truyện ngắn: MÙA GIÓ CUỐI
mrrua2112 16.12.2009 22:26:28 (permalink)


truyện ngắn MÙA GIÓ CUỐI
Nguyễn Phước Huy

Gió bấc lạnh ríu người lùa qua cái khe cửa ngôi nhà tranh liêu xiêu của cái xóm nghèo Bến Củi, Thùy kéo cái mảnh vải cuối cùng trên người mình che lại cái thân tan nát sau một đêm hiến cho thằng cha chủ tịch Huyện, rồi cô lại tiếp tục lấy cái chăn cuộn tròn người khóc hưng hức trong cái đêm dài đăng đẵng. Tía nó biểu “tiếng ai khóc vậy bay”, cô cắn môi mình, nuốt ực một cái rõ đắng, rõ cay, rồi nói “đâu có ai đâu tía, tía ngủ tiếp đi”.



Ông tư Hạnh tía cô bị mù. Cái gian nhà tranh mà hai tía con sống nằm dọc theo con sông cũng đủ nhìn thấy cái tiền đồ của gia đình cô. Hằng ngày như bao người dân khác ở cái xóm Bến Củi, quần quật đốn cây, đốn nứa, bạch đàn,… làm củi cho người lái buôn xứ khác đến đây trao đổi mua bán. Đồng tiền ít ỏi, chỉ có cái là sức của con người ta bỏ ra thì nhiều, nào là đốn, chặt, chẻ, phơi,… rồi cái tràm cũng quằn quại đau xót, cái dãy nứa như rũ rượi thoảng buồn, tụi bạch đàn liêu xiêu giữa gió gào thét, ừ, biết thế, thì biết vậy, chứ làm sao nữa bây giờ, chẳng lẽ chịu chết đói, chết rét vì nghèo sao.
Má Thùy chết trong một cơn giông bão, tía cô mù vì cái chứng sốt độc đoán nào đó mà có chút tiền cô cũng không thể nào kiếm được cho tía đi bệnh viện, còn cô, ôm trong mình cái gánh nặng ghì ép cái sức con gái, chống chèo cùng với cái đất nghèo nàn của xóm Bến Củi.

Đời là vậy, ai biết được cái gì nó muốn đến và cái gì nó muốn đi. Người dân xóm Bến Củi sợ đến mức ghét cay ghét đắng cái chữ nghèo, cái chữ đeo bám cuộc sống của họ từ đời này sang đời khác, những người đến đây chỉ là những tên lái buôn kèo dừa với củi, hay mấy ông thợ đo đất dọc dài mà chẳng ai trong đây biết là cái mục đích của mấy ổng là gì nữa. Mà ngộ lạ ở đời, cứ thấy mấy ổng là người người trong xóm cứ rợn cười bảo nhau “chắc mấy ổng xây cái gì đó ở đây, chắc sắp đổi đời rồi bà con”. Hi vọng, ừ thì hi vọng, hi vọng có phải tốn tiền đâu mà lại không hi vọng nhỉ. Còn người ra đi thì nhiều, chắc tại do sợ quá mà đi, cũng có thể do đủ tiền rồi, ở đây làm gì, kiếm chỗ nào đó để đổi cái đời gắn với họ nghèo đeo bám quanh năm suốt tháng. Mà lạ ở chỗ, ông Tư không chịu mình đi, cũng không chịu bỏ cái mảnh đất chưa đầy hai công ruộng này. Cũng phải, tiền đâu mà đi, đường đâu mà tới…

Ông chủ tịch Huyện tên gì đó tận năm chữ cái, người ta gọi ổng là ông Quyền Chánh, ổng đến cái đất xóm củi này cách đây chừng hai tháng, rồi sau đó người ta thấy ổng cứ ve vãn vô cái nhà cô Thùy, ai cũng nhìn vô đó, người nói “chắc ổng mê gái nhà Tư Hạnh”, người nói “nhà Tư Hạnh sắp đổi đời”, cũng có người dèm pha “Tư Hạnh chắc là tía của thằng cha đó”… Đời mà, sao cấm được người ta nói gì.  Sáng đó ông Quyền Chánh cầm một xấp mấy tờ giấy có dấu mộc đỏ tròn lỏm nằm dưới các trang giấy, đưa cho Thùy, khiếp nỗi là cô có biết con chữ bẻ đôi nào đâu mà đọc với chả ký. Ổng bảo cô ấn chỉ vào và chẳng nói câu nào rời đi khỏi nhà cô không thèm cho một câu chào hỏi.

Ngày đó là ngày đẹp trời, nắng vàng rớt xuống nhành hoa dừa rồi vương lên mái tóc cô gái đang ngồi chẻ củi, cái ánh mắt trong veo của Thùy xóa nhạt đi cái màu của dòng sông lác đác những nhánh hoa dừa đang trôi man mác. Nụ cười của Thùy xé hồn cả cơn gió bay thoảng qua đây, chạnh lòng gió vờ lặng lẽ. Đẹp. Còn cái đẹp của Thùy và cái đẹp đơn chất của vùng quê nghèo xóm củi đâu hơn đâu, đâu mộc mạc hơn đâu, thì tôi không thể nào khẳng định.
“Tôi có một vài chuyện muốn nói với tía con em đây”. Như một viên đá to ném xuống mặt hồ phẳng lặng làm tan đi cái không gian yên tĩnh đến rợn người, ông Quyền Chánh cầm một xấp giấy tờ, lượn qua lượn lại trước mặt của Thùy, giọng đầy quyền lực. “Tía tôi đang bệnh, có gì ông cứ nói, được tôi thưa, mời ông vô nhà”. “Không cần đâu, tôi nói ở đây luôn cho tiện”.
Trời còn chừa những tên ác quỷ và lầm cho đầu thai thành kiếp người gian ác, cái tên Quyền Chánh gì đó đòi tịch thu đất nhà cô vì đây là đất của một tên cai quản nào đó mà cô chưa từng nghe tên đến. Tía bệnh, cô không biết ông nghe tin này xong rồi mọi chuyện như thế nào nữa, ông đã chịu quá nhiều đau khổ ở cái đất Bến Củi, cũng đã quá nhiều sợi bạc thế sợ đen để mà đếm ra cái ngày cuối cùng chẳng còn bao lâu nữa mà sống. Nhưng theo lời tên Chánh thì nếu cô không chấp nhận thì tía cô phải ngồi tù.

Làm gì bây giờ, lý hả? biết nói gì mà lý. Kiện à? Quan niệm này rất lạ lùng, vậy sao? Van xin! Cô để cây dao chặt củi sang một bên, quỳ xuống và van xin ông Chánh một cách thảm thiết. Ừ, nhục chịu đủ rồi, thêm tí nữa cũng chẳng sao, thương là thương cho tía kìa, tía già lắm rồi, tù ngục ư? Nó như một cơn ác mộng.Rồi van xin cũng không được, cô chỉ muốn cầm cái cây dao dài thượt chém cho ông Chánh một nhát, nhưng điều gì đó đã cản lại cái sức mạnh đó của cô. Sau đó ông ta hẹn cô tối sẽ đến, để giải trình cái việc điên rồ mà bản thân cô cũng chẳng biết là tại sao và vì cái gì nữa…



Cô cắn tấm chăn mình đang đắp, ngấu nghiến như cắn xé một thứ gì đó thật đáng sợ, đời mà, đôi khi cũng chẳng biết cái gì đang diễn ra với mình, cảm giác như xé toạt tâm hồn của Thùy, rồi chọc sâu vào trái tim còn quá thơ ngây khờ dại. Để tỉnh ra rồi, cô vui, vui gì cô có lẽ đã giữ được miếng đất cho tía, nhưng đau,đau vô cùng, đau về thể xác lẫn tâm hồn.

Thời gian sau đó người ta chỉ trông thấy ông già Tư Hạnh lủi thủi một mình trong gian nhà tranh lơ xơ lác xác, cô Thùy biến mất tự khi nào mà chẳng ai có thể nào đoán ra. Người ta chỉ biết, ông già sống, vật vờ như một bóng ma, thui thủi một mình như đang chết, xóm có cháo mang cháo, có khoai mang khoai, nhưng chưa bao giờ ông nhận của ai hết.
Vài năm sau đó, mùa gió bấc thổi về bên cái xóm Bến Củi trải dài mùi dừa hưng hức, lâu lâu cái mùi bạch đàn xộc vào mũi của mấy cụ già hắt hơi trong tiếng rét của gió bấc liêu xiêu. Cái xóm không còn nghèo như xưa, chỉ có gian nhà tranh của ông Tư Hạnh là còn mái lá, bóng dáng người phụ nữ dắt đứa con về trong tiếng gáy lưa thưa của tụi gà trong xóm. Nén nhang hình như lâu lắm mới được thắp lên trong cái mái nhà tranh xơ xác, người ta nói người đàn bà đó đã quỳ và khóc lâu lắm, khóc đến nhạt cả một vùng trời gió bấc. Cái mùi bạch đàn nung lên hăng hắc làm rớt nước mắt của người trong vùng. Rồi từ đó, không còn ai thấy người nào quay về gian nhà đó nữa…

“Có những sự hi sinh để đánh đổi lấy hạnh phúc, có cả những sự hi sinh để đánh đổi lấy hạnh phúc chỉ một phần, hạnh phúc đâu dễ kiếm, nhưng nó lại dễ để kiến tạo ra, cốt yếu là kiến tạo như thế nào và bao lâu mà thôi!”

<bài viết được chỉnh sửa lúc 16.12.2009 22:28:59 bởi mrrua2112 >
#1
    Ct.Ly 27.12.2009 02:40:20 (permalink)
    #2
      Chuyển nhanh đến:

      Thống kê hiện tại

      Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
      Kiểu:
      2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9