau rất to lớn. Có lần nguyên thứ trưởng Nguyễn Cảnh Toàn có phàn nàn với tôi là một kỹ sư trưởng viết lên Bộ Giáo dục một lá đơn nhưng lại viết sai chính tả "Đơn khiếu lại". Cũng dễ hiểu vì lên đại học, nói chung có học làm văn nữa đâu, chủ yếu ở phổ thông mà không rèn luyện kỹ càng thì ra đời dễ mắc lỗi. Ta không khỏi phiền lòng khi trên đài, trên báo chí, trên diễn đàn vẫn có những nhầm lẫn khi dùng từ "yếu điểm" "cứu cánh" "bao biện"... Cố Thủ tướng có lần đã nói "phải rèn, phải rèn học sinh". Chúng ta ít rèn. Dạy học còn thiên về lý thuyết, thiên về thuyết giảng mà coi nhẹ luyện tập, coi nhẹ thực hành. Một năm học ở phổ thông chỉ có dăm bảy bài làm văn ở lớp hoặc ở nhà. Học sinh ít được viết mà thầy lại chấm qua loa thì kết quả thế nào đã rõ. Cái chữ viết là cái nết con người. Ở các nước tiên tiến kỹ thuật, công nghệ hiện đại nhưng khi tuyển người làm việc họ vẫn yêu cầu sau mọi khâu dự tuyển phải tự tay viết lá đơn.


            Chất lượng làm văn của học sinh còn phụ thuộc vào nhiều nhân tố khác nữa như cách ra đề phải luôn đề cao việc phát huy tư duy sáng tạo, khả năng vận dụng kiến thức nhiều mặt của học sinh. Riêng đề thi đại học hay tốt nghiệp phổ thông hàng năm phải thay đổi nhiều hơn nữa theo hướng khuyến khích tư duy độc lập sáng tạo, hạn chế triệt để lối học tủ, sao chép của thí sinh. Trên báo Văn nghệ năm trước, tôi có viết một bài đề nghị thay đổi cách ra đề. Tôi quan niệm "Đề thi là cái kích cho một cỗ máy nặng ". Có thể nói bài làm văn của học sinh là tấm guơng phản chiếu rõ nét quan niệm đúng hay sai, chất lượng dạy học văn tốt hay xấu của nhà truờng trong một quốc gia. Đây là một vấn đề tưởng như hẹp nhưng lại cực kỳ quan trọng đối với nhà trường và cả xã hội vì học sinh sẽ là công dân của đất nước trên mọi lĩnh vực hoạt động. Chất lượng học văn chương ở nhà trường như thế nào liên quan đến hành trang văn hoá của mỗi con người trong đờì sống về sau. Vấn đề còn phải được trao đổi kỹ lưỡng hơn về lý luận và tìm kiếm những biện pháp thiết thực hơn nữa trong ngành giáo dục.


            Định hướng cách cảm thụ tác phẩm văn học cho các em


            - Đây là một vấn đề rất lớn, rất quan trọng mà cũng rất thú vị về lý luận văn học cũng như thực tiễn nghề nghiệp dạy học văn. Ở các nước tiên tiến, cùng với sự phát triển lý thuyết tiếp nhận văn chương trong khoa văn học thì trong nhà trường đã có những ứng dụng sinh động vào việc dạy học văn theo hướng chú trọng đến đáp ứng của người học (Lý thuyết tiếp cận đáp ứng ở Mỹ và lý thuyết cảm thụ và giảng dạy văn chương ở Nga). Ở nước ta, những năm gần đây đã có chuyên đề dạy học tác phẩm văn chương theo hướng coi "học sinh là bạn đọc sáng tạo". Tiếp nhận văn chương là một hoạt động tích cực, sáng tạo, có tính cá thể ở người đọc. Tác phẩm văn chương chỉ thực sự đến với bạn đọc khi nó được tiếp nhận thông qua hoạt động bên trong của bản thân người đọc. Cho nên mọi áp đặt từ ngoài, từ phía giáo viên đều không có hiệu quả hoặc chỉ là hiệu quả bên ngoài, hình thức. Lối giảng văn "thôi miên" học sinh như giáo sư Đặng Thai Mai phê phán cách đây hơn 50 năm ngày càng tỏ ra không còn thích hợp. Những năm gần đây trong nhà trường chúng ta đã và đang phê phán lối dạy văn giáo điều thông tin một chiều từ giáo viên đến học sinh. Vấn đề bạn đọc - học sinh, yêu cầu phát huy chủ thể người học đã được đặt ra và thầy giáo đã hạn chế đựợc nhiều lối dạy truyền thụ áp đặt, mớm cảm xúc cho học sinh. Đây là một sự chuyển hướng đáng mừng về đổi mới và hiện đại hoá phương pháp dạy học văn trong nhà trường cần đựợc tiếp tục rút kinh nghiệm thêm về lý luận cũng như biện pháp thực thi.

            Nguồn : EVăn
            #6
              Trương Củng 24.06.2005 16:00:05 (permalink)
              Thư ngỏ gửi các nhà văn có tác phẩm sau 1975

              Đỗ Ngọc Thống

              Kính gửi các nhà văn có tác phẩm viết sau 1975,

              Trên báo Văn nghệ số 32 (ra ngày 7/8/2004) có đăng bài Các nhà văn xuất hiện sau 1975 và sự trống vắng trong sách giáo khoa. Bài viết nêu lên ý kiến của một số nhà văn, nhà báo, cán bộ giảng dạy đại học về tình trạng sách giáo khoa văn trong nhà trường phổ thông không đưa các tác giả, tác phẩm sau 1975 vào chương trình và sách giáo khoa. Tất cả các ý kiến đều cho rằng đây là điều bất bình thường, là “vô lý”. Có người cho đây là biểu hiện của “vòng luẩn quẩn”, có người còn khái quát “đó chính là sự trì trệ của nền giáo dục”. Y Ban khẳng định: “Sự vắng bóng của các tác giả sau năm 1975 là nguyên nhân cơ bản dẫn đến học sinh chán học văn học”, v.v...

              Là người tham gia xây dựng chương trình và viết sách giáo khoa Ngữ văn mới từ lớp 6 đến lớp 12, tôi thấy cần phải trao đổi lại đôi điều và chủ yếu là gửi đến các nhà văn có tác phẩm viết sau 1975 một số thông tin cần thiết để hiểu đúng sự thật hơn.

              1. Trước hết cần khẳng định việc đưa các tác phẩm sau 1975 vào chương trình và sách giáo khoa văn trong nhà trường là cần thiết và đúng đắn. Cách đây 5 năm, bản thân tôi cũng đã nêu vấn đề này trên báo Văn nghệ(1). Chúng tôi cho rằng ở đây nên dùng cụm từ các tác phẩm xuất hiện sau 1975 hơn là các nhà văn xuất hiện sau 1975. Bởi vì, đối tượng để lựa chọn vào sách giáo khoa văn học trong nhà trường là những tác phẩm tiêu biểu cho thành tựu của văn học từng thời kỳ, không phân biệt thời điểm xuất hiện của các tác giả,. Sự bức xúc của các nhà văn về hiện tượng vắng bóng các tác phẩm sau 1975 trong sách giáo khoa là chính đáng và có thể thông cảm... Nhưng không phải vì thế mà có những nhận xét và khái quát vội vã, thiếu khách quan, nhất là khi chưa tìm hiểu, chưa nắm được chính xác những thông tin cần thiết.

              2. Sự thật là chương trình và sách giáo khoa văn hệ cải cách giáo dục (CCGD) cấp Trung học cơ sở (THCS) được biên soạn từ 1985; còn sách giáo khoa văn Trung học phổ thông (THPT) bắt đầu cải cách năm 1989. Như vậy nếu lấy mốc 1975 thì lúc biên soạn chương trình và sách giáo khoa văn THCS hệ CCGD chỉ mới có khoảng cách 10 năm và cấp THPT cũng chỉ là 14 năm. Rõ ràng ở thời điểm 1985 và 1989 chưa thể đặt ra vấn đề đưa văn học sau 1975 vào chương trình và sách giáo khoa văn học được. Việc bổ sung và biên soạn lại sách giáo khoa nói chung và sách văn học nói riêng không thể nay nói là mai đưa vào được. Năm 2000 mới xây dựng lại chương trình và sách giáo khoa Ngữ văn TCHS, tức là sau 15 năm mới thay đổi, thế mà nhiều người đã phê phán gay gắt, cho rằng ngành giáo dục “thay đổi chương trình và sách giáo khoa liên tục”, “năm nào cũng biên soạn lại sách giáo khoa mới”...

              3. Thực hiện Nghị quyết 40 của Quốc hội khóa X, sách Ngữ văn mới viết theo chương trình 2000 (cả THCS và THPT) đã có nhiều thay đổi. Một trong những thay đổi đó là mở rộng mốc lịch sử văn học đến những năm cuối thế kỷ 20, đưa các tác phẩm văn học sau 1975 vào chương trình và sách giáo khoa Ngữ văn. Để các nhà văn và bạn đọc có cứ liệu, xin nêu lên các dẫn chứng cụ thể về các tác giả, tác phẩm sau 1975 có mặt trong chương trình và sách giáo khoa Ngữ văn mới (ở đây chưa kể các tác phẩm có ở sách Tiếng Việt tiểu học 2000).

              * Với sách Ngữ văn THCS (từ lớp 6 đến lớp 9), học sinh được học các tác phẩm viết sau 1975 như: Bức tranh của em gái tôi (Tạ Duy Anh); Sài Gòn tôi yêu của Minh Hương; Ánh trăng (Nguyễn Duy); Viếng lăng Bác (Viễn Phương); Một mùa xuân nho nhỏ (Thanh Hải); Chiều sông Thương (Hữu Thỉnh); Nói với con (Y Phương); Bến quê (Nguyễn Minh Châu); Tuổi thơ im lặng (Duy Khán); Tôi và chúng ta (Lưu Quang Vũ).

              * Với sách Ngữ văn THPT (chủ yếu tập trung ở lớp 12), học sinh được học các tác giả và tác phẩm viết sau 1975 như: Một người Hà Nội (Nguyễn Khải); Chiếc thuyền ngoài xa (Nguyễn Minh Châu); Mùa lá rụng trong vườn (Ma Văn Kháng); Đò Lèn (Nguyễn Duy); Phan Thiết có anh tôi (Hữu Thỉnh); Ai đã đặt tên cho dòng sông (Hoàng Phủ Ngọc Tường); Hồn Trương Ba, da hàng thịt (Lưu Quang Vũ).

              4. Nhìn vào danh sách các tác giả và tác phẩm viết sau 1975 được đưa vào sách giáo khoa hai cấp học trên, có thể còn điều này, điều nọ cần trao đổi(2), nhưng không thể nói chương trình và sách giáo khoa văn trong nhà trường phổ thông không chú ý gì đến các tác giả, tác phẩm sau 1975. Không hiểu những người phát biểu trong bài báo nói trên lấy cứ liệu ở đâu mà đưa ra các ý kiến và sự lập luận khá võ đoán, rằng không đưa các tác giả, tác phẩm văn học sau 1975 vào sách giáo khoa văn trong nhà trường là biểu hiện của “vòng luẩn quẩn”, “là sự trì trệ của nền giáo dục”, “là nguyên nhân cơ bản dẫn đến học sinh chán học văn học ” v.v... Nếu theo lập luận như thế thì có nghĩa là cứ đưa vào sách giáo khoa văn các tác giả, tác phẩm sau 1975 là giáo dục sẽ thoát khỏi vòng luẩn quẩn, sẽ không trì trệ nữa và học sinh sẽ thích học văn hơn ư? Chẳng lẽ chỉ đơn giản thế thôi sao?

              5. Do thời gian học trên lớp rất có hạn(3), do phải đáp ứng nhiều yêu cầu về giáo dục, khoa học, sư phạm, thẩm mỹ... chương trình và sách giáo khoa Ngữ văn trong nhà trường không có nhiệm vụ dạy tất cả, giới thiệu đầy đủ tất cả các tác giả, tác phẩm văn học của mọi thời kỳ và có muốn cũng không thực hiện được. Sách giáo khoa Văn học chỉ tập trung phản ánh những thành tựu tiêu biểu của lịch sử văn học quá khứ, những tác phẩm cổ điển tiêu biểu cho các thể loại văn học của dân tộc và một phần của nhân loại. Nhưng mặt khác cũng hết sức chú ý tới những vấn đề đương đại như ngôn ngữ, tâm lý tiếp nhận và thị hiếu thẩm mỹ của HS đầu thế kỷ 21. Với cuộc sống mới, với những điều kiện về kinh tế, xã hội mới, tâm tư, tình cảm, cách sống của HS hiện nay đã rất khác. Do đó cách tiếp nhận thưởng thức văn học của họ cũng rất khác. Đặc điểm ấy đòi hỏi cần có một giải pháp phù hợp: một mặt giảng dạy những tác phẩm tiêu biểu cho các thể loại của lịch sử văn học đã được sàng lọc qua thời gian, mặt khác đưa vào một số tác phẩm đương đại có chất lượng và đáp ứng được những yêu cầu mới của chương trình Ngữ văn đầu thế kỷ. Các tác phẩm sau 1975 đưa vào sách giáo khoa Ngữ văn mới tiêu biểu cho các thể loại truyện ngắn, tiểu thuyết, ký, thơ và kịch. Những tác phẩm này chỉ là những “mẫu đại diện” để tổ chức dạy học Ngữ văn theo cụm thể loại chứ không phải giai đoạn đó chỉ có các tác phẩm ấy. Việc giới thiệu tương đối đầy đủ diện mạo văn học giai đoạn sau 1975 được trình bày trong bài văn học sử: Khái quát về văn học Việt Nam từ cách mạng tháng Tám 1945 đến nay. Thêm vào đó, ngoài những tác giả, tác phẩm đã đưa vào sách giáo khoa, một số tác giả, tác phẩm khác viết sau 1975 sẽ tiếp tục được giới thiệu thêm trong bộ sách Văn bản chọn lọc kèm theo để học sinh tự đọc, giáo viên có tư liệu tham khảo và ra đề kiểm tra đánh giá theo tinh thần mới.

              6. Việc lựa chọn tác giả, tác phẩm văn học đương đại nào vào sách giáo khoa là hết sức phức tạp. Thời gian dành cho nó rất ít, văn học viết sau 1975 lại có số lượng tác giả, tác phẩm rất lớn, đa dạng về chủng loại, phong phú về cách viết, cách thể hiện; có nhiều trăn trở tìm tòi nhằm khai phá một hướng đi mới... Đó là những gì rất đáng trân trọng của văn học Việt Nam sau 1975. Tuy nhiên cũng cần thấy phần lớn các tác phẩm chỉ như là những thể nghiệm bước đầu. Văn học nhà trường cần phải cập nhật được với những thành tựu tiêu biểu của văn học Việt Nam sau 1975, nhưng chỉ có thể lựa chọn những gì tương đối ổn định. Một trong những giải pháp là lựa chọn các tác phẩm có những khám phá mới viết sau 1975 của những tác giả vốn đã thành danh ở giai đoạn trước. Chẳng hạn, với Nguyễn Minh Châu, không học Mảnh trăng cuối rừng (1970) nữa mà thay vào đó là Chiếc thuyền ngoài xa (1987). Với Nguyễn Khải không học Mùa lạc (1960) mà học Một người Hà Nội (1995)... Đây là hướng chọn lọc khá phù hợp với xu hướng biên soạn sách giáo khoa Văn học của một số nước trên thế giới. Sách giáo khoa văn THPT của Pháp in năm 1996(4) đã đưa vào một số tác phẩm đương đại sau đây: Georges Perec (1936-1982) với tác phẩm La vie mode d"emploi (1978); P. Grainville (sinh 1947) với tác phẩm Les Flamboyants (1976); J. Roubaud (sinh 1932) với tác phẩm Quelque chose noir (1986); M. Tournier (sinh 1924) với tác phẩm Le vol du vampire (1981); C. Roy (sinh 1915) với tác phẩm À la lisière du temps (1984); Nathalie Sarraute (sinh 1902) với tác phẩm Enfance (1983); Le Clézio (sinh 1940) với tác phẩm La quarantaine (1995)...

              Có thể thấy, mặc dù đã chú ý đưa vào sách giáo khoa các tác phẩm đương đại, nhưng tác giả của những tác phẩm ấy đều là những nhà văn đã khá nổi tiếng; người trẻ nhất là Le Clézio vào năm 1996 cũng đã 56 tuổi (sinh 1940).

              7. Văn học Việt Nam sau 1975, đặc biệt trong thời kỳ đổi mới (từ 1986 trở đi) đã có một bước chuyển mình khá mạnh mẽ về tư duy nghệ thuật, về bút pháp và ngôn ngữ... Với những nội dung mới mẻ, cách nhìn nhận, cách phản ánh, mô tả hiện thực đa dạng, phong phú, khác lạ, văn học giai đoạn cuối thế kỷ 20 này sẽ mang đến cho học sinh và giáo viên, nhất là những giáo viên giỏi, niềm vui và một không khí dạy học văn chương sôi nổi hơn. Tuy nhiên cũng phải thấy rằng, dạy và học những tác phẩm trong giai đoạn này là thú vị nhưng hoàn toàn không dễ, thậm chí là rất khó. Vì thế chúng tôi cho rằng muốn học sinh học và đọc - hiểu được đúng những tác phẩm cuối thế kỷ 20, cần làm tốt công tác bồi dưỡng giáo viên; các trường Đại học sư phạm cần trang bị tốt cho sinh viên phần giáo trình này. Các nhà văn, nhà lý luận, phê bình, qua báo chí, sách vở cũng nên góp phần giúp học sinh cách đọc loại tác phẩm viết theo kiểu mới này.

              Trong điều kiện của một xã hội phát triển, với sự trợ giúp của các phương tiện truyền thông hiện đại, con đường hình thành vốn tri thức văn hóa cơ bản không còn là đặc quyền của nhà trường phổ thông. Với văn học, một sự thật giản đơn là dù có đưa vào nhà trường hay không, học sinh vẫn đã, đang và sẽ tiếp tục đọc các tác phẩm đương đại này. Vì thế đối với các nhà văn, điều quan trọng nhất vẫn là chất lượng cùa chính những sản phẩm mà họ tạo ra. Nguyễn Huy Thiệp có đưa vào sách giáo khoa hay không hình như không quan trọng với anh và càng không quan trọng với các tác phẩm rất hay do anh tạo ra.

              Sứ mạng thiêng liêng của nhà văn là cứ âm thầm tạo ra những tác phẩm tuyệt vời. Nếu văn học nhà trường không biết đến những tác phẩm tuyệt vời ấy thì chính các nhà soạn sách giáo khoa sẽ tự thấy xấu hổ...

              Và nếu như thế thì có chăng trong lần thay đổi sách giáo khoa này, chúng tôi thấy xấu hổ trước một số tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp.

              Hà Nội, 22/8/2004



              Văn nghệ, số 37 (11/9/2004)

              _______________________

              Chú thích:

              (1) Xem bài Môn văn trong nhà trường phổ thông - Mấy vấn đề cần trao đổi - số 24 - 12/6/1999.

              (2) Chương trình Ngữ văn THPT chỉ mới là chương trình thí điểm, vì thế tất cả các ý kiến đóng góp đều sẽ được nghiên cứu để có thể bổ sung và hoàn chỉnh trước khi ban hành chính thức vào năm 2006.

              (3) Từ lớp 6 đến lớp 12, mỗi lớp trung bình học 4 tiết/tuần bao gồm cả văn, tiếng Việt và làm văn.

              (4) Littérature 2de (Textes et méthode) - HATIER, 1996
              Littérature 1re (Textes et méthode) - HATIER, 1996
              Lettres 2de (Textes - Méthodes - Histoire littéraire) - NATHAN, 1996
              Lettres 1re (Textes - Méthodes - Histoire littéraire) - NATHAN, 1996

              Nguồn: www.eVan.com.vn
              #7
                Tố Tâm 26.06.2005 05:20:48 (permalink)
                Cám ơn TC đã mang lọat bài viết này vào diễn đàn. Đọc xong TT tự hỏi, không biết học sinh Việt Nam ngày nay đến trường học gì. Khoan nói đến chuyện phân tích văn lạc ý nghĩa (Quang Dũng mà còn sống chắc cũng nhồi máu cơ tim chết ngay tại chỗ[sm=crazy.gif]), câu văn cũng không mạch lạc, rõ ràng. TT cũng xin góp vào 1 tấm hình nói lên sự hy hữu, phụ huynh ném "phao thi" vào cho con em trong ngày thi cử. Thiệt là...made in Viet Nam only.
                Ngày sĩ tử lều chõng


                [image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/2070/8ED1A17108604EA791927A30D2172B37.jpg[/image]
                <bài viết được chỉnh sửa lúc 26.06.2005 05:25:35 bởi Tố Tâm >
                Attached Image(s)
                #8
                  HongYen 24.07.2005 09:37:48 (permalink)

                  Tổ trưởng tổ chấm văn của một trường cấp 3 nói nửa đùa nửa thật: “Các thầy cô đừng có bắt lỗi chính tả làm gì, bắt lỗi chính tả thì không còn thời gian để chấm bài nữa, kệ, miễn học sinh viết được tiếng Việt thì thôi, mình đọc hiểu là được rồi, đừng có viết thành tiếng Tây tiếng Tàu là được. Một mắt nhắm, một mắt mở mà chấm, chấm mà mở hai mắt thì tối ngủ gặp ác mộng đó, tụi nó tưởng tượng khiếp quá mà”.



                  Hi TC,

                  Hi TT


                  lại phạm lổi nữa nạt nưã mở.


                  Kiểm tra lại xem viết trúng đuợc bao nhiêu phần trăm.

                  Chào mà nói hi, ba -> 1 lỗi
                  Lại đầu câu phải viết chữ hoa -> 2 lỗi
                  lỗi dấu ngã mà viết dấu hỏi -> 3 lỗi
                  nửa dấu hỏi có nghĩa là một phần hai -> 4 lỗi
                  nạc là phần sớ thịt ít chất béo viết chũ c -> 5 lỗi
                  mỡ là chất beó muà trắng hay ngà dấu hỏi -> 6 lỗi.
                  Chưa trọn ý đã chấm câu -> 7 lỗi
                  Trò HY à, trong câu ngắn vậy mà trỏ trật bảy lỗi.

                  Viết đúng:

                  Khi viết "Hi, TC" phạm lỗi nửa nạc mỡ; nên viết "Chào, TC".

                  Vậy ra tiếng Việt cũng khó nên thầy cô bảo tạm bỏ qua lỗi chánh tả đi...

                  Chúc vui trong trau giồi tiếng Việt.


                  #9
                    Chuyển nhanh đến:

                    Thống kê hiện tại

                    Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
                    Kiểu:
                    2000-2025 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9