Vấn đề phát triển loài cây cọ khiết
nhánh lan rừng_27 29.12.2009 14:48:00 (permalink)
VẤN ĐỀ PHÁT TRIỂN CÂY CỌ KHIẾT
Ở HUYỆN MƯỜNG CHÀ – TỈNH ĐIỆN BIÊN
-----------------------------------------------------------------------------------------------------------------
                                                                Ngày 29.12.2009
                                                 T/g: Trần Tâm 
       Địa chỉ: Ban Quản lý Rừng Phòng Hộ Huyện Mường Chà, Tỉnh Điện Biên.



            Được sự ưu đãi của thiên nhiên, Việt Nam được coi là một trong những đất nước nhiệt đới giàu có về các nguồn tài nguyên và có tính đa dạng sinh học cao vào bậc nhất thế giới. Sự giàu có ấy chủ yếu thể hiện ở hai hệ sinh thái lớn đó là rừng và biển mà từ xưa, ông cha ta thường nói: “ Rừng vàng, Biển bạc ”. Rừng có ý nghĩa to lớn trong quốc tế dân sinh, rừng là kho chứa những tài nguyên sinh vật, những nguồn gen và các hệ sinh thái vô giá của cả nhân loại, là lá phổi của trái đất, là môi trường sống của tất cả chúng ta.
          Những năm gần đây, dưới sức ép của sự gia tăng dân số, nạn di cư tự do, tập tục phá rừng làm nương rẫy của đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao, do chính sách kinh tế trong giai đoạn mới phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng,... Đặc biệt là nạn khai thác ồ ạt, quá mức và việc sử dụng các nguồn tài nguyên bừa bãi, không bền vững đã làm cho các nguồn TNTN cạn kiệt. Tính đa dạng sinh học bị suy thoái trầm trọng, nhiều loài Động – Thực vật quý hiếm giờ đây chỉ còn tồn tại trong sách vở và tài liệu. Theo thống kê của Cục Kiểm Lâm, chỉ tính từ năm 1991 đến tháng 10/2008 nguồn tài nguyên “ Rừng Vàng ” của nước ta đã bị mất 399.118 ha, bình quân mất 57.019 ha/năm. Nhận thức rõ vai trò và ý nghĩa to lớn của rừng cũng như tình trạng rừng ngày một suy giảm hiện nay, Đảng, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp & PTNN cùng toàn thể cộng đồng đã sớm có những hành động để bảo vệ và phát triển rừng.
             Song song với chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên và ban hành các bộ luật trong lĩnh vực lâm  nghiệp như: Luật bảo vệ và phát triển rừng ( Sửa đổi năm 2004 ); Quy định về Đa dạng sinh học; Tham gia Công ước Cites, Nghị định thư Kyoto;... Ban hành nhiều cơ chế QLBV rừng như: Quyết định 245/1998/QQĐ- TTg ngày 25/11/1998 quy định trách nhiệm quản lý nhà nước của các cấp về rừng và đất lâm nghiệp; Quyết định số 187/1999/QĐ- TTg về việc đổi mới tổ chức và cơ chế quản lý Lâm trường quốc doanh; Quyết định số 178/2001/QĐ- TTg ngày 12/01/2001, chính sách về quyền hưởng lợi của chủ rừng và người nhận khoán bảo vệ rừng;...Thì việc triển khai thực hiện những chương trình, dự án trọng điểm quốc gia như: Chương trình 327, chương trình 661 làm cho diện tích rừng tăng lên nhanh chóng do khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh tự nhiên và trồng mới những năm qua luôn cao hơn diện tích rừng bị suy giảm ( Theo số liệu của Tổng cục Thống kê: Diện tích rừng trồng tập trung cả nước 05 tháng đầu năm 2009 ước đạt 45,8 nghìn ha; Số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 89,5 triệu cây ).
            Việc xác định chủng loại và cơ cấu cây trồng rừng, đặc biệt là các loài cây có giá trị về nhiều mặt, có đặc tính sinh thái phù hợp với điều kiện lập địa, được ưu tiên gây trồng trên diện tích rộng là một vấn đề rất quan trọng, được chủ dự án trồng rừng ở các tỉnh hết sức quan tâm. Trong “ Hội thảo Quốc gia về loài cây ưu tiên trong trồng rừng ”, diễn ra hai ngày từ 7- 8/9/2000 tại Hà Nội do Bộ Nông nghiệp & PTNT phối hợp với Công ty giống Lâm nghiệp Trung ương tổ chức, đã đưa ra: Danh mục các loài cây trồng rừng tại các vùng lâm nghiệp với 192 loài, danh mục các loài cây ưu tiên cho trồng rừng trong toàn quốc với 57 loài và Danh mục các loài cây ưu tiên cho bảo tồn với 63 loài. Điều này có ý nghĩa to lớn trong quá trình triển khai, thực hiện Dự án trồng mới 5 triệu ha trên toàn quốc.
              Cây Cọ Khiết ( Có tên khoa học: Dalbergia Hupeana - Thuộc họ: Leguminoseae ) là loài cây họ đậu bản địa của tỉnh Điện Biên, chủ yếu phân bố tự nhiên tại các xã: Sa Lông, Ma Thì Hồ, Huổi Lèng, Hừa Ngài,... huyện Mường Chà. Đây là loài cây được ngoài dân địa phương gây trồng làm cây chủ thả cánh kiến đỏ, phát triển ngành Lâm sản ngoài gỗ từ lâu đời. Đây cũng là loài cây được Sở Nông nghiệp & PTNT Tỉnh Điện Biên, Chi cục Lâm nghiệp tỉnh Điện Biên chọn là loài cây trong thiết kế trồng rừng sản xuất, trồng rừng phòng hộ cho Dự án QHPT rừng phòng hộ Nậm Mức huyện Mường Chà và Sông Đà Thị xã Mường Lay.
                 Là một loài dễ gây trồng, Cọ Khiết có thể nhân giống bằng cách gieo hạt và giâm hom cành rễ, sinh trưởng và phát triển nhanh. Nhưng trong những năm gần đây do thị trường tiêu thụ cánh kiến đỏ mất giá, làm tâm lý người sản xuất chán nản, không còn quan tâm đến ngành nghề truyền thống. Diện tích rừng Cọ Khiết bị thu hẹp nhanh chóng do người dân địa phương chuyển đổi loài cây trồng và sử dụng vào nhiều mục đích khác.
                   Loài cây Cọ Khiết hiện nay đang được Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh Điện Biên, Chi Cục Lâm Ngiệp tỉnh Điên Biên chú trọng, quan tâm lựa chọn là loài cây trong quy hoạch thiết kế trồng rừng sản xuất và phòng hộ của chương trình 661, dự án trọng điểm của Quốc Gia. Điều đó mở ra cơ hội tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện quy trình kỹ thuật công tác nhân giống, trồng và chăm sóc loài cây này. Đó cũng là cơ hội cũng như thách thức trong việc thúc đẩy sự phát triển của nghề nuôi thả cánh kiến đỏ truyền thống của huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên./.        
 
<bài viết được chỉnh sửa lúc 22.04.2010 15:14:05 bởi nhánh lan rừng_27 >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2025 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9