Gỏi khô bò VS* McDonald’s - Lưu Quang Minh
senandbom 20.12.2009 20:17:33 (permalink)




Lao Động Cuối tuần số 51 Ngày 20/12/2009 Cập nhật: 12:25 AM, 20/12/2009









Minh họa của họa sĩ Đỗ Phấn.
(LĐCT) - Hôm rồi “chat” với em trên mạng, bâng quơ chị nhắc món khoái khẩu hai chị em vẫn hay nhâm nhi từ hồi bé tý. Chị bảo hè này về, nhất định phải chở em ra công viên Lê Văn Tám, “xực” gỏi khô bò cho đến chán mới thôi. Em chỉ ậm ừ cho qua.

Chị em mình hơn kém nhau năm tuổi. Năm lớp mười hai chị nhận được học bổng, bay vèo qua nửa vòng trái đất dùi mài đèn sách nơi xứ người. Ngày tiễn chị ra sân bay em khóc sưng hết hai con mắt.

“Bé Na ở nhà phải ngoan, nghe lời bố mẹ. Hè chị lại về với em mà…”.

Nhưng hết hai cái hè chị ở lại bên ấy không về. Nơi ở mới, nhà mới, trường mới, bạn bè mới, ngay cả “bố mẹ” cũng mới nốt. Có quá nhiều điều chị cần phải làm quen. Mẹ chat với chị:







Vẫn là lối kể chuyện của Lưu Quang Minh, sinh 1988, với dấu ấn Internet đầu thế kỷ 21, mang tên: văn học mạng. Bản thân tứ truyện đã được lọc ra từ chuyện chị em gái “chát chít” về tình yêu, gửi trong kỷ niệm về món khô bò Nam Bộ Việt Nam “đấu” với món ăn nhanh Mỹ Mc Donald’s, và cũng là lựa chọn về hạnh phúc…

Bằng nội lực riêng, Minh đã vượt lên những cây viết tuổi xanh, với văn phong “già trước tuổi” (tên truyện của Minh đoạt giải trang Web “Hội ngộ văn chương”), cùng một cốt cách “trẻ không vờ vĩnh”: Minh kể chuyện duyên dáng, đan xen mỉm cười ý nhị và không thiếu hồn nhiên.

Bạn đọc không lâu nữa sẽ được tiếp thu “Gia tài tuổi hai mươi” (tên tập truyện đầu đời gồm 20 truyện của Minh sắp xuất bản), với thiện cảm vốn đã dành cho cây bút trẻ này.

Tôi tin cái viết mới ấy của Minh, như muốn trình diện, lại như muốn giã biệt lối viết tuổi xanh của chính mình, sẽ là lựa chọn triết học khoẻ mạnh của một nhà văn trẻ quyết dấn thân vào văn chương truyện ngắn…
 Nguyễn Thị Minh Thái 


“Host family”(1) thế nào, có tốt không con?”.

“Rất tốt mẹ ạ. Dad và Mom (cha, mẹ. BT) thương con lắm. Họ không con cái, nhà chỉ có ba người và một chú chó. Nói chung là rất thoải mái, tuyệt!”

Hè chị đi dã ngoại với lớp, đến Disneyland. Chị bảo giá mà em có mặt ở đó, thế nào cũng chết mê.

“Chị ơi, về đạp xe chở em đi ăn gỏi khô bò đi. Ở ngay trước cổng công viên Lê Văn Tám đó chị nhớ không…”.

Từ cuối năm lớp chín, nhờ bạn bè rủ rê chị đã biết đến món gỏi ngon “chảy nước miếng”. Nổi tiếng thế mà ra trước cổng công viên trên đường Hai Bà Trưng, mới ngỡ ngàng chẳng hề có quán xá nào hết. Từ bên này ngồi dưới gốc cây, nhìn qua bên kia đường xe cộ bon chen tấp nập chỉ thấy mỗi một xe hàng nhỏ. Ấy vậy mà ai ăn rồi cũng “ghiền” luôn, có dịp phải quay lại gọi thêm dĩa nữa.

Chị cũng thế và em cũng thế. Lần đầu dắt em đi ăn, em cứ xuýt xoa: “Ngon quá chị ơi, ngon quá chị ơi!”. Chắc vì là món ăn vặt nên phải ngồi vỉa hè ăn mới thích. Khách đến cứ lựa một chỗ mát, lót tờ giấy, tấm nhựa ngồi bệt xuống. Tự khắc có “nhân viên” tới cho hai chị em gọi món. Gọi xong cô “nhân viên” tất tả chạy qua bên kia đường, một lúc sau lại thấy tất tả chạy sang bên này, tay cầm hai dĩa gỏi “mới ra lò” thơm phức.

Gỏi ngon là nhờ cách pha chế nước mắm chanh chua ngọt rất đặt biệt. Từ sợi đu đủ xanh giòn giòn sần sật, miếng khô bò ướp gia vị thơm dai cho đến cọng rau quế, rau thơm, nhúm hột đậu phộng bùi bùi vàng ruộm và tương ớt, tất cả hoà trộn với nhau thành một món ngon nổi tiếng người mê ăn vặt ở Sài Gòn đều biết.

“Bên này không có gỏi khô bò nhưng có món hamburger của McDonald’s(2) cũng ngon lắm, bé Na”.

“Dạ, mà em muốn chị về đi ăn gỏi với em cơ. Chị ơi, hè này chị về nha chị!”.

Từ ngày chị đi, ở nhà vắng vẻ, em cứ thui thủi một mình. Mẹ bảo chị qua bên ấy còn bỡ ngỡ nhiều thứ lắm, phải vừa học tiếng vừa học văn hoá, rất mệt. Cũng may chị vốn sẵn thông minh, học đâu thuộc đấy, lại lanh lẹ hoạt bát, nên mẹ cũng yên tâm phần nào.

“Hè bên ấy trường tổ chức nhiều hoạt động, chị con hoà nhập được nhanh, có thêm bạn mới, gửi mail về cứ tíu tít…”.

Mẹ đọc xong mail của chị, vui lắm.

Nhưng em thì không.

Cả ba tháng hè em không hề được nghỉ hè đúng nghĩa. Lên lớp chín, phải thi chuyển cấp nên bố mẹ cho em đi học thêm khắp nơi. Môn nào cũng khó, cũng quan trọng, không học thì không giỏi được. Em mệt lắm, học từ sáng đến chiều, từ chiều đến tối. Ăn cơm tắm rửa xong lại mở vở ôn bài. Nhiều lúc ước gì có chị ở nhà, chở em đi học rồi tạt qua công viên Lê Văn Tám nhâm nhi một dĩa gỏi thôi. Hè như vậy với em là vui lắm rồi.

Và em cũng vào được lớp mười, trường chuyên lớp chọn cho bố mẹ tự hào nở mày nở mặt, mọi người đều khen: “Nhà anh chị mỗi hai cô con gái mà đứa nào cũng giỏi, thích thật đấy. Chẳng bù cho ông kễnh nhà tôi…”.

“Chị ơi, hè chị về với em nhé. Em nhớ chị lắm…”.

“Không được đâu bé Na. Bài vở chị nhiều, chị còn tham gia các hoạt động tình nguyện nữa. À, mà có chuyện này vui lắm, chị có “boyfriend” rồi nhé em!”.

Boyfriend là bạn trai ấy ạ? Hay là bạn là con trai? Hay là người yêu?

Chị làm dấu hiệu đỏ mặt trên màn hình chat. Chị có người yêu rồi, cô em ngốc nghếch ơi!

Mẹ bảo tên anh ấy là Mai-cồ phiên âm ra tiếng Việt. Anh Mai-cồ lớn hơn chị ba tuổi, đang là sinh viên. Chị và anh quen nhau ở một tiệm ăn nhanh McDonald’s.

“Ở Việt Nam chưa thấy McDonald’s đúng không bé Na, bên này cứ đi một đoạn là thấy một cửa hàng lừng lững đóng đô…”.





Lưu Quang Minh
Sinh 18.5.1988
Hiện là sinh viên khoa Mỹ thuật công nghiệp ĐH Tôn Đức Thắng TPHCM
 

Chị kể rất nhiều về anh Mai-cồ, về lần đầu hai người gặp gỡ. Từ lúc nào chị ghiền luôn cái món hamburger McDonald’s, như ngày xưa hai chị em ghiền gỏi khô bò. Hôm ấy anh Mai-cồ bưng khay đồ ăn ra chỗ ngồi, đi đứng thế nào va phải chị, đồ ăn rớt xuống, khoai tây chiên, nước ngọt văng tung toé. Anh Mai-cồ lúng túng, xin lỗi rối rít. Chị bực bội lắm, muốn mắng cho ảnh một trận tơi bời mới thôi. Nhưng thấy anh chàng mắt xanh mũi lõ điển trai ra vẻ hối lỗi, đỏ mặt tía tai đến là buồn cười, chị chấp nhận lời mời đi ăn “chuộc lỗi” của anh.
“Giống trong phim quá ha bé Na. Đến giờ chị vẫn còn không tin được luôn đó”.

Vậy là chị đã có bạn trai. Chị cũng mê món hamburger McDonald’s thay cho gỏi khô bò bên lề công viên Lê Văn Tám hôm nào. Em thấy một nỗi buồn vô hạn tự dưng nơi đâu trào đến ào ạt, ào ạt.

Chị về thật, cùng Mai-cồ, không phải hè mà vào Tết âm lịch. Chị về, đáng ra em phải vừa mong vừa mừng, háo hức lắm, thế mà… Em nhốt mình trong phòng, ghét gặp chị, gặp “anh rể tương lai”. Từ ngày lên cấp ba, sức học của em đuối hẳn, không theo kịp bạn bè, bài thầy cô giảng chẳng vào. Bố mẹ vẫn bảo em phải cố gắng, noi gương chị con đấy. Nhưng bố mẹ đâu có hiểu cái giá của trường chuyên lớp chọn. Em thích đọc văn, thích vẽ tranh, bài vở lại chỉ toàn những con số, công thức toán học đau cả đầu. Chị ở đâu những lúc em rất cần một người để tâm sự, sẻ chia?

“Chị vào được không, bé Na?”.

Gõ cửa phòng mãi không thấy em trả lời, chị cứ vào.

“Chị về em không vui à. Đi nào, mình đi ăn gỏi khô bò đi, chị thèm quá em gái ngoan của chị!”.

Đến lúc này em mới bật khóc oà. Em nhớ chị lắm, em tưởng chị quên rồi…
* * *
Đám cưới chị đến một cách chóng vánh. Ngày cưới trông chị đẹp rạng rỡ như một thiên thần. Nhà anh Mai-cồ rất khá giả, bố mẹ anh cũng bay về Việt Nam để hai gia đình gặp nhau, bàn chuyện tổ chức cho đúng phong tục.

“Bố mẹ Mai-cồ cũng quý chị. Chị hạnh phúc lắm em ạ”.

Chị vui em cũng vui lây, dù đôi lúc chợm nghĩ cảnh chị em xa cách mỗi người nửa vòng trái đất, ít dịp gặp gỡ.

“Lễ,Tết chị và anh lại về mà em gái…”.

Họ hàng ai cũng khen nhà này khéo kén rể, kiếm ngay được một chàng tây cao ráo đẹp trai, vừa hiền vừa lễ phép. Bố mẹ càng nở mày nở mặt, thôi thì trời chỉ ban hai cô con gái, gả được cho rể tốt là quá mừng.

Trước ngày cưới ba mẹ con ôm nhau khóc nức nở. Mẹ có mỗi hai con, giờ một đứa lấy chồng xa xứ rồi… Có dịp là con về với mẹ và em, mẹ cứ yên tâm mẹ nhé… Chị ơi, hay là chị ở lại với em đi, mai này chị đi rồi, ai cùng em đi mua sắm, cùng em tâm sự suốt đêm, rồi đi ăn quà vặt, nhất là món gỏi khô bò… Chị ơi!

Bên lề công viên vẫn thế, chớp mắt như mới chỉ vừa hôm qua. Hai chị em tìm một chỗ mát ngồi xuống, vẫy tay gọi hai dĩa gỏi một thời.

“Thời gian trôi nhanh quá bé Na nhỉ, em gái chị giờ đã ra dáng thiếu nữ rồi. Nhớ ngày nào chị còn đèo em sau lưng, chiều nắng nôi bụi bặm vẫn đạp xe ra đây ăn gỏi cho bằng được…”.

Em nhớ chứ, nhớ như in những ngày hè ấy. Năm đó em vẫn còn là một cô nhóc tinh nghịch tóc thắt bím hai bên. Chị thi vào lớp mười, kết quả cao, nên hè hai chị em được bố mẹ thưởng cho một chuyến đi Nha Trang dài ngày. Hai chị em thích lắm, tắm biển nhiều đến nỗi về đứa nào đứa nấy đen ngòm, còn bị lột da, khuya nằm ngủ lưng rát ơi là rát, lại mở đèn nói chuyện khúc khích cả đêm, đến khi mẹ vào mắng cho hai đứa một trận mới chịu đắp chăn đi ngủ.

Gỏi ra rồi kìa chị. Em biết đấy, gỏi vốn là món bình dân, thành phần toàn là những món dân dã, dễ tìm. Nhưng những món thế này chỉ ở Việt Nam mình mới có, bên ấy có thèm nhỏ dãi cũng chẳng ăn được, mà tìm được cũng rất khó gọi là ngon. Nên ở bển theo chị nó sẽ phải là mắc lắm, mắc vô cùng…

Hai chị em nhâm nhi ngon lành từng sợi đu đủ xanh, lát khô bò. So với McDonald’s thì thế nào hả chị? Nếu cho hai món thi đấu với nhau, món nào sẽ thắng?

Chị bật cười vì câu hỏi lạ lùng của em. Nụ cười trong như bầu trời xanh ngắt bên trên vòm cây xòe tán rộng sum sê.

Hai năm sau em đã là cô sinh viên đại học. Chị cùng anh rể đưa cháu trai bay về cho bố mẹ ẵm bồng. Được làm ông bà ngoại, bố mẹ sướng lắm. Thằng bé kháu khỉnh xinh xẻo, bố hay gọi yêu là “cục vàng của ngoại”.

“Em lên chức “dì” lâu rồi, mà đã có anh nào chưa thế?”.

“Chị em mình đi ăn gỏi đi, em kể cho chị nghe!”.

 Vừa ngồi ăn em và chị vừa tâm sự: “Chàng của em cũng học về mỹ thuật. Ban đầu mẹ không thích, giống hệt ngày trước không thích em thi đại học để mà trở thành người vẽ vời lung tung. Nhưng biết sao được, em không giống chị, chẳng có duyên với con số và các phương trình. Em chỉ muốn tự tay mình thiết kế những tà áo dài tôn lên vẻ đẹp của người Việt Nam. Cũng như chị từng nói về món gỏi khô bò, áo dài chỉ đậm đà hồn Việt ở quê hương mình. Nếu là nơi khác tìm được cái giá sẽ phải là rất mắc, mắc lắm luôn… chị nhỉ”.

Chị gật đầu: “Em nói đúng. Em à, em yêu ai, quyết định gắn bó với ai là hoàn toàn ở em. Em cứ sống thật với em, với mọi người, thì hạnh phúc chắc chắn sẽ gõ cửa”.

Em cười mỉm chi.

“Sao cái món gỏi khô bò này ngon thế em!” - chị tấm tắc.

“Ngon hơn McDonald’s của chị không?”.

“Lại tính cho hai chúng nó VS* với nhau à, cô em. Chị bảo này, ăn bao nhiêu cái bánh hamburger béo ngậy cũng không bằng được một dĩa gỏi khô bò đâu, dù bên ấy họ sẽ đánh giá món này: rất ít calories(3), không nhiều giá trị dinh dưỡng”.
Đâu cần chị bảo, ai mà chẳng biết câu trả lời!
 11.2009




* VS: viết tắt của versus, tiếng Anh nghĩa là đối kháng, đấu với nhau.
(1) Host family: Du học sinh chưa đủ 18 tuổi không có thân nhân, không ở nội trú thường được trường sắp xếp đến ở trong một gia đình người bản xứ gọi là Host family như một ngôi nhà thứ hai với đầy đủ bố, mẹ nuôi.
(2) McDonald’s: Thương hiệu ăn nhanh nổi tiếng thế giới của Mỹ với món hamburger.
(3) Calories: Calo, đơn vị đo năng lượng, dinh dưỡng của thực phẩm.

Truyện ngắn của Lưu Quang Minh

Nguồn: http://www.laodong.com.vn/Home/Goi-kho-bo-VS-McDonalds/200912/167617.laodong
http://www.laodong.com.vn/Home/Goi-kho-bo-VS-McDonalds/200912/167617/Trang-2.laodong

 
<bài viết được chỉnh sửa lúc 20.12.2009 22:08:08 bởi senandbom >
#1
    Ct.Ly 21.12.2009 23:50:56 (permalink)
    #2
      Chuyển nhanh đến:

      Thống kê hiện tại

      Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
      Kiểu:
      2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9