Gửi chùm 5 truyện ngắn mini
Ngọc Châu 05.01.2010 09:11:49 (permalink)
Ngọc Châu post lên VNTQ 5 truyẹn ngắn mini (4 trong số này đã đăng ở Tạp chí Văn nghệ Công nhân (của Tổng Liên đoàn Lao động VN). Do Upload chờ quá lâu nên past luôn vào thư dưới đây:
TU NGHIỆP
 
 
          Cảm nhận được sự  may mắn vì có quí nhân phù trợ trên bước đường hoạn lộ, gặp ngày sóc quan Thượng Thư cố sắp xếp để dâng nhang  trước các bậc thánh hiền nơi Văn Miếu. Ngài nhồi phong bao vào thùng công đức. Khấn khứa các đức Khổng tử, Mạnh tử.. cầu mong cho công cuộc cách tân của mình đuợc truờng tồn. Đứng truớc các thánh nhân của thời xưa ngài cảm thấy có hào khí ở trong lòng vì các vị thánh hiền đều đã "tử" rồi mà mình thì đang "sinh".
          Sinh ra rất phùng thời vì đặc trưng của ngài là ưa cách tân, lại có đức kiên trì học tập đến cùng "Học, học nữa, học mãi!" theo giáo huấn của thánh nhân. Xưa nay, người cách tân thường phải là những vĩ nhân mà cũng chỉ những vĩ nhân mới dám nói chuyện đổi mới. Lương Khải Siêu, Vương An Thạch, Hồ Quý Ly.. , thoáng trong đầu quan Thượng Thư  những cao danh của người xưa. Hãnh diện vì điều ấy, sau lễ dâng hương ngài đi bách bộ trên con đuờng rải sỏi quanh Văn Miếu, suy ngẫm, suy ngẫm.
          Ngài chê Tần Thuỷ Hoàng Đế vì khi muốn thay cái cũ, Hoàng Đế này đã phải đốt sách và chôn bớt học trò. Thế là kém, ngài lắc đầu, vẻ chê bai hiện rõ. Học trò thì càng đông càng tốt. Quốc gia đông người đi học mới là một quốc gia văn minh, vả lại phú ông cho con đi học sẵn sàng nuôi chục ông thày, còn đám áo rách thì chục đứa cũng nuôi chưa nổi nửa ông thày. Vậy nên phải đông học trò, dốt cũng chẳng sao, ngồi nhầm lớp cũng đuợc. Học trò nó ngồi nhầm lớp đâu đáng ngại bằng việc bố chúng nó ngồi nhầm chỗ.
          Còn sách thì việc gì phải đốt. Cứ cho in ra thật nhiều, mà in làm sao để sang năm ngay con ruột của thằng đại hà tiện cũng không dám dùng lại, nếu thực lòng hắn không muốn con mình hỏng thi. Vừa cách tân vừa thêm chức  việc, tạo phúc lộc cho  đám phu tử, để khi  cần có thể nhất hô bá ứng..
          Nhưng phải có đủ độ cứng để bỏ ngoài tai những tâu cáo hàm ý chê bai của vài ba đồng liêu. Sự thanh thản trong lòng bỗng dưng chìm xuống khi ngài nhớ tới đám mũ cao áo dài khác của Triều đình. Chúng mỉa rằng trăm năm nô lệ chúng dân chỉ biết có ba thứ học là tiểu, trung với đại. Nhờ sự mạnh dạn cách tân của Thượng Thư  bộ Lễ mà ngày nay dân trí mới biết thêm những học đuờng lạ, đến đại Bách Khoa Toàn Thư do học giả cả hoàn cầu xúm nhau lập ra cũng không giải thích đuợc cho hết nghĩa, như kiểu "Học đuờng giáo dục luôn luôn". Lại còn vô khối các truờng lớp  lạ, các cuộc thi tân kì bội phần thi Hương, thi Hội, thi Đình ngày xưa, khiến sứ thần các nuớc cũng phải chắp tay bái phục.
                   Chúng nói nhờ có hiện sinh mới đuợc chứng kiến bao nhiêu chuyện lạ của thời canh tân, đuợc thấy những mụ đàn bà tiếp thu nền giáo hoá của bộ Lễ, nghĩ ra sáng kiến "gửi thông điệp" tới nhân quần bằng cách hạ chùng cạp váy, chẳng ngại việc chổng ra đuờng khoe "của" và toang toác kể một cách chi tiết, chuyện ngủ với đàn ông sướng khổ như thế nào. Lại có những đứa phô phang tính bản thiện bằng cách viết sách hoặc rủ nhau ra đuờng chửi toáng bố mẹ chúng lên, để cho thiên hạ biết hậu sinh là khả uý... 
          Mặc xác chúng nó! - Ngài cương cảm gạt khỏi đầu những phiền toái. Chốn quan truờng là thế, có tránh nó thì thời nay cũng chẳng còn chốn yên tĩnh nào mà ở ẩn. Quan vén rèm lên xe riêng để quay về với công việc hàng ngày. Hàng đống việc đang chờ bàn tay canh tân của ngài.
          Thế nhưng "Sinh ư nghệ, tử ư nghệ". Bỗng dưng quan Thượng bị miễn nhiệm truớc thời hạn. Mọi thứ đuợc trong cuộc đời ngài là do canh tân, đổi mới, thế rồi ngài cũng bị mất chính do sự canh tân đổi mới của người ta.
          Đúng là thiên hạ ngày nay còn lâu mới có sự tri ân một cách công bằng. Bao nhiêu năm ngài cúc cung tận tuỵ với canh tân, thế mà cách tân nó cách mất bệ của ngài. Ngài suốt đời lo học và bày cách kiếm bằng này bằng nọ, khi treo ấn rồi vẫn còn cố đi tu nghiệp mà Triều Đình nỡ cắt nguồn học phí.
          Mấy đồng liêu của ngài rỉ tai nhau rằng tân Thượng Thư  tuy cũng thuộc hàng đổi mới nhưng lại có tích thích đồ cổ xịn, những loại đồ cổ từ bao đời nay thiên hạ đã chép tay vào Kinh Thư như  "Canh tân phải xem cái tân mang lợi cho ai, cho nhân quần hay chỉ một ít quan trường, phu tử" và  "hiếu học không chỉ để vinh thân phì da  mà còn phải phục vụ quốc kế dân sinh". Nhưng giờ thì ngài càng mặc xác chúng nó.
          Đã khăn gói sẵn sàng sang trời Âu ở ẩn, thế mà quan còn phải phiền lòng, khi nghe thấy vị Thượng Thư cáo lão đã lâu bên láng giềng dặn dò đứa con chuẩn bị đi tu nghiệp : Tu thì ở đâu cũng tốt, nhưng đừng tu  như quan Thượng bên bộ Lễ vì  tu kiểu ấy thì chỉ tạo nghiệp .. báo cho đời sau mà thôi, con ạ...    
                                                                  
                                                                                                Ngọc Châu
 
 
                                                                  
 
 
 
 
 
R Ă N G   Đ A U
 
          Vẻ như  hắn không tin ai cả. Cộng sự, đối tác trong công việc làm ăn, thậm chí với cả vợ con.
          Mọi người nghĩ thế vì làm bất cứ việc gì cùng với hắn đều rất khó chịu. Không phải những người ấy thuộc loại cả tin hay có bụng dạ tốt lành đặc biệt gì, nhưng quả thực họ luôn  bất ngờ với việc hắn thường xuyên nghĩ xấu về người khác, thái độ cảnh giác trong mọi việc và cách đối xử tàn bạo trong mọi chuyện, kể cả những khi chẳng có lí do gì để phải tàn bạo với người  này người nọ.
          Họ cùng ăn trưa với nhau tại phòng ăn chuyên gia của một công ty liên doanh mới thành lập. Đa số là người từng trải nên không khí rất  vui vẻ dù mới quen biết nhau. Một chàng kĩ sư xây dựng vui tính kể chuyện tiếu lâm tây, hơi sex nhưng đủ độ tế nhị nên tất cả đều cuời, chỉ phái yếu có hơi đỏ mặt. Chợt có người nhận xét món canh hơi mặn,  hắn liền tham gia bằng cách kể rằng con vịt nhà hắn (đấy là cách hắn gọi vợ) nấu ăn cũng được, nhưng có bữa canh bị mặn mà hắn thì rất ghét ăn mặn.  Chuyện không hấp dẫn nên có người đã bắt đầu chuyện khác, hắn phải kể to lên "Đến bữa thứ hai tôi chẳng chê bai gì cả, cứ lẳng lặng chan canh vào bát của con vịt, hết lại chan tiếp. Mấy lần như vậy cho đến khi cạn bát canh nên sau bữa ăn cô nàng phải lén vào bếp uống nuớc sôi để nguội mấy lần. Từ đấy con vịt cạch đến già, không bao giờ dám  nấu  canh mặn nữa!"
          Cả hai mâm bàn xoay đều kinh ngạc nhìn người kể chuyện, họ tưởng hắn cũng kể chuyện hài. Nhưng đó là chuyện thực, sau càng rõ là tay này không kể chuyện hài bao giờ. Có đến mấy phút người ta ngồi lặng đi, sau cùng cô Liên văn thư  mới thầm thì vào tai chị Kế toán truởng "người như thế mà cũng có vợ con đuợc nhỉ!"
          Hắn vốn được Ban Tổ chức Chính quyền cử sang liên doanh rất đặc thù này. Không biết vì sao lại đuợc cử sang vì phía nuớc ngoài yêu cầu tất cả mọi người, cả chuyên viên đuợc cử lẫn người tuyển dụng qua "interview", đều phải giỏi tối thiểu một ngoại ngữ. Nhưng lắm công nhiều việc nên chả ai cật vấn hoặc tò mò chuyện ấy làm gì.
           Riêng hắn thì hết sức kèn cựa với những người biết ngoại ngữ. Khi chuyên gia nước ngoài trao đổi với nhóm công tác bằng tiếng Anh, dù đồng nghiệp có quan tâm dịch lại để tất cả cùng hiểu nhưng mặt hắn cứ tím ngắt, tìm cớ lảng đi chỗ khác.
          Thấy các cộng sự  mới đều giỏi giang, không dễ bắt nạt như  ở cơ quan cũ, hắn làm ra vẻ khiêm tốn, ít nói, mọi tranh cãi đều găm lại để chờ tìm yếu điểm của người ta đã. Đi kiểm kê hàng cùng tay kĩ sư  giỏi ngoại ngữ, thấy nhãn mác tiếng Anh nào  hắn cũng hỏi. Anh bạn đồng nghiệp nghĩ là hắn muốn học nên vui vẻ nói ngay, không biết là "ông bạn thân" này đang cố ghi lại những câu mình dịch. Về nhà mới dùng từ điển mày mò hàng ngày để kiểm tra xem có quả thật từ gì anh ta cũng biết không. Giả sử mà phát hiện đuợc từ sai thì hắn sẽ chọn lúc nào có lợi nhất, bất ngờ chan tương đổ mẻ vào mặt người ta, cáo buộc tội nói phét, đồ bịp v.v. 
          Do cô Liên văn thư ngồi cùng phòng với tổ chuyên viên rỉ tai, người ta mới phải dè hắn. Cô bảo truớc khi đi đâu hắn đều để một sợi tóc đánh dấu vào ngăn kéo, hoặc vào tài liệu riêng ở trên bàn để xem có ai sờ mó vào đồ đạc của hắn không. Dè chừng thì dè chừng nhưng tay kĩ sư vui tính vẫn không nhịn đuợc. Thừa lúc hắn đi vắng, anh chàng cứ nhét đại bánh bao hay quẩy ăn thừa vào những nơi hắn đánh dấu, còn đặt thêm vào mấy sợi tóc "made in Liên" chính hiệu nữa. Nhìn hắn tím mặt tức tối đi ra khỏi phòng, ai cũng phải gập người xuống bàn để nén tiếng cuời.
          Chẳng hiểu những chuyện đó làm lợi gì cho hắn. Thậm chí có người còn thấy tội nghiệp. Hắn đúng là một "quái thai" như những người xung quanh nhận xét,  một quái thai sinh ra do nhiễm quá lâu nọc độc của thói bao cấp tư tưởng, tâm hồn cứng queo vì bị những thứ chỉ ngũ sắc xuyên suốt mãi. Dần dà người ta cũng chấp nhận chuyện sống chung với kiến lửa, chỉ không hiểu vợ hắn chịu đựng bằng cách nào.
          Rồi mỗi người đi một nơi, hắn thì vẫn ở đấy. Gần đây nhất gặp lại bác sĩ Hiên, bác sĩ kể rằng hắn kêu bị đau răng từ hôm vợ hắn nấu món riêu cá quái quỉ gì đó, nhất quyết xin giấy giới thiệu đi nha khoa để nhổ phứt nó đi. Nhưng hoá ra điểm đau là lợi bị viêm ở bên duới ba chiếc răng giả.
          Hình như  y học ngày nay chưa có thuốc đặc trị chữa bệnh cho hắn. Thứ bệnh vô cớ làm đau người khác và tự nghĩ rằng mình luôn bị người ta làm đau. Chỉ có thể nhổ đuợc răng, chứ chưa thấy ở đâu nhổ lợi bao giờ!
 
                                                                                                Ngọc Châu
ĐÁM   MA
 
Hai đứa bé nắm tay nhau ngơ ngác. Đứa nhớn lên sáu, nhỏ lên bốn. Chúng đi giữa bao nhiêu là người.  Nhiều người yên lặng, cũng nhiều người sụt sịt. Họ sụt sịt to hơn hai đứa, nhưng còn có những tiếng ồn ào làm chúng hoang mang. Cả lo, cả sợ.
Người ta bảo mẹ hai đứa chết rồi. Rồi họ đặt mẹ chúng vào trong một chiếc hộp gỗ dài, giống chiếc hộp dạo truớc người ta đặt bà cụ Tâm,  ở gần nhà hai đứa, để đem chôn. Nhưng cái hộp đựng mẹ ban đầu không đuợc đẹp như vậy, không có con rồng vàng choé với các hình chạm trổ, xinh xẻo. Ông xích- lô chở về cái hộp để đựng mẹ chỉ có một màu vàng nhạt thôi, mà hai đứa thấy rằng mẹ chúng đẹp hơn bà cụ Tâm nhiều.
Rồi bố hai đứa về cùng một người xưng với chúng là dì. Dì không đẹp bằng mẹ, nhưng bố chúng lại nghe lời dì. Khi dì bảo “Anh đổi cái áo quan này đi, để cái này xấu mặt tôi lắm” là bố đi ngay ra ngoài, không kịp nhìn  mẹ chúng lúc đó còn nằm ở trên giường. Mặt mẹ có tờ giấy trắng phủ lên, chắc người ta sợ ruồi nó quấy không để cho mẹ ngủ yên. Lát sau bố đã quay về, có mấy người khiêng vào theo  một cái hòm gọi là áo quan, còn to và đẹp hơn chiếc đựng bà cụ Tâm dạo nọ.
 Nhưng sợ nhất là từ lúc nằm vào đấy mẹ không nói gì nữa, không gọi “Tố ơi!” hoặc quát “thằng Hên kia, mày có nhường cho em không hở!”, như những ngày truớc đây.
Vậy nên cả hai anh em đều khóc.
Chúng khóc không chỉ vì mẹ chết rồi. Khóc còn vì không thấy bố chúng khóc như những người xúm quanh chiếc hòm đựng mẹ. Bố chúng còn mải gắn mảnh vải đen to bằng con bướm vào ngực áo người xưng là dì, bận đi lấy chai nước lọc cho dì ấy uống. Năm ngoái khi không thấy bố về nhà nữa, chúng hỏi mẹ bố đi đâu, mẹ bảo là bố đi với người giúp bố lập công ty. "Sao mẹ không cùng đi lập công ty với bố?"- Cu Hên hỏi mẹ như vậy-"Mẹ chỉ là công nhân, lấy đâu ra tiền mà lập công ty với ông ấy"- Mẹ trả lời thế. Mặt mẹ rất buồn. Còn cái công ty ấy có tên gì dài dài, cu Hên chỉ nhớ mấy chữ "tê tê hát hát", em nó thì cãi "tê en hát hát gì cơ" mặc dù đã đứa nào đi học đâu.
Không biết bố chúng mở công ty tê tê hát hát để làm gì. Sao không cho mẹ chúng cùng mở công ty?  Để mẹ phải đi làm thêm ở khách sạn, làm cả ban đêm. Mẹ bảo không đi làm thì lấy gì nuôi chúng mày... Mẹ đẹp ra nhưng rồi bỗng yếu hẳn đi, người ta bảo mẹ bị "hat i vê" gì ấy. Bây giờ thì  ngủ không dậy nữa..
Bố chúng lại vừa đón về một ông sư, rồi đông các bà mặc quần áo nâu cũng đến theo. Ông sư chui ra từ trong chiếc xe ô tô, đi một mình một xe. Các bà áo nâu gọi ông ấy là sư thầy Hải, trông chẳng giống cụ sư Tô ở chùa Tổng, nơi mẹ hay dẫn chúng đến tí nào. Cụ sư  Tô hiền hiền là, ít nói lắm. Thầy Hải này nói luôn mồm, chỉ trỏ luôn tay, liếc người nọ người kia. Hai đứa thấy ông Bưu điện bên hàng xóm nói với một bà đang sụt sịt "Sư mô gì mà liến láo như quạ vào chuồng lợn ấy!"... Dì thỉnh thoảng nói điều gì đó với  thầy Hải, thầy lại đi ra đi vào, chỉ trỏ, chỉ trỏ.
Bố có vẻ phải quan tâm đến mọi thứ, làm mọi điều mà dì vẫy lại nói vào tai bố. Chỉ hai đứa chúng nó chẳng có ai quan tâm, ngoài chị bán bánh rán vẫn nắm chặt tay hai anh em  từ  lúc mọi người nhốn nháo.
Mọi chuyện chúng đều không hiểu đuợc. Bao nhiêu là chuyện. Ai biết  được hết những câu hỏi trong đầu hai đứa trẻ vừa mất mẹ. Cả hai đứa ấy cộng lại mới vừa mười tuổi, sao đã có quá nhiều câu hỏi đến với chúng như thế.
Thỉnh thoảng chúng lại nhìn ngơ ngác. Mẹ thì không thấy nữa rồi. Có phải chúng muốn tìm ông Thiện, ông Bụt, các bà Tiên, bà Mụ trên trời và trên mặt đất?
 Ai có thể trả lời cho chúng? Có thể xoá đi các câu hỏi đó, để trẻ con đuợc có những giấc mơ đùa chơi với Miu với Cún đêm đêm?!
 
                                                                             Ngọc Châu
 
 
 
 
 
Chân chỉ hạt bột
 
          Là giáo học về hưu nên hai vợ chồng tôi mở một "siêu mini thị", tức là mấy giá hàng bày bán mọi thứ thiết yếu, cho bà con xung quanh ngại đi "thị" hay "siêu thị". Thêm một máy dịch vụ điện thoại cho các cô cậu sinh viên trọ học đến trao đổi thông tin, vậy nên dù không muốn nghe nhưng vô tình cũng biết khối chuyện về kẻ sĩ  tương lai thời a còng này.
          Vợ tôi đang ngồi với một bà nửa quê nửa tỉnh, đến thăm đứa con nhớn là sinh viên năm thứ ba truờng Hàng Hải. Chắc cậu con đang lên lớp nên bà ta ngồi đợi, vừa nhặt hộ ''ba xa" nhà tôi mấy mớ rau dưa, vừa buôn dưa góp.
          -Thằng Vung nhà tôi đuợc cái ngoan lắm bà ạ- bà khách rất hãnh diện với cậu con sinh viên- Hồi ở nhà, ngoài việc học nó phải đảm nhiệm rau bèo cho sáu con lợn. Lại còn  bổ củi, gánh nuớc, tưới rau, tất tần tật. Bố là thương binh, chỉ gọi là có người đàn ông làm vì trong nhà. Mọi việc nó đều làm hết. Bây giờ đi học, không có tiền xe để về nhà  luôn nhưng vẫn thường xuyên gọi điện về thăm bố,  nhắc em chăm học, chăm làm. Nó vẫn là thằng bé chân chỉ hạt bột..
          -Anh cả trong nhà thì phải thế chứ- "Ba xa" nhà tôi tham gia- Cứ như cậu Vinh, cái cậu vẫn  sang đây gọi điện, mua thuốc lá chịu ấy thì  hỏng, anh nhỉ!- quay sang phía tôi "ba xa" nói thế.
          Anh chàng Vinh thì tôi lạ gì. Cũng ở quê cách đây khoảng ba bốn chục cây số thôi. Hay sang đây ngồi trà lá. Năm đầu tiên còn mang dáng thuần quê, chăm học. E dè, chi li nhưng sòng phẳng. Nhưng từ giữa năm thứ hai đã thấy khác đi rất nhanh. Nói năng, ăn mặc chẳng khác gì dân Cầu Rào chính hiệu. Cũng bỏ giờ học, ngồi đánh bài ăn tiền. Bắt chước mấy cậu ấm sứt vòi phì phèo đầu lọc, "dzô"  mấy li cuốc lủi, bia hơi. Chả biết còn thứ gì nữa không mà mấy hôm nay thấy nhà trường với bảo vệ dân phố đến phòng trọ tìm vài lần rồi..
          - Thằng em nó nghịch hơn,  nhờ có anh gọi điện về nhắc nhở nên cũng đỡ.- Đấy là bà khách nói tiếp- Bố nó vẫn căn dặn "Bố mẹ đặt tên mày là Vung. Vung phải thật tròn để đậy nồi tròn của nhà mình từ xưa đến nay đấy nhá, hiểu chưa? "
          - Cái anh cu Vinh thì đúng là méo xẹo- "ba xa" vẫn bình luận theo kênh của mình- đang trốn học ngồi đánh bạc mà có điện từ nhà gọi lên, cu cậu chạy vào vâng dạ, khoe học giỏi, cũng nhắn dạy em ở nhà ghê lắm.
          Món dưa góp của hai bà khá là phong phú. Vui chuyện bà khách còn bảo nhỏ rằng bà vẫn phải dấu cậu con chuyện lên đây làm Ô-sin "ở nhà với bố nó thì tiền đâu cho nó ăn học, cứ mỗi năm một tốn thêm. Nhưng cậu cả này sĩ  lắm, tôi cứ phải nói dối là vẫn nuôi lợn, trồng rau ở nhà"..
          Thế đấy, khi cần thì "cha để nhà cho con truởng, cha ngất ngưởng đi ăn mày". Thời nào thì thời, cha mẹ có bao giờ tiếc công tiếc sức với con cái, chịu đựng ngay cả đắng cay miễn là cho con đuợc chút ngọt bùi.
          - Bố nó vẫn bảo "nhà mình nghèo, không có nồi to rế cả như nhà người ta. Nhưng không bao giờ dùng nồi méo, có là niêu đất cũng phải chọn cái niêu thật tròn. Anh bao giờ cũng phải là cái vung tròn của nhà này, không đuợc vác về nhà một cái nồi méo đâu nhá!" Ông ấy nói thế, chắc chúng  hiểu hết ý trông mong của bố mẹ. Truớc khi lên biên giới, ông ấy vẫn dạy học mà.
          Có tiếng ồn ào. Một đám người kéo theo sau anh công an dẫn một thanh niên bị còng tay đi vào khu phòng trọ sinh viên. Đúng là cậu chàng Vinh, nhân vật mà "ba xa" nhà tôi đang nhắc tới. Chắc có vụ trộm cắp gì, có thể còn dính vào sâu sia ma tuý nữa cơ, ở đây đã có vài vụ thế rồi.
          - Ôi, con tôi! Làm sao thế kia Vung ơi!-  bà khách  bỗng hốt hoảng.
          - Đâu nào bà, đấy là thằng Vinh, cậu Vinh mà tôi vừa kể ấy mà - Bà xã tôi cũng hốt hoảng đứng lên kéo tay bà khách.
          -Ôi làm sao thế, con ơi. Nó là thằng Vung nhà tôi đấy, có phải thằng Vinh viếc gì đâu. Các ông ơi, nó là thằng Vung chân chỉ hạt bột nhà chúng tôi đấy mà- Bà mẹ cuống cuồng vớ chiếc túi chạy theo đám đông đang khuất vào trong ngách.
          Thì ra ở đây anh con trai bà lấy tên là Vinh. Nhưng phố bây giờ sẵn hạt bột lắm. Nào bột bánh phở hàn the, bột su-dan tương ớt, bột bảo quản cá thịt bền hơn chất bảo quản xác uớp Ai Cập .. mà còn chưa kinh bằng các loại bột lắc, bột he- rô- in  cơ.
          Thật khổ cho các bà bủ. Thứ hạt bột chân chỉ gốc ở quê làm sao chọi nổi. Sao các bà lại quá tin vào điện thoại đến thế. Giá cứ bảo thẳng nó rằng bà phải làm Ô-sin để lấy tiền cho nó ăn học. Cứ đến đây kiểm tra luôn luôn thì có khi Vung nhà bà đâu đến nỗi méo đi nhanh thế.
                                               
                                                                                                Ngọc Châu
 
                   A N H     H Ù N G
 
          Trước kia chẳng ai bảo me-xừ ấy là hèn. Hèn thì  xứng danh đại ca sao đuợc. Đại ca trong làng đao búa thì chỉ cần sẵn sàng đổ máu, chặt một ngón tay quăng cho chó gặm chẳng hạn, là đủ để bọn đàn em bái phục. Nhưng nhân vật này không phải làng đao búa. Me-xừ là trí thức gộc, còn là giám đốc công ty, bí thư đảng uỷ nữa.      
          Được tôn  "Đại ca" trong lĩnh vực này cực khó. Phải lăn xả trong khâu làm quen, thấy người sang là phải bắt quàng làm họ cho bằng đuợc, đánh hơi  có siêu giá trị thặng dư thì dù có bị treo cổ  cũng phải vào cuộc. Đó luôn là  mê cuồng, là khát khao vuơn tới để hãnh và tạo cơ dìm đối thủ xuống chân, ngoài ra còn phải hùng và hoành tráng trong mọi cuộc chơi. Nhờ thế mà me-xừ được tôn là đại ca, chỉ có một hệ quả cố sức xoá mà không được, đó là cái biệt danh "Mõm Xanh ăn dày", dày đến mức "nuốt cả tất" như các cộng sự thường nhận xét sau lưng.
          Ai bảo cuộc đời này không cần những người như thế. Vì rằng nếu ai cũng chối bỏ cả tham, sân, si thì  làm sao mà tồn và xây đuợc xã hội  người ta đang sống trở thành cõi Niết bàn?
          Mọi chuyện chính là do vào cái ngày đẹp trời  ấy, khi mọi thứ tiêu chí và cơ cấu đã dồn vào khiến me-xừ bỗng dưng trở thành Anh hùng. Doanh nghiệp nhà nuớc, phát triển công trình giao thông là trọng điểm của thành phố, tổng doanh thu luôn là đơn vị dẫn đầu, đã kiếm đuợc bằng thạc sĩ còn là giám đốc kiêm bí thư đảng uỷ, năm nào cũng trong sạch vững mạnh. Nhiều thứ  trúng với tiêu chí quá nên me- xừ đã hội tụ đủ mọi điều kiện theo kiểu "bó đũa chọn cột cờ" để đuợc tuyên duơng là Anh hùng Lao động đợt đầu tiên trong thời kì đổi mới.
          Cái danh đến bất ngờ thường làm người ta choáng. Me-xừ tưởng mình là anh hùng thật, hơn đứt Hàn Tín đời nhà Hán. Ngày xưa danh tuớng ấy còn phải chui qua háng một thằng ba trợn ở giữa chợ lúc ông ta đang hàn vi, đằng này đời đã cho cả danh hiệu Anh hùng lẫn Đại ca mà chưa lần nào phải chịu nhục. Vậy nên me-xừ phải dọn lại cách xử sự, sao cho "phục y xứng kì đức", cao đầu thêm một chút, thêm tí ti khệnh khạng, đổi đời chiếc xe con... Truớc kia chức Giám đốc đã là một hãnh diện nhưng giờ đây me-xừ cảm thấy mình phải lên Sở mới xứng đáng.
          Rồi me- xừ đuợc lên Sở thật, Truởng phòng hẳn hoi. Chiếc thang danh vọng rõ ràng đang trong tầm tay, cả bậc và tay vịn  đều chắc chắn và nhẵn nhụi. Nhưng tối ba mươi tháng chạp vẫn chưa phải là tết - người đời thường bảo thế- nên chẳng hiểu sao dưới mông me-xừ, chiếc ghế mới lại thành chỗ ngồi chơi xơi nuớc, mà toàn là nước nhạt cho đến ngày me-xừ  bất mãn, quyết định xin về hưu sớm.
          Đám bạn bè cùng học phổ thông lúc này mới bắt đầu lai vãng tới thăm, mà chính me-xừ - khác hẳn khi còn ngây ngất với những từ anh hùng với đại ca - cũng muốn bù khú với những thằng bạn nhất quỉ nhì ma ngày xưa.
          - A, chào thằng bạn anh hùng dân tộc, lâu lắm mới có dịp gặp nhau.- đó là thằng Hanh, di tản sang Ca-na-đa từ đầu những năm tám muơi- Chủ nhà nhận ra ngay dù trông hắn to gấp ba tay lái xe tải ngày xưa.
          - Chào cựu đại ca. Thôi bây giờ mày góp vốn vào cái TNHH của tao đi, tao  nhường mày làm đại ca đấy- đó là thằng Vu, đứa suýt bị đuổi học vì ghẹo gái năm học lớp 9.
          Đủ mọi thứ chuyện, mọi đề tài đuợc nhắc đến trong những cuộc "gặp nhau cuối tuần". Cái thằng Hanh Ca-na- đa, bây giờ vốn có đến vài triệu đô, kể rằng nó đã qua mọi thứ việc mà dân bản xứ coi là mạt hạng như đào giun, trồng cỏ (cần sa) dưới hầm ngầm thắp điện..
          -Tao làm những nghề hèn mọn ở bên ấy hàng vài chục năm mới ngoi lên làm đuợc anh tiểu chủ - hắn nói - tình cờ đọc tờ báo cũ thấy mày đụơc phong anh hùng, mừng và thèm hết chỗ nói..
          -Thôi quên những chuyện ấy đi.- chủ nhà gạt phắt- Ớn lắm rồi..
          -Không nên quên những chuyện như vậy- thằng Vu tham gia- hôm nọ thấy thằng Hùng bệu nháy chuột, xem cái đĩa toàn tập của vị Chủ tịch đầu tiên của nuớc Việt Nam DCCH, tao nghĩ là nó muốn sấy "i-c". Nhưng chợt thấy bài "Anh hùng giả và anh hùng thật"*, nghĩ đến mày tao phục Ông Cụ sát đất. Cụ viết " Anh hùng giả là người có độ lượng nhỏ bé như cái vỏ hến, một giọt nước cũng đủ đầy tràn .. dễ cho mình là đại tài, tiểu dụng , quần chúng quên công, quên ơn họ..".
          - Cái chết của mày là ở chỗ đã đuợc phong một danh hiệu giả- nó lại bình tiếp-  sở truờng lăn xả và bất chấp của một đại ca nhằm giành giật trong nền kinh tế thị truờng tự nhiên bị vô hiệu hoá, khiến mày lập tức trở thành Anh hèn sau khi đuợc phong Anh hùng. Phong như vậy chẳng ích gì cho đời và cho chính mày...
          Không thể cãi lại đuợc thằng này, me-xừ chỉ thấy là vị vang chát sao bỗng trở nên đăng đắng trong cổ họng...
                                     
                                                                                               Ngọc Châu
                                                                                          
* Hồ chí Minh toàn tập, tập 7, trang 167.
 
                                               
 
 
 
 
 
 
[font=.vntime] 
 
#1
    Thanh Vân 08.01.2010 02:06:24 (permalink)
    Gửi chùm 5 truyện ngắn mini

    Đã mang vào thư viện

    Chúc Ngọc Châu luôn vui

    Thân ái
    #2
      Chuyển nhanh đến:

      Thống kê hiện tại

      Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
      Kiểu:
      2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9