MỘT CẢM NGHĨ KHI ĐỌC ĐÁ ĐỎ - VŨ ĐÌNH VINH
vuthi 03.12.2009 18:17:45 (permalink)

MỘT CẢM NGHĨ KHI ĐỌC ĐÁ ĐỎ
                                                                    Vũ Đình Vinh
Tôi đã đến vùng mỏ than Quảng Ninh, đi dọc đường 18 qua các mỏ Đông Triều, Mạo Khê, Uông Bí. Đời sống người công nhân mỏ than thực vất vả và lắm rủi ro. Từ sáng sớm tinh mơ chưa thấy mặt trời họ đã rời nhà vào mỏ đến lúc mặt trời tắt nắng họ mới lê bước trở về nhà.
Trong tranh tối tranh sáng “con chó không rõ mặt chủ”, lội bì bõm qua con đường nước đen xì, đến trước lối xuống hầm lò nghe tiếng máy chạy đưa thợ và than lên xuống, nghe tiếng quạt gió thổi vào lò, tôi chưa đủ dũng cảm xuống thăm một lò than. Không biết tự bao giờ có những vỉa than vẫn cháy ngầm. Đứng trên mặt đất, thấy một làn khói xanh mờ, âm u lơ lửng là là mặt đất, là là trên những núi đất. Nhiều chỗ vỉa than non lộ ra khỏi mặt đất. Địa phương cấm kị khai thác than tự do. Thứ than được khai thác trộm được gọi là “than thổ phỉ”. Nhưng thực ra chỉ có than non, than gầy, than béo, chứ làm gì có “than thổ phỉ”. Sở dĩ gọi thế vì người sở hữu than đó dùng cách khai thác chớp nhoáng, không được phép. Đã có những bài mô tả cách khai thác này của mấy nhà báo dũng cảm. Họ đi cùng công an đến chỗ khai thác nhưng hiện trường cũng chỉ là những lỗ sâu hoắm, chống đỡ sơ sài, máy móc chẳng có gì hoặc chẳng đáng là bao để bắt quả tang tại trận những khuôn mặt hốc hác, trùm khăn kín đen nhẻm chỉ lộ đôi mắt trắng dã. Họ là người làm thuê cho đầu nậu, lấy vài đồng trả công rẻ mạt. Họ cũng chẳng bao giờ muốn sở hữu lấy một thùng than thổ phỉ!
Vàng Bồng Miêu đã được khai thác từ xa xưa, góp phần dựng nên sự giàu có của vua nước Chiêm Thành. Sau này vàng Bồng Miêu cũng có mặt trong kho của Chúa Nguyễn. Gần đây có lẽ do chất lượng kém, trữ lượng nhỏ và quy mô khai thác không thích hợp nên được giao cho tỉnh quản lý. Dù gì thì chủ nhân không bao giờ là người đào vàng.
Những người làm công tác địa chất, khoáng sản chắc chắn biết rõ ở đâu có đá quý: sa-phia, ru-bi hay hoàng ngọc. Đến thăm Viện bảo tàng Địa chất mới thấy “rừng là vàng, biển là bạc”. Ngành giáo dục có lúc đã dạy “nước ta giàu đẹp, rừng vàng biển bạc” không sai. Có lẽ người cán bộ địa chất đã từng đặt chân lên vùng đất có đá quý cũng có cơ hội làm chủ vài viên đá quý, luật lệ đã đưa mọi việc trở vào im lặng. Rồi có một ngày không chỉ có cán bộ địa chất mới biết ở đâu có đá quý. Cái xa xôi khắc nghiệt ngăn cản người quản lý đi đến vùng mỏ, nhưng không ngăn được những kẻ khốn cùng, đói rách khi biết vùng có đá, họ đã hy vọng và nhào tới.
Cũng giống như ở bất cứ mỏ khoáng sản, kim loại nào khác, họ cũng chỉ là kẻ làm thuê cho mọi ông chủ. Họ không bao giờ, không thể làm chủ được đá quý. Bởi vì cái họ cần là cơm gạo là những thứ duy trì cho cuộc sống của họ và vợ con họ. Bằng mọi cách họ cố sở hữu được một chút nào đấy cái của quý ấy, nhưng rồi họ cũng không đủ lưu manh để giữ lại được nó.
Nhà văn, nhà báo đến được cửa các hố khai thác đá quý để mô tả, để có tư liệu viết bài khi bên cạnh họ phải có đủ mọi lực lượng mạnh. Nhưng có lẽ họ cũng chỉ đứng ngoài lò, hố khai thác vì nó tạm bợ quá, nó không an toàn và dù họ có vào hang họ cũng chẳng nhìn thấy gì. Cơ hội cho họ nhìn thấy ngọc cũng không phải dễ dàng. Cho nên họ cũng không thể biết trong khi đào để lấy sống bên cạnh cái chết cái rủi ro, người đào ngọc đã nói với nhau điều gì! Đối xử với nhau thế nào, họ có mơ ước không!
Sự thực là nhà văn Vũ Thi đã mô tả rất sống động đời sống của những “con chuột chũi” đào tìm hồng ngọc. Thành công của ông trong truyện ngắn “Viên đá đỏ” không thể có khi ông chỉ đứng ngoài cửa lò, cửa hố khai thác. Ông phải chui vào lò, tụt xuống lò, phải đào, phải căng mắt ra mà nhìn mà hy vọng, phải nằm trong lán của lũ người cùng cực. Nói khác đi ông phải là người đi tìm ngọc, một kẻ làm thuê không thể bao giờ sở hữu ngọc. Lưu manh đã có ở mọi chỗ, đã đón đường hồng ngọc.
Hắn đã mất hết hy vọng, hắn đã thất vọng, hắn không đủ sức để sở hữu ngọc hồng.
Hắn chính là ông!
Tuy không có viên ngọc hồng thô ráp nặng mấy chục cara, nhưng giờ đây ông đã có “Viên đá đỏ” – một truyện ngắn thành công, để ông có thể cùng bạn đọc xem chung dưới ánh nắng mặt trời, để thấy những khốn khó và mơ ước, hy vọng của con người ở một thời đã qua dẫu chưa xa.
                                                                      29/11/2009
 
Xin cảm tạ nhà phê bình Vũ Đình Vinh đã dành thời gian suy ngẫm về tác phẩm Đá đỏ.
Vũ Thi xin cảm tạ
       3/11/2009
 
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9