nhánh lan rừng_27
-
Số bài
:
69
-
Điểm thưởng
:
0
- Từ: 03.04.2009
- Nơi: Điện Biên < - > Thanh Hoá
|
Tổng quan vấn đề nghiên cứu Cánh kiến đỏ
-
29.12.2009 14:56:00
TỔNG QUAN VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU CÁNH KIẾN ĐỎ --------------------------------------------------------------------- T/giả: Trần Tâm 1. Lịch sử sản xuất cánh kiến đỏ Sản phẩm nhựa cánh kiến đỏ ( Shellac ) được xếp vào mặt hàng “ Lâm, thổ sản ” quý hiếm của không chỉ ở nước ta mà còn đối với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Được dùng nhiều trong công nghiệp Vecni, sơn cách điện cao cấp cho máy bay, đồ điện tử, những sản phẩm có khả năng chịu nhiệt cao, chịu axít, chịu tác động khắc nghiệt của môi trường, dùng trong mỹ phẩm, dược phẩm, sản xuất nilon tự hủy,... Từ ngày xưa đến nay, nghề nuôi thả và chế biến cánh kiến đã trở thành một thương hiệu lớn của các nước Nam Á – Châu Á. Các nước sản xuất cánh kiến đỏ lớn hiện nay trên thế giới hiện nay là: Ấn Độ, Việt Nam, Thái Lan, Trung Quốc,... Trong đó, Ấn độ và Thái Lan là hai nước có tiềm năng sản xuất nhựa nhiều nhất, sản lượng nhựa cánh kiến của hai nước này chiếm tới 80 – 90% sản lượng nhựa của toàn thế giới. Trong thời gian giữa hai năm 1956, 1957 riêng Ấn Độ đã xuất cảng đến 43.000 tấn nhựa cánh kiến. Còn thời gian trong giữa hai năm 1995 và 1996, Ấn Độ cũng xuất cảng được gần 9.000 tấn nhựa cánh kiến. Ở việt Nam, nhựa cánh kiến đỏ được sử dụng từ lâu đời làm chất nhuộm các tấm vải, nhuộm răng cho phụ nữ,... Theo nhiều tài liệu nghiên cứu ( Lê Văn Giai - 1976 ) cho thấy, việc sử dụng nhựa cánh kiến trong cuộc sống xuất hiện ở nước ta cách đây khoảng hơn 300 năm. Những năm 70, 80 của thế kỷ XX, Nhà nước ta đã đầu tư phát triển hàng loạt các Lâm trường Quốc doanh trồng rừng nuôi thả cánh kiến và sản phẩm nhựa cánh kiến đỏ là mặt hàng xuất khẩu giữ vị trí quan trọng của Việt Nam sang thị trường Liên Xô. Những Lâm trường điển hình trong thời gian này là: Lâm trường Mường Lát – Thanh Hóa, Lâm trường Tương Dương, Kỳ Sơn – Nghệ An, Lâm trường Mai Châu – Hòa Bình, Lâm trường Đặc Sản – Điện Biên, .... Từ năm 2000 đến nay, nhu cầu thị trường nhựa cánh kiến đỏ nước ta có xu hướng tăng lên. Nhiều người đã thu gom cánh kiến đỏ cung cấp cho các cơ sở chế biến trong nước và xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc theo đường tiểu ngạch. Năm 2006 tỉnh Điện Biên đã sản xuất và bán được 130 tấn, chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Giá bán nhựa thô cánh kiến ở các địa phương lên xuống thất thường từng năm. Tại Hà Nội tăng từ 7.000 đồng/kg ( Năm 2000 ) lên 55.000 đồng/kg ( Năm 2006 ). Tại huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa giá cánh kiến đỏ tăng từ 5.000 đồng/kg ( Năm 2000 ) lên 35.000 đồng/kg ( Tháng 2 năm 2007 ). Còn tại huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên giá bán hiện nay dao động từ 19.000 – 20.000 đồng/kg ( Tháng 11 năm 2009 ). Giá bán nhựa cánh kiến và thị trường tiêu thụ không ổn định tạo tâm lý không tốt cho người trồng cũng như sản xuất cánh kiến nước ta hiện nay, người dân vẫn chưa yên tâm phát triển nghề. 2. Các công trình nghiên cứu về cánh kiến đỏ 2.1. Trên thế giới Là nước có lịch sử phát triển nghề nuôi thả và chế biến nhựa cánh kiến lâu đời nhất thế giới, Ấn Độ là nước đầu tiên trên thế giới thành lập được “ Viện nghiên cứu cánh kiến đỏ - Năm 1925 ”. Sự ra đời của viện đánh dấu sự phát triển vượt bậc cũng như góp phần thúc đẩy việc nghiên cứu về cánh kiến đỏ của Quốc gia này nói riêng và của cả thế giới. Theo thống kê của viện này cho đến năm 1983, có đến 4000 tài liệu được công bố về rệp cánh kiến đỏ, cây chủ, kỹ thuật nuôi thả và phòng trừ sâu bệnh hại. Những tác giã đầu tiên nghiên cứu về cánh kiến đỏ trên thế giới phải kể đến là: Tachard ( 1709 ), Kerr ( 1781 ), Mirsa ( 1929 ), P.S.Teotia và Majundar ( 1967 ), G.P Luxikhia ( 1968 ),... Nghiên cứu cánh kiến là một đề tài rất rộng, nó bao gồm nhiều nội dung và khía cạnh khác nhau vì vậy đối với từng nội dung cụ thể mà có những công trình với những mục tiêu nghiên cứu khác nhau. Những khía cạnh chủ yếu mà các nhà khoa học quan tâm khi nghiên cứu là: Tính năng, tác dụng và ứng dụng của nhựa cánh kiến đỏ; Đặc điểm sinh thái – sinh vật học; Sâu bệnh hại và cây chủ thả cánh kiến; Sự phân bố và kỹ thuật nhân giống các loài cây chủ thả cánh kiến. Cụ thể như sau: *) Nghiên cứu về cây chủ và kỹ thuật nuôi thả cánh kiến đỏ có nhiều tác giả quan tâm nghiên cứu: Tại Ấn Độ có các tác giả: Nisra ( 1929 ), Nirit ( 1937 ), Singh ( 1956 ), Nel.Ronwal và N.B.Raizada ( 1958 ),... Hầu hết các tác giả đã đi sâu nghiên cứu các biện pháp chọn giống, bảo tồn, biện pháp giữ và nâng cao sản lượng giống tại Ấn Độ. Theo các tác giả thì: “ Một trong những nhân tố chính làm cản trở việc giữ vững sản xuất cánh kiến đỏ tại Ấn Độ là thiếu tổ giống, nhất là vào vụ mất mùa kiệt. Hiện tượng này thường do các trận mưa kéo dài và nóng ắc liệt của mùa hè ”. Nirit ( 1937 ) đã nghiên cứu thử nghiệm biện pháp giữ giống và nâng cao sản lượng ở vụ mùa hè trên các loài cây Táo dại và Riềng riềng. Lassan ( 1936 ) đã nghiên cứu về khả năng lựa chọn thức ăn của cây chủ và tương quan giữa lượng thức ăn của cây chủ và tương quan giữa lượng thức ăn bón cho cây chủ với sản lượng cánh kiến đỏ có trên cây, nhằm nâng cao năng suất cánh kiến đỏ. *) Nghiên cứu về đặc điểm sinh vật học, sinh thái học cũng có những công trình và tác giả nghiên cứu quan trọng như: Mirsa ( 1929 ), P.M Glover ( 1932 ) đã nghiên cứu ảnh hưởng của nhiệt độ, độ ẩm đến sinh trưởng và phát triển của cánh kiến đỏ. Các tác giả đã khẳng định: Mùa hè, nhiệt độ dưới 17oC và mùa đông nhiệt độ dưới 150C thì con cái không đẻ trứng. Độ ẩm tương đối của không khí từ 50 – 90% là điều kiện cần thiết đối với đời sống của cánh kiến đỏ. Tác giả R.Majumdar và A.Bhattacharya ( 1968 ) thì cho rằng: Ảnh hưởng của khí hậu không chỉ tác động trực tiếp đến sự tồn tại và phát triển của một thế hệ mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến 2 – 3 thế hệ sau thông qua quá trình sinh sản của chúng. *) Nghiên cứu sự biến động của quần thể và nguyên nhân chính gây ra hiện tượng mất màu các tác giả: Mirsa, Glover ( 1932 ), Mahdi hasan ( 1933 ), Haumdar và Bhattacharya ( 1968 ) đã có những đóng góp quan trọng. *) Những nghiên cứu về tính năng tác dụng của nhựa cánh kiến đỏ đã chỉ ra rằng: Nhựa cánh kiến đỏ là một hợp chất trong đó chất nhựa chiếm nhiều nhất từ 70 – 80%; Chất màu chiếm từ 5 – 7%; Chất sáp chiếm từ 3 – 5%; Các chất đường, muối khoáng, protein chiếm khoảng 4 – 5% còn lại là các tạp chất. *) Nghiên cứu về Sâu bệnh hại cánh kiến đỏ có các tác giả: Moore ( 1887 ), Meyrick ( 1907 ) đã phát hiện ra hai loài sâu chính là Eublemma amabilis và Holcocera pulvera. Đến nay các tác giả đã phát hiện ra: 29 loài gây hại cho rệp cánh kiến đỏ, trong đó 24 loài côn trùng và 5 loài động vật có xương sống. Hầu hết các công trình nghiên cứu đưa ra các giải pháp phòng trừ là chính. Các biện pháp phòng trừ được các tác giả đưa ra là: Biện pháp chăm sóc cải tạo cây chủ ( Chọn giống cải tạo tán, tỉa thưa và bón phân ), tuyển giống rệp tốt, thu bã giống kịp thời, diệt trừ nguồn gốc gây hại ngay từ tổ giống. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu còn đưa ra một số loại hóa chất như: Malathion, DDT, Metyl parathion,... giúp tiêu diệt sâu bệnh hại cho rệp cánh kiến có hiệu quả. 2.2. Ở Việt Nam Ở Việt Nam, Các công trình nghiên cứu đầu tiên được xuất bản vào năm 1960 của các tác giả: Thái Văn Trừng, Nguyễn Đức Khảm ( 1976 ), Đặng Văn A và Hà Văn Thi ( 1978 ); Nguyễn Đức Khảm và Đặng Văn A ( 1970 – 1985 ) đã nghiên cứu sự phát triển bên ngoài tổ nhựa ( Điểm vàng, vết nứt tổ và hình thái sợi sáp ) liên hệ với thời gian phát triển của phôi, làm cơ sở cho việc dự đoán thời gian thiếu trùng nở. Các tác giả: Phùng Tiến Huy, Lương Gia Thụy, Thân Văn Cảnh ( 1968 – 1985 ) đã nghiên cứu kỹ thuật tạo cây chủ, gieo ươm và trồng rừng cây chủ thả cánh kiến đỏ như Cọ phèn, cọ khiết, đậu thiều. Tiến sĩ Thái Văn Trừng cùng các cộng sự đã có những công trình ngiên cứu về cánh kiến đỏ tại huyện Ngọc Lạc – tỉnh Thanh Hóa ( Năm 1971 – 1973 ) Và ở huyện Quan Hóa ( Năm 1974 – 1977 ). Tác giả Lê Văn Giai ( 1960 ) đã tổng kết một số kinh nghiệm sản xuất cánh kiến đỏ. Kỹ thuật buộc giống, định lượng thả, kỹ thuật thả được Đặng Văn A ( 1976 – 1985 ) nghiên cứu và đưa vào áp dụng tại các Lâm trường sản xuất cánh kiến đỏ lúc bấy giờ. Các tác giả: Ngô Huấn Kỷ ( 1961 ), Vũ Văn Hon ( 1987 ) đã biên soạn tài liệu thống kê được 10 loài cây chủ thả cánh kiến đỏ ở khu vực Đông Nam Á. Theo Vũ Đức sinh ( 1956 ) đã thống kê được hơn 200 loài cây có khả năng cho rệp cánh kiến đỏ ký sinh và phát triển. Nghiên cứu về sâu bệnh hại cánh kiến đỏ ở nước ta được các tác giả quan tâm từ những năm 1970: Lê Thị Phi đã nghiên cứu về quần xã sinh vật sống ở trên tổ nhựa cánh kiến đỏ và thu được 22 loài. Theo Lê Nam Hùng ( 1973 – 1985 ) ở Lương Sơn – Hòa Bình có 5 thế hệ Eublemma amabilis trong một năm, tác giả cũng đề xuất các biện pháp phòng trừ. Theo Đặng văn A và Hà Văn Thi ( 1985 ) tại Thanh Hóa và Nghệ An có 5 lứa bướm trắng/năm. Tác giả Lê Thị Phi và Thân Đức Nhả ( 1985 ) đã nghiên cứu các biện pháp phòng trừ bằng sinh học và cũng đã thử độ mẫn cảm của Eublemma amabilis đối với chế phẩm Bacterin do công ty kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh sản xuất. Kết quả cho thấy: 100% sâu chết sau khi phun chế phẩm này ở nồng độ 0,5%. Tóm lại, hầu hết các công trình nghiên cứu về cánh kiến đỏ của các nhà khoa học Việt Nam từ trước đến nay chủ yếu tập trung nghiên cứu về đặc điểm sinh thái – sinh vật học của cây chủ, kỹ thuật trồng cây chủ và thả cánh kiến, sự phân bố và thống kê số lượng các loài cây chủ thả cánh kiến. Các công trình nghiên cứu về các loại sâu bệnh hại và biện pháp phòng trừ chưa có công trình lớn và ứng dụng thực tiễn rộng khắp ở các địa phương.
<bài viết được chỉnh sửa lúc 22.04.2010 15:19:38 bởi nhánh lan rừng_27 >
Thơ tôi viết vốn chẳng hay Dăm vần lục bát giải bày tâm tư... -----------------------------------------
|