Thơ Phạm Hữu Quang
grandet 08.12.2009 09:29:06 (permalink)
Giang hồ


 
Tàu đi qua phố , tàu qua phố
Phố lạ mà quen ta giang hồ
Chẳng lẽ suốt ngày bên bếp vợ
Chẻ củi , trèo thang với … giặt đồ

 
Giang hồ đâu bận lo tiền túi
Ngày đi ta chỉ có tay không
Vợ con chẳng kịp chào xin lỗi
Mây trắng trời xa trắng cả lòng

 
Giang hồ ta ghé nhờ cơm bạn
Đũa lệch mâm suông cũng gọi tình
Gối trang sách cũ nằm nghĩ bụng
Cười xưa Dương Lễ với Lưu Bình

 
Giang Hồ có bữa ta ngồi quán
Quán vắng mà ta chửa chịu về
Cô chủ giả đò nghiêng ghế trống
Đếm thấy thừa ra một gốc si

 
Giang hồ mấy bận say như chết
Rượu sáng chưa thưa đã rượu chiều
Chí cốt cầm ra chai rượu cốt
Ừ . Thôi . Trời đất cứ liêu xiêu

 
Giang hồ ta chẳng hay áo rách
Sá gì chải lược với soi gương
Sáng nay mới hiểu mình tóc bạc
Chợt tiếng trẻ thưa ở bên đường

 
Giang hồ ba bữa buồn một bữa
Thấy núi thành sông biển hoá rừng
Chân sẵn dép giày trời sẵn gió
Ngựa về . Ta đứng . Bụi mù tung …

 
Giang hồ tay nải cầm chưa chắc
Hình như ta mới khóc hôm qua
Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt
Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà



....................Phạm Hữu Quang râu quai nón như Lỗ Trí Thâm, tướng tá kềnh càng như con gấu nhưng có ánh mắt và nụ cười thật dễ thương. Phạm Hữu Quang ăn ý với tôi ở chất Lục Vân Tiên, tại Long Xuyên hễ gặp chuyện bất bình là anh sẵn sàng ra tay can thiệp nên thường "xa huy chương mà gần tù tội". Anh lập gia đình có một vợ hai con, hồi học đại học Sư Phạm trên Sài Gòn cùng lớp với Nguyễn Nhật Ánh.

Thơ Phạm Hữu Quang phải nói là độc đáo và có cá tính. Đọc những bài thơ phiêu bạt, khinh mạn của anh làm tôi liên tưởng đến thi sĩ Hà Thúc Sinh thời vàng son trước 1975.

Hai anh em có một đêm nằm tâm sự với nhau và anh dúi vào tay tôi bài thơ mới làm từ chuyến viễn du miền Trung chống stress. Bài thơ được tôi đưa cho Tổng Biên Tập báo Văn Nghệ TP là anh Chim Trắng đăng ngay lúc phái đoàn Tây Du Ký trở về. Bài thơ nổi tiếng đến mức hai câu cuối cùng tới bây giờ vẫn còn lưu truyền trên mạng internet:

Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt
Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà

Khi tôi viết những dòng chữ này thì họ Phạm đã vĩnh biệt cõi đời sau một cơn bạo bệnh. Những dòng chữ xem như nén nhang thương tiếc một con người tài hoa sinh bất phùng thời...........

(Giai thoại của thi sĩ -Hồi ký của Bùi Chí Vinh )
 
 
 Nguồn :VietStudies.Trần Hữu Dũng

#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9