lại truyện ngắn "Hoang Sa"
Các bạn thân mến!
Lần trước tôi đã gửi truyện này nhưng không thấy xuất hiện trên VNTQ, chắc là do chưa quen nên gửi không được. Tôi xin gửi lại và thành thật xin lỗi các bạn.
Ngọc Châu
Hoàng Sa Ngọc Châu "Cuộc chiến ấy đã quá đủ thời gian để lui vào dĩ vãng. Ngày xưa những người từng dùng mọi thủ đoạn để tiêu diệt nhau, nếu còn sống thì nay họ đã bắt tay, hùn nhau làm những công chuyện đời thường. Những linh hồn chết chắc cũng đã tắm mình vào nuớc Lú sông Mê, quên đi tiền kiếp để đầu thai thành những sinh linh mới, hổng còn nhớ đến chiến tranh.."- Người phụ nữ cắm những cây nhang vào bát hương trên bàn thờ, lại trầm tư suy ngẫm như mỗi khi chị đứng truớc bài vị của người anh trai mất tích. "... Nhưng nhỡ đâu lại có những linh hồn lạc bay sang cõi trời khác, đầu thai ở những miền đất theo tôn giáo khác và những ngày rày họ vẫn đang mải mê nổ bom, bắn giết - giết chính mình và giết mọi người. Anh Nhơn ơi, giờ anh ở đâu? Sống thì sao chẳng có một dòng tin nhắn. Nếu đã chết thì ít nhứt anh cũng hoá bát nhang này đi để em biết có một nơi mà hướng tới nguyện cầu" Người đàn bà đốt lại những nén hương rất hay tắt trên bát nhang của anh trai mình, sụt sùi khấn khứa. Thành bà ngoại rồi mà trước bức hình người anh hai mãi trẻ trung trên bàn thờ, thấy mình vẫn cứ là út Thảo của những năm bảy muơi đã xa vời vợi.. "Anh ơi, sao anh lại sanh ra vào cuối tháng hai, dưới chòm Song Ngư như thế. Định mệnh viết trong sách Trời từ bao giờ để anh có vận số trùng hợp với một người đã sống truớc mình gần hai trăm năm hở anh?.." Chị nhớ lại lời ba mình kể rằng một người bạn của ông, rành khoa chiêm tinh nói thế khi anh hai tội nghiệp của chị mới sinh ra. Ba chị ngày xưa là công chức Sở Bưu điện của nhà nước Đại Pháp, ba làm cho họ mãi tới năm anh em ông Ngô lên nắm quyền cai trị phía nam vĩ tuyến 17, người Pháp bị đuổi khỏi nơi họ đô hộ như tất cả các cuộc đô hộ của người Tàu trước kia - phía bắc là do ông Hồ và phe Cộng sản, phía nam do ông Ngô và người Mẽo. Ba có ông bạn thân người Anh làm cùng sở, ông này chẳng hiểu sao lưu lạc sang tận Sài Gòn lấy vợ Việt, là ông Tây - mắm - tép như ba chị vẫn giỡn đùa. Chính ông ta dùng môn chiêm tinh đoán kiết hung khi anh hai của chị mới lọt lòng, đã lấy làm ngạc nhiên và băn khoăn (mãi về sau ba mới kể lại như vậy) rằng cuộc đời anh ấy rồi sẽ có những vận hạnh rất tương đồng với cụ nội năm đời của ông ta, một người sinh ra trước đó đã gần hai trăm năm! Khi út Thảo mới sinh, anh hai cô năm tuổi tròn thì người Pháp không còn chút quyền lực nào ở Sài Gòn. Sở Bưu điện toàn do người của ông Diệm quản lý nên ông bạn của ba chị cũng đưa vợ con về Pháp, sau rồi về quê hương ở đảo Ai-len gì đấy, nên ba quên luôn những điều ông ta tiên đoán qua môn chiêm tinh truyền đời của gia tộc nhà ông, mặc dù ông đã lưu lại cho ba cô những ghi chép gì đó. - Anh hai không lẩn đuợc quân dịch khi tốt nghiệp đệ nhứt. Khi ấy tóc mình mới chấm vai ..- suy nghĩ của người phụ nữ chợt thành lời lẩm bẩm - ba má mấy phen lo lót nhưng tổng Thiệu đang hối vét lính riết róng, kiểu chạy chọt cỡ ông bà già ăn nhằm chi. Có lẽ là nghiệp chướng phải trả nợ cho ai đó của đời trước, kiếp trước hay sao mà rồi ảnh phải vô lính, mỗi khi về nhà lại kêu sầu thấy mồ vì mọi cung cách "lính tảy" - từ của ba chị hay nói - hoàn toàn xa lạ với thói quen và tính cách từ lúc ảnh đuợc sanh ra. Má thường rày ba vì chuyện đã không cố tìm cách chi để ảnh khỏi phải vô lính. "Thằng Nhơn nó như con ốc sên hổng có vẩy che ở mồm, để nó vào ở chung với tụi lính tráng khác nào bống bỏ giỏ cua" - bả cằn nhằn ba chị tối ngày. "Có hay không vẩy cũng hổng sao - anh hai biểu vậy - chẳng chống đối hay cà khịa với thằng nào, cứ rập theo chúng nó là xong, chừng nào chịu hết nổi hay phải ra trận sẽ kiếm cách sau". Kể ra má cũng trách ba hơi quá, không có ổng anh hai đâu được chân canh giữ công sở ngay ở Sài Gòn, thi thoảng còn được tạt qua nhà ăn món bánh rán. Bánh rán là do út Thảo bày ra. Cô thương anh, biết anh hai mình thích của ngọt nên rất hay làm bánh, anh Nhơn thường trêu em vì nhiều lúc ngó cô lem luốc, bột đường đầy mặt thật tức cười. Mỗi lần về nhà má thường biểu anh mang bánh lên biếu anh em và ông chỉ huy "Có vậy lần sau họ mới khứng cho mày về thăm má, cưng à"- Má dè ảnh ngại mang xách nên bao giờ cũng dặn với theo câu ấy. - Em hổng muốn cho họ ăn đâu, cứ giấu đi mà ăn dần à !- Nhớ là ngày ấy út Thảo thường chạy theo ghé tai anh hai nói vậy. Anh Nhơn ở lính được hai năm thì có chuyện xảy ra. Nhiều chuyện, chuyện nào cũng làm cả nhà lo lắng. Ba má trông sọm hẳn đi. Đó là lúc hiệp ước Pa-ri vừa kí kết. Người rầu, kẻ vui. Thất vọng cũng lớn vì nhiều kiểu làm ăn dựa vào Mẽo tự dưng biến mất theo chân họ. Anh hai bảo số sĩ quan có học khoan khoái vì không còn Mẽo nhưng cũng có một số tay chỉ huy trở nên hung hăng, bặng nhặng hẳn lên. Anh ấy có vẻ ghét ông chỉ huy đại đội cảnh vệ, lão này lúc nào cũng ra vẻ oai vệ, vênh váo, lại hám gái nữa- anh hai bảo thế. Út lo vì anh Nhơn bị họ đe chuyển ra quân đoàn hai để chỗ cho đám lính mới, con của mấy ông Nghị, ông Chánh nào đấy. Một tối cô thiếu nữ tóc đuôi gà nài anh hai mình cho đi dự buổi khiêu vũ tại Tổng Nha mà đại đội của anh cô canh giữ. Sau này chắc anh phải ân hận mãi về việc đã cho cô đi theo hôm đó. Nhưng cô mới là người ân hận nhiều nhất vì đã nài nỉ mãi. Chính từ buổi ấy cuộc đời của anh cô bắt đầu bị cuốn vào vòng xoáy tiền định mà ông già nguời Ai-len tiên đoán, đúng hơn là từ hôm đó ba cô mới nghĩ tới những gì ông Tây - mắm - tép đã nói ngày xưa. Trong niềm hân hoan đến choáng váng của cô thiếu nữ lần đầu theo anh đi vũ hội, cô như mê đi vì ánh đèn mầu xoay tròn tắt loé, chân run muốn sụm giữa các quý ông quý bà lộng lẫy, giữa những lời khen nịnh của các sĩ quan hào hoa. Cô không để ý thấy ông đại uý bảo anh hai cô ra cổng chờ đón ông Sếp nào đó sẽ đến trên chiếc xe đen, không từ chối nổi những ly juice hoặc liquor mà một sĩ quan lịch sự vừa mời vừa nài ép. Dẫu chỉ nhấm môi hoặc nuốt một vài ngụm nhưng cũng làm cô hân hoan rạo rực đến mức quên cả nỗi e ngại ban đầu. Cô bé vui vẻ đi theo mấy người dẫn vào thăm chỗ ăn ở của anh hai cô, không hề có chút nghi ngờ. Mãi đến khi chợt thấy chỉ còn mình cô và ông đại uý ở trong phòng, mấy nguời khác đã rút đi đâu hết cô mới hoảng hốt chạy theo tìm họ. Nhưng cái bẫy đã sập. Lão đại uý hiện nguyên hình là con dê già nhiều kinh nghiệm. Ôm gọn con mồi như một mannequin nhỏ nhắn, lão thoăn thoắt lột những đồ dạ hội mỏng manh trong khi đè chặt cô thiếu nữ xuống chiếc giuờng nhà binh. Út Thảo kêu được vài tiếng nhưng hắn đã nhét chiếc nịt vú vừa giật bung ra vào mồm cô để tiếng kêu nghẹn lại trong cổ họng. Bao năm sau dù cố quên đi nhưng cảm giác kinh hoàng của giây phút đó cứ bám chặt lấy thân thể. Bàn tay thành thạo của hắn xoa bóp trên hai núm vú làm cô kinh hãi nhưng chúng cứ tự dưng vểnh lên. Cô bé đâu biết mình đã uống phải thuốc kích dục do tên sĩ quan đàn em của hắn bố trí... Sau đó là cuộc xung đột giữa anh hai và con quỷ dâm dê. Rồi anh Nhơn cô bị chuyển ra quân đoàn hai, đánh nhau với Cộng quân ít bữa, lại bị chuyển xuống tàu phục vụ việc chuyên chở gì đó cho hải đảo. Đấy là về sau một người từng ở quân đoàn hai có kể lại với cô khi vừa ở trại cải tạo trở về, còn anh hai cô biệt tăm biệt tích. Duyên cớ chi mà từ ngày ấy anh Nhơn không gửi một lá thư nào về nhà?.. * * * Con người thì nhỏ nhoi, biển cả lại vô cùng tận. Đến một tuổi nào đó người ta bắt buộc phải hiểu rằng cuộc đời, dù là của một vĩ nhân, cũng bị muối trong nhiều nỗi đau, trong mất mát, cũng không hoàn toàn đuợc làm mọi chuyện theo ý nguyện. Nói gì một người bình thường quá đỗi, sinh ra dưới chòm sao Song Ngư như anh ta. Một con người đa cảm nhưng nhiều lúc quyết đoán, tuy nhiên cũng dễ bị những phụ nữ khôn khéo dắt dẫn như mọi người đàn ông tuổi Song Ngư theo môn chiêm tinh phân định. Ngày hôm đó, may là còn nghe thấy tiếng thét khi đi lòng vòng ra bờ tường phía tây, lúc bồn chồn chờ mãi chiếc xe đen của sếp sòng ngoài cổng. Tuy không nghĩ đó là tiếng của em gái mình, nhưng mối linh cảm ruột rà khiến anh ta tự dưng leo lên bờ tuờng, phắt qua hàng cọc sắt nhọn chạy vào khu nhà cảnh vệ. Giả dụ có mang thứ súng gì bên người thì viên trung sĩ đã trút hết cơ số đạn vào lão đại uý vừa lột truồng em gái mình, đang đè chặt nó xuống giường, ráng sức banh rộng thêm hai chân con bé để cố đi vào bên trong nó. Tuy trong cơn hoảng hốt và cuồng nộ điên người nhưng hình ảnh ấy lưu lại trong người anh trai mãi về sau, có lẽ vì nó giống hệt cảnh con gà trống bự nhảy lên lưng, cố cưỡng hiếp con gà mái ranh mới nhú mào của đàn gà bên sân hàng xóm, hồi cả hai anh em đều còn bé. May thay, công phu vốn là môn anh ta ham tập từ nhỏ (ba có rành, còn má thì giấu biệt) nên bằng một thế võ Nam Hàn bọn Pắc-chung-hi hay dùng, thằng dê già đã lĩnh cú bay đập mặt vào tuờng. Hắn nằm nghoẹo cổ duới đất, ngáp ngáp như con cá tra bị giây câu giật văng lên bờ. Không nói một lời, anh ta khoác cho em gái chiếc áo choàng lính rồi dẫn con bé lập cập ra cổng, vẫy taxi đưa nó về nhà. Con bé khóc ròng, ba anh ta ngồi lặng, bà má thì cuống queo như gà mẹ gặp ó diều. Hôm sau vừa quay về trại trung sĩ Huỳnh Quang Nhơn lập tức bị chuyển ra Quân đoàn hai. Chỉ có hai mươi giờ đuợc phép về chia tay cùng gia đình. - Ba chợt nhớ đến tiên đoán của Allan hồi mày mới sanh.. - đó là lời ông viên chức bưu điện về hưu nói với con trai trong ngày cuối cùng nó còn ở bên ông - ổng nói năm hai mươi mốt tuổi mày sẽ có.. xung đột với chỉ huy, ông ấy dùng từ quyết đấu vì cụ nội năm đời của ổng đã đấu kiếm với chỉ huy cũng vì một người phụ nữ. Sau đấy... sau đấy bị chuyển đi dẹp loạn của nông dân nổi dậy. Ông cụ của Allan còn bị chuyển xuống tàu, rồi lưu lạc ra tận hòn đảo gì, nghe nói cũng ở gần Việt Nam mình.. Nhơn không gặng hỏi ba mình về những gì mà cụ nội năm đời của ông Tây-mắm-tép còn phải trải qua sau đó, có lẽ chẳng có gì vui vẻ vì mặt ông già buồn xuôi xị. Một phần vì anh không mấy tin các thứ chiêm tinh với tử vi đẩu số, mặt khác đã rành tính ba, cần nói thì ông sẽ nói, không thì có hỏi thế nào ba anh cũng có cách chuội. Út Thảo nói một cách buồn rầu nhỏ nhẹ, lúc cô chia tay anh hai "dầu sao mặc lòng, phải cố tìm cách quay về anh nhá. Đêm qua ba lần tìm tờ giấy mà ông bạn của ba để lại, em nghe lỏm ổng khấn khứa rất lâu bên bàn thờ, cầu cho anh không gặp mọi chuyện bi thảm như người xưa. Nhưng em không tin, không tin đâu. Anh sẽ hổng gặp chuyện gì cả nữa đâu. Đừng tin anh ạ!"- Con bé chợt như muốn thét lên. Thần kinh của nó vẫn chưa đuợc bình thuờng sau cú sốc vừa rồi. Đã có bao nhiêu bức thư, bao nhiêu tin nhắn của con người gửi qua dòng nuớc. Những bông hoa tử la nào, gấp bằng mẩu lụa vụn của người cung nữ thả xuống hào nuớc bao quanh Tử Cấm thành, ra đuợc tới biển cả để tới tay chàng ngư phủ - người tình tuổi hoa phải cách xa mãi mãi? Khi số mệnh cầm tù một con người đã vô tình trở thành chứng nhân, người ta đành im lìm chịu đựng như chiếc ve chai nhỏ nhoi bị chôn theo xác một chiến binh, hoặc đuợc quẳng xuống biển nổi trôi cho đến ngày có bàn tay vớt rác ở một cõi trời xa nào đó tình cờ chạm tới. Giá biết có việc đó thì người đàn bà mang tên Út Thảo đã sẵn sàng ra bờ biển làm nghề đãi hến, mò ngao để một ngày nào đó có thể nhặt được một chiếc ve chai như vậy, bởi vì anh hai của chị đã gửi khá nhiều thư qua "bưu điện đại dương". Ban đầu những lá thư đều dài với chữ nhỏ li ti nhét trong chai nhựa hoặc thuỷ tinh gắn kín. Sau chúng ngắn dần đi, rồi trở thành tin cực ngắn trong những chiếc ve con, chỉ mang địa chỉ người gửi và địa chỉ người nhận với lời cầu mong ai đó sẽ chuyển tiếp nó hộ mình. Có lẽ anh ta không tìm đuợc giấy, chai hoặc do lý do bất khả kháng nào đó, nhưng việc đó sẽ cứ tiếp diễn mãi tới chừng nào chàng trung sĩ ngày ấy chưa gặp kết cục bi thảm cuối cùng như cụ Claude - ông tổ năm đời của ông Tây-mắm-tép. "Ba má, út Thảo..- nếu ai đó tình cờ vớt chiếc ve nhựa đầu tiên sẽ đuợc đọc những dòng như vậy - Con muốn không tin những gì mà ông Allan tiên đoán. Nhưng sau ngày chia tay ba má và út con chỉ được ở trên bờ hai tháng, bắn nhau hú hoạ với Cộng quân vài lần để giành giữ đất, có lần bắn đến hết đạn mà chẳng biết địch thủ ở đâu. Sau đó bị chuyển xuống tàu, chở quân và đồ hậu cần tiếp tế qua lại cho cụm đảo Hoàng Sa. Những chuyện đó đúng là giống như cụ Claude đã trải nên con hổng muốn viết thư về, mặc dù có nhận được một lá thư của út Thảo, nhờ anh bạn nào đó chuyển hộ, không hiểu bằng cách chi lại đến đuợc tay con trong một lần cập cảng SơnTtrà nhận hàng. Có lẽ ông trời thương nên con còn có đuợc chút bút tích của em, trên bì thư út chỉ biết ghi vẻn vẹn "Anh hai Huỳnh Quang Nhơn- trung sĩ- Quân đoàn hai". Lẽ vì con hổng muốn tin điều ông Allan nói nên quyết đợi có điều gì đó khác đi rồi mới viết thư về. Ba má ơi! Nhưng đến lúc này có muốn viết thư về cũng chẳng đuợc nữa rồi. Con đang bị chia xa ba má và em Thảo hàng ngàn dặm biển, chính trên hòn đảo có dấu tích của cụ Claude mà con mới tình cờ phát hiện ra..." Bức thư đầu tiên này rất dài, gửi gắm bao nhiêu hy vọng của một người đang tuyệt vọng chợt nghĩ đến cách gì đó để thông báo tin tức của mình, dẫu rằng khả năng thành công còn ít ỏi hơn một hạt cát so với Hằng Hà sa số. Viên trung sĩ kể chuyện tàu gặp bão, bị lật và chìm khi tìm cách tránh gió quanh mấy hòn đảo thuộc vĩ độ 16, kinh độ 112. Số phận của đồng ngũ không rõ ra sao, còn anh ta đuợc một tàu đánh cá của hai anh em người Hoa gốc Việt vớt lên. Họ phải trú trên một hòn đảo hoang khá lâu để chờ mua và thay thế chiếc chân vịt gãy. Mối tình thật đẹp đã nẩy nở ngay trên hòn đảo khô cằn, ngập hai phần ba dưới nuớc mỗi khi triều lên. Khi biết viên trung sĩ có quen người trên đảo Hoàng Sa, chủ tàu quyết định đưa anh ta lại đảo mặc dù cô gái nói muốn anh bỏ ngũ, cùng hành nghề khai thác hải sản với anh em cô. Đảo Hoàng Sa thuộc nhóm phía tây của khu quần đảo - xếp theo hình trăng lưỡi liềm - bản đồ hàng hải phương tây gọi là Croissant, ngày đó thuộc quận Hoà Vang, tỉnh Quảng Nam. Trung sĩ Huỳnh Quang Nhơn đã tiếp viện quân lương cho đảo vài lần nên được đội đồn trú đưa lên đảo, cũng cho phép anh em người chủ tàu lên bờ trú ẩn vì con tàu của họ hay bị hỏng máy, cần phải sửa chữa ít ngày. ".. Anh đọc tài liệu của đội đồn trú biết rằng khu quần đảo này mấy trăm năm nay vẫn mang tên Bãi Cát vàng hoặc Đại Hoàng sa, nhiều sản vật hay và lạ lắm út ạ, giá mà anh mang đuợc về cho em... Cây cỏ và sản vật ở đây đuợc cụ Lê Quý Đôn miêu tả khá rõ trong cuốn "Phủ Biên tạp lục" từ năm 1776 nhưng truớc nay anh em mình đều không biết tới. Riêng cây cối đa phần là do các vua triều Nguyễn ra lệnh đem ra trồng để giữ đất và dễ nhận dạng, dễ phân biệt cho tàu bè qua lại khỏi va vào đá ngầm.." Út Thảo ạ, đầu tiên anh nghĩ số trời định cho anh và cô gái đã cứu anh trở thành chồng vợ, chia xẻ số phận nghiệt ngã với nhau như cụ Claude ngày xưa đã lấy một người con gái cùng trôi dạt vào hòn đảo này. Cô ấy luôn quan tâm săn sóc và rất dịu dàng với anh. Chính cô ấy đã buộc chặt anh vào cong giang con tàu cá nhỏ để khỏi văng lại xuống bể, lúc vớt anh lên tàu với chiếc bụng đầy nuớc. Hồi đó anh thật mừng vì đã chọn đuợc cho út một chị dâu xinh đẹp và tốt bụng, cầu mong có ngày nào được đưa cô ta về thăm em và ba má. Anh nghĩ rằng cả nhà mình sẽ chấp nhận và cưng chìu, vì chị dâu em ngoan lắm... " Ông Tây-mắm-tép chỉ nói rằng cụ Claude lấy một người vợ Việt trên đảo, sau hai vợ chồng quyết tâm đưa con trai vượt biển trở về đất liền. Ông cụ đã chết mất xác trong chuyến vượt biển, may là người vợ và đứa bé đuợc một tàu Anh cứu, đưa về tận Ai-len nên mới còn lại hậu duệ. Những chuyện khác xảy ra trên đảo với ông cụ không thấy nhắc tới. Vậy nên có những điều không hề chờ đợi đã xảy ra với anh trung sĩ vẫn đang là lính lạc ngũ trên hòn đảo này. Tàu chiến Trung Cộng đã tấn công bất ngờ và chiếm giữ khu quần đảo vào đầu năm 1974, sau khi cho nhiều tàu thuyền giả làm ngư dân quan sát, thám thính tình hình đồn trú trên các đảo. Ban đầu viên trung sĩ lạc ngũ định mặc kệ, anh ta chẳng yêu quí gì hòn đảo vì nó là một vật cấu thành trong những rủi ro tiền định của mình. Mọi người hoang mang vì ban đầu nghĩ là Việt Cộng, nhưng khi thấy quân tấn công là người Tàu, đồng đội của anh đã chống trả dữ dội. Chỉ huy đảo hô lớn "không cho Trung Cộng chiếm đảo. Vì một ngàn năm đô hộ hãy đánh đến cùng anh em ơi!" Không phải quân số chính thức nhưng dòng máu hào hùng của dân tộc Việt đã khiến trung sĩ Huỳnh Quang Nhơn tham gia vào cuộc chiến, mặc dù cô vợ anh cố kéo chồng chạy đi trú ẩn. ".. Út ạ, không biết sức khoẻ của ba má mấy năm rày ra sao, cả em nữa - nội dung trong bức "thư chai" này người anh của út Thảo đã mấy lần gửi vào biển cả- anh thì thực không muốn sống nữa vì bị người ta phản bội. Không bao giờ anh có thể nghĩ đuợc rằng người mà anh coi là vợ, là chị dâu của em đã lừa gạt anh. Cô ta là gián điệp của Trung Cộng, việc hai anh em cô ta vớt anh và tìm cách vào đảo hoàn toàn là chuyện ngụy trang để thám thính và nội ứng cho hải quân Trung Cộng tấn công lên đảo. Đau xót lắm út ơi khi nhìn bao nhiêu đồng đội của anh đã chết trong khi bảo vệ hòn đảo này, hòn đảo mà ban đầu thậm chí anh còn căm ghét. Cả những con tàu mang tên Phạm Ngũ Lão, Lý Thường Kiệt... đến ứng cứu cũng đã chìm duới biển sâu vì lực lượng địch quân đông hơn gấp bội. Anh bây giờ là tù binh củaTtrung Cộng. Đáng lẽ anh cũng chịu số phận như những người bảo vệ đảo khác nếu người từng là vợ anh không cầu xin họ. Nhưng không bao giờ anh hàm ơn đâu. Tất cả những gì cô ta làm với anh đều là giả dối. Tất cả những yêu thương, đằm thắm, săn sóc, bảo vệ của cô ta đối với anh đều là nhiệm vụ đuợc giao, đều nhằm mục đích chiếm đảo, chiếm biển của người Việt mình. Nói thế là em hiểu. Như vậy xem ra mệnh số của anh còn khổ hơn cụ Claude, chí ít thì ông cụ cũng không bị vợ mình phản bội, cũng còn lưu lại đuợc hậu duệ cho đời sau. Bây giờ ngay chuyện viết thư của anh cũn rất khó khăn vì người ta luôn theo dõi... Nhưng mỗi khi có dịp anh lại cố gửi những tín vật này xuống đại duơng dù biết rằng việc anh làm là hoàn toàn vô vọng.." Anh hai của út Thảo nghĩ rằng chỉ mình anh ta đau khổ trên hòn đảo ấy. Nhưng trái tim nguời con gái Hoa kia cũng thường rỏ máu vì chàng trai Việt cô ta đã thực lòng yêu. Nếu tuân theo lí trí và mệnh lệnh thì cô đã để mặc cho nguời ta thủ tiêu anh lính Việt Nam Cộng Hoà, và cô có thể trở về lục địa quê huơng. Tại sao cô cố cưỡng lại toan tính của những viên chỉ huy Mao-ít, dám liều lấy tính mệnh mình ra bảo lãnh cho anh ta, chấp nhận làm người bị cấm cố, sống biệt lập cùng với anh ta trong một góc của hòn đảo nhỏ suốt nửa cuộc đời? Tháng năm cứ thế qua đi. Thân xác họ rồi lại gần nhau vì nếu không như thế người con gái hổng thể nào giữ đuợc thân mình giữa một hòn đảo chỉ toàn lính tráng. Nhưng với chàng trai, nỗi hận vẫn không thể nào mất hẳn, cứ nhói lên mỗi lần anh nhìn thấy quân chiếm đóng chào cờ của chúng. Sống trên đảo như người lính Nhật Hoàng bại trận, trốn lủi hàng nửa thế kỉ trong rừng nhiệt đới. Anh ta không đuợc biết một tin tức gì về tình hình thế giới, về bán đảo hình chữ S với những người thân thương ruột thịt của mình, chỉ với một chút hy vọng mong manh rằng một ngày nào đấy tổng Thiệu, hoặc một người hùng nào kế nhiệm ông ta sẽ đem quân ra quyết đấu, giải phóng hòn đảo của tổ tiên để lại. Cho tới một ngày chính người con gái cũng hết muốn kéo dài cuộc sống theo cách ấy. Chị rủ chồng tìm cách vượt biển để đón một cái chết nhanh chóng hơn. Người chồng đồng ý ngay vì đó là kết cục cuối cùng của con người cùng vận hạnh sống trước anh ta gần hai thế kỉ. Xuống bè vượt biển trong tâm trạng như vậy, ai mà có đuợc lòng quyết tâm với những cố gắng cần thiết. Hai người mặc cho gió mùa đông bắc đẩy xuôi hàng tuần lễ. Khi cơn bão cuối mùa chụp lấy, họ nói lời vĩnh biệt với nhau rồi sẵn sàng chấp nhận kết cục bi thảm của mình. Tuy vậy hình như lịch sử ít khi lặp lại hoàn toàn. Đã có hai con người cùng sinh, cùng chết vào một ngày giờ mà số phận vẫn chẳng hoàn toàn giống nhau. Một người là tuớng Pháp Napoleon nổi danh thế giới, người kia thì chỉ là một đầu bếp nổi tiếng nuớc Pháp mà thôi. Vậy nên môn chiêm tinh của ông Tây-mắm-tép vẫn không hoàn toàn đúng. Khi chiếc bè đuợc quân Việt Cộng đồn trú trên đảo Song Tử tây, thuộc quần đảo Truờng Sa kéo vào bờ, thì người đàn ông ngày xưa là trung sĩ Huỳnh Quang Nhơn tuy ngắc ngoải, đầy mình thương tích nhưng vẫn được cứu sống kịp thời. Người đàn bà Hoa một lần nữa cột chặt người chồng thương yêu đang mê man vào bè gỗ bằng chính những áo quần cởi ra của chị, truớc khi bị ngọn sóng cuốn vào đại duơng vô định. * * * Việc đổi thay bọn cai ngục của mình, từ Trung Cộng sang Việt Cộng đã diễn ra sau hơn ba mươi năm - đó là ý nghĩ của người đuợc cứu sống. Anh ta đã hồi tỉnh nhưng không nói gì, chỉ im lặng, bí mật quan sát và lắng nghe. Biết rằng chỉ mình anh ta dạt vào đây. Những người nói tiếng Việt, mặc thứ quân phục lạ mắt kia đúng là Việt Cộng rồi. Tại sao vợ mình thì chết mà mình lại sống? Khác với tiên đoán của ông Tây-mắm-tép! Nghe họ trao đổi chắc rằng đây cũng chỉ là hải đảo. Đảo nào mà thuộc quyền kiểm soát của Cộng Quân? Tình hình trên đất liền bây giờ ra sao? Chắc là tổng Thiệu chẳng còn giữ ghế. Vậy bây giờ là ai? Ba má và út Thảo sao rồi? Bao nhiêu câu hỏi người trung sĩ Việt Nam Cộng Hoà ngày xưa đặt ra mà không hy vọng đuợc ai trả lời. Suốt từ buổi "quyết đấu" với thằng đại uý chó chết ấy đến nay anh ta đã quen chấp nhận rủi ro, luôn sẵn sàng đón nhận một kết cục cuối cùng bi thảm như cụ Claude, dù ban đầu anh ta chẳng mấy tin vào chiêm tinh với tử vi đẩu số. Có lẽ chỉ có út Thảo của anh, giờ đây là giáo sư tại một truờng đại học ở thành phố từng mang tên là Sài Gòn, khi gặp lại anh hai của mình mới có thể làm cho anh ta hiểu rằng lịch sử đã đích thực sang trang, chẳng còn ai nhớ đến chuyện Việt Cộng hay Quốc Gia. Chỉ là một dòng máu Việt dù những người ấy sống ở nơi đâu. Máu các anh đổ ra ở Hoàng Sa ngày nào cũng không phải là uổng phí, rồi sẽ có ngày đuợc tính sổ. Có điều cách tính sổ ngày nay đã khác xa vời vợi với những gì xảy ra vào ngày ấy... Ngọc Châu Họ tên: Nguyễn Ngọc Châu Địa chỉ liên hệ: 312 Lê Thánh Tông, phường Máy Chai, quận Ngô Quyền, Hải Phòng. Điện thoại: 031-3825226 Email: Ngocchaunvhp@gmail.com
Đã mang vào thư viện
Chúc Ngọc Châu một mùa Giáng Sinh thật an lành
và năm mới 2010 nhiều sự may mắn và như ý
Thân ái
Thống kê hiện tại
Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
Kiểu: