Tiến sĩ Trần Chung Ngọc với "30 năm tôi đi tìm Hồ Chí Minh"
venus4t.vns_hnu 26.12.2009 20:42:20 (permalink)
30 NĂM TÔI ĐI TÌM HỒ CHÍ MINH


TTO - LTS: Hồ Chí Minh - Bác Hồ, cái tên luôn gợi lên trong mỗi người Việt Nam bao nhiêu nỗi xao xuyến, xúc động vì "Người là niềm tin thiết tha nhất". Thế nhưng, cũng không ít lần những người Việt Nam ấy phải nghẹn lòng, phẫn nộ khi nghe xem đọc những thông tin xuyên tạc về Người. Không thể đôi co, không thể nóng giận, những người Việt hiểu biết vẫn điềm tĩnh và tỉnh táo để giữ vững niềm yêu kính vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc mình. Bài viết này là một trong những cái nhìn tỉnh táo và điềm tĩnh ấy.
TTO xin giới thiệu toàn văn bài viết "30 năm tôi đi tìm Hồ Chí Minh" - đăng trên Tạp chí Hồn Việt - của Tiến sĩ Trần Chung Ngọc, một nhà khoa học Việt kiều đã định cư tại Mỹ từ sau 1975, một sĩ quan đã từng cầm súng ở bên kia chiến tuyến đối mặt với những anh bộ đội cụ Hồ...
Tác giả viết theo phương châm khoa học: "sự lương thiện trí thức phải để lên hàng đầu, và phương pháp khảo cứu mọi vấn đề phải cẩn trọng, không để cho tình cảm, thiên kiến lôi cuốn" để mang lại cho các bạn đọc trẻ "một sự hiểu biết đúng đắn về cuộc đời của Hồ Chí Minh, và nhất là, về việc ông đã làm gì cho đất nước Việt Nam".

............................................................
30 năm tôi đi tìm Hồ Chí Minh 
Viết về một nhân vật có tầm vóc quốc tế như Hồ Chí Minh có thể nói là không dễ. Đối với những người thuộc giới chống Cộng viết theo cảm tính thù hận, khi thực sự chưa hiểu và không biết gì về Hồ Chí Minh thì rất dễ, vì muốn viết sao cũng được. Họ đưa ra những chi tiết lặt vặt, cộng với xuyên tạc, dựng đứng… nhằm “ám sát tư cách cá nhân”, bằng những từ hạ cấp cho hả lòng thù hận, thì có lẽ ai viết cũng được, không cần đến trí tuệ, không cần đến kiến thức, không cần đến trình độ, và cũng không cần đến liêm sỉ.
Thảm thay, hiện tượng này chúng ta thường thấy xảy ra trong vài khu rừng diễn đàn truyền thông hải ngoại. Nơi đây, một thiểu số người Việt có vẻ như không có mấy trình độ văn hóa, giáo dục đã thường lên tiếng. Nhưng viết cho đúng với nhân cách, tài năng, tư tưởng và con người của Hồ Chí Minh thì quả thật là khó, vì điều này đòi hỏi trước hết là một sự lương thiện trí thức, một sự hiểu biết đúng đắn về cuộc đời của Hồ Chí Minh, và nhất là, về việc ông đã làm gì cho đất nước Việt Nam.
Đối với tôi, viết về Hồ Chí Minh lại càng khó hơn, vì xuất thân từ Trường sĩ quan trừ bị Nam Định, đã cầm súng chống Cộng trong thời gian 8 năm rưỡi, khoảng thời gian tôi ở trong Quân lực Việt Nam Cộng hòa, đã đi Mỹ học, và đã về phục vụ trong ngành giáo dục ở miền Nam cho đến ngày chót, đương nhiên tôi đã ở phía Việt Nam Cộng hòa rồi. Nhưng cuộc chiến đã chấm dứt hơn 30 năm, bây giờ còn nói đến chuyện “Quốc – Cộng” có phải là ngớ ngẩn không?

Hồ Chủ tịch lội suối đi công tác - Ảnh tư liệu Thời gian chỉ trôi có một chiều, một thế hệ già nua như chúng tôi đang lần lượt rủ nhau đi vào dĩ vãng để nhường chỗ cho một thế hệ trẻ hơn, đầy nhiệt huyết, với những kiến thức thời đại, biết thế nào là con đường quốc gia, dân tộc, và dứt khoát từ chối, không để cho đầu óc bị ô nhiễm bởi những thù hận của lớp trước, dù các bậc cha anh vô trí có muốn truyền lại. Với tâm cảnh như trên, vậy tôi phải viết về Hồ Chí Minh ra sao?
Được đào tạo trong ngành Khoa học Vật lý, đối với tôi, sự lương thiện trí thức phải để lên hàng đầu, và phương pháp khảo cứu mọi vấn đề phải cẩn trọng, không để cho tình cảm, thiên kiến lôi cuốn, tuy tôi tự biết, vì không có cái mặc cảm của Thượng đế, nên tôi không thể tránh khỏi có đôi chút thiên kiến khi viết về lịch sử.
Một người nào đó đã chẳng từng nói: “Người nào viết Sử mà không có đôi chút thiên kiến chắc phải có cái mặc cảm mình là Thượng đế (hay mặc cảm của Thượng đế)”. Để giảm thiểu thiên kiến, phương pháp khảo cứu của tôi là đọc nhiều sách về cùng một vấn đề, rồi từ đó kiếm ra một mẫu số chung. Điều này chưa hẳn là tuyệt đối đúng, nhưng ít ra cũng không xa sự thực là bao nhiêu.
Trước khi đi vào những vấn đề này, tôi có một nhận xét tổng quát về những luận điệu xuyên tạc, đả kích ông Hồ Chí Minh của một số người có vẻ như không có mấy trình độ. Không có gì ngu xuẩn hơn là so sánh Hồ Chí Minh với Hitler. Những người này hầu như không hề biết gì đến dư luận thế giới, nhất là trong các nước tiến bộ Âu-Mỹ, đã nhận định về ông Hồ Chí Minh như thế nào.
Hãy vào Internet đánh tên Ho Chi Minh thì sẽ thấy Thế giới đánh giá Hồ Chí Minh như thế nào. Hay hãy đọc những cuốn sách về chiến tranh Việt Nam của các học giả, tướng lãnh Mỹ, và ngay cả hai cuốn In RetrospectArgument Without End của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara. Phần nhận định tích cực về Hồ Chí Minh tràn ngập so với phần tiêu cực thưa thớt của một số người Việt hải ngoại mà tên tuổi không đáng kể, và chỉ như những con đom đóm lập lòe trên vài diễn đàn báo điện tử, ít có giá trị trí thức của đám người Việt còn mang nặng lòng hận thù.
Các nhà sử học, giáo sư, ký giả nước ngoài đã viết gì về Hồ Chí Minh
1. Hồ Chí Minh là tinh túy, là biểu tượng của dân tộc Việt Nam.
Cách đây 6 năm, năm 2000, sử gia William J.Duiker có xuất bản cuốn Ho Chi Minh, A Life. Cuốn sách này được giới trí thức, học giả Âu-Mỹ đánh giá khá cao và cho rằng đó là một cuốn sách nghiên cứu sâu rộng nhất về con người và sự nghiệp của ông Hồ Chí Minh. Đọc Duiker và phối kiểm với những đoạn viết về ông Hồ Chí Minh của nhiều tác giả khác ở phương Tây, chúng ta có thể rút tỉa ra những điều không xa với sự thật là bao nhiêu.

Trong dịp sang thăm Cộng hòa dân chủ Đức (7-1957), Hồ Chủ tịch và các đồng chí lãnh đạo Cộng hòa dân chủ Đức đến thăm và chụp ảnh lưu niệm với các cháu thiếu nhi Việt Nam lưu học tại Đức - Ảnh tư liệu
Tôi xin được nhắc lại một đoạn trong bài của Giáo sư Nguyễn Mạnh Quang mà giáo sư đã trích dẫn từ cuốn Ho Chi Minh, A Life của William J.Duiker:
“Khi tin tức về cái chết của ông Hồ Chí Minh được loan truyền thì khắp địa cầu đưa ra nhận xét về ông. Hà Nội nhận được tới hơn hai mươi hai ngàn (22.000) bức điện tín từ các thủ đô lớn của 121 quốc gia trên thế giới để bày tỏ lời ca ngợi ông và chia buồn với nhân dân Việt Nam. Một số các nước theo chủ nghĩa xã hội tổ chức buổi lễ truy điệu và đưa ra những lời ca tụng ông. Thủ đô Mạc Tư Khoa chính thức ca tụng ông như là “Người con vĩ đại của dân tộc anh hùng Việt Nam, một người lãnh đạo xuất sắc của phong trào giải phóng dân tộc và cộng sản quốc tế, và là người bạn vĩ đại của Liên bang Xô Viết”.
“…Các nước trong Thế giới thứ ba (các nước trung lập) cũng nhận xét về ông với những lời ca tụng ông như là một người bảo vệ những người bị áp bức. Một bài báo phát hành ở Ấn Độ, mô tả ông như là tinh túy của “dân tộc và là hiện thân của lòng khát vọng tự do, của sự tranh đấu bền bỉ”.
Những bài báo khác đề cao đức tính giản dị và thẳng thắn của ông. Một bài xã luận trong một tờ báo ở Uruguay (Nam Mỹ) ghi nhận: “Ông có một tấm lòng bao la như vũ trụ và có một tình thương vô bờ bến đối với trẻ em. Ông là người gương mẫu về đức tính giản dị và thẳng thắn trong tất cả mọi phạm vi”.
Phản ứng từ các thủ đô phương Tây thì không biểu lộ mạnh mẽ. Tòa Bạch Ốc lặng thinh và các viên chức cao cấp trong chính quyền của Tổng thống Nixon cũng không bình luận gì cả. Nhưng việc chú ý đến cái chết của Hồ Chí Minh đối với giới truyền thông trong các nước phương Tây thật là mãnh liệt.
Những tờ báo ủng hộ các phong trào phản chiến có khuynh hướng mô tả ông bằng những lời lẽ ca tụng ông như là một địch thủ xứng đáng và là một người bảo vệ những kẻ yếu, những người thế cô và những người bị áp bức. Ngay cả những người vẫn thường khăng khăng chống lại chế độ Hà Nội cũng đánh giá ông bằng những lời lẽ kính trọng, như là một người đã tận hiến cả cuộc đời cho cuộc chiến đấu giành độc lập và thống nhất đất nước cho tổ quốc ông, coi ông như là người phát ngôn xuất chúng cho các dân tộc bị bóc lột trên thế giới”.
Trên đây, Duiker đã viết lại một sự kiện. Sự kiện này, hơn hết, đã loại bỏ tất cả những gì mà một số người Việt hải ngoại hay ở trong nước viết tiêu cực theo cảm tính về Hồ Chí Minh. Cho nên, bất kể những luận điệu nhằm hạ uy tín ông đều không thể thuyết phục được ai, ít nhất là trong giới hiểu biết, nhất là những luận điệu này lại thuộc loại hạ cấp, đầy hận thù.

Nhân dân thủ đô Sofia nhiệt liệt chào đón Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm hữu nghị nước Cộng hòa Bulgaria (8-1957) - Ảnh tư liệu.
Có một bài viết về Hồ Chí Minh của Wilfred Burchett - một ký giả Úc nổi tiếng, đã từng được Ngoại trưởng Henri Kissinger nhờ làm trung gian liên lạc giữa Mỹ và Hà Nội. Năm 1968, ông đã viết một cuốn sách có tính cách tiên đoán: Việt Nam sẽ thắng (Vietnam will win) và năm 1977, ông xuất bản cuốn Châu Chấu và Voi: Tại sao [Nam] Việt Nam sụp đổ (Grasshoppers and Elephants: Why Vietnam Fell).
Theo tôi, Burchett viết hay, không phải vì tác giả ca tụng ông Hồ Chí Minh, mà tác giả đã viết về những gì đã tạo nên ông Hồ Chí Minh: Không phải thuần túy chỉ là Marx, là Lenin hay Mao Trạch Đông, mà chính là lịch sử 2000 năm chống ngoại xâm của Việt Nam đã tạo nên Hồ Chí Minh. Có thể nói, tác giả hiểu Việt Nam hơn rất nhiều người tự cho mình là trí thức. Chúng ta hãy đọc vài đoạn trong bài của Burchett:
“Chính sách của Mỹ là làm cho người Việt Nam cảm thấy mình thuộc một sắc dân thấp kém, không có quyền về căn cước quốc gia. Họ thường bị gọi là “gooks”, “slopes” và “dinks”, và trên những phúc trình chính thức, làng Mỹ Lai trở thành “Thành phố hồng” (có nghĩa là thành phố Cộng sản) và dân làng bị tàn sát chỉ là “những người Á Đông” (với ý coi thường, miệt thị).
Sự thực là người nông dân Việt Nam nghèo khó nhất, ngay cả thất học, về phương diện văn hóa và đạo đức thường cũng cao hơn người Mỹ. Họ biết nhiều hơn về lịch sử đất nước của họ – không chỉ vì đất nước họ có vài ngàn năm lịch sử nhiều hơn Mỹ để mà biết đến – mà vì những điều này đã thấm vào trong người họ từ sữa mẹ.
Ngay từ bé, họ lớn lên trong một môi trường tràn ngập với những câu chuyện về gia tài lịch sử, hoặc được kể ngay khi còn nằm trong lòng mẹ, hoặc qua những màn kịch diễn lại những trang sử oai hùng của 2000 năm lịch sử chống ngoại xâm của những gánh hát rong, hoặc những truyền thuyết về các “thần thành hoàng” (thường là các anh hùng giúp nước của xóm làng, được nhà vua sắc phong), hoặc là những câu chuyện về tổ tiên đã bảo vệ non sông như thế nào, hoặc là những chuyện đau khổ của người dân bị đàn áp bởi ngoại nhân nên đòi hỏi một sự đứng lên để chống đối…
Sự hiểu biết về 2000 năm tranh đấu chống xâm lăng có đầy trong dòng máu của người nông dân chân lấm tay bùn nghèo khó nhất. Đây là nguồn dũng cảm và sức chịu đựng vô tận, luôn tin tưởng vào tương lai mà những chuyên viên của Mỹ không thể hiểu được.
Hồ Chí Minh là mẫu mực thu nhỏ của tất cả những điều trên. Và đúng là, cũng như một cái gì đó trong mỗi người Việt Nam đều có trong Hồ Chí Minh, một cái gì đó trong Hồ Chí Minh đều có trong hầu hết những người Việt Nam ngày nay, dấu ấn của ông trên dân tộc Việt Nam thật là sâu đậm.
2. Đích đến của Hồ Chí Minh là độc lập dân tộc.
Vấn đề tiếp theo tôi muốn nói đến là: Hồ Chí Minh là người Cộng sản như thế nào? Chúng ta biết rằng, Hồ Chí Minh chưa bao giờ phủ nhận mình là người Cộng sản và đã từng khẳng định là Lenin cho ông niềm tin trong công cuộc giành độc lập cho đất nước.
Nhưng muốn hiểu ông là người Cộng sản như thế nào, có lẽ chúng ta nên biết đến quan niệm của một số trí thức ngoại quốc, những người thường ở trong môi trường đại học, đặt sự tôn trọng, sự lương thiện trí thức lên hàng đầu, và vì chính uy tín của họ, nên không thể viết theo cảm tính mà không nghiên cứu kỹ vấn đề, hay tự hạ mình rơi vào vòng tranh chấp Quốc-Cộng mà họ không thuộc phe nào và không có lý do gì để ủng hộ hay chống đối một phe nào.
Chúng ta hãy đọc vài đoạn trong bài của Stanley I. Kutler điểm cuốn Ho Chi Minh, A Life, Kutler là tác giả cuốn The Wars of Watergate và là chủ biên của The Encyclopedia of the Vietnam War. Stanley Kutler cho rằng trong tác phẩm của mình, Duiker đã viết về một nhà cách mạng ái quốc gần với Thomas Jefferson hơn là với V. I. Lenin. (Điều này, không phải chỉ có mình Duiker mới nhận định như trên, mà một số tác giả Mỹ khác cũng có cùng một nhận định như vậy - TCN).

Chủ tịch Hồ Chí Minh đón đoàn Việt kiều Thái Lan về nước. Ảnh tư liệu.
Trước hết, Kutler cho rằng chế độ thực dân đã cáo chung một thế kỷ nay rồi và vai trò của ông Hồ Chí Minh đã đi vào quá khứ. Ngày nay, Việt Nam là một phần của nền kinh tế toàn cầu, có nghĩa là có những liên doanh mang lại lợi nhuận cho Chính phủ, cho một số viên chức được ưu đãi, và cho những công ty phương Tây. Nhưng Kutler ghi nhận là:
“Tuy nhiên, thế giới có một bộ mặt khác vì Hồ Chí Minh, và những người như ông, những người đã lo lắng, chiến đấu và hi sinh để giải phóng dân tộc của họ thoát khỏi sự sỉ nhục và gông cùm của sự chuyên chế bạo ngược ngoại quốc”.
Sau đó Kutler viết: “Duiker đã đi quá sự tranh luận đơn giản trong thời Chiến tranh lạnh về vấn đề Hồ Chí Minh là người Cộng sản theo chính thống Marx-Lenin hay là một nhà ái quốc dân tộc, hiến thân cho cuộc giải phóng và thống nhất đất nước?”. Duiker đã nhận định đúng, Hồ Chí Minh có căn rễ sâu đậm trong phong trào Cộng sản quốc tế, nhưng ông luôn luôn là một người theo chủ nghĩa dân tộc, cương quyết hiến thân cho nguyên lý dân tộc tự quyết”.
“Ông Hồ Chí Minh không hề nao núng khi dùng Chủ nghĩa Cộng sản cho những mục đích dân tộc. Lời tuyên bố của ông: “Các dân ở Đông Dương vẫn sống và sẽ còn sống mãi” khó mà phù hợp với chủ nghĩa Marx. Duiker nhấn mạnh là, đối với Hồ Chí Minh, độc lập dân tộc bao giờ cũng là mục tiêu chủ yếu, trong khi chủ thuyết về một Cộng sản không tưởng vẫn là một vấn đề mơ hồ, bất định cho tương lai”.
Chúng ta hãy đọc thêm vài tài liệu về Hồ Chí Minh:
Trong tờ Les Collections de L’Histoire, số 23, Avril-Juin 2004, một tuyển tập về “Indochine Vietnam: Colonisation, Guerres et Communisme”, có bài Con Người trở thành Hồ Chí Minh (L’Homme Qui Devint Ho Chi Minh) của Pierre Brocheux, Giáo sư Diễn giảng danh dự tại Đại học Denis- Diderot, Paris-VII. Chúng ta sẽ thấy trong đó có vài chi tiết để chúng ta hiểu hơn về Hồ Chí Minh.
Đối với Nguyễn Ái Quốc, chủ thuyết Marx-Lenin đã đưa ra những cách thức hành động, như là ông đã giảng giải nhiều năm sau: “Chúng ta phải hiểu rằng giành độc lập ra khỏi tay một cường quốc như Pháp là một nhiệm vụ rất khó khăn, người ta không thể hoàn thành mà không có một sự viện trợ từ bên ngoài. Chúng ta lấy lại độc lập bằng sự tổ chức và tự khép mình vào kỷ luật. Chúng ta cũng còn cần đến một lòng tin, một phúc âm, một sự phân tích thực tiễn, có thể nói đến như là một thánh kinh. Chủ thuyết Marx-Lenin đã cung cấp cho tôi đường lối hành động này”.
Thực ra thì có lẽ Hồ Chí Minh muốn nói đến những luận đề về Những vấn đề Dân tộc và Thuộc địa của Lenin đưa ra trong Đại hội II của Quốc tế Cộng sản vào năm 1920 để nghị thảo mà ông biết đến trong Đệ Tam Quốc tế. Chúng ta đã biết, chính ông Hồ Chí Minh đã thành thực công nhận là mới đầu ông không hiểu hết những từ và ý tưởng chính trị khó hiểu trong bản văn trên, nhưng rồi đọc đi đọc lại ông mới thấm và hiểu rõ, và ý thức được là những luận đề này đã giúp cho ông thấy con đường thích hợp nhất để cứu nước, giải phóng dân tộc khỏi ách thuộc địa, thực dân.
Chúng ta hãy đọc tiếp vài đoạn khác của Giáo sư Brocheux. Trước hết là một tài liệu trích dẫn từ một tài liệu trong văn khố của Liên Xô, mới được sử gia Alain Ruscio phổ biến năm 1990, trang 34-36:
“Năm 1934, Nguyễn Ái Quốc (Hồ Chí Minh) trở lại Moscou. Stalin đã nắm chắc quyền lực, và những cuộc thanh trừng lớn bắt đầu năm 1937. Dường như ông sẽ là nạn nhân, vì từ ngày trở lại Moscou, ông không được tin cậy để giao phó cho một trách nhiệm nào. Không còn nghi ngờ gì nữa người ta đã trách cứ là ông ngả về tinh thần dân tộc trong cuộc chiến đấu chống thực dân thay vì tinh thần cách mạng quốc tế vô sản”.
“Về vấn đề này, Hồ Chí Minh đã bày tỏ quan điểm của mình từ năm 1924. Được huấn luyện về cách mạng và chủ thuyết Marx bởi phương Tây, tuy nhiên ông đã nhìn theo đặc tính Á Đông: “Cuộc đấu tranh giai cấp ở phương Đông không giống như ở phương Tây. Marx đã xây dựng lý thuyết của mình trên một căn bản triết lý nào đó của lịch sử. Nhưng là lịch sử nào? Đó là lịch sử châu Âu. Nhưng châu Âu là gì? Không phải là tất cả nhân loại”.
Trong cuốn The Vietnam War Almanac, General Editor: John S. Bowman, Barnes & Noble Books, NY, 2005, trang 493, cũng có viết:
“Ông Hồ Chí Minh ít quan tâm đến những chi tiết tế nhị của chủ thuyết Mao và Lenin; thiên tài của ông là về hành động chính trị, và lý tưởng của ông có thể khá co giãn chừng nào mà nó đưa tới mục đích đã ám ảnh ông: Nền độc lập và thống nhất của Việt Nam”.
Trong cuốn Cracks In The Empire, South End Press, Boston, 1981, Paul Joseph, Giáo sư Xã hội học, Đại học Tufts, viết, trang 83:
“Dù rằng thiếu bằng chứng, Washington tiếp tục cho rằng cuộc đấu tranh chống Pháp (ở Việt Nam) là do sự chỉ đạo từ Liên bang Xô Viết. Thí dụ, trong bức công điện gửi cho Thủ tướng (Pháp) Ramadier, đại sứ Mỹ vẫn sai lầm cho rằng Việt Minh là một phong trào mà “triết lý và tổ chức chính trị đều phát khởi và bị kiểm soát bởi điện Kremlin”. Tuy vậy, tình báo Mỹ đã cố gắng, và thất bại, để kiếm ra bằng chứng là có mối liên hệ kiểm soát giữa Moscou và Hồ Chí Minh. Một công điện của Bộ Ngoại giao gửi cho đại sứ Mỹ ở Trung Quốc viết: “Bộ không có bằng chứng nào về sự nối kết trực tiếp giữa Hồ Chí Minh và Moscou nhưng vẫn cho rằng có”.
Trên đây chỉ là vài tài liệu trong số hàng trăm tài liệu khác có những nhận định tương tự rải rác trong những cuốn sách mà tôi đã đọc. Lẽ dĩ nhiên, tôi không thể nào trích dẫn tất cả những nhận định ấy trong phạm vi một bài viết như thế này. Điều này, đòi hỏi nhiều thời gian và thích hợp trong một cuốn sách viết về Hồ Chí Minh hơn.
Nhưng qua những tài liệu trên, chúng ta có thể thấy rằng ông không phải là tay sai của Liên Xô và Trung Quốc như một số người có đầu mà không có óc cố tình lên án ông là tay sai của Đệ Tam Quốc tế, hay tệ hơn nữa là “điệp viên của Cộng sản Quốc tế” (Minh Võ). Họ không hề biết quan điểm chính trị của Hồ Chí Minh đối với Liên Xô và Trung Quốc. Ông đã khôn khéo từ chối không nhận đề nghị của Liên Xô cũng như Trung Quốc gửi quân tình nguyện vào đánh giúp.
Chúng ta hãy đọc một đoạn trong cuốn Ho Chi Minh của Jules Archer, Chương 9: “Giữa con gấu Nga và con rồng Trung Quốc” (Between Russian Bear and Chinese Dragon), trang 109:
“Đến Bắc Kinh dự lễ kỷ niệm 10 năm Cách mạng Trung Quốc, Hồ Chí Minh cẩn thận đứng giữa Mao Trạch Đông và đại diện của Liên Xô, Miklai Suslov. Trong những cuộc đàm phán riêng, Hồ Chí Minh đã thành công lấy được sự hứa hẹn của cả Bắc Kinh lẫn Moscou để tăng gia giúp thêm vũ khí và viện trợ dân sự, nhưng khôn khéo từ chối những đề nghị gửi quân tình nguyện hay cố vấn quân sự đến Việt Nam. Ông Hồ Chí Minh biết rõ là nếu để cho con gấu Nga hay con rồng Trung Hoa được đặt chân vào cửa ngõ Hà Nội thì dần dần cửa ngõ này sẽ bị cưỡng bách mở rộng ra cho đến khi Bắc Việt mất đi nền độc lập và trở thành một quốc gia bị chiếm”.
Lời kết cho chính bản thân tôi và nhiều người
Cuối cùng, vị thế của Hồ Chí Minh đối với dân tộc Việt Nam ra sao? Chúng ta đã biết, Wilfred Burchett đã nhận định ở trên:
Hồ Chí Minh là của toàn thể dân tộc Việt Nam. Không có một lằn ranh giới nào ở vĩ tuyến 17 có thể làm cho người dân miền Nam xa lìa Hồ Chí Minh dù rằng thủ đô được đặt ở miền Bắc. Hồ Chí Minh đã được chấp nhận là lãnh tụ và là nguồn cảm hứng cho mọi người Việt Nam – trừ số người đã lần lượt phục vụ những quan thầy Nhật, Pháp, rồi Mỹ.
Nhận định này đúng hay sai? Có lẽ câu trả lời thiết thực nhất là của Hoàng Xuân Ba trong bài Hai câu chuyện hoàn toàn trung thực, mới đây, đăng trên Đàn Chim Việt:
Chuyện thứ nhất: Lá cờ đỏ sao vàng trên mạng
Trưa 2-9-2006, ngày Quốc khánh của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đang nói chuyện với một người bạn Việt kiều trên Yahoo Messenger (YM), tôi bất ngờ nhận được thông điệp của một người bạn trẻ Việt Nam: “Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta”, kèm theo đó là lời kêu gọi hãy thay đổi avatar (hình ảnh đại diện) trên YM bằng lá cờ đỏ sao vàng, lá cờ biểu trưng cho Đảng Cộng sản Việt Nam. Nhìn lại danh sách nickname của mình trên YM, tôi thấy rất đông các bạn trẻ thay đổi avatar bằng hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng.
Sáng nay, 4-9-2006, báo Tuổi Trẻ đăng bài: “Mừng Quốc khánh trên mạng”. Trong bài viết này, tác giả mô tả lại hình ảnh nhà nhà treo cờ, người người treo cờ trên mạng: “Lần đầu tiên, cư dân trên mạng đón lễ Quốc khánh hoành tráng bằng cách đưa hình ảnh lá cờ Tổ quốc lên mạng trang trọng trên các blog (nhật ký cá nhân trên mạng) và trên avatar trong công cụ chat YM của mình trong ngày 2-9. Và ngày 3-9, tất cả đều đồng loạt thay vào đó là chân dung của Bác Hồ”.
Chuyện thứ hai: Lăng ông Hồ Chí Minh
Tôi đã có dịp gặp gỡ trên mạng với bạn đọc của DCVOnline gần đây qua bài Tản mạn về xã hội chủ nghĩa ở Hà Nội, đăng ngày 31-8-2006 (với hàng chục ý kiến khác nhau). Cũng dịp công tác này, tôi tranh thủ được một thời gian ngắn để ghé thăm lăng Hồ Chí Minh với mục đích tìm hiểu xem thái độ, tình cảm của người dân Việt Nam và nhất là người dân Hà Nội đối với ông ra sao. Điều làm tôi thật bất ngờ là có rất nhiều người đến viếng thăm lăng ông, các đoàn viếng lăng vào ra tấp nập. Để vào thăm lăng của ông, tôi được một anh bảo vệ cầm loa phóng thanh bắt phải đứng xếp vào hai hàng dọc, rồi theo đó vào lăng.
Quả thật, tôi cảm nhận được sự trang nghiêm của lăng mộ Hồ Chí Minh và cả sự sùng bái của những người dân bình thường viếng thăm lăng. Một cách tự động, tất cả mọi người đều kính cẩn, nghiêm trang khi đi ngang qua thi hài ông được đặt trong một cái hòm rất rộng, bốn bên là kính trong suốt. Trông ông không giống như những bức hình chụp mà tôi từng thấy, khuôn mặt trông vẫn còn rất tươi tắn, hồng hào.

Hàng đoàn người xếp hàng chờ vào viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh dưới mưa - Ảnh: TTO Báo chí Việt Nam sáng 4-9-2006 đều đồng loạt đăng tin về việc có hàng vạn người đến viếng thăm lăng Hồ Chí Minh. Báo Tuổi Trẻ viết: “Sáng 2-9, đoàn người vào lăng viếng Bác dài ra tận hai phía trên phố Ngọc Hà và Hùng Vương. Đông nhất là các đoàn học sinh và người già từ các tỉnh Thái Nguyên, Hà Tây. Còn có rất nhiều đoàn đến từ tỉnh xa như Cao Bằng, Nghệ An, Quảng Trị, Bình Phước… Có nhiều người nước ngoài cũng đứng trong đoàn người, từng bước vào lăng. Khu vực quảng trường trước lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc nào cũng đông kín người”.
Một thông tin đáng chú ý đó là thiếu tướng Đào Hữu Nghĩa, Trưởng Ban quản lý lăng kiêm Tư lệnh Bộ Tư lệnh bảo vệ lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh cho biết, đến hết buổi viếng ngày 2-9 chỉ khoảng 25.000 lượt người được vào viếng lăng ông, số còn lại đành phải chờ đến hôm sau. Tôi tin rằng, con số trên rất thật bởi vì tôi đã được tận mắt chứng kiến dòng người xếp hàng dài vào viếng lăng Hồ Chí Minh, không nhất thiết phải do cơ quan hay các hội đoàn tổ chức…
Duiker cũng viết, trang 566: “Mỗi tuần có hơn 15.000 người đến viếng thăm Lăng ông Hồ Chí Minh”.
Tại sao ngày nay người dân Việt Nam vẫn còn kính trọng và ngưỡng mộ Hồ Chí Minh, tuy rằng trên diễn đàn truyền thông hải ngoại có cả một chiến dịch để xóa bỏ “thần tượng Hồ Chí Minh”? Lý do rất dễ hiểu là phần lớn những điều viết về Hồ Chí Minh của giới chống Cộng là sai lầm, là vô căn cứ, bắt nguồn từ lòng thù hận một chiều của những người gọi là “Quốc Gia”, chứ không đặt trên những sự thật và sự kiện lịch sử.

Vài nét về tác giả
Sinh năm 1931 tại Hà Nội.
1952: Tốt nghiệp trường Sĩ Quan Trừ Bị Nam Định với cấp bậc Thiếu úy.
1956: Xin giải ngũ.
1957: Quy Y Tam Bảo, chùa Văn Thánh, Thị Nghè, Thượng tọa Tuệ Đăng chứng minh.
1962: Cử nhân Giáo khoa Khoa học, Khoa học Đại học Sài Gòn.
1962: Bị gọi tái ngũ.
1962-1965: Trưởng Khoa Khoa học (Vật lý và Hóa học), Văn Hóa Vụ, Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt. Đồng thời dạy thực tập Vật lý ở Đại học Đà Lạt.
1965: Giải ngũ.
1965-1967: Giảng Nghiệm Viên, Ban Vật lý, Khoa học Đại học Sài Gòn.
1967: Được học bổng đi Mỹ học về ngành Vật lý ở Đại học Wisconsin - Madison.
1972: Tốt nghiệp Ph.D., Vật lý, Đại học Wisconsin - Madison.
1972-1975: Giảng sư, Ban Vật lý, Khoa học Đại học Sài Gòn.
1975-1977: Nghiên cứu sinh Sau Tiến sĩ, Khoa Vật lý, Trường Đại học Wisconsin-Madison.
1977-1996: Giám đốc Phòng thí nghiệm Phân tích Bề mặt, Trung tâm Vật liệu, Trường Đại học Wisconsin-Madison. Hướng dẫn nghiên cứu trong lĩnh vực Phân tích Bề mặt bằng cách sử dụng các kỹ thuật mới…
1989: Tháng 11: Được mời sang Singapore làm Cố vấn Kỹ thuật ở SISIR (Singapore Institute of Standards and Industrial Research)
1996 - đến nay: Về hưu. Nghiên cứu Đạo Phật, Công Giáo, Lịch sử.
TRẦN CHUNG NGỌC
(Wisconsin – Hoa Kỳ)
Theo Tạp chí Hồn Việt

 
Mục Đồng sưu tầm từ:
http://www.tuoitre.com.vn/tianyon/Index.aspx?ArticleID=338132&ChannelID=410
<bài viết được chỉnh sửa lúc 26.12.2009 20:46:35 bởi Mục Đồng >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9