Chỉ có thể là yêu
Ms Emerald 08.01.2010 05:30:52 (permalink)
Tiểu thuyết dành cho những người đã yêu, đang yêu và sẽ yêu...
 
CHỈ CÓ THỂ LÀ YÊU
 
Phần 1: Nổi sóng
 
Một trận gió lạnh còn sót lại của đợt rét cuối cùng ào đến làm Thảo Nhi khẽ rùng mình. Sương đêm đã làm mái tóc cô ướt đẫm. Tối nào cũng vậy, Thảo Nhi đều bắt chuyến xe bus cuối cùng trong ngày từ chỗ làm thêm về nhà trọ vào tầm này. Đường phố vẫn chưa hết ồn ào, mà có bao giờ hết ồn ào được chứ, nhất là lại trên một con phố lớn như phố Tây Sơn này. Mùi thịt nướng từ  những hàng bánh mì đêm thoảng đến nhắc cô nhớ ra rằng tối nay cô chưa ăn gì. Hôm nay là ngày nghỉ nên nhà hàng đông hơn thường lệ. Cả buổi tối chạy bàn nên chân cô bây giờ đã mỏi nhừ. Lâu lắm rồi cô mới có cảm giác mệt mỏi như thế. Tối mai Hạnh, Thủy và Thu mới từ quê lên. Ba người là bạn cùng trọ với Thảo Nhi. Bốn người thuê chung một phòng riêng trong một căn hộ tập thể cũ. Bác chủ nhà gốc là người ngoại tỉnh nên chỉ có bác trai và hai vợ chồng người con út ở đây. Gia đình bác chủ không khó tính lắm,lại đi làm cả ngày nên cô cho rằng cuộc sống hiện nay của mình là khá ổn.
 
Thảo Nhi vừa rẽ vào ngõ chợ thì có 4 chiếc xe máy rẽ vào, rú ga ầm ĩ. Đám người vụt qua, ánh sáng từ quán ăn đầu ngõ hắt vào làm sáng lên những thanh kiếm dài, những con dao và mã tấu mà những tên đi xe máy đang cầm trên tay. Chúng gọi nhau í ới, chia nhau tìm ai đó trong cái ngõ vắng này làm mấy bác bán hàng khuya ven đường vội dạt vào hai bên. Chắc lại có vụ đâm chém săn đuổi ai đó đây. Mới hôm trước ở cuối chợ này cũng có một vụ đánh lộn, hình như còn có người bị thương nặng lắm. Thảo Nhi nghe Hạnh kể như thế. Bọn giang hồ cứ hò nhau dồn đối phương vào những ngõ tối và vắng như thế này rồi mới ra tay. Trong này có nhiều ngóc ngách, có bị công an hay đội trật tự đuổi cũng dễ dàng đào tẩu.
 
Thảo Nhi thở dài và rẽ vào cầu thang. Cô ở trên tầng 4. Cái cầu thang tối này nằm ngay đầu ngõ, cách đường lớn không đầy 20m nên ai mới vào đây lần đầu khó lòng mà nhận ra ngay. Cô loay hoay tìm điện thoại và bật lên cho có một chút ánh sáng. Cô cố bước những bước cuối cùng lên phòng trọ. Hôm nay gia đình bác chủ cũng về quê có việc nên chỉ có mình cô ở đây cuối tuần này. Cũng may cả hai ngày nghỉ cô đều đi làm nên cũng không đến nỗi buồn chán lắm. Thảo Nhi thò tay lần tìm khóa ở bên trong, thì thình lình nghe một tiếng "hự" vang lên, dù rất nhỏ nhưng giữa cái không gian tối đen và tĩnh mịch này, nó không khác gì một tiếng sét làm cô không khỏi rùng mình và giật thót tim. Cô ngẩng đầu nhìn vào bóng tối im lìm, nơi phát ra tiếng kêu. Không gian lại yên ắng như thường. Nghĩ là do làm việc quá mệt mỏi nên đầu óc có thể hơi căng thẳng, cô lại quay vào lần tìm mở khóa. Vừa quay vào thì lần thứ hai, tiếng kêu đó lại vang lên, lần này rõ ràng là một tiếng rên vô cùng đau đớn. Người Thảo Nhi đột nhiên run bắn. Cái khóa chết tiệt sao bữa nay lần chỗ tra chìa khó thế? Một mình giữa bóng tối, Thảo Nhi nghe lạnh hết cả người. Tiếng rên mỗi lúc một to hơn, nhưng chỉ được một chốc lại tắt lịm.
 
Lấy hết dũng cảm, cộng với trí tò mò, Thảo Nhi bước lên tiếp, điện thoại vẫn hướng về phía trước để soi đường. Chưa bước lên đến giữa, cô đã suýt hét lên bởi ở ngay giữa chiếu nghỉ, một thân hình đang nằm bất động. Chân cô bị đóng băng ngay tại chỗ, và cả người dường như tê cứng, không tiến lên được, cũng chẳng chạy được. Khi hơi bình tĩnh trở lại, cô bước đến gần hơn. Nhìn dáng người, trang phục và đầu tóc, Thảo Nhi nhận ra là một người đàn ông, thậm chí giống một thanh  niên hơn. Anh ta nhắm nghiền mắt, không động đậy. Tay run run, cô khẽ chạm vào vai anh ta lay gọi. Đáp lại câu gọi của cô chỉ là một tiếng rên, nó làm cô lần nữa bị giật mình và vội rụt tay lại như chạm phải điện. Vậy là anh ta còn sống. Nhưng chưa kịp thở phào thì cô điếng hồn khi thấy đầu ngón tay nhớp nhớp. Lấy điện thoại soi vào, suýt nữa thì cô đã hét lên khi phát hiện ra tay mình có máu. Người này đã bị thương. Cấp cứu? Số điện thoại cấp cứu là bao nhiêu ấy nhỉ? 114 hay 115? Đầu óc Thảo Nhi bỗng loạn lên một cách đáng sợ. Cô chưa bao giờ tự mình nhớ và phân biệt được hai số điện thoại đó nên thành ra bây giờ luống cuống. Phải khó khăn lắm cô mới không để điện thoại tuột khỏi tay. Tiếng xe máy vẫn gào rú inh ỏi dưới ngõ. Có khi nào người mà bọn kia đang săn đuổi chính là người này? Anh ta bị chúng chém bị thương nhưng đã kịp thời tránh vào đây. Leo lên được đến đây thì anh ta ngất xỉu. Nếu cô gọi cấp cứu, rất có thể anh ta sẽ bị phát hiện. Nhưng nếu cứ để thế này cũng không phải là một cách hay. Anh ta có thể sẽ nguy hiểm đến tính mạng vì mất máu và vì lạnh. Lần đầu tiên từ lúc chứng kiến cảnh này, Thảo Nhi bình tĩnh suy xét vấn đề. Không thể nào làm liều được, còn không biết người này bị thương nặng nhẹ thế nào, nhưng cô lại chưa thể nghĩ ra cấp cứu là 114 hay 115 nữa? Rồi cô bấm máy, Hạnh trả lời cô bằng giọng ngái ngủ:
 
- Gì thế mày?
 
- Mày ơi, số điện thoại cấp cứu là 114 hay 115?- Cô cuống quýt hỏi.
 
Chưa kịp nghe Hạnh trả lời thì một bàn tay thò tới, giật phắt chiếc điện thoại từ tay cô. Người đàn ông nằm dưới đất dường như hơi tỉnh, chí ít thì cũng có thể cướp chiếc điện thoại ra khỏi tay cô. Chỉ chưa đầy 10 phút trôi qua từ lúc đặt chân về ngõ chợ mà cô đã bị mấy phen giật mình. Mỗi lần như vậy là đầu óc cô lại căng lên. Nhưng không dám hét to, Thảo Nhi chỉ dám quát khẽ:
 
- Anh làm gì vậy? Để tôi gọi người cứu anh. Chứ anh  muốn nằm chết ở đây à?
 
- Im đi...- Anh ta thều thào gắt lại- Tôi có chết cũng không cần cô lo. Đi đi và để tôi yên.
 
Trong đời Thảo Nhi chưa khi nào gặp con người nào lỗ mãng và cục cằn như người này. Cô đứng phắt dậy, giật lại cái điện thoại. Cái giật vô tình ấy làm anh ta "hự' lên một tiếng rồi lại nằm im. Lần này có vẻ như anh ta ngất thật sự. Cô lại cuống quýt cúi xuống. Biết làm thế nào với người này đây. Là người được lớn lên trong sự nuôi dưỡng và giáo dục nghiêm khắc, Thảo Nhi không muốn dây dưa với những người như người này. Cô cũng không muốn bác chủ nhà biết là cô cho anh ta vào nhà. Nếu bác mà biết thì thế nào cũng to chuyện. Cô dậm chân bất lực. Có tiếng người đâu đó ngay phía dưới, nên cô chẳng có nhiều thời gian cân nhắc nữa. Cô cúi xuống, kéo tay anh ta nói vội:
 
- Bọn họ sắp lên đến đây rồi, anh tạm lánh vào nhà tôi đã nhé?
 
Đáp lại cô chỉ có tiếng thở nặng nề khó nhọc của hắn. Cô quay xuống mở cửa sẵn rồi lại lên dìu anh ta xuống. Sau này chính cô cũng không thể nào lý giải được tại sao cô lại có thể đưa được một người như anh ta vào nhà. Anh ta chí ít cũng phải cao đến hơn 1m8, chân tay dềnh dàng không để đâu cho hết. Còn Thảo Nhi, đúng như tên gọi, nhỏ nhắn và mảnh mai, việc dìu một người to con như thế thật là một điều không tưởng. Lúc này cô chỉ sợ rằng nếu bọn kia lên đây thì không những nguy hiểm cho người này, mà chính cô cũng có thể bị vạ lây.
 
Để hắn nằm xuống giường xong, Thảo Nhi đứng thẳng dậy thở dốc. Bây giờ cô lại thấy lo sợ không để đâu cho hết. Tại sao cô lại đi ôm rắc rối thế này? Người này an toàn thì không sao, nhỡ có chuyện không hay thì cô làm sao cáng đáng nổi? Cô còn chưa dám chắc người này không bị thương gì nghiêm trọng nguy hiểm đến tính mạng. Khắp người hắn đầy máu, từ mặt đến tay chân, quần áo. Không biết anh ta bị bao nhiêu vết chém nữa? Thảo Nhi tháo giầy và xếp anh ta nằm ngay ngắn trên giường. Anh ta vẫn nằm yên, không rên la, hệt như đang ngủ vậy, mà ngủ rất ngon nữa chứ. Cũng may phòng cô luôn sẵn bông băng và thuốc sát trùng vì Thu sinh hoạt ở võ quán của trường, thỉnh thoảng vẫn bị những vết thương lặt vặt ngoài da.
 
Đun nước sôi xong, cô lục tìm túi bông băng và mang đến giường. Tự dưng cô thấy lúng túng một cách kì lạ. Đây không phải là lần đầu tiên cô băng bó vết thương cho người khác, nhưng cho một người bị thương toàn thân như vậy, mà lại là nam giới thì chưa từng. Loay hoay mãi đến gần 5 phút cô mới cởi được chiếc áo phông vàng nhạt đã rách tả tơi vì xô xát và những vết chém, loang lổ vài đốm máu mà không động vào những vết thương ở mức thấp nhất. Cảm giác của cô là kinh hoàng không để đâu cho hết. Tự nhiên cô ứa nước mắt khi nhìn vào những vết thương, cả những vết sẹo chằng chịt trên người anh ta. Tại sao con người có thể đối xử với nhau tàn độc như thế? Tại sao họ có thể thẳng tay chém giết nhau mà không một chút giật mình như thế? Tại sao những người như anh ta lại không biết quý trọng cơ thể mình như thế? Tự nhiên cô thấy căm ghét và muốn bỏ mặc anh ta kinh khủng. Lấy tay quẹt ngang dòng nước mắt, Thảo Nhi rót cồn ra và bắt đầu lau vết thương. Cồn chạm đến đâu là những vết máu sạch đến đấy, chỉ để lại những vết sẹo nhỏ mà không một thứ nước nào có thể xóa đi được. Có những chỗ máu đã khô lại nên cô phải kì mạnh tay nó mới chịu bong ra, và mỗi lần như thế, cô lại thấy cơ thể anh ta giật nhẹ. Nhưng anh ta tuyệt nhiên không hề tỉnh giấc. Cũng may là những vết chém không sâu và không có gì nghiêm trọng cả. Có lẽ anh ta ngất chỉ vì hoàn toàn kiệt sức? Đến khi trên người anh ta không còn vết máu nào và các vết thương đã được băng bó cẩn thận, Thảo Nhi mới thở phào nhẹ nhõm. Bây giờ, nhìn anh ta, cô lại đỏ mặt. Người này còn rất trẻ, gương mặt có những nét đẹp cân đối và rất hài hòa. Thẳng thắn mà nói thì cô chưa gặp một người nào đẹp như anh ta. Không phải là vẻ đẹp của người nghệ sĩ, mà là một nét nam tính, rất ngông, hơi bướng và có chiều hà khắc. Trông anh ta nằm đó không ai có thể nghĩ rằng anh ta vừa bị một đám giang hồ cầm kiếm và mã tấu rượt đuổi. Những vết bầm dập trên mặt bắt đầu sưng lên. Những vết bầm đó sẽ tan, nhưng cô mong nó cứ ở nguyên đó để nhắc nhở anh ta về bài học hôm nay.
 
Rụt rè một lúc, Thảo Nhi đánh bạo đưa tay vào túi quần anh ta để tìm xem có cách nào liên lạc với người thân của anh ta không. Có một cái ví. Cô mở chiếc ví da ra, bên trong có chứng minh thư, bằng lái xe, hai tấm ảnh chụp hai cô gái khác nhau. Trong ảnh họ đều mặc áo dài. Rõ ràng nó được chụp khi họ còn là nữ sinh. Các giấy tờ tùy thân đều đề tên Vũ Nam Phong. Đây đích thị là giấy tờ của người này, dù trong ảnh trông anh ta hiền và thư sinh hơn nhiều. Anh ta hơn cô đến 7 tuổi, là người Hà Nội. Ngoài ra thì chẳng có gì có thể giúp cô tìm được người thân của anh ta nữa. Đành phải đợi anh ta tỉnh lại rồi mới tính tiếp được. Nhìn lại hai tấm hình trong ví, cô thở dài lẩm bẩm:
 
- Hai người sẽ đau lòng lắm nếu thấy anh ta thế này.
 
Cô đặt chiếc ví lên đầu giường rồi tắt bớt điện và chuẩn bị đi tắm. Hôm nay cô đành phải ngủ ở giường của Thủy và Hạnh dù cô không thể chịu được sự bày bừa của hai đứa nó trên giường. Trời sắp nóng mà tụi nó bày đủ thứ gấu bông và sách vở, chăn gối, nhìn đến phát ngột lên được. Lại còn cái mùi nước hoa của Thủy mà chưa bao giờ cô và Thu hết càu nhàu vì nó quá nồng. Căn phòng này rộng nên có thể  kê được hai chiếc giường đôi một cách thoải mái.
 
Nước làm Thảo Nhi tỉnh táo và bớt mệt mỏi hơn. Mai vẫn là ngày nghỉ cuối tuần nhưng cô phải đi làm đổi ca cho chị bạn. Đã gần 1h sáng. Vậy là đã sang ngày hôm sau mất rồi. Cô cần chợp mắt một chút để mai còn đi làm. Cô ngó qua người bị thương trước khi đi ngủ. Cô giật mình khi thấy sắc mặt anh ta có gì đó không ổn. Hơi thở nóng và đầy mùi rượu. Thảo Nhi vội đưa tay lên trán anh ta sờ thử nhưng rồi rụt ngay lại vì trán anh ta nóng như hòn than. Anh ta đã lên cơn sốt. Cô vội vàng mở tủ lạnh lấy đá và dùng khăn chườm lên trán anh ta, hy vọng sẽ phần nào hạ sốt.
 
Nam Phong mê man suốt cả đêm. Có lúc sốt cao anh ta nói nhảm và gọi tên ai đó nhưng Thảo Nhi, trong giấc ngủ chập chờn, cũng chẳng muốn nghe xem anh ta nói gì. Cô ngủ gục bên giường, cạnh anh ta đến tận sáng. Đến sáng, Nam Phong quả nhiên đã hạ sốt, nhưng vẫn không chịu tỉnh lại. Thảo Nhi để lại giấy nhắn và khóa cửa đi làm. Nhà bác chủ đến chiều mới lên nên Thảo Nhi không phải lo lắng việc họ sẽ bắt gặp anh ta đi lăng xăng trong nhà trong trường hợp chẳng may anh ta tỉnh dậy và muốn bỏ đi.
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9