Ảnh lạ với khói màu
HÀN PHONG 10.12.2009 15:21:38 (permalink)
Nhiếp ảnh trừu tượng không còn là một trào lưu mới nữa, và chúng ta cũng đã quen với những kỹ thuật nhiếp ảnh độc đáo, ấn tượng, trong đó phải kể đến những bức ảnh khói rất “ảo”. Trào lưu này được khởi xướng bởi Graham Jefferey, một nhiếp ảnh gia tài năng và đặc biệt nổi tiếng với phong cách chụp ảnh Sensitive Light. Những bức ảnh của ông đã trở thành một hiện tượng đối với giới nhiếp ảnh trên khắp các forum và blog. Anhso Blog xin chia sẻ một số kỹ thuật chụp ảnh khói của Graham:





Làm sao để chụp được khói?
Trước hết, Graham chỉ ra rằng không có một lý thuyết cụ thể nào để chụp được khói. Kỹ thuật chụp của ông đã tiến bộ sau một thời gian dài, và Graham thừa nhận rằng cứ mỗi lần chụp ông lại khám phá ra những điều mới. Vì thế, hãy chăm chỉ tập luyện nhé!



Hai mẹo chụp khói cơ bản là: đổi màu ảnh và sử dụng khói màu xám. Graham giải thích: đây là một thủ thuật thực sự rất đơn giản. Bạn chỉ cần tập trung là được. Muốn khói có màu sắc bạn có thể chỉnh sửa sau khi chụp xong.





Để chụp được hình ảnh khói chuẩn nhất, Graham sử dụng những cây hương trầm, rất đơn giản và dễ tìm phải không? Sau đó, bạn phải tập trung bắt hình chuyển động của làn khói, và căn chỉnh ánh sáng. Graham chia sẻ: Theo tôi, kỹ thuật then chốt là phải chiếu sáng làn khói vừa đủ để nó nổi bật lên trên nền ảnh.



Mặc dù đối với những người mới tập tành chụp thì chụp được hình ảnh làn khói đã rất thú vị rồi, nhưng đối với Graham, trong bức ảnh của ông khói không phải là chủ thể mà phần lớn là một công cụ để tạo ra những bức ảnh khác thường, trừu tượng: “Tôi không cố gắng chụp ảnh khói, tôi chỉ cố tạo ra những hình ảnh sử dụng làn khói.” Cách tiếp cận này sẽ cho phép bạn thoải mái sáng tạo với làn khói nhé!





Ánh sáng và độ phơi sáng. Cách tốt nhất để chụp được những bức ảnh khói không tì vết là chụp trong một môi trường đơn sắc với ánh sáng trong tầm kiểm soát. Một studio là lý tưởng nhất, nhưng nếu không bạn cũng có thể chụp trên một phông nền màu đen vẫn rất chuẩn. Điều quan trọng nhất khi chụp ảnh khói là phải có đủ ánh sáng để bắt được chuyển động của làn khói ở giữa không trung. Bạn có thể sử dụng nguồn sáng tự nhiên (như ánh sáng mặt trời trực tiếp chiếu qua cửa sổ) hoặc sử dụng nhiều đèn flash. Hãy cố gắng không để những nguồn sáng thừa chiếu thẳng vào ống kính (gây chói hay cháy ảnh), và cả trên phông nền nữa nhé (phông nền sẽ hiện rõ chi tiết lên xấu lắm!). Một đèn flash có vách ngăn, hoặc đặt bên cạnh vách ngăn để ngăn ánh sáng chiếu trực tiếp vào phông nền là quá chuẩn rồi!



Đừng cố điều chỉnh làn khói cây hương trầm mà hãy cứ để nó cháy tự nhiên, bạn có thể thử quạt nhẹ không khí xung quanh một chút để làm thay đổi làn khói. Mặt khác, bạn cũng có thể sáng tạo với làn khói bằng cách đưa một cái thước kẻ, một cái thìa hay mảnh giấy vào làn khói để làm thay đổi hình dạng của nó. giờ thì hãy “cảm nhận”!



Để có được những đường và khối không tì vết, Graham đã chụp với nguồn sáng lớn và khẩu độ nhỏ (và vì thế mà độ sâu trường ảnh (DOF) cũng tăng lên.) Việc này sẽ dễ thực hiện hơn nhiều nếu làn khói bay lên một cách tự nhiên. Với khẩu độ nhỏ hơn để bắt được hình ảnh làn khói một cách phù hợp, bức ảnh sẽ mất đi khá nhiều sáng. Đây là một vấn đề bởi vì để chụp được một làn khói luôn chuyển động, bạn cần phải có tốc độ chụp nhanh. Thực tế tốc độ chụp cần thiết là khoảng 1/250 hoặc nhanh hơn. Đồng thời, bạn cũng không thể giảm ISO vì làn khói có thể bị nhiễu. Vì vậy, bạn cùng một lúc cần phải cài đặt ISO thấp, khẩu độ nhỏ và tốc độ chụp nhanh, nghĩa là cần có đủ ánh sáng.



Nếu bạn sử dụng nguồn sáng của đèn flash, bạn sẽ phải chụp với một chế độ điều chỉnh hoàn toàn manual, chế độ đo sáng của máy ảnh không giúp được nhiều lắm mà thay vào đó bạn phải tự chỉnh. Bạn phải cài đặt flash và độ phơi sáng sao cho phần sáng nhất của làn khói gần như hoàn toàn là màu trắng, nhưng không được quá trắng. Phơi sáng quá lâu sẽ làm mất chi tiết, và tấm ảnh sau khi đã được đổi màu sẽ bị thừa màu đen và trông không tự nhiên. Ngược lại, nếu thiếu sáng, ta sẽ không thể nhìn thấy sự khác biệt giữa làn khói và nền ảnh. Khi bạn tập chụp ảnh khói, hãy sử dụng một căn phòng thông thoáng. Không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, không khí trong phòng có quá nhiều khói mù sẽ khiến tấm ảnh của bạn thiếu sáng, mất đi độ tương phản và sắc nét.



Một chút Photoshop

Sau khi chụp xong một bức ảnh ưng ý, đã đến lúc bạn phải sử dụng Photoshop để can thiệp một chút



Crop bức ảnh để đạt được một bố cục vừa ý, sau đó điều chỉnh độ tương phản (contrast) của bức ảnh. Hãy nhớ rằng phông nền phải luôn là màu đen.



Sau khi đã chỉnh ưng ý, hãy đổi màu (invert) bức ảnh nếu bạn thích nền trắng, nhưng đôi khi những bức ảnh có nền màu trắng lại có hiệu quả cao hơn. Nếu có những làn khói thừa, bụi hay những chi tiết thừa trên nền thì đừng quên xóa (brush/ clone)đi nhé!



Muốn khói có màu, công cụ hue and saturation sẽ giúp bạn một cách dễ dàng chỉ sau một cái click. Mặt khác, bạn cũng có thể tạo ra khói nhiều màu bằng việc chọn những vùng khác nhau, sử dụng lệnh “feather selection” để tạo ra hiệu ứng mờ dần (gradient). Đơn giản, phải không nào?



Ngoài Graham, có rất nhiều nhiếp ảnh gia đã tạo ra phong cách chụp ảnh khói riêng của mình như Myla Kent hay một nhóm Flickr có tên Artsmoke đã đưa nghệ thuật chụp ảnh khói lên một tầm cao mới. Trên đây là những bức ảnh khói nghệ thuật trừu tượng, tuy nhiên, khói tự nhiên cũng có thể mang lại cho bạn những bức ảnh rất ấn tượng (ngoại trừ việc ô nhiễm ra nhé!















Vậy còn chờ gì nữa, hãy chụp những bức ảnh khói của chính bạn đi nào!

Nguồn: photocritic.org/artsmoke-photographing-smoke/
smashingmagazine.com/2008/10/05/celebration-of-smoke-photography-and-smoke-art/
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9