NGÔN NGỮ "A CÒNG" PHẨY “Cẩn thận tao tát một phát văng như cái đĩa hát, vỡ tan tác cho mày hết khoác lác rồi đừng có trách tao ác”. “Còn nói nữa à, hôm nay tao “phiu chờ” (Future) mày “đầu lâu” quá nên đi học vội vội vàng vàng, bị “líptông”(Lipton) một phát vẫn chưa hết “chim cú” đây này”...
Thấy Hà ngơ ngác không hiểu, hai cậu bạn cười phá lên “Nhìn cái mặt như bò đội nón kìa, bây giờ ăn nói phải hiện đại như thế mới sành điệu chú em ạ”?!
Sành điệu con hàng hiệu “Chẳng ai bảo hắn học tanh, nhan sắc... dưới mức trung bình, nhà không mặt phố, còn... bố bơm xe”, vậy mà lâu nay T.P. (khoa Cầu đường ĐH GTVT Hà Nội) danh “nổi lềnh bềnh” do khả năng sáng tạo ngôn ngữ không mệt mỏi và không giống ai.
Hễ cứ mở miệng là nói như đọc vè: “Thằng A đẹp trai nhưng hai phai (hi-fi), con B xinh nhưng tính rất... kinh” hay “Bực như con cá mực; nhục như con trùng trục... chán như một con gián”(?!)…
Có những cụm từ nói ra cực kỳ khó hiểu hoặc vô nghĩa đến tức cười, thế mà bạn bè trong lớp ai nghe thấy cũng khoái. Từ đó, không ít bạn trong lớp cũng “ngu như cái… xe lu”, “khổ như… một con hổ” (có lẽ là con hổ trong Nhớ rừng của Thế Lữ chăng?)...
Thậm chí, có những câu ngô nghê đến... nhảm nhí: “chất như Níchki-bất” (Nicky Butt - tên một cầu thủ bóng đá Anh), “xinh như con... tinh tinh” (?!). Đến thế này thì đến các nhà biên soạn từ điển chắc cũng thua luôn!
Khi được hỏi, P. cười hề hề: “Đó gọi là nói kiểu... sành điệu con hàng hiệu, hiểu chưa?!”.
Và... ăn theo thương hiệu Sử dụng từ ngữ 3T (Tây - Tàu - Ta lẫn lộn) hiện nay đang khá phổ biến trong một số người trẻ. Đáng giật mình, các công dân @ phẩy đang “bảo vệ và xây dựng” sự trong sáng của tiếng Việt bằng những đơn vị ngôn ngữ… không thấy có trong từ điển tiếng Việt nào.
Ví dụ như: “Đi đâu mà “đầu lâu” thế?”; “Say rượu rồi lại “livơphun”(Liverpool) ra đấy rồi hả”; “Làm gì mà cãi nhau “căngguru” thế, “Sao số em cứ “đenpiơrô”(Del Piero) mãi thế nhỉ”…
Bạn bè tếu táo nhau dùng từ ngữ lạ một chút như vậy kể cũng vui. Nhưng khổ nỗi cánh sinh viên ngày càng cập nhật kiểu ăn nói lạ lùng này vào mọi hoàn cảnh cuộc sống. Lắm khi dở khóc dở cười vì bị đánh giá là ngớ ngẩn, vô duyên, thậm chí thiếu lễ độ, hỗn láo.
L. (ĐH Bách khoa Hà Nội) kể: “Có lần sau khi dẫn bạn gái đi ăn cùng bố mẹ, tôi hỏi khéo mẫu thân: “Mẹ thấy bạn con có... vệ sinh không? (ý muốn hỏi xinh không). Trông hơi bị “Nétti” (Nestea) đấy mẹ nhỉ?”.
Các cụ cứ tròn cả mắt lên hình như chả hiểu gì cả, rồi phán: “Cả mày lẫn nó ăn nói cứ như... dở người ấy, ai lại con gái con đứa gì mẹ nhờ gọi người phục vụ tính tiền nó buông ngay một câu: “Chị ơi chị tổng vệ sinh xem bàn này hết bao nhiêu tiền để bác gái còn... “củ chi””.
Nghe mà... “buồn như con chuồn chuồn”!
“Đây là dấu hiệu của một số bạn trẻ muốn thể hiện một điều gì đó khác so với cách dùng ngôn ngữ thông thường.
Vì thế đó chỉ là ngôn ngữ của một nhóm người sử dụng trong phạm vi nhỏ hẹp, chỉ phù hợp với môi trường của nhóm ấy.
Nếu phát ra ở những nơi khác thì dễ trở thành... mất văn hóa”.
PGS-TS ngôn ngữ học
TRẦN TRÍ DÕI
(chủ nhiệm khoa Ngôn ngữ học Trường ĐH KHXH & NV Hà Nội)