Ma Quỷ Trong Thế Giới Ngày Nay
Leo* 09.12.2009 23:22:51 (permalink)
MA QUỈ TRONG THẾ GIỚI NGÀY NAY
Nguyên tác: PRÉSENCE DE SATAN DANS LE MONDE MODERNE
 
Một cuốn sách nói chuyện ma quỷ! Nhưng, Có ma, có quỷ thật không? Quỷ ám, quỷ nhập như thế nào? Những chuyện bùa ngải, thư ếm là thực hay hư? Tại sao Thiên Chúa để cho ma quỷ quấy nhiễu, hành hạ con người? Tất cả những thắc mắc trên đây đều được giải đáp, không phải bằng lý lẽ, nhưng bằng những câu truyện ly kì, kinh dị và khủng khiếp mà Đức Cha Cristiani sẽ thuật lại trong tác phẩm này.
Đây là một cuốn sách đã được tiếp đón nồng nhiệt sau những tháng ngày đằng đẵng trông mong. Một cuốn sách gây ấn tượng mạnh, hấp dẫn lạ thường, đồng thời sinh nhiều lợi ích cho bất cứ độc giả nào đã một lần đọc qua.
 
DẪN NHẬP
 
LỜI CHÚA TRONG TIN MỪNG
 
Khi nói một quả quyết nào đó là "Lời Chúa trong Tin Mừng", chúng ta xác nhận rằng quả quyết ấy là chân lý vững chắc không cần phải bàn cãi nữa. Đối với Kitô hữu, Đức Kitô là một quyền bính tối thượng, quyền bính mà ta phải cúi đầu tuân phục, phải hết lòng tin cậy và yêu mến. Ngay cả đối với những người không tin Chúa, Đức Kitô cũng là một trong số những nhân vật phi phàm nhất của lịch sử. Ngài là biểu tượng của ngay thẳng và chân thật. Ngài là người đã nói: "Lời nói của các con phải: có thì nói có, không thì nói không". Tất cả những gì không theo nguyên tắc đó đều thiếu đúng đắn!
Vậy chúng ta hãy tự hỏi Đức Kitô nghĩ gì và nói gì về Satan. Về điểm này cũng như về mọi điểm khác liên quan đến đời sống tôn giáo của con người, sách Tin Mừng đều nói rất chuẩn mực và dứt khoát.Nếu những người mất đức tin không chấp nhận tính chuẩn mực và dứt khoát của Tin Mừng, thì chắc chắn, nếu không nại đến Tin Mừng, họ sẽ không hiểu gì về não trạng tôn giáo của những thế kỷ trước đây ở Pháp.Những ai đã hoặc đang tin rằng mình đã tiếp xúc với ma quỷ, những ai đã bị chúng tấn công như cha sở họ Ars, những ai bị mọi người coi là "bị quỷ nhập" và được người ta trừ quỷ cho, tất cả những người đó đều đã hết lời giải thích những tình trạng mà họ cảm thấy, đã được nói đến trong sách Tin Mừng và trong Truyền Thống phát xuất từ Tin Mừng.
Hãy mở sách Tin Mừng ra xem Tin Mừng có nói về Satan không? Có những câu chuyện về những người bị quỷ nhập, về việc trừ quỷ không? Chính Chúa Giêsu có tin ma quỷ không? Và Ngài nói gì về ma quỷ?
CHÚA GIÊSU CHỊU CÁM DỖ Điểm đầu tiên khiến chúng ta phải lưu ý là việc Chúa Giêsu chịu cám dỗ trong sa mạc. Có ba cuốn Tin Mừng nói về cơn cám dỗ này, cho ta thấy Chúa Giêsu và Satan đối đầu với nhau. Nhưng nên ghi nhớ điều này: không có ai chứng kiến cuộc chạm trán để đời này cả. Nếu không được đích thân Chúa Giêsu kể lại, thì ba tác giả Tin Mừng nhất lãm không thể biết gì về chuyện này. Ngài cũng phải vất vả khi nói cho các môn đệ hiểu được những gì đã xảy ra giữa Ngài và ma quỷ. Ngài muốn ta biết rằng Ngài đã thấy quỷ, có thể nói được là "thấy tận mắt": lúc đó, Satan đã đề nghị với Ngài nhiều việc, muốn Ngài sống dưới ách của nó,muốn Ngài làm trệch hướng! Tóm lại, Chúa Giêsu đã muốn chịu cám dỗ, và Ngài đã chịu cám dỗ thực sự. Ngài đã tỏ lộ cho những kẻ theo Ngài biết cơn cám dỗ ấy thế nào: Satan chỉ cho Ngài thấy thế gian và bảo: "Ta sẽ cho ngươi toàn bộ quyền thế của các nước trên thế giới này; cùng với vinh quang của chúng! Quyền hành đó đã được trao vào tay ta, và ta muốn trao cho ai tuỳ ý! Vậy nếu ngươi  thờ lạy ta, thì tất cả những cái đó sẽ thuộc về ngươi!" (Lc 4,5-7) Chúng ta đừng nghĩ rằng cơn cám dỗ đó quá hạn hẹp. Thực ra, nó bao gồm những chiều kích của mọi người sống trên hành tinh này. Vì thế, Satan nghĩ rằng nó cũng bao gồm cả những chiều kích của Chúa Giêsu nữa.
Còn về phía Chúa Giêsu, ba lần Ngài gọi Satan là "thủ lãnh thế gian này" (Ga 12,27; 14,30,16,11), nghĩa là Ngài cũng đồng ý với Satan trong việc nhìn nhận rằng nó có ưu thế trên mọi nước ở trần gian.Khi nói tới những trình thuật về cơn cám dỗ trong sa mạc, cha Lagrange so sánh nó với những bài "khởi ngôn" trong những bi kịch cổ, trong đó toàn bộ kịch bản sẽ diễn xuất đều được loan báo và ám chỉ trước.Cuộc chiến đấu giữa Chúa Giêsu và Satan là một khởi ngôn thuộc loại này. Nó nói lên tất cả sứ mạng của Chúa Giêsu. Ngài chỉ đến để lật đổ sự thống trị của Satan thôi.Thánh Gioan đã phải nói trong thư thứ nhất của ngài rằng: "Con Thiên Chúa đã xuất hiện để phá huỷ những việc làm của ma quỷ" (1Ga 3,8).Vì thế, toàn bộ sách Tin Mừng chắc chắn ghi lại đầy đủ những hành động Chúa Kitô đã làm để chống lại Satan, và những hành động Satan đã làm để chống lại Chúa Kitô. Và quả thực là thế! Người ta không thể không ngạc nhiên khi đọc sách Tin Mừng của chúng ta. Nếu không tin chắc chắn rằng Satan đang hiện diện và hành động giữa chúng ta, thì người ta sẽ không thể hiểu gì về những cuốn Tin Mừng.
NHỮNG THÍ DỤ Nếu kể ra đây tất cả những đoạn Tin Mừng nói tới ma quỷ thì quá dài. Chúng ta chỉ nên kể ra những đoạn chính yếu.
Chúa Giêsu khởi sự rao giảng ở Galilê, và thánh Marcô viết rằng Ngài "đuổi quỷ" (Mc 1,30). Trước khi Ngài giảng bài giảng trên núi, dân chúng qui tụ chung quanh Ngài. Tại sao vậy? Thánh Luca cho chúng ta biết: "để được Ngài chữa bệnh, và tất cả những ai bị thần ô uế dằn vặt đều được chữa lành cả" (Lc 6,18). Vì, như thánh Matthêu nói: "Người ta dẫn đến với Ngài tất cả những ai lâm tình trạng khốn khổ, bị những bệnh tật và đau khổ khác nhau, cả những người bị quỷ nhập, điên dại và bại liệt" (Mt 4,24).
Khi nói tới Maria Mađalêna, thánh Luca nói rõ là nàng được Chúa Giêsu chữa cho khỏi "bảy quỷ" (Lc 8,2).Khi sai các môn đệ rao giảng ở Galilê, Chúa Giêsu ban cho họ quyền năng trên ma quỷ.Khi họ trở về, Ngài nói với họ: "Ta đã thấy Satan từ trời rơi xuống như một ánh chớp" (Lc 10,17-20). Một hôm Chúa Giêsu chữa lành người phụ nữ mà "quỷ dữ đã khiến cho đau ốm suốt 18 năm". Khi người cai quản nhà hội bất bình với Chúa vì hôm đó là ngày sa-bát, thì Chúa Giêsu trả lời:"Đồ giả hình! Trong ngày sa-bát, há các ngươi chẳng thả bò hay lừa trong chuồng ra dẫn chúng đi uống nước sao? Còn người con gái của Abraham đây,ma quỷ đã cầm buộc suốt 18 năm nay, lại chẳng nên cởi trói cho nó trong ngày sa-bát sao?" (Lc 13,10-17).
Chúng ta hãy nhớ có lần Chúa đuổi bọn quỷ tự xưng là đám đông, vì chúng cư ngụ rất đông ở trong người bị chúng ám đó. "Đám đông" ấy xin Ngài cho phép chúng nhập vào đàn heo.Ngài cho phép, và tất cả đàn heo đều nhảy xuống hồ chết đuối hết (xem cả ba Tin Mừng nhất lãm, nhất là Mc 5,1-20).
Cái nét khôi hài trong trình thuật này khiến người ta hết sức chú ý. Các con quỷ được mô tả hoàn toàn đúng. Người ta cảm nhận được bản chất và tính tình của chúng.
Người ta thấy được "tâm lý" của chúng. Chúng ta lại trở lại vấn đề này: khi chúng nhập vào một người nào thì chúng làm gì?Đức Cha Catherinet viết: "Chúng đặt để và thực hiện ở đó những rối loạn bệnh tật tương tự như bệnh điên. Chúng có một cảm thức nhạy bén và biết Chúa Giêsu là ai.Chúng phủ phục xuống lạy Ngài một cách trơ trẽn, xin xỏ Ngài, cầu khẩn Ngài như cầu khẩn Thiên Chúa, lo sợ bị Ngài ném chúng trở lại "Vực Sâu". Để tránh điều đó, chúng xin được nhập vào đàn heo và cư ngụ ở đó.Vừa mới nhập vào đàn heo thì chúng đã làm hại đàn súc vật đó một cách dữ dằn và độc ác bằng một quyền năng khiến chúng ta ngạc nhiên không kém tính hay thay đổi của chúng".
Trong những trình thuật khác về đuổi quỷ của sách Tin Mừng, chúng ta đều thấy những nét được kể ra sau đây ở nhiều mức độ khác nhau: sợ hãi, khúm núm, quyền năng, bất lương, hay thay đổi và ngay cả tức cười nữa.
Tóm lại, không những người Công giáo, mà ngay cả các sử gia nghiêm chỉnh cũng không thể không nhận thấy rằng: Chúa Giêsu không phải chỉ nói một cách giới hạn như những người đồng thời với Ngài vẫn nói,Ngài không có ý nói hùa theo sự dốt nát và thành kiến của những người chung quanh Ngài, mà thực sự chính Ngài cũng tin rằng Satan hiện diện và hoạt động trong thế gian,Ngài gìn giữ chúng ta chống lại Satan, đến nỗi trong sách Tin Mừng, chỗ nào đọc cũng thấy có Satan. Điều đó khiến chúng ta phải đặt vấn đề, một vấn đề mà chúng ta phải khảo sát một cách hết sức chuyên chú.
 
 
 
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9